KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: TỰA

Tôi nghe như vầy:

Một thuở Đức Bạc-già-phạm ở trên đỉnh núi Thứu phong tại thành Vương xá với pháp giới thậm thâm thanh tịnh, cảnh giới của các Đức Phật, nơi ở của Như Lai, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, chín vạn tám ngàn người. Những vị ấy đều là A-la-hán, có khả năng điều phục như đại tượng vương, các lậu đã trừ, không còn phiền não, đạt tâm giải thoát và tuệ giải thoát, việc làm đã xong, xả bỏ những gánh nặng, đạt được lợi mình, hết các hữu kết, được đại tự tại, trụ giới thanh tịnh, phương tiện khéo léo, trí tuệ trang nghiêm, chứng tám giải thoát, đã đến bờ kia. Những vị ấy tên là Tỳ-kheo A-nhã Kiều-trần-như, Tỳ-kheo A-thuyết-thị-đa, Tỳ-kheo Bà-thấp-ba, Tỳkheo Ma-ha Na-ma, Tỳ-kheo Bà-đế-lợi-ca, Đại Ca-diếp-ba, Ưu-lâutần-loa Ca-diếp, Dà-gia Ca-diếp, Na-đề Ca-diếp, Xá-lợi Tử, Đại Mục-kiền-liên… chỉ còn A-nan-đà trụ ở bậc Hữu học. Những bậc Đại Thanh văn như vậy… đều vào lúc quá trưa, ra khỏi định, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, lùi về ngồi một bên.

Lại có các Đại Bồ-tát gồm trăm ngàn vạn ức vị. Những vị ấy có uy đức lớn như Đại Long vương, tiếng lành vang khắp nơi, mọi người đều biết, bố thí trì giới thanh tịnh, thường ưa phụng trì hạnh nhẫn nhục tinh tấn trải qua vô lượng kiếp, vượt qua những tịnh lự, chuyên niệm hiện tiền, mở mang cửa tuệ, khéo tu phương tiện, tự tại vô ngại, thần thông vi diệu, đạt được môn Tổng trì, biện tài vô ngại, đoạn trừ các phiền não, lụy nhiễm đều dứt, chẳng bao lâu sẽ thành Nhất thiết chủng trí, hàng phục ma quân, đánh lên trống pháp chế ngự những ngoại đạo khiến cho họ khởi tâm thanh tịnh, chuyển bánh xe diệu pháp hóa độ trời, người, cõi Phật mười phương đều trang nghiêm, hữu tình trong sáu đường đều được lợi lạc, thành tựu đại trí, đầy đủ đại nhẫn, trụ ở tâm đại Từ bi, có lực lớn kiên cố, phụng sự các Đức Phật, chẳng nhập Niết-bàn, phát lòng thệ nguyện rộng lớn đến tận đời vị lai, ở chỗ Phật gieo trồng các nhân thanh tịnh, đối với pháp ba đời, ngộ nhẫn vô sinh, vượt qua cảnh giới hành hóa của hàng Nhị thừa, dùng đại thiện xảo hóa độ thế gian, đối với lời dạy của bậc Đại sư, đều có khả năng diễn bày pháp bí mật, tính Không thậm thâm đều đã rõ biết, không còn nghi hoặc. Những Bồ-tát ấy tên là Bồ-tát Vô Chướng Ngại Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Thường Phát Tâm Chuyển Pháp Luân, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Bất Hưu Tức, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Tổng Trì Tự Tại Vương, Bồ-tát Đại Biện Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Diệu Cao Sơn Vương, Bồ-tát Đại Hải Thâm Vương, Bồ-tát Bảo Tràng, Bồ-tát Đại Bảo Tràng, Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Bảo Thủ Tự Tại, Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Hoan Hỷ Lực, Bồ-tát Đại Pháp Lực, Bồ-tát Đại Trang Nghiêm Quang, Bồ-tát Đại Kim Quang Trang Nghiêm, Bồ-tát Tịnh Giới, Bồ-tát Thường Định, Bồ-tát Cực Thanh Tịnh Tuệ, Bồ-tát Kiên Cố Tinh Tấn, Bồ-tát Tâm Như Hư Không, Bồ-tát Bất Đoạn Đại Nguyện, Bồ-tát Thí Dược, Bồ-tát Liệu Chư Phiền Não Bệnh, Bồ-tát Y Vương, Bồ-tát Hoan Hỷ Cao Vương, Bồ-tát Đắc Thượng Thọ Ký, Bồ-tát Đại Vân Tịnh Quang, Bồ-tát Đại

Vân Trì Pháp, Bồ-tát Đại Vân Danh Xưng Hỷ Lạc, Bồ-tát Đại Vân Hiện Vô Biên Xưng, Bồ-tát Đại Vân Sư Tử Hống, Bồ-tát Đại Vân Ngưu Vương Hống, Bồ-tát Đại Vân Cát Tường, Bồ-tát Đại Vân Bảo Đức, Bồ-tát Đại Vân Nhật Tạng, Bồ-tát Đại Vân Nguyệt Tạng, Bồtát Đại Vân Tinh Quang, Bồ-tát Đại Vân Hỏa Quang, Bồ-tát Đại Vân Điển Quang, Bồ-tát Đại Vân Lôi Âm, Bồ-tát Đại Vân Tuệ Vũ Sung Biến, Bồ-tát Đại Vân Thanh Tịnh Vũ Vương, Bồ-tát Đại Vân Hoa Thọ Vương, Bồ-tát Đại Vân Thanh Liên Hoa Hương, Bồ-tát Đại Vân Bảo Chiên Đàn Hương Thanh Lương Thân, Bồ-tát Đại Vân Trừ Ám, Bồ-tát Đại Vân Phá Ế… vô lượng các Đại Bồ-tát như vậy… khi quá trưa, đều ra khỏi định, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui ngồi một bên. Lại có năm ức tám ngàn đồng tử Lị-xa-tỳ: Đồng tử Sư Tử Quang, Đồng tử Sư Tử Tuệ, Đồng tử Pháp Thọ, Đồng tử Nhân-đà-la Thọ, Đồng tử Đại Quang, Đồng tử Đại Mãnh, Đồng tử Phật Hộ, Đồng tử Pháp Hộ, Đồng tử Tăng Hộ, Đồng tử Kim Cang Hộ, Đồng tử Hư Không Hộ, Đồng tử Hư Không Hống, Đồng tử Bảo Tạng, Đồng tử Cát Tường Diệu Tạng… do những người như vậy làm Thượng thủ. Họ đều an trụ ở Bồ-đề vô thượng, ở trong Đại thừa thâm tín hoan hỷ. Họ đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, lui về ngồi một bên.

Lại có bốn vạn hai ngàn Thiên tử là Thiên tử Hỷ Kiến, Thiên tử Hỷ Duyệt, Thiên tử Nhật Quang, Thiên tử Nguyệt Kế, Thiên tử Minh Tuệ, Thiên tử Hư Không Tịnh Tuệ, Thiên tử Trừ Phiền Não, Thiên tử Cát Tường… mà những Thiên tử như vậy làm thượng thủ. Họ đều phát nguyện lớn, hộ trì Đại thừa, tiếp nối làm cho chánh pháp hưng thịnh, chẳng bị đoạn tuyệt. Họ đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một bên.

Lại có hai vạn tám ngàn Long vương như: Long vương Liên Hoa, Long vương Ê-la-diệp, Long vương Đại Lực, Long vương Đại Hống, Long vương Tiểu-ba, Long vương Trì Sử Thủy, Long vương Kim Diện, Long vương Như Ý… mà những Long vương như vậy làm thượng thủ, đối với pháp Đại thừa, họ thường ưa thọ trì, phát tâm thâm tín, xưng dương ủng hộ, đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía.

Lại có ba vạn sáu ngàn các Dược-xoa do vua trời Tỳ-sa-môn làm thượng thủ là Dạ-xoa Am-bà, Dạ-xoa Trì-am-bà, Dạ-xoa Liên Hoa Quang Tạng, Dạ-xoa Liên Hoa Diện, Dạ-xoa Diệu Mi, Dạ-xoa Hiện Đại Bố, Dạ-xoa Động Địa, Dạ-xoa Thôn Thực… những Dạ-xoa như vậy đều ưa thích Chánh pháp của Như Lai, thâm tín hộ trì chẳng biết mỏi mệt, đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu quanh về bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía.

Lại có bốn vạn chín ngàn Yết-lộ-trà vương mà vua Hương Tượng Thế Lực làm thượng thủ. Và còn Càn-thát-bà, A-tô-la, Khẩnna-la, Ma-hô-lạc-dà… tất cả thần tiên của núi rừng sông biển, cùng các vị vua của các nước lớn, các hậu phi trong cung, nam nữ tịnh tín, đại chúng trời, người… tất cả đều đến hội họp, đều nguyện ủng hộ Đại thừa Vô thượng, đọc tụng, thọ trì, ghi chép, lưu bố… Tất cả đều vào lúc quá trưa, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một phía. Như vậy đại chúng Thanh văn, Bồ-tát, trời, người, tám bộ rồng thần… đã vân tập rồi, mỗi mỗi đều hết lòng chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn dung, mắt chưa từng rời bỏ, nguyện ưa muốn nghe diệu pháp thù thắng. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn, vào lúc xế trưa ngày hôm đó, ra khỏi định, quan sát đại chúng mà nói lời tụng rằng:

Diệu pháp Kim Quang Minh
Vua đứng đầu các kinh
Thậm thâm khó được nghe
Cảnh giới của chư Phật.
Ta sẽ vì mọi người
Tuyên nói kinh điển này
Cùng bốn phương bốn Phật
Uy thần chung hộ trì.
Phương Đông Phật A-súc
Phương Nam Phật Bảo
Tướng Vô Lượng Thọ phương
Tây Phương Bắc Thiên Cổ Âm.
Ta lại diễn diệu pháp
Bậc nhất trong các sám
Hay diệt tất cả tội
Các nghiệp ác không còn.
Và tiêu mọi khổ hoạn
Thường ban vui không lường
Căn bản Nhất thiết trí
Các công đức trang nghiêm.
Chúng sinh thân chẳng đủ
Tuổi thọ tổn giảm dần
Các tướng ác hiện ra
Thiên thần đều lìa bỏ
Bạn bè đều hờn giận
Quyến thuộc đều chia lìa
Đó, đây cùng ngang trái
Của quý đều tản mất
Sao xấu điềm quái lạ
Bị độc hại, trúng tà
Hoặc lại nhiều lo buồn
Bị khổ sở bức ngặt
Ngủ thường thấy ác mộng
Nhân đây sinh não phiền
Người đó phải tắm gội
Mặc áo sạch tinh thơm
Đối kinh vi diệu này
Thậm thâm được Phật khen
Lòng chuyên chú không loạn
Đọc tụng, nghe, giữ gìn.
Do uy lực kinh này
Được lìa xa tai nạn
Và mọi khổ nạn khác
Tất cả đều trừ diệt.
Bốn vua trời Hộ thế
Và quyến thuộc đại thần
Vô số các Dạ-xoa
Đều một lòng ủng hộ
Thiên nữ Đại Biện Tài
Thủy thần sông Ni-liên
Thần mẹ Ha-lợi-để
Chúng địa thần Kiên Lao
Vua trời Phạm Đế Thích
Khẩn-na-la, Long vương
Và vua chim cánh vàng
Chúng trời A-tô-la
Những Thiên thần như vậy
Cùng đem theo bà con
Đều đến hộ người đó
Ngày đêm chẳng rời bỏ.
Ta sẽ nói kinh này
Phật hành xứ thậm thâm
Lời mật giáo chư Phật
Ngàn muôn kiếp khó gặp.
Người nào nghe kinh này
Vì người khác tuyên dương
Hoặc lòng sinh tùy hỷ
Hoặc thiết lễ cúng dường.
Với những người như vậy
Sẽ ở vô số kiếp.
Thường được sự cung kính
Của Trời, Người, Thần, Rồng,
Phước đức nhiều vô lượng
Số hơn cát sông Hằng.
Người đọc tụng kinh này
Đều được những công đức
Mười phương đều tôn trọng
Các Bồ-tát thâm hành
Ủng hộ người trì kinh
Khiến lìa các khổ nạn.
Người cúng dường kinh này
Như trước tắm gội thân
Ăn uống và xoa hương
Ý luôn khởi từ bi.
Nếu muốn nghe kinh này
Lòng vô cấu, thanh tịnh
Thường sinh niệm hoan hỷ
Tăng trưởng các công đức
Nếu đem lòng tôn trọng
Người lắng nghe kinh này.
Được sinh vào cõi người
Lìa xa các khổ nạn.
Căn lành được thuần thục
Được chư Phật ngợi khen
Mới được nghe kinh này
Và đạt pháp Sám hối.

Phẩm 2: TUỔI THỌ CỦA NHƯ LAI

Bấy giờ, đại thành Vương xá có một Đại Bồ-tát tên là Diệu Tràng, đời quá khứ, chỗ vô lượng ức vô số trăm ngàn Đức Phật phụng sự cúng dường, gieo trồng các căn lành. Lúc đó, Bồ-tát Diệu Tràng một mình ở chỗ yên tĩnh, suy nghĩ: “Do nhân duyên gì mà tuổi thọ của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni ngắn ngủi, chỉ có tám mươi năm?” Rồi lại suy nghĩ rằng: “Như lời Đức Phật nói, có hai nhân duyên được tuổi thọ lâu dài. Những gì là hai?

  1. Chẳng hại sinh mạng.
  2. Bố thí cho người khác đồ ăn thức uống.

Nhưng Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni từng ở vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số đại kiếp chẳng hại sinh mạng, tu hành mười nghiệp thiện, thường đem đồ ăn thức uống ban cho tất cả chúng sinh đói khát, thậm chí cả máu thịt xương tủy của thân mình cũng đem thí cho khiến chúng sinh được no đủ, huống là thức ăn thức uống.” Khi Bồ-tát ấy ở chỗ Đức Thế Tôn khởi ý niệm này, do uy lực của Đức Phật nên ngôi nhà ấy bỗng nhiên rộng rãi, trang nghiêm thanh tịnh với lưu ly xanh, đủ thứ các loại báu trang hoàng chan hòa màu sắc như cõi Phật thanh tịnh. Có hương thơm vi diệu hơn cả hương thơm cõi trời, lan tỏa khắp nơi. Ở bốn mặt nhà ấy đều có tòa Sư tử thượng diệu do bốn thứ báu tạo thành, trên tòa ấy trải vải báu của trời. Ở những tòa này lại có hoa sen vi diệu được trang trí bằng đủ thứ trân bảo và đều có những Đức Như Lai tự nhiên hiển hiện. Ở trên hoa sen có bốn Đức Như Lai: Đức Bất Động ở phương Đông, Đức Bảo Tướng ở phương Nam, Đức Vô Lượng Thọ ở phương Tây, Đức Thiên Cổ Âm ở phương Bắc. Bốn Đức Như Lai đó đều đang ngồi kiết già, phóng ra ánh sáng lớn soi sáng khắp thành Vương xá và tam thiên đại thiên thế giới này cho đến những cõi nước chư Phật nhiều như cát sông Hằng trong mười phương, mưa xuống các loại hoa trời, tấu lên nhạc trời… Bấy giờ, các chúng sinh trong Nam Thiệm-bộ châu này và trong tam thiên đại thiên thế giới, nhờ uy lực của Đức Phật, được niềm vui thù thắng thượng diệu, không có sự thiếu thốn. Người mà thân chẳng đủ, nhờ ân đó được đầy đủ, người mù có thể thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người ngu được trí, nếu người tâm loạn thì được tâm như cũ, nếu người không y phục thì được y phục, người bị giặc ác thì được sự kính trọng của người, người có cấu bẩn thì thân được thanh khiết. Ở thế gian này, những việc lợi ích, những điều chưa từng có đều hiển hiện.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng thấy bốn Đức Như Lai và những việc hy hữu thì vui mừng hớn hở, chắp tay một lòng chiêm ngưỡng tướng thù thắng của các Đức Phật rồi lại suy nghĩ về công đức không lường của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni. Chỉ có thọ mạng của Phật là Bồ-tát vẫn còn sinh lòng nghi hoặc: “Sao Đức Như Lai công đức vô lượng mà thọ mạng lại ngắn ngủi chỉ có tám mươi năm?” Bấy giờ, bốn Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng:

–Này thiện nam! Ông nay chẳng nên suy nghĩ về tuổi thọ dài hay ngắn của Đức Như Lai! Vì sao? Này thiện nam! Chúng ta chẳng thấy chư Thiên, Thế gian, Phạm ma, Sa-môn, Bà-la-môn, người, chẳng phải người… mà có thể tính toán biết được giới hạn thời lượng sống lâu của Đức Phật, chỉ trừ đấng Vô thượng Chánh Biến Tri.

Khi ấy, bốn Đức Như Lai muốn nói về thọ lượng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, do uy lực của Phật, trời Dục giới, trời Sắc giới, những rồng, quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tô-la, Yết-lộ-trà, Khẩn-na-la, Mạc-hô-lạc-già và vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha Đại Bồ-tát đều đến hội họp vào trong nhà thanh tịnh vi diệu của Bồ-tát Diệu Tràng. Bấy giờ, bốn Đức Phật ở giữa đại chúng, muốn hiển bày thọ mạng vô lượng của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni mà nói kệ rằng:

Nước trong các biển lớn
Số giọt có thể lường
Không thể tính biết được
Thọ lượng của Thế Tôn!
Chẻ những núi cao diệu
Thành hạt cải đếm được
Không ai có thể tính
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Tất cả đất đại địa
Có thể biết số bụi
Không ai có thể tính
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Giả sử lường hư không
Có thể tận biên giới
Không thể đo biết được
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Nếu người ở ức kiếp
Tận lực tính toán luôn
Cũng vẫn không thể biết
Thọ lượng Đức Thích Tôn!
Chẳng hại mạng chúng sinh
Và thí cho uống ăn
Do hai thứ nhân ấy
Được tuổi thọ lâu dài.
Vì vậy nên tuổi thọ
Bậc Đại giác khó lường.
Như kiếp không bờ cõi
Tuổi thọ cũng như trên
Này Diệu Tràng phải biết
Khởi nghi hoặc, chẳng nên!
Tuổi thọ bậc Tối thắng
Không thể biết số lượng!

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng nghe bốn Đức Như Lai nói về thọ lượng vô hạn của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao Đức Như Lai thị hiện thọ lượng ngắn ngủi như vậy?

Bốn Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Diệu Tràng:

–Này thiện nam! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở đời năm trược, khi xuất hiện, loài người thọ một trăm tuổi, bản tánh thấp hèn, căn lành mỏng manh, lại không có lòng tin hiểu. Những chúng sinh này có nhiều ngã kiến, nhân kiến chúng sinh thọ giả dưỡng dục tà kiến, ngã, ngã sở kiến, đoạn kiến, thường kiến… vì muốn lợi ích cho các chúng sinh này và chúng ngoại đạo… những loại như vậy, khiến họ phát sinh sự hiểu biết chân chánh, mau được thành tựu Vô thượng Bồđề. Vậy nên Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni thị hiện tuổi thọ ngắn ngủi như vậy.

Này thiện nam! Nhưng Đức Như Lai muốn khiến cho chúng sinh thấy Như Lai nhập Niết-bàn rồi sẽ sinh tư tưởng khó gặp, tư tưởng ưu khổ… Đối với các kinh giáo mà Đức Thế Tôn đã giảng nói, họ sẽ mau chóng thọ trì, đọc tụng thông lợi, vì người giải nói chẳng sinh ra hủy báng. Vậy nên Đức Như Lai thị hiện có tuổi thọ ngắn ngủi. Vì sao? Vì những chúng sinh đó nếu thấy Như Lai chẳng vào Bát-niết-bàn thì chẳng sinh tư tưởng cung kính khó gặp và đối với kinh điển thậm thâm của Như Lai nói cũng chẳng thọ trì đọc tụng thông lợi và vì người giảng nói. Vì sao? Do thường thấy Phật nên chẳng tôn trọng.

Này thiện nam! Ví như có người thấy cha mẹ mình có nhiều tài sản, trân bảo tràn đầy. Họ liền đối với của cải chẳng sinh tư tưởng hiếm có, khó gặp. Vì sao? Vì đối với tài vật của cha, sinh ra ý tưởng cho là bình thường. Này thiện nam! Những chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy Đức Như Lai chẳng vào Niết-bàn thì chẳng sinh tư tưởng hy hữu, khó gặp. Vì sao? Vì do thường kiến! Này thiện nam! Ví như có người, cha mẹ nghèo cùng, của cải thiếu thốn. Nhưng người nghèo kia hoặc đi đến nhà của vua hoặc nhà của đại thần, thấy kho lẫm những nơi ấy đều đầy tràn những thứ trân bảo thì liền sinh lòng hy hữu, tư tưởng khó gặp. Người nghèo đó vì muốn cầu của cải nên bằng nhiều phương cách sách tấn, siêng năng không lười biếng. Vì sao? Vì để bỏ bần cùng, nhận an vui vậy. Này thiện nam! Những chúng sinh kia cũng vậy, nếu thấy Đức Như Lai vào Niết-bàn thì sinh tư tưởng khó gặp… cho đến tư tưởng ưu khổ… mà khởi lên ý niệm: “Ở vô lượng +iếp, chư Phật Như Lai xuất hiện ở đời như khi hoa Ưu-đàmbát-la một lần xuất hiện”, thì những chúng sinh kia mới phát tâm hy hịu, tư tưởng khó gặp, nên nếu gặp Như Lai thì lòng mới sinh kính tín, nghe nói chánh pháp mới sinh tư tưởng cho là thật ngữ, tất cả các kinh điển đều thọ trì, chẳng hề hủy báng. Này thiện nam! Do nhân duyên này nên Đức Phật Thế Tôn chẳng ở lâu nơi đời mà phải mau chóng vào Niết-bàn. Này thiện nam! Các Đức Như Lai dùng những phương tiện khéo léo như vậy để thành tựu chúng sinh.

Bấy giờ, bốn Đức Phật nói những lời này xong thì bỗng nhiên biến mất.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Diệu Tràng cùng vô lượng trăm ngàn Bồtát và vô lượng ức vô số trăm ngàn chúng sinh đều cùng nhau đi đến chỗ Đức Như Lai Chánh Biến Tri Thích-ca Mâu-ni trên núi Thứu phong, đảnh lễ dưới chân Đức Phật, rồi đứng về một phía. Bồ-tát Diệu Tràng đem những việc như trên bạch đầy đủ với Đức Thế Tôn. Cùng lúc đó bốn Đức Như Lai cũng đi đến núi Thứu phong, tới chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và đều tùy theo phương của mình mà ngồi vào tòa, rồi bảo Bồ-tát thị giả rằng: “Này thiện nam! Ông nay có thể đi đến chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vì ta mà hỏi thăm Thế Tôn ít bệnh, ít khổ, đi ở nhẹ nhàng, các hành an vui chăng?” Rồi Phật lặi nói rằng: “Hay thay! Hay thay! Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni hôm nay có thể diễn nói kinh Kim Quang Minh pháp cốt yếu, thậm thâm, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, trừ bỏ đói kém, khiến cho họ được an lạc, ta sẽ tùy hỷ.”

Khi ấy, thị giả của các Đức Phật đều đi đến chỗ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đảnh lễ dưới chân, rồi lui về đứng một bên, đều bạch Đức Phật rằng:

–Đấng Thiên Nhân Sư bảo con hỏi thăm đấng Vô Lượng có ít bệnh, ít khổ, đi ở nhẹ nhàng, các hành an vui không?

Các vị Phật ấy lại nói rằng:

–Hay thay! Hay thay! Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, hôm nay có thể diễn nói kinh Kim Quang Minh là pháp cốt yếu, thậm thâm, vì muốn lợi ích cho tất cả chúng sinh, trừ bỏ sự đói kém, khiến cho tất cả đều được an vui.

Bấy giờ, Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác bảo các Bồ-tát thị giả đó rằng:

–Hay thay! Hay thay! Bốn Đức Như Lai kia đã có thể vì sự ích lợi và an lạc của các chúng sinh mà khuyến thỉnh ta tuyên dương Chánh pháp!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ta ở núi Thứu phong
Tuyên nói kinh báu này
Vì thành tựu chúng sinh
Thị hiện vào Niết-bàn.
Phàm phu khởi tà kiến
Lời ta nói, chẳng tin,
Vì thành tựu cho họ
Ta thị hiện Niết-bàn.

Trong đại hội có vị Bà-la-môn, họ Kiều-trần-như tên là Pháp sư Thọ Ký cùng với vô lượng trăm ngàn các Bà-la-môn cúng dường Đức Phật rồi, nghe Đức Thế Tôn vào Bát-niết-bàn thì nước mắt ràn rụa, làm lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn! Nếu quả thật Đức Như Lai đối với các chúng sinh có lòng đại Từ bi, thương xót đem lại lợi ích khiến cho họ được an lạc giống như cha mẹ, không ai bằng, thì có thể cho thế gian làm chỗ quy y như trăng tròn thanh tịnh, dùng đại trí tuệ có thể vì họ soi sáng như mặt trời mới mọc, quan sát khắp chúng sinh yêu thương không thiên lệch, đồng như La-hầu-la. Nguyện xin Đức Thế Tôn cho con một ước nguyện.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lặng im. Nhờ uy lực của Đức Phật nên ở trong chúng này, có một đồng tử Li-xa-tỳ tên là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến nói với Bà-la-môn Kiều-trần-như:

–Thưa Đại Bà-la-môn! Ngài nay theo Đức Phật muốn xin nguyện vọng gì? Tôi có khả năng cho Ngài?

Vị Bà-la-môn nói rằng:

–Thưa đồng tử! Tôi muốn cúng dường Thế Tôn Vô thượng. Nay tôi theo Đức Như Lai cầu thỉnh xá-lợi dù chỉ một phần như hạt cải. Vì sao? Vì tôi từng nghe nói rằng, nếu thiện nam, thiện nữ nào được xálợi của Phật một phần chừng bằng hạt cải mà cung kính cúng dường thì người đó sẽ được sinh lên cõi trời Tam thập tam, làm Đế Thích.

Lúc đó, đồng tử nói với vị Bà-la-môn rằng:

–Nếu muốn nguyện sinh lên trời Tam thập tam nhận phước báo thù thắng thì cần phải chí tâm lắng nghe kinh Kim Quang Minh tối thắng, là kinh thù thắng trong các kinh, khó hiểu, khó thể nhập, Thanh văn, Độc giác chẳng thể biết. Kinh này có thể sinh khởi vô lượng, vô biên quả báo phước đức… cho đến thành Bồ-đề vô thượng.

Tôi nay vì Ngài lược nói việc ấy!

Vị Bà-la-môn nói rằng:

–Hay thay! Thưa đồng tử! Kinh Kim Quang Minh này sâu xa bậc nhất khó hiểu, khó thể nhập, Thanh văn, Độc giác còn chẳng thể biết, huống gì chúng tôi là người biên địa hèn kém, trí tuệ cạn cợt mà có thể hiểu được sao? Vậy nên tôi nay cầu xá-lợi của Đức Phật một phần nhỏ chừng như hạt cải để đem về bản xứ, đặt vào trong hộp báu, cung kính cúng dường để sau khi mạng chung được làm Đế Thích, luôn hưởng thụ an lạc. Sao ông chẳng thể vì tôi theo đức Minh Hành Túc cầu xin một nguyện vọng ấy?

Bà-la-môn nói lời đó rồi, bấy giờ, đồng tử liền vì Bà-la-môn nói kệ:

Nước sông Hằng chảy nhanh
Có thể sinh sen trắng
Chim vàng thành màu trắng
Quạ đen biến thành đỏ
Giả sử cây Thiệm-bộ
Sinh được quả Đa-la
Trong cành Khiết-thọ-la
Lá Am-la xuất hiện.
Những vật hy hữu kia
Hoặc có thể chuyển biến
Xá-lợi Đức Thích-ca
Rốt ráo chẳng thể được
Giả sử dùng lông rùa
Dệt thành y phục đẹp
Lạnh có thể mặc vào
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử chân muỗi, ve
Có thể dựng lầu đài
Vững bền chẳng dao động
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử con đỉa nước
Trong miệng sinh răng trắng
Như kim dài, to, bén
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử sừng thỏ đen
Dùng làm thành thềm bậc
Để đi lên thiên cung
Mới cầu xá-lợi Phật.
Chuột nhờ bậc này lên
Diệt trừ A-tô-la
Ngăn vầng trăng trong không
Mới cầu xá-lợi Phật.
Nếu ruồi uống rượu say
Đi khắp trong thôn ấp
Làm nhà cửa khắp nơi
Mới cầu xá-lợi Phật.
Nếu khiến màu môi lừa
Đỏ như trái Tần-bà
Rồi khéo léo múa ca
Mới cầu xá-lợi Phật.
Quạ cùng chim cú mèo
Cùng sống chung một chỗ
Đó, đây hòa thuận nhau
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử lá Ba-la
Có thể làm dù che
Ngăn được trận mưa lớn
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử thuyền bè to
Chở đầy các châu báu
Đi được trên đất liền
Mới cầu xá-lợi Phật.
Giả sử loài chim ri
Dùng mỏ ngậm núi Hương
Đi đến khắp mọi nơi
Mới cầu xá-lợi Phật.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Pháp sư Thọ Ký nghe bài tụng này rồi cũng dùng kệ đáp lại đồng tử Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng:

Hay thay! Đại đồng tử
An lành giữa đại chúng
Tâm phương tiện thiện xảo
Được thọ ký Vô thượng
Như Lai uy đức lớn
Có thể cứu thế gian
Đồng tử hãy lắng nghe
Tôi sẽ lần lượt nói
Cảnh giới Phật khó bàn
Thế gian không sánh bằng
Tánh Pháp thân thường trụ
Tu hành không sai khác
Thể chư Phật đều đồng
Lời nói pháp cũng vậy
Vô vi của Thế Tôn
Cũng vốn là không sinh
Thể Thế Tôn Kim Cang.
Quyền biến hiện hóa thân
Nên xá-lợi Thế Tôn
Không giống như hạt cải
Phật chẳng thân máu thịt
Làm sao có xá-lợi?
Phương tiện xương thân lưu
Vì lợi ích chúng sinh
Pháp thân là Chánh giác
Như Lai tức pháp giới
Đây là chân thân Phật
Cũng nói pháp như vậy.

Bấy giờ, ba vạn hai ngàn Thiên tử trong hội nghe nói về tuổi thọ lâu dài của Đức Như Lai, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vui mừng hớn hở, được điều chưa từng có, họ đồng thanh nói kệ:

Phật chẳng Bát-niết-bàn
Chánh pháp cũng chẳng diệt
Vì lợi ích chúng sinh
Nên thị hiện diệt tận.
Thế Tôn chẳng nghĩ bàn
Diệu thể không thay đổi
Vì lợi ích chúng sinh
Hiện đủ loại trang nghiêm.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng ở trước Đức Phật và bốn Đức Như Lai, cùng với hai Đại sĩ, các Thiên tử được nghe nói về thọ lượng của Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni rồi, đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu thật như vậy, các Đức Phật Như Lai chẳng vào Bát-niết-bàn, không có xá-lợi thì sao trong kinh nói có Niết-bàn và xá-lợi của Phật, khiến cho trời, người cung kính cúng dường? Và các Đức Phật đời quá khứ hiện nay có xương thân lưu bố ở thế gian cho trời, người cúng dường được phước vô biên, nay lại nói không? Vì thế, con rất lấy làm nghi hoặc, nguyện xin Đức Thế Tôn từ bi giảng giải cho chúng con!

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng và đại chúng:

–Các ông phải biết rằng, gọi Bát-niết-bàn, có xá-lợi chính là mật ý. Ta nói về ý nghĩa như vậy, các ông phải một lòng lắng nghe.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát nên biết, có mười pháp có thể hiểu nghĩa lý chân thật của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về việc có đại Bátniết-bàn hoàn hảo. Những gì là mười?

  1. Các Đức Phật Như Lai đoạn trừ hoàn toàn các Phiền não chướng và Sở tri chướng nên gọi là Niết-bàn.
  2. Các Đức Phật Như Lai có khả năng hiểu rõ vô tánh của hữu tình và vô tánh của pháp nên gọi là Niết-bàn.
  3. Có thể thay đổi sự nương tựa vào thân và sự nương tựa vào pháp nên gọi là Niết-bàn.
  4. Đối với các loài hữu tình mặc tình xoay vần ngưng nghỉ, nhân duyên biến hóa nên gọi là Niết-bàn.
  5. Chứng được tướng chân thật không sai biệt, Pháp thân bình đẳng nên gọi là Niết-bàn.
  6. Biết rõ bản tánh của sinh tử và Niết-bàn vốn không hai, nên gọi là Niết-bàn.
  7. Liễu ngộ căn bản của tất cả các pháp, chứng được thanh tịnh, nên gọi là Niết-bàn.
  8. Tu hành trọn vẹn đối với tất cả pháp không sinh không diệt, nên gọi là Niết-bàn.
  9. Chân như pháp giới thật tế bình đẳng, đạt được Chánh trí nên gọi là Niết-bàn.
  10. Đạt được tâm không phân biệt đối với tính các pháp và tính Niết-bàn, nên gọi là Niết-bàn. Đó gọi là mười pháp nói có Niết-bàn.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nên biết, lại có mười pháp có thể giải nghĩa lý chân thật của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về việc ngài nói có đại Bát-niết-bàn hoàn hảo. Những gì là mười?

  1. Tất cả phiền não đều do dục lạc làm gốc, từ dục lạc sinh ra, các Đức Phật Thế Tôn đoạn dứt dục lạc, nên gọi là Niết-bàn.
  2. Do các Đức Như Lai đoạn trừ các dục lạc, chẳng chấp một pháp nào. Do không nắm giữ, nên không đi không lại, không có đối tượng chấp thủ, nên gọi là Niết-bàn.
  3. Do không đi lại và không chấp thủ, đó là Pháp thân chẳng sinh chẳng diệt. Do không sinh diệt nên gọi là Niết-bàn.
  4. Sự không sinh diệt này chẳng phải là đối tượng tuyên nói của ngôn ngữ, ngôn ngữ đoạn dứt, nên gọi là Niết-bàn.
  5. Không có nhân, ngã chỉ có pháp sinh diệt được chuyển y, nên gọi là Niết-bàn.
  6. Phiền não theo mê hoặc đều chỉ là khách trần, pháp tánh mới chính là chủ, không đến không đi, Phật rõ biết như vậy, nên gọi là Niết-bàn.
  7. Chân như chính là chân, còn lại đều hư vọng cả. Thể tánh chân thật tức là Chân như. Tánh của Chân như tức là Như Lai, đó gọi là Niết-bàn.
  8. Tánh của thật tế không có hý luận, chỉ có Như Lai chứng được pháp thật tế, đoạn trừ hẳn hý luận, gọi là Niết-bàn.
  9. Vô sinh là chân thật, sinh là hư vọng, người ngu si trôi lăn trong sinh tử. Thể của Như Lai chân thật không hư vọng, gọi là Niếtbàn.
  10. Pháp chẳng thật là pháp do duyên sinh. Pháp chân thật chẳng do duyên khởi, thể tánh của Pháp thân Như Lai là chân thật, gọi là Niết-bàn.

Này thiện nam! Đó gọi là mười pháp nói có Niết-bàn.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nên biết lại có mười pháp có thể giải nghĩa lý chân thật của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác về việc ngài nói có đại Bát-niết-bàn hoàn hảo. Những gì là mười?

1. Như Lai biết rõ về bố thí và quả báo của bố thí không ngã và ngã sở. Bố thí và quả báo của bố thí này chẳng thể phân biệt, trừ diệt hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

2. Như Lai biết rõ về trì giới và quả báo của trì giới vô ngã và ngã sở. Trì giới và quả báo của trì giới này chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

3. Như Lai biết rõ về nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục vô ngã và ngã sở. Nhẫn nhục và quả báo của nhẫn nhục này chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

4. Như Lai biết rõ về tinh tấn và quả báo của tinh tấn vô ngã và ngã sở. Tinh tấn và quả báo của tinh tấn chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

5. Như Lai biết rõ về định và quả báo của định vô ngã và ngã sở. Định và quả định này chẳng thể phân biệt, diệt trừ hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

6. Như Lai biết rõ về tuệ và quả báo của tuệ vô ngã và ngã sở. Tuệ và quả báo của tuệ này chẳng thể phân biệt, trừ diệt hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

7. Các Đức Phật Như Lai có thể rõ biết tất cả loài hữu tình và chẳng phải hữu tình, tất cả các pháp đều vô tánh, chẳng thể phân biệt, trừ diệt hoàn toàn, nên gọi là Niết-bàn.

8. Nếu tự yêu thương chấp chặt bản mình thì liền khởi tâm tìm cầu, do tìm cầu nên chịu mọi khổ não. Các Đức Phật Như Lai diệt trừ sự tự chấp chặt bản mình nên đoạn trừ hẳn, không còn tìm cầu, nên gọi là Niết-bàn.

9. Pháp hữu vi đều có số lượng, pháp vô vi thì không còn số lượng. Phật lìa khỏi pháp hữu vi, chứng pháp vô vi không số lượng, nên gọi là Niết-bàn.

10. Như Lai rõ biết thể tánh của hữu tình và pháp đều là không, lìa không chẳng phải có. Tánh không tức là Pháp thân chân thật, nên gọi là Niết-bàn.

Này thiện nam! Đó gọi là mười pháp nói có Niết-bàn.

Lại nữa, này thiện nam! Đâu phải chỉ có Như Lai mới chẳng Bát-niết-bàn. Đó là hy hữu! Lại có mười pháp hy hữu, chính là hạnh Như Lai. Những gì là mười?

1. Sinh tử tội lỗi, Niết-bàn tịch tịnh. Do đối với sinh tử và cả Niết-bàn chứng được bình đẳng, chẳng ở trong lưu chuyển, chẳng trụ ở Niết-bàn, đối với các hữu tình chẳng sinh chán bỏ. Đó là hạnh của Như Lai.

2. Phật đối với chúng sinh chẳng nghĩ rằng, “những kẻ ngu này có kiến chấp điên đảo, bị sự ràng buộc ép ngặt của các phiền não, ta nay khai ngộ khiến cho họ giải thoát.” Nhưng do lực thiện căn Từ bi thuở xưa vẫn ở trong loài hữu tình kia, theo căn tánh của chúng, ý ưa thắng giải, chẳng khởi phân biệt, vẫn chuyển vần tế độ, thị hiện giáo hóa, lợi ích vui mừng đến tận đời vị lai, không có cùng tận. Đó là hạnh của Như Lai.

3. Phật không có ý niệm này: “Ta nay diễn nói mười hai phần giáo lợi ích cho hữu tình”, nhưng do lực thiện căn từ bi, vì những hữu tình đó, vẫn giảng nói rộng rãi, cho đến tận đời vị lai, không có cùng tận. Đó là hạnh của Như Lai.

4. Phật không có ý niệm này: “Ta nay đi đến thành ấp, xóm làmg kia, đến cung vua, nhà của đại thần, Bà-la-môn, sát-lợi, tỳ-xá, mậu-đạt-la… đến những chỗ ấy để khất thực. Nhưng do lực tập quán của các hạnh của thân, miệng, ý thuở xưa nên vẫn đến nơi đó, vì sự lợi ích mà đi khất thực. Đó là hạnh của Như Lai.

5. Thân của Như Lai không có đói khát, cũng không tướng yếu đuối, mệt mỏi hay tiện lợi, tuy có khất thực, có nhận thức ăn mà không hề có sự ăn uống, cũng không phân biệt. Nhưng vì sự lợi ích của hữu tình mà thị hiện có tướng ăn. Đó là hạnh của Như Lai.

6. Phật không có ý niệm này: “Những chúng sinh này có thượng, trung, hạ, tùy theo căn cơ, tính khí của họ mà vì họ nói pháp.” Nhưng Phật Thế Tôn vẫn không có tâm phân biệt, tùy theo khả năng tiếp nhận của họ mà khéo léo ứng hợp theo cơ duyên, vì họ nói pháp. Đó là hạnh của Như Lai.

7. Phật không có ý niệm này: “Loài hữu tình này chẳng cung kính ta, thường đối với ta phát ra lời trách mắng, ta chẳng thể cùng với họ cùng nói chuyện. Loài hữu tình kia cung kính ta, thường đối với ta cùng nhau khen ngợi. Ta sẽ cùng với họ nói chuyện.” Nhưng Như Lai vẫn khởi lòng Từ bi, bình đẳng không phân biệt. Đó là hạnh của Như Lai.

8. Các Đức Phật Như Lai không tâm có yêu ghét, kiêu mạn, tham tiếc và các phiền não. Nhưng Như Lai thường ưa tịch tịnh, khen ngợi sự ít ham muốn, lìa xa chỗ huyên náo. Đó là hạnh của Như Lai.

9. Như Lai không có pháp nào mà chẳng biết và chẳng hoàn toàn thông đạt, đối với cảnh trí hiện tiền của tất cả các cõi, Ngài không hề phân biệt. Nhưng Như Lai thấy sự tạo tác sự nghiệp của những hữu tình, tùy theo tâm ý của họ, vận chuyển phương tiện dẫn dụ khiến cho họ được giải thoát. Đó là hạnh của Như Lai.

10. Như Lai nếu thấy một số hữu tình được giàu thịnh, chẳng hoan hỷ, thấy họ suy tổn cũng chẳng lo buồn. Nhưng nếu Như Lai thấy những hữu tình kia tu tập Chánh hạnh thì dùng tâm đại Từ vô ngại tự nhiên cứu giúp. Nếu thấy hữu tình tu tập tà hạnh thì cũng dùng tâm đại Bi vô ngại tự nhiên cứu giúp. Đó là hạnh của Như Lai.

Này thiện nam! Như vậy phải biết rằng, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói có vô biên Chánh hạnh như vậy. Các ông nên biết, đó gọi là tướng Niết-bàn chân thật. Hoặc khi thấy có Bát-niết-bàn, thì đó là phương tiện quyền biến và sự lưu lại xá-lợi để các hữu tình cung kính cúng dường đều là lực thiện căn từ bi của Như Lai. Nếu người cúng dường thì ở đời vị lai lìa xa tám nạn, được gặp các Đức Phật, gặp Thiện tri thức, chẳng mất thiện tâm, phước báo vô biên, mau chóng sẽ được giải thoát, chẳng bị sự trói buộc của sinh tử. Những diệu hạnh như vậy, các ông phải siêng năng tu hành, chớ nên buông lung!

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng nghe Đức Phật đích thân nói chẳng Bát-niết-bàn và hạnh thậm thâm mà chắp tay cung kính bạch rằng:

–Con nay mới biết Như Lai Đại sư chẳng vào Bát-niết-bàn và lưu lại xá-lợi để làm lợi ích cho khắp các chúng sinh, thân tâm con rất đổi vui sướng, thật là chưa từng có!

Khi nói phẩm Thọ Lượng của Như Lai này thì vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh đều phát tâm Vô đẳng đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bốn Đức Như Lai bỗng nhiên biến mất. Bồ-tát Diệu Tràng làm lễ dưới chân Đức Phật rồi, đứng dậy trở về chỗ ở của mình.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10