THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả

 

ĐIỀU LINH DỊ CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

Khâu Hoa Sinh

Trong thời đại ngày nay, nhân loại tự hào với nền khoa học của mình, giả sử có ai nói đến tín ngưỡng, hoặc bàn luận điều linh cảm gì đó… nhất định mọi người sẽ cho là mê tín, lạc hậu, thậm chí còn chửi là ngu ngốc, dở hơi. Nhưng, khoa học thật sự có khả năng giải quyết hết vấn đề của cuộc sống không? Nếu con người chỉ hoàn toàn dựa vào khoa học có thể sống được không? Con người chứ  chẳng  phải máy móc, không thể chỉ ứng dụng nguyên lí khoa học, không thể chuyển động theo qui luật, cách thức cố định. Cuộc sống của con người thật hết sức vi diệu, không theo nguyên tắc nhất định, định lí cứng nhắc của khoa học không thể trả lời được. Cho nên, bất luận thời đại biến  chuyển  như  thế  nào,  tín  ngưỡng  tôn  giáo  vẫn chiếm một phần hết sức quan trọng trong cuộc sống nhân loại, sự tích linh cảm của Bồ-tát cũng không cho phép sự phủ nhận của chúng ta.

Bây giờ tôi xin kể cho chư vị nghe một câu chuyện mới xảy ra cách đây mấy năm, nhân vật chính trong câu chuyện này là tôi. Có thể thông qua sự tích không thể nghĩ bàn trong câu chuyện này, biết được thần lực vĩ đại của Bồ-tát, hi vọng mọi người tín ngưỡng năng lượng to lớn của Ngài, phát tín nguyện lớn, cung kính lễ bái, tăng thêm phước tuệ, chóng chứng quả vị Bồ-đề.

Ở thôn Tự Do làng Hòa Bình huyện Đài Trung, cư dân phần lớn là đồng bào dân tộc miền núi. Nơi thâm sơn cùng cốc này có một ngôi điện Địa Tạng, góp phần điểm thêm cảnh sắc cho vùng cao. Mỗi lần nhắc đến ngôi điện này là mỗi lần thương tâm rơi lệ. Chuyện xảy ra vào mùa xuân năm Dân Quốc thứ 16, đúng lúc tiết xuân phơi phới, mọi người đưa nhau trẩy hội, bỗng bị trận ôn dịch gọi là cốt thống nhiệt (y học gọi là Den-guefieber), người dân làng Hòa Bình núi Hoành Tập, hầu như chết hết; trong làng chỉ còn sống sót một em bé trai, chính là tiên sinh Ngô Thiên Sinh 47 tuổi hiện cư trú ở thôn Tự Do. Lúc đó chính phủ Nhật Bản, muốn siêu độ số vong linh chết trong trận dịch đó, đặc biệt xây dựng điện Địa Tạng, cho khắc một tôn tượng Bồ-tát Địa Tạng cao khoảng 3 tấc. Vào ngày 12.12 năm Dân Quốc thứ 16, kiền thỉnh trú trì cùng chúng tăng chùa Đài Trung tu theo tông Tào Động đứng ra cử hành pháp hội an vị hết sức long trọng và hoành tráng. Từ đó về sau, nhờ sự gia hộ của Bồ-tát, vùng đất này dần dần khôi phục, từ từ giàu có lên.

Thời gian thấm thoát trôi qua, khi tôi trở về nước, biết được người dân nhờ chính phủ quan tâm, cộng thêm sự nỗ lực của mình, cuộc sống ngày càng sung túc, ổn định. Song, mấy năm trước, thần giáo phương Tây mở chiến thuật dùng tiền và uy lực để mua chuộc lòng dân, kết quả rất nhiều người trở thành “con chiên ngoan đạo của Chúa”, còn điện Địa Tạng mà trước kia họ ngày đêm sùng bái, lại bỏ đèn lạnh nhang tàn, chẳng còn ai chăm sóc trông nom. Lúc đó, có một số cư sĩ như gia đình họ Ngô, đó là Ngô Thạnh Kim, Ngô Nhậm Quân, Ngô Nhậm Thành… đi kinh tế mới, thấy ngôi điện dột nát, hư hoại như thế, kêu gọi mọi người phát tâm xây dựng. Qua một thời gian chịu khó chịu khổ, cuối cùng họ cũng quyên được số tiền gần vạn đồng. Chưa đầy một năm, công trình trùng tu điện Địa Tạng hoàn mãn. Lễ lạc thành được tổ chức long trọng vào ngày 05.08 năm Dân Quốc thứ 51, trong buổi lễ có sự tham gia của chư vị cư sĩ đến từ chùa Thọ Tuyền thôn Trúc Lâm làng Đồng La. Buổi lễ do lão tiên sinh ngoài 80 tuổi Hoàng Đỉnh Hoa làm trưởng ban và chư vị lão cư sĩ tham dự; ngoài ra rất nhiều bà con vùng đó cũng có mặt. Pháp hội viên mãn, mọi người nghỉ lại qua đêm định sáng mai mới về. Đêm đó trời mưa như trút nước, gió giật ầm ầm, sáng ra thì hỡi ôi toàn bộ giao thông gián đoạn, toàn tỉnh hư hại nặng nề. Các vị quyết định lội núi trèo đèo trở về, nhưng ra đến bờ suối thì cầu bị gãy không thể qua được, chỉ còn cách tiếp tục ở lại điện Địa Tạng, hi vọng ngày mai tình hình sẽ chuyển biến khả quan hơn.

Suốt bảy ngày không thấy mặt trời, nước lớn vẫn dâng tràn, ai cũng buồn nản, ngồi nhìn nhau chẳng nói nên lời, không biết phải giải quyết ra sao? Tất cả đến quì trước tôn tượng Bồ-tát Địa Tạng, cầu nguyện Bồ-tát từ bi gia hộ, giúp chúng đệ tử trở về bình an. Cầu nguyện xong, mọi người bất chấp gian nguy cùng lên đường trở về. Cách điện Địa Tạng không xa có một cây cầu, nhưng bị nước cuốn trôi trong đêm mưa gió đó, mọi người nghĩ cách dùng tre kết nối với nhau làm cầu tạm, bằng không sẽ ở lại. Trong đoàn có vị bơi rất giỏi, bất chấp hiểm nguy lặn xuống nước xem thế nào. Lát sau vị ấy lên nói nước sâu chỉ gần một mét, nhưng nước chảy rất xiết. Lội qua đoạn sông dài hơn 10 mét như thế, quả thật không phải chuyện đơn giản. Kết quả, đành phải lùi bước, đứng nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy về Đông. Khi ấy tiên sinh Ngô Thạnh Kim và mọi người đã đốn tre trở về, chuẩn bị làm cầu tạm đưa chúng tôi qua sông. Mọi người không ai bảo ai cùng ngồi xuống niệm thánh hiệu Bồ-tát  Địa  Tạng. Thật lạ, niệm chưa đầy 20 phút, mực nước xuống thấy rõ, từ 1 mét giờ chỉ còn 30 phân. Mọi người thấy thế, cho rằng không còn nguy hiểm nữa, tôi dìu Hoàng lão bá trên 80 tuổi đi sau cùng. Kì lạ, tôi vừa ra tới nửa sông, bỗng cảm giác mực nước bắt đầu dâng lên lại; đi phía sau còn khoảng bảy tám người dân Thiên Cẩu và hai vợ chồng lái buôn. Sau khi tất cả đều bình an qua sông, cũng không ai nhìn lại xem nước còn dâng nữa hay không. Trong khi đó, bờ bên kia Ngô tiên sinh và người dân vác tre ra bờ sông để làm cầu tạm, tới nơi thì không thấy nhóm người tôi đâu nữa, mực nước vẫn cao như thường, vậy làm sao mọi người có thể qua được? Sau này Ngô tiên sinh mới kể lại, chúng tôi vừa đi qua, mực nước dâng cao trở lại! Chuyện hi hữu này, thật không thể nào tin nổi!

Trong kinh Đức Phật nói, Bồ-tát Địa Tạng dùng rất nhiều thần lực để cứu độ chúng sinh khổ nạn. Thủy nạn là một trong những đại họa lớn nhất trong nhân gian, nếu có thể chí tâm xưng niệm thánh hiệu Bồ-tát, ắt sẽ được giải thoát. Lần này đích thân mọi người cùng trải qua, đủ để chứng minh lời của Đức Phật là chân thật không hư dối. Ngoài tăng thêm tín tâm, kiền thành lễ bái để báo hồng ân của Đức Phật, tôi xin lược ghi lại chuyện có thật này, chỉ mong những vị hữu duyên phát khởi tín tâm, phát nguyện rộng lớn, cùng nhất tâm trì niện thánh hiệu “Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát!”.