CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÁCH NHẤT YẾT MA
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2010
QUYỂN 7
1. Sám hối tội Chúng giáo (tiếp theo):
Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “nếu người đang hành Biệt trú thấy có khách Bí-sô đến mà không cáo bạch thì phải làm sao?”, Phật nói nên cáo bạch. Lúc đó Bí-sô hành biệt trú thấy có khách Bí-sô đến, chưa kịp cất y bát liền đến cáo bạch: “cụ thọ, tôi Bí-sô _____ cố ý xuất tinh phạm Tăng già bà thi sa… đã hành biệt trụ _____ ngày, còn lại _____ ngày chưa hành, xin cụ thọ liễu tri”, Bí-sô khách vừa nghe liền nổi giận nói rằng: “hãy ngừng lại đi, người ngu si chớ nói với tôi về việc hành biệt trụ”, Bí-sô kia xấu hổ im lặng bỏ đi. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “từ nay Bí-sô khách chưa kịp cất y bát thì không nên đến cáo bạch”, sau đó Bí-sô phạm lại đến từng Bí-sô khách cáo bạch và họ cũng nổi sân như trước, Phật nói: “không nên đến từng người cáo bạch, đợi khi Tăng nhóm bảo bạch y và Cầu tịch ra ngoài rồi mới cáo bạch. Bí-sô đang hành pháp không được ở chỗ không có Bí-sô, nếu có việc cần phải đi ra ngoài giới thì không được ở lại ngủ đêm. Chiều tồi tùy thời tiết nóng lạnh nên lấy nước nóng cho các Bí-sô rửa chân hoặc thoa dầu; khi ngủ nên khởi tưởng lúc thức dậy. Nếu Bí-sô đang hành biệt trụ và Ma na đỏa mà không tuân theo hành pháp này thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó Bí-sô đang hành biệt trú không được chia phòng và cũng không được chia lợi vật, Phật nói nên chia phòng xấu và cho họ lợi vật. Ưu-ba-ly lại hỏi: “nếu Bí-sô đang hành biệt trú và Ma na đỏa nghe tin có Bí-sô là người ưa đấu tranh, ưa bình luận, không có hổ thẹn và biếng nhác sắp đến nơi này thì phải làm thế nào?”, Phật nói: “nếu nghe tin kẻ ác kia sắp đến nơi đây thì người đang hành biệt trú và Ma na đỏa nên đối trước một Bí-sô xả hành pháp đang hành như sau:
Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô _____ cố ý xuất tinh phạm Tăng già bà thi sa, đã che giấu nửa tháng… Khi tôi đang hành biệt trú nghe tin có Bí-sô là người ưa đấu tranh… sắp đến nơi đây. Tôi Bí-sô _____ nay đối trước cụ thọ xin xả hành pháp đang hành, tôi đã hành được _____ ngày, còn lại _____ ngày chưa hành, đợi khi Bí-sô ác kia bỏ đi rồi, tôi sẽ đến thiện Bí-sô thọ lại hành pháp biệt trụ.
Nếu thọ lại hành pháp nên bạch như sau:
Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô _____ cố ý xuất tinh phạm Tăng già bà thi sa, đã che giấu nửa tháng… Khi tôi đang hành biệt trú nghe tin có Bí-sô là người ưa đấu tranh… sắp đến nơi đây. Tôi Bí-sô _____ đã đối trước cụ thọ xin xả hành pháp đang hành, tôi đã hành được _____ ngày, còn lại _____ ngày chưa hành. Nay Bí-sô ác kia đã bỏ đi rồi, tôi đến trước cụ thọ xin thọ lại hành pháp biệt trụ.
Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, một Thân giáo sư, một Yết ma sư, một Giáo thọ sư có được cho hai đệ tử cùng thọ Cận viên một lần hay không?”, Phật nói được, lại hỏi: “hai người này ai lớn hơn?”, Phật nói bằng nhau, lại hỏi: “có được cho ba người cùng thọ một lần hay không?”, Phật nói được, lại hỏi: “có được cho bốn người cùng thọ một lần hay không?”, Phật nói: “không được, vì sao, vì không phải chúng mà làm yết ma cho chúng thì trên lý là trái nhau. Nếu ai làm như vậy thì phạm tội Việt pháp”.
Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “nếu đời vị lai, con người dễ quên, niệm lực ít nên không biết rõ Thế tôn thuyết kinh gì, chế học xứ gì, ở tại đâu thì phải làm sao?”, Phật nói: “tại sáu thành lớn, Như lai trú lâu nhất ở trong đại Chế để, nói ra những nơi ấy thì không phạm”, lại hỏi: “nếu quên hiệu của các vua thì phải như thế nào?”, Phật nói: “nếu quên vua thì nói vua Thắng quang, nếu quên trưởng giả thì nói trưởng giả Cấpcô-độc, nếu quên Ô-ba-tư-ca thì nói Tỳ-xá-khư… nên biết như vậy. Đối với nơi khác thì tùy theo vua hay trưởng giả ở nơi đó mà nói”, lại hỏi: “nếu nói về nhân duyên sự việc đời trước thì phải như thế nào?”, Phật nói: “tùy thời mà nói, như nói thành Bà-la-nê-tư thì có vua hiệu Phạm thọ, có trưởng giả tên Tương tục, có Ô-ba-tư-ca tên Trưởng tịnh”, lại hỏi: “đối với kinh điển không thể ghi nhớ hết thì làm sao thọ trì?”, Phật nói: “nên ghi chép trên lá, trên giấy để đọc tụng thọ trì”.
2. Yết ma súc trượng:
Cụ thọ Ưu-ba-ly lại hỏi: “ nếu có Bí-sô già yếu, không có gậy thì không thể đi lại dễ dàng thì phải làm sao?”, Phật nói: “ai thật già bịnh thì nên vào trong Tăng xin yết ma cất chứa gậy. Tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy nhóm Tăng, Bí-sô già bịnh vào trong Tăng đến trước vị Thượng tòa chắp tay bạch rằng:
Đại đức tăng lắng nghe, tôi là Bí-sô _____ già bịnh suy yếu, nếu không có gậy thì không thể đi lại được, nay theo Tăng xin yết ma cất chứa gậy. Xin Tăng cho tôi là Bí-sô __________ cất chứa gậy, xin thương xót (ba lần).
Lúc đó một Bí-sô trong Tăng nên tác bạch yết ma như sau: Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô ___________ này già bịnh suy yếu, nếu không có gậy thì không thể đi lại được, nay theo Tăng xin yết ma cất chứa gậy. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng cho Bí-sô __________ già bịnh suy yếu này yết ma cất chứa gậy. Bạch như vậy.
Tác yết ma cũng chuẩn theo văn tác bạch, ai được Tăng yết ma cho cất chứa gậy rồi thì dùng gậy chống đi không phạm”.
3. Yết ma cho ngoại đạo bốn tháng ở chung:
Cụ thọ Ưu-ba-ly lại hỏi: “nếu có ngoại đạo mới phát tâm thanh tịnh đến với chánh pháp cầu xuất gia thì phải như thế nào?”, Phật nói: “ngoại đạo nên thỉnh một Bí-sô làm Ô-ba-đà-da, cho ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của thường trú Tăng. Nếu cầu xuất gia, Ô-ba-đà-da nên hỏi các chướng pháp, thấy thanh tịnh thì nhiếp thọ, cho thọ Tam quy ngũ giới trở thành Ô-ba-sách-ca hộ. Sau đó bảo ngoại đạo đến trong Tăng xin bốn tháng ở chung như sau:
Đại đức Tăng lắng nghe, con là ngoại đạo tên _____ theo Ô-bađà-da _______ cầu xuất gia, con nay theo Tăng xin được ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng. Cúi xin Tăng cho con là ngoại đạo tên _____ được ở chúng trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng. Xin thương xót (ba lần).
Bảo ngoại đạo đến đứng ở chỗ chỉ thấy mà không nghe, Tăng sai một Bí-sô tác pháp yết ma như sau:
Đại đức Tăng lắng nghe, ngoại đạo này tên _____ theo Ô-ba-đàda __________ cầu xuất gia, nay theo Tăng xin được ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho ngoại đạo __________ này được ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng. Bạch như vậy.
Đại đức Tăng lắng nghe, ngoại đạo này tên _____ theo Ô-ba-đàda __________ cầu xuất gia, nay theo Tăng xin được ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng. Tăng nay cho ngoại đạo ______ được ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng. Các cụ thọ chấp thụan cho ngoại đạo được ở chúng trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba).
Tăng đã chấp thuận cho ngoại đạo _______ được ở chung trong bốn tháng, mặc y của Ô-ba-đà-da và ăn thức ăn của Tăng xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.
Sau khi Tăng yết ma cho ở chung thì Tăng nên xem họ như là Cầu tịch, cụ thọ Ưu-ba-ly lại hỏi: “như Phật đã dạy nếu thấy ngoại đạo tâm đã điều phục mới cho xuất gia, không biết như thế nào gọi là điều phục?”, Phật nói: “nên ở trước ngoại đạo ca ngợi công đức của Phật pháp tăng và luận bàn sự nghiệp của ngoại đạo. Nếu khi nghe ca ngợi công đức của Tam bảo mà không vui, nghe luận bàn sự nghiệp của ngoại đạo mà khởi sân hận tức là tâm của ngoại đạo này chưa điều phục; ngược lại thì gọi là được điều phục”.
Lại hỏi: như Phật đã dạy thành tựu năm pháp và đủ năm tuổi hạ thì được lìa y chỉ, tùy ý du hành, thế nào là năm?
Phật đáp: năm pháp là biết phạm, biết không phạm, biết tội trọng, biết tội khinh và thông hiểu luật tạng.
Lại hỏi: nếu chỉ đủ bốn hạ nhưng thành tựu năm pháp thì có được tùy ý du hành hay không?
Phật đáp: không được, phải đủ năm hạ.
Lại hỏi: nếu đủ năm hạ nhưng chưa đủ năm pháp thì có được lìa y chỉ hay không?
Phật đáp: không được vì chưa thành tựu năm pháp.
Lại hỏi: nếu chỉ đủ ba hạ nhưng thông hiểu ba tạng, đủ tam minh, trừ hết ba cấu thì có được lìa y chỉ không?
Phật đáp: vẫn phải cần y chỉ vì giáo pháp đã chế định như thế, không phải do đã đắc những gì chưa đắc, đã chứng những gì chưa chứng mà được lìa y chỉ.
Lại hỏi: đủ năm hạ, thành tựu năm pháp mới được du hành, nếu khi đi đến một nơi nào đó thì được trong mấy ngày không cầu y chỉ?
Phật đáp: được đến năm đêm, đây là dựa trên có tâm cầu y chỉ, nếu không có tâm cầu y chỉ thì dù một đêm cũng không được.
Lại hỏi: như Phật đã dạy Bí-sô đủ mười hạ, thành tựu năm pháp được thu nhận Cầu tịch, nếu Bí-sô tuổi đời tám mươi, tuổi hạ sáu mươi nhưng không tụng thông Giới kinh và chưa hiểu ý nghĩa thì phải như thế nào?
Phật đáp: dú sáu mươi hạ vẫn phải cầu y chỉ.
Lại hỏi: nên y chỉ ai?
Phật đáp: nên y chỉ người lớn tuổi hơn mình, nếu không có người lớn tuổi hơn thì nên y chỉ người nhỏ tuổi hơn.
Lại hỏi: nếu như vậy thì phải lễ bái thầy như thế nào?
Phật đáp: chỉ trừ lễ bái dưới chân, các việc khác đều nên làm, vì người này gọi là Lão tiểu Bí-sô.
Lại hỏi: “như Phật đã chế đồng tử đủ bảy tuổi có thể đuổi được chim quạ thì nên cho xuất gia. Nếu đồng tử sáu tuổi có thể đuổi được chim quạ thì có nên cho xuất gia không?”, Phật nói: “chỉ nên cho đồng tử bảy tuổi xuất gia, nhỏ hơn không được”, lại hỏi: “nếu đủ bảy tuổi nhưng không đuổi được chim quạ thì có nên cho xuất gia không?”, Phật nói: “nếu không đuổi được chim quạ thì không nên cho xuất gia”.
Lại hỏi: “nếu Bí-sô hội đủ bảy pháp thì chúng nên sai giáo thọ Bí-sô ni, nếu chưa sai thì nên sai, nếu đã sai thì không nên hủy bỏ, bảy pháp đó là gì?”, Phật nói: “đó là trì giới, đa văn, là bậc kỳ túc, rành ngôn ngữ đô thành, không từng làm nhơ nhiễm Bí-sô ni, khéo hay phân biệt tám pháp Tha thắng và khéo hay giải thích tám pháp tôn trọng.
Sao gọi là trì giới?: Là đối với bốn pháp Ba la thị ca không phạm một pháp nào.
Sao gọi là Đa văn?: Là thông suốt hai bộ giới kinh.
Sao gọi là bậc kỳ túc?: Tức là thọ viên cụ đủ hai mươi hạ hoặc hơn.
Sao gọi là rành ngôn ngữ đô thành?; Có thể hiểu được ngôn ngữ của thành đô và thông cả tiếng địa phương.
Sao gọi là không từng làm nhơ nhiễm Bí-sô ni?; Tức là không hề cùng ni hai thân xúc chạm nhau, nếu lở có phạm thì đã như pháp sám hối.
Sao gọi là khéo hay phân biệt tám pháp tha thắng?: Là khéo biết rõ khai giá của tám pháp đầu.
Sao gọi là khéo giải thích tám pháp tôn trọng?: Là đối với tám việc này khéo hay khai diễn.
Nếu Bí-sô hội đủ bảy đức này chúng nên sai giáo thọ Bí-sô ni.” 4. Yết ma sai giáo thọ ni:
Tác pháp sai như sau: nên vào ngày thứ 15 lúc làm lễ trưởng tịnh, chúng tăng tập họp đầy đủ, lúc đó Tăng tác pháp sai người đến giáo thọ ni chúng. Trước nên hỏi Bí-sô có đủ bảy pháp kể trên: “cụ thọ có thể giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng huệ không?”, nếu đáp có thể thì Tăng nên sai một Bí-sô bạch nhị yết ma như sau:
Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô này tên _________ là người có thể giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới định huệ. Nếu tăng đúng thời đến, tăng nên chấp thuận, nay Tăng sai Bí-sô tên _________ đến giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới định huệ. Bạch như vậy.
Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô này tên __________ là người có thể giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới định huệ. Nay tăng sai Bí-sô tên __________ đến giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới định huệ, nếu các cụ thọ chấp thuận sai Bí-sô tên ______ đến giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới định huệ thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.
Tăng đã chấp thuận sai Bí-sô tên __________ đến giáo thọ cho Bí-sô ni được tăng thượng giới định huệ xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng. Tôi nay nhớ giữ như vậy.
Bí-sô được sai rồi nên đến giáo thọ ni. Mỗi nửa tháng Bí-sô ni nên đến trong trú xứ Bí-sô, đảnh lễ tăng rồi bạch:
Đại đức Tăng lắng nghe, chúng Bí-sô ni tại chùa __________ hòa hợp xin đảnh lễ Đại đức tăng tại chùa _____ và thăm hỏi các vị có được ít não, ít bịnh, khí lực có khinh an không. Chúng Bí-sô ni trong nửa tháng này đến thỉnh người giáo thọ ni.
Thượng tòa nên hỏi chúng ni có hòa hợp không, đáp là hòa hợp, lại hỏi trong nửa tháng qua có lỗi lầm không, đáp là không có, lại nói: “này các cô, trong chúng tăng tại trú xứ này không có Bí-sô nào đến giáo thọ ni chúng, các cô nên tự siêng tu, chớ có buông lung”, ni chúng nên đáp là lành thay. Lại nữa khi Bí-sô ni vào chùa Tăng nên bạch trước với một Bí-sô, cho vào mới được vào; nếu không bạch trước mà liền vào thì phạm tội Việt pháp. Nên bạch rằng: “Đại đức, tôi là Bí-sô ni _____ nay muốn vào trong chùa thỉnh giáo thọ ni”, Bí-sô nên nói: “nếu không phải đến tạo lỗi thì được vào”, ni nên đáp là không phải, Bí-sô đáp là là tốt, nếu không nói như thế thì phạm tội Việt pháp.
5. Yết ma can Bí-sô ni tạp trú:
Lúc đó tại thành Thất-la-phiệt có hai Bí-sô ni tên Khả ái và Tùy ái cùng ở tạp loạn, các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các ni nên ở chỗ khuất can riêng. Khi các ni can riêng, họ vẫn không chịu cải hối nên các ni lại bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các ni: “hãy bạch tứ yết ma ở trong chúng can hai ni kia, nếu có ni khác giống như thế cũng nên tác pháp can như thế, một ni tác bạch yết ma như sau:
Đại đức ni tăng già lắng nghe, hai Bí-sô ni Khả ái và Tùy ái này cùng ở tạp loạn: trạo cử, giỡn cười, ôm ấp nhau… Các ni đã ở chỗ khuất can riêng hai ni kia rằng: “hai cô chớ cùng ở tạp loạn : trạo cử, giỡn cười, ôm ấp nhau như vậy sẽ khiến cho pháp lành suy tổn, không được tăng ích. Các cô hãy ở riêng thì pháp lành mới tăng ích, không bị suy tổn”, khi được can riêng như thế, hai ni kia vẫn cố chấp không bỏ. Nếu Ni tăng già đúng thời đến nghe, Ni tăng già nên chấp thuận, Ni tăng nay yết ma can ngăn hai Bí-sô ni Khả ái và Tùy ái chớ cùng ở tạp loạn.
Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
6. Yết ma can Bí-sô ni khuyên chớ ở riêng:
Lúc đó hai ni Khả ái và Tùy ái cùng ở tạp loạn bị Ni tăng già tác pháp Bạch tứ yết ma can ngăn nên phải ở riêng, Bí-sô ni Thổ-la-nan-đà đến chỗ hai ni này nói rằng: “tại sao hai cô không cùng ở chung mà lại ở riêng, nếu cùng ở tạp loạn thì pháp lành mới tăng ích”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô ni: “hãy ở chỗ khuất can riêng ni kia”, nhưng khi được can riêng, ni kia vẫn cố chấp không chịu bỏ, còn nói: “lời nói này là chơn thật, ngoài ra đều là hư vọng” nên các ni lại bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các ni: “hãy bạch tứ yết ma chánh can, nếu có ni khác giống như vậy cũng nên tác pháp can, một ni tác bạch yết ma như sau:
Đại đức ni tăng già lắng nghe, hai Bí-sô ni Khả ái và Tùy ái này ở tạp loạn, Ni tăng già đã tác pháp bạch tứ yết ma chánh can nên họ đã ở riêng, nhưng Bí-sô ni Thổ-la-nan-đà lại đến chỗ hai ni kia nói rằng: hai cô nếu ở chung thì pháp lành sẽ tăng ích, nếu ở riêng thì pháp lành sẽ suy tổn. Các ni đã can riêng nhưng ni kia vẫn chấp chặt không bỏ, còn nói: lời nói này là chơn thật, ngoài ra đều là hư vọng. Nếu Bí-sô ni tăng già đúng thời đến nghe, Bí-sô ni tăng già nên chấp thuận, Bí-sô ni tăng già nay tác pháp bạch tứ yết ma Không bỏ ác kiến khuyên chớ ở riêng cho ni Thổ-la-nan-đà. Bạch như vậy.
Văn tác yết ma y theo văn tác bạch mà làm.
7. Ni yết ma không lễ bái:
Lúc đó có Bí-sô bị Tăng hòa hợp cho yết ma Xả trí và các Bí-sô ni cũng tác yết ma không lễ bái cho Bí-sô đó. Ni tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, ni chúng tập họp rồi sai một Bí-sô ni tác pháp yết ma như sau:
Đại đức Ni tăng lắng nghe, Tăng hòa hợp đã cho Bí-sô tên ______ yết ma xả trí, nay Ni tăng cũng tác pháp yết ma không lễ bái. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Ni tăng nay tác pháp yết ma không lễ bái cho Bí-sô tên ______. Bạch như vậy.
Đại đức tăng lắng nghe, Tăng hòa hợp đã cho Bí-sô tên ______ yết ma xả trí, nay Ni tăng cũng tác pháp yết ma không lễ bái. Ni tăng nay tác yết ma không lễ bái cho Bí-sô tên _____, các Bí-sô ni chấp thuận tác yết ma không lễ bái cho Bí-sô _____ thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.
Ni tăng đã chấp thuận tác yết ma không lễ bái cho Bí-sô _____ xong rồi, Ni tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.
Sau khi tác yết ma này rồi, các Bí-sô ni không lễ bái, không cùng nói chuyện với Bí-sô đó, nhưng nếu gặp cũng nên đứng dậy vì Bí-sô thuộc về chúng trên.
8. Yết ma can Bí-sô ni tùy thuận:
Lúc đó có Bí-sô ni tuy biết Bí-sô kia bị Tăng hòa hợp cho yết ma xả trí và Ni tăng cũng đã tác yết ma không lễ bái, nhưng vẫn tùy thuận Bí-sô kia. Ni tăng tác yết ma can Bí-sô ni này như sau:
Đại đức Ni tăng lắng nghe, Bí-sô tên _____ đã làm việc phi pháp nên bị Tăng hòa hợp cho yết ma xả trí, Bí-sô ni này tên __________ tuy biết Tăng hòa hợp đã cho Bí-sô tên __________ yết ma xả trí và Ni tăng cũng đã tác pháp yết ma không lễ bái cho Bí-sô đó, Bí-sô ni này tên _____ vẫn tùy thuận, thân gần và thừa sự khiến cho Bí-sô đó không tuân theo lời Tăng dạy. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Ni tăng nay tác yết ma can ngăn Bí-sô ni này chớ tùy thuận, thân gần và thừa sự Bí-sô đó. Bạch như vậy.
Văn yết ma dựa theo văn tác bạch mà làm.
9. Yết ma cho Bí-sô ni ở chung phòng với con:
Lúc đó có Bí-sô ni tên Cấp đa sanh con trai là Ca nhiếp ba nhưng không ở cùng phòng khiến đứa bé kêu khóc, các ni đem việc này bạch các Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “ni Cấp đa nên theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con. Tác pháp xin như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, sau khi Ni chúng tập họp, ni Cấp đa chắp tay quỳ trước Thượng tòa ni bạch:
Đại đức ni tăng lắng nghe, con là Bí-sô ni Cấp đa sanh con trai, muốn ngủ đêm cùng phòng với con. Nay theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con, cúi xin Ni tăng cho con được ngủ đêm cùng phòng với con. Xin thương xót (ba lần).
Ni tăng bảo Cấp đa đến chỗ chỉ thấy không nghe rồi sai một Bí-sô ni tác bạch nhị yết ma cho như sau:
Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô ni Cấp đa này sanh con trai, nay theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, nay Ni tăng tác yết ma cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con. Bạch như vậy.
Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô ni Cấp đa này sanh con trai, nay theo Ni tăng xin yết ma được ngủ đêm cùng phòng với con. Nay Ni tăng tác yết ma cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con, vị nào chấp thuận cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói.
Ni tăng đã chấp thuận cho Cấp đa được ngủ đêm cùng phòng với con xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.
Sau khi được Tăng yết ma cho rồi thì được ngủ đêm cùng phòng với con không phạm, khi đứa bé lớn thì ngăn trở lại”.
10. Yết ma cho Bí-sô ni qua lại nhà thân tộc:
Lúc đó gặp thời buổi đói kém, khất thực khó được đến nổi thân tộc của Bí-sô ni nói rằng: “tôi không thể cung cấp thức ăn cho nhiều người, chỉ có thể cung cấp cho một mình cô mà thôi”, Bí-sô ni đem việc này bạch ni chúng, ni chúng bạch Phật, Phật nói: “gặp lúc thời buổi đói kém, khất thực khó được, ta khai cho Bí-sô ni theo chúng xin yết ma tới lui và dừng ở bên nhà cha mẹ, tác pháp xin như sau: Bí-sô ni nên trải tòa rồi đánh kiền chùy tập Ni tăng, khi Ni tăng nhóm nên lễ Ni tăng rồi ở trước vị Thượng tòa cung kính chắp tay bạch rằng:
Đại đức Ni tăng lắng nghe, con là Bí-sô ni ________ nay gặp lúc thời buổi đói kém, khất thực khó được, không đủ no nên nay con theo Ni tăng xin yết ma tới lui và dừng ở bên nhà cha mẹ. Cúi xin Ni tăng cho con tên _____ yết ma tới lui và dừng ở bên nhà cha mẹ, xin thương xót (ba lần).
Ni tăng bạch nhị yết ma cho, khi Ni tăng tác pháp cho yết ma rồi thì Bí-sô ni được lui tới và dừng ở bên nhà cha mẹ một mình và tùy ý thọ thực không phạm. Sau khi thời thế được mùa sung túc trở lại thì không được một mình đến thọ thực nữa, nếu còn đến một mình thì phạm tội Việt pháp”.
Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu ni chuyển căn thì phải như thế nào?”, Phật nói: “đồng Cận viên và y theo hạ lạp cũ rồi đưa qua chùa Tăng”, lại hỏi: “nếu Tăng chuyển căn thì có được theo hạ lạp cũ rồi đưa qua chùa Ni hay không?”, Phật nói cũng đưa qua chùa Ni, lại hỏi: “nếu cả hai khi đưa qua chùa kia liền chuyển căn trở lại thì phải như thế nào?”, Phật nói: “cũng như trước đưa trả về chỗ cũ”, lại hỏi: “nếu họ chuyển căn đến lần thứ ba thì phải như thế nào?”, Phật nói: “nếu chuyển căn đến lần thứ ba thì họ không phải là Tăng ni, phải cho họ hoàn tục, không được cùng ở chung”, lại hỏi: “nếu Cầu tịch đang thọ Cận viên bỗng chuyển căn thì có thành thọ Cận viên không?”, Phật nói: “thành thọ Cận viên nhưng nên đưa họ đến trú xứ ni”, lại hỏi: “khi người đang thọ Cận viên nói tôi là người tục thì người này có thành thọ Cận viên không?”, Phật nói: “nếu người ấy thọ Cận viên rồi tự nói mình là người tục thì người ấy vẫn mất Cận viên, huống chi là đang thọ. Đây là dựa trên có tâm xả giới mà nói”.
Nếu có Bí-sô muốn xả học xứ, tâm quyết định xả thì nên đối trước một Bí-sô chắp tay bạch:
Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi Bí-sô __________ đối với pháp bất tịnh hạnh không thể phụng trì, tôi Bí-sô _____ nay đối trước cụ thọ xin xả học xứ đã thọ, bỏ hình tướng xuất gia trở lại hình nghi thế tục, từ nay cụ thọ nên biết tôi là người tục. (ba lần)
Nếu đối trước Bí-sô điên cuồng tâm loạn để xả học xứ thì không thành xả.
11. Yết ma linh bố:
Phật tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca… ưa tranh tụng, ở trong chúng thường ưa tranh cãi khiến Tăng không được an lạc trụ, sự cạnh tranh nhân đây triển chuyển tăng trưởng. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma Linh bố, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma Linh bố. Có năm duyên nếu cho yết ma Linh bố thì yết ma này phi pháp phi luật và Tăng phạm tội Việt pháp, đó là không gạn hỏi, không cho ức niệm, việc đó không thật, không tự ngôn và không hiện tiền. Ngược lại nếu trước có gạn hỏi, cho ức niệm, việc đó là thật, có tự ngôn và hiện tiền thì yết ma Linh bố này là như pháp như luật và Tăng cho yết ma không có lỗi. Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức Tăng lắng nghe, nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca… ưa tranh tụng, ở trong chúng thường ưa tranh cãi khiến Tăng không được an lạc trụ, sự cạnh tranh nhân đây triển chuyển tăng trưởng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma Linh bố. Bạch như vậy.
Đại đức Tăng lắng nghe, nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca… ưa tranh tụng, ở trong chúng thường ưa tranh cãi khiến Tăng không được an lạc trụ, sự cạnh tranh nhân đây triển chuyển tăng trưởng. Tăng nay cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma Linh bố, các cụ thọ chấp thuận cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma Linh bố thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba).
Tăng đã chấp thuận cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma Linh bố xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.
Khi Tăng đã cho yết ma Linh bố rồi thì nhóm Bí-sô này không được cho người thọ Cận viên…, sau đó nhóm Bí-sô này ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Tăng nên cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma thu nhiếp, nếu có ai giống như thế cũng nên cho yết ma thu nhiếp. Có năm pháp sau khi cho yết ma Linh bố rồi, nếu chưa cho yết ma thu nhiếp thì không nên cho: một là dựa vào vua, hai là dựa vào quan, ba là dựa vào người khác, bốn là dựa vào ngoại đạo, năm là dựa vào Tăng. Lại có năm pháp không cho yết ma thu nhiếp: một là thừa sự ngoại đạo, hai là ưa thân gần bạn ác, ba là cúng dường ngoại đạo, bốn là không muốn cùng Tăng hòa hợp, năm là không muốn ở chung với Tăng. Lại có năm pháp không nên cho yết ma thu nhiếp: một là mắng Bí-sô, hai là sân hận, ba là quở trách, bốn là làm việc không nên làm, năm là không tu tập học xứ của Bí-sô. Ngược lại nếu có năm pháp thì nên cho yết ma thu nhiếp: một là ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn; hai là cầu mong cứu bạt; ba là tự thân thường kính lễ; bốn là ở trong giới thỉnh cầu thu nhiếp; năm là tự nói sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này, không làm nữa. Lại Có năm pháp sau khi cho yết ma Linh bố rồi, nếu chưa cho yết ma thu nhiếp thì nên cho: một là không dựa vào vua, hai là không dựa vào quan, ba là không dựa vào người khác, bốn là không dựa vào ngoại đạo, năm là không dựa vào Tăng. Lại có năm pháp nên cho yết ma thu nhiếp: một là không thừa sự ngoại đạo, hai là không thân gần bạn ác, ba là không cúng dường ngoại đạo, bốn là muốn cùng Tăng hòa hợp, năm là muốn ở chung với Tăng. Lại có năm pháp nên cho yết ma thu nhiếp: một là không mắng Bí-sô, hai là không sân hận, ba là không quở trách, bốn là làm việc nên làm, năm là thường tu tập học xứ của Bí-sô. Nếu thấy người kia đã được điều phục rồi thì Tăng nên cho yết ma thu nhiếp, Tác pháp xin như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng vân tập, tác tiền phương tiện, nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca đến trong Tăng bạch xin:
Đại đức Tăng lắng nghe, nhóm Bí-sô chúng con là Bán đậu lô khấu đắc ca… ưa tranh tụng, ở trong chúng thường ưa tranh cãi khiến Tăng không được an lạc trụ, sự cạnh tranh nhân đây triển chuyển tăng trưởng nên Tăng đã cho chúng con yết ma Linh bố. Sau khi Tăng cho chúng con yết ma Linh bố, chúng con ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này… Cúi xin Tăng cho chúng con yết ma thu nhiếp, xin thương xót (ba lần)
Một Bí-sô trong Tăng tác pháp yết ma như sau:
Đại đức Tăng lắng nghe, nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca… ưa tranh tụng, ở trong chúng thường ưa tranh cãi khiến Tăng không được an lạc trụ, sự cạnh tranh nhân đây triển chuyển tăng trưởng nên Tăng đã cho yết ma Linh bố. Sau đó nhóm Bí-sô này ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma thu nhiếp, giải yết ma Linh bố. Bạch như vậy.
Đại đức Tăng lắng nghe, nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca… ưa tranh tụng, ở trong chúng thường ưa tranh cãi khiến Tăng không được an lạc trụ, sự cạnh tranh nhân đây triển chuyển tăng trưởng nên tăng đã cho yết ma Linh bố. Sau đó nhóm Bí-sô này ở trong Tăng hiện tướng cung kính, không khinh mạn và mong cầu cứu bạt, theo Tăng xin yết ma thu nhiếp và hứa là sẽ dứt hẳn việc tranh cãi này. Tăng nay cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma thu nhiếp, giải yết ma Linh bố. Các cụ thọ chấp thuận cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma thu nhiếp, giải yết ma Linh bố thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, lần thứ ba)
Tăng đã chấp thuận cho nhóm Bí-sô Bán đậu lô khấu đắc ca yết ma thu nhiếp, giải yết ma Linh bố xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lạng, việc này xin nhớ giữ như vậy.