KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG
Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 9: TRÙNG HIỂN KHÔNG TÍNH (DẠY RÕ VỀ TÁNH KHÔNG)
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói chú này rồi, vì muốn lợi ích cho đại chúng các Đại Bồ-tát, trời, người, khiến cho tất cả được thấu đạt Đệ Nhất nghĩa chân thật thẳm sâu nên một lần nữa làm sáng rõ tánh Không mà nói kệ rằng:
Ta thấu rõ kinh sâu xa khác
Nói pháp vi diệu chân thật Không
Nay ở trong kinh đứng đầu này
Lược nói pháp Không không thể bàn
Đối với các pháp lớn, sâu xa
Hữu tình không trí, chẳng thể hiểu
Nên ta giảng nói lại cho họ
Khiến cho được khai ngộ pháp không.
Vì lòng đại Bi thương chúng sinh
Dùng phương tiện, nhân duyên thù thắng
Hôm nay ta ở trong đại chúng
Diễn nói khiến họ rõ nghĩa không.
Thân này như xóm làng trống không
Sáu trần nương tựa chẳng biết nhau
Sáu trần nương theo căn khác nhau
Đều chẳng biết nhau cũng như trên
Nhãn căn thường quan sát đến sắc
Không ngừng nghe tiếng là nhĩ căn
Tỵ căn luôn ngửi thấy các mùi
Thiệt căn luôn nếm đến vị ngon
Thân căn nhận xúc chạm êm ái
Ý căn rõ pháp không biết chán
Sáu căn tùy theo các việc khởi
Theo cảnh mỗi căn sinh phân biệt
Thức như huyễn hóa chẳng phải thật
Nương vào căn, cảnh, vọng tham cầu
Như người chạy trốn làng xóm trống
Sáu thức nương căn cũng như vậy.
Tâm chạy khắp cầu tùy theo cảnh
Nương cảnh, nhờ căn rõ các việc
Thường ái sắc, thanh, hương, vị, xúc
Tầm, tư các pháp không tạm dừng.
Tùy duyên biến hành đối sáu căn
Không ngại như chim bay trong không
Mượn các căn này làm chỗ nương
Mới phân biệt ngoại cảnh rõ ràng.
Thân này không biết, không tác giả
Thể chẳng bền chắc, mượn duyên thành
Sinh ra từ phân biệt hư vọng
Như máy móc do nghiệp chuyển vần.
Đất, nước, lửa, gió hợp thành thân
Tùy theo nhân duyên, quả khác nhau
Trái nhau, hại nhau cùng một chỗ
Như bốn rắn độc ở hòm rương.
Rắn bốn đại này tánh khác nhau
Tuy ở một chỗ, có thăng, trầm
Hoặc lên hoặc xuống khắp châu thân
Nhưng chúng đều trở về pháp diệt
Ở trong bốn loại rắn độc này
Hai rắn đất, nước: tính nặng, chìm
Hai rắn gió lửa, tính nhẹ nổi
Do chúng trái nhau, các bệnh sinh…
Tâm thức nương tựa vào thân này
Tạo tác các loại nghiệp thiện ác,
Sinh cõi trời, người, ba đường ác
Tùy theo nghiệp lực thọ thân hình.
Thân bị các bệnh, sau khi chết
Đại tiểu tiện lợi chảy tràn lan
Thối rữa, giòi bọ chẳng thể ưa
Như cây mục, bỏ rừng thây chết
Các ông phải quán pháp như vậy
Thì sao chấp có ngã, chúng sinh…
Tất cả các pháp đều vô thường
Từ năng lực vô minh khởi lên.
Các đại chúng ấy đều hư vọng
Vốn chẳng thật có, thể: không sinh
Nên, tánh đại chủng đều trống rỗng
Biết hư vọng này chẳng thật có.
Tự tánh vô minh vốn là không
Nhờ sức các duyên hòa hợp có
Ở tất cả thời mất chánh tuệ
Nên ta nói đó là vô minh.
Hành, thức vì duyên có danh sắc
Sáu nhập và xúc, thọ sinh theo
Ái, thủ, hữu duyên sinh, lão, tử
Ưu bi khổ não theo đuổi luôn.
Các khổ, nghiệp ác, thường trói buộc
Sinh tử luân hồi không lúc dừng.
Xưa nay chẳng có, thể vốn không
Do chẳng như lý, phân biệt sinh.
Ta đoạn tất cả các phiền não
Thường dùng hạnh chánh trí hiện tiền
Rõ nhà năm uẩn đều rỗng không
Cầu chứng Bồ-đề chỗ chân thật.
Ta mở cửa đại thành Cam lộ
Thị hiện pháp cam lồ vi diệu
Đã được vị cam lồ chân thật
Thường dùng cam lồ ban chúng sinh.
Ta đánh trống pháp lớn bậc nhất
Ta thổi loa pháp lớn tột cùng
Ta thắp đèn sáng lớn tối thắng
Ta tuôn mưa pháp lớn vô cùng.
Điều phục phiền não, các oán kết
Kiến lập Pháp tràng lớn vô thượng
Ở biển sinh tử cứu quần sinh
Ta đóng chặt cửa ba đường ác
Lửa dữ phiền não đốt chúng sinh
Không nơi nương tựa, không ai giúp
Ta ban cam lồ, được mát mẻ
Nóng bức thân tâm đều trừ tan.
Do đó, ta ở vô lượng kiếp
Cung kính cúng dường các Thế Tôn
Giữ giới kiên cố hướng Bồ-đề
Cầu chứng Pháp thân, chốn an lạc
Cho người tay, chân và tai, mắt
Vợ con, tôi tớ… lòng không tiếc.
Của quý, bảy báu… vật trang nghiêm
Tùy ý người xin đều cho hết.
Nhẫn nhục… các cõi đều tu hành
Mười địa viên mãn, thành chánh giác
Ta được tôn xưng Nhất thiết trí
Không chúng sinh nào suy lường được.
Giả sử cõi tam thiên đại thiên
Các vật sinh trưởng khắp đất đai
Tất cả các cây cối, rừng rậm
Lúa, mè, tre, sậy và nhánh cành…
Đều chặt lấy hết những vật này…
Đem nghiền nát vụn như bụi trần
Khó lường biết được chỗ chứa nhóm
Cho đến tràn đầy cõi hư không.
Tất cả các cõi nước mười phương
Đất đai cõi tam thiên đại thiên
Đều đem nghiền nát thành bụi trần
Số lượng bụi này chẳng thể tính.
Giả sử trí tất cả chúng sinh
Đem làm trí tuệ cho một người
Người trí như vậy đông vô số
Có thể biết số bụi trần trên.
Một niệm trí Thế Tôn Mâu-ni
Những người trí đó cùng suy lường
Dù trải qua nhiều ức các kiếp
Chẳng thể tính biết một phần nhỏ.
Khi các đại chúng nghe Đức Phật nói về tính Không sâu xa, có vô lượng chúng sinh có thể liễu đạt thể tính của bốn Đại, năm Uẩn đều Không; sáu Căn, sáu Cảnh hư vọng sinh ra trói buộc. Họ nguyện từ bỏ luân hồi, chân chánh tu hành giải thoát, vô cùng vui mừng, theo đúng lời dạy phụng trì.