KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 10

Phẩm 26: XẢ BỎ THÂN MẠNG

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã vì đại chúng nói về nhân duyên thuở xưa của mười ngàn Thiên tử này, rồi lại bảo thần cây Bồ-đề và các đại chúng rằng:

–Ta ở đời quá khứ, khi thực hành đạo Bồ-tát, chẳng những chỉ bố thí nước và đồ ăn cứu giúp mạng sống của những con cá đó mà còn xả bỏ tấm thân đáng yêu quý của mình nữa! Những nhân duyên như vậy, các ông có thể cùng nhau quan sát!

Bấy giờ, Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, bậc Thiên Thượng Thiên Hạ Tối Thắng Tối Tôn phóng ra trăm ngàn ánh sáng soi khắp các cõi ở mười phương, đầy đủ Nhất thiết trí, công đức viên mãn… cùng các Tỳ-kheo và đại chúng đến làng Bát-già-la, vào trong một khu rừng. Đất rừng ấy bằng phẳng, không có gai gốc, hoa đẹp, cỏ mềm trải khắp nơi. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan-đà rằng:

–Ông hãy bày tòa ngồi cho ta nơi gốc cây này!

Ngài A-nan-đà vâng lời, bày tòa xong liền bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tòa ngồi đã bày xong! Kính thỉnh Thế Tôn an tọa!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền lên tòa, ngồi kiết già, thân ngay thẳng chánh niệm, bảo các Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo! Các ông muốn thấy xá-lợi của ta khi ta làm Bồ-tát tu khổ hạnh thuở xưa không?

Các Tỳ-kheo thưa:

–Chúng con rất muốn thấy!

Đức Thế Tôn liền dùng cánh tay tướng tốt trăm phước trang nghiêm vỗ xuống đất nơi ấy. Tức thời, đất đai chấn động sáu cách liền nứt toạt ra, một ngôi tháp bảy báu vọt ra với lưới báu trang nghiêm ở bên trên. Đại chúng thấy vậy rồi, sinh lòng hy hữu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền đứng dậy, đảnh lễ, đi nhiễu quanh bên phải tháp, rồi trở lại tòa ngồi, bảo A-nan-đà rằng:

–Ông hãy mở cửa tháp này ra!

A-nan-đà liền mở cửa ngôi tháp ấy, nhìn thấy cái hộp bảy báu được trang trí tuyệt đẹp, bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn! Có cái hộp bảy báu được trang trí bằng nhiều châu báu!

Đức Phật bảo:

–Ông hãy mở hộp ra!

Ngài A-nan-đà vâng lời, mở ra, thấy có xá-lợi trắng như ngọc kha tuyết, như hoa Câu-vật-đầu, liền bạch Đức Phật rằng:

–Thưa, trong hộp có xá-lợi màu sắc đẹp lạ thường!

Đức Phật nói:

–Này A-nan-đà, ông có thể mang xương của vị Đại sĩ này lại!

A-nan-đà liền lấy xương ấy dâng lên Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận rồi, bảo các vị Tỳ-kheo rằng:

–Các ông hãy quan sát xá-lợi của Bồ-tát tu khổ hạnh để lại đi!

Rồi Đức Phật nói lời tụng rằng:

Tuệ Bồ-tát tương ứng phước đức
Tinh cần dũng mãnh sáu độ đủ
Vì Bồ-đề, thường tu chẳng dứt
Không mệt, chẳng bỏ tâm kiên cố.

Này các Tỳ-kheo! Các ông đều nên lễ kính thân xưa của Bồ-tát! Xá-lợi này mới chính là sự xông ướp hương thơm của vô lượng hương giới, hương định, hương tuệ, là ruộng phước tối thượng rất khó gặp gỡ!

Các Tỳ-kheo và đại chúng đều chí tâm chắp tay cung kính đảnh lễ xá-lợi, khen chưa từng có! A-nan-đà đảnh lễ dưới chân Đức Phật, bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Đại Sư vượt lên trên tất cả, được sự cung kính của các loài hữu tình thì vì nhân duyên gì mà Thế Tôn đảnh lễ xương cốt này?

Đức Phật bảo:

–Này A-nan-đà, ta nhờ cốt xương này mà mau thành tựu được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì báo ân xưa nên hôm nay ta đảnh lễ!

Đức Phật lại bảo A-nan-đà:

–Ta nay vì ông và các đại chúng đoạn trừ nghi hoặc mà nói về nhân duyên thuở xưa của xá-lợi này. Các ông hãy khéo suy nghĩ, một lòng lắng nghe!

A-nan-đà bạch:

–Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con rất muốn nghe! Nguyện xin Phật vì chúng con mà giảng nói:

–Này A-nan-đà, thuở quá khứ có một vị quốc vương tên là Đại Xa, giàu có, nhiều của cải, kho tàng đầy ắp, quân binh dũng mãnh, mọi người khâm phục, thường dùng chánh pháp để giáo hóa dân chúng, nhân dân đông đúc, không có oán địch. Hoàng hậu của vua sinh ba người con, dung mạo khôi ngô, mọi người đều ưa nhìn. Thái tử tên là Ma-ha Ba-la, kế đến tên là Ma-ha Đề-bà, người con út tên là Ma-ha Tát-đỏa. Lúc đó, vị đại vương vì muốn dạo chơi ngắm cảnh núi rừng nên ba vị vương tử ấy cũng đều đi theo. Vì tìm hoa quả nên họ bỏ xa cha, đi lại cùng khắp, đến khu rừng trúc lớn, trong lúc dừng nghĩ, thái tử nói như vầy: “Ngày hôm nay ở trong rừng này, lòng ta rất kinh hoàng! Chắc sẽ có thú dữ tổn hại đến ta.” Vương tử thứ hai nói: “Ta đối với thân mình không tham tiếc, chỉ sợ đối với sự yêu thương phải có khổ biệt ly.” Vương tử thứ ba bạch với hai anh rằng:

Đây là chỗ ở của thần tiên
Ta không kinh sợ buồn ly biệt
Khắp cả thân tâm đều hoan hỷ
Sẽ được các công đức thù thắng.

Các vị vương tử đều nói việc suy nghĩ của lòng mình rồi tiếp tục đi về trước, thấy có một con hổ sinh bảy hổ con vừa trải qua bảy ngày, các hổ con vây quanh, đang bị đói khát bức ngặt, thân hình gầy yếu, chẳng lâu nữa sẽ bị chết. Vị vương tử thứ nhất nói rằng: “Thương thay! Con hổ này sinh đã bảy ngày, bảy con vây quanh, nên không thể đi tìm đồ ăn, bị đói khát bức ngặt, nhất định sẽ quay lại ăn thịt con.” Vương tử Tát-đỏa hỏi rằng: “Con hổ này thường ăn vật gì?” Vương tử thứ nhất đáp rằng:

Hổ, báo, sói, sư tử
Chỉ ăn máu thịt tươi
Không uống ăn gì khác
Có thể đỡ yếu gầy.

Vị vương tử thứ hai nghe lời nói này rồi, nói rằng: “Con hổ này gầy yếu, bị đói khát bức ngặt, mạng sống không còn được bao lâu thì chúng ta làm sao có thể vì nó tìm đồ ăn thức uống khó được như vậy. Ai lại có thể vì nó tự bỏ thân mạng mà cứu giúp sự đói khổ ấy?” Vị vương tử thứ nhất nói rằng: “Tất cả sự khó bỏ không gì hơn thân mình.” Vương tử Tát-đỏa nói: “Chúng ta hôm nay đối với thân mình đều sinh tâm luyến ái, lại không trí tuệ nên chẳng thể đối với người khác làm điều gì lợi ích. Nhưng có bậc Đại sĩ có lòng đại Bi thường vì lợi tha mà quên thân cứu giúp vật.” Chàng lại nghĩ rằng: “Thân này của ta hàng trăm ngàn đời nay là rỗng không, bỏ đi, hoại rữa, không hề ích lợi gì, sao hôm nay chẳng thể xả bỏ như nhổ bỏ nước dãi để cứu giúp đói khổ.” Các vị vương tử bàn luận xong, đều khởi lên lòng Từ, nghĩ ngợi xót thương, cùng nhau quan sát con hổ gầy yếu, mắt chẳng tạm rời, bồi hồi lúc lâu, rồi đều bỏ đi. Bấy giờ, vương tử Tátđỏa liền khởi lên ý niệm này: “Ta xả bỏ thân mạng, hôm nay chính là lúc! Vì sao? Vì:

Ta giữ thân này từ lâu lắm
Bẩn hôi mũ chảy chẳng đáng yêu
Cung cấp đồ dùng, sự ăn mặc
Voi ngựa, xe cộ và của cải
Thân thể vô thường, pháp biến hoại
Hằng cầu khó được, khó giữ gìn
Tuy cung dưỡng nhưng oán hại
Cuối cùng bỏ ta, chẳng biết ân.

Lại nữa, thân này chẳng bền, đối với ta vô ích, đáng sợ như giặc, chẳng sạch như phân. Hôm nay ta sẽ khiến cho thân này tu hành nghiệp rộng lớn, ở trong biển sinh tử làm chiếc thuyền lớn, từ bỏ ra khỏi luân hồi. Chàng lại nghĩ rằng: “Nếu ta xả bỏ thân này tức là xả bỏ vô lương bệnh dữ ung thư, trăm ngàn sợ hãi! Thân này chỉ có đại, tiểu tiện lợi, chẳng bền, như bọt nước, chỗ tập trung của các loài trùng, do mạch máu, gân xương… cùng nối liền nhau rất đáng chán ngại! Vậy nên ta nay cần phải xả bỏ để cầu Niết-bàn Vô thượng hoàn hảo, vĩnh viễn lìa khỏi sự sợ hãi lo buồn vô thường, khổ não, chấm dứt sinh tử, cắt đứt các trần lụy, dùng sức định tuệ huân tu viên mãn, trăm phước trang nghiêm thành Nhất thiết trí, Pháp thân vi diệu được chư Phật khen ngợi, đã chứng đắc rồi thì thí cho các chúng sinh vô lượng pháp lạc.” Lúc đó, vương tử phát thệ nguyện dũng mãnh rộng lớn, niệm đại Bi càng tăng thêm. Nghĩ đến hai người anh chàng lo sợ, lòng khó xử mà chẳng đạt kết quả việc mình muốn thực hành, vương tử liền thưa: “Hai anh đi trước, còn em sẽ đi sau.” Bấy giờ, vương tử Tát-đỏa trở vào trong rừng, đến chỗ con hổ kia, cởi bỏ quần áo, mắc lên cành trúc, rồi thề rằng:

Ta vì pháp giới, các chúng sinh
Chỉ cầu đạo Bồ-đề vô thượng
Khởi tâm đại Bi, không dao động
Xả bỏ thân phàm phu ưa thích
Bồ-đề không lo, không phiền não
Niềm vui của những người có trí
Chúng sinh ba cõi khổ mênh mông
Ta nay cứu vớt khiến an lạc.

Lúc đó, vương tử nói lời này rồi, để thân nằm yên trước hổ đói. Nhưng do uy lực từ bi của Bồ-tát nên con hổ không thể làm gì. Bồ-tát thấy vậy liền lên núi cao gieo mình xuống đất, nhưng các thần tiên đỡ lấy vương tử nên không bị thương tổn. Vương tử lại nghĩ: “Hổ đã gầy yếu chẳng thể ăn thịt được ta.” Ông liền đứng dậy tìm dao, rốt cuộc cũng chẳng thể được, nên liền dùng tre khô đâm vào cổ cho chảy máu, rồi tiến gần đến bên hổ. Lúc đó, đại địa chấn động sáu cách như gió tuông, nước trào, chìm đắm chẳng yên, mặt trời không ánh sáng giống như chướng La-hầu, các phương bóng tối bao phủ không còn ánh sáng nữa, trời mưa nhiều hoa quý và bột thơm vi diệu rơi xuống đầy khắp trong rừng. Bấy giờ, trong hư không, có các Thiên chúng thấy việc này rồi, tâm rất tùy hỷ, khen chưa từng có, đều cùng khen rằng: “Hay thay! Bậc Đại sĩ.” Rồi liền nói kệ:

Đại sĩ cứu giúp, khởi tâm Bi
Nhìn chúng sinh bình đẳng như con
Dũng mãnh, hoan hỷ, không tham tiếc
Xả thân cứu khổ, phước khó bàn
Nhất định đạt chân thường thù thắng
Lìa hẳn sinh tử, các buộc ràng
Chẳng lâu sẽ đạt Đạo Bồ-đề
Lạc an, tịch tịnh ngộ vô sinh.

Lúc đó, cọp đói đã thấy cổ Bồ-tát chảy máu, liền liếm và ăn thịt cho đến hết, chỉ còn lại xương. Bấy giờ, vương tử thứ nhất thấy đất chấn động, bảo người em thứ rằng:

Sông núi, đất đai đều chấn động
Các phương tối, mặt trời không sáng
Hoa trời rơi đầy khắp hư không
Nhất định em ta bỏ thân tướng.

Vị vương tử thứ hai nghe anh nói, liền nói kệ:

Ta nghe lời Tát-đỏa Từ bi
Thấy hổ đói kia thân yếu gầy
Sợ nó ăn con vì đói khổ
Ta nghi em đã bỏ thân rồi.

Hai vị vương tử vô vùng buồn khổ, khóc lóc thở than, liền cùng theo nhau trở lại chỗ con hổ, thấy quần áo của em ở trên cành trúc, hài cốt và tóc tại chỗ dọc ngang, máu chảy thành bùn thấm bẩn cả đất. Thấy rồi ngất đi, không còn tỉnh táo, gieo thân mình lên xương, hồi lâu mới tỉnh lại, họ liền đưa tay lên khóc thương thảm thiết, rồi cùng than rằng:

Dung mạo em tuấn tú
Cha mẹ rất yêu thương
Sao cùng nhau đi dạo
Mà chẳng về, bỏ thân
Nếu khi cha mẹ hỏi
Chúng ta đáp sao đây
Thà nên cùng bỏ mạng
Còn hơn giữ thân mình

Hai vương tử buồn khóc áo não, bỏ đi. Những tùy tùng của hoàng tử út nói với nhau rằng: “Vương tử ở đâu? Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm!”

Bấy giờ, hoàng hậu ngủ trên lầu cao, bà nằm mơ thấy tướng chẳng lành, bị cắt hai vú, răng bị rụng, có ba con chim bồ câu mà một con bị chim ưng bắt, hai con bị kinh sợ. Khi động đất, phu nhân liền thức dậy, lòng rất sầu não, nói lời như vầy:

Vì sao hôm nay đất chấn động
Chấn động cả sông núi cây rừng
Mặt trời không sáng như che phủ
Khi mắt nháy, vú động lạ thường
Lòng như tên bắn, ưu khổ bức
Khắp thân rúng động không yên ổn
Giấc mơ của ta, điềm chẳng tốt
Ắt có điều tai biến không thường.

Hai vú của hoàng hậu bỗng nhiên chảy ra sữa, bà nghĩ điều này nhất định có việc khác lạ. Có thị nữ nghe người ngoài nói rằng, tìm kiếm vương tử đến nay còn chưa được, lòng rất kinh sợ, liền vào trong cung, thưa với hoàng hậu rằng: “Thưa nương nương! Nương nương có biết không? Bên ngoài nghe nhiều người đi khắp nơi tìm kiếm vương tử, tìm khắp mà chẳng được.” Hoàng hậu nghe rồi, vô cùng lo buồn, nước mắt lưng tròng, đi đến chỗ vị đại vương tâu rằng: “Thưa đại vương! Thiếp nghe người ngoài nói như vầy, đã mất đứa con yêu quý nhỏ nhất của thiếp rồi.” Nhà vua nghe lời này rồi, kinh hoàng, thất sắc, nghẹn ngào nói: “Khổ thay! Hôm nay ta đã mất đứa con yêu.” Nhà vua liền gạt nước mắt an ủi dỗ dành hoàng hậu, bảo rằng: “Này Hiền thê! Nàng chớ lo buồn! Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm kiếm đứa con yêu.” Nhà vua cùng đại thần và các dân chúng liền cùng nhau ra khỏi thành, mọi người phân tán đi khắp nơi tìm kiếm. Không lâu sau, có một đại thần tâu vua rằng: “Nghe nói các vương tử còn sống, xin bệ hạ chớ lo buồn. Vương tử nhỏ nhất thì hiện nay chưa tìm thấy.” Nhà vua nghe nói, buồn than rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Mất đứa con yêu quý của ta.

Khi mới có con, ít vui mừng
Sau khi mất con, nhiều lo khổ
Nếu khiến con ta được sống lại
Dù mất thân ta chẳng thấy khổ.

Hoàng hậu nghe rồi, buồn khổ đau đớn như bị trúng tên, bà than rằng:

Con ta ba đứa và tùy tùng
Cùng nhau đi dạo ở trong rừng
Con yêu nhỏ nhất chẳng trở lại
Nhất định có việc gặp tai ương.

Thứ đến, người bề tôi thứ hai đi đến chỗ nhà vua. Nhà vua hỏi người bề tôi: “Con yêu của ta ở đâu?” Vị đại thần thứ hai khóc lóc áo não, miệng nghẹn ngào, lưỡi khô cứng chẳng thể nói lời đáp lại. Phu nhân hỏi rằng:

Con út ta đâu? Hãy báo nhanh!
Thân ta phiền não cháy khắp cùng
Mê man buồn loạn, mất bản tâm
Chớ khiến ngực ta bị vỡ tan.

Vị đại thần thứ hai đem việc vị vương tử xả thân tâu đầy đủ cho nhà vua biết. Nhà vua và hoàng hậu nghe rồi, vô cùng bi thương nghẹn ngào, trông về chỗ xả thân, cho xa giá đi về phía trước. Đi tới chỗ rừng trúc, đến vùng đất xả thân của Bồ-tát, nhìn thấy hài cốt lăn lóc khắp nơi, vua và hoàng hậu gieo mình xuống đất, ngất đi sắp chết như gió mạnh thổi ngã cây đại thọ, tâm ý mê loạn, không còn biết gì nữa. Các vị đại thần dùng nước tưới khắp người vua và hoàng hậu, hồi lâu mới tỉnh lại, đưa tay lên mà gào khóc, than rằng: Họa thay! Con yêu tướng khôi ngô Do đâu khổ chết đến trước tiên? Nếu ta được thay con chết trước Đâu thấy việc khổ xé lòng này.

Bấy giờ, hoàng hậu hơi bớt mê man, đấu tóc rối bù, hai tay đấm ngực, lăn lộn dưới đất như cá lên mặt đất, như trâu mất con, buồn khóc nói rằng:

Con ta ai giết hại
Mà trên đất xương còn?
Con ta yêu đã mất
Thật đau đớn, lo buồn
Khổ thay! Ai giết con?
Đem đến việc ưu phiền
Lòng chẳng phải kim cang
Làm sao mà chẳng vỡ?
Điều ta thấy trong mơ:
Hai vú đều bị cắt
Tất cả răng đều rụng
Bị khổ đau lớn này.
Mộng thấy ba chim câu
Một bị chim ưng bắt
Thì nay mất con yêu
Tướng ác, chẳng sai chạy.

Bấy giờ, vị đại vương và hoàng hậu cùng hai con đau buồn khóc lóc thảm thiết, chuỗi ngọc chẳng mang, cùng với mọi người cùng nhau thu nhặt xá-lợi thân còn lại của Bồ-tát và đặt trong tháp để cúng dường. Này A-nan-đà! Các ông nên biết, đây chính là xálợi của Bồ-tát. Này A-nan-đà! Đức Phật lại bảo ta thuở xưa, tuy còn đủ phiền não, tham, sân, si… nhưng có thể ở trong… năm đường địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh; tùy duyên cứu giúp khiến tất cả được giải thoát. Huống gì hôm nay, phiền não đều hết, không còn tàn dư, hiệu Thiên Nhân Sư, đủ Nhất thiết trí mà ta chẳng thể vì mỗi một chúng sinh qua nhiều kiếp ở trong địa ngục và những chỗ khác, thay thế chúng sinh chịu đủ các khổ, khiến cho họ ra khỏi sinh tử phiền não luân hồi ư?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại ý nghĩa này nên nói kệ:

Ta nhớ đời quá khứ
Vô số kiếp không lường
Hoặc khi làm vương tử
Hoặc lại làm quốc vương
Thường hành bố thí lớn
Và bỏ thân yêu quý.
Nguyện ra khỏi sinh tử
Đến đạo tràng Bồ-đề.
Thuở xưa có nước lớn
Quốc vương tên Đại Xa
Vương tử tên Dũng Mãnh
Bố thí không tham tiếc
Hai anh của vương tử
Hiệu Đại cừ, Đại thiên
Ba người cùng dạo chơi
Lần đến chỗ núi rừng.
Thấy cọp bị đói khát
Liền khởi tâm như vầy:
Hổ bị lửa đói đốt
Không có gì để ăn.
Đại sĩ thấy như thế
Sợ hổ sắp ăn con
Bỏ thân không nuối tiếc
Cứu con chẳng tổn thương.
Đất đai và các núi
Đồng thời đều chấn động
Sông biển đều cuồn cuộn
Sóng sợ, nước ngược dòng
Trời đất mất ánh sáng
Tối tăm không thấy gì,
Các cầm thú, rừng hoang
Bay, chạy mất chỗ nương.
Hai anh sợ chẳng về
Rất lo buồn, thương xót
Liền cùng các tùy tùng
Tìm kiếm khắp núi rừng
Anh em cùng bàn bạc
Quay lại chỗ rừng sâu
Nhìn khắp chẳng thấy gì
Thấy cọp còn tại rừng.
Bảy con cùng cọp mẹ
Miệng chúng còn dính máu
Xương tàn cùng với tóc
Vương vải khắp mặt đất
Lại thấy có máu chảy
Lan khắp chỗ rừng cây.
Hai anh đã nhìn thấy
Lòng vô cùng kinh hoàng
Ngất xỉu lăn ra đất
Mê man chẳng hay biết.
Thân họ lắm bụi đất
Sáu căn đều loạn động
Tùy tùng của vương tử
Gào khóc lòng buồn rầu.
Rưới nước cho tỉnh lại
Giơ tay gào khóc than.
Khi Bồ-tát bỏ thân
Thì hoàng hậu trong cung
Cùng năm trăm thể nữ
Đang cùng nhau vui vẻ
Hai vú của hoàng hậu
Bỗng nhiên sữa chảy ra
Khắp thân như kim chích
Đau khổ chẳng thể yên
Sinh ý tưởng mất con
Mũi tên lo đâm lòng
Liền thưa đại vương biết
Trình bày việc khổ phiền
Buồn khóc khó cầm lòng
Thảm thiết tâu vua rằng:
Đại vương nay phải biết,
Thiếp vô cùng khổ phiền
Hai vú bỗng chảy sữa
Không làm sao ngăn được
Khắp thân như kim chích
Lo sợ ngực vỡ tung.
Thiếp trước mộng điềm ác
Ắt sẽ mất con yêu
Xin vua cứu mạng thiếp
Biết con còn hay mất.
Ba chim câu mơ thấy
Chim nhỏ là con út
Bỗng bị chim ưng bắt
Sầu bi khó trình bày
Thiếp chìm biển lo âu
Chẳng lâu, chắc sẽ chết
Sợ con chẳng toàn mạng
Nguyện ngài mau tìm kiếm!
Lại nghe người ngoài nói
Con út tìm chẳng thấy
Trong lòng thiếp chẳng yên
Xin bệ hạ thương xót
Hoàng hậu thưa vua xong
Toàn thân lăn ra đất
Lòng buồn đau tột cùng
Mê man, chẳng hay biết.
Tỳ nữ thấy hoàng hậu
Ngất xỉu ngã xuống đất
Đều cùng nhau khóc lớn
Lo lắng mất chỗ dựa.
Vua nghe lời nói trên
Càng lo âu, rối rắm
Nhân đó lệnh quần thần
Đi tìm kiếm hoàng tử.
Họ đều ra khỏi thành
Đi tìm kiếm khắp nơi
Khóc lóc, hỏi mọi người:
Vương tử nay ở đâu?
Hôm nay mất hay còn
Chỗ ngài đi ai biết
Làm sao ta được thấy
Thì lòng hết lo buồn
Mọi người cùng truyền nhau
Đều nói vương tử chết.
Ai nghe cũng tiếc thương
Buồn than, khổ khó dứt.
Bấy giờ, vua Đại Xa
Buồn kêu khóc đứng dậy
Liền đến chỗ hoàng hậu
Lấy nước rưới thân bà
Hoàng hậu nhờ như vậy
Hồi lâu mới tỉnh dậy
Buồn khóc mà hỏi vua:
Con thiếp còn hay không?
Vua bảo hoàng hậu rằng:
Ta đã sai mọi người
Tìm con khắp bốn phương
Còn chưa có tin tức!
Vua lại bảo hoàng hậu
Nàng đừng quá não phiền
Nên tự an ủi mình
Cùng ta đi tìm kiếm!
Vua liền cùng hoàng hậu
Lên xa giá lên đường
Tiếng kêu gào thê lương
Lòng lo như lửa cháy.
Trăm ngàn vạn sĩ, dân
Cũng ra thành theo vua
Muốn tìm con của vua
Tiếng bi thương chẳng dứt.
Vua vì tìm con yêu
Mắt nhìn khắp bốn phương
Thấy có một người đến
Máu thấm tóc, quần áo
Toàn thân lấm đầy bụi
Buồn khóc đang đi đến.
Vua thấy tướng chẳng lành
Càng tăng thêm lo buồn
Vua đưa hai tay lên
Kêu thương không thể dứt.
Có một vị đại thần
Vội vàng đến chỗ vua
Và tâu rằng: “Đại vương!
Xin Ngài chớ buồn tiếc
Đứa con yêu của Ngài
Nay tuy tìm chưa được
Chẳng lâu sẽ tìm ra!”
Để an ủi đại vương
Vua lại tiến lên trước
Tiếp thấy đại thần đến
Đại thần tới chỗ vua
Rơi nước mắt tâu rằng:
Hai vương tử hiện còn
Bị lửa lo bức ngặt
Con thứ ba của vua
Đã bị vô thường cướp
Thấy cọp đói mới sinh
Sắp muốn ăn con nó.
Vương tử Tát-đỏa thấy
Liền khởi lòng đại Bi
Nguyện cầu đạo Vô thượng
Sẽ độ mọi chúng sinh.
Chánh niệm về Bồ-đề
Rộng lớn sâu như biển
Liền lên trên đỉnh núi
Gieo thân trước cọp đói
Cọp yếu chẳng ăn được,
Dùng tre cứa cổ mình
Cọp liền ăn vương tử
Chỉ còn lại phần xương
Khi vua và hoàng hậu
Nghe rồi liền ngất luôn
Lòng chìm biển buồn đau
Lửa phiền não thiêu đốt.
Thần đem nước chiên-đàn
Rưới lên vua, hoàng hậu
Tỉnh dậy khóc thảm thương
Giơ tay đấm ngực mình.
Đại thần thứ ba đến
Tâu lên đức vua rằng:
Thần thấy hai vương tử
Ngất xỉu ở trong rừng
Thần dùng nước lạnh rưới
Vừa mới tỉnh lại xong.
Quay nhìn khắp bốn phương
Như lửa mạnh khắp nơi
Đã đứng lên, hồi phục
Gào khóc rất bi thương
Giơ tay, lời bi thiết:
Khen em, thật hiếm có!
Vua nghe nói như vậy
Lửa lo buồn tăng thêm
Hoàng hậu gào khóc lớn
Gào lớn tiếng như vầy:
Con nhỏ mà ta yêu thương nhất
Đã bị La-sát vô thường nuốt
Nay chỉ còn lại có hai con
Lại bị lửa lo buồn thiêu đốt
Ta phải mau đến dưới chân núi
An ủi khiến mạng chúng bảo toàn!
Liền lên xa giá, về phía trước
Một lòng đến chỗ con bỏ thân.
Trên đường gặp hai con khóc lóc
Đấm ngực áo não, dáng tiều tụy
Cha mẹ nhìn thấy càng buồn thương
Đều đến rừng núi chỗ bỏ thân.
Đã đến đất Bồ-tát xả thân
Khóc lóc bi thương, rất khổ sở
Cởi bỏ chuỗi ngọc, tỏ lòng thương
Thâu nhặt xương cốt thân Bồ-tát
Cùng mọi người xây tháp bảy báu
Để cùng lễ bái và cúng dường
Đem xá-lợi đó đặt trong hộp
Lên xa giá, đau buồn về cung.
Phật lại bảo A-nan:
Ông Tát-đỏa thuở xưa
Đó chính là thân ta
Đừng nghĩ là ai khác
Vua là Tịnh Phạn vương
Mẫu hậu là Ma-gia
Thái tử là Từ Thị
Thứ: Mạn-thù-thất-lị
Cọp là Đại Thế chủ
Năm con, năm Tỳ-kheo
Một là Đại Mục-liên
Một là Xá-lợi-phất.
Ta vì các ông nói
Nhân duyên lợi tha xưa
Như vậy hạnh Bồ-tát
Nên học nhân thành Phật
Bồ-tát khi xả thân
Phát nguyện lớn như vầy:
Nguyện xương thân ta còn
Đời sau lợi chúng sinh.
Đây là chỗ xả thân
Ngôi tháp bằng bảy báu
Trải thời gian không lường
Nên chìm sâu trong đất.
Do lực xưa thề nguyền
Tùy duyên nổi, cứu độ
Vì lợi ích trời người
Từ đất mà vọt lên.

Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn nói nhân duyên thuở xưa, vô lượng, vô số trời, người, đại chúng đều rất bi hỷ khen chưa từng có, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Phật lại bảo thần cây rằng:

–Ta vì báo ân nên đảnh lễ cung kính!

Đức Phật thu thần lực lại, ngôi tháp ấy trở lại biến mất vào trong đất.

 

Phẩm 27: BỒ-TÁT ĐƯỢC MƯỜI PHƯƠNG TÁN THÁN

Bấy giờ, khi Như Lai Đức Thích-ca Mâu-ni nói kinh này, ở thế giới mười phương có vô lượng trăm ngàn vạn ức các Bồ-tát đều từ cõi nước của mình đi đến núi Thứu phong. Tới chỗ Đức Thế Tôn, năm vóc sát đất, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi một lòng chắp tay, đồng thanh khen ngợi:

Thân Phật vi diệu màu vàng ròng
Ánh sáng chiếu khắp như núi vàng
Như hoa sen thanh tịnh mềm mại
Vô lượng ánh sáng đẹp rực rỡ!
Ba mươi hai tướng khắp trang nghiêm
Tám mươi vẻ đẹp đều viên mãn
Ánh sáng tỏa chiếu không ai bằng
Thanh tịnh như trăng rằm sáng tỏ
Tiếng Phật trong suốt rất vi diệu
Như sư tử rống tiếng rền vang
Tám loại vi diệu, ứng căn cơ
Hơn hẳn tiếng Ca-lăng-tần-già
Diệu tướng trăm phước tự trang nghiêm
Ánh sáng đầy đủ, rất thanh tịnh.
Trí tuệ lắng sáng như biển cả
Công đức rộng lớn như hư không
Hào quang chiếu sáng cõi mười phương
Tùy duyên cứu giúp các hữu tình.
Phiền não, ái nhiễm… đều trừ hết
Luôn thắp đuốc pháp chẳng nghỉ dừng
Xót thương, lợi ích các chúng sinh
Hiện tại, vị lai ban an lạc
Thường vì tuyên nói Đệ nhất nghĩa
Khiến chứng chân tịch tịnh Niết-bàn.
Phật nói pháp cam lộ thù thắng
Ban cho nghĩa cam lộ vi diệu
Dẫn vào thành Niết-bàn cam lộ
Khiến được vui vô vi cam lộ.
Thường ở trong biển cả sinh tử
Giải thoát khổ tất cả chúng sinh
Khiến họ được ở đường yên ổn
Luôn ban vui như ý, khó bàn!
Biển Đức Như Lai rất sâu rộng
Chẳng thể thí dụ mà biết được!
Thường khởi đại Bi đối chúng sinh
Tinh tấn, phương tiện, luôn chẳng dừng.
Biển trí Như Lai không bờ bến
Tất cả trời, người cùng suy lường
Giả sử trong ngàn vạn ức kiếp
Chẳng thể được biết một ít phần.
Con nay lược khen công đức Phật
Chỉ một giọt trong biển Đức Phật!
Hồi hướng phước ấy cho chúng sinh
Nguyện quả Bồ-đề mau chứng thành!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Bồ-tát rằng:

–Hay thay! Hay thay! Các ông có thể khéo léo khen ngợi công đức của Phật, lợi ích cho hữu tình, thực hành các việc Phật rộng rãi, có thể diệt các tội, sinh ra vô lượng phước.

 

Phẩm 28: BỒ-TÁT DIỆU TRÁNG KHEN NGỢI

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng liền đứng dậy, sửa lại áo vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật khen ngợi rằng:

Mâu-ni tướng trăm phước viên mãn
Vô lượng công đức tự trang nghiêm
Rộng lớn, thanh tịnh người ưa nhìn
Giống như ánh sáng ngàn mặt trời
Chói lọi vô biên, sáng rực rỡ
Như nhiều châu báu, tướng trang nghiêm
Như mặt trời mọc ánh lên không
Hồng, trắng rõ ràng, xen sắc vàng
Như ánh sáng vàng soi chiếu
Có thể khắp cùng trăm ngàn cõi
Diệt vô lượng khổ chúng sinh
Ban vô biên an lạc thắng diệu
Các tướng đầy đủ đều nghiêm tịnh
Chúng sinh ưa nhìn, không nhàm chán
Đầu tóc mềm mại, màu xanh biếc
Như trên hoa đẹp nhiều ong đen
Thanh tịnh, trang nghiêm, đại Hỷ, Xả
Đại Từ, đại Bi đều đầy đủ
Tướng tốt vi diệu tự trang nghiêm
Thành tựu nhờ pháp phần Bồ-đề
Như Lai ban cho nhiều phước lợi
Khiến họ thường được an lạc lớn.
Các đức vi diệu cùng trang nghiêm
Ánh sáng soi khắp ngàn muôn cõi
Ánh sáng Như Lai rất viên nãm
Như mặt trời sáng khắp hư không
Phật như Tu-di công đức đủ
Hay thị hiện khắp cùng mười phương
Kim khẩu Như Lai đẹp trang nghiêm
Răng trắng, đều, kín như ngọc tuyết.
Nét mặt Như Lai không ai bằng
Tướng bạch hào xoay về bên phải
Sáng thuần tươi trắng, như pha lê
Giống như trăng rầm giữa hư không.

Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng:

–Ông có thể khen ngợi công đức của Phật chẳng thể nghĩ bàn như vậy, làm lợi ích cho tất cả, khiến cho những người chưa biết đều thuận theo tu học.

 

Phẩm 29: THẦN CÂY BỒ-ĐỀ KHEN NGỢI

Bấy giờ, thần cây Bồ-đề cũng dùng kệ khen ngợi Đức Thế Tôn rằng:

Kính lễ Như Lai Tuệ thanh tịnh
Kính lễ tuệ thường cầu chánh pháp
Kính lễ tuệ xa lìa phi pháp
Kính lễ tuệ luôn không phân biệt
Hy hữu Thế Tôn vô biên hạnh
Hy hữu khó thấy như Ưu-đàm
Hy hữu như biển trấn núi chúa
Hy hữu Thiện Thệ sáng vô lượng
Hy hữu Điều Ngự nguyện Từ lớn
Hy hữu dòng Thích hơn mặt trời
Giảng nói kinh điển quý báu này
Thương xót lợi ích cho quần sinh
Mâu-ni Tịch Tịnh, các căn định
Nhập vào thành Niết-bàn tịch tịnh
An trụ môn Thiền định tịch tịnh
Biết rõ cảnh giới sâu tịch tịnh
Đấng Lưỡng Túc Tôn trụ Tịch không.
Thân đệ tử Thanh văn cũng không
Thể tính tất cả pháp đều không
Tất cả chúng sinh đều không tịch
Con thường nhớ nghĩ các Thế Tôn
Con thường ưa thấy các Đức Phật
Con thường phát khởi lòng ân cần
Thường được gặp gỡ mặt trời Phật
Con thường đảnh lễ đấng Thế Tôn
Nguyện luôn khát ngưỡng, lòng chẳng bỏ
Buồn khóc rơi lệ, không gián đoạn
Thường được phụng sư, chẳng biết chán
Nguyện sinh Thế Tôn khởi tâm Bi
Cho con thấy dung nhan hòa dịu
Phật và Thanh văn chúng thanh tịnh
Nguyện thường cứu giúp khắp trời, người
Thân Phật thanh tịnh như hư không
Như huyễn, dợn nắng, trăng đáy nước
Nguyện nói pháp cam lộ Niết-bàn
Sinh ra tất cả các công đức
Cảnh giới thanh tịnh của Thế Tôn
Từ Bi, chánh hạnh chẳng nghĩ bàn
Thanh văn, Duyên giác chẳng thể lường
Đại tiên Bồ-tát chẳng đo được
Nguyện xin Như Lai thương xót con
Thường cho con thấy thân đại Bi
Ba nghiệp không mệt phùng từ tôn
Mau thoát sinh tử, về chân tế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe lời khen này xong, dùng âm thanh Phạm bảo thần cây rằng:

–Hay thay! Hay thay! Này Thiện nữ thiên! Người có thể đối với Pháp thân thanh tịnh, chân thật không hư dối của ta mà tự lợi, lợi tha tuyên dương tướng vi diệu. Công đức này sẽ khiến cho ngươi mau chứng Bồ-đề vô thượng. Tất cả hữu tình đồng tu tập, nếu ai được nghe đều vào cửa pháp Cam lộ vô sinh.

 

Phẩm 30: THIÊN NỮ ĐẠI BIỆN TÀI KHEN NGỢI

Bấy giờ, Thiên nữ Đại Biện Tài liền đứng dậy, chắp tay cung kính, dùng ngôn từ chính trực, khen ngợi Đức Thế Tôn rằng:

–Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Thân Phật màu vàng ròng, yết hầu như vỏ ốc xoắn, mặt như trăng tròn, mắt như cánh hoa sen, miệng môi đỏ đẹp như màu pha lê, mũi cao, dài, thẳng như cắt đĩnh vàng, răng trắng, đều, kín như hoa Câu vật đầu, ánh sáng nơi thân soi chiếu khắp nơi như trăm ngàn mặt trời, tia sáng ánh lên như vàng Thiệm-bộ, lời nói của Phật không hề sai lầm, chỉ bày ba cửa giải thoát, mở ba đường Bồ-đề, lòng thường thanh tịnh, ý an lạc cũng vậy, chỗ an trụ và cảnh giới tu hành của Đức Phật cũng thường thanh tịnh, lìa những điều chẳng phải oai nghi, tiến, dừng không sai lầm, sáu năm khổ hạnh, ba pháp chuyển luân hóa độ chúng sinh khổ khiến cho họ về đến bờ kia, thân tướng viên mãn như cây Câu-đà, sáu độ huân tu, ba nghiệp không lỗi, đủ Nhất thiết trí, tự lợi, lợi tha viên mãn, lời nói ra thường vì chúng sinh, nói chẳng bịa đặt hư dối, ở trong dòng họ Thích là Đại Sư Tử, kiên cố dũng mãnh đủ tám giải thoát! Con nay theo sức mình xưng tán một phần ít công đức của Như Lai giống như con muỗi uống nước của biển cả! Con nguyện đem phước hồi hướng đến tất cả các loài hữu tình, vĩnh viễn lìa khỏi sinh tử, hướng đến đạo Vô thượng!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo trời Đại Biện Tài rằng:

–Hay thay! Hay thay! Người tu tập đã lâu, đủ đại biện tài, nay lại đối vời ta nói lời khen ngợi, ngươi sẽ được mau chứng pháp môn Vô thượng, tướng tốt ánh sáng viên mãn, làm lợi ích khắp tất cả.

 

Phẩm 31: PHÚ CHÚC

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với khắp vô lượng Bồ-tát, chúng trời, người và tất cả đại chúng rằng:

–Các ông phải biết, ta đã ở vô lượng, vô số đại kiếp, siêng tu khổ hạnh, đạt được pháp sâu xa, nhân chánh Bồ-đề ta đã vì các ông giảng nói! Các ông, ai có thể phát tâm dũng mãnh cung kính giữ gìn? Sau khi ta Niết-bàn, đối với pháp môn này, tuyên nói rộng rãi, lưu truyền khắp nơi có thể khiến cho người chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian?

Bấy giờ, trong chúng có sáu mươi ức các Đại Bồ-tát, sáu mươi ức đại chúng chư Thiên, đồng thanh thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con đều có lòng vui mừng và ưa thích, đối với Đức Phật Thế Tôn ở vô lượng đại kiếp siêng tu khổ hạnh, đã được pháp vi diệu sâu xa, nhân chánh Bồ-đề, chúng con sẽ cung kính hộ trì, chẳng tiếc thân mạng. Sau khi Đức Phật Niết-bàn, đối với pháp môn này, chúng con sẽ tuyên dương rộng rãi, lưu truyền khắp nơi, sẽ khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian.

Bấy giờ, các vị Đại Bồ-tát liền ở trước Đức Phật nói kệ rằng:

Thế Tôn, lời chân thật
An trụ trong pháp thật
Do sự chân thật đó
Nên hộ trì kinh này
Đại Bi áo giáp, mũ
An trụ trong đại Từ
Do lực Từ bi đó
Để giữ gìn kinh này.
Của cải phước viên mãn
Sinh khởi của cải trí
Do tư lương đầy đủ
Để giữ gìn kinh này.
Hàng phục tất cả ma
Phá tan các tà luận
Đoạn trừ các ác kiến
Hộ trì cho kinh này
Hộ thế cùng Thích, Phạm
Cho đến A-tu-la
Long thần và Dược-xoa…
Hộ trì cho kinh này.
Mặt đất và hư không
Người trụ lâu ở đó
Do vâng lời Phật dạy
Hộ trì cho kinh này!
Bốn Phạm trụ tương ưng
Bốn Thánh đế trang nghiêm
Điều phục cả bốn ma
Để hộ trì kinh này
Hư không thành trở ngại
Trở ngại thành hư không
Sự hộ trì của Phật
Không ai lay động được!

Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương nghe Đức Phật nói diệu pháp hộ trì này đều phát tâm hoan hỷ ủng hộ chánh pháp, đồng thanh nói kệ rằng:

Đối với kinh này, con
Và quyến thuộc nam nữ
Đều một lòng ủng hộ
Khiến lưu thông khắp nơi.
Nếu có người trì kinh
Tạo dựng nhân Bồ-đề
Con sẽ ở bốn phương
Phụng sự để ủng hộ.

Bấy giờ, trời Đế Thích chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Chư Phật chứng pháp này
Vì muốn đền ân nên
Lới ích chúng Bồ-tát
Ra đời, nói kinh này
Con đối chư Phật ấy
Thường cúng dường đền ân
Hộ trì kinh như vậy
Và cả người trì kinh.

Bấy giờ, Thiên tử Đổ-sử-đa chắp tay cung kính nói kệ rằng:

Phật nói kinh như vậy
Nếu có người giữ gìn
Sẽ trụ vị Bồ-đề
Sau sinh trời Đâu-suất
Thế Tôn, con vui sướng
Bỏ phước báo cõi trời
Mà xuống Thiệm-bộ châu
Tuyên nói kinh điển này

Bấy giờ, chủ thế giới Ta-bà, Phạm Thiên vương chắp tay cung kính nói kệ rằng:

Các Thiền định không lường
Các thừa và giải thoát
Đều từ kinh này sinh
Vậy, nên nói kinh này
Nếu có chỗ nói kinh
Con bỏ vui trời Phạm
Được nghe kinh như vậy
Và cũng thường ủng hộ.

Bấy giờ, con của ma vương tên là Thương Chủ chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Nếu có người thọ trì
Kinh tương ứng chánh nghĩa
Chẳng theo việc làm ma
Trừ sạch nghiệp ma ác.
Chúng con đối kinh này
Cũng sẽ siêng ủng hộ
Phát tâm đại tinh tấn
Lưu thông kinh khắp nơi!

Bấy giờ, ma vương chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Nếu ai trì kinh này
Điều phục các phiền não
Các chúng sinh như vậy
Ủng hộ khiến an lạc
Nếu ai nói kinh này
Các ma chẳng làm gì
Nhờ uy thần của Phật
Con sẽ ủng hộ họ.

Thiên tử Diệu Cát Tường cũng ở trước Đức Phật nói kệ rằng:

Chư Phật Bồ-đề diệu
Giảng nói trong kinh này
Nếu người trì kinh này
Là cúng dường chư Phật.
Con sẽ thọ trì kinh
Nói cho vô số trời
Người cung kính lằng nghe
Khuyên đến đạo Bồ-đề

Bấy giờ, Bồ-tát Từ Thị chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Nếu thấy trụ Bồ-đề
Cùng là bạn chẳng thỉnh
Cho đến bỏ thân mạng
Vẫn hộ trì kinh này
Con nghe pháp như vầy
Sẽ đến trời Đâu-suất
Được Thế Tôn gia hộ
Giảng nói cho trời, người.

Bấy giờ, Thượng tọa Đại Ca-diếp chắp tay cung kính, nói kệ rằng:

Phật đổi thừa Thanh văn
Nói con trí tuệ giỏi
Con nay tùy sức mình
Hộ trì kinh như vậy.
Nếu có người trì kinh
Con sẽ giúp đỡ họ.
Trao cho lực từ biện
Thường khen ngợi: “Lành thay!”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan-đà chắp tay hướng về Đức Phật nói kệ rằng:

Con được theo Phật nghe
Vô lượng các kinh điển
Chưa từng nghe như vầy
Vua pháp sâu, vi diệu
Con nay nghe kinh này
Được nhận ở trước Phật
Những người ưa Bồ-đề
Con sẽ giảng cho họ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy các Bồ-tát, đại chúng trời, người, mỗi người đều phát tâm không ngừng, ủng hộ kinh điển này, để khuyến tấn Bồ-tát, làm lợi ích rộng rãi cho chúng sinh, Đức Thế Tôn khen rằng:

–Hay thay! Hay thay! Các ông có thế nói với Kinh vương vi diệu, thành kính lưu truyền như vậy, cho đến sau khi ta vào Bát-niếtbàn, chẳng để kinh tản mất chính là nhân chánh Bồ-đề vô thượng đạt được các công đức nói đến các kiếp nhiều như cát sông Hằng cũng chẳng thể hết. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và thiện nam, thiện nữ khác… cúng dường cung kính, ghi chép, lưu truyền, vì người giảng nói thì công đức đạt được cũng như vậy. Vậy nên các ông phải siêng năng tu tập.

Bấy giờ, có vô lượng, vô biên đại chúng nhiều như số cát sông Hằng nghe Đức Phật nói rồi, đều rất hoan hỷ tin nhận phụng hành.

Ghi chú 1:

Sách Phạm kinh này tàng trữ ở hiệp hội Á Tế Á của vua nước Anh lập, so sánh với những bản đang dịch có chỗ khiếm khuyết như Đà-la-ni chẳng còn thì rất nhiều, liền nương theo bản dịch Tây Tạng của Tôn Giáo Đại Học Đồ Thư Quán mà đối chiếu so sánh rút ra. Trong số kinh Kim Quang Minh cất giữ nhiều đó, có hai bộ mà một bộ thật nguyên là bản chữ Hán của ngài Nghĩa Tịnh.

Chúng tôi có hợp liền lạc những chỗ ấy rồi mà vẫn còn xen có khác chút ít xin đọc giả biết cho vậy. (Theo bản của Đại Chánh Tân Tu – Nhật Bản ).

Ghi chú 2:

Những bài chú trong kinh này chúng tôi có căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu ghi lại bằng tiếng Phạm theo mẫu tự La tinh (Người dịch).

 

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10