CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÁCH NHẤT YẾT MA
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010
QUYỂN 9
1. Yết ma quở trách xúc não Tăng:
Lúc đó Bí-sô Xiển đà ở trong chúng phạm nhiều tội mà không như pháp sám hối, các Bí-sô muốn cho Xiển đà được lợi ích an lạc trụ nên khuyên bảo Xiển đà như pháp sám hối, Xiển đà nói: “người nào phạm tội thì người đó sẽ như pháp sám hối, vì sao, vì các thầy xuất thân từ nhiều chủng tộc và dòng họ khác nhau, do Thế tôn của tôi chứng quả Chánh giác nên các thầy mới đến cầu xuất gia”. Xiển đà nói lời này để xúc não, các Bí-sô không biết phải làm sao nên bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên tác yết ma quở trách Xiển đà, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma quở trách, tập Tăng như thường làm rồi sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:
Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô Xiển đà này tự thân phạm tội mà không như pháp sám hối. Các Bí-sô muốn cho Xiển đà được lợi ích an lạc trụ nên như pháp khuyên bảo, lại nói lời chống trái gây xúc não cho nhau. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng tác pháp yết ma quở trách Bí-sô Xiển đà. Bạch như vậy.
Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô Xiển đà này tự thân phạm tội mà không như pháp sám hối. Các Bí-sô muốn cho Xiển đà được lợi ích an lạc trụ nên như pháp khuyên bảo, lại còn nói lời chống trái gây xúc não cho nhau. Nay Tăng tác pháp quở trách Xiển đà về tội chống trái lời dạy xúc não nhau. Các cụ thọ chấp thuận việc quở trách Xiển đà này về tội chống trái lời dạy xúc não nhau thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba).
Tăng đã chấp thuận quở trách Xiển đà về tội chống trái lời dạy xúc não nhau xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, nay tôi xin nhớ giữ như vậy.
Xiển đà bị Tăng tác yết ma quở trách rồi liền suy nghĩ: “đây là lỗi của ta, do ta nói lời chống trái mọi người”, bèn nói kệ:
“Những người có trí huệ,
Khéo giữ bốn thứ ngữ,
Xem chim trong rừng núi,
Hay hót nên bị nhốt”.
Lại suy nghĩ: “nay ta nên im lặng không nói”. Thời gian sau Xiển đà lại phạm tội, các Bí-sô muốn cho Xiển đà được lợi ích an lạc trụ nên khuyên bảo Xiển đà sám hối, Xiển đà im lặng không nói để xúc não các Bí-sô, cho đến lần thứ hai, lần thứ ba cũng im lặng để xúc não như vậy. Các Bí-sô thiểu dục liền chê trách rồi bạch Phật, Phật bảo các Bísô: “nên tác pháp quở trách Xiển đà về tội im lặng để xúc não, nếu có ai giống như vậy cũng tác pháp quở trách, tập Tăng như thường làm rồi sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:
Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô Xiển đà này tự thân phạm tội mà không như pháp sám hối, các Bí-sô muốn cho Xiển đà được lợi ích an lạc trụ nên khuyên bảo sám hối, Xiển đà lại im lặng để xúc não các Bí-sô. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng chấp thuận, nay Tăng tác pháp quở trách Xiển đà về tội im lặng để xúc não. Bạch như vậy.
Đại đức tăng già lắng nghe, Xiển đà này tự thân phạm tội… như đoạn văn trên cho đến câu im lặng để xúc não. Nay tăng quở trách Xiển đà về tội im lặng xúc não, các cụ thọ chấp thuận Tăng quở trách Xiển đà về tội im lặng xúc não thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba).
Tăng đã chấp thuận quở trách Xiển đà về tội im lặng xúc não xong rồi, tăng chấp thuận vì im lặng, nay tôi xin nhớ giữ như vậy.
Thời gian sau Xiển đà lại phạm tội, các Bí-sô cũng như trước khuyên bảo sám hối, Xiển đà hoặc nói hoặc im lặng để xúc não, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu nói lời chống trái để xúc não Tăng thì phạm Ba-dật-đề, im lặng xúc não Tăng cũng phạm Ba-dật-đề, nếu xúc não cá nhân thì phạm tội Ác tác”.
2. Yết ma cho phú bát:
Lúc đó Lật cô tỳ tử tên Thiện hiền vì bị ác tri thức mê hoặc nên nói lời vu báng Bí-sô Thật-lực-tử là phạm Ba la thị ca, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Lật cô tỳ tử kia nói lời vu báng, khi dối; các thầy nên làm yết ma phú bát cho ông ta, nếu có ai giống như vậy, Tăng cũng nên làm yết ma phú bát. Tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng tập họp, trong Tăng nên sai một Bí-sô tác bạch yết ma:
Đại đức tăng lắng nghe, Lật cô tỳ tử Thiện hiền đã đem pháp Ba la thị ca không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh Thật-lực-tử. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác yết ma phú bát cho Thiện hiền. Bạch như vậy.
3. Yết ma cho ngưỡng bát:
Sau khi Tăng tác yết ma phú bát xong, các Bí-sô không biết phải làm sao, Phật nói: “từ nay các Bí-sô không nên đến nhà Thiện hiền cho đến không thuyết pháp cho nghe nữa”, Thiện hiền nghe biết việc này sanh tâm hổ thẹn đến gặp Phật nên nói rằng: “trước kia con nói lời vu báng rằng: “Bí-sô Thật-lực-tử không biết xấu hổ, hành phi pháp, đã cùng vợ của con hành dâm, làm hạnh bất tịnh, phạm Ba la thị ca”, đó là do hai Bí-sô kia dạy con nói, không phải là ý của con”, Phật bảo các Bísô: “Thiện hiền tuy vu báng nhưng vốn không phải là ý mình, các thầy nên tác pháp yết ma ngưỡng bát cho ông ta. Nếu có ai giống như vậy, Tăng cũng nên cho yết ma ngưỡng bát. Tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng tập họp; sau khi Tăng tập họp, nên bảo Thiện hiền đến trước vị Thượng tòa chắp tay bạch như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, con tên Thiện hiền do bị ác tri thức dối hoặc nên đã đem pháp Ba la thị ca không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh Thật-lực-tử. Do việc này, Tăng đã tác yết ma phú bát cho con, con nay theo Tăng xin yết ma ngưỡng bát. Cúi xin Tăng cho con yết ma ngưỡng bát, xin thương xót (ba lần)
Kế đó nên đưa Thiện hiền đến chỗ chỉ thấy nhưng không nghe, đứng chắp tay. Một Bí-sô ở trong Tăng tác bạch yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Lật cô tỳ tử Thiện hiền do bị ác tri thức dối hoặc nên đã đem pháp Ba la thị ca không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh Thật-lực-tử. Do việc này nên Tăng đã tác yết ma phú bát cho ông ta. Nay Thiện hiền biết lỗi sám hối, theo Tăng xin yết ma ngưỡng bát. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Thiện hiền yết ma ngưỡng bát. Bạch như vậy.
Khi Tăng đã tác yết ma ngưỡng bát rồi thì các Bí-sô được đến nhà người ấy, được ngồi, được thọ thức ăn uống và được thuyết pháp cho họ”.
4. Yết ma can Bí-sô tánh ác:
Lúc đó Bí-sô Xiển Đà đã phạm tội mà không chịu như pháp sám hối, các Bí-sô thân hữu thấy vậy, vì muốn cho cụ thọ Xiển Đà được lợi ích an lạc nên khuyên rằng: “Thầy phạm tội nên như pháp sám hối”, cụ thọ Xiển Đà nói: “người nào phạm tội, người đó sẽ như pháp sám hối. Các thầy chớ đến nói với tôi là tốt hay xấu, tôi cũng không đến nói với các thầy là tốt hay xấu. Các thầy đừng khuyên can gì tôi, cũng đừng nói gì với tôi”, các Bí-sô không biết làm sao nên bạch Phật, bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô nên can riêng. Khi được can riêng, Xiển đà vẫn cố chấp không chịu bỏ, Phật nói: “các thầy nên bạch tứ yết ma can ngăn, nếu có người nào giống như thế cũng nên bạch tứ can như sau: trải tọa cụ, đánh kiền chùy, nhóm tăng như thường đã làm. Tăng nhóm rồi một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ Xiển Đà này, các Bí-sô đã như lời Phật dạy trong Giới kinh, như pháp như luật khuyên can sám hối, tự thân lại không chịu nghe lời khuyên can, còn nói rằng: các cụ thọ chớ đến nói với tôi tốt hay xấu; tôi cũng không nói các cụ thọ tốt hay xấu. Các cụ thọ đứng có khuyên can tôi, cũng đừng luận bàn về tôi nữa. Khi được can riêng Xiển đà vẫn chấp chặt lời đã nói trước kia, nói rằng: chỉ việc này là chân thật, các việc khác đều là hư vọng. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng chấp thuận, nay Tăng bạch tứ yết ma can ngăn Xiển đà.
Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
5. Yết ma can phỉ báng Tăng:
Khi Tăng tác yết ma trên để can ngăn thì Xiển đà phỉ báng Tăng là có tham sân si, Phật bảo Tăng nên cho Bí-sô Xiển đà yết ma Ha chỉ như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Xiển đà này khi được Tăng yết ma như pháp can ngăn tánh ác, lại nói lời phỉ báng Tăng là có tham sân si. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Xiển đà yết ma Ha chỉ chớ nói lời phi pháp như thế nữa. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
6. Yết ma cuồng si:
Lúc đó Bí-sô Tây yết da điên cuồng tâm loạn, khi Tăng làm trưởng tịnh hoặc tác các pháp yết ma cho đến làm Tùy ý, Bí-sô này lúc đến lúc không đến khiến các Bí-sô tác pháp không thành nên bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên cho Bí-sô Tây yết da yết ma cuồng si, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma cuồng si như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Tây yết da điên cuồng tâm loạn, khi Tăng làm trưởng tịnh hoặc tác các pháp yết ma cho đến làm Tùy ý, Bí-sô này lúc đến lúc không đến khiến các Bí-sô tác pháp không thành. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Tây yết da yết ma cuồng si, từ nay Bí-sô này có đến hay không đến đều không làm trở ngại pháp sự của Tăng. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
7. Yết ma bất si:
Khi Bí-sô Tây yết da điên cuồng tâm loạn, lời nói và hành động thường trái với pháp Sa môn…, thời gian sau, khi Bí-sô này trở lại bản tâm ( hết điên ), các Bí-sô thường đem việc làm trái với pháp Sa môn trước kia của Bí-sô này ra gạn hỏi khiến Bí-sô này phiền não, bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên bạch tứ cho Bí-sô Tây yết da yết ma bất si, nếu có ai giống như thế, Tăng cũng nên cho yết ma Bất si, Bí-sô này nên đến trong Tăng xin cho yết ma Bất si như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, con Bí-sô Tây yết da bị điên cuồng tâm loạn nên lời nói và hành động thường trái với pháp Sa môn. Nay con đã trở lại bản tâm, các Bí-sô thường đem những việc con đã làm trước kia ra gạn hỏi khiến con sanh phiền não. Con Bí-sô Tây yết da nay theo Tăng xin yết ma Bất si, cúi xin Tăng cho con Bí-sô Tây yết da yết ma Bất si, xin thương xót (ba lần).
Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Tây yết da này bị điên cuồng tâm loạn nên lời nói và hành động thường trái với pháp Sa môn. Nay Bí-sô này đã trở lại bản tâm, các Bí-sô thường đem những việc mà Bí-sô này đã làm trước kia ra gạn hỏi khiến Bí-sô này sanh phiền não nên Bí-sô Tây yết da nay theo Tăng xin yết ma Bất si. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Tây yết da yết ma Bất si. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
8. Yết ma cầu tội tánh:
Lúc đó Bí-sô Ha tất đa sanh tâm khinh mạn đại chúng, đã phạm tội mà không nhận tội, các Bí-sô gạn trách cũng không chịu phục tùng nên bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên tác bạch tứ yết ma cầu tội tánh cho Bí-sô Ha tất đa, nếu có ai giống như vậy, Tăng cũng nên cho yết ma cầu tội tánh, tác pháp như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Ha tất đa sanh tâm khinh mạn đại chúng, đã phạm tội mà không nhận tội, các Bí-sô gạn trách cũng không chịu phục tùng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Ha tất đa yết ma cầu tội tánh. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Phật nói: “nay ta nói về hành pháp của Bí-sô được cho yết ma cầu tội tánh, Bí-sô này phải thuận hành những hành pháp như sau: không được độ cho người xuất gia, không được truyền thọ giới cụ túc cho người và làm y chỉ sư, không được nuôi Cầu tịch, chúng tăng không nên sai đến giáo thọ ni, dù trước đã sai cũng phải hủy bỏ. Bí-sô này không được gạn hỏi Bí-sô và bảo họ phải nhớ nghĩ, không được tác các pháp yết ma, không được quở trách… Nếu không tuân theo các hành pháp trên thì phạm tội Việt pháp”.
9. Yết ma ức niệm:
Lúc đó Bí-sô Thật-lực-tử bị Bí-sô ni Thiện hữu đem việc không thật vu báng, các Bí-sô gạn hỏi việc này, khi bị gạn hỏi, Bí-sô Thậtlực-tử hổ thẹn nên bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên tác bạch tứ yết ma cho Thật-lực-tử tỳ ni ức niệm, nếu có ai giống như thế, Tăng cũng nên cho tỳ ni ức niệm. Thật-lực-tử nên đến trong Tăng đủ oai nghi, bạch xin như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Tôi Bí-sô Thật-lực-tử bị Bí-sô ni Thiện hữu đem việc không thật vu báng, các Bí-sô gạn hỏi việc này, khi bị gạn hỏi, tôi Bí-sô Thật-lực-tử rất hổ thẹn nên nay theo Tăng xin yết ma Ức niệm. Cúi xin Tăng cho tôi yết ma Ức niệm, xin thương xót (ba lần).
Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Thật-lực-tử này bị Bí-sô ni Thiện hữu đem việc không thật vu báng, các Bí-sô gạn hỏi việc này, khi bị gạn hỏi, Bí-sô Thật-lực-tử hổ thẹn nên theo Tăng xin yết ma Ức niệm. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Thật-lực-tử yết ma Ức niệm. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
10. Yết ma chọn người bình chánh:
Khi trong Tăng có việc tranh chấp xảy ra mà Tăng không thể quyết đoán làm cho trừ diệt thì Tăng nên cử một người có đủ năm đức làm chủ đoán sự để bình chánh việc tranh chấp này, cũng có thể cử nhiều vị Thượng tòa trong Tăng để cùng bình chánh, bạch nhị sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, trong Tăng có việc tranh chấp xảy ra mà Tăng không thể quyết đoán làm cho trừ diệt. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay ở trong Tăng cử những vị Thượng tòa có đức là __________ làm chủ đoán sự để bình chánh việc tranh chấp này khiến mau được trừ diệt. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
11. Yết ma chọn người bình chánh lần thứ hai:
Nếu những vị đoán sự được sai này vẫn không thể bình chánh việc tranh chấp làm cho trừ diệt thì trong Tăng nên cử lại người bình chánh lần thứ hai, bạch nhị sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe,, trong Tăng có việc tranh chấp xảy ra mà Tăng không thể quyết đoán làm cho trừ diệt. Tăng đã cứ các vị Thượng tòa có đức là __________ làm chủ đoán sự để bình chánh việc tranh chấp này nhưng vẫn không thể làm cho trừ diệt. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay lại cử vị Thượng tòa _____ làm chủ đoán sự đi đến trú xứ khác để bình chánh việc tranh chấp này khiến mau được trừ diệt. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
12. Yết ma cử người truyền sự việc đến Tăng trú xứ khác để diệt tránh:
Nếu vị đoán sự lần thứ hai vẫn không diệt tránh được thì trong Tăng nên cử người truyền sự việc này đến Tăng trú xứ khác nhờ họ diệt tránh, bạch nhị sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, trong Tăng có việc tranh chấp xảy ra đã lâu mà Tăng không thể quyết đoán làm cho trừ diệt; Tăng đã cứ các vị Thượng tòa có đức là _______ làm chủ đoán sự để bình chánh việc tranh chấp này nhưng vẫn không thể làm cho trừ diệt; lần thứ hai Tăng lại cử vị Thượng tòa _____ làm chủ đoán sự đi đến trú xứ khác để bình chánh việc tranh chấp này nhưng vẫn không diệt tránh được. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cử người truyền sự việc này đến Tăng trú xứ khác nhờ họ diệt tránh. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Do việc tranh chấp này kéo dài đã lâu và đã lan rộng, Tăng trú xứ kia muốn diệt tránh thì phải ở trong chúng hành thẻ pháp, bạch nhị hành thẻ pháp như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, trong Tăng có việc tranh chấp xảy ra đã trải qua thời gian dài và đã lan rộng mà Tăng không thể quyết đoán làm cho trừ diệt, nay muốn diệt tránh nên ở trong Tăng hành thẻ pháp. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay hành thẻ pháp. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Nếu hành thẻ pháp mà vẫn không diệt tránh được thì phải giải quyết theo pháp diệt tránh như trong Đại luật đã nói.
13. Yết ma kết tịnh trù:
Như Phật dạy các Bí-sô nên kết tịnh trù, các Bí-sô không biết kết như thế nào và có mấy loại tịnh trù, Phật nói: “có năm loại tịnh trù:
1. Sanh tâm tác: Bí-sô trông coi việc xây cất hoặc người thế tục ban đầu tạo phòng, khi xây nền móng liền nghĩ rằng: “tại chỗ này sẽ làm tịnh trù cho Tăng”.
2. Cọng ấn trì: Bí-sô trông coi việc xây cất, khi hưng công làm nền móng liền nói với các Bí-sô ở chung rằng: “các thầy nên biết, tại chỗ này sẽ làm tịnh trù cho Tăng”.
3. Như ngưu ngọa: phòng không có định chuẩn.
4. Cố phế xứ (chỗ bỏ phế, hư cũ)
5. Bỉnh pháp tác: chỗ do Tăng bạch nhị yết ma kết làm tịnh trù, là chỗ không có chướng ngại ở tận cùng trong giới và thế phần bên ngoài chừng một tầm.
Khi Tăng đã chấp thuận chọn chỗ này làm tịnh trù thì ở tại chỗ này trải tòa, đánh kiền chùy… sai một Bí-sô tác pháp yết ma kết làm tịnh trù như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, trú xứ này đã xây cất xong, Tăng lấy chỗ tận cùng trong giới và thế phần bên ngoài chừng một tầm để kết làm tịnh trù. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay lấy chỗ tận cùng trong giới và thế phần bên ngoài chừng một tầm để kết làm tịnh trù. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Khi Tăng kết tịnh trù xong thì ngay tại chỗ này được hai lợi lạc: một là ngoài giới được chứa, trong giới được nấu; hai là trong giới được chứa, ngoài giới được nấu đều không lỗi. Khi mới xây chùa, căng dây đo đạc nên đặt gạch đá để xác định chỗ, nếu thuận lợi thì Tăng nên tác yết ma kết làm tịnh trù, nếu không thuận lợi thì đại chúng nên nói: tại chỗ này trong chùa và thế phần bên ngoài sẽ kết làm tịnh trù, tôi nay xin thủ trì như thế (ba lần), nói như vậy thì thành kết tịnh trù.
Lúc đó có Bí-sô Sư tử muốn ăn đường cát, Phật nói: “thời hay phi thời và bịnh hay không bịnh đều được tùy ý ăn”.
Như Phật dạy các Bí-sô nên mặc y cắt rọc, lúc đó có Bí-sô được một tấm giạ bằng lông dầy liền mang dao kéo đến một chỗ muốn cắt rọc, Phật thấy vậy liền hỏi rõ nguyên do rồi bảo các Bí-sô: “có năm loại y không nên cắt rọc: một là Cao nhiếp bà tức là Giạ lông dầy, hai là mền lông dầy, ba là mền bằng vải thô dày nặng, bốn là mền bằng vải bố thưa mỏng, năm là vải thiếu muốn cắt rọc mà không đủ. Loại vải thứ năm này ta khai cho thiếp lá để thọ trì, nên lấy nệm dầy xếp vào loại thứ năm, năm loại vải mền này không nên cắt rọc”.
Như Phật dạy các Bí-sô không được dùng ngọa cụ của Tăng nếu không có tấm bọc bảo hộ, lúc đó Lục chúng Bí-sô dùng vải dơ thưa mỏng và cũ rách để bọc ngọa cụ của Tăng. Sáng sớm hôm đó, Phật đắp y mang bát vào thành Tỳ-xá-ly khất thực, cụ thọ A-nan theo sau, Phật bỗng thấy một người có lưng đen sạm bèn hỏi A-nan có thấy không, đáp là thấy, Phật nói: “người này quá khư đã xuất gia trong giáo pháp của Phật Ca-diếp-ba, do ông ta tùy nghi dùng vải thô xấu để bọc ngọa cụ của Tăng nên thọ quả báo ở địa ngục, tuy được sanh làm người nhưng trải qua năm trăm đời lưng bị đen sạm như thế. Do đây, các Bí-sô không nên dùng vải thô xấu, cũ rách, thưa mỏng để bọc ngọa cụ của Tăng. Nếu là vải dầy thì nên dùng một lớp, nếu là vải mỏng thì dùng hai lớp, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Lúc đó có Bí-sô dùng vải nhiều màu may Ni-sư-đàn với nhiều tua ren để thọ dụng, bị các Bà-la-môn và người tục chê trách. Phật nói: “ngọa cụ nên làm hai lớp và nhuộm với ba màu làm cho hoại sắc là xanh, đen và nâu đỏ, nên viền bốn phía”. Như Phật dạy có tám loại lợi dưỡng:
1. Giới sở đắc lợi: ở trong một giới hoặc hai hay nhiều giới tùy được lợi dưỡng gì, các vị cựu trụ trong giới này được cùng chia.
2. Lập chế sở đắc lợi: các Bí-sô chia thành nhóm hay không chia thành nhóm cùng lập chế rằng: “chúng ta an cư trong tụ lạc này, lợi dưỡng từ các nhà thí chủ trên đường _____ thì thuộc về chúng tôi, lợi dưỡng từ các nhà thí chủ trên đường _____ thì thuộc về các vị”. Khi được lợi dưỡng liền theo như lập chế mà thọ rồi cùng chia.
3. Y chỉ sở đắc lợi: tùy nương ở đâu và nương vào ai để an cư mà được lợi dưỡng.
4. An cư sở đắc lợi: lợi dưỡng có được trong hạ an cư thì tùy thí chủ xử phân.
5. Tăng già sở đắc lợi: lợi vật đem đến cúng cho Tăng tuy đã quyết định nhưng không hạn cuộc là Tăng an cư hay Tăng hiện tiền thì nên hỏi lại thí chủ.
6. Bí-sô sở đắc lợi: lợi vật cúng cho Bí-sô được hạn cuộc là Bí-sô ở trong phòng viện này được thọ dụng.
7. Đối diện sở đắc lợi: lợi vật thọ trực tiếp từ thí chủ.
8. Định xứ sở đắc lợi: trong một đời hành hóa của Phật, tổng cộng có tám nơi được xây tháp:
a) Nơi Phật đản sanh tại vườn Lâm tỳ ni, thành Kiếp-tỷ-la.
b) Nơi Phật thành đạo tại tòa kim cang dưới cội Bồ đề, A-lan-nhã thuộc nước Ma-kiệt-đà.
c) Nơi Phật chuyển pháp luân tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư.
d) Nơi Phật nhập Niết-bàn tại Sa la song thọ, thành Câu-thi-na.
e) Tại Trúc lâm, đỉnh núi Thứu, thành Vương xá.
f) Trong giảng đường Cao các bên ờ hồ Di hầu, thành Quảng nghiêm.
g) Tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt.
h) Tại tụ lạc Bình lâm, nơi Phật từ cõi trời trở xuống nhân gian.
Bốn nơi trên là định xứ, bốn nơi dưới là bất định xứ, nếu thí chủ muốn cúng dường nơi Phật đản sanh thì nên đem cúng cho chỗ ấy, không được chuyển đem cúng chỗ khác; nếu thí chủ muốn cúng cho bốn định xứ mà sức không thể mang đến cúng cho ba chỗ kia thì tùy cúng cho một chỗ.
14. Yết ma thủ trì vật của người chết:
Lúc đó cụ thọ Ô-ba-nan-đà qua đời, tài vật để lại có đến ba ức tiền vàng, các Bí-sô ở sáu đại thành tụ về đều muốn được chia phần, các Bí-sô cựu trụ đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô nào đến kip vào năm thời thì được chia phần: một là khi nghe đánh kiền chùy đến tập họp, hai là khi tụng kinh Tam khải đến, ba là khi lễ chế để đến, bốn là khi hành trù đến, năm là khi tác bạch đến. Tăng nên đơn bạch thủ trì tài vật của người chết, trước khi đơn bạch nên hỏi người khán bịnh và người cọng trụ là người chết có mắc nợ ai không và có ai mắc nợ người chết không. Đơn bạch như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Ô-ba-nan-đà qua đời tại đây, đã để lại nhiều tài vật hiện có và không hiện có cùng nhiều y tài và tạp vật khác, nay tạm thủ trì. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay thủ trì nhữngtài vật hiện có và không hiện có cùng những y tài và tạp vật khác của Bí-sô Ô-ba-nan-đà chết để lại. Bạch như vậy.
Sau khi tác bạch xong, các Bí-sô hiện tiền trong giới đều được chia phần, nếu không tác bạch thì tất cả chúng đệ tử Thanh văn của Phật trụ trong châu Thiệm bộ hoặc trú xứ đều được chia phần, đây là nghi thức chia tài vật của Bí-sô qua đời để lại. Nếu gặp tranh chấp, chúng tăng khó nhóm để tác bạch thì khai cho làm pháp đầu và cuối, tức là đưa mười hoặc năm iền cho vị Thượng tòa thủ chúng và vị nhỏ nhất trong chúng để làm định ký.
15. Yết ma sai người coi giữ tư cụ của Bí-sô qua đời:
Nếu trong hạ an cư có nạn duyên, Tăng nên sai một Bí-sô làm người coi giữ tài vật của Bí-sô qua đời để lại, trước nên hỏi vị được sai có thể làm người coi giữ được không, nếu đáp là có thể thì một Bí-sô trong Tăng tác pháp sai như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô _____ này có thể làm người coi giữ tài vật của Bí-sô qua đời để lại. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô _____ này làm người coi giữ tài vật của Bí-sô qua đời để lại. Bạch như vậy.
Như Phật dạy có yết ma bất hòa và yết ma hòa hợp. Nếu các Bí-sô ở trong một giới tác pháp yết ma mà Tăng không tập họp hết, người nên ởi dục lại không gởi dục; hoặc tuy tập họp hết nhưng người đáng quở quở trách thì Tăng không ngừng lại, vẫn gượng làm yết ma. Đó gọi là yết ma bất hòa, ngược với trên thì gọi là yết ma hòa hợp.
Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật:
Hỏi: có mấy hạng người quở không thành quở trách và lời nói không được ghi nhận?
Phật đáp: có mười hai hạng người:
1. Người ngu là người ý suy nghĩ điều ác, miệng nói lời ác, thân làm việc ác và cố chấp việc đã làm.
2. Người si là người không trì kinh, luật, luận.
3. Người không phân minh là người không hiểu rõ giáo văn trong ba tạng.
4. Người không thiện xảo là người không hiểu rành giáo lý trong ba tạng.
5. Người không tàm quý là người phạm một trong bốn tội Tha thắng.
6. Người có lỗi lầm là người mới tranh cãi hay trước đó đã có lời oán trách
7. Người ở ngoài giới
8. Người bị Tăng bạch tứ yết ma xả khí.
9. Người nói không có thứ tự là người nói dối, nói ly gián, nói thô ác và tạp loạn.
10. Người xả oai nghi là người rời khỏi chỗ ngồi.
11. Người mất bản tánh là người làm việc không nên làm, không tu tập các học xứ.
12. Người thọ học là người phạm tội Ba la thị ca nhưng không che giấu, Tăng bạch tứ yết ma cho học lại giới (học hối Sa di)
Lại hỏi: có mấy hạng người quở thành quở trách và lời nói được ghi nhận?
Phật đáp: có bốn, đó là người trụ nơi bản tánh, người ở trong giới, người nói có thứ tự và người không xả oai nghi.