TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 95

Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã nói: “Như Lai trong ba đời cùng ở một chỗ tự tính thanh tịnh vô lậu pháp giới, hoặc đồng hoặc khác bất khả tư nghì, trí tuệ thần lực đồng một pháp giới, bát-nhã phương tiện hai tướng bình đẳng”.

Giải thích: Cùng ở một chỗ tự tính thanh tịnh nghĩa là tất cả phàm Thánh đều lấy vô sở trụ mà trụ một chỗ tự tính thanh tịnh tâm bí mật tạng. Hoặc đồng hoặc khác bất khả tư nghì nghĩa là vì tướng báo thân diệt độ tương nhập tương tức nên gọi là hoặc khác; vì tính tự thể pháp thân tương biến tương tức nên nói hoặc đồng; như hạt cải, chiếc bình, cây đèn, ngôi nhà đồng dị khó lường nên nói bất khả tư nghì. Bát-nhã phương tiện hai tướng bình đẳng nghĩa là chư Phật lấy bát-nhã và phương tiện trợ giúp lẫn nhau. Vì sao ? Vì bát-nhã quán không chẳng trụ sinh tử, vì phương tiện chấp hữu chẳng trụ niết-bàn. Vì chẳng trụ sinh tử nên trí nhãn thường sáng, vì chẳng trụ niết-bàn nên bi tâm tương tục. Bi trí đồng thể nên nói bình đẳng.

Kinh Tối Thắng Vương nói: “Lìa trí vô phân biệt không còn trí thù thắng, pháp như như không có cảnh giới thù thắng”.

Giải thích: Tất cả cảnh giới đều là ý ngôn phân biệt nên không có cảnh chỉ có thức. Nếu rõ thức không chỉ là một chân tâm thì thành tựu vô phân biệt trí, đây là thuyết thứ nhất về trí vô đẳng đâu có trí nào khác có thể vượt qua. Tính nhất tâm chân như này là chỗ nương tựa của vạn pháp nên lìa ngoài tính ấy nơi nào riêng có chút trần có thể chỉ ra. Nếu lìa cảnh trí nhất tâm này hoặc có chỗ thấy đều là mắt bệnh, tâm cuồng chẳng thấy chân thật. Cho nên kinh Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới nói: “Như những người mắt bị lòa cùng ở một chỗ đều thấy khác nhau mà chẳng chướng ngại nhau, đều do con mắt lòa chẳng thấy sắc chính xác; chúng sinh cũng thế, sắc tính vô ngại, bởi tâm duyên khác nhau nên che lấp chính kiến chẳng rõ chân thật”.

Kinh Thiền Yếu nói: “Bồ-tát Khí Chư Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn, thiền môn bí yếu là một môn hay là nhiều môn ? Nếu có nhiều môn thì có hai pháp; nếu là một môn tại sao dung chứa vô lượng vô biên chúng sinh mà chẳng chướng ngại ? Phật bảo: Này thiện nam, môn thiền yếu này chẳng phải một môn, cũng chẳng phải nhiều môn. Tất cả chúng sinh tính đồng hư không, tuy đồng hư không mà nơi mỗi thân tâm đều có thiền môn, thật sự chẳng cùng tu tập, vì sao ? Ngậm miệng không nói ngầm hợp với lý. Miệng là thiền môn nhiếp con mắt phân biệt hỗn hợp không sai khác. Con mắt là thiền môn, tai nghe âm thanh biết rõ là hư vọng, rốt ráo tịch diệt, cũng như người điếc. Tai là thiền môn, cho đến thân ý cũng lại như thế. Này thiện nam, thâu nhiếp các trần lao vào môn bất nhị, khoáng triệt thanh hư trạm nhiên ngưng định.

Giải thích: Tâm là thiền môn, thân là tuệ tụ; thiền hay rỗng lặng, tuệ hay khởi chiếu; tịch chiếu không khác mới vào bình đẳng. Như Vĩnh Gia Tập nói:

Xa-ma-tha tuy tịch mà thường chiếu,
Tỳ-bà-xá-na tuy chiếu mà thường tịch,
Ưu-tất-xoa phi chiếu phi tịch,
Chiếu mà thường tịch nên tục tức chân,
Tịch mà thường chiếu nên chân tức tục.
Phi tịch phi chiếu nên im lặng nơi Tỳ-da.

Cho nên biết nếu rõ niệm vốn chẳng khởi, thường ở nơi đẳng trì; chẳng biết cảnh do niệm sinh, trở lại ngộ chân tâm cũng động. Vì thế kinh Viên Giác nói: “Mây bay trăng chuyển; thuyền đi bờ dời”, chẳng biết mây vọng tưởng tự bay, trăng thật làm gì động; đâu biết thuyền phan duyên thường trôi, bờ giác chẳng dời. Như bài tựa trong Viên Giác Sớ nói: “Tâm vốn là Phật, do niệm khởi mà trôi nổi; bờ bến thật sự chẳng dời, do thuyền trôi mà dong ruỗi”.

Kinh Đại Thụ Khẩn-na-la Vương Sở Vấn ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát Thiên Quan hỏi Khẩn-na-la vương Đại Thụ: Bài kệ vi diệu trong chiếc đàn cầm từ đâu phát ra ?

– Này thiện nam, từ trong âm thanh của các chúng sinh phát ra.

– Âm thanh của các chúng sinh từ đâu phát ra ?

– Này thiện nam, âm thanh của chúng sinh từ hư không phát ra. Cho đến nên biết âm thanh này là tính hư không, nghe xong liền diệt. Nếu nó diệt rồi thì đồng với tính hư không, do đó các pháp hoặc nói, chẳng nói đồng tính hư không. Thế nên cần phải chẳng bỏ không tế, như âm thanh kia, các pháp cũng thế, cho đến lại cho âm thanh gọi là ngôn thuyết, nhưng âm thanh này không có trụ xứ. Nếu không trụ xứ thì không kiên thật nên gọi là thật. Nếu nó là thật thì chẳng thể hoại. Nếu chẳng thể hoại thì không có khởi; nếu không có khởi thì không có diệt. Nếu không có diệt đây là thanh tịnh, nếu là thanh tịnh đây là bạch tịnh, nếu là bạch tịnh đây là vô cấu, nếu là vô cấu đây là quang minh; nếu là quang minh đây là tâm tính, nếu là tâm tính đây là vượt qua, nếu là vượt qua đây là vượt qua các tướng, nếu vượt qua các tướng đây là chính vị. Nếu Bồ-tát trụ chính vị thì gọi là được vô sinh pháp nhẫn”.

Giải thích: Vào nhất tâm chính vị là cứu cánh chỉ quy, là chỉ dạy tối hậu, ngôn cùng lý cực không gì vượt qua.

Kinh Đại Phương Đẳng Tu-đa-la Vương ghi: “Khi ấy, Thế Tôn bảo vua Tần-bà-sa-la: Hành thức diệt rồi, thức ban đầu lại sinh hoặc sinh lên cõi trời, hoặc sinh trong cõi người, hoặc sinh nơi địa ngục, hoặc sinh vào súc sinh, hoặc sinh loài ngạ quỉ. Đại vương, bởi thức ban đầu chẳng dứt, tự tâm nối nhau, ứng với nơi thọ báo mà sinh trong ấy. Đại vương, quán các sinh diệt có thể có một pháp từ đời này đến đời vị lai. Đại vương lúc hành thức ấy hết thì gọi là diệt, lúc thức ban đầu khởi thì gọi là sinh. Đại vương, lúc hành thức diệt không cho đi, lúc thức ban đầu sinh không từ đâu đến. Vì sao ? Vì thức tính lìa. Đại vương, hành thức hành thức không, lúc diệt diệt nghiệp không; sơ thức sơ thức không, lúc sinh sinh nghiệp không, quán các nghiệp quả cũng chẳng mất. Đại vương nên biết vì tâm thức ban đầu tương tục chẳng gián đoạn mà thọ quả báo”.

Kinh Hoa Thủ ghi: “Phật nói: Lại nữa Kiên Ý, Bồ-tát vì khéo tu tập nhất Phật tướng nên tùy ý tự tại muôn thấy chư Phật đều có thể hiện tiền. Này Kiên Ý, ví như tỳ-kheo tâm được tự tại quán tất cả vào trong sắc tướng màu xanh hay được tín giải, tất cả thế giới đều là một tướng màu xanh, cảnh sở duyên của người này chỉ là một màu xanh, quán các pháp trong ngoài đều là một màu xanh, vì ở trong duyên ấy được sức tự tại. Này Kiên Ý, Bồ-tát cũng như thế, tùy theo danh hiệu chư Phật được nghe ở thế giới nào bèn chấp lấy tướng của Phật và thế giới ấy liền duyên theo. Bồ-tát khéo tu tập nhân duyên niệm Phật này, quán các thế giới đều thành Phật, vì thường khéo tu tập, quán lực ấy liền có thể liễu đạt tất cả các duyên đều là một duyên, nghĩa là duyên Phật hiện tại đây gọi là đắc môn nhất tướng tam-muội.

Kinh Phật Thắng Đao-lợi Thiên Vị Mẫu Thuyết ghi: “Phật bảo thiên tử Nguyệt Thị: Thế nào gọi là Bồ-tát biết rõ tất cả như hư không ? Ba cõi do tâm tạo tác, chẳng chấp tâm này không có sắc tượng, cũng chẳng thấy không có nơi chốn, không có giáo lệnh cũng như huyễn hóa. Nhân nơi nguồn tâm cầu các pháp thì không thể được. Nếu nơi tâm chẳng cầu tâm thì không chỗ được. Tâm chẳng đuổi kịp vì chẳng được tâm, tất cả các pháp cũng chẳng thể được. Trong các pháp không pháp nào không hình loại, tưởng cũng không có bóng; vô sở hữu và thật đế cũng không chỗ thấy. Không chỗ thấy là đối với tất cả pháp, tâm không chỗ vào, biết tất cả pháp không chỗ thành tựu, cũng không chỗ sinh ví như hư không”.

Kinh Bồ-tát Niệm Phật Tam-muội nói: “Tâm như kim cương, vì thiện căn xuyên thấu tất cả pháp; tâm như chiếc áo ca-lân-đề mềm mại, vì thiện căn nay tạo nghiệp; tâm như biển lớn, vì thiện căn thu nhiếp các giới tụ; tâm như tảng đá bằng, vì thiện căn nắm giữ tất cả sự nghiệp; tâm như núi chúa, vì thiện căn phát sinh tất cả thiện pháp; tâm như mặt đất, vì thiện căn nâng đỡ sự nghiệp của chúng sinh”.

Kinh Diễn Đạo Tục Nghiệp ghi: “Phật bảo trưởng giả: Trí tuệ nhận thức được bốn việc: một là hiểu rõ thân không, bốn đại hợp thành tán hoại vốn không có chủ tể; hai là ba cõi sinh ra đều do tâm tạo, tâm như huyễn hóa dựng lập các hình tướng; ba là biết rõ năm ấm vốn không nơi chốn, tùy theo cái nhân chấp trước ấy mà có tình chấp; bốn là biết mười hai nhân duyên vốn không cội nguồn, nhân đối mà hiện. Khi ấy đức Phật tụng rằng:

Biết rõ thân là không
Do bốn đại hợp thành
Tan diệt không nơi chốn
Từ tâm mà được sinh
Năm ấm vốn không cội
Chấp trước mà được tên
Mười hai duyên không gốc,
Thấu rõ được an lạc.

Kinh Thiện Dạ ghi: “Phật dạy pháp quá khứ không nên nghĩ nhớ, pháp vị lai không nên mong cầu, pháp hiện tại không nên trụ trước. Nếu có thể như thế thì ngay đó giải thoát”.

Giải thích: Đây duyên cảnh ba đời là tương tục thức. Nếu người sơ tâm chưa được một niệm chẳng sinh, hoặc niệm trước chợt khởi, chỉ cần niệm sau chẳng nuối tiếc cũng dần dần tương ưng. Nếu muốn chóng diệt trực quán một niệm, lúc sinh chẳng có chỗ khởi, tự nhiên thuở trước sau bặt dứt ngay đó rỗng lặng.

Kinh Kim Cang Bát-nhã nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc”, vì không đắc nên tự chẳng tương tục.

Kinh Nhập Nhất Thiết Phật Cảnh Giới ghi: “Phật nói: Nếu người tu hành pháp chính niệm thì không một pháp nào chẳng phải là Phật pháp, vì sao ? Vì biết tất cả pháp đều không (…) Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Tu hành chính niệm nghĩa là chẳng lấy chẳng bỏ gọi là chính niệm, chẳng quán chẳng dị gọi là hành, chẳng trước chẳng phược chẳng thoát gọi là hành, chẳng đi chẳng đến gọi là hành.

Phật bảo: Này Văn-thù-sư-lợi, chính niệm hành nghĩa là nơi kia không hành, không lợi, không quá, không chứng, vì sao ? Này Văn-thù-sư-lợi, vì tâm tự tính thanh tịnh nên tâm ấy dù bị khách trần phiền não làm ô nhiễm mà tự tính thanh tịnh tâm chẳng nhiễm. Tự tính thanh tịnh tâm ấy là thể vô nhiễm và bất nhiễm, vì chỗ ấy không có pháp đối trị. Lấy pháp gì đối trị để có thể diệt phiền não này, vì sao ? Sự thanh tịnh ấy chẳng phải tịnh chính là bản tịnh. Nếu bản tịnh tức là chẳng sinh, nếu chẳng sinh tức là chẳng nhiễm, nếu chẳng nhiễm là nó chẳng lìa pháp nhiễm. Nếu chẳng lìa pháp nhiễm thì nó diệt tất cả nhiễm. Lấy pháp gì diệt tất cả nhiễm ? Vì nó chẳng sinh, nếu chẳng sinh chính là bồ-đề, bồ-đề gọi là bình đẳng, bình đẳng gọi là chân như, chân như gọi là chẳng khác, chẳng khác gọi là như thật, trụ tất cả pháp hữu vi vô vi”.

Giải thích: Chỉ cần rõ vô sinh liền vào bình đẳng. Bình đẳng là tính như thật của tất cả hữu vi, vô vi; vì thấy tính này nên dùng nghĩa vô trụ trụ trong tất cả pháp. Nếu chẳng thông đạt tất cả pháp là tính bình đẳng vô sinh nhất tâm chân như, tại nhiễm lìa nhiễm đều bị phiền não làm ô nhiễm. Nếu rõ các pháp vô sinh thì tất cả hữu vi vô vi đều là đạo bồ-đề, làm gì bị ô nhiễm ?

Kinh Hải Long Vương ghi: “Phật bảo Long Vương: Vô tận tạng tổng trì thuyết đức vô lượng, vào trí tuệ vô cực tu tập hạnh Bồ-tát, cho đến nghiêm tịnh đạo tràng đầy đủ các Phật pháp. Đây gọi là vô tận tạng tổng trì, nó có số văn tự danh hiệu và pháp các số dạo nơi chính pháp đều quy về vô tận tạng này làm tổng trì. Bồ-tát vào văn tự không có phân biệt, vì các pháp trong sạch chẳng hoại bản tịnh. Cho đến do tổng trì này đời vị lai là nơi lưu bố của tổng trì ly cấu, đều là chỗ kiến lập của Như Lai, tám muôn bốn nghìn pháp tạng là môn tổng trì đầu tiên, tám muôn bốn nghìn hạnh đều quy về tổng trì, tám muôn bốn nghìn tam-muội đều từ tổng trì, tám muôn bốn nghìn tổng trì vô tận tạng, tổng trì là cội nguồn”.

Giải thích: Vì tự tính thanh tịnh tâm của tất cả chúng sinh là môn tổng trì của các pháp; từ tâm sinh ra, dụng chẳng mất thể nên nói chẳng hoại bản tịnh. Ngọn chẳng lìa gốc nên nói đều là chỗ kiến lập của Như Lai. Sinh ra vạn pháp nên nói vô tận tạng. Đất của phàm Thánh nên gọi là cội nguồn.

Kinh Đại Phương Quảng Như Lai Bí Mật Tạng ghi: “Khi ấy, đại đức A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Bồ-tát Vô Lượng Chí Trang Nghiêm Vương tự đem thân mình cúng dường Như Lai, phải dùng thân gì giác ngộ đạo bồ-đề. Khi ấy các vị Bồ-tát trong thất hoa đồng hỏi ngài A-nan: Ý ngài nghĩ sao có thể lấy thân để giác ngộ bồ-đề không ? Ngài chẳng nên nghĩ như thế, nên dùng thân tâm giác ngộ bồ-đề.

Ngài A-nan bảo: Các thiện nam, nếu chẳng phải thân tâm giác ngộ bồ-đề thì phải dùng cái gì để giác ngộ bồ-đề.

Chư Bồ-tát nói: Đại đức A-nan, thật tính của thân là thật tính bồ-đề, thật tính bồ-đề là thật tính của tâm, thật tính của tâm chính là thật tính của tất cả pháp. Giác thật tính của tất cả pháp nên gọi là giác bồ-đề.

Kinh Kiên Cố Nữ ghi: “Thiếu nữ tên Kiên Cố nói: Lại nữa Xá-lợi-phất, cái gọi là vô thượng chính đẳng chính giác ta chẳng thấy pháp ấy, là vô thượng chính đẳng chính giác. Xá-lợi-phất nói: Nếu chẳng thấy có pháp gọi là vô thượng chính đẳng chính giác, tại sao cô phát tâm bồ-đề muốn cầu giác ngộ bồ-đề ? Kiên Cố đáp: Vì muốn cho những chúng sinh hành tà đạo trụ chính đạo nên tôi phát tâm vô thượng bồ-đề (…) Phật bảo: Lành thay, lành thay! Nếu có thể biết như thế trong tương lai cô sẽ đắc vô thượng chính đẳng chính giác. Kiên Cố thưa: Bạch Thế Tôn, người nào chẳng thấy pháp như thế thì chẳng đắc bồ-đề, thế nên hôm nay con quyết định sẽ đắc vô thượng chính đẳng chính giác. Phật hỏi: Đời vị lai cô giáo hóa chúng sinh chăng ? Kiên Cố thưa: Bạch Thế Tôn, người không thấy pháp như thế thì chẳng thể giáo hóa chúng sinh, thế nên con quyết định sẽ có thể giáo hóa chúng sinh. Phật hỏi: Vị lai cô làm đại đạo sư chăng ? Kiên Cố thưa: Bạch Thế Tôn, người không thấy pháp như thế thì không thể làm đạo sư, thế nên nay con quyết định sẽ được làm đại đạo sư”.

Giải thích: Phải biết nếu thấy một pháp duy tâm là được vào trong Tông Cảnh, pháp nhĩ thường là chủ của tất cả sự giáo hóa, thầy của đạo sư mười phương, vì tự được cội gốc nên có thể nhiếp khắp tất cả pháp ngọn ngành, đều trở về bản địa nhất tâm, cho nên quyết định không nghi. Như thu sóng về nước, hội sắc qui không có gì phải nghi ?

Kinh Đại Trang Nghiêm Pháp Môn ghi: “Phật bảo: Lại nữa trưởng giả, thanh tịnh phan duyên phương tiện hành Bồ-tát, trong tâm pháp của tất cả chúng sinh đều có bồ-đề, vì sao ? Nếu tâm ấy không có sắc, lìa sắc có phân biệt, thể tính như huyễn, kia đây trong ngoài chẳng tương tục gọi là bồ-đề.

Lại nữa trưởng giả, Bồ-tát chẳng nên giác nơi việc khác chỉ cần giác tự tâm vì sao ? Giác tự tâm là giác tâm của tất cả chúng sinh, cho nên nếu tự tâm thanh tịnh tức là tâm của tất cả chúng sinh thanh tịnh. Vì thế như thể tính của tự tâm tức là thể tính của tâm tất cả chúng sinh; như tự tâm lìa cấu tức là tâm tất cả chúng sinh lìa cấu; như tự tâm lìa tham tức là tâm tất cả chúng sinh lìa tham; như tự tâm lìa sân tức là tâm tất cả chúng sinh, lìa sân; như tự tâm lìa si tức là tâm tất cả chúng sinh lìa si; như tự tâm lìa phiền não tức là tâm tất cả chúng sinh lìa phiền não. Được cái giác này gọi là tri giác của nhất thiết trí”.

Giải thích: Nếu rõ nhất tâm biết khắp tất cả, vì tất cả là tất cả của một nên gọi là tri giác của nhất thiết trí. Nếu theo tướng mà hiểu thì chẳng được gọi là tri giác của nhất thiết trí, vì chẳng biết tự tính của các pháp. Do đó kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Tất cả pháp thế gian,
Chỉ lấy tâm làm chủ
Theo hiểu chấp các tướng
Điên đảo chẳng như thật.

Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán ghi: “Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại chẳng trụ, tất cả tâm pháp trong ba đời bản tính đều không thì cái gì gọi là phát tâm bồ-đề ? Lành thay Thế Tôn, mong ngài giải nói dứt trừ lưới nghi hướng đến bồ-đề. Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: Này thiện nam, trong các tâm pháp khởi các tà kiến, vì muốn dứt trừ sáu mươi hai kiến chấp nên ta nói tâm và tâm sở pháp là không. Như vậy các kiến chấp không có chỗ nương tựa, ví như rừng rậm âm u, sư tử bạch tượng hổ sói ẩn núp nơi hoang vu chực chờ hại người. Khi ấy có người trí dùng lửa đốt rừng, do rừng cháy sạch các ác thú không chỗ ẩn núp. Tâm không kiến diệt cũng như thế (…). Này thiện nam, do nhân duyên này uống thuốc “không” trừ tà kiến rồi tâm tự giác ngộ có thể phát bồ-đề. Tâm giác ngộ này là tâm bồ-đề không có hai tướng. Này thiện nam, tâm tự giác ngộ có bốn thứ. Thế nào là bốn ? Đó là phàm phu có hai tâm, chư Phật Bồ-tát có hai tâm. Này thiện nam, hai tâm của phàm phu tướng nó thế nào ? Một là nhãn thức cho đến ý thức đồng duyên tự cảnh gọi là tự ngộ tâm; hai là lìa năm căn tâm và tâm sở pháp hòa hợp duyên cảnh gọi là tự ngộ tâm. Này thiện nam, hai tâm của hiền Thánh tướng nó thế nào ? Một là quán chân thật lý trí, hai là quán nhất thiết cảnh trí. Này thiện nam, bốn thứ này gọi là tự ngộ tâm”.

Giải thích: Hai tâm của phàm phu: 1/ Căn cảnh đồng duyên tâm, đây do hòa hợp sinh không có tự thể, phàm phu chấp thật nên nói là không; 2/ Ly căn cảnh tâm, tức là chân tâm chẳng theo duyên sinh, nếu rõ tâm này thì chân thật phát đạo bồ-đề.

Hai tâm của hiền Thánh: 1/ Lý trí tâm là đệ nhất nghĩa đế, không hữu đều bặt, tính tướng cùng dứt; 2/ Cảnh trí tâm là tùy duyên tục đế, chân tục cùng chiếu, lý sự dung nhau.

Nếu vào trong Tông Cảnh thì đầy đủ bốn tâm phàm Thánh trên; hoặc vào tương tư môn, hoặc Thánh hoặc phàm xen suốt vô ngại; hoặc vào tương dẫn môn hoặc nhất hoặc đa thầm hợp biển pháp tính.

Kinh Thành Cụ Quang Minh Định Ý nói: “Thế nào gọi là mở rộng nhất tâm ? Đó là hiếu để mẹ cha để được nhất tâm; tôn kính thấy bạn để được nhất tâm; dứt ái lìa tục để được nhất tâm; vào ba mươi bảy phẩm để được nhất tâm; lặng lẽ khoáng đạt để được nhất tâm, ở tại phiền loạn để được nhất tâm; nơi chỗ nhiều dục, nhiều tranh, nhiều việc, nhiều não để được nhất tâm; đối với những việc khen chê, được mất, thiện ác chẳng dao động để được nhất tâm; sổ tức nhập thiền, xả sáu trần được thanh tịnh để nhất tâm; tự thân tu hành rồi giáo hóa kẻ khác, đây gọi là mở rộng nhất tâm”.

Kinh Văn-thù-sư-lợi Vấn có bài kệ:

Nếu thấy có một pháp
Pháp khác cũng phải thấy
Vì một pháp là không
Tất cả pháp cũng không.

Giải thích: Tâm có pháp thì có, tâm không pháp thì không. Vạn pháp nhất tâm, tông không hữu đều không nương gá, nêu một ví dụ, các thứ khác đều quy Tông Cảnh.

Kinh Đại Thừa Thiên Bát Đại Giáo Vương ghi: “Đối trước Thế Tôn và đại chúng, Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi nói: Nếu có tất cả Bồ-tát và hữu tình chúng sinh chí cầu vô thượng bồ-đề, tu trì tất cả pháp tam-ma-địa Thánh tính kim cương Phật chân thật, tất cả pháp chính là tâm của tất cả hữu tình. Vì tâm địa pháp tạng của hữu tình chúng sinh có chủng tính phiền não; chủng tính phiền não là tính bồ-đề, tâm xứ của hữu tình bản tính chân tịnh, rỗng không vô sở đắc, thế nên tâm hữu tình là tâm xứ của Đại viên cảnh trí”.

Kinh Ma-ha-diễn Bảo Nghiêm nói: “Ví như họa sĩ vẽ hình tượng quỉ thần rồi tự kinh hãi. Đúng vậy Ca-diếp, những kẻ ngu si tự tạo các pháp tế hoạt như sắc, thanh, hương, vị rồi luân chuyển sinh tử chẳng biết; pháp này cũng như thế”.

Kinh Văn-thù Hối Quá ghi: “Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Nhân dân tu hành các đức bản, chí tính đều khác biệt khiến vào trí tuệ quang minh tổng trì, sự lo buồn khổ não của tất cả nhân dân chư thiên vào trong sự chiếu sáng của quang minh tổng trì, văn tự bản tế của tất cả các luận vào trong sự chiếu sáng của quang minh tổng trì, tất cả các hành, các tường sở ứng đều vào trong sự chiếu sáng của quang minh tổng trì, sử trí phổ môn chư căn chuyển luân đều vào môn quang minh tổng trì, tất cả đồ trang sức đẹp đẽ thanh tịnh đều vào môn quang minh tổng trì, cho đến trụ một sự thấy khắp các sự, trụ các sự đều thấy một sự, lấy một sự vào tất cả sự, lấy tất cả sự vào một sự, dùng một nghĩa dạy bảo khai hóa tất cả các nghĩa, dùng tất cả nghĩa khởi phát một nghĩa, lấy vô duyên nhập vào các duyên, hóa các duyên vào vô duyên, đem pháp vô sự vào chúng sinh, tính hạnh sai biệt, theo tướng hạnh của họ mà chỉ dạy”.

Giải thích: Hay dứt dị tính, nhổ sạch gốc khổ, chứa các hạnh môn, thanh tịnh nghiêm sức khiến vào môn nhất tâm tổng trì. Vì được ánh sáng của Tông Cảnh chiếu soi nên có thể trụ một sự mà thấy các sự, vì một thành nhiều; dùng các nghĩa mà phát một nghĩa, vì nhiều thành một; một thành nhiều mà dụng khắp, nhiều thành một mà thể dung; thể dụng xen nhau, một nhiều tự tại.

Kinh Quán Phật Tam-muội Hải ghi: “Lại nữa A-nan, ví như có người nghèo khổ phước kém nương tựa vào nhà giàu sang để bảo tồn tính mạng. Bây giờ có vương tử đang dạo chơi, tay cầm bình báu, trong bình báu đựng vương ấn. Khi ấy người nghèo giả bộ lân la đến gần rồi giựt lấy bình báu của vương tử chạy trốn, vương tử sai sáu đại binh cưỡi sáu thớt voi đến, tay cầm gươm bén nhanh chóng truy đuổi. Lúc đó, kẻ cướp bình chạy vào đầm hoang cỏ rậm thấy đầy rẫy rắn độc đang phun nọc vào mình, ông ta kinh hãi chạy loạn xạ, bầy rắn rượt theo, ông không chỗ ẩn núp. Nơi đồng hoang ông ta chợt thấy một cây đại thụ cành lá sum suê, mừng rỡ ông ta vội vã đội chiếc bình báu rồi trèo lên cây. Khi ấy sáu đại binh cưỡi voi ào ạt chạy đến nơi, ông ta liền nuốt vương ấn, lấy tay che mặt, vì quá tham tiếc nên không để ý đến đại binh. Khi ấy sáu thớt voi dùng vòi quật ngã đại thụ khiến kẻ cướp rơi xuống đất thân thể tan nát, chỉ có vương ấn ở trong bình báu chiếu sáng. Rắn độc thấy ánh sáng này liền phóng đi tứ tán. Phật bảo ngài A-nan: Người trụ niệm Phật, tâm ấn chẳng hoại cũng như thế”.

Giải thích: Quán Phật tam-muội nghĩa là thấu rõ tự tâm gọi là quán Phật; đã biết tâm rồi chẳng bị cảnh nhiễu loạn, lặng lẽ thường định gọi là tam-muội. Có người nghèo khổ phước kém: Có (hữu) là hai mươi lăm cõi, người là tất cả chúng sinh; do không có pháp tài nên gọi là nghèo khổ; chẳng ngộ Phật tâm nên gọi là phước kém. Nương tựa vào nhà giàu sang là chư Phật, Bồ-tát.

Để bảo tồn tính mạng là nương vào môn quán Phật tam-muội được thấy tự tính thành tựu tuệ mạng (…) Người nghèo khổ rơi xuống đất là nơi thân phàm phu đạt được nhân không và pháp không, thể chứng nhất tâm trụ chân như địa. Thân thể tan nát nghĩa là đã rõ tính duy thức thân kiến tự hết. Chỉ còn vương ấn là ngộ tâm thường trụ. Vì thế hòa thượng Nhất Bát nói:

Trần lao dứt sạch chân như hiện.
Một hạt viên mình vô giá cháu.

Bình báu chiếu ánh sáng là trí, bát-nhã chiếu soi. Bầy rắn độc thấy sáng phóng đi tứ tán là phiền não ba độc của thân, bốn đại biết rõ là không gọi là phóng đi. Người trụ niệm Phật tâm ấn chẳng hoại cũng lại như thế: Do trí vô niệm thấy tính chân giác nên gọi là người trụ niệm Phật; các trần chẳng động một thể chẳng dời gọi là tâm ấn; hằng trụ pháp vị cứu cánh tịch diệt gọi là chẳng hoại; so sánh chỉ còn vương ấn nên gọi là cũng như thế.

Do đó luận Khởi Tín nói: “Được thấy tâm tịnh gọi là cứu cánh giác”, là ý chỉ này.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội ghi: “Bấy giờ Phật bảo thiên tử Hiện Ý: Ông có thể thị hiện chút phần Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội chăng ? Thiên tử Hiện Ý nói với Kiên Ý: Ngài có muốn thấy chút phần Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội chăng ? Kiên Ý đáp: Tôi rất muốn thấy. Thiên tử Hiện Ý vì khéo được sức Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội bèn biến hiện mọi người trong chúng hội đều thành Chuyển Luân thánh vương đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và các quyến thuộc có bảy báu theo hầu, cho đến lại hiện thần lực khiến cho chúng hội đều như Phật Thích-ca Mâu-ni thân tướng đẹp đẽ uy nghi với tỳ-kheo quyến thuộc vây quanh”.

Giải thích: Thiên tử tên Hiện Ý nghĩa là vì tất cả pháp từ ý sinh, hình do tâm hiện nên gọi là Hiện Ý. Đây là biết tự tâm như huyễn không có khuôn mẫu cố định, chỗ thấy sai biệt tùy tâm sinh diệt. Nếu biết huyễn hóa không thật thì thấy chân tính; vì được chân tính nên mới có thể trùm khắp pháp giới, chỉ bày pháp môn như huyễn, hiện khắp sắc thân, dẫn dắt chúng sinh hư huyễn cùng trở về nơi chân thật. Kinh Chuyển Hữu có bài kệ:

Nếu vì nói chân thật
Nhãn chẳng thấy sắc trần
Ý chẳng biết pháp trần
Việc này rất bí mật.

Giải thích: Vào tạng bí mật nhất tâm này thì năng sở đều mất, chẳng cùng với sáu trần tác đối, nên nói nhãn chẳng thấy sắc trần v.v…

Kinh Đại Pháp Cổ nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, vô lượng tướng hào trang nghiêm chiếu sáng; do tính ấy nên tất cả chúng sinh được nhập niết-bàn”.

Giải thích: Cho nên biết tất cả chúng sinh đều có chính nhân Phật tính, lấy vạn hạnh trang nghiêm làm tính dẫn xuất, cho đến nhân viên mãn đạt được quả tính, rốt ráo thành tựu đạo niết-bàn thường lạc nhất tâm.

Kinh Bảo Đỉnh ghi: “Phật bảo: Ca-diếp, ví như có người sợ hãi hư không đấm ngực kêu lên: “Các bạn hãy vì tôi dẹp trừ hư không”. Ca-diếp, ý ông thế nàọ ? Hư không có thể trừ chăng ? Ca-diếp thưa: Bạch Thế Tôn, không thể trừ. Phật bảo Ca-diếp: Nếu có sa-môn, bà-la-môn sợ hãi tính không như thế, ta nói người này đánh mất tâm, sinh cuồng loạn. Vì sao ? Ca-diếp, tất cả các pháp đều là phương tiện thuyết không; nếu sợ cái không này tại sao chẳng sợ tất cả các pháp; nếu tiếc các pháp tại sao chẳng tiếc cái không này ?”.

Luận Phật Tính hỏi: “Kinh này hiển bày nghĩa gì ? Đáp: Vì hiển bày tất cả các pháp bản tính phi hữu nên nói pháp không, chẳng phải pháp diệt rồi sau đó mới không cho nên đối với tính không chẳng nên sợ hãi”.

Giải thích: Tất cả các pháp đều là phương tiện thuyết không nghĩa là những điều nói ra đều là hiển bày tính không, do đó không là tất cả pháp, pháp là tất cả không, chẳng phải trước có mà sau không làm sao trở thành đoạn diệt; nếu trước không mà sau có làm sao chẳng rơi vào vô thường. Thế nên tính vốn thường không, rỗng không không gián đoạn, thể ứng các hữu, hữu tự phồn hưng, có thể nhập tông này nghe các pháp không tâm rất hoan hỷ. Nếu chẳng rõ nghĩa này nghe nói các pháp không tâm rất sợ hãi; vì chẳng rõ pháp không, trái cảnh hiện lượng chấp là sự hiểu biết bên ngoài, nghe nói nghĩa duy tâm sợ rơi vào môn không kiến, tâm cảnh đều mê bèn sinh sợ hãi.

Kinh Độ Nhất Thiết Chư Phật Cảnh Giới ghi: “Phật bảo: Này Văn-thù-sư-lợi, bồ-đề không tướng, không duyên. Thế nào là không tướng, thế nào là không duyên ? Chẳng được nhãn thức là không tướng, chẳng thấy sắc là không duyên; chẳng được nhĩ thức là không tướng, chẳng nghe thanh là không duyên, cho đến ý pháp cũng như thế”.

Giải thích: Không tướng thì không có tâm năng duyên, không duyên thì không có cảnh sở duyên; năng sở đều bặt, chân tâm tự hiện.

Kinh Văn-thù-sư-lợi Hạnh có bài kệ:

Pháp quá, hiện, vị lai,
Chỉ nói không chân thật
Nếu ở nơi chân thật
Một tướng không sai biệt.

Giải thích: Nếu nói về pháp ba đời đều là ngữ ngôn thế đế; nếu rõ chỗ chân thật nhất tâm, một đạo tự không sai biệt thế nào là chỗ bàn luận của ngôn ngữ, chỗ duyên lự của ý thức ?