TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 96

Kinh Bồ-tát Xử Thai nói: “Ví như nguồn suối, ao nước, các sông đều có tên gọi, nhưng khi chảy về biển thì không còn tên riêng; cũng như núi Tu-di sừng sững khó lay động, các loài chim tạp sắc đến nương tựa núi này đều đồng một màu không còn màu sắc riêng. Bồ-tát ma-ha-tát giáo hóa chúng sinh thanh tịnh cõi Phật cũng như thế, tâm thức của chúng sinh tưởng niệm chẳng đồng, bao nhiêu tư tưởng có thể khiến tất cả đến môn giải thoát, tưởng định ý diệt không còn niệm riêng, đồng một giải thoát”.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo ghi: “Bấy giờ Thế Tôn bảo Long vương: Tất cả chúng sinh tâm tưởng sai khác nên tạo nghiệp cũng sai khác, do đây nên có các nẻo luân chuyển. Này Long vương, ông thấy hình sắc chủng loại trong biển lớn này đều khác biệt chăng ? Như vậy tất cả đều do tâm tạo, cho đến lại quán chư Bồ-tát này diệu sắc nghiêm tịnh, tất cả đều do tu tập thiện nghiệp phước đức mà sinh; và đại uy thế của thiên long bát bộ cũng do thiện nghiệp phước đức sinh ra. Hiện nay chúng sinh trong biển lớn có hình sắc thô xấu hoặc lớn hoặc nhỏ đều do các thử tưởng niệm của tự tâm tạo ra các nghiệp bất thiện của thân ngữ ý, cho nên tùy nghiệp riêng tự thọ báo”.

Kinh Tịch Chiếu Thần Biến Tam-ma-địa: “Phật bảo Hiền Hộ: Tịch chiếu thần biến tam-ma-địa là tính trí bình đẳng của tất cả pháp; tất cả ngôn thuyết chẳng hiện hành trí cho đến ngộ nhập tâm trí, nơi tự tính của tâm có thể tùy giác trí, ở trong dẫn chẳng dẫn và dẫn phát tạo thành thiện xảo trí”.

Kinh Sư Tử Trang Nghiêm Vương Bồ-tát Thỉnh Vấn ghi: “Phật nói: Như vậy một pháp tùy tâm biến hiện bèn có thể đầy đủ sáu ba-la-mật, cần nêu rộng nói giáo hóa chúng sinh được lợi ích lớn cho đến thành Phật”.

Kinh Hiền Kiếp Định Ý nói: “Nếu có Bồ-tát bình đẳng tam-muội, các căn đầy đủ, Thánh tuệ thành tựu đây gọi là nhất tâm”. Lại nói: “Ở nơi thiền định, chẳng vướng trong, ngoài, khoảng giữa, đây gọi là nhất tâm”.

Kinh Xá-lợi-phất Đà-la-ni nói: “Chỉ cần tu nhất tâm niệm Phật, chẳng dùng sắc thấy Như Lai, chẳng dùng vô sắc thấy Như Lai, chẳng dùng tướng hảo, chẳng dùng giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, chẳng dùng sinh, chẳng dùng gia thế, chẳng dùng chủng tính, chẳng dùng quyến thuộc, cho đến chẳng phải mình làm, chẳng phải người làm; nếu có thể như thế gọi là niệm Phật”.

Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn ghi: “Thiên tử Thương Chủ hỏi: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, làm thế nào Bồ-tát có thể thanh tịnh tâm  ? Đáp: Này thiên tử, nếu Bồ- tát biết các tâm đều là nhất tâm, đây gọi là được thanh tịnh tâm”.

Kinh Đại Thừa Lưu Chuyển Chư Hữu có bài kệ:

Các pháp chỉ giả danh
Chỉ nương danh tự lập
Xa lìa lời năng thuyên
Chẳng thể có sở thuyên.

Giải thích: Nên biết pháp chỉ có tên gọi (danh), do danh lập pháp; lại danh do lời nói, lời nói nhân nơi giác quán; tâm giác quán chẳng khởi, năng sở thảy đều không.

Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Định Ý ghi: “Phật nói: Lại nữa, ba việc do tâm sinh đó là các pháp vô thường, các pháp khổ, các pháp vô ngã; cho đến có thể nhất tâm, biết tâm chúng sinh có năng lực thuận hành hóa”.

Kinh A-hàm có bài kệ:

Ngã với ta là thân
Chẳng cùng thân với người
Người trí khéo điều ngã
Thì được sinh cõi lành.

Giải thích: Vì thế nói: “Thiên hạ chí thân không gì hơn tâm”, đây là chân yếu vào đạo, diệu môn tu hành. Nếu khó điều phục tâm chóng lên đại quả. Do đó kinh Bát-nhã nói: “Điều tâm là hay nhất, điều tâm đưa đến quả an vui”.

Kinh Tạp Tạng có bài kệ:

Tâm hay dẫn thế gian
Tâm hay nhiếp thọ khắp
Một pháp tâm như thế
Đều tự tại tùy hành.

Kinh Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát Vấn Pháp Thân nói: “Như nói ngôi nhà báu ma-ni có bốn góc, nhìn từ một góc đều thấy các góc khác, không khuyết giảm, thế nên thấy các bản tế”.

Giải thích: Nếu rõ bản tế nhất tâm thì pháp nào chẳng thông, vì các pháp từ tâm sinh đều đồng nhất tế. Trụ trong nhất tế này thảy đều viên mãn, nháy mắt liền đúng, đâu chờ suy tư, trí chẳng thể biết, lời chẳng thể bàn, nên nói kho báu kim cương không khuyết giảm.

Kinh Tương Dịch có bài kệ:

Các huyễn không có thật
Kẻ phàm phu thấy khác
Trong ấy không có khác
Tất cả cùng một tướng.

Kinh Lão Mỗ nói: “Mắt thấy đẹp, sắc tức là ý, ý tức là sắc. Hai thứ này đều không, không sinh cũng không diệt, không mong cầu”.

Kinh nói: “Khi ấy Xá-lợi-phất biết tâm niệm của chúng hội, ngài liền bảo các tỳ-kheo: Vì sao các ông nói thân của chúng tôi từ nay trở đi không có Phật Thế Tôn, do theo dị học mà xuất gia làm sa-môn chăng ? Các tỳ-kheo thưa: Từ nay chúng tôi kính thờ lục sư, tất cả đều quy về một tướng. Vì chẳng nương tựa lục nhập nên chẳng thấy nhiều loại sư, chẳng nghĩ mình là sa-môn xuất gia”.

Giải thích: Nương tựa lục nhập mà có sai biệt thì vọng phân tà chính; quy về một tướng làm gốc thì ta người đều bặt. Người hiểu như thế mới gọi là xuất gia chân chính.

Kinh Tịch Điệu Âm Sở Vấn ghi: “Thiên tử Tịch Điệu Âm thưa: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, thế nào là như đồng với tịnh cấu ? Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Không, vô tướng, vô nguyện như, vì sao ? Vì niết-bàn là không. Này thiên tử, như hư không trong bình sành không khác hư không trong bình báu. Cũng thế thiên tử, cấu không và tịnh không đều đồng một không, không hai không khác”.

Giải thích: Bình chứa tuy chẳng đồng nhưng hư không vốn vô hình; cấu tịnh tuy khác nhưng tính đâu từng khác. Hiểu như thế là vào môn vô tướng, đốn ngộ chân không, chẳng sa vào tu chứng.

Kinh Nguyệt Tạng có bài kệ:

Các pháp không có hai
Đạo sư bỏ yêu ghét
Một đạo như hư không
Đây là cảnh giới Phật.

Bài kệ lại nói:

Chẳng phân biệt các pháp
Chẳng thấy có chúng sinh
Các pháp chỉ một tướng
Được thấy cảnh giới Phật.

Kinh Phật Ngữ ghi: “Nếu có xứ ngữ là ma vương ngữ, là ma kiến ngữ, chẳng phải Phật ngữ. Này thiện nam, nếu không tất cả các xứ ngữ, đây gọi là Phật ngữ”.

Giải thích: Không tất cả các xứ ngữ tức là không có pháp sở chứng, cũng không có trí năng chứng. Đã không có pháp thì làm sao có thể thuyết ? Chỉ cần rõ duy tâm tự nhiên vô ngữ, vô ngữ là chân ngữ, cho nên nói không pháp để thuyết, đây là thuyết pháp. Nếu chấp lấy nơi chốn, nếu có thuyết đều trái bản tông, chẳng thấy pháp tính, như nói báo hóa chẳng phải chân, Phật cũng chẳng thuyết pháp.

Kinh Tạp Tạng có bài kệ:

Thế gian có lương y
Đem diệu dược cứu bệnh
Chư Phật cũng như thế
Vì người nói duy tâm.

Kinh Đại Thừa Lý Thú có bài kệ:

Tất cả pháp hữu vi
Như thành Càn-thát-bà
Chúng sinh vọng tâm chấp
Tuy hiện chẳng phải thật.
Các pháp chẳng nhân sinh
Cũng chẳng vô nhân sinh
Hư vọng phân biệt có
Thế nên nói duy tâm
Vô minh vọng tưởng thấy
Là nhân của sắc tướng
Tạng thức là sở y
Tùy duyên hiện các tượng
Như thế mắt bị lòa
Thấy hoa trong hư không
Tập khí vẩn đục tâm
Từ đây hiện ba cõi
Nhãn thức nương lại-da
Hay hiện các thứ sắc
Ví như bóng trong gương
Phân biệt chẳng ở ngoài
Chẽ thấy đều tự tại
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Thức lại-da biến ra
Hay hiện nơi thế gian
Pháp tính đều bình đẳng
Tất cả pháp sở y
Tạng thức luôn chẳng dứt
Mạt-na chấp là ngã
Tập khởi gọi là tâm
Tính tư lương là ý
Nghĩa liễu biệt là thức
Cho nên nói duy tâm
Các cảnh giới ngoài tâm
Vọng thấy có hoa đốm
Chỗ chấp thật là không
Toàn là thức tâm biến
Sắc đủ sắc công đức
Đều nương thức lại-da
Người ngu vọng phân biệt
Cho là chân thật có
Ngủ mê và say sưa
Đi đứng và ngồi nằm
Tác nghiệp và sĩ dụng
Đều nương tạng thức khởi
Hữu tình khí thế gian
Chẳng phải tự tại làm
Cũng chẳng thần ngã tạo
Chẳng thể tính vi trần
Như tính lửa trong gỗ
Tuy có chưa từng cháy
Do dùi mới có lửa
Nhờ đây trừ tối tăm
Xoay vần để làm nhân
Lại-da là y chỉ
Các thức từ đây sinh
Hay khởi lậu vô lậu
Như biển gặp duyên gió
Khởi các thứ sóng mòi
Hiện tiền tác dụng chuyển
Không có lúc gián đoạn
Biển tạng thức cũng thế
Gió cảnh giới dao động
Hằng khởi các sóng thức
Không gián đoạn cũng thế.
Như lạc chưa khuấy đều
Không thể thấy được tô
Ra sức không dừng nghỉ
Mới có được đề-hồ.
Lại-da vọng huân tập
Ẩn nơi Như Lai tạng
Khi tu tập thuần thục
Chính trí mới rõ ràng
Các thức theo duyên chuyển
Chẳng thấy tâm bản giác
Trí tự giác hiện tiền
Chân tính thường chẳng động.

Kinh Bảo Vũ nói: “Làm thể nào Bồ-tát tu hành tâm niệm xứ ? Này thiện nam, Bồ-tát tư duy: Tâm thực sự vô thường chấp trước là thường, thực sự khổ chấp trước là vui, vốn không có ngã chấp trước là ngã, xưa nay bất tịnh chấp trước là tịnh, tâm này khinh động không tạm đừng. Vì chẳng dừng nên nó làm căn bản cho các tạp nhiễm, hoại diệt thiện đạo, khai mở ác đạo, sinh trưởng ba độc và tùy phiền não tạo thành nhân duyên, làm người chủ, làm kẻ dẫn đường. Lại hay chứa nhóm nghiệp thiện và bất thiện lưu chuyển nhanh chóng như quay vòng lửa, như ngựa chạy, như lửa thiêu đốt, như nước dâng, biết khắp các cảnh như bức tranh thế gian. Lúc Bồ-tát quán sát tâm như thế liền được tự tại ở trong pháp cũng không quái ngại, đây gọi là Bồ-tát khéo tu hành tâm niệm xứ”.

Kinh Trì Thế ghi: “Phật nói: Này Trì Thế, thế nào gọi là Bồ-tát ma-ha-tát tu tâm quán tâm ? Bồ-tát ma-ha-tát quán tâm tướng sinh trụ dị diệt. Lúc Bồ-tát quán như thế nghĩ rằng: Tâm này không chỗ đến không chỗ đi chỉ là thức duyên tướng sinh ra không có bản thể, không có pháp nhất định để đuợc, tâm này không đến không đi, không tri dị để được; tâm này chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại; tâm này do thức duyên từ ức niệm khởi; tâm này chẳng ở trong chẳng ở ngoài chẳng ở giữa; tâm này không một tướng sinh khởi; tâm này vô tính vô định, không có sinh, không khiến sinh. Vì khởi tạp nghiệp nên gọi là tâm, vì thức tạp duyên nên gọi là tâm, vì niệm niệm sinh diệt chẳng dứt nên gọi là tâm. Chỉ cần khiến cho chúng sinh thông đạt tâm duyên tướng nên trong tâm không có tâm tướng. Tâm này từ xưa đến nay chẳng sinh chẳng khởi, tính thường thanh tịnh nhưng bị khách trần phiền não làm ô nhiễm nên có phân biệt, tâm chẳng biết tâm cũng chẳng thấy tâm, vì sao ? Vì là tâm không, tính không nên không có bản thể. Tâm này không có pháp nhất định, vì pháp nhất định không thật có. Tâm này không pháp hoặc hợp hoặc tan. Tâm này trước, sau, khoảng giữa chẳng thật có. Tâm này vô hình không thể thấy, tâm chẳng tự thấy, chẳng biết tự tính, chỉ tương ưng với phàm phu điên đảo vì hư vọng duyên thức tướng nên khởi. Tâm này rỗng không, không ngã, không ngã sở, vô thường không bền chắc, thảy đều biến đổi. Tư duy như thế được tu tâm niệm xứ. Khi ấy người này chẳng phân biệt là tâm hay phi tâm, chỉ khéo biết tâm không sinh tướng, thông đạt tâm này không sinh tính. Vì sao ? Tâm không có tính quyết định cũng không có tướng quyết định. Người trí thông đạt tâm này vô sinh vô tướng, lúc ấy quán đúng như thật, tập tướng và diệt tướng của tâm. Lúc quán như thế chẳng được tâm hoặc tập tướng hoặc diệt tướng, chẳng còn phân biệt tâm diệt hay chẳng diệt mà hay được tướng thanh tịnh của chân tâm. Với tâm thanh tịnh này Bồ-tát chẳng bị khách trần làm não loạn, vì sao ? Bồ-tát thấy biết tướng thanh tịnh của tâm cũng biết tướng thanh tịnh của tâm chúng sinh mà nghĩ rằng: Tâm cấu nên chúng sinh cấu, tâm tịnh nên chúng sinh tịnh. Lúc tư duy như thế chẳng được tướng cấu của tâm, chẳng được tướng tịnh của tâm, chỉ biết tướng thường thanh tịnh của tâm này. Này Trì Thế, chư Bồ-tát ma-ha-tát tâm quán tâm như thế”.

Kinh Bảo Võng có bài kệ:

Đầy khắp các cõi Phật
Cảnh giới của pháp vương
Thích sư tử nhân tôn
Đầu lông ánh sáng chiếu.

Giải thích: Như vô lượng vô biên các cõi Phật chẳng ngoài tâm địa một đầu lông, vì trí liễu đạt nên nói là ánh sáng chiếu soi.

Kinh Thập Trụ nói: “Lúc Bồ-tát Kim Cang Tạng được chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới dùng vô lượng vô biên âm thanh sai biệt vấn nạn, Bồ-tát ấy trong một niệm nhận sự thưa hỏi trên chỉ dùng một âm thanh để giải đáp”.

Giải thích: Chỉ dùng một âm thanh để giải đáp nghĩa là muôn pháp do tâm thì nghi nào chẳng giải; nương tâm bày tỏ thì pháp nào chẳng thông, đây gọi là được tinh hoa của Phật pháp, mở con mắt của trời người.

Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh có bài kệ:

Thế đạo sư tự tại
Chẳng thể nói mà nói
Nơi hư không thắt nút
Thì nơi ấy cởi mở.

Giải thích: Tâm có là kết, tâm không là giải. Nếu không tâm thì không kết không giải. Cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo ngài A-nan: Cái khăn hoa báu này ông biết nó vốn chỉ có một cái, đến khi tôi cột sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông hãy xem xét bản thể cái khăn này là đồng, nhân vì các nút mà hóa ra khác. Ý ông nghĩ sao, khi mới cột nút ban đầu thì gọi là nút thứ nhất. Như thế cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là nút thứ sáu. Nay ta muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không ?

– Bạch Thế Tôn, không. Nếu còn sáu nút thì cái gọi là thứ sáu rốt cuộc chẳng phải là cái thứ nhất; dẫu cho con cố gắng biện bạch suốt đời cũng không thể làm cho sáu nút đổi tên được.

Phật dạy: Đúng thế, sáu nút không đồng nhau; tuy xét về bản nhân, vẫn do một cái khăn tạo ra, nhưng rốt cuộc không thể làm cho sáu nút xáo trộn lẫn nhau. Sáu căn của ông cũng như thế; trong thể hoàn toàn đồng nhau sinh ra hoàn toàn khác nhau.

Phật bảo ngài A-nan: Chắc hẳn ông không muốn thành ra sáu nút và trông mong chỉ thành một thể thì ông phải làm thế nào ?

Ngài A-nan bạch: Nếu còn những nút ấy thì sinh ra lắm thị phi; trong đó tự sinh ra nút này chẳng phải nút kia, nút kia chẳng phải nút này. Nếu hôm nay Như Lai cởi bỏ tất cả, không sinh nút nữa thì không có kia đây, còn không gọi là một thì làm sao mà thành sáu được.

Phật dạy: Cái nghĩa cởi cả sáu, một cũng không còn, cũng như thế. Do từ vô thỉ tâm ông điên đảo, tri kiến vọng phát ra, vọng phát mãi không dừng làm cho tri kiến sinh bệnh phát ra trần tướng; như trong con mắt mỏi mệt có hoa đốm lăng xăng; tất cả những tướng thế gian, núi sông, đất liền, sinh tử, niết-bàn, không nhân gì rối rít khởi lên, trong tính sáng suốt lặng lẽ đều là những tướng hoa đốm điên đảo do bệnh mê lầm phát ra.

Ngài A-nan bạch: Bệnh mê lầm giống như cái nút kia làm sao cởi bỏ cho được ?

Như Lai lấy tay cầm cái khăn có nút, kéo riêng mối bên trái, rồi hỏi ngài A-nan: Thế này có cởi được chăng ?

– Bạch Thế Tôn, không.

Đức Phật liền lấy tay kéo lệch mối bên phải rồi lại hỏi ngài A-nan: Thế này có cởi được chăng ?

– Bạch Thế Tôn, không.

Phật bảo ngài A-nan: Nay ta lấy tay kéo mối bên phải, bên trái mà rốt cuộc không cởi được, vậy ông dùng cách gì cởi được ?

Ngài A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nên cởi nơi trung tâm cái nút thì tan rã ngay.

Phật bảo ngài A-nan: Đúng thế, đúng thế, muốn trừ cái nút thì phải cởi nơi trung tâm của nút.

Giải thích: Kéo mối bên trái, bên phải là ví cho hai kiến chấp hữu vô. Phải cởi nơi trung tâm của nút là thuyết minh trung đạo. Vì thế do mê mờ chân không mà hữu tình, vô tình khởi; chấp căn trần mà nghĩa một sáu sinh; thấu tỏ tự tâm cởi buộc đều mất, nên biết cấu, tịnh, cởi, buộc đều từ tự tâm, vì tâm cấu nên kiến cấu, vì tâm tịnh nên kiến tịnh; tâm phược nên kiến phược, tâm giải nên kiến giải; nếu không nơi tâm thì cái gì cấu, cái gì tịnh ?

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội ghi: “Bấy giờ, trong pháp hội có một vị Bồ-tát tên Ma Giới Hạnh Bất Ô hiện ra nơi cung ma nói với ác ma:

– Ông há chẳng nghe đức Phật nói Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội vô lượng chúng sinh đều phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác ra khỏi cảnh giới của ông; và sẽ lại độ thoát những người khác ra khỏi cảnh giới của ông.

Ma liền đáp: Tôi nghe Phật nói danh tự của Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội liền bị năm dây trói buộc hai tay, hai chân, và cổ không thể đi lại.

Bồ-tát lại hỏi ác ma:

– Ai trói buộc ông ?

Ma liền đáp:

– Tôi vừa khởi tâm muốn đến phá hoại não loạn những người nghe Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội liền bị năm dây trói buộc. Tôi nghĩ chư Phật, Bồ-tát có đại uy đức khó có thể phá hoại não loạn, nếu tôi đến đó sẽ tự hại mình chi bằng ở lại trong cung điện. Suy nghĩ như thế tức thì năm sợi dây trói tự nhiên cởi ra.

Bồ-tát nói:

– Cũng như thế, tất cả phàm phu ức tưởng phân biệt điên đảo chấp tướng cho nên có trói buộc; động niệm hí luận cho nên có trói buộc; thấy nghe hay biết cho nên có trói buộc. Trong ấy thực sự không có sự trói buộc, không có sự cởi mở. Vì sao ? Vì các pháp không trói buộc vốn giải thoát, vì các pháp không giải thoát vốn không trói buộc; tướng thường giải thoát không có ngu si, Như Lai đem pháp môn này để thuyết pháp. Nếu có chúng sinh biết được nghĩa này, muốn cầu giải thoát siêng năng tinh tiến thì đối với các trói buộc đều được giải thoát”.

Kinh Bảo Khiếp ghi: “Ngài Văn-thù-sư-lợi bảo đại đức Xá-lợi-phất: Như hỏa tai Hằng sa kiếp hừng hực trọn chẳng thiêu đốt hư không, như thế Xá-lợi-phất, mỗi mỗi chúng sinh trong Hằng hà sa kiếp tạo tác nghiệp tội nghịch bất thiện, nhưng tâm tính trọn chăng thể ô nhiễm”.

Kinh Đại Hư Không Tạng Bồ-tát Sở Vấn có bài kệ:

Hư không lìa sinh diệt
Pháp giới không đến đi
Các sắc hiện nơi không
Các pháp nương tâm trụ
Không vô sắc phi sắc
Tâm tính cũng như thể
Hư không chỉ giả danh
Tâm ý thức như thế.

Kinh Am-đề-già Nữ có bài kệ:

Tuy tôi ở trong thất
Tôn kính như trước mắt
Ngài xưng a-la-hán
Thường theo mà chẳng thấy.

Giải thích: Nên biết niệm niệm Thích-ca xuất thế, bước bước Di-lặc hạ sinh; bởi nghiệp của chính mình che lấp nên đối diện mà chẳng thấy, bậc Thập Địa còn ngăn cách một màng lụa, huống chi nhị thừa.

Kinh Thủ Hộ Quốc Chủ Đà-la-ni ghi: “Bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát ma-ha-tát Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương: Tam-muội sâu xa này lấy tâm bồ-đề làm nhân, lấy đại từ bi làm căn bản, phương tiện tu tập vô thượng bồ-đề làm cứu cánh. Này thiện nam, trong ấy cái gì gọi là bồ-đề ? Này thiện nam, muốn biết bồ-đề phải rõ tự tâm, nếu rõ tự tâm thì rõ bồ-đề, vì sao ? Tướng chân thật của tâm và bồ-đề rốt ráo tìm cầu đều không thể được, đồng như hư không, cho nên tướng bồ-đề là tướng hư không. Thế nên bồ-đề không có tướng sở chứng, không có tướng năng chứng, cũng không có tướng năng sở khế hợp, vì sao ? Vì bồ-đề rốt ráo không có các tướng. Này thiện nam, vì tất cả pháp là tướng hư không cho nên bồ-đề rốt ráo vô tướng.

Khi ấy, Bồ-tát Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu bồ-đề đồng với hư không, nhất thiết trí thể sẽ tìm nơi đâu, làm sao chứng đắc bồ-đề hiện tiền, nhất thiết trí trí sẽ từ đâu sinh ?

Phật bảo Bồ-tát Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương: Này thiện nam, nhất thiết trí thể sẽ tìm nơi tâm, nhất thiết trí trí và bồ-đề từ tâm sinh, vì sao ? Vì thật tính của tâm vốn thanh tịnh. Này thiện nam, tính của tâm này chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Này thiện nam, tất cả Như Lai nói tướng của tâm này chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tím cũng chẳng phải kim sắc, chẳng phải dài, ngắn, tròn, vuông, sáng, tối, chẳng phải nam, nữ, phi nam nữ, cũng chẳng phải là nam là nữ. Này thiện nam, tâm này chẳng phải tính dục giới, tính sắc giới, tính vô sắc giới, thiên long, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la, nhân, phi nhân … Này thiện nam, tâm này chẳng trụ nơi mắt, cũng chẳng trụ nơi tai, mũi, lưỡi, thân ý, cũng chẳng thể thấy trong ba đời, vì sao ? Vì tâm này đồng với tướng hư không. Do nghĩa này nên xa lìa tất cả sự phân biệt thô tế, vì sao ? Vì tính hư không chính là tâm tính, tâm tính này chính là tính bồ-đề, tính bồ-đề chính là tính đà-la-ni. Này thiện nam, thế nên tính của tâm, hư không, bồ-đề, đà-la-ni không hai không khác, như thế tất cả đều lấy đại từ đại bi làm căn bản, là chỗ nhiếp thọ của phương tiện ba-la-mật. Này thiện nam, ông nên biết nay ta ở trong đại chúng Bồ-tát này nói pháp như thế là vì thanh tịnh làm rộng lớn bồ-đề tâm, là vì khiến tất cả rõ tự tâm. Thế nên Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương, nếu có thiện nam thiện nữ muốn biết tính chân thật của bồ-đề cần phải rõ tự tâm, tính của tâm này chính là tính của bồ-đề. Làm thế nào có thể rõ biết tâm tính ? Nghĩa là tâm tính đối với tất cả tướng hoặc hình, hoặc hiển, cho đến hoặc ngũ ấm, hoặc lục nhập, hoặc thập nhị xứ, hoặc thập bát giới. Nơi các pháp như thế quan sát suy tìm trọn chẳng thể được. Này thiện nam, nếu chư Bồ-tát biết rõ như thế liền được thành tựu pháp môn quang minh thanh tịnh đệ nhất; đã trụ pháp môn này thì tự nhiên được bất khả tư nghì nhất thiết trí trí chư Phật cảnh giới thậm thâm tam-muội”.

Kinh Văn Thù Bát-nhã ghi: “Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi : Ông đã cúng dường bao nhiêu chư Phật ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Con và chư Phật như tướng huyễn hóa, chẳng thấy người cúng dường và người thọ nhận.

Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: Hiện tại ông chẳng trụ Phật thừa chăng ?

Ngài Văn-thù thưa: Theo con nghĩ, chẳng thấy một pháp làm sao được trụ Phật thừa.

Phật hỏi: Này Văn-thù-sư-lợi, ông chẳng được Phật thừa chăng ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Phật thừa chỉ có danh tự, chẳng phải có được, cũng chẳng thể thấy thì làm sao con được ?

Phật hỏi: Này Văn-thù, ông được trí vô ngại chăng ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Con chính là vô ngại, tại sao dùng vô ngại để được vô ngại ?

Phật hỏi: Ông ngồi đạo tràng chăng ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Tất cả Như Lai chẳng ngồi đạo tràng, làm sao hôm nay con một mình ngồi đạo tràng ? Vì sao ? Vì hiện tại thấy các pháp trụ thật tế”.

Giải thích: Nếu rõ nhất tâm thật tế thì tất cả không thật có, do không thật có nên có thể thành tựu vô biên Phật sự, trong mỗi việc đều chẳng trái thật tế. Nếu hiểu như thế chưa hẳn là chẳng ngồi đạo tràng hay là ngồi đạo tràng. Lúc đang ngồi đạo tràng là chẳng ngồi đạo tràng, vì sao ? Vì đạo tràng chẳng ra ngoài thực tế.

Kinh Đại Phẩm nói: “Nếu trụ tất cả pháp thì chẳng trụ bát-nhã ba-la-mật, chẳng trụ tất cả pháp mới trụ bát-nhã ba-la-mật”.

Giải thích: Nếu trụ pháp thì chẳng thấy bát-nhã, nếu trụ bát-nhã thì chẳng thấy pháp vì bát-nhã vô tướng, pháp có tướng; bởi hữu vô trái nhau nên như thế. Lại chẳng phải lìa pháp hữu tướng riêng lập bát-nhã vô tướng, vì tướng tức vô tướng, toàn là bát-nhã.

Kinh nói: “Sắc vô biên nên bát-nhã vô biên”. Lại nói: “Nếu học bát-nhã nên học tất cả pháp, vì sao ? Vì bát-nhã là nghĩa vô trụ, khởi tâm tức là trụ trước, nếu chẳng trụ tất cả pháp chính là bát-nhã, nên nói nếu học bát-nhã nên học tất cả pháp. Cho dù trụ bát-nhã cũng thành ngu muội, chỉ cần tất cả chỗ đều vô trụ thì không gì chẳng phải bát-nhã”.

Kinh Kim Cang Tràng Đà-la-ni ghi: “Ngài Văn-thù bạch Phật: Có một pháp mà Bồ-tát tu hành có thể vào tất cả pháp môn đà-la-ni chăng ?

Phật đáp: Có pháp môn nhất tự Bồ-tát tu hành có thể nói pháp môn thiên vạn tự mà pháp môn nhất tự này cũng chẳng thể nói hết, các pháp đều trở về nhiếp nhập pháp môn nhất tự”.

Kinh Chuyển Nữ Thân nói: “Nếu đối với các pháp chẳng thấy sai biệt thì hẳn có thể thành tựu chúng sinh”. Lại nói: “Nếu biết các pháp đều là tướng giải thoát đây gọi là cứu cánh giải thoát”.

Giải thích: Chấp tâm là cảnh thì mọi việc là trần lao; biết cảnh là tâm thì đều giải thoát. Do đó nhị thừa chỉ chứng nhân không, xa lìa nhân ngã hư vọng gọi là giải thoát, chưa được pháp không tất cả giải thoát, vì chẳng biết tâm.

Kinh Nhập Lăng Già có bài kệ:

Các pháp không pháp thể
Mà nói chỉ là tâm
Chẳng thấy được tự tâm
Sinh khởi các phân biệt.

Kinh Xuất Diệu nói: “Thân mặc áo giáp giới cấm mà không có kiếm trí tuệ thì không thể tiêu diệt thủ lĩnh kết sử”. Cho nên biết nếu chẳng quán tâm diệu tuệ thành tựu thì chẳng có thể đoạn căn bản vô minh. Do đó kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Trì phạm chỉ khống chế thân, chẳng phải thân không chỗ thúc liễm; vốn chẳng phải trùm khắp tất cả thì làm sao được viên thông”.

Kinh Pháp Hoa nói: “Đại đạo chỉ có một không có hai”. Giải thích: Chí nên quy về một, là chủ của muôn pháp, như nước không có hai vua, nhà không có hai chủ.

Nếu lìa đây riêng có sự tìm cầu thì thành hai đạo. Như kinh Bồ-tát Hành Phương Tiện nói: “Cầu pháp là chẳng cầu đối với tất cả các pháp”. Lại nói: “Nếu có sở cầu thì không thể là sư tử hống; nếu không sở cầu thì có thể là sư tử hống”.

Giải thích: Kinh Niết-bàn nói: “Sư tử hống là lời nói quyết định tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Nếu biết tự tâm đầy đủ Phật tính thì ngoài tính lại có pháp để cầu sao ?

Kinh Na Tiên ghi: “Vua hỏi Na Tiên: Thế nào là nhất tâm ? Na Tiên nói: Các điều thiện riêng có nhất tâm tối đệ nhất. Các điều thiện đều tùy theo nhất tâm, ví như thềm lầu phải có chỗ nương dựa, các thiện đạo đều nương vào nhất tâm”.

Kinh Tạp Tạng ghi: “Xà vương ban áo báu cho Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát trên tòa chợt biến mất; Xà vương lần lượt ban cho các Bồ-tát Thanh văn cũng như thế, cho đến Xà vương tự mặc áo ấy cũng chẳng thấy thân, nhân đây Xà vương ngộ đạo”.

Giải thích: Lý do chư Phật khởi giáo đều là phá trừ hai chấp thân tâm, cho nên kinh Kim Cang ghi: “Phật nói chẳng phải thân gọi là thân lớn”. Luận Bảo Tạng nói: “Lý thanh hư rốt ráo không thân, tâm cũng như thế”. Nếu có thể trực ngộ thân tâm của mình người đều bất khả đắc, ngoài tâm không pháp, muôn cảnh đều không thì đồng với sự giác ngộ của Xà vương. Kinh Vô Lượng Nghĩa ghi: “Phật bảo Bồ-tát Đại Trang Nghiêm: Có một pháp môn có thể khiến Bồ-tát chóng được bồ-đề.

– Bạch Thế Tôn, pháp môn ấy là gì ? Nghĩa nó thế nào ?

– Này thiện nam, pháp môn ấy gọi là vô lượng nghĩa, Bồ-tát muốn được tu học vô lượng nghĩa cần phải quán sát tất cả các pháp từ xưa đến nay tính tướng không tịch, không lớn, không nhỏ, không sinh, không diệt, chẳng trụ, chẳng động, chẳng tiến, chẳng thoái, như hư không không có hai pháp, nhưng chúng sinh hư vọng chấp càn là đây, là kia, là được, là mất”.

Giải thích: Pháp môn ấy gọi là vô lượng nghĩa chính là môn nhất tâm hay sinh vô lượng nghĩa, vì chẳng giữ tự tính, tùy duyên thành các pháp, lúc đang tùy duyên cũng chẳng mất tự tính; bởi chúng sinh chẳng rõ nên chỉ theo duyên khởi động, chẳng thấy tính tịch diệt, cho nên đối với các pháp chấp càn có không, kia đây, được mất.

Kinh Như Lai Thị Giáo Thắng Quán Vương ghi: “Đại vương nên biết, ví như người nam hoặc người nữ thấy những việc ưa thích trong chiêm bao như vườn rừng, hang núi, thành ấp, các dị loại; sau khi tỉnh giấc những việc trên đều rỗng không. Cũng thế đại vương, ngôi vua, thân mạng hư dối vô thường, tất cả đều là những việc trong chiêm bao”. Nên biết cảnh giới trong mộng và cảnh giới lúc thức đều là do duy tâm thấy không khác biệt. Người đời chỉ tin cảnh chiêm bao là giả, chấp cảnh lúc thức là thật, cho nên bậc đại giác xót thương nói cho biết đem niềm tin nơi giả phá niềm tin nơi thật, khiến cho niềm tin nơi thật đồng với niềm tin nơi giả, đốn ngộ pháp không, đều vào Tông Cảnh.

Kinh Nhập Pháp Giới Thể Tính ghi: “Bấy giờ trưởng lão Xá-lợi-phất từ nơi trụ xứ đi đến chỗ ngài Văn-thù-sư-lợi, nhưng chẳng gặp Bồ-tát liền đến chỗ Phật đứng ngoài cửa. Khi ấy Thế Tôn bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: Hôm nay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đứng ngoài cửa là muốn nghe pháp, hãy mời ông ấy vào.

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, Xá-lợi-phất tế như pháp giới tế. Bạch Thế Tôn, hai tế này đâu có ở trong, ở ngoài, ở giữa ? Đức Phật nói: Chẳng phải. Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, nói thực tế cũng chẳng phải thực tế, như vậy tế chẳng phải tế không trong, không ngoài, không đến, không đi. Bạch Thế Tôn, trưởng lão Xá-lợi-phất tế chính là thật tế, Xá-lợi-phất giới chính là pháp giới. Bạch Thế Tôn, nhưng pháp giới này không ra, không vào, chẳng đến, chẳng đi; trưởng lão Xá-lợi-phất từ đâu đến, sẽ vào nơi nào ?

Phật nói: Này Văn-thù-sư-lợi, nếu ta ở bên trong cùng với các Thanh văn bàn bạc, ông ở bên ngoài chẳng nghe, ý ông chẳng sinh khổ não chăng ?

Ngài Văn-thù-sư-lợi thưa: Bạch Thế Tôn, không. Vì sao ? Vì pháp được nói chẳng lìa pháp giới, Như Lai nói pháp tức là pháp giới, pháp giới tức là Như Lai giới. Nói pháp giới như pháp giới ngôn thuyết giới không hai không khác; chỗ có danh có thuyết đều chẳng lìa pháp giới. Bạch Thế Tôn, do nghĩa này nên con chẳng khổ não. Bạch Thế Tôn, nếu Hằng hà sa kiếp con chẳng đến nơi Thế Tôn nói pháp, khi ấy con chẳng sinh ưa thích cũng không lo buồn, vì sao ? Nếu có hai thứ liền sinh lo buồn, vì pháp giới không hai nên không khổ não”.

Giải thích: Thế nên trong ngoài vô tế, chân tục nhất nguyên, vào trong Tông Cảnh vui buồn chẳng chứa trong tâm, trụ nơi không hai; yêu ghét chẳng để nơi lòng, cho nên biết chẳng đến chẳng đi thấy Phật chẳng dời nương niệm, chẳng gần chẳng xa nghe pháp nào vượt qua đầu lông, được tâm của ngài Văn-thù mới biết pháp nhĩ; khới cái thấy của chúng sinh tự cách tình trần.

Kinh Thâm Mật Giải Thoát nói: “Chư Phật Như Lai khéo biết sở giác, lìa hai hạnh đến nơi vô tướng, tu hành các Phật hạnh được tất cả bình đẳng của chư Như Lai đến chỗ không chướng ngại, có thể đến tất cả pháp luân bất thoái có thể đến cảnh giới chẳng thể hàng phục bất khả tư nghì thể, có thể đến tất cả ba đời bình đẳng, có thể đến tất cả các thế giới thân, có thể đến nơi các pháp không nghi, có thể đến tất cả trí hạnh cứu cánh, có thể đến cảnh giới pháp trí không nghi, được tất cả thân vô phân biệt, có thể đáp tất cả câu hỏi của Bồ-tát, có thể đến bờ kia của hạnh không hai, có thể đến chỗ giải thoát trí không có sai biệt của chư Phật, có thể đến cảnh giới tam-muội không hai bên không ở giữa, rộng lớn như pháp giới, cứu cánh như hư không, tận cùng thuở vị lai”.

Giải thích: Khi ngộ tâm mới biết đích thân đến chỗ các pháp không nghi, thấy tính mới rõ đốn chiếu môn vạn cảnh vô tướng. Đây là chỗ tu hành của Như Lai, là chỗ rõ biết của bậc đại giác, cho nên nói rộng lớn như pháp giới, cứu cánh như hư không, vô thỉ vô chung tận thuở vị lai.

Kinh Kim Cang Vương Bồ-tát Bí Mật Niệm Tụng Nghi Quỹ nói: “Ngồi ngay thẳng tư duy: Tất cả các pháp từ tự tâm khởi, từ xưa đến nay đều không thật có”.

Kinh Di-lặc Thành Phật có bài kệ:

Nghĩ đến chúng sinh khổ
Muốn cứu không thể được
Ngày nay chứng bồ-đề
Rỗng rang không thật có.

Giải thích: Tâm thức niệm niệm phan duyên ràng buộc trần cảnh chẳng được tự tại chính là nỗi khổ của chúng sinh. Nếu rõ cảnh không, không bị trói buộc thì nội kết chẳng sinh, chứng hội nhất tâm, căn trần đều bặt liền vào pháp giới tính không, chứng bồ-đề vô tướng.

Do đó kinh Pháp Hoa Tam-muội nói: “Vô trước thì vô sở y, vô lụy thì tâm tịch diệt, bản tính như hư không gọi là đạo vô thượng”. Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật ở nơi đây được vô thượng chính đẳng chính giác, chư Phật ở nơi đây chuyển pháp luân, chư Phật ở nơi đây nhập niết-bàn. Thế nên tám tướng thành đạo của chư Phật, tứ nhiếp độ sinh của Bồ-tát, tự lợi lợi tha thảy đều thành tựu trong bản tính không này”.

Kinh Tạp Tạng nói: “Ví như hai khúc gỗ cọ vào nhau thì sinh ra lửa trở lại đốt cháy khúc gỗ, lửa chẳng từ gió sinh, chẳng từ nước sinh, chẳng từ đất sinh. Bốn loại ma cũng như thế, đều từ tâm sinh, chẳng từ ngoài đến. Ví như họa sĩ vẽ hình tượng tùy theo tay mà có lớn nhỏ, tuy nhân duyên hợp có màu sắc, có tấm bảng, có cây bút nhưng họa sĩ chẳng vẽ thì không thể thành hình tượng. Bốn loại ma cũng như thế, nếu tâm đã kiên cố thì không sinh khởi”.

Giải thích: Thế nên nhất tâm chẳng động thì pháp chẳng hiện tiền, như họa sĩ chẳng vẽ thì không có hình tượng, cho nên chẳng động nhất tâm thì có công đức lớn. Như kinh Pháp Cú ghi “Phật dạy: Này thiện nam, bậc thiện tri thức có công đức lớn có thể khiến các ông đối với tham dục, sân khuể, ngu si, tà kiến, ngũ cái, ngũ dục, trong trần lao kiến lập Phật pháp mà chẳng khởi các pháp ấy, nhất tâm có công đức lớn ví như có người lái thuyền vững tay vượt qua biển lớn, chẳng động thân tâm mà đến bờ kia”.