KIM QUANG MINH
TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
Biên dịch: HUYỀN THANH
PHẬT LỊCH 2558

 

SƠ LƯỢC VỀ KINH KIM QUANG MINH

Kinh Kim quang Minh tên Phạn là Suvarṇa-prabhāsa, tên Tây Tạng là Gser-ḥoddam-pa mdo-sḍcḥi dbaṅ-poḥi rgyai-po. Tên đầy đủ là Kim quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (Suvarṇa-prabhāsottama-rāja-sūtra) hay Kim Quang Minh Tối Thắng Kinh (Suvarṇa-prabhāsottama-sūtra)

Đời Bắc Lương, niên hiệu Huyền Thủy (312_427): Đàm Vô Sấm (Dharma-kṣema, hay Dharma-rakṣa) dịch bộ Kim Quang Minh Kinh gồm 4 quyển, 18 Phẩm

Tiếp đến đời Lương, Thiên Thánh năm đầu tiên (552): Chân Đế (Paramārtha) dịch thành 7 quyển, hiệu chỉnh các Phẩm trong bản dịch Bắc Lương và bổ sung thêm  4 Phẩm: Tam Thân phân biệt, Nghiệp Chướng diệt, Đà La Ni Tối Tịnh Địa, Y Không mãn nguyện thành 22 Phẩm

Đời Bắc Chu, thời Vũ Đế (561_578): Gia Xá Quật Đa (Yaśo-gupta) lại dịch thành 5 quyển. Ngoài các Phẩm trong bản dịch Bắc Lương, dịch bổ sung thêm hai Phẩm: Thọ Lượng Đại Biện Đà La Ni

Đời Tùy, Xà Na Quật Đa (Jñāna-gupta) lại dịch bồ sung thêm hai Phẩm: Ngân Chủ Đà La Ni Chúc Lụy

Đời Tùy, Khai Hoàng năm thứ 17 (597): Sa Môn Bảo Quý ở chùa Đại Hưng Thiện đã tổng hợp bản dịch của các nhà, san đồng bổ sung vào chỗ thiếu thành Hợp Bộ Kim Quang Minh Kinh gồm 8 quyển, 24 Phẩm

Cuối cùng, đời Vũ Chu, Trường An năm thứ 3 (703) Nghĩa Tịnh dịch ra bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh gồm 10 quyển, 31 Phẩm. Do Phẩm Mục, Nghĩa Lý của bản dịch này rất ư hoàn bị, phong cách tao nhã và rõ ràng nên được lưu hành rộng rãi

_Ý nghĩa nội dung của 31 Phẩm này là:

Tự Phẩm đầu tiên là phần Tựa.

9 Phẩm kế tiếp là phần Chính Tông

21 Phẩm còn lại là phần Lưu Thông

Lại dựa theo nghĩa lý trong 9 Phẩm của phần Chính Tông thì: 2 Phẩm đầu minh họa về Quả, 5 Phẩm kế tiếp minh họa về Hành, 2 Phẩm cuối minh họa về Cảnh 

1_Trong 2 phẩm minh họa về Quả thì: Phẩm Thọ Lượng: do Diệu Tràng nghi ngờ hỏi Thọ Mệnh của Đức Như Lai do nhân nào mà lại ngắn ngủi? Để nói Thọ Lượng của Đức Như Lai là vô lượng, chỉ vì lợi ích cho chúng sinh nên hiện bày ngắn ngủi. Lại nói mọi loại 10 Pháp hay giải Lý Thú chân thật của Như Lai, nói có Đại Bát Niết Bàn

Tiếp đến Phẩm Phân biệt ba Thân: Do Hư Không Tạng thỉnh hỏi, nên nói rõ Phật có 3 Thân Pháp, Ứng, Hóa. Ở đây giải thích vấn đề Thân Phật được phát sinh trong thời kỳ đầu tiên của Đại Thừa, tương thông với Phẩm Thọ Lượng trong Kinh Pháp Hoa

2_Trong 5 Phẩm minh họa về Hành thì: Phẩm Mộng Kiến Sám Hối đầu tiên nói Diệu Tràng nằm mộng thấy vị Bà La Môn đánh cái trống vàng phát ra âm thanh, nói Pháp Sám Hối

Tiếp đến, Phẩm Diệt Nghiệp Chướng: Do Đế Thích hỏi nên nói tu hành

Đại Thừa, nhiếp nhận hữu tình điên đảo nghiêng lệch từng tạo nghiệp chướng, Pháp Sám Hối trừ diệt… dùng phần trên làm Địa Tiền Hành

Tiếp đến, Phẩm Tối Tịnh Địa Đà La Ni nói Hạnh của mười Địa, phát Tâm Bồ Đề làm Nhân của mười Độ (10 Ba La Mật). Lại y theo mọi loại 5 Pháp thành tựu mười Độ, tướng trạng của mười Địa với danh nghĩa, chướng ngại của mười Địa; các Độ (Ba La Mật) mà mười Địa đã hành, Tam Ma Địa được sinh ra, cuối cùng nói Đà La Ni mà các Địa đã được hộ trì

Tiếp đến, Phẩm Liên Hoa Dụ Tán nói nhân duyên của Pháp Sám Hối, tức quá khứ Kim Long Chủ Vương thường dùng hoa sen ví dụ khen ngợi chư Phật, kèm theo nói văn xưng tán

Tiếp đến, Phẩm Kim Thắng Đà La Ni nói thọ trì Đà La Ni này tức là cúng dường chư Phật, được Thọ Ký ấy, tùy theo chỗ mong cầu, không có gì chẳng viên mãn

3_Trong 2 Phẩm minh họa về Cảnh thì: Phẩm Trùng hiển Không Tính lược nói Pháp Không (Śūnya: trống rỗng) khiến cho người nghe ngộ nhập vào nghĩa thù thắng, chính đúng tu Xuất Ly

Tiếp đến, Phẩm Y Không mãn nguyện nói y theo Không Tính (Śūnyatā: Tính trống rỗng) hành Pháp Bồ Đề, tu Hạnh bình đẳng. Trong Phẩm này Như Ý Bảo Quang Diệu Thiên Nữ nghe Pháp khai ngộ, liền chuyển thân nữ làm thân Phạm Thiên, được Đức Phật thọ Ký, tương tự như Long Nữ chuyển thân thành Phật trong Kinh Pháp Hoa

4_Từ cuối phần Chính Tông trở xuống có 21 Phẩm rộng nói về chư Thiên hộ giúp đời, tăng tiền của, biện luận khéo léo, trừ tai vạ, hiển lợi ích của Kinh, Thọ Ký, trừ nghi, thỉnh nói nhân xưa kia, Khổ Hạnh. Cuối cùng là Bồ Tát đồng khen ngợi cùng với Đức Như Lai phó chúc đều thuộc phần Lưu Thông.

So sánh với Lược Bản được dịch trong Đời Lương thì bản dịch này tăng thêm Đà La Ni rất nhiều, do vậy có người đem Kinh Bản này nhập vào Bí Mật Bộ (như Tây Tạng Tạng Văn Đại Tạng Kinh)

_Hiện nay, ở Nepal có lưu giữ bản Phạn 21 Phẩm, đại đồng với bản dịch đời Lương

Bản tiếng  Phạn của kinh Kim Quang Minh được biên tập lần đầu tiên vào năm 1898 tại Calcutta, Ấn Độ bởi hai tác giả S.C. DasS.C. Shastri chỉ có 25 Phẩm, chẳng hoàn toàn 

Kinh Kim Quang Minh được biết đến tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ 7 và đóng một vai trò quan trọng đối với Phật giáo Nhật Bản, cùng với Kinh Pháp Hoa, Kinh Nhân Vương được xem là ba bộ Kinh trấn hộ đất nước. Dưới sự bảo trợ của Hoàng gia, bốn bản kinh đã được dịch ra tiếng Nhật bởi Jina-mitra,

Śīlendra-bodhi và những dịch giả khác. Một phiên bản tiếng Nhật cũng được soạn thảo bởi Nanjio và được xuất bản bởi môn đồ của ông là Izumiin vào năm 1931.

Các bản dịch tiếng Tây Tạng từ kinh bản tiếng Phạn đã được tổng hợp và biên tập bởi giáo sư Nobel. Bản tiếng Tây Tạng đầu tiên được dịch bởi Sud-guśoka (?Mūla-śoka) và Jñāna-kumāra vào nửa đầu thế kỷ thứ 8. Bản thứ hai được dịch bởi Jina-mitra (Thắng Hữu) , Śīlendra-bodhiYe-śes-sde vào đầu thế kỷ thứ 9. Bản thứ ba được dịch bởi Chos-grub. Bản thứ hai căn cứ trên một bản tiếng Phạn không khác mấy so với bản Phạn đã sử dụng cho bản thứ nhất, nhưng bản thứ ba lại là một bản dịch từ phiên bản nổi tiếng của Nghĩa Tịnh. Các bản kinh thuộc Chính Tạng “Kanjur” do Nobel sử dụng cho thấy có hai phiên bản: một phiên bản được thuộc về Hồng Tạng (Kanjur đỏ) được in block lưu trữ tại thư viện quốc gia – Paris và Tạng “Kanjur” chép tay lưu trữ tại thư viện quốc gia Phổ – Berlin. Phiên bản sau đã đã hiệu đính, lại có trong Hồng Tạng được lưu trữ tại Đại học Cambridge.

Kinh Kim Quang Minh không những được dịch sang tiếng Tây Tạng và Trung Hoa mà còn được dịch sang các thứ tiếng như: Anh (English), Duy Ngô Nhĩ (Uighur), Mông Cổ (Mongol), Túc Đặc (Sogdian), Vu Điền (Khotanese), Đảng Hạng (Tangut).

Kinh Kim Quang Minh được lưu trữ thông qua số lượng lớn những bản chép tay  bằng nhiều loại ngôn ngữ Trung Á khác nhau. Thư viện Anh quốc lưu giữ 8 mảnh thủ bản kinh Kim Quang Minh rất cổ có nguồn gốc từ Färhäd Beg Yailiki. Một mảnh thủ bản nhỏ không còn nguyên vẹn được in block kiểu bản xếp của kinh này được khai quật trong chuyến thám hiểm của người Đức đầu tiên tại Trung Á, Grunwedel (1902-1903). Ngay sau khi khám phá, bản kinh đã được nghiên cứu và ấn hành bởi Heinrich Stonner vào năm 1904. Từ đó trở đi, bản kinh dần dần được nhiều học giả người Đức khác nghiên cứu. Trong danh mục của mình, Ernest Waldschmidt đã biên tập bản kinh rất kỹ lưỡng. Trong thời gian gần đây (2004) Akira Yuyama đã khảo sát tất cả các thủ bản Trung Á.

Phiên bản tiếng Duy Ngô Nhĩ của kinh này có hai bộ sưu tập chính: bộ Altun Yaruq (hiện được bảo tồn tại Viện Vostokovedenija, St. Petersburg) và bộ Turfansammlung. Bộ thứ nhất đã được biên dịch sang Hán ngữ vào thế kỷ thứ 10.

_Nay do sự yêu cầu của các bạn đồng tu muốn tự mình hiểu rõ hơn về nghĩa thú của Kinh Kim Quang Minh; nên tôi cố gắng sưu tầm và phục hồi các

Đà La Ni, phiên dịch lại bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh  Điều không thể tránh khỏi là bản phiên dịch này vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngưỡng mong các Bậc Cao Tăng Đại Đức, chư vị Thiện Tri Thức hãy rũ lòng Từ Bi chỉ dạy, giúp cho tôi kịp thời sửa chữa những lỗi lầm và hoàn thiện phần ghi chép này.

Mọi Công Đức có được trong tập ghi chép này, con xin kính dâng lên hương linh của Thân Phụ (Nguyễn Vũ Nhan) và Thân Mẫu (Vũ Thị Ni) là hai bậc ân nhân đầu tiên của con.

Con xin kính dâng các Công Đức có được lên Thầy Thích Quảng Trí và Thầy Thích Pháp Quang là các bậc Thầy luôn theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy con nghiên cứu Phật Pháp cho chính đúng.

Tôi xin cám ơn em Mật Trí (Tống Phước Khải) đã nhiệt tình hỗ trợ các tư liệu Phạn Hán Anh giúp cho việc hoàn tất bản dịch này.

Tôi xin chân thành cám ơn người bạn đường Ngọc Hiếu (Vũ Thị Thanh Hà) đã cam chịu mọi sự khó khăn trong cuộc sống để giúp tôi an tâm trên con đường tìm hiểu Chính Pháp Giải Thoát của Đấng Phật Đà.

Cuối cùng nguyện xin hồi hướng Công Đức này đến toàn thể chúng hữu tình trong ba cõi sáu đường đều mau chóng xa lìa mọi ách nạn khổ đau, thường được an vui, thọ hưởng Pháp Vị Giải Thoát của Đấng Phật Đà.

Mùa Thu năm Giáp Ngọ (2014)
Huyền Thanh (Nguyễn Vũ Tài) kính ghi

 


 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

KIM QUANG MINH
TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH
. Khi hiện ra thời tuổi thọ của con người khoảng một trăm năm, bẩm tính thấp kém, căn lành nhỏ bé mỏng manh, lại không có Tín Giải (Adhimukti: y theo lời nói mà được sự hiểu biết thù thắng). Các chúng sinh này, phần lớn có quan điểm sai lầm là cố chấp thật có ta, thật có người, thật có chúng sinh, thật có thọ mạng. Nuôi dưỡng Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi: kiến giải trái ngược chẳng hợp lý), quan điểm: thật có ta (Ātman: ngã), thật có cái của ta (Mama-kāra: ngã sở) với nhóm Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi: quan điểm cho rằng khi thân này chết là đoạn diệt hết, không còn gì nữa), Thường Kiến (Nitya- dṛṣṭi: quan điểm cho rằng thế giới là thường trụ chẳng biến đổi, tự ngã của nhân loại chẳng diệt, sau khi loài người chết thì tự ngã cũng chẳng bị tiêu diệt, lại hay tái sinh mà lại dùng hiện trạng nối tiếp, tức nói cái Ta là thường trụ). Vì muốn lợi ích cho các Dị Sinh (Pṛthag-jna: phàm phu, chúng sinh) này với chúng Ngoại Đạo (Tīrthika), đẳng loại như vậy khiến sinh sự hiểu biết chính đúng (chính giải) mau được thành tựu Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi). Thế nên Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai hiện bày thọ mạng ngắn ngủi như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Như vậy, Đức Như Lai ấy muốn khiến cho chúng sinh thấy Ngài vào Niết Bàn (Nirvāṇa) xong thì sinh tưởng khó gặp, nhóm tưởng lo khổ…đối với Kinh Giáo mà Đức Phật Thế Tôn đã nói, mau sẽ thọ trì, đọc tụng, thông lợi, vì người giải nói, chẳng sinh chê bai chế diễu. Chính vì thế cho nên Đức Như Lai hiện tuổi thọ ngắn ngủi này. Tại sao thế? Vì các chúng sinh ấy nếu thấy Đức Như Lai chẳng Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn) thì chẳng sinh tưởng cung kính, khó gặp. Kinh Điển thâm sâu do Đức Như Lai đã nói cũng chẳng thọ trì, đọc tụng, thông lợi. vì người tuyên nói. Tại sao thế? Do thường thấy Phật nên chẳng tôn trọng vậy.

Này Thiện Nam Tử! Ví như có người thấy cha mẹ của mình có nhiều tài sản, châu báu dư thừa. Liền đối với tài vật chẳng sinh tưởng hiếm có khó gặp.

Tại sao thế? Vì đối với tài sản của cha, sinh tưởng thường có vậy

Thiện Nam Tử! Các chúng sinh kia cũng lại như vậy. Nếu thấy Đức Như Lai chẳng vào Niết Bàn thì chẳng sinh tưởng hiếm có khó gặp. Tại sao thế?  Vì do thường thấy vậy.

_Này Thiện Nam Tử! Ví như có người, cha mẹ nghèo cùng, thiếu thốn tiền của. Nhưng người nghèo ấy hoặc đến ngà của vua, hoặc nhà của Đại Thần thấy thương khố ấy có mọi loại châu báu thảy đều tràn đầy nên sinh Tâm hiếm có, Tưởng khó gặp. Thời người nghèo kia vì muốn cầu tiền, rộng bày phương tiện nhắc nhở siêng năng không có lười biếng. Tại sao thế? Vì buông bỏ nghèo cùng, thọ nhận an vui vậy

Thiện Nam Tử! Các chúng sinh kia cũng lại như vậy. Nếu thấy Đức Như Lai nhập vào Niết Bàn thì sinh tưởng khó gặp, cho đến nhóm tưởng loa khổ. Lại tác niệm này: “Ở vô lượng kiếp, chư Phật Như Lai hiện ra ở đời như hoa Ô Đàm Bạt (Udumbara: Thụy Ứng Hoa) đúng thời mới hiện một lần. Các chúng sinh kia phát Tâm hiếm có, khởi tưởng khó gặp. Nếu gặp Đức Như Lai thì Tâm sinh kính tin, nghe nói Chính Pháp, sinh tưởng Thật Ngữ (lời nói chân thật), hết thảy Kinh Điển thảy đều thọ trì, chẳng sinh hủy báng.

Này Thiện Nam Tử! Do Nhân Duyên đó nên Đức Phật Thế Tôn ấy chẳng trụ lâu ở đời mà mau vào Niết Bàn.

Thiện Nam Tử! Các Như Lai đấy dùng phương tiện khéo léo của nhóm như vậy mà thành tựu chúng sinh”

_Bấy giờ, bốn Đức Phật nói lời đó xong, đột nhiên chẳng hiện.

Khi ấy, Diệu Tràng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng với vô lượng trăm ngàn Bồ Tát với vô lượng ức na dữu đa trăm ngàn chúng sinh cùng nhau đi đến chỗ của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Chính Biến Tri trong núi Thứu Phong (Gṛdhrakuṭa), đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi đứng ở một bên. Thời, Diệu Tràng Bồ

Tát đem việc như bên trên thưa trình đầy đủ với Đức Thế Tôn

Lúc đó, bốn Đức Như Lai cũng đến Thứu Phong, đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều tùy theo phương của mình chọn tòa ngồi mà ngồi, bảo Bồ

Tát Thị Giả (Ante-vāsi) rằng: “Thiện Nam Tử! Nay ông có thể đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thay mặt Ta thăm hỏi Ngài có ít bệnh, ít buồn bực, cuộc sống thường ngày có nhẹ nhàng thuận lợi, đi lại an vui chăng?”. Lại nói lời này: “Lành thay! Lành Thay! Thích Ca Mâu Ni Như Lai nay có thể diễn nói Pháp Yếu thâm sâu của Kinh Kim Quang Minh, vì muốn nhiêu ích cho tất cả chúng sinh, trừ khử đói khát khiến được an vui. Ta sẽ tùy vui”

Thời Thị Giả ấy đều đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đỉnh lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi lui ra đứng một bên, đều bạch Phật rằng: “Đấng Thiên Nhân Sư kia thăm hỏi bậc Vô Lượng có ít bệnh, ít buồn bực, cuộc sống thường ngày có nhẹ nhàng thuận lợi, đi lại an vui chăng?”. Lại nói lời này: “Lành thay! Lành Thay! Thích Ca Mâu Ni Như Lai nay có thể diễn nói Pháp Yếu thâm sâu của Kinh Kim Quang Minh, vì muốn nhiêu ích cho tất cả chúng sinh, trừ khử đói khát khiến được an vui”.

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác bảo các Bồ Tát Thị Giả ấy rằng: “Lành thay! Lành thay! Bốn Đức Như Lai ấy mới hay vì nhiêu ích an vui cho các chúng sinh mà khuyến thỉnh Ta tuyên dương Chính pháp”

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói Tụng rằng:

“Ta thường ở núi Thứu

Tuyên nói báu Kinh này

Thành tựu chúng sinh nên

Hiện bày Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn)

Phàm Phu khởi Tà Kiến

Chẳng tin điều Ta nói

Vì thành tựu kẻ ấy

Hiện bày Bát Niết Bàn

Thời trong Đại Hội có vị Bà La Môn (Brāhmaṇa) họ là Kiều Trần Như (Kauṇḍiya), tên là Pháp Sư Thọ ký (Ācārya-vyākaraṇa-prāpta) cùng với vô lượng trăm ngàn chúng Bà La Môn cúng dường Đức Phật xong, nghe Đức Thế Tôn nói vào Bát Niết Bàn thì nước mắt nước mũi giao nhau tuôn chảy, tiến lên phía trước lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu thật Đức Như Lai đối với chúng sinh có Đại Từ Bi, thương xót lợi ích khiến được an vui giống như cha mẹ, ngoài ra không có ai bằng, Hay làm chỗ quy y cho Thế Gian như mặt trăng tròn đầy thanh tịnh, dùng Đại Trí Tuệ hay làm chiếu sáng như mặt trời mới mọc. Quán khắp chúng sinh, yêu thương không có thiên lệch như La Hỗ La (Rāhula). Nguyện xin Đức Thế Tôn ban cho con một Nguyện”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn yên lặng mà dừng. Do uy lực của Đức Phật cho nên ở trong Chúng này có vị Lê Xa Tỳ Đồng Tử (Litsavi-kumāra) tên là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến (Sarva-satva-priya-darśana) bảo Bà La Môn Kiều Trần Như rằng: “Đại Bà La Môn! Nay ông theo Đức Phật, muốn xin nguyện gì? Tôi có thể cho ông”

Bà La Môn nói: “Này Đồng Tử! Tôi muốn cúng dường Đức Thế Tôn vô thượng. Nay theo Đức Như Lai cầu thỉnh Xá Lợi (Śarīra) khoảng như hạt cải. Tại sao thế? Tôi từng nghe nói nếu kẻ trai lành, người nữ thiện được Xá Lợi của Phật khoảng như hạt cải mà cung kính cúng dường thì người này sẽ sinh vào cõi Tam Thập Tam Thiên (Trāyastriṃśat-deva) mà làm Đế Thích (Indra)”.

Lúc đó, Đồng Tử bảo Bà La Môn rằng: “Nếu người muốn nguyện sinh vẻo cõi Tam Thập Tam Thiên thọ nhận quả báo thù thắng thì cần phải chí Tâm lắng nghe Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh này, ở trong các Kinh rất ư thù thắng, khó hiểu khó vào, là nơi mà Thanh Văn Độc Giác chẳng thể biết, Kinh này hay sinh vô biên Phước Đức Quả Báo, cho đến thành biện Vô Thượng Bồ Đề, Nay tôi vì ông lược nói việc ấy”.

Bà La Môn nói: “Lành thay Đồng Tử! Kim Quang Minh này thâm sâu tối thượng, khó hiểu khó vào, Thanh Văn Độc Giác còn chẳng thể biết, huống chi là chúng tôi, người ở biên thùy, Trí Tuệ nhỏ hẹp mà có thể hiểu rõ. Thế nên, nay tôi cầu Xá Lợi của Phật khoảng như hạt cải, cầm về bản xứ, để trong hộp báu, cung kính cúng dường, sau khi mệnh chung được làm Đế Thích, thường thọ nhận an vui. Tại sao ông chẳng thể vì tôi, theo Đức Minh Hạnh Túc (Vidyācaraṇa-saṃpanna) cầu một Nguyện này?”

Nói lời đấy xong. Bấy giờ, Đồng Tử liền vì Bà La Môn mà nói Tụng là:

“Sông Hằng, nước chảy mau

Có thể sinh sen trắng

Chim vàng (hoàng điểu) làm hình trắng

Chim đen (hắc điểu) biến làm đỏ

Giả sử cây Thiệm Bộ (Jambū)

Lại sinh quả Đa La (Tāla-phala)

Trong cành Khiết Thụ La (Kharjūra)

Hay sinh lá Am La (Amra)

Nhóm này, vật hiếm có

Hoặc có thể chuyển biến

Xá Lợi của Thế Tôn

Rốt ráo chẳng thể được

_Giả sử dùng lông rùa

Dệt thành áo thượng diệu

Khi lạnh có thể mặc

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử chân ve, muỗi

Hay khiến thành lầu quán

Bền chắc chẳng lay động

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử Thủy Điệt Trùng (con đỉa)

Trong miệng sinh răng trắng

Dài, lớn, bén như Phong (mũi nhọn)

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử cầm sừng thỏ

Dùng thành các bậc thanh

Có thể lên cung Trời

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Chuột duyên trên thang này

Trử khử A Tô La

Hay che trăng trong không

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Nếu ruồi uống rượu say

Đi vòng trong thành ấp

Rộng tạo làm nhà cửa

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Nếu khiến màu môi lừa (con lừa)

Đỏ như quả Tần Bà (Bimbara, hay Bimba)

Khéo làm nơi ca múa

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Quạ với chim cú vọ

Cùng nhau dạo một chỗ

Đó đây cùng thuận tùng

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sứ lá Ba La

Có thể thành dù lọng

Hay ngăn che mưa lớn

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Mượn khiến tàu thuyền lớn

Chứa đầy các tài bảo

Khiến đi trên lục địa

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử chim Tiêu Liêu (chim Hồng Tước)

Dùng mỏ ngậm Hương Sơn (Gandha-mādana: tục gọi là núi Côn Lôn)

Tùy theo xứ, du hành

Mới cầu Xá Lợi Phật”

Lúc đó, Bà La Môn Pháp Sư Thọ Ký nghe Tụng này xong, cũng dùng Già Tha (Kệ Tụng) đáp Đồng Tử Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng:

“_Lành thay! Đại Đồng Tử

Cát Tường trong Chúng này

Tâm phương tiện khéo léo

Được Phật Vô Thượng Ký

Như Lai: uy đức lớn

Hay cứu giúp Thế Gian

Nhân Giả chí Tâm nghe

Nay tôi thứ tự nói

_Cảnh chư Phật khó nghĩ

Thế Gian không gì bằng

Pháp Thân, Tính thường trụ

Tu hành không không sai biệt

_Thể chư Phật đều đồng

Pháp đã nói cũng thế

Chư Phật, không người làm

Cũng lại vốn không sinh

_Thế Tôn, Thể Kim Cương

Quyền hiện ở Hóa Thân (Nirmāṇa-kāya)

Thế nên Xá Lợi Phật

Không như một hạt cải

_Phật chẳng phải là thân máu thịt

Làm sao có Xá Lợi

Phương tiện lưu xương cốt

Vì lợi các chúng sinh

_Pháp Thân là Chính Giác

Pháp Giới tức Như Lai

Là Chân Thân của Phật

Cũng nói Pháp như vậy”

Bấy giờ, trong Hội:  ba vạn hai ngàn vị Thiên Tử nghe nói Thọ Mệnh lâu dài của Đức Như Lai, đều phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) vui mừng hớn hở được điều chưa từng có, khác miệng đồng âm mà nói Tụng rằng:

“Phật chẳng Bát Niết Bàn (vào Niết Bàn)

Chính Pháp cũng chẳng diệt

Vì lợi chúng sinh nên

Hiện bày có diệt tật

Thế Tôn chẳng nghĩ bàn

Diệu Thể không tướng khác

Vì lợi chúng sinh nên

Hiện mọi loại trang nghiêm”

Khi ấy, Diệu Tràng Bồ Tát ở gần trước mặt Đức Phật với bốn Đức Như Lai kèm hai vị Đại Sĩ, chỗ của các Thiên Tử… nghe nói việc Thọ Lượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai xong, lại từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu thật như vậy thì chư Phật Như Lai chẳng Bát Niết Bàn, không có Xá Lợi. Thế tại sao trong Kinh nói có Niết Bàn với Xá Lợi của Phật, khiến cho các Người Trời cung kính cúng dường. Chư Phật quá khứ hiện có xương cốt của thân lưu bày ở đời, Người Trời cúng dường được Phước vô biên, nay lại nói không có!…nên sinh nghi ngờ. Nguyện xin Đức Thế Tôn thương xót chúng con, rộng vì phân biệt”

Bấy giờ, Đức Phật bảo Diệu Tràng Bồ Tát với các Đại Chúng: “Các ngươi nên biết, nói Bát Niết Bàn, có Xá Lợi là Mật Ý nói, Nghĩa như vậy, nên một lòng lắng nghe!.

_Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết như vầy: có mười Pháp hay giải thích được  Lý Thú chân thật của Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, nói có Đại Niết Bàn cứu cánh. Thế nào là mười?

1_Chư Phật Như Lai rốt ráo chặt đứt hết các Phiền Não Chướng (Kleśāvaraṇa), Sở Tri Chướng (Jñeyāvaraṇa) cho nên gọi là Niết Bàn (Nirvāṇa)

2_Chư Phật Như Lai khéo hay hiểu thấu Hữu Tình Vô Tính với Pháp Vô Tính, cho nên gọi là Niết Bàn

3_Hay chuyển Thân Y với Pháp Y cho nên gọi là Niết Bàn

4_Đối với các hữu tình mặc tình (nhậm vận) ngưng nghỉ nhân duyên cảm hóa, cho nên gọi là Niết Bàn.

5_Chứng được tướng không có sai biệt của sự chân thật, Pháp Thân bình đẳng cho nên gọi là Niết Bàn

6_Hiểu thấu sinh tử với Niết Bàn không có hai Tính cho nên gọi là Niết Bàn

7_Đối với tất cả Pháp, hiểu thấu căn bản ấy, chứng thanh tịnh cho nên gọi là Niết Bàn

8_Đối với tất cả Pháp không có sinh, không có diệt, khéo tu hành cho nên gọi là Niết Bàn

9_Chân Như Pháp Giới Thật Tế bình đẳng, được Chính Trí cho nên gọi là Niết Bàn

10_Đối với Tính của các Pháp với Tính của Niết Bàn, được không có sai biệt cho nên gọi là Niết Bàn

Đây là mười Pháp nói có Niết Bàn.

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết như vầy: lại có mười Pháp hay giải thích được Lý Thú chân thật của Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, nói có Đại Niết Bàn cứu cánh. Thế nào là mười?

1_Tất cả phiền não dùng nguyện cầu ước muốn (lạc dục) làm gốc, từ nguyện cầu ước muốn (lạc dục) mà sinh. Chư Phật Thế Tôn chặt đứt nguyện cầu ước muốn (lạc dục) cho nên gọi là Niết Bàn.

2_Do các Như Lai chặt đứt các nguyện cầu ước muốn (lạc dục), chẳng nhận lấy một Pháp. Do chẳng nhận lấy cho nên không có đi không có đến, không có chỗ chọn lấy cho nên gọi là Niết Bàn.

3_Do không có đi đến với không có chỗ chọn lấy, Đấy tức là Pháp Thân chẳng sinh chẳng diệt. Do không có sinh diệt cho nên gọi là Niết Bàn.

4_Không có sinh diệt này chẳng phải là nơi mà lời nói thông suốt được. Vì ngôn ngữ bị chặt đứt cho nên gọi là Niết Bàn.

5_Không có ta người, chỉ có Pháp sinh diệt được Chuyển Y (āśrayaparivṛtti, hoặc āśraya-parāvṛtti) cho nên gọi là Niết Bàn.

6_Phiền não (Kleśa) tùy theo Hoặc (trạng huống mê loạn của nội tâm) đều là Khách Trần. Pháp Tính (Dharmatā) là chủ không có đến không có đi. Do Đức Phật biết rõ cho nên gọi là Niết Bàn.

7_Chân Như (Bhūta-tathatā, hay Tathatā) là thật, ngoài ra đều hư vọng. Thể của Thật Tính tức là Chân Như, Tính của Chân Như tức là Như Lai, nên gọi là Niết Bàn.

8_Tính của Thật Tế (Bhūta-koṭi) không có hý luận. Chỉ có một mình Đức Như Lai chứng Pháp Thật Tế, chặt đứt hẳn hý luận, cho nên gọi là Niết Bàn.

9_Không có sinh (vô sinh) là thật, sinh là hư vọng. Người ngu si chìm đắm sinh tử. Thể của Như Lai thật không có hư vọng, cho nên gọi là Niết Bàn.

10_Pháp chẳng thật là từ Duyên sinh, Pháp chân thật chẳng từ Duyên dấy lên. Thể Pháp Thân của Như Lai là chân thật, cho nên gọi là Niết Bàn. Thiện Nam Tử! Đây là mười Pháp nói có Niết Bàn.

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết như vầy: lại có mười Pháp hay giải thích được Lý Thú chân thật của Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, nói có Đại Niết Bàn cứu cánh. Thế nào là mười?

1_Như Lai khéo biết Thí (Dāna: bố thí) với quả của Thí (Dāna-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Thí với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

2_Như Lai khéo biết Giới (Śīla: trì Giới) với quả của Giới (Śīla-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Giới với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

3_Như Lai khéo biết Nhẫn (Kṣānti: nhẫn nhục) với quả của Nhẫn (Kṣānti-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Nhẫn với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

4_Như Lai khéo biết Cần (Vīrya: tinh tiến) với quả của Cần (Vīryaphala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Cần với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

5_Như Lai khéo biết Định (Dhyāna: thiền định) với quả của Định (Dhyāna-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Định với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

6_Như Lai khéo biết Tuệ (Prajñā: Trí Tuệ) với quả của Tuệ (Prajñāphala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Tuệ với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

7_Chư Phật Như Lai khéo hay biết rõ tất cả Hữu Tình, Phi Hữu Tình, tất cả các Pháp đều không có Tính, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

8_Nếu người tự yêu thương mình, liền dấy lên sự theo đuổi tìm kiếm (truy cầu). Do theo đuổi tìm kiếm cho nên nhận chịu mọi khổ não. Vì chư Phật Như Lai trừ bỏ sự tự yêu thương mình cho nên dứt hẳn sự theo đuổi tìm kiếm. Do không có theo đuổi tìm kiếm cho nên gọi là Niết Bàn.

9_Pháp của Hữu Vi (Saṃskṛta) đều có số lượng, Pháp của Vô Vi (Asaṃskṛta) đều trừ bỏ số lượng. Đức Phật lìa Hữu Vi, chứng Pháp Vô Vi. Do không có số lượng cho nên gọi là Niết Bàn.

10_Như Lai hiểu rỏ Thể Tính của hữu tình với Pháp đều trống rỗng (Śūnya:không), lìa trống rỗng chẳng phải là có. Tính trống rỗng (Śūnyatā:

Không Tính) tức là Pháp Thân chân thật, cho nên gọi là Niết Bàn.

Thiện Nam Tử! Đây là mười Pháp nói có Niết Bàn.

_Lại nữa Thiện Nam Tử! Há chỉ có Như Lai chẳng Bát Niết Bàn là điều hiếm có. Lại có mười loại Pháp hiếm có là Hạnh của Như Lai (Tathāgata-caryā: Như Lai Hạnh). Thế nào là mười?

1_Sinh tử lỗi lầm, Niết Bàn vắng lặng. Do ở Sinh Tử cùng với Niết Bàn, chứng bình đẳng cho nên chẳng ở lưu chuyển, chẳng trụ Niết Bàn, đối với các chúng sinh chẳng sinh chán bỏ. Là Hạnh của Như Lai.

2_ Đức Phật đối với chúng sinh chẳng tác niệm này: Các Ngu Phu này thực hành cái thấy điên đảo (điên đảo kiến) bị các phiền não ràng buộc ép bức, nay Ta khai ngộ khiến cho họ giải thoát. Nhưng do sức căn lành của lòng Từ (Từ thiện căn lực) xưa kia, đối với hữu tình ấy, tùy theo căn tính của họ, ý ưa thích Thắng Giải (Adhimokṣa: hiểu thấu sự thù thắng), chẳng khởi phân biệt, mặc tình tế độ, chỉ bày dạy bảo lợi vui, tận bờ mé vị lai không có cùng tận. Là Hạnh của Như Lai.

3_Đức Phật không có niệm này: Nay Ta diễn nói mười hai phần Giáo lợi ích hữu tình. Nhưng do sức căn lành của lòng Từ (Từ thiện căn lực) xưa kia, vì hữu tình ấy rộng nói, cho đến tận bờ mé vị lai, không có cùng tận. Là Hạnh của Như Lai.

4_Đức Phật không có niệm này: Nay Ta đến thành ấp, thôn xóm kia, nhà của nhóm vua chúa với Đại Thần, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Bệ Xá, Thú Đà La… theo nơi ấy xin thức ăn. Nhưng do sức quán tập của Hạnh thân miệng ý xưa kia cho nên mặc tình đến chốn ấy, vì việc lợi ích mà đi khất thực (xin thức ăn). Là Hạnh của Như Lai.

5_Thân của Như Lai không có đói khát, cũng không có tướng đại tiểu tiện, mệt nhọc quẫn bách, tuy đi xin lấy thức ăn mà không có chỗ ăn (vô sở thực), cũng không có phân biệt. Nhưng vì nhậm vận lợi ích hữu tình, bày có tướng ăn. Là Hạnh của Như Lai.

6_Đức Phật không có niệm này: Các chúng sinh này có thượng trung hạ, tùy theo tính chất căn cơ (cơ tính) của họ mà nói Pháp. Nhưng Đức Phật Thế Tôn không có phân biệt, tùy theo khí lượng ấy, khéo ứng với cơ duyên vì kẻ ấy nói Pháp. Là Hạnh của Như Lai.

7_Đức Phật không có niệm này: Loại hữu tình này chẳng cung kính Ta, thường ở chỗ của Ta phát ra lời mắng chửi, chẳng thể cùng với kẻ ấy nói năng luận bàn được. Loại hữu tình kia cung kính Ta, thường ở chỗ của Ta cùng nhau khen ngợi, Ta nên cùng với kẻ ấy nói chuyện. Thế nhưng Đức Như Lai khởi Tâm Từ Bi, bình đẳng không có hai. Là Hạnh của Như Lai.

8_Chư Phật Như Lai không có yêu ghét, kiêu mạn, tham tiếc với các phiền não. Thế nhưng Đức Như Lai thường ưa thích vắng lặng, khen ngợi ít ham muốn (dục), lìa các chỗ ồn áo náo nhiệt (huyên náo). Là Hạnh của Như Lai.

9_Như Lai không có một Pháp nào chẳng biết, chẳng khéo thông đạt, ở tất cả nơi chốn, Kính Trí (Trí như cái gương sáng) hiện trước mặt không có phân biệt. Thế nhưng Đức Như Lai thấy sự nghiệp mà hữu tình kia đã làm, tùy theo ý của kẻ ấy chuyển phương tiện ví dụ dẫn dắt khiến được xuất ly (Naiṣkramya: vượt thoát nỗi khổ sinh tử luân hồi mà thành biện Phật Đạo). Là Hạnh của Như Lai.

10_ Như Lai nếu thấy một phần hữu tình được giàu có thịnh vương (phú thịnh) thời chẳng sinh vui vẻ, thấy họ bị suy sụp hao tổn cũng chẳng khởi lo lắng. Thế nhưng Đức Như Lai thấy hữu tình ấy tu tập Chính Hạnh thì Vô Ngại Đại Từ tự nhiên cứu nhiếp. Nếu thấy hữu tình tu tập Tà Hạnh thì Vô Ngại Đại Bi tự nhiên cứu nhiếp. Là Hạnh của Như Lai.

Thiện Nam Tử! Như vậy nên biết Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác nói có vô biên Chính Hạnh như vậy. Các ông nên biết đấy là tướng chân thật của Niết Bàn, hoặc khi thấy có vị Bát Niết Bàn thì đấy là Quyền phương tiện với lưu Xá Lợi khiến cho hữu tình cung kính cúng dường, đều là sức căn lành của lòng Từ (Từ thiện căn lực) của Như Lai. Nếu người cúng dượng thì ở đời vị lai, xa lìa tám nạn gặp được chư Phật, gặp Thiện Tri Thức, chẳng mất Tâm thiện, Phước Báo vô biên, mau sẽ xuất ly, chẳng bị sinh tử ràng buộc. Diệu Hạnh như vậy, các ông siêng tăng tu, đừng có phóng dật”.

Bấy giờ, Diệu Tràng Bồ Tát nghe Đức Phật tự nói  chẳng Bát Niết Bàn với Hạnh thâm sâu thời chắp tay cung kính, bạch rằng: “Nay con mới biết Như Lai Đại Sư chẳng Bát Niết Bàn với lưu Xá Lợi lợi ích cho khắp cả chúng sinh, nên thân tâm hớn hở vui thích, khen chưa từng có”

Khi nói Phẩm Thọ Lượng của Như Lai đó thời vô lượng vô số vô biên chúng sinh đều phát Tâm Vô Đẳng Đẳng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Thời bốn Đức Như Lai đột nhiên chẳng hiện. Diệu Tràng Bồ Tát lễ bàn chân của

Đức Phật xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, quay trở về chỗ cũ (bản xứ)

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ NHẤT (Hết)_

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10