TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 3

Hỏi: Kinh giáo thuyết minh muôn pháp chí lý hư huyền; chẳng phải nói hữu vô dứt tuyệt tính tự tha; nếu không có tự thể của một pháp thì làm sao lập tông ?

Đáp: Nếu không lập tông thì việc học hướng về đâu ? Nếu nói tự tha hữu vô đều là thức tâm phân biệt của chúng sinh, đó là môn đối trị từ đối đãi mà có. Tâm thật lý trong tự thể pháp thân há đồng huyễn có, chẳng theo huyễn không.

Kinh Lăng Già ghi: “Phật bảo Đại Huệ: Ví như chẳng phải tính trâu ngựa, tính trâu ngựa thực ra chẳng phải có, chẳng phải không, nó cũng chẳng phải là không tự tướng”.

Cổ đức giải thích: Trên thể của ngựa không được nói tính của trâu là có hay là không nhưng chẳng phải là không có tự thể của ngựa. Dùng ví dụ này để nói rằng trên pháp thân không thể nói tính của ấm, giới, nhập là hữu là vô, nhưng chẳng phải là không có tự tướng của pháp thân. Lý pháp không này vượt lên hữu vô, tức là tính của pháp thân, nhưng nếu có thú có hướng, trí trái với thiên chân, không được (vô đắc), không về (vô quy) tình sinh đoạn diệt. Chỉ không tìm cầu cái hữu thì lẽ thật hiện bày rõ ràng, cái không tự nhiên đầy đủ thì diệu chỉ sáng tỏ, lặng lẽ trở về điềm nhiên không gián đoạn, vượt lên năng sở, chẳng còn hữu vô. Có thể nói là chân thật quay về có thể thông được đạo tột cùng.

Hỏi: Lấy tâm làm tông. Thế nào là tướng của tông thông ?

Đáp: Nội chứng tự tâm đệ nhất nghĩa lý trụ tự giác địa nhập Thánh trí môn; do có sự tương ưng này được gọi là tướng tông thông. Đây là lúc khởi hạnh chẳng phải là lúc giải; nhân giải thành hạnh, hạnh thành giải tuyệt; như thế thì đường ngôn ngữ bặt, chỗ tâm hành diệt.

Như kinh Lăng Già nói: “Phật bảo Đại Huệ: Tông thông nghĩa là do nhờ tự được tướng thăng tiến, xa lìa vọng tưởng văn tự, ngôn thuyết, hướng đến tự tướng tự giác địa vô lậu giới, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả chúng ma ngoại đạo. Từ chỗ tự giác quang minh phát huy đây gọi là tướng tông thông”. Thế nên “ngộ tâm thành Tổ” là bí quyết bậc Thánh đời trước đều truyền nhau, do đó đại sư Đạt-ma1 nói: “Sáng tỏ Phật tâm tông, rõ suốt không chút lầm lẫn, hạnh giải tương ưng, gọi là Tổ”. Lại nói kệ:

Cũng chẳng thấy ác mà sinh ghét
Cũng chẳng thấy thiện mà đua chen
Cũng chẳng bỏ ngu mà gần hiền
Cũng chẳng bỏ mê mà lấy ngộ
Đạt đại đạo chừ quá lượng
Thông Phật tâm chừ xuất độ
Không cùng một chỗ với phàm Thánh,
Siêu nhiên gọi là Tổ.

Hỏi: Ngộ đạo minh tông như người uống nước nóng lạnh tự biết, làm thế nào nói được hành tướng kia ?

Đáp: Trước đã nói phương tiện của chư Phật không dứt cho đến nay thầm ban bố lòng thương sâu xa không nỡ bỏ rơi. Người minh đạt trọn không nên nói, chỉ vì nghi nên hỏi, vì hỏi nên đáp. Đây là Bổn Sư ở trên hội Lăng Già vì mười phương Bồ-tát đến cầu pháp nên đích thân ngài nói hai thứ thông này: Một là tông thông, hai là thuyết thông. Tông thông là vì Bồ-tát, thuyết thông là vì người mới học đạo. Chư Phật nghĩ đến kẻ sơ cơ mới học đạo thương xót ban ít lời chỉ dạy, đây là căn cứ vào thuyết thông, chỉ theo người khác cầu pháp, theo lời nói sinh hiểu biết. Sợ chấp phương tiện làm chân thật, mê lầm đối với tông thông cho nên phân tích ý nghĩa hai thông này. Tông thông nghĩa là duyên vào tướng tự đắc thắng tiến, xa lìa vọng tưởng văn tự, ngôn thuyết cho đến duyên tự giác hướng về quang minh sáng chói, hoặc chính mình đạt đến lúc phát tự giác địa, cũng có thể nói như người uống nước nóng lạnh tự biết, như người mù được sáng mắt nhìn thấy cảnh vật rõ ràng, nghiệm biết hình thể con voi không cần phải rờ mó đuôi, ngà. Như thấy màu thật của sữa, đâu phải nói sữa trắng như tuyết, như chim hạc; như đang ở trước người có mắt mà lại nói năng, chỉ dạy ắt hẳn không đáng được gọi là đại pháp sư biết thời. Người thấy mặt trăng đâu cần nhìn ngón tay nữa, người đến nhà đâu cần hỏi lộ trình; chỉ chứng ngộ liền được tương ưng không đợi ngôn thuyết; trọn không chấp ngón tay là mặt trăng, cũng không lìa ngón tay thấy mặt trăng.

Như kinh Đại Niết-bàn nói: “Ví như có vua bảo đại thần: Ngươi hãy dẫn một con voi tới trước những người mù. Đại thần tuân lệnh vua, tập hợp những người mù rồi dẫn voi đến cho họ. Lúc ấy những người mù, mỗi người đều dùng tay sờ voi. Đại thần liền trở vào tâu vua: Thần đã đem voi cho họ rồi, bấy giờ đại thần liền gọi những người mù và hỏi từng người:

– Các ông thấy con voi không ?

Mỗi người đều đáp: Chúng tôi thấy.

Vua hỏi: Con voi như thế nào ?

Người sờ nhằm ngà voi, nói: Hình voi như rễ cây lư-phục.

Người sờ nhằm tai voi, nói: Voi như cái nia.

Người sờ nhằm đầu, nói: Voi như tảng đá.

Người sờ nhằm vòi voi, nói: Voi như cái chày.

Người sờ nhằm chân voi, nói: Voi như cái cối gỗ.

Người sờ nhằm lưng voi, nói: Voi như cái giường.

Người sờ nhằm bụng voi, nói: Voi như cái bồn.

Người sờ nhằm đuôi voi, nói: Voi như sợi dây.

Này thiện nam, những người mù kia không nói đúng hình thể của voi cũng chẳng phải không nói; nếu các tướng này đều không phải là voi, lìa ngoài các tướng này cũng không riêng có voi. Này thiện nam, nhà vua là dụ cho Như Lai ứng cúng chính biến tri, đại thần là dụ cho kinh Đại Niết-bàn Phương Đẳng, voi dụ cho tính Phật, những người mù dụ cho chúng sinh vô minh.

Các chúng sinh nghe Phật nói, hoặc cho rằng sắc là Phật tính. Vì sao? Vì sắc này tuy diệt, lần lượt tương tục cho nên đạt được sắc thường hằng ba mươi hai tướng Như Lai vô thượng. Vì Như Lai sắc thường hằng chẳng đoạn nên nói sắc là Phật tính. Ví như vàng ròng, chất tuy có biến đổi nhưng sắc luôn luôn thường hằng không khác, hoặc có khi làm thành xuyến, vòng đeo nhưng sắc vàng ban đầu vẫn không đổi khác. Tính Phật của chúng sinh cũng vậy, chất tuy vô thường nhưng sắc là thường. Do đó nói sắc là Phật tính. Cho đến nói: thọ, tưởng, hành, thức v.v… là Phật tính.

Lại có thuyết nói: Lìa ấm có ngã, ngã là Phật tính, như những người mù, mỗi người đều mô tả con voi tuy không thật đúng nhưng chẳng phải không nói về voi; nói về Phật tính cũng như vậy, chẳng phải ngay sáu pháp mà chẳng lìa sáu pháp.

Này thiện nam, thế nên ta nói Phật tính chúng sinh chẳng phải sắc, chẳng phải lìa sắc, cho đến chẳng phải ngã chẳng lìa ngã. Này thiện nam, có các ngoại đạo tuy nói có ngã mà thật là vô ngã. Cái ngã chúng sinh đó là năm ấm, lìa ngoài ấm không riêng có ngã. Này thiện nam, ví như cọng, lá, nhụy, đài họp lại thành hoa sen, lìa ngoài những thứ này không có hoa. Các ngoại đạo này ngu si như trẻ nít, không có tuệ phương tiện, không hiểu rõ thường và vô thường, khổ và lạc, tịnh và bất tịnh, ngã và vô ngã, thọ mệnh và phi thọ mệnh, chúng sinh và phi chúng sinh; thật và phi thật, hữu và phi hữu. Họ nhặt lấy một chút phần ở trong Phật pháp vọng chấp có thường, lạc, ngã, tịnh mà thực không biết thường, lạc, ngã, tịnh. Như người mù từ lúc mới sinh không biết màu sữa, hỏi người khác: Màu sữa giống như gì ? Người kia đáp: Sữa màu trắng như vỏ sò. Người mù lại hỏi: Màu sữa dày như vỏ sò chăng ? Đáp: Không phải. Lại hỏi: Màu vỏ sò tương tợ như cái gì? Đáp: Như hạt tấm. Lại hỏi: Màu sữa mịn như hạt tấm sao ? Hạt tấm giống như cái gì ? Đáp: Cũng giống như tuyết rơi. Người mù lại hỏi: Những hạt tấm có lạnh như tuyết không ? Và tuyết giống cái gì ? Đáp: Cũng như chim hạc trắng. Người mù tuy nghe bốn ví dụ này vẫn hoàn toàn không biết gì về màu sắc thật của sữa; các ngoại đạo cũng như thế, họ không thể biết gì về thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam, do nghĩa này nên ở trong Chính pháp của ta có chân thật đế mà ở ngoại đạo không có; chân thật đế là chỗ Tông Cảnh hướng về. Lúc chưa ngộ chẳng tin hiểu thì sự thuyết pháp và tự tu hành đều thành môn đối trị sinh diệt, chẳng thể nhập đạo cứu cánh vô sinh”.

Như kinh Am-đề-già Nữ nói: “Văn-thù-sư-lợi lại hỏi: Có người biết rõ tướng sinh mà chẳng sinh có bị lưu lại bởi sự sinh chăng ? Đáp: Có. Tuy tự thấy rõ nhưng năng lực chưa đầy đủ nên bị sinh lưu lại”.

Hỏi: Có người không biết gì về sinh tính mà rốt ráo không bị sinh lưu lại chăng ? Đáp: Không. Vì sao ? Vì nếu chẳng thấy sinh tính tuy nhờ điều phục nên được chút an ổn, tướng bất an của người này thường là đối trị. Nếu hay thấy sinh tính thì tuy ở chỗ bất an mà tướng an ổn thường hiện tiền. Nếu không biết như thế, tuy có tài biện thuyết giỏi thông suốt kinh điển mà nơi tâm sinh diệt nói những lời về mật yếu của thật tướng cũng như người mù nói về màu sắc, theo lời nói của người khác nên nói được xanh, vàng, đỏ, trắng, đen mà chính mình không thấy màu sắc thật. Ngày nay người không thể thấy các pháp cũng như thế. Chỉ vì ngày nay bị sinh làm cho sinh, bị tử làm cho tử và có nói ra điều gì đối với người kia về cái nghĩa vô sinh được chăng ? Nếu còn bị trói buộc bởi thường và vô thường cũng như thế. Nên biết người ngộ “không” cũng không tự được “không” nên mới rõ cái nghĩa hữu không chăng ? Nên biết hay rõ vạn pháp tính vốn vô sinh, đây là đắc dạo.

Kinh Đại Bát-nhã nói: “Này Thiện Hiện, tất cả pháp không không thật có, đều không tự tại, luống dối chẳng bền chắc, nên tất cả pháp vô sinh, vô khởi, vô tri, vô kiến. Lại nữa, Thiện Hiện, tính của tất cả pháp không nương gá, không hệ thuộc, vì lý do này nên vô sinh, vô khởi, vô tri, vô kiến”.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Pháp ấn như thật ấn các nghiệp môn, đắc pháp vô sinh, trụ nơi Phật trụ, quán tính vô sinh, ấn các cảnh giới; chư Phật hộ niệm, phát tâm hồi hướng, cùng các pháp tính tương ưng hồi hướng, nhập pháp vô tác thành tựu phương tiện tạo tác”.

Đây là do không hiểu thấu yếu chỉ duy tâm, người chưa vào Tông Cảnh, hướng vào vô sinh khởi phiền não tham si, ở trong chân không dính mắc duyên của cảnh giới, do dối trị nên thành luân chuyển. Nếu hay phản chiếu thì tâm cảnh đều lặng lẽ.

Như kinh Chư Pháp Vô Hành nói: “Nếu Bồ-tát thấy tham dục tế tức là chân tế, thấy sân khuể tế là chân tế, thấy ngu si tế tức là chân tế, thì chắc chắn có thể dứt sạch tất cả tội lỗi nghiệp chướng cho đến kẻ phàm phu ngu muội không biết tướng diệt rốt ráo của các pháp, nên tự thấy thân mình cũng thấy thân người, vì cái thấy đó mà khởi nghiệp thân, khẩu, ý đến nỗi chẳng thấy Phật, chẳng thấy Pháp, chẳng thấy Tăng, do đó chẳng thấy tất cả pháp. Nếu chẳng thấy tất cả pháp thì đối với các pháp chẳng sinh nghi. Chẳng sinh nghi nên chẳng thụ tất cả pháp. Chẳng thụ tất cả pháp nên tự tịch diệt”.

Kinh Bất Tư Nghì Phật Cảnh Giới nói: “Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: Này đồng tử, ông có biết chỗ Như Lai trụ pháp bình đẳng chăng ? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Con biết. Phật bảo: Đồng tử, cái gì là Như Lai trụ pháp bình đẳng ? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, chỗ tất cả phàm phu khởi tham, sân, si là pháp bình đẳng Như Lai an trụ. Phật dạy: Này đồng tử, tại sao chỗ tất cả phàm phu khởi tham, sân, si là pháp bình đẳng mà Như Lai trụ ? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, tất cả phàm phu ở trong pháp không, vô tướng, vô nguyện khởi tham, sân, si; thế nên chỗ tất cả phàm phu khởi tham, sân, si tức là chỗ Như Lai trụ pháp bình đẳng. Phật bảo: Này đồng tử, không thì làm sao có pháp mà nói trong ấy có tham, sân, si ? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, không là có; thế nên tham, sân, si cũng là có. Phật nói: Này đồng tử, không làm sao có ? Tham, sân, si làm sao có ? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, không nhờ ngôn thuyết nên có, tham, sân, si cũng nhờ ngôn thuyết nên có. Như Phật nói: Tì-kheo có vô sinh, vô khởi, vô tác, vô vi pháp phi phạm hạnh. Pháp vô sinh, vô khởi, vô vi, vô tác, phi phạm hạnh này chẳng phải không có; nếu không có thì đối với sinh khởi làm ra pháp của các hành, lý đáng không có xuất ly, nhưng vì có nên nói xuất ly. Đây cũng như thế. Nếu không có “không” thì chắc chắn đối với tham, sân, si không có sự xuất ly. Vì có nên nói lìa các phiền não tham, sân, si”. Luận Trung Quán có bài kệ:

Từ pháp chẳng sinh pháp,
Cũng chẳng sinh phi pháp.
Phi pháp chẳng sinh pháp,
Cũng chẳng sinh phi pháp.
Xin giải thích ý bài kệ:
Pháp tức là có (hữu)
Như sắc và tâm
Phi pháp là không (vô)
Như là sừng thỏ.

Từ pháp sinh pháp như mẹ sinh con. Pháp sinh phi pháp như người sinh ra con gái đá, từ phi pháp sinh pháp như sừng thỏ sinh người; từ phi pháp sinh phi pháp như lông rùa sinh sừng thỏ. Nên luận Bát-nhã Giả Danh nói: “Lại có người nghĩ rằng: Nếu Như Lai chỉ chứng vô sở  đắc thì Phật pháp chỉ là một chớ chẳng phải vô biên, thế nên kinh nói: Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Phật pháp nghĩa là gì ? Tức là vô sở đắc, chưa từng có một pháp có tính khả đắc, cho nên tất cả không gì không là Phật pháp. Vì sao tất cả đều vô sở đắc?” Kinh nói: “Tất cả pháp là chẳng phải tất cả pháp. Thế nào là chẳng phải ? Vì tính vô sinh”. Vô sinh thì tức là vô tính. Tại sao nói tất cả pháp ở trong vô tính nên tạm mượn ngôn thuyết ? Tất cả pháp không có tính là Như Lai tạng tính của chúng sinh.”

Bàng cư sĩ nói kệ:

Kiếp lửa đốt trời trời chẳng cháy
Gió núi thổi động chẳng nghe tiếng
Trăm sông tranh rót biển chẳng đầy
Năm núi lừng danh chẳng thấy hình
Lặng trong tịnh lự không dấu vết
Nghìn lối thảy đều vào vô sinh
Nên biết pháp do ý thành hình
Nghìn lối nhân tâm có hình tượng
Một niệm vắng lặng muôn cảnh không
Vốn là đồng một cửa bất nhị
Thảy đều vào ý chỉ vô sinh.

Do đó, trong bài Hành Lộ Nan, Phó đại sĩ2 nói:

Anh thấy chăng
Các pháp không, chỉ tạm lập bày
Tịch tịnh vô môn là pháp môn
Trong tất cả pháp, tâm là chủ
Tôi nay lại chẳng được nguồn tâm
Xét kỷ nguồn tâm đã chẳng được
Nên biết các pháp chẳng cội nguồn

Lại vô sinh có hai: Như luận Thông Tâm nói: “Một là pháp tính vô sinh, diệu lý gọi là pháp, rỗng rang gọi là tính, từ xưa nay tự như thế, gọi là vô sinh. Hai là duyên khởi vô sinh, phàm cảnh là do tâm hiện nên không từ cái gì khác sinh ra, tâm nương theo cảnh khởi nên không tự sinh, tâm cảnh mỗi thứ khác nhau nên không cùng sinh, cái này nhân cái kia mà có cho nên không phải là không có nhân sinh khởi. Cũng có thể nói: Một là lý vô sinh vì là tính viên thành thật vốn bất sinh; hai là sự vô sinh vì tướng của duyên sinh tức là vô sinh”.

Chỉ Quán nói: “Nếu hiểu rõ kinh Kim Cang tức là chuyên ý vô sinh đưa vào trong môn chẳng trụ, chẳng trụ các thứ như: chẳng trụ sắc bố thí, chẳng trụ thinh, hương bố thí v.v… Tuy các pháp chẳng trụ, đem pháp vô trụ vào bát-nhã tức là nhập “Không”, đem pháp vô trụ trụ thế đế tức là nhập “Giả”, đem pháp vô trụ trụ thật tướng tức là nhập “Trung”. Vô trụ tuệ này tức là Kim cang tam-muội hay phá trừ tận gốc mọi thứ nham thạch, cát sỏi phiền não. Như đức Thích-ca Mâu-ni nhập Đại Kim cang tam-muội, ngài Thiên Thân3, Vô Trước luận nghị quảng bác đâu chẳng từ ý chỉ vô sinh vô trụ. Nếu đạt được ý chỉ này thì nghìn kinh muôn luận tất nhiên chẳng còn nghi. Đây là phần đầu của việc học quán, là nền tảng của sự tư nghì, là diệu tuệ khéo biện biệt, là chỉ quy nhập đạo, thành lập sự lý rộng lớn một cách đầy đủ, rõ được một thì theo đó nghìn thứ pháp môn đều tự tại. Cho nên biết tất cả các pháp đều từ tính vô sinh “không” mà “có”, có mà chẳng phải có, chẳng lìa tục mà thường chân, chẳng phải có mà có, chẳng lìa chân mà hằng tục, thì huyễn hữu lập mà vô sinh hiển. Không hữu rõ ràng, cả hai cùng mất mà cả hai việc còn là chân tục đành rành. Đây là vô sinh mà vô bất sinh vì chẳng trụ ở nhị biên vậy”.

Như bài tụng của Cổ đức nói:

Vô sinh trọn bất trụ
Vạn tượng luống phô bày
Nếu cố hiểu vô sinh
Lại bị vô sinh buộc.

Hỏi: Lấy tâm làm tông, lý phải tuyệt đối, căn cứ vào cõi hữu tình chân vọng tợ như có phân, không thể theo sự phân chia đó mà cho là viên giác; như vàng, thau đem nấu chung thì thứ thật, giả biết ra ngay; cát gạo nấu chung thì sống, chín khác nhau, chưa biết lấy tâm nào làm tông ?

Đáp: Đúng như câu hỏi, cần phải biết rõ tâm. Sự kỳ diệu này thật khó biết, chỉ có Phật mới biết rõ. Chỉ vì hàng tam thừa mộ đạo thấy có sai khác, chỉ tâm vọng tâm cho đó là chân thật, nhận kẻ giặc gian trá làm con ruột của mình, nó cướp đoạt hết cả của báu trong nhà, lấy mắt cá cho đó là hạt châu ly long, uổng mê trí nhãn. Rồi lại khiến cho người ngu si bị giam hãm trong tầng tầng lao ngục. Kẻ tà đạo chìm đắm trong sóng to sợ hãi của dòng sông kiến chấp, đùa giỡn với lửa dữ trong căn nhà mục nát, quên khổ, quên mệt mỏi, nằm ngủ với giấc mộng lớn suốt đêm dài. Mê tâm mê tính, đều vì chấp cái duyên lự kia là chính mình, bỏ quên chân tâm này nhận thinh sắc bên ngoài. Đây là những điều sai lầm của kẻ tu hành ngoại đạo và người thế gian, cho đến kẻ học pháp tam thừa mộ đạo. Thiền tông cũng mê tâm này, chấp phương tiện của Phật đến nỗi khiến cho giáo nghĩa mở ra tám mối4 và các thừa lập cho bốn cơ5, vượt lên một niệm mà thoát xa ba tăng-kỳ, công luống trải đại kiếp, lìa bảo sở mà ẩn náu lâu trong hóa thành, chùn chân trên đường dài, đây là sự sai lầm của tiểu quả quyền cơ cho đến kẻ chẳng được ý chỉ thiền.

Do đó kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Phật bảo A-nan: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay tất cả nghiệp chủng điên đảo tự nhiên như chùm ác-xoa, những người tu hành không thể thành tựu được vô thượng bồ- đề, cho đến riêng thành Thanh văn, Duyên giác, hoặc thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma, đều là do không biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, giả sử trải qua nhiêu kiếp trọn chẳng thể được.

Thế nào là hai thứ căn bản ? A-nan, một là căn bản sinh tử vô thỉ, như ngày nay ông cùng với các chúng sinh lấy cái tâm phan duyên này làm tự tính, hai là niết-bàn bồ-đề vô thỉ vốn là thể thanh tịnh, như hiện tại thức tinh nguyên minh hay sinh các duyên, là chỗ nương gá của các duyên. Do vì chúng sinh quên đi cái bản minh này, tuy suốt ngày vận hành mà không tự biết,uổng vào trong các cõi”.

Giải thích: hai thứ căn bản này tức là hai tâm chân vọng: Một là căn bản sinh tử vô thỉ tức là căn bản vô minh, đây là vọng tâm, đầu tiên mê nhất pháp giới bất giác chợt khởi mà có niệm, chợt khởi tức là vô thỉ, như con mắt nhặm thì thấy hoa đốm hiện, ngủ say hay sinh mộng mị, vốn không có lý do của sự khởi đầu, chẳng có chỗ sinh khởi nhất định, đều là từ vọng niệm, chẳng phải do duyên gì khác. Từ đây trở thành nghiệp thức vi tế, ắt khởi chuyển thức, chuyển làm tâm năng tri, sau đó khởi hiện thức, hiện ra cảnh giới bên ngoài. Tất cả chúng sinh đều dùng ba thứ thức: nghiệp, chuyển và hiện này; khởi sự phan duyên trong ngoài là tâm tự tính, do đây sinh tử tương tục lấy đó làm cội gốc. Hai là niết-bàn bồ-đề vô thỉ vốn là thể thanh tịnh, đây là chân tâm, cũng gọi là tự tính thanh tịnh tâm, cũng gọi là bản giác thanh tịnh, vì không khởi không sinh tự thể bất động, sinh tử chẳng làm ô nhiễm, niết-bàn chẳng làm thanh tịnh, nên nói là thanh tịnh. Cái thể thanh tịnh này là tinh nguyên của tám thức vốn tự viên minh, vì theo nhiễm bất giác chẳng giữ tính, như hang rỗng mặc cho âm vang theo duyên phát ra tiếng, đây cũng như thế. Vì nó hay sinh ra các pháp nên lập ra hai thứ kiến phần và tướng phần, tâm cảnh sinh lẫn nhau. Chỉ theo các duyên nhiễm tịnh, đánh mất tính viên thường này, như nước theo gió mà gợn sóng lăn tăn. Do chúng sinh này bỏ gốc chạy theo ngọn, một bề chìm đắm mà không hề hay biết, uổng chịu khổ hư vọng. Tuy chịu cái khổ hư vọng mà sự an lạc chân thật hằng còn. Dù qua lại thăng trầm nhưng bản giác bất động, như nước gợn sóng vẫn không mất tính ướt, chỉ biết biến đổi tâm làm cảnh, lấy ngộ làm mê, từ mê chồng chất mê, trải qua số kiếp nhiều như cát bụi trong hư không, nhân mộng sinh mộng, mù mịt trong đêm dài tăm tối.

Thế nên kinh nói: “Nên biết tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay sinh tử tương tục đều là do không biết cái thể tính tịnh minh của chân tâm thường trụ mà chỉ dùng các vọng tưởng”. Cái tưởng này chẳng “chân” cho nên có luân chuyển. Do không rõ được chân tâm bất động mà theo vọng thức luân hồi. Cái thức này vô thể, chẳng lìa chân tâm, vốn nơi cái chân nguyên vô tướng chuyển thành vọng tưởng của hữu tình, như gió làm dậy sóng trên hồ lặng, sóng tuy động nhưng luôn luôn ở trong nguồn bất động. Như mắt nhặm sinh hoa đốm trong hư không, hoa tuy hiện nhưng chẳng lìa cái tính hư không, bệnh mắt hết, hư không trong sáng; sóng dừng, hồ trong lặng. Chỉ có một chân tâm trùm khắp pháp giới. Tâm này chẳng phải từ mé trước sinh, chẳng phải ở khoảng giữa trụ, chẳng phải về mé sau diệt, lên xuống chẳng động, tính tướng nhất như. Vì thế từ xưa Tiên đức đã lấy chân tâm này làm tông, lìa tâm này tu hành trọn rơi vào lưới ma, riêng có sở đắc đều kẹt vào rừng tà. Bởi động mối từ tâm sâu xa càng thấy đau xót nên Nhị Tổ Huệ Khả6 truy tìm vọng tâm này không thể được, Sơ Tổ ngay đó truyền y. A-nan chấp cái vọng tâm này nên bị Như Lai quở trách. Như kinh nói: “Phật bảo A-nan: Nay ông muốn biết đường tu xa-ma-tha mong ra khỏi sinh tử, ta lại hỏi ông. Khi ấy Như Lai giơ cánh tay sắc vàng, co năm ngón tay rồi bảo A-nan: Ông có thấy không? A-nan đáp: Thấy. Phật bảo: Ông thấy cái gì? A-nan đáp: Con thấy Như Lai giơ cánh tay, co ngón tay làm thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của con. Phật bảo: Ông dùng cái gì để thấy? A-nan đáp: Con và đại chúng dùng mắt thấy. Phật bảo A-nan: Ông trả lời với ta: Như Lai co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của ông; con mắt ông thấy được, còn ông lấy gì làm tâm để đối với cái nắm tay chói sáng của ta. A-nan nói: Hiện nay Như Lai gạn hỏi tâm ở chỗ nào, con đem tâm suy nghĩ tìm kiếm, chính cái hay suy nghĩ tìm kiếm con cho là tâm. Phật bảo: Sai rồi, A-nan! Đó không phải là tâm của ông. A-nan giật mình, rời chỗ ngồi chắp tay đứng dậy bạch Phật: Nếu không phải là tâm của con thì gọi đó là gì ? Phật đáp: Cái ấy là cái tưởng tướng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê mờ chân tính của ông. Do từ vô thỉ đến đời nay nhận giặc làm con, đánh mất cái tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi. A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con là đứa em thương yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên con xuất gia. Tâm con không phải riêng cúng dường Như Lai mà muốn phụng sự chư Phật và chư thiện tri thức trải qua khắp cả Hằng sa cõi nước, con phát tâm đại dũng mãnh thực hành tất cả pháp sự khó làm đều dùng cái tâm này. Dù cho hủy báng chính pháp, lui sụt thiện căn cũng do cái tâm này. Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm thì con thành không có tâm, như cây, như đất, vì ngoài cái hay biết này ra, con lại không còn gì nữa. Tại sao Như Lai nói đây không phải là tâm, con thật sợ hãi và cả đại chúng thảy đều nghi hoặc, xin Như Lai thương xót khai thị cho kẻ chưa ngộ.

Bấy giờ, Thế Tôn khai thị cho A-nan và đại chúng muốn cho họ được thể nhập vô sinh pháp nhẫn. Nơi tòa sư tử Phật xoa đầu A-nan và bảo: Như Lai thường nói sự sinh khởi của các pháp chỉ là do tâm hiện, tất cả nhân quả thế giới, vi trần do tâm thành có thể tính. Này A-nan, như trong các thế giới, hết thảy sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, hột nút, tra hỏi căn nguyên, đều có thể tính, dù là hư không cũng có tên, có tướng; huống chi cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính. Nếu lầm chấp cái tính hiểu biết phân biệt là tâm của ông thì cái tâm này lý đáng phải lìa tất cả sự nghiệp của các trần như sắc, thinh, hương, vị, xúc riêng có toàn tính. Như hiện giờ ông nghe pháp của ta, đây là nhân âm thinh mà có phân biệt; dù diệt hết tất cả thấy, nghe, hiểu biết, bên trong giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.

Ta không bảo ông chấp đây không phải là tâm, nhưng ông hãy ngay nơi tâm suy xét chín chắn, nếu lìa tiền trần có tính phân biệt, đó là chân tâm của ông. Nếu tính phân biệt lìa trần mà không có tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần chẳng phải thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi thì cái tâm nương vào tiền trần ấy đồng với lông rùa, sừng thỏ và pháp thân của ông cũng thành đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sinh pháp nhẫn”.

Người xưa giải thích: Cái hay tìm cầu suy nghĩ tức là vọng tâm đều có tác dụng duyên lự, cũng được gọi là tâm nhưng không phải chân tâm. Vọng tâm là bóng dáng trên chân tâm cho nên nói rằng thân ông, tâm ông đều là vật hiện ra trong diệu tâm chân tinh diệu minh. Nếu chấp bóng dáng này là thật thì lúc bóng dáng này diệt thì cái tâm này liền mất, cho nên nói nếu chấp duyên trần tức thành đoạn diệt. Đem vọng tâm bám lấy trần thành thể; như bóng trong gương, như bọt nước: mê nước chấp sóng, sóng lặng tâm diệt; mê gương chấp bóng, bóng diệt tâm mất. Nếu tâm diệt, thành ra đoạn kiến; nếu biết tính ướt không hoại, thể gương thường sáng thì sóng mòi vốn không, ảnh tượng vốn lặng. Vì thế mới biết cảnh trí của chư Phật khắp cả hư không, thân tâm của phàm phu như ảnh như tượng. Nếu chấp ngọn làm gốc, lấy vọng làm chân thì lúc sinh tử hiện mới nghiệm biết chẳng thật. Vì vậy cổ Thánh nói: Thấy quặng chẳng biết vàng, vào lò mới biết lầm”.

Hỏi: Hai tâm chân vọng, mỗi thứ có nghĩa gì mà gọi là tâm ? Lấy gì làm thể ? Lấy gì làm tướng ?

Đáp: Chân tâm lấy linh tri tịch chiếu làm tâm, bất không vô trụ làm thể, thật tướng làm tướng. Vọng tâm lấy cái bóng duyên sáu trần làm tâm, vô tính làm thể, phan duyên tư lự làm tướng. Cái vọng tâm duyên lự hay hiểu biết, phân biệt này không có tự thể, chỉ là tiền trần theo cảnh có không, cảnh đến liền sinh, cảnh đi liền diệt. Nhân cảnh mà khởi, toàn cảnh là tâm; lại nhân tâm soi rõ cảnh, toàn tâm là cảnh, đều không có tự tính, chỉ là nhân duyên nên kinh Pháp Cú nói: “Ánh sáng không có nước chỉ có hơi nóng mặt trời, trong “ấm” không có sắc chỉ có duyên khí thôi. Vì trời nóng bức, khí nóng do ánh sáng mặt trời chiếu vào sáng lấp lánh, ở xa trông thấy như nước, nhưng từ tưởng tượng sinh ra, chỉ là sóng nắng thôi! sắc tâm hư vọng này cũng thế, lấy từ nghiệp làm nhân, ngoại trần cha mẹ làm duyên, hòa hợp dường như hiện sắc tâm,nhưng chỉ là duyên khí”.

Cho nên kinh Viên Giác nói: “Vọng nhận bóng dáng duyên sáu trần làm tâm tính của mình”, thế nên biết tâm hay suy nghĩ này nếu không có nhân duyên thì không sinh khởi, chỉ từ duyên sinh. Pháp duyên sinh đều là vô thường, như bóng trong gương vô thể mà toàn do cảnh bên ngoài, như trăng trong nước không có thật, dối hiện vầng tròn, nhận đó là thật. Thật quá ngu si !

Vì vậy A-nan chấp lầm không căn cứ, đối với bảy chỗ trưng tâm đều mờ mịt chẳng rõ. Nhị Tổ liễu ngộ mà chẳng thốt một lời liền ngộ đạo, ắt hẳn vì Nhị Tổ tìm cái tâm duyên lự bất an này chẳng được liền ngộ chân tâm trùm khắp mọi nơi. Ngộ đây là tông, ngài liền trở thành người kế thừa Tổ vị đầu tiên. A-nan nhờ Như Lai truy tìm phá vỡ vọng tâm cho đến đối với tính của ngũ ấm, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, thất đại, mỗi mỗi đều tra hỏi tinh vi triệt để, chỉ là không, đều không có tự tính; đã không phải nhân duyên tự tha hòa hợp mà có. Lại không phải tự nhiên vô nhân mà sinh, đều là ý ngôn thức tưởng phân biệt. Nhân đây chợt ngộ chân tâm diệu minh rộng lớn trùm khắp, liền cùng với đại chúng đều đạt được tâm này, đồng thinh tán thán Phật.

Do đó kinh nói: “Lúc ấy A-nan cùng với đại chúng được Như Lai vi diệu khai thị, thân tâm thanh thản tự tại. Đại chúng mỗi người đều tự biết tâm trùm khắp mười phương, xem mười phương hư không như thấy rõ vật trong lòng bàn tay. Tất cả sự vật trong thế gian đều là bồ-đề diệu minh nguyên tâm, tâm tính trùm khắp mười phương, trở lại xem thấy thân do cha mẹ sinh chỉ như hạt bụi li ti bay trong mười phương hư không kia, hoặc còn hoặc mất như bọt nước trong biển cả có không từ đâu chẳng rõ. A-nan đạt được bản diệu tâm thường trụ bất diệt, chắp tay lễ Phật vì được việc chưa từng có, A-nan ở trước Như Lai nói kệ tán thán Phật:

Đức Thế Tôn bất động, tổng trì tính diệu trạm,
Nói pháp Thủ Lăng nghiêm thật hy hữu trong đời,
Khiến chúng tôi tiêu diệt vọng tưởng trong ức kiếp,
Không trải qua tăng-kỳ mà chứng được pháp thân.

Đây là giống như Sơ Tổ “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”.

Hỏi: Có văn kinh gì chứng minh hành tướng của chân tâm ?

Đáp: Kinh Trì Thế nói: “Bồ-tát quán tâm, trong tâm không có tướng tâm. Tâm này xưa nay vốn chẳng sinh chẳng khởi, tính thường thanh tịnh, khách trần phiền não làm nhiễm nên có phân biệt. Tâm không biết tâm, cũng chẳng thấy tâm. Vì sao ? Vì tâm này không, tính tự không; cho nên cội nguồn không có. Tâm này không có một pháp cố định, vì pháp cố định không thể có được nên tâm này vô pháp hoặc họp hoặc tan, tâm này mé trước mé sau không thật có. Tâm này vô hình không thể thấy được là tâm chẳng tự thấy, chẳng biết tự tính cho đến người ấy bấy giờ chẳng phân biệt là tâm hay chẳng phải tâm, chỉ khéo biết tâm không có tướng sinh, thông đạt tâm này tính vô sinh. Vì sao ? Vì tâm không có tính quyết định, cũng không có tướng quyết định cho đến chẳng có được tướng tâm cấu, chẳng được tướng tâm tịnh; chỉ biết tâm này tướng thường thanh tịnh”.

Kinh Đại Bát-nhã nói : “Đối với tất cả pháp tuy không có chỗ chấp thủ nhưng hay tạo thành tất cả sự nghiệp”.

Giải thích: Nếu thấu rõ tự tâm thì việc gì cũng xong.

Hoặc có kẻ làm bám lấy cảnh giới trước mắt rồi cho rằng bên trong chẳng đủ. Cho nên kinh Kim Cang Tam-muội nói: “Bồ-tát quán bản tính tướng tự cho là đầy đủ, nhiều tư lự chẳng ích gì đối với đạo lý, luống làm loạn động bỏ mất bản tâm vương”.

Luận Thích ghi: Vô lượng công đức chính là nhất tâm. Nhất tâm là chủ nên gọi là tâm vương; sinh diệt động loạn trái với tâm vương này không thể quay trở lại nên nói là bỏ mất. Tâm là thống nhiếp tất cả tối thắng của các pháp, không một pháp nào tâm chẳng thống nhiếp, thống ngự bốn phương tám hướng, tất cả đều tuân phục. Vì thế kinh Như Huyễn Tam-muội nói: “Chẳng tìm cầu các pháp, đây gọi là thân mình”. Kinh Tiến Thủ Đại Thừa Phương Tiện nói: “Người thật quán chân như tư duy tâm tính chẳng sinh chẳng diệt, chẳng trụ thấy nghe, hiểu biết, trọn lìa lất cả tưởng phân biệt”.

Hỏi: Tâm có thể làm Phật, tâm có thể làm chúng sinh, do thấu rõ chân tâm nên thành Phật, vì chấp vọng tâm nên thành chúng sinh. Nếu thành Phật đều đầy đủ ngũ nhãn viên thông, ngũ ấm vô lậu, cho nên kinh nói: Diệt vô thường sắc sẽ được “thường sắc”. Lại nói: Diệu sắc trạm nhiên thường an trụ. Lại nói: Khéo hay phân biệt các pháp tướng, chẳng trụ thấy nghe, hiểu biết, xa lìa tất cả tưởng phân biệt làm sao thuyết chân tâm ?

Đáp: Nếu là vọng tâm thì thấy nghe cần phải nhờ nhân duyên mới có thể sinh khởi, như nói mắt có đủ chín duyên mới sinh… Nếu không có duyên sắc không hòa hợp, sự kiến tính không do đâu được phát. Năm căn cũng như thế đều nương vào duyên khởi, đây là duyên họp thì sinh, duyên tan thì diệt, không có chủ tể của chính nó, rốt ráo tính không. Như bài kệ trong kinh Lăng Già nói:

Tâm là diễn viên giỏi
Ý như kẻ phụ họa
Năm thức là bè bạn
Vọng tưởng là người xem
Như người đang múa hát
Theo tiếng người vỗ tay
Vỗ chậm bước đi chậm
Vỗ nhanh bước đi nhanh
Năm căn cũng như thế
Chỉ tùy theo ý chuyển.

Như nói: Thân chẳng phải niệm luân tùy niệm mà chuyển. Vì sao ý địa nếu sinh thì thân chuyển động tác. Ý địa nếu dừng bặt thì căn cảnh đều lặng lẽ; chân tâm thì không như vậy, thường chiếu, thường hiện, Thiết-vi không thể che lấp ánh sáng kia; khắp cả hư không, trời xanh không thể che được thể kia; chẳng thuần chẳng tạp, vạn pháp không thể ẩn cái chân kia, chẳng trụ, chẳng nương, trần lao không thể làm biến đổi tính kia, đâu nhờ đến tiền trần phát huy đối cảnh sinh hiểu biết. Tự nhiên tịch chiếu, linh tri trạm nhiên không bờ mé. Thế nên kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Thật bảo A-nan: Sáu căn như vậy do tính giác minh kia chuyển thành minh giác mất tính sáng suốt, dính với cái vọng mà phát ra hay biết. Do đó ngày nay ông nên lìa tối lìa sáng thì không có cái thấy; lìa động lìa tịnh thì không có cái nghe; không thông không bít thì cái ngửi chẳng sinh; chẳng vị chẳng nhạt thì cái nếm chẳng có chỗ phát; chẳng lìa chẳng họp thì cái biết xúc vốn không; chẳng diệt chẳng sinh thì cái hiểu biết không gá vào đâu.

Ông chỉ đừng theo mười hai tướng hữu vi động tịnh, họp ly, có vị không vị, thông bít, sinh diệt, sáng tối, tùy nhổ được một căn thoát niêm, trở vào bên trong, quay về tính bản chân, phát ra tính sáng suốt bản lai; diệu tính đã phát minh thì năm chỗ dính mắc cũng đều được giải thoát.

Chẳng do tiền trần mà khởi tri kiến thì cái sáng suốt chẳng đi theo căn, chỉ gởi nơi căn mà phát ra; nhân đó sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau.

Này A-nan! Ông đâu chẳng biết, hiện nay trong hội này A-nan-luật-đà mắt mù mà thấy, rồng Bạt-nan-đà không tai mà nghe, thần nữ Căng-già không mũi mà biết mùi, Kiều-phạm-bát-đề lưỡi khác mà biết vị; thần Thuấn-nhã-đa không thân mà biết xúc, do hào quang Như Lai ánh ra khiến cho ông ấy tạm thời hiện ra có thân, chứ bản chất của ông là gió thì thân thể vốn không có; các vị Thanh văn đắc diệt tận định ở trong hội này, như ngài Ma-ha Ca-diếp, ý căn đã diệt từ lâu mà vẫn rõ biết cùng khắp không do tâm niệm.

Này A-nan, hiện nay các căn của ông nếu đã được giải thoát hoàn toàn, cái sáng suốt trong tâm tính phát ra. Như thế thì các phù trần và các tướng biến hóa trong thế gian sự vật đều tiêu mất, như nước sôi làm tan băng, ngay đó liền hóa thành vô thượng tri giác.

A-nan, như người thế gian đều gom cái thấy nơi con mắt, nếu bảo nhắm kín thì tướng tối hiện ra, cả sáu căn đều tối, đầu và chân như nhau. Người kia lấy tay sờ khắp ngoài thân, dù chẳng thấy đầu, chân nhưng biết rõ từng phần, cái hay biết vẫn đồng như trước kia.

Nhân sáng mà thấy, nên khi tối thành không thấy, chứ không có sáng mà tự phát cái thấy thì những tướng tối hẳn không thể làm mờ được. Căn trần đã sạch làm sao tính giác minh lại không thành nhiệm mầu cùng khắp”.

Giải thích: Như người thế gian gom cái thấy nơi con mắt, trước tiên nói về người thế gian cho rằng không có mắt thì không thấy. Nếu bảo vội vàng nhắm mắt lại thì không thấy gì và năm căn như tai v.v… cũng tương tợ. Người ấy dùng tay rờ trên thân, tuy chẳng nhờ đến mắt mà cũng tự biết, đây giống như chân kiến không nhờ ngoại cảnh. Nói nhờ sáng mới thấy, tối thành không thấy, đây là lặp lại mắt người thế gian trông thấy phải nhờ nhân duyên sáng tối, căn trần hòa hợp mới thấy được. Nói “khi tối thành ra không thấy, chứ không có sáng mà tự phát ra cái thấy”, đây là nói về lúc chân kiến, tính thấy không phải là mắt. Đã không lệ thuộc mắt sao lại nhờ ở sự sáng tối của căn trần để phát thì chẳng rõ mà rõ, chẳng thấy mà thấy, tự nhiên tịch chiếu linh tri đâu từng gián đoạn. Vả lại các tướng thế gian sáng tối hư huyễn ẩn hiện đâu thể che lấp được, do đó sáng cũng không hẳn là sáng và tối cũng không hẳn là tối. Cho nên nói các tướng tối trọn không thể làm mờ được, làm sao tính giác minh lại không thành nhiệm mầu cùng khắp ? Vì vậy, có học nhân hỏi bậc Tiên đức: Thế nào là đấng Đại bi nghìn tay nghìn mắt ? Đáp: Như người trong đêm mò được chiếc gối.

Hỏi: Về hành tướng của vọng tâm, có kinh văn nào làm chứng?

Đáp: Theo kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã Ba-la-mật, Phật dạy: “Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tâm niệm nên tư duy như sau tâm này vô thường mà cho là thường trụ, nơi khổ cho là vui, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh, giao động chẳng dừng, biến đổi nhanh chóng, kết sử là cội gốc đưa đến nẻo ác, nhân duyên phiền não làm hoại diệt đường lành. Cái không thể tin này là ông chủ của tham, sân, si; trong tất cả pháp, tâm là thượng thủ. Nếu khéo biết tâm chắc chắn hiểu rõ tất cả pháp, mọi thứ ở thế gian đều do tâm tạo. Tâm không tự thấy, hoặc thiện hoặc ác đều do tâm khởi. Tâm tính xoay chuyển như cái vòng lửa, dễ chuyển như ngựa, hay thiêu đốt như lửa, bộc khởi như nước lũ. Quán sát như thế tâm niệm chẳng động, chẳng theo tâm vận hành, khiến tâm theo mình. Nếu hay điều phục tâm thì điều phục được các pháp”.

Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật nói: Lành thay! Thiện nam, tâm nếu thường thì không thể phân biệt các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, tím v.v… Này thiện nam, nếu tâm là thường thì các điều nghĩ nhớ lẽ ra không quên mất. Này thiện nam, nếu tâm là thường thì sự đọc tụng lẽ ra không tăng thêm. Lại nữa, này thiện nam, nếu tâm là thường thì cũng không thể nói đã làm, đang làm, sẽ làm; nếu có đã làm, đang làm và sẽ làm nên biết tâm này chắc chắn là vô thường. Này thiện nam, nếu tâm là thường thì không có oán, thân, cũng chẳng oán, chẳng thân; nếu tâm là thường thì không nên nói vật của tôi, vật của người khác, hoặc chết hoặc sống; nêu tâm là thường thì tuy có làm ra lý đáng chẳng tăng trưởng. Này thiện nam, vì nghĩa này nên biết tâm tính mỗi mỗi đều riêng khác nên biết vô thường”.

Lại hỏi: Ví dụ cụ thể như thế nào ?

Như trong kinh nói: “Tâm tính chúng sinh như khỉ vượn, tính khỉ vượn lao chao buông cái này bắt cái kia. Tâm tính chúng sinh cũng thế, không ngừng bám lấy sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”. Đây là ví dụ cụ thể từ đó suy nghiệm tâm chúng sinh như khi vượn leo trèo cây cao lăng xăng lên xuống, như bùn non theo dòng ra vào không ngại, như trò chơi của nhà ảo thuật bày các thứ danh tướng đều hư dối, như diễn viên xuất hiện trên sân khấu trước sau đều không thật.

Vì vậy kinh Chính Pháp Niệm Xứ nói: “Tì-kheo kia lại quán sát cái tâm khỉ vượn. Nhìn thấy bọn khỉ vượn nhảy nhót không ngừng, khắp nơi khỉ vượn đều đi tới như trong rừng cây, trên cành nhánh có hoa quả, trong hang hốc quanh co, chỗ nào khỉ vượn cũng xông tới chẳng ngại. Tâm khỉ vượn cũng như thế. Năm nẻo sai biệt như các thứ rừng, các đường địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ cũng như cây kia. Chúng sinh nhiều vô lượng như các cành cây, ái như hoa lá, phân biệt ưa thích thinh, hương, vị, xúc v.v… cho là trái cây. Hành là núi ba cõi, thân như hang hốc, hành không chướng ngại, đó là tâm khỉ vượn. Tâm khỉ vượn này thường đi khắp cõi sinh tử như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Tì-kheo kia nương theo thiền định quán sát tâm diễn viên. Như xem người diễn viên, người này cầm các nhạc khí trình diễn đủ trò trên sân khấu; tâm diễn viên này cũng như thế, các thứ nghiệp hóa làm y phục, sân khấu là năm nẻo luân hồi, các món trang sức là các thứ nhân duyên, các thứ nhạc khí là trò trình diễn, vai trò của người diễn viên chính là trò đùa sinh tử. Tâm là diễn viên bày ra đủ trò, đó là sinh tử dài dằng dặc, vô thỉ vô chung. Tì-kheo lại nương thiền định quán sát tâm như con cá mắc cạn. Như con cá ở trong sông mắc cạn bùn, nếu như nước sông chảy gấp sóng loạn, sâu sông dòng nước cuồn cuộn chảy nhanh cá không thể lội được, nước cuốn phăng lất cả cây cỏ, thế nước mạnh mẽ không có gì ngăn chặn khe nước từ trên núi và nước sông cùng đổ xuống thật nhanh và mạnh, con cá đầy bùn kia có thể bơi ra bơi vào, có thể đi hay ở. Tâm ô nhiễm cũng như vậy. Ở trong con sông Dục giới chảy nhanh sóng loạn thường có thể ra vào, có thể đi ở”.

Luận Đại Trí Độ ghi: “Như Phật nói: Kẻ phàm phu thường biết thân vô thường nhưng không biết tâm vô thường. Nếu phàm phu nói thân là thường vẫn là sai lầm mà cho tâm này là thường, quả thật quá mê lầm! Vì sao? Thân sống còn trong mười năm, hoặc hai mươi năm, còn tâm này hằng ngày đi qua sinh diệt mỗi lúc một khác, niệm niệm không dừng. Hễ tham dục sinh thì các loài sinh, tham dục diệt thì các loài diệt. Như việc huyễn hóa không thể có thật tướng. Vì vô lượng nhân duyên như thế nên biết tâm vô thường. Đây gọi là tâm niệm xứ. Hành giả tư duy tâm này thuộc về ai, ai sai khiến tâm này, quán sát rồi không thấy có chủ, vì do nhân duyên tất cả pháp hòa hợp nên chẳng tự tại, vì không tự tại nên không tự tính, không tự tính nên vô ngã. Nếu vô ngã thì ai sai sử tâm này”.

Chỉ Quán nói: “Tâm khởi một niệm suy nghĩ tùy theo thiện ác mà sinh ra thập đạo. Một là nếu tâm kia niệm niệm chuyên tham, sân, si, chẳng thể đem tâm này thu nhiếp trở về, nhổ cũng chẳng ra. Ngày tháng chồng chất càng nhiều mười điều ác cực độ như Phiến-đề-la đây là khởi tâm địa ngục đi vào hỏa đồ. Hai là nếu tâm kia niệm niệm ưa thích nhiều quyến thuộc như biển cả nuốt các dòng nước, như lửa đốt cháy củi. Tâm khởi mười điều ác bậc trung như Đề-bà-đạt-đa dụ dỗ đồ chúng, đây là khởi tâm súc sinh đi vào trong huyết đồ. Ba là nếu tâm kia niệm niệm muốn được danh tiếng lừng lẫy khắp nơi, người người ca ngợi mà bên trong không có thật đức, giả bộ như hiền Thánh, khởi mười điều ác bậc thường như Ma-kiện-đề. Khởi tâm quỉ như vậy nên đi vào trong đao đồ. Bốn là nếu tâm kia niệm niệm luôn luôn muốn hơn người, không chịu nhún mình, khinh người, trọng mình như chim bay cao nhìn xuống và bên ngoài tỏ ra có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, khởi thiện tâm ở bậc thường sẽ đi vào A-tu-la đạo. Năm là nếu tâm kia niệm niệm ưa thích dục lạc thế gian, muốn thân thối tha này sung sướng, muốn tâm ngu si này thỏa thích. Đây là khởi niệm tâm ở cấp trung bình, sẽ đi vào nhân đạo. Sáu là nếu tâm kia niệm niệm biết cái khổ của ba điều ác, khổ vui của thế gian nối tiếp nhau, ở cõi trời mới thuần vui. Đem cái vui ở cõi trời để chiết phục sự thô ác. Thiện tâm ở cấp cao này đưa đến thiên đạo. Bảy là nếu tâm kia niệm niệm muốn được uy thế lớn, thân miệng ý đều khéo điều phục, phát tâm làm chủ dục giới sẽ dần đến Ma-la đạo. Tám là nếu tâm kia muốn được trí tuệ sáng suốt, biện tài, quảng bác, phát tâm thế trí như vậy sẽ đi vào Ni-càn đạo. Chín là nếu tâm kia vượt ngoài sự che lấp của ngũ trần và lục dục, cái vui của tam thiền như suối mát, niềm vui này tràn ngập trong lòng. Sự phát tâm thanh tịnh này sẽ dần đến sắc, vô sắc đạo. Mười là nếu tâm kia biết thiện ác xoay vòng, kẻ phàm phu đam mê điều mà hiền Thánh quở trách, phá điều ác nhờ tịnh tuệ, tịnh tuệ là do tịnh thiền, tịnh thiền là do tịnh giới, đối với ba pháp này vẫn luôn khao khát. Sự phát tâm giải thoát này đưa đến Nhị thừa đạo. Mười thứ tâm trên hoặc trước khởi tâm sai quấy, hoặc trước khởi tâm chính đáng hoặc tâm sai, tâm đúng cùng khởi, ví như voi, cá, gió làm đục nước hồ. Voi ví cho các điều quấy từ bên ngoài mà khởi. Cá ví cho sự nội quán yếu kém bị kiến chấp nhị biên làm xao động. Gió là ví cho bên trong và bên ngoài hợp với tạp uế cùng làm vẩn đục. Chín loại tâm trước là sinh tử, như con tằm tự trói; một tâm sau cùng đó là niết-bàn, như con nai chạy một mình, tuy được giải thoát nhưng chưa đầy đủ Phật pháp, biết rõ tam giới không có lý khác chỉ do vọng tâm sinh, vọng tâm là cội gốc của tám thứ điên đảo7 làm nguồn cội của bốn lưu8, nhanh như điện chớp, mạnh như cuồng phong chợt dấy trần lao, tuôn chảy nhanh và mạnh như dòng nước, nung nấu phát sinh năm dục, gấp hơn vòng lửa xoay. Đây là do kết cấu bốn ma9, chạy theo mười sử10, chìm đắm dưới đáy sông nhị tử11, lao vào lửa đỏ bát khổ12, say sưa không biết gì đến hạt châu trong áo, luống chịu gian khổ tìm kiếm hạt châu lún trong trán, rồi tự mình buồn bã thở than một cách vô ích… Tất cả đều là do vọng tâm, mê cái chân giác này chớ rốt cuộc nào có mất mát gì đâu ?”

Phần văn kinh được dẫn chứng trên đây, như kinh giáo nói về hai tâm chân vọng, về nghĩa thì dường như có phân ra hai thứ, nhưng trở về tông thì không khác. Sao thế ? Chân tâm là đứng trên mặt lý thể, vọng tâm là căn cứ trên tướng dụng. Nay do lý hằng là tâm nên không thể được tâm tướng, tâm hằng là lý nên chẳng động tâm tướng như nước là sóng, chẳng phải tướng sóng; sóng là nước chẳng hoại tướng sóng. Đây là vì động tịnh chẳng có bờ mé, tính tướng một nguồn. Ngay tâm phàm mà là tâm Phật, quán thế đế mà thành chân đế. Do đó kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ-tát ma-ha-tát quán tất cả pháp, đều lấy tâm làm tự tính, như thế mà trụ”. Nếu nhiếp cảnh là tâm, đây là thắng nghĩa thế tục. Tự tính của tâm là chân như, đây là thắng nghĩa của thắng nghĩa. Như thế mà trụ, lấy vô sở đắc làm phương tiện nên song chiếu chân tục vô trụ trụ.