LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Kinh Nhập Định Bất Định Ấn nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Giả sử có người móc mắt tất cả hữu tình trong tất cả thế giới 10 phương đến mãn một kiếp, nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân đối với các hữu tình nói trên khởi tâm từ mẫn khiến tất cả được mắt bình phục như cũ đến mãn một kiếp.

Diệu Cát Tường ! Nếu lại có người ở nơi Bồ-tát tin hiểu Đại thừa phát tâm thanh tịnh chỉ chiêm ngưỡng một lúc, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Giả sử có người đi đến kắp 10 phương có hữu tình ở trong lao ngục đều giải trừ lao ngục lại khiến được thành chuyển luân thánh vương hoặc Đế Thích thiên chủ hưởng thụ diệu lạc.

Diệu Cát Tường ! Nếu lại có người ở nơi Bồ-tát tin hiểu Đại thừa phát tâm thanh tịnh chiêm ngưỡng tán thán, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân ở nơi các hữu tình trong tất cả thế giới như vi trần, ngày ngày dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục trời tốt đẹp bố thí khắp như số cát sông Khắc-già, nếu lại có người ở nơi một Ưu-bà-tắc không khác sư tôn, tu đủ 10 thiện nghiệp, khởi ý nghĩ rằng đây là người tu học Phật pháp có giới hạnh, trong một ngày cúng thí một bữa ăn, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Tuần tự như vậy, hoặc một Bí-sô, hoặc người hành tùy tín, hoặc người hành tùy pháp, cho đến hoặc Duyên Giác cúng thí gấp bội bội lần, nếu lại có người chỉ thấy một tượng Phật vẽ, hoặc tượng vẽ Như Lai trong kinh, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Huống chi còn chấp tay tôn trọng, hoặc dùng hoa hương dầu thơm đèn sáng tịnh tâm cúng dường, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Lại nữa nếu có người ở nơi chư Phật Thế Tôn và chúng Thanh Văn nhiều như số cát sông Khắc-già, ngày ngày thường dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục trời tốt đẹp bố thí cúng dường trong số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già, nếu lại có người ở nơi một Bồ-tát đi bằng xe dê, theo một vị Phật nào đó gieo trồng thiện căn, tịnh tâm đầy đủ nhiếp thủ người này, trong một ngày cúng thí một bữa ăn, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Nếu có người ở nơi các Bồ-tát đi bằng xe dê trong tất cả thế giới nhiều như số cát sông Khắc-già, ngày ngày thường dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục trời tốt đẹp bố thí cúng dương trong số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già, nếu lại có người ở nơi một Bồ-tát đi bằng xe voi, trong một ngày cúng thí một bữa ăn, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Nếu có người ở nơi các Bồ-tát đi bằng xe voi trong tất cả thế giới nhiều như số cát sông Khắc-già, ngày ngày thường dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục trời tốt đẹp bố thí cúng dương trong số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già, nếu lại có người ở nơi một Bồ-tát du hành bằng thần thông mặt trời mặt trăng, trong một ngày cúng thí một bữa ăn, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Nếu có người ở nơi các Bồ-tát du hành bằng thần thông mặt trời mặt trăng trong tất cả thế giới nhiều như số cát sông Khắcgià, ngày ngày thường dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục trời tốt đẹp bố thí cúng dường trong số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già, nếu lại có người ở nơi một Bồ-tát du hành bằng thần thông Thanh Văn, trong một ngày cúng thí một bữa ăn, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì. Nếu có người ở nơi các Bồ-tát du hành bằng thần thông Thanh Văn trong tất cả thế giới nhiều như số cát sông Khắc-già, ngày ngày thường dùng trăm vị ẩm thực của trời và y phục trời tốt đẹp bố thí cúng dương trong số kiếp nhiều như cát sông Khắc-già, nếu lại có người ở nơi một Bồ-tát du hành bằng thần thông Như Lai , trong một ngày cúng thí một bữa ăn, như vậy phúc uẩn người này hơn trước gấp bội số a-tăng-kì.

Trong đây nên hỏi: Sao gọi là người Bồ-tát đi bằng xe dê, cho đến người Bồ-tát du hành Như Lai thần thông ?

Đáp: Như Kinh Nhập Định Bất Định Ấn nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Bồ-tát có 5 hạnh là dương xa hạnh, tượng xa hạnh, nhật nguyệt thần thông hạnh, Thanh Văn thần thông hạnh và Như Lai thần thông hạnh. Trong đây 2 người Bồ-tát dương xa hạnh và tượng xa hạnh đối với A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề có chỗ thoái chuyển. Còn 3 người Bồ-tát là nhật nguyệt thần thông hạnh, Thanh Văn thần thông hạnh và Như Lai thần thông hạnh đối với A-nậu-đa-la Tammiệu Tam-bồ-đề không còn thoái chuyển.

Thế nào là người Bồ-tát dương xa hạnh ?

Ví như có người muốn qua các thế giới số như vi trần của 5 cõi Phật, rồi tự nghĩ ta nên đi một chiếc xe dê. Nghĩ rồi lên xe theo đường mà đi. Thời gian hết sức lâu lắc trải nhiều gian lao đi được trăm dotuần, chợt bị gió mạnh thổi giật lui 80 do-tuần.

Diệu Cát Tường ! Ý ông nghĩ sao ? Người đi chiếc xe dê kia trải qua một kiếp cho đến không thể nói hết số kiếp có thể qua đến các thế giới ấy hay một thế giới chăng ? Diệu Cát Tường nói: Thưa không Thế Tôn. Qua được là điều không thể có. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Đúng vậy đúng vậy. Hoặc có Bồ-tát trước phát tâm đại Bồ-đề rồi, sau ở trong pháp Đại thừa không trì không tụng, trở lại yêu thích tu tập trong pháp Thanh Văn cũng như khen ngợi thụ trì đọc tụng giải thích nghĩa ấy, lại khiến người khác thụ trì tu tập giải rõ. Do nhân duyên ấy trí tuệ chậm lụt yếu kém, có chỗ thoái chuyển đạo vô thượng trí. Bồ-tát ấy tuy trước tiên tu tập tâm đại Bồ-đề, tuệ căn tuệ nhãn, bởi trí tuệ trở thành cùn nhụt yếu kém nên có chỗ hỏng mất. Đó gọi là người Bồ-tát đi bằng xe dê.

Sao gọi là người Bồ-tát đi bằng xe voi ?

Ví như có người muốn đi qua số thế giới nhiều như vi trần của các cõi Phật như trước bèn tự nghĩ ta nên đi xe voi tốt 8 chi đầy đủ. Nghĩ rồi liền lên xe theo đường mà đi, trải qua trăm năm đi được 2 ngàn do-tuần, chợt có gió lớn thổi lui ngàn do-tuần.

Diệu Cát Tường ! Ý ông nghĩ sao ? Người này có thể đi qua cho đến được một thế giới chăng ? Diệu Cát Tường nói: Thưa không Thế Tôn. Qua được là không thể có chuyện đó. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Đúng vậy đúng vậy. Hoặc có Bồ-tát trước phát tâm đại Bồ-đề rồi, sau ở trong pháp Đại thừa không trì không tụng, trở lại yêu thích tu tập trong pháp Thanh Văn cho đến thụ trì đọc tụng giải thích. Đó gọi là người Bồ-tát đi bằng xe voi.

Sao gọi là người Bồ-tát đi bằng thần thông nhật nguyệt ?

Ví như có người muốn đi qua số thế giới nhiều như vi trần của các cõi Phật như trước, người này làm thần thông đi như mặt trời mặt trăng rồi theo đường mà đi.

Diệu Cát Tường ! Ý ông nghĩ sao ? Người này có thể đi qua các thế giời như vậy chăng ? Diệu Cát Tường bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Người này có thể qua được nhưng trải thời gian rất lâu và cực khổ. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Đúng vậy đúng vậy.

Nếu có Bồ-tát trước phát tâm đại Bồ-đề rồi, không ưa thích tu tập trong pháp Thanh Văn, cho đến một bài kệ 4 câu cũng không thụ trì đọc tụng, duy chỉ yêu thích đọc tụng giải thích hiểu rõ trong pháp Đại thừa. Đó gọi là người Bồ-tát đi bằng thần thông như mặt trời mặt trăng.

Sao gọi là người Bồ-tát đi bằng thần thông của Thanh Văn ?

Ví như có người muốn đi qua số thế giới nhiều như vi trần của các cõi Phật như trước, người này làm thần thông Thanh Văn rồi theo đường mà đi.

Diệu Cát Tường ! Ý ông nghĩ sao ? Người này có thể đi qua các thế giời như vậy chăng ? Diệu Cát Tường bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Người này có thể qua được. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Đúng vậy đúng vậy.

Nếu có Bồ-tát phát tâm đại Bồ-đề rồi, yêu thích tu tập trong pháp Đại thừa rồi lại ở nơi các người Bồ-tát, người tu Đại thừa, người tin hiểu Đại thừa, người trì tụng Đại thừa, người tiếp nhận Đại thừa, tin phụng quy hướng thân cận họ, mong cầu Đại thừa thụ trì đọc tụng, cho đến gặp phải nhân duyên khiến mất mạng cũng không tạm xả lìa Đại thừa, lại còn đối với những người khác tu Đại thừa thì dùng hương hoa cúng dường tôn trọng, với người chưa học Bồ-tát cũng không khởi tâm khinh mạn. Đó gọi là người Bồ-tát đi bằng thần thông Thanh Văn.

Sao gọi là người Bồ-tát đi bằng thần thông của Như Lai ?

Ví như có người muốn đi qua số thế giới nhiều như vi trần của các cõi Phật như trước, cho đến người này cầu thần thông của Phật rồi theo đường mà đi.

Diệu Cát Tường ! Ý ông nghĩ sao ? Người này mau có thể đi qua các thế giời như vậy chăng ? Diệu Cát Tường nói: Thế Tôn ! Người này trong khoảng một sát-na khi phát tâm như vậy liền có thể mau qua được các thế giới như vậy. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Đúng vậy đúng vậy.

Nếu có Bồ-tát phát tâm đại Bồ-đề rồi, cho đến hiểu rõ nghĩa lý to lớn sâu rộng cao tột của Đại thừa, thường vì cứu độ tất cả hữu tình, phát tâm đại Bồ-đề từ bi nhiếp thụ, đối với 6 Ba-la-mật-đa 4 nhiếp pháp v.v… phát tâm siêng năng dũng mãnh rồi, lại làm cho người khác cũng được an trụ như vậy. Đó gọi là người Bồ-tát đi bằng thần thông của Như Lai.

Trong đây nên nói: Nếu có người hủy báng chính pháp, tức gây chướng nạn đối với pháp tội rất lớn. Như Kinh Bát-nhã Ba-la-mậtđa nói: Nếu có người tu Bồ-tát thừa tuy từng được thấy trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa chư Phật Như Lai, rộng làm bố thí nơi chư Phật cho đến tu tập trí tuệ mà khởi tâm có sở đắc, tuy đến trong các pháp hội của Phật nghe thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa không sinh tôn trọng, hoặc thân hoặc tâm đều không thanh tịnh khởi nhiễm ô tuệ thành đại tội nghiệp, tức sinh hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Do hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa này, tức hủy báng quá khứ vị lai hiện tại chư Phật Thế Tôn và nhất thiết trí của Phật. Do nhân duyên ấy nên làm đại chướng nạn đối với pháp. Nghiệp này tương tục đọa đại địa ngục. Trải câu-chi na-dữu-đa trăm ngàn năm từ một địa ngục ra lại vào một địa ngục. Như vậy cứ lần hồi thành hoại, ra địa ngục rồi lại đọa ngạ quỷ và nẻo súc sinh. Xá-lợi tử bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Tội nghiệp chướng chính pháp này tương tục sẽ đọa địa ngục ngũ vô gián. Nay có thể nói tội nghiệp này không thể so sánh chăng ? Phật nói: Xá-lợi tử hãy thôi. Ông không nên nói.

Lại nữa các người tu hạnh Bồ-tát có nhiều thứ ma sự. Như Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói: Lại nữa Tu-bồ-đề ! Nếu có thiết lập các danh tự, Bồ-tát phải biết đó là ma sự. Nếu có ma đến chỗ Bồ-tát nói như thế này: Ông Bồ-tát này hiện thành chính giác thiết lập tên ấy. Bồ-tát bấy giờ tùy khởi quán sát kỹ, nếu trụ tướng không thoái chuyển, tức ma kia không dám tùy tiện, nếu khởi tâm phân biệt cho rằng mình đã được thụ ký, tức sinh tâm kiêu mạn, khởi khinh mạn đối với các Bồ-tát khác. Đó là phương tiện xảo quyệt của ác ma muốn làm cho Bồ-tát xa lìa Bát-nhã, không thu nhận bạn tốt chạy theo bạn xấu, hoặc rơi vào Thanh Văn địa, hoặc rơi vào Duyên Giác địa. Người khởi tâm tương ưng với khinh mạn mắc tội rất nặng quá hơn 4 căn bản. Bồ-tát phải biết đó là ma sự.

Kinh Diệu Cát Tường Thần Thông Du Hý nói: Diệu Cát Tường nói: Thiên tử ! Tùy theo có sự nghiệp mà thành thì đều là ma sự. Hoặc sở cầu, hoặc có sở thủ, hoặc có sở xả, đều là ma sự. Hoặc có sở dục, hoặc có tưởng tượng, hoặc có lãnh nạp, hoặc có so đo, đều là ma sự. Lại nữa, Thiên tử ! Nếu đối với tâm Bồ-đề có chỗ chấp trước đều là ma sự. Đối với các tâm bố thi trì giới nhẫn nhục tinh tiến thiền định trí tuệ có chỗ chấp trước đều là ma sự. Lại nữa thí mà khởi tâm khinh mạn, giới mà trụ phân biệt, nhẫn mà sinh giận tức, tinh tiến mà hý luận, thiền định mà chấp tướng, trí tuệ mà tác ý thì đều là ma sự. Nếu khởi tâm chán bỏ, thích ở trong vắng lặng, đó là ma sự. Nếu thực hành không, hành vô tướng, hành vô nguyện, hành vô hý luận, hành viễn ly, thực hành ngôn giáo của Như Lai mà khởi tâm ngã mạn có phân biệt, đều là ma sự. Thiên tử ! Cho đến hoặc có phân biệt hoặc không phân biệt, khi sinh ý niệm thấy nghe hay biết, đều là ma sự. Thiên tử hỏi: Diệu Cát Tường ! Vì nhân gì khởi các ma sự đó ? Diệu Cát Tường nói: Thiên tử ! Các ma sự đều từ tương ưng tăng thượng khởi. Bởi vì sao ? Các ma sự dòm ngó trong các pháp tương ưng tăng thượng tìm kiếm chỗ sơ hở để thuận tiện khởi lên, nếu không phải tương ưng thắng pháp thì ma không làm gì được. Thiên tử nói: Diệu Cát Tường ! Những gì là tương ưng tăng thượng những gì là không tương ưng tăng thượng của Bồ-tát ? Diệu Cát Tường nói: Thiên tử ! Nếu 2 pháp tương ưng, tức là tương ưng tăng thượng. Bởi vì sao ? Vì 2 pháp tương ưng là làm hòa hợp y chỉ cho thế gian. Cái tương ưng tăng thượng này tức là chính tương ưng tăng ngữ. Cái chính tương ưng này tức bất tương ưng tăng ngữ. Cái bất tương ưng này tức vô hý luận tăng ngữ. Cái vô hý luận này tức chính tương ưng tăng ngữ. Hoặc tương ưng hoặc bất tương ưng kiến lập trung đạo. Cho nên Thiên tử ! Không có nhãn tương ưng, không có sắc tương ưng, cho đến không có ý tương ưng, không có pháp tương ưng. Đó gọi là chính tương ưng của Bồ-tát.

Lại nữa , Thiên tử ! Phải biết các Bồ-tát có 20 pháp theo đó khởi ma sự khiến ma hung hãn. Những gì là 20 ?

1. Với người tu sự nghiệp giải thoát, với người sợ sinh tử, với người tu tương ưng thắng hạnh, phương tiện gần gũi phụng sự cúng dường, những việc như vậy đều là ma sự đối với Bồ-tát.

2. Nếu chỉ biết quán không, xả bỏ hữu tình, là ma sự đối với Bồ-tát.

3. Nếu chỉ quán vô vi mà sinh biếng nhác với thiện căn hữu vi, là ma sự đối với Bồ-tát.

4. Tuy khởi định ý mà không tu định hạnh, là ma sự đối với Bồ-tát.

5. Nói pháp thì thích nói, mà nghe thì không khởi đại bi, là ma sự đối với Bồ-tát.

6. Đối với người có giới có đức thì cầu hành bố thí, với người phá giới thì sinh hủy báng, là ma sự đối với Bồ-tát.

7. Ưa nói ngôn luận Thanh Văn Duyên Giác mà ẩn giấu ngôn luận Đại thừa,là ma sự đối với Bồ-tát.

8. Ẩn giấu ngôn luận sâu xa ưa nói ngôn luận chủng loại, là ma sự đối với Bồ-tát.

9. Tuy biết đạo Bồ-tát mà không cầu tu đạo Ba-la-mật-đa, là ma sự đối với Bồ-tát.

10. Lấy sự khen ngợi tương ưng tăng thượng mà dạy cho những loại hữu tình không tương ưng, là ma sự đối với Bồ-tát.

11. Tuy gieo trồng căn lành mà quay lưng với tâm Bồ-đề, là ma sự đối với Bồ-tát.

12. Tuy đối với tương ưng quán hạnh, tương tục thực hành mà không dạy cho các hữu tình, là ma sự đối với Bồ-tát.

13. Tuy cầu hết các phiền não vô dư, chán lìa phiền não sinh tử tiếp nối, là ma sự đối với Bồ-tát.

14. Tuy quán sát kỹ thắng tuệ mà không thủ cảnh sở duyên của đại bi, là ma sự đối với Bồ-tát.

15. Nếu không đủ phương tiện đối với tất cả thiện hạnh, là ma sự đối với Bồ-tát.

16. Tuy mong cầu pháp Bồ-tát tạng mà lại ưa thụ trì sách vở của ngoại đạo Lộ-già-da, là ma sự đối với Bồ-tát.

17. Tuy có đa văn nghe pháp mà thường tiếc giấu không cho người biết, là ma sự đối với Bồ-tát.

18. Tuy đa văn mà lấy duyên thế gian dạy người đổi lấy tài lợi không làm việc nghĩa lợi, là ma sự đối với Bồ-tát.

19. Ở nơi các pháp sư Đại thừa mà không thân cận tôn trọng phụng sự, trái lại ở nơi những người Thanh Văn Duyên Giác thừa những ngứời không phải đồng phần mà cùng khen ngợi, là ma sự đối với Bồ-tát.

20. Nếu khi Bồ-tát ỷ có của cải oai đức dồi dào, hoặc Thiên Đế Thích, hoặc Phạm vương, hoặc Hộ thế, hoặc vua và trưởng giả đều không thân cận tôn trọng phụng sự vì oai đức dồi dào, là ma sự đối với Bồ-tát.

Đó là 20 pháp tùy khởi ma sự khiến ma hung hãn.

Kinh Hải Ý nói: Nếu có Bồ-tát đầy đủ tiếng tăm lớn, phong phú dồi dào tự tại, chủng tộc cao sang hơn người, quyến thuộc nhiều, có đủ phúc hạnh, do đó mà sinh biếng nhác không lấy trí cầu thắng hạnh tương ưng, kiêu ngạo phóng túng, hoặc thấy Bồ-tát xuất gia viên mãn, thường dùng trí hạnh cầu pháp tương ưng, cần lao nhẫn khổ, gió to nóng lớn đều cam chịu, máu thịt tiêu hao hình dung xấu xí, người Bồ-tát trước thấy vậy nghĩ rằng mình hơn, sinh tâm kiêu mạn nên kia có thuyết pháp hay, cũng không chịu nghe lại còn thêm kiêu ngạo. Đó là Bồ-tát bị ma lực kềm chế.

Lại nói, có 4 pháp có thể làm chướng nạn đối với Đại thừa:

  1. Phơi bày cái đức của mình.
  2. Ẩn che đức của người khác.
  3. Ngã mạn quá mạnh.
  4. Giận dữ ngoan cố.

Lại các Bồ-tát không nên lấy việc phát tâm Bồ-đề mà vui mừng thỏa mãn mà phải rộng tu các thắng hạnh tương ưng.

Trong đây nên hỏi: Bồ-tát tại gia hành trì như thế nào ?

Đáp: Như Dũng Thụ Trưởng Giả Vấn Kinh nói: Phật nói:

Trưởng giả ! Bồ-tát tại gia tuy sống với gia đình, thường tu các nghiệp người chính sĩ làm, không làm những gì không phải chính sĩ làm. Y theo pháp thụ dụng không dùng phi pháp. Gian khổ để tự mưu sinh không sống bằng tà mạng, không não hại người khác. Được điều lợi tuy thường thụ dụng mà khởi quán vô thường, rộng dùng thật pháp thực hành bố thí đại xả không lẫn tiếc. Tôn kính thờ phụng cha mẹ. Đối với vợ con, người giúp việc nhà, người làm công, cho đến bạn bè quen biết, thường dùng chính pháp mà chỉ bảo nhau.

Lại nữa, những gì là Bồ-tát tại gia hành bất chính ?

Như Kinh Xuất Gia Chướng Nạn nói: Phật bảo tôn giả Đại Danh: Ông nay phải biết những người mù bẩm sinh, người câm điếc, và Toàn-đà-la bất tri lạc, người nhiều hủy báng, người siểm nịnh, người ái nam, người thường làm nô bộc, người chuyển nữ thân, lạc đà, lừa, heo, chó v.v…các loại như vậy đời đời kiếp kiếp không ưa thích Phật giáo. Lại nữa, Đai Danh ! Bồ-tát tại gia nếu có 4 pháp là việc khó:

1. Các loại hữu tình ở trước Phật từng trồng căn lành và người có tâm cầu xuất ly, người có tâm ưa thích thánh đạo, với họ nếu gây chướng nạn đó là việc khó thứ nhất đối với Bồ-tát tại gia.

2. Tham đắm của cải, con cái, quyến thuộc không tin nghiệp báo, hoặc nam hoặc nữ hoặc vợ con v.v…các thân quyến thuộc trong cảnh giàu sang mà xả bỏ muốn xuất gia, nếu gây chướng nạn cho họ là việc khó thứ hai đối với Bồ-tát tại gia.

3. Bồ-tát tại gia hủy báng chính pháp, tuy nghe pháp chưa nghe, nghe rồi không tin lại sinh hủy báng, đây là cái khó thứ ba đối với Bồ-tát tại gia.

4. Khởi tâm tổn hại và tâm gieo nhiều tội lỗi đối với Sa-môn Bà-la-môn đủ giới đức là việc khó thứ tư đối với Bồ-tát tại gia.

Bốn thứ như vậy và các pháp chướng nạn khác cho đến đời đời đều là việc khó đối với Bồ-tát tại gia. Như có một người rơi xuống một giếng bẩn bèn gọi mọi người bảo rằng: Cái giếng này thích quá có nước trong sạch. Mọi người nghe nói rồi, nước bẩn mà tưởng là nước trong, không cho nước bẩn đó là không trong sạch. Các hữu tình nhiễm dục cũng như vậy. Tự mình nhiễm bùn dục mà lại dạy bảo người khác cũng nhiễm, tự ngửi mùi hôi dạy người khác cũng vậy, tự rơi vào chỗ hiểm nạn tham san si v.v… mà dạy người khác cũng rơi xuống.

Lại nữa, như có người bị kẻ oán địch ném xuống hầm lửa, lửa đó cháy mạnh cao đến 7 người không củi không khói. Những người nhiễm dục cũng như vậy, lân la bên phụ nữ tán tỉnh nói những chuyện dục nhiễm rơi vào hầm lửa dục mà lại dạy bảo khiến người khác cũng rơi xuống, khiến người kia rơi xuống rồi bệnh khổ lo âu thường bức bách.

Lại như một người dạy khiến những người khác lên chóp núi đao để hưởng khoái lạc mà bảo rằng: Núi này bằng phẳng không hiểm trở có thể lên núi này hưởng thú. Ở thế gian cha mẹ thương con cái cũng như vậy. Vì thương con nên đối với việc dục nhiễm tùy sinh chấp trước mà pháp dục nhiễm thật là đại ác như rắn độc. Người đó nhiễm tâm lại dùng lời hay đẹp khen việc dục nhiễm. ba đường dữ rất nguy hiểm đáng sợ thế mà lại dùng lời hay nói khéo. Người nói như vậy sẽ đọa vào đường địa ngục ngạ quỷ súc sinh.

QUYỂN 3 HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10