TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 98

+ Hòa thượng Chí Công có bài kệ:

Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng
Ẩn hiển linh tung hiện chân tướng
Độc hành độc tọa thường vòi vọi
Trăm ức hóa thân vô số lượng
Cho dù đầy lấp cả hư không
Khi nhìn chẳng thấy tướng hạt bụi
Buồn cười vật rỗng không so sánh
Miệng nhả minh châu chiếu sáng ngời
Bình thường thấy nói bất tư nghì
Một lời nêu tông ngay đó ngộ.

+ Bàng cư sĩ có bài tụng:

Muôn pháp từ tâm khởi
Tâm sinh muôn pháp sinh
Sinh sinh chẳng biết có
Đến đi uổng vận hành
Nhắn cùng người tu đạo
Không sinh có chẳng sinh
Nếu thông đạt lý này
Bất động thoát hầm sâu.

+ Hàn Sơn có bài thơ:

Nam nhi đại trượng phu
Hành sự chớ lỗ mãng
Tâm sắt đá thẳng tắt
Hướng thẳng nẻo bồ-đề
Chẳng cần đi đường tà
Tu hành hẳn cay đắng
Không nên cầu quả Phật
Biết tâm vương là chủ.

+ Hòa thượng Lại Toàn có bài ca:

Chớ dối cầu chân Phật
Chân Phật chẳng thể thấy
Diệu tính và linh đài
Đâu từng chịu huân tập
Tâm là tâm vô sự
Mặt là mặt mẹ sinh
Kiếp thạch có thể dời
Trong ấy không biển đổi.

Lại nói: Ta có một lời bặt lự dứt duyên, không thể nói năng chỉ dùng tâm truyền; lại có một lời không gì qua sự thẳng thắn, nhỏ như mảy lông, lớn không phương sở, vốn tự sẵn có, chẳng nhọc công lao.

+ Hòa thượng Đằng Đằng có bài ca:

Tu đạo, đạo không thể tu
Hỏi pháp, pháp không thể hỏi
Người mê chẳng ngộ sắc không
Người đạt vốn không nghịch thuận
Tám muôn bốn ngàn pháp môn
Chí lý chẳng qua tấm lòng
Phiền não chính là bồ-đề
Hoa sạch mọc từ bùn nhơ
Biết lấy thành ấp của mình
Chớ lầm dạo nhà người khác.

+ Cao tăng Thích Pháp Hỷ lúc sắp đi bảo đại chúng: “Ba cõi hư vọng, chỉ là nhất tâm” Nói xong liền thị tịch.

+ Cao tăng Thích Linh Nhuận nói: “Bỏ ngoại trần tà chấp được ý ngôn phân biệt, bỏ tưởng duy thức được chân pháp giới. Trước quán vô tướng để bỏ tướng ngoại trần, sau quán vô sinh đề bỏ tưởng duy thức”. Sư thường cùng bạn đạo lên núi đạo cảnh, bất chợt lửa rừng vây phủ làm mọi người chạy tứ tán, riêng sư vẫn đi an nhiên, ngước lên bảo mọi người: “Ngoài tâm không có lửa, lửa thật sự trong tự tâm, nghĩa là lửa có thể né tránh, chớ mình không thể tránh lửa”. Khi lửa cháy đến chỗ sư tự nhiên tắt ngúm.

+ Cao tăng Thích Pháp Không vào Đài Sơn ở ẩn, thường có âm thanh trong trẻo mời gọi: “Chẳng phải chỉ có thiền định không tịch”. Từ đây về sau Pháp Không biết là cảnh giới tự tâm, đem pháp dẹp trừ liền được an tĩnh. Ban đầu dùng thiền để tu là vì đối trị chướng ngại, bèn học đại thừa ly tướng, đem sở học này chỉ dạy người, lấy pháp làm bạn thân.

+ Cao tăng Thích Tĩnh Mại lâm chung nói: “Tâm chẳng phải ngoài đạo, nên thực hành trước khi nói”. Nói xong sư ngồi thị tịch.

+ Cao tăng Thích Thông Đạt nhân lấy khúc gỗ đập khối đất, đất vỡ hình tan sư liền đại ngộ.

+ Cao tăng Thích Chuyển Minh mỗi khi học hỏi thường dùng một pháp duy tâm bình đẳng dốc lòng tín phụng.

+ Cao tăng Thích Đạo Anh vào trong nước, nằm trên tuyết mà không biết lạnh, như vậy tùy việc dùng pháp đối trị, tự tại chẳng quản khó khổ, do thông suốt ý chỉ duy thức, thấu suốt nội tâm, sự vật bên ngoài đâu thể chướng ngại. Sư đang giảng luận Khởi Tín đến chỗ tâm chân như môn bỗng nhiên nhập định.

+ Cao tăng Thích Đạo Thế nói: “Siêng năng dũng mãnh sám hối tuy biết nương vào lý nhưng cần phải biết tâm vọng động xa lìa tiền cảnh. Kinh nói: “Ví như ngàn cân bông vải không bằng một lượng vàng, dụ cho tâm năng quán mạnh thì diệt tội mạnh”.

+ Thiền sư Phục Đà nói: “Nhờ giáo rõ tông, tin sâu chúng sinh đồng một chân tính phàm Thánh một đường, kiên trụ chẳng dời chẳng nghe theo lời người khác, ngầm hợp với đạo lặng lẽ vô vi gọi là lý nhập”.

+ Cao tăng Thích Trí Thông nói: “Nếu người tiếp cận đại thừa tu chính quán xét bản tế của vi trần, suy sơ nguyên của nhất niệm thì rừng rậm có thể truyền âm vô thường, chim thú nói pháp thậm thâm, mười phương tịnh độ chưa chắc hơn cõi này”.

+ Cao tăng Thích Đàm Toại thường nói: “Ba cõi hư vọng chỉ là nhất tâm, chạy theo ngoại cảnh, chưa ngộ khó dứt”.

+ Hòa thượng Giải Thoát y cứ kinh Hoa Nghiêm tu quán Phật quang, vào đêm trăng sáng chợt thấy hóa Phật nói kệ:

Pháp chư Phật thậm thâm bí mật
Nhiều kiếp tu hành nay mới được
Nếu người khai ngộ pháp môn này
Tất cả chư Phật đều tùy hỷ.

Hòa thượng Giải Thoát liền lễ bái hỏi:

– Pháp môn này làm thế nào khai thị cho người ? Hóa Phật biến mất, trong hư không có tiếng đáp bằng bài kệ:

Trí phương tiện là đèn
Soi thấy cảnh giới tâm
Muốn biết pháp chân thật
Thấy tất cả không chấp.

+ Hòa thượng Thái Nguyên nói: “Người muốn phát tâm nhập đạo, trước phải biết bản tâm của mình, nếu chẳng biết bản tâm như chó đuổi theo hòn đá, chẳng phải là sư tử chúa. Bậc thiện tri thức chỉ thẳng tâm cho rằng nói năng là tâm ông, thì cử động thi vi là ai ? Ngoại trừ đây ra không riêng có tâm. Nếu nói riêng có tâm thì như ông Diễn-nhã đi tìm đầu của mình”.

Kinh nói: “Tín tâm thanh tịnh liền sinh thật tướng”. Lại nói: “Vô y là mẹ Phật, Phật từ nơi vô xứ sinh”.

+ Hòa thượng Thiên Hoàng nói: “Thân tâm hiện tại chính là tính, thân tâm bất khả đắc là ba cõi bất khả đắc, cho đến hữu tính, vô tính đều bất khả đắc; không Phật, không chúng sinh, không thầy, không đệ tử, tâm không, ba cõi tất cả đều không. Nói tóm lại, ba cõi trong ngoài, dưới đến côn trùng mối kiến thảy đều ở trong một hạt bụi, kia đây đều bình đẳng, mỗi mỗi đều như thế, chẳng phương hại nhau. Tất cả các pháp môn chỉ nói thấy tính không nỏi việc gì khác”.

+ Hòa thượng Hưng Thiện nói: “Từ trước đến nay chư Phật truyền nhau pháp nhất tâm đem tâm ấn tâm chẳng truyền pháp khác. Sơ Tổ nói thẳng với một lời như rồng phun nước đầy ao, ao ngập đến sông, rồi đến biển lớn. Rồng là cội nguồn của nước. Vì biết từ nay về sau người học đạo truyền nhau pháp nhất tâm đều là nói giản yếu. Lúc đang gọi tâm thì không được tìm Phật, lúc đang là Phật thì không được tìm tâm. Thế nên nếu người tin tự tâm là Phật thì những lời người này nói là đang chuyển pháp luân. Trái lại, người chẳng tin tự tâm là Phật thì những lời nói của người này hủy báng phương đẳng đại thừa. Do đó kinh nói: “Ngoài tâm tính được bồ-đề như ép cát tìm dầu”.

+ Thiền sư Ngu hỏi: Kinh Niết-bàn nói: “Chúng sinh tức Phật tính, Phật tính tức chúng sinh”, chỉ vì thời tiết khác biệt nên có tịnh và bất tịnh, chẳng biết vô tính có phải là chúng sinh chăng ?

Đáp: Kinh nói: “Ngài Văn-thù hỏi thiếu nữ tên Kim Sắc: Thân cô có năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới chăng ? Kim sắc đáp: Thân tôi có năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới”.

Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả đất nước gió lửa là thân ta. Lại y báo, chính báo nương nhau kiến lập”.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp vô tướng là chân thể của Phật”.

Kinh nói: “Nểu chấp tâm linh trí là thường, sắc là hư hoại vô thường, đây là kiến chấp đoạn thường của ngoại đạo”.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Chúng sinh giới là Phật giới, Phật giới là pháp giới”; ngoài pháp giới không có pháp khác, cho đến muôn pháp tuy sai khác nhưng thể nó luôn đồng. Nếu chẳng mê chỗ đồng, thể dụng thường không có hai; ý chỉ không hai là điểm cốt yếu của sự xuất thế, một niệm tương ưng chẳng ngăn phàm thành Thánh”.

+ Thiền sư Ngọa Luân nói: “Rõ biết tâm tính lặng lẽ như hư không, xưa nay chẳng sinh cũng chẳng diệt, cần gì nắm lấy! Chỉ cần biết tâm khởi liền phải hướng nội phản chiêu tâm nguyên không có cội rễ tức là không có chỗ sinh; vì không có chỗ sinh nên tâm liền tịch tịnh vô tướng vô vi”.

+ Hòa thượng Nam Tuyền nói: “Đức Phật Nhiên Đăng nói rõ nếu nghĩ rằng tâm tưởng sinh ra các pháp, hư dối tập hợp đều chẳng thật. Vì sao ? Vì tâm còn không có thì nơi nào sinh ra ? Nếu chấp lấy các pháp như phân biệt hư không thì như người đem âm thanh đặt trong rương, cũng như thổi vào lưới mà muốn căng đầy hơi”.

Lại nói: “Hiện tại chỉ cần lĩnh hội lý nhất như liền tu hành”.

Lại nói: “Chỉ cần thể hội từ vô lượng kiếp đến nay thể tính chẳng biến đổi tức là tu hành”.

+ Hòa thượng Vô Nghiệp ở Phần Châu hỏi Mã Tổ:

– Chí lý ba thừa con hiểu biết chút ít, thường nghe thiền sư nói “tức tâm là Phật”, thật chưa hiểu thấu, mong ngài chỉ dạy.

– Cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác. Lúc chẳng rõ là mê, lúc rõ là ngộ. Như bàn tay làm thành nắm tay, nắm tay là bàn tay.

Sư lại hỏi:

– Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Độ sang ?

Mã Tổ nói:

– Đại đức đang ồn! Hãy đi, khi khác đến.

Sư vừa bước đi, Mã Tồ gọi:

– Đại đức!

Sư xoay đầu lại, Tổ nói:

– Là cái gì ?

Sư liền khoát nhiên đại ngộ.

Sư dạy chúng: “Tổ sư đến cõi này thấy chúng sinh ở đây có căn tính đại thừa nên chỉ truyền tâm ấn độ những người còn mê tình. Những người đắc đạo chẳng luận phàm Thánh ngu trí, nhiều rỗng chẳng bằng ít thật, bậc đại trượng phu ngay đó ngưng dứt, bặt hết muôn duyên, cắt dòng sinh tử, ra khỏi lối cũ, linh quang độc chiếu, vật loại chẳng ràng buộc, sừng sững vòi vọi ba cõi riêng bước, đâu cần phải thân cao một trượng sáu, hào quang rực rỡ, tướng lưỡi rộng dài. Nếu đem sắc thấy ta người này hành đạo tà. Giả sử có quyến thuộc trang nghiêm chẳng cầu mà tự đến, núi sông đất liền chẳng ngại nhãn quang, một nghe ngàn ngộ được đại tổng trì”.

Lúc lâm chung sư bảo đại chúng: Tính kiến văn trí giác của các ông cùng với hư không đồng tuổi, như kim cương chẳng thể phá hoại, tất cả các pháp như bóng như vang, không có thật. Kinh nói: “Chỉ có một sự thật này, hai thứ là chẳng phải chân thật”. Nói xong sư an nhiên thị tịch.

+ Đại sư Chân Giác nói: Tâm tính linh thông, cội nguồn động tĩnh không hai, chân như tuyệt lự, ý niệm duyên chấp chẳng khác biệt, phiền não kiến chấp lăng xăng xét tận cùng thì chỉ là nhất tịch; linh nguyên không tướng trạng soi rõ thì thiên sai. Thiên sai chẳng đồng có tên pháp nhãn; nhất tịch chẳng khác có tên tuệ nhãn; lý lượng cùng tiêu, đầy đủ công đức Phật nhãn. Thế nên tam đế nhất cảnh, lý pháp thân hằng thanh tịnh; tam trí nhất tâm, ánh sáng bát-nhã thường chiếu. Cảnh trí ngầm hợp, tương ưng giải thoát; tùy cơ chẳng ngang dọc, huyền hội đạo viên y, cho nên biết diệu tính của ba đức rõ ràng không trái, nhất tâm sâu rộng khó nghĩ bàn, làm sao xuất yếu mà chẳng phải con đường. Thế nên tức tâm là đạo, đây gọi là tìm dòng mà được nguồn.

+ Hòa thượng Thần Tú nói: “Tất cả vô tình vì tâm này đồng hiển hiện, vì nhiễm tịnh tùy tâm có chuyển biến, vì không có tính khác nên phải nương vào duyên, nghĩa là pháp duyên sinh đều không có tự tính. Không và hữu chẳng ở chung, tức là lúc hữu tình đang có thì vô tình hẳn không có vì tha là tự, vì sao ? Tự tạo tác vì tha vô tính nên hữu tình tu chứng là vô tình tu chứng. Kinh nói: “Thân ấy trùm khắp đồng pháp giới”; đã đồng pháp giới thì vô tình môn không toàn là Phật. Lại lúc vô tình đang có thì hữu tình hẳn là không có, vì tự là tha. Vì sao ? Tha tạo tác vì tự vô tính nên vô tình vô tu vô chứng là hữu tình vô tu vô chứng. Lúc Thiện Tài thấy lầu các trùm khắp pháp giới thì hữu tình môn không toàn là một lầu các. Kinh nói: “Chúng sinh chẳng lìa tất cả cõi nước, cõi nước chẳng lìa lất cả chúng sinh”. Tuy nói hữu vô đồng thời nhưng phân tướng vẫn còn”.

+ Luận Dung Tâm của Mệnh đại sư đời Tùy nói: “Viên cơ đối giáo, không giáo nào chẳng viên; lý tâm xem sự, không sự nào chẳng lý. Không sự nào chẳng phải lý thì loạn nào mà chẳng định, không loạn nào mà chẳng phải định thì định loạn đều mất; không sự nào chẳng phải lý nên sự lý cùng bặt. Cho đến tuy lìa nhị biên nhưng chẳng có biên để lìa; nói bặt tứ cú nhưng kỳ thực không có cú để bặt. Chỗ này u huyền, dung tâm mới có thể lĩnh hội. Nếu đem tâm dung tâm thì chẳng phải dung tâm, tâm thường như thật thì làm sao dung, thật sự chẳng lập tâm là nói dung tâm”.

+ Bài tụng về tâm cảnh của thiền sư Trí Đạt:

Cảnh lập, tâm liền có
Tâm không, cảnh chẳng sinh
Nếu đem tâm buộc cảnh
Tâm cảnh đều mù mờ
Cảnh tâm riêng tự trụ
Tâm cảnh tính hằng thanh
Ngộ cảnh tâm chẳng khởi
Mê tâm cảnh cùng đi
Nếu mê tâm tác cảnh
Tâm cảnh loạn dọc ngang
Ngộ cảnh tâm vốn tịnh
Biết tâm cảnh vốn thanh.
Biết tâm không cảnh tính,
Rõ cảnh tâm vô hình;
Cảnh hư tâm tịch tịch,
Tâm chiếu cảnh lặng lẽ.

+ Hòa thượng Cam Tuyền nói: “Người muốn phát tâm vào đạo, trước phải biết bản tâm của chính mình. Tâm là gốc của vạn pháp chúng sinh, là tông của mười hai bộ loại kinh của Phật Tổ ba đời. Tuy là quán nhưng chẳng thấy hình tướng của nó, có cái dụng tạo tác tự tại vô ngại thông đạt rõ ràng không sai khác. Nếu chưa biết rõ tâm thì nên lấy niềm tin làm đầu. Tin cái gì ? Tin tâm là Phật. Vô thỉ vô minh luân hồi sinh tử, thọ lãnh các hình tướng trong bốn loài sáu đường, chỉ vì chẳng dám nhận tự tâm là Phật. Nếu có thể rõ biết tự tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, cho đến cử động thi vi là ai, ngoài tâm này không có tâm nào khác. Nếu nói riêng có tâm khác thì ông chính là Diễn-nhã-đạt-đa đem đầu đi tìm đầu, cũng như thế. Thiên kinh vạn luận chỉ do chẳng rõ tự tâm. Nếu rõ tự tâm xưa nay là Phật, tất cả chỉ là giả danh, huống chi là ba cõi thì gương sáng có thể soi mặt, đại thừa có thể ấn tâm”.

Lại nói: “Cầu kinh tim Phật chẳng bằng đem lý khám phá tâm. Nếu khám phá được tự tâm vốn tự thanh tịnh, chẳng cần mài giũa, chẳng nhờ kinh điển làm sao biết được ? Kinh nói: “Tu-đa-la giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu đã thấy mặt trăng, biết rõ chỗ chỉ, nếu có thể hiểu như thế là một niệm tương ưng gọi là Phật.

+ Đại sư Phổ Ngạn nói: “Đại đạo bao la chỉ là một chân tâm, thiện ác chớ nghĩ; tinh thần sáng suốt sự vật biểu hiện lại còn lo gì ?”

+ Hòa thượng Qui Sơn nói: “Các pháp trong ngoài đều biết chẳng thật, từ tâm hóa sinh đều là giả danh, hồn nhiên để mặc pháp tính chu lưu chẳng dứt chẳng nối”.

+ Hòa thượng Lâm Tế nói: “Hiện tại các ông cùng với cổ Phật nào khác, vậy thì thiếu thốn cái gì ? Sáu đạo thần quang chưa từng gián cách. Nếu được như thế, chỉ một đời làm người vô sự. Các ông muốn chẳng khác chư Phật chỉ cần đừng tìm kiếm bên ngoài. Một niệm thanh tịnh sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật pháp thân của ông; một niệm vô phân biệt sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật báo thân của ông; một niệm sai biệt sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật hóa thân của ông. Ba thứ thân này là người hiện nay ở trước mắt nghe pháp. Ba thân này là danh ngôn, biết rõ là quang ảnh (bóng sáng).

Đại đức nên biết người đùa với bóng sáng là cội nguồn của chư Phật, là chỗ về nhà của tất cả đạo lưu. Bốn đại, sáu căn và hư không chẳng biết nghe pháp và thuyết pháp. Là vật gì riêng sáng hiện bày rõ ràng, chẳng có hình tướng mà biết thuyết pháp, nghe pháp. Do đó ta nói với ông, trong thân ngũ ấm có chân nhân không địa vị, hiển lộ rõ ràng, không mảy may gián cách, sao ông chẳng chịu nhận biết!

Đại đức, tâm pháp vô hình thông suốt mười phương, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, vốn là một tinh minh phân làm sáu hòa hợp. Nếu tâm chẳng sinh, tùy chỗ giải thoát”.

+ Hòa thượng Quán Khê có bài kệ:

Trong núi ngũ ấm có Phật đường
Tỳ-lô sáng tối phóng viên quang
Trong ấy nếu rõ phi đồng dị
Đó là Hoa Nghiêm khắp mười phương.

+ Hòa thượng Thạch Đầu nói: “Tâm thể của ông lìa đoạn, lìa thường, tính chẳng nhơ sạch, trạm nhiên viên mãn, phàm Thánh bình đẳng, ứng dụng vô phương, ba cõi sáu đường chỉ do tâm hiện; trăng đáy nươc, bóng trong gương có sinh diệt chăng ? Ông có thể biết rõ thì không chỗ nào chẳng đủ. Chư Phật giáng thần lập ra mô phạm nói nhiều lời phù phiếm, vì muốn hiển bày pháp thân vốn tịch khiến trở về cội nguồn”.

+ Hòa thượng Hoàng Bá nói: “Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang chỉ truyền pháp nhất tâm, chỉ thẳng tất cả chúng sinh tâm xưa nay là Phật, chẳng nhờ tu hành; chỉ cần hiện tại nhận biết tự tâm, thấy tự bản tính, chớ riêng cầu pháp. Làm sao biết tự tâm tức như ? Nay sự nói năng là tâm của ông, nếu chẳng nói năng lại chẳng tác dụng, tâm thể giống như hư không thực ra không có tướng mạo, cũng không có phương sở, cũng chẳng hoàn toàn là không, chỉ là có mà chẳng thấy”.

Lại nói: “Chỉ ngộ nhất tâm không có chút pháp để được. Đó là chân Phật, Phật cùng chúng sinh nhất tâm không khác biệt, chẳng bằng ngay dưới lời nói nhận lấy bản pháp. Pháp này là tâm, ngoài tâm không pháp; tâm này là pháp, ngoài pháp không tâm”.

+ Hòa thượng Đan Hà nói: “Các ông giữ gìn một vật linh thiêng mà các ông chẳng tạo tác được, chẳng đặt tên được. Ta ở nơi đây không Phật, không niết-bàn, cũng không có đạo để tu, không có pháp để chứng, đạo chẳng thuộc về hữu vô, còn tu pháp gì ? Chỉ có ánh sáng này ở mọi nơi, đây là đại đạo”.

+ Hòa thượng Thủy Lạo nói: “Nếu nói mười phương chư Phật thu vào trong một pháp, trăm nghìn diệu môn ở trên đầu lông, nghìn Thánh như nhau nhất định không khác biệt, chiếu khắp mười phương như gương sáng. Tâm địa nếu sáng, tất cả mọi việc thảy đều thấy rõ. Từ trước đến nay đem tâm truyền tâm, bản tâm chính là pháp”.

+ Hòa thượng Ngưỡng Sơn nói: “Đốn ngộ tự tâm không hình tướng như hư không, gá căn phát minh là bản tâm đầy đủ Hằng sa diệu dụng, không riêng hộ trì, không riêng an lập, tức bản địa, tức bản độ”.

+ Hòa thượng Đại Điên nói: “Trước kia lão tăng tham kiến hòa thượng Thạch Đầu, sư hỏi:

– Cái gì là tâm của ngươi ?

– Nói năng là tâm của con.

Liền bị sư nạt đuổi ra. Qua ngày sau, lão tăng lại hỏi:

– Trước đó đã chẳng phải, ngoại trừ cái này, gì là tâm ?

Sư bảo:

– Ngoại trừ việc nhướng mày chớp mắt, hãy đem tâm lại!

– Không tâm có thể đem lại.

– Ông vốn có tâm, sao nói không tâm ? Nói không tâm là phỉ báng ta.

Ngay câu nói ấy, lão tăng đại ngộ, liền nói:

– Ngài đã bảo con trừ nhướng mày chớp mắt hòa thượng cũng nên trừ bỏ.

– Ta đã trừ xong.

– Con trình hòa thượng rồi.

– Ngươi đã đem trình, tâm ta thế nào ?

– Chẳng khác hòa thượng.

– Chẳng liên can đến ngươi.

– Vốn không vật.

– Ngươi cũng không vật.

– Đã không vật tức vật thật.

Sư nói:

– Vật thật chẳng thể được. Tâm ngươi hiện lượng ý chỉ như thế, phải khéo hộ trì”.

+ Bài kệ của hòa thượng Tam Bình:

Thấy nghe này chẳng phải thấy nghe
Không có thanh sắc để trình anh
Trong ấy nếu rõ toàn vô sự
Thể dụng chẳng ngại phân, chẳng phân.

Lại có bài kệ:

Thấy nghe hiểu biết chẳng phải nhân
Đương thể hư huy ền bặt vọng chân
Kiến tướng chẳng sinh, nghiệp si ái
Thấu suốt toàn là Thích-ca thân.

+ Hòa thượng An Quốc nói: “Kinh ghi: “Ưng vô sơ trụ nhi sinh kỳ tâm”. Vô sở trụ là chẳng trụ sắc, thanh, mê, ngộ, thể, dụng. Nhi sinh kỳ tâm tức là hiển nhất tâm khắp nơi. Nếu trụ thiện sinh tâm thì thiện hiện, nếu trụ ác sinh tâm thì ác hiện, bản tâm liền ẩn mất. Nếu vô sở trụ thì mười phương thế giới chỉ là nhất tâm, tín biết gió phướn chẳng động mà là tâm động.

Có đàn-việt hỏi: Hòa thượng là Nam tông hay là Bắc tông ?

Đáp: Ta chẳng phải Nam tông hay Bắc tông. Tâm là tông.

Lại hỏi: Hòa thượng từng xem giáo chăng ?

Đáp: Ta chẳng từng xem giáo. Nếu biết tâm thì đã xem tất cả giáo.

Học nhân hỏi: Thế nào là biết tâm thấy tính ?

Đáp: Như ban đêm nằm mộng thấy chuyện lành dữ, nếu biết thân nằm ngủ an lành trên giường hoàn toàn không mừng lo, tức là biết tâm thấy tính. Hiện nay có người nghe nói thành Phật thì vui mừng; còn nghe nói đọa địa ngục thì lo buồn, chẳng biết Phật tâm ngủ an lành trên giường bồ-đề, vọng sinh mừng lo”.

+ Hòa thượng Qui Tông nói: “Tức tâm là Phật, triệt để chỉ có tính, núi sông đất liền là do một pháp ấn định, là đại thần chú chân thật chẳng hư dối, là cội nguồn của chư Phật, là căn cốt của bồ-đề. Phật là gì ? Là ngay dưới lời nói hiện tại, lại không người nào khác. Kinh nói: “Ví như một màu sắc mà tùy theo cái thấy của chúng sinh có nhiều tên gọi, tất cả pháp chỉ là một pháp tùy chỗ được tên”.

+ Hòa thượng Đại Bi nói: “Có thể biết tự tâm tính hàm chứa muôn pháp, trọn chẳng riêng cầu, niệm niệm công phu vào nơi thật tướng. Nếu không thấy nghĩa này mà cần khổ nhiều kiếp cũng không ích gì!”

+ Hòa thượng Thảo Đường nói: “Lưới Đế Thích chưa giăng làm sao thấy được nghìn hạt ngọc, mối giềng vừa nhấc thì muôn mắt lưới mở toang. Tâm Phật cùng chiếu là quán, tâm Phật cùng bặt là chỉ. Định tuệ đầy đủ thì tâm nào chẳng phải Phật, Phật nào chẳng phải tâm. Tâm Phật đã vậy thì muôn cảnh muôn duyên đều là tam-muội.

+ Hòa thượng Bá Trượng Hoài Hải nhân vạch trong lò lửa đưa chút lửa lên chỉ cho Qui Sơn Linh Hựu, do đây Qui Sơn đốn ngộ. Bách Trượng bảo:

– Đây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói: “Muốn thấy Phật tính nên xem thời tiết nhân duyên”; thời tiết đã đến như mê chợt ngộ, như quên bỗng nhớ, mới biết đường xưa, vật của mình chẳng từ người khác được. Cho nên Tổ sư nói: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp”. Chỉ là không tâm hư vọng phàm Thánh, xưa nay tâm pháp vốn tự đầy đủ. Nay ngươi đã vậy, tự khéo giữ gìn.

Lại Quãng Ngữ hỏi:

– Thấy chăng ?

– Thấy!

– Thấy như thế nào ?

– Thấy không hai.

– Đã nói không hai thì chẳng nên đem cái thấy để thấy nơi cái thấy. Nếu cái thấy lại thấy thì là trước thấy hay là sau thấy ? Kinh nói: “Lúc đem cái thấy đó thấy thì cái thấy ấy chẳng phải là tính thấy”, cho nên nói chẳng chấp thấy pháp, nghe pháp, biết pháp thì chóng được chư Phật thọ ký.

Lại nói: “Tự tâm là Phật, chiếu dụng thuộc bồ-đề; tự tâm là chủ, chiếu dụng thuộc khách. Như nói nước soi chiếu muôn loài để hiển công dụng. Nếu tịch chiếu chẳng còn, huyền chỉ xưa nay tự nhiên thấu suốt như nói tinh thần hư vô sáng tỏ chân lý, chân lý thường tồn”.

Lại nói: “Hiện nay muốn được tức thì ngộ giải chỉ cần nhân pháp đều bặt, đều tuyệt, đều không”.

+ Hòa thượng Bàn Sơn nói: “Đại đạo không khoảng giữa còn gì trước sau, hư không bao la dứt bặt dấu vết cần gì đo lường. Hư không đã như vậy, đạo làm sao nói được ? Vầng trăng tâm riêng tròn sáng bao trùm vạn tượng. Ánh sáng chẳng soi chiếu cảnh, cảnh cũng chẳng còn. Ánh sáng và cảnh đều mất lại là vật gì ? Ví như múa kiếm trong hư không chớ nói là chạm đến hay chẳng chạm đến, vì đây là hư không chẳng có dấu vết, kiếm bén chẳng sứt mẻ. Nếu có thể tâm tâm vô tri như thế thì toàn người là Phật, toàn Phật là người. Người Phật không khác mới là đại đạo”.

+ Hòa thượng Đại Mai ban đầu hỏi Mã Tổ:

– Thế nào là Phật ?

– Tâm ông là Phật.

– Thế nào là pháp ?

– Tâm ông là pháp.

– Tổ không có ý chăng ?

– Ông chỉ cần nhận biết tự tâm thì không pháp nào chẳng đủ.

Về sau sư trụ Mai sơn dạy chúng: Các ông cần phải tự minh tâm đạt bản, chẳng nên chạy theo ngọn. Chỉ cần được gốc thì ngọn tự đến. Các ông muốn được gốc thì chỉ cần biết tâm của mình. Tâm này vốn là cội rễ của tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, tâm này chẳng nương vào tất cả thiện ác mà sinh, liền biết muôn pháp vốn tự như như.

Khi ấy có học nhân hỏi:

– Ngoài tâm không riêng có pháp chăng ?

– Chư Phật là tâm của ông sinh. Tâm là gốc của muôn pháp, làm sao riêng có pháp vượt hơn tâm ?

Giải thích: Như Lục Tổ nói: “Thiện ác đều chớ suy lường, tự nhiên được vào tâm thể, trạm nhiên thường tịch diệu dụng Hằng sa”. Vì chư Phật là bờ mé cực thiện, chúng sinh là bờ mé cực ác, bởi thiện ác thu gồm tất cả pháp, cho nên nói “nếu chẳng suy lường hoàn toàn quy về tâm thể”. Chỉ cần có một chút pháp đều là tâm suy nghĩ sinh. Như Hàn Sơn có bài tụng:

Muôn cơ đều bặt dấu
Mới thấy người xưa nay.

Một chữ dứt bặt chưa hẳn cần dứt bặt, vì ngoài tâm vốn không có một pháp. Chỗ thấy duy tâm như hang vắng vọng lại tiếng của mình, gương sáng soi bóng của mình. Chỉ vì chúng sinh chẳng thấu đạt, như hoa đốm hư không khởi diệt dệt nên vô biên vọng tưởng, tợ sóng nắng nhảy múa; chẳng trở về cội nguồn nhất tâm nên khiến cho dứt tuyệt. Nếu vào tâm thể, tuy nói trạm nhiên mà chẳng rơi vào đoạn diệt, tự nhiên từ thể khởi dụng đầy khắp Hằng sa.

Hòa thượng Đại Mai lại nói: “Pháp môn nhất tâm, diệu lý chân như này chẳng tăng chẳng giảm, các thứ phương tiện khéo hay ứng dụng. Nên biết tính này xưa nay đầy đủ chẳng sinh chẳng diệt, hay biết tất cả mọi tác dụng trong ba đời. Do đó nói: “Ta thấy thuở xưa cũng như ngày nay thường ở trong ấy đi kinh hành và ngồi nằm”.

+ Hòa thượng Nham Đầu nói: “Hữu vô trong ba cõi chỉ tự mình biết, không có việc gì khác, chỉ cần biết bản lai diện mục của chính mình gọi là vị thần không nương tựa thảnh thơi. Nếu nói riêng có pháp, có Tổ là hoàn toàn lừa dối ông, chỉ cần nhìn vào trong tâm sáng sủa sâu xa, chỉ cần vô dục, vô y liền được quyết liễu”.

+ Bài ca của hòa thượng Cao Thành:

Tâm vô tướng ấy hay luôn chiếu
Ứng thanh ứng sắc tùy phương soi
Tùy tại phương mà chẳng tại phương
Hồn nhiên cao thấp đều vi diệu
Tìm không đầu lại cũng không đuôi
Ánh lửa bừng cháy từ nơi đâu
Ngày nay chỉ có toàn là tâm
Tám dùng rõ tâm tâm lại thế
Chẳng có phương sở tìm nơi nào
Vận dụng không tung cũng không tích
Biết rõ ngày nay người tìm kiếm
Suốt ngày lầm lạc mãi mong cầu
Gần gũi tùng lâm siêng học đạo
Chớ đem bệnh mắt nhận không hoa
Thuyết giáo vốn cùng lý vô tướng
Học rộng nguyên lai chẳng rõ tâm
Nhận biết tâm, thấu được cảnh
Biết tâm rõ cảnh sông thiền định
Nếu hay rõ cảnh liền biết tâm
Muôn pháp đều như bóng thát-bà.

+ Hòa thượng Thiên Khoảnh nói: “Tất cả chúng sinh lừa, la, voi, ngựa, rắn, rết, thập ác, ngũ nghịch, vô minh vọng niệm tham sân đều hiển hiện trong Như Lai tạng, xưa nay là Phật. Chỉ vì chúng sinh từ vô thỉ kiếp chợt khởi một niệm mà phải chịu lưu chuyển đến nay. Do đó Phật xuất thể để khiến cho chúng sinh diệt trừ ý căn, dứt sạch các phân biệt, một niệm tương ưng liền lên chính giác, đâu cần dạy người hiểu nhiều, biết nhiều, nhiễu loạn thân tâm nên ánh sáng bồ-đề không thể hiển hiện. Nay ông chỉ cần dứt hết thấy nghe hiểu biết, trên vật cảnh chớ sinh phân biệt, tùy thời mặc áo ăn cơm, tâm bình thường là đạo. Pháp này rất khó hiểu.

Có học nhân hỏi:

– Ban đêm không đèn, hòa thượng như thế nào ?

– Người ngộ đạo luôn sáng suốt có cái gì là ngày đêm!

– Tại sao con chẳng thấy ánh sáng của hòa thượng ?

– Ngươi định dùng cái gì để thấy ?

– Người đời đều đem hiện tại để thấy.

Sư khảy ngón tay nói:

– Khổ thay, tất cả chúng sinh căn trần xen nhau, từ vô thỉ đến nay nhận giặc làm con, nên ngày nay thường bị trói buộc. Người đem mắt thấy, ý thức phân biệt định cầu Phật đạo tức là trái với bản tâm, theo niệm lưu chuyển; người như thế dù ở trước mặt nhưng vẫn cách xa”.

+ Hòa thượng Duy Chính nói: “Thánh xưa Thánh nay chỉ có một lý; mặt trời ngày xưa, mặt trời ngày nay chiếu soi không khác; gió ngày xưa, gió ngày nay lay động không hai; nước một giọt và nước cả biển cũng đều ẩm ướt”.

Lại có bài tụng:

Một niệm được tâm liền siêu ba cõi
Thấy không chỗ thấy tham sân dứt sạch

+ Học nhân hỏi hòa thượng Trung ở núi Ngưu đầu:

– Người mới vào đạo làm thế nào dụng tâm ?

– Tất cả các pháp xưa chẳng sinh, nay chẳng diệt, ông chỉ cần để tâm tự tại không nên ngăn cấm, đích thân thấy, nghe, đến, đi; cần đi liền đi, cần dừng liền dừng, đây chính là chân đạo. Kinh nói: “Duyên khởi là đạo tràng, vì biết như thật”.

Lại hỏi:

– Muốn tu đạo phải làm thế nào để được giải thoát ?

– Người cầu Phật chẳng nên làm gì cả, chỉ cần đốn liễu tâm nguyên, thấy rõ Phật tính, tức tâm là Phật, vì phi vọng phi chân. Kinh nói: “Bỏ hết phương tiện chỉ nói đạo vô thượng”.

Lại hỏi:

– Diệu pháp chân như lý trí thâm sâu, kẻ nông cạn làm sao thấy được ?

– Ông chớ hủy báng Phật, Phật chẳng nói như thế, tất cả các pháp chẳng sâu, chẳng cạn. Ông tự chẳng thấy nên cho là rất thâm sâu. Khi thấy đều là vi diệu, vì sao đề cao Bồ-tát riêng lập Thánh nhân ? Như Sinh Công nói: “Chẳng gọi là trí sâu mà là vật sâu nơi trí”. Đây là lời nói dường như làm tổn thương. Ông chớ nên lựa chọn pháp, chớ có tâm thủ xả. Cho nên nói pháp không so sánh, vì không có đối đãi nhau. Kinh lấy thân tâm làm nghĩa. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thân là chính pháp tạng, tâm là vô ngại đăng, chiếu soi các pháp không, gọi là độ chúng sinh”.

+ Hòa thượng Giáp Sơn nói: “Trước mắt không pháp, ý ở trước mắt, chẳng phải pháp trước mắt, chẳng phải tai mắt đến được”.

+ Hòa thượng Đại An nói: “Mỗi người các ông đều có hạt ngọc báu lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông đất liền, từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh thiện ác, sáu cửa ngày đêm thường phóng quang, cũng gọi là phóng quang tam-muội. Các ông tự chẳng biết trong thân tứ đại có vật gì đó được trong ngoài giúp đở không để chinh nghiêng như người gánh nặng đi qua chiếc cầu khi không để té ngã. Ấy là vật gì ? Nếu ông còn tìm mảy tơ, sợi tóc thì chẳng thể thấy, vì thế ngài Chí Công nói: “Trong ngoài tìm kiếm đều trống không, trên cảnh thi vi có tất cả”.

+ Hòa thượng Trường Sa có bài kệ:

Rất thậm thâm, rất thậm thâm
Thân người pháp giới chính là tâm
Người mê cho tâm là các cõi
Lúc ngộ cõi nước là chân tâm
Hai trần thân giới vốn thật tướng
Thông đạt rõ ràng gọi tri âm.

Lại học nhân hỏi:

– Chúng sinh trong pháp giới biết tâm ban đầu từ đâu mà có ?

Sư dùng kệ đáp:

Tính địa sinh tâm vương
Tâm là thầy muôn pháp
Tâm diệt, tâm sư diệt
Mới được khế như như.

+ Hòa thượng Long Nha nói: “Nói tu đạo, đây là lời nói khuyến dụ, lời nói tiếp dẫn. Từ trước đến nay không có pháp cho người, chỉ là nhân các thứ phương tiện để nói, bày ra ý chỉ để biết tự tâm, rốt ráo không pháp để được, không đạo để tu, cho nên nói là đạo bồ-đề tự nhiên. Pháp gọi là quỹ trì, đạo là thể tính của chúng sinh. Lúc chưa có thế giới đã có tính này, lúc thế giới hoại tính này chẳng diệt, gọi là tính tùy lưu, thường không biến đổi, động tĩnh như hư không, gọi là tướng thế gian thường trụ, cùng gọi là đệ nhất nghĩa không, cũng gọi là bản tế, cũng gọi là tâm vương, cũng gọi là chân như, giải thoát, cũng gọi là bồ-đề, niết-bàn. Trăm nghìn tên gọi sai khác gọi là giả danh, tuy có nhiều danh mà không nhiều thể, hội nhiều danh mà đồng một thể, hội muôn nghĩa mà quy nhất tâm. Nếu biết bản tâm của chính mình gọi là trở về cội gốc được ý chỉ, ví như người muốn được các dòng nước chỉ cần tìm nơi biển cả; muốn biết tưởng của muôn pháp chỉ cần nhằm trong tâm khế hội, hội được lý mầu cả thể toàn chân, vạn tượng sum la do một pháp ấn định”.

+ Hòa thượng Đức Sơn nói: “Nếu có một hạt bụi, một pháp để cho các ông nhận lấy sinh hiểu biết, đều rơi vào thiên ma ngoại đạo. Chỉ là cái linh không, còn không có một mảy bụi có thể được, nơi nơi thanh tịnh, sáng rỡ rỗng suốt, trong ngoài đều sáng suốt”.

Lại nói: “Các ông chớ mến Thánh, Thánh là tên gọi rỗng, lại không có pháp nào khác, chỉ là cái linh không sáng rỡ vô ngại tự tại, chẳng phải do trang nghiêm tu chứng được. Từ Phật đến Tổ đều truyền pháp này mà được xuất ly”.

+  Hòa thượng Phật Quật dưới hội Ngưu Đầu nói: “Nếu người chẳng tin một Văn-thù nói là mười phương Văn-thù đồng thời nói, một vị Phật niết-bàn là tất cả chư Phật đều niết-bàn. Vì sao ? Vì chẳng thông đạt căn bản của sắc.

Hỏi: Rõ sắc tính không thật là căn bản chăng ?

Đáp: Đây là trụ quán ngữ, chẳng phải là cội gốc của sự kiến. Nếu là sự kiến thì sinh lão bệnh nơi thân ông và vô minh tham sân là căn bản của sắc, vì ngoài sự không riêng có lý. Thế nên nếu rõ căn bản của một sắc thì cả mười phương sắc đều đồng, đây gọi là một nói là tất cả nói, một niết-bàn là tất cả niết-bàn. Nên biết sắc thể vô tính, tính bao gồm tất cả”.

Lại nói: “Tuy đồng phàm phu mà chẳng phải phàm phu, chẳng có phàm phu cùng chẳng hoại phàm phu, nghĩa là riêng có cái thù thắng ở ngoài tâm liền rơi vào lưới ma. Nay ta tự quán thật tướng của thân tâm làm Phật tức là thấy nơi đồng tu đồng chứng của mười phương Phật.

Hỏi: Phật thân vô lậu giới định huân tu ngũ ấm chẳng buộc chẳng cởi, chẳng dám hoài nghi. Nhưng kinh Đại Phạm nói: “Thân ngũ ấm của chúng sinh bất thiện cũng chẳng buộc chẳng cởi”, điều này khiến cho mọi người hoài nghi ?

Đáp: Nếu ngoài ngũ ấm chúng sinh riêng có chư Phật giải thoát thì không có việc ấy. Chỉ cần rõ tự tính của chúng sinh từ xưa đến nay không có một pháp để được thì ai buộc, ai cởi, làm sao lại có sự trói buộc và giải thoát khác biệt ?

Hỏi: Kinh nói: “Chúng sinh và Phật bình đẳng”, không có trói buộc và giải thoát thì tại sao chúng sinh trong lục đạo bị trầm luân chẳng được giải thoát ?

Đáp: Chúng sinh chẳng rõ sắc tâm thanh tịnh, nên vọng tưởng điên đảo chẳng được giải thoát. Nếu biết nhân pháp thường không, trong ấy thật không có trói mở.

Hỏi: Tu quán hạnh sám hối gì để lúc lâm chung khỏi bị nghiệp kéo lôi ?

Đáp: Ông phải tin sâu chỗ thực hành và lời dạy của chư Phật không khác với chỗ thực hành và lời nói của chính mình hôm nay, cho đến thành Phật còn chưa được tướng niết-bàn, huống là tội phước vọng nghiệp trung gian, đây là chính tri, chính kiến, chân thật tu hành, chân thật sám hối. Chỉ cần đi đứng ngồi nằm chẳng rời quán này thì lâm chung tự nhiên chẳng mất chính niệm”.

+ Thiên Tâm Cảnh Bất Nhị của hòa thượng Vân Cư dưới hội ngài Phật Quật nói: “Thế, xuất thế gian đều chẳng vượt ngoài một vọng niệm tâm của chính mình, có một niệm vừa khởi vạn tượng hiển bày, một niệm tương sinh liền thành tâm cảnh. Nếu chẳng phải tâm cảnh làm sao có niệm để thấy. Đã có niệm sở kiến lại có tâm năng kiến, phải biết niệm chính là cảnh, kiến chính là tâm. Niệm sở kiến liền thành sắc uẩn, tâm năng kiến liền thành bốn uẩn kia. Kinh nói: “Ngũ uẩn là thế gian, một niệm đủ năm uẩn”, trong mỗi uẩn đều có đủ năm uẩn nên một chẳng ngại nhiều, nhiều chẳng ngại một. Do đó tâm cảnh xen nhau làm chủ khách lẫn nhau. Kinh nói : “Cảnh trí xen vào nhau trùng trùng vô tận”, tức là một hạt bụi bao hàm pháp giới, mỗi mỗi pháp đều đầy khắp. Quán một niệm của mình chấn động tức Hằng sa thế giới đồng thời chấn động; quán một niệm của mình thường định tức chúng sinh trong lục đạo đều thường định. Nếu biết rõ thể của một niệm thì Hằng sa thế giới thường hiện nơi tự tâm, do mê một niệm nên cảnh trí cách xa”.

+ Hòa thượng Đại Châu nói: “Tâm tính vô hình tức là pháp thân vi diệu, tâm tính thể không tức là thân hư không vô biên, biểu hiện hạnh trang nghiêm tức là pháp thân công đức. Pháp thân này là gốc của vạn hóa, tùy chỗ đặt tên, trí dụng vô tận là vô tận dụng.

Hỏi: Thế nào là pháp thân ?

Đáp: Tâm hay sinh Hằng sa muôn pháp nên gọi là thân của nhà pháp. Kinh nói: “Trong một niệm tâm diễn nói Hằng sa bài kệ”, thời nhân tự chẳng biết.

Hỏi: Chân pháp, huyễn pháp đều có chủng tính chăng ?

Đáp: Phật pháp không có chủng tính, ứng vật hiền hiện. Nếu tâm chân thì tất cả đều chân; nếu có một pháp chẳng chân thì nghĩa chân chẳng tròn. Nếu tâm huyễn thì tất cả đều huyễn; nếu có một pháp chẳng huyễn thì huyễn pháp cố định. Nếu tâm không thì tất cả đều không; nếu có một pháp chẳng không thì nghĩa không chẳng tròn. Khi mê người theo pháp, ngộ rồi pháp theo người. Sum la vạn tượng đến không là cùng tột; muôn dòng sông đến biển là cùng tột; tất cả hiền Thánh đến Phật là cùng tột; mười hai bộ loại kinh, năm bộ tỳ-ni, bốn bộ luận vi-đà đến tâm là cùng tột. Tâm là nơi tụ hội của tổng trì, là nguồn gốc của muôn pháp, cũng là đại trí tuệ tạng vô trụ niết-bàn, trăm ngàn danh hiệu đều là tên khác của tâm”.

Tâm Đan Quyết của hòa thượng Động Sơn nói:

Ta có thuốc hay hiệu tâm đan
Luyện nhiều năm trong lò phiền não
Biết nó chẳng đổi sắc trong thai
Ánh sáng chiếu rọi khắp đại thiên
Khai pháp nhãn thấy cả tơ hào
Hay biến phàm Thánh trong sát-na
Muốn biết chân giả thành công dụng
Trong tất cả thời rèn luyện thấy
Không hình trạng chẳng vuông tròn
Trong lời không vật trong vật có lời
Có tâm dụng liền trái chân dụng
Không ý an thiền đều là thiền
Cũng không diệt cũng không sinh
Sum la vạn tượng đều sai sử
Chẳng luận châu thổ chỉ đem đến
Vào trong lò này đều là phải
Không một ý là ý mình
Không một trí là trí mình
Không một vị đều sai khác
Sắc chẳng biến đổi rất khó biện
Không một vật hiện trong ấy
Chớ đem một vật chế phục người
Thể hợp chân không chẳng đúc rèn.

+ Hoà thượng Tào Sơn nói: “Tường vách gạch ngói là tâm Phật, cũng gọi là tính địa, cũng gọi là thể toàn công, cùng gọi là vô tình biết nói pháp. Nếu biết trong ấy được chỗ vô biện, mười phương cõi nước núi sông đất liền, ngọc đá, gạch ngói, hư không cùng phi không, hữu tình, vô tình, cỏ cây, rừng rậm gồm thành một thân, gọi là được thọ ký, cũng gọi là nhất tự pháp môn, cũng gọi là tổng trì pháp môn, cũng gọi là nhất trần, nhất niệm, cũng gọi là đồng triệt. Nếu chẳng biết có tính địa này thì chư Phật dùng nghìn loại ví dụ chẳng được; muôn thứ so sánh chẳng thành; nghìn Thánh muôn Thánh đều từ đây lưu xuất, từ xưa đến nay chẳng thay đổi nên nói là con đường đi đến cửa giải thoát của mười phương chư Phật”.

Hòa thượng Linh Biện nói: “Nhất tâm bất tư nghì, diệu nghĩa không có tướng cố định; ứng thời mà vận dụng không thể định chấp. Kinh nói: “Tất cả hiền Thánh đều từ pháp vô vi mà có sai biệt”; dụng có sai biệt tùy chỗ đặt tên, rốt ráo chẳng lìa tự tâm, tâm này có thể phá hoại tất cả, có thể tạo thành tất cả, cho nên nói tất cả pháp đều là Phật pháp, tâm làm trời, tâm làm người, tâm làm quỉ thần, súc sinh, địa ngục, thiện ác đều do tâm, muốn sinh cũng được, muốn chẳng sinh cũng được, tức là nghĩa vô ngại. Hiện tại tất cả hành động đi đứng ngồi nằm chính là tâm tướng; tâm tướng vô tướng nên gọi là thật tướng; thể không biến động cũng gọi là Như Lai. Như là nghĩa chẳng biến đổi, trong không hiện có, trong có hiện không, cũng gọi là thần biến, cũng gọi là thần thông. Đó đều là dụng của nhất tâm, tùy chỗ mà sai khác, tức nhiều nghĩa, trong một hiểu vô lượng, trong vô lượng hiểu một, biết rõ nó sinh khởi lẫn nhau sẽ thành vô sở úy. Lại phương đông nhập chính định, phương tây xuất định, nếu rõ ngoài tâm không có pháp, tất cả duy tâm thì không một pháp đương tình; không có tốt xấu thị phi thì chẳng sợ sinh tử, tất cả nơi đều là giải thoát, nên nói sẽ thành vô sở úy. Giả sử ngoài tâm có tất cả cảnh pháp thì cũng từ nhân duyên vọng tưởng của tự tâm mà sinh, không có tự tính, thể nó vốn không, như huyễn, như hóa.

Hòa thượng Vân Cư nói: “Phật pháp có gì đa sự, thực hành được là đúng, chỉ cần biết tâm là Phật, chớ lo Phật chẳng biết nói. Muốn được việc như thế, phải là người như thế, nếu là người như thế thì còn lo cái gì ? Nếu nói việc ấy chẳng khó thì từ xưa tiên đức chân thật chất phác, xưa nay không giả trá. Giả sử có người hỏi: Thế nào là đạo ? Có khi đáp: Khúc gỗ, gạch, ngói, có gì là quí, do vì dưới gót chân của người thực có năng lực, chính là người bất tư nghì biến đất thành vàng. Nếu không phải việc ấy thì cho dù lời nói như dệt gấm thêu hoa, cho đến nói tôi phóng quang chuyển động mặt đất thế gian không gì vượt qua; nói đến nỗi người ta chết đi cũng đều chẳng tin nhận, do vì dưới gót chân của mình hư rỗng không có năng lực”.

Giải thích: Hòa thượng Vân Cư là bậc tông sư siêu thoát, là thiện tri thức bảy đời của Trung Quốc, đạo đức sáng chói, trí tuệ rộng sâu, đầy đủ đại từ bi, đồ chúng đông đảo. Sư dạy chúng: Chỉ cần biết tâm là Phật, chớ lo Phật chẳng biết nói”. Đây bởi người học đời nay cứ mãi tìm cầu bên ngoài, chỉ học những lời lẽ đại thừa, chẳng chịu trở về gốc tự quán tâm, thấy rõ Phật thiên chân. Nếu rõ Phật tâm này thì trí tự nhiên, trí vô sư hiện tiền, đâu phiền học bên ngoài, như nói “từ cửa vào chẳng phải của báu của nhà mình”.

Lại nói: “Từ trời giáng xuống thì bần cùng, từ đất vọt lên thì phú quí; nếu từ tâm địa vọt lên thì của báu trí tuệ nào có cùng tận nên nói là vô tận tạng. Chỉ cần được tâm chân thật đi, xét kỹ gót chân đi thì tự nhiên nói ra đều tương ưng với thật tướng, dưới lời cứu vớt người bị sinh tử, biến phàm thành Thánh, nắm sõi thành vàng, nói có cũng được, nói không cũng được, câu câu đều thành lời dạy. Nếu trong tâm chưa xét, chưa trọn lòng tin, chấp không hư phù chỉ thành tự dối. Dù biện thuyết tự tại cũng chỉ tăng cuồng tuệ, dù nói được hoa trời rơi, đá gật đầu nhưng sự tu hành chẳng chân thật đều thành yêu ma huyễn hóa. Do đó ngài Chí Công thấy pháp sư Vân Quang giảng kinh Pháp Hoa cảm được chư thiên rải hoa, sư nói: Đây là nghĩa “ăn con bọ chét”. Thế nên lời thành thật của bậc tiên đức đáng làm khuôn mẫu cho hậu học có thể khắc cốt ghi tâm. Hôm nay sự sưu tầm biểu dương của sách này rất có ý nghĩa vậy.