THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả

 

PHẬT –  BỒ – TÁT VÀ TÔI

Lương  Hoa

Tôi kết hôn đã được 8 năm, sinh được một bé trai và một bé gái, đứa con gái hoạt bát, còn thằng con  trai  lại trầm  tính.  Mỗi  lần  nhìn thấy con cái ngây thơ vui đùa, tự nhiên tôi nhớ lại vụ tai nạn năm trước…m

Ngày 29.07 âm lịch, trước ngày Khánh Đản của Bồ- tát Địa Tạng một ngày. Tôi, chồng, đứa con gái 4 tuổi cùng người bạn ở Gia Nghĩa, cùng ngồi trước cabin xe do chồng tôi lái, khởi hành từ Đẩu Nam đến ga Đẩu Lục. Xưa nay anh nổi tiếng lái xe cẩn thận, ngày đó vì sợ trễ chuyến tàu khởi hành lúc 4 giờ chiều, anh đạp hết ga. Vừa chạy đến cầu Ba Tiêu, bỗng chiếc xe phía  trước dừng đột ngột. Bất ngờ, vừa chạm sát đuôi xe phía trước, anh vội đánh vô-lăng sang trái, song không còn kịp nữa. Toàn bộ đầu xe tôi húc thẳng vào đuôi xe tải, bị nó kéo đi một đoạn khá xa. Người đi đường ai cũng nghĩ tất cả mọi người trên xe lành ít dữ nhiều, bởi đoạn này rất thường hay xảy ra tai nạn giao thông, không chết cũng bị thương nặng.

Xe tải dừng lại, xe chúng tôi cũng dừng lại, ngay giữa đường. Mọi người kiểm tra xem có ai thương tích gì không: Chỉ có tôi bị thương nhẹ ở đầu, còn tất cả đều bình an vô sự. Tôi sực nhớ đứa con đang mang trong bụng, sờ xuống bụng xem thử nhưng không thấy hiện tượng gì lạ. Chồng tôi đạp mạnh cửa, từng người từng người bước xuống trước sự kinh ngạc của mọi người:

– Đầu xe nát hết, sao các vị vẫn bình an vô sự?

Thấy  tôi  bụng  mang  dạ  chửa,  họ  càng  lo  lắng.

Chúng tôi đồng thanh nói:

– Tại vì ngày thường chúng tôi đều nhất tâm niệm Phật. (Ngày thường bạn của tôi thường trì chú Đại Bi, còn tôi và chồng tụng Tâm Kinh và niệm thánh hiệu đức từ phụ A-di-đà, ngay cả đứa con gái 4 tuổi cũng niệm theo tôi).

Còn nhớ trong khoảnh khắc nguy hiểm đó, tôi hét lớn: “A-di-đà Phật!”, cầu xin chư Phật, Bồ-tát gia hộ; do đó tin chắc rằng chúng tôi được thoát nạn, hoàn toàn nhờ lòng từ bi gia hộ của chư Phật, Bồ-tát.

Để biết rõ thai nhi có sao không, tôi đến khoa sản bệnh viện tỉnh kiểm tra. Sau khi siêu âm, bác sĩ nói:

– Chúc mừng cô, thai nhi rất khỏe (bình thường), mà nó là con trai đấy!

Nghe bác sĩ nói vậy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Lát sau, tôi điện thoại cho cha chồng, lập tức ông đến ngay nơi xảy ra tai nạn. Đến hiện trường thấy chiếc xe tan nát, không thấy chúng tôi, ông mặt mày tái mét, đinh ninh điều không lành đã xảy đến; mãi khi chồng tôi trở lại hiện trường, ông mới yên tâm.

Sở dĩ ngày hôm đó chúng tôi chạy nhanh ra ga xe lửa, là để kịp thời gian đến chùa Nông Thiền ở Đài Bắc tham gia lễ kỉ niệm Khảnh Đản Bồ-tát Địa Tạng và nghi thức xuất gia của hai vị sư phụ là Quả Huy và Quả Thuần, có lẽ do thiếu phước nên mới như thế! Nếu không gặp nạn đời nào tôi bỏ lỡ cơ hội hiếm có này. Tại sao chúng tôi được bình an với tai nạn khủng khiếp này? Suy đi nghĩ lại, trong xe có cả thảy bốn người, hai người ăn chay, còn hai người ăn mặn (ăn mạng). Chồng và con gái ăn mặn, khi đi tôi chuẩn bị hai phần thức ăn, nửa chay nửa mặn. Có lẽ đây là lời cảnh tỉnh của chư thiên, hộ pháp. Tôi là người đã thọ Bồ-tát giới, lại không chú trọng nghi thức của Phật giáo, đôi khi còn mạnh miệng nói không nên câu nệ hình thức. Trước khi đến chùa tháp lễ bái, cần phải giữ thân tâm thanh tịnh, tốt nhất phải ăn chay trước đó 3 ngày, thân tâm thật trong sạch, sau đó mới cung kính lễ bái chư Phật, Bồ-tát. Qua lần cảnh tỉnh này, tôi không còn dám hành sự qua loa nữa, từ đó bất kì chuyện gì cũng chiếu theo giới luật.

Sau vụ tại nạn hơn một tháng, tôi chuyển dạ sinh con, sinh được đứa bé trai trắng trẻo xinh đẹp, sinh xong vẫn còn thấy khỏe. Có được điều này, phải đặc biệt cảm ơn thầy Quả Thuần và chị gái của tôi. Nếu thầy và chị không từ bi giúp tôi tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, e con trai tôi không thể nhìn thấy ánh thái dương.

Sau khi kết hôn một năm, tôi sinh hạ đứa con gái một cách hết sức bình an. Năm sau lại tiếp tục mang thai, cả hai lần đều không thành, tạo thành “thói quen” sẩy thai, khiến tôi không còn dám nghĩ đến chuyện sinh con nữa. Mãi đến cuối năm trước, tôi theo chị gái tham gia khóa tu Phật Thất tại chùa Nông Thiền ở Đài Bắc; đến ngày cuối, tôi quì trước Phật, Bồ-tát cầu nguyện, xin chư Phật, Bồ-tát ban con một đứa con trai, sinh sản được bình an. Quả nhiên chư Phật, Bồ-tát giúp mãn nguyện. Trở về nhà không bao lâu, tôi mang thai. Có lẽ do nghiệp chướng nặng nề, lần này lại tiếp tục không bình an. Mang thai được hai tháng, lại có hiện tượng ra máu nơi đường sinh sản. Tâm lí sợ hãi, không ăn uống gì được, thân thể ngày càng ốm, mỗi khi đứng dậy thì hoa mắt muốn xỉu. Bác sĩ bảo phải bỏ thai nhi mới bảo toàn được tính mạng. Phật ơi! Ngoài đứa con gái lớn ra, tất cả các thai nhi sau đều như vậy, điều này càng làm cho tôi cảm nhận một cách sâu sắc nghiệp chướng sâu nặng của mình…

Chị gái đang ở Cơ Long nghe tin tôi phải bỏ thai nhi, vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên. Suy nghĩ mãi không có cách gì giúp, bỗng một tia hi vọng chợt lóe trong đầu. Chị nhấc máy gọi cho Sí Thành (Sí Thành là tục danh của thầy Quả Thuần, thầy là người cùng quê, lúc nhỏ thường chơi thân với nhau, do đó có thể được coi là anh em ruột thịt) kể hết chuyện của tôi. Nghe chuyện, thầy Quả Thuần liền đắp y lên bàn Phật dùng hết tâm kiền thành cung kính trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, việc này sau đó chị gái gọi điện cho tôi hay. Một chiều, tôi vẫn còn mệt mỏi nằm trên giường, sợ lạnh nên đóng kín tất cả các cửa sổ. Thật kì lạ, cảm giác trên đỉnh đầu mình có làn gió nhẹ thổi qua, mát mẻ làm sao, cảm giác này chưa từng gặp bao giờ; nhìn ra cửa sổ, rõ ràng vẫn đóng kín, vậy tại sao lại có làn gió mát này?

Mấy ngày sau, chị gái gọi điện lên, hỏi khỏe hơn tí nào chưa? Cũng nói cho biết chị có điện thoại cho thầy Quả Thuần, thầy phát tâm tụng một bộ kinh Địa Tạng. Thì ra, làn gió mát chiều hôm ấy, là do thầy Quả Thuần và chị gái khẩn cầu chư Phật, Bồ-tát từ bi gia trì. Thật là…! Tôi hết sức cảm kích hai vị đại ân nhân, càng cảm tạ sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát, đặc biệt lòng từ bi của Bồ-tát Địa Tạng. Từ đó, tôi phát nguyện mỗi ngày tụng một bộ kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, đến tháng thứ sáu, phát tâm đắp một pháp tượng Bồ-tát Địa Tạng, dát vàng lên tượng cúng dường, hết sức trang nghiêm.

Ngày nay tướng mạo và cung cách của cậu con trai rất giống với tượng Bồ-tát Địa Tạng tôi tạc lúc đó! Vừa chào đời, nó dễ thương hơn những đứa trẻ trong dòng họ, ai gặp cũng bị khí chất đặc biệt của nó hấp dẫn. Sau khi gia đình chuyển đến Đẩu Lục, chồng tạm thời chưa tìm được công việc, chúng tôi mở quán bán cơm chay. Vợ chồng tôi phát tâm bất kì vị tăng hay ni nào vào quán đều cúng dường không tính tiền, đây chỉ là chút xíu lòng thành để báo đáp ân đức trời biển của các Ngài. Sau này nếu có điều kiện, cả nhà đồng phát nguyện nỗ lực hoằng truyền phương pháp giải thoát của Phật-đà. Đời này có gì quí giá bằng Phật pháp?