CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÁCH NHẤT YẾT MA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 5

1. Năm năm đồng lợi dưỡng biệt thuyết giới:

Lúc đó có một trưởng giả xây một trú xứ với đầy đủ tiện nghi rồi cúng cho Tứ phương tăng, thời gian sau ông bỗng bị quan bắt giữ, các Bí-sô nghe biết việc này rồi đều bỏ chùa đi nên vật của Tam bảo đều bị trộm lấy mất hết. Sau đó nghe biết trưởng giả được thả về, các Bí-sô đến thăm rồi nói: “trưởng giả, trước đây chúng tôi bỏ chùa đi nên các vật thọ dụng trong chùa đều bị trộm lấy mất hết”, trưởng giả hỏi: “vì sao các thầy bỏ chùa đi?”, đáp: “chúng tôi nghe tin trưởng giả bị bắt, tâm sanh hoang mang nên mới bỏ chùa đi”, trưởng giả nói: “tôi tuy bị bắt nhưng còn có thân thuộc, họ có thể cung cấp thay tôi, vì sao các thầy lại bỏ đi”, các Bí-sô nghe rồi im lặng, bạch Phật, Phật nói: “không nên bỏ đi mà không hỏi thân thuộc của họ, nên hỏi họ có thể cung cấp được hay không, nếu đáp là không thể thì các Bí-sô nên tùy duyên khất thực trong năm năm để giữ chùa. Nếu chủ chùa trở về thì tốt, nếu không trở về được thì các Bí-sô nên sống ở trú xứ gần bên, trong năm năm đồng lợi dưỡng nhưng thuyết giới riêng. Cách tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng nhóm tác tiền phương tiện rồi sai một Bí-sô tác bạch yết ma:

Đại đức tăng lắng nghe, nay thí chủ xây chùa tại trú xứ _______ bị vua quan hay giặc bắt giữ. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, nay Tăng tại trú xứ này cùng Tăng tại trú xứ _____ trong năm năm đồng lợi dưỡng, trưởng tịnh riêng. Bạch như vậy.

Đại đức tăng lắng nghe, nay thí chủ xây chùa tại trú xứ _____ bị vua quan hay giặc bắt giữ, Nay Tăng tại trú xứ này và Tăng tại trú xứ __________ trong năm năm đồng lợi dưỡng, trưởng tịnh riêng. Các cụ thọ nào chấp thuận Tăng tại trú xứ này và Tăng tại trú xứ _________ ___________ trong năm năm đồng lợi dưỡng, trưởng tịnh riêng thì im lặng; vị nào không chấp thuận thì nói.

Tăng đã chấp thuận Tăng tại trú xứ này và trú xứ kia trong năm năm đồng lợi dưỡng, trưởng tịnh riêng xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

2. Yết ma sai đến nhà cư sĩ thông báo:

Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “nếu có Bí-sô, Bí-sô ni làm những việc phi pháp khiến cho người tục không kính tín và chê trách thì phải làm sao?”, Phật nói: “các Bí-sô nên sai một Bí-sô có đủ năm đức đến các nhà thế tục nói cho họ biết Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán đã làm việc phi pháp. Nên sai như sau: trải tòa. đánh kiền chùy tập tăng, tăng nhóm tác tiền phương tiện rồi hỏi ai có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán, nếu có người đáp là có thể thì nên sai một Bí-sô tác pháp yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán này ở nhà thế tục đã làm những việc phi pháp khiến mọi người không sanh tín kính. Bí-sô này tên __________ có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc phi pháp mà Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán đã làm. Nếu Tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng sai Bí-sô này tên __________ đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán.

Bạch như vậy.

Kế tác yết ma:

Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán ở nhà thế tục đã làm những việc phi pháp khiến mọi người không sanh tín kính. Bí-sô này tên ________ có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán. Nay Tăng sai Bí-sô này tên ________ đến nhà thế tục làm người nói lỗi, nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán. Nếu các cụ thọ chấp thuận Bí-sô này tên _________ đến nhà thế tục làm người nói lỗi nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.

Tăng đã chấp thuận sai Bí-sô này tên ___________ làm người nói lỗi vì im lặng. Nay tôi xin nhớ giữ như vậy.

3. Tăng đơn bạch nói thô tội của người khác:

Sau đó Bí-sô được sai này đến nhà thế tục nói những việc làm phi pháp của hai người kia, Bí-sô Quảng ngạch nghe biết việc này liền đến chỗ Bí-sô kia hỏi: “thầy đã đến nhà thế tục nói tội lỗi của tôi phải không?”, đáp: “vì chúng tăng như pháp sai tôi làm như vậy”, Bí-sô Quảng Ngạch nói: “việc làm của tôi đúng hay sai tự tôi biết, nếu thầy còn đi nói nữa tôi sẽ mổ bụng thầy kéo ruột thầy ra, đem treo ở cửa cổng chùa”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Quảng Ngạch là người ngu si, có thể khinh dễ một người chứ không thể khinh dễ đại chúng. Tăng già nên đơn bạch đi nói tội lỗi của họ như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng tập họp tác tiền phương tiện rồi sai một Bísô tác bạch như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán đã làm những việc phi pháp khiến thế tục không sanh tín kính. Nay không ai dám đến nhà thế tục nói tội lỗi của họ, nếu Tăng đúng thời đến, tăng chấp thuận cho Tăng già nếu thấy Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán làm việc phi pháp liền nói cho thế tục biết, nên nói như sau: các vị nên biết, Bí-sô và Bí-sô ni tội ác này đã làm thương tổn Thánh giáo, người này tự thân bị tổn hoại cũng như hạt giống cháy không thể nẩy mầm, ở trong Thánh pháp luật không thể tăng trưởng, Các vị nên quy hướng Như lai Ứng cúng Chánh biến tri và các tôn giả đã chứng ngộ như Kiều Trần Như… Bạch như vậy.

Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Tăng đơn bạch để đến nhà thế tục tục thông báo, không biết phải thông báo như thế nào?”, Phật nói: “nên báo cho người tục biết từ nay không nên cung cấp y thực, thuốc thang và tất cả vật cần dùng cho hai người phạm tội kia”.

4. Yết ma can phá Tăng:

Lúc đó Đề-bà-đạt-da vì danh lợi nên đến chỗ Thập Lực Ca-diếp đảnh lễ rồi bạch rằng: “cúi xin thượng tọa dạy cho tôi pháp thần thông”. Cụ thọ Thập Lực Ca-diếp do không quán tâm Phật nên không biết Phật không dạy pháp thần thông cho Đề-bà-đạt-da-là vì quán biết Đề-bàđạt-da muốn sanh niệm tà ác, nên liền dạy pháp thần thông cho Đềbà-đạt-da. Đề-bà-đạt-da nghe rồi liền siêng năng tu tập đến sau đêm nương theo đạo thế tục mà chứng được Sơ tĩnh lự, phát ra thần thông. Sau khi được thần thông, Đề-bà-đạt-da nói với bốn người bạn bè đảng trợ giúp: “bốn vị nên cùng giúp tôi phá Tăng già hòa hợp và phá pháp luân tăng của sa môn Kiều-đáp-ma. Nếu thành công thì sau khi chúng ta qua đời tiếng tăm vang khắp mười phương”, nói rồi Đề-bà-đạt-da cùng bốn người bạn này liền phương tiện phá hòa hợp Tăng và phá Pháp luân tăng. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo nên can riêng, khi các Bí-sô can riêng như vậy, Đề-bà-đạt-da chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ, nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên bạch tứ yết ma để can ngăn, nếu có người nào khác giống như vậy cũng nên can ngăn. Nên trải tọa cụ, đánh kiền chùy trước tác bạch rồi sau tập họp Tăng. Khi Tăng già nhóm họp tác tiền phương tiện rồi sai một Bí-sô tác pháp yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Đề-bà-đạt-da này muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Các Bí-sô đã can riêng nhưng Đề-bà-đạt-da chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ, nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nay chấp thuận bạch tứ yết ma can ngăn việc Đề-bà-đạtda-làm rằng: “này Đề-bà-đạt-da, thầy chớ muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Thầy nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng 1 lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Đề-bà-đạt-da hãy nên bỏ việc phá Tăng”. Bạch như vậy.

Kế tác yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Đề-bà-đạt-da này muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Các Bí-sô đã can riêng nhưng Đề-bà-đạt-da chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ, nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Tăng nay bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạt-da rằng: “này Đề-bà-đạt-da, thầy chớ muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Thầy nên cùng tăng già hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Đề-bà-đạt-da hãy nên bỏ việc phá Tăng”. Nếu các cụ thọ chấp thuận bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạt-da rằng: “này Đềbà-đạt-da, thầy chớ nên phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp. Thầy nên cùng tăng già hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng một lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Đề-bà-đạt-da hãy nên bỏ việc phá tăng”. thì im lặng, vị nào không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất; yết ma lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Tăng đã chấp thuận bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạt-da xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng. Tôi nay nhớ giữ như vậy.

5. Yết ma can trợ giúp phá Tăng:

Các Bí-sô vâng lời Phật dạy bạch tứ yết ma can ngăn Đề-bà-đạtda xong rồi, nhưng Đề-bà-đạt-da chấp chặt việc mình làm không chịu bỏ nói rằng: “việc này chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Bốn người bạn trợ giúp Đề-bà-đạt-da trong việc phá tăng là: Cô Ca Lý Ca, Khiên Đồ Đạt Phiêu, Yết Tra Mô Lạc ca Để sái, Tam Một Đạt La Đạt đa nói với các Bí-sô: “các Đại đức chớ nói Bí-sô kia (Đề bà) là thiện hay ác, vì sao?, vì Bí-sô kia là người nói đúng pháp, là người nói đúng luật”, Phật bảo nên can riêng bốn bạn đảng này, các Bí-sô can riêng nhưng họ vẫn cố chấp không bỏ nói rằng: “việc này là chơn thật, các việc khác đều là hư vọng”. Các Bí-sô liền đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên bạch tứ yết ma ở trong chúng can ngăn bốn người bạn tùy thuận trợ giúp phá Tăng này, nếu có người nào khác giống như vậy cũng nên can. Trước tác bạch như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Cô Ca Lý Ca, Khiên Đồ Đạt Phiêu,Yết Tra Mô Lạc ca Để sái, Tam Một Đạt La Đạt đa, bốn vị này biết Bí-sô Đề Bà muốn phá hòa hợp Tăng, gây ra việc đấu tranh trụ trong phi pháp, mà vẫn tùy thuận trợ giúp làm việc không hòa hợp. Khi các Bí-sô can ngăn, các vị này nói rằng: các Đại đức chớ nói Bí-sô Đề bà là thiện hay ác, vì sao?, vì Bí-sô kia là người nói đúng pháp, là người nói đúng luật, nương nơi pháp luật mà nói, biết mới nói, không phải không biết mà nói; điều mà Bí-sô kia ưa thích, tôi cũng ưa thích. Khi các Bí-sô can riêng như vậy, họ vẫn chấp chặt không bỏ nói rằng: việc này là chơn thật, các việc khác đều là hư vọng. Nếu tăng đúng thời đến, Tăng nay bạch tứ yết ma can ngăn bốn người: Cô Ca Lý Ca… “này Cô Ca Lý Ca… các vị biết Bí-sô kia muốn phá hòa hợp tăng, gây ra việc đấu tranh, trụ trong phi pháp mà vẫn thuận theo Bí-sô kia làm việc không hòa hợp. Khi các Bí-sô can ngăn lại nói với các Bí-sô rằng: các Đại đức đừng nói Bí-sô kia là thiện hay ác, vì sao?, vì Bí-sô kia là người nói như pháp, như luật, nương nơi pháp luật mà nói, biết mới nói, không phải không biết mà nói; điều mà Bí-sô kia ưa thích, tôi cũng ưa thích. Nhưng Bí-sô kia là người nói phi pháp, phi luật, nương theo phi pháp phi luật chấp chặt không bỏ, không biết mà nói, không phải biết mới nói. Các cụ thọ chớ ưa thích phá Tăng, nên ưa thích Tăng hòa hợp. Các cụ thọ nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỉ không tranh chấp, đồng lòng 1 lời như nước với sữa, khiến cho giáo pháp của Đại sư được ngời sáng, trụ trong an lạc. Các cụ thọ hãy bỏ việc tùy thuận phá tăng không hòa hợp”. Bạch như vậy”.

Kế tác yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm.

6. Yết ma học gia:

Trưởng giả Sư tử trước kia theo ngoại đạo, sau nghe Phật thuyết

pháp chứng được Sơ quả, thấy nghề nông tạo nhiều lỗi nên bỏ nghề. Trưởng giả tín kính Tam bảo, ưa thích thuần thiện, thường hành bố thí, do dâng cúng Tam bảo nên đi đến chỗ nghèo khó và bị người tục chê trách. Các Bí-sô không biết làm sao bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “nên bạch nhị yết ma Học gia cho trưởng giả Sư tử để ngăn các Bí-sô đến nhà ấy. Nếu có ai giống như thế cũng nên tác pháp cho như sau: nhóm Tăng như thường lệ, sai một vị tác bạch yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, trưởng giả Sư tử này tín tâm ân trọng, ý ưa thuần thiện, những gì đã có đều đem huệ thí, đối với Tam bảo không có tâm xẻn, đối với những người đến xin thảy đều cấp cho, vì thế gia sản khánh tận. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng chấp thuận, Tăng nay tác yết ma Học gia cho trưởng giả Sư tử. Bạch như vậy.

Văn yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm. Nếu Bí-sô biết Tăng đã tác yết ma học gia rồi thì không nên đến nhà đó thọ ẩm thực… và nói pháp cho họ. Ai đến thì phạm tội Việt pháp”.

7. Xả yết ma Học gia:

Sau đó trưởng giả Sư tử siêng năng làm việc, không bao lâu sau gia cảnh sung túc hơn trước, trưởng giả thấy gia nghiệp phát đạt muốn cúng dường phước điền như trước nên đến chỗ Phật xin giải yết ma, Phật bảo trưởng giả: “nên vào trong tăng bạch với thượng tọa, sau khi Tăng nhóm nên lễ Tăng rồi đối trước Thượng tọa chắp tay bạch rằng:

Đại đức tăng lắng nghe, con là Sư tử đối với Tam bảo có lòng tin sâu, ý ưa thích thuần thiện, thường ưa huệ thí. Do cúng dường Tam bảo nên tài sản khánh tận, Tăng vì thương xót nên tác pháp yết ma Học gia để các Thánh chúng không đến nhà con. Nay tài thực sung túc trở lại nên con đến trước Tăng xin giải yết ma Học gia, cúi xin Tăng thương xót giải yết ma Học gia, (3 lần).

Bạch rồi lễ Tăng lui ra, lúc đó Tăng sai một vị tác yết ma giải như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, trưởng giả Sư tử đối với Tam bảo có lòng tin sâu, ý ưa thích thuần thiện, thường ưa huệ thí. Do cúng dường Tam bảo nên tài sản khánh tận, Tăng vì thương xót nên tác pháp yết ma Học gia để các Thánh chúng không đến nhà trưởng giả, nay tài thực sung túc trở lại nên trưởng giả đến trước Tăng xin giải yết ma Học gia. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay giải yết ma Học gia cho trưởng giả Sư tử. Bạch như vậy.

Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm, sau khi Tăng tác pháp giải yết ma Học gia rồi, các Bí-sô được đến nhà trưởng giả thọ cúng dường không phạm.

8. Yết ma sai người xem xét đường rừng nguy hiểm:

Lúc đó vào ngày mãn hạ, các Bà-la-môn, các cư sĩ sai các cô gái mang các món ăn ngon đến cúng dường Thánh chúng, giữa đường gặp giặc cướp lột hết tư trang và quần áo. Có Bí-sô ở nơi A-lan-nhã đi khất thực đến nửa đường thấy có thức ăn này liền bảo các cô gái bị lộ hình này ra dâng thức ăn khiến họ xấu hổ. Các Bà-la-môn nghe biết việc này liền nói với các Bí-sô: “nơi rừng có nguy hiểm sao không sai người xem xét báo trước để chúng tôi mang thức ăn đến không bị giặc cướp”, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo nên bạch nhị yết ma sai một Bí-sô đủ năm đức đến xem xét đường đi nơi rừng nguy hiểm như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô _______ này có thể đi xem xét đường đi nơi rừng nguy hiểm. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô ________ làm người đi xem xét đường đi nơi rừng nguy hiểm. Bạch như vậy.

Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.

9. Yết ma cho thọ học:

Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Bí-sô Hoan hỉ không xả học xứ, làm việc dâm dục, hủy tịnh giới nhưng không có tâm che giấu, tâm ý đau khổ như bị tên độc cắm vào ngực, không biết phải làm sao”, Phật nói: “ Bí-sô Hoan hỉ tuy hủy phạm tịnh giới nhưng không có tâm che giấu, không phải là Ba la thị ca. Các thầy nên yết ma cho Hoan hỉ thọ học xứ trọn đời, nếu có ai giống như vậy cũng nên tác pháp yết ma cho. Tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy nhóm tăng, khi Tăng đã nhóm, Bí-sô Hoan hỉ nên đảnh lễ Tăng rồi ở trước vị Thượng tòa chắp tay bạch rằng:

Đại đức tăng lắng nghe, con là Bí-sô Hoan hỉ không xả học xứ mà làm việc dâm, hoại hạnh thanh tịnh; con tuy phạm giới nhưng không có tâm che giấu. Nay con theo Tăng xin thọ học xứ trọn đời, xin thương xót (ba lần).

Tăng nên bảo Hoan hỉ đến đứng ở chỗ mắt thấy nhưng tai không nghe, lúc đó một Bí-sô trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Hoan hỉ không xả học xứ mà làm việc dâm, hoại hạnh thanh tịnh; tuy đã phạm giới nhưng không có tâm che giấu, nay Bí-sô Hoan hỉ theo Tăng xin thọ học xứ trọn đời. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Hoan hỉ thọ học xứ trọn đời. Bạch như vậy.

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Hoan hỉ không xả học xứ mà làm việc dâm, hoại hạnh thanh tịnh; tuy đã phạm giới nhưng không có tâm che giấu, nay theo Tăng xin thọ học xứ trọn đời. Nếu cụ thọ nào chấp thuận cho Bí-sô Hoan hỉ thọ học xứ trọn đời thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba) Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

10. Yết ma cho Thật-lực-tử y:

Lúc đó Bí-sô Thật-lực-tử được Tăng sai làm người phân chia ngọa cụ và theo thứ lớp phân phó Tăng thọ thỉnh thực. Thầy là người có tín tâm, ý vui thích hiền thiện, không từ khó nhọc vì chúng tăng làm mọi việc, những vật tư sanh mà mình có ở trong Tam bảo và ở chỗ các Bísô thượng hạnh thảy đều cúng thí, cho nên ba y của mình đều cũ rách. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “các Bí-sô nên hòa chúng đơn bạch trao y cho Thật-lực-tử thì y này thành vật không tội, nên bạch như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, tập tăng rồi tác bạch:

Đại đức Tăng lắng nghe, cụ thọ Thật-lực-tử có tín tâm, ý ưa thích hiền thiện, vì chúng coi ngó lo liệu mọi việc không từ khó nhọc… giống như đoạn văn trên cho đến câu ba y đều cũ rách. Nay Tăng được bạch điệp tốt, nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay đem bạch điệp này thí cho Thật-lực-tử. Bạch như vậy.

11. Yết ma quở trách trước mặt hủy báng:

Sau khi Bí-sô Thật-lực-tử được Tăng sai làm người phân chia ngọa cụ, do hai Bí-sô Hữu và Địa đời trước có oán cừu với Thật-lựctử, nghiệp duyên chưa dứt nên đối trước Bí-sô Thật-lực-tử nói lời chê trách. Các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “nên tác pháp quở trách hai Bí-sô Hữu và Địa về tội ở trước mặt hiềm trách. Nếu có ai khác giống như vậy cũng tác pháp quở trách như sau: đánh kiền chùy, tập họp chúng sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:

Đại đức tăng già lắng nghe, hai Bí-sô Hữu và Địa này biết Tăng hòa hợp sai Bí-sô Thật-lực-tử làm người phân chia ngọa cụ và phân phó Tăng theo thứ lớp đi phó thực mà lại ở trước mặt hiềm trách. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng tác pháp quở trách hai Bí-sô Hữu và Địa về tội ở trước mặt hiềm trách. Bạch như vậy.

Đại đức tăng già lắng nghe, hai Bí-sô Hữu và Địa này biết Tăng hòa hợp sai Bí-sô Thật-lực-tử làm người… đi phó thực, lại ở trước mặt hiềm trách. Nay Tăng tác pháp quở trách hai Bí-sô Hữu và Địa về tội ở trước mặt hiềm trách, nếu các cụ thọ chấp thuận việc quở trách hai Bísô Hữu và Địa thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (thứ 2, thứ 3).

Nay Tăng đã tác pháp quở trách hai Bí-sô hữu và Địa về tội ở trước mặt hiềm trách xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, nay tôi xin nhớ giữ như vậy.

12. Yết ma quở trách mượn ai khác để hủy báng:

Sau khi Tăng tác yết ma quở trách hai Bí-sô Hữu và Địa về tội hủy báng trước mặt, vào thời khác, hai Bí-sô này ở trước mặt Bí-sô Thật-lực-tử không nói thẳng tên ra mà mượn ai khác để chê trách. Các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “nên tác pháp quở trách hai Bí-sô Hữu và địa về tội giả vờ mượn ai đó, không kêu thẳng tên mà ở trước mặt hiềm trách. Nên tác bạch yết ma như sau:

Đại đức tăng già lắng nghe, hai Bí-sô Hữu và Địa này đã biết Tăng hòa hợp sai Bí-sô Thật-lực-tử làm người… đi phó thực, mà ở trước Thật-lực-tử mượn ai đó không nói thẳng tên để hiềm trách. Nếu Tăng đúng thời đến, tăng nên chấp thuận, nay tăng tác pháp quở trách hai Bí-sô Hữu và Địa về tội mượn ai đó, không nói thẳng tên ra mà ở trước mặt hiềm trách. Bạch như vậy.

Đại đức tăng già lắng nghe, hai Bí-sô hữu và Địa này đã biết tăng hòa hợp sai Bí-sô Thật-lực-tử làm người… đi phó thực, ở trước Thậtlực-tử giả vờ mượn ai đó không nói thẳng tên ra để hiềm trách. Nếu các cụ thọ chấp thuận việc quở trách hai Bí-sô Hữu và Địa thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ 2, lần thứ 3).

Nay Tăng già đã quở trách hai Bí-sô hữu và Địa về tội… xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng. Nay tôi xin nhớ giữ như vậy.

Nếu Bí-sô bị Tăng tác pháp quở trách rồi ở trước mười hai hạng người được Tăng sai, đang trong giai đoạn hành sự mà sân trách, khinh rẽ đều phạm Ba dật để ca. Nếu Bí-sô bị Tăng tác pháp quở trách rồi ở trước mặt mười hai hạng người được Tăng sai, dù đã qua giai đoạn hành sự mà vẫn sân trách, khinh rẽ đều phạm Ba dật để ca. Nếu Bí-sô không bị Tăng tác pháp quở trách ở trước mười hai hạng người được Tăng sai đang trong giai đoạn hành sự mà sân trách thì phạm Ác tác.

Lúc đó cụ thọ Ức nhĩ từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, thân giáo sư của con là thánh giả Ca-đa-diễn-na ở nơi biên phương, bảo con đảnh lễ Phật thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não… và có năm việc bạch Thế tôn như sau: một là thôn Bà sách ca là biên địa, có người muốn thọ cận viên nhưng khó tìm đủ túc số mười người; hai là người ở biên quốc thường dùng nước tắm giặt để làm tịnh; ba là đất nơi đó cứng, trên đường đi có dấu chân của trâu bò nên không bằng phẳng như đất ở các nơi khác; bốn là người nước phương Đông dùng các ngọa cụ bằng da dê đen, da nai, da bò…; năm là nếu có Bí-sô gởi y đến cho Bí-sô khác, tuy nghe gởi y đến nhưng chưa nhận vào tay, quá mười ngày sợ phạm xả đọa, không biết phải làm sao”, Phật bảo các Bí-sô: “từ nay về sau, ta khai năm việc cho các Bí-sô ở Biên phương:

1. Ở biên phương khó tìm đủ túc số mười người thì khai cho năm Bí-sô trì luật được truyền thọ Cận viên.

2. Nơi Biên phương đất cứng, ta khai cho các Bí-sô được mang giày da một lớp đế, không được hai lớp hay ba lớp, đế giày nếu lủng rách được vá hay thay.

3. Người ở biên phương thường dùng nước tấm giặt làm tịnh thì khai cho các Bí-sô được tùy ý tắm rửa.

4. Người ở biên phương dùng ngọa cụ như thế nào thì khai cho các Bí-sô được tùy ý thọ dụng theo họ,

5. Nếu có Bí-sô gởi y đến cho Bí-sô khác, tuy nghe gởi đến nhưng chưa nhận y thì khai cho các Bí-sô quá mười ngày không phạm xả đọa”.

Lúc đó Ô-ba-ly ở trong đại chúng rời chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế tôn khai cho ở Biên phương đủ năm Bí-sô trì luật được truyền thọ Cận viên, con không biết bắt đầu từ chỗ nào trở đi thì gọi là Biên phương?”, Phật nói: “từ phương Đông này có rừng Bôn trà, nơi đó có dòng sông tên là Bôn trà, từ chỗ đó trở ra gọi là Biên phương. Phương Nam có nước tên là Nhiếp phạt la Phật để, nơi đó có dòng sông tên là Nhiếp phạt la Phật để, từ đó trở ra ngoài gòi là biên phương. Phương Tây có nước tên là Tốt thổ nô, nơi đó có thôn tên là Ô ba tốt thổ nô, từ đây trở ra ngoài gọi là Biên phương. Phương Bắc có núi tên là Ôn thi la, ngoài phạm vi núi này gọi là biên phương”, lại hỏi: “như Phật đã dạy nếu Bí-sô được giày da của người thế tục đã mang qua thì được thọ dụng, không biết như thế nào gọi là đã từng mang qua?”, Phật nói: “nếu cư sĩ mang dép da ấy đi chừng bảy, tám bước đều gọi là đã từng mang qua”, lại hỏi: “nếu giày da chưa từng mang qua và giày mới thì phải thọ dụng như thế nào?”, Phật nói: “nên đưa giày da này cho người tục đáng tin nói là vật của ông hãy mang đi vài bước, người này nên khởi tưởng là vật của mình mà mang đi bảy tám bước, sau đó đưa lại cho Bí-sô nói rằng: “đây là vật của tôi, Thánh giả cứ tùy ý thọ dụng”, lại hỏi: “như Phật đã dạy ở nơi có tuyết lạnh khai cho mang bao tay và giày ống, không biết như thế nào gọi là tuyết lạnh?”, Phật nói: “nếu nước đựng trong chén đông lại thì gọi là xứ có tuyết lạnh”.

Lúc đó Phật khai cho các Bí-sô được dùng bốn loại dược: thời dược, cánh dược, thất nhật dược và tận thọ dược.

1. Thời dược: gồm có năm loại Khư đà ni như củ, cọng, hoa, lá, trái và năm loại Bồ xà ni như bún (miến, mì, nui…), bánh bột, ngũ cốc (xôi, bắp…), thịt (cá), cơm. Những món ăn này đều là đúng thời mới ăn.

2. Cánh dược (phi thời dược): gồm có tám loại nước uống:

a. Chiêu giả tương: Chiêu giả là tên của một loại cây ở Ấn độ, cũng gọi là Điên trớ lê, trái giống như trái bồ kết nhung có mùi vị như trái mơ, lớn chừng hai ngón tay, dài khoảng ba bốn tấc, người đương thời ép lấy nước uống.

b. Mao giả tương: tức là nước ép từ trái chuối với một ít bột hồ tiêu.

c. Cô lạc ca tương: nước ép từ trái Cô lạc ca, mùi vị như nước trái táo chua.

d. A thuyết tha tương: nước ép từ trái A thuyết tha.

e. Ô đàm bạt la tương: giống như trái mận, ép lấy nước dùng.

f. Bát lỗ sái tương: giống như trái anh áo, ép lấy nước dùng.

g. Miệt lật trụy tương: giống như trái nho, ép lấy nước dùng.

h. Khát thọ la tương: cấy giống như cây Lâu lư, trái giống như trái tào nhỏ, ép lấy nước dùng.

3. Thất nhật dược: như tô, dầu, đường, mật, đường phèn được cất dùng trong vòng bảy ngày.

4. Tận thọ dược: thuốc thuộc loại củ (rễ), cọng (cành, thân cây), lá, hoa, quả được cất dùng trị bịnh trọn đời.

Trong bốn loại dược này, Thời dược là loại dược dùng đúng thời; nếu đem Cánh dược, Thất nhật dược, Tận thọ dược điều hòa với Thời dược thì chỉ dùng đúng thời, không được dùng phi thời. Nếu đem Cánh dược, Thất nhật dược, Tận thọ dược điều hòa với Cánh dược thì nên dùng vào canh một, qua canh một thì không được dùng. Nếu đem Thất nhật dược điều hòa với Tận thọ dược thì được dùng trong bảy ngày, quá bảy ngày không được dùng. Nếu là Tận thọ dược điều hòa với Tận thọ dược thì được cất dùng trọn đời, nhưng bốn loại dược này nếu điều hòa với nhau thì được miễn cưỡng dùng, khi không bịnh và khi bịnh lành thì không được dùng nữa, nên đem cho vị đồng phạm hạnh. Nên thọ trì như sau: rửa tay sạch rồi nhận lấy loại dược cần dùng, đối trước một Bísô tác pháp thọ trì: Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô tên _______, vì có bịnh duyên xin được thọ trì loại Tận thọ dược này để uống dùng. (3 lần),

Thất nhật dược hoặc Cánh dược cũng tác pháp như vậy. Bốn loại dược này nếu đã tự thọ rồi, dùng chưa quá hạn mà bị người chưa thọ Cận viên xúc chạm vào thì tùy trường hợp có thể thọ lại để dùng; nếu đã quá hạn thì dù có xúc chạm hay không xúc chạm đều phải xả bỏ. Đối với người nghèo thì khai cho được đổi và đem cho người, khi họ đưa lại được lấy giống như là mới được.

13. Yết ma cho làm phòng nhỏ:

Lúc đó cụ thọ Đại Ca-diếp bạch Phật: “Thế tôn, có các Bí-sô xúc não thí chủ vì thường đến chỗ họ khất cầu để xây cất phòng xá, sau khi làm phòng xong lại chê hoặc dài, ngắn hoặc rộng hẹp… không biết phải làm sao?”, Phật nói: “Bí-sô muốn xây cất phòng nhỏ phải thỉnh các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, nếu đủ ba điều kiện mới được xây”, lại hỏi: “phòng xây đúng lượng như thế nào?”, Phật nói: “phòng làm đúng lượng là dài 12 gang tay của Phật và rộng bảy gang tay của Phật. Bí-sô này phải đưa các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, các Bí-sô kia phải xem xét chỗ xây cất nay có phải là chỗ thanh tịnh như pháp không, chỗ có tranh chấp không, chỗ có tiến thú không”. Bí-sô muốn xây phòng nên trải tọa cụ, đánh kiền chùy bạch chúng, chúng nhóm họp rồi liền ở trong chúng cởi bỏ giày dép, trịch y bày vai phải kính lễ theo thứ tự lớn nhỏ rồi đến trước vị Thượng tọa quỳ gối chắp tay bạch rằng:

Đại đức tăng lắng nghe, con là Bí-sô tên ________, muốn xây cất phòng nhỏ, con đã xem xét chỗ xây cất thanh tịnh như pháp rồi. Con nay muốn ở chỗ thanh tịnh như pháp đó xây cất phòng nhỏ cúi xin Tăng cho phép. Cúi xin Tăng cho phép con Bí-sô tên _________, đươc xây cất phòng nhỏ ở chỗ thanh tịnh như pháp đó. Xin thương xót chấp thuận (3 lần).

Lúc đó các Bí-sô không nên tin liền lời Bí-sô này nói mà không đến xem xét lại. Các Bí-sô nên cùng nhau đến xem xét hoặc Tăng sai một hay nhiều Bí-sô đang tin đến xem xét chỗ xây cất đó. Nếu chỗ ấy không thanh tịnh, có tranh chấp, không có tiến thú thì không nên cho làm. Nếu chỗ ấy thanh tinh, không có các nạn thì nên trở về chùa báo lại, như pháp nhóm chúng rồi đến trước vị Thượng tòa bạch rằng:

Đại đức Tăng lắng nghe, chỗ mà Bí-sô tên ________, muốn xây cất, chúng con đến xem xét thấy là chỗ thanh tịnh, không có các nạn.

Tăng nên biết thời.

Kế sai một Bí-sô bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô này tên ________, muốn xây cất phòng nhỏ, Tăng đã đến chỗ đó xem xét thấy là thanh tịnh. Bí-sô này đối với việc xây cất đều đúng pháp thanh tịnh, nay đến trong Tăng xin cho phép. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô này ở chỗ thanh tịnh đúng pháp đó xây cất phòng nhỏ. Bạch như vậy.

Kế bạch yết ma chuẩn theo lời tác bạch mà làm.

14. Yết ma cho làm chùa lớn:

Phật tại nước Kiều-thiểm-tỳ, vườn Cù sư la, lúc đó Lục chúng Bísô xin được nhiều tài vật và chặt cây đại thọ cao lớn thù thắng để xây cất chùa lớn, làm tổn hại nhiều sinh vật khiến người tục mất lòng tin. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô muốn làm chùa lớn nên thỉnh các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, nếu đủ ba điều kiện như trên mới được xây. Tác pháp xin giống như xin xây phòng nhỏ”, một Bí-sô trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô này tên __________, muốn xây cất chùa lớn, Tăng đã đến chỗ đó xem xét thấy là thanh tịnh. Bí-sô này đối với việc xây cất đều đúng pháp thanh tịnh, nay đến trong Tăng xin cho xây chùa lớn. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô này ở chỗ thanh tịnh đúng pháp đó xây cất chùa lớn. Bạch như vậy.

Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.

15. Yết ma cho Bí-sô Tri sự trong sáu năm làm lại phu cụ mới:

Lúc đó Bí-sô Tri sự trông coi các việc vì phu cụ quá mỏng không chịu nổi lạnh rét, tuy phu cụ chưa đủ sáu năm cũng được đến trong Tăng xin trong sáu năm làm lại phu cụ khác. Nên xin như sau: tập Tăng, Bí-sô Tri sự đến trong Tăng ở trước vị Thượng tọa quỳ gối chắp tay bạch:

Đại đức tăng lắng nghe, tôi Bí-sô tên ________ làm tri sự trông coi các việc, theo luật trong sáu năm không được làm phu cụ mới, nay đến trong Tăng xin tuy còn trong thời hạn sáu năm được làm lại phu cụ mới. Xin Tăng cho tôi Bí-sô _________ tuy còn trong thời hạn sáu năm được làm lại phu cụ mới, xin thương xót (3 lần).

Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô Tri sự tên _______ nay theo Tăng xin trong thời hạn sáu năm được làm lại phu cụ mới. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Tri sự ___ ____ trong thời hạn sáu năm được làm lại phu cụ mới. Bạch như vậy.

Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10