CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÁCH NHẤT YẾT MA
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010
QUYỂN 8
1. Yết ma chiết phục:
Lúc đó có Bí-sô Thắng diệu thường phạm tội Chúng giáo, các Bí-sô tác yết ma cho hành biệt trụ, từ biệt trụ ban đầu cho đến trùng thu (Bổn nhật trị) và Ma na đỏa, nhưng Bí-sô này cứ tái phạm hoài, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên tác yết ma chiết phục cho Bí-sô Thắng diệu, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma chiết phục. Tác pháp yết ma như sau:
Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô Thắng diệu thường phạm tội Chúng giáo, các Bí-sô tác yết ma cho hành biệt trụ, từ biệt trụ ban đầu cho đến trùng thu (Bổn nhật trị) và Ma na đỏa, nhưng Bí-sô này cứ tái phạm hoài. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Thắng diệu yết ma chiết phục. Bạch như vậy.
Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô Thắng diệu thường phạm tội Chúng giáo, các Bí-sô tác yết ma cho hành biệt trụ, từ biệt trụ ban đầu cho đến trùng thu (Bổn nhật trị) và Ma na đỏa, nhưng Bí-sô này cứ tái phạm hoài. Tăng nay cho Bí-sô Thắng diệu yết ma chiết phục, các cụ thọ chấp thuận cho Bí-sô Thắng diệu yết ma chiết phục thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.… như thế bạch tứ yết ma cho đến câu việc này xin nhớ giữ như vậy.
Phật nói: “ta nay nói hành pháp nên làm của Bí-sô bị chiết phục là không được cho người khác xuất gia thọ Cận viên… nếu không tuân theo các hành pháp này thì phạm tội Việt pháp. Nếu ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ không tái phạm thì Tăng nên cho yết ma thu nhiếp như trong yết ma Linh bố đã nói”.
2. Yết ma khu tẫn:
Lúc đó cụ thọ A thấp bạc ca bổ nại phạt tố ở trú xứ trên núi Chỉ sá làm hạnh xấu, nhơ nhà người như cùng người nữ ngồi chung giường, ăn chung mâm… rất nhiều việc không phải hạnh Sa môn như thế, khiến cho dân chúng sống nơi đây mất lòng tín kính, không những đối với các Bí-sô này mà cả đối với các Bí-sô khác. Cụ thọ A-nan đem việc này bạch Phật, Phật nói: “thầy hãy cùng các Bí-sô đến núi Chỉ sá tác yết ma khu tẫn cho Bí-sô A thấp bạc ca bổ nại phạt tố. Khi sắp đến núi, các Bí-sô nên tập họp lại tác pháp sai một Bí-sô đủ năm đức lên núi gạn hỏi nhóm Bí-sô ở trên núi. Tác pháp sai như sau:
Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô _____ này có thể lên núi Chỉ sá gạn hỏi nhóm Bí-sô A thấp bạc ca bổ nại phạt tố đã làm hạnh xấu, nhơ nhà người. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô _____ này lên núi Chỉ sá gạn hỏi nhóm Bí-sô trên núi. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Khi lên đến núi nên trải tòa, đánh kiền chùy nhóm tăng, Bí-sô được sai này nên gạn hỏi nhóm Bí-sô A thấp bạc ca bổ nại phạt tố, nếu họ đáp những điều gạn hỏi đều là thật thì Tăng nên tác yết ma khu tẫn cho họ, tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, nhóm Bí-sô A thấp bạc ca bổ nại phạt tố… làm hạnh xấu, nhơ nhà người như cùng người nữ ăn chung mâm, ngồi chung giường… rất nhiều việc không phải hạnh Sa môn, khiên người tục mất lòng tín kính. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác yết ma khu tẫn cho nhóm Bí-sô A thấp bạc ca bổ nại phạt tố… Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Nhóm Bí-sô bị khu tẫn này phải tuân theo các hành pháp như không được cho người khác xuất gia thọ Cận viên…, nếu ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc làm hạnh xấu nhơ nhà người này, lúc đó Tăng nên cho họ yết ma thu nhiếp như trong trường hợp trên đã nói”.
3. Yết ma cầu tạ:
Lúc đó Bí-sô Thắng thượng ở trong tụ lạc _________ nói lời xúc phạm trưởng giả Tạp sắc, trưởng giả bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên tác yết ma cầu tạ cho Bí-sô Thắng thượng, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma cầu tạ. Tác yết ma như sau: Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Thắng thượng tại tụ lạc __________ đã nói lời xúc phạm trưởng giả Tạp sắc. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô Thắng thượng yết ma cầu tạ. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Tăng tác yết ma cầu tạ cho Bí-sô này xong thì Bí-sô này phải thuận theo lời Tăng dạy mà làm, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp. Nếu ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin giải yết ma này và hứa là sẽ dứt hẳn việc xúc phạm người tục như thế nữa thì Tăng nên cho giải yết ma. Tăng bảo Bí-sô này: “thầy nên đến chỗ trưởng giả cầu sám tạ, nếu trưởng giả tha thứ thì Tăng mới cho giải yết ma. Cho đến xúc phạm bốn chúng khác cũng vậy, Bí-sô ni nếu xúc phạm người tục và bốn chúng khác cũng nên cho yết ma cầu tạ giống như trường hợp Bí-sô”.
4. Yết ma không thấy tội:
Lúc đó Bí-sô Xiển đà phạm tội, các Bí-sô hỏi có thấy tội không, đáp là không thấy tội, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên tác yết ma không thấy tội xả trí cho Bí-sô Xiển đà, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma không thấy tội xả trí. Tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Xiển đà phạm tội, khi bị gạn hỏi đáp là không thấy tội. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác yết ma không thấy tội xả trí cho Bí-sô Xiển đà. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Khi cho giải yết ma này cũng như các trường hợp trên, chỉ khác ở chỗ là tự nói đã thấy tội. Nếu Bí-sô Xiển đà đã thấy tội mà không chịu như pháp sám hối thì Tăng nên tác yết ma không sám tội xả trí, cho đến giải yết ma này cũng giống như trên, chỉ khác ở chỗ là tự nói đã như pháp sám hối tội này”.
5. Yết ma bất xả ác kiến:
Lúc đó Bí-sô Vô tướng tự sanh ác kiến nói rằng: “như Phật đã dạy pháp chướng ngại không nên tập hành, nhưng tôi biết khi tập hành chẳng phải là chướng ngại”, nhiều Bí-sô nghe biết đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên can riêng Bí-sô này”. Khi được can riêng, Bí-sô Vô tướng vẫn cố chấp không bỏ nói rằng: “những gì tôi nói là thật, những lời khác đều là hư vọng”. Các Bí-sô can riêng không được bèn đến bạch Phật, Phật nói: “các thầy nên tác pháp Bạch tứ yết ma can Bí-sô kia như sau; đánh kiền chùy tập họp chúng, sau đó một Bí-sô bạch yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Vô tướng này tự sanh ác kiến nói rằng: như Phật đã dạy pháp chướng ngại không nên tập hành nhưng khi tập hành tôi biết chẳng phải là pháp chướng ngại. Các Bí-sô tác pháp can riêng như Bí-sô này cố chấp không chịu bỏ ác kiến còn nói rằng: những gì tôi nói là thật, những lời khác đều là hư vọng. Các Bí-sô can rằng: “này Vô tướng, thầy chớ nói lời này: như Phật đã dạy pháp chướng ngại… giống như đoạn văn trên cho đến chẳng phải là chướng ngại. Thầy chớ nên phỉ báng Thế tôn, phỉ báng Thế tôn là không tốt, nếu Thế tôn không nói là pháp chướng ngại thì chẳng phải là pháp chướng ngại; nhưng nếu Thế tôn đã dùng các phương tiện nói là pháp chướng ngại, nếu tập hành nhất định là pháp chướng ngại. Thầy nên bỏ ác kiến này đi. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng cho Bí-sô Vô tướng pháp yết ma không bỏ ác kiến xả trí. Cho đến khi nào Bí-sô kia chưa chịu bỏ ác kiến thì Tăng không nên cùng nói chuyện, vì đây là là kẻ đáng ghét, cực ác như Chiên-đà-la. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Sau khi Tăng tác yết ma này rồi, Bí-sô Vô tướng vẫn cố chấp không bỏ, Phật nói: “từ khi tác bạch cho đến yết ma lần thứ hai xong mà không chịu bỏ ác kiến này thì phạm tội Ác tác, đến khi yết ma lần thứ ba xong mà không chịu bỏ thì phạm Ba-dật-đề”.
6. Yết ma tẫn Cầu tịch ác kiến:
Lúc đó Bí-sô Ô-ba-nan-đà có hai đệ tử tên là Lợi thích và Trưởng đại. Ở trú xứ khác có nhiều Bí-sô đến cùng ở chung với hai Cầu tịch này, cùng đùa giỡn, cùng trạo cử xúc chạm lẫn nhau. Sau đó các Bísô này khởi tâm truy hối, sám hối các tội đã phạm rồi phát tâm dõng mãnh đoạn trừ các hoặc và chứng được quả thù thắng. Hai Cầu tịch này thấy vậy liền phát sanh ác kiến nói rằng: “các Bí-sô này trước kia cùng tôi làm việc phi pháp như vậy, tại sao hôm nay lại chứng được quả tăng thượng, dựa vào nhân duyên này tôi biết lời Phật dạy Dục là pháp chướng đạo nhưng khi tập hành chẳng phải là chướng đạo”, các Bí-sô nghe rồi đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “hai cầu tịch này nói lời phi lý, các thầy nên tác pháp can riêng để hiểu dụ họ”. Khi được can riêng, hai Cầu tịch này vẫn cố chấp không chịu bỏ ác kiến, còn nói rằng: “chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là hư vọng”, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên bạch tứ yết ma chánh can hai cầu tịch như sau: đánh kiền chùy, tập họp chúng, bảo hai cầu tịch ở chỗ mắt thấy tai không nghe rồi sai một Bí-sô bạch tứ yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, hai cầu tịch Lợi thích và Trưởng đại này tự khởi ác kiến nói rằng: tôi biết lời Phật dạy… giống như đoạn văn trên. Khi các Bí-sô tác pháp can riêng, hai cầu tịch này cố chấp không bỏ còn nói rằng: chỉ việc này là thật, ngoài ra đều là hư vọng. Nếu Tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng tác pháp Bạch tứ yết ma để hiểu dụ khiến cho bỏ việc này như sau: “này hai cầu tịch, chớ nên nói rằng… giống như đoạn văn trên cho đến câu hai ngươi nên bỏ ác kiến này đi. Bạch như vậy. Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Sau khi tác yết ma tẫn xong, các Bí-sô không biết đối xử với hai Cầu tịch như thế nào, Phật nói: “các Bí-sô không nên ở chung và ngủ chung phòng với họ, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
7. Yết ma thu nhiếp:
Lúc đó các Bí-sô ở Phệ xá ly cùng chúng Bí-sô ở Cao chiêm phược ca, sau khi được bản tâm liền đến bạch Phật: “Thế tôn, chúng con nay muốn hòa hợp”, Phật nói: “lành thay, này các Bí-sô, nếu Tăng bị phá mà làm cho hòa hợp trở lại thì phước đức nhiều vô lượng vô biên. Như đầu sợi lông bị chẻ ra trăm phần rồi làm cho hợp nhau lại là việc rất khó làm, Tăng đã bị phá mà làm cho hòa hợp trở lại là việc càng khó làm hơn. Từ nay các Bí-sô bị xả trí được theo Tăng xin yết ma thu nhiếp, bạch xin như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, do chúng con là người đứng đầu gây ra đấu tranh, khiến cho Tăng không hòa hợp; việc tranh luận chưa sanh làm cho phát sanh, đã sanh rồi thì nhân đây tăng trưởng. Khi được can ngăn, chúng con còn chống cự lại, hoặc nói có tội hoặc nói không tội, hoặc nói nên xả, hoặc nói không nên xả, hoặc nói có phạm, hoặc nói không phạm… nên Tăng đã tác yết ma xả trí, khu xích chúng con. Sau đó chúng con ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này. Cúi xin Tăng cho chúng con yết ma thu nhiếp, xin thương xót (ba lần).
Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, các Bí-sô này tên __________ là người đứng đầu gây ra đấu tranh, khiến cho Tăng không hòa hợp; việc tranh luận chưa sanh làm cho phát sanh, đã sanh rồi thì nhân đây tăng trưởng. Khi được can ngăn, các Bí-sô này còn chống cự lại, hoặc nói có tội hoặc nói không tội, hoặc nói nên xả, hoặc nói không nên xả, hoặc nói có phạm, hoặc nói không phạm… nên Tăng đã tác yết ma xả trí, khu xích các Bí-sô này. Sau đó các Bí-sô này ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho các Bí-sô __________ này yết ma thu nhiếp, giải yết ma xả trí. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
8. Yết ma cho cùng Tăng hòa hợp:
Phật nói: “nay ta sẽ nói hành pháp của Bí-sô được giải xả trí: Bísô này nên theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp, bạch xin như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, tôi Bí-sô __________ là người đứng đầu gây ra tranh cãi khiến cho Tăng không hòa hợp trụ nên Tăng đã cho tôi yết ma xả trí. Sau khi bị xả trí, tôi biết cải hối và hứa sẽ dưt hẳn việc tranh cãi này, đã theo Tăng xin giải yết ma xả trí, Tăng đã giải yết ma xả trí cho tôi. Nay tôi theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp, cúi xin Tăng cho tôi cùng hòa hợp, xin thương xót (ba lần).
Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô __________ này là người đứng đầu gây ra tranh cãi khiến cho Tăng không hòa hợp trụ nên Tăng đã cho Bí-sô này yết ma xả trí. Sau khi bị xả trí, Bí-sô này biết cải hối và hứa sẽ dưt hẳn việc tranh cãi này, đã theo Tăng xin giải yết ma xả trí, Tăng đã giải yết ma xả trí cho Bí-sô này, nay Bí-sô _____ này theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô _____ này cùng Tăng hòa hợp. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
9. Yết ma cho cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh:
Phật dạy: “nay ta sẽ nói hành pháp của Bí-sô đã được cùng Tăng hòa hợp: Bí-sô này nên theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh, bạch xin như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, tôi Bí-sô __________ là người đứng đầu gây ra tranh cãi khiến cho Tăng không hòa hợp trụ nên Tăng đã cho tôi yết ma xả trí. Sau khi bị xả trí, tôi biết cải hối và hứa sẽ dưt hẳn việc tranh cãi này, đã theo Tăng xin giải yết ma xả trí, Tăng đã giải yết ma xả trí cho tôi. Tôi đã theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp, Tăng đã yết ma cho tôi cùng Tăng hòa hợp, nay tôi theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh.Cúi xin Tăng cho tôi cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh, xin thương xót (ba lần).
Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô __________ này là người đứng đầu gây ra tranh cãi khiến cho Tăng không hòa hợp trụ nên Tăng đã cho Bí-sô này yết ma xả trí. Sau khi bị xả trí, Bí-sô này biết cải hối và hứa sẽ dưt hẳn việc tranh cãi này, đã theo Tăng xin giải yết ma xả trí, Tăng đã giải yết ma xả trí cho Bí-sô này. Bí-sô này đã theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp, Tăng đã cho Bí-sô này cùng Tăng hòa hợp, nay Bí-sô này theo Tăng xin cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Bí-sô _____ này cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
Sau khi Tăng cho cùng Tăng hòa hợp trưởng tịnh rồi, Bí-sô này nên cùng Tăng làm trưởng tịnh, hòa hợp trưởng tịnh là kiết tường, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp.
Lúc đó có Bí-sô bịnh nặng, không có người chăm sóc, các Bí-sô không biết nên cử ai làm người khán bịnh, Phật nói: “từ Thượng tòa cho đến người nhỏ nhất đều nên khán bịnh”, cả chúng vâng lời Phật dạy đều đến thăm bịnh, Phật nói: “không nên đồng loạt đến, nên luân phiên đến thăm bịnh. Khi đến chỗ người bịnh nên thăm hỏi bịnh tình của họ, nếu người bịnh không nói được thì nên hỏi trước người khán bịnh để biết bịnh tình của người bịnh, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó có người bịnh nghèo và người khán bịnh cũng nghèo nên không thể lo liệu thuốc thang, Phật nói: “nếu người bịnh có thân đệ tử, đệ tử y chỉ hoặc Thân giáo sư hay Quỹ phạm sư thì người khán bịnh nên theo họ xin giúp đỡ, nếu họ cũng không có thì nên ở trong kho của Tăng lấy thuốc hoặc tiền thuốc để cung cấp cho người bịnh, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “như Phật đã dạy gặp người bịnh nên cung cấp, vậy nên dùng vật gì để cung cấp?”, Phật nói: “chỉ trừ tánh tội, các vật thanh tịnh khác đều tùy ý cung cấp”. Lúc đó có Bí-sô bịnh kiết lỵ, Bí-sô trẻ tuổi làm người khán bịnh, khi đến thăm hỏi người bịnh đều kính lễ; sau đó có vị lớn đến thăm bịnh, người bịnh phải ngồi dậy kính lễ, do dây nên té ngã. Phật nói: “thân người bịnh bất tịnh không nên kính lễ họ, được kính lễ người bịnh cũng không nên thọ và cũng không nên kính lễ người khác. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.
Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “như Phật đã dạy người không thanh tịnh không nên thọ người lễ kính, cũng không kính lễ người khác. Thế tôn, có mấy loại bất tịnh ô uế?”, Phật nói: “có hai: một là cắn nhai bất tịnh, hai là ô uế bất tịnh. Cắn nhai bất tịnh tức là khi đang xỉa răng, đánh răng; khi đang ăn các loại thức ăn và sau khi ăn xong chưa có súc miệng sạch thì đều gọi là bất tịnh. Ô uế bất tịnh là sau khi đại tiểu tiện, khi đang quét dọn chỗ bất tịnh và sau khi cạo tóc xong mà chưa tắm rửa hoặc rửa tay chân sạch sẽ thì đều gọi là bất tịnh. Khi đang bất tịnh như vậy mà thọ người lễ kính hay kính lễ người thì đều phạm Ác tác”.
Lúc đó Lục chúng Bí-sô tự ỷ mình có tuổi hạ cao hơn nên vào nhà ăn bảo Bí-sô khác đang ăn đứng dậy đi chỗ khác cho mình ngồi, Phật nói: “không nên, dưới cho đến thọ dược hay thọ muối cũng đều không được giành chỗ, đuổi người đi chỗ khác. Ai làm thế thì phạm tội Việt pháp, nhưng khi thọ thực các Bí-sô cũng nên biết theo thứ lớp tuổi hạ để ngồi theo thứ lớp, ai không ngồi thọ thực theo thứ lớp thì phạm tội Việt pháp”.
Như Phật dạy tẩy tịnh thắng nghĩa có ba, đó là tẩy thân, tẩy lời nói và tẩy tâm. Trong đây chỉ nói về tẩy thân là muốn trừ mùi hôi trên thân để được an lạc trụ. Lúc đó do có ngoại đạo ôm lòng kiêu mạn về sạch sẽ, thấy ai trụ trong pháp sạch sẽ thì mới sanh lòng tin. Tôn giả Xá-lợi-phất muốn cho ngoại đạo này từ trong giáo pháp của Phật khởi tâm tín kính, bỏ tà theo chánh nên đối trước ngoại đạo này dùng pháp tẩy tịnh để thu phục, khiến cho ngoại đạo này trụ nơi Sơ quả. Phật bảo các Bí-sô: “hãy theo pháp tẩy tịnh như pháp của tôn giả Xá-lợi-phất mà tẩy tịnh. Khi đi đại tiện nên cầm theo bình nước đến nhà xí, khi sắp vào nhà xí nên cởi y treo trên sào, kế lấy mười lăm cục đất để bên ngoài gần chỗ rửa, cầm ba cục đất cùng vật lau thân và bình nước rửa vào trong nhà xí rồi đóng cửa lại. Khi đại tiện xong, lau thân dưới xong, tẩy tịnh bằng ba cục đất rồi rửa sạch tay trái ba lần, kẹp bình dưới nách trái, dùng tay phải đẩy cửa rồi cầm bình nước kẹp dưới nách trái đi đến chỗ rửa. Kế dùng bảy cục đất để tẩy tịnh tay trái rồi dùng những cục còn lại để tẩy tịnh cả hai tay, cục đất cuối cùng dùng để chùi bình nước rửa, sau đó đến chỗ rửa rửa sạch tay chân rồi cầm lấy y trở về phòng lấy nước sạch súc miệng. Ai không theo pháp tẩy tịnh trên thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô dựa theo tuổi hạ để giành vào nhà xí trước, Phật nói: “nơi chỗ đại tiểu tiện không cần dựa theo tuổi hạ, ai đến trước thì vào trước, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp. Nếu vào nhà xí rồi không được cố ý ở lâu trong đó để làm trở ngại người đến sau, ai cố ý làm thế thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó có Bí-sô im lặng vào nhà xí, không báo cho người đã vào trước biết, người trong nhà xí đang lộ hình nên sanh hổ thẹn, Phật nói: “muốn vào nhà xí nên khảy móng tay hay tằng hắng cho người bên trong biết, nếu im lặng vào thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó có Bí-sô đại tiểu tiện dưới cây hoa, cây ăn trái, Phật nói: “không nên, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp, đại tiểu tiện duới bụi gai thì không lỗi”.
Lúc đó có Bí-sô bịnh sau khi dùng Tô để trị, vẫn bị bịnh khát bức não nên đến hỏi thầy thuốc, thầy thuốc bảo dùng trái Am-một-la. Phật nói: “có năm loại trái cây: một là A lê đắc chỉ, hai là Tỳ bì đắc ca, ba là Am-một-la, bốn là Mật lật giả, năm là Tất bạt lợi. Năm loại trái này vào thời hay phi thời, bịnh hay không bịnh đều được tùy ý dùng”.
Như Phật đã khai cho người ở nước biên phương dùng ngọa cụ da, sau đó do Ô-ba-nan-đà ở trung phương nên Phật chế ngăn trở lại, sau đó ở tại nhà thế tục lại khai cho ngồi trên ngọa cụ da.
Cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: như Phật đã dạy không nên ngồi trên da của năm loài thú, còn da của các loài thú khác thì được, vậy nên dùng để ngồi với kích lượng là bao nhiêu?
Phật đáp: nên dùng kích lượng vừa bằng chỗ ngồi.
Lại hỏi: nếu dùng để lót nằm thì nên dùng kích lượng là bao nhiêu?
Phật đáp: nên dùng kích lượng vừa bằng chỗ nằm.
Phật đã chế Bí-sô không nên dùng da của năm loại thú có nanh vuốt, đó là voi có trí, ngựa có trí, sư tử, cọp và beo. Lúc đó Lục chúng Bí-sô dùng gân của các loại thú trên làm giày có lỗi như trên, Phật nói không nên; họ lại dùng da để vá giày, Phật nói: “đều không nên, như vậy nên biết các loại giày dép có che trước, che sau, hai bên và mũi giày nhọn, giày gai, giày ủng đều không nên mang. Ai mang thì phạm tội Việt pháp”.
Lại hỏi: như Phật đã dạy không được dùng da của voi chúa làm giày, vậy da của các loài voi khác có được dùng làm giày không?
Phật đáp: không được, vì các loài voi khác cũng có sức mạnh của ngà.
Lại hỏi: như Phật đã dạy không được dùng da của Trí mã làm giày, vậy da của các loài ngựa khác có được dùng làm giày không?
Phật đáp: không được, vì các loại ngựa khác cũng có sức mạnh khỏe để chạy.
Lại hỏi: như Phật đã dạy không được dùng da của sư tử, cọp, báo làm giày, vậy da của các loài thú khác có được dùng làm giày không?
Phật đáp: không được, vì các loài thú khác cũng có sức mạnh của móng vuốt.
Sau đó có thợ săn tín kính đem da gấu đến cúng cho các Bí-sô, các Bí-sô không dám nhận; lại có Bí-sô bịnh trĩ đến thầy thuốc yêu cầu điều trị, thầy thuốc nói: “nên mang giày bằng da gấu thì bịnh được lành”, Bí-sô nói Phật chưa cho, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại bi ắt sẽ khai cho”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu bịnh thì được mang”, Bí-sô làm giày nhiều lớp khó tìm được da gấu, Phật nói: “nếu tìm không được thì nên làm một lớp rồi dùng lông lót bên trong đế giày thì được tùy ý mang”.
Cụ thọ Ưu-ba-ly lại hỏi: “da của voi ngựa… kể trên là bất tịnh; vậy thịt, gân, xương và ngà có bất tịnh không?”, Phật nói đều bất tịnh, lại hỏi: “như Phật dạy nên dùng đãy lượt nước, không biết có mấy loại?”, Phật nói: “có năm loại, các Bí-sô nên cất chứa cái lượt nước. Lúc đó các Bí-sô không biết cái lượt nước có mấy loại, Phật nói: “có năm loại:
1. Cái lượt nước lưới vuông: thông thường dùng chừng ba, hai hay một thước vải để làm cái lượt nước, nên làm hai lớp, vải nên dày và mịn để trùng không lọt qua được, nếu vải thưa mỏng thì không nên dùng.
2. Pháp bình tức là bình âm dương.
3. Quân trì: dùng vải bịt miệng bình rồi dùng dây cột nơi cổ bình, nhúng xuống nước cho nửa miệng bình nổi lên, nếu chìm ngập miệng bình thì nước sẽ không vào trong bình, chờ nước vào đầy bình mới lấy ra khỏi nước, vẫn phải xem kỹ có trùng hay không.
4. Chước thủy la: cái lượt nước lưới tròn, hình thức tuy khác nhưng ý hộ trùng là giống nhau.
5. Y giác la: không phải chéo y ca sa, mà là miếng vải vuông chừng một khuỷu tay bịt, cột vào miệng bình để lượt lấy nước khi cần”, lại hỏi: “Thế tôn, nếu không mang theo cái lượt nước thì có được đi ra ngoài chừng năm Câu lô xá để đến thôn khác hay chùa khác hay không?”, Phật nói: “không được, nếu biết đến nơi đó có thể cầu được cái lượt nước, không làm trở ngại công việc thì không phạm”, lại hỏi: “nếu không có cái lượt nước thì có nên đi lại trên bờ sông hay không?”, Phật nói: “nếu nước chảy xiết, không có dòng nước khác chảy vào thì cách năm dặm nên xem nước rồi mới dùng; nếu có dòng nước khác chảy vào thì khi dùng nước cũng phải xem kỹ; nếu nước sông không chảy xiết thì tùy chỗ nên xem kỹ”, lại hỏi: “nước đã lượt rồi mà không xem lại thì có được dùng hay không?”, đáp là không được; lại hỏi: “nước không lượt nhưng có xem kỹ thì có được dùng hay không?”, Phật nói: “nếu xem kỹ thấy không trùng thì được tùy ý dùng”; lại hỏi: “nước đã lượt và xem kỹ thì có được dùng hay không?”, đáp là không trùng thì được dùng. Lúc đó tôn giả A du suất mãn, A-ni-lư-đà dùng thiên nhãn nhìn nước, thấy trong nước có vô lượng chúng sanh, Phật nói: “không nên dùng thiên nhãn nhìn nước, có năm loại nước sạch (tịnh thủy) được uống dùng:
1. Tăng già tịnh thủy: đại chúng sai một Bí-sô xem nước, khi vị này đang như pháp xem kỹ nước, một Bí-sô khác đến nói: “nước này Tăng đã lượt sạch rồi” thì uống dùng không phạm.
2. Biệt nhân tịnh thủy: nếu biết Bí-sô kia đối với giới, kiến, oai nghi, chánh mạng đều thanh tịnh thì dùng nước của vị ấy không phạm.
3. Lự la tịnh thủy: dùng cái lượt nước để lượt nước, không có trùng lọt qua, được dùng không phạm.
4. Dũng tuyền tịnh thủy: ngay chỗ nước suối phun ra thì không có trùng.
5. Tỉnh thủy tịnh thủy: khi múc nước giếng lên xem thấy trong sạch không có trùng, để đến sáng hôm sau thì được tùy ý lấy dùng”.
Lúc đó có Bí-sô do chăm chú xem nước có trùng hay không nên mắt bị loạn thị, Phật bảo không nên nhìn quá lâu, chỉ nên bằng khoảng thời gian xe sáu con bò chở tre quay trở lại, trong khoảng thời gian tâm tịnh xem nước thì không phạm. Nếu nước có trùng, Bí-sô tưởng nước có trùng mà vẫn uống dùng thì phạm Ba-dật-đề; nước có trùng, nghi có trùng mà vẫn uống dùng, cũng phạm Ba-dật-đề; nước không trùng, tưởng có trùng mà uống dùng thì phạm Đột sắc ngật lý ca; nước không trùng, nghi có trùng mà uống dùng cũng phạm Đột sắc ngật lý ca; nước không trùng tưởng không trùng, uống dùng không phạm.
10. Duyên khởi về tăm xỉa răng:
Sau khi Phật chế nên dùng tăm xỉa răng, các Bí-sô tùy ý đứng xỉa răng ở chỗ hiển lộ và chỗ qua lại sạch sẽ, Phật nói: “có ba việc nên làm ở chỗ khuất, đó là đại tiểu tiện và xỉa, đánh răng”. Lúc đó Lục chúng Bí-sô dùng loại tăm xỉa răng dài, Phật nói: “có ba loại tăm: dài, vừa và ngắn. Loại tăm dài chừng mười lóng tay, loại tăm ngắn chừng tám lóng, loại tăm vừa ở giữa hai loại trên”, sau khi xỉa đánh răng xong, các Bísô không có nạo lưỡi nên miệng vẫn hôi, Phật nói: “đánh răng rồi nên nạo lưỡi, Bí-sô được dùng bốn loại là đồng, sắt, du thạch và đồng đỏ để làm cây nạo lưỡi”, Bí-sô lại dùng cây nạo lưỡi bén nên làm lưỡi bị thương, Phật bảo không nên làm bén; lại tìm bốn loại trên không được, Phật bảo: “nên chẻ cây tăm xỉa răng ra làm hai, uốn cong lại để nạo lưỡi. Lại nữa, rửa sạch cây nạo lưỡi rồi mới vất bỏ, khi vất bỏ nên tằng hắng để cảnh giác người khác và bỏ nơi khuất, lấy đất bụi phủ lên. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.