KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 6

Phẩm 12: TỨ THIÊN VƯƠNG HỘ QUỐC

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe bốn vị vua trời cung kính cúng dường kinh Kim Quang Minh và có thể ủng hộ những người thọ trì kinh thì khen rằng:

–Hay thay! Hay thay! Bốn vua các ông đã ở chỗ vô lượng trăm ngàn vạn ức Đức Phật đời quá khứ, cung kính cúng dường tôn trọng khen ngợi, gieo trồng các căn lành, tu hành chánh pháp, thường nói chánh pháp, dùng chánh pháp giáo hóa đời. Các ông từ lâu thường nghĩ đến lợi ích cho các chúng sinh, khởi tâm đại Từ, nguyện ban cho họ sự an vui. Nhờ nhân duyên này, đời hiện tại, các ông được quả báo thù thắng. Nếu có vị vua cõi người cung kính cúng dường kinh điển Tối Thắng Kim Quang Minh này, các ông nên siêng năng ủng hộ, khiến cho họ được yên ổn. Bốn vua các ông và quyến thuộc cùng vô lượng, vô số trăm ngàn Dược-xoa ủng hộ kinh này tức là hộ trì chánh pháp của các Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Bốn vua các ông và Thiên chúng khác cùng các Dược-xoa và A-tô-la khi chiến đấu với nhau thì nhóm các ông thường được thắng lợi. Các ông, nếu có thể ho trì Kinh này, nhờ năng lực của Kinh nên có thể trừ các khổ như giặc thù, đói kém và các dịch bệnh… Vậy nên các ông, nếu thấy bốn chúng thọ trì đọc tụng Kinh Vương này thì cũng nên siêng năng dốc lòng cùng hộ trì, vì họ diệt trừ khổ não, ban cho họ sự an vui.

Bấy giờ, bốn vua trời liền đứng dậy, sửa lại áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Kinh Tối Thắng Kim Quang Minh này, ở đời vị lai, nếu có cõi nước, thành ấp, xóm làng, núi rừng, đồng trống… bất cứ chỗ nào khi kinh này lưu truyền đến, nếu vua nước đó đối với kinh điển này, chí tâm nghe nhận, khen ngợi cúng dường, đồng thời, cung cấp cho bốn chúng thọ trì kinh đó, hết lòng ủng hộ, khiến cho họ không còn khổ não. Do nhân duyên này nên con ủng hộ vị vua đó và các dân chúng, khiến cho họ đều được yên ổn, xa lìa những lo khổ, tăng thêm tuổi thọ, uy đức đầy đủ.

Bạch Thế Tôn! Nếu vị quốc vương đó thấy bốn chúng thọ trì kinh nay mà hết lòng cung kính ủng hộ giống như cha mẹ, tất cả sự cần dùng đều cung cấp đầy đủ, bốn vua chúng con luôn luôn vì vua đó ủng hộ, khiến cho các loài hữu tình không loài nào chẳng tôn kính. Vậy nên chúng con cùng với vô lượng Dược-xoa, các thần, tùy theo chỗ lưu truyền của kinh vua thâm diệu này mà ẩn thân ủng hộ khiến cho không có gì trở ngại. Chúng con cũng sẽ hộ niệm những người và các quốc vương… nghe kinh này, diệt trừ hoạn nạn cho họ, khiến cho họ yên ổn, giặc thù phương khác, đều khiến lui tan. Nếu có vị vua cõi người khi nghe kinh này mà giặc thù nước bên cạnh khởi lên ý niệm: “Sẽ đem đủ bốn binh phá hoại đất nước kia.” Bạch Thế Tôn! Do sức uy thần của kinh vua này nên lúc đó kẻ địch bên cạnh lại bị oán thù khác đến xâm lấn quấy nhiễu biên giới của nước ấy, bị nhiều tai biến, dịch bệnh lan tràn. Vị vua nghe kinh này liền tập hợp bốn binh nhằm xuất phát đến chinh phục nước đó, bấy giờ, chúng con, sẽ cùng với quyến thuộc, vô lượng, vô biên Dược-xoa, các thần đều tự ẩn hình giúp đỡ cho vị vua này, khiến cho kẻ thù kia tự nhiên quy hàng, đi đến biên giới nước ấy còn chẳng dám, huống là đem binh đánh nhau.

Bấy giờ, Đức Phật bảo bốn vua trời:

–Hay thay! Hay thay! Bốn vua các ông mới có thể ủng hộ kinh điển như vậy! Vào thời quá khứ, hàng trăm ngàn ức vô số kiếp, ta tu các hạnh khổ, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chứng Nhất thiết trí, hôm nay nói pháp này. Nếu có vị vua cõi người thọ trì kinh này, cung kính cúng dường thì được tiêu tan hoạn nạn, khiến cho họ yên ổn, lại ủng hộ thành ấp, xóm làng… cho đến giặc thù đều khiến cho lui tan, cũng khiến cho tất cả các vua trong Thiệm-bộ châu không hề bị khổ não về việc đấu tranh.

Này bốn vua! Các ông nên biết, Thiệm-bộ châu này có tám vạn bốn ngàn thành ấp, xóm làng, tám vạn bốn ngàn vị vua… đều ở đất nước của mình thọ nhận những sự an vui, đều được tự tại, có của báu đầy đủ, thọ dùng chẳng xâm chiếm nhau, tùy theo nhân đời trước mà thọ quả báo của mình, chẳng khởi ý niệm ác tham cầu nước của người khác. Họ đều ít ham muốn lợi lạc, không có các khổ về chiến đấu, trói buộc. Nhân dân nước ấy an vui tự nhiên, trên dưới hòa mục giống như nước sửa, luôn yêu thương và kính trọng nhau, hoan hỷ, tự tại, từ bi khiêm nhường, tăng trưởng căn lành. Do nhân duyên đó nên Thiệm-bộ châu này yên ổn, thịnh vượng, an vui, nhân dân đông đúc, đất đai mầu mỡ, lạnh nóng điều hòa, thời tiết chẳng trái mùa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú chuyển động bình thường không khiếm khuyết, gió mưa thuận thời, không còn các tai nạn, tài sản của báu đều tràn đầy, lòng không bỏn sẻn, thường thực hành bố thí, đủ mười nghiệp thiện, những người này qua đời phần nhiều sinh lên trời làm tăng thêm Thiên chúng.

Này đại vương! Nếu đời vị lai có những quốc vương nghe nhận kinh này, cung kính cúng dường, đồng thời tôn trọng khen ngợi bốn bộ chúng thọ trì kinh này, lại muốn an lạc, lợi ích nhiều cho các ông và các quyến thuộc, vô lượng trăm ngàn các Dược-xoa chúng. Vậy nên vị vua kia thường phải nghe nhận kinh vua vị diệu này, do được nghe vị cam lộ vô thượng của nước pháp này nên tăng thêm thế lực thân tâm của các ông; tinh tấn dun g mãnh, ánh sáng phước đức uy lực đều được đầy đủ. Những quốc vương đó nếu có thể chí tâm nghe nhận kinh này, tức là sự cúng dường to lớn hiếm có cúng dường cho ta, Thích-ca Mâu-ni Ứng Chánh Đẳng Giác. Nếu cúng dường ta là cúng dường trăm ngàn ức vô số Đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Nếu có thể cúng dường ba đời các Đức Phật thì được công đức nhiều vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Do nhân duyên này nên các ông cần phải ủng hộ vị vua kia, hoàng hậu, cung phi và quyến thuộc khiến cho họ không còn khổ não và trong cung điện, nhà cửa thường được an vui, công đức khó nghĩ bàn. Nhân dân trong các cõi nước đó cũng luôn thọ nhận được vô số niềm vui năm dục, tất cả việc ác đều được tiêu trừ.

Bấy giờ, bốn vua trời bạch Đức Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Ở đời vị lai, nếu có vị quốc vương ưa nghe kinh Kim Quang Minh này vì muốn ủng hộ thân mình, hoàng hậu cung phi, vương tử cho đến các thể nữ trong cung… thành ấp, xóm làng, cung điện… đều được an lạc tịch tĩnh hoan hỷ tối thượng bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn, trong đời hiện tại, ở ngôi vị vua tôn quý, tự tại hưng thịnh, thường được tăng trưởng. Vua ấy lại muốn có được vô lượng, vô biên phước đức khó nghĩ bàn, ở đất nước mình, khiến cho không có giặc giã và những việc khổ não, tại nạn.

Bạch Thế Tôn! Vị quốc vương này không nên buông lung để tâm tán loạn, phải cung kính chí thành ân cần tôn trọng nghe nhận Kinh vua tối thắng này. Khi muốn nghe kinh, trước hết nhà vua phải dốc lòng trang nghiêm phòng nhà trong cung, thật rõ ràng bậc nhất, nước thơm tưới đất, tung trải nhiều loại hoa quý, đặt pháp tòa Sư tử thù thắng, dùng những đồ trân bảo trang hoàng, giăng bày nhiều phướn, lọng báu, đốt hương thơm vô giá, trổi lên các âm nhạc. Vị vua ấy, bấy giờ phải tắm gội sạch sẽ, dùng hương thơm xoa thân, mặc áo mới sạch sẽ và đeo những chuỗi ngọc, ngồi tòa ngồi thấp nhỏ, chẳng nghĩ mình là người cao quý, xả bỏ ngôi vị tự tại, xa lìa tâm kiêu mạn, tâm giữ chánh niệm nghe kinh sâu nhiệm này, đối với vị Pháp sư, khởi tưởng xem như bậc Đại sư. Nhà vua lại đối với hậu phi, vương tử, thể nữ, quyến thuộc ở trong cung sinh lòng từ mẫn, vui vẻ nhìn nhau, nét mặt nhu hòa, lời nói êm dịu, thân tâm lan khắp niềm vui lớn, khởi ý niệm: “Ta nay đạt được sự ích lợi lớn thù thắng khó nghĩ bàn! Đối với kinh sâu nhiệm này, phải cúng dường thật nhiều.” Thiết bày lễ xong, thấy Pháp sư đến, nhà vua phải khởi lòng cung kính khát ngưỡng.

Bấy giờ, Đức Phật bảo bốn vua trời rằng:

–Không nên nghênh đoán đón Pháp sư như vậy! Vị quốc vương đó nên mặc y phục thuần tịnh tinh khiết, đeo các chuỗi ngọc để trang nghiêm, tự cầm lọng trắng báu và các hương hoa, chuẩn bị nghi thức l bái chỉnh tề, trổi nhiều loại âm nhạc, đi bộ ra cửa thành để nghênh đón vị Pháp sư đó, luôn luôn nghĩ đến tâm cung kính để làm việc cát tường.

Này bốn vua! Do nhân duyên gì mà vị quốc vương đó gần gũi cung kính cúng dường như vậy? Do việc nhấc chân lên, hạ chân xuống của vị quốc vương đó, từng bước, từng bước đều là cung kính, phụng sự tôn trọng trăm ngàn vạn ức vô số các Đức Phật Thế Tôn, lại được vượt thoát số kiếp khổ sinh tử như vậy. Lại nữa, vào đời vị lai, trong các số kiếp như vậy vị vua đó sẽ nhận ngôi vị chuyển luân thù thắng. Theo từng bước, ở đời hiện tại, nhà vua được phước đức tăng trưởng, tự tại làm vua, cảm ứng khó nghĩ bàn, mọi người kính trọng, sẽ ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp trời, người có được các cung điện bảy báu, sinh ra ở đâu cũng luôn được làm vua, tăng thêm tuổi thọ, lời nói luôn có tính thuyết phục, được trời, người kính tín, không hề kinh sợ, có tiếng tăm lớn, mọi người đều chiêm ngưỡng, ở cõi trời trong loài người đều được an vui thù thắng vi diệu, có thế lực, lực có đại uy đức, thân tướng trang nghiêm kỳ diệu không ai sánh bằng, được gặp Đấng Thiên Nhân Sư, gặp bậc Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ vô lượng phước đức. Này bốn vua! Các ông nên biết những quốc vương đó được vô số, vô lượng công đức lợi ích như vậy… nên hãy tự đến nghênh đón Pháp sư, hoặc từ khoảng cách một do-tuần… cho đến trăm ngàn do-tuần, đối với thầy nói pháp nên khởi tưởng xem như Phật. Về đến thành rồi, các vua ấy nên khởi ý niệm: “Hôm nay Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vào trong cung của ta, nhận sự cúng dường của ta, vì ta nói pháp, ta nghe pháp liền được không thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là được gặp trăm ngàn vạn ức vô số các Đức Phật Thế Tôn. Hôm nay, ta dùng nhiều loại nhạc cụ thượng diệu thù thắng rộng lớn cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại. Hôm nay ta đã dứt sạch vĩnh viễn những nỗi khổ của cõi Diệm-ma vương, địa ngục, ngã quỷ, bàng sinh, đã gieo trồng vô lượng trăm ngàn vạn ức hạt giống căn lành Chuyển luân thánh vương, vua trời Đế Thích, Phạm vương,… ta nên khiến cho trăm ngàn vạn ức chúng sinh ra khỏi khổ sinh tử, được niềm vui Niết-bàn, chứa nhóm vô lượng, vô biên phước đức chẳng thể nghĩ bàn. Hậu cung quyến thuộc và các dân chúng đều nhờ ân đức được yên ổn, đất nước thanh bình, không có những tai nạn, độc hại, người ác, giặc thù phương khác chẳng đến xâm lấn quấy nhiễu, không còn lo lắng.

Này bốn vua! Các ông nên biết, vị nhân vương đó nên tôn trọng chánh pháp như vậy, cũng nên tôn trọng tán thán các Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thọ trì kinh điển vi diệu này, đạt được các căn lành, trước đem phước thù thắng ban cho các ông và các quyến thuộc. Vị quốc vương đó có nhân duyên nghiệp thiện phước đức lớn, ở trong đời hiện tại được đại tự tại, tăng thêm ánh sáng oai đức, tướng an lành vi diệu trang nghiêm, đối với tất cả giặc thù, đều có thể dùng chánh pháp mà tiêu diệt, hàng phục tất cả.

Bấy giờ, bốn vua trời bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có vị quốc vương có thể cung kính chánh pháp nghe Kinh sâu vương này, như vậy cùng với tấm lòng cung kính cúng dường tôn trọng tán thán bốn chúng thọ trì kinh này, vị quốc vương đó muốn cho chúng con được hoan hỷ, phải ở một bên gần pháp tòa, lấy nước thơm tưới đất, rải các loại hoa quý, đặt ở chỗ đó bốn ngai vàng, chúng con với vị vua kia cùng nghe chánh pháp. Tất cả các căn lành tự lợi của vua ấy và phần phước đều ban cho chúng con. Bạch Thế Tôn! Vị quốc vương đó, khi thỉnh vị nói pháp lên tòa, liền vì chúng con đốt mọi loại hương thơm cúng dường kinh đó. Bạch Thế Tôn! Khói hương đó trong khoảng một niệm bay lên hư không, liền đến cung điện của các trời chúng con, ở trong hư không, khói hương biến thành lọng hương. Thiên chúng chúng con nghe hương thơm vi diệu đó, hương thơm có ánh sáng vàng ròng soi sáng cung điện của chúng con ở cho đến cung của Phạm vương và của Đế Thích, cung của trời Đại biện tài, trời Đại cát tường, chỗ ở của thần đất Kiên Lao, đại tướng Chánh Liễu Tri, hai mươi tám bộ thần Dượcxoa, trời Đại tự tại, chúa Kim Cang Mật Tích, đại tướng Bảo Hiền, quỷ tử mẫu Ha-lợi-đế với năm trăm quyến thuộc, vua rồng Vô Nhiệt Não Trì, vua rồng Đại Hải! Bạch Thế Tôn! Những chúng như vậy… ở tại cung điện mình thấy khói hương đó, trong khoảng một sát-na, biến thành lọng hương, nghe mùi thơm ngát, nhìn thấy ánh sáng tỏa màu đến khắp tất cả các cung của các Thiên thần.

Đức Phật bảo bốn vị vua trời rằng:

–Ánh sáng hương thơm đó chẳng phải chỉ đến cung điện này biến thành lọng hương, phóng ra ánh sáng lớn, do khi vị quốc vương đó tay bưng lò hương đốt các loại hương quý để cúng dường kinh, hơi khói hương ấy, ở trong khoảnh khắc một niệm, đến khắp tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức mặt trời, mặt trăng, trăm ức núi chúa Diệu cao, trăm ức bốn châu, ở chỗ cung điện tất cả Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-thát-bà, A-tô-la, Yết-lộ-trà, Khẩn-na-la, Mạc-hô-lạc-già của tam thiên đại thiên thế giới, trong hư không đều tràn đầy, đủ loại khói hương, biến thành lọng mây. Lọng mây ấy màu vàng ròng soi khắp thiên cung. Như vậy các loại mây hương, lọng hương của tam thiên đại thiên thế giới đều chính là sức uy thần của kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương. Các vị quốc vương này khi tay bưng lò hương cúng dường Kinh thì vô số mùi hương chẳng phải không những chỉ lan khắp tam thiên đại thiên thế giới này mà trong khoảnh khắc một niệm, cũng lan tỏa khắp trăm ngàn vạn ức các cõi nước Phật khắp mười phương, nhiều như số cát trong vô lượng, vô biên sông Hằng ở bên trên chư Phật, trong hư không biến thành lọng hương màu vàng ròng soi khắp nơi, cũng như vậy. Các Đức Phật đó ngửi thấy hương thơm vi diệu này, nhìn thấy lọng mây màu vàng ròng. Các Đức Phật Thế Tôn nhiều như cát sông Hằng ở mười phương thế giới hiện thần biến rồi, các Đức Thế Tôn đó đều cùng quan sát, đồng thanh khen pháp sư rằng: “Hay thay! Hay thay! Này Đại trượng phu! Ông có thể lưu bố rộng rãi kinh điển vi diệu sâu xa như vậy tức đã thành tựu vô lượng, vô biên phước đức, chẳng thể nghĩ bàn.” Nếu có người nghe kinh này, đạt được công đức còn rất nhiều! Huống gì là người ghi chép, thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn nói và theo đúng như lời dạy tu hành! Vì sao? Này thiện nam! Chúng sinh nào nghe kinh Kim Quang Minh Tối Thắng vương này, liền được không thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc bấy giờ, mười phương có trăm ngàn ức vô lượng, vô số những cõi nước Phật nhiều như cát sông Hằng, tất cả các Đức Như Lai của những cõi nước đều đồng thanh, ở trên pháp tòa, khen vị pháp sư kia rằng: “Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông vào đời vị lai, bằng sức tinh tấn, sẽ tu vô lượng trăm ngàn hạnh khổ, đầy đủ tư lương vượt lên các Thánh chúng, ra khỏi ba cõi, làm đấng Tối Thắng, sẽ ngồi dưới cây Bồ-đề trang nghiêm thù thắng, cứu độ các chúng sinh có nhân duyên trong tam thiên đại thiên thế giới, có thể khéo léo tiêu diệt hàng phục quân chúng của các ma có hình dạng đáng sợ, giác ngộ các pháp thanh tịnh bậc nhất và Chánh đẳng Bồ-đề sâu xa vô thượng.

Này thiện nam! Ông sẽ ngồi ở tòa Kim cang, chuyển pháp luân mười hai hành sâu xa, vi diệu vô thượng mà chư Phật khen ngợi, có thể đánh lên trống pháp lớn vô thượng, thổi vang loa pháp cực diệu vô thượng, dựng lên pháp tràng thù thắng vô thượng, chiếu sáng đuốc pháp sáng vô thượng, mưa xuống mưa pháp cam lộ vô thượng, cắt đứt vô lượng oán kết phiền não, khiến cho vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số hữu tình qua khỏi biển lớn không bờ bến đáng sợ, giải thoát sự luân hồi sinh tử không bờ cõi, gặp được vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số Đức Phật.

Bấy giờ, bốn vị vua trời lại bạch:

–Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này có thể ở trong đời vị lai, hiện tại thành tựu được vô lượng công đức như vậy. Vậy nên, vị quốc vương, nếu được nghe kinh điển vi diệu này, tức là đã ở chỗ trăm ngàn trăm ngàn vạn ức vô lượng Đức Phật gieo trồng căn lành. Đối với vị quốc vương đó, con sẽ hộ niệm, cho vị ấy được vô lượng phước đức, lợi ích. Bốn vua chúng con và quyến thuộc vô lượng trăm ngàn vạn ức các thần khác, ở cung điện của mình, khi thấy các loại khói hương, mây hương, lọng hương thần biến, chúng con sẽ ẩn thân, vì nghe pháp nên sẽ đến chỗ trang nghiêm, thanh tịnh của vua ấy, dừng ở chỗ cung điện giảng pháp. Như vậy, cho đến Phạm vương, Đế Thích, trời Đại biện tài, trời Đại Cát tường, thần đất Kiên Lao, đại tướng Chánh Liễu Tri, hai mươi tám bộ Dược-xoa thần, trời Đại tự tại, Kim cang Mật Tích, đại tướng Bảo Hiền, Quỷ tử mẫu Ha-lợi-để với năm trăm quyến thuộc, vua rồng Vô Nhiệt Não Trì, vua rồng Đại Hải, vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số chư Thiên, Dược-xoa… những chúng như vậy, vì nghe pháp nên đều chẳng hiện thân, đi đến cung điện thù thắng của vị quốc vương đó, chỗ tòa thuyết pháp cao trang nghiêm. Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con và quyến thuộc, Dược-xoa, các thần đều sẽ một lòng cùng với vị quốc vương đó làm Thiện tri thức. Nhờ vị thí chủ pháp lớn Vô thượng này dùng vị cam lộ cho con đầy đủ, vậy nên, chúng con ủng hộ vị vua đó, trừ hoạn nạn cho vua ấy, khiến cho được yên ổn và các tai biến xấu ác của cung điện, thành ấp, cõi nước ấy đều khiến cho tiêu diệt.

Bấy giờ, bốn vua trời đều cùng chắp tay bạch:

–Kính thưa Thế Tôn! Nếu vị quốc vương nào ở cõi nước của mình, tuy có Kinh này, nhưng chưa từng lưu truyền, lòng sinh lìa bỏ, chẳng ưa lắng nghe, cũng chẳng cúng dường tôn trọng, khen ngợi, thấy người của bốn chúng thọ trì kinh điển sâu nhiệm này cũng chẳng tôn trọng cúng dường, khiến cho chúng con và quyến thuộc, vô lượng chư Thiên khác chẳng được nghe diệu pháp thậm thâm này, không được vị cam lộ, mất dòng chánh pháp, không có ánh sáng oai đức và cả thế lực, tăng trưởng đường ác, trời, người giảm ít, rơi vào sông sinh tử, ngược đường Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con cùng các quyến thuộc và Dược-xoa… thấy việc như thế, liền bỏ đất nước ấy, lòng không ủng hộ. Chẳng phải chỉ mình chúng con rời bỏ vị vua đó mà vô lượng các vị đại thiện thần ủng hộ đất nước đều bỏ đi hết. Chúng con đã bỏ đi rồi, đất nước ấy sẽ bị nhiều tai họa, mất nước, mất ngôi, tất cả mọi người đều không có lòng lành, chỉ có sự trói buộc, giết hại, sân giận tranh cãi lẫn nhau, dèm pha, dua nịnh, chê bai và sống vô tội vạ, bệnh dịch lan tràn, điềm sao xấu thường xuất hiện, hai mặt trời mọc cùng lúc, nhật, nguyệt thực không thường, cầu vòng hai màu đen trắng biểu hiện tướng chẳng lành, sao băng, động đất, bên trong giếng phát ra tiếng, mưa, gió lớn chẳng thuận thời tiết, thường gặp đói kém, mùa màng thất bát, có nhiều giặc thù phương xa đến xâm lược, dân chúng trong nước chịu nhiều khổ não, đất đai không có chỗ nào đáng nương vào.

Bạch Thế Tôn! Khi bốn vua chúng con và vô lượng trăm ngàn Thiên thần, cùng các vị thiện thần hộ đất nước lìa bỏ đi, sinh ra vô lượng trăm ngàn việc ác tai quái như vậy… Bạch Thế Tôn! Nếu có vị vua muốn giữ gìn đất nước luôn được an vui, muốn khiến cho chúng sinh đều được yên ổn, muốn được tiêu diệt, thu phục tất cả giặc ngoại xâm, ở nước của mình luôn được hưng thịnh, muốn khiến cho chính pháp lưu truyền ở thế gian, pháp ác khổ não đều trừ diệt.

Bạch Thế Tôn! Các quốc vương đó nhất định phải nghe nhận kinh vua vi diệu này, nên cung kính cúng dường người thọ trì kinh này. Chúng con và vô lượng Thiên chúng khác nhờ uy lực căn lành của chính pháp này nên được uống pháp vị cam lộ vô thượng, tăng thêm quyến thuộc của chúng con, các Thiên thần khác đều được lợi ích thù thắng. Vì sao? Vì do vị quốc vương này chí tâm nghe nhận kinh điển này.

Bạch Thế Tôn! Như trời Đại Phạm, đối với các hữu tình, thường vì họ tuyên nói thế luận và xuất thế luận. Đế Thích lại nói vô số các luận. Các vị tiên đạt năm thần thông cũng nói các luận. Bạch Thế Tôn! Phạm vương, Đế Thích, các vị nhân đạt năm thông tuy có trăm ngàn ức, vô số vô lượng các luận, nhưng Đức Phật Thế Tôn từ bi thương xót, vì chúng trời, người nói kinh điển vi diệu Kim Quang Minh so với những luận nói ở trước hơn gấp trăm ngàn ức, vô số lần, chẳng thể lấy gì làm ví dụ. Vì sao? Vì kinh này có thể khiến cho các vị vua của Thiệm-bộ châu… dùng chánh pháp để giáo hóa thế gian, có thể ban cho chúng sinh sự an lạc, tự hộ vệ được thân mình và các quyến thuộc, khiến cho họ không khổ não, lại không bị giặc thù phương khác xâm hại, tất cả các điều ác đều đi xa, cũng khiến cho tai nạn của đất nước bị ngăn chặn, trừ diệt hết, dùng chánh pháp để giáo hóa, không có tranh cãi. Vậy nên, những quốc vương đó ở đất nước mình nên thắp đuốc pháp soi sáng vô biên, tăng thêm Thiên chúng cùng các quyến thuộc.

Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con, vô lượng các Thiên thần, Dược-xoa và Thiên thần trong Thiệm-bộ châu, nhờ nhân duyên này, được uống vị pháp cam lộ Vô thượng, đạt được ánh sáng uy đức lớn thế lực lớn, không gì không đầy đủ, tất cả chúng sinh đều được yên ổn. Lại vào đời sau vô lượng trăm ngàn chẳng thể nghĩ bàn vô số kiếp, chúng con thường được an vui, lại được gặp gỡ vô lượng các Đức Phật, gieo trồng các căn lành, sau sẽ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vô lượng, vô biên những lợi ích thù thắng như vậy đều chính là nhờ tâm đại Từ bi của Đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hơn hẳn các Phạm chúng, nhờ đại trí tuệ vượt trên

Đế Thích, tu các hạnh khổ hơn các vị tiên đạt năm thông… gấp trăm ngàn vạn ức vô số lần, chẳng thể xưng kể. Chư Phật đã vì các chúng sinh giảng nói kinh điển vi diệu như vậy khiến tất cả quốc vương và dân chúng của Thiệm-bộ châu thông rõ phép tắc của thế gian mà trị nước, dạy người và việc khuyên bảo dẫn đường. Nhờ năng lực lưu thông của kinh vương này nên khắp nơi đều được yên vui. Những phước lợi này đều chính là nhờ Đức Đại Sư Thích-ca, đối với kinh điển này, vì chúng sinh lưu thông năng lực từ bi. Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này nên các vị quốc vương… đều nên thọ trì, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi kinh vi diệu này. Vì sao? Vì các công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn như vậy… đem lại lợi ích cho tất cả.

Vậy nên, gọi là kinh vua Tối thắng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo bốn vua trời:

–Bốn vua các ông và quyến thuộc, vô lượng trăm ngàn ức vô số đại chúng chư Thiên thấy những quốc vương đó, chí tâm nghe kinh này, cúng dường, cung kính, tôn trọng khen ngợi thì cần phải ủng hộ, trừ diệt các hoạn nạn cho họ, có thể khiến các ông cũng được an lạc. Nếu bốn bộ chúng có thể lưu truyền rộng rãi kinh vương này, ở trong hàng trời, người thực hành các Phật sự làm thể lợi ích cho khắp vô lượng chúng sinh. Người như vậy, bốn vua các ông thường nên ủng hộ. Bốn chúng như vậy, các ông không nên để cho những nhân duyên khác xâm hại quấy nhiễu, các ông phải làm cho thân tâm của họ tịch tịnh an lạc. Đối với kinh điển này, các ông phải tuyên dương lưu truyền rộng rãi khiến cho chẳng gián đoạn, lợi ích cho loài hữu tình đến tận đời vị lai!

Bấy giờ, vua trời Đa Văn đứng dậy bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con có pháp Đà-la-ni Như ý bảo châu. Chúng sinh nào ưa thọ trì thì được công đức không lường. Con thường ủng hộ khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui, có thể thành tựu phước và trí tuệ làm tư lương cho chính mình. Người muốn thọ trì thì trước phải tụng chú hộ thân này.

Liền nói chú rằng:

Nam mô bệ thất la mạt nả dã mạc a hạt la xà dã, đát điệt tha, la la la la, củ nộ củ nộ, khu nộ khu nộ, lũ nộ lũ nộ, táp phược táp phược yết la, yết la mạc ha tỳ yết lạt ma, mạc ha tỳ yết lạt ma, mạc ha hạt la xã, hạt lạc xoa hạt lạc xoa, đổ mạn (tự xưng tên của mình), tát bà tát đỏa nan giả, tá ha (Namo Vaizravanàyamahàràjàya tadyathà ra ra ra ra kunu kunu (bunu bunu) khunu khunu sapa sapa (kara kara vikàraư) mahàvikàrama mahàvikàrama (mahà kàla) mahàràja rakxa rakxantu nàư sarva-sattvànàư svàhà).

Bạch Thế Tôn! Người tụng chú này phải dùng chỉ trắng mà chú vào đó bảy biến. Cứ mỗi biến thì buộc vào sau khuỷu tay một lần thì việc chắc chắn thành. Rồi nên lấy các thứ hương như chiên-đàn an tức, long não, tô hạp, đa-yết-la, huân lục (cỏ thơm, linh lăng hương) đều phải phân lượng bằng nhau, hòa hợp lại một chỗ. Tay bưng lư hương, đốt hương cúng dường. Phải tắm gội sạch sẽ, mặc áo tinh khiết, ở trong phòng nhà yên tỉnh thì có thể đọc thần chú.

Cung thỉnh con, Thiên vương Bệ-thất-la Mạt-nả bằng lời chú rằng:

Nam mô bê thất la mạt nã dã.

Nam mô đàn na đà dã, đàn nê thuyết la dã, a yết xả, a bát lại nhị đá, đàn nê thuyết la, bát la ma, ca lưu ni ca, tát bà tát đỏa, tứ đá chấn đá, ma na (xưng tên mình), đàn na mạt nô bát lạt duệ xả, toái diêm ma yết xả, tá ha (Namo Vaizravanàya namo Dànadàya Dànezvaràya àkarza aparimita danezvara parama kàruịika sarvasattvahitacinta mama dàna vardhaparye svayaư àkarza svàhà).

Tụng đủ chú này bảy lần rồi tiếp đến tụng lại bài chú cũ. Khi muốn tụng chú, trước phải xưng tên, kính lễ Tam bảo và Thiên vương Bệ-thất-la Mạt-nã, có thể bố thí của cải khiến cho sự cầu nguyện của các chúng sinh đều có thể thành tựu, ban cho họ sự an vui. Đảnh lễ như vậy xong, tiếp đến tụng thần chú Như ý mạt ni bảo tâm của vua trời Bệ-thất-la Mạt-nã.

Bấy giờ, vua trời Đa văn liền ở trước Đức Phật, nói thần chú Như ý ma ni bảo tâm:

Nam mô hạt lạt đát na, đát lạt dạ dã, Nam mô bệ thất la mạt nã dã.

Nam mô ha là xà dã, đát điệt tha, tứ nhị tứ nhị, tô mẫu tô mẫu, chiên trà chiên trà, chiết la chiết la, tát la tát la, yết la yết la, chỉ lý chỉ lý, củ lũ củ lũ, mẫu lũ mẫu lũ, chủ lũ chủ lũ, ta đại dã nghạch tham, xưng con tên là…, nậc điếm nghạch tha, đạt đạt đỗ tá ha, nam mô bệ thất la mạt na dã tá ha, đàn na đà dã tá ha, man nô lạt tha bát lợi bô lạt ca dã tá ha (Namo ratnatrayàya namo Vaizramanàya mahàràjàya tadyathà zimi zimi sumu sumu caịđa caịđa care care sara sara kara kara kiri kiri kuru kuru muru muru curu curu sàdàya (dharma) àtmanaư nityaư antara dhàtu svàhà; namo Vaizramanàya svàhà dhanadàya svàhà manoratha paripùrikàya svàhà).

Khi thọ trì chú, tụng trước một ngàn lần, sau đó ở trong tịnh thất, dùng Cù-ma (Gomaya) trát lên đất làm đàn tràng nhỏ, ăn uống đúng thời, một lòng cúng dường, luôn đốt hương thơm khiến cho khói chẳng dứt, tụng tâm chú nói trước, ngày đêm giữ tâm chánh niệm, chỉ cho tai mình nghe, chớ khiến cho người khác hiểu. Có con vua Bệthất-la Mạt-nã tên là Thiền Nị Sư (Sainnizi) hiện ra hình đồng tử đi đến chỗ người ấy hỏi rằng: “Vì sao phải gọi cha ta?” Liền có thể đáp rằng: “Ta vì cúng dường Tam bảo, việc cần của cải, nguyện xin được ban cho!” Thiền Nị Sư nghe lời nói đó rồi liền trở về chỗ của cha, thưa: “Nay có người tốt phát tâm chí thành cúng dường Tam bảo mà thiếu thốn của cải! Vì thế nên họ thỉnh cha.” Người cha đáp: “Con nên mau đi đến đó, mỗi ngày cho người ấy một trăm Ca-lợi-sa-ba-nả (Kàrxapaịa) (đây là đơn vị lớn về của cải mà tùy theo địa phương chẳng nhất định, hoặc có nơi định là bối xỉ, hoặc có nơi định là tiền vàng, bạc, đồng…).

Người trì chú ấy thấy tướng này, liền biết việc được thành, phải một mình ở trong tịnh thất đốt hương mà nằm, có thể ở bên cạnh giường đặt một cái tráp thơm, mỗi sáng sớm, nhìn trong tráp ấy, thấy có được vật cần cầu, mỗi khi được vật thì ngay trong ngày phải cúng dường Tam bảo hương hoa, thức ăn thức uống, lại thêm bố thí cho người thiếu thốn, đều phải cho hết tất cả, không được để lại. Đối với các hữu tình, hành giả phải khởi ý tâm Từ bi, không được sân hận, lừa dối, dua nịnh, độc hại. Nếu người khởi lòng sân thì liền mất linh nghiệm, cho nên luôn giữ tâm không được sân giận. Lại nữa, người trì chú này, mỗi ngày, nhớ nghĩ đến con vua trời Đa văn cùng con trai, con gái, bà con xưng dương, tán thán, luôn dùng mười điều thiện giúp đỡ nhau, khiến cho các vị trời kia phước lực thêm sáng, thực hành điều thiện khắp nơi, chứng quả Bồ-đề. Những Thiên chúng kia thấy việc này rồi đều rất vui mừng nên cùng nhau đến ủng hộ bảo vệ người trì chú. Lại nữa, người trì chú được tuổi thọ lâu dài, trải qua vô lượng năm, lìa hẳn ba đường, thường không bị tai nạn, cũng khiến cho người đó đạt được ngọc báu Như ý và cả kho tàng quý, thần thông tự tại, ý nguyện đều thành tựu. Nếu cầu quan chức vinh hiển, người đó luôn luôn được vừa ý, cũng hiểu được ngôn ngữ của tất cả loài cầm thú.

Bạch Thế Tôn! Nếu khi trì chú, muốn được thấy thân con hiện ra, có thể vào mùng tám hoặc mười lăm của tháng, ở trên vải trắng vẽ hình tượng Đức Phật, phải dùng nhựa cây nhiều màu để trang trí bức tượng. Người vẽ tượng ấy phải giữ tám giới, ở bên trái Đức Phật vẽ tượng Thiên nữ Cát Tường, ở bên phải Đức Phật vẽ tượng của con là trời Đa văn, đồng thời vẽ cả bà con nam nữ ngồi nơi tòa cho đúng như pháp, rải đầy hoa rực rỡ, đốt nhiều loại hương thơm quý giá, thắp đèn sáng liên tục ngày đêm không dứt, đồ ăn thức uống thượng hạng, đủ loại quý hiếm… Rồi phát tâm ân cần kính trọng mà tùy thời cúng dường. Thọ trì thần chú này, không được khinh khi. Khi triệu thỉnh con nên tụng chú này:

Nam mô thất lợi kiện na dã, bộ đà dã, nam mô bệ thất la mạt nả dã, dược xoa la xà dã, mạc ha la xà a địa la xà dã, nam ma thất lị gia duệ, mạc ha đề tệ duệ, đát điệt tha, đát la đát la, đốt lỗ đốt lỗ, mạt la mạt la, tốt loan thổ tốt loan thổ, hán na hán na, mạt ni yết nặc ca, bạt chiết la bệ lưu li dã, mục để ca lăng ngật lật đa, thiết lị la duệ, bồ tát bà tát đỏa tứ đá ca ma bệ thất la mạt nả, thất lị dạ đề tỷ, bạt lạp bà dã, y tứ y tứ mà tỳ lam bà, cù lật nỏa cù lật nỏa mạt lạt ta mạt lạt ta, đạt đà tứ ma ma, a mục ca na mạt tả (tự xưng tên của mình), viễn lý thiết na ca mạt tả đạt lý thiết nam, ma ma mạt na, bát lạt hạt la đại dã, ta há (Namaf Zrì-kaịịàya buddhàya namo Vaizramanàya yakxaràjàya mahàràjà(ya)adhiràjàya namaf zrìye mahàdevye tadyathà tara tara turu turu bala bala suzuddhi hana hana maịikanaka vajravaidùrya muktikàlaưkqta zarìràya sarvasattvà (nàư) hitakàma Vaizramaịazrìya devipra-dhàya ehy ehi mavilamba ghurịa ghurịa prasya prasya dadhahi mama amakanamaya darzana-kàmasya darzànan mama mama pariharadha (ra) ya svàhà ).

Bạch Thế Tôn! Con nếu thấy người tụng chú này, lại thấy sự cúng dường đầy đủ như vậy, con rất từ ái hoan hỷ, con liền biến thành đứa trẻ, hoặc làm người già, vị Tỳ-kheo tay cầm ngọc báu Như ý mạt ni, đồng thời cầm đãy vàng vào trong đạo tràng, hiện vẻ cung kính, miệng xưng danh hiệu Phật, nói với người trì chú rằng: “Theo sự mong cầu của ông đều khiến như ý nguyện.” Hoặc ẩn chốn rừng sâu, hoặc tạo ngọc báu, hoặc muốn mọi người yêu mến, hoặc cầu vàng, bạc… mà muốn trì các chú đều có linh nghiệm, hoặc muốn thần thông, tuổi thọ lâu dài và niềm vui thù thắng vi diệu… thì không gì chẳng được như ý. Con nay chỉ nói lên những việc như vậy. Nếu hành giả lại cầu những điều khác thì tùy theo sự ước nguyện, đều được thành tựu tất cả, kho báu vô tận, công đức vô cùng. Giả sự mặt trời, mặt trăng rơi rụng xuống đất, hoặc đại địa có lúc di chuyển nhưng lời nói chân thật này của con hoàn toàn chẳng hư dối vậy, luôn được yên ổn, tùy tâm an vui. Bạch Thế Tôn! Nếu người nào có thể thọ trì đọc tụng kinh sâu nhiệm này, khi tụng chú này chẳng tỏ ra mệt nhọc thì pháp được thành tựu nhanh chóng. Bạch Thế Tôn! Con nay vì những chúng sinh bần cùng nguy khốn khổ não kia mà nói thần chú này khiến cho họ đạt được lợi lớn, đều được giàu có an vui tự tại không hoạn nạn. Cho đến trọn đời con cũng sẽ ủng hộ, theo người này, diệt trừ tại nạn cho họ. Chúng con cũng lại khiến cho người thọ trì và lưu truyền kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này và người trì chú, ở trong vòng trăm bước được ánh sáng soi như đuốc. Con có hàng ngàn thần Dược-xoa cũng thường hầu hạ bảo vệ, tùy theo ý muốn của họ khiến cho họ luôn luôn được như ý. Con nói lời chân thật không có hư dối, nguyện xin Đức Phật chứng tri!

Vua trời Đa văn nói bài chú này rồi, Đức Phật nói rằng:

–Hay thay! Này Thiên vương! Ông có thể xé rách lưới khổ bần cùng của tất cả chúng sinh, khiến cho họ được giàu có an vui! Ông nói thần chú đó lại khiến cho kinh này lưu hành rộng rãi ở đời.

Bốn vua trời đều đứng dậy, sửa lại áo vai phải, đảnh lễ dưới chân Phật, gối phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính dùng kệ khen công đức Đức Phật rằng:

Mặt Phật như trăng tròn thanh tịnh
Như ngàn mặt trời phóng ánh sáng
Mặt tịnh dài rộng như sen xanh
Răng như kha tuyết: đều, kín, trắng.
Đức Phật vô biên như biển cả
Vô hạn diệu bảo chứa bên trong
Nước đức trí tuệ hơn sông
Hằng Trăm ngàn định thù thắng viên mãn.
Dưới chân, tướng pháp luân trang nghiêm
Một ngàn nan hoa rất đều, bằng.
Tay, chân lưới da khắp trang nghiêm
Giống như tướng ngỗng chúa đầy đủ
Thân Phật núi vàng ròng sáng chói
Thanh tịnh thù thắng không ai bằng
Như núi Diệu cao đủ công đức
Nên con cúi đầu núi chúa Phật
Tướng tốt như hư không, khó lường
Vượt ngàn vầng trăng, phóng ánh sáng
Như lửa huyễn, không thể nghĩ bàn
Nên con cúi đầu, tâm không chấp.

Bấy giờ, bốn vua trời khen ngợi Đức Phật rồi, Đức Thế Tôn cũng dùng kệ đáp lại:

Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng này
Lời nói Đấng Thập Lực Vô Thượng
Bốn vua các ông thường ủng hộ
Hãy dũng mãnh, tâm không thoái lui
Kinh báu này vi diệu sâu xa
Có thể ban vui mọi hữu tình
Do hữu tình kia được an lạc
Kinh được lưu hành Thiệm-bộ châu
Tất cả các loài các hữu tình
Ở trong thế giới đại thiên này
Ngã quỷ, súc sinh và địa ngục
Đường khổ như vậy đều trừ tan.
Các quốc vương Nam Thiệm-bộ
Và tất cả các loài hữu tình
Nhờ uy lực kinh, thường hoan hỷ
Đều nhờ ủng hộ được bình yên.
Cũng khiến các hữu tình trong ấy
Không đạo tặc, binh khổ tiêu tan
Nhờ nước này lưu truyền kinh đây
Được giàu, an lạc, không phiền não.
Nếu người nghe nhận kinh vương này
Muốn cầu tài lợi và tôn quý
Đất nước thịnh vui không chiến tranh
Tùy tâm ước nguyện đều được thành.
Khiến giặc phương khác phải lui, tan
Trong nước của mình luôn yên ổn
Nhờ lực của kinh vua Tối thắng này
Lìa các khổ não, không lo buồn.
Như có cây chúa báu trong nhà
Sinh ra tất cả đồ ưa thích Kinh vua
Tối Thắng cũng như vậy
Hay ban công đức cho quốc vương.
Ví như nước lạnh lắng sạch trong
Trừ được đói khát và nóng bức
Vua kinh Tối thắng cũng như vậy
Khiến người ưa phước được mãn nguyện.
Như người trong nhà có hòm báu
Tùy ý sử dụng, rất vừa lòng
Kinh vua Tối thắng cũng như vậy
Phước đức tùy tâm, không thiếu thốn.
Thiên vương và Thiên chúng các ông
Nên phải cúng dường kinh vua này!
Nếu như lời dạy, phụng trì kinh
Trí tuệ, uy thần đều đầy đủ
Chư Phật mười phương hiện nói pháp
Đều cùng ủng hộ kinh vua này.
Thấy người thọ trì và đọc tụng
Khen ngợi: Lành thay! Thật hy hữu!
Nếu người có thể nghe kinh này
Thân tâm luôn vô cùng hoan hỷ
Thường được trăm ngàn chúng Dược-xoa
Ở đâu cũng theo hộ người ấy
Các Thiên chúng ở thế giới này
Đông nhiều vô lượng, khó nghĩ bàn
Đều cùng nghe nhận kinh vương này
Hoan hỷ hộ trì không thoái chuyển
Người mà nghe nhận kinh vương này
Uy đức dũng mãnh, luôn tự tại
Lợi ích, tất cả chúng trời, người
Khiến lìa khổ não, được ánh sáng.

Bấy giờ, bốn vua trời nghe bài tụng này rồi vô cùng vui mừng, bạch Đức Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Con từ xưa đến giờ, chưa từng được nghe pháp vi diệu sâu xa như vậy!

Lòng họ sinh bi hỷ, nước mắt lưng tròng, toàn thân rúng động, chứng kiến việc hy hữu chẳng thể nghĩ bàn. Các vua trời dùng hoa Mạn-đà-la, hoa Đại Mạn-đà-la của trời mà rải trên Đức Phật. Làm việc cúng dường thù thắng này rồi, các vị bạch Đức Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Bốn vua chúng con đều có năm trăm Dược-xoa quyến thuộc, sẽ luôn ở khắp nơi nơi ủng hộ kinh này và vị thầy nói pháp, dùng ánh sáng trí mà trợ giúp, hộ vệ cho các vị. Nếu đối với kinh này, có câu và ý nghĩa nào bị quên mất thì chúng con đều khiến cho họ nhớ nghĩ chẳng quên, đồng thời cho họ pháp môn Đà-la-ni thù thắng, khiến cho họ được đầy đủ. Chúng con lại sẽ khiến cho kinh Tối Thắng này, bất cứ ở đâu cũng vì các chúng sinh tuyên dương lưu truyền rộng rãi, không để mai một.

Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn ở trong đại chúng nói pháp này, vô lượng chúng sinh đều được đại trí, thông minh, sáng suốt, biện tài, bao gồm được vô lượng phước đức, lìa khỏi các lo buồn, phát tâm hỷ lạc, thông hiểu rõ các luận, bước lên đường giải thoát, chẳng còn thoái chuyển, mau chóng chứng Bồ-đề.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10