LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Đường, Thiên Trúc tam tạng Ba-la-phả-mật-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 2
Phẩm 5: PHÁT TÂM
Giải thích: Như nói đã phân biệt chủng tính Bồ-tát, tiếp phân biệt tướng phát tâm Bồ-đề của Bồ-tát.
Kệ nói:
Dũng mãnh và phương tiện,
Lợi ích và xuất ly.
Bốn lớn, 3 công đức,
Hai nghĩa nên tâm khởi.
Giải thích: Bồ-tát phát tâm có 4 thứ lớn: 1. Dũng mãnh lớn. Nghĩa là trường thời gian tinh tiến thệ nguyện rộng lớn làm những việc khó làm. 2. Phương tiện lớn. Nghĩa là mặc áo giáo hoằng thệ luôn luôn dùng phương tiện siêng năng tinh tiến. 3. Lợi ích lớn. Nghĩa là tất cả mọi lúc làm lợi mình lợi người. 4. Xuất ly lớn. Nghĩa là vì cầu vô thượng Bồ-đề. Lại nữa 4 thứ lớn này được thể hiện trong 3 thứ công đức. Cái lớn thứ nhất và thứ hai hiển thị công đức sở tác của trượng phu. Cái lớn thứ ba hiển thị làm công đức đại nghĩa. Cái lớn thứ tư hiển thị công đức thụ quả. Ba công đức này lấy 2 nghĩa làm duyên. Hai nghĩa đó là vô thượng Bồ-đề và tất cả chúng sinh. Do tư duy như vậy nên phát tâm Bồ-đề.
Đã nói về tướng phát tâm, tiếp nói các phát tâm sai biệt.
Kệ nói:
Tín hành cùng tín y,
Báo đắc và vô chướng.
Phát tâm y các địa,
Sai biệt có 4 thứ.
Giải thích: Bồ-tát phát tâm, dựa vào các địa có 4 thứ khác nhau: 1. Tín hành phát tâm, đó là tín hành địa. 2. Tịnh y phát tâm, đó là 7 địa trước. 3. Báo đắc phát tâm, đó là 3 địa sau. 4. Vô chướng phát tâm, đó là Như Lai địa. Đã nói sự sai biệt, tiếp phải giải thích rộng.
Hỏi: Phát tâm như thế lấy gì làm căn bản, sở y vào đâu, tin vào pháp gì, duyên vào cái gì, thuộc thừa nào, trụ ở đâu, có những chướng nạn gì, được các công đức gì, có những tự tính gì, xuất ly những nơi nào, nơi nào là cứu cánh?
Kệ nói:
Đại bi cùng lợi vật,
Đại pháp với chủng trí,
Thắng dục và đại hộ,
Thụ chướng và tăng thiện,
Phúc trí với tu độ,
Cùng với mối địa đủ.
Ban đầu đến rốt sau,
Theo thứ tự nên biết.
Giải thích: Bồ-tát phát tâm lấy đại bi làm căn bản, lấy lợi vật làm y chỉ, lấy pháp Đại thừa làm nơi tin tưởng, lấy chủng trí làm sở duyên vì cầu đạt được, lấy thắng dục làm sở thừa vì muốn được vô thượng thừa, lấy đại hộ làm chỗ trụ vì trụ nơi giới Bồ-tát, lấy sự bị chướng ngại làm tai nạn vì khởi tâm với thừa khác, lấy tăng thiện làm công đức, lấy phúc trí làm tự tính, lấy tu tập các độ làm xuất ly, lấy đầy đủ các địa làm cứu cánh. Do mỗi địa mỗi địa siêng dùng phương tiện phù hợp với chúng.
Như vậy đã phân biệt rộng, tiếp nói về thụ thế tục phát tâm.
Kệ nói:
Sức bạn và sức nhân,
Sức căn và sức nghe.
Bốn sức chung 2 phát,
Không kiên và kiên cố.
Giải thích: Nếu từ người khác nói mà được giác ngộ rồi phát tâm gọi là thụ thế tục phát tâm. Sự phát tâm này do 4 sức: 1. Do sức của bạn bè mà phát tâm, hoặc được thiện tri thức tùy thuận. 2. Do sức nhân mà phát tâm, hoặc quá khứ đã từng phát tâm. 3. Do sức của căn mà phát tâm, hoặc quá khứ từng làm các thiện căn được viên mãn. Do sức của nghe pháp mà phát tâm, hoặc nơi nơi khi thuyết pháp vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ-đề. Lại nữa tu tập thiện căn là hoặc hiện tại như pháp thường nghe, thụ trì v.v… Lại nữa 4 sức phát tâm kia nói chung có 2 thứ: 1. Phát tâm không kiên cố. Nghĩa là do sức của bạn bè. 2. Phát tâm kiên cố. Nghĩa là nhân v.v… 3 sức phát tâm.
Đã nói về thế tục phát tâm, tiếp nói đệ nhất nghĩa phát tâm.
Kệ nói:
Gần gũi Chính biến tri,
Khéo gôm tụ phúc trí.
Với pháp không phân biệt,
Chân trí tối thượng sinh.
Giải thích: Đệ nhất nghĩa phát tâm được hiển thị có 3 thứ vượt trội: 1. Giáo thụ vượt trội, vì thân cận bậc Chính biến tri. 2. Tùy thuận vượt trội, vì khéo gôm tụ phúc trí. 3. Đắc quả vượt trội, vì sinh trí vô phân biệt. Phát tâm này gọi là bậc hoan hỷ địa, do hoan hỷ vượt trội.
Hỏi: Sự vượt trội này lấy gì làm nhân?
Kệ nói:
Các pháp và chúng sinh,
Sở tác và Phật thể.
Nơi 4 bình đẳng này,
Nên được hoan hỷ thắng.
Giải thích: Bốn bình đẳng là: 1. Pháp bình đẳng, vì do thông đạt pháp vô ngã. 2. Chúng sinh bình đẳng, vì được tự tha bình đẳng. 3. Sở tác bình đẳng, vì khiến người hết khổ cũng như mình hết khổ. 4. Phật thể bình đẳng, vì pháp giới và ta không gì khác biệt, quyết định có thể thông suốt.
Đã nói thắng nhân, tiếp nói thắng sai biệt.
Kệ nói:
Sinh vị và nguyện vị,
Cũng mạnh cũng tịnh y.
Các xảo và các xuất,
Sáu thắng là như vậy.
Giải thích: Đệ nhất nghĩa phát tâm lại có 6 thứ vượt trội: 1. Sinh vị vượt trội. 2. Nguyện vị vượt trội. 3. Dũng mãnh vượt trội. 4. Tịnh y vượt trội. 5 Dư xảo vượt trội. 5. Dư xuất vượt trội.
Hỏi: Sáu thứ này vì sao là vượt trội?
Kệ nói:
Sinh vượt trội: 4 nghĩa,
Nguyện lớn có 10 thứ.
Dũng mãnh thường không lui,
Tịnh y 2 lợi sinh.
Xảo tiện đến các địa,
Xuất ly khéo tư duy.
Do 6 đạo lý này,
Mà thành 6 vượt trội.
Giải thích: Bốn nghĩa của sinh vượt trội là: 1. Chủng tử vượt trội, vì tin pháp Đại thừa làm chủng tử. 2. Mẹ sinh vượt trội, vì Bátnhã Ba-la-mật là mẹ sinh. 3. Bào thai vượt trội, vì niềm vui đại thiền định là thai tạng. 4. Sữa mẹ vượt trội, vì đại bi nuôi lớn là sữa mẹ. Nguyện lớn có 10 thứ là 10 đại nguyện nói trong Kinh Thập Địa, vì phát nguyện này là thù thắng. Dũng mãnh thường không lui, nghĩa là có thể làm việc khó làm hằng không lùi bước. Tịnh y 2 lợi sinh là: 1. Biết mình gần Bồ-đề. 2. Biết phương tiện lợi tha nên khéo tiến lên các địa khác, vì được phương tiện lên thượng địa. Xuất ly khéo tư duy, nghĩa là tư duy trụ trong các địa mà kiến lập pháp.
Hỏi: Tư duy như thế nào?
Đáp: Như kiến kiến lập biết bình đẳng, phân biệt, vì lấy cái phân biệt đó cũng biết không phân biệt.
Đã nói phát tâm, tiếp nói thí dụ để hiển thị phát tâm này.
Kệ nói:
Như địa, như vàng ròng,
Như trăng, như thêm lửa,
Như kho, như hộp báu,
Như biển, như kim cương,
Như núi, như dược vương,
Như bạn, như như ý,
Như nắng, như nhạc hay,
Như vua, như kho lẫm,
Như đường, như xe chở,
Như suối, như tiếng mừng,
Như chảy cũng như mây,
Phát tâm ví như vậy.
Giải thích: Phát tâm như vậy với các ví dụ này tương ưng với nghĩa gì? Đáp: Ví như lục địa lớn, phát tâm lúc mới đầu cũng như vậy, vì tất cả Phật pháp có thể phát sinh và duy trì. Ví như vàng ròng, phát tâm tương ưng y cũng như vậy, vì lợi ích an lạc không thoái lui không hư hoại. Ví như trăng non, phát tâm tương ưng cần cũng như vậy, vì tất cả thiện pháp dần dần tăng. Ví như thêm lửa, phát tâm tương ưng cực y cũng như vậy, vì càng thêm củi lửa càng cháy mạnh. Ví như kho tàng lớn, phát tâm tương ưng Đàn Ba-la-mật cũng như vậy, vì của cải chu cấp không hết. Ví như hộp báu vật, phát tâm tương ưng Thi Ba-la-mật cũng như vậy, vì công đức pháp bảo từ đó sinh. Ví như biển lớn, phát tâm tương ưng Sằn-đề Ba-la-mật cũng như vậy, vì các tâm trái nghịch không động. Ví như kim cương, phát tâm tương ưng Tì-lê-da Ba-la-mật cũng như vậy, vì dũng mãnh kiên cường không thể hư hoại. Ví như dược vương, phát tâm tương ưng Bát-nhã Ba-la-mật cũng như vậy, vì đây có thể phá hoặc trí 2 bệnh, phát tâm tương ưng vô lượng cũng như vậy, vì tất cả mọi lúc không bỏ chúng sinh. Ví như ngọc như ý, phát tâm tương ưng thần thông cũng như vậy, vì tùy chỗ muốn hiện có thể thành tựu. Ví như trời nắng, phát tâm tương ưng nhiếp cũng như vậy, vì thành thục chúng sinh như trời nắng làm chín lúa thóc. Ví như nhạc hay, phát tâm tương ưng biện cũng như vậy, vì thuyết pháp giáo hóa thâu nhiếp chúng sinh. Ví như quốc vương, phát tâm tương ưng lượng cũng như vậy, vì có thể vì chính đạo không phá hoại nhân. Ví như kho lẫm, phát tâm tương ưng tụ cũng như vậy, vì gôm chứa pháp tài phúc trí. Ví như đường vua đi, phát tâm tương ưng giác phần cũng như vậy, vì Đại thánh đi trước tùy tùng theo sau. Ví như xe chở, phát tâm tương ưng chỉ quán cũng như vậy, vì đủ 2 bánh yên ổn mà đi. Ví như suối nước, phát tâm tương ưng tổng trì cũng như vậy, vì người nghe tuy nhiều nhưng pháp thì vô tận. Ví như tiếng mừng vui, phát tâm tương ưng pháp ấn cũng như vậy, vì đó là tiếng người cầu giải thoát thích nghe. Ví như con sông chảy, phát tâm tương ưng tự tính cũng như vậy, vì không tác ý mà đạo vô sinh nhẫn tự nhiên lưu xuất. Ví như mây lớn có thể thành thế giới, phát tâm tương ưng phương tiện cũng như vậy, vì thị hiện 8 tướng thành đạo giáo hóa chúng sinh. Như vậy 22 thí dụ ví cho phát tâm kia như Thánh giả nói rộng trong Kinh Vô Tận Tuệ.
Đã nói thí dụ phát tâm, tiếp nói tội lỗi không phát tâm.
Kệ nói:
Tư lợi, được phương tiện,
Hiểu nghĩa và chứng chân.
Như vậy tứ thời vui,
Đến tịch thì liền xả.
Giải thích: Bồ-tát có 4 cái vui: 1. Tư lợi: vui, tức khi tư duy lợi ích tha nhân. 2. Được phương tiện: vui, tức khi được phương tiện khéo léo. 3. Hiểu nghĩa: vui, tức khi hiểu rõ ý Đại thừa. 4. Chứng thật: vui, tức khi chứng nhân pháp vô ngã. Nếu người xả bỏ chúng sinh tìm đến tịch diệt, phải biết người ấy không được 4 cái vui của Bồ-tát.
Đã trách không phát tâm thì nên khen ngợi người phát tâm.
Kệ nói:
Tối sơ phát đại tâm,
Khéo hộ vô biên ác,
Thiện tăng vì bi tăng,
Vui mừng, khổ cũng vui.
Giải thích: Nếu Bồ-tát mới phát tâm Đại Bồ-đề, bấy giờ y vào vô biên chúng sinh liền được khéo giữ gìn không làm các ác. Vì thế người này xa lìa, sợ thoái đọa ác đạo. Lại nữa do có điều thiện và tăng trưởng điều thiện cho nên đối với cái vui thường hoan hỷ, do có tâm bi và tăng trưởng tâm bi nên đối với cái khổ thường hoan hỷ. Vì thế người này xa lìa, sợ thoái mất thiện đạo. Đã khen ngợi phát tâm, tiếp nói nhân phát tâm này được bất tác hộ.
Kệ nói:
Yêu người hơn yêu mình,
Quên mình lợi chúng sinh.
Không vì mình ghét người,
Sao làm nghiệp bất thiện.
Giải thích: Nếu sơ lược trình bày nghĩa kia, Bồ-tát yêu người hơn yêu mình, do đó quên thân mạng mình vì lợi ích người khác. Không vì lợi mình mà tổn hại người, do đó có thể tuyệt dứt các ác nghiệp đối với chúng sinh.
Đã nói được bất tác hộ, tiếp nói được bất thoái tâm.
Kệ nói:
Quán pháp biết như huyễn,
Quán sinh như vào vườn,
Dẫu thành dẫu bất thành,
Hoặc khổ đều không sợ.
Giải thích: Bồ-tát quán các pháp biết tựa như huyễn, dẫu khi thành tựu, đối với phiền não không sinh sợ hãi. Bồ-tát quán nơi mình sinh như vào vườn hoa, dẫu khi không thành tựu, đối với khổ não cũng không sinh sợ hãi. Nếu như vậy thì còn ý gì mà thoái tâm Bồđề ư?
Lại có Kệ nói:
Tự trang nghiêm, tự ăn,
Vườn hoa và vui chơi,
Như vậy có 4 việc,
Tâm bi không thừa khác.
Giải thích: Bồ-tát lấy công đức mình mà tự trang nghiêm, lấy sự hoan hỷ lợi tha làm cái ăn của mình, lấy tác ý nơi sinh làm vườn hoa, lấy thần thông biến hóa làm vui chơi. Bốn việc như vậy chỉ Bồtát mới có, nhị thừa không có. Bồ-tát đã có 4 việc này làm sao thoái tâm Bồ-đề?
Đã nói tâm không thoái lui, tiếp ngăn chận tâm sợ khổ.
Kệ nói:
Rất siêng lợi chúng sinh,
Vì đại bi là tính.
Vô gián như chỗ vui,
Đâu còn sợ các khỏ.
Giải thích: Bồ-tát lấy đại bi làm thể cho nên rất siêng năng lợi tha, tuy vào địa ngục A-tì như vào chốn vui chơi. Bồ-tát như vậy ở trong các khổ đâu sinh sợ hãi mà vì sợ thoái tâm ư?
Kệ nói:
Đại bi hằng trong tâm,
Người khổ là mình khổ.
Tự nhiên làm nên làm,
Đợi khuyên rất xấu hổ.
Giải thích: Các Bồ-tát đại bi chính hạnh thường ở trong tâm. Nếu thấy chúng sinh chịu khổ tức mình sinh khổ. Do đạo lý này việc nên làm tự nhiên làm. Nếu đợi thiện hữu khuyên bảo thì sinh rất xấu hổ.
Kệ nói:
Gánh vác thay chúng sinh,
Biếng nhác xấu không tốt.
Để cởi trói mình người,
Phải tinh tiến gấp trăm.
Giải thích: Bồ-tát phát tâm gánh vác gánh nặng cho chúng sinh, nếu trì hoãn là việc xấu không phải là chúng sinh đoan chính nhất. Bồ-tát phải suy nghĩ. Hoặc mình hoặc người có các thứ trói buộc, nghĩa là sinh hoặc nghiệp, thì phải tinh tiến gấp trăm lần để cởi mở trói buộc này, hơn cả việc phải làm của Thanh Văn.
Xong Phẩm phát tâm.
Phẩm 6: HAI LỢI
Giải thích: Đã nói về phát tâm, tiếp nói theo phát tâm này tùy thuận tu hành tự lợi lợi tha.
Kệ nói:
Đại y và đại hạnh,
Đại quả thứ lớp nói.
Đại thủ và đại nhẫn,
Đại nghĩa 3 việc thành.
Giải thích: Đại y, nghĩa là y chỉ Đại Bồ-đề mà phát tâm. Đại hạnh, là vì tự lợi lợi tha mà phát hạnh nguyện lớn. Đại quả, là khiến được vô thượng Bồ-đề như thứ lớp. Đại thủ, là khi phát tâm gồm thâu tất cả chúng sinh. Đại nhẫn, là khi phát tâm tu hành thì nhẫn chịu tất cả cái khổ lớn. Đại nghĩa, là khi đắc quả nghiệp thành tựu rộng lợi ích tất cả chúng sinh.
Đã nói xong thứ lớp, tiếp nói tự tha không sai biệt.
Kệ nói:
Tự tha tâm bình đẳng,
Ái thì thắng hơn kia.
Như vậy có thắng tướng,
Hai lợi nào sai biệt.
Giải thích: Bồ-tát được tâm tự tha bình đẳng, hoặc do tin mà được, nghĩa là khi thế tục phát tâm, hoặc do trí mà được, nghĩa là khi đệ nhất nghĩa phát tâm. Bồ-tát tuy có tâm này nhưng yêu thân người thì hơn thân mình. Đối với người đã có tưởng thắng hơn như vậy thì không còn phân biệt cái gì là tự lợi, cái gì là lợi tha, vì đều không phân biệt.
Đã nói xong vô sai biệt, tiếp nói lợi tha hơn.
Kệ nói:
Ở đời không nghiệp oán,
Lợi kia hằng tự khổ.
Bi tâm tự nhiên khởi,
Cho nên lợi tha hơn.
Giải thích: Bồ-tát trong các thế gian nghiệp oán dứt đã lâu. Cho nên hằng vì lợi tha, tự thân chịu các cần khổ là do đại bi làm thể tự nhiên phát khởi. Do đạo lý này thì lợi tha là hơn.
Hỏi: Lợi tha như thế sao nói là tùy thuận?
Kệ nói:
Khéo nói, khiến quy hướng,
Khiến nhập cũng khiến điều.
Khiến thành cũng khiến trụ,
Khiến giác, khiến giải thoát.
Tập đức và sinh gia,
Được ký và thụ chức.
Đến thành trí Như Lai,
Lấy đó lợi quần sinh.
Giải thích: Ba loại chúng sinh, nghĩa là trụ ở tính bậc hạ trung thượng. Bồ-tát đúng như chỗ sở trụ mà nhiếp thủ chúng, dùng 13 thứ tùy thuận lợi ích: 1. Khéo nói, do tùy giáo và ký tâm. 2. Khiến quy hướng, do sức thần thông. 3. Khiến nhập, do đã quy hướng rồi có thể khiến tin thụ chính giáo. 4. Khiến điều, do đã nhập vào, đoạn các nghi. 5. Khiến thành, do thành thục thiện căn. 6. Khiến trụ, do dạy dỗ khiến tâm an trụ. 7. Khiến giác, do được trí tuệ. 8. Khiến giải thoát, do được thần thông v.v… các thắng công đức. 9. Tập đức, do gồm khắp phúc trí. 10. Sinh gia, do sinh vào Phật gia. 11. Được ký, do địa thứ 8 thụ ký. 12. Thụ chức, do thụ chức địa thứ 10. 13. Được trí Như Lai, do nhập Phật địa.
Hỏi: Sự tùy thuận này thành lập như thế nào?
Kệ nói:
Không đảo và không cao,
Không nhiễm và thông đạt,
Năng nhẫn và điều thuận,
Đi xa và vô tận.
Nên biết 8 nghĩa này,
Thành tựu 13 kia.
Giải thích: Không đảo, là như người đã trụ nơi tính, Bồ-tát tùy cơ thuyết pháp không nói bừa bãi. Không cao, là khi được quy hướng không ỷ thần thông mà tự cao. Không nhiễm, là khi vào chính pháp không nhiễm trước chúng sinh. Thông đạt, là vì đoạn dứt lưới nghi. Năng nhẫn, là vì khéo thành thục. Điều thuận, là tùy thuận dạy dỗ, không dạy dỗ không điều hòa. Đi xa, là tùy thuận sinh gia v.v… không nơi xa nào không đi khiến kia làm được. Vô tận, là Bồ-tát lợi ích chúng sinh tất cả mọi lúc đều không hết hạnh nguyện. Đó gọi là thành tựu.
Hỏi: Tùy thuận này thắng sai biệt như thế nào?
Kệ nói:
Tập dục rất đáng sợ,
Hữu ái, động mà đảo.
Lạc diệt, đoạn phiền não,
Đại bi, cầu Phật pháp.
Giải thích: Tập dục, là nói người cõi Dục. Rất dáng sợ, là thân tâm nhiều khổ và hướng đến ác thú. Hữu ái, là nói người cõi Sắc và Vô sắc. Đông mà đảo, là chúng yêu thích vô thường nên động, hành khổ nên điên đảo. Lạc diệt, là chỉ người tự lợi. Đoạn phiền não, là do phiền não nắm giữ nên khổ mãi không dứt. Vì để lìa khổ nên đoạn phiền não mà cầu tịch diệt. Đại bi, là nói người lợi tha. Cầu Phật pháp, là nói người này thường cầu tất cả pháp Phật vì muốn lợi ích tất cả chúng sinh.
Kệ nói:
Thế gian cầu mình vui,
Không vui hằng cực khổ.
Bồ-tát làm người vui,
Hai lợi vui hơn cả.
Giải thích: Thé gian ngu si thường tìm vui cho mình mà không được vui trở lại bị cực khổ. Bồ-tát không như vậy, thường siêng năng làm điều vui cho người mà thành tựu 2 lợi, lại được cái vui đệ nhất Đại Niết-bàn. Đây là thắng tùy thuận sai biệt của Bồ-tát.
Đã nói tùy thuận lợi tha, tiếp lấy đây làm hồi hướng chúng sinh.
Kệ nói:
Dị căn nơi dị xứ,
Dị tác có dị hành,
Tất cả việc làm đó,
Hồi hướng lợi chúng sinh.
Giải thích: Bồ-tát hồi hướng tùy nhãn v.v… các căn, làm nhiều nơi, làm nhiều oai nghi, làm các nghiệp lợi ích chúng sinh. Tất cả các việc làm đó, nếu phù hợp và tương tự đều hồi hướng tất cả chúng sinh, như được nói rộng trong Kinh Hành Thanh Tịnh.
Đã nói về tâm hồi hướng, tiếp ngăn chận tâm bất nhẫn.
Kệ nói:
Chúng sinh không tự tại,
Thường tạo các ác nghiệp.
Nhẫn kia thêm tâm bi,
Không não cũng không trái.
Giải thích: Chúng sinh bị phiền não làm não loạn tâm không tự tại, cho nên làm các ác nghiệp. Trí tuệ Bồ-tát thường khởi đại nhẫn tăng trưởng đại bi, cho nên đối với chúng sinh không khởi tâm làm não hại, cũng không muốn làm việc gì không tùy thuận.
Đã ngăn chận tâm bất nhẫn, tiếp hiển thị tùy thuận đại.
Kệ nói:
Thắng xuất cùng tịch tĩnh,
Công đức và lợi vật.
Thứ tự y 4 nghĩa,
Nói đại có 4 thứ.
Giải thích: Chư Bồ-tát có 4 thứ tùy thuận đại: 1. Thắng xuất đại, là vượt trội thoát ra khỏi tam hữu ngũ thú. Như Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói: “ Tu-bồ-đề ! Nếu sắc là hữu pháp không phải vô pháp thì Ma-ha-diễn không thể vượt trội thoát khỏi tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la.” 2. Tịch tĩnh đại, vì tùy hướng vô trụ xứ Niết-bàn. 3. Công đức đại, vì phúc đức trí tuệ 2 nhóm tăng trưởng. 4. Lợi vật đại, vì thường y vào đại bi không bỏ chúng sinh.
Xong Phẩm nhị lợi.
Phẩm 7: CHÂN THẬT
Giải thích: Đã nói tùy thuận tu hành, tiếp nói tướng đệ nhất nghĩa.
Kệ nói:
Phi hữu cũng phi vô,
Phi như cũng phi dị.
Phi sinh cũng phi diệt,
Phi tăng cũng phi giảm.
Phi tịnh phi bất tịnh,
Năm thứ không 2 tướng.
Gọi là đệ nhất nghĩa,
Người tu hành phải biết.
Giải thích: Không 2 nghĩa, là đệ nhất nghĩa. Năm thứ thị hiện: Phi hữu, là vì không 2 tướng phân biệt và y tha. Phi vô, là vì có tướng chân thật. Phi như, là vì 2 tướng phân biệt và y tha không một thật thể. Phi dị, là vì 2 thứ kia như không có thể khác nhau. Phi sinh phi diệt, là vì vô vi. Phi tăng phi giảm, là vì 2 phần tịnh nhiễm khi khởi khi diệt pháp giới vẫn trụ đúng như vậy. Phi tịnh, là vì tự tính không nhiễm nên không cần phải tịnh. Phi bất tịnh, là vì đã bỏ khách trần. Như vậy 5 thứ không 2 tướng thì biết là tướng đệ nhất nghĩa.
Đã nói đệ nhất nghĩa, tiếp ngăn chận điên đảo khởi.
Kệ nói:
Ngã kiến phi ngã kiến,
Vô tướng phi vô duyên.
Ví khác 2 vô ngã,
Giải thoát chỉ hết mê.
Giải thích: Ngã kiến phi ngã kiến, là vì không có ngã tướng. Bởi vì sao? Do ngã tướng chỉ là phân biệt. Phi vô duyên, là vì phiến não tập khí duyên 5 thụ ấm. Vì khác 2 vô ngã, nghĩa là nói 2 tức là ngã kiến và 5 thụ ấm cũng chẳng khác 2 thứ này mà có ngã tướng. Như vậy ngã kiến chỉ là mê lầm, thật không có ngã tướng có thể có được. Giải thoát chỉ hết mê, nghĩa là nếu duyên tự thân khởi giải thoát cũng chỉ hết mê, vì không có cái ngã nào khác gọi là giải thoát.
Đã ngăn chận vọng kiến, tiếp trách điên đảo.
Kệ nói:
Làm sao y ngã kiến,
Không thấy tự tính khổ,
Mê khổ và cái khổ,
Pháp tính cùng vô tính.
Giải thích: Làm sao dựa vào ngã kiến không thấy tự tính của khổ? Than ôi ! Thế gian làm sao y chỉ? Ngã kiến khởi các mê không thể hiểu rõ các hành là tự tính của khổ mà thường theo đuổi ư? Mê khổ và cái khổ, pháp tính cùng vô tính, nghĩa là khổ tức là chịu cái cảm xúc khổ, cái khổ tức là khổ không dứt chẳng phải ta với khổ tương ưng gọi là cái khổ. Mê khổ nghĩa là không rõ tự tính của khổ. Mê cái khổ là khổ không rõ vô ngã. Pháp tính là chỉ có pháp, vì nhân vô ngã. Vô tính là phi pháp, vì pháp vô ngã. Kệ nói:
Làm sao duyên khởi thể,
Hiện thấy sinh dị kiến.
Ám nên không thấy có,
Và cũng không có thấy.
Giải thích: Làm sao duyên khởi thể hiện thấy sinh dị kiến? Than ôi ! Thế gian làm sao hiện thấy các hành đều từ duyên khởi mà dựa vào thể đó sinh dị kiến một cách bừa bãi. Nghĩa là nhãn v.v…các căn, thể không phải duyên khởi. Vì tà chấp tối tăm nên không thấy có, và cũng không có thấy, do vô minh nên pháp duyên khởi là có mà không thấy có, ngã thể là không có mà có thấy.
Hỏi: Nếu vậy làm sao được Niết-bàn?
Kệ nói:
Sinh tử cùng Niết-bàn,
Không 2, không chút khác.
Khéo trụ nơi vô ngã,
Hết sinh tử Niết-bàn.
Giải thích: Sinh tử và Niết-bàn không 2, cho đến không khác tí nào. Bởi vì sao? Vì bình đẳng vô ngã. Nếu người khéo trụ nơi vô ngã mà tu thiện nghiệp thì sinh tử liền hết mà được Niết-bàn.
Như vậy đã ngăn chận điên đảo,tiếp nên nói đối trị điên đảo kia.
Kệ nói:
Phúc trí vô biên tế,
Sinh trưởng tất viên mãn.
Tư pháp quyết định rồi,
Thông đạt tính nghĩa loại.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa của đệ nhất tập đại tụ vị. Phúc trí vô biên tế, là vì do sai biệt vô số và thời tiết vô biên. Sinh trưởng tất viên mãn, là vì Bồ-tát nhóm họp đại tụ này đáo bỉ ngạn. Tư pháp quyết định rồi, là y chỉ định tâm mà tư duy. Thông đạt tính nghĩa loại, là hiểu chỗ tư duy nghĩa loại các pháp, vì tất lấy ý ngôn làm tự tính.
Kệ nói:
Đã biết tính nghĩa loại,
Khéo trụ chỉ tâm quang.
Vì hiện thấy pháp giới,
Giải thoát nơi 2 tướng.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa của đệ nhị thông đạt phần vị, do hiểu tất cả các nghĩa chỉ là ý ngôn làm tính, thì hiểu rõ tất cả các nghĩa tức là tâm sáng. Bồ-tát lúc bấy giờ gọi là khéo trụ duy thức. Từ đó về sau hiện thấy pháp giới, hiểu thấu suốt 2 tướng tức giải thoát năng chấp và sở chấp.
Kệ nói:
Ngoài tâm không có vật,
Vật không tâm cũng không.
Bởi hiểu được 2 không,
Khéo trụ chân pháp giới.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa đệ tam kiến đạo vị. Như kia hiện thấy pháp giới nên hiểu rõ ngoài tâm không có vật sở thủ. Vì không có vật sở thủ nên cũng không có tâm năng thủ. Do lìa 2 tướng năng thủ sở thủ nên phải biết khéo trụ tự tính của pháp giới.
Kệ nói:
Trí lực vô phân biệt,
Hằng bình đẳng biến hành.
Vì hoại quá tụ thể,
Như thuộc hay trừ độc.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa của đệ tứ tu đạo vị. Bồ-tát nhập đệ nhất nghĩa trí chuyển y rồi, dùng trí vô phân biệt hằng hành bình đẳng và hành biến xứ. Bởi vì sao? Vì phá hoại chỗ y chỉ tính y tha huân tập quá dày đặc như rừng rậm.
Hỏi: Trí lực này như thế nào?
Đáp: Ví như thuốc A-già-đà có thể trừ tất cả các độc. Trí lực kia như thế.
Kệ nói:
Duyên Phật khéo thành pháp,
Tâm căn an pháp giới.
Hiểu niệm chỉ phân biệt,
Mau cùng biển công đức.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa của đệ ngũ cứu cánh vị. Duyên Phật khéo thành pháp, nghĩa là Bồ-tát trong việc khéo thành lập tất cả diệu pháp của Phật, làm tổng tụ duyên.
Hỏi: Tổng tụ duyên là thế nào?
Đáp: Tâm căn an pháp giới. Đây nói rõ nhập trí đệ nhất nghĩa. Do trí tuệ này an trụ pháp giới , nên tâm này gọi là căn.
Hỏi: Rồi sau thế nào?
Đáp: Hiểu niệm chỉ phân biệt. Nghĩa là từ đây về sau khởi quán như trước quán, xứ xứ niệm chuyên hiểu biết các niệm chỉ là phân biệt không phải thật hữu.
Hỏi: Biết như thế là đã được tiến đến vị gì?
Đáp: Mau chóng tận cùng biển công đức. Nghĩa là biết như vậy đã được quả Phật công đức như biển, vì có thể mau chóng đạt đến tận cùng bờ bên kia.
Xong Phẩm chân thật.
Phẩm 8: THẦN THÔNG
Giải thích: Nói nghĩa chân thật xong, tiếp hiển thị tướng thần thông của Bồ-tát.
Kệ nói:
Khởi diệt và ngôn âm,
Tâm hành cùng tiên trụ.
Hướng kia khiến xuất ly,
Sáu trí tự tại thông.
Giải thích: Khởi diệt là cảnh của sinh tử trí, vì biết các chúng sinh sinh tử. Ngôn âm, là cảnh của thiên nhĩ trí, vì kia khởi ngôn ngữ gì thảy đều nghe biết. Tâm hành, là cảnh của tha tâm trí, vì có thể biết được tâm hành sai biệt của người khác. Tiên trụ, là cảnh của túc mạng trí, vì biết chỗ ở trước của người kia là nơi thiện, nơi ác. Hướng kia, là cảnh của như ý trí, vì tùy theo chỗ ở của người kia mà sang đó giáo hóa. Xuất ly, là cảnh của lậu tận trí, vì biết chúng sinh kia được hay không được xuất ly. Sáu trí này là 6 nghĩa sai biệt trong các thế giới. Biết khắp, không ngại, dũng mãnh, tự tại là tự tính thần thông của Bồ-tát.
Đã nói tự tính, tiếp nói tu tập.
Kệ nói:
Đệ tứ cực tịnh thiền,
Gồm trí vô phân biệt.
Như chỗ lập phương tiện,
Y đây tịnh thần thông.
Giải thích: Như thiền sở y, như trí sở nhiếp, như phương tiện sở lập, Bồ-tát tác ý tu tập thì được thần thông cao tột.
Đã nói tu thần thông, tiếp nói đắc quả.
Kệ nói:
Ba trụ, trụ vô tỷ,
Sở trụ, thiện cúng dường.
Khiến kia được thanh tịnh,
Là nói quả thần thông.
Giải thích: Có 3 thứ quả của thần thông: 1. Quả nơi ở thù thắng. Nơi trụ xứ này có 3 thứ một Thánh trụ hai Phạm trụ ba Thiên trụ, vì sở đắc là không thể so sánh, không có gì trên. 2. Quả thiện cúng dường, vì tùy chỗ trụ xứ, được chúng sinh thế gian đại cúng dường. 3. Quả khiến người thanh tịnh, vì có thể khiến người cúng dường được thanh tịnh.
Hỏi: Thần thông có 6 thứ nghiệp: 1. Tự nghiệp. 2. Tha nghiệp. 3. Quang nghiệp. 4. Hý nghiệp. 5. Hóa nghiệp. 6. Tịnh nghiệp.
Đây là thế nào?
Kệ nói:
Việc thế, sinh, thành hoại,
Thấy như là ảo hóa.
Các thứ người ước muốn,
Tự tại tùy ý thành.
Giải thích: Nửa trên bài kệ hiển thị tự nghiệp, vì thấy thế giới, chúng sinh hoặc thành hoặc hoại đều như ảo hóa. Nửa dưới hiển thị tha nghiệp. Nghĩa là làm cho đại địa rúng động hay phóng ánh sáng là tùy theo ý muốn của người mà hiện ra tự tại. Mười thứ tự tại như có nói trong Kinh Thập Địa.
Kệ nói:
Thần quang chiếu ác thú,
Khiến tin sinh thiện đạo.
Uy lực động thiên cung,
Khiến ma vương hoảng sợ.
Giải thích: Kệ này hiển thị quang nghiệp. Quang nghiệp có 2 thứ một là cứu khổ hai là làm tà ma sợ hãi. Nửa kệ trên nói cứu khổ. Nghĩa là ánh sáng thần thông dưới chiếu đến ác đạo chúng sinh khiến phát tín tâm được sinh vào đường thiện. Nửa kệ dưới nói làm tà ma sợ hãi, nghĩa là trên chiếu đến thiên cung làm rung động cung điện khiến chúng ma hoảng sợ.
Kệ nói:
Dạo chơi các Tam-muội,
Đứng đầu trong tăng chúng.
Hằng hiện 3 biến hóa,
Để làm lợi chúng sinh.
Giải thích: Nửa kệ trên hiển thị hý nghiệp. Trong tăng chúng của Phật được các định du hý tự tại. Nửa kệ dưới hiển thị hóa nghiệp. Hóa có 3 thứ: 1. Nghiệp hóa, là xử lý tự tại nghề công xảo hóa độ chúng sinh. 2. Tùy hóa, tùy chỗ ước muốn của chúng sinh mà tự tại hóa độ. 3. Thượng hóa, là hiện trụ cung trời Đâu-suất thắng diệu hóa độ chúng sinh. Lấy 3 pháp hóa độ hằng làm lợi ích.
Kệ nói:
Trí lực khắp tự tại,
Cõi nước tùy muốn hiện.
Không Phật nay nghe Phật,
Cảnh Phật thấy trước mắt.
Giải thích: Kệ này hiển thị tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp có 2 thứ: 1. Cõi nước thanh tịnh. 2. Chúng sinh thanh tịnh. Nửa kệ trên nói cõi nước thanh tịnh, do trí tự tại, tùy chúng sinh muốn có thể hiện thế giới thanh tịnh như thủy tinh, lưu ly v.v… Nửa kệ dưới nói chúng sinh thanh tịnh, ở thế giới không có Phật có thể khiến nghe biết có Phật khởi tín tâm thanh tịnh sinh về thế giới có Phật.
Đã nói nghiệp dụng, tiếp nói tương ưng.
Kệ nói:
Sức thành thục chúng sinh,
Chư Phật đều khen ngợi.
Mở lời đều đáng tin,
Đó là nói tương ưng.
Giải thích: Có 3 thứ thần thông tương ưng: 1. Thành sinh tương ưng, như chim vừa mới mọc lông cánh. 2. Khen ngợi tương ưng, là thường được chư Phật khen ngợi. 3. Tin thụ tương ưng, những gì nói ra người đều tin nhận.
Đã nói tương ưng, tiếp nói trụ các thần thông.
Kệ nói:
Sáu trí và 3 minh,
Tám giải, 8 thắng xứ.
Mười biến các Tam-muội,
Dũng mãnh giúp thần thông.
Giải thích: Bồ-tát trụ các thần thông có 6 thứ sai biệt: 1. Sáu trí. 2. Ba minh. 3. Tám giải thoát. 4. Tám thắng xứ. 5. Mười biến nhập. 6. Các Tam-muội. Sáu nghĩa đó là phân biệt các thần thông khác nhau.
Đã nói trụ các thần thông, tiếp nói thần thông lớn.
Kệ nói:
Làm yên không tự tại,
Thường siêng năng lợi vật.
Việc làm không sợ sệt,
Dũng mãnh như sư tử.
Giải thích: Thần thông của Bồ-tát có 3 thứ được gọi là đại: 1. Tự tại đại, vì chúng sinh do phiền não nên không được tự tại, trí lực của Bồ-tát có thể đặt chúng sinh vào chỗ tự tại. 2. Hoan lạc đại, vì do thường vui vẻ siêng năng làm lợi ích chúng sinh. 3. Vô úy đại, vì các việc làm trong 3 cõi hết sức dũng mãnh như sư tử.
Xong Phẩm thần thông.
Phẩm 9: THÀNH THỤC
Giải thích: Đã nói các thần thông của Bồ-tát. Chư Bồ-tát tự thành thục như thế nào?
Kệ nói:
Dục, tín, xả, bi, nhẫn,
Niệm, lực, kiên, chi đủ.
Phải biết tự thành thục,
Chín thứ đều thượng phẩm.
Giải thích: Bồ-tát có 9 pháp tự thành thục: 1. Dục thành thục, vì do mong cầu pháp Đại thừa. 2. Tín thành thục, vì do tịnh tâm nói. 3. Xả thành thục, vì do diệt lìa phiền não. 4. Bi thành thục, vì do thương xót chúng sinh. 5. Nhẫn thành thục, vì do có thể làm được việc khó làm. 6. Niệm thành thục, vì do tất cả thụ trì. 7. Lực thành thục, vì do đều có thể thông đạt. 8. Kiên thành thục, vì ác ma ngoại đạo không thể đoạt lấy. 9. Chi thành thục, do thiện phần viên mãn. Do 9 pháp này là cùng cực thượng vị nên gọi là tướng thành thục. Chín thành thục này mỗi mỗi có nhân có thể có nghiệp. Nay sẽ nói đến.
Kệ nói:
Gần bạn nghe, tư duy,
Thắng dũng, thắng cứu cánh,
Nhiếp pháp và thụ pháp,
Là tướng dục thành thục.
Giải thích: Gần gũi bạn lành, nghe chính pháp, như pháp tư duy. Ba cái này có thể khởi đại dục, đó gọi là dục nhân. Thượng đại tinh tiến, cứu cánh không nghi tất cả những chỗ không thể nghĩ bàn, đó gọi là dục thể. Ở trong pháp Đại thừa, nơi có tai họa có thể bảo hộ, những gì Bồ-tát nói tín tâm nhận lãnh, đó là dục nghiệp.
Kệ nói:
Như Lai phúc trí tụ,
Tịnh tâm không thể hoại.
Mau thụ quả định trí,
Là tướng tín thành thục.
Giải thích: Đức Bà-già-bà đã nói rộng như vậy, gọi là tín nhân, được thanh tịnh không hoại, gọi là tín thể, được quả định trí, gọi là tín nghiệp.
Kệ nói:
Khéo giữ gìn 6 căn,
Lìa ác khởi đối trị.
Ưa tu các thiện pháp,
Là tướng xả thành thục.
Giải thích: Dùng niệm khéo hộ 6 căn là xả nhân, lia sự hiểu biết bất thiện, khởi vô gián đạo là xả thể, hằng thích tu tập tất cả thiện pháp là xả nghiệp.
Kệ nói:
Thấy các chúng sinh khổ,
Thương xót lìa tiểu tâm.
Thụ thân thế gian thắng,
Là tướng bi thành thục.
Giải thích: Bồ-tát thấy chúng sinh khổ là bi nhân, khởi tâm rất thương xót lìa xa Tiểu thừa là bi thể, được tất cả thế gian thắng các địa không thoái lui là bi nghiệp.
Kệ nói:
Trì tính thường tu tập,
Cực khổ an nhẫn được.
Thiên căn hằng vui tiến,
Là tướng nhẫn thành thục.
Giải thích: Giữ sự nhẫn nại thường tập thành tính là nhẫn nhân, có thể chịu đựng được các khổ như gió cực lạnh v.v…là nhẫn thể, tùy thắng sinh xứ hằng tu thiện pháp là nhẫn nghiệp.
Kệ nói:
Báo tịnh khéo tùy thuận,
Cực nhập nói thiện ác,
Hay khởi Đại Bát-nhã,
Là tướng niệm thành thục.
Giải thích: Được thanh tịnh khí là niệm nhân, tùy chỗ nghe mà nói 2 nghĩa thiện ác, nghe rồi tư duy rồi tu tập hiểu sâu không quên là niệm thể, có thể sinh Bát-nhã xuất thế là niệm nghiệp.
Kệ nói:
Hai nhóm giới viên mãn,
Quả khởi y tối thượng.
Thế gian được đệ nhất,
Là tướng lực thành tựu.
Giải thích: Phúc trí 2 nhóm chủng tử đầy đủ là lực nhân, có thể được y chỉ tối thượng là lực thể, tùy ý thành thục nhất thế gian là lực nghiệp.
Kệ nói:
Quán sâu lý diệu pháp,
Các ma không thể đoạt.
Cùng bộ khác lỗi lầm,
Là tướng kiên thành thục.
Giải thích: Đạo lý diệu pháp làm tâm quán sát là kiên nhân, ác ma Ba-tuần không thể chướng ngại là kiên thể, có thể cùng bộ khác mà làm lầm lỗi là kiên nghiệp.
Kệ nói:
Có các thiện căn tụ,
Y cần năng phát khởi.
Lìa ác và tu thiện,
Là tướng chi thành thục.
Giải thích: Thành thục thiện căn tụ là chi nhân, dựa vào nhân này có thể phát khởi tinh tiến lên là chi thể, lìa các bất thiện ưa tu thắng thiện là chi nghiệp.
Kệ nói:
Như 9 thứ vật này,
Tự thục cũng thục tha.
Tăng thiện tăng pháp thân,
Như người thân trên đời.
Giải thích: Dục v.v… 9 vật có thể tự thành thục và cũng thành thục người khác, thường tăng trưởng thiện căn và tăng trưởng pháp thân. Do 2 thứ tăng trưởng này nên tựa như người thân nhất trên thế gian.
Đã nói Bồ-tát tự được thành thục, tiếp nói Bồ-tát thành thục chúng sinh.
Kệ nói:
Ung nhọt muồi phải chữa,
Cơm chín thì ăn được.
Chúng sinh thục cũng vậy,
Vì 2 phần xả, dụng.
Giải thích: Hai phần là chướng phần và trị phần. Chướng thục thì phải xả, như ung nhọt muồi phải vỡ mủ. Trị thục thì phải dùng, như cơm chín thì ăn. Đó gọi là y chỉ của thành thục.
Tiếp nói sai biệt của thành thục.
Kệ nói:
Xả, phổ, thắng, tùy, thiện,
Đắc, thường, tiệm là 8.
Như các thành thục đây,
Là nói sai biệt chủng.
Giải thích: Tướng thành thục người khác có 8 thứ: 1. Xả thành thục, vì khiến diệt phiền não. 2. Phổ thành thục, vì lấy 3 thừa giáo hóa. 3. Thắng thành thục, vì vượt hơn pháp ngoại đạo. 4. Tùy thành thục, vì ứng cơ mà nói. 5. Thiện thành thục, vì tâm cung kính. 6. Đắc thành thục, vì khiến không hiểu điên đảo. 7. Thường thành thục, vì khiến vĩnh viễn không thoái lui. 8. Tiệm thành thục, vì khiến tuần tự tăng trưởng.
Đã nói thành thục sai biệt, tiếp nói thành thục tâm thắng.
Kệ nói:
Lợi con, lợi cha mẹ,
Lợi mình, 3 hơn hết.
Bồ-tát lợi tất cả,
Hơn kia không thể sánh.
Giải thích: Ví như người đời hạnh phúc an lạc cho con cái mình, hạnh phúc an lạc cho cha mẹ mình, hạnh phúc an lạc cho bản thân mình, 3 cái tâm này là hơn hết. Bồ-tát muốn thành thục khắp tất cả chúng sinh còn hơn 3 tâm kia không thể so sánh. Cho nên tâm Bồ-tát thành thục chúng sinh là tối thắng.
Hỏi: Cái hơn này thành lập như thế nào? Kệ nói:
Người đời không yêu mình,
Huống chi yêu người khác.
Bồ-tát bỏ yêu mình,
Chỉ vì yêu người khác.
Giải thích: Người đời dù muốn yêu mình còn không thể tự làm cho an ổn lợi lạc được huống chi có thể yêu người làm an ổn lợi lạc cho người. Bồ-tát không như vậy, xả bỏ tâm yêu mình chỉ vỉ yêu người khác, cho nên thành thục chúng sinh hơn kia.
Hỏi: Dùng tâm thắng thắng này thành thục như thế nào?
Kệ nói:
Thân, tài, bỏ tất cả,
Bình đẳng và không chán.
Chỗ thiếu khiến sung túc,
An lập nơi thiện căn.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa Đàn Ba-la-mật thành thục chúng sinh. Đàn có 3 thứ: 1. Tư sinh đàn, vì trong ngoài thân mạng tài sản xả tất cả. 2. Bình đẳng đàn, vì trong các ruộng thí lìa bỏ tâm cao hạ. 3. Vô yếm đàn, vì dũng mãnh hằng thí không mệt mỏi. Dùng 3 đàn này tùy nhiếp 2 đời: trong đời hiện tại đều khiến sung túc, trong đời vị lai thì an lập thiện căn.
Kệ nói:
Thường với tính và mãn,
Tự lạc không phóng dật,
Dẫn vào trong giới đủ,
Hai quả thường không hết.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa Thi ba-la-mật thành thục chúng sinh. Bồ-tát có 5 thứ Thi-la: 1. Thường Thi-la, vì đời đời thường có. 2. Tự tính Thi-la, vì tâm vô công dụng trụ nơi thể chân thật. 3. Viên mãn Thi-la, vì đều đầy đủ 10 thiện nghiệp đạo như Kinh Thập Địa nói. 4. Tự lạc Thi-la, vì hằng tự yêu thích. 5. Không phóng dật Thi-la, vì niệm niệm không phạm. Dùng 5 thứ Thi-la này tùy nhiếp 2 đời: nơi đời hiện tại an lập giới phẩm, nơi đời vị lai khiến công đức 2 quả không tuyệt dứt.
Kệ nói:
Không ích và được ích,
Cực nhẫn hiểu phương tiện,
Khiến kia khởi tùy thuận,
Và trồng các thiện căn.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa Sằn-đề Ba-la-mật thành thục chúng sinh. Nếu có người đem sự không làm lợi ích đến với Bồ-tát, Bồ-tát đối với người kia khởi cực nhẫn nhục khiến hiểu được sự làm lợi ích. Bởi vì sao? Do người kia tùy thuận khiến nhẫn Ba-la-mật của ta được tăng trưởng và cũng dùng nhẫn này tùy nhiếp 2 đời: nơi đời hiện tại khiến khởi quy hướng, nơi đời vị lai khiến trồng thiện căn.
Kệ nói:
Nhiều kiếp cần tinh tiến,
Lợi vật không thoái tâm.
Khiến sinh một niệm thiện,
Huống muốn thiện vô lượng.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa Tì-lê-da Ba-la-mật thành thục chúng sinh. Bồ-tát trong ức trăm ngàn kiếp tu hành tinh tiến cao tột, vì thành thục vô biên chúng sinh tâm không thoái chuyển, lấy tinh tiến này tùy nhiếp 2 đời: nơi đời hiện tại chỉ khiến sinh được một niệm thiện tâm, huống chi nơi đời vị lai khiến vô lượng thiện căn đều được tăng ích.
Kệ nói:
Đắc thượng tự tại thiền,
Lìa nhiễm và kiến mạn,
Hiện tại khiến quy hướng,
Vị lai thiện pháp tăng.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa thiền Ba-la-mật thành thục chúng sinh. Thiền định Bồ-tát sở đắc xa lìa ái kiến, mạn v.v… nên được tự tại cao tột, dùng thiền định này tùy nhiếp 2 đời: nơi đời hiện tại khiến quy hướng đệ nhất diệu pháp, nơi đời vị lai khiến tăng trưởng tất cả thiện căn.
Kệ nói:
Biết chân và biết ý,
Đoạn được tất cả nghi.
Với pháp khiến cung kính,
Tự tha công đức mãn.
Giải thích: Kệ này hiển thị ý nghĩa Bát-nhã Ba-la-mật thành thục chúng sinh. Biết chân, nghĩa là hiểu rõ pháp không điên đảo. Biết ý, nghĩa là rõ thấu tâm hành của chúng sinh đoạn nghi của chúng. Đem Bát-nhã này tùy nhiếp 2 đời: nơi đời hiện tại khiến hướng pháp Đại thừa thâm sinh cung kính, nơi đời vị lai khiến công đức tự thân và công đức tha thân đều được viên mãn.
Kệ nói:
Thiện thú và 3 thừa,
Đại bi có 3 phẩm.
Đến hết đời vị lai,
Thành thục chúng sinh vậy.
Giải thích: Kệ này hiển thị tướng của đại thành thục có 3 thứ: 1. Vị đại, nghĩa là cùng 4 vị an lập thiện đạo và 3 thừa. 2. Phẩm đại, nghĩa là bi cực 3 phẩm: hạ phẩm là tín hành địa, trung phẩm là sơ địa đến địa thứ 7, thượng phẩm là địa thứ 8, thứ 9, thứ 10. 3. Thời đại, nghĩa là thời tiết vô biên hết đời vị lai. Bồ-tát làm lợi ích chúng sinh như vậy gọi là tướng đại thành thục. Xong Phẩm thành thục.
HẾT QUYỂN 2