TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 97

Lời Phật dạy đã rõ, cũng cần phải biết ý của Tổ sư, người đạt Phật thừa đều tương ưng với liễu nghĩa. Như kinh Pháp Hoa nói: “Những việc tư duy, trù lượng, ngôn thuyết của người này đều là Phật pháp, không gì chẳng chân thật”, cũng là những lời dạy trong kinh Phật trước kia.

– Thứ nhất, bài kệ của Phật Tỳ-bà-thi:

Thân thọ sinh tử trong vô tướng
Như huyễn sinh ra các hình tượng
Tâm thức người huyễn xưa nay không
Tội phước đều không vô sở trụ.

– Thứ hai, bài kệ của Phật Thi-khí:

Khởi các thiện nghiệp vốn là huyễn
Tạo các ác nghiệp cũng là huyễn
Thân như chùm bọt, tâm như gió
Huyễn xuất vô căn không thật tính.

– Thứ ba bài kệ của Phật Tỳ-xá-phù:

Tạm mượn bốn đại để làm thân
Tâm vốn không sinh nhân cảnh có
Tiền cảnh nếu không, tâm cũng không
Tội phước như huyễn sinh rồi diệt.

– Thứ tư bài kệ của Phật Câu-lưu-tôn:

Thấy thân không thật là Phật thấy
Rõ tâm như huyễn là Phật rõ
Rõ biết thân tâm vốn tính không
Người này với Phật đâu sai khác.

– Thứ năm bài kệ của Phật Câu-na-hàm Mâu-ni:

Phật chẳng thấy thân, biết là Phật
Nếu là thật có, biết không Phật
Người trí hay biết tội tính không
Thản nhiên chẳng lo sợ sinh tử.

– Thứ sáu bài kệ của Phật Ca-diếp:

Tất cả chúng sinh tính thanh tịnh
Từ xưa không sinh cũng không diệt
Là thân tâm nay do huyễn sinh
Ở trong huyễn hóa không tội phước.

– Thứ bảy bài kệ của Phật Thích-ca Mâu-ni:

Huyễn hóa không nhân cũng không sinh
Đều là tự nhiên thấy như thế
Các pháp không gì chẳng hóa sinh
Huyễn hóa không sinh không sợ hãi.

Nói kệ xong, đức Phật bảo ngài Ma-ha Ca-diếp: Ta có pháp nhãn thanh tịnh, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, chính pháp vi diệu, hôm nay giao phó cho ông chớ để dứt mất. Hãy nghe ta nói kệ:

Pháp vốn pháp không pháp
Không pháp pháp cũng pháp
Nay giao phó vô pháp
Pháp pháp đâu từng pháp.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 1 Ma-ha Ca-diếp ở Ấn Độ:

Pháp pháp xưa nay pháp
Không pháp không phi pháp
Làm sao trong một pháp
Có pháp và phi pháp.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 2 tôn giả A-nan:

Xưa nay trao có pháp
Trao rồi nói không pháp
Người người nên tự ngộ
Ngộ rồi đều có pháp.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 3 tôn giả Thương-na-hòa-tu:

Phi pháp cũng phi tâm
Không tâm cũng không pháp
Lúc nói tâm pháp này
Là pháp phi tâm pháp.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 4 tôn giả Ưu-ba-cúc-đa:

Tâm tự xưa nay tâm
Bản tâm chẳng có pháp
Có pháp có bản tâm
Phi tâm phi bản pháp.

+ Tổ thứ 5 tôn giả Đề-đa-ca, cũng gọi là Hương Chúng, ban đầu theo ngài Ưu-ba-cúc-đa xuất gia. Tôn giả hỏi: Là tâm xuất gia hay là thân xuất gia ? Hương Chúng đáp: Con đến xin xuất gia, chẳng phải vì cầu lợi ích cho thân tâm.

Tôn giả hỏi: Nếu chẳng vì thân tâm thì ai xuất gia ? Hương Chúng đáp: Vì xuất gia là vô ngã, do vô ngã nên tâm chẳng sinh diệt, tâm chẳng sinh diệt tức là thường. Đã là thường nên Phật cũng thường. Tâm không hình tướng thể kia cũng thế.

Tôn giả nói: Ông sẽ đại ngộ tâm tự sáng suốt, nương vào Phật pháp hóa độ Hằng sa chúng.

Bài kệ phó pháp:

Thông đạt bản pháp tâm
Không pháp không phi pháp
Ngộ rồi đồng chưa ngộ
Không tâm được không pháp.

+ Bài kệ phó pháp của Tổ thứ 6 tôn giả Di-già-ca:

Vô tâm không thể được
Nói được chẳng gọi pháp
Nếu rõ tâm phi tâm
Mới hiểu tâm tâm pháp.

+ Bài kệ phó pháp của Tổ thứ 7 tôn giả Bà-tu-mật:

Tâm đồng cõi hư không
Biểu thị như hư không
Lúc chứmg đắc hư không
Là pháp không thị phi.

+ Bài kệ phó pháp của Tổ thứ 8 tôn giả Phật-đà Nan-đề:

Hư không không trong ngoài
Tâm pháp cũng như thế
Nếu biết rõ hư không
Là đạt lý chân như.

+ Tổ thứ 9 tôn giả Phục-đà-mật-đa hỏi ngài Phật-đà Nan-đề bằng bài kệ:

Cha mẹ chẳng thân thiết
Ai là người tối thân
Phật chẳng phải đạo ta
Ai là bậc tối đạo ?

Tôn giả nói kệ đáp:

Lời ông thân với tâm
Cha mẹ chẳng thể sánh
Hạnh ông hợp với đạo
Chính là tâm chư Phật.
Ngoài cầu có tướng Phật
Chẳng giống nhau với ông
Muốn biết bản tâm ông
Chẳng hợp cũng chẳng lìa.

Nhân đây tôn giả Phục-đà-mật-đa ngộ đạo. Bài kệ phó pháp:

Chân lý vốn không tên
Nhờ tên hiển chân lý
Nhận được pháp chân thật
Phi chân chẳng phi ngụy.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 10 Hiếp tôn giả:

Chân thể tự nhiên chân
Do chân nói có lý
Nhận được pháp chân thật
Không đi cũng không dừng.

+ Tổ thứ 11 tôn giả Phú-na-dạ-xà, một hôm Hiếp tôn giả đang đứng dưới bóng cây, ngài chỉ mặt đất dưới gốc cây bảo đại chúng: Nếu đất này biến thành sắc vàng thì sẽ có Thánh nhân vào trong pháp hội này. Vừa dứt lời phút chốc mặt đất biến thành sắc vàng, tôn giả thấy một người đang đứng trước pháp hội.

Tôn giả hỏi: Ông từ đâu đến ?

Dạ-xà đáp: Tâm con chẳng phải đến.

Tôn giả hỏi: Ông an trú nơi nào ?

Dạ-xà đáp: Tâm con chẳng phải trụ.

Tôn giả nói: Ông bất định chăng ?

Dạ-xà đáp: Chư Phật cũng thế!

Tôn giả nói: Ông chẳng phải chư Phật.

Dạ-xà đáp: Chư Phật cũng chẳng phải.

Khi ấy, tôn giả Dạ-xà nói kệ khen ngợi:

Thầy ngồi trên đất vàng
Thường nói nghĩa chân thật
Phóng quang chiếu soi con
Khiến vào tam-ma-địa.

Bài kệ truyền pháp:

Mê ngộ như ẩn hiển
Sáng tối chẳng lìa nhau
Nay trao pháp ẩn hiển
Chẳng một cũng chẳng hai.

+ Bài kệ truyền pháo của Tổ thứ 12 tôn giả Mã Minh:

Ẩn hiển là bản pháp
Sáng tối vốn không hai
Nay truyền pháp ngộ liễu
Chẳng lấy cũng chẳng bỏ.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 13 tôn già Tỳ-la:

Pháp phi ẩn phi hiển
Gọi là chân thật tế
Ngộ pháp ẩn hiển này
Chẳng ngu cũng chẳng trí.

+ Tổ thứ 14 tôn giả Long Thọ hành hóa đến Nam Ấn, nhân dân nước ấy phần nhiều tu phước nghiệp chẳng hiểu Phật lý, chỉ có tiểu trí chẳng có đại trí. Và khi Tôn giả hỏi họ về Phật tính, họ nói: Chúng tôi bố thí để cầu phước nghiệp, không biết đến Phật tính, nếu ngài hiểu biết Phật tính, xin nói cho chúng tôi biết. Tôn giả nói: Các ông muốn học dạo thì trước hết phải dẹp trừ ngã mạn, sinh tâm cung kính mới được Phật tính. Họ hỏi: Phật tính lớn nhỏ ? Sư đáp: Chẳng phải như các ông biết, Phật tính chẳng phải lớn nhỏ. Họ nói: Chúng tôi muốn bỏ tiểu trí trở về đại trí.

Ngài Long Thọ liền vì họ thuyết pháp, hiện tướng lạ trước đại chúng, thân như vầng trăng đang trên tòa chỉ nghe thuyết pháp mà chẳng thấy hình. Trong chúng có một trưởng giả tên Đề-bà bảo đại chúng: Mọi người biết điềm này chăng ? Đại chúng nói: Nếu chẳng phải bậc đại Thánh thì ai có thể biết.

Khi ấy, Đề-bà tâm căn túc tịnh cũng thấy tướng ấy im lặng khế hội, bèn bảo đại chúng: Sư hiện bày nghĩa Phật tính, đâu chẳng phải thân sư là vô tướng tam-muội, hình như mặt trăng tròn là nghĩa Phật tính”. Nói chưa dứt tiếng, sư liền hiện lại bổn thân trên tòa nói kệ:

Thân hiện tướng trăng tròn
Để bày thể chư Phật
Nói pháp không hình tướng
Dụng biện phi thanh sắc.

Bài kệ truyền pháp:

Vì rõ pháp ẩn hiển
Mới nói lý giải thoát
Nơi pháp tâm chẳng chứng
Chẳng giận cũng chẳng vui.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 15 tôn giả Ca-na-đề-bà:

Đối với người truyền pháp
Vì nói lý giải thoát
Nơi pháp thật không chứng
Không sau cũng không trước.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 16 tôn giả La-hầu-la:

Nơi pháp thật không chứng
Chẳng lấy cũng chẳng lìa
Pháp chẳng phải hữu vô
Trong ngoài làm sao khởi?

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 17 tôn giả Tăng-già Nan-đề:

Tâm địa vốn không sinh
Nhân chủng từ duyên khởi
Duyên chủng chẳng hại nhau
Hoa quả cũng như thế.

+ Tổ thứ 18 tôn giả Già-da-xá-đa, nhân Tổ thứ 17 Tăng-già Nan-đề đến nhà, chợt thấy một đứa bé tay cầm chiếc gương đồng đi đến chỗ Sư, Sư hỏi: Con mấy tuổi ? Đứa bé thưa: Con trăm tuổi. Sư vặn hỏi: Con đúng là vô tri, con trẻ thơ mà đáp mình đã trăm tuổi, thật phi lý. Đứa bé thưa: Con chẳng hiểu chính lý đúng trăm tuổi. Tôn giả nói: Con thật lanh lợi! Đứa bé thưa: Đức Phật có bài kệ:

Nếu người sống trăm tuổi
Chẳng hiếu được Phật pháp
Chẳng bằng sinh một ngày
Mà được rõ Phật pháp.

Khi ấy, Tôn giả rất kính trọng biết đây là bậc Thánh. Sư lại hỏi: Con cầm chiếc gương này là ý nghĩa gì ? Đứa bé dùng kệ đáp:

Đại viên cảnh chư Phật
Trong ngoài không tỳ vết
Hai người cùng được thấy
Tâm mắt đều như nhau.

Cha mẹ thấy con mình kỳ lạ bèn cho xuất gia, tôn giả dẫn đi du hóa, đến một cổ tự nọ sư cho cậu bé thọ giới đặt tên là Già-da-xá-đa. Khi ấy trên Phật điện có cái linh bằng đồng bị gió lay động phát ra âm thanh, tôn giả hỏi: Là gió kêu, hay là linh kêu, hay là đồng kêu ? Đứa bé đáp: Tâm con kêu, chẳng phải gió, linh, đồng. Tôn giả nói: Chẳng phải gió, linh, đồng vậy tâm con là cái gì ? Cậu bé thưa: Cả hai đều lặng lẽ chẳng phải tam-muội sao ? Tôn giả nói: Lành thay chân tỳ-kheo, khéo hiểu Phật lý, khéo nói các pháp yếu, khéo biết nghĩa chân thật. Sư lại bảo: Nay ta đem pháp nhãn tạng này phó chúc cho con, con hãy nhận lành bài kệ của ta rồi đi giáo hóa. Bài kệ:

Tâm địa vốn không sinh
Nhân chủng từ duyên khới
Duyên chủng chẳng hại nhau
Hoa quả cũng như thế.

Về sau Già-da-xá-đa giao cho Cưu-ma-la-đa bài kệ truyền pháp:

Có giống có tâm địa
Nhờ duyên mới nảy mầm
Nơi duyên chẳng ngại nhau
Đang sinh sinh chẳng sinh.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 19 tôn giả Cưu-ma-la-đa:

Trên tính vốn không sinh
Là đối với người cầu
Nơi pháp đã không được
Đâu còn quyết chẳng quyết.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 20 tôn giả Xà-dạ-đa:

Dưới lời hợp vô sinh
Đồng với pháp giới tính
Nếu hay hiểu như thế
Thông đạt cả sự lý.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 21 tôn giả Bà-tu-bàn-đầu:

Bọt huyễn đồng vô ngại
Tại sao chẳng liễu ngộ
Đạt pháp ở trong ấy
Chẳng nay cũng chẳng xưa.

+ Tổ thứ 22 tôn giả Ma-noa-la sau khi phó chúc bài kệ truyền pháp cho tôn giả Hạc-lặc liền từ tòa đứng lên, thân vọt lên hư không hiển bày 18 pháp biến hóa, rồi trở về bổn tòa, tay chỉ đất hóa thành dòng suối mà nói kệ:

Tâm địa suối trong sạch
Thấm nhuần khắp tất cả
Tuôn ra từ mặt đất
Đầy khắp mười phương cõi.

Bài kệ truyền pháp:

Tâm theo muôn cảnh chuyển
Chỗ chuyển thật sâu kín
Theo dòng nhận được tính
Không mừng cũng không lo.

+ Tổ thứ 23 tôn giả Hạc-lặc sau khi phó chúc pháp liền từ tòa đứng lên, thân vọt lên hư không hiển bày 18 pháp biến hóa, rồi trở về bổn tòa lặng lẽ diệt độ. Khi ấy đại chúng muốn chia xá-lợi, mỗi người tự xây tháp, đến nơi trà-tỳ để chia xá-lợi, lúc đó tôn giả hiện thân nói kệ:

Một pháp tất cả pháp
Một pháp nhiếp tất cả
Thân ta chẳng có không
Sao phân tất cả tháp.

Bài kệ truyền pháp:

Lúc nhận được tâm tính
Nói là bất tư nghì
Rõ ràng vô sở đắc
Lúc đắc chẳng nói biết.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 24 tôn giả Sư Tử:

Lúc đang nói thấy biết
Thấy biết đều là tâm
Ngay tâm là thấy biết
Thấy biết tức hiện tại.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 25 tôn giả Bà-xá-đa:

Thánh nhân nói thấy biết
Ngay cảnh không phi thị
Nay ta ngộ chân tính
Không đạo cũng không lý.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 26 tôn giả Bất-như-mật-đa:

Chân tính tâm địa tạng
Không đầu cũng không đuôi
Ứng duyên mà hóa vật
Phương tiện gọi là trí.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 27 tôn giả Bát-nhã-đa-la:

Tâm địa sinh các loài
Nhân sự lại nhân lý
Quả mãn bồ-đề viên
Hoa khai thế giới khởi.

Tôn giả Ba-la-đề ở Ấn Độ hiện sức thần thông để gặp vua, ngài cưỡi mây đến trước điện vua, khi ấy vua hỏi người cưỡi mây: Ngài là tà hay là chính ?

Tôn giả Ba-la-đề đáp: Ta chẳng phải tà chính mà đến chính tà. Tâu đại vương, nếu là chính thì ta không tà chính.

Vua lại hỏi: Thế nào là Phật ?

Ba-la-đề đáp: Thấy tính là Phật.

Vua hỏi: Ngài thấy tính chăng ?

Ba-la-đề đáp: Ta thấy Phật tính.

Vua hỏi: Tính ở nơi nào ?

Ba-la-đề đáp: Tính ở nơi tác dụng.

Vua nói: Là tác dụng gì mà nay chẳng thấy ?

Ba-la-đề đáp: Tác dụng hiện tại mà vua tự chẳng biết.

Vua hỏi: Ngài đã thấy nên nói có tác dụng, ngay nơi ta có nó chăng ?

Ba-la-đề đáp: Tác dụng của nó chính là ngay lúc này, nếu chẳng dùng, thể cũng khó thấy.

Vua hỏi: Tác dụng của nó biểu hiện ở chỗ nào ?

Sư đáp: Tác dụng ấy biểu hiện ở tám chỗ.

Sư đứng thẳng trên mây nói kệ:

Tại thai là thân
Nơi đời là người
Tại mắt là thấy
Tại tai là nghe
Tại mũi là khí
Tại miệng đàm luận
Nơi tay cầm nắm
Nơi chân đi chạy
Hiện khắp pháp giới
Thâu nhiếp chẳng ngoài vi trần
Người biết cho là Phật tính
Người ngu gọi là tinh hồn.

+ Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma-đa-la của Trung Quốc, là con trai thứ ba của quốc vương Nam Thiên Trúc thích lý luận, tâm nhớ nghĩ chúng sinh mà chẳng biết Phật. Sư tự than thở: “Thế gian có hình pháp dễ hiểu, chỉ có Phật tâm pháp khó lĩnh hội”.

Khi ấy tôn giả Bát-nhã-đa-la đến nước của Bồ-đề Đạt-ma, vua ban tặng tôn giả một viên bảo châu, ánh sáng rực rỡ thù diệu, tôn giả dùng bảo châu để thử thái tử, ngài nói: Bảo châu này có ánh sáng lớn có thể chiếu soi vạn vật, có hạt châu nào quý hơn hạt bảo châu này chăng ? Bồ-đề Đạt-ma thưa: “Đây là vật báu thế gian, nhưng chưa phải là quý nhất, trong các ánh sáng, ánh sáng trí tuệ là hơn cả, trong các minh, tâm minh là đệ nhất. Ánh sáng của hạt châu này không thể tự chiếu, phải nhờ ánh sáng trí tuệ phân biệt, nhờ phân biệt mới biết là hạt châu; đã biết là hạt châu liền rõ giá trị của nó. Nếu rõ sự quý báu thì bảo chẳng tự là bảo: nếu phân biệt hạt châu thì châu chẳng tự là châu. Châu chẳng tự là châu, cần phải nhờ trí châu để biện thế châu; bảo chẳng tự là bảo cần phải nhờ pháp bảo để rõ tục bảo. Vậy thì sư có đạo, sự quý báu đã hiện; chúng sinh có đạo, tâm bảo cũng thế”.

Tôn giả Bát-nhã-đa-la lấy làm lạ; sau đó cho Bồ-đề Đạt-ma xuất gia. Sư ngộ đạo hành hóa đến Trung Quốc, ngài Bảo Chí biết là Bồ-tát Quán Âm hóa thân đến truyền Phật tâm ấn. Sư nói về pháp môn an tâm: “Khi mê người theo pháp, lúc ngộ pháp theo người; ngộ thì thức nhiếp sắc, mê thì sắc nhiếp thức. Chỉ có tâm phân biệt so đo, tự tâm hiện lượng thảy đều là mộng, nếu biết tâm tịch diệt không một chỗ động niệm, đây gọi là chính giác”.

Hỏi: Thế nào tự tâm hiện ?

Đáp: Thấy tất cả pháp có, có tự chẳng có, tự tâm chấp là có; thấy tất cả pháp không, không chẳng tự không, tự tâm chấp là không, cho đến tất cả pháp cũng như thế đều là tự tâm chấp có, tự tâm chấp không. Lại nếu người tạo tội mà tự thấy pháp vương của mình thì được giải thoát. Nếu theo sự được hiểu biết thì khí lực mạnh mẽ; nếu theo sự thấy pháp thì nơi nơi chẳng đánh mất niệm; nếu theo văn tự được hiểu biết thì khí lực yếu kém nếu tức sự túc pháp thì các hành vi của ông dù đi lăng quăng, vấp ngã đều chẳng ra ngoài pháp giới, cũng chẳng vào pháp giới. Nếu đem giới vào giới tức là người ngu si. Hễ có sự tạo tác trọn chẳng ngoài pháp giới tâm. Vì sao ? Vì tâm thế là pháp giới.

Hỏi: Thế nhân học rộng tại sao chẳng đắc đạo ?

Đáp: Do thấy có ta nên chẳng đắc đạo. Ta là ngã. Bậc chí nhân gặp khổ chẳng lo, gặp vui chẳng mừng, vì chẳng thấy có ta, do đó chẳng biết khổ vui. Do quên mình nên được đến hư vô; chính mình còn quên thì còn vật gì mà chẳng quên!

Hỏi: Các pháp đã không thì ai tu đạo ?

Đáp: Có ai thì cần phải tu đạo, nếu không có ai thì không cần tu đạo. Ai cũng là ngã, nếu không ngã thì gặp vật chẳng sinh thị phi. Thị là ngã tự thị, chẳng phải vật thị; phi là ngã tự phi chẳng phải vật phi. Ngay tâm vô tâm là thông đạt Phật đạo; ngay vật chẳng khởi kiến chấp gọi là đạt đạo. Gặp vật liền biết cội nguồn của nó là tuệ nhãn của người này khai mở. Người trí tùy theo vật chẳng tùy theo mình thì không lấy bỏ thuận nghịch; người ngu tùy theo mình chẳng tùy theo vật thì có lấy bỏ thuận nghịch. Chẳng thấy một vật gọi là thấy đạo; chẳng hành một vật gọi là hành đạo, thì tất cả chỗ đều không. Xứ là pháp xứ, là tác xứ, vô tác xứ. Không tạo tác là thấy Phật. Nếu lúc thấy tướng thì mọi chỗ đều thấy quỷ, vì nắm lấy tướng nên đọa địa ngục, vì quán pháp nên được giải thoát. Nếu thấy ức tưởng phân biệt liền bị sự trừng phạt của địa ngục, hiện tại thấy tướng sinh tử. Nếu thấy pháp giới tính là niết-bàn tính, không ức tưởng phân biệt tức là pháp giới tính. Tâm chẳng phải sắc nên phi hữu, dụng chẳng bỏ nên phi vô, lại dụng mà thường không nên phi hữu, không thường dụng nên phi vô. Bài kệ truyền pháp:

Ta vốn đến xứ này
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành.

+ Tổ thứ hai đại sư Huệ Khả nói: Phàm phu cho xưa khác nay, nay khác xưa, lìa tứ đại riêng có pháp thân. Lúc ngộ thì tâm năm ấm là niết-bàn viên tịnh, tâm này đầy đủ vạn hạnh gọi là đại tông. Bài kệ truyền pháp:

Xưa nay do có đất
Nhờ đất giống hoa sinh
Xưa nay không có giống
Hoa cũng chẳng thể sinh.

+ Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ ba đại sư Tăng Xán:

Giống hoa tuy nhờ đất
Từ đất giống hoa sinh
Nếu không người gieo giống
Giống hoa đều không sinh.

+ Tổ thứ tư đại sư Đạo Tín nói: “Phàm muốn biết tâm định, lúc đang ngồi biết ngồi là tâm, biết có vọng khởi là tâm, biết không vọng khởi là tâm, biết không trong ngoài là tâm. Lý bặt trở về tâm, tâm đã thanh tịnh, tịnh là bản tính, trong ngoài chỉ là nhất tâm, là tướng trí tuệ, tâm minh liễu không động gọi là tự tính định”. Đại sư Pháp Dung nói: “Trăm nghìn diệu môn đồng quy tấc lòng, Hằng sa công đức gom tại nguồn tâm, tất cả định môn, tất cả tuệ môn, tất cả hạnh môn thảy đều đầy đủ, thần thông diệu dụng đều tại tâm ông”. Bài kệ truyền pháp:

Giống hoa có tính sinh
Nhân đất hoa sinh sôi
Đại duyên hợp với tính
Sẽ sinh sinh, chẳng sinh.

+ Tổ thứ năm đại sư Hoàng Nhẫn nói: ‘Muốn biết pháp yếu, tâm là căn bản của mười hai bộ loại kinh, chỉ có pháp nhất thừa. Nhất thừa là nhất tâm. Chỉ cần giữ nhất tâm là tâm chân như môn, tất cả pháp hạnh chẳng ngoài tự tâm. Chỉ có tâm tự biết tâm không hình sắc. Chư Tổ chỉ đem tâm truyền tâm, người đạt đạo ấn khả không có pháp khác”. Lại nói: “Tất cả do tâm, tà chính tại mình, chẳng nghĩ đến một vật chính là bản tâm, chỉ có tri hay biết không hạnh nào khác”. Bài kệ truyền pháp:

Hữu tình đến gieo giống
Nhờ đất quả lại sinh
Vô tình không hạt giống
Không tính cũng không sinh.

+ Tổ thứ sáu đại sư Huệ Năng nói: “Tự tâm của các ông là Phật, chớ nên hồ nghi, ngoài tâm không thể kiến lập một pháp, đều là tự tâm sinh muôn pháp. Kinh nói: “Tâm sinh các pháp sinh; pháp không hai, tâm cũng thế”. Đạo thanh tịnh không có các tướng, ông chớ quán tịnh và không tâm. Tâm ấy không hai, chẳng thể lấy bỏ; đi đứng ngồi nằm đều là một trực tâm, tức là tịnh độ. Y theo lời dạy của ta quyết định sẽ đắc bồ-đề”. Bài kệ truyền pháp:

Hạt giống nơi tâm địa
Mưa xuống đều nảy mầm
Đốn ngộ hoa tình rồi,
Quả bồ-đề tự thành.

+ Đại sư Hoài Nhượng nói: “Tất cả muôn pháp đều từ tâm sinh, nếu đạt tâm địa thì mọi việc làm đều vô ngại, vì tâm này chính là Phật Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang chỉ truyền pháp nhất tâm. Tam giới duy tâm, sum la vạn tượng là do một pháp ấn thành. Phàm các sắc tướng được thấy đều là tự tâm, tâm chẳng tự tâm, nhân sắc nên tâm, ông có thể tùy thời tức sự tức lý đều vô ngại. Đạo quả bồ-đề cũng lại như thế, từ tâm sinh ra thì gọi là sắc, biết sắc không nên sinh tức chẳng sinh”.

Mã đại sư hỏi:

– Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội ?

Sư đáp:

– Ông học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ông hợp sẽ thấy đạo.

Mã đại sư lại hỏi:

– Hòa thượng nói thấy đạo, đạo chẳng phải sắc tướng làm sao thấy được ?

Sư đáp:

– Con mắt tâm địa hay thấy được đạo, vô tướng tam-muội cũng như thế.

Mã đại sư hỏi:

– Có thành hoại chăng ?

Sư nói:

– Nếu khế hợp đạo này không trước không sau, chẳng thành chẳng hoại, chẳng tụ chẳng tán, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng tĩnh chẳng loạn, chẳng gấp chẳng hoãn; nếu hiểu như thế sẽ gọi là thấy đạo. Hãy lắng nghe ta nói kệ:

Đất tâm chứa các giống
Gặp ướt liền nảy mầm
Hoa tam-muội vô tướng
Nào hoại lại nào thành.

+ Hòa thượng Hành Tư ở Kiết Châu nói: “Ngữ ngôn hiện tại chính là tâm ông, tâm này là Phật, là thật tướng pháp thân Phật. Kinh nói: “Có ba a-tăng-kỳ trăm nghìn danh hiệu, tùy thế giới ứng xử lập danh”. Như hạt châu ma-ni tùy sắc, gặp xanh liền xanh, gặp vàng liền vàng; bản sắc của hạt châu như ngón tay chẳng tự chạm, dao chẳng tự cắt, gương chẳng tự soi, tùy theo ảnh tượng mà hiện ra khác nhau được gọi là hơn kém chẳng đồng. Tâm này tuổi thọ bằng hư không; nếu vào môn tam-muội thì đều là tam-muội, nếu vào môn vô tướng thì đều là vô tướng, tùy theo chỗ lập đều được tông môn; nói năng, khóc cười, co duỗi, cúi ngửa đều phát sinh từ tính hải nên được tông danh, tướng hảo Phật là nhân quả Phật, là thật tướng Phật gia dụng. Kinh nói: “Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp đều từ tâm tưởng sinh”; cũng nói: “Ngọn lửa nhà pháp tính”. Lại nói: “Công đức của pháp tính, tùy theo tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Các niệm nếu sinh tùy niệm được quả, ứng vật mà hiện gọi là Như Lai; tùy ứng mà đi nên không chỗ cầu, trong mọi lúc không một pháp để được. Tự được pháp, chẳng lấy được để được, thế nên pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng nghe pháp. Bình đẳng là Phật, Phật là bình đẳng, chẳng lấy bình đẳng để thực hành bình đẳng, cho nên nói độc nhất không bạn. Lúc mê thì mê nơi ngộ, lúc ngộ thì ngộ nơi mê, mê trở lại tự mê, ngộ trở lại tự ngộ, không có một pháp chẳng từ tâm sinh, không có một pháp chẳng từ tâm diệt, thế nên mê ngộ đều tại nhất tâm. Cho nên nói một hạt bụi bao trùm pháp giới. Phi tâm phi Phật thật sự là bản tính vượt qua số lượng chẳng phải bậc Thánh thì không thể biện biệt, chỗ biện biệt không thể nói, không Phật để thành, không đạo để tu. Kinh nói: “Nếu biết Như Lai thường chẳng thuyết pháp đây gọi là đầy đủ đa văn tức là thấy tự tâm đầy đủ đa văn”. Cho nên cỏ cây có Phật tính đều là nhất tâm, mặc áo ăn cơm đều là Phật sự”.

+ Hòa thượng Huệ An ở Tung Sơn: Ngày xưa ngài Hoài Nhượng cùng với ngài Thản Nhiên đi nghe luật tại chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu, họ nói với nhau: Tôi nghe nói thiền tông là Phật thừa tối thượng, đâu nên gò bó nơi tiểu tông này mà đánh mất đại chỉ. Họ bèn vân du tham vấn khắp nơi, đến chỗ hòa thượng Tông ở Tung Sơn, hỏi:

– Thế nào là ý của Tổ sư từ Ấn Độ sang ?

– Sao chẳng hỏi ý chỉ của nhà mình, hỏi ý chỉ của người khác làm gì ?

– Thế nào là ý chỉ của Thản Nhiên ?

– Ông cần phải bí mật tác dụng.

– Thế nào là bí mật tác dụng, xin thầy chỉ dạy.

Hòa thượng ngước mắt nhìn, ngay lúc ấy hai ngài đại ngộ.

+ Tam tạng Quật-đa nhân đi đến huyện Định Tương, tỉnh Thái Nguyên, vào thôn xóm thấy đệ tử của đại sư Thần Tú kết thảo am ngồi một mình quán tâm, sư hỏi:

– Làm gì thế ?

– Khán tịnh.

– Khán là người nào ? Tịnh là vật gì ?

Tăng không đáp được, bèn hỏi:

– Lý này thế nào, xin thầy chỉ dạy.

– Sao chẳng thấy tự khán, sao chẳng tự tịnh ?

Sư thấy tăng căn tính chậm lụt bèn hỏi:

– Thầy ông là ai ?

– Hòa thượng Thần Tú.

– Thầy ông chỉ dạy pháp này hay là còn ý chỉ nào khác ?

– Chỉ dạy tôi khán tịnh.

Sư nói:

– Đây là pháp tu tập của ngoại đạo hạ liệt ở Tây Thiên, xứ này (Trung Quốc) chỉ dùng thiền tông. Thật là kẻ sai lầm!

Vị tăng hỏi Tam tạng Quật-đa:

– Thầy của ngài là ai ?

– Lục Tổ, chính pháp khó nghe, sao ông không đến chỗ Lục Tổ.

Vị tăng nghe lời sư bèn đến Tào Khê, yết kiến Lục Tổ trình bày việc trên, Tổ bảo:

– Đúng như lời Quật-đa, sao ông chẳng tự khán, chẳng tự tịnh, bảo ai tịnh cho ông!

Ngay dưới lời nói, vị tăng đại ngộ.

+ Hòa thượng Trí Sách du hành phương bắc gặp thiền sư Trí Hoàng đệ tử của Ngũ Tổ trải qua 20 năm tu định. Sư hỏi:

– Ông làm gì ở đây ?

– Nhập định.

– Ông nhập định là hữu tâm nhập hay là vô tâm nhập ? Nếu nói hữu tâm nhập thì tất cả hữu tình thảy đều có tâm cũng phải được định; nếu nói vô tâm nhập thì tất cả vô tình cũng phải được định.

– Lúc đang nhập định, tôi chẳng thấy có tâm hữu vô.

– Nếu chẳng thấy có tâm hữu vô tức là thường định, chẳng còn xuất nhập.

Sư Trí Hoàng không đáp được, liền hỏi:

– Thầy của sư là ai ?

– Lục Tổ.

– Lục Tổ lấy pháp gì làm thiền định ?

Sư đáp: Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần phi hữu, chẳng xuất, chẳng nhập, chẳng định, chẳng loạn. Thiền tính vô trụ, lìa trụ thiền tịch; thiền tính vô sinh, lìa sinh thiền tưởng, tâm như hư không, cũng không có lượng hư không.

Trí Hoàng nghe lời này nhưng chưa dứt lòng nghi, bèn đi về phương nam đến Tào Khê yết kiến Lục Tổ. Lục Tổ cũng nói lời ấy, Trí Hoàng liền đại ngộ.

+ Hòa thượng Tư Đại ở Nam Nhạc nói: Nói về việc học đạo trước hết phải thông tâm, nếu tâm được thông thì tất cả pháp nhất thời đều không. Nghe nói tịnh chẳng sinh tịnh niệm thì là vốn tự tịnh. Nghe nói không chẳng chấp không, ví như chim bay trong hư không nếu dừng lại thì chắc chắn sẽ rơi xuống. Vô trụ là vốn tự tính thể tịch, sinh tâm là dụng của chiếu. Tức tịch là tự tính định, tức chiếu là tự tính tuệ. Tức định là thể của tuệ, tức tuệ là dụng của định. Lìa định không riêng có tuệ, lìa tuệ không riêng có định. Lúc tức định chính là tuệ, lúc tức tuệ chính là định. Lúc tức định không có định, lúc tức tuệ không có tuệ. Vì sao ? Vì tính tự như, như đèn và ánh sáng tuy có hai tên gọi mà thể không khác. Tức đèn là ánh sáng, tức ánh sáng là đèn; lìa đèn không riêng có ánh sáng, lìa ánh sáng không riêng có đèn, tức đèn là thể của ánh sáng, tức ánh sáng là dụng của đèn. Định tuệ không tu chẳng xa rời nhau.

+ Tuyệt Quán Luận của đại sư Pháp Dung ở Ngưu Đầu hỏi: Cái gì là tâm. Đáp: Những gì sáu căn quán đều gọi là tâm. Hỏi: Tâm như thế nào ? Đáp: Tâm tịch diệt. Hỏi: Cái gì là thể ? Đáp: Tâm là thể. Hỏi: Cái gì là tông ? Đáp: Tâm là tông. Hỏi: Cái gì là gốc ? Đáp: Tâm là gốc. Hỏi: Thế nào là định tuệ. Đáp: Tâm tính tịch diệt là định, thường rõ tịch diệt là tuệ. Hỏi: Cái gì là trí ? Đáp: Cảnh khởi sự hiểu biết là trí. Hỏi: Cái gì là cảnh ? Đáp: Tâm tính của tự thân là cảnh. Hỏi: Cái gì là mở ? Đáp: Chiếu dụng là mở. Hỏi: Cái gì là khép ? Đáp: Tâm lặng lẽ không đến đi là khép. Mở thì dạo khắp pháp giới, khép thì khó tìm dấu vết. Hỏi: Cái gì là pháp giới ? Đáp: Không có bờ mé gọi là pháp giới.

+ Thiền sư Pháp Chiếu nói: Kinh ghi: “Ba a-tăng-kỳ trăm nghìn danh hiệu đều là tên gọi khác của Như Lai là danh xưng khác của chân tâm”. Lại kinh nói: “Muôn pháp chẳng ngoài nhất tâm”. Là nghĩa này vậy. Phàm troi buộc là từ tâm trói buộc, cởi mở là từ tâm cởi mở. Trói buộc và cởi mở tâm chẳng liên can đến việc khác, thuật xuất yếu chỉ có quán tâm cho đến nếu nêu môn nhất tâm tất cả chỉ là nhất tâm. Nếu một pháp chẳng phải làm thì ngoài tâm ai có thể riêng đặt ra một cái gì.

+ Thiền sư Phạm nói: Nếu biết tất cả pháp đều là pháp liền được giải thoát, nhãn là pháp, sắc là pháp. Kinh nói: “Chẳng thấy pháp trở lại cùng pháp thành trói buộc, cũng chẳng thấy pháp trở lại cùng pháp thành giải thoát”.

+ Thiền sư Tạng nói: Đối với tất cả pháp vô sở đắc thì tâm là đạo, mắt chẳng được tất cả sắc, tai chẳng được tất cả tiếng.

+ Thiền sư Duyên nói: Như trong nhà có tảng đá lớn dùng để ngồi nằm, nếu tạo thành tướng Phật, tâm cho là Phật, nên sợ tội không dám ngồi đều là do ý thức và ngọn bút vẽ thành rồi tự lo sợ, thật ra trong tảng đá không có tội phước.

+ Thiền sư An nói: Trực tâm là đạo. Vì sao ? Trực niệm trực dụng chẳng còn quán không, cũng chăng cầu phương tiện. Kinh nói: “Trực thị chẳng thấy, trực niệm chẳng nghĩ, trực thọ chẳng làm, trực thuyết chẳng phiền”.

+ Thiền sư Giác nói: Nếu ngộ tâm không chỗ lệ thuộc liền được đạo tích, mắt chẳng thấy tất cả sắc, mắt chẳng thuộc tất cả sắc, là tự tính giải thoát. Kinh nói: “Vì tất cả pháp chẳng thuộc về nhau nên tâm và tất cả pháp chẳng biết nhau”.

+ Ni Viên Tịch nói: Tất cả pháp duy tâm vô đối là tự tính giải thoát. Kinh nói: “Tất cả pháp chẳng đối đãi với mắt. Vì sao ? Vì pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp”.

+ Thiền sư Nhiêu nói: Rõ tâm biết tính tự thể hằng chân, cho niệm được duyên đều là Phật pháp.

+ Thiền sư Lãng nói: Những gì được thấy đều do tự tâm hiện, đạo tợ vật gì mà muốn tu, phiền não giống vật gì mà muốn dứt.

+ Thiền sư Trù nói: Tất cả ngoại duyên gọi là tướng vô định, thị phi sinh diệt đều là tự tâm. Nếu tự tâm chẳng tâm thì ai sợ thị phi, năng sở đều không thì các tướng luôn bặt.

+ Thiền sư Tuệ Từ nói: Pháp tính là đại đạo. Pháp là pháp thân, tính là giác tính, tức là tính tự nhiên của chúng sinh. Thế nên Kim Cang Bát-nhã như đống lửa lớn, tam-muội rực cháy các phiền lụy chẳng vào cho nên xưng tán “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

+ Thiền sư Tuệ Mãn nói: Chư Phật nói tâm khiến chúng sinh biết tâm tướng là pháp hư vọng. Ngày nay gia tăng tâm tướng càng trái ý Phật, lại thêm luận nghị càng xa đại chỉ; thường mang theo bốn quyển kinh Lăng Già lấy làm tâm yếu tùy thuyết tùy hành.