LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 2

Kinh A-xà-thế Vương nói: Tôn giả Đại Ca-diếp bạch Bồ-tát Diệu Cát Tường: Ví như con sư tử vừa mới sinh liền có sức mạnh, nó đi đến đâu nếu có bầy nai vừa mới nghe mùi sư tử liền bỏ chạy trốn. Dẫu cho voi lớn nghe mùi sư tử cũng kinh sợ kéo giật xích khóa, xích khóa đứt thì rông chạy 4 hướng tìm hang núi ẩn trốn. Cho đến loài thủy tộc chim trời nghe mùi sư tử cũng đều kinh sợ.

Diệu Cát Tường ! Nếu các Bồ-tát đầy đủ sức tuệ cũng vậy. Các Bồ-tát mới phát tâm kia vừa phát tâm đại Bồ-đề liền có thể quá hơn tất cả Thanh Văn Duyên Giác, ma cung chấn động tất cả thiên ma đều sinh run sợ. Vì run sợ nên đều không dám ở yên trong cung điện của mình.

Kinh Bảo Tích nói: Phật nói: A-nan ! Ý ông nghĩ sao ? Ví như có người đứt cả tay chân có sống được chăng ? A-nan đáp: Tay chân tuy đứt nhưng mạng vẫn sống. Phật nói: A-nan ! Nếu như có người cắt bỏ tim có sống được chăng ? A-nan đáp: Thưa không Thế Tôn. Phật nói: A-nan, ông phải biết đệ tử của ta Đại Mục-kiền-liên và Xá-lợi tử giống như tay chân, còn các Bồ-tát giống như tim của ta. A-nan ! Nếu có Bồ-tát ngồi trên xe báu lớn dùng công đức ngũ dục làm các thần thông du hý mà không có ai ngăn cản. Bấy giờ Như Lai vì Bồ-tát ấy ngăn chận lại cho xe đi tới. Nếu Xá-lợi tử và Mục-kiềnliên tu 3 môn giải thoát trải qua một kiếp hoặc quá một kiếp Như Lai không phải làm cho siêng năng sách tiến.

Kinh Phụ Tử Hợp Tập nói: Các Bí-sô ! Có chư Như Lai số nhiều như cát sông Khắc-già trong số kiếp như cát sông Khắc-già khen ngợi các công đức tạng người phát tâm tương ưng nhất thiết trí kia cũng không thể nói hết được. Bởi vì sao ? Như Lai thuở xa xưa tu hạnh Bồ-tát chưa bao giờ tạm thời không phát tâm ấy, nhiếp thụ tất cả hữu tình, tùy nhiếp thụ rồi đối với các hữu tình cũng không khởi tưởng hóa độ. Có vô lượng hữu tình giới, Như Lai khắp trong hữu tình giới đó trải tu các thắng hạnh rộng lớn của Bồ-tát, mỗi mỗi phát tâm chứa nhóm các phúc uẩn. Sở dĩ vì sao ? Các Bí-sô ! Hữu tình giới là vô tận. Vì hữu tình giới vô tận nên Như Lai rộng tu các thắng hạnh của Bồ-tát, mỗi mỗi phát tâm chứa nhóm các phúc uẩn cũng vô tận.

Kinh Như Lai Bí Mật nói: Nếu các Bồ-tát phát tâm Bồ-đề tu thắng hạnh khiến dòng giống Tam Bảo không đoạn tuyệt. Lại nói: Tâm Bồ-đề sinh phúc uẩn Bồ-tát đều đem hồi hướng tất cả hữu tình. Như vậy công đức hồi hướng đầy hư không giới mà còn quá hơn. Phúc uẩn mà tất cả hữu tình có được đều do tâm Bồ-đề của Bồ-tát chuyển.

Kinh Pháp Tập nói: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề giác ngộ tất cả pháp, biết tất cả pháp cùng pháp giới v.v… mà tất cả pháp không phải từ đâu đến, không dừng trụ ở đâu cũng không thể biết. Nhưng dùng trí như lượng biết pháp tính không, khiến tất cả hữu tình cũng giác liễu như vậy. Nếu Bồ-tát phát tâm như vậy, đó gọi là tâm Bồ-đề, tâm lợi lạc tất cả hữu tình, tâm vô thượng, tâm đại từ nhu nhuyến, tâm đại bi không mệt mỏi, tâm đại hỷ không thoái lui, tâm đại xả không cấu uế, tâm không không làm gì khác, tâm vô tướng vắng lặng, tâm vô nguyện vô trụ của Bồ-tát.

Trong đây nên hỏi: Làm sao dùng một ít căn lành hồi hướng nhất thiết trí, cho đến khi ngồi đạo tràng Bồ-đề mà trong khoảng giữa không hết ?

Đáp: Như Kinh Vô Tận Ý nói: Phật bảo tôn giả Xá-lợi tử: Ví như một giọt nước vào trong biển lớn cho đến cùng kiếp trong khoảng giữa cũng không hết. Bồ-tát dùng một ít căn lành hồi hướng nhất thiết trí cũng như vậy. Cho đến khi ngồi ở đạo tràng Bồ-đề trong khoảng giữa cũng không thể hết.

Kinh Thiện Xảo Phương Tiện nói: Như có một Bồ-tát thấy kẻ nghèo khổ khởi tâm bi mẫn thí cho một ít cơm. Như Phật nói, tâm này rộng lớn gọi là thí cao tột, huống chi là thí pháp. Thí ấy tuy ít mà công đức của tâm nhất thiết trí vô lượng.

Kinh Hiền Kiếp nói: Tinh Vương Như Lai nơi Thanh Thụ Như Lai sơ phát tâm Bồ-đề. Đức Tinh Vương Như Lai kia xưa là người chăn bò, vì nhân duyên cúng thí hoa Mạt-câu-la từ đó phát tâm. Danh Xưng Như Lai ở nơi Điện Quang Như Lai sơ phát tâm Bồ-đề. Đức Danh Xưng Như Lai xưa là người thợ dệt, do nhân duyên cúng thí một đoạn hàng dệt từ đó phát tâm. Minh Diệm Như Lai sơ phát tâm Bồ-đề nơi Vô Biên Quang Như Lai. Đức Minh Diệm Như Lai kia xưa là người bảo vệ thành, do nhân duyên cúng thí một ngọn thảo đăng từ đó phát tâm. Nan Thắng Như Lai sơ phát tâm Bồ-đề nơi Kiên Cố Bộ Như Lai. Đức Nan Thắng Như Lai kia xưa là người tiều phu, do nhân duyên cúng thí cây làm tăm xỉa răng từ đó phát tâm. Công Đức Tràng Như Lai sơ phát tâm Bồ-đề nơi Diệu Xưng Như Lai. Đức Công Đức Tràng Như Lai xưa là người đi lấy nước, do nhân duyên cúng thí đồ đựng nước từ đó phát tâm. Lực Quân Như Lai sơ phát tâm Bồ-đề nơi Đại Tý Như Lai. Đức Lực Quân Như Lai kia xưa là thầy thuốc, do nhân duyên cúng thí một quả Yêm-ma-lặc từ đó phát tâm.

Kinh Bảo Tích nói: Nếu như có người vì cầu quả A-la-hán nên dùng ngọc báu ma-ni đầy cả vô biên thế giới đem bố thí, có người Bồ-tát thừa thấy rồi phát tâm tùy hỷ tương ưng nhất thiết trí, mà phúc uẩn tương ưng tùy hỷ này so với phúc uẩn bố thí trước, thì phúc uẩn bố thí trước trăm phần không được một, cho đến ô-ma-ni-sát-đàm phần cũng không được một.

Hỏi: Làm sao Bồ-tát có thể thắng hơn bố thí trước ?

Đáp: Vì hồi hướng nhất thiết trí. Như Kinh Bát-nhã Ba-la-mậtđa nói: Phật nói: Xá-lợi tử ! Bồ-tát Ma-ha-tát nếu muốn thắng hơn tất cả Thanh Văn Duyên Giác tu bố thí trì giới nhẫn nhục tinh tiến thiền định trí tuệ thì phải phát tâm tùy hỷ tương ưng nhất thiết trí, tu học Bát-nhã Ba-la-mật-đa, lấy tâm đại bi dẫn đầu mà chư Bồ-tát nhiên hậu phát tâm Bồ-đề. Cho nên phải biết tâm đại Bồ-đề là lấy đại bi làm dẫn đầu.

Điều này làm sao biết ?

Như Kinh Bồ-tát Tạng nói: Nếu các Bồ-tát muốn cầu Bồ-đề phải lấy đại bi làm dẫn đầu. Ví như sĩ phu có mạng căn là lấy hơi thở ra vào làm dẫn đầu. Các Bồ-tát Ma-ha-tát cũng vậy, trong việc tập họp pháp Đại thừa lấy tâm đại bi làm dẫn đầu. Lại như chuyển luân thánh vương, trong các báu lấy cái báu của bánh xe làm dẫn đầu. Bồ-tát Ma-ha-tát cũng vậy, trong tất cả Phật pháp lấy tâm đại bi làm dẫn đầu. Lại nói: Các Bồ-tát đối với lỗi lầm của mình thường tự quán sát, đối với lỗi lầm của người thì hộ niệm bằng tâm đại bi.

Kinh Vô Úy Thụ Sở Vấn Đại Thừa nói: Phật nói: Trưởng giả ! Nếu các Bồ-tát vì muốn thành tựu đại Bồ-đề phải khởi tâm đại bi đối với tất cả hữu tình, đối với thân mạng mình không sinh ái trước. Cho đến tất cả tiền bạc lúa thóc nhà cửa vợ con, cái ăn cái mặc xe cộ giường ghế hương hoa dầu thơm v.v… tất cả mọi thứ đều không nên tham đắm. Bởi vì sao ? Trưởng giả ! Nhiều các hữu tình đối với thân mạng v.v… đều sinh tham đắm. Do tham đắm nên tạo nhiều tội nghiệp đọa trong ác đạo. Nếu lại có hữu tình khởi đại bi rồi, đối với thân mạng v.v… không sinh tham đắm, do không tham đắm nên sinh thiện thú. Lại có thể đối với tất cả hữu tình kia vận dụng tâm rộng hành các hạnh bố thí v.v… tất cả thiện pháp tương ưng mà làm. Tu Bồ-tát là dùng tâm đại bi mà thành thân.

Điều này làm sao biết ?

Như Kinh Bảo Vân nói: Phật nói: Thiện nam tử ! Nếu các Bồtát đủ 10 pháp thì được đại bi thành thân. Những gì là 10 ?

  1. Thấy tất cả hữu tình bị khổ bức bách không cứu không nơi nương tựa không chỗ về, thấy rồi nên phát tâm đại Bồ-đề làm nơi nương cậy.
  2. Phát tâm Bồ-đề rồi khiến hữu tình kia được pháp thành tựu.
  3. Tùy chỗ đắc pháp vì các hữu tình làm đại lợi ích.
  4. Khiến các hữu tình xan lẫn trụ vào bố thí.
  5. Nếu hủy cấm giới khiến tu tịnh giới.
  6. Nếu nhiều giận dữ khiến trụ nhẫn nhục.
  7. Nếu nhiều biếng nhác khiến phát tinh tiến.
  8. Nếu nhiều tán loạn khiến tu tĩnh lự.
  9. Những người không trí tuệ khiến được thắng tuệ.
  10. Tất cả hữu tình bị cực khổ bức bách, Bồ-tát khắp vì dứt trừ khiến không bị chướng nạn đối với Bồ-đề.

Như vậy gọi là 10 pháp.

Tổng Trì Tự Tại Vương Vấn Kinh nói: Bồ-tát nếu thấy một loại hữu tình bị tham ái trói buộc sinh đam nhiễm vợ con quyến thuộc, bị ái nhiễm ràng buộc không được tự tại Bồ-tát nên vì nói pháp yếu khiến cởi bỏ trói buộc của ái nhiễm được tự tại. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình khởi tâm giận dữ làm thương tổn nhau sinh nhiều tội lỗi, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến dứt trừ tội lỗi nóng giận. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình bị bạn ác lôi cuốn nên xa lìa bạn lành thường tạo tội nghiệp, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến thường được thân cận bạn lành xa lìa bạn ác. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình vô cùng tham ái không biết chán đủ xa lìa thắng tuệ, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến dứt tham ái phát sinh thắng tuệ. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình cho rằng không có nghiệp báo, chấp đoạn chấp thường, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến nhập thậm thâm duyên khởi biết các hành nghiệp. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình bị vô minh si ám che lấp, cháp trước ngã nhân hữu tình thọ giả, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến mắt tuệ thanh tịnh dứt các kiến chấp. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình đắm mùi vị sinh tử, chấp trước 5 uẩn như sát hại v.v…, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến thoát ly tất cả 3 cõi. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình bị ma trói buộc, hoặc yêu hoặc ghét đều sinh trụ trước, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến giải thoát trói buộc của ma trừ tâm trụ trước yêu ghét. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên nếu thấy một loại hữu tình đóng cửa Niết-bàn mở cửa ác thú, Bồ-tát phải vì nói pháp yếu khiến mở cửa Niết-bàn đóng cửa ác thú. Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên phát tâm Bồ-đề nếu đối với pháp nhẫn của Bồ-tát có kẻ hủy báng, chúng sinh tâm khinh mạn gây chướng nạn đối với pháp muốn làm cho Bồ-tát xa lìa pháp nhẫn, Bồ-tát phải biết đó là ma sự khởi.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Giả sử có người gây chướng nạn cho tất cả hữu tình có thiện căn trong tất cả thế giới như vi trần, nếu lại gây chướng nạn đối với một Ưu-bà-tắc không khác sư tôn tu đủ 10 thiện nghiệp có chút ít thiện căn, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì. Giả sử có người gây chướng nạn cho các Ưu-bà-tắc có thiện căn, trong tất cả thế giới như vi trần, lại có người gây chướng nạn cho một Bísô có chút ít thiện căn, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì. Như vậy tuần tự đối với người hành tùy tín, người hành tùy pháp, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, bát nhân địa và người Duyên Giác, người Bồ-tát đi xe dê, người Bồ-tát đi xe voi, người Bồ-tát du hành bằng thần thông mặt trời mặt trăng, người Bồtát du hành bằng thần thông Thanh Văn v.v… Hoặc nếu có người gây chướng nạn cho các người Bồ-tát du hành bằng thần thông Thanh Văn có thiện căn trong tất cả thế giới như vi trần, nếu lại có người gây chướng nạn một thiện căn cho một Như Lai du hành bằng thần thông nơi Bồ-tát khởi tâm khinh mạn sinh giận dữ, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì. Giả sử có người móc lấy mắt tất cả hữu tình trong 10 phương tất cả thế giới như vi trần và cướp lấy tất cả tài vật của cải, nếu lại có người đối với một Bồ-tát khởi tâm khinh mạn giận dữ mắng nhiếc chê bai gây rối, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì. Nếu hoặc có người ở nơi Bồ-tát vì lý do gì đó khởi tâm khinh mạn giận dữ, do tội nghiệp ấy đọa địa ngục gào thét lớn, thân bằng 5 trăm do-tuần có 5 trăm cái đầu, mỗi đầu có 5 trăm cái lưỡi, mỗi cái lưỡi có 5 trăm cái cày cày xới trên cái lưỡi đó có lửa dữ đốt cháy. Giả sử có người ở nơi tất cả hữu tình trong 3 ngàn đại thiên thế giới đều dùng đao gậy đánh đập chặt chém, lại cướp lấy tất cả tài sản của cải, nếu lại có người đối với Bồ-tát khởi tâm khinh mạn giận dữ làm tổn hại, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì. Giả sử có người phát tâm cực ác, tâm không lợi ích tất cả hữu tình, trong thế giới nhiều như số cát sông Khắc-già, trong mỗi thế giói đều giết hại tất cả A-la-hán số nhiều như cát sông Khắc-già, lại phá hoại tất cả tháp miếu chư Phật, các bảo sở nơi có xây dựng lan can trang trí cờ phướn, nếu lại có người ở nơi Bồ-tát tin hiểu Đại thừa cùng gieo trồng giống Đại thừa rồi, vì lý do gì đó khởi tâm khinh mạn sinh giận dữ mắng nhiếc chê bai quấy rối, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì.

Bởi vì sao ? Vì Bồ-tát có thể sinh các Như Lai khiến dòng giống Phật không dứt. Cho nên nếu ai hủy báng Bồ-tát tức hủy báng chính pháp. Nếu ai hủy báng Bồ-tát người ấy không có pháp nào nhiếp thụ được. Vì chỉ có pháp Bồ-tát mới có thể nhiếp thụ. Giả sử có người sinh phẫn nộ với các hữu tình trong 10 phương tất cả thế giới, nếu lại có người đối với Bồ-tát sinh phẫn nộ rồi bỏ đi không thèm thấy mặt, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì. Giả sử có người giết hại tất cả hữu tình trong Diêm-phù-đề lại cướp lấy tất cả của cải, nếu lại có người ở nơi một Bồ-tát mà sinh hủy báng, như vậy tội sau nhiều hơn tội trước gấp số a-tăng-kì.

Kinh Từ Thị Sư Tử Hống nói: Nếu Bồ-tát ở nơi tất cả hữu tình đầy trong 3 ngàn đại thiên thế giới đều sinh giận dữ mắng nhiếc đánh đập mà vị Bồ-tát kia cũng không bị tổn thất hủy hoại, nếu Bồ-tát này hoặc ở nơi một Bồ-tát khởi tâm giận dữ cho dầu rất ít vị Bồ-tát này liền bị tổn thất.

Bởi vì sao ? Bồ-tát kia đã trải qua nhiều kiếp mặc áo giáp nhẫn nhục, thường xuyên không xa lìa tâm nhất thiết trí. Cho nên Bồ-tát này không nên ở nơi Bồ-tát ấy sinh phẫn nộ trong giây lát.

Kinh Diệu Cát Tường Thần Thông Du Hý nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Nay ông phải biết, nói các tổn hại là trong trăm kiếp tích chứa các thiện căn tu tập đều hoại mất hết gọi là tổn hại. Người tu hạnh Bồ-tát phải biết như vậy. Nếu ở nơi Phật Thế Tôn làm việc không lợi ích bị tội báo lớn, làm các việc lợi ích được phúc uẩn lớn.

QUYỂN 2 HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10