LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 9

Như trong Kinh Nhập Lăng-già nói: Bồ-tát Đại Tuệ hỏi về Như Lai tạng, Phật nói: Đại Tuệ ! Vì sao hôm nay ông hỏi Như Lai tự tính sáng suốt thanh tịnh, bản lai thanh tịnh ? Như Lai đủ 32 tướng ở trong thân tất cả hữu tình như viên ngọc báu vô giá bọc trong áo rách bẩn. Cái áo uẩn xứ giới quấn bọc cũng vậy. Kia là tham sân si kế chấp không thật. Cấu nhiễm này là pháp vô thường, là không bền chắc, là không cứu cánh. Đại Tuệ bạch Phật: Thế Tôn ! Ngoại đạo có nói về thần ngã, sao không thể so sánh với Như Lai tạng ? Bởi ngoại đạo nói thần ngã là thường. Ngã có thể tạo tác, lìa sự ràng buộc, tự tại mà vĩnh viễn bất diệt. Ngoại đạo kia nói thần ngã là như vậy. Phật nói: Đại Tuệ ! Ngoại đạo nói ngã không thể so sánh với Như Lai tạng. Đại Tuệ ! Nhưng ta nói thật tế Niết-bàn không sinh với các cú nghĩa không, vô tướng, vô nguyện v.v… Như Lai ứng cúng chính đẳng giác vì những người ngu khiến lìa pháp kinh sợ vô ngã cho nên dùng phương tiện nói Như Lai tạng môn không phân biệt, không đối ngại. Trong đây cũng chẳng phải vị lai hiện tại các Bồ-tát Ma-ha-tát chấp ta sở tác. Đại Tuệ ! Ví như thợ làm gạch làm gốm lấy đất trộn nước thành bùn rồi dùng dây và dụng cụ làm thành các thứ đồ vật. Như Lai cũng vậy, trụ pháp vô ngã, lìa tướng phân biệt, cho nên dùng các thắng tuệ tương ưng phương tiện thiện xảo, hoặc nói Như Lai tạng, hoặc nói pháp vô ngã, dùng nhiều ngôn từ câu văn xảo diệu thí dụ mà nói. Vì duyên đó cái tiếng ngã ngoại đạo nói, không thể so sánh với tiếng Như Lai tạng. Đại Tuệ ! Lại nữa, ta nói tiếng Như Lai tạng chỉ vì hàng phục các ngoại đạo chấp ngã nên dùng phương tiện nói Như Lai tạng. Sao chúng cố chấp cái chủ tể không thật. Nếu ưa thích đầy đủ đối với 3 môn giải thoát tức có thể mau chứng quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề. Vì nghĩa ấy Như Lai ứng cúng chính đẳng chính giác nói pháp Như Lai tạng với tiếng ngã của ngoại đạo là không thể so sánh. Cho nên Đại Tuệ ! Để làm cho ngoại đạo lìa các kiến chấp khiến sẽ được tùy thuận tạng pháp vô ngã của Như Lai nên nói đây là pháp cứu cánh thành tựu vô thượng, là pháp không, không sinh, không hai, không tự tính của chư Bồ-tát, là pháp rất sâu. Nếu tuyên thuyết và thụ trì tức có thể bao gồm nghĩa rất sâu trong tất cả kinh Đại thừa. Bởi vì sao ? Pháp rất sâu này thâu nhiếp trong tất cả pháp, tất cả kinh.

Kinh ấy lại nói: Đại Tuệ ! Cái tướng không, không sinh, không hai, không tự tính này gồm thâu khắp tất cả chư Phật và tất cả kinh điển. Trong Kinh Nguyệt Đăng Tam-muội, Như Lai có nói kệ rằng:

Trong 3 ngàn đại thiên thế giới,

Ta từng giảng nói các kinh điển,

Tất cả các câu đều một nghĩa,

Cho nên không thể nói khắp giáp.

Cho đến tất cả chư Như Lai

Và rộng giảng thuyết nhiều thứ pháp.

Ở trong một câu tu học rồi,

Tất cả tu tập được thành tựu.

Tất cả các pháp đều không tính,

Nếu ai với nghĩa hiểu rõ ràng

Trong cú nghĩa này học thành tựu

Thì các Phật pháp chẳng khó được.

Với pháp rất sâu tin hiểu được,

Là được tất cả thắng phúc sinh.

Các cõi thế gian xuất thế gian,

Hoàn thành tác sự đến thành Phật.

Kinh Bảo Thụ nói: Lại nữa Diệu Cát Tường ! Nếu Bồ-tát trải trăm ngàn kiếp khéo tu 6 Ba-la-mật-đa, đủ phương tiện thiện xảo, nếu có người trong chính pháp này cần cầu nghe thụ, so với phúc uẩn trước đây nhiều gấp bội. Huống chi với tâm vô sở cầu nghe thụ sao chép vì người giảng nói.

Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói: Phật nói: Tu-bồđề ! Ý ông nghĩ sao ? Số cát trong sông Khắc-già, mỗi mỗi hạt cát kia là một sông Khắc-già thì tất cả số ấy có nhiều chăng ? Tu-bồ-đề nói: Các sông Khắc-già còn nhiều vô số, huống chi cát của các sông ấy. Phật nói: Tu-bồ-đề ! Ta nay nói thật với ông rằng thiện nam tử thiện nữ nhân trong thế giới như số cát các sông Khắc-già, dùng 7 báu đầy trong các thế giới ấy cúng dường chư Phật Như Lai. Do nhân duyên ấy thiện nam tử thiện nữ nhân ấy được phúc nhiều chăng ? Tu-bồ-đề nói: Rất nhiều thưa Thế Tôn ! Rất nhiều thưa đấng Thiện Thệ ! Phật nói: Tu-bồ-đề ! Nếu có người đối với chính pháp này cho đến thụ trì một bài kệ 4 câu vì người giảng nói, phúc này còn hơn kia.

Kinh Phạm Vương Hỏi Phật, nói: Nhân giả ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân ưa thích làm việc phúc nơi Như Lai, nên đối với chính pháp nghe hiểu tin tưởng thụ trì, tức có thể được sắc tướng phong phú nhiều quyến thuộc và trong pháp được tự tại, hưởng các hạnh phúc trong cõi người cõi trời.

Kinh Xá-lợi Tử Nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nói: Xá-lợi tử bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Nếu lại có người được nghe Bát-nhã Ba-la-mậtđa này, nghe rồi tin hiểu, người này đối với Bồ-đề liền được không thoái chuyển. Bồ-tát Từ Thị nói: Nếu có người nghe nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, nghe rồi tin hiểu, Bồ-tát ấy liền được gần quả vị Phật. Bồ-tát Diệu Cát Tường nói: Thế Tôn ! Nếu có người nghe nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, nghe rồi tin hiểu, thấy Bồ-tát này phải tưởng như Phật, tất cả tội nhiễm, việc làm ác đều được giải trừ, tất cả nghiệp chướng đều được thanh tịnh, có thể hiểu rất tốt pháp rất sâu.

Kinh Như Lai Tạng nói: Phật nói: Ca-diếp ! Cùng cực của 10 nghiệp bất thiện, đó là:

1. Giả sử có người Duyên Giác là cha mà đi sát hại là tội sát sinh nặng nhất.

2. Xâm đoạt của cải Tam Bảo là tội không cho mà lấy nặng nhất.

3. Giả sử có người A-la-hán là mẹ mà sinh nhiễm trước là tội tà nhiễm nặng nhất.

4. Hoặc nói ta là Như Lai v.v… là tội vong ngữ nặng nhất.

5. Tạo sự ly gián trong thánh chúng là tội hai lưỡi nặng nhất.

6. Chê bai thánh chúng là tội ác khẩu nặng nhất.

7. Muốn trau chuốt lộn xộn làm chướng chính pháp là tội nói thêu dệt nặng nhất.

8. Chính hướng đến chính đạo mà có lợi dưỡng khởi tâm xâm đoạt là tội tham dục nặng nhất.

9. Ca ngợi nghiệp ngũ vô gián, là tội sân nhuế nặng nhất.

10. Khởi ác kiến, là tội tà kiến nặng nhất.

Ca-diếp ! Mười nghiệp bất thiện đây đều là tội cực đại. Ca-diếp ! Nếu có một hữu tình làm đủ 10 nghiệp bất thiện đó, Như Lai liền nói pháp nhân duyên hòa hợp khiến hiểu rõ ngộ nhập. Bấy giờ cũng không có tưởng ngã nhân, hữu tình, thọ giả. Nếu có thể hiểu rõ pháp này là pháp vô tác vô vi như huyễn, lìa nhiễm thanh tịnh tự tính sáng suốt, hiểu tất cả pháp bản lai thanh tịnh, đối với tất cả pháp hiểu rõ có lòng tin thanh tịnh, ta không nói hữu tình ấy đọa vào đường ác. Bởi vì sao ? Không có tính tụ các phiền não, sinh rồi tất cả liền phá tan, cho nên biết một khi các phiền não tụ nhân duyên hòa hợp sinh, sinh rồi liền diệt. Nếu khởi tâm khiển trừ thì các phiền não theo đó có sinh. Nếu tin hiểu như vậy thì kia nào có tội gì, vì không có chỗ dung nạp. Nếu nói có các tội chướng có thể trụ, là không có chỗ đó.

Trong Phẩm hàng ma, tôn giả trì luật Ưu-ba-li hỏi: Ngươi các ác ma ! Thế nào là Bí-sô chân chính giữ luật ? Ma nói: Tôn giả ! Nếu Bí-sô biết rõ tất cả pháp rốt ráo điều phục, các tội bản lai không biên giới trước sau vì lìa biên giới, nếu phạm đọa tội và các ác tác khác mà đều giải trừ chớ sinh cố chấp, đem pháp như vậy khai thị cho người khác thì người ấy có tạo tội ngũ vô gián cũng đều trừ sạch, huống chi là chút ít phá giới cấu nhiễm. Hiểu pháp luật như vậy thì không bị khách trần phiền não nhiễm, sinh tưởng xuất ly, biết các phiền não chẳng trong chẳng ngoài cũng chẳng ở giữa, chẳng phải trí lìa nhiễm có thể trừ phiền não, tính lìa nhiễm cũng chẳng thể khiển trừ. Người trí như thật quán các phiền não giống như mây nổi gió thổi tiêu tan, tùy theo phương hướng thích đâu trụ đó. Lại nữa, các phiền não như trăng dưới nước. Ảnh tượng biến kế đối hiện ra trước. Lại nữa các phiền não là cảnh giới tối tăm, đèn tuệ sáng soi có thể chiếu phá. Lại nữa, giặc cướp phiền não làm hại sắc tướng như Dạ-xoa La-sát. Nếu tác ý sâu sắc vững chắc quán sát như thật, tức không có chỗ trụ. Lại nữa, các phiền não thường rình chỗ sơ hở để lợi dụng, nếu không tác ý sâu sắc vững chắc, tức phiền não tăng trưởng, trong pháp trí tuệ không vô tướng vô nguyện tức không trái hại. Lại nữa, ở trong các phiền não như vậy, người trí dùng trí đối trụ trước các hữu tình nhiễm trước phiền não kia khởi tâm bi mẫn vì nói pháp vô ngã vô hữu tình khiến chúng lìa nhiễm. Đó chính là chân thật giữ luật.

Kinh A-xà-thế Vương nói: Phật nói: A-nan ! Nay ta bảo thật ông nếu có người tạo tội ngũ vô gián được nghe chính pháp như vậy rồi có thể sinh thắng giải, ta không nói người ấy có nghiệp và nghiệp chướng. A-nan ! Nói tóm lại chính pháp rất sâu được nói này nên sinh thắng giải khen ngợi rộng lớn thường trong các kinh kia chuyên cần nghe thụ, không lìa phương tiện khéo léo, Bồ-tát nên siêng năng nói pháp rất sâu như vậy. Cho nên tuệ và phương tiện không lìa 2 pháp. Đó là chính pháp tương ưng của Bồ-tát.

Kinh Duy-ma-cật nói: Không phương tiện tuệ trói, có phương tiện tuệ cởi. Sao gọi là có phương tiện tuệ cởi ? Nếu Bồ-tát có thể dùng tướng hảo trang nghiêm cõi Phật thành thục hữu tình, trong pháp không vô tướng vô nguyện điều phục tâm mình, siêng tu tập không mệt mỏi. Đó tức là có phương tiện tuệ cởi. Sao gọi là không phương tiện tuệ trói ? Nếu Bồ-tát đối với các kiến chấp phiền não sinh khởi theo đuổi bám trụ, nhưng lại phát khởi tất cả thiện căn hồi hướng vô thượng Bồ-đề. Đó tức là không tuệ phương tiện trói. Sao gọi là có tuệ phương tiện cởi ? Nếu Bồ-tát đối với các kiến phiền não sinh khởi theo đổi đoạn các chấp trước mà phát khởi tất cả thiện căn hồi hướng vô thượng Bồ-đề thì hoàn toàn không có chấp thủ. Đây tức là có tuệ phương tiện cởi. Các tuệ và phương tiện này 2 pháp hòa hợp, phải biết đều là hạnh Bồ-tát.

Thế nào là hạnh Bồ-tát ?

Là chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền thánh. Là hạnh Bồ-tát, ở trong sinh tử không bị nhiễm ô ở Niết-bàn không vĩnh viễn tịch diệt. Là hạnh Bồ-tát tuy cầu trí 4 đế cũng không phi thời thủ chứng Niết-bàn. Là hạnh Bồ-tát tuy quán nội không mà thường tư duy nghĩ nhớ thị hiện thụ sinh trong tam hữu. Là hạnh Bồ-tát tuy quán vô sinh mà không nhập chính vị. Là hạnh Bồ-tát tuy nhiếp hóa tất cả hữu tình mà không nhiễm trước. Là hạnh Bồ-tát tuy thực hành pháp không mà thường cần cầu các tướng công đức. Là hạnh Bồ-tát tuy thực hành vô tác mà siêng tu tất cả thiện hạnh đạt được khinh an. Là hạnh Bồ-tát tuy tu hạnh chỉ quán mà không hoàn toàn đọa nơi tịch diệt. Là hạnh Bồ-tát tuy chuyển pháp luân thị hiện Đại Bát-niết-bàn mà không bỏ hạnh của Bồ-tát làm. Là hạnh Bồ-tát tất cả như vậy đều là hạnh của Bồ-tát làm.

Kinh Hàng Ma nói: Lại nữa có các chính hạnh cao tột của Bồ-tát Ma-ha-tát. Tức trí thắng tuệ tăng thượng tương ưng. Nếu trí phương tiện tức bao gồm tất cả hạnh thiện pháp. Trí thắng tuệ tức vô ngã, vô nhân, vô hữu tình, vô thọ giả, vô nho đồng v.v… Trí phương tiện tức hạnh thành thục tất cả hữu tình. Trí thắng tuệ tức hạnh phổ biến bao gồm các pháp. Trí phương tiện tức hạnh nhiếp thụ chính pháp. Trí thắng tuệ tức hạnh không phân biệt tất cả pháp giới Phật. Trí phương tiện tức hạnh tôn trọng cúng dường phụng sự tất cả Phật pháp. Trí thắng tuệ tức hạnh như hư không tất cả cõi Phật. Trí phương tiện tức hạnh làm thanh tịnh trang nghiêm, công cụ trang nghiêm công đức tất cả cõi Phật. Trí thắng tuệ tức hạnh tu vô vi của tất cả hiền thánh. Trí phương tiện là đối với tất cả sư trưởng khởi tâm tôn trọng ra làm các hạnh tác dụng. Trí thắng tuệ là hạnh quán sát Phật thân vô lậu. Trí phương tiện là hạn tu Phật tướng hảo. trí thắng tuệ là hạnh quán sát tất cả hành không sinh không khởi. Trí phương tiện là hạnh thường tư duy thị hiện thụ sinh trong tam hữu.

Kinh Vô Tận Ý nói: Những gì là phương tiện của Bồ-tát ? Và những gì là thắng tuệ của Bồ-tát ? Là nếu khi nhập định khởi tâm đại bi sở duyên sâu xa vững chắc quán sát hữu tình đó là phương tiện, nếu trong định trụ tịch biến tịch đó là thắng tuệ. Nếu khi nhập định khởi tâm đại bi tùy thuận Phật đạo đó là phương tiện. Nếu y chỉ vô sở hữu quán sát là thắng tuệ. Nếu khi nhập định quán sát bao gồm khắp tất cả pháp kia đó là phương tiện. Nếu quán pháp giới không phân biệt đó là thắng tuệ. Nếu khi nhập định tác Phật thân trang nghiêm hiện tiền đó là phương tiện. Nếu quán sát pháp thân phần vị tức thắng tuệ.

Kinh Duy-ma-cật nói: Phật nói: Từ Thị ! Bồ-tát có 2 tướng: một là tin ưa những câu văn trau chuốt, hai là không sợ pháp rất sâu. Hiểu rõ ngộ nhập như thật, đó là 2 tướng. Nếu Bồ-tát tin ưa tôn trọng những câu văn bóng bẩy, phải biết đó là sơ học Bồ-tát. Nếu với kinh điển rất sâu thanh tịnh bao gồm khắp cả các thứ văn nghĩa pháp môn sai biệt, nghe thụ tuyên thuyết sinh thắng giải, phải biết đó là Bồ-tát tu phạm hạnh đã lâu. Lại có 2 pháp là tự hủy thương của sơ học Bồtát, đối với pháp rất sâu không điều phục tâm mình: Một là đối với kinh điển rất sâu xưa chưa được nghe, nghe rồi sợ hãi sinh nghi cũng không tùy thuận, lại sinh khinh chê nói: Tôi xưa chưa nghe pháp này từ đâu đến. Hai là đối với bậc đại pháp khí tuyên thuyết pháp rất sâu thì thiện nam tử không thích thân cận cũng không tôn trọng, hoặc có khi trong đó thầm nói lỗi. Đó là 2 pháp. Lại có 2 pháp tuy Bồ-tát tin hiểu pháp rất sâu cũng tự hủy thương không thể mau chứng pháp nhẫn vô sinh. Một là khinh chê sơ học Bồ-tát không thiếp thụ, không quyết trạch cũng không dạy bảo. Hai là tuy tin hiểu pháp rất sâu mà không học tập cũng không tôn trọng, không thực hành tài thí pháp thí nhiếp thụ hữu tình. Đó là 2 pháp. Trong đây phải biết nếu các hữu tình hiểu ngộ sức oai đức lớn của chư Phật Bồ-tát, đây rất khó được. Những gì là sức oai đức lớn của Bồ-tát ?

Kinh Duy-ma-cật nói: Duy-ma-cật nói: Đại Ca-diếp ! Nếu có 10 phương thế giới hiện làm ma vương đều trụ cảnh giới giải thoát bất tư nghị của Bồ-tát dùng phương tiện khéo léo thành thục hữu tình nên hiện tướng ma. Lại nữa 10 phương thế giới hoặc có Bồ-tát theo xin tay chân tai mũi máu thịt gân cốt đầu mắt thân phần vợ con tôi tớ nhân dân quốc ấp voi ngựa xe cộ, tất cả những thứ ấy nếu có người cầu xin đều thí cho. Bồ-tát dùng các tướng như vậy nên thực hành bức não, tất cả như vậy trụ bất khả tư nghị giải thoát Bồ-tát. Ca-diếp ! Ví như rồng voi dẫm đạp, sức con lừa không làm nổi. Phàm phu cũng vậy không thể bức não Bồ-tát, mà chỉ có Bồ-tát mới có thể bức não Bồ-tát như vậy.

QUYỂN 9 HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10