KINH KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG
Hán dịch: Đời Đại Đường, Tam tạng Sa-môn Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 25: TRƯỞNG GIẢ TỬ LƯU THỦY

Bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề:

–Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, trưởng giả tử Lưu Thủy vào thuở xa xưa, trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang, trị các bệnh khổ của các chúng sinh, khiến cho họ được bình phục, được niềm vui yên ổn. Các chúng sinh do được khỏi bệnh nên tu nhiều phước đức, thực hành bố thí rộng rãi. Do được an vui nên họ liền cùng nhau đi đến chỗ trưởng giả tử, tất cả đều tôn kính thưa: “Hay thay! Hay thay! Ngài

Đại trưởng giả tử khéo có thể làm tăng trưởng các việc phước đức làm tăng thêm cho chúng con sự yên ổn và tuổi thọ! Ngài quả thật là bậc Đại Lực Y vương, bậc Bồ-tát Từ bi, bậc Diệu Nhàn y dược, giỏi chữa trị vô lượng bệnh khổ của chúng sinh!” Cứ như vậy, họ xưng dương, tán thán cùng khắp các thành ấp.

Này Thiện nữ thiên! Vợ của trưởng giả tử tên là Thủy Kiên Tạng, có hai người con, một tên là Thủy Mãn, hai tên là Thủy Tạng. Lúc đó, ông Lưu Thủy đem hai đứa con ấy lần lượt dạo qua các thành ấp, xóm làng, đi qua chỗ rừng sâu núi thẳm thấy các cầm thú thuộc loài ăn thịt như chó sói, chồn, diều hâu… đều chạy, bay về một hướng. Trưởng giả tử nghĩ rằng: “Những loài cầm thú này vì nhân duyên gì mà bay, chạy về một hướng? Ta phải theo đến đó để quan sát!” Ông liền đi theo thì thấy có cái ao lớn tên là Dã Sinh, nước trong ấy sắp hết. Ở trong ao này có rất nhiều cá, ông Lưu Thủy nhìn thấy, phát khởi lòng đại Bi. Có vị thần cây thị hiện một nửa thân hình nói rằng: “Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông có tên thật nghĩa là Lưu Thủy thì hãy thương xót những con cá này, nên cho chúng nước! Có hai nhân duyên tên là Lưu Thủy, một là có thể làm nước chảy, hai là có thể cho nước. Ông nay cần phải theo tên mà làm!” Lúc đó ông Lưu Thủy hỏi thần cây rằng: “Số cá này có bao nhiêu?” Thần cây đáp rằng: “Số tròn mười ngàn.”

Này Thiện nữ thiên! Ông trưởng giả tử nghe con số này rồi thì càng khởi lòng Bi thương bội phần. Cái ao lớn này bị mặt trời thiêu đốt, nước không còn bao nhiêu, mười ngàn con cá đó sắp bị chết, vùng vẫy lung tung, thấy ông trưởng giả, lòng có điều hy vọng nên đuổi theo ngắm nhìn, mắt nhìn không rời. Trưởng giả tử thấy việc vậy rồi, chạy đi bốn phương tìm kiếm dòng nước, nhưng rốt cuộc chẳng thể được. Lai trông về một bên, thấy có cây đại thọ, ông liền leo lên chặt lấy cành lá để làm bóng mát cho đàn cá. Ông lại tìm kiếm nguồn nước trong ao này từ đâu đến? Tìm kiếm mãi thì thấy một dòng sông lớn tên là Thủy Sinh. Bên bờ sông này có những người đánh cá, vì bắt cá nên ở chỗ thượng nguồn của sông, họ tháo bỏ nước chẳng cho chảy xuống ao. Ở chỗ đã tháo, rốt cục rất khó tu bổ, trưởng giả liền nghĩ rằng: “Ven rừng núi cao sâu này, giả sử có trăm ngàn người, trải qua ba tháng làm việc cũng chưa có thể xong, huống là một mình ta mà đủ sức hoàn thành ư?” Trưởng giả tử mau chóng trở về thành cũ, đến chỗ vị đại vương, đầu mặt lễ dưới chân, lui về đứng một phía chắp tay cung kính, thưa: “Tôi vì dân chúng trong cõi nước của đại vương chữa trị các loại bệnh đều khiến cho yên ổn, lần lượt đi đến rừng sâu, thấy có một cái ao tên là Dã sinh, nước ao ấy sắp khô cạn, có mười ngàn con cá bị sự thiêu đốt của mặt trời chẳng bao lâu nữa sẽ bị chết. Nguyện xin Đại vương từ bi mẫn niệm cho hai mươi con voi lớn chở nước đến để cứu mạng những con cá đó như tôi đã đem lại mạng sống của những người bệnh.” Bấy giờ, vị đại vương liền sai vị đại thần tức tốc cho vị thầy thuốc này voi lớn. Vị đại thần đó vâng lệnh vua, thưa với trưởng giả tử rằng: “Hay thay! Hay thay! Thưa Đại sĩ! Nay ngài có thể tự đến trong chuồng voi, tùy ý tuyển chọn lấy hai mươi con voi lớn để làm lợi ích cho chúng sinh, khiến cho chúng được an vui.” Lúc đó, ông Lưu Thủy và hai người con đem hai mươi con voi lớn, lại mượn từ nhà bán rượu nhiều túi bằng da, đi đến chỗ tháo nước, dùng túi da đựng nước cho voi chở đến ao, đổ vào trong ao, nước liền đầy khắp trở lại như cũ. Này Thiện nữ thiên! Ông trưởng giả tử, ở bốn bờ ao, đi giáp vòng mà nhìn. Những con cá kia lại men theo bờ mà đi theo. Trưởng giả tử lại nghĩ rằng: “Những con cá vì sao theo ta mà đi? Nhất định chúng bị sự đói bức ngặt nên lại muốn theo ta để xin thức ăn, ta phải cho chúng.” Bấy giờ, trưởng giả tử Lưu Thủy bảo con mình rằng: “Con chọn lấy một con voi mạnh nhất, mau chóng về nhà, trình bày với trưởng giả cha ta, những đồ vật ăn được có ở trong nhà, cho đến phần ăn của cha mẹ và cả phần của vợ con, nô tỳ đều thâu lấy hết mang đến đây ngay.” Bấy giờ, hai người con vâng lời cha dạy bảo, cưỡi con voi mạnh nhất, mau vội vã về nhà, đến chỗ ông nội, thưa lại những việc như trên và lấy những đồ vật ăn được trong nhà đặt trên lưng voi, vội vàng trở lại chỗ cha, đền bờ ao đó. Lúc đó, ông Lưu Thủy thấy con mình đến, thân tâm rất vui mừng, liền lấy thức ăn tung rải khắp trong ao. Cá được ăn rồi, tất cả đều no đủ. Ông liền nghĩ rằng: “Ta nay bố thí đồ ăn khiến cho cá được toàn mạng, nguyện đến đời sau sẽ bố thí những món ăn pháp cứu giúp đầy đủ vô biên.” Ông lại nghĩ suy: “Ta trước đã từng ở chỗ rừng thanh vắng, thấy một vị Tỳ-kheo tụng kinh Đại thừa, nói pháp cốt yếu sâu xa của mười hai duyên sinh. Lại nữa, trong kinh còn nói, nếu có chúng sinh khi sắp qua đời mà được nghe danh hiệu của Đức Như Lai Bảo Kế thì liền được sinh lên cõi trời. Nay ta phải vì mười ngàn con cá này diễn nói mười hai duyên khởi sâu xa và cũng nên xưng nói danh hiệu Đức Như Lai Bảo Kế. Tuy nhiên, ở Thiệm-bộ châu có hai loại người, một là người tin sâu vào Đại thừa, hai là người chẳng tin, chê bai Đại thừa, nhưng ta cũng phải vì những con cá kia khiến chúng tăng trưởng lòng tin.” Trưởng giả tử lại tự nghĩ như vầy: “Ta vào trong ao, có thể vì tất cả các con cá nói pháp sâu xa vi diệu.” Nghĩ thế rồi, ông liền vào trong nước xướng lên rằng: “Nam-mô quá khứ Bảo Kế Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Đức Phật này thuở xưa khi tu hạnh Bồ-tát đã phát nguyện: Tất cả các chúng sinh ở các cõi khắp mười phương, khi sắp qua đời, được nghe danh hiệu của ta thì sau khi qua đời được sinh lên cõi trời Tam thập tam.” Bấy giờ, ngài Lưu Thủy lại vì đàn cá trong ao diễn nói pháp vi diệu sâu xa như vầy: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh! Đó gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sinh danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não! Cái này diệt nên cái kia diệt! Đó gọi là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử diệt, lão tử diệt thì ưu bi khổ não diệt. Như vậy, các khổ uẩn đều trừ diệt.” Nói pháp này rồi, ông lại vì cá nói Đà-la-ni Mười hai duyên khởi tương ứng rằng:

Đát điệt tha, tỳ chiết nĩ, tỳ chiết nĩ, tỳ chiết nĩ, tăng tắc chỉ nĩ, tăng tắc chỉ nĩ, tăng tắc chỉ nĩ, tỳ nhỉ nĩ, tỳ nhỉ nĩ, tỳ nhỉ nĩ, tá ha, đát điệt tha, na nhị nĩ na nhị nĩ, na nhị nĩ, sát trỉ nĩ, sát trỉ nĩ, sát trỉ nĩ, táp bát lí thiết nĩ, táp bát lí thiết nĩ, táp bát lí thiết nĩ, tá ha, đát điệt tha, bệ đạt nĩ bệ đạt nĩ, bệ đạt nĩ, thất lí sắt nĩ nĩ, thất lí sắt nĩ nĩ, thất lí sắt nĩ nĩ, ổ ba địa nĩ, ổ ba địa nĩ, ổ ba địa nĩ, tá ha, đát điệt tha, bà tỳ nĩ, bà tỳ nĩ, bà tỳ nĩ, xà để nĩ, xà để nĩ, xà để nĩ, xà ma nĩ nĩ, xà ma nĩ nĩ, xà ma nĩ nĩ, tá ha (Tadyathà vicani vicani vicani saưzcani saưzcani saưzcani bhizini bhizini bhizini svàhà, tadyathà nàmini nàmini nàmini svàhà, zatini zatini zatini svàhà, spqzani spqzani spqzani svàhà, tadyathà vedani vedani vedani svàhà, tqxịi tqxịi tqxịi upàdhini upàdhini upàdhini svàhà, tadyathà bhavini bhavini bhavini svàhà, tadyathà jatini jatini jatini svàhà, jammanini jamamnini jammanini svàhà).

Bấy giờ, khi Đức Thế Tôn vì các đại chúng nói về nhân duyên thuở xưa của trưởng giả thì các chúng trời, người đều khen chưa từng có. Tứ đại Thiên vương đều ở chỗ của mình, cùng nói kệ:

Hay thay! Đức Thích-ca
Nói diệu pháp, minh chú
Sinh phước, trừ các ác
Mười hai chi tương ứng
Chúng con cũng nói chú
Ủng hộ pháp như vậy.
Nếu người nào trái ngược
Chẳng khéo tùy thuận theo
Thì đầu vỡ bảy phần
Như Lan hương tiêu vậy.

Chúng con ở trước Đức Phật cùng nói thần chú rằng:

Đát điệt tha, tứ li mêm, yết đệ kiện, đà lí, chiên trà lí địa lệ, tao phạt lệ, thạch tứ phạt lệ, bổ la bố lệ củ củ mạt để, kỳ la mạt để, đạt địa mục khế, củ lỗ ba, mẫu lỗ bà, cụ trà mẫu lỗ kiện đề, đỗ lỗ đỗ lỗ, tỳ lệ, y nên tất tất nên đạp, côn đạt đạp côn, ổ tất đát lí, ô suất tra la phạt để, át lạt ta phạt để, bát đổ ma phạt để, câu tô ma phạt để, tá ha (Tadyathà hirini gate gandhàrì candàri dhiri jàưvare zhibhare pure pure gugumati khiramati dadhimukhi laurubha murubha kucamurukante duru duru duru vìrya aidhisi dadheve dadhave uxỉri uxỉravati arsaprahati padmavati kusumavate [usumavati] svàhà).

Đức Phật bảo rằng:

–Này Thiện nữ thiên! Bấy giờ, ông trưởng giả tử Lưu Thủy và hai người con vì cá trong ao đó, cho nước, cho thức ăn và nói pháp xong, đều cùng nhau trở về nhà. Trưởng giả tử Lưu Thủy này, thời gian sau đó, nhân có tụ họp tổ chức vui chơi âm nhạc, nên say rượu nằm ngủ. Mười ngàn con cá đồng thời qua đời và sinh lên cõi trời Tam thập tam. Chúng khởi ý nghĩ: “Chúng ta do nhân duyên nghiệp lành gì mà sinh lên cõi trời này?” Chúng liền nói với nhau rằng: “Trước đây, chúng ta ở trong Thiệm-bộ châu, đọa trong loài súc sinh, cùng chịu thân loài cá. Ông trưởng giả tử Lưu Thủy cho chúng ta nước và đồ ăn, lại vì chúng ta nói pháp sâu xa, mười hai duyên khởi và Đà-la-ni, lại xưng danh hiệu Đức Như Lai Bảo Kế. Do nhân duyên đó khiến cho chúng ta được sinh lên cõi trời này. Vậy nên chúng ta hôm nay đều đi đến chỗ trưởng giả tử đó mà báo ân cúng dường!”

Bấy giờ, mười ngàn vị Thiên tử liền biến mất ở cõi trời, hiện đến chỗ của vị thầy thuốc giỏi ấy ở Thiệm-bộ châu. Trưởng giả tử yên ổn nằm ngủ ở trên lầu cao, mười ngàn Thiên tử cùng nhau đem mười ngàn chuỗi ngọc trân châu đặt bên trên đầu nằm, lại đem mười ngàn chuỗi ngọc đặt ở chân ông ấy, lại đem mười ngàn chuỗi đặt ở hông phải, lại đem mười ngàn chuỗi đặt bên hông trái. Rồi mưa xuống hoa Mạn-đà-la, hoa Đại Mạn-đà-la ngập đến đầu gối, ánh sáng soi khắp, các loại nhạc trời phát ra âm thanh vi diệu khiến cho ở Thiệm-bộ châu mọi người đang ngủ nghỉ đều tỉnh giấc. Ông trưởng giả tử Lưu Thủy cũng thức dậy. Lúc đó mười ngàn Thiên tử cúng dường xong, liền lên không trung bay đi. Ở bên trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang, đâu đâu cũng đều mưa xuống hoa sen đẹp cõi trời. Các Thiên tử đó lại đi đến nơi ở cũ, trong cái ao nơi rừng sâu mà rải xuống nhiều loại hoa cõi trời. Rồi các Thiên tử biến mất ở đây, trở về cung điện trời, tùy ý tự hưởng thụ niềm vui năm dục. Sáng sớm vua Thiên Tự Tại Quang, hỏi các đại thần rằng: “Đêm qua vì nhân duyên gì mà bỗng nhiên hiện tướng điềm hy hữu như vậy? Còn phóng ra ánh sáng lớn?” Đại thần đáp rằng: “Thưa Đại vương! Có các vị Trời ở trong nhà của ông trưởng giả tử Lưu Thủy, mưa xuống bốn mươi ngàn chuỗi ngọc trân châu và hoa mạn-đà-la cõi trời ngập đến đầu gối.” Nhà vua bảo vị đại thần rằng: “Ngươi hãy đến nhà ông trưởng giả gọi con ông ấy đến đây cho ta!” Vị đại thần tuân lệnh vua, liền đi đến nhà ấy, tuyên đọc Thánh chỉ gọi con ông trưởng giả. Trưởng giả tử liền đi đến chỗ vua. Nhà vua nói rằng: “Vì nhân duyên gì mà đêm qua hiện ra tướng điềm hiềm có như vậy?” Trưởng giả tử đáp: “Như suy nghĩ của thảo dân thì nhất định là điềm ứng với những con cá trong cái ao kia. Trong kinh đã nói, sau khi qua đời, chúng được sinh lên cõi trời Tam thập tam, chúng đến đền ân nên hiện tướng kỳ lạ hiếm có như vậy.” Nhà vua nói rằng: “Làm sao ngươi biết được?” Ông Lưu Thủy đáp: “Đức vua nên sai sứ cùng với hai con của tôi đi đến chỗ cái ao kia kiểm nghiệm việc ấy là dối hay thật. Mười ngàn con cá kia đã chết hay còn sống.” Nhà vua nghe theo lời nói đó, liền sai sứ và con trưởng giả tử đi về bên bờ ao đó. Họ thấy trong ao ấy có nhiều hoa Mạn-đà-la gom thành một đám lớn, các con cá đều chết. Thấy rồi, họ vội vàng trở về tâu mọi việc với nhà vua.

Nhà vua nghe vậy rồi, lòng rất hoan hỷ khen là việc chưa từng có.

Bấy giờ, Đức Phật bảo thần cây Bồ-đề rằng:

–Này Thiện nữ thiên! Ngươi nay phải biết, ông trưởng giả tử Lưu Thủy thuở xưa chính là thân ta; ông trưởng giả Trì Thủy là Diệu Tràng; hai người con kia, con lớn Thủy Mãn tức là Kim Tràng, con thứ Thủy Tạng tức là Ngân Quang, vua Thiên Tự Tại Quang kia chính là thần cây Bồ-đề; mười ngàn con cá chính là mười ngàn Thiên tử. Nhân thuở xưa ta dùng nước cứu giúp đàn cá, cho chúng được ăn no đủ, vì chúng nói mười hai duyên khởi sâu xa cùng chú Đà-la-ni tương ứng này, lại còn vì chúng xưng danh hiệu Đức Phật Bảo Kế. Nhờ căn lành này, chúng được sinh lên trời, hôm nay họ đến chỗ của ta, hoan hỷ nghe pháp. Ta đều sẽ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho tất cả nói ra danh hiệu của họ. Này Thiện nữ thiên! Như thuở xưa, ta ở trong sinh tử, luân hồi trong các cõi, vì lợi ích cho khắp tất cả vô lượng chúng sinh và khiến cho tất cả họ theo thứ tự được thọ ký thành Vô thượng giác. Các ngươi đều nên siêng năng cầu giải thoát, không được buông lung!

Bấy giờ, đại chúng nghe Phật nói vậy rồi, đều hiểu rằng: “Chỉ có dùng đại Từ bi cứu giúp tất cả, siêng tu khổ hạnh, mới có thể chứng được Vô thượng Bồ-đề”, tất cả đều kính tin sâu xa và vô cùng hoan hỷ.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31