LUẬN ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC
(Luận Đại thừa tập hợp các Học xứ của Bồ-tát)
Bồ-tát Pháp Xứng tạo luận
Sa-môn Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 13

Phẩm 10: HỌC XỨ VỀ TINH TIẾN BA-LA-MẬT-ĐA

Luận nói:

Tuy đã nghe trụ nhẫn này phát sinh tinh tiến, nhưng chưa nghe ở đây cũng còn phát sinh hủy phạm cấm giới. Như Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:

Ngạo pháp không hộ giới,

Thì được bao nhiêu phúc ?

Phá giới dẫu đa văn,

Cũng không khỏi đường ác.

Luận nói:

Do nghe mà đầy đủ năng lực thù thắng.

Kinh Na La Diên Sở Vấn nói:

Thiện nam tử ! Như do nghe hiểu được tính trí tuệ thù thắng. Nếu nghe thì dứt trừ phiền não, khiến ma phiền não không được tự do tùy tiện.

Trong đó rộng như Kinh Tối Thượng Đại Tiên Bản Khởi nói:

Bồ-tát Ma-ha-tát đầy đủ thâm tâm tôn trọng muốn cầu pháp, trụ các thế giới, hiện trước chư Phật tùy chỗ nghe pháp. Nếu Bồ-tát Maha-tát tinh tiến muốn cầu pháp, ở trong núi rừng chứa giấu giáo pháp, được pháp môn của vô lượng kinh điển như đặt trong lòng bàn tay.

Lại nữa các Bồ-tát tinh tiến muốn cầu pháp mà được Phật hiện tiền cùng chư thiên với Phật biện tài. Cho đến khi mạng sống gần chấm dứt, được Phật Thế Tôn và chư thiên tăng thêm thọ mạng, cùng với sắc lực, ở đời cả ngàn năm mà vốn chẳng mong cầu. Đó là được sức gia trì của Phật và chư thiên cho đến cầu trụ một kiếp.

Lại nữa, các Bồ-tát sinh tâm tôn trọng pháp, được Phật Thế Tôn trừ khổ già bệnh, được thụ chính niệm và thông đạt biện tài. Cho đến được thụ chính kiến tùy chỗ chính kiến có thể nói.

Lại nữa, nếu Bồ-tát Ma-ha-tát tinh tiến muốn cầu pháp không sợ tất cả oán địch khác, cho nên tinh tiến đa văn, tư lương thiện xảo, Bồ-tát tu tập được những thứ như vậy.

Luận nói:

Bồ-tát nghe bao nhiêu thứ hạnh mà ngộ nhập hiểu được Tìnại-da ?

Kinh Vô Tận Ý nói:

Do nghe tám mươi thứ hạnh có thể ngộ nhập hiểu Tì-nại-da. Đó là hạnh mong cầu, hạnh tâm sâu sắc, hạnh tâm kiên cố, hạnh rất tương ưng, hạnh không kiêu ngạo, hạnh không phóng túng, hạnh cung kính, hạnh rất tôn trọng, hạnh lìa danh tướng, hạnh nói điều thiện, hạnh phụng sự, hạnh nghe lợi ích, hạnh tác ý, hạnh không tán loạn, hạnh vô trụ, hạnh tưởng như của báu, hạnh tưởng như thuốc chữa bệnh, hạnh tiêu trừ tất cả tật bệnh, hạnh nghĩ mình như một phương tiện, hạnh thấu hiểu, hạnh tâm ý hoan hỷ, hạnh ngộ nhập, hạnh nghe Phật pháp không chán, hạnh xả bỏ rộng rãi, hạnh biết điều phục, hạnh thích gần gũi nghe học hỏi nhiều, hạnh vui vẻ chấp nhận việc làm, hạnh khỏe mạnh phấn khởi, hạnh tâm vui vẻ, hạnh nghe không mỏi mệt thoái lui, hạnh nghe nghĩa lý, hạnh nghe pháp, hạnh nghe các oai nghi, hạnh nghe người nói, hạnh nghe các diệu pháp chưa được nghe, hạnh nghe các thần thông, hạnh không thích các thừa khác, hạnh nghe các Ba-la-mật-đa, hạnh nghe tạng Bồ-tát, hạnh nghe các nhiếp sự, hạnh nghe các phương tiện thiện xảo, hạnh nghe các thiện xảo chưa phát sinh, hạnh quán bất tịnh, hạnh quán từ, hạnh quán duyên sinh, hạnh quán vô thường, hạnh quán khổ, hạnh quán vô ngã, hạnh quán tịch diệt, hạnh quán không vô tướng vô nguyện, hạnh vô tác, hạnh làm các điều thiện, hạnh kiến lập chân thật, hạnh không giảm mất, hạnh cô đơn một mình, hạnh gìn giữ tâm mình, hạnh tinh tiến không giải đãi, hạnh quán sát kỹ các pháp, hạnh đối trị phiền não, hạnh mong cầu tự phần thiện pháp, hạnh hàng phục tha phần phiền não, hạnh y chỉ vào bảy thánh tài, hạnh đoạn dứt các bần cùng, hạnh ca ngợi người có trí, hạnh vui thích người trí, hạnh bình đẳng đối với thánh chúng, hạnh phi thánh tịnh tín, hạnh kiến đế, hạnh xa lìa lỗi lầm các uẩn, hạnh cân nhắc lỗi lầm hữu vi, hạnh căn cứ vào nghĩa, hạnh nương tựa vào pháp, hạnh tất cả ác tác, hạnh làm lợi ích mình và người, hạnh làm các việc thiện không tạo các nghiệp khác, hạnh hướng đến sự thù thắng, hạnh được tất cả Phật pháp.

Kinh ấy lại nói:

Nếu có pháp hộ trợ tương ưng thì được nghiệp trí như vậy.

Thế nào là pháp hộ trợ tương ưng ? Nghĩa là nếu ít tha thiết ít mong cầu, thận trọng ngôn ngữ thận trọng hành vi, đầu hôm cuối đêm nghe các việc thế gian mà thuận lý tương ưng, cân nhắc lợi tha thường thường tìm kiếm, tâm không nhiễm trược, trừ các chướng ngăn che, đối với các sự phạm tội, dùng trí thoát khỏi, không khởi việc làm ác, phát khởi hướng đến chính hạnh kiên cố, ưa thích pháp, kính trọng pháp vì pháp tích tụ giữ gìn, tinh tiến rất mực như cứu lửa đốt đầu, mong cầu trí tuệ làm nơi đi đến nơi dừng nghỉ, không đọa cấm giới, không bỏ gánh nặng, phát chí hướng đến thù thắng, xả bỏ các đám đông vô ích, thích đi một mình nơi A-lan-nhã, hiện tiền tác ý và công đức Đầu-đà của chủng tử thánh, vui mừng biết vừa đủ không loạn, vui thích niềm vui của pháp, không nghĩ nhớ ngôn ngữ thế gian, cầu pháp yếu xuất thế và thông đạt nghĩa lợi không vọng niệm, tùy thuận theo đường chân chính, biết trì giới, lấy sự biết hổ thẹn mà trang nghiêm mình, lấy trí kiên thật phá hoại vô trí, lấy con mắt thắng tuệ cực diệu thanh tịnh rõ biết sự trói buộc của vô minh si ám. Đó là sự rõ biết rộng lớn, rõ biết không tà vạy, rõ biết phân biệt, rõ biết hiện chứng, không phải được từ bên ngoài, giữ gìn công đức của mình, khen ngợi công đức của người, khéo tu tập tạo tác không đọa nghiệp báo. Đó là nghiệp trí thanh tịnh.

Lại nữa, trong Bát Nhã nói:

Trong kinh luận Phương quảng nên nghe học chỗ nào ? Nên học như thế này và cũng phải xa lìa hạng người không có nghĩa lợi. Các luận như Thế gian xứ luận, Tiên phốc luận, Cổ độc luận, Mặc trí luận, Đồng tử hý kịch luận, cho đến Biệt bộ giải thoát luận v.v… đều là những luận thuyết tạo thành sự si mê ám chướng, người khéo trụ tất cả Bồ-tát thừa đều phải lìa xa.

Lại như Kinh Vô Tận Ý nói:

Có bốn loại thí mà pháp sư thuyết pháp làm hành trang của trí tuệ để được thành tựu. Những gì là bốn ?

  1. Giấy, bút, mực, kinh.
  2. Trang nghiêm pháp tòa.
  3. Đủ các tiếng tăm lợi dưỡng.
  4. Nhiếp thụ pháp không vì khen ngợi nịnh bợ.

Lại có bốn sự hộ trợ . Những gì là bốn ?

  1. Hộ trợ bản thân.
  2. Hộ trợ điều thiện.
  3. Hộ trợ các thế gian.
  4. Hộ trợ việc lợi ích.

Lại có bốn loại trụ tâm làm hành trang cho trí tuệ để được thành tựu. Những gì là bốn ?

  1. Trụ tâm nơi sư thuyết pháp.
  2. Trụ tâm nơi pháp.
  3. Trụ tâm nơi lợi dưỡng.
  4. Trụ tâm nơi giác ngộ.

Đó gọi là bốn loại.

Lại nữa, Kinh Hoa Lâu Các nói:

Nếu có người đem bảy báu lượng bằng núi Tu-di bố thí cho Bồtát tại gia, không bằng đem một ngàn đồng tiền phụng thí cho Bồ-tát xuất gia. Hoặc do tin hiểu công đức xuất gia mà thí một lóng tay tu hạnh khó làm. Nếu có các sở hữu chỉ trừ xuất gia là được quả lớn. Như Lai tối thượng tối thánh, chẳng phải người tại gia có lý như vậy. Lại nữa huống chi người tại gia vô trí, tâm không đầy đủ.

Như Kinh Tối Thượng Vấn nói:

Nghĩa là nếu nhất tâm đối với các tội về quyến thuộc của người khác có thể xa lìa, gọi là vô tội. Nếu không thể, đó là vì khó điều phục tính xa lìa, nên đối với người tại gia lập thành tội.

Phẩm 11: HỌC XỨ VỀ A-LAN-NHÃ 1

Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Y chỉ ở nơi A-lan-nhã. Vì ở nhà có tính lỗi lầm.

Kinh Nguyệt Đăng có kệ rằng:

Không khởi tham dục,

Xa lìa bà con,

Xả bỏ gia định,

Được đạo vô thượng.

Nếu xa lìa dục,

Như tránh hầm lửa,

Sợ cảnh tại gia,

Xa lìa quyến thuộc,

Vô thượng Bồ-đề,

Chẳng phải khó được.

Chưa có ba đời

Chư Phật Như Lai

Do thường tại gia

Trụ nơi chỗ dục

Mà lại đạt được

Thắng diệu Bồ-đề.

Xả bỏ ngôi vua

Như bỏ đờm dãi.

Ở nơi cảnh tịnh

Xa lìa các dục

Dứt bỏ phiền não

Hàng phục ma oán

Ly cấu vô vi

Ngộ đạo Bồ-đề.

Các thứ ăn mặc,

Xông ướp hương hoa

Mà được phụng sự

Thánh trong loài người.

Nếu xuất gia rồi

Phụng hành chính pháp.

Nếu được như vậy

Người cầu Bồ-đề

Lợi ích chúng sinh.

Chán việc hữu vi,

Đến nơi yên tĩnh

Cho đến bảy bước

Được các phúc báo

Tối thắng khôn sánh.

Nếu lại gặp được

Phi chúng đồng phần,

Thích ở trong chúng,

Sợ kẻ tài lợi

Đi theo chúng sinh

Lìa bỏ chốn kia

Là nạn si ám.

Kinh ấy còn có kệ rằng:

Trí chẳng tranh với ngu,

Hung bạo nên xả bỏ,

Lìa tâm cực ác này,

Chớ cạnh tranh với ngu.

Trí chẳng gần với ngu

Hiểu biết bản tính ngu,

Là thể tính si tối,

Tự phải cầu phá bỏ.

Do đó các phàm phu,

Sao có thiện tri thức ?

Nếu cùng nói về pháp,

Không thuận, sân, tội lỗi.

Ngu pháp thảm độc này,

Nên người trí không giữ.

Chỉ ngu hợp với ngu,

Như phân với bất tịnh,

Trí thì hợp với trí,

Như sữa ở trong sữa.

Kinh ấy lại nói:

Thường trong thế gian,

Ở nơi rất vui,

Không có chút nào,

Vui hay chẳng vui.

Chỉ vui suối rừng

Tùy thích thụ dụng.

Vui của Sa-môn,

Nếu là sở hữu,

Tất cả đều không.

Chẳng có tơ hào

Là điều ràng buộc.

Như gió giữa trời,

Như Độc Giác đi.

Cho đến thế gian,

Các vui cao tột.

Tâm thường như gió,

Không chỗ trói buộc

Hoặc vui chẳng vui

Chẳng có hợp nhau.

Nói đây khổ não,

Chẳng thích an trụ.

Nói nếu thích kia

Không khổ không nghịch.

Vì lìa hai bên

Chỉ pháp lạc này,

Người thường không có.

Kinh ấy lại nói:

Kia được thường khi,

Làm tương ưng nhỏ,

Lìa khỏi các lỗi,

Không tranh chút nào.

Lý tương ưng kia:

Ở A-lan-nhã,

Được công đức này,

Mà thường đạt được.

Chẳng cầu hữu vi,

Chẳng thích thế gian,

Chẳng tăng hữu lậu.

Người ở núi rừng,

Được thắng năng này.

Không khởi phần lỗi.

Thường ưa vắng lặng,

Kín thân ngữ ý,

Và hạnh viễn ly.

Người ở cảnh tịnh,

Được nhiều công đức,

Được chán lìa kia,

Mau ngộ giải thoát,

Tịch tĩnh giải thoát.

Người ở núi rừng,

Tức trụ giải thoát,

Các A-lan-nhã,

Được công đức này

Nương tựa suối rừng,

Mà thường lìa xa,

Thành thị làng xóm.

Ưa xa lìa rồi,

Thường như Độc Giác,

Không có bạn bè,

Chỉ không bao lâu,

Được thắng định này.

Lại nữa Kinh Hộ Quốc có kệ rằng:

Xả bỏ tại gia,

Vô lượng tội lỗi,

Cũng thường không yêu,

Thâm hiểm tư lự,

Được thích núi rừng,

Các căn diệu lạc.

Công đức tịch tĩnh,

Không có nam nữ,

Nói năng đùa cợt.

Không có người đến,

Như Độc Giác đi.

Tâm sạch không nhơ,

Không ưa tài lợi.

Ý không đam mê,

Nơi nơi ít muốn.

Phải xa lìa đây

Siểm cầu cung kính.

Kinh Tối Thượng Vấn nói:

Ta chẳng nên làm cho chúng sinh tập hợp, chẳng phải vì đối với một chúng sinh mà khởi thiện căn. Hoặc trước đã được nghe đầy đủ trong một sát-na trói buộc vào tài lợi tâm không thanh tịnh thì hoặc trời hoặc người đều bỏ đi, giả sử một người trời cũng bỏ đi.

Lại như Kinh Bảo Lâu Các nói:

Phật nói: Ca-diếp-ba ! Ví như có người nổi trôi trong dòng nước lớn mà bị chết khát.

Ca-diếp-ba ! Sa-môn Bà-la-môn này cũng vậy. Ở trong nhiều pháp thụ trì đọc tụng mà không thể đoạn trừ nỗi khát khao của tham sân si, đi trên biển đại pháp mà phải chết vì khát ái các phiền não, sau đọa vào đường ác.

Luận nói:

Cho nên nhất định nương vào A-lan-nhã và những nơi tương tự. Lại nữa Kinh Bảo Vân nói:

Nếu ở nơi nương tựa đi khất thực không gần không xa, có suối nước ao tắm, trong sạch không nhơ bẩn, lại ít có điều đáng sợ, có cây lá hoa quả, xa lìa hiểm ác, có nhiều hang động thanh vắng nhất, Bồ-tát nên nương tựa những nơi như vậy. Trước hết phải ngày đêm sáu thời tụng kinh. Tiếng tụng kinh không cao không thấp. Khéo đóng kín các căn, không cho tâm rong ruổi bên ngoài. Ở đây sống thanh tịnh, buộc niệm thụ trì, khéo giữ các tướng không cho tham đắm ngủ nghỉ.

Nếu có vua quan Sát-lợi Bà-la-môn và các thuộc quan hoặc đích thân đến nơi A-lan-nhã, các Tì-kheo nên nói như thế này: Hay thay Đại vương đã đến đây ! Như chỗ sắp đặt xin mời Đại vương ngồi tạm.

Khi nhà vua ngồi, Tì-kheo cũng ngồi. Nếu vua không ngồi, Tìkheo cũng đứng không ngồi.

Nếu vua có vẻ không ổn, nên trấn an khen vua rằng: Đại vương được thiện lợi lớn, trên lãnh thổ của vua có các Sa-môn Bà-la-môn học rộng, đủ giới đủ đức, đất nước không bị kẻ ác giặc giã quấy rối làm hại.

Nếu vua tâm thanh tịnh an ổn, thấy có thể thuyết pháp được thì thuyết pháp thiện xảo.

Nếu thấy nhà vua không thích pháp thiện xảo thì nói pháp yếm ly, nếu thấy không thích pháp yếm ly thì nên làm cho nhà vua biết Như Lai có từ bi lớn, đủ oai đức lớn.

Với các Sát-lợi Bà-la-môn cùng các quan tùy tùng thì tùy theo chỗ thích hợp mà hóa độ. Nếu họ là người có kiến thức đa văn có thể kham nhiệm pháp khí thì cho họ nghe diệu pháp để hàng phục tâm họ. Các chúng sinh ấy tin thích pháp này được niềm vui lớn.

Kinh Tối Thượng Thụ Sở Vấn nói:

Lại nữa, Trưởng giả ! Bồ-tát xuất gia ở A-lan-nhã nên quan sát nghĩa như thế này: Sao ta phải ở nơi A-lan-nhã ? Ở đây đâu phải chỉ có tướng Sa-môn mà còn bao nhiêu thứ bạo ác, chẳng kín đáo, chẳng yên tĩnh, chẳng luật nghi, chẳng tương ưng, chẳng nguyện cầu đều ở chung chạ. Như nào là phi nhân, chim ác, thú dữ, giặc cướp, Chiên-đà-la v.v… cũng chung chạ. Chúng đâu có đầy đủ công đức của Sa-môn. Trong khi ta ở A-lan-nhã ta phải sống trọn vẹn với nghĩa Sa-môn này.

Cho đến Trưởng giả ! Hạnh Bồ-tát xuất gia ở A-lan-nhã phải quan sát như thế này: Ta đến A-lan-nhã vì ý nghĩa gì ? Ta vì những sự sợ hãi này. Sợ hãi gì vậy ? Là sợ ở trong đám đông ồn ào, sợ tụ họp, sợ tham sân si, sợ kiêu mạn che giấu, sợ keo kiệt đố kỵ tài lợi, sợ sắc hương vị xúc, sợ uẩn ma, sợ phiền não ma, sợ tử ma, sợ thiên ma, sợ vô thường điên đáo chấp là thường, sợ vô ngã điên đảo chấp là ngã, sợ bất tịnh điên đảo chấp là tịnh, sợ khổ điên đảo chấp là vui, sợ tâm ý thức, sợ lìa chướng khởi chướng, sợ thân kiến, sợ ngã ngã sở, sợ nghi ngờ ba đời, sợ bạn ác, sợ quyến thuộc ác, sợ tiếng tăm lợi dưỡng, sợ không thấy nói thấy, sợ không nghe nói nghe, sợ không hay nói hay, sợ không biết nói biết, sợ Sa-môn nhơ nhớp, sợ giận dữ lẫn nhau, sợ ba cõi, sợ sinh các thú, sợ ba đường ác. Nói chung là sợ tất cả tác ý bất thiện. Ta vì sợ các hành tướng ác như vậy mà đến ở A-lan-nhã.

Cho đến, lại nữa, Trưởng giả ! Bồ-tát xuất gia ở A-lan-nhã phải học như thế này: Nếu khi phát sinh sợ hãi, phải biết rằng tất cả đều do ngã chấp khởi lên.

Nói tóm lại, ở A-lan-nhã xa lìa ngã chấp thì không có ngã, không có ngã sở, không ngã tướng, không ngã ái, không ngã tưởng, không ngã kiến, không bị cái ngã nắm giữ, không bị cái ngã so đo chấp trước, xả lìa cái ngã chẳng cần giữ gìn. Ở A-lan-nhã những thứ này chẳng có lợi ích.

Lại nữa, Trưởng giả ! Ở nơi thanh tịnh thì không có tưởng về mình, không có tưởng về người. Nếu đối với các pháp không nói thì với các pháp không xen tạp. Nói tóm lại, Trưởng giả ! Ví như ở nơi A-lan-nhã các loại cỏ thuốc cây rừng không kinh, không hãi, không sợ, cũng không khủng khiếp đến dựng lông.

Người Bồ-tát xuất gia ở A-lan-nhã cũng có hạnh như vầy: Đối với thân mình phát khởi ý tưởng như cỏ thuốc, như cây rừng, như tường gạch ngói. Tâm như huyễn hóa, những gì sinh ra nào có phân biệt và kinh sợ đến dựng lông. Đem tâm sâu xa như vậy mà quán sát thân này thì thân không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, dưỡng giả, ý sinh, nho đồng, do hư vọng chấp khắp cả. Sự sợ hãi này chỉ có giả danh, hư vọng chấp khắp cả, không nên phân biệt. Cũng như nơi A-lan-nhã kia cỏ thuốc cây rừng không có chủ tể cũng không thuộc về ai, thì A-lan-nhã này cũng vậy không nhiếp thuộc về ai cả. Đối với tất cả pháp đã hiểu như vậy rồi, thì nên phát khởi hạnh như vậy. Sở dĩ vì sao ? Người ở nơi vắng vẻ thanh tịnh giống như tử thi không ai thừa nhận.

Cho đến, lại nữa, Trưởng giả ! Bồ-tát xuất gia như ở nơi vắng vẻ thanh tịnh, biết vậy rồi nương theo Phật nói ở A-lan-nhã tức được viên mãn pháp thanh tịnh trồng sâu căn lành, sau đó mới vào thành thị xóm làng, vào cung vua mà thuyết pháp.

Lại nữa, Trưởng giả ! Bồ-tát xuất gia đọc tụng diễn thuyết giải thích nghĩa lý, vào trong chúng sẽ được cung kính. Mặc dù thân cận Hòa thượng, A-xà-lê và các bậc kỳ cựu, nhưng đối với Tì-kheo mới học cũng nên tôn kính không giải đãi, tất cả tự làm lấy việc của mình không làm phiền ai, cũng không nên sai sử bắt ai tôn trọng cung phụng mình. Phải nên quan sát như vậy.

Lại nữa, Như Lai Ứng đẳng chính giác được trời, người, Ma Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sinh tôn trọng cúng dường, nhưng cho đến có những việc làm đều tự mình làm lấy mà không đợi người cung phụng. Huống chi ta nay muốn cầu vô học như vậy, để phụng sự tất cả chúng sinh. Nếu ta phụng sự họ cung cấp tất cả thì những gì ta phải làm đều tự làm xong, không cần cầu người khác phụng sự cung cấp mình.

Sở dĩ vì sao ? Trưởng giả ! Sự tôn trọng phụng sự này, trong pháp công đức của Tì-kheo là hủy phạm nhiếp thủ. Người tạo nhiếp thủ này là vì được phụng sự. Ta chớ nên do pháp ấy mà tạo nhiếp thủ này.

Kinh ấy lại nói:

Lại nữa, Trưởng giả ! Pháp Bồ-tát ở A-lan-nhã kia, nếu thấy nghe Hòa thượng, A-xà-lê có bệnh, dù ở nơi hoang dã xa xôi cũng phải đến thăm viếng hỏi han. Nghĩa là nếu đi đến đó vào buổi sáng, nên phát tâm như vầy: Giả sử kia có mời đọc tụng giải thuyết khiến ở lại tăng phường, thì cũng coi như mình ở A-lan-nhã vậy, tâm chớ nên đắm trước thụ dụng. Ở A-lan-nhã là như vậy, cầu pháp không chán, tưởng tất cả mọi sự đều trống vắng.

HẾT QUYỂN 13