CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÁCH NHẤT YẾT MA

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010

 

QUYỂN 10

Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc đem nhiều y vật đến trong rừng Thệ đa cúng dường và bạch với đại chúng rằng: “các đệ tử Thanh văn của Thế tôn, ai có đủ giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến; là bậc phước điền vô thượng đáng được cung kính lễ bái, xứng đáng được thế gian cúng dường thì xin hãy đến thọ lấy y vật này, tùy ý thọ dụng”, các bậc Vô học đã dứt hết lậu hoặc suy nghĩ: “nay ta há vì lợi vật này mà lại hiển dương đức của mình cho mọi người biết ta là bậc Ly dục vô thương”, nghĩ như thế rồi nên ngồi im lặng. Các bậc hữu học chưa trừ hết các hoặc cũng suy nghĩ: “các bậc phước điền vô thượng mới xứng đáng thọ lợi vật này, ta chưa hết các lậu hoặc thì không nên thọ”, nghĩ như thế rồi nên cũng ngồi im lặng. Các hàng dị sanh còn đầy đủ triền phược cũng suy nghĩ: “bậc phước điền vô thượng mới xứng đáng thọ lợi vật này, còn ta còn đầy đủ triền phược thì không có phần”. Do nghĩ như thế nên trong đại chúng, không có ai đến thọ lấy lợi vật cúng dường của trưởng giả. Các Bí-sô bạch Phật, Phật hỏi các Bí-sô: “có phải các thầy vì cầu giải thoát mà đến trong giáo pháp của ta tu tịnh hạnh phải không?”, đáp là phải, Phật nói: “nếu các thầy do lòng tin mà xuất gia trong Phật pháp để cầu giải thoát thì dù y phục đang mặc trị giá một ức tiền vàng, phòng xá đang ở trị giá năm trăm tiền vàng, thức ăn uống đủ trăm vị ngon, ta vẫn khai cho các thầy thọ, vì các thầy có thể tiêu hóa được. Này các Bí-sô, thọ dụng có năm, đó là:

1. Chủ thọ dụng: chỉ cho bậc A-la-hán đã vĩnh viễn trừ hết ba độc.

2. Cha mẹ thọ dụng: chỉ cho bậc Học nhân còn có dư hoặc.

3. Khai cho thọ dụng: chỉ cho bậc dị sanh thuần thiện, giới thanh tịnh, siêng tu thiền tụng, không có tâm giãi đãi.

4. Mắc nợ thọ dụng: chỉ cho người tuy có trì giới nhưng không siêng tu giác phẩm thiện pháp.

5. Trộm cắp thọ dụng: chỉ cho người phạm một trong bốn trọng. Đối với loại loại Bí-sô phá giới này thì ta không cho thọ dụng một hạt cơm và cũng không cho bước chân vào chùa.

Vì thế các thầy nên tinh tấn tu học, đối với những y vật và lợi vật khác của trưởng giả này cúng dường, đại chúng nên bình đẳng phân chia.”.

Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Như Phật dạy, nếu các Bí-sô may y đã xong, y Yết-sỉ-na đã xuất, nếu lìa một trong ba y đến trong giới khác thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, trừ Tăng yết ma cho. Vậy khi Bísô đi đứng nằm ngồi, phạm vi khoảng chừng bao nhiêu là thế phần lìa y?”. Phật nói: “như Bà-la-môn Sanh Văn trồng cây Yêm một la, cách nhau bảy tầm, bông trái sum suê, khoảng cách của bảy cây này là bốn mươi chín tầm. Bí-sô đi trong phạm vi này là thế phần không mất y, quá phạm vi này là thế phần mất y. Nếu đứng nằm ngồi thì phạm vi chỉ trong một tầm; nếu ngủ ở trung gian giữa hai giới, chéo của y không rời khỏi thân là thế phần của y”.

Cụ thọ Ô Ba Ly bạch Phật: “Thế Tôn, Tăng già chi có mấy loại, điều số thế nào?”, Phật nói: “có chín loại đó là y điều, 11 điều, 13 điều, 15 điều, 17 điều, 1 điều, 21 điều, 23 điều và 25 điều. Này ô Ba Ly, ba loại y thứ nhất có hai đàn cách dài, một đàn cách ngắn; ba loại y kế có ba đàn cách dài, một đàn cách ngắn; ba loại y sau cùng có bốn đàn cách dài, một đàn cách ngắn, nên may nên thọ trì, quá điều lượng này thành phá nạp”, lại hỏi: “Thế Tôn, y lớn y nhỏ có bao nhiêu thứ?”. Phật nói: “y Tăng già chi có ba bậc thượng trung và hạ, bậc thượng bề đứng ba khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay; bậc hạ bề đứng hai khuỷu tay rưỡi, bề ngang bốn khuỷu tay rưỡi; ở giữa hai bậc trên là bậc trung. Y Ốt đát la tăng già và y An đát bà ta cũng có ba bậc thượng trung hạ như Tăng già chi. Này Ô Ba Ly, có hai loại An đát bà ta: một là bề đứng hai khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay; hai là bề đứng hai khuỷu tay, bề ngang bốn khuỷu tay. Y An đát bà ta bậc thấp nhất chỉ trùm ba luân là nhỏ nhất trong số y thọ trì. Y phạm Ni tát kỳ nhỏ nhất chỉ bằng ngang dọc một khuỷu tay”.

Nếu Bí-sô chứa bát dư phạm Xả đọa phải ở trong chúng xả bát ấy tức là hành pháp xả bát, trong chúng nên sai một Bí-sô hành bát có phạm, người không có năm đức thì không nên sai, nếu đã sai thì không nên làm, đó là ái, sân, sợ si, không biết pháp hành và không hành. Ngược lại nếu có đủ năm đức thì nên sai, đã sai rồi thì nên làm. Nên sai như sau: đánh kiền chùy nhóm tăng, trước hỏi vị nào có thể vì Tăng già hành bát có phạm, nếu có người đáp là có thể thì một Bí-sô trong Tăng tác pháp sai như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô _____ này có thể vì Tăng làm người hành bát có phạm. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô _____ làm người hành bát có phạm. Bạch như vậy.

Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.

Phật nói: “Ta chế hành pháp cho Bí-sô hành bát có phạm như sau: Bí-sô ấy nên ở trong chúng hòa hợp cáo bạch: “Kính bạch Đại đức tăng, tôi Bí-sô tên _________ sẽ hành bát có phạm. Sáng ngày mai các cụ thọ mỗi vị mang bát của mình đến trong Tăng”. Sáng hôm sau Bí-sô hành bát nên mang bát có phạm đến trước vị thượng tòa khen ngợi bát đó như sau: “bát này thanh tịnh viên mãn, có thể thọ dụng, nếu thượng tọa cần xin hãy tùy ý nhận”. Nếu thượng tòa nhận bát ấy thì Bí-sô hành bát nên lấy chiếc bát cũ của thượng tọa thứ nhất chyển trao cho vị thượng tọa thứ hai, thượng tọa thứ hai không nhận thì chuyển trao cho vị thượng tọa thứ ba. Khi thượng tọa thứ ba lấy mà thượng tọa thứ hai đòi lấy thì đòi lần thứ nhất không đưa, lần thứ hai cũng không đưa, lần thứ ba nên đưa, nhưng vị thượng tọa này mắc tội Việt pháp phải như pháp sám hối. Hành pháp xả bát như vậy cho đến vị cuối cùng nhỏ nhất trong Tăng, Bí-sô hành bát nên lấy bát của vị nhỏ nhất cuối cùng này đưa lại cho Bí-sô phạm và nói rằng: “Bát này không nên giữ yên đó, không nên phân biệt, cũng không nên cho ai, mà phải cẩn thận như pháp thọ dụng từ từ cho đến khi bể”. Đây là pháp hành bát, Bí-sô hành bát nếu không y theo pháp này mà hành thì phạm tội Việt pháp.

Ta chế thêm hành pháp cho Bí-sô phạm như sau: Bí-sô phạm được bát này rồi phải sắm hai cái đãy đựng bát, đãy tốt đựng bát dư, đãy không tốt đựng bát cũ. Khi khất thực phải mang cả hai bát theo, thức ăn khô thì đựng trong bát dư, thức ăn ướt thì đựng trong bát cũ. Trở về trú xứ thọ thực thì nên ăn thức ăn trong bát cũ trước, ăn xong khi rửa nên rửa bát dư trước, rửa xong hong phơi cũng phải phơi bát dư trước, khi cất thì cất bát dư ở chỗ tốt. Khi đi đường có thể nhờ người mang giùm bát cũ, còn bát dư phải tự mang, không có ai mang giùm thì bên vai phải mang bát dư, bên vai trái mang bát cũ. Bí-sô phạm được bát đối với hành pháp này nếu không hành theo thì phạm tội Việt pháp. Đây là pháp trị phạt cho đến trọn đời hoặc cẩn thận thọ dụng cho đến khi bể.”

Nếu là y dư hay thuốc dư thì người biết pháp nên ở trong Tăng xả y vật có phạm này, bạch rằng: “đây là y (thuốc) dư phạm Ni-tát-kỳ-badật-đề, nay xả cho các cụ thọ tùy ý thọ dụng”, Tăng nên gián cách hoàn lại y vật này cho Bí-sô phạm và nói: “y vật này cụ thọ tùy ý thọ dụng”. Bí-sô phạm tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề và tội Ba-dật-đề không kính giáo cùng các tội phương tiện Đột sắc ngật lý ca thì phải đối trước một Bí-sô như pháp sám trừ như sau:

Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô _____ phạm tội Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, tội Ba-dật-đề không kính giáo và các tội phương tiện Đột sắc ngật lý ca, nay đối trước cụ thọ phát lồ sám hối không dám che giấu, do phát lồ nên được an lạc, không phát lồ thì không được an lạc.

Bí-sô thọ sám hỏi: thầy có thấy tội không?

Bí-sô đối sám đáp: thấy.

Lại hỏi: sau này thầy có khéo hộ trì các giới không?

Đáp: sẽ cẩn thận hộ trì.

Bí-sô thọ sám nói: tốt.

Đáp: lành thay.

Nếu đối với y vật dư này, Tăng không gián cách hoàn lại cho Bísô phạm thì Bí-sô này nếu được thêm y vật khác sẽ phạm thêm tội Xả đọa, do y vật đã phạm trước kế tục sanh nhiễm ô. Nếu đã xả y vật dư và Tăng gián cách hoàn lại, Bí-sô phạm như pháp phát lồ sám hối thì dù được thêm y vật khác không phạm.

Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “như Phật cho các Bí-sô được cất chứa mười ba tư cụ, đó là những gì?”

Phật nói: “từ nay các Bí-sô được cất chứa mười ba tư cụ y: một là Tăng-già-lê, hai là Uất Đa-la tăng, ba là An-đà-hội, bốn là Ni-sư-đàn, năm là quần, sáu là phó quần (quần thứ hai để thay đổi), bảy là Tăng khước kỳ, tám là phó Tăng khước kỳ (cái thứ hai để thay đổi), chín là khăn lau mặt, mười là khăn lau mình, mười một vải băng bó ghẻ (vết thương), mười hai là khăn cạo tóc, mười ba là vải đổi thuốc”, lại hỏi: “Bí-sô nên thọ trì mười ba tư cụ y này như thế nào?”, Phật nói: “nên thọ trì từng loại, đối trước một Bí-sô nói tên ra để tác pháp thọ trì, như y Tăng-già-lê nên nói như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, đây là y Tăng-già-lê, từ nay tôi xin thọ trì, đã cắt rọc thành y là vật mà tôi thọ dụng.

Nói ba lần, những y khác đều dựa theo đây mà tác pháp thọ trì, chỉ có vải đổi thuốc là dùng khi có bịnh duyên”, lại hỏi: “ngoài mười ba tư cụ y này ra, nếu có y dư khác thì phải làm sao?”, Phật nói: “nên bạch với Thân giáo sư và Quỹ phạm sư rồi tác pháp ký gởi phân biệt thọ trì, đối trước một Bí-sô phân biệt thọ trì như sau:

Đại đức nhớ nghĩ, tôi Bí-sô tên __________ có y dư này chưa tác pháp phân biệt, nay đối trước Đại đức phân biệt để thọ trì. (ba lần).

Phật nói: “khi gặp nạn duyên, có sáu việc khai cho làm tâm niệm: một là thủ trì ba y, hai là xả ba y, ba là phân biệt y dư, bốn là xả biệt thỉnh, năm là làm trưởng tịnh, sáu là tác Tùy ý”, lại hỏi: “y không cắt rọc có được thọ trì không?”, Phật nói: “không được, trừ nạn duyên”, lại hỏi: “có được mặc y không cắt rọc vào trong thôn hay thành ấp không?”, Phật nói: “không được, trừ nạn duyên”, lại hỏi: “có được mặc y không cắt rọc vào nhà người xuất gia ngoại đạo không?”, Phật nói: “không được, nếu người kia đi ra ngoài thì được”, lại hỏi: “thọ trì y không cắt rọc như thế nào?”, Phật nói: “y chưa cắt rọc gọi chung là y tài, tạm sung vào trong số ba y thì nên đối trước một Bí-sô xin thọ trì như sau:

Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi tên là _____, y tài này tôi xin thọ trì, sẽ may thành y Tăng-già-lê chín điều, hai đàn dài một đàn ngắn. Nếu không gặp trở duyên tôi sẽ giặt nhuộm, cắt rọc may thành y để thọ dụng. (ba lần)

NÓI RÕ VỀ GIÁO PHÁP TÓM LƯỢC

Khi Phật sắp nhập Niết-bàn tại Sa la song thọ, vùng đất của tộc họ Tráng sĩ, thành Câu-thi-na, Phật bảo các Bí-sô: “trước đây ta nói rộng về Tỳ-nại-da nhưng chưa nói tóm lược, nay đúng thời nên nói, các thầy hãy lắng nghe: nếu có việc gì trước nay ta chưa khai cũng chưa chế ngăn, nhưng việc này thuận với không thanh tịnh, trái với thanh tịnh thì việc này là không thanh tịnh, các thầy không nên làm. Ngược lại nếu thuận với thanh tịnh, trái với bất tịnh thì việc này là thanh tịnh, các thầy nên tùy thuận làm theo”.

Hỏi: ý gì khi Phật sắp nhập Niết-bàn lại dạy giáo pháp tóm lược này?

Đáp: vì sau khi Phật diệt độ cho đến khi Thánh giáo chưa diệt, không muốn ngoại đạo được dịp chê trách.

Hỏi: Thế tôn là bậc Nhất-thiết-trí, nếu thế gian có những việc không khai cũng không chế ngăn mà các đệ tử muốn làm thì phải làm sao?

Đáp: vì muốn làm lợi ích cho đời vị lại, lại muốn cho đệ tử Thanh văn đối với việc này được vô ngại và an lạc trụ nên Phật mới nói rõ giáo pháp tóm lược.

Hỏi: như Phật dạy, nếu việc gì thuận với bất tịnh, trái với thanh tịnh thì không nên làm; ngước với trên thì nên làm, chưa hiểu rõ ý này?

Đáp: có việc gì trước nay Phật chưa khai cũng chưa chế ngăn, nếu nay làm mà bị người tục luận bàn chê trách thì việc này là bất tịnh, không nên làm. Như các xứ ở Tây trúc, những người sang hèn đều dùng trái cau, dây leo, tro trắng và hương liệu hòa trộn để làm vị thơm; nếu Bí-sô vì bịnh duyên, thầy thuốc bảo dùng để trừ mùi hôi nơi miệng thì dùng không lỗi, nếu dùng thoa làm cho môi đỏ thì không được. Như dùng đất đỏ để nhuộm y, trước nay Phật chưa khai cũng chưa chế ngăn, nếu nay nhuộm mặc giống như y phục của ngoại đạo, bị người tục chê trách thì không nên dùng; ngược lại nếu mọi người không chê trách thì không phạm. Như Phật dạy dùng ba màu xanh, xám, nâu đỏ nhuộm làm cho mất tám màu sắc chánh nhưng nếu dùng các loại rễ, lá hoa, quả… để nhuộm mà người đương thời không chê trách thì cũng không lỗi. Như Phật dạy dùng ba loại là đất muối, phân bò và tháo đậu để rửa tay, nhưng nếu dùng các loại như dạ hợp, thọ hoa, mộc quán để rửa tay thì cũng không chế ngăn, nếu không độc, không có trùng thì dùng không lỗi.

Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “có mấy pháp nhiếp hết Tỳ-nại-da?”, Phật nói: “có ba là đơn bạch yết ma, bạch nhị yết ma, bạch tứ yết ma; nếu nói đủ thì có 101 pháp yết ma”, lại hỏi: “trong 101 pháp yết ma có mấy pháp đơn bạch, mấy pháp bạch nhị, mấy pháp bạch tứ?”, Phật nói: “đơn bạch có 22 pháp, bạch nhị có 7 pháp, bạch tứ có 32 pháp”.

– Pháp đơn bạch gồm có:

  1. Bạch sai Bình giáo sư.
  2. Bạch hỏi các chướng pháp.
  3. Bạch trưởng tịnh.
  4. Khi trưởng tịnh, chúng tăng đều có tội – bạch
  5. Khi trưởng tịnh, chúng tăng đối với tội có nghi
  6. Bạch tự tứ.
  7. Khi Tùy ý, chúng tăng đều có tội – bạch.
  8. Khi Tùy ý, chúng tăng đối với tội có nghi
  9. Khi Tùy ý, trong chúng tranh cãi về tội.
  10. Khi Tùy ý, trong chúng quyết định về tội.
  11. Bạch ngày Tăng hạ an cư.
  12. Bạch thủ trì y vật của người chết để lại.
  13. Bạch thủ trì tư cụ của người chết
  14. Bạch xuất y Yết-sỉ-na
  15. Bạch nói tội thô của người khác
  16. Bạch cho Thật-lực-tử y…

– 7 pháp bạch nhị gồm có:

  1. Kết tiểu giới tràng
  2. Kết đại giới
  3. Kết giới không mất y
  4. Khi trưởng tịnh không đến
  5. Sai người thọ tùy ý
  6. Sai người chia ngọa cụ
  7. Kết tịnh trù
  8. Xử phân y làm y Yết-sỉ-na
  9. Sai người trương y Yết-sỉ-na
  10. Giao y cho người trương y Yết-sỉ-na…

– 32 pháp bạch tứ gồm có:

  1. Truyền thọ Cận viên
  2. Cho ngoại đạo ở chung bốn tháng.
  3. Tăng trước bị phá nay hòa hợp.
  4. Tăng hòa hợp trường tịnh.
  5. Can phá hòa hợp Tăng
  6. Can trợ giúp phá Tăng
  7. yết ma Linh bố
  8. yết ma Chiết phục
  9. yết ma Khu tẫn
  10. yết ma Cầu tạ…

Lại hỏi: “trong 101 pháp yết ma có mấy pháp được gởi dục, mấy pháp không gởi dục?”, Phật nói: “tất cả pháp đều được gởi dục, trừ kết đại giới”, lại hỏi: “trong 101 pháp yết ma có mấy pháp được làm với chúng bốn người, mấy pháp được làm với chúng năm người, mấy pháp được làm với chúng mười người, mấy pháp được làm với chúng bốn mươi người?”, Phật nói: “pháp xuất tội cho Bí-sô ni được làm với chúng bốn mươi người, pháp xuất tội cho Bí-sô được làm với chúng hai mươi người, pháp truyền thọ Cận viên được làm với chúng mười người, pháp ở biên phương truyền thọ Cận viên và pháp Tùy ý được làm với chúng năm người, các pháp yết ma khác được làm với chúng bốn người”, lại hỏi: “ý nghĩa cùa yết ma là như thế nào?”, Phật nói: “nguyên do của sự việc, tức là nhân làm việc kia mà tác pháp gọi là yết ma”, lại hỏi: “con chưa hiểu rõ ý nghĩa của lời dạy này?”, Phật nói: “vì việc gì nên tác yết ma, đây gọi là nhân cụ, dùng lời nói bỉnh bạch gọi là yết ma”, lại hỏi: “ý nghĩa của yết ma Linh bố như thế nào?”, Phật nói: “đây là dựa trên sự việc mà đặt tên, do Bí-sô ưa tranh cãi nên Tăng tác yết ma Linh bố cho họ, muốn khiến họ sợ mà không làm ác nữa”, lại hỏi: “Tỳ-nại-da lấy gì làm thể, lấy gì làm sở duyên, lấy gì làm y xứ, lấy gì làm nhân cụ, lấy gì làm sanh khởi, lấy gì làm tự tánh, lấy gì làm quả báo?”, Phật nói: “Tỳ-nại-da lấy văn tự trong kinh quyển làm thể, lấy như thuyết tu hành làm sở duyên, lấy ba nghiệp thân ngữ ý làm y xứ, lấy bỉnh bạch yết ma làm nhân cụ, lấy sự phát lồ sám hối tội đã phạm làm sanh khởi, lấy tội đã phạm làm tự tánh, lấy sanh thiện giải thoát làm quả báo. 101 pháp yết ma này nếu còn bỉnh pháp yết ma ở đời thì biết Phật pháp chưa diệt”, cụ thọ Ưu-ba-ly và đại chúng nghe Phật dạy rồi hoan hỉ phụng hành.

Nhiếp tụng đơn bạch:

Chỗ khuất, đối chúng hỏi,
Trưởng tịnh biết tội, nghi,
Tùy ý biết tội, nghi,
Tranh cãi tội, quyết định,
An cư, y người chết,
Thọ, xuất Yết-sỉ-na,
Nói tội người, cho y,
Hai trường hợp khinh hủy,
Úp bát và ngữa bát,
Cho và xả Học gia…
Hai mươi hai nên biết.
Nhiếp tụng bạch nhị:
Kết giới tràng, đại giới,
Không mất y, tùy ý,
Khi trưởng tịnh không đến,
Sai người chia ngọa cụ,
Xử phân Yết-sỉ-na,
Sai giữ y, giao y,
Và mười hai hạng người,
Đều là người chia vật:
Phòng, cơm, cháo, bánh trái,
Tạp vật và y vật,
Áo tắm mưa, chia y,
Sai người xem phòng xá.
Chọn, chọn lại, truyền sự,
Hành trù, làm phòng nhỏ,
Cho đến làm chùa lớn,
Không lìa y, phu cụ,
Hành bát, báo thế tục,
Ni không lễ, giáo thọ,
Xem rừng hiểm, nuôi chúng,
Nuôi vô hạn, chứa gậy,
Năm năm đồng lợi dưỡng,
Truyền thức xoa, bản pháp,
Khai cho ni Cấp đa,
Ngủ cùng phòng với con,
Ni được đến nhà tục,
Thọ nhật ra ngoài giới,
Bốn mươi bảy bạch nhị.
Nhiếp tụng bạch tứ:
Thọ Cận viên, ở chung,
Tăng phá rồi hòa hợp,
Và hòa hợp trưởng tịnh,
Can phá Tăng, giúp phá,
Can nói dục sân si,
Nói lời thô, linh bố,
Chiết phục, đuổi, cầu tạ,
Không thấy tội, không sám,
Biệt trụ, Bổn nhật trị,
Ý hỉ và xuất tội.
Cho ức niệm, bất si,
Mích tội, tẫn Cầu tịch,
Thu nhiếp, can tùy thuận,
Tạp trụ và ở riêng,
Thọ học, trái lời chúng,
Và im lặng xúc não,
Ba mươi hai bạch tứ.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10