THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả

 

Các Chương trong Sách:

LỜI NGƯỜI DỊCH

Nói đến chư vị đại Bồ-tát, ắt hẳn chúng ta đều nghĩ ngay đến Tứ đại Bồ-tát – Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm và Địa Tạng. Bốn Ngài thể hiện cho bốn đặc thù của Phật giáo Phát triển (Đại thừa) Đại trí, Đại hạnh, Đại bi và Đại nguyện. Đây là bốn đức tính không thể thiếu nếu như ai muốn tiến đến quả vị Nhất thừa – thành Phật. Nói như thế không có nghĩa mỗi vị chỉ có một đức tính duy nhất, ví dụ Bồ-tát Quán Thế Âm chỉ có đại bi mà không có đại nguyện… Chẳng phải như thế, các Ngài đều có các đức tính kia, song có điều mỗi vị nổi bật một nét riêng (khả năng đặc biệt).

Bồ-tát Địa Tạng, được đức Thế Tôn giới thiệu khá chi tiết trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện. Ngài có oai đức không thể nghĩ bàn, trí tuệ rộng lớn không thể nghĩ bàn, biện tài không thể nghĩ bàn, nguyện lực cũng không thể nghĩ bàn… Khi còn tu Nhân địa, Ngài có phát nguyện lớn: “Địa ngục chưa không thề không thành Phật, độ hết chúng sinh mới chứng Bồ-đề”. Từ khi phát khởi đại nguyện này, cho mãi đến ngày nay và mãi mai sau, Ngài vẫn luôn lặn lội trong ba nẻo sáu đường hóa độ chúng sinh. Việc làm ấy được chư Phật, Bồ-tát, thiên thần… hết lời tán thán, ca ngợi trong hội thuyết pháp của đức cha lành Thích-ca Mâu-ni tại cung trời Đao-lợi. Cũng trong đại hội ấy, đức Như Lai tán thán công đức hóa độ chúng sinh của Ngài, đức Thế Tôn khiêm tốn nói với đại chúng, ngay cả đức Như Lai dùng Phật nhãn hãy còn không đếm biết số chúng sinh mà Bồ-tát Địa Tạng đã và đang hóa độ. Thánh đức vĩ đại, tinh thần hoằng pháp lợi sinh không biết mệt mỏi, làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn, Ngài đem lại cho chúng sinh vô lượng vô số lợi ích, an vui. Song, nếu chúng ta chỉ tán thán Bồ-tát dựa trên những chuyện cảm ứng, hoặc năng lực cứu độ chúng sinh của Ngài, vẫn chưa đủ, chưa đúng với tinh thần của Phật giáo Phát triển.

Theo tinh thần của Phật giáo Phát triển, nguyện lực cứu độ chúng sinh của Bồ-tát Địa Tạng, không phải chỉ riêng Ngài mới có, chỉ riêng Ngài mới làm được, mà hết thảy chúng sinh đều có và đều có khả năng làm được. Theo Phật giáo Phát triển chữ Bồ-tát nghĩa là “hữu tình giác và giác hữu tình”. “Hữu tình giác” là loài chúng sinh đã giác ngộ, thấu triệt chân lí; còn “giác hữu tình” là sau khi chúng sinh đó đã giác ngộ, đem sự giác ngộ ấy chỉ dạy cho người khác, giúp họ cũng đồng giác ngộ như mình. Ai có khả năng làm được điều này, vị ấy được tôn xưng là Bồ-tát. Nếu đầy đủ tự giác và giác tha, sau đó đạt đến giác hạnh viên mãn, người ấy là Phật, là Thế Tôn, là bậc đáng nhận được sự cúng dường của trời, người. Như vậy, quả vị Bồ-tát và Phật, không chỉ dành riêng cho một ai, mà hết thảy mọi người đều có phần. Đây là tinh thần bình đẳng vĩ đại của Phật giáo mà các tôn giáo khác không có được. Chưa một vị giáo chủ nào lại từ bi như đức Như Lai, chưa ai dám tuyên bố: “Như Lai là Phật đã thành, hết thảy chúng sinh là Phật sẽ thành, nếu chúng sinh ấy đi theo con đường Như Lai đã đi”.

Cho nên, khi trì niệm thánh hiệu Bồ-tát, tụng đọc kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, chúng ta không phải cầu an cho riêng mình, cho gia đình mình, tâm địa ấy nhỏ hẹp lắm, mà hãy trì niệm thánh hiệu Bồ-tát và tụng đọc tôn kinh vì hết thảy chúng sinh. Khi trì niệm Bồ-tát, chúng ta thầm phát nguyện con sẽ học tập theo tinh thần cứu khổ ban vui của Bồ-tát, con nguyện sẽ vào cõi đời ác năm trược trước để cứu độ chúng sinh, con sẽ học theo hạnh Bồ-tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau tuyệt vọng đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hi vọng và giải thoát. Con biết địa ngục có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới và con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục đang có mặt. Con xin nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất (Địa), để có thể đạt được lòng trung kiên và không kì thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho hết thảy những ai cần đến con!

Sau cùng, ngưỡng nguyện hồng ân Ba ngôi báu từ bi gia hộ cho tất cả mọi người đều được thân tâm an lạc, cuộc sống hạnh phúc. Nguyện hồi hướng phước báo của dịch phẩm này đến toàn thể pháp giới chúng sinh. Nguyện cho hết thảy đều được an lành dưới bầu trời cẩm thạch của giáo pháp Như Lai!

Nam mô A-di-đà Phật!

Hoằng Pháp, những ngày đầu năm Tân Mão (2011)
Mạt nhân Đạo Quang
khể thủ