THÁNH ĐỨC VÀ SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
Nhiều tác giả

 

KHUYÊN CHƯ THIỆN HỮU TU TỊNH NGHIỆP NÊN TRÌ TỤNG KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN

NGƯỜI TU TỊNH ĐỘ NÊN TỤNG KINH ĐỊA TẠNG

Đại sư Hoằng Nhất

Lần này tôi gặp chư vị ở Vĩnh Xuân này, vì có nhiều cơ duyên thù thắng. Vào mùa hè năm ngoái,  cư  sĩ  Vương  Mộng  Tinh  gửi  thư  đến,

trước đó tôi cũng đã hứa với một số cư sĩ, như Lâm Tử Kiên… chùa Phổ Tế sẽ đến giảng kinh. Tôi có đến một lần vào cuối mùa thu giảng đại ý kinh Kim Cang ba ngày, đến tháng 07 tôi đóng cửa thất tu tập thiền định không xuống núi nữa. Hôm qua cư sĩ Mộng Tinh cùng một số vị lên núi thỉnh vấn, trời mưa nên lưu lại chùa nghỉ qua đêm, sáng hôm nay đúng vào ngày Thánh Đản đức Bồ-tát Địa Tạng, thừa nhân duyên thù thắng này, xin nói sơ lược yếu chỉ: “Người tu Tịnh Độ nên trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện”, để kỉ niệm ngày Thánh Đản của Ngài.

Phương pháp tu trì của chư vị thực tập pháp môn Tịnh Độ, đó là lấy 3 bộ kinh nói về Tịnh Độ làm chính. Tôi thiết nghĩ, ngoài 3 bộ kinh đó, chư liên hữu nên trì tụng thêm kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện làm trợ hạnh. Bồ- tát Địa Tạng có nhân duyên hết sức thù thắng với chúng sinh ở thế giới này, kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, lại đặc biệt khế hợp với mọi căn cơ, mọi tầng lớp, cho nên dám khuyên chư vị liên hữu nên trì tụng thêm kinh này. Nay tôi chỉ xin nói sơ qua, mong chư vị có sự lựa chọn sáng suốt:

Thứ nhất, từ xưa đến nay Bồ-tát Địa Tạng có nhân duyên hết sức thâm sâu với Tịnh độ. Như tổ thứ 8 là Liên Trì đại sư, viết lời tựa cho kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, tán thán khuyến khích lưu truyền. Tổ thứ 9 là Ngẫu Ích đại sư, cả đời phụng sự Bồ-tát Địa Tạng, tán thán hoằng dương công đức không thể nghĩ bàn  của Ngài. Thầy ở trên núi Cửu Hoa rất lâu, tự xưng mình là “đệ tử của Bồ-tát”, thực tập lễ sám theo Địa Tạng Sám Nghi, thường trì niệm Địa Tạng Chân Ngôn, cầu mong tiêu trừ nghiệp chướng, cầu sinh Tịnh độ. Lại như sao Thái đẩu của tông Tịnh Độ đương đại – Ấn Quang đại sư, hết sức hoằng truyền kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, thầy in ấn cả mấy vạn quyển, giúp người tu tịnh nghiệp chí tâm đọc tụng, y giáo phụng trì. Nay tôi dựa vào tâm hạnh, việc làm của chư tổ sư đời trước, khuyên chư vị liên hữu tụng trì thêm kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện và thực tập pháp môn của Bồ-tát Địa Tạng. Kết hợp nhiều nhân duyên thù thắng, thành tựu đạo quả chỉ còn là thời gian.

Thứ hai, pháp môn Địa Tạng lấy ba kinh làm chính, đó là: Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, kinh Địa Tạng Bồ- Tát Thập Luân và kinh Địa Tạng Bồ-Tát Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo. Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện chưa nói rõ nghĩa vãng sinh Tịnh độ, nhưng hai bộ kinh còn lại đều có nói đến. Kinh Thập Luân ghi: “Vãng sinh về nước Phật, chung ở với bậc đạo sư”. Kinh Chiêm Sát ghi: “Người nào muốn sinh về Tịnh độ, nên nhất tâm bất loạn, chuyên ý trì niệm thánh hiệu của đức Phật đó (đức Phật A-di-đà), người nào thực tập được lời này, nhất định sẽ được sinh về nước Cực Lạc”. Cho nên Liên tông cửu tổ Ngẫu Ích đại sư, mỗi lúc lễ bái Địa Tạng Bồ-Tát Chiêm Sát Sám đều phát nguyện: “Nguyện khi bỏ thân mạng này, được sinh ra trước Phật, diện kiến đức Phật A-di-đà và chư Phật, được các Ngài thụ kí, sau đó trở lại trần lao, hóa độ chúng quần sinh, đồng sinh về An Lạc quốc”. Qua đây có thể thấy pháp môn Địa Tạng có mối quan hệ hết sức mật thiết với pháp môn Tịnh Độ, vậy tại sao không đồng thời song song thực tập, qui cả hai về một?

Thứ ba, trong kinh Quán  Lượng Thọ, lấy tu ba phước làm chính nhân tịnh nghiệp. Phước đầu tiên trong ba phước, đó là “hiếu dưỡng phụ mẫu”. Còn trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, rất nhiều nhân duyên đời trước Bồ-tát Địa Tạng hiếu thuận với song thân. Đây là lí do tại sao chư cổ đức tôn xưng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện là “kinh hiếu của nhà Phật”, lợi ích rất thiết thực. Chư vị thiện hữu nói chung, chư vị liên hữu nói riêng, nên nhất tâm trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, để trợ giúp với ý chỉ hiếu dưỡng mà kinh Quán Vô Lượng Thọ chủ trương. Cùng thực hành cả hai, tôn sùng đạo hiếu, báo đáp thâm ân, đồng thời còn tu phước thù thắng.

Thứ tư, Tịnh Độ đại sư đương đại – Ấn Quang – dạy người trì thánh hiệu Phật cầu sinh Tịnh độ, trước hết phải tin sâu nhân quả báo ứng, chớ làm các việc xấu ác, chăm làm các việc lành, cuối cùng thầy nói: “Nương vào từ lực của đức từ phụ A-di-đà, được vãng sinh khi thân còn nghiệp chướng”. Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện cũng nói nhiều và rất rõ ràng nhân quả báo ứng, tường tận hết sức. Chư vị thiện hữu nên thường xuyên đọc tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, y theo đó thực hành, làm tư lương  tịnh  nghiệp.  Người nào chưa tin sâu nhân quả báo ứng, ắt sẽ không để tâm đến sự thiết thực của luân thường đạo đức. Người này đừng trông mong chuyện vãng sinh Tịnh độ, bởi ba đường ác đã chờ sẵn. Tôi thiết nghĩ, chư vị liên hữu cần phải tin sâu nhân quả báo ứng, thường phản tỉnh, xét lại những chuyện mình làm hằng ngày. Chân  thành sám hối, nỗ lực làm mới. Sau đó thực tập Năm nguyên tắc đạo đức, Mười điều lành…, để làm trợ hạnh  cho niệm Phật, góp phần vào tư lương vãng sinh.

Thứ năm, người thực tập pháp môn Tịnh Độ, nếu không có khả năng buông xuống hết thảy cảnh khổ vui thuận nghịch, sẽ không thể hội cảnh giới giải thoát. Nếu đủ khả năng dựa vào cảnh khổ để tiêu trừ thân kiến24 (một trong năm kiến), dùng nghịch duyên để kiên cố nguyện Tịnh độ của mình, khi ấy cảnh giới thù thắng sẽ hiện ngay trước mắt. Song người chân thật làm được điều này, trong ngàn vạn người chỉ có một hai mà thôi. Bởi phần lớn chúng ta đều đang ở trong địa vị phàm phu, tuy biết tùy theo căn cơ, sức lực tu tập tịnh nghiệp, nếu chưa đủ trình độ thấu triệt một cách rõ ràng thân tâm và thế giới bên ngoài, chưa đủ khả năng xem nhẹ ăn, mặc, ở…; tâm chưa định tĩnh trước những tai họa như thiên tai, lửa dữ, chiến tranh, đói khát…; hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt này là chướng ngại lớn nhất của người tu hành nói chung và người tu tịnh nghiệp nói riêng. Nay nếu có thể quay về nương tựa kính ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng, sẽ không còn lo chuyện này nữa. Theo như kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện nói, Bồ-tát có khả năng khiến cho chúng sinh đầy đủ y áo, vật thực, bệnh tật không đến thân, nhà cửa yên ổn, cầu muốn điều gì cũng được toại ý, tuổi thọ tăng trưởng, khi ra lúc vào đều có thần theo hộ vệ, các tai nạn đều không xâm phạm. Cổ đức nói: “Thân an đạo tăng trưởng”, chính là ý này vậy. Vì thế khuyên cùng chư vị liên hữu, nên qui tín yếu chỉ của Bồ-tát Địa Tạng.

Trên đây là lược thuật đại ý của việc trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, nghĩa lí tuy chưa tường tận, nhưng đại khái như vậy cũng tương đối đầy đủ, mong chư liên hữu thể hội điểm này, khuyến khích mọi người cùng phát tâm trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, cùng đạt được lợi ích vô biên.