TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 93

Hỏi: Tông Cảnh Lục là pháp môn thật tướng, nếu tin nhận thì được phước gì; chê bai sẽ bị tội gì ?

Đáp: Môn nhất tâm thật tướng này là ý chỉ của Bát-nhã vô cùng sâu xa, nếu người nào tin nhận thì pháp lợi vô tận, chỉ có Phật mới biết. Nếu ai hủy báng Bát-nhã tội lỗi cũng vô cùng, hiện đời bị tai ương, sau khi chết đọa vào địa ngục. Vì sao thọ báo nặng nề như thế ? Vì bát-nhã là mẹ của phàm Thánh thế, xuất thế gian, ví như không vật gì chẳng từ đất sinh. Nếu hủy báng bát-nhã tức là hủy báng tất cả công đức của Phật địa tam Bảo, như tất cả chúng sinh trong mười pháp giới, hoặc lên, hoặc xuống, hoặc ngu, hoặc trí, thảy đều sinh ra từ bát-nhã. Nếu chẳng được uy quang bát-nhã thì không thể lập một trần. Như kinh Bát-nhã nói: “Muốn được tôn quí tự tại, cho đến muốn được bồ-đề phải học bát-nhã”. Lại nói: “Nếu muốn được sáu căn đầy đủ, phải học bát-nhã; cho đến ngạ quỉ, súc sinh cũng phải hoàn cụ, vì các loài này đều do học bát-nhã mà được”, cho nên biết chẳng tin Tông Cảnh thì không có lẽ ấy.

Kinh Chư Pháp Vô Hành ghi: “Bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, sau khi Sư Tử Hống Cổ Âm Vương Như Lai diệt độ, có một Bồ-tát tỳ-kheo tên là Hỷ Căn làm pháp sư chất trực đoan chính, đầy đủ oai nghi, chẳng bỏ thế pháp. Lúc ấy chúng sinh đều là hàng lợi căn thích nghe những kinh luận sâu sắc, pháp sư Hỷ Căn ở trước đại chúng chẳng khen ngợi những việc thiểu dục, tri túc, tế hạnh, độc cư mà chỉ dạy mọi người thật tướng của các pháp, đó là tính của tất cả pháp chính là tính của tham dục, tính của sân khuể, tính của ngu si. Pháp sư Hỷ Căn đem phương tiện này giáo hóa chúng sinh. Những gì chúng sinh này thực hành đều là nhất tướng chẳng có thị phi, đạo tâm tu hành không sân si. Vì không sân si nên được pháp nhẫn trong Phật pháp quyết định chẳng hoại. Bạch Thế Tôn, khi ấy lại có tỳ-kheo pháp sư tu hành đạo Bồ-tát tên là Thắng Ý, chuyên hộ trì cấm giới, đắc tứ thiền, tứ vô sắc định, thực hành mười hai hạnh đầu-đà. Bạch Thế Tôn, tỳ-kheo Thắng Ý có các đệ tử tâm tính khinh động ưa thấy lỗi người. Bạch Thế Tôn, sau đó một thời gian Bồ-tát Thắng Ý vào làng khất thực, đi đến nhà đệ tử của pháp sư Hỷ Căn nhìn thấy con của chủ nhà liền trải tòa ngồi xuống, vì con chủ nhà khen ngợi pháp thiểu dục, tri túc, tế hạnh, nói lỗi của lời nói vô ích, khen ngợi việc lìa chúng đi một mình. Lại ở trước con chủ nhà nói xấu pháp sư Hỷ Căn. Tỳ-kheo này chẳng chân thật đem đạo tà kiến giáo hóa chúng sinh, đó là tạp hạnh như nói dâm dục, sân hận, ngu si không chướng ngại, tất cả các pháp đều không chướng ngại. Con của chủ nhà lợi căn, được vô sinh pháp nhãn bèn nói với tỳ-kheo Thắng Ý: Đại đức, biết tham dục là pháp gì chăng ? Thắng Ý đáp: Cư sĩ, tôi biết tham dục là phiền não. Con chủ nhà nói: Đại đức, phiền não này ở trong hay ở ngoài ? Tỳ-kheo Thắng Ý đáp: Chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Con chủ nhà hỏi: Đại đức, nếu tham dục chẳng ở trong chẳng ở ngoài, chẳng ở đông tây nam bắc, bốn góc, trên dưới tức là vô sinh; nếu đã vô sinh tại sao nói hoặc cấu hoặc tịnh ? Khi ấy, tỳ-kheo nổi giận đứng lên nói rằng: Tỳ-kheo Hỷ Căn đem pháp vọng ngữ mê hoặc mọi người. Ông ta vì chẳng học pháp môn nhập âm thanh nên nghe âm thanh Phật thì thích, nghe âm thanh ngoai đạo thì giận, nghe âm thanh nơi người phạm hạnh thì thích, nghe âm thanh nơi người phi phạm hạnh thì giận (…). Khi ấy Bồ-tát Hỷ Căn ở trước chúng tăng nói kệ:

Tham dục là niết-bàn
Sân si cũng như thế
Trong ba việc này đây
Có vô lượng Phật đạo.
Nếu có người phân biệt
Tham dục, sân khuể, si
Người này cách xa Phật
Cũng như trời với đất.
Bồ-đề và tham dục
Là một chẳng phải hai
Đều vào một pháp môn
Bình đẳng không sai khác.
Phàm phu nghe sợ hãi
Cách Phật đạo rất xa
Tham dục chẳng sinh diệt
Chẳng thể làm tâm não.
Nếu người hay chấp ngã
Và lại có kiến chấp
Người này bị tham dục
Dẫn vào nơi địa ngục.
Thật tính của tham dục
Tức là pháp tính Phật
Thật tính của Phật pháp
Cũng là tính tham dục
Là một tướng hai pháp
Đây gọi là vô tướng
Nếu hay biết như thế
Là đạo sư thế gian.
Nếu có người phân biệt
Giữ gìn hay phá giới
Do giữ giới hư dối
Lại khinh miệt người khác
Người này không bồ-đề
Cũng không có Phật pháp
Chỉ tự mình an lập
Trong thấy có sở đắc
Nếu ở nơi vắng vẻ
Quí mình mà khinh người
Còn chẳng được sinh thiên
Huống là được bồ-đề
Đều do thích vắng lặng
Vì trụ nơi tà kiến
Tà kiến và bồ-đề
Đều bình đẳng không khác
Chỉ vì danh tự số
Ngữ ngôn nên sai khác
Nếu thông đạt việc này
Là gần đến bồ-đề
Phân biệt phiền não cấu
Tức là kẹt tịnh kiến
Không bồ-đề Phật pháp
Ở trong thấy sở đắc.
Nếu tham đắm Phật pháp
Là cách xa Phật pháp
Vì tham pháp vô ngại
Trở lại chịu khổ não.
Nếu người không phân biệt
Tham dục, sân khuể, si
Vì được tính ba độc
Đây là thấy bồ-đề.
Người này gần Phật đạo
Chóng được vô sinh nhẫn
Nếu thấy pháp hữu vi,
Pháp vô vi khác biệt
Người này trọn chẳng được
Thoát khỏi pháp hữu vi.
Nếu biết hai tính đồng
Hẳn là Nhân trung tôn
Phật chẳng thấy bồ-đề
Cũng chẳng thấy Phật pháp
Vì chẳng chấp các pháp
Hàng ma thành Phật đạo
Nếu muốn độ chúng sinh
Chớ phân biệt tính này
Tất cả các chúng sinh
Đều đồng nơi niết-bàn
Nếu hay thấy như thế
Đây là được thành Phật
Tâm họ chẳng yên tĩnh
Mà hiện tướng yên tĩnh
Ở trong cõi trời người
Đây là kẻ đại tặc
Người này không bồ-đề
Cũng không có Phật pháp
Nếu thệ nguyện như vầy
Tôi sẽ được thành Phật
Hạng phàm phu như thế
Sức vô minh kéo dắt
Phật pháp rất thanh tịnh
Ví như là hư không
Trong ấy không thể nắm
Cũng không thể xả bỏ
Phật chẳng được Phật đạo
Cũng chẳng độ chúng sinh
Phàm phu gượng phân biệt
Cho Phật độ chúng sinh
Người này nơi Phật pháp
Cách xa đến vô cùng
Nếu thấy chúng sinh khổ
Tức là người thọ khổ
Chúng sinh không chúng sinh
Mà nói có chúng sinh
Trụ trong tướng chúng sinh
Thì không có bồ-đề
Nếu người thấy chúng sinh
Là rốt ráo giải thoát
Không có tham sân si
Là vị tướng thế gian
Nếu người thấy chúng sinh
Chẳng thấy phi chúng sinh
Chẳng được Phật pháp thật
Phật đồng tính chúng sinh
Nếu hay biết như thế
Là vị tướng thế gian.

Cho đến lúc ngài Hỷ Căn nói những bài kệ pháp này, ba vạn thiên tử đắc vô sinh pháp nhẫn, một muôn tám nghìn người lậu tận giải thoát, ngay khi ấy tỳ-kheo Thắng Ý đọa vào địa ngục lớn. Bởi nhân duyên nghiệp chướng ấy nên trăm nghìn ức na-do-tha kiếp ở nơi địa ngục lớn chịu các khổ độc, sau khi ra khỏi địa ngục, trong 74 vạn đời thường bị phỉ báng, trăm nghìn kiếp chẳng nghe danh diệu Phật, từ đây về sau không còn được gặp Phật, xuất gia học đạo mà không có chí khí; trong 62 vạn đời thường bỏ đạo hoàn tục. Cũng bởi nghiệp chướng tội lỗi mà trong trăm nghìn đời các căn ám độn. Bạch Thế Tôn, khi ấy pháp sư Hỷ Căn ở cõi nước tên là Bảo Trang Nghiêm ở phương đông qua mười vạn ức cõi Phật đắc vô thượng chính đẳng chính giác hiệu là Thắng Quang Minh Uy Đức Vương Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri. Tỳ-kheo Thắng Ý ấy là con ngày nay. Bạch Thế Tôn lúc con chưa vào môn pháp tướng ấy chịu khổ, phân biệt khổ, điên đảo khổ. Thế nên hoặc phát tâm Bồ-tát, hoặc phát tâm tiểu thừa chẳng muốn khởi nghiệp chướng như thế, chẳng muốn chịu khổ não như thế, chẳng nên chống trái Phật pháp, không có chỗ để khởi sân si.

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: Ông nghe những bài kệ này được lợi ích gì ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, nhờ nghe bài kệ này nghiệp chướng tội lỗi của con đã hết, nơi sinh ra được lợi căn trí tuệ, đắc pháp nhẫn khéo nói pháp.

Đức Phật bảo: Này Văn-thù-sư-lợi, nhờ năng lực của ai mà ông có thể nhớ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp nhân duyên tội nghiệp ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, những gì Bồ-tát nhớ nghĩ, nói năng, tư duy đều là thần lực của Phật. Vì sao ? Tất cả các pháp đều từ Phật lưu xuất, cho nên biết nếu chẳng tin lý thật tướng đã được nói trong Tông Cảnh thì như tỳ-kheo Thắng Ý phải chịu thống khổ lớn; nêu tin nhận thì như ngài Văn-thù-sư-lợi trí lực khéo diễn nói pháp thậm thâm. Tin nhận phỉ báng giao báo nhân quả không sai, khắp khuyên kẻ hậu hiền phải nên tin nhận sâu sắc. Nếu tin bát-nhã thì phước đức to lớn như văn trên đã nói. Hiện tại nói về tội phỉ báng phương đẳng đại khái dẫn chứng như trong kinh Đại Bát-nhã nói về tội phỉ báng pháp nghĩa là phương này đọa địa ngục a-tỳ, cõi này kiếp hoại tội vẫn chưa hết, dời sang vào địa ngục phương khác, ở phương khác lại trải qua kiếp hoại tội cũng chưa hết, lại dời sang phương khác nữa, như vậy trải qua mười phương kiếp hoại trở lại sinh vào địa ngục a-tỳ cõi này, cho dù nghìn Phật xuất thế vẫn khó cứu rỗi. Nếu kể ra những thân đã thọ, người nghe sẽ thổ huyết mà chết. Ngài Thiện Hiện thỉnh Phật nói thân đã thọ, Phật lại không nói. Cho đến thiên tử địa ngục trong kinh Hoa Nghiêm, khinh tứ chúng của kinh Pháp Hoa đều là chẳng tin nên bị đọa a-tỳ. Nếu có người nghe nên phải kinh sợ để răn nhắc chỉ dạy kẻ ngu dốt.

Kế đến nói về tin nhận và phỉ báng hiện tại thọ báo: Thứ nhất nói về tin nhận, vào đời Đường, Thích Tuệ Duệ họ Đồng ở Tương Dương, thuở nhỏ xuất gia học Tam luận, ban đầu ở chùa Quang Phước trên đỉnh núi nên việc cung cấp nước rất khó nhọc. Sư muốn đi đến chùa khác, một đêm nọ sư nằm mộng thấy thần nhân thân cao một trượng mặc tử bào đảnh lễ sư nói: “Thỉnh thầy ở lại đây thường giảng kinh đại thừa, đừng nghĩ đến tiểu thừa. Tiểu thừa như núi cao không có nước chẳng thể lợi ích người; kinh đại thừa như biển cả. Nơi núi này có nhiều Phật xuất thế nên một người đọc tụng kinh đại thừa có thể khiến cho trân bảo nơi ấy sáng chói, quyến thuộc vinh hiển, nếu có tiểu thừa thì việc này sẽ mất hết. Cúi xin ngài hoằng trì chớ cô phụ sự kỳ vọng của tôi. Nếu pháp sư cần nước việc này rất dễ, ngày mùng tám tháng tới nhất định sẽ được nước. Ngài tự đến con suối núi Từ Mẫu tại Kiếm Nam thỉnh một long vương đến đây”. Thần nhân nói xong biến mất. Đến đêm mùng bảy tháng sau gió lớn chợt khởi từ hướng tây nam, sấm chớp mưa tuôn, chỉ thấy dòng suối trong vắt thơm tho, mọi người đều mừng rỡ, cho đến khi rồng chết suối dần dần cạn khô. Tin nhận thì được lợi ích như thế đó. Thứ hai nói về hủy báng, kinh Phật Tạng nói: “Vào đời vị lai sẽ có tỳ-kheo chẳng tu thân giới tâm tuệ, người này chê cười pháp tất cánh không do Như Lai nói”. Lại nói: “Nếu có người nghe nói không thì nên kinh sợ, người này thật đáng thương, thẳng đến địa ngục không có người cứu”. Vào đời Đường Thích Tuệ Thiếu họ Trang, thuở nhỏ xuất gia lấy Tiểu thừa làm sự nghiệp, trụ nơi chùa Báo Thiện ở Tương Dương. Nơi Long Tuyền dưới tòa Triết Công khai giảng Tam luận, sư lấy làm bất nhẫn nói: Tam luận nói về lý không, người giảng luận này chấp trước pháp không. Vừa nói xong, lưỡi sư thè ra ba thước, mắt tay mũi đều chảy máu, bảy ngày không nói được. Khi ấy có Phục Luật nghe chuyện liền bảo: Ông thật là ngu si một lời phỉ báng tội hơn cả ngũ nghịch, nếu có thể tin Đại thừa mới được khỏi tội. Sư bèn thắp hương phát nguyện sám hối những điều đã nói, lưỡi liền thụt vào. Sư bèn đến chỗ Triết Công tự nhũ lòng ẩn dấu tung tích, chỉ nghe kinh Đại thừa, về sau sư đến chùa Thần Túc ở Hương Sơn, chân không bước ra khỏi cửa, thường tu tập đại thừa. Khi ấy giảng kinh Hoa Nghiêm để sám hối và thường 6 trong chúng nhắc lại lỗi trước kia, một mình ở trong phòng thường ngồi thường tu niệm. Ngày mùng ba tháng tư năm Trinh Quán thứ 11, sư ngồi thiền nơi tùng lâm phía sau chùa thấy ba người với hình mạo kì dị đến lễ bái thỉnh thọ giới Bồ-tát và thưa: Thiền sư đại lợi căn, nếu chẳng cải tâm tin Đại thừa thì ngàn Phật xuất thế vẫn còn ở địa ngục.

Lại nữa, ngày xưa có người phỉ báng Đại thừa, lúc lâm chung xuất hiện tiếng trâu rống thì biết quả báo rõ ràng chẳng mất. Những việc trên đây đều là do chướng sâu bất tín, hoặc trí cạn truyền lầm, theo văn khởi kiến chấp đều thành hủy báng pháp.

Kinh Văn-thù-sư-lợi Tuần Hành ghi: “Văn-thù-sư-lợi nói: Đại đức Xá-lợi-phất, nếu có người nói nơi quá khứ vị lai, hiện tại Như Lai có nương tựa và không nương tựa thì người này phỉ báng Như Lai. Vì sao ? Chân như vô niệm cũng vô sở niệm, chân như bất thoái, chân như vô tướng”. Hiện tại Tông Cảnh ghi chép đại ý những lời của Tổ sư hoặc của kinh điển, chỉ có một chữ một câu, hoặc lý hoặc sự, hoặc trí hoặc hạnh, thảy đều hồi hướng về nhất tâm chân như. Vì sao ? Thật tính của tâm gọi là chân như. Tính lấy sự chẳng biến đổi làm nghĩa, chân lấy sự không dối trá làm tên, như thời chẳng biến chẳng khác. Bởi tâm tính này chu biến viên dung, ngang trùm mười phương dọc suốt ba thuở, đến tất cả thời xứ chưa từng gián đoạn. Hễ có một chút thiện căn thảy đều hồi hướng. Niệm niệm khế hợp thể của chân như, thể ấy thường tịch; mỗi mỗi thuận theo dụng của chân như, dụng ấy vô cùng. Do đó chỉ cần khế hợp nhất như tự đủ các đức. Như trong kinh Hoa Nghiêm tướng chân như hồi hướng có một trăm câu, trong mỗi mỗi câu đều đồng ý chỉ là thành tựu diệu môn nhất tâm. Như kinh nói: “Này Phật tử, Bồ-tát ma-ha-tát chính niệm rõ biết tâm ấy kiên trụ xa lìa mê hoặc chuyên ý tu hành, thâm tâm chẳng động làm thành nghiệp bất hoại, hướng đến nhất thiết trí trọn không thoái chuyển, chí cầu đại thừa dũng mãnh vô úy, vun trồng cội đức an ổn thế gian, sinh thiện căn thù thắng tu pháp bạch tịnh, đại bi tăng trưởng tâm bảo thành tựu (…) Ví như chân như khắp nơi không có biên tế, thiện căn hồi hướng cũng như thế khắp nơi không có biên tế; ví như chân như chân thật là tính, thiện căn hồi hướng cũng như thế rõ tất cả pháp chân thật là tính; ví như chân như luôn giữ lấy bản tính không có biến đổi thiện căn hồi hướng cũng như thế giữ lấy bản tính trước sau chẳng biến đổi; ví như chân như lấy tất cả pháp vô pháp làm tính, thiện căn hồi hướng cũng như thế rõ tất cả pháp vô tính là tính; ví như chân như vô tướng là tướng thiện căn hồi hướng cũng như thế rõ tất cả pháp vô tướng là tướng; ví như chân như nếu có người đắc trọn không thoái chuyển, thiện căn hồi hướng cũng như thế nếu có người đắc đối với Phật pháp trọn không thoái chuyển; ví như chân như chỗ sở hành của tất cả chư Phật, thiện căn hồi hướng cũng như thế chỗ sở hành của tất cả Như Lai; ví như chân như lìa tướng cảnh giới mà làm cảnh giới, thiện căn hồi hướng cũng như thế, lìa tướng cảnh giới mà làm cảnh giới viên mãn của tất cả chư Phật ba đời; ví như chân như hay có an lập, thiện căn hồi hướng cũng như thế hay an lập tất cả chúng sinh; ví như chân như tính thường tùy thuận, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tận kiếp vị lai tùy thuận chẳng dứt; ví như chân như không thể đo lường, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đồng cõi hư không tận chúng sinh tâm không thể đo lường; ví như chân như đầy đủ tất cả, thiện căn hồi hướng cũng như thế trong một sát-na bao trùm pháp giới; ví như chân như thường trụ vô tận, thiện căn hồi hướng cũng lại như thế rốt ráo vô tận; ví như chân như không có so sánh, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khắp hay viên mãn tất cả Phật pháp không có so sánh; ví như chân như thể tính kiên cố, thiện căn hồi hướng cũng như thế thể tính kiên cố chẳng bị các hoặc não hủy hoại; ví như chân như chẳng thể phá hoại, thiện căn hồi hướng cũng như thế tất cả chúng sinh chẳng thể tồn hoại; ví như chân như chiếu sáng làm thể, thiện căn hồi hướng cũng như thế lấy sự chiếu sáng làm tính; ví như chân như luôn tồn lại, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đều có mặt ở khắp nơi; ví như chân như khắp mọi lúc, thiện căn hồi hướng cũng như thế khắp mọi lúc; ví như chân như tính thường thanh tịnh, thiện căn hồi hướng cũng như thế, trụ nơi thế gian mà thể thanh tịnh; ví như chân như đối với pháp vô ngại, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đi khắp tất cả không chướng ngại; ví như chân như làm con mắt các pháp, thiện căn hồi hướng cũng như thế hay vì tất cả chúng sinh làm con mắt; ví như chân như tính không mệt mỏi, thiện căn hồi hướng cũng như thế tu hành tất cả hạnh Bồ-tát hằng không mệt mỏi; ví như chân như thể tính thậm thâm, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tính nó thậm thâm; ví như chân như không có một vật, thiện căn hồi hướng cũng như thế, rõ biết tính nó không có một vật; ví như chân như tính chẳng xuất hiện, thiện căn hồi hướng cũng như thế, thể nó vi diệu khó thấy được; ví như chân như lìa các cấu ế, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tuệ nhãn thanh tịnh lìa các si ám; ví như chân như tính vô đẳng, thiện căn hồi hướng cũng như thế, thành tựu tất cả hạnh Bồ-tát tối thượng vô đẳng; ví như chân như thể tính tịch tĩnh, thiện căn hồi hướng cũng như thế khéo hay tùy thuận pháp tịch tĩnh; ví như chân như không có cội rễ, thiện căn hồi hướng cũng lại như thế hay vào tất cả pháp không cội rễ; ví như chân như thể tính vô biên, thiện căn hồi hướng cũng như thế làm tịnh vô biên chúng sinh; ví như chân như thể tính vô trước, thiện căn hồi hướng cũng như thế rốt cuộc xa lìa tất cả chấp trước; ví như chân như không có chướng ngại, thiện căn hồi hướng cũng như thế trừ diệt tất cả chướng ngại thế gian; ví như chân như chẳng phải là chỗ thực hành của thế gian, thiện căn hồi hướng cũng như thế chẳng phải là chỗ thực hành của thế gian; ví như chân như thể tính vô trụ, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tất cả sinh tử đều không chỗ trụ; ví như chân như tinh không tạo tác, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tất cả tạo tác thảy đều lìa bỏ; ví như chân như thể tính an trụ, thiện căn hồi hướng cũng như thế, an trụ chân thật; ví như chân như cùng tất cả tương ưng, thiện căn hồi hướng cũng như thế, cùng với các Bồ-tát lắng nghe tu tập và cùng tương ưng; ví như chân như trong tất cả pháp tính luôn bình đẳng, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đối với các thế gian tu hạnh bình đẳng; ví như chân như chẳng lìa các pháp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tận thuở vị lai chẳng bỏ thế gian; ví như chân như trong tất cả pháp rốt ráo vô tận, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đối với các chúng sinh hồi hướng vô tận; ví như chân như cùng tất cả pháp không trái nhau, thiện căn hồi hướng cũng như thế, chẳng trái ba đời tất cả Phật pháp; ví như chân như gồm khắp các pháp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, thu nhiếp hết tất cả thiện căn của chúng sinh; ví như chân như cùng tất cả pháp đồng thể tính, thiện căn hồi hướng cũng như thế, cùng với chư Phật ba đời đồng một thể tính; ví như chân như cùng tất cả pháp chẳng lìa bỏ nhau, thiện căn hồi hướng cũng như thế, nắm giữ tất cả pháp thế gian và xuất thế gian; ví như chân như không thể che khuất, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tất cả thế gian không thể che khuất; ví như chân như không thể dao động, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tất cả nghiệp ma chẳng thể dao động; ví như chân như tính không cấu trược, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tu hạnh Bồ-tát không cấu trược; ví như chân như không có biến đổi,  thiện căn hồi hướng cũng như thế, thương xót nghĩ nhớ chúng sinh không biến đổi; ví như chân như không thể cùng tận, thiện căn hồi hướng cũng như thế, chẳng phải là chỗ có thể cùng tận của thế pháp; ví như chân như tính thường giác ngộ, thiện căn hồi hướng cũng như thế, hay giác ngộ tất cả các pháp; ví như chân như không thể hoại mất, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đối với chúng sinh khởi chí nguyện tốt chẳng hoại mất; ví như chân như hay chiếu sáng khắp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đem đại trí quang soi sáng thế gian; ví như chân như chẳng thể nói, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tất cả ngôn ngữ chẳng thể nói; ví như chân như giữ gìn các thế gian, thiện căn hồi hướng cũng như thế, hay giữ gìn các hạnh của tất cả Bồ-tát; ví như chân như tùy thuận ngôn thuyết thế gian, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tùy thuận tất cả trí tuệ ngôn thuyết; ví như chân như khắp tất cả pháp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khắp mười phương cõi Phật hiện đại thần thông thành đẳng chính giác; ví như chân như không có phân biệt thiện căn hồi hướng cũng như thế, đối với các thế gian không có phân biệt; ví như chân như khắp tất cả thân, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khắp trong vô lượng thân nơi mười phương cõi; ví như chân như thể tính vô sinh, thiện căn hồi hướng cũng như thế, phương tiện thị hiện sinh mà thật không sinh; ví như chân như tồn tại khắp nơi, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tồn tại khắp trong cõi Phật mười phương ba đời thị hiện thần thông; ví như chân như khắp ban đêm, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đêm đêm phóng đại quang minh làm Phật sự; ví như chân như khắp ban ngày, thiện căn hồi hướng cũng như thế, ngày ngày tất cả chúng sinh thấy thần biến Phật, diễn pháp luân bất thoái, ly cấu thanh tịnh không lỗi lầm; ví như chân như khắp nơi nửa tháng và một tháng, thiện căn hồi hướng cũng như thế, nơi các thời tiết tuần tự ở thế gian được phương tiện khéo léo, trong một niệm biết tất cả thời; ví như chân như khắp cả năm, thiện căn hồi hướng cũng như thế, trụ vô lượng kiếp minh liễu thành thục tất cả các căn khiến cho viên mãn; ví như chân như khắp thành hoại kiếp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, trụ tất cả kiếp thanh tịnh vô nhiễm, giáo hóa chúng sinh khiến cho thanh tịnh; ví như chân như tận thuở vị lai, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tận thuở vị lai tu các diệu hạnh thanh tịnh của Bồ-tát, thành tựu đại nguyện không thoái chuyển; ví như chân như khắp cả ba đời, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến các chúng sinh trong một sát-na thấy Phật ba đời, chưa từng có một niệm xả ly; ví như chân như khắp mọi nơi, thiện căn hồi hướng cũng như thế, ra khỏi ba cõi đi khắp nơi đều được tự tại; ví như chân như trụ pháp hữu vô, thiện căn hồi hướng cũng như thế, thấu rõ tất cả pháp hữu vô rốt ráo thanh tịnh; ví như chân như thể tính thanh tịnh, thiện căn hồi hướng cũng như thế, hay dùng phương tiện hợp lại trợ giúp pháp, tịnh trị tất cả các hạnh Bồ-tát; ví như chân như thể tính sáng sạch, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến cho các Bồ-tát đều được tâm tam-muội sáng sạch; ví như chân như thể tính vô cấu, thiện căn hồi hướng cũng như thế, xa lìa các cấu nhiễm, đầy đủ các ý thanh tịnh; ví như chân như không ngã và ngã sở, thiện căn hồi hướng cũng như thế, vì tâm thanh tịnh không ngã và ngã sở đầy khắp cõi nước chư Phật mười phương; ví như chân như thể tính bình đẳng, thiện căn hồi hướng cũng như thế, được bình đẳng nhất thiết trí trí, chiếu rõ các pháp, ly các si ám; ví như chân như siêu các số lượng, thiện căn hồi hướng cũng như thế, vượt lên số lượng nhất thiết trí, nương vào đại lực pháp tạng mà cùng an trụ, khởi mây pháp rộng lớn khắp tất cả thế gian mười phương; ví như chân như bình đẳng an trụ, thiện căn hồi hướng cũng như thế, phát sinh tất cả hạnh Bồ-tát, bình đẳng trụ nơi nhất thiết trí đạo; ví như chân như trụ khắp tất cả cõi chúng sinh, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đầy đủ nhất thiết chủng trí vô ngại, nơi cõi chúng sinh đều hiện trước mặt; ví như chân như không có phân biệt, trụ khắp trong tất cả âm thanh trí, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đầy đủ tất cả ngôn âm trí, hay thị hiện khắp các thứ ngôn âm khai thị chúng sinh; ví như chân như lìa hẳn thế gian thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến cho chúng sinh vĩnh viễn ra khỏi thế gian; ví như chân như thể tính rộng lớn, thiện căn hồi hướng cũng như thế, hay thọ trì Phật pháp rộng lớn trong quá khứ, vị lai, hiện tại, hằng chẳng quên mất, siêng tu tất cả hạnh Bồ-tát; ví như chân như không có ngừng nghỉ, thiện căn hồi hướng cũng lại như thế, vì muốn đặt để chúng sinh nơi đất đại trí nên trong tất cả kiếp tu hạnh Bồ-tát không ngừng nghỉ; ví như chân như thể tính bao la bao trùm tất cả pháp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, tịnh niệm vô ngại khắp nhiếp tất cả pháp môn rộng lớn; ví như chân như nhiếp khắp các phẩm loại, thiện căn hồi hướng cũng như thế, chứng đắc vô lượng phẩm loại trí, tu các diệu hạnh chân thật của Bồ-tát; ví như chân như không chỗ chấp trước, thiện căn hồi hướng cũng như thế, đối với tất cả pháp đều không chấp trước, trừ diệt tất cả chấp trước thế gian khiến cho thanh tịnh; ví như chân như thể tính bất động, thiện căn hồi hướng cũng như thế, an trụ hạnh nguyện viên mãn của Phổ Hiền rốt ráo chẳng động; ví như chân như là cảnh giới Phật, thiện căn hồi hướng cũng như thế khiến các chúng sinh đầy đủ tất cả cảnh giới đại trí, diệt trừ cảnh giới phiền não khiến cho thanh tịnh; ví như chân như không bị chế phục, thiện căn hồi hướng cũng như thế, chẳng bị tất cả sự nghiệp chúng ma, tà luận ngoại đạo chế phục; ví như chân như chẳng phải tu và chẳng tu, thiện căn hồi hướng cũng như thế, lìa bỏ tất cả vọng tưởng chấp trước, không phân biệt tu và chẳng tu; ví như chân như không có thoái xả, thiện căn hồi hướng cũng như thế, thường thấy chư Phật phát tâm bồ-đề, đại thệ trang nghiêm vĩnh viễn không thoái xả; ví như chân như nhiếp khắp tất cả ngôn âm thế gian, thiện căn hồi hướng cũng như thế, hay được tất cả ngôn âm thần thông trí tuệ sai biệt phát ra các thứ ngôn từ; ví như chân như không mong cầu đối với tất cả pháp, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến các chúng sinh nương nơi nguyện lực Phổ Hiền mà xuất ly, đối với tất cả pháp không tham cầu; ví như chân như trụ tất cả địa, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến tất cả chúng sinh bỏ thế gian địa, trụ trí tuệ địa dùng hạnh Phổ Hiền để tự trang nghiêm; ví như chân như không có đoạn tuyệt, thiện căn hồi hướng cũng như thế, được vô sở úy đối với tất cả pháp, tùy theo loại âm nơi nơi diễn nói không đoạn tuyệt; ví như chân như xa lìa các lậu, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến tất cả chúng sinh thành tựu pháp trí, liễu đạt nơi pháp viên mãn công đức vô lậu của bồ-đề; ví như chân như không có chút pháp nào có thể hoại loạn khiến cho có chút phần chẳng phải là giác ngộ, thiện căn hồi hướng cũng như thế, khiến khai ngộ tất cả các pháp, tâm ấy vô lượng bao trùm pháp giới; ví như chân như quá khứ chẳng phải bắt đầu, vị lai chẳng phải cuối cùng, hiện tại chẳng phải khác, thiện căn hồi hướng cũng như thế, vì tất cả chúng sinh luôn khởi tâm nguyện bồ-đề, khiến cho thanh tịnh lìa hẳn sinh tử; ví như chân như không chỗ phân biệt trong ba cõi; thiện căn hồi hướng cũng như thế, hiện tại niệm niệm tâm thường giác ngộ, quá khứ, vị lai thảy đều thanh tịnh; ví như chân như thành tựu tất cả chư Phật Bồ-tát, thiện căn hồi hướng cũng như thế, phát khởi tất cả đại nguyện phương tiện, thành tựu trí tuệ rộng lớn của chư Phật; ví như chân như rốt ráo thanh tịnh, chẳng cùng chung với tất cả phiền não, thiện căn hồi hướng cũng như thế, hay diệt tất cả phiền não của chúng sinh, đầy đủ tất cả trí tuệ thanh tịnh.

Giải thích: Đây là biết trong mỗi mỗi nghĩa của một trăm câu không một chữ nào chẳng y cứ vào tâm để rõ, không một hạnh nào chẳng tùy theo tính để khởi, đây gọi là chân gồm ngọn hạnh, không một hạnh nào chẳng phải chân; hạnh thấu nguồn chân, không một chân nào chẳng phải hạnh. Như vậy thì lý sự gồm đủ, tâm cảnh dung thông, chẳng phải nắm hữu để ngưng không, tránh vướng chân mà nhiễm tục, hay khiến cho sinh chính tín, từng bước trở thành nhân môn của Bồ-tát; trực hiển viên tu từng niệm tròn đầy quả hải của chư Phật. Do đó ghi chép trăm câu bao quát toàn văn rốt ráo chứng minh diệu chỉ Tông Cảnh. Ngày nay khuyên khắp học sĩ mười phương, tất cả hậu hiền, chỉ mong đạo phú nhân bần, tình mỏng đức dày, lấy pháp làm bạn, lấy trí làm trước, vận dụng lòng từ tu thân, khai thị chúng sinh làm nhiệm vụ, làm người chủ pháp thí không sẻn tiếc gia phong, không thắc mắc nào chẳng từ mọi hoài nghi đều giải quyết thì giẫm lên đường Phật đi mới khỏi cô phụ bản tâm, diệu hạnh luôn mới, chí đạo vẫn thế. Do đó Chứng Đạo Ca ghi:

Con dòng Thích miệng xưng bần
Thân thật nghèo, đạo chẳng nghèo
Nghèo nên thân thường mặc áo rách
Đạo thì tâm chứa báu vô giá
Báu vô giá dùng vô tận
Lợi vật ứng thời không sẻn tiếc
Trong thân có đủ ba thân, bốn trí
Tám giải, sáu thông tâm địa ấn.

Đây là lấy pháp giới làm thân, lấy hư không làm lượng; tình không thủ xả, kiến dứt tự tha; lấy tâm của muôn vật làm tâm thì môn nào chẳng thuận; đem ý của muôn vật làm ý thì pháp nào trái nghịch ? Vào trong Tông Cảnh pháp nhĩ như thế! Cho nên kinh Thư nói: “Dùng tai của triệu người để nghe, đem mắt của bốn biển để thấy, dùng thân mình để biết thân người, đem tâm mình để biết tâm người”, Thánh nhân không có tâm bình thường, lấy bá tính làm tâm. Lại nói: “Nhún mình theo người thì mọi việc an hòa, ép người theo mình thì các việc tranh khởi”, trong ngoài quy về, chứng minh chẳng hết.

Hỏi: Tin nhận hay hủy báng pháp Tông Cảnh tội phước thế nào ?

Đáp: Pháp nầy là cha của bậc hiền, là mẹ của chư Phật, muôn điều thiện do đây sinh thì hủy báng đâu chẳng bị quả báo nặng sao ? Do đó kinh Pháp Hoa nói: “Lại như Đại Phạm thiên vương là cha của tất cả chúng sinh, kinh này cũng như thế, là cha của tất cả Thánh hiền, những hàng hữu học, vô học và phát tâm Bồ-tát”. Khởi Tín Sao ghi: “Nếu hủy báng pháp này là tự hại mình cũng là hại người, làm đoạn tuyệt hạt giống tam Bảo, vì tất cả Như Lai đều nương nơi pháp này được niết-bàn, tất cả Bồ-tát nhân đây tu hành được vào Phật trí”.