THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả

 

ĐÀM LUẬN PHƯƠNG PHÁP CỨU TẾ KHẨN CẤP NGƯỜI SẮP LÂM CHUNG TRONG KINH ĐỊA TẠNG

Giới Bảo

Chúng ta thường nghe nói chư Phật, Bồ-tát có Vô duyên đại từ và Đồng thể đại bi, ngay cả người  mang  trọng  tội  ngũ  nghịch,  thập  ác cũng không vứt bỏ, điều này tôi dám khẳng định xác thực một trăm phần trăm. Tôi phát tâm học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà đến nay đã 2 năm. Trước khi học Phật, trong đầu lúc nào cũng có tư tưởng lợi ích cho mình, làm bất kì việc gì cũng nghĩ đến lợi ích cá nhân. Có nhiều khi, để đạt mục đích, bất chấp mọi thủ đoạn. Sống trong xã hội hỗn loạn này, cho rằng nếu không biết xảo trá, lừa gạt thì không bao giờ thắng lợi, tôi tìm học mọi sách lược, mánh khóe để lừa người, mỗi khi lừa được ai đó mình vui mừng, đắc ý lắm. Nhưng, nhân duyên ngày càng xa dần, khổ não ngày càng tăng. May mắn thay, cách đây hai năm, một lần vô tình tiếp xúc với Phật pháp, ngay lập tức có cảm giác thanh tịnh, nhẹ nhàng, thân tâm vui vẻ, tôi bắt đầu tín ngưỡng Phật giáo, tụng kinh lễ Phật, làm việc gì cũng tùy duyên, quả thật cuộc sống nhẹ nhàng, an lạc, vui vẻ hơn trước kia rất nhiều. Mỗi khi gặp chuyện cấp bách, khó khăn, tôi cầu nguyện chư Phật, Bồ-tát gia hộ, vô hình trung cảm nhận có sức mạnh nào đó hỗ trợ mình, những nỗi khó khăn gian khổ tiêu mất lúc nào không hay không biết. Ngày mẫu thân lâm chung, cảm ứng một cách hết sức rõ ràng, nay xin kể để chư vị cùng suy ngẫm.

Mẫu thân của tôi họ Ngô, khi còn trẻ có niềm tin với tất cả các đạo, phát nguyện ăn chay trường, thần Phật gì cũng lễ bái. Hai mươi năm trước tôi chưa biết giáo lí nhà Phật, thấy mẫu thân ăn chay sợ không đủ chất, ốm yếu, ra sức khuyên mẹ ăn thịt để tăng chất dinh dưỡng; với tâm hiếu chiêu cảm, lâu ngày chầy tháng quả nhiên thuyết phục được mẹ bỏ ăn chay. Không lâu sau, không chịu nổi mùi tanh hôi của thịt cá, bà lại tiếp tục ăn chay. Thời gian này mẹ thường xuyên đến chùa miếu lễ bái Phật, Bồ-tát; không chỉ phát tâm bố thí cúng dường, bà còn tham gia các pháp hội tiêu trừ ách nạn do Phật giáo tổ chức, dần dần mẹ chuyên tâm tu tập Phật pháp, không còn đến nơi thờ các đạo khác. Sáu năm trước, bỗng mẫu thân bị bệnh mất trí (hiện tại bệnh này y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị), trí nhớ mất dần; ba năm sau, trí nhớ hoàn toàn mất hết. Ngay cả việc ăn uống, đại tiểu tiện bà cũng không thể tự làm. Tôi đi làm xa, thương thay tất cả khó khăn đều do vợ gánh vác. Tục ngữ nói “bệnh lâu không còn con hiếu”, tình hình chịu khổ, khó thể tưởng tượng được. Cách đây một năm rưỡi, tôi chuyển công tác về miền Bắc, mới có thời gian hầu hạ chăm sóc mẫu thân. Lúc đó mẹ không còn khả năng phân biệt con cái; cũng may, sức khỏe còn rất tốt, thích đi đâu thì đi. Sợ mẹ gặp tai nạn, tôi nghĩ rất nhiều cách để giữ mẹ, song chẳng làm được. Cuối cùng, đành nhốt vào phòng, ngày đêm dâng cơm nước, giặt giũ, hầu hạ, chăm sóc. Mẹ phải sống trong đó hơn hai năm.

Giờ nghĩ lại suốt thời gian dài ở nhà chăm sóc mẫu thân mà lạnh cả người. Bao nhiêu ruộng vườn nhà cửa bán gần sạch, tiền tiết kiệm cũng gần cạn kiệt, cuộc sống hết sức túng thiếu, nợ ngày càng nhiều. Nhân sinh là khổ, những nỗi thống khổ mẫu thân phải chịu, lúc nào cũng ghi sâu vào tâm thức tôi. Trước lúc mẹ qua đời, thần trí hôn mê cực điểm (lúc ấy mẹ vừa tròn 72 tuổi). Trời lạnh cắt da cắt thịt, tôi vừa choàng áo ấm cho người, lát sau bà tự cởi ra hết, cởi xong ngồi vào góc nhà run cầm cập, còn vấn đề đại tiểu tiện càng khó nói bằng lời. Thấy mẹ bị hành hạ như thế, tôi liên tưởng đến địa ngục, đến nhà lửa trong Ba cõi, biển khổ không bờ…

Ngày 08.09 năm Dân Quốc thứ 72, trong luồng tư tưởng đan xen, dấy khởi một niệm: Ngày nào mẹ cũng phải chịu khổ như thế, hay là mình thay mẹ cầu vãng sinh Tịnh độ? Liệu làm như vậy có phạm vào tội bất hiếu không? Tình cảm và lí trí liên tục đấu tranh, quả thật rất khó quyết định. Tôi đến Kim Sơn Thiền tự cầu xin quay về nương tựa với lão Pháp sư Trí Giác, xin thầy từ bi chỉ dạy, làm thế nào để giúp mẫu thân được sinh về Cực lạc đồng thời không trái với đạo hiếu. Thầy chỉ dạy nên quì trước Phật phát nguyện, mỗi ngày niệm 1.000 thánh hiệu Phật trở lên, trì tụng 20 biến chú Đại Bi trở lên, bên cạnh đó tu tạo các loại công đức có thể, nhất tâm kiền thành hồi hướng công đức cho mẫu thân sinh về Tịnh độ, ngày nào cũng làm như thế cho đến khi mẫu thân qua đời. Từ đó ngày nào tôi cũng quì trước Phật, Bồ-tát phát nguyện: “Thứ nhất, cầu xin chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ cho mẫu thân giảm thiểu sự hành hạ, sớm được sinh về cõi Phật, con xin thay gánh vác hết thảy tội nghiệp khổ báo của mẹ. Thứ hai, nguyện lúc mẫu thân lâm chung, thân ít thống khổ, an lành ra đi. Thứ ba, gia hộ cho con đủ sức khỏe để lúc nào cũng ở bên mẫu thân, trợ niệm cho người”. Mẫu thân nhiều năm mất trí, song sức khỏe còn rất tốt. Nhưng tối ngày 23.12 năm Dân Quốc thứ 72 bà nằm liệt trên giường không ngồi dậy nổi, không chịu ăn uống. Đưa vào bệnh viện thì sợ mẹ tuổi tác cao, rủi có chuyện gì, lại làm bà mất chính niệm, tôi quyết định để lại nhà, ngày đêm chăm sóc hầu hạ, nhất tâm trợ niệm, thay mẹ phát nguyện cầu sinh Tây phương.

Hai ngày sau, mẫu thân vẫn còn nằm trên giường, song thế nằm với khuôn mặt giống như nằm ngủ chứ không thể hiện chút đau đớn, có điều thân thể ốm nhanh thấy rõ. Tôi biết mẹ sắp lìa trần, nghĩ đến mẫu thân một đời chịu khổ, trường trai hơn 10 năm, nay sắp ra đi, sao mình không nghĩ cách gì giúp cho phước đức đời sau của mẹ. Đang nhất tâm niệm Phật trợ niệm, bỗng nhớ đến phẩm thứ 12 Thấy Nghe Được Lợi Ích trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện: “Lúc sắp mạng chung, cha mẹ quyến thuộc của người hấp hối đem nhà cửa, tài vật, tiền bạc, y phục của người sắp mất bán đi, dùng tiền họa vẽ, khắc đắp tôn tượng Bồ-tát Địa Tạng. Nếu được, phải làm cho người đó biết hàng thân quyến đem tài sản của mình để họa vẽ khắc đắp tôn tượng Bồ-tát Địa Tạng. Nếu người đó nghiệp báo hãy còn, phải chịu bệnh khổ, nay nhờ công đức này, bệnh tật tiêu trừ, tuổi thọ tăng trưởng. Còn nếu như người đó nghiệp báo và mạng sống đã tận, với tội nghiệp đã gây tạo, nhất định sẽ bị đọa vào các đường xấu ác, nay nhờ công đức này, sau khi mạng chung, liền sinh về cõi trời cõi người, hưởng thọ sự vui sướng thù thắng, hết thảy tội chướng, đều được tiêu trừ”. Tôi liền bán đồ đạc được 2 vạn đồng, phát tâm thay mẹ ấn tống ba loại kinh sách tặng mọi người để kết duyên lành, đó là kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện (vốn cũng muốn tạo vẽ hình tượng Bồ-tát Địa Tạng, vì thời giờ quá cấp bách, làm không kịp), kinh Kim Cang và sách Một Việc Trọng Đại Nhất Khi Lâm Chung. Sau đó, đến bên mẫu thân nói rõ hết sự việc đã làm: “Thưa mẹ! Trước kia mẹ đã từng ăn chay, tin Phật, lễ Phật, chúng con hôm nay dùng số tiền mẹ vất vả tích cóp nhiều năm, lấy ra 2 vạn đồng in ấn kinh sách. Trước kia mẹ cũng thường cúng dầu đèn nhang cho các chùa, mùa hè bố thí trà nước, mùa đông bố thí cơm, áo quần, chăn chiếu… Mẹ làm được rất nhiều việc lành, nhất định chư Phật, Bồ-tát sẽ gia hộ cho mẹ, đức Phật A-di-đà sẽ đến tiếp dẫn mẹ, bao giờ đức Phật A-di-đà đến mới đi, còn bất kì ai đến mẹ cũng đừng đi nha!” Nói xong, tôi thỉnh hình Tây phương Tam thánh đến sát cho mẹ xem, mỗi ngày đều nhắc nhở mấy lần như vậy. Mẹ nằm liên tục như thế bảy ngày, anh em thấy mẹ nằm một chỗ sợ mỏi, cùng nhau bế tay chân nhích nghiêng sang một bên, bà lên tiếng nói đau bảo dừng lại. Tôi nghĩ có nên đưa bà vào bệnh viện hay không? Mẹ gầy như que củi, không đủ sức nhẫn chịu nỗi đau đớn khi di chuyển, đụng nhẹ một chút cũng kêu đau. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, làm sao mình không đưa mẹ vào bệnh viện được? Có cách gì giúp bà hết đau không? Mời bác sĩ đến nhà chích thuốc, cơn đau vẫn không thuyên giảm. Tiến thoái lưỡng nan, trong lúc do dự chưa biết phải làm thế nào ấy, bỗng tôi nhớ đến phẩm thứ 6 Như Lai Tán Thán trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát  Bổn Nguyện: “Nếu đời sau này, có người thiện nam cùng thiện nữ nào, nằm liệt mãi trên giường, cầu muốn sống không được, muốn chết cũng không xong; hoặc đêm nằm chiêm bao gặp ác quỉ, cho đến bà con quyến thuộc, hoặc đi vào đường dữ, hoặc bị bóng đè, hoặc đi chung với quỉ thần. Trải qua nhiều tháng nhiều năm, đến nỗi thành bệnh lao, bệnh bại, trong giấc ngủ kêu réo thê thảm sầu khổ. Đây đều bị nơi nghiệp đạo luận đối chưa quyết định nhẹ hay nặng, nên hoặc khó chết hoặc khó lành. Mắt phàm tục của kẻ nam người nữ không thể biết rõ việc đó, chỉ có cách đến trước tượng của chư Phật, Bồ-tát, lớn tiếng đọc tụng kinh này một biến. Hoặc lấy những món vật riêng của người bệnh thường yêu tiếc, như y phục, đồ quí báu, nhà cửa, ruộng vườn… đến trước người bệnh, nói lớn rằng: “Chúng con tên đó họ đó, nay đối trước kinh tượng, đem những của vật này hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo hình tượng của chư Phật, Bồ-tát, hoặc xây dựng chùa tháp, hoặc sắm đèn dầu thắp cúng, hoặc cúng vào của thường trụ thay cho người bệnh kia”. Xướng lên ba lần như vậy để người bệnh được nghe biết, giả sử thần thức của người bệnh đã phân tán đến hơi thở cuối cùng, thì một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, cứ lớn tiếng xướng bạch như trên và lớn tiếng tụng kinh này. Sau khi người bệnh đó mạng chung, dầu cho từ trước có tội vạ nặng nhẫn đến năm tội Vô gián, cũng được thoát khỏi hẳn, thọ sinh vào đâu cũng thường nhớ biết việc đời trước”.

Trong 10 ngày trước, anh em tôi liên tục xưng niệm thánh hiệu Phật, nhưng trong lòng còn chút e sợ, bởi khi khỏe mẫu thân tuy tin Phật, nhưng chưa biết niệm Phật, nay niệm Phật cho bà sợ khó tương ưng, may mắn nhớ lại đoạn kinh văn này, tức thời mấy anh em cùng tụng một biến kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, lại lấy một li nước trong niệm chú Đại Bi vào, rồi cho mẫu thân uống. Chiều ngày hôm sau, lúc giúp mẹ chuyển thân nằm nghiêng sang một bên, không còn nghe mẹ la đau, tinh thần nhẹ nhàng an tường, đó là động lực khiến anh em tụng niệm không biết  mệt mỏi. Lại thường xuyên nâng hình  Tây phương Tam thánh lên cho mẹ xem, nhắc đến những việc lành bà đã làm khi còn khỏe, nói cho bà yên tâm Đức Phật sẽ tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc thế giới.

Kể cũng lạ, mấy năm trước thần trí mẫu thân đã hôn mê, không biết bất kì thứ gì, ấy thế hiện tại nói điều chi hình như bà hiểu hết, mỗi lần nhắc, an ủi như thế, bà rưng rưng nước mắt. Anh em tôi họp lại bàn tính, cuối cùng quyên góp được bảy vạn đồng đem cúng dường Ba ngôi báu, chuyện này cũng thưa lại với mẫu thân, hằng ngày thay phiên nhau liên tục tụng kinh lễ Phật, cầu nguyện từ ân chư Phật gia hộ, giúp mẫu thân nhẹ nhàng sinh về Cực lạc.

11 giờ tối ngày 13, anh em tiếp tục niệm Phật, riêng tôi thấy tinh thần rất tốt, không buồn ngủ hay mỏi mệt, lại thỉnh hình Tây phương Tam thánh cho mẫu thân nhìn. Mẹ mở to mắt chăm chú nhìn rất lâu, đến 1 giờ kém 5, mẹ bắt đầu thở nhanh hơn, 5 phút sau thì tắt thở, ra đi nhẹ nhàng an lành không bị đau đớn đoanh vây. Tôi cùng vợ và em trai niệm Phật cho đến 8 giờ sáng, đi thỉnh Pháp sư đến trợ niệm tới trưa, những lúc nghỉ thì mở máy niệm Phật. Sau đó, bà con đến trách tại sao khi sắp chết không lo thay y phục cho bà, bây giờ thân thể cứng đờ làm sao mà thay? Tôi chỉ mỉm cười cho qua chuyện, bởi có nói họ cũng không hiểu. Đến 3 giờ 30 chiều, tắm rửa thay y phục cho mẹ, toàn thân vẫn còn mềm mại như lúc còn sống, mọi người nhìn nhau chẳng ai nói một lời. Ngày hôm sau, lúc nhập liệm (đúng 33 tiếng sau khi chết), di thể của mẫu thân vẫn mềm mại như thường.

Tang sự kết thúc, anh em tôi bị một số người thân chê trách. Theo quan niệm người thế tục, đám tang càng làm lớn, càng náo nhiệt càng hay, đằng này tôi chủ trương xem trọng họa phước đời sau của mẹ, tổ chức không linh đình, chủ yếu niệm Phật, tụng kinh, không kèn không trống, tiết kiệm tiền. (Tôi cho rằng dùng số tiền đó vào việc có ích tốt hơn làm đám linh đình). Tuy chủ trương tiết kiệm, nhưng vẫn không tránh tiêu tiền vào những việc làm vô nghĩa, như mua hiếu phục, đồ dùng linh tinh…, tốn hết bốn, năm vạn đồng.

Liên quan đến vấn đề siêu độ, hiện tại trong xã hội đang lưu hành phong trào làm công đức cho người chết. Khi có người thương qua đời, người nhà thỉnh chư vị xuất gia đến làm Phật sự, song không có ý bố thí cúng dường, càng không có tâm cung kính, kiền thành. Thấy người ta làm mình cũng làm, giao phó toàn bộ đám cho chư tăng với giá bao nhiêu đó, chẳng khác nào mua bán ngoài chợ, như vậy người chết làm sao được lợi ích? Dựa vào lời chỉ dạy trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện chúng ta cũng biết, muốn siêu độ cho người thương đã chết, cần phải dùng tiền của cung kính kiền thành cúng dường Ba ngôi báu (hoặc làm việc từ thiện), hồi hướng công đức đó cho người chết, giúp người chết tăng thêm phước lành, vãng sinh về cõi thiện. Nếu dùng tiền mời người tụng kinh, như vậy đã đánh mất ý nghĩa bố thí. Huống gì, thời này còn có tổ chức chuyên tụng đám lấy tiền. (Rất nhiều người chẳng phải Phật tử, không hiểu giáo lí Phật-đà, không trì trai giữ giới, như vậy lấy công đức đâu để siêu độ cho vong linh? Ngay cả cư sĩ tu hành đường hoàng, mà khi đi siêu độ cho người còn không đủ tư cách tiếp nhận của bố thí cúng dường, nữa là người không phải đệ tử Phật). Tuy hiểu Phật pháp, nhưng tập tục xã hội từ ngàn xưa như thế, tôi cũng không thể làm khác, ngày đi chôn cũng thỉnh chư tăng đến làm pháp sự. Trong suốt 49 ngày sau khi mẫu thân qua đời, anh em tôi quyên góp với nhau cúng dường các chùa, hồi hướng cho phước lực của mẫu thân được tăng trưởng, sinh về Cực lạc; còn đến Thừa Thiên Thiền tự lập liên vị vãng sinh, mỗi khi đến thất, vân tập về chùa tham dự thời công phu tối hồi hướng công đức cho mẹ. Tại nhà không thỉnh người làm Phật sự nữa, ngày nào tôi cũng tụng kinh A-Di-Đà, kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, niệm Phật. Trong suốt thời gian tang lễ và 49 ngày sau đó, cả nhà phát tâm ăn chay trường, còn nấu thức ăn chay bố thí cho mọi người. Sau đó, được biết Pháp Xưng thượng sư ở tinh xá Liên Hoa mỗi tháng đều tổ chức pháp hội siêu độ vong linh, tôi đến gặp thượng sư xin đăng kí. Pháp hội được tổ chức hết sức trang nghiêm và thanh tịnh, đích thân thượng sư đứng ra làm lễ, buổi lễ diễn ra khoảng 1 tiếng 30 phút viên mãn. Thỉnh vong linh đến đạo tràng nghe pháp nghe kinh, tôi cảm giác được thượng sư dường như thấy hiểu hết những vong linh đến dự; song, thấy thượng sư tuổi tác đã cao, sợ thầy mệt, không dám hỏi nhiều, vội vàng bái tạ ra về.

Chết là định luật của kiếp người, không một ai thoát khỏi, nhưng phải chết như thế nào đó là điều quan trọng. Khi ra đi có được tỉnh táo hay không? Họa phước nằm ở giây phút cuối cùng đó. Cho đến trong vòng 49 ngày, bà con quyến thuộc có tu tạo phước đức để siêu độ  cho không? Lúc này người chết không thể tu công đức tự cứu mình, hoàn toàn dựa vào quyến thuộc tạo phước hồi hướng. Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện ghi: “Trong vòng 49 ngày, không lúc nào người chết không trông ngóng hàng quyến thuộc, cốt nhục tu tạo phước lành để cứu vớt. Qua khỏi 49 ngày này rồi, cứ theo nghiệp thọ báo. Người chết đó nếu khi còn sống gây tạo tội nghiệp thì trải qua trăm ngàn năm không có ngày thoát khỏi… Khi làm chay cúng dường để giúp thêm phước lành cho người chết, nếu đồ ăn chưa dâng cúng Phật và tăng mà ăn trái phép và không được tinh sạch, thì người chết không được mảy phước đức nào cả. Còn nếu có thể kĩ lưỡng và giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng Phật và tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần, sáu phần còn lại thuộc về người tổ chức”. Cổ đức cũng dạy: “Muốn đạt được lợi ích thật sự trong Phật pháp, phải thường xuyên thành kính cầu nguyện”. Đời này có không ít người cũng tụng kinh niệm Phật cho người chết, nhưng thái độ thành kính chưa chắc ai cũng có. Làm với hình thức quá nhiều, trao đổi mua bán giống như ngoài chợ, như vậy hết sức trái với bổn ý của Phật giáo.

Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện là kinh hiếu của Phật giáo, người nào muốn báo hiếu cha mẹ, người thương, không thể không đọc tụng bộ kinh quan yếu này. Bộ kinh này còn đặc biệt chú trọng cứu độ chúng sinh tội khổ bị đọa vào đường xấu ác. Phẩm thứ 13 Chúc Lũy Nhân Thiên ghi: “Trong đời sau, hoặc có trời hay người nào phải theo nghiệp mà thọ báo bị đọa vào chốn ác đạo, đến khi bị đọa vào ác đạo vừa bước đến cửa ngục, những chúng sinh đó nếu có thể niệm thánh hiệu của Đức Phật, hay thánh hiệu của một vị Bồ-tát, cùng một câu kệ kinh điển Đại thừa, thầy (lời của đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni nói với Bồ-tát Địa Tạng) nên dùng thần lực của mình tìm phương cách cứu vớt những chúng sinh đó, thầy nên hiện thân ra trước họ, phá tan địa ngục giúp họ được sinh lên cõi trời hưởng những sự vui vi diệu thù thắng”. Kinh này lại ghi: “Nếu đời này và đời sau trong các thế giới, lúc chúng sinh trong sáu đường sắp mạng chung, chỉ cần được nghe một thánh hiệu Bồ-tát  Địa Tạng xuyên qua tai, những chúng sinh ấy vĩnh viễn không còn bị đọa vào ba đường xấu ác”. Qua đây có thể biết kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện là cách cứu độ chúng sinh thù thắng nhất. Kinh này còn đề cập cứu độ chúng sinh lúc sắp mạng chung. Phẩm thứ – 8 Các Vua Diêm-la Khen Ngợi ghi: “Như vậy những trang thiện nam người thiện nữ ở cõi Diêm-phù-đề, lúc lâm chung thần thức hôn mê không phân biệt được điều lành điều dữ, cho đến tai mắt không còn nghe thấy gì. Hàng thân quyến, bà con của người sắp lâm chung đó, nên sắm sửa lễ vật cúng dường, đọc tụng tôn kinh, trì niệm thánh hiệu chư Phật và Bồ-tát. Tu tạo nhân duyên phước lành như thế, có thể giúp người chết thoát khỏi các đường xấu ác, các thứ ma quỉ, ác thần đều phải lui tan hết. Kính bạch đức Như Lai! (lời của quỉ vương tên Chủ Mạng thưa cùng đức Như Lai) Hết thảy chúng sinh lúc lâm chung  nếu nghe được thánh hiệu của một Đức Phật, một vị Bồ-tát, hoặc nghe một câu một bài kệ kinh điển Đại thừa, con xem xét thấy hạng người ấy trừ năm tội Vô gián cùng tội sát hại, còn những nghiệp xấu ác nhỏ đáng lẽ phải sa vào đường ác, liền được thoát khỏi cả”.

Lại nữa, phẩm thứ – 7 Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất ghi: “Như có người nam cùng người nữ nào lúc sinh tiền không tu tạo phước lành, lại gây lấy những tội ác, sau khi người đó mạng chung, hàng thân quyến người lớn trẻ nhỏ, tu tạo phước lợi và làm tất cả việc về thánh đạo cho người chết, trong bảy phần công đức người chết nhờ được một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó”.

“Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, ngày người thương của mình lâm chung phải cẩn thận chớ có giết hại và không được gây tạo nghiệp duyên xấu ác, cũng đừng tế lễ quỉ thần, cầu cúng ma quái. Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có chút lợi ích cho người chết, chỉ kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”.

“Lúc sắp sửa mạng chung, cha mẹ và thân quyến nên tu tạo phước lành để giúp cho tiền đồ người đó. Có thể treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc tôn kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị thánh, cho đến trì niệm thánh hiệu của Phật, Bồ-tát, Bích-chi Phật, đưa một thánh hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc ở nơi bổn thức nghe biết. Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, đáng lẽ người đó phải bị đọa vào đường ác, nhưng nhờ hàng thân quyến tu nhân duyên thánh đạo cho, các tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch. Sau khi người đã chết, lại có thể trong vòng 49 ngày tu tạo nhiều phước lành cho người ấy, có thể giúp người chết đó khỏi hẳn các đường xấu ác, được sinh cõi trời hoặc trong loài người hưởng nhiều sự rất vui sướng, đồng thời hàng thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng lợi ích”.

Tóm lại, trong quá trình tổ chức lễ tang thân mẫu, tuy bị bà con quyến thuộc chê bai, nói ra nói vào, song dù thế nào, tôi cũng không dám trái thánh huấn được đức Như Lai chỉ dạy trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện. Ngồi nghĩ lại mẫu thân mang trọng bệnh suốt sáu năm trường, người phải chịu đựng vô lượng vô biên nỗi thống khổ. Từ quả suy ra nhân, biết được nghiệp xấu ác nhà tôi gây tạo từ vô lượng kiếp đến nay quả thật không nhỏ, nếu gia đình tôi không sớm biết ăn năn sám hối, qui tín Ba ngôi báu, nhờ từ ân của Đức Phật gia hộ, e rằng khổ báo không chỉ dừng lại ngang đó. Đặc biệt sắc thân của mẹ, nằm suốt 14 ngày mà không bị lở loét như mọi người (không phát sốt, cũng không đau đớn, sau đó vì thấy mẹ nằm lâu quá anh em tôi giúp bà nghiêng sang một bên bà mới la đau). Lúc nhắm mắt lìa trần, không đau đớn, mở to mắt nhìn chằm chằm vào bức tranh Tam thánh, tai nghe rõ từng thánh hiệu Phật, trút hơi thở một cách hết sức an tường, như người đang ngủ. Thiết nghĩ nếu không có sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát làm gì được như thế. Sau khi chết 33 tiếng đồng hồ, thi thể vẫn mềm mại như khi còn sống, bấy nhiêu đủ minh chứng Phật pháp thật không thể nghĩ bàn, cảm ứng hết sức rõ ràng. Anh em tôi tin chắc, nhân duyên đời sau của mẫu thân tốt đẹp hơn đời này và đời trước rất nhiều; nếu không được vãng sinh, cũng nguyện cho mẫu thân đời sau sẽ được đầu thai vào nhà thiện tri thức, sớm gặp Phật pháp, dõng mãnh tinh tấn trên con đường Bồ-tát.