LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO 
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 5

Phẩm 8: HÀNH MÔN 2

Đây nói về cầu Đệ Nhị thiền, tư duy các lỗi lầm của Sơ thiền và công đức của Nhị thiền.

Bấy giờ, người ngồi thiền muốn khởi Đệ Nhị thiền, khi Sơ thiền thân đã được tự tại.

Vì sao vậy ? Vì nếu nơi Sơ thiền chưa được tự tại, tuy lại tư duy muốn trừ giác, quán, mong được Nhị thiền, vẫn lại bị thoái mất, thì không kham nổi việc khởi Đệ Nhị thiền, lại không thể vào nhập Sơ thiền trở lại nữa.

Như Thế Tôn có nói ví dụ con bê núi, dạy các Tỳ-kheo rằng: Có một con bê núi, ngu si không biết nơi kiếm ăn, chưa biết lối đi, mà muốn đi đến nơi xa và nguy hiểm, tự nghĩ như vầy: Ta nay muốn tới một nơi chưa từng đến, ăn thứ cỏ chưa từng thưởng thức, uống thứ nước chưa từng uống. Chân trước chưa đứng vững, đã giở chân sau, nghiêng ngã không yên, không thể bước tới được. Và vì không tới được nơi chưa từng đến, cũng không gậm được thứ cỏ chưa từng ăn, không uống được thứ nước chưa từng uống. nó liền suy nghĩ: Đã không đi tới được nữa, thì phải trở lại nơi mình ăn uống cũ trước kia vậy.

Cũng vậy, Tỳ-kheo ngu si, chưa thông đạt, không biết chỗ hành xứ, không hiểu lìa dục nhập vào Sơ thiền, không tu pháp này, không học tập nhiều, vội có ý nghĩ muốn nhập vào Nhị thiền, lìa bỏ giác, quán, không rõ tự an, lại tự nghĩ: Ta không đủ sức nhập vào Đệ Nhị thiền mà lìa bỏ giác, quán, muốn thoái lui quay về Sơ thiền và lìa dục. Tỳ-kheo ấy ngu si như con bê núi không biết đường đi đến đồng cỏ. Vì thế phải tu Sơ thiền cho tâm được tự tại.

Vào trước giờ ăn và sau khi ăn, vào lúc đầu hôm và gần sáng, tùy tâm vui thích, tùy theo dục lâu hay mới gần đây, tùy ý không ngại mà khởi nhập quán. Nếu trong một lần, cho đến nhiều lần, hoặc nhập nhiều lần, xuất nhiều lần, đối với Sơ thiền cũng được thành tự tại. Khi được vui tự tại rồi, khởi Đệ Nhị thiền vượt qua Sơ thiền. Bấy giờ mới suy nghĩ rằng Sơ thiền còn thô sơ, Nhị thiền vi tế hơn, và thấy các lỗi lầm của Sơ thiền, thấy các công đức của Nhị thiền.

Hỏi: Thế nào là các lỗi lầm của Sơ thiền ?

Đáp: Gần với 5 triền cái là kẻ thù, khiến quấy động giác quán, khiến thân giải đãi, khiến tâm tán loạn, nên tất cả pháp đều là định thô, không đủ sức chứng trụ thần thông. Đã thích Sơ thiền thì không thành tựu thắng phần. Đó là các lỗi lầm của Sơ thiền.

Công đức của Đệ Nhị thiền là đối trị các điều đó. Đã quán các lỗi lầm của Sơ thiền, lại thấy công đức của Nhị thiền là tất cả nhập tướng tác ý tu hành Đệ Nhị thiền pháp. Không tác ý hòa hợp với Sơ thiền, không tác ý về giác, không tác ý về quán. Do từ định sinh hỷ, lạc, tự tại, khiến tâm thụ trì. Người ngồi thiền tác ý như vậy, không lâu giác, quán sẽ tiêu diệt. Do định khởi hỉ, lạc, tự tại, khiến tâm được an trụ.

Sau đây nói về 4 thiền chi của Nhị thiền.

Người ngồi thiền đó giác, quán đã diệt, thành tựu nội tín, tâm thành một tính, không giác không quán, từ định sinh hỷ, lạc, mà nhập vào Đệ Nhị thiền. Đó là công đức của Địa nhất thiết nhập. Giác và quán diệt là do khéo phân biệt. Giác và quán diệt còn gọi là đoạn.

Hỏi: Thế nào là giác, quán diệt ?

Đáp: Đó là sự tiêu diệt các lỗi lầm về giác quán của Sơ thiền, và tất cả nguồn gốc của giác quán, lỗi lầm của giác quán. Nguồn gốc của giác quán cùng với giác quán đều trừ hết thành giác quán diệt.

Lại nữa, do đoạn trừ hạ phẩm thô thiền nên được thượng phầm thắng thiền. Lại còn khiến hiện lần lượt diệt.

Về nội tín, nội là hiện chứng. Nội có 3 thứ: 1. Nội nội. 2. Nội định. 3. Nội hành xứ.

Thế nào là nội nội ?

Là 6 nhập. Nội định là sự tự quán thân. Nội hành xứ là ý tưởng bên trong không hướng ra ngoài, thủ nghiã là tính. Trong bộ kinh luận nầy, chữ nội nội có nghiã là khá ưa thích.

Tín là niềm tin chân chính có thể làm cho tư duy tăng trưởng. Đó là niềm tin bên trong nên gọi là nội tín.

Nội tín có tướng, vị, khởi, xứ như thế nào ?

Nội tín lấy không loạn làm tướng, tịch tịch là vị, không ô trược là khởi, giác quán là xứ.

Tâm thành 1 tính có nghiã là tâm trụ trong chính định.

Tâm thành 1 tính, nghiã là sao ? Tâm là ý nghĩ. Một đây là 1 niệm, tức chính niệm. Gọi là tính là như Thanh luận nói sinh tính. Tính là nói nghĩa bản tính tự nhiên. Nhất tâm nơi Nhị thiền có khả năng diệt giác quán do 1 tính được khởi. Đó gọi là tâm thành 1 tính., Tâm thành 1 tính có tướng, vị, khởi, xứ như thế nào ?

Chuyên chính là tướng, tịch tịch là vị, không bồng bột là khởi.

Giác quán diệt là hành xứ.

Hỏi: Vì sao nơi Sơ Thiền không gồm có Tín và Tâm thành 1 tính ?

Đáp: Sơ thiền bởi giác quán quấy động làm nhiễm bẩn, nội tín và tâm thành 1 tính bị mất thanh tịnh. Như nước có gió động nổi sóng, khiến hình bóng không rõ ràng.

Cũng như vậy, trong Sơ thiền, giác quán làm sóng quấy động khiến nội tín và tâm 1 tính thành không thanh tịnh. Vì vậy Sơ thiền không gồm có thiền chi nầy.

Không giác, không quán có nghiã là đoạn dứt giác thành không có giác, lìa quán thành không có quán.

Hỏi: Giác quán diệt thì không có giác, không có quán. Hai thứ đoạn trừ giác quán chăng này, vì sao nói hai ?

Đáp: Giác quán diệt, là hiện nội tín. Tâm 1 tính là nhân không giác không quán, là hiện tịch tịch thành diệu tướng của hỷ lạc.

Lại nữa, giác quán diệt là bởi giác quán đó mà thấy lỗi lầm của giác quán nên theo pháp đoạn trừ giác quán đó. Vô giác vô quán là đoạn giác quán của cõi Sắc.

Lại nữa, có 2 thứ vô giác vô quán: 1. Không do giác quán diệt mà thành vô giác vô quán. 2. Do giác quán diệt mà thành vô giác vô quán.

Ở 5 thức và Đệ Tam thiền không do giác quán diệt mà thành vô giác vô quán.

Ở Đệ Nhị thiền, dùng tịch tịch làm phương tiện, do đó lấy giác quán diệt mà thành vô giác vô quán. Đó là nói 2 nghiã.

Từ định sinh, gọi là định. Sơ thiền từ định trí mà sinh. Đệ Nhị thiền từ định trí của Sơ thiền mà sinh.

Lại nữa, ở Đệ Nhị thiền, định được cùng sinh với nhất tâm, thành định sinh hỷ lạc. Hỷ lạc, như trước đã giải thích.

Nhị thiền được gọi như vậy, vì dựa vào Sơ thiền mà có tên.

Nhập chính thụ có nghiã là nhập vào Đệ Nhị thiền. Thiền, là nội tín, hỷ, lạc, nhất tâm, gọi là thiền.

Nhập chính thụ và an trụ là thành được Đệ Nhị thiền, lìa 2 chi giác và quán, thành tựu 2 chi hỉ và lạc, 3 thứ thiện, 10 tướng đầy đủ, 23 thứ công đức tương ưng. Đó là công đức được sinh lên cõi trời Quang Diệu Thiên.

Như trước đã nói, thiên trụ là từ định sinh hỷ lạc, vượt khỏi ở cõi nhân gian, sinh ở cõi trời nên gọi thiên trụ.

Nên Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Như nước trong ao, không phải do 4 phương chảy về, cũng không phải do nước mưa xuống trái thời tiết, mà từ nguồn mạch trong và mát thấm chảy từ xa. Cũng như vậy, các Tì-kheo, thân này từ định sinh ra hỷ lạc, khiến được mát mẻ, không nơi nào không nhuần thấm. Từ định sinh hỷ biến khắp thân tâm, như nước nguồn mạch. Người ngồi thiền khi nhập vào Đệ Nhị thiền, tự thân có thể biết được. Nó giống như nước không từ 4 phương chảy về, không từ trời mưa xuống. Giác quán diệt nơi người ngồi thiền ra sao cũng có thể biết được. Cũng vậy, như nước do từ nguồn mạch chảy ra, tràn đầy châu thân mà không nổi sóng. Giống như trạng thái người ngồi thiền, từ định sinh hỷ lạc. Đây gọi là sắc thân tràn đầy hỷ lạc mà không khởi loạn tâm. Như dùng nước lạnh rưới làm cho khắp thân mát mẻ. Như vậy, do định sinh hỷ lạc, tất cả sắc thân đầy đủ quả báo của tu định.

Công đức tu định được quả báo sinh lên cõi trời Quang Diệu.

Nhị thiền này có 3 bậc: hạ phẩm, trung phẩm và thượng phẩm.

Người tu thiền hạ phẩm, mạng chung sinh lên trời Thiểu Quang Thiên, sống lâu 2 kiếp.

Người tu thiền trung phẩm, sinh Vô Lượng Quang Thiên, thọ mạng 4 kiếp.

Người tu thiền thượng phẩm sinh Quang DiệuThiên, thọ mạng 8 kiếp.

Sau đây suy gẫm về các lỗi lầm của Nhị thiền.

Bấy giờ, người ngồi thiền đã tu Đệ Nhị thiên, thân được tự tại, nhận thấy Nhị thiền còn thô sơ, Tam thiền thì tĩnh lặng hơn, biết các lỗi lầm của Nhị thiền và các công đức của Tam thiền, liền khởi tu Đệ Tam thiền.

Thế nào là các lỗi lầm của Nhị thiền ?

Vì gần với giác quán là kẻ thù của định, cùng với hỷ tương ưng sung mãn, cho nên Nhị thiền thành thô. Vì sung mãn tâm quá phấn khởi loạn động, khiến không thể khởi các thiền chi khác. Nếu bám dính vào hỷ, tức là lỗi. Nếu biết đó là lỗi thì thành không lỗi. Nếu không thể tác chứng thần thông, nếu ưa thích Nhị thiền, thì không thành tựu thắng phần. Đó là biết các lỗi của Đệ Nhị thiền.

Thấy các công đức của Đệ Tam thiền là đối trị lại các lỗi lầm đó. Đã quán sát các lỗi của Nhị thiền, lại thấy các công đức của Tam thiền, rồi y theo tướng của nhất thiết nhập mà tác ý khiến diệt tâm hỷ. Do hỷ lạc mà sinh tâm thụ trì, tác ý như vậy không bao lâu thì không còn hỷ lạc, khiến tâm được an.

Giải thích các thiền chi của Tam thiền.

Người ngồi thiền không đắm nhiễm cái hỷ, được xả niệm, trí, dùng thân thụ lạc. Như Phật nói được xả, niệm, trí, lạc, trụ trong chính thụ của Đệ tam thiền. Đó là công đức của Địa nhất thiết nhập, do không đắm nhiễm hỷ.

Hỷ là gì, trước đã phân biệt là không nhiễm hỷ, là đoạn dứt hỷ, tức được trụ trong xả.

Thế nào là xả ?

Xả có nghiã là hộ trì cho không thoái cũng không tiến, tâm bình đẳng là xả. Xả có 8 thứ: 1. Thụ xả. 2. Tinh tiến xả. 3. Kiến xả. 4. Bồ-đề xả. 5. Vô lượng xả. 6. Lục phần xả. 7. Thiền chi xả. 8. Thanh tịnh xả.

Năm căn là thụ trì xả.

Khi không tác ý tướng xả là tinh tiến xả.

Với khổ tập ta phải đoạn trừ được xả là kiến xả.

Tu Bồ-đề giác là Bồ-đề xả.

Từ, bi, hỉ, xả, là vô lượng xả.

Mắt nhìn hình sắc không khởi khổ, không khởi mừng, là một trong lục phần xả.

Có hỷ mà không bị nhiễm, lại trụ nơi xả, đó là thiền chi xả.

Xả niệm thanh tịnh là thanh tịnh xả.

Trong 8 thứ xả đó, trừ thụ xả, còn 7 pháp xả kia, là bình đẳng xả.

Lại nữa, có 3 thứ xả: 1. Tương ưng thừa xả. 2. Thiểu kinh doanh xả. 3. Vô kinh doanh xả.

Trong tất cả các cách hành thiền, phương tiện giữ cho thiền bình đẳng, không gấp gáp, không trì hoãn. Đó gọi là tương ưng thừa xả. Xả nầy tiếp cận với Đệ Nhị thiền. Có khả năng đoạn trừ được tâm quá bồng bột.

Nếu tâm không kinh doanh tạo tác thì gọi là thiểu kinh doanh xả. Xả nầy tiếp cận với Đệ Tam thiền, có khả năng đoạn trừ tất cả tâm bồng bột loạn động.

Không động thân tâm, không kinh doanh tạo tác việc gì nữa, gọi là vô sự xả. Xả nầy tiếp cận với Đệ Tứ thiền.

Xả có tướng, vị, khởi, xứ như thế nào ?

Bình đẳng là tướng, không chấp trước là vị, không kinh doanh tạo tác là khởi, không nhiễm ô là xứ.

Hỏi: Vì sao nói đến xả này ở thiền này , mà không nói đến xả ở Nhị thiền và Sơ thiền ?

Đáp: Ở Sơ thiền và Nhị thiền, tâm hỷ lạc sung mãn, tâm thành ra chấp trước, thân tâm duyên nơi hỷ lạc, sôi nổi bồng bột, tâm hỷ nên không thể diệt được, do đó ở Sơ thiền và Nhị thiền vì tâm xả không viên mãn nên không nói đến xả.

Ở Tam thiền, không có tâm hỷ nhiễm trước, tướng chấp trước đã diệt, thiền chi xả sinh khởi, thiền chi xả tự tại, nên gọi là xả niệm chính trí.

Thế nào là niệm ?

Niệm tùy niệm, niệm ấy biết rõ, nhớ rõ, giữ gìn không quên đều là niệm. Ngoài ra niệm căn, niệm lực và chính niệm, cũng đều là niệm.

Hỏi: Niệm có tướng, vị, khởi, xứ như thế nào ?

Đáp: Tùy niệm là tướng, không quên là vị, bảo vệ là khởi, 4 niệm là xứ.

Thế nào là trí ?

Tri giải là tuệ, chính trí này gọi là trí. Có 4 thứ chính trí: 1. Hữu nghiã trí. 2. Tự tướng trí. 3. Bất ngu si trí. 4. Hành xứ trí.

Hữu nghiã trí là có 4 oai nghi. Tự tướng trí là trí nhập vào Không xứ. Bất ngu si trí là trí hiểu biết 8 pháp thế gian. Hành xứ trí là có trí nơi sự việc. Tại bộ kinh luận nầy, trí hành xứ là khả thủ.

Hỏi: Trí có tướng, vị, khởi, xứ như thế nào ?

Đáp: Không ngu si là tướng, duyên trước là vị, lựa lấy các pháp là khởi, tác ý chân chính là xứ.

Hỏi: Vì sao niệm chính trí phải có mặt ở tất cả mọi nơi, không thể thiếu ?

Đáp: Vì nếu người mất niệm sẽ không sinh khởi chính trí, mà nếu thiếu chính trí thì không khởi được thiền ngoại hành.

Hỏi: Vì sao chỉ nói ở Đệ Tam thiền, mà không thấy nói ở Đệ Nhị thiền và Sơ thiền ?

Đáp: Nơi Tam thiền nầy, đứng đầu là hỷ vì các thiền chi thô khác đều diệt, chính định lại vi tế, nên định này đi vào chỗ vi tế, cho nên chính trí có thể khởi ở Đệ Tam thiền và do đó, các thiền chi được tự tại.

Lại nữa, Tam thiền nầy dễ đi đến chỗ sở duyên lạc xứ, mà chỗ có khí vị nhất đồng thời cũng tạo tác ngu tâm. Do đó, cũng gọi là lạc chấp trước xứ. Cho nên đối với thiền này, biết được tự tại thì có thể đoạn trừ hỷ.

Lại có thuyết nói hỷ và lạc là đôi bạn thân thiết. Do đó cần phải niệm chính trí và phân biệt mới có thể có lạc mà không có hỷ, mà tu hành an trụ vào Tam thiền. Ví như bê con cứ đi theo bên con mẹ, nếu không nắm 2 tai giữ lại là nó cứ đi theo. Cũng như vậy, không hỷ mà có lạc là nhờ niệm trí phân biệt nên lạc được an trụ được nơi hành xứ. Nếu không phân biệt thì có hỷ mà thành ra thoái phần.

Để cho lạc thiền chi được tự tại, nên mới nói đến niệm trí. Sau khi xả bỏ niệm trí được thành tựu, thì gọi là xả niệm chính trí. Ngay sau khi xả niệm chính trí thành tựu, thân mới cảm thụ lạc.

Hỏi: Thế nào là tâm lạc ?

Đáp: Tâm tiếp thụ là tâm lạc. Từ tâm tiếp xúc, sinh tiếp nhận, là tâm thụ lạc. Đó gọi là lạc.

Hỏi: Còn thân thì sao ?

Đáp: Tưởng ấm, hành ấm, thức ấm, đó gọi là thân. Cái lạc này do thân thụ gọi là thân thụ lạc.

Hỏi: Vì sao cái lạc không có hỷ này, không do thân thụ ?

Đáp: Vì ở Đệ Tam thiền lạc căn đã diệt.

Vì sao Thế Tôn nói, ở Đệ Tam thiền, lạc căn diệt ?

Nói Thánh nhân nói, nghĩa là Thánh tức Phật và các đệ tử, khai hợp chế giáo, phân biệt và chỉ rõ, nên gọi là Thánh nhân nói.

Hỏi: Tại sao Thánh giả chỉ nói ở thân này mà không phải nơi nào khác ?

Đáp: Trong Đệ Tam thiền nầy, người ngồi thiền dễ sinh khởi sở duyên lạc xứ, nhưng không thụ lạc. Còn Thánh giả thì an trụ nơi lạc xứ là Thánh giả được thành tựu. Cho nên Thánh giả bảo Tam thiền rất thù thắng.

Xả, niệm, lạc tức là thành tựu xả bỏ hữu niệm mà được an lạc trụ trong Tam thiền.

Nói Đệ Tam là tiếp theo Đệ Nhị mà gọi Đệ Tam. Tam thiền có xả, niệm, chính trí, lạc và nhất tâm. Đó gọi là thành tựu nhập trụ Đệ Tam thiền.

Nói nhập trụ là nói người ngồi thiền đã được nhập Đệ Tam thiền, lìa 1 chi là hỷ, 5 phần là xả, niệm, chính trí, lạc và nhất tâm, thàn tựu 3 thứ thiện, đầy đủ 10 tướng, tương ưng với 22 công đức, được sinh lên cõi trời Biến Tịnh Thiên.

Như đã được nói qua trước đây, sinh lên cõi trời tức là an trụ trong trạng thái lạc không có hỷ, siêu vượt cõi nhân gian.

Cho nên Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Này các Tì-kheo ! Trong ao có hoa Uất-ba-la, trong ao có hoa Phân-đà-lợi. Nếu hoa Uất-ba-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Phân-đà-lợi sống trong nước, lớn lên trong nước, ở trong nước, từ gốc đến ngọn, bên trong đều có nước. Cũng vậy, thân tâm của Tỳ-kheo tràn đầy có lạc không hỷ. Giống như hoa Uất-ba-la, hoa Phân-đà-lợi sinh từ trong nước. Cũng như vậy, nhập vào Đệ Tam thiền, thì phải biết thân như ngó sen sinh trong nước, từ gốc đến ngọn, tất cả đều tràn đầy nước. Cũng như vậy, nhập vào Đệ Tam thiền thì thân có lạc không hỷ, thấm nhuần khắp cả thân tâm quả báo của tu định, như công đức sinh lên cõi trời Biến Tịnh Thiên.

Đệ Tam thiền này cũng có 3 thứ hạng: thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm.

Người ngồi thiền tu hạ phẩm Tam thiền, khi mạng chung, sinh lên cõi Diệu Tịnh Thiên, thọ mạng 6 kiếp. Tu trung phẩm thiền, sinh Vô Lượng Tịnh Thiên, thọ mạng 32 kiếp. Tu thượng phẩm thiền sinh Biến Tịnh Thiên, thọ mạng 64 kiếp.

Suy gẫm về các lỗi lầm của Tam thiền.

Bấy giờ người ngồi thiền sau khi đã hoàn thành sự tu tập Tam thiền, thân được tự tại rồi, khởi ý tưởng vượt Đệ Tam thiền lên Đệ tứ thiền. Đệ Tam thiền thì thô, Đệ Tứ thiền vi diệu hơn. Biết được các lỗi lầm của Đệ Tam thiền, và thấy các công đức của Đệ Tứ thiền.

Thế nào là các lỗi lầm của Tam thiền ?

Vì gần với hỷ vốn là kẻ thù của chính định. Bởi lạc thiền chi còn thô sơ, chưa thể chịu đựng tiếp thụ, không thể tác chứng thần thông nơi Tam thiền, khiến không thành tựu thắng phần. Như vậy, đã thấy các lỗi lầm của Đệ Tam thiền, và thấy các công đức của Đệ Tứ thiền là đối trị lại, người ngồi thiền chỉ tác ý theo tướng của nhất thiết nhập mà tác ý khiến hiện diệt lạc diệt. Do tâm xả thụ trì như vậy tác ý không lâu, tâm được yên ổn, được giải thoát 4 thiền chi là giác, quán, hỷ, lac.

Người ngồi thiền muốn đoạn trừ lạc, trước phải đoạn khổ, khi mừng lo ban đầu hết thì không còn khổ vui, xả niệm thanh tịnh, thành tựu an trụ Đệ Tứ thiền. Đó là công đức của địa nhất thiết nhập.

Đoạn vui là đoạn cái vui của thân. Đoạn khổ đoạn cái khổ của thân. Trước nói diệt mừng lo có nghĩa là, mừng là tâm vui, lo là tâm khổ, đều diệt hết.

Hỏi: Vui, khổ, lo âu diệt ở đâu ?

Đáp: Bắt đầu từ Sơ thiền, khổ căn đã diệt. Đến đây Đệ Tứ thiền Phật chỉ nói khổ diệt.

Hỏi: Khổ căn khởi ở đâu, và trong bao lâu thì diệt hết ?

Đáp: Phật có bảo các Tỳ-kheo rằng Sơ thiền thành tựu ly dục, nơi đó các khổ căn khởi không bao lâu thì diệt.

Hỏi: Vì sao ở Sơ thiền, khổ căn diệt ?

Đáp: Vì tràn đầy hoan hỷ nên thân vui, vì thân vui nên khổ căn diệt do lấy đoạn mà đối trị. Thế nên, ở Sơ thiền, khổ căn diệt. Ở Đệ Nhị thiền, ưu căn diệt, thành ra đoạn dứt ưu căn. Như Phật có nói: Nơi nào hỷ căn khởi không bao lâu thì diệt, thì nơi đó Tỳ-kheo giác quán diệt, an trụ chính thụ của Đệ Tam thiền, nơi đó ưu căn khởi không bao lâu thì diệt.

Vì sao ở Đệ Nhị thiền ưu căn diệt ?

Vì nếu có giác quán cứ đuổi theo giác quán lâu ngày, thì làm cho thân giãi đãi, tâm sinh lười biếng. Nếu tâm lười biếng thì ưu căn liền khởi.

Nơi Đệ Nhị thiền, giác quán diệt nói là ưu căn cũng diệt. Nơi Đệ Tam thiền, nơi đó lạc diệt. Như Thế tôn có nói: Nơi nào lạc căn khởi không bao lâu thì diệt, thì nơi đó Tỳ-kheo nhàm chán hỷ nên nhập vào chính thụ an trụ Đệ Tam thiền. Nơi đó, lạc căn đã khởi không bao lâu sẽ diệt.

Hỏi: Vì sao ở Đệ Tam thiền, lạc căn diệt ?

Đáp: Vì hỷ diệt, mà hỷ là nguyên nhân của lạc, cho nên ở Đệ Tam thiền, lạc căn diệt.

Hỏi: Nếu khổ, lạc, ưu đã diệt ở Đệ Tam thiền, sao còn nói diệt ở Đệ Tứ thiền ?

Đáp: Tam thiền là con đường dẫn đến Tứ thiền. Ở Tam thiền đã diệt thụ, nên ở Đệ Tứ thiền nói là diệt.

Lại nữa, lấy sự không khổ không vui đối trị lại với khổ vui, cho nên nói khổ vui là đối trị không khổ không vui.

Lại nữa, ở Tứ thiền, sự đối trị và sự thâu nhận cùng hợp nhau.

Lại nữa, xả phiền não không còn gì để đoạn.

Thụ không khổ không vui có nghiã là ý không tiếp nhận, tâm không vất bỏ, đó gọi là ghụ không khổ không vui.

Thụ không khổ không vui, tướng, vị, khởi, xứ của chúng như thế nào ?

Trung gian là tướng, trụ ở giữa là vị, trừ là khởi, hỷ diệt là xứ.

Thế nào là xả niệm thanh tịnh ?

Xả là trung tính, niệm là tùy niệm, chính niệm. Lấy xả làm niệm mà thành rõ ràng, trong trắng. Đó gọi là xả niệm thanh tịnh.

Hỏi: Vì sao niệm đó phải dùng xả mới được rõ ràng trong trắng ?

Đáp: Vì xả nầy có thể lìa tất cả phiền não, thụ tương tự với tương ưng nên trở thành bất động, không kinh doanh tạo tác. Vì sự không kinh doanh tạo tạo tác cùng với xả tương ưng, cho nên niệm này vươn tới chỗ không động mà thành không kinh doanh tạo tác. Do đó, niệm nầy nhờ xả mà trở thành rõ ràng và trong trắng.

Tứ thiền dựa theo sau Tam thiền, nên gọi là Tứ thiền. Nhập định Tứ thiền là xả, niệm, nhất tâm, đó gọi là thành tựu Tứ thiền.

Nhập trụ là thành được được Đệ Tứ thiền, lìa 1 phần là lạc, đoạn 3 phần là khổ, hỷ, ưu, thành tựu 3 phần là không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh, nhất tâm. Do 3 thiện, 10 tướng đầy đủ, 22 công đức tương ưng, quả báo sinh lên cõi trời Quả Thật Thiên. Như có nói trước đây, sinh lên cõi trời là, vui trụ nơi xả, vượt khỏi cõi nhân gian.

Cho nên, Thế Tôn có bảo các Tỳ-kheo: Có người ngồi, dùng vải trắng quấn che khắp thân từ đầu đến chân, không chỗ nào không quấn che. Cũng vậy, Tỳ-kheo dùng tâm trong trắng đầy khắp châu thân, không có chỗ nào không đến. Ví như người tự quấn che vải trắng, người ngồi thiền cũng vậy lìa được hết tất cả thượng phiền não. Trong Đệ Tứ thiền, có thể biết được trạng thái ấy. Giống như dùng vải trắng quấn từ đầu đến chân khiến cho không lạnh, không nóng, thời tiết điều hòa, thân tâm thanh tịnh cũng như vậy. Như vậy, nhập vào Tứ thiền thì được không khổ không vui, đó là tâm xả tràn đầy khắp thân.

Quả báo công đức của Tứ thiền là sinh lên cõi trời Quả Thật Thiên. Tu Đệ Tứ thiền khi chết, thì phàm phu sinh lên cõi trời Quả Thật Thiên. Nếu tâm nhàm chán lỗi lầm thì sinh cõi trời Vô Tưởng Thiên, thọ 5o kiếp. Nếu Sa-môn thì hoặc sinh lên trời Quả Thật Thiên hoặc sinh lên Ngũ Tịnh Cư.

Hỏi: Vì sao ở Tam thiền phân biệt 3 bậc hạ, trung, thượng, nói quả địa hơn, còn ở Tứ thiền nói ?

Đáp: Theo chỗ chứng ở Tam thiền có thô, có diệu, nên lấy thắng chi mà nói có quả địa thắng. Còn Tứ thiền đã đến được diệu chi bờ bên kia, không có diệu chi nào hơn nên ở đây không có thắng quả địa nữa.

Suy gẫm về các lỗi lầm của Tứ thiền.

Bấy giờ, người ngồi thiền đã được tự tại an lạc nơi Đệ Tứ thiền rồi, khởi Hư không định vượt khỏi Sắc giới, lại suy nghĩ Sắc giới định thì thô, Hư không định thì vi tế hơn. Người ngồi thiền thấy được các lỗi lầm của Sắc giới đinh và thấy được công đức của Hư không định.

Thế nào là các lỗi lầm của Sắc giới ?

Như dùng khí giới, đao trượng đấu tranh, chặt đứt ta chân người, nói đâm thọc, nói dối, đủ thức việc, lại còn đau mắt, bệnh tật, lạnh, nóng, đói khát,… các thứ khổ đó là những lỗi lầm của Sắc Dục giới tạo ra.

Thế nào là các lỗi lầm của Đệ Tứ thiền ?

Hỷ lạc là bạn thân của nhau, thân cận hỷ tức thành kẻ thù. Dựa vào việc của Sắc giới, thì thiền định thành thô. Việc của Sắc giới thì chấp trước vào lạc, khiến không thành tựu thắng phần. Chỉ dựa vào Hư không xứ, dùng tịch tịch mới có thể giải thoát thô định này. Nơi sắc, thấy các lỗi lầm của Đệ Tứ thiền, thấy công đức của Hư không định đối trị các lỗi lầm đó.

Người ngồi thiền khi đã thấy lỗi lầm của Sắc như vậy, thấy lỗi lầm của Đệ tứ thiền, đã thấy công đức của Hư không định, dùng chính niệm nhập Đệ Tứ thiền, sáng tỏ thế nào là Hư không định. Từ định này khởi Vô biên hư không định, trừ tướng của địa nhất thiết nhập, tu theo tướng Hư không định, tướng điạ thành mất.

Những tác sự nơi Hư không xứ, do vô biên tác ý, tác ý sau khi hiện khởi không bao lâu thì tướng của địa nhất thiết nhập sẽ mất.

Từ nơi tướng điạ đã mất, tâm khởi vượt lên Hư không, nhập tướng tự tại, tâm được an ổn. Người ngồi thiền ấy khi siêu vượt tất cả sắc tướng, tưởng hữu dối liền diệt, không khởi tác ý các tưởng nữa, dùng chính thụ vào trụ nơi Vô biên hư không xứ.

Nói tất cả, là nói không còn gì khởi nữa.

Nói Sắc tướng, là nhập vào tưởng trí, chính trí, của Sắc giới định. Đó gọi Sắc tướng.

Việt, là vượt qua, là vượt lên. Từ đây khởi.

Nói tưởng hữu đối diệt, thế nào là tưởng hữu đối ?

Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, đó là tưởng hữu đối.

Diệt, là hết các thứ tưởng vừa kể.

Thế nào là tất cả các thứ tưởng ?

Người không nhập định thì hoặc từ ý giới hòa hợp, hoặc từ ý thức giới hoà hợp tưởng trí, chính trí. Đó gọi là các thứ tưởng.

Các thứ tưởng này không tác ý, đó gọi là các thứ tưởng không tác ý.

Hỏi: Vì sao chỉ nói vượt tưởng, mà không nói đến thụ, hành, thức ?

Đáp: Nếu vượt khỏi tưởng, thì tất cả đều vượt qua hết. Vì sao vậy ? Nếu không lìa tưởng, thì tâm không khởi được.

Lại nữa, Thế Tôn khi muốn nói đến sự vượt khỏi các sự việc về sắc, thì nói đến vượt sắc tưởng, vì tất cả các sự việc về định đều do tưởng.

Hỏi: Nếu không như vậy, thì nhập Sắc giới định có tưởng hữu đối và các thứ tưởng khác chứ chẳng phải không có ?

Đáp: Có người nhập Sắc giới định mà vẫn có tưởng hữu đối, và các tưởng khác, vì chúng sẽ được diệt.

Hỏi: Vì sao người ấy ở Sắc giới không thể tu thành giải thoát đạo ?

Đáp: Vì Sắc giới xứ còn nhàm chán Sắc, nên còn chưa diệt, hoặc chưa tận diệt hết. Có trường hợp như khi ở Sơ thiền, âm thanh như gai châm. Như Phật có nói: Nơi Đệ Tứ thiền xứ, vì nhàm chán Sắc mới tu hành giải thoát đạo, đoạn trừ Sắc tưởng, khởi tưởng bất động hành, tưởng tịch tịch giải thoát của Vô sắc định.

Như Ca-lan và Uất-đầu-lam-phất nhập Vô tưởng định, có 500 xe cộ chạy qua lại phiá trước mà không thấy, không nghe. Cho nên nói Đệ tứ thiền là nơi diệt tưởng.

Như vậy, Vô tưởng định siêu vượt tất cả Sắc tưởng, bởi tưởng hữu đối, các thứ tưởng diệt đoạn diệt tất cả pháp của Sắc giới.

Không tác ý, là đoạn pháp của Dục giới.

Siêu vượt tất cả Sắc tưởng, là được nhập Vô sắc giới định.

Tưởng hữu đối diệt, là hiển hiện trạng thái không động mà đoạn diệt tất cả Sắc định loạn động bên ngoài.

Các thứ không tác ý, là hiển hiện tướng tịch tịch giải thoát mà diệt tất cả Sắc định loạn động bên trong.

Hỏi: Nói Vô biên Hư không là không như thế nào ?

Đáp: Là nhập vào hư không, là cõi không, là rỗng không, và không tiếp xúc với 4 đại. Đó gọi là không.

Vô biên, là nơi cái không đó, có thể chính an tâm tràn đầy khắp không biên giới.

Vô biên không, là chỉ cho sự nhập vào vô biên không, là tâm và các tâm số pháp nhập vào hư không xứ. Đó cũng gọi là nhập vào hư không xứ.

Nhập vào hư không nghiã là thế nào ?

Tính của hư không là vô biên. Tính của không xứ là vô biên. Hư không xứ ví như nơi trời ở được gọi là cõi trời. Người ngồi thiền trụ nơi định hư không xứ, nên gọi là nhập vào hư không xứ.

Nhập vào chính trụ, tức gọi là được nhập vào định vô biên hư không xứ.

Khi được vào định hư không xứ, thì vượt lên trên các sự việc về Sắc giới 3 phần là nhất tâm, tư duy và tinh tiến, thành tựu 3 thứ thiện, 10 tướng đầy đủ, 22 công đức tương ưng, an trú trong tịch tịch.

Quả báo của tu định hư không xứ và dựa trên công đức này được sinh lên cõi vô biên hư không xứ thiên. Như đã có nói trước đây, công đức của người tu hư không xứ là khi chết được sinh lên cõi Hư không thiên, thọ mạng 2 ngàn kiếp.

Suy gẫm về các lỗi lầm của định hư không.

Bấy giờ, người ngồi thiền ấy nơi hư không xứ đã được vui tự tại, liền khởi định thức nhất thiết nhập. Vượt qua khỏi không nhất thiết nhập, suy nghĩ rằng định hư không còn thô, thấy thức xứ vi tế hơn, lại thấy được các lỗi lầm của hư không và nhận ra các công đức của thức xứ.

Thế nào là các lỗi lầm của Hư không định ? Định nầy tiếp cận Sắc giới, là kẻ thù, đối với Hư không định việc ấy thành thô, với tưởng hữu đối, các thứ tưởng không xa cách nhau thành ra chấp trước không được thắng phần.

Như vậy, thấy được các lỗi lầm của Hư không, thấy được công đức của thức nhất thiết nhập, là đối trị lại chúng.

Nói rõ về Vô biên thức định:

Người ngồi thiền ấy đã thấy các lỗi lầm của Hư không định, đã thấy các công đức của thức xứ, liền khởi ý niệm rõ ràng ổn định tu Hư không thức, tác ý đầy đủ khiến thức trở nên vô biên, do thức xứ tưởng, tâm thụ trì, như vậy mà tác ý, không bao lâu từ tưởng Hư không xứ mà tâm khởi, vượt qua tới được thức xứ. Nhờ tưởng về thức xứ mà tâm được an. Người ngồi thiền ấy khởi tất cả Hư không, suy nghĩ về vô biên thức thành tựu nhập vào chính thụ, trụ vào nhất thiết thức xứ.

Nói tất cả, có nghiã là không sót chỗ nào.

Vượt khỏi Hư không xứ, có nghiã là vượt qua cõi hư không. Vượt, nghĩa là đi thẳng qua, đó là vượt hết tất cả cõi hư không.

Vô biên thức, có nghiã là dùng thức tác ý, duyên vào hư không, khiến tràn đầy khắp vô biên. Đó gọi là vô biên thưcs xứ.

Hỏi: Sắc pháp và phi sắc pháp, làm sao chấp là vô biên ?

Đáp: Chỉ có vô sắc pháp là vô biên. Vì sao vậy ? Các pháp vô sắc không có biên giới bờ bến gì cả, nên không thể được.

Lại nữa, vì hư không không biên giới, nên nói nó vô biên.

Nói vô biên, chỉ là tác ý vô biên thì thành vô biên, vì vậy đối với tất cả việc tu hành không tạo thành chướng ngại.

Thức nhập xứ, là tâm và tâm số pháp nhập vào thức xứ, cũng gọi là thức xứ.

Thức xứ, là nghiã gì ?

Thức xứ không có biên giới, nên cũng gọi là thức vô biên xứ.

Thức xứ, cũng như ở cõi trời thì gọi là thiên xứ. Người ngồi thiền thụ trì thức nhất thiết nhập định, gọi là thức xứ định.

Nhập chính thụ xứ, là được nhập vào thức xứ định của cảnh sở duyên.

Định, là siêu vượt Hư không xứ định.

Chính khi nhập vào vô biên thức xứ và thức xứ được định thì vượt qua được vô biên hư không, thành tựu 3 phần là nhất tâm, tư duy và tinh tiến, với 3 thứ thiện, 10 tướng đầy đủ, 22 công đức tương ưng, trụ vào tịch tịch. Tu định quả báo và dựa vào công đức này sinh lên cõi thức xứ. Như trước có nói rõ, người tu hành thức xứ định khi chết sinh lên cõi Thức Xứ Thiên, thọ mạng 4 ngàn kiếp.

( Đến đây giải thích xong về thức nhập )

Suy gẫm về lỗi lầm của Vô Biên Thức Định:

Bấy giờ, người ngồi thiền đã được tự tại về thức xứ, muốn khởi Vô sở hữu xứ định, vượt qua khỏi thức xứ, lại suy nghĩ rằng Thức xứ định thì thô, Vô sở hữu xứ định thì vi tế hơn, lại thấy các lỗi lầm của thức xứ, và nhận ra được các công đức của Vô sở hữu xứ định.

Thế nào là các lỗi lầm của thức xứ ?

Vô biên thức xứ tiếp cận với Vô biên hư không xứ, sở hành thành oán, các việc nơi thức thành thô, tư duy vô biên tưởng tạo thành chấp trước đối với vô biên, do đó không được thắng phần. Công đức của vô sở hữu xứ có thể đối trị lỗi lầm của Vô biên thức xứ định.

Người ngồi thiền ấy, như vậy thấy các lỗi lầm của thức xứ, lại nhận ra được các công đức của vô sở hữu xứ, liền từ thức xứ định khởi ý thức một cách an tường không tiếp tục tu theo đó nữa, không tiếp tục phân biệt nữa, khiến cho thức ấy mất đi, thấy tướng tự tại của Vô sở hữu xứ, tâm nguyện thụ trì, tác ý như vậy không lâu, từ Vô biên thức xứ tưởng khởi Vô sở hữu xứ tưởng mà tâm được an, đối với Vô biên thức xứ định rõ ràng phân minh. Bấy giờ, người ngồi thiền vượt tất cả thức xứ, thấy vô sở hữu, nhập vào chính thụ xứ và trụ ở đấy.

Nói tất cả, là nói không còn sót chỗ nào.

Vượt thức xứ, là vượt qua thức này.

Siêu nhập thẳng, là nói vượt tất cả thức xứ.

Vô sở hữu xứ, là không tiếp tục hành theo đó nữa, không tiếp tục phân biệt nữa, thành ra mất thức ấy, khi thấy vô sở hữu, thì chỗ thấy đó gọi là Vô sở hữu xứ.

Khi tâm và các tâm số pháp nhập vào Vô sở hữu xứ định, đó gọi là Vô sở hữu xứ.

Vô sở hữu xứ, là nghiã gì ?

Đó là thức vô tính là vô sở hữu.

Vô sở hữu xứ là thụ trì, cũng là vô sở hữu thụ trì chính định, đó gọi là Vô sở hữu xứ định.

Người ngồi thiền nhập chính định trụ thành tựu Vô sở hữu định, thành tựu 3 phần thức sự là nhất tâm, tư duy và tinh tiến, thành tựu 3 thứ thiện, 10 tướng đầy đủ, 22 công đức tương ưng, trụ vào tịch tịch.

Quả báo tu định và công đức được sinh cõi Vô sở hữu xứ thiên. Như trước có nói rõ, người ngồi thiền đã tu Vô sở hữu định, khi chết sinh cõi trời Vô sở hữu xứ thiên, sống lâu 6 ngàn kiếp.

( Đến đây nói xong về Vô sở hữu định )

Suy gẫm về các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ:

Bấy giờ, người ngồi thiền nơi Vô sở hữu xứ đã được tự tại, muốn khởi Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, vượt khỏi Vô sở hữu xứ, lại nghĩ Vô sở hữu xứ là thô, thấy Phi tưởng phi phi tưởng xứ vi tế hơn, lại tháy các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ và thấy các công đức của Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Thế nào là các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ định ?

Vô sở hữư xứ tiếp cận với Vô biên thức xứ, cùng khởi với phân minh tưởng, do đó thành oán, vì vậy định tâm thành thô, khiến chấp trước Vô biên thức xứ định, đối với cảnh sở duyên không được thắng phần thắng thượng.

Như vậy là thấy các lỗi lầm của Vô sở hữu xứ, lại thấy công đức của Phi tưởng phi phi tưởng xứ là đối trị lại.

Lại nữa, thấy tưởng này là bệnh hoạn, là ung nhọt, là gai đâm, còn vô tưởng mới là chính, là tịch tịch, là vi diệu. Đó là Phi tưởng phi phi tưởng. Người ngồi thiền ấy thấy như vậy rồi, niệm nhập vào Vô sở hữu xứ, an ổn rõ ràng mà khởi, từ nơi Vô sở hữu xứ tịch tịch kia, tác ý khởi tu hành thứ định khác. Tác ý như vậy không bao lâu thì từ Vô sở hữu xứ, tưởng tâm khởi theo Phi tưởng phi phi tưởng xứ mà tâm an trụ vào đó. Đó là nói rõ về Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Người ngồi thiền siêu vượt tất cả Vô sở hữu xứ, thành tựu và nhập trụ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nói tất cả, là nói không còn dư sót chỗ nào.

Vượt Vô sở hữu xứ, là thành công vượt qua khỏi Vô sở hữu xứ. Siêu nhập thẳng, là vượt được tất cả Vô sở hữũ xứ.

Phi tưởng phi phi tưởng, nghiã là từ nơi Vô sở hữu xứ kia tịch tịch tác ý tu hành theo một định khác, đó là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nghiã là tâm và các tâm số pháp nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, gọi là Phi phi tưởng xứ.

Phi phi tưởng xứ là nghiã thế nào ?

Là diệt phân minh tưởng, được thành vô tưởng, nhưng còn dư chút tưởng vi tế, mà thành Phi tưởng phi phi tưởng là hành xứ. Đó gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nhập chính trụ, là chỉ cho nhập trụ vào chính định của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vượt qua Vô sở hữu xứ, thành tựu 3 phần là nhất tâm, tư duy và tinh tiến, được 3 thứ thiện, 10 tướng đầy đủ, và 22 công đức tương ưng, trụ vào nơi tịch tịch.

Quả báo tu định và công đức được sinh cõi Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Như đã nói rõ ở trước, công đức tu hành Phi tưởng phi phi tưởng xứ định khi chết được sinh cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thọ mạng 8 vạn 4 ngàn kiếp.

Hỏi: Vì sao nói Phi phi tưởng xứ mà không nói Thức xứ?

Đáp: Vì lìa chấp giữ vào Vô biên, vì khởi tưởng vi tế nên không thành Thức xứ.

Lại hỏi: Vì sao tu theo định nầy không thành tựu lậu tận ?

Đáp: Vì lìa phân minh tưởng, do đó không thể thấy được giải thoát đạo.

Lại nữa, định nầy hết sức vi tế, phi tưởng phi phi tưởng không thể phân biệt được, cho nên không thành tựu lậu tận. ( Đã xong phần nói về Phi phi tưởng định ) Giảng rõ thêm nghĩa trên:

Hỏi: Liên quan đến định xứ này, có những gì cần bổ sung ?

Đáp: Về định xứ, có 10 pháp cần bổ sung: 1. Diệt. 2. Âm thanh. 3. Điên đảo. 4. Khởi. 5. Vượt. 6. Ngoại hành. 7. Giác. 8. Thụ. 9. Nghi. 10. Không cho được.

1. Diệt, là nhập Sơ thiền thì diệt nói năng, nhập Đệ Tứ thiền thì diệt hơi thở ra vào. Đó gọi là diệt tuần tự.

2. Âm thanh, là người nhập định nghe âm thanh không được nói. Vì sao vậy ? Vì nơi người nhập định, nhĩ thức không hòa hợp.

Lại nữa, khi nhập vào Sắc định, âm thanh khởi thành loạn động. Như Thế Tôn có nói: Với người nhập thiền, âm thanh là gai đâm.

3. Điên đảo, là khi quán Địa nhất thiết nhập, thì nơi không phải đất mà tác ý theo tướng đất.

Hỏi: Nếu đã như thế, vì sao không thành điên đảo ?

Đáp: Vì 4 tưởng điên đảo là thường, lạc, ngã, tịnh không khác nhau. Chẳng qua tưởng về đất đó làm thành tướng bề ngoài, vì thế mà không thành điên đảo.

4. Khởi, là khởi ra khỏi định, do 5 nhân duyên làm cho từ định khởi ra: 1. Do đau đớn trong tư thế. 2. Do mắc quá nhiều cảnh giới. 3. Do chướng ngại nổi lên. 4. Do phương tiện không đồng đều. 5. Do tùy ý muốn.

Nếu nhập Vô sắc định, các cảnh giới quá nhiều cũng không làm cho khởi ra khỏi định vì đang trú trong cảnh bất động.

Nếu nhập Diệt định và Quả định, thì có thể khởi ra khỏi do hành động trước, mà không do các nguỳên nhân khác.

5. Vượt, có 2 thứ: vượt về phần và vượt về sự.

Từ Sắc giới thiền vượt qua nhập Sắc giới định, đó là vượt về phần.

Từ Sắc giới thiền vượt qua nhập Vô sắc giới định, rồi từ Vô sắc giới định vượt qua Vô sắc giới định, đó là vượt về sự.

6. Ngoại hành, là tất cả các định ngoại hành có thể thành tựu 5 thiền chi.

7. Giác, là từ Đệ Nhị Thiền trở lên tính bình đẳng, trừ vô gián, đoạn, thành không có giác quán.

8. Thụ, là từ Đệ Tứ thiền trở lên tính bình đẳng, trừ vô gián, cùng khởi với xả.

9. Nghi, là vì chưa đoạn trừ hết tất cả tham dục ngăn che, nên trụ trong cõi Phi tưởng phi phi tưởng, đó được gọi là còn dư sót lại. Giống như sợ rắn độc mà trèo lên trên cây.

10. Không được, là có 4 hạng người không được khởi định, nếu khởi định ắt sẽ rơi vào các đường dữ, đó là: 1. Vô nhân, tức đoạn thiện căn. 2. Tội ngũ nghịch. 3. Tà kiến. 4. Ngu si.

( Xong phần Địa nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Thủy nhất thiết nhập ? Thủy nhất thiết nhập có tu, tướng, vị, khởi, công đức như thế nào ? Làm sao giữ tướng đó ?

Đáp: Tâm duyên tướng của nước, là Thủy nhất thiết nhập. Tâm trụ không loạn, là tu hành theo Thủy nhất thiết nhập. Chuyên tâm nghĩ tưởng đến Thủy nhất thiết nhập là tướng. Không dứt nghĩ tưởng nước là vị. Tâm không khởi 2 ý là xứ.

Tu Thủy nhất thiết nhập được 5 thứ công đức: 1. Nhập vào và ra khỏi nước một cách tự tại. 2. Làm cho lay động. 3. Khiến mưa xuống. 4. Khiến thân tạo ra nước. 5. Khiến thành sông qua biển. Còn các công đức khác của Thủy nhất thiết nhập cũng giống với các công đức của Địa nhất thiết nhập. Người ngồi thiền tu hành theo pháp Thủy nhất thiết nhập, thì nơi nơi đều thấy toàn là nước.

Làm sao giữ tướng đó ?

Đang quán Thủy nhất thiết nhập là đang giữ tướng của nước ấy, hoặc nước tự nhiên, hoặc nước tạo tác. Người ngồi thiền đã lâu, ngay cả những nơi không có nước, cũng giữ được tướng nước, người ấy thấy nước ở khắp nơi, ở giếng, ở trong bình, ở đầm, ở ao, ở sông, ở hồ, ở biển cả, do chỗ sở quán tùy ý liển thấy phần tướng nước sinh khởi. Không như người mới ngồi thiền, chỉ giữ được tướng ở những nơi tác ý mà không thể giữ được tướng ở nơi không tác ý. Do đó có thể biết rằng có nhiều thứ phương tiện tu Thủy nhất thiết nhập.

Người mới tập ngồi thiền quán Thủy nhất thiết nhập nên tìm một nơi thanh tịnh, hoặc nơi nhà chùa, hoặc nơi hang đá, hoặc dưới cây, nơi đó không tối tăm, không nắng gay gắt, không gió bụi, không muỗi mòng, không có các chướng ngại. Tại nơi ấy, chọn nơi mặt đất bằng phẳng đào một cái lỗ để chôn một cái bát hay một cái chậu, miệng bát ngang mặt đất chu vi khoảng 1 tầm, cho nước mưa trong sạch, không xen tạp màu khác, đầy đến miệng bát, rồi ngồi tác ý tưởng đến nước.

Có 3 hành động tác ý quán tưởng tướng nước: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Lìa loạn động mà quán.

Còn các việc khác cần làm cũng giống như khi đã nói rộng về Địa nhất thiết nhập, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

( Xong phần Thủy nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Hỏa nhất thiết nhập ? Hỏa nhất thiết nhập có tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng lửa ?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng lửa, là Hỏa nhất thiết nhập. Khi ấy tâm trụ nơi tướng lửa không loạn, đó là tu hành theo Hỏa nhất thiết nhập. chuyên tâm là tướng của Hỏa nhất thiết nhập. Không ngừng tưởng đến lửa là vị. Không tác ý nào khác ngoài lửa, là hành xứ.

Có 5 công đức của Hỏa nhất thiết nhập: 1. Có thể nổi lên khói lửa nóng. 2. Có thể nhìn thấy các vật khác qua ánh sáng. 3. Có thể diệt các sắc sáng khác. 4. Có thể tùy ý đốt cháy các vật khác. 5. Có thể thấy ánh sáng biết được nơi đó có lửa. Còn các công đức khác cũng giống như Địa nhất thiết nhập. Người ngồi thiền tu Hỏa nhất thiết nhập, mọi nơi đều thấy toàn là lửa.

Làm sao giữ tướng lửa ?

Nếu hiện đang quán Hỏa nhất thiết nhập, là đang thủ tướng lửa, hoặc nơi lửa do mình tạo nên, hoặc nơi lửa tự nhiên. Người ngồi thiền đã có kinh nghiệm thì thủ tướng tự nhiên, người ấy tại nơi nơi, khi nhìn thấy lửa cỏ, lửa củi, lửa rừng, lửa cháy nhà, bùng bùng bốc cháy, từ đó bắt đầu tác quán hoặc tự thụ lạc hoặc không tự thụ lạc, liền thấy tướng lửa sở duyên khởi lên. Người mới học ngồi thiền chỉ thấy được tướng lửa ở nơi đã chuẩn bị, còn ở những nơi không chuẩn bị thì không thủ tướng lửa được. Do đó có thể biết rõ có nhiều thứ phương tiện để tu Hỏa nhất thiết nhập.

Người ngồi thiền bắt đầu tu học quán tưởng Hỏa nhất thiết nhập, trước hết phải chọn một nơi thanh tịnh, gom củi khô chất thành đống, đốt lửa vào lúc mặt trời mọc, hay lúc mặt trời lặn. Lúc đốt, bắt đầu từ phiá dưới, không tác ý nơi đống củi hay cỏ, cũng không tác ý vào lửa ngọn và khói ở bên trên, chỉ tác ý để khởi tướng lửa vào ngay chính giữa ngọn lửa.

Dùng 3 hành pháp để khởi và giữ tướng Hỏa nhất thiết nhập: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện. 3. Lìa nơi loạn động, như đã nói ở trước.

( Xong phần Hỏa nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Phong nhất thiết nhập ? Phong nhất thiết nhập có tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng gió ?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng gió, đó là Phong nhất thiết nhập. Tu tâm trụ không loạn, là tu Phong nhất thiết nhập. Phóng ý là tướng. Không trừ tưởng về gió là vị. Tác ý vô song là hành xứ.

Tu hành Phong nhất thiết nhập có 3 thứ công đức: 1. Đi theo gió một cách tự tại. 2. Có thể khiến gió nổi lên. 3. Tác ý thụ trì có thể được sự mát mẻ. Các công đức khác và phương tiện tu, cũng giống với Địa nhất thiết nhập.

Làm sao thủ tướng gió ? Người mới bắt đầu ngồi thiền hiện tu theo Phong nhất thiết nhập, do 2 cách mà thủ được tướng gió: hoặc do thấy, hoặc do chạm xúc.

Làm cách nào nhờ thấy mà thủ tướng gió ? Người ngồi thiền, hoặc ở nơi vườn mía, hoặc nơi rừng tre, hoặc nơi có nhiều cỏ theo gió lay động mà khởi tưởng về gió. Người ấy đã thấy và khởi tưởng về gió, dùng 3 pháp thủ tướng gió: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Dùng lìa sự loạn động. Đó là nhờ thấy mà thủ được tướng.

Làm cách nào nhờ chạm xúc mà thủ tướng gió ? Người mới học ngồi thiền đến nơi thanh vắng, ngồi khởi ý tưởng gió thổi đến. Nơi đó khoét một lỗ nhỏ xuyên tường, đặt một ống trúc rỗng xuyên qua, ngồi ngay nơi đó để gió thổi lọt lên thân và tác ý thủ tướng gió. Như vậy là do xúc thủ tướng gió. Còn người ngồi thiền đã có kinh nghiệm thì ở mọi nơi, trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, gió đến chạm vào thân, tùy theo gió động khởi quán, hoặc tự thụ lạc hoặc không thụ lạc liền khiến cho tướng gió sở duyên được khởi, không như người mới học ngồi thiền.

( Xong phần Phong nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Xanh nhất thiết nhập ? Xanh nhất thiết nhập thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng xanh ?

Đáp: Tâm luôn ở nơi tướng xanh, là Xanh nhất thiết nhập. Tâm trụ không loạn là tu. Chuyên tâm nơi tướng xanh, đó là tướng. Tưởng xanh không dứt, là vị. Không có tác ý nào khác ý tưởng xanh, đó là hành xứ.

Tu hành Xanh nhất thiết nhập được 5 thứ công đức: 1. Tâm duyên theo Xanh nhất thiết nhập. 2. Được tịnh giải thoát. 3. Được màu xanh, trừ nhập. 4. Được hoa sen xanh tâm thụ trì. 5. Có thể hoá mọi thứ ra màu xanh.

Giống như nói các thứ công đức của Địa nhất thiết nhập, công đức của Xanh nhất thiết nhập cũng vậy. Người ngồi thiền nhân tu Xanh nhất thiết nhập mà nơi nơi đều thấy toàn màu xanh.

Làm cách nào thủ tướng xanh ?

Thủ lấy tướng Xanh nhất thiết nhập hoặc nơi tự nhiên, hoặc nơi tạo tác. Người ngồi thiền đã lâu, thủ tướng xanh không đợi ở các nơi có tạo tác đã chuẩn bị sẵn mà thủ tướng ấy khắp nơi, hoặc nơi bông hoa xanh, hoặc nơi áo xanh, hay bất cứ màu xanh nào nhìn thấy trước mắt, dầu có thuận ý hay không, cũng thấy tướng xanh sở duyên hiện khởi. Còn người mớí tu tập, thủ tướng nơi có chuẩn bị trước mà không thủ được tướng xanh nơi tự nhiên.

Phương tiện tu Xanh nhất thiết nhập, người ngồi thiền quán sát nơi áo, nơi ván gỗ, nơi tường, lấy hoa A-đa-tư màu xanh mà tạo nên hình hoa Mạn-đà-la hình 3 góc hay 4 góc, dùng màu sắc khác viền vòng quanh bên ngoài, để tạo nên màu xanh.

Dùng 3 hành pháp mà thủ tướng: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Dùng sự lìa loạn động. Kỳ dư, như đã được nói ở trước.

( Xong phần Xanh nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Vàng nhất thiết nhập ? Vàng nhất thiết nhập thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng vàng ?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng vàng, là Vàng nhất thiết nhập. Tâm trụ không loạn là tu. Chuyên tâm nơi tướng vàng, là tướng. Tưởng vàng không dứt, là vị. Không có tác ý nào khác ý tưởng vàng, là hành xứ.

Tu hành Vàng nhất thiết nhập được 5 thứ công đức: 1. Tâm duyên theo Vàng nhất thiết nhập. 2. Được tịnh giải thoát. 3. Được màu vàng, trừ nhập. 4. Được hoa sen vàng tâm thụ trì. 5. Có thể hoá mọi thứ ra màu vàng.

Giống như nói các công đức của Địa nhất thiết nhập, công đức của Vàng nhất thiết nhập cũng vậy. Người ngồi thiền nhân tu Vàng nhất thiết nhập mà nơi nơi đều thấy toàn màu vàng.

Làm cách nào thủ tướng vàng ?

Thủ lấy tướng Vàng nhất thiết nhập hoặc nơi tự nhiên, hoặc nơi tạo tác. Người ngồi thiền đã lâu, thủ tướng vàng không đợi ở các nơi có tạo tác đã chuẩn bị sẵn mà thủ tướng ấy khắp nơi, hoặc nơi bông hoa vàng, hoặc nơi áo vàng, từ đó thường thấy, dầu thích hay không, cũng thấy tướng vàng sở duyên hiện khởi. Không như người mớí tu tập, thủ tướng nơi có chuẩn bị trước mà không thủ được tướng vàng nơi tự nhiên.

Phương tiện tu Vàng nhất thiết nhập là người nầy hoặc nơi áo, nơi ván gỗ, nơi vách tường, lấy hoa Ca-ni-ca- la màu vàng làm thành hoa Mạn-đà-la hình 3 góc hay 4 góc, dùng màu khác viền chung quanh, để tác ý khởi tưởng màu vàng.

Dùng 3 hành pháp để thủ tướng: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Dùng trừ sự loạn động. Kỳ dư, như trước đã nói.

( Xong phần Vàng nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Đỏ nhất thiết nhập ? Đỏ nhất thiết nhập thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng đỏ ?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng đỏ, là Vàng nhất thiết nhập. Tâm trụ không loạn là tu. Chuyên tâm nơi tướng đỏ, là tướng. Tưởng đỏ không dứt, là vị. Không có tác ý nào khác, là hành xứ.

Tu hành Đỏ nhất thiết nhập được 4 thứ công đức: 1. Tâm duyên theo Đỏ nhất thiết nhập. 2. Được tịnh giải thoát. 3. Được màu đỏ, trừ nhập. 4. Có thể hoá mọi thứ ra màu đỏ.

Giống như nói các công đức của Địa nhất thiết nhập, công đức của Đỏ nhất thiết nhập cũng vậy. Người ngồi thiền nhân tu Đỏ nhất thiết nhập mà nơi nơi đều thấy toàn màu đỏ.

Làm cách nào thủ tướng đỏ ?

Thủ lấy tướng Đỏ nhất thiết nhập hoặc nơi tự nhiên, hoặc nơi tạo tác. Người ngồi thiền đã lâu, thủ tướng đỏ không đợi ở các nơi có tạo tác đã chuẩn bị sẵn mà thủ tướng ấy khắp nơi, hoặc nơi bông hoa đỏ, hoặc nơi áo đỏ, hóặc màu đỏ, từ đó thường thấy, dầu thích hay không, cũng thấy tướng đỏ sở duyên hiện khởi. Không như người mớí tu tập, thủ tướng nơi có chuẩn bị trước mà không thủ được tướng đỏ nơi tự nhiên.

Phương tiện tu Đỏ nhất thiết nhập là người nầy hoặc nơi áo, nơi ván gỗ, nơi vách tường, dùng màu đỏ như hoa Bàn-thâu-thì-bà làm thành hoa Mạn-đà-la hình 3 góc hay 4 góc, rồi dùng màu khác viền chung quanh, để tác ý khởi tưởng màu đỏ.

Dùng 3 hành pháp để thủ tướng: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Dùng trừ sự loạn động. Kỳ dư, như trước đã nói.

( Xong phần Đỏ nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Trắng nhất thiết nhập ? Trắng nhất thiết nhập thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng trắng ?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng trắng, là Trắng nhất thiết nhập. Tâm trụ không loạn là tu. Chuyên tâm nơi tướng trắng, là tướng. Tưởng trắng không dứt, là vị. Không có tác ý nào khác, là hành xứ.

Tu hành Trắng nhất thiết nhập được 8 thứ công đức: 1. Tâm duyên theo Trắng nhất thiết nhập. 2. Được tịnh giải thoát. 3. Được màu trắng, trừ nhập. 4. Được hoa sen trắng tâm thụ trì. 5. Có thể hoá mọi thứ ra màu đỏ. 6. Điều phục lười biếng, mê ngủ. 7. Trừ tối làm sáng. 8. Được khởi thiên nhãn.

Giống như nói các công đức của Địa nhất thiết nhập, công đức của Trắng nhất thiết nhập cũng vậy. Người ngồi thiền nhân tu Trắng nhất thiết nhập mà nơi nơi đều thấy toàn màu trắng.

Làm cách nào thủ tướng trắng ?

Thủ lấy tướng Trắng nhất thiết nhập hoặc nơi tự nhiên, hoặc nơi tạo tác. Người ngồi thiền đã lâu, thủ tướng trắng không đợi ở các nơi có tạo tác đã chuẩn bị sẵn mà thủ tướng ấy khắp nơi, hoặc nơi bông hoa trắng, hoặc nơi áo trắng, hoặc màu trắng, hoặc ánh sáng trăng, hoặc ánh sáng mặt trời, hoặc ánh sao, hoặc gương soi tròn, từ đó thường thấy, dầu thích hay không, cũng thấy tướng trắng sở duyên hiện khởi. Không như người mớí tu tập ngồi thiền, thủ tướng nơi có chuẩn bị trước mà không thủ được tướng trắng nơi tự nhiên.

Phương tiện tu Trắng nhất thiết nhập là người ngồi thiền nầy hoặc nơi áo, nơi ván gỗ, nơi vách tường, dùng màu sao Thái Bạch làm thành hoa Mạn-đà-la hình 3 góc hay 4 góc, rồi dùng màu khác viền chung quanh, để tác ý khởi tưởng màu trắng.

Dùng 3 hành pháp để thủ tướng: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Dùng lìa sự loạn động. Kỳ dư, như trước đã nói.

( Xong phần Trắng nhất thiết nhập )

Hỏi: Thế nào là Ánh sáng nhất thiết nhập ? Ánh sáng nhất thiết nhập thì tu, tướng, vị, xứ, công đức như thế nào ? Làm sao thủ tướng ánh sáng ?

Đáp: Tâm luôn luôn ở nơi tướng ánh sáng, là Ánh sáng nhất thiết nhập. Tâm trụ không loạn là tu. Chuyên tâm nơi tướng ánh sáng, là tướng. Tưởng ánh sáng không dứt, là vị. Không có tác ý nào khác, là hành xứ.

Tu hành Ánh sáng nhất thiết nhập có công đức gì ?

Công đức của Ánh sáng nhất thiết nhập cũng đồng với công đức của Trắng nhất thiết nhập. Tu Ánh sáng bhất thiết nhậpthì nơi nơi đều thấy ánh sáng.

Làm cách nào thủ tướng ánh sáng ?

Thủ lấy tướng Ánh sáng nhất thiết nhập hoặc nơi tự nhiên, hoặc nơi tạo tác. Người ngồi thiền đã lâu, thủ tướng ánh sáng không đợi ở các nơi có tạo tác đã chuẩn bị sẵn mà thủ tướng ấy khắp nơi, hoặc ánh sáng trăng, hoặc ánh sáng mặt trời, hoặc ánh sáng đèn, hoặc ánh sáng châu ngọc, từ đó thường thấy, dầu thích hay không, cũng thấy tướng ánh sáng sở duyên hiện khởi. Không như người mớí tu tập ngồi thiền, thủ tướng nơi có chuẩn bị trước mà không thủ được tướng trắng nơi tự nhiên.

Phương tiện tu Ánh sáng nhất thiết nhập là người ngồi thiền nầy đến gần một vách tường hướng Đông hay Tây ngồi, lấy một cái bát cho đầy nước vào đặt nơi có ánh nắng chiếu đến, ánh sáng phản chiếu từ nước khởi thành một Mạn-đà-la, rồi từ ánh sáng Mạn-đà-la đó mà khởi lên tướng ánh sáng trên vách tường.

Dùng 3 hành pháp để thủ tướng: 1. Dùng bình đẳng quán. 2. Dùng phương tiện quán. 3. Dùng lìa sự loạn động. Kỳ dư, như trước đã nói.

( Xong phần Ánh sáng nhất thiết nhập )

QUYỂN 5 HẾT