LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Pháp Hộ v.v… dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 8

Khi ấy vua A-xà-thế đem chiếc áo thượng diệu giá trị trăm ngàn hiến thí Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát không nhận, nhà vua liền dùng y này đắp lên người của Bồ-tát Diệu Cát Tường, y chưa chạm thân Bồ-tát liền ẩn mình không hiện. Vua không trông thấy Bồ-tát, chỉ nghe trong không trung có tiếng nói: Đại vương ! Nếu vua có thể thấy thân tướng của Bồ-tát Diệu Cát Tường tức có thể thấy được những việc ác vua đã làm. Nếu thấy việc ác đã làm như vậy tức thấy tất cả pháp kia. Nếu thấy tất cả pháp cũng vậy có thể thấy cái y nhà vua cúng thí. Nếu nhà vua không thể thấy cũng vậy như là thấy. Đại vương ! Nếu vua có thể thấy có thân tướng như vậy mới dùng y cúng thí. Vua tức thời dùng y đều thí khắp tất cả đại chúng Bồ-tát Thanh Văn, mà cung nhân thể nữ quyến thuộc đều không thấy các thân tướng kia. Vua liền nhập định quán sát mắt không thấy một sắc gì, không một cảnh tướng nào hiện, trong đó chỉ còn tự thân tưởng chuyển. Lại nghe trong không có tiếng nói rằng: Nếu vua có thể thấy tướng tự thân, như vậy hãy dùng y phụng thí. Vua liền tự quán tưởng cũng không thấy tướng tự thân. Bấy giờ liền lìa tất cả sắc tưởng. Lại nghe trong không có tiếng nói: Đại vương ! Nếu như vậy vua không thấy một chút sắc tướng nào dù thô dù tế thì phải thấy việc làm ác cũng như vậy, cũng phải thấy tất cả pháp như vậy. Nếu vua không thấy kia tức lìa kiến, trong lìa kiến kia nếu vua có thể thấy đây tức phi kiến. Đại vương ! Nếu phi kiến nếu phi bất kiến, đó là chính kiến. Nếu như vậy thấy tất cả pháp tức cũng là phi kiến. Đại vương ! Cái phi kiến này là chính kiến.

Bấy giờ vua A-xà-thế liền được lìa xa nghi hoặc đối với tất cả pháp, từ trong định khởi, rồi trở lại quán tất cả đại chúng cũng đều không thấy.

Kinh Huyễn Sĩ Nhân Hiền nói: Bồ-tát có 4 pháp tư duy nghĩa kinh.

Những gì là 4 ?

1. Duyên pháp sinh khởi, chẳng phải không tác nhân.

2. Không có pháp sinh cũng không có tính Bổ-đặc-già-la.

3. Nếu pháp là duyên sinh thì sinh kia vô tính.

4. Trong pháp rất sâu, không có pháp môn sai biệt, cũng không hoại Bồ-đề.

Kinh Bồ-tát Thập Trụ nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Các Bồtát có 5 pháp khiến được an ổn, có thể thanh tịnh sơ địa.

Những gì là 5?

1. Nếu an trụ trong trí giải thoát không có sở duyên rồi, lại làm cho người khác cũng đều an trụ trong trí giải thoát không sở duyên. Đó là Bồ-tát được pháp an ổn.

2. Trí giải thoát không sở duyên này tức không hai, không hai thanh tịnh duyên pháp không sinh. Tự an trụ trong giải thoát này rồi, lại làm cho người khác đều an trụ trong pháp giải thoát duyên pháp không sinh. Đó là Bồ-tát được pháp an ổn.

3. Duyên pháp không sinh kia tức không sinh tự tính các duyên, tất cả pháp không có chỗ sở hữu. Tự an trụ trong giải thoát này rồi, lại làm cho người khác cũng đều an trụ trong pháp giải thoát, tất cả pháp không có chỗ sở hữu. Đó là Bồ-tát được pháp an ổn.

4. Tất cả pháp không có chỗ sở hữu kia tức các phần vị sai biệt đều không tự tính, trí quán như hư không. Tự an trụ trong giải thoát này rồi, lại làm cho người khác cũng đều an trụ trong pháp giải thoát như trí hư không. Đó là Bồ-tát được pháp an ổn.

5. Trí như hư không này tức trí không tạp loạn, không y chỉ, lìa tâm ý thức. Tự an trụ trong giải thoát này rồi, lại làm cho người khác cùng an trụ trong pháp giải thoát, trú lìa tâm ý thức. Đó là Bồ-tát được pháp an ổn.

Phải biết trong đó cái trí lìa tâm ý thức tức không phát ngộ trí có sở đắc. Đó là 5 pháp.

Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn Kinh nói: Phạm thiên hỏi Bồ-tát Quang Võng: Tất cả pháp là sâu xa kiên cố chăng hay tất cả pháp chẳng phải sâu xa kiên cố ? Bồ-tát nói: Như vua Phạm thiên. Rồi nói: Sao gọi tất cả pháp là sâu xa kiên cố ? Phạm thiên nói: Nếu phi tư duy tức tất cả pháp sâu xa kiên cố. Nếu tâm với tư duy có chỗ hòa hợp tức chẳng phải sâu xa kiên cố. Lại tất cả pháp lìa tướng, đó tức sâu xa kiên cố. Nếu lại trong cái lìa có chỗ hòa hợp, đó tức là sai biệt sở hành. Nếu trong sai biệt có sở hành, tức các sở tác đều chẳng phải sâu xa kiên cố. Bồ-tát nói: Nếu vậy thì làm sao các pháp có thể sinh ? Phạm thiên nói: Thiện nam tử ! Nếu tự cảnh giới lìa thanh tịnh trong thật tế các pháp mới sinh.

Kinh Thất Bách Tụng Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Khi ông tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ông trụ ở đâu mà tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa ? Diệu Cát Tường bạch Phật: Thế Tôn ! Khi con tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa đều không trụ chỗ nào mà tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Không trụ làm sao tu Bátnhã Ba-la-mật-đa ? Diệu Cát Tường nói: Thế Tôn! Khi con tu Bátnhã Ba-la-mật-đa, thật không có pháp nào có thể trụ. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Khi ông tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, có những thiện căn nào hoặc tăng hoặc giảm ? Diệu Cát Tường nói: Thế Tôn ! Con trong khi ấy không có chút thiện căn nào hoặc tăng hoặc giảm. Thế Tôn ! Những người tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa đều không có pháp hoặc tăng hoặc giảm.

Phẩm Diệu Cát Tường Bồ-tát thần biến, nói: Có Thiên tử bạch Bồ-tát Diệu Cát Tường: Như chỗ ngài nói, ít có người có thể hiểu được nghĩa ấy. Diệu Cát Tường nói: Thiên tử ! Bởi điều tôi nói là Phật trí rất sâu, hoặc ít hoặc nhiều không thể hiểu rõ. Bởi vì sao ? Phật trí không chấp trước, không phân biệt, không thể ghi, không thể nói, phi tác dụng, phi ngôn ngữ, lìa tâm ý thức, hoặc biết chút ít hoặc biết khắp chẳng dễ hiểu rõ. Thiên tử nói: Nếu Phật trí không thể biết thì các Thanh Văn làm sao có thể hiểu rõ ? Bồ-tát làm sao trụ không thoái chuyển ? Diệu Cát Tường nói: Thiên tử ! Như Lai dùng phương tiện khéo léo mượn trí văn tự tùy mà khai ngộ. Cái trí không văn tự ấy ví như kiếm lửa trong lửa thì được cái gì ? Thiên tử ! Như Lai cũng vậy, nếu tối sơ liền nói Phật trí rộng lớn thì không có hữu tình nào hiểu được Phật trí. Cho nên tuyên thuyết các chủng loại ngôn ngữ để khai ngộ trí ấy. Đó là trí không văn tự. Thiên tử nói: Diệu Cát Tường ! Những gì là các chủng loại ngôn ngữ ? Diệu Cát Tường nói: Thiên tử ! Nếu nói giữ giới và pháp chế chỉ, hoặc nói pháp tương ưng Bát-nhã Ba-la-mật-đa, hoặc nói pháp nhập giải Bồ-đề phần. Những thuyết giáo như vậy là các chủng loại ngôn ngữ. Thiên tử ! Nếu nói pháp lìa sinh lìa diệt, nói lìa tạp phi tạp, nói lìa nhiễm lìa tịnh, nói không chán lìa sinh tử, nói không ưa thích Niết-bàn, không biết, không đoạn, không tu, không chứng, không đắc, cũng không hiện tiền Tam-muội có thể chuyển. Những cách nói như vậy là lời nói chân thật thanh tịnh, là âm thanh không thể nghĩ bàn.

Kinh Nhất Thiết Pháp Quyết Định Vô Sở Đắc nói: Phật hỏi Diệu Cát Tường: Chư Như Lai nói các cảnh giới bất tư nghị bất tư nghị là như thế nào ? Diệu Cát Tường nói: Cảnh giới bất tư nghị bất tư nghị này là chư Như Lai nói. Thế Tôn ! Cảnh giới lìa tư duy chẳng phải cảnh giới của tâm hành, chẳng phải cảnh giới tâm có thể lường đạc được, chẳng phải tâm pháp lựa chọn. Thế Tôn ! Tâm này như vậy tức đó là cảnh giới bất tư nghị. Bởi vì sao ? Không có tâm có thể tư duy, vì tâm này lìa tư duy, tức tự tính của tâm cũng vô sở hữu, mà cái tâm không tư duy này là tâm như thật. Thế Tôn ! Đây mới là cảnh giới bất tư nghị.

Kinh này lại nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Ông chớ nên vội mặc áo giáp này mà hóa độ hữu tình. Diệu Cát Tường nói: Thế Tôn ! Nếu biết cảnh giới hữu tình không tăng không giảm thì trong đó nào có hữu tình mà có thể hóa độ khiến nhập Niết-bàn ? Thế Tôn ! Nếu hư không kia có người có thể độ thì cảnh giới hữu tình kia cũng có thể hóa độ. Lại nữa muốn dùng tâm Bồ-đề để có thể hóa độ thì hữu tình kia cũng có thể phát khởi làm việc hóa độ. Thế Tôn ! Tất cả pháp là Bồ-đề, cũng chẳng phải Bồ-đề có thể nhiễm tịnh được. Cho nên Thế Tôn nói như vầy: Ông chớ nên mặc áo giáp này mà hóa độ hữu tình. Thế Tôn ! Hữu tình chẳng phải nhiễm. Con cũng không trụ tâm độ hữu tình. Bởi vì sao ? Thế Tôn ! Nếu có hữu tình tức có biểu thị nhiễm tịnh. Đã không có hữu tình lẽ nào có nhiễm tịnh có thể biểu thị ? Thế Tôn ! Nếu pháp có, là từ duyên sinh, tức không mâu thuẫn. Thế Tôn ! Trong pháp duyên sinh thật không nhiễm tịnh có thể có được. Bởi tự tính tất cả pháp là không thật, là tính duyên sinh. Nếu trong duyên cũng không có nghĩa duyên nhiễm tịnh có thể được, Thế Tôn ! Đây không có nghĩa, nghĩa của duyên sinh. Người trí hiểu biết. Lại nữa, nghĩa của duyên sinh như vậy người trí đều không phân biệt. Nếu trong nghĩa không phân biệt tức không nhiễm tịnh. Ví như nhà ảo thuật hoặc đệ tử nhà ảo thuật làm ra lầu gác nhà cửa ảo có lửa lớn cháy dữ lan rộng. Có người nói: Sức dũng cảm của ta có thể ngăn chận dập tắt. Người ấy luống cực nhọc cho đến tổn hoại thân mình không làm được. Phật nói: Diệu Cát Tường ! Đúng vậy đúng vậy. Diệu Cát Tường nói: Thế Tôn ! Nếu mặc áo giáp tinh tiến hóa độ hữu tình cũng như vậy, luống cực nhọc mà không được gì.

Kinh ấy lại nói: Phật nói: Diệu Cát Tường ! Ông phải quán sát kỹ như thật là pháp tăng ngữ gì. Diệu Cát Tường nói: Nói quán sát kỹ như thật, nhưng trong quán sát kỹ như thật kia không có một tính, không có các thứ tính có thể tạo tác. Thế Tôn ! Nếu trong cái không chủng loại không phân biệt làm quán sát kỹ như thật, tức chẳng phải quán sát kỹ như thật. Thế Tôn ! Tức chẳng phải quán sát kỹ như thật mà là tăng ngữ. Cho nên nếu quán sát kỹ như thật xong rồi, trong đó không khởi cái thấy ta là phàm phu ta là thánh nhân. Bởi vì sao ? Các pháp không có sở quán. Nếu pháp không lập cái thấy phàm phu thánh nhân, tức được quán sát kỹ như thật thành tựu. Thế Tôn ! Nếu thiện nam tử thiện nữ nhân có thể trụ được như vậy tức được tương ưng pháp giới, trong đó không có chút pháp nào là bình đẳng là sai biệt có thể được. Nếu bảo pháp phàm phu sai biệt cũng không sinh phân biệt. Nếu bảo pháp thánh nhân bình đẳng cũng không sinh phân biệt. Bởi vì sao ? Vì sở duyên là không thể được. Nếu trong sở duyên có sở thủ bình đẳng hoặc sai biệt, tức đó là phân biệt, là tính phân biệt, đều không sở hữu. Nếu trong các sở duyên kia có bình đẳng sai biệt có thể thủ đắc, tức có sai biệt pháp của ta pháp của người kia. Tất cả như vậy phải biết nhất định là không có pháp khả thủ.

Kinh Duy-ma-cật nói: Cái gì là gốc của bệnh tật ? Có phan duyên tức gốc của bệnh tật. Có phan duyên tức có bệnh. Phan duyên cái gì gọi là 3 cõi ? Nếu không phan duyên thì kia biểu thị cái gì ? Nếu không phan duyên được tức không có sở đắc. Thế nào là không có sở đắc ? Là không có sở đắc 2 kiến. Hai kiến là gì ? Là nội kiến và ngoại kiến, kia không có sở đắc.

Kinh ấy lại nói: Bồ-tát Ái kiến nói: Sắc không là 2, sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt không, tính của sắc tự không. Như vậy cho đến thức tức là không, chẳng phải thức diệt không, tính của thức tự không. Nếu hiểu rõ 5 uẩn này là vào pháp môn không 2.

Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói: Xá-lợi tử hỏi tôn giả Tu-bồđề: Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, làm sao biết được phương tiện thiện xảo ? Tu-bồ-đề nói: Tôn giả Xá-lợi tử ! Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không hành sắc, không hành thụ tưởng hành thức. Không hành sắc hữu tướng, cho đến không hành thụ tưởng hành thức hữu tướng. Không hành sắc phi thường phi vô thường, phi khổ phi lạc, phi ngã phi vô ngã, phi tịch phi động, phi không phi bất không, phi tướng phi vô tướng, phi nguyện phi vô nguyện, phi ly phi bất ly. Như vậy cho đến không hành thức phi thường phi vô thường, cho đến phi ly phi bất ly. Năm uẩn như vậy có giới, xứ, duyên sinh, pháp Bồ-đề phần, thần thông Ba-la-mật-đa, lực, vô úy, vô ngại giải, Phật pháp không chung v.v… Cho đến phi ly phi bất ly mà đều không hành.

Bởi vì sao ? Tôn giả Xá-lợi tử ! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Cho đến thức chẳng khác không, không chẳng khác thức. Thức tức là không, không tức là thức. Như vậy giới, xứ, duyên sinh, cho đến Phật pháp không chung chẳng khác không, không chẳng khác Phật pháp không chung. Phật pháp không chung tức là không, không tức là Phật pháp không chung. Bồ-tát Ma-ha-tát nếu như vậy tu hành Bát-nhã Ba-lamật-đa tức có thể biết phương tiện thiện xảo, mà Bồ-tát kia đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng chẳng nghĩ ta thực hành, chẳng nghĩ ta chẳng thực hành, chẳng nghĩ ta cũng thực hành cũng chẳng thực hành, chẳng nghĩ ta chẳng phải thực hành chẳng phải chẳng thực hành. Bởi vì sao ? Vì tự tính vô tính tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Kinh ấy lại nói: Phật nói: Kiêu-thi-ca ! Thiện nam tử thiện nữ nhân khi tuyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa, hoặc có người phỉ báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Những gì là phỉ báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa ? Là nếu nói sắc là vô thường, là khổ, vô ngã bất tịnh. Như vậy thụ tưởng hành thức và giới, xứ, thiền định, vô lượng vô sắc định, niệm xứ, chính cần, thần túc, căn, lực, giác đạo, thánh đế, vô sở úy, vô ngại giải, bất cộng Phật pháp, cho đến nhất thiết tướng trí là vô thường, là khổ, vô ngã bất tịnh. Nếu thực hành như vậy là thực hành Bát-nhã Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Người nói như vậy là phỉ báng Bát-nhã Bala-mật-đa.

Những gì là không phỉ báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa ?

Là nếu nói: Thiện nam tử ! Khi ông tu Bát-nhã Ba-la-mật-đa chớ nên quán sắc vô thường, chớ nên quán sắc là khổ, vô ngã, bất tịnh, cho đến tất cả tướng trí cũng như vậy. Bởi vì sao ? Tự tính của sắc là không. Cho nên nếu tự tính của sắc là không đó tức Bátnhã Ba-la-mật-đa. Nếu trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa không có sắc là thường có thể được, vì sắc kia như vậy là không sở hữu, huống chi là có thể được thường hay vô thường. Thụ tưởng hành thức cho đến tất cả tướng trí cũng như vậy. Người nói như vậy là không phỉ báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Lại nữa, nếu nói: Thiện nam tử ! Khi ông tu Bát-nhã Ba-la-mậtđa, chớ bảo là có pháp có thể vượt qua, chớ bảo có pháp có thể an trụ. Bởi vì sao ? Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa là vô sở hữu trong tất cả pháp. Nếu pháp không vượt qua không chỗ trụ, tức tự tính các pháp đều không. Nếu tự tính của pháp là không, tức pháp là vô tính. Nếu pháp vô tính, tức Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, tức không có pháp hoặc xuất hoặc nhập hoặc sinh hoặc diệt. Người nói như vậy tức không phỉ báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Tu-bồ-đề lại bạch Phật rằng: Thế Tôn ! Bát-nhã Ba-la-mật-đa thế nào là có sở đắc thế nào là không sở đắc ? Phật nói: Tu-bồ-đề ! Nếu pháp có 2 tức có sở đắc. Nếu pháp không 2 tức không có sở đắc. Tu-bồ-đề nói: Thế Tôn ! Thế nào là 2 ? Phật nói: Tu-bồ-đề ! Nhãn, sắc, là 2. Ý, pháp, là 2. Cho đến Bồ-đề pháp, Phật pháp, là 2. Tu-bồđề nói: Thế Tôn ! Có sở đắc là không sở đắc chăng, hay không sở đắc là không sở đắc chăng ? Phật nói: Tu-bồ-đề ! Chẳng phải kia có sở đắc là không sở đắc, cũng chẳng phải không sở đắc là không sở đắc. Tu-bồ-đề ! Nếu có sở đắc không sở đắc đều bình đẳng, đó tức là không sở đắc. Lại nữa, Tu-bồ-đề nói: Thế Tôn ! Lẽ nào không trụ trong thắng nghĩa đế chứng quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề ? Phật nói: Không phải. Tu-bồ-đề nói: Trụ trong pháp điên đảo ư ? Phật nói: Không phải. Tu-bồ-đề nói: Nếu không trụ trong thắng nghĩa đế, cũng không trụ trong pháp điên đảo thì người thành chính giác lẽ nào chẳng phải Như Lai chẳng chứng quả Bồ-đề sao ? Phật nói: Tu-bồđề ! Ta chứng quả Bồ-đề nhưng trong cảnh giới hữu vi cảnh giới vô vi đều không chỗ trụ. Lại nữa, Phật nói: Tu-bồ-đề ! Ta không thể lấy cái vô tính trong vô tính mà thành chính giác. Tu-bồ-đề nói: Thế Tôn ! Lẽ nào không lấy vô tính trong vô tính có thể thành chính giác ? Phật nói: Không phải. Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Trong Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa ta từng bảo ông: Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như Lai được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chăng ? Như Lai có thuyết pháp chăng ? Tu-bồ-đề nói: Như chỗ con hiểu nghĩa Phật nói thì không có pháp Như Lai được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có pháp Như Lai có thể nói. Bởi vì sao ? Nếu có pháp được Như Lai nói thì đó là không thể thủ lấy, không thể nói, là phi pháp phi phi pháp. Sở dĩ vì sao ? Tất cả hiền thánh đều bởi vô vi pháp mà có sai biệt. Như Lai chỉ vì hóa độ hữu tình nên khéo dùng phương tiện khai mở các pháp môn, tuyên thuyết chính pháp rất sâu như vậy.

QUYỂN 8 HẾT

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10