THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả

 

PHÁP SƯ CHÍ TRUNG NGÀY NÀO CŨNG TỤNG KINH ĐỊA TẠNG

Đại sư Đàm Nhiên

Pháp sư Chí Trung người Cát Lâm – Đông Bắc, năm Dân Quốc thứ 14 đảnh lễ thầy Giới Hư xin xuất gia nguyện sống đời tỉnh thức, thầy chính là cháu trong đạo của tôi. Sau khi xuất gia, thầy không đi đâu cả. Tôi nhờ thầy đến Trường Xuân giúp đỡ việc tu sửa chùa Bát Nhã, bởi trong chùa thầy chưa làm việc gì quan trọng, do đó nhờ thầy trông coi chăm sóc công việc tương đối lớn, thầy hoan hỉ phát tâm hành khổ hạnh ngay. Khi chùa Bát Nhã chưa khởi công trùng tu, tôi nhờ thầy ở lại trông chùa, thầy vừa trông chùa vừa vào núi tìm đốn mấy cây gỗ lớn, nhờ người chuyển về chùa; những cây cột lớn trong chùa chính do một tay thầy đốn về, có thể nói thầy có công rất lớn trong việc trùng tu chùa Bát Nhã.

Năm Dân Quốc thứ 22, dự thảo kế hoạch trùng tu chùa Trạm Sơn, nơi này không có người quản lí, tôi lại nhờ thầy đến Thanh Đảo trông nom giúp.

Lúc mới đầu chùa Trạm Sơn chỉ là một cái am nhỏ, chính là am nhỏ nằm phía Tây tàng kinh các, lợp bằng ngói cũ, vách phên cũ mục. Lúc đó chùa còn rất hoang sơ, xung quanh chỉ toàn thông, không một bóng người. Đứng trong rừng nhìn ra chẳng thấy gì, tất cả đều bị bao phủ bởi cỏ dại và cây cối, phong cảnh hết sức u tịch! Tối đến lại nghe tiếng vượn hú, hổ gầm, người nào yếu tim chắc chết giấc. Thầy Chí Trung là người có sức chịu đựng khổ cực tuyệt vời. Từ nhỏ thầy không được đi học như bao đứa trẻ khác, nhưng tâm rất ngay thẳng, tuyệt không thích quanh co dua nịnh, làm việc gì cũng tận tâm tận lực, làm bao giờ xong mới thôi; đặc biệt, thầy gan dạ đầy mình, ở đâu cũng không sợ. Lúc mới đến thầy ở luôn trong cái am nhỏ đó cho mãi đến hôm nay, mười mấy năm vẫn ở trong đó, không chịu ở phòng ốc xinh đẹp, rộng rãi.

Tu sửa chùa Trạm Sơn, lúc đầu phải đào móng, vận chuyển gỗ, ngói, tất cả mọi thứ đều cần phải có người coi ngó, tìm người khác không ra, bởi bình thường sống trong cảnh thanh nhàn quen rồi, chịu không nổi sự khổ cực, đồng thời chẳng ai dám ở nơi rừng sâu nước độc này. Như vậy chỉ còn cách gọi thầy Chí Trung đến giúp. Lúc đó, thầy dự định triều bái đến Nam phương, tôi giữ thầy lại chịu khổ mười mấy năm trường, tất cả mọi việc của chùa Trạm Sơn đều do thầy lo liệu, giải quyết một cách ổn thỏa.

Thường ngày thầy chẳng có bản lĩnh gì lớn lắm, có thể nói thầy là một người thiếu học, rất chậm chạp, song đối với mọi người thầy rất chân thật, làm việc siêng năng chăm chỉ, đặc biệt rất ít nói, khi nào cần lắm mới nói một vài câu, còn không thì thôi, tuyệt nhiên chẳng có chuyện nói hoa mĩ để lấy lòng người. Tính tình cổ quái như thế, nhưng từng ấy năm chẳng ai nói thầy là người xấu. Ngày thường làm việc cẩn thận, không cẩu thả, xử lí công tư phân minh, người ta gọi thầy “Bao Công mặt đen”, “mặt sắt vô tư”, song bên trong lại chứa đầy tâm thương yêu, tha thứ, hiểu và thương.

Còn đứng trên phương diện xuất gia, thầy là người khổ não nhất, bởi xuất gia khi tuổi đã lớn, kinh sám Phật sự cái gì cũng mù tịt, thời khóa công phu, kinh, chú có thể theo chúng cùng tu, còn chuyện khác chẳng biết. Chiếu theo người tu hành, người có tư tưởng càng đơn thuần, thì tu hành càng thành công, bởi chẳng có ý niệm loạn động khác. Ngược lại người nào lanh lẹ, nhạy bén, song suốt ngày bị vô minh phiền não, vọng tưởng tranh nhau dấy khởi; bề ngoài biểu hiện như không nói, thanh tịnh, nhưng nội tâm lại đầy rẫy nhiễm ô; hạng người này nếu biết tu cũng có khả năng thành tựu, song không bằng người có tư tưởng đơn giản thuần khiết. Như thầy Chí Trung, cách suy nghĩ của thầy hết sức đơn giản, ngoài thời khóa tu tập chung với đại chúng, mỗi ngày thầy đều tranh thủ thời gian tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, lễ Phật, làm việc chúng, lúc đi lại; nhiếp tâm trì chú Đại Bi, một năm 365 ngày, mưa gió bão bùng hay nắng như đổ lửa, thầy vẫn chân thật thực tập như thế.

Cổ nhân nói: “Chí nhân vô mộng” nghĩa là người nào đạt đến cảnh giới siêu phàm thoát tục, vô ngã sẽ không mộng (bởi mộng của người giác ngộ thoát tục có khác gì tỉnh đâu, cho nên nói không mộng). Tuy thầy không được gọi là “chí nhân”, nhưng ngày thường lúc ngủ nghỉ hoặc tĩnh tọa, tuyệt nhiên chẳng mộng mị gì, có lẽ đây là duyên do để ngày nào thầy cũng tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện. Phẩm Địa Thần Hộ Pháp của kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện ghi: “Chúng sinh trong đời sau hoặc hiện tại, trong chỗ ở của mình, (…) tạc hình tượng Bồ-tát Địa Tạng, đốt hương cúng dường, chiêm ngưỡng đảnh lễ ngợi khen, thì nơi người đó ở sẽ được 10 điều lợi ích. Thứ nhất, đất đai màu mỡ; thứ hai, nhà cửa bình an mãi mãi; thứ ba, người thương đã chết được sinh về cõi trời; thứ tư, người thương hiện còn được tăng phước thêm thọ; thứ năm, cầu muốn điều chi cũng đều được toại ý; thứ sáu, không bị tai họa về nước và lửa; thứ bảy, trừ sạch việc hư hao; thứ tám, đêm ngủ tuyệt không có ác mộng; thứ chín, khi ra lúc vào đều có thần theo hộ vệ; thứ mười, thường gặp nhân duyên bậc thánh”. Phẩm Chúc Lũy Nhân Thiên ghi: “Nếu đời sau, có trang thiện nam, người thiện nữ nào thấy hình tượng Bồ-tát Địa Tạng, nghe được kinh này, cho đến phát tâm đọc tụng, dâng hương hoa phẩm vật, y phục trân bảo, bố thí cúng dường, ngợi khen chiêm ngưỡng đảnh lễ, người ấy sẽ được 28 điều lợi ích: Một là, trời rồng ủng hộ; (…) năm là, ăn uống, áo quần dồi dào đầy đủ; sáu là, không bị tật bệnh; bảy là, không bị tai họa về lửa và nước; tám là, không bị giặc cướp nhiễu hại; chín là, ai thấy mình cũng cung kính ngưỡng mộ; mười là, quỉ thần theo hộ trì; (…) hai mươi hai, đêm ngủ có giấc mộng an lành; (…) hai mươi tám, rốt ráo thành Phật”. Đây là điểm thù thắng của việc trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, người nào có ý nguyện phát tâm nên xem kĩ toàn bộ kinh này, đặc biệt chú ý đến những điều lợi ích của việc tụng trì.

Tuy thường ngày thầy Chí Trung không mộng, nhưng đôi lúc cũng có, song toàn mộng lành, những điều mộng đó lại rất linh ứng. Lúc thầy nằm mộng giống y như lúc tỉnh, bất luận đối diện với chuyện gì tâm vẫn có khả năng làm chủ, tuyệt không giống như người bình thường nằm mộng, mơ mơ hồ hồ, kinh hãi hoảng loạn. Năm Dân Quốc thứ 25, lúc trùng tu đại điện, dự bị mua gỗ trong địa phương, chẳng mua được gỗ như ý muốn, gỗ dương liễu hoặc gỗ tùng bách đều chưa đủ năm, chỉ tồn tại được vài năm, nhưng cũng không có gỗ lớn. Sau đó nhờ người đến Bắc Kinh mua, đúng lúc Định Vương phủ bị tháo dỡ, rất nhiều gỗ lớn quí không ai dùng. Định Vương phủ được xây dựng vào triều đại nhà Minh, tính đến nay đã mấy trăm năm, số gỗ này đều của hoàng đế ban tặng, tất cả đều là tùng vàng, chất lượng gỗ tốt, cứng chắc, cây to, tuổi thọ hơn ngàn năm. Hiện tại tuy đã mấy trăm năm, song sắc gỗ vẫn còn rất tốt, còn chảy nhựa màu vàng, đây là nguyên nhân vì sao chúng không bị mục hoặc mối mọt ăn.

Ân đức của Ba ngôi báu thật vĩ đại, tôi nhờ hai vị thợ lành nghề đến Bắc Kinh chọn gỗ, cuối cùng đi đến thỏa thuận với giá 4.000, đồng thời bên bán còn phát tâm chở miễn phí về Thanh Đảo. Lúc gỗ được chuyển về Thanh Đảo, người trong chùa đều không hay biết. Bữa sáng nọ, thầy Chí Trung đến nói với tôi:

Gần sáng nay con nằm mộng thấy có rất nhiều người, nam có nữ có, già có trẻ có, họ đều mặc trang phục thời xưa, y áo chỉnh tề. Dẫn đầu là một ông lão khoảng bảy tám mươi, râu dài bạc trắng. Vừa đến chùa, ông dẫn mọi người tiến thẳng vào một cách hết sức tự nhiên, nói với con: “Làm phiền lão Hòa thượng! Hôm nay chúng tôi dẫn rất nhiều người đến, mục đích xin tá túc một thời gian”. Con hỏi họ: “Chúng tôi ở đây không có phòng dư, các vị từ đâu đến đây?” Ông già đáp: “Chúng tôi đến từ phủ Đế Vương ở Bắc Kinh, chúng tôi xin tá túc ở đây không cần phòng ốc chính thức, cũng không làm trở ngại gì việc sinh hoạt trong chùa, chỉ cần có một nơi thanh vắng, hoặc ở trên trần nhà cũng được rồi. Chúng tôi vốn trú trong phủ Đế Vương ở Bắc Kinh, nay phủ Đế Vương đã bị dỡ, do đó nương vào gỗ, theo tàu cùng đến Thanh Đảo, tối qua tàu dừng nghỉ ngoài ga, sáng nay mới đến đây”. Con hỏi: “Trên nóc nhà làm sao ở?” Ông già nói: “Không cần lo, các thầy không thể ở, nhưng chúng tôi ở được”. Ông lão nói chuyện hết sức ôn hòa, tuyệt không phải hạng người xấu ác, bất luận nói thế nào ông cũng quyết ở lại, cuối cùng không còn cách nào khác, con đành phải nói: “Chuyện này bần tăng không thể quyết định, để ngày mai đến thỉnh ý lão Pháp sư xem sao”. Ông già mừng rỡ nói: “Tốt quá! Hôm nay chúng tôi đến làm phiền thầy, xin thầy nói giúp với lão Pháp sư một tiếng, nói với thầy ấy chúng tôi ở đây không phải ở không, sau này nhất định làm hộ pháp cho chùa Trạm Sơn”. Con nói: “Được! Các vị đợi cho một chút, bần tăng đi thỉnh ý lão Pháp sư xem sao”. Vừa nói xong con giật mình tỉnh giấc, ngồi định thần nghĩ lại giấc mơ vừa rồi, những gì con thấy và những gì mình vừa nói, đều hết sức rõ ràng giống như thật chứ chẳng phải mơ.

Sau khi thầy Chí Trung kể xong giấc mộng của mình, hỏi tôi:

Kính bạch lão Pháp sư! Như thế nào, thầy có đồng ý cho họ ở lại hay không?

Lúc đó tôi suy nghĩ rất lâu, nhớ lại mùa hạ năm ngoái lúc tôi ở Bắc Kinh, phủ Đế Vương – hoàng cung vẫn còn rất kiên cố chẳng chút tổn hoại, vả lại cũng không nghe chuyện tháo dỡ, nghĩ bụng họ đã hết đường mới đến cầu cứu mình, cho nên nói với thầy Chí Trung:

Họ ở đây cũng được, nhưng phải hứa không được làm việc bậy bạ, nhiễu loạn người tu hành. Người xuất gia chúng ta tu hành, nhà tiên họ cũng tu hành, phần ai nấy tu, không ai cản trở ai. Sau này chư tăng trong tự không ai được quấy nhiễu họ, còn họ phải có trách nhiệm hộ trì Ba ngôi báu, nếu họ manh động làm việc gì tổn hại đến chúng tăng, sẽ chiếu theo nội qui của chúng tăng cử tội, còn nơi ở họ muốn ở đâu cũng được không phương ngại gì.

Tôi nói xong, xuống nhà dùng cơm sáng, vừa ăn xong, Cục đường sắt gửi giấy báo đến nói đã vận chuyển gỗ đến chùa Trạm Sơn an toàn và đủ số lượng. Giờ ngẫm lại thì ra Đế Vương phủ mà thầy Chí Trung nghe ông già nói trong mộng chính là Định Vương phủ, vì ở trong mộng nên lầm như thế. Số tiên gia này nương vào gỗ theo tàu đến đây, bởi ở Bắc Kinh không còn chỗ cư trú. Buổi sáng, tôi cho mời hai vị kiến trúc sư đến hỏi, đúng số gỗ này mua lại từ phủ Định Vương, tuổi thọ của chúng đã 500 năm.

Tối hôm đó, trong lúc thầy Chí Trung đang ngồi tĩnh tọa trong phòng, bỗng cảm giác như mình mơ màng, thấy ông già đó đến nữa, vừa đến ông ta nói:

Đa tạ, vất vả cho thầy quá, thầy đã giúp chúng tôi xin với lão Pháp sư, lão Pháp sư hứa khả cho chúng tôi ở lại chùa cùng nhau tu tập. Xin mời! Đừng ngại, xin đến nhà chúng tôi dùng nước.
Vừa nói vừa dẫn thầy lên đỉnh gác. Đường lên ngoằn ngoèo khúc khuỷu, ngước đầu lên đụng xà nhà, phía dưới bụi bặm dày cả lớp, thầy thấy rất rõ. Thầy Chí Trung hỏi:

Ở đây quá sức lộn xộn, vừa nhỏ vừa hẹp, làm sao các vị có thể ở được?
Thầy vừa nói xong, ông lão lấy ngón tay chỉ một cái, đột nhiên xuất hiện một ngôi nhà cao lớn rộng rãi, sạch sẽ thoáng mát, không giống xà nhà nhỏ hẹp của thầy. Ông lão dẫn thầy Chí Trung đi dạo một vòng quanh nhà tham quan, sau đó ngồi vào ghế, thầy hỏi:

Nhà này cửa đâu?
Ông lão vừa chỉ vừa nói:

Đó không phải là cửa sao? Cửa ở hướng Bắc, buổi tối chúng tôi vào đây ở, còn ban ngày dạo chơi trong núi, do đó chẳng trở ngại gì chùa, có cơ hội tôi sẽ tuyển chọn cho chùa vài vị hộ pháp ở luôn trong đó hộ trì các thầy.

Thầy Chí Trung là người khó tính, bình thường ai thỉnh cũng chẳng đi, ngoài ăn cơm cùng đại chúng, thầy chẳng ngồi ăn với ai. Lần này tiên nhân thỉnh đi, do đó không thể không đi, chính thầy cũng không biết động cơ nào thúc đẩy đi nữa. Mới ngồi nói một vài câu, ông lão nói:

Hôm nay đã chuẩn bị sẵn một vài món ăn đãi thầy, nhưng thức ăn của chúng tôi thầy không thể ăn, vậy xin lão sư phụ dùng tạm trái cây!
Bởi lúc đi đó là chiều tối, thầy Chí Trung phát nguyện sau ngọ không ăn, ông lão bưng ra rất nhiều trái cây mời thầy, mời thế nào thầy cũng từ chối không ăn. Một bên cố mời, còn một bên cố từ chối, cả hai đùn qua đẩy lại, thầy giật mình tỉnh lại. Thầy không cho đây là vọng tưởng hoặc mộng, bởi thầy đang ngồi tĩnh tọa chứ không phải ngủ.

Thầy Chí Trung còn gặp một giấc mộng khác, lúc bắt đầu đào móng đại trùng tu chùa Trạm Sơn, thầy vẫn ở trong am nhỏ bên chùa, nửa đêm ngồi tĩnh tọa, bỗng thấy một vị lão Hòa thượng, mang cái túi rất lớn, ngoài ra còn cầm một cái giỏ nhỏ, đưa cả cái túi và cái giỏ đó cho thầy. Thầy cung kính đưa hai tay ra nhận, mở ra xem, trong đó toàn củ hoa sen, mỗi củ lớn bằng nắm tay, còn cái lớn nhất bằng quả bí đao. Lão Hòa thượng đưa cái túi và giỏ cho thầy xong nói:

Con trồng hết số củ hoa sen này trên núi, nhất định sẽ ra hoa kết đài.
Thầy Chí Trung thấy hết sức kì quái, xưa nay chưa từng thấy củ hoa sen nào lớn như thế, quay lại nhìn vị lão Hòa thượng, thân thể vị ấy cao to, hai dái tai dài đến vai, hai cánh tay dài quá gối, tướng của thấy biểu hiện con người đầy đủ phước đức. Thầy Chí Trung làm theo lời dặn của vị Hòa thượng, trồng toàn bộ củ hoa sen đó, song có điều đất quá cứng, cố sức đào bới thế nào cũng không được, toàn thân thầy ướt đầm mồ hôi mà vẫn không trồng được, vị lão Hòa thượng đứng bên cạnh nói:

Con nên niệm thánh hiệu Phật, niệm Phật đất sẽ mềm!
Thầy nghe lão Hòa thượng nói thế, vừa cầm củ hoa sen, vừa nhất tâm trì niệm thánh hiệu Nam mô A-di-đà Phật liên tục, quả nhiên đất trở nên mềm như bùn, do đó chẳng mấy chốc thầy đã làm xong công việc trồng sen. Trồng xong, thầy lại mở túi ra đổ hết những củ còn sót bên trong, nhưng đổ hoài vẫn còn hoài, thầy lại tiếp tục vừa niệm Phật vừa trồng. Thoáng chốc khắp mọi nơi trên núi đều trồng hoa sen, ấy thế củ hoa sen trong túi vẫn còn, vị lão Hòa thượng vỗ vỗ vào vai thầy, mỉm cười ẩn mất. Thầy giật mình tỉnh lại, toàn thân vẫn còn ướt đầm mồ hôi.

Thầy liền kể lại chuyện này cho tôi, hỏi rốt cuộc là ý gì. Tôi nói:

Chùa Trạm Sơn là đạo tràng mới thành lập, nhất định sau này sẽ có rất nhiều người đến tham gia niệm Phật cầu vãng sinh. Cổ đức nói: “Nguyện sẽ dạo chơi ba ngàn cõi, sau trồng liên hoa ở Tây phương”. Ở đây tuy không phải là toàn bộ của ba ngàn cõi, song cũng được xem là một phần của ba ngàn cõi, số hoa sen thầy trồng chính là chín phẩm hoa sen của Tây phương, đây là thuyết hóa sinh vào hoa sen của pháp môn Tịnh Độ. Hi vọng sau này chư vị sư phụ cùng nam nữ cư sĩ, nhất tâm tinh tấn trì niệm thánh hiệu A-di-đà Phật, sớm về thế giới Tây phương Cực lạc, chứng đắc Thượng phẩm thượng sinh.

Nói đến chuyện niệm Phật vãng sinh, đến nay đã có mấy vị xuất gia và tại gia xuất hiện tướng lành sau khi mất. Chư vị xuất gia không cần phải nói, còn cư sĩ tại gia như Đổng Tử Minh, lúc lâm chung hiện tướng rất thù thắng. Lúc còn trẻ khỏe, tiên sinh tận lực làm nhiều việc lành mang lại lợi ích cho tha nhân, khi đến tuổi xế chiều, buông bỏ tất cả, chuyên tâm niệm Phật, công phu miên mật suốt 34 năm như thế. Công việc thường ngày của tiên sinh là chỉnh sửa quốc ngữ cho các em học sinh của trường Trạm Sơn, ngoài công việc này ra, cư sĩ dành toàn bộ thời gian chuyên tâm niệm Phật. Công phu niệm Phật của tiên sinh hết sức thuần, mỗi ngày niệm hơn 40.000 thánh hiệu Phật. Thường ngày sợ người khác đến quấy rầy, do đó sau khi vào phòng, tiên sinh thò tay ra khóa trái cửa, nếu ai đến cứ ngỡ không có trong phòng. Bữa nọ, thầy vào phòng khóa trái cửa ngồi niệm Phật, niệm đến độ tương ưng với bản tâm thanh tịnh của chính mình, không hiểu sao, cửa vẫn khóa trái, tiên sinh lại lên chính điện ngồi niệm Phật. Ông mở mắt nhìn, khó hiểu quá, mới lúc nãy mình còn ngồi niệm Phật trong phòng, thế tại sao bây giờ lại ra đến đây? Ngay cả tiên sinh cũng không biết tại sao nữa. Sau đó nhờ người phá ổ khóa ra, chìa khóa phòng của tiên sinh còn nằm trên bàn ở trong phòng. Cư sĩ đến thỉnh vấn tôi, lúc ấy tôi không trả lời, lát sau nghĩ bụng: Đây là công phu niệm Phật đến độ thâm hậu, niệm đến độ trong ngoài tương ưng, đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không, trong tâm không còn ý niệm chấp trước, lúc ấy bất kì hoàn cảnh nào cũng không ngăn cản được. Đến khi quay lại nhìn, tâm liền khởi niệm phân biệt, chấp trước. Thật ra điều này hết sức bình thường, chẳng có gì kì quái, hoàn toàn do tác dụng của tâm.

Khi còn sinh thời Đổng cư sĩ phát hai điều nguyện: “Thứ nhất, nguyện xin chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ cho thân không bị bệnh khổ, bởi ở nơi đất khách quê người không có người thương bên cạnh, rủi bị bệnh ai sẽ chăm sóc, rồi lại làm phiền mọi người xung quanh. Thứ hai, nếu bị bệnh thì được vãng sinh liền, để mình khỏi chịu tội, đồng thời cũng không làm phiền người khác”. Quả nhiên lời nguyện hết sức linh ứng. Thường ngày cư sĩ niệm Phật tinh tấn như thế, song thân vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, đến lúc lâm chung lại biết trước ngày giờ, tâm hết sức an định. Chư tăng và Phật tử trong chùa luân phiên trợ niệm, đến 4 giờ sáng, bỗng tiên sinh ngồi dậy, mặt rất rạng rỡ, vui tươi, hiền hậu nói với đại chúng:

Đến nơi này thật không uổng phí một chuyến đi! Nói xong, ngồi ngay thẳng niệm Phật rồi vãng sinh.
Ba ngày trước khi tiên sinh về với Phật, chỉ có cảm giác thân thể hơi mệt mỏi, tay chân không còn sức, ăn uống vẫn như ngày thường, thân không đau đớn. Đây là điểm thù thắng của niệm Phật, hi vọng mọi người nhất thiết chớ quên câu “A-di-đà Phật”.

Năm Dân Quốc thứ 23, trước lúc đại trùng tu chính điện chùa Trạm Sơn, thầy Chí Trung lại có giấc mộng. Lúc này là mùa hè, ấy thế cây Bồ-đề trước chùa mọc ra một cái chạc rất lớn, thầy đến gần xem, bỗng chạc cây đó rơi xuống. Thầy định lôi nó vào chùa, nhưng không thể vì quá nặng. Lúc đó lão Pháp sư Đế Nhàn đi đến:

Thầy lôi không nổi đâu! Về mời sư bá của thầy đến, có ông ấy mới lôi nổi.
Thầy vội chạy vào chùa gọi tôi ra, tôi ra cùng thầy chống chạc Bồ-đề đó lên, vừa chống lên, nó xoay về hướng Tây bay mất, thầy giật mình tỉnh lại. Điềm mộng này hết sức ứng nghiệm, trong lúc chùa Trạm Sơn đang tiến hành đại trùng tu, cư sĩ Vương Kim Ngọc một mình phát tâm xây dựng một tinh-xá trong thành phố, cũng lấy tên Trạm Sơn, thành lập đạo tràng hoằng dương phương pháp giải thoát của Phật-đà, đây cũng được xem là một nhánh của chùa Trạm Sơn.

Năm Dân Quốc thứ 36, toàn bộ công trình đại trùng tu chùa Trạm Sơn hoàn tất, thầy lại mộng thấy trên đường lớn dẫn vào chính điện có rất nhiều người qua lại, rất kì lạ, không biết là chuyện gì. Thầy đến hỏi, tôi nói đây là điềm lành, sau này phương pháp giải thoát của Phật-đà sẽ được phát dương quang đại ở nơi đây (bởi đại điện, giảng đường đều là nơi chính yếu của chùa). Quả đúng như thế, không lâu sau nơi này phát triển nhanh như bay, chẳng mấy chốc trở nên đô thị sầm uất, Phật pháp cũng được truyền bá khắp nơi.

Mỗi năm vào ngày rằm tháng 07, chùa Trạm Sơn đều tổ chức pháp hội Vu Lan Bồn, dựa vào nghi thức Thủy Lục, lập đạo tràng Thủy Lục cứu độ chúng sinh. Năm kỉ niệm 31 năm luật sư Hoằng Nhất viên tịch, 34 năm Trung Quốc kháng chiến thắng lợi, chùa tổ chức pháp hội Thủy Lục25, thầy Chí Trung mộng thấy luật sư Hoằng Nhất về, bởi Hoằng lão có thời gian qua lại chùa nên hai người quen biết nhau. Đêm đó, lúc thầy Chí Trung bắt chân lên công phu, vừa nhắm hờ mắt, liền thấy luật sư Hoằng Nhất về, thầy đến cửa nhưng không chịu vào. Thầy Chí Trung nghĩ bụng: Không phải người ta nói Hoằng lão viên tịch rồi sao? Vậy sao hôm nay lại đến? Do đó vội bước xuống đảnh lễ, thầy vừa đi ra đến cửa, Hoằng lão nói:

Chân thật tu hành, nhiều năm không gặp tiến bộ khá nhanh!
Thầy Chí Trung chẳng biết nói gì, chỉ nói:

Tốt, thầy cũng rất tốt đấy!
Luật sư Hoằng Nhất nói:

– Hôm nay đến đây làm phiền thầy giúp cho một chuyện. Hiện tại thời cuộc rối ren, nơi nào cũng có chiến tranh, các nơi lại bị mất mùa đói kém, dịch bệnh hoành hành, các tai nạn về nước, lửa, giặc cướp, thổ phỉ… làm cho rất nhiều người phải bỏ mạng oan uổng. Trung Quốc chúng ta chịu ảnh hưởng của chiến tranh, lương thực thiếu một cách hết sức nghiêm trọng, vì thế rất ít nơi thiết lập pháp hội Thủy Lục, có đi chăng nữa cũng làm lấy lệ. Duy chỉ có chùa Trạm Sơn, dầu sôi lửa bỏng như thế, vậy mà năm nào cũng thiết lập đạo tràng Thủy Lục, mọi phương diện đều làm đúng như pháp, mọi người đều hết sức kiền thành, công đức quả thật không nhỏ, hiện tại lão nạp dẫn theo rất nhiều người, dự tính nhờ pháp hội này giúp chúng siêu thoát, nhờ thầy chuyển lời lại với lão Pháp sư, lập cho lão nạp một bài vị để lúc dẫn chúng sinh vào dự pháp hội không bị hộ pháp thiện thần ngăn cản.

Thầy Chí Trung xả định, sáng hôm sau nói với ban tổ chức, từ đó về sau, mỗi năm chùa Trạm Sơn đều tổ chức pháp hội Thủy Lục, đặc biệt năm nào cũng thiết một bài vị cho Hoằng lão.

Bởi thầy Chí Trung thể hiện mình ngu ngốc, khờ khạo, ngày thường rất ít nằm mộng, song mỗi khi gặp mộng, đều linh ứng như thật. Tôi nghĩ đ ến đây, tiện nói như thế, cũng chẳng phải là chuyện li kì hi hữu, nếu căn cứ chuyện tu hành, thì mộng gì cũng không nên có.

Tục ngữ nói: “Người ngu si nói mộng”, ban ngày nghĩ điều gì, tối đến mộng thấy điều đó. Mộng được hiển hiện bởi nghiệp thức của người, mộng cũng có mấy loại, có mộng hiển hiện từ ý thức của mình, có mộng do quỉ thần dựa dẫm, có giấc mộng do chư Phật, Bồ-tát muốn chỉ dạy điều gì. Theo Thập pháp giới, trừ cảnh giới Phật, còn Chín pháp giới chúng sinh đều là mộng: Có mộng nhân thiên, mộng ngạ quỉ, mộng địa ngục, mộng súc sinh, mộng tam thừa; nói tóm, chưa chứng đắc cứu cánh diệu giác đều bị coi mê mộng, chẳng qua có loại nặng loại nhẹ, loại tốt loại xấu mà thôi. Người ta chỉ biết nhắm mắt mới là mộng, chẳng hay mở mắt cũng bị xem là mộng. Người xưa nói: “Trăm năm sự thế ba canh mộng, vạn dặm núi sông một ván cờ, thiên hạ đều từ mộng hiển hiện, người nào chịu hướng trước khi đi!”.