TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 92

Hỏi: Trong môn thế đế phàm Thánh tự cách biệt, phàm phu ngoài tâm lập pháp vọng chấp thấy nghe, Thánh nhân đã rõ nhất tâm làm thế nào đồng với tri kiến của phàm phu ?

Đáp: Thánh nhân tuy thấy biết mà thường rõ vật rỗng như đồng huyễn sinh không có chấp trước. Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu do tưởng phiền não sinh ra tưởng điên đảo, tất cả Thánh nhân thật có tưởng điên đảo mà không có phiền não, nghĩa này thế nào ? Phật nói: Này thiện nam, tại sao Thánh nhân có tưởng điên đảo ? Bồ-tát Ca-diếp thưa: Bạch Thế Tôn, tất cả Thánh nhân cho rằng trâu có ý tưởng trâu cũng gọi là trâu, ngựa có ý tưởng ngựa cũng gọi là ngựa, nam nữ, lớn nhỏ, nhà cửa, xe cộ, đến đi cũng thế, đây gọi là tưởng điên đảo. Phật nói: Này thiện nam, tất cả phàm phu có hai thứ tưởng: một là thế lưu bố tưởng, hai là trước tưởng”.

Tất cả Thánh nhân, chỉ có thể lưu bố tưởng không có trước tưởng. Tất cả phàm phu do ác giác quán nên nơi thế lưu bố sinh ra trước tưởng; tất cả Thánh nhân vì thiện giác quán nơi thế lưu bố chẳng sinh trước tưởng. Thế nên phàm phu gọi là tưởng điên đảo, Thánh nhân tuy biết nhưng chẳng gọi là tưởng điên đảo. Lại bởi cảnh vốn tự không cần gì phá hoại tướng, bởi tâm linh tự chiếu đâu nhờ duyên sinh nên chẳng giống như tình chấp thấy biết của phàm phu. Vì thế Triệu luận nói: “Hễ có cái được biết thì có cái chẳng biết. Bởi tâm Thánh nhân không biết nên không điều gì chẳng biết, cái biết mà chẳng biết gọi là biêt tất cả”. Kinh nói: “Tâm Thánh nhân không biết nên không điều gì chẳng biết”. Thế nên Thánh nhân rỗng tâm mình mà thật chiếu soi, trọn ngày biết mà chưa từng biết, như nước lặng thì bóng hiện đâu lập tâm năng sở; cảnh trí đều không nào có tưởng giác tri.

Kinh Lăng Già ghi: “Phật bảo Đại Huệ: Vì thế gian hoặc loạn, chư Phật cũng hiện mà chẳng điên đảo. Này Đại Huệ, những việc điên đảo ở thế gian như bóng nắng, tóc rũ, thành Càn-thát-bà, chiêm bao, bóng trong gương, chẳng phải là trí sáng suốt, nhưng chẳng phải chẳng hiện”.

Giải thích: Bảy thí dụ trên nói rằng cảnh chỉ là một mà thấy có sai khác. Nhưng Thánh nhân dùng cảnh hoặc loạn ấy nhất thời đồng phàm phu hiện các trần, vì Thánh nhân không có niệm vướng mắc nên chẳng điên đảo, song các vị ấy chẳng phải chẳng thấy pháp hoặc loạn kia. Lúc thấy xem như trăng đáy nước, bóng trong gương. Bồ-tát Long Thọ nói: “Ánh sáng mặt trời chiếu soi hạt bụi, gió nhẹ làm nó chuyển động trong đồng hoang gọi là sóng nắng, người ngu thấy thế cho là ngựa hoang, kẻ khát trông thấy cho là vũng nước; nghiệp báo cũng thế, ánh sáng mặt trời phiền não thiêu đốt các hạt bụi chư hành, gió tà ức niệm dấy lên trong đồng hoang sinh tử khiến nó chuyển động lầm thấy là người, là quỷ, là nam, là nữ, sinh ra khát ái nhiễm trước đam mê không ngừng, nếu chẳng gần gũi Thánh pháp thì không do đâu biết được”.

Bên ngoài mặt trời và lửa có sự sáng chói, bên trong gương và nước có sự chiếu soi, ánh sáng phía trên là ảnh, ánh sáng phía dưới là tượng. Tượng nhờ sự sáng truyền, mà tượng hiện trong nước; hình nhờ mặt trời soi mà ánh sáng ngăn cách làm ảnh. Hai vật tuy rỗng không mà do đối đãi vọng có; vọng có tuy không mà mê loạn thấy nó; nếu thấy không mê loạn thì hình với ảnh là một, tượng với hình đồng; pháp thế gian cũng thế, được sinh khởi do các duyên. Cái có khởi và duyên sở khởi đều là không, vật không nhất dị, nhưng con người do bệnh phong hư vọng điên đảo nên chẳng nên thấy mà thấy, chẳng nên nghe mà nghe. Nếu được đại tuệ sáng suốt thì tâm cuồng loạn dứt, không có cái thấy này.

Lại bát-nhã vô tri không như gỗ đá; dù có biết nhưng chẳng phải đồng tình tưởng. Cổ đức nói: Phật thấy vô ngã chẳng phải là vô tri, chỉ là biết mà chẳng biết, thấy mà chẳng thấy. Vì biết là biết mà chẳng biết nên không tâm mà chẳng biết; vì thấy là thấy mà chẳng thấy nên không sắc mà chẳng thấy. Vì không sắc mà chẳng thấy nên do chẳng thấy mà thấy; vì không tâm mà chẳng biết nên do chẳng biết mà biết. Như kinh Tịnh Danh nói: “Sắc được thấy cùng với sự mù lòa giống nhau”. Sùng Phước Sớ nói: “Ví như năm ngón tay xóa hư không, hư không có hình tượng hiện, không vì hư không chẳng có hình tượng mà nói ngón tay không thể xóa hư không, đâu thể dùng năm ngón tay xóa hư không bèn muốn cho ảnh tượng hiện trong hư không; việc ấy cũng chẳng đúng, chẳng ngại gắng sức xóa hư không, trong hư không vốn không có hình tượng hiện đâu có thể con mắt thấy sắc bèn cho là như mù, đâu có thể con mắt như mù mà cho là không thấy, chẳng ngại đầy mắt thấy sắc, rõ biết sắc tự tính vốn không. Tuy vậy lúc thấy sắc vốn cùng với mù lòa không khác, chỉ cần dứt tâm phân biệt, chẳng phải diệt trừ pháp, pháp vốn tự không, không có chỗ trừ.

Lại âm thanh được nghe cũng như tiếng vang đâu phải chẳng nghe, chỉ vì tất cả âm thanh đều như tiếng vang trong hang vắng không có chấp thọ phân biệt. Do đó mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, chẳng tùy chẳng hoại, vì rõ tính thật của thanh sắc. Vì sao ? Nếu theo môn thanh sắc thì rơi vào kiến chấp của phàm phu, phân biệt tướng đẹp xấu vướng vào yêu ghét, nhận lãnh lời khen chê, vọng sinh sự ưa chán, nếu phá hoại tướng sắc thanh là đồng như tâm Tiểu thừa thì có ba lỗi:

1/ Vì sắc v.v… tính không nên không thể hoại, nếu hư hoại mới không thì chẳng phải vốn không.

2/ Do không tức chân đồng pháp tính, nếu hư hoại mới chân thì sự ở ngoài lý.

3/ Do tức không chẳng đợi hư hoại, hư hoại là đoạn diệt.

Thế nên ngũ nhãn của Như Lai chiếu thấu suốt không sót nơi nào, đâu đồng với phàm phu mù lòa, Nhị thừa mắt chột đều không thấy sao ? Chỉ cần chẳng tùy, chẳng hoại, xa lìa biên kiến, tà kiến, phi hữu, phi không, khế hợp lý trung đạo của nhất tâm thì gặp duyên vô ngại, chạm cảnh vô sinh. Do đó vạn vật vốn rỗng, theo tâm thấy thật, nhân tưởng niệm mà chấp không, chấp có, rơi vào cửa hoặc loạn; do chấp trước mà thành huyễn, thành cuồng, chịu báo tạp nhiễm. Nếu có thể phản chiếu duy tâm, đại trí chiếu soi tận cùng nguồn chân của thật tướng thì huyễn mộng liền tỉnh, ảnh tượng đều lặng; sau đó dùng tướng bất nhị thấy suốt mười phương, dùng môn nhất tâm gồm thâu muôn loài thì thấy không chỗ thấy, các tướng tận trời; nghe không chỗ nghe âm thanh thấu đất. Liễu đạt tâm rỗng cảnh không liền được vào môn đại tổng trì, tiếp nối chủng tính Phật thừa. Kinh Lăng Già nói: “Nghĩa là giác tự tâm hiện lượng ngoại tính phi tính, chẳng tướng vọng tưởng khởi chủng tính Phật thừa. Nếu mê pháp bên ngoài, đem tâm chấp tâm thì thành môn nghiệp huyễn, tiếp nối chủng tính chúng sinh”. Kinh Thủ Lăng Nghiêm có bài kệ:

Tự tâm chấp tự tâm
Phi huyễn thành huyễn pháp
Chẳng chấp vô phi huyễn
Phi huyễn còn chẳng sinh
Huyễn pháp từ đâu lập.

Cho nên biết tất cả các pháp nhiễm tịnh đều từ chấp thủ sinh, do đó nói rằng “chấp ngã là cấu, chẳng chấp ngã là tịnh”. Nếu không có tâm năng thủ sở thủ, cũng không có pháp huyễn phi huyễn. Thật pháp phi huyễn còn chẳng sinh, huyễn khởi tung tích hư dối nương vào đâu kiến lập.

Lại như ngoài tâm thấy pháp đều thành đối đãi nhau, vì vô thể, vô lực, duyên giả nương nhau. Do đó kinh Lăng Già có bài kệ:

Vì hữu nên có vô
Vì vô nên có hữu
Vô thì không nên thọ
Hữu thì không nên tưởng.

Nếu mở bày phương tiện, nói hữu để trị vô, nói vô để phá hữu thì không có chướng ngại.

Luận Thập Địa Tỳ-bà-sa có bài kệ:

Nếu dùng hữu và vô
Cũng ngăn, cũng nên nghe
Tuy nói tâm chẳng chấp
Đây là không có lỗi.

Y cứ chính tông thì hữu vô cùng dứt, cho nên luận Đại Trí Độ nói: “Theo Phật hữu chẳng nói vô, vô chẳng nói hữu, chỉ nói thật tướng của các pháp, ví như ánh sáng mặt trời không có cao thấp, chỉ chiếu soi bình đẳng; Phật cũng như thế, chẳng khiến có thành không, chẳng khiến không thành có, đây là biết nếu mê đại chỉ thì thấy có không”. Như luận Niết-bàn ghi: “Vô Danh nói: Số hữu vô đã thành thì không pháp nào chẳng gồm thâu, không lý nào chẳng bao quát, nhưng nó chỉ bao quát tục đế mà thôi. Kinh nói: “Chân đế là đạo niết-bàn, tục đế là pháp hữu vô”. Vì sao ? Hữu là hữu đối với vô; vô là vô đối với hữu; hữu là do vô nên nói hữu, vô là do hữu nên nói vô. Vậy thì hữu sinh nơi vô, vô sinh nơi hữu; lìa hữu không có vô, lìa vô không có hữu. Hữu vô tương sinh giống như cao thấp tương khuynh, có cao hẳn có thấp, có thấp hẳn có cao. Vậy thì hữu vô tuy khác biệt nhưng đều chưa ra khỏi hữu, đây là nói tượng là do hình, do đó sinh ra thị phi, đâu thể đem sự bao quát u cực mà bắt chước thần đạo ư ? Thế nên luận nói về ra khỏi hữu vô vì số hữu vô chỉ ở trong sáu cảnh, trong sáu cảnh chẳng phải nhà niết-bàn nên mượn chữ xuất khử trừ nó, để mong người tu hành hoàn toàn bặt tình thức, được ý quên lời, thể hội chẳng phải hữu chẳng phải vô, đâu thể nói ngoài hữu vô riêng có diệu đạo để gọi tên. Kinh nói: “Ba vô vi là quần sinh rối loạn sinh ra tai họa nguy hiểm, sai lầm của tai họa ấy chẳng gì hơn hữu, lời nói tuyệt hữu chẳng gì hơn vô, cho nên mượn vô để nói về đạo phi hữu, nói đạo phi hữu chẳng phải là vô”.

Hữu Danh nói: Luận về niết-bàn đã chẳng ra ngoài hữu vô, cũng chẳng ở trong hữu vô, chẳng ở trong hữu thì không thể ở nơi hữu vô mà được niết-bàn; chẳng ra ngoài hữu vô thì không thể lìa hữu vô mà tìm nó. Không thể tìm nó thì lẽ ra là không. Nhưng lại không gì chẳng phải đạo thì nẻo tối tăm có thể tìm, do đó ngàn Thánh cùng đi chưa từng trái nghịch. Đạo ấy đã tồn tại mà nói rằng chẳng ra ngoài, chẳng ở trong thì hẳn có ý nghĩa khác đáng được nghe ? Vô Danh đáp: Ngôn do danh khởi, danh do tướng sinh, tướng nhân khả tướng, không tướng thì không danh, không danh thì không nói, không nói thì không nghe.

Kinh nói: “Niết-bàn chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, không nghe không nói chẳng phải tâm biết được, ta nào dám nói đến mà ông muốn nghe chăng ? Tuy vậy ngài Thiện Hiện có nói nếu mọi người có thể đem vô tâm để nhận, không nghe mà nghe thì ta sẽ dùng vô ngôn để nói thì may ra cũng có thể nói về đạo ấy”.

Tịnh Danh nói: “Chẳng lìa phiền não mà được niết-bàn”. Thiên nữ nói: “Chẳng ra khỏi ma giới mà vào Phật giới”. Vậy thì đạo huyền ở nơi diệu ngộ, diệu ngộ ở nơi tức chân, tức chân thì hữu vô đều quán, hữu vô đều quán thì mình người không hai. Do đó trời đất cùng ta đồng căn, vạn vật cùng ta nhất thể. Đồng ngã thì chẳng còn hữu vô, dị ngã thì trái với hội thông cho nên chẳng ra ngoài chẳng ở trong mà đạo tồn tại trong ấy. Vì sao ? Bậc chí nhân rỗng tâm ngầm chiếu lý gồm thâu tất cả, ôm lục hợp vào trong lòng mà linh giám có dư, soi vạn tượng nơi tâm mà tinh thần thường rỗng, cho đến có thể nhổ cội huyền lúc chưa bắt đầu, tức các loài chuyển động, dùng tĩnh tâm điềm đạm lặng lẽ diệu khế tự nhiên, do đó ở nơi có mà chẳng có, ở nơi không mà chẳng không. Ở nơi không mà chẳng không nên chẳng không nơi không; ở nơi có mà chẳng có nên chẳng có nơi có, cho nên chẳng ra ngoài hữu vô mà chẳng ở trong hữu vô. Vậy thì pháp không có tướng hữu vô, Thánh không có cái biết hữu vô. Thánh không có cái biết hữu vô thì không có tâm nơi trong; pháp không có tướng hữu vô thì không có số bên ngoài. Bên ngoài không có số, bên trong không có tâm, kia đây tịch diệt, vật ngã hợp nhất, lặng lẽ không dấu vết gọi là niết-bàn. Niết-bàn ấy dứt bặt so đo, đâu thể đòi hỏi nó nơi hữu vô bên trong, lại có thể mong cầu nó nơi hữu vô bên ngoài sao ?

Giải thích: Huyền đạo ở nơi diệu ngộ, diệu ngộ ở nơi tức chân, nghĩa là đạo u huyền không danh không tướng, tình thiển cận chẳng biết đến, ý thô phù khó suy lường. Chỉ lúc đang diệu ngộ mới rõ ý chỉ của đạo; được ý chỉ nên thật sự bất tư nghì, tâm cảnh dung thông như thần biến, chỉ pháp giới trong bàn tay, thâu vạn tượng ở trước mắt. Như gương chiếu, hư không hàm chứa đồng thời hiển hiện, không có trước sau, khoảng giữa, diệu chỉ rõ ràng nói năng suy nghĩ dứt bặt. Có thể gọi là diệu ngộ, có thể gọi là tức chân thì hữu vô cùng quán, mình người không hai, chẳng ở ngoài, chẳng ở trong, đạo tồn tại nơi ấy.

Hỏi: Cảnh giới sáu trần chỉ nương vào vọng niệm có sai biệt. Nếu người vô niệm có thấy các cảnh giới chăng ?

Đáp: Vọng niệm chấp có tiền trần biến làm tri giải chân thật, diệu tính chẳng thông bèn thành sai biệt. Người vô niệm chẳng phải là lìa niệm mà chỉ là tức niệm vô niệm, niệm không có dị tướng, tuy có thấy nghe nhưng đều như huyễn hóa. Lại một niệm đốn viên thường thấy đạo lý trong vạn pháp mười phương.

Cổ đức hỏi: Nếu nói niệm chỉ là vô niệm thì đâu được chẳng nghe, chẳng thấy thanh sắc của người, vật ?

Đáp: Luôn thấy nghe, vì thấy nghe là chẳng thấy nghe, vì sao ? Vì chỉ thấy nghe pháp thanh sắc tức là nhãn thức, nhĩ thức thấy nghe, biết sắc thanh này là ý thức phân biệt. Nhưng sự thấy nghe của nhãn thức, nhĩ thức tính không sai biệt, chỉ gọi là sắc thanh không còn duyên nào khác. Ý thức vọng có biết rõ vô thể, sự hay biết đó như huyễn hóa cho nên nói rằng sắc được thấy đồng với sự mù lòa.

Lại quán sắc thanh kia từ duyên sinh, duyên không có tác giả tự tính chẳng có nên chẳng phải người, vật v.v… Lại người và vật do danh tướng khởi, danh tướng chẳng phải những thứ ấy thì vọng liền trừ. Đây chỉ do thấy nghe nên là tâm vô niệm chẳng phải nói rằng người mù điếc một niệm vô niệm, như nói nghe mà chẳng nghe, thấy mà chẳng thấy. Vì vậy kinh nói: “Thường cầu trí tuệ thật tướng vô niệm”. Lại chỉ y cứ duyên khởi gọi là thấy, tìm duyên thấy thật sự chẳng có, cái thấy này gọi là cái thấy chân thật. Vì sao ? Vì thấy mà không thấy soi chiếu khắp pháp giới. Do đó luận Bảo Tạng nói: “Không mắt không tai gọi là ly, có thấy có nghe gọi là vi. Không ngã không tạo gọi là ly, có thông có đạt gọi là vi. Ly là niết-bàn, vi là bát-nhã. Bát-nhã nên phát khởi đại dụng, niết-bàn nên tịch diệt vô dư. Vô dư nên phiền não dứt hẳn, đại dụng nên Thánh hóa vô cùng”.

Nếu người chẳng đạt ly vi, tuy khổ hạnh đầu-đà xa lìa trần cảnh, dứt trừ tham sân si, thành tựu pháp nhẫn trải qua vô lượng kiếp số cũng không thể vào chân thật. Vì sao ? Vì bám chấp vào sự tu hành nên tâm có sở đắc, chẳng rời điên đảo mộng tưởng các kiến ác giác. Nếu có người thể hội ly vi, tuy vẫn còn tập khí vọng tưởng và thấy phiền não, luôn luôn giác tri nghĩa ly vi, người này chẳng bao lâu liền vào đạo vô thượng chân thật. Vì sao ? Vì thấu rõ cội gốc chính kiến.

Giải thích: Ly vi là thể dụng của vạn pháp. Ly là thể, trong kinh nói: “Vì tự tính lìa, cũng gọi là tự tính không”. Đây lã vô danh vô tướng phi kiến phi văn, là thể của phàm Thánh, là cội nguồn của chân tục. Kinh Tư Ích nói: “Biết ly gọi là pháp, là thầy của chư Phật, đó gọi là pháp”.

Vi là dụng, có thấy có nghe hay thông hay đạt vì vi là nhiệm mầu. Trong không thấy có thấy, trong không nghe có nghe, đây là pháp bất tư nghì, vi diệu khó biết chỉ có Phật mới hiểu. Kinh Tư Ích nói: “Biết pháp gọi là Phật”.

Ly vi chẳng hai, thể dụng dung hòa gọi là Tăng, đây là nhất thể tam Bảo thường hiện thế gian, có Phật không Phật, tính tướng thường trụ là gốc của chính kiến, là cửa của chân thật. Cho nên Thánh nhân y cứ thể là không, y cứ dụng là có, cái có này chẳng phải có, đem có để nói về không; cái không này chẳng phải không, đem không để nói về có. Có mà chẳng phải có là diệu hữu, không mà chẳng phải không là chân không, cho nên chân không là thể của niết-bàn, như hư không chẳng tạp loạn ngũ sắc, như gương sáng chẳng hòa hợp vạn tượng, nên gọi là ly. Diệu hữu là dụng của bát-nhã, trong pháp bất nhị hiện diệu thần thông, ở trong môn vô tác phát khởi đại Phật sự nên gọi là vi. Thế nên phàm phu chẳng đạt ly vi thường bị nội kết và ngoại trần trói buộc, ngoại đạo liền chấp làm đoạn thường, nhị thừa chứng làm sinh diệt. Nếu chẳng vào trong Tông Cảnh thì khó đạt được diệu chỉ của ly vi.

Hỏi: Vô minh trái lý tự tính sai biệt, việc này tất nhiên; bản giác tịnh pháp tại sao lại nói Hằng sa công đức sai biệt ?

Đáp: Do vì đối trị các nhiễm pháp sai biệt nên thành thỉ giác muôn đức sai biệt. Luận Khởi Tín nói: “Các nhiễm pháp sai biệt đối với nghiệp thức nên nói bản giác Hằng sa tính đức”. Như vậy nhiễm tịnh đều là chân như tùy duyên dường như hiển hiện mà vô thể. Nhiễm pháp còn không thì tịnh pháp làm gì có. Kinh Tịnh Danh nói: “Thấy thật tính của cấu là không có tướng tịnh”. Nói tịnh là đối với cấu được tên. Do khách trần phiền não chẳng nhiễm mà nhiễm làm nhơ uế chân tính gọi là cấu; nhân thỉ giác bát-nhã chẳng tịnh mà tịnh khai ngộ bản tâm gọi là tịnh. Thế nên chân như nhất tâm lặng lẽ bất động, danh nghĩa chỉ là khách, cấu tịnh vốn không. Tổ sư nói: “Tính vốn thanh tịnh, tịnh không tướng tịnh mới thấy tâm mình”. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Nếu có biết Như Lai
Thể tướng không thật có
Tu tập được minh liễu
Người này chóng thành Phật.

Cho nên kinh nói: “Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay thường nhập niết-bàn”. Bồ-đề chẳng phải tướng có thể tu, chẳng phải tướng có thể sinh, rốt ráo vô đắc không có sắc tướng có thể thấy được.

Thấy sắc tướng, phải biết đều là theo nhiễm mà có tác dụng huyễn hóa, chẳng phải là tướng của trí sắc bất không, vì trí tướng bất khả đắc.

Giải thích: Theo nhiễm mà có tác dụng huyễn hóa là pháp không lưu chuyển; tính của nhiễm huyễn tự sai biệt là pháp vô minh. Vì vô minh mê lý bình đẳng cho nên tính nó tự sai biệt. Các pháp không lưu chuyển thuận bình đẳng tính không, luận về tính của nó thì không sai biệt, chỉ tùy theo tướng sai biệt của nhiễm pháp nên nói pháp không lưu chuyển có sai biệt.

Lại nếu có thể quán tâm tính, pháp nhĩ hiển tính khởi công đức, là pháp môn vô tận, chẳng luận sai biệt. Kinh Vô Tận Ý Bồ-tát nói: “Thế nào là Bồ-tát quán tâm niệm xứ (…). Nay ta cần phải tu tập trang nghiêm, chẳng lìa tâm tính. Thế nào là tâm tính ? Thế nào là trang nghiêm ? Tâm tính dường như huyễn hóa, vô chủ, vô tác, không có thi thiết. Trang nghiêm là bố thí để hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ, cho đến dùng nhất niệm trí thành Vô thượng chính đẳng chính giác. Này Xá-lợi-phất, đây gọi là Bồ-tát chính tâm niệm xứ mà chẳng thể tận”.

Giải thích: Tâm tuy tính không mà có thể thành tựu vạn hạnh, thấu tỏ tâm thì đốn viên chính giác, tu tập tâm thì đầy đủ trang nghiêm cho nên nói: “Thể tính tuy không mà hay thành phép tắc”. Lại nói: “Vì có nghĩa không nên tất cả pháp được thành”. Nếu lìa môn chân không này, không có một pháp kiến lập thì hạnh Bồ-tát bỏ phế, Phật đạo chẳng thành, như chẳng nương vào phong luân, thế giới sẽ hư hoại.

Hỏi: Vô thỉ vô minh của tất cả chúng sinh có chủng tử bền chắc, hiện hành sâu dày, làm sao một niệm có thể liền trừ ?

Đáp: Căn tùy kết sử, thể tính vốn không, kẻ ngu chẳng rõ tự sinh trói buộc; nếu rõ tri kiến Phật, khai ngộ bản tâm thì trần cảnh nào có thể chướng ngại ? Kinh Bảo Tích ghi: “Ví như thắp đèn tự nhiên tất cả bóng tối đều mất, không từ đâu đến, không đi về đâu; chẳng phải từ hướng đông đến, cũng chẳng đi về đâu, các hướng nam, tây, bắc, bốn góc, trên dưới chẳng từ kia đến, cũng chẳng đi về đâu, mà ánh sáng của đèn không có ý niệm: “Ta có thể trừ diệt sự tối tăm”, chỉ nhờ ánh sáng của đèn tự nhiên hết tối tăm. Ánh sáng và bóng tối đều không, vô tác, vô thủ. Như thế Ca-diếp, trí tuệ chân thật sinh thì vô trí liền diệt. Trí và vô trí hai tướng đều không, vô tác, vô thủ. Này Ca-diếp, ví như ngôi nhà tối ngàn năm chưa từng có ánh sáng; nếu khi thắp đèn thì thế nào, nó đâu có nghĩ rằng tôi ở nơi đây lâu dài không muốn ra đi chăng ?

– Bạch Thế Tôn, không ạ! Lúc thắp đèn, sự tối tăm này vô lực chẳng muốn ra đi cũng phải diệt mất.

– Đúng như thế Ca-diếp, trăm ngàn vạn kiếp huân tập kết nghiệp, chỉ dùng nhất thật quán liền có thể tiêu diệt.

Ánh sáng của đèn là trí tuệ của Phật, sự tối tăm là các kết nghiệp. Nhất thật quán chính là duy tâm chân như thật quán, lìa ngoài tâm đều thành hư huyễn, nên gọi là cảnh giới nhất thật, cũng gọi là thật tướng, thật địa, thật tế, thật pháp, cho đến gọi là tri kiến Phật, trí tuệ Thánh v.v… Dùng pháp nhất tâm này trị bệnh phiền não, như nóng sốt ra mồ hôi, không cần phương thuốc nào khác. Đạo xuất yếu ngay nơi điểm này. Như luận Đại Trí Độ nói: “Khi ấy Bồ-tát chiếu sáng đạo Bồ-tát, tâm Bồ-tát an ổn tự nghĩ: Tôi chỉ cần dứt trừ chấp trước, tâm đạo tự nhiên đến. Biết việc ấy rồi, nghĩ chúng sinh mê đắm thế gian mà tất cánh không cũng không, vô tính không có trụ xứ, chúng sinh khó thể tin nhận. Vì khiến chúng sinh tin nhận pháp này nên học tất cả pháp, tu hành sinh khởi pháp phương tiện độ chúng sinh, quán chỗ khởi tâm hành của chúng sinh, biết thích pháp gì, nghĩ việc gì, chí nguyện điều gì. Lúc quán đều biết sự vướng mắc của chúng sinh đều là hư dối điên đảo ức tưởng phân biệt nên chấp trước không có gốc rễ thật sự. Khi ấy, Bồ-tát vui mừng nghĩ rằng chúng sinh rất dễ hóa độ. Tại vì sao ? Sự chấp trước của chúng sinh đều hư dối không thật; ví như người kia có một đứa con trai thích vui chơi trong chỗ bất tịnh, lấy đất làm lúa thóc, lấy cây cỏ làm chim thú rồi sinh mê đắm, có người cướp đoạt thì giận dỗi kêu khóc. Người cha biết đứa con này hiện tại tuy dễ mê đắm nhưng cũng sẽ dễ dàng lìa bỏ thì việc lớn nhỏ tự dừng. Vì sao ? Vì vật này chẳng phải thật. Bồ-tát cũng như thế, quán chúng sinh mê đắm thân bất tịnh và năm dục là vô thường, là nhân của các khổ, biết chúng sinh này lúc thành tựu ngũ căn như tín v.v… liền có thể xa lìa. Như đứa trẻ cho vật là thật, tuy sống đến trăm tuổi sự ái trước càng sâu nặng không thể xả bỏ. Nếu chúng sinh chấp vật quyết định thật có, tuy được ngũ căn như tín v.v… sự chấp trước ấy không thể xả bỏ. Vì các pháp đều rỗng không hư dối chẳng thật nên lúc được con mắt trí tuệ thanh tịnh vô lậu liền có thể xa lìa sự chấp trước, tự sinh hổ thẹn, ví như người mắc bệnh điên làm các điều phi pháp, sau đó tỉnh ngộ xấu hổ mất mặt. Bồ-tát biết chúng sinh dễ hóa độ rồi, an trụ trong Bát-nhã dùng sức phương tiện giáo hóa chúng sinh. Thế nên kinh Như Lai Mật Tạng nói: “Nếu người có làm Duyên Giác mà trộm cắp vật của tam Bảo, mẹ làm La-hán mà phỉ báng Phật, nói xấu Thánh hiền, chửi mắng Thánh nhân hoại loạn người cầu pháp là nghiệp sân đầu tiên trong ngũ nghịch, tham lam chiếm đoạt vật của người trì giới, ngu si biên kiến, đây là mười điều ác. Nếu có thể biết Như Lai nói pháp nhân duyên vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng, không sinh diệt, không nhiễm trước bản tính thanh tịnh. Lại đối với tất cả pháp biết bản tính thanh tịnh, hiểu biết tin nhận và thể nhập, ta chẳng nói người này hướng đến địa ngục và các ác đạo. Vì sao ? Vì pháp không tích tụ, pháp không tập não, tất cả pháp chẳng sinh chẳng trụ nhân duyên hòa hợp mà được sinh khởi, khởi rồi lại diệt. Nếu tâm sinh rồi diệt, tất cả kết sử cũng sinh rồi diệt hiểu như thế thì không có chỗ phạm lỗi, nếu có phạm có trụ thì không có việc ấy.

Thiên Thai giáo giải thích: Kinh này nói đủ bốn bồ-đề tâm: Nếu biết Như Lai nói pháp nhân duyên là chỉ cho bồ-đề tâm của Tạng giáo thứ nhất; nếu không sinh không diệt là chỉ cho Bồ-đề tâm của Thông giáo thứ hai; nếu bản tính thanh tịnh là chỉ cho bồ-đề tâm của Biệt giáo thứ ba; nếu đối với tất cả pháp biết bản tính thanh tịnh là chỉ cho bồ-đề tâm của Viên giáo thứ tư. Bồ-đề tâm thứ nhất đã có thể trừ diệt lớp lớp mười điều ác, huống là bồ-đề tâm thứ hai, thứ ba, thứ tư. Hành giả nghe công đức thắng diệu này sẽ tự vui mừng, như chỗ tối tăm y-lan được ánh sáng chiên-đàn. Cho nên biết thấy Phật tội diệt như oan khiên sâu nặng của vua A-xà-thế; đắc đạo nghiệp hết như tội nặng của ngài Ương-quật-ma-la. Chỉ cần rõ vô nhân vô ngã duyên sinh tính không; vô ngã thì không có người chịu tội, tính không thì không có pháp để chịu tội. Nhân pháp đều bặt tội cấu làm sao sinh, vì tâm sinh tội, sinh tâm diệt tội diệt. Nếu có thể như thế thì tín nhập biết như thật viên minh, như rừng y-lan tỏa mùi hương chiên-đàn, như nhà tối được thắp ánh sáng. Nếu có thể tỏ ngộ tâm này công đức vô lượng, vừa vào Tông Cảnh biển nghiệp cạn khô, như gió thổi tan mây, nước sôi rót trên tuyết, như đèn phá trừ sự tối tăm, như lửa đốt củi. Như kinh Mật Nghiêm có bài tụng:

Như lửa cháy dữ dội
Phút chốc thành tro tàn
Lửa trí đốt củi nghiệp
Nên biết cũng như thế.

Lại như ngọn đèn phá trừ tối tăm một niệm đều không sót, các nghiệp huân tập tối tăm từ vô thỉ, ngọn đèn trí tuệ Mâu-ni khởi lên trong sát-na liền tiêu diệt, do đó kinh Đại niết-bàn nói: “Khi có trí tuệ thì không có phiền não”. Cho nên nói muốn tránh khỏi ác nghiệp ba đường cần phải lìa hai tướng hữu vô, chứng biết nhất tâm mới được giải thoát. Đây là biết mê từ tự tâm mê, ngộ từ tự tâm ngộ; mê ngộ vô tính chỉ theo duyên sinh. Luận Hoa Nghiêm hỏi: Tất cả chúng sinh vốn có bất động trí vì sao chẳng phải chân thường, tại sao tùy nhiễm ? Đáp: Tất cả chúng sinh do trí này mà sinh ra ba cõi, vì trí vô tính không thể tự biết là trí phi trí các pháp thiện ác khổ vui. Vì trí thể vô tính chỉ theo duyên hiện, như tiếng vang trong hư không ứng vật thành âm thanh, trí vô tính chỉ ứng duyên phân biệt; vì phân biệt nên si ái sinh khởi; do vì si ái nên bệnh ngã sở sinh; có ngã sở nên tự tha chấp nghiệp liền khởi; do chấp thủ nên gọi là mạt-na, chấp thủ chẳng dứt gọi là thức; do chủng tử thức nên sinh tử tương tục; do sinh tử nên khổ não vô lượng; do khổ não vô lượng nên cầu đạo dứt khổ. Vì mê chẳng biết khổ nên chẳng thể phát tâm; vì biết khổ cầu chân nên trở về bản trí. Gặp duyên khổ nên mới có thể biết khổ, chẳng gặp duyên khổ nên chẳng biết khổ, cho nên biết duyên khổ mới có thể phát tâm cầu đạo vô thượng, có chủng tính Bồ-tát, do vì đời trước đã biết khổ phát lòng tin hiểu mãnh liệt nên dù thọ quả báo sung sướng cõi trời người cũng có thể phát tâm cầu đạo vô thượng. Cho nên nhân trí tùy mê, nhân trí tùy ngộ, như người nhân đất mà ngã thì nhân đất mà đứng lên. Lúc đang theo mê gọi là thức, lúc đang theo ngộ gọi là trí. Tại triền gọi là thức, tại giác gọi là trí. Thức và trí vốn không có tên gọi, chỉ theo mê ngộ mà đặt tên nên không thể chấp thường chấp đoạn. Trí và thức chỉ theo mê ngộ đặt tên, nếu tìm khởi điểm và chung cuộc như tìm dấu vết trong hư không, như tìm người trong ảnh, như tìm ngã trong thân, hoàn toàn không có nơi nương tựa, không có nơi các tướng cũ, mới, dài, ngắn. Như vậy vô minh và trí không có trước sau. Nếu lúc đắc bồ-đề, vô minh chẳng diệt. Vì sao ? Vì vô minh vốn không nên không có diệt. Lúc theo vô minh, bất động trí cũng chẳng diệt, vì vốn không nên không có diệt. Chỉ vì theo sắc, thanh, hương, chấp lấy duyên gọi là vô minh, chỉ vì biết khổ nên phát tâm duyên gọi là trí. Chỉ tùy duyên gọi là có, nên thể vốn không, như tiếng vang trong hư không, suy nghĩ có thể biết. Thế nên nếu vào Tông Cảnh thì ý nghĩa thành Phật viên mãn, lên xuống tùy duyên, biết chúng sinh không phải mãi chìm đắm, Thánh phàm chẳng khác, rõ biết chư Phật đồng một thể.

Hỏi: Trên đã nói pháp môn nhất tâm là pháp quyền thật tự hành, hay là pháp quyền thật hóa tha ?

Đáp: Nếu nói về pháp quyền thật tự hành theo ý mình thì chỉ nói môn nhất tâm; nếu nói về pháp quyền thật hóa tha theo ý người thì triển khai tám vạn pháp. Nay chỉ nói về pháp quyền thật tự hành, gốc ngọn quy về tông. Thiên Thai giáo nói: “Mười giới, mười như được thấy trong tâm Phật đều là tướng vô thượng chỉ là nhất pháp giới, như biển bao gồm các sông, ngàn chiếc xe cùng một dấu vết, đây là pháp quyền thật tự hành. Nếu theo ý người thì có chín giới, mười như, đây là pháp quyền thật hóa tha. Tùy tha thì khai, tùy tự thì hợp. Ngang dọc khắp soi, khai hợp tự tại. Tuy mở ra vô lượng mà chỉ có một, tuy hợp lại thành một mà vô lượng; tuy vô lượng một mà chẳng phải một, chẳng phải vô lượng, tuy chẳng phải một, chẳng phải vô lượng mà một mà vô lượng.

Hỏi: Hai môn quyền thật tự tha này quyết định có trong chính lý chăng ?

Đáp: Chỉ có môn tùy hóa tha không cố định. Kinh nói: “Không có pháp cố định nên gọi là vô thượng bồ-đề”. Nếu chấp một môn đều thành ngoại đạo; hoặc quyết định một tướng tức là ma vương. Thế nên tất cả pháp quyền, tất cả pháp thật, tất cả pháp cũng quyền cũng thật, tất cả pháp chẳng quyền chẳng phải thật. Thiên Thai giáo nói: “Nếu tất cả pháp quyền chỗ nào chẳng phá, những lời dạy của Như Lai còn là quyền, huống chi các vị thầy. Nếu tất cả pháp thật chỗ nào chẳng phá, chỉ một sự thật này là đạo cứu cánh đâu thể có nhiều đạo cứu cánh. Nếu tất cả pháp cũng quyền cũng thật thì chỗ nào chẳng phá, tất cả đều có quyền có thật, không thể chỉ là quyền, chỉ là thật. Nếu tất cả pháp chẳng phải quyền, chẳng phải thật thì chỗ nào chẳng phá, sao có thể miễn cưỡng kiến lập.

Cổ đức nói: “Tức thật mà quyền thì có mà chẳng có; tức quyền mà thật thì không mà chẳng không”.  Nếu cùng ngăn quyền thật thì có không đều phi; nếu cùng chiếu quyền thật thì có không đều thị. Nếu chẳng phải ngăn, chẳng phải chiếu, quyền thật thì thị phi đều phi; nếu cùng chiếu cùng ngăn thì thị phi đều thị. Nếu thị phi đều thị thì trọn ngày phi mà chẳng phi; nếu thị phi đều phi thì trọn ngày thị mà chẳng thị. Nếu thị mà chẳng thị thì chẳng phải là phi của phi phi; nếu phi mà chẳng phi thì chẳng phải là thị của thị thị. Đây là tâm gồm ngọn sắc, sắc thấu nguồn tâm, sắc tâm nhất như thì cái gì phi, cái gì thị ? Cho nên biết ngoài tâm có pháp, thị phi tranh khởi, ngoài pháp không tâm, thủ xả đều mất.

Hỏi: Tông Cảnh Lục thuộc giáo nào ?

Đáp: Chân duy thức tính lý không thiên viên, y cứ vào quan điểm bất đồng, đại lược chia năm giáo:

1- Tiểu thừa giáo: Chỉ nói sáu thức, chẳng biết thức a-lại-da thứ tám.

2- Sơ giáo: nói có thức a-lại-da sinh diệt, chẳng nói có Như Lai tạng.

3- Chung giáo: nói có Như Lai tạng sinh diệt và bất sinh diệt hòa hợp thành thức a-lại-da.

4- Đốn giáo: đều không có thức thứ sáu, thứ bảy, thứ tám. Vì sao ? Vì nhất tâm chân thật từ xưa đến nay không có động niệm, thể dụng không hai, thế nên không có pháp hư vọng để hiển bày.

5- Nhất thừa viên giáo: nói trí viên minh của Phổ Hiền, chẳng nói duy thức thứ lớp. Còn nói: Này Phật tử, ba cõi hư dối chỉ do nhất tâm tạo ra, vì cũng nhiếp nhập.

Tông này thuộc về viên giáo, là pháp môn căn bản do Như Lai nói, vì Như Lai nhờ tâm này mà thành Phật. Tâm này được làm nghĩa căn bản của Như Lai, không một pháp nào chẳng thâu, không một lý nào chẳng đủ, như gương sáng chiếu vật đâu sót, như ấn báu in dấu không có trước sau.

Hỏi: Phàm lập đạo năm thừa đều là vận tải có tâm, nếu cảnh thức đều mất thì không có thừa để nói, nay y cứ vào phương tiện thì lý của các thừa chẳng không, tông này rốt ráo thuộc về thừa nào ?

Đáp: Thuộc về Nhất thừa; cũng gọi là tối thượng thừa, vì vượt qua đỉnh các pháp; cũng gọi là bất tư nghì thừa, vì chẳng phải tình thức suy lường. Nhất thừa chính là nhất tâm, lấy vận tải làm nghĩa. Nếu phan duyên bám lấy cảnh thì chuyển vào cửa sáu đường; nếu vọng tưởng chẳng sinh thì chuyển đến đất nhất thật.

Kinh Lăng Già nói: “Làm sao được nhất thừa đạo giác, nghĩa là giác, sở giác vọng tưởng, chỗ như thật chẳng sinh vọng tưởng gọi là nhất thừa”. Giác ngộ như thế thì rõ sinh tử hư vọng tức niết-bàn; chân thật đốn ngộ nhất tâm thì không chỗ đến nào là chẳng giác, giác ấy gọi là đại giác; chẳng đến mà đến gọi là Như Lai. Do đó tình trần đã trừ thì nhân thừa chính là chân quy; tâm tích chưa mất, Phật thừa còn chưa phải cứu cánh. Vì sao ? Vì có tâm phân biệt, tất cả đều tà; không ý phan duyên, mọi đường tự chính. Thế nên thừa của không thừa là nhất thừa, giáo của không giáo là chân giáo; nhấc chân liền lên bảo sở, dưới lời liền sinh vô sinh. Nếu chưa thể muôn cảnh cùng quán, một pháp đốn ngộ thì giáo khai tám giáo, thừa xuất năm thừa; bảo sở xa xôi đâu chỉ năm trăm; con đường vô sinh diệu vợi đâu chỉ ba tăng-kỳ! Luận về địa vị thì như trời đất sai biệt, xét về công phu thì gấp đôi ngày kiếp; tuy lên Thánh vị nhưng vẫn là người tuyệt phần, dù trải qua nhiều kiếp tu tập chỉ được gọi giả danh. Nếu đạt ý chỉ này vào thẳng không còn hoài nghi, đang khi mê tâm mà thấy ngộ tâm hoàn toàn trở thành đạo giác ngộ, ngay thế trí mà thành chân trí, chẳng mảy may xê dịch, có thể gọi là hư minh tự chiếu, chẳng nhọc tâm lực.

Hỏi: Đã có người thuyết hẳn phải có căn cơ để thuyết, Tông Cảnh Lục đối với căn cơ nào ?

Đáp: Đối với căn cơ thượng thượng. Nếu người đã thông đạt thì nhờ Phật chỉ ấn khả. Nếu người chưa thể nhập phải nhờ giáo lý để phát minh. Nếu người viên thông thì chẳng cần nói nữa, tự giác Thánh trí không nói không dạy, chân như diệu tính không được không nghe. Nếu người ngu muội cần nhờ sự trợ giúp, nhân giáo lý mà soi tâm, ngay lời nói mà thể hội đạo. Nếu rõ tông thì bặt giáo, hiển đạo thì ngôn không, tuyệt đãi chân tâm cảnh trí đều mất. Như vậy nói vào Tông Cảnh thâm đạt huyền môn, chân thật lắng nghe Phật thuyết kinh, đích thân nói diệu chỉ, đây gọi là đắc tính của các pháp, thấu nguồn của nhất tâm.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Ngài A-nan vâng lời Phật từ bi cứu độ dạy bảo, khóc lóc chắp tay bạch Phật: Tuy vâng nghe diệu âm của Phật như vậy, ngộ được chỗ thường trụ viên mãn sẵn có của tâm tính nhưng con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy là con hiện thấy tâm phan duyên mà thỏa mãn chỗ ước mong. Con luống được tâm ấy, chưa dám nhận là tâm tính bản lai; mong Phật thương xót, tuyên lời viên âm, nhổ gốc nghi ngờ của con, đưa con về đạo vô thượng.

Phật bảo A-nan: Bọn ông còn lấy tâm phan duyên mà nghe pháp thì cái pháp nhận được đó cũng chỉ là sở duyên, chứ không phải pháp tính. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay chỉ nữa. Vì sao ? Vì nhận ngón tay chỉ làm mặt trăng, không những bỏ ngón tay lại cũng không phân biệt được sáng và tối. Vì sao ? Vì lấy ngón tay tối làm mặt trăng sáng thì không biết được hai tính sáng tối. Ông cũng như vậy, nếu lấy cái phân biệt pháp âm ta làm tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời cái phân biệt tiếng nói, có tính phân biệt.

Ví như người khách ngủ trọ quán trạm, tạm dừng chân rồi đi, không ở mãi, còn người giữ trạm thì không đi đâu, được gọi là chủ trạm. Tâm cũng như vậy, nếu thật tâm ông thì không đi đâu, làm sao rời âm thanh lại không có tính phân biệt ? Nói như thế, chẳng những đối với tâm phân biệt các âm thanh; cái phân biệt hình dung của ta, rời các sắc tướng, cũng không có tính phân biệt; như vậy cho đến phân biệt đều không, không phải sắc, không phải không, mà bọn Câu-xá-ly lầm là minh đế, thì rời các pháp trần, cũng không có tính phân biệt. Như vậy tâm tính của ông đều có chỗ trả về, lấy gì làm chủ ?”

Giải thích: Ngài A-nan nói: Con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy là con hiện lấy tâm phan duyên để thỏa mãn điều ước mong. Con luống được tâm ấy, chưa dám nhận là tâm tính bản lai, nghĩa là ngài A-nan vẫn cho tâm phan duyên nghe Phật thuyết pháp là chân tâm thường trụ, nắm lấy ý chỉ của Phật. Phật dạy nếu chấp tâm nhân duyên thì chỉ nghe được pháp nhân duyên, vì pháp theo tình biến đổi, cảnh theo tâm sinh. Lại quyết định duyên theo âm thanh Phật là tự tâm, nếu âm thanh thuyết pháp dứt thì tâm phân biệt phải diệt, tâm này như người khách chẳng thể ở mãi cho nên ngày nay phần nhiều mê tự tính bản văn, chỉ theo năng văn sở văn, một bề theo âm thanh của người mà lưu chuyển. Âm thanh này là pháp do duyên sinh chẳng phải thật có. Chỉ nhờ âm thanh mà lập danh tự, do danh tự mà biểu hiện bằng lời nói. Nếu trở về bản văn thì thoát khỏi cảnh thanh trần; cảnh được thoát đã rỗng không, tên năng thoát làm sao lập thì năng thoát sở thoát đều không, vì nghe nhiều nhớ nhiều là biên tế của thức tưởng vốn chẳng thật. Nếu nhờ nghe thấy tính là do học rộng có công trợ giúp hiển bày. Nếu trái tính theo văn thì càng theo văn thành lỗi tà tư. Cho nên ngài Văn-thù có bài tụng:

Nay nơi cõi ta-bà
Âm thanh được tuyên nói
Chúng sinh mê bản văn
Theo tiếng nên lưu chuyển
A-nan dù nhớ giỏi
Chẳng khỏi lạc tà tư
Đâu chẳng bị chìm đắm
Nghịch dòng được không vọng
A-nan nên lắng nghe
Ta nương oai lực Phật
Tuyên nói kim cang vương
Như huyễn bất tư nghì
Phật mẫu chân tam-muội
Ông nghe Phật vi trần
Tất cả môn bí mật
Trước chẳng trừ dục lậu
Theo văn thành lầm lỗi
Đem nghe giữ Phật Phật
Sao chẳng tự nghe nghe
Nghe chẳng tự nhiên sinh
Nhân tiếng có danh tự
Xoay cái nghe trở lại
Liền thoát khỏi âm thanh
Năng thoát là tên gì
Một căn đã về nguồn
Sáu căn thành giải thoát
Thấy nghe như huyễn hóa
Ba cõi như không hoa
Nghe lại căn lòa trừ
Trần dứt giác viên tịnh.

Cho nên biết nếu nhĩ căn quy về bản nguyên, sáu căn đều tịch diệt, vì sáu căn đồng nhất tâm. Vì sao ? Tại mắt gọi là thấy, tại tai gọi là nghe. Lúc nhiếp dụng quy căn thì thấy nghe như huyễn hóa, lúc nhiếp cảnh quy tâm thì ba cõi như hoa đốm. Sự mù lòa diệt trần tiêu, giác viên tâm tịnh. Hiểu như thế mới là nhân ngón tay thấy mặt trăng, nhờ giáo rõ tông. Nếu chấp ngón tay là mặt trăng đây là mê tâm chạy theo văn nghĩa. Như kinh nói: “Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng mất cả ngón tay chỉ nữa”.

Ba thừa mười hai phần giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu có thể thấy mặt trăng biết rõ chỗ nêu bày, nếu nhờ giáo rõ tâm, từ lời nói thấy tính thì biết ngôn giáo như ngón tay, tâm tính như mặt trăng. Người ngộ đạo trọn chẳng mắc kẹt ngôn ngữ, người thật sự thấy mặt trăng không cần chi nữa. Hoặc lúc xem kinh nghe pháp mà chẳng có thể tiêu hóa văn tự để trở về tự kỷ, chỉ chạy theo văn tự, tức là thấy ngón tay cho là mặt trăng, người này đâu chỉ chẳng thấy tự tính mà còn chẳng hiểu văn kinh. Ngón tay và mặt trăng đều lầm, giáo quán cùng mất. Cho nên kinh nói: “Người này không những mất mặt trăng mà còn mất cả ngón tay”. Lại đã mất ngón tay không những chẳng rõ chân vọng của tự tâm mà còn chẳng biết sự biểu hiện phi ngôn ngữ của giáo lý, lầm lẫn điên đảo chẳng biết phương hướng, như trên hư không có loài vật giống như chim nhưng lại tương tự chuột dưới đất, hình dáng và âm thanh không thể xác định là loài nào. Cho nên kinh nói: “Đâu chỉ mất ngón tay mà còn chẳng biết sáng và tối. Vì sao ? Vì cho ngón tay tối là mặt trăng sáng nên chẳng rõ hai tính sáng tối”. Do đó Chứng Đạo Ca nói:

Nhiều năm tôi đã tích học vấn
Cũng từng xem sớ tầm kinh luận
Phân biệt danh tướng chẳng biết dừng
Vào biển đếm cát tự nhọc nhằn
Lại bị Như Lai thêm quở trách
Đếm châu báu người có ích chi
Từ đây thất thế biết tu lầm
Nhiều năm uổng làm khách phong trần
Chủng tính tà vạy hiểu biết sai
Chẳng đạt Như Lai viên đốn giáo
Nhị thừa tinh tiến không đạo tâm
Ngoại đạo thông minh không trí tuệ
Ngu si dốt nát lại ngây ngô
Trên nắm tay không cho là thật
Uổng công chấp ngón tay làm trăng
Trong căn cảnh vọng do dụi mắt
Chẳng thấy một pháp tức Như Lai
Mới được gọi là Quán Tự Tại.

Thế nên nếu tâm chân thật chẳng chạy theo âm thanh của người mà khởi phân biệt, lặng lẽ thường chiếu tính tự liễu trí, như người giữ trạm thì không đi đâu. Làm thế nào lìa sắc lìa thanh không có tính phân biệt, đây cần được ý chỉ; lúc đích thân thấy tính, mới biết lìa các duyên sắc thanh, tính tự thường trụ; chẳng nhờ tiền trần khởi tri kiến thì ngộ biết từ vô thỉ đến nay chấp âm thanh là tính nghe mà sinh điên đảo. Cho nên ngài Văn-thù có bài tụng:

Xoay cái nghe của ông
Trở lại nghe tự tính
Tính thành đạo vô thượng
Viên thông thật như thế.

Nếu chẳng phải sắc, chẳng phải không, đều không phân biệt, người không thấy tính khi đến chỗ này hoàn toàn quy về đoạn diệt bèn giống như ngoại đạo Câu-xá-ly v.v… Con mắt mình chẳng mở lầm cho là Minh đế, cho lặng lẽ tối tăm vô tri là chí cực, từ đây lại lập hai mươi lăm đế, mê tâm chân thật thành ngoại đạo. Hoặc có thiền tông mà chẳng được ý chỉ là người tu học khởi không kiến, phần nhiều bác tâm cảnh đều không, chấp vô phân biệt, cho cuồng giải si manh là chí đạo. Nhưng chẳng phải lìa nhân duyên cầu pháp tính, diệt vọng tâm nắm chân tâm, chẳng thể hùa theo giống như kẻ tăng thượng mạn mới học mà cần phải biện biệt rõ ràng. Như kinh nói: “Lìa các pháp trần không có tính phân biệt thì tâm tính ông đều có chỗ trả về, lấy gì làm chủ ?

Ngài A-nan bạch: Nếu tâm tính của con đều có chỗ trả về thì tâm tính diệu minh của Như Lai nói làm sao lại không có chỗ trả về ? Xin Phật thương xót chỉ bảo cho con.

Phật bảo A-nan: Hãy lấy cái tính thấy của ông thấy ta đây. Tính thấy ấy tuy không phải là tâm tính như mặt trăng thứ hai không phải là mặt trăng. Ông hãy nghe cho chín chắn, nay ta chỉ cho ông cái nghĩa không thể trả về.

A-nan, đại giảng đường này mở rộng phương đông khi mặt trời lên thì sáng, nửa đêm không trăng, mây mù mờ mịt thì lại tối tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông suốt; chỗ có tường nhà thì thấy ngăn bít; chỗ phân biệt được, thấy cảnh sắc duyên; trong chỗ trống rỗng, toàn là hư không; cảnh tượng mù mịt khi bụi nổi lên; mưa tạnh trời thanh lại thấy trong sạch.

A-nan, ông đều xem rõ các tướng biến hóa ấy, nay ta trả các tướng ấy về chỗ bản nhân của nó. Thế nào là bản nhân ? A-nan, trong các tướng biến hóa, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao ? Vì không mặt trời thì không sáng, nguyên nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả cho mặt trời. Cái tối trả về cho trăng tối, thông suốt trả về cho các cửa, ngăn bít trả về cho tường nhà; sắc duyên trả cho phân biệt, rỗng không trả về cho hư không, mù mịt trả về cho bụi, trong sáng trả về cho tạnh, và thế gian có những gì cũng không ra ngoài những loại ấy.

Còn cái tính thấy của ông thấy tám thứ kia thì ông định trả về đâu. Vì sao ? Nếu trả về cho sáng thì lúc không sáng lại không thấy tối, nay tuy các thứ sáng tối có sai khác, cái thấy không có sai khác. Những cái thấy có thể trở về tự nhiên không phải là ông, còn cái không thể trả được thì không phải là ông thì là ai nữa ? Thế mới biết tâm ông vốn là nhiệm mầu trong sạch sáng suốt. Ông tự mê lầm, bỏ mất tính bản nhiên mà chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong bể sống chết, nên Như Lai gọi là đáng thương xót”.

Thế nên biết tất cả chúng sinh hiện tại kiến tinh minh tâm chẳng phải cố định là chân vọng; mê nó thì thô, ngộ nó thì diệu, chỉ cần ở trong tám thứ không trả về thấy tính rõ ràng thường trụ thì làm sao theo cảnh lưu chuyển đánh mất bản chân thường, mãi chìm đắm trong vòng khổ não, thường trôi dạt nơi biển sinh tử, bậc đại Thánh than thở xót thương. Ngài A-nan thị hiện khởi hoài nghi nhờ Phật phá tình chấp, đức Thích-ca chỉ dạy tỉ mỉ, chỉ thẳng nguồn giác, đó gọi là chẳng đổi phàm thân liền thành Thánh thể; ngay nơi sinh diệt chỉ bày chân thường. Tông Cảnh trước sau nói rõ những lời tất cả toàn chứng việc này.

Hòa thượng Mã Tổ ở Giang Tây hỏi Lượng tọa chủ:

– Ông chuyên giảng những kinh luận gì ?

Tọa chủ đáp:

– Giảng 30 bản kinh luận.

Sư nói:

– Lúc ông giảng kinh, lấy cái gì giảng ?

Tọa chủ đáp:

– Dùng tâm để giảng.

Sư nói:

– Tâm như người thợ chính, ý như người thợ phụ đâu thể giảng giải kinh ?

Tọa chủ đáp:

– Chẳng lẽ là hư không giảng ?

Sư đáp:

– Đúng là hư không giảng được!

Khi ấy tọa chủ liền đại ngộ, bước xuống thềm lễ bái, mồ hôi ra như tắm. Sư nói:

– Ông thầy độn căn lễ bái làm gì ?

Tọa chủ trở về chùa bảo đồ chúng:

– Ta một đời tu học, cho rằng thiên hạ không ai địch lại, nay bị lão túc ở chùa Khai Nguyên khạc cho một cái liền hết sạch. Bao lâu nay ta đều lừa dối các ông.

Nói rồi, tọa chủ giải tán đồ chúng, đi vào Tây Sơn không còn tin tức.

Lại có học nhân hỏi hòa thượng Mã Tổ:

– Nước không gân xương hay thắng chiếc thuyền muôn hộc, lý này thế nào ?

Mã Tổ đáp:

– Ta trong ấy không nước, cũng không thuyền nói gì là gân xương ?

Lại có học nhân hỏi hòa thượng Long Đàm:

– Từ lâu nghe danh Long Đàm, nhưng đến đây tại sao chẳng thấy rồng (long) cũng chẳng thấy đầm (đàm).

Sư nói:

– Ông đã đến gần Long Đàm.

Lại như Vương thường thị hỏi hòa thượng Động Sơn:

– Trong 52 vị Bồ-tát, tại sao chẳng thấy Bồ-tát Diệu Giác ?

Sư đáp:

– Thường thị đích thân thấy rồi!

Do đó Trí Giả đại sư một đời hoằng giáo, tuy khai thị rộng rãi nhưng chỉ hiển chính tông. Nay trong Chỉ Quán nói: “Cứu cánh quy về nơi nào ? Đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, lặng lẽ như hư không”. Trong luận Quán Tâm nói: “Vì nghĩ đến một gia môn luống nhiều năm chạy theo khán tâm mà đã lâu không chịu nghiên cứu xét hỏi tâm”. Vì thế chẳng nhiễm pháp bên trong mà lại kẹt văn tự bên ngoài, trộm cắp ghi chú mà bôn tẩu, gánh vác kinh luận mà rong ruỗi, sao chẳng bặt ngữ dẹp văn, phá vỡ một hạt bụi nhỏ đọc quyển kinh đại thiên. Nếu có thể nghe pháp giảng kinh nêu tông hỏi đáp như trên, mới hợp ý Tổ, xứng với tâm Phật. Nếu gặp cơ hội này có thể trở về Tông Cảnh.