LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 7

Như Kinh Hoa Nghiêm nói: Trong thế giới cát tường giải thoát Đại Tì-lô-giá-na, Phổ Biến Trí Diệm Công Đức Tràng Như Lai kiến lập vô lượng hữu tình trụ Thanh Văn địa, vô lượng hữu tình thành thục Duyên Giác Bồ-đề, vô lượng hữu tình thành thục biện tài nhanh chóng xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình thành thục vô cấu tinh tiến tràng xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình thành thục pháp biện tài xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình thành thục căn thanh tịnh biện tài xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình thành thục 10 lực các hạnh viên mãn xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình thành thục an trụ pháp thành, hiện tiền cảnh giới nhất thừa xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình trong mọi nơi tùy hiện các thứ thần thông nhất thừa lý pháp xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình kiến lập các hạnh bao gồm khắp vô lượng phương tiện xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình an trụ Tam-ma-địa phần vị lý pháp xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình an trụ tất cả cảnh giới sở duyên thanh tịnh đạo tràng lý pháp xuất sinh Bồ-đề, vô lượng hữu tình phát tâm Bồ-đề, vô lượng hữu tình trụ Bồ-tát đạo, vô lượng hữu tình an trụ thanh tịnh Ba-la-mật-đa đạo, vô lượng hữu tình trụ Bồ-tát sơ địa cho đến trụ Bồ-tát 10 địa.

Trong đây phải biết Bồ-tát thường lấy chính pháp nhiếp thụ tất cả. Những gì là chính pháp nhiếp thụ ?

Như Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Chính pháp nhiếp thụ nên Bồ-tát nhiếp thụ. Bồ-tát nhiếp thụ nên chính pháp nhiếp thụ. Chính pháp nhiếp thụ nên tất cả hữu tình nhiếp thụ. Tất cả hữu tình nhiếp thụ nên dòng giống Phật không đoạn dứt, việc làm thành tựu. Lại nữa nếu muốn khiến dòng giống Phật không dứt, muốn phá tất cả nghiệp phiền não của hữu tình, muốn đóng tất cả các cửa nẻo ác, muốn hưởng thụ vô lượng vô số thú vui thượng diệu của chuyển luân thánh vương và Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế, muốn đoạn dứt tất cả sợi dây ác ma, cho đến muốn thành quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ắt phải dùng chính pháp nhiếp thụ.

Trong đây nên hỏi: Bồ-tát mới phát tâm, thiện căn ít làm sao nhiếp thụ chính pháp ?

Như Kinh Bồ-tát Tạng nói: Bồ-tát nếu đủ 4 pháp thì không giảm Bồ-đề, chuyển sinh sẽ làm chuyển luân thánh vương. Như theo nguyện lực liền được tất cả thiện căn tùy chuyển được thân đại lực kiên cố như na-la-diên. Được chuyển luân thánh vương rồi tu 4 phạm hạnh, sinh trời Phạm thế làm Phạm thiên chủ. Những gì là 4 ?

1. Bồ-tát thấy tháp miếu Như Lai hư cũ phát tâm dũng mãnh siêng năng sửa sang cho đến hiến cúng một cục bùn.

2. Ở 4 góc đường phố xây dựng tháp Như Lai cao đẹp, hoặc miếu tượng, hoặc cột cờ, hoặc trụ biểu, hoặc đặt tượng Như Lai, hoặc bố trí riêng rẽ các tướng Như Lai như tướng chuyển pháp luân, tướng vượt thành xuất gia, tướng thành chính giác dưới cội Bồ-đề, tướng hiện đại thần thông hàng phục ma quân, tướng thị hiện nhập Đại Niết-bàn, tướng từ trời Đao-lợi giáng thần.

3. Nếu thấy trong chúng đệ tử Thanh Văn có sự chia rẽ thì tạo hòa hợp.

4. Trong giáo pháp Như Lai nếu thấy chính pháp sắp giảm diệt, mà dũng mãnh hộ trì cho đến một bài kệ 4 câu khiến lưu thông không cho quên mất. Lại nữa đối với chính pháp hoặc thầy thuyết pháp đều vì nhiếp thụ cho dẫu tổn đến thân mạng cũng không bỏ pháp.

Kinh Bảo Vân nói: Phật nói: Thiện nam tử ! Bồ-tát nếu đủ 10 pháp tức có thể nhiếp thụ chính pháp.

Những gì là 10?

1. Vảo đời mạt pháp 5 trăm năm sau khi chính pháp suy giảm, trong giáo pháp Như Lai xảy nhiều việc tạp loạn, các hữu tình phần nhiều ở trong tà đạo, tắt mất đèn trí tuệ không thầy chân chính trao cho. Bấy giờ nên dùng kinh điển rộng lớn, đủ uy lực lớn, bao gồm nghĩa rộng lớn, như mẹ của tất cả pháp mà tôn trọng cúng dường, thụ trì đọc tụng giảng nói giải thích.

2. Dùng kinh điển thậm thâm vì người giảng nói, giải thích chỉ bày khiến hiểu rõ.

3. Đối với người tu hành chính đạo thì phát sinh tâm thanh tịnh hoan hỷ.

4. Hoan hỷ rồi nhiếp thụ họ.

5. Dùng tâm không chấp trước vì người thuyết pháp khiến nghe.

6. Đối với người thuyết pháp thì khởi ý tưởng tôn trong như bậc thầy.

7. Đối với chính pháp, khởi tưởng như cam lộ.

8. Lại đối với chính pháp khởi tưởng như thuốc hay.

9. Mong cầu chính pháp không tiếc thân mạng.

10. Đắc pháp rồi như thuyết tu hành.

Đó là 10 pháp.

Kinh Tịch Tĩnh Quyết Định Thần Biến nói: Phật nói: Hiền Hộ ! Bồ-tát nếu đủ 4 pháp tức có thể nhiếp thụ chính pháp.

Những gì là 4?

  1. Không đắm trước thú vui của mình.
  2. Thí cho người điều vui thú nhất,
  3. Đủ tâm đai bi.
  4. Cầu pháp không chán.

Kinh ấy lại nói: Thuở quá khứ có vua Vô Cấu Oai Quang ở nơi Đại Cao Như Lai trồng các thiện căn trong một ngàn năm dùng các thứ hỷ lạc cúng dường Phật ấy và dùng 4 việc cấp thí 8 vạn 4 ngàn các chúng Bí-sô. Như vậy trải qua một ngàn năm rồi đức Đại Cao Như Lai bảo vua Vô Cấu Oai Quang rằng: Đại vương ! Hành các pháp bố thí nơi Như Lai đủ một ngàn năm như vậy, nếu so sánh với việc cần hành cầu pháp Bồ-tát chỉ trong một hơi thở ra vào được thiện căn còn hơn trăm phần không được một, cho đến ô-ba-ni-sát-đàm phần cũng không được một. Huống chi trong chính pháp cho đến một bài kệ 4 câu cần hành tuyên thuyết giải thích nghĩa, phúc ấy vô biên ta không nói hết. Đại vương ! Hãy để lại việc đó. Giả sử như vậy đủ một ngàn năm làm hết tất cả việc bố thí cúng dường gom lại thí cho một du phương Bí-sô, hoặc thí cho các chúng Bí-sô, nếu ở nơi Bồ-tát cần hành tuyên thuyết giảng dạy, vì ưa chính pháp nên sinh tôn trọng Bồ-tát ấy khởi tịnh tín đem vật ẩm thực sinh tâm như vầy: Ta vì cầu chính pháp nên hiến thí vật ẩm thực này, thiện căn đây so với bố thí trước gấp một trăm phần không được một, cho đến ô-ba-ni-sát-đàm phần cũng không được một.

Kinh Như Lai Bí Mật nói: Phúc uẩn của Bồ-tát nếu so sánh với phúc uẩn nhiếp thụ chính pháp thì đây lại nhiều gấp bội hơn. Giả sử tất cả chư Phật cần cù tuyên thuyết trải câu-chi kiếp còn không thể được một mé phúc uẩn của thụ trì chính pháp. Những chính pháp gì ?

Như Kinh Thắng Man Sư Tử Hống nói: Chính pháp đây tức tăng ngữ của Đại thừa. Bởi vì sao ? Vì Đại thừa xuất sinh Thanh Văn Duyên Giác thừa và tất cả thiện pháp thế gian xuất thế gian.

Kinh Pháp Tập nói: Nhiếp thụ chính pháp là trong tất cả kinh điển rất sâu của tất cả Như Lai nói, tuyên thuyết, giảng giải chuyên chú tư duy, đó là nhiếp thụ chính pháp. Phải biết các Bồ-tát nếu dựa vào chấp trước có hạnh sở đắc thì dầu trải vô lượng thời gian cúng dường chư Như Lai, nhưng ở chỗ các Phật kia không được thụ ký, huống chi thành Bồ-đề.

Như Phạm Vương Vấn Kinh nói: Phật nói: Đại phạm ! Ta trong một kiếp hoặc quá một kiếp tuyên thuyết danh hiệu chư Như Lai kia, nếu ta cúng dường chư Như Lai ấy, hoặc ở nơi chư Phật kia ta tu phạm hạnh và tu 6 Ba-la-mật-đa, ta ở nơi chư Phật kia chưa được thụ ký. Bởi vì sao ? Vì ta có chấp trước dựa vào hạnh sở đắc, nếu ta lúc bấy giờ ở nơi Nhiên Đăng Như Lai vừa thấy Phật ấy liền được pháp nhẫn vô sinh, Phật Thế Tôn ấy thụ ký cho ta. Ta lúc bấy giờ siêu quá tất cả hạnh có sở đắc mà lại viên mãn 6 Ba-la-mật-đa, trong pháp rất sâu có thể sinh tin hiểu, các thắng hạnh tự lợi lợi tha của chư Bồ-tát đều được chu tất.

Kinh Đại Tập, Phẩm Nguyệt Tạng nói: Phật nói: Nguyệt Tạng ! Thắng nghĩa đế kia tức có thể thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không chung với sở hữu của tất cả Thanh Văn Duyên Giác. Cho nên thế tục đế không thể thành tựu thiện căn tối thượng và làm các thắng hạnh A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nguyệt Tạng ! Như người đem cây đuốc không thể làm khô cạn biển sâu. Thế tục đế kia cũng như vậy, còn không thể làm cạn biển phiền não của mình, huống chi vì các hữu tình khác. Trong đây làm sao có thể tin hiểu pháp rất sâu.

Như Kinh Bồ-tát Tạng nói: Bồ-tát có 2 thứ tuệ, một là nghe thanh từ người khác, hai là tự tâm tác ý sâu. Những gì là nghe thanh từ người khác ? Nếu có Bồ-tát tuy thích tu tập các hạnh tương ưng nhưng trong chính pháp Bồ-tát tạng không thích nghe thụ, lại không thích nghe pháp luật các thánh, trong định đạt được chút ít vui mừng cho là đủ, tâm ngã mạn đốt cháy nên rơi vào tăng thượng mạn. Bồ-tát ấy không thể giải thoát sinh lão bệnh tử ưu bi khổ não, cũng không giải thoát 6 thú luân hồi, lại còn không thể giải thoát khổ uẩn. Do duyên ấy Như Lai nói nghe thanh từ người khác, mà những điều nghe đây không thể giải thoát các pháp lão tử. Những gì là tác ý sâu ? Nghĩa là Bồ-tát tự tác là học, không có pháp nào là hòa hợp, chẳng phải không hòa hợp. Đó là hạnh sâu kiên cố. Hạnh sâu kiên cố này là chẳng phải hành tăng ngữ. Âm thanh như thế kia, hoặc thời gian trước, hoặc thời gian sau xét kỹ như thật từ đâu sinh từ đâu diệt. Lại nữa hoặc lời nói hoặc nghĩa lý hoặc đoạn hoặc chứng hoặc đã nói hoặc sẽ nói xét kỹ tất cả những thứ đó không có tướng quá khứ không có tướng vị lai không có tướng hiện tại nào có thể được, tức tất cả pháp tự tính tịch diệt, tự tính tịch tĩnh, tự tính viên mãn, rốt ráo không sinh không khởi không thật, phải quán các pháp rốt ráo Niếtbàn. Nếu quán được như vậy tức không có sở quán, cũng chẳng phải không quán. Đó gọi là chính quán. Huống chi tất cả pháp như thật có thể quán được sao ? Đó tức là không có sở quán. Cái không có sở quán này cũng tức là không sinh tăng ngữ. Nếu tất cả pháp không sinh tức không vượt chính lý. Nếu tất cả pháp bình đẳng tức Phật pháp bình đẳng. Nói như vậy là không vượt chính lý. Nói thế là tác ý sâu kiên cố. Như vậy mới có thể ngộ nhập chính pháp vô thượng thậm thâm.

Kinh Phụ Tử Hợp Tập nói: Phật bảo vua Tịnh Phạn rằng: Đại vương ! Nếu hoặc ở trong kiếp không, hoặc có lầu gác của Phạm thiên xuất hiện ra trước, bảy báu tạo thành, tính nó chắc thật, nếu khi sinh khởi nó từ đâu đến ? Như vậy ở Dục giới trời Tha hóa tự tại, trời Hóa lạc, trời Đâu-suất, trời Dạ-ma, trời Đao-lợi, trời Tứ đại vương lầu gác các trời ấy đều hiện 7 báu làm thành. Lại núi Thiết vi, núi Đại thiết vi, vững chắc một khối kim cương làm thành, các núi có tính chắc thật kia từ đâu đến ? Lại núi Tu-di, núi Nhĩ-dân-đạt-la, núi Trì Song, núi Trì Trục, núi Trì Kim Cương, núi Khiết-na-lí-thiêm, núi Vĩ-na-đát-cô, núi Mã Nhĩ, núi Thiện Kiến, núi Đại Thiện Kiến, núi Ô-cữu-nga-lô, núi Hương Túy, núi Tuyết Sơn và các núi Hắc Sơn khác đều hiện ra trước cho đến tất cả 3 ngàn đại thiên thế giới thảy đều xuất hiện. Vả núi chúa Tu-di cách đất 8 vạn do-tuần, vậy tính chắc thật kia đều họp hiện ra trước là từ đâu đến ? Đại vương ! Nếu sau khi thế giới này thành, lửa cháy, nước trôi , gió đập. Lửa cháy đốt tiêu hết như bơ hoặc dầu cho vào lửa cháy hết chẳng còn gì. Nước trôi cuốn đi hết như muối cho vào nước tiêu hết chẳng để lại vết tích. Gió đập không vật gì còn được như khi gió Tì-lam thổi không còn thấy một bóng chim bay. Ba ngàn đại thiên thế giới này cũng vậy, khi lửa cháy nước cuốn gió đập không còn gì thấy được nữa. Cái tính chân thật bền chắc kia cũng hoại diệt như vậy thì nó đi đâu ? Đây nói ngoài địa giới trong địa giới cũng vậy. Và các cõi khác hoặc trong hoặc ngoài cũng đều như vậy. Cho nên tất cả pháp khi sinh không từ đâu đến, khi diệt cũng không đi đâu. Chúng có sinh quyết định đều không, sinh rồi tự tính cũng đều không.

Kinh A-xà-thế Vương nói: Khi ấy vua A-xà-thế ở trong cung dâng cơm cúng Phật Thế Tôn và các đại chúng Bồ-tát Thanh Văn, rửa tay xong đến trước Bồ-tát Diệu Cát Tường cung kính ngồi nghe chính pháp. Vua nói: Bồ-tát nay xin vì tôi giải trừ việc làm ác. Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Giả sử chư Phật Thế Tôn như số cát sông Khắc-già cũng không thể vì ông giải trừ việc làm ác. Vua A-xà-thế nghe nói vậy kinh sợ không cứu được ngất xỉu xuống đất. Bấy giờ tôn giả Đại Ca-diếp nói: Thôi thôi Đại vương ! Chớ nên kinh sợ, Bồ-tát Diệu Cát Tường này có thể vì vua có thể nói nhân duyên. Vua nên hỏi như thế này: Vì nhân duyên gì Bồ-tát nói như vậy ? Bấy giờ vua A-xà-thế từ đất đứng dậy bạch Bồ-tát Diệu Cát Tường rằng: Vì duyên gì Bồ-tát nói như vậy ? Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Tâm của vua có sở duyên quán Phật Thế Tôn chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Sao nay vua sinh quán tâm ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Quán tâm diệt chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Quán pháp hữu vi chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Quán Phật Thế Tôn đối với pháp hữu vi có biểu thị chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Ý vua thế nào ? Nếu trong các pháp không pháp có thể quán mà chấp nhận có pháp có thể giải trừ chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Vì duyên đó nên tôi nói như vậy. Giả sử chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát sông Khắc-già cũng không thể vì vua giải trừ việc làm ác.

Lại nữa Đại vương ! Nếu không trung này, hoặc khói hoặc bụi muốn làm bẩn cái hư không, ý vua thế nào, khói bụi kia có thể nhiễm cái hư không chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Lại như có người nói thế này: Ta muốn làm cho hư không trong sạch. Vậy hư không kia có thể sạch chăng ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Như Lai cũng như vậy, giống như hư không nói tất cả pháp vốn từ xưa nay tự tính liên tục không nhiễm. Hư không kia không có một pháp nào hoặc nhiễm hoặc tịnh thật sự có thể quán, vậy thì trong đó có cái gì để mà giải trừ ? Đại vương ! Tôi như thật chính quán nghĩa ấy nên nói như vậy. Giả sử chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát sông Khắc-già cũng không thể vì vua giải trừ việc làm ác.

Lại nữa, Đại vương ! Chư Phật Thế Tôn nội tâm chẳng phải có sở đắc, chẳng phải có chỗ khởi, ngoài cũng phi sở đắc phi sở khởi. Bởi vì sao ? Tất cả pháp tự tính vô sở khởi. Nếu tự tính của pháp là vô sở khởi nên không có chỗ dung nạp tính hữu sở khởi. Bởi vì sao ? Tự tính tất cả pháp vô sở khởi nên vô sở thành. Tất cả pháp vô sở thành nên vô sở tập. Tất cả pháp vô tập nên không xuất sinh. Tất cả pháp không xuất sinh nên pháp lìa tính. Tất cả pháp lìa tính nên không thể làm hành. Tất cả pháp không thể làm hành nên không có sinh.Tất cả pháp không có sinh nên không có pháp dị thục. Tất cả pháp không có dị thục nên không khởi tác. Tất cả pháp không khởi tác nên không bị nhiễm. Tất cả pháp không nhiễm nên tự tính sáng tỏ. Tất cả pháp tự tính sáng tỏ nên pháp thanh tịnh. Tất cả pháp thanh tịnh nên như hư không. Tất cả pháp như hư không nên không đối trị. Tất cả pháp không đối trị nên lìa 2. Tất cả pháp lìa 2 nên lìa 2 bên. Tất cả pháp lìa 2 bên nên pháp không biên giới. Tất cả pháp không biên giới nên không bờ bến. Tất cả pháp không bờ bến nên không cứu cánh. Tất cả pháp không cứu cánh nên không sở duyên. Tất cả pháp không sở duyên nên ở tất cả nơi không điên đảo trụ. Tất cả pháp ở tất cả nơi không điên đảo trụ nên thường lạc ngã tịnh đều không thể được. Tất cả pháp là thường nên tương ưng không động chuyển. Tất cả pháp là tịnh nên tự tính sáng tỏ. Sở thành tất cả pháp là lạc nên tương ưng không phân biệt. Tất cả pháp tự tính ngã nên vô ngã biểu thị tương ưng. Tất cả pháp không làm ác nên nội tâm tịch chỉ. Tất cả pháp không thật nên thắng nghĩa đế không chỗ an lập. Tất cả pháp vắng lặng nên biến khắp tướng vắng lặng. Tất cả pháp vô ngã nên ngã ngã sở lìa nhau. Tất cả pháp không mùi vị nên là tướng giải thoát. Tất cả pháp lìa tên gọi nên tên sai biệt là không thể được. Tất cả pháp không phân biệt nên lìa các thứ tính. Tất cả pháp là một vị nên giải thoát bao gồm tất cả. Tất cả pháp lìa tướng nên không có tướng. tất cả pháp không có tướng nên là không hiểu rõ sở duyên thanh tịnh. Tất cả pháp đều không, nên đều lìa tất cả những gì thấy có làm. Tất cả pháp là vô nguyện nên siêu việt 3 đời. Tất cả pháp đoạn dứt 3 đời nên quá khứ vị lai hiện tại đều không thể được. Tất cả pháp Niết-bàn bao gồm khắp nên rốt ráo không sinh.

Đại vương ! Ý vua nghĩ sao ? Nếu pháp không sinh, lại không tích tập thì trong đó có cái gì là bị nhiễm không ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Lại có pháp có thể giải trừ không ? Vua nói: Không. Diệu Cát Tường nói: Đại vương ! Do đó nên Như Lai biết tất cả pháp với Niết-bàn là như nhau. Cho nên trong đó không có việc làm ác có thể giải trừ. Cho nên Đại vương ! Tương ưng với sâu kiên cố kia phải thực hành như vậy, dùng tâm không điên đảo phải quán sát kỹ như thật. Như quán kỹ rồi tùy khi quán sát không chút pháp nào có thể thủ có thể xả không có pháp có thể cộng trụ. Nếu tất cả pháp không cộng trụ nên khinh an. Nếu pháp khinh an tức pháp tịch tĩnh. Nếu pháp tịch tĩnh tức tự tính của pháp. Nếu pháp tự tính tức không tự tính. Tất cả pháp không tự tính nên tức không chủ tể. Đại vương ! Trong đó nên làm nhẫn pháp. Tức đây cũng lại không pháp có thể làm. Bởi vì sao ? Đại vương ! Sở tác tịch tĩnh nên hiểu như vậy sẽ chứng Niết-bàn. Trong đây cũng lại không có pháp có thể làm, cũng không phải không làm. Làm không làm đây đều quy về Niếtbàn tịch tĩnh.

QUYỂN 7 HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10