CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÁCH NHẤT YẾT MA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 1

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ đa, thành Thất-la-phiệt, Phật bảo các Bí-sô: “từ nay nếu có ai muốn ở trong pháp luật thiện thuyết cầu xuất gia và thọ Cận viên thì A-giá-lợi-da và Ô-ba-đà-da nên cho họ xuất gia và thọ Cận viên”, lúc đó các Bí-sô không biết có mấy hạng A-giá-lợi-da và mấy hạng Ô-ba-đà-da, Phật nói: “có năm hạng A-giá-lợi-da:

1. Thập giới A-giá-lợi-da là vị truyền trao pháp Tam quy và mười học xứ.
2. Bình giáo (giáo thọ) A-giá-lợi-da là vị ở chỗ khuất gạn hỏi các chướng pháp (già nạn).
3. Yết ma A-giá-lợi-da là vị tác pháp bạch tứ yết ma.
4. . Y chỉ A-giá-lợi-da là vị cho y chỉ ít nhất là ở lại một đêm.
5. Giáo độc (thọ kinh) A-giá-lợi-da là vị dạy đọc tụng ít nhất là bốn câu kệ pháp.

Ô-ba-đà-da có hai hạng: một là vị thầy cho ta cạo tóc, xuất gia và thọ mười học xứ, hai là vị cho ta thọ Cận viên”.

Như Phật dạy vị Ô-ba-đà-da nên cho người xuất gia và thọ Cận viên, các Bí-sô không biết nên cho xuất gia và thọ Cận viên như thế nào, Phật nói:

Nếu người muốn xuất gia nên tìm đến một Bí-sô, Bí-sô này nên hỏi các chướng pháp, nếu hoàn toàn thanh tịnh thì được tùy ý nhiếp thọ. Khi đã nhiếp thọ rồi nên truyền trao cho họ pháp Tam quy và năm học xứ thành Ô-ba-sách-ca luật nghi hộ. (Hộ – tiếng Phạn gọi là Tam bạt la, dịch là ủng hộ. Do thọ quy giới, hộ trì nên không đọa trong ba đường ác. Minh liễu luận giải thích chữ Hộ này là giới thể vô biểu sắc.)

I. TRUYỀN PHÁP TAM QUY:

Nên chỉ dạy người cầu xuất gia đến lễ kính vị bổn sư, quỳ gối chắp tay bạch rằng: “A-giá-lợi-da nhớ nghĩ, con tên là — kể từ hôm nay cho đến trọn đời xin quy y Phật đà Lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt ma Ly dục trung tôn, quy y Tăng già Chư chúng trung tôn”. (ba lần). Bổn sư đáp: hảo (tốt) Giới tử đáp lại: thiện.

(Hảo – tiếng Phạn là Áo tỉ ca, nghĩa là phương tiện, tức là lấy Thánh giáo này làm phương tiện để thú hướng Niết-bàn đến chỗ an lạc. Thiện – tiếng Phạn là Bà độ, là lời đáp lại sau khi tác pháp xong, nếu không nói như thế thì phạm tội Việt pháp.)

II. TRUYỀN TRAO NĂM HỌC XỨ:

Giáo thọ sư dạy giới tử: “con hãy nói theo lời ta:

A-giá-lợi-da nhớ nghĩ, như các vị thánh A-la-hán cho đến trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục tà hạnh, không nói dối, không uống các loại rượu. Con tên — từ nay cho đến trọn đời cũng không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục tà hạnh, không nói dối, không uống các loại rượu. Năm học xứ này con sẽ tu tập hành trì, xin A-giá-lợi-da chứng tri cho con là Ô-ba-sách-ca quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ. (ba lần)

Bổn sư đáp: hảo

Giới tử đáp lại: thiện.

III. XUẤT GIA THỌ GIỚI:

1. Thỉnh Ô-ba-đà-da (Thân giáo sư): Giáo thọ sư dạy giới tử nói theo:

A-giá-lợi-da nhớ nghĩ, con tên —- nay xin thỉnh A-giá-lợi-da làm Ô-ba-đà-da, con nương theo Ô-ba-đà-da để được xuất gia (ba lần)

Một Bí-sô trong Tăng hỏi Bổn sư của giới tử: “thầy đã hỏi các chướng pháp chưa?”, đáp là đã hỏi. Có hỏi thì tốt, nếu không hỏi mà ở trong Tăng tác bạch thì phạm tội Việt pháp. Trường hợp cho cạo tóc xuất gia nên bạch tăng hoặc dẫn giới tử đi đến từng phòng cáo bạch, nếu bạch Tăng nên nhóm Tăng, Giáo thọ sư dẫn giới tử vào trong Tăng, kế đến trước vị Thượng tòa đảnh lễ rồi chắp tay bạch rằng:

Đại đức tăng lắng nghe, giới tử tên —- nương theo Bí-sô — cầu xuất gia, nay còn hình thức bạch y chưa cạo tóc xin được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô. Giới tử này nếu được cạo tóc mặc pháp y sẽ khởi tâm chánh tín, bỏ nhà đến chỗ không nhà, Bí-sô — làm Ô-ba-đà-da. Tăng có chấp thuận cho giới tử này xuất gia không?

Tăng nên đáp: nếu giới tử —– thanh tịnh thì nên cho xuất gia, nếu hỏi thì tốt, không hỏi thì phạm tội Việt pháp. Có trường hợp khi cạo tóc, giới tử bỗng hối hận, Phật nói: “nên chừa lại một ít tóc trên đầu rồi hỏi giới tử có chịu cạo sạch tóc trên đầu không, nếu đáp là không thì cho họ tùy ý trở về nhà, nếu đáp là chịu thì nên cạo sạch rồi cho họ tắm rửa sạch sẽ. Nếu trời lạnh thì nên cho nước nóng tắm, nếu trời nóng nên cho nước lạnh tắm, sau đó cho mặc y phục của người xuất gia. Khi họ mặc y phục nên xem xét họ có phải là người hai căn hoặc không căn hoặc căn không đầy đủ hay không”, lúc đó các Bí-sô lộ hình giới tử để xem xét khiến giới tử hổ thẹn, Phật nói: “không nên lộ hình để xem xét, khi họ mặc quần áo, lén nhìn không để họ biết”.

2. Truyền thọ mười học xứ:

Giáo thọ sư bảo giới tử cầm y Man điều để ngang trán tác pháp thọ rồi đắp vào để thọ Cầu tịch luật nghi hộ, kế bảo giới tử đối trước hai thầy làm lễ, quỳ gối chắp tay và dạy bạch như sau:

A-giá-lợi-da nhớ nghĩ, con tên là — kể từ hôm nay cho đến trọn đời xin quy y Phật đà Lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt ma Ly dục trung tôn, quy y Tăng già Chư chúng trung tôn. Như Bạc-già-phạm, Thích ca Mâu ni, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác đã xuất gia; con nay cũng xuất gia, từ bỏ hình tướng thế tục, thọ trì hình tướng xuất gia, Ô-ba-đàda của con là — (ba lần).

Bổn sư đáp: hảo (tốt).

Giới tử đáp lại: thiện.

Giáo thọ sư dạy giới tử: “con hãy nói theo lời ta:

A-giá-lợi-da nhớ nghĩ, như các vị thánh A-la-hán cho đến trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục tà hạnh, không nói dối, không uống các loại rượu, không ca múa tấu nhạc, không thoa dầu thơm và đeo tràng hoa, không ngồi giường cao tốt rộng lớn, không ăn phi thời, không cất giữ vàng bạc. Con tên — từ nay cho đến trọn đời cũng không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục tà hạnh, không nói dối, không uống các loại rượu, không ca múa tấu nhạc, không thoa dầu thơm và đeo tràng hoa, không ngồi giường cao tốt rộng lớn, không ăn phi thời, không cất giữ vàng bạc. Mười học xứ này con sẽ tu tập hành trì, xin Agiá-lợi-da chứng tri cho con là Cầu tịch thọ trì mười học xứ. Ô-ba-đà-da của con là — (ba lần)

Bổn sư đáp: hảo

Giới tử đáp lại: thiện.

Giáo thọ sư bảo Cầu tịch: “con đã thọ xong mười học xứ, được gọi là thiện thọ, từ nay nên cúng dường Tam bảo, thân cận hai thầy, đọc tụng kinh, siêng tu ba nghiệp chớ có buông lung”.

IV. TRUYỀN THỌ CẬN VIÊN:

Khi Cầu tịch đủ hai mươi tuổi có thể cho thọ Cận viên thì Bổn sư nên lo liệu cho Cầu tịch có đầy đủ ba y, bát, đãy lượt nước, ngọa cụ rồi thỉnh Thập sư truyền thọ Cận viên cho Cầu tịch ở trên giới tràng. Thập sư vân tập và hòa hợp xong, bảo giới tử đắp y lạy ba lạy để thỉnh Ô-bađà-da (lạy có hai cách: một là năm vóc gieo sát đất, hai là quỳ mọp hai tay chạm vào chân thầy). Nếu vị này trước đã là Ô-ba-đà-da hoặc là A-giá-lợi-da thì tùy xưng hô, nếu không phải là hai thầy thì nên xưng là Đại đức hay tôn giả.

1. Thỉnh Ô-ba-đà-da:

Giáo thọ sư dạy thỉnh như sau:

Ô-ba-đà-da nhớ nghĩ, con tên là —- xin thỉnh Ô-ba-đà-da làm Ô-ba-đà-da, xin Ô-ba-đà-da vì con làm Ô-ba-đà-da, con nương theo Ôba-đà-da để được thọ Cận viên (ba lần).

Thỉnh A-giá-lợi-da cũng giống như văn thỉnh trên.

2. Thọ ba y và bát:

Giáo thọ sư ở trong Tăng trước Ô-ba-đà-da cho giới tử thọ ba y và bát, dạy thọ như sau:

Ô-ba-đà-da nhớ nghĩ, con tên là —- , y Tăng-già-lê này nay con xin thọ trì, đã may thành y là vật mà con thọ dụng. (ba lần)

Ô-ba-đà-da nhớ nghĩ, con tên là — , y Uất Đa-la tăng này nay con xin thọ trì, đã may thành y là vật mà con thọ dụng (ba lần).

Ô-ba-đà-da nhớ nghĩ, con tên là —-, y An-đà-hội này nay con xin thọ trì, đã may thành y là vật mà con thọ dụng (ba lần).

Nếu là vải chưa giặt nhuộm, chưa cắt rọc gọi chung là y tài, tạm sung vào trong số ba y thì nên thọ trì như sau:

Ô-ba-đà-da nhớ nghĩ, con tên là —-, y tài này con xin thọ trì sẽ may thành y Tăng-già-lê chín điều, hai đàn dài một đàn ngắn. Nếu không gặp trở duyên con sẽ giặt nhuộm, cắt rọc may thành y để thọ dụng. (ba lần)

Giới tử nên đưa bát trình cho đại chúng thấy, vì sợ bát quá nhỏ hay quá lớn hay màu sắc không như pháp; nếu là bát tốt như pháp thì đại chúng nên nói là bát như pháp, nếu không nói thì phạm tội Việt pháp. Giáo thọ sư bảo giới tử tay trái cầm bát, tay phải đặt lên miệng bát rồi dạy thọ trì như sau:

Ô-ba-đà-da nhớ nghĩ, con tên là —-, Bát Đa-la này là vật dụng của bậc đại tiên dùng để khất thực, con nay xin thọ trì, thường dùng để khất thực. (ba lần)

3. Giáo thọ sư hỏi chướng pháp:

Giáo thọ sư bảo giới tử đến chỗ chỉ thấy mà không nghe, đứng chắp tay chí thành hướng về phía đại chúng. Lúc đó Yết ma sư hỏi đại chúng: “vị nào trước đây đã thọ thỉnh làm Giáo thọ sư?”, Giáo thọ sư đã thọ thỉnh đáp: “tôi tên — là người đã thọ thỉnh làm Giáo thọ sư”, Yết ma sư lại hỏi: “thầy có thể ở chỗ khuất giáo thọ cho giới tử —, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da hay không?”, đáp là có thể, Yết ma sư ở trong Tăng tác bạch sai như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô tên —- làm Giáo thọ sư sẽ ở chỗ khuất giáo thọ cho giới tử —–, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô — làm Giáo thọ sư sẽ ở chỗ khuất giáo thọ cho giới tử —-, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da. Bạch như vậy.

Giáo thọ sư đưa giới tử đến chỗ khuất, bảo làm lễ rồi quỳ chắp tay nghe dạy bảo như sau: “giới tử lắng nghe, nay là giờ phút chí thành, là giờ phút nói thật, ta sẽ hỏi con vài điều, con nên bình tâm lắng nghe, nếu có thì đáp là có, nếu không thì đáp là không, không được nói hư dối”

Hỏi: con có phải là trượng phu không?, đáp phải.

– Con đủ hai mươi tuổi chưa?, đáp đủ.

– Con có đủ ba y và bát không?, đáp đủ.

– Cha mẹ còn sống không?, đáp còn sống.

– Cha mẹ có cho phép con xuất gia không?, đáp cho. (Nếu đáp cha mẹ đã chết thì không hỏi câu này)

– Con không phải là nô tỳ phải không?

– Con không phải là vương thần phải không?

– Con không có làm nguy hại đến vua phải không?

– Con không phải là giặc phải không?

– Con không phải là huỳnh môn phải không?

– Con không có làm ô nhục Bí-sô ni phải không?

– Con không có giết cha phải không?

– Con không có giết mẹ phải không?

– Con không có giết A-la-hán phải không?

– Con không có phá hòa hợp Tăng phải không?

– Con không có ác tâm làm thân Phật chảy máu phải không?

– Con không phải là ngoại đạo phải không?

– Con không phải là tặc trú phải không?

– Con không phải là Biệt trụ phải không?

– Con không phải là Bất cọng trụ phải không?

– Con không phải là hóa nhân phải không?

– Con không có đang mắc nợ phải không?

Nếu đáp có thì nên hỏi: “sau khi thọ Cận viên, con có thể trả nợ cho họ không?”, nếu đáp có thể thì tốt, nếu đáp không thể thì nên nói: “con nên trở về hỏi chủ nợ, nếu họ chấp thuận cho con thì hãy trở lại”. Lại hỏi: “trước đây con có xuất gia không?”, nếu đáp không thì tốt, nếu đáp là đã xuất gia thì nên hỏi: “con có phạm một trong bốn tội Tha thắng không, khi con hoàn tục có khéo xả học xứ không?”, nếu đáp là có phạm trọng thì nên bảo họ ra, nếu đáp không phạm thì tốt. Lại hỏi: “con tên gì?”, đáp: “con tên là —”, lại hỏi: “Ô-ba-đà-da của con tên gì?”, đáp: “Ô-ba-đà-da của con tên là —-”. Giáo thọ sư bảo giới tử: “trong thân người nam có các bịnh như bịnh lại, bịnh ung thư, bịnh ghẻ lở, ung nhọt, tê bại, đầu hói, bịnh lậu, bịnh phù thủng, hen suyễn, điên cuồng, bịnh hủi… Tóm lại có ba loại bịnh: bịnh thường nóng sốt, bịnh quái lạ và tật nguyền như mù điếc câm ngọng, quá lùn, què, tay chân không đủ. Con không có các bịnh kể trên hay là bịnh gì khác phải không?”, đáp không, lại nói: “này giới tử, những gì ta hỏi con ở chỗ khuất này, khi vào trong Tăng, Tăng cũng sẽ hỏi con như thế. Khi ở trong Tăng con cũng phải bình tâm trả lời chân thật giống như thế, nếu có thì đáp là có, nếu không thì đáp là không. Con hãy tạm chờ ở đây, nếu chưa gọi thì con không được vào”.

4. Bạch tứ yết ma truyền giới:

Giáo thọ sư trở vào trong Tăng, đến nửa đường thì dừng lại bạch Tăng rằng:

Đại đức tăng lắng nghe, tôi ở chỗ khuất đã gạn hỏi giới tử các chướng pháp xong rồi, Bí-sô —– làm Ô-ba-đà-da, xin Tăng cho gọi giới tử đến.

Yết ma sư nên đáp: “nếu giới tử thanh tịnh thì cho gọi vào”, Tăng nên đồng nói là thiện, ai không nói thì phạm tội Việt pháp. Giáo thọ sư gọi giới tử vào trong Tăng rồi bảo đảnh lễ Tăng, quỳ gối chắp tay và dạy cầu thỉnh như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, con tên là —- , con nương theo Ô-ba-đàda là —- cầu thọ Cận viên. Con nay theo Tăng xin thọ Cận viên, cúi xin Tăng cho con thọ Cận viên, xin thương xót tế độ con (ba lần).

Yết ma sư ở trong Tăng đơn bạch như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, giới tử tên — nương theo Ô-ba-đà-da — cầu thọ Cận viên. Giới tử —- nay theo Tăng xin thọ Cận viên, Bí-sô — làm Ô-ba-đà-da. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, tôi nay ở trong Tăng gạn hỏi giới tử các chướng pháp. Bạch như vậy.

Kế hỏi giới tử các chướng pháp giống như trên, hỏi xong bạch tứ yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, giới tử tên —- nương theo Ô-ba-đà-da — cầu thọ Cận viên, là người nam đủ hai mươi tuổi, đủ ba y và bát, tự nói mình thanh tịnh không có các chướng pháp. Giới tử —- nay theo Tăng cầu thọ Cận viên, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho giới tử —- thọ Cận viên, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da. Bạch như vậy.

Đại đức tăng lắng nghe, giới tử tên —- nương theo Ô-ba-đà-da —- cầu thọ Cận viên, là người nam đủ hai mươi tuổi, đủ ba y và bát, tự nói mình thanh tịnh không có các chướng pháp. Giới tử —- nay theo Tăng cầu thọ Cận viên, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da.Tăng nay cho giới tử —- thọ Cận viên, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da. Các cụ thọ chấp thuận cho giới tử —- thọ Cận viên, Bí-sô —- làm Ô-ba-đà-da thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất ( lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy)

Tăng đã chấp thuận cho giới tử — thọ Cận viên, Bí-sô — làm Ô-ba-đà-da xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ 2 như vậy.

Tác pháp xong, Yết ma sư lấy thước đo bóng mặt trời ở dưới chân ngắn hay dài bao nhiêu, đo xong nên bảo giới tử: “con thọ Cận viên vào trước giờ ăn hay sau giờ ăn, bóng mặt trời đo dưới chân là một ngón tay hay hai ngón tay cho đến bằng thân người “, nếu thọ vào ban đêm thì nên nói là vào nửa đêm hay giữa đêm. Kế nói rõ thời tiết thọ giới là vào mùa đông hay mùa xuân, mùa mưa hay mùa hạ (mùa Đông có bốn tháng từ ngày 1 tháng đến ngày 15 tháng 1, mùa xuân có bốn tháng từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 15 tháng 5, mùa mưa có một tháng từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 15 tháng , mùa hạ có ba tháng từ ngày 1 tháng đến ngáy 15 tháng ).

5. Truyền pháp tứ y:

Yết ma sư bảo giới tử:

Tân Bí-sô lắng nghe, pháp tứ y này là tri kiến của Thế tôn, Như lai Ứng chánh đẳng giác, các Bí-sô nương theo pháp tứ y này, ở trong pháp luật thiện thuyết xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô. Thế nào là bốn:
a) Là y phấn tảo, đây là vật thanh tịnh dễ có được, các Bí-sô nương theo y phấn tảo này, ở trong pháp luật thiện thuyết xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô. Tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời dùng y phấn tảo che thân thì có vui thích thọ không? Đáp là thích thọ.

Nếu khi được các lợi vật như vải hay lụa hay gai bố… cho đến các tạp vật khác, hoặc được thêm y thanh tịnh, hoặc được từ Tăng chia, hoặc được cúng riêng. Đối với các lợi vật này, tân Bí-sô có thể tùy thọ và biết lượng thọ dụng hay không? — đáp là biết lượng thọ dụng.

b) Là thường khất thực, đây là thức ăn thanh tịnh dễ có được, các Bí-sô nương theo thức ăn này, ở trong pháp luật thiện thuyết xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô. Tân Bí-sô — từ nay cho đến trọn đời thường khất thực để tự nuôi sống thì có vui thích thọ không? — đáp là thích thọ.

Nếu khi được các thực lợi như cơm cháo… từ Tăng theo thứ lớp thọ thỉnh thực, hoặc do biệt thỉnh, hoặc là thức ăn Tăng thường ăn hoặc thường thọ biệt thỉnh thực, hoặc được thêm thức ăn thanh tịnh, hoặc được từ Tăng chia, hoặc được cúng riêng. Đối với các thực lợi này, tân Bí-sô có thể tùy thọ và biết lượng thọ dụng hay không? —- đáp là biết lượng thọ dụng.

c) Là phu cụ dưới gốc cây, đây là vật thanh tịnh dễ có được, các Bí-sô nương theo pháp y này, ở trong pháp luật thiện thuyết xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô. Tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời nương phu cụ dưới gốc cây để ở thì có vui thích thọ không? — đáp là thích thọ.

Nếu khi được các lợi vật như phòng xá, lầu gác hoặc hang sâu, đệm cỏ… hoặc chỗ kinh hành, hoặc được thêm chỗ ở thanh tịnh từ Tăng chia hay từ thí chủ cúng. Đối với các lợi vật này, tân Bí-sô có thể tùy thọ và biết lượng thọ dụng hay không? —- đáp là biết lượng thọ dụng.

d) . Là trần khí dược (thuốc cũ bỏ), đây là vật thanh tịnh dễ có được, các Bí-sô nương theo pháp y này, ở trong pháp luật thiện thuyết xuất gia thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô. Tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời nương loại dược này để trị bịnh thì có vui thích thọ không? —- đáp là thích thọ.

Khi được các thực lợi như tô, dầu, đường, mật, cho đến củ, cọng cành, lá, hoa quả… hoặc là thời dược, cánh dược hay Thất nhật dược, Tận hình thọ dược, hoặc được thêm các loại thuốc thanh tịnh từ Tăng chia hay do thí chủ cúng. Đối với các thực lợi này, tân Bí-sô —- có thể tùy thọ và biết lượng thọ dụng hay không? — đáp là biết lượng thọ dụng.

6. Truyền bốn pháp Đọa:

Yết ma sư bảo giới tử:

Tân Bí-sô —- lắng nghe, bốn pháp Đọa này là tri kiến của Thế tôn, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác, các Bí-sô ở trong bốn pháp Đọa này, tùy phạm một pháp nào thì ngay lúc đang phạm không phải là Bí-sô, không phải là Sa môn, không phải là Thích ca tử nữa, mất tánh Bí-sô, liền bị đọa lạc trong luân hồi, là kẻ thua trận. Như cây Đa-la bị chặt ngọn thì không thề sống được nữa, Bí-sô cũng như vậy. Thế nào là bốn:

a) Là Thế tôn, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác đã dùng vô lượng pháp môn chê trách pháp dâm dục, ca ngợi ly dục là pháp thắng diệu. Nói dục là nhiễm ô, là mục nát, là ái trước, là nhà ở, là ràng buộc, là đam mê… cần phải đoạn trừ, phải ói mửa hết dục ra, phải nhàm chán và dứt diệt. Tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời không được dùng tâm nhiễm nhìn ngó người nữ, huống chi là cùng làm việc bất tịnh. Như Phật đã dạy nếu Bí-sô nào đồng đắc học xứ với các Bí-sô khác, không xả học xứ, học xứ suy kém mà không tự nói ra, làm hạnh bất tịnh, hai thân giao hợp cho đến cùng với súc sanh, thì Bí-sô này ngay lúc đang phạm không phải là Bí-sô, không phải là Sa môn, không phải là Thích ca tử nữa, mất tánh Bí-sô, liền bị đọa lạc trong luân hồi, là kẻ thua trận. Như cây Đa-la bị chặt ngọn thì không thề sống được nữa, Bí-sô cũng như vậy. Đối với pháp dâm dục này, tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời không được cố ý phạm, nên khởi tâm nhàm lìa và ân trọng phòng hộ; nên sanh tâm sợ hãi quán sát, siêng tu không buông lung thì có thể thọ trì, không làm việc dâm dục hay không? —- đáp là không làm.

b) Là Thế tôn, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác đã dùng vô lượng pháp môn chê trách việc không cho mà lấy, ca ngợi không trộm cắp là pháp thắng diệu. Tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời, nếu người khác không cho thì không được dùng tâm trộm cắp mà cố ý lấy, cho đến một hạt mè; huống chi là lấy cắp đến năm Ma sái hay hơn năm Ma sái (đơn vị tiền tệ thuở xưa là bối xỉ, tám mươi bối xỉ là một Ma sái, năm Ma sái là bốn trăm bối xỉ). Như Phật đã dạy nếu Bí-sô nào ở trong tụ lạc hoặc chỗ trống vắng, người khác không cho mà dùng tâm trộm cắp để lấy, khi lấy bị vua quan bắt được hoặc xử tội chết hoặc trói hoặc đuổi đi và trách mắng rằng: hãy đi đi kẻ giặc kia, ngươi là người ngu si không biết gì nên mới trộm cắp như thế; thì Bí-sô này ngay lúc đang phạm không phải là Bí-sô, không phải là Sa môn, không phải là Thích ca tử nữa, mất tánh Bí-sô, liền bị đọa lạc trong luân hồi, là kẻ thua trận. Như cây Đa-la bị chặt ngọn thì không thề sống được nữa, Bí-sô cũng như vậy. Đối với việc không cho mà lấy này, tân Bí-sô — từ nay cho đến trọn đời không được cố ý phạm, nên khởi tâm nhàm lìa và ân trọng phòng hộ; nên sanh tâm sợ hãi quán sát, siêng tu không buông lung thì có thể thọ trì, không làm việc trộm cắp hay không? Đáp là không làm.

c) Thế tôn, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác đã dùng vô lượng pháp môn chê trách việc giết hại sanh mạng, ca ngợi việc từ bỏ sát sanh là pháp thắng diệu. Tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời không được cố ý sát sanh, cho đến ruồi muỗi cũng không được cố ý giết, huống chi là mạng người hay thai nhi. Như Phật đã dạy nếu Bí-sô nào cố ý giết người hay thai nhi, hoặc tự tay giết hoặc cầm dao đưa cho người bảo giết, hoặc khuyên họ chết, khen ngợi cái chết nói rằng: ngươi sống làm chi với tội lụy xấu xa này, ngươi nên chết đi, thà chết còn hơn sống. Tùy tâm niệm mà dùng những lời lẽ khác nhau để khuyên họ chết, họ nhân đó mà chết thì Bí-sô này ngay lúc đang phạm không phải là Bí-sô, không phải là Sa môn, không phải là Thích ca tử nữa, mất tánh Bí-sô, liền bị đọa lạc trong luân hồi, là kẻ thua trận. Như cây Đa-la bị chặt ngọn thì không thề sống được nữa, Bí-sô cũng như vậy. Đối với việc sát sanh này, tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời không được cố ý phạm, nên khởi tâm nhàm lìa và ân trọng phòng hộ; nên sanh tâm sợ hãi quán sát, siêng tu không buông lung thì có thể thọ trì, không làm việc sát sanh hay không? Đáp là không làm.
d) Thế tôn, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác đã dùng vô lượng pháp môn chê trách vọng ngữ, ca ngợi việc từ bỏ vọng ngữ là pháp thắng diệu. Như Phật đã dạy, nếu Bí-sô nào thật không biết gì, không chứng được gì, tự biết mình không chứng được pháp của bậc thượng nhân; pháp tịch tịnh thù thắng và hiện tại lạc trú của bậc Thánh giả, mà tự nói là tôi biết, tôi thấy. Vào thời gian khác, có người hỏi hay không có người hỏi, muốn mình thanh tịnh nên nói là tôi thật không biết, không thấy mà nói có biết có thấy; đó làhư dối vọng ngữ, trừ bậc Tăng thượng mạn. Hoặc nói tôi chứng bốn Đế lý, hoặc nói trời rồng quỷ thần đến nói chuyện với tội, hoặc nói tôi chứng các tuởng Vô thường… đắc bốn thiền, bốn không, sáu thần thông, tám giải thoát, chứng bốn Thánh quả; thì Bí-sô này ngay lúc đang phạm không phải là Bí-sô, không phải là Sa môn, không phải là Thích ca tử nữa, mất tánh Bí-sô, liền bị đọa lạc trong luân hồi, là kẻ thua trận. Như cây Đa-la bị chặt ngọn thì không thề sống được nữa, Bí-sô cũng như vậy. Đối với đại vọng ngữ như vậy, tân Bí-sô —- từ nay cho đến trọn đời không được cố ý phạm, nên khởi tâm nhàm lìa và ân trọng phòng hộ; nên sanh tâm sợ hãi quán sát, siêng tu không buông lung thì có thể thọ trì, không làm việc vọng ngữ hay không? Đáp là không làm.

7. Truyền bốn pháp nên làm của Sa môn:

Yết ma sư bảo giới tử:

Tân Bí-sô —- lắng nghe, Thế tôn, Như thật tri, Ứng chánh đẳng giác vì các Bí-sô thọ Cận viên nói bốn pháp nên làm của Sa môn. Tân Bí-sô từ nay cho đến trọn đời, nếu bị người khác chửi mắng thì không được chửi mắng lại; bị người khác sân hận thì không được sân hận lại; bị người khác cười chê nhạo báng thì không được cười chê nhạo báng lại; bị người khác đánh thì không được đánh trả lại. Khi có các việc não loạn như thế phát sanh thì tân Bí-sô — có thể nhiếp tâm không trả thù hay không? Đáp là không trả thù.

Tân Bí-sô — lắng nghe, trước đây thầy đã khởi tâm mong cầu và suy nghĩ rằng: cho đến bao giờ ta mới được ở trong pháp luật thiện thuyết của Thế tôn, xuất gia thọ Cận viên thành tánh Bí-sô. Nay thầy đã được xuất gia thọ Cận viên, gặp được Ô-ba-đà-da và A-giá-lợi-da như pháp, lại được Tăng nhất tâm hòa hợp bạch tứ yết ma như pháp. Cũng như những điều mà Bí-sô một trăm tuổi hạ cần phải học, thầy cũng phải học như vậy; những điều mà thầy cần phải học cũng đồng với họ như thế, dồng được học xứ, đồng thuyết giới kinh. Từ nay cho đến trọn đời, đối với việc này thầy nên sanh tâm cung kính phụng hành, không nên nhàm lìa. Đối với Ô-ba-đà-da, thầy nên tưởng như cha, Ô-ba-đà-da cũng xem thầy như con; cho đến trọn đời thầy nên hầu hạ, chăm sóc khi bịnh, khởi tâm thương xót khi già yếu cho đến lúc chết. Đối với các thượng trung hạ tòa đồng phạm hạnh, thầy thường phải sanh tâm kính trọng, tùy thuận giúp đỡ, cùng ở chung đọc tụng kinh pháp, thiền tư tu thiện nghiệp. Đối với các pháp như uẩn, xứ, giới, mười hai nhân duyên… thầy nên cầu học hiểu cho rõ; đừng trái bỏ pháp quy và xa lìa giãi đãi. Nếu chưa đắc thì cầu được đắc, chưa hiểu thì cầuđược hiểu, chưa chứng thì cầu được chứng, phải chứng được quả A-la-hán cứu cánh Niết-bàn.

Nay ta chỉ nói sơ lược đại cương những việc thiết yếu, còn những việc khác, thầy nên đến hỏi hai thầy và các thiện hữu đồng học. Lại nữa, mỗi nửa tháng thuyết Giới kinh, thầy nên lắng nghe thọ trì, y theo giáo pháp siêng tu.

Yết ma sư nói kệ:

“Người trong pháp tối thắng,
Đầy đủ thọ Thi la,
Chí tâm thường phụng trì,
Khó được thân không chướng,
Thân đoan nghiêm xuất gia,
Thanh thịnh thọ Cận viên,
Nói ra lời chân thật,
Tri kiến của chánh giác.

Tân Bí-sô — thầy đã thọ Cận viên xong, chớ nên buông lung, cẩn thận y giáo phụng hành”.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10