SỐ 1777
DUY MA KINH HUYỀN SỚ
Sa-môn Trí Khải, chùa Tu Thiền, núi Thiên Thai soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 06

 

Đoạn 2: LUẬN VỀ THỂ:

Ở trên là một đoạn lớn của huyền nghĩa, lập năm lớp. Đoạn lớn một giải thích danh đã xong, từ đây là đoạn lớn hai nói về ý chánh của kinh này, cũng như nước phải có vua, thì giáo ắt phải có chủ. Y cứ vào đó nên dùng bảy ý để giải thích:

  1. Luận về thể.
  2. Phân biệt ngụy để hiển chân.
  3. Vào môn thật tướng.
  4. Một pháp khác môn.
  5. Là thể các kinh.
  6. Căn cứ quán tâm.
  7. Giải thích chung kinh này.

1. LUẬN VỀ THỂ CỦA KINH:

Kinh này dùng chân tánh giải thoát Bất tư nghị làm thể. Nghĩa của Chân tánh giải thoát như đã luận ở trước. Phần này được chia làm hai ý: Một là, chánh thức luận về thể của kinh; hai, nên biết thể của kinh.

1) Chánh thức luận về Chân tánh Bất tư nghị là thể của kinh: Như có người cho rằng kinh này dùng quyền thật làm thể, thể tức là tông. Ở đây lại dùng chân tánh giải thoát Bất tư nghị làm thể, cũng như bầu trời không có hai mặt trời, nước không có hai vua. Nếu dùng quyền thật làm thể, quyền thật là hai pháp, thế thì một giáo có hai thể. Nay chỉ dùng chân tánh giải thoát Bất tư nghị làm thể, chân tánh tức lý nhất thật, nếu dùng lý nhất thật làm thể, không phạm vào lỗi có hai thể.

Chân tánh giải thoát, như kinh này nói: “Tánh của dâm, nộ, si tức giải thoát”; nay nói tánh của dâm, nộ, si tức chân tánh, chân tánh tức tên khác của thật tướng Nhất thật đế. Kinh Đại Niết-bàn nói Nhất thật đế tức Chân pháp. Nếu pháp chẳng chân thì chẳng gọi là Thật đế.

Hỏi: Trên nói chân đế tức là lý giải thoát tư nghị, vì sao ở đây lại nói tánh Chân đế tức lý giải thoát Bất tư nghị?

Đáp: Trên nói về chân của thiên chân, ở đây y cứ theo kinh Đại Niết-bàn để nói về Thật đế. Thật đế tức là Viên chân Bất tư nghị. Pháp tánh Viên chân tức Chân tánh giải thoát, chân tánh giải thoát thì không có tám đảo, không có tám đảo tức chân tánh giải thoát. Chân tánh giải thoát không hư vọng, không hư vọng tức chân giải thoát. Chân tánh giải thoát tức Đại thừa, Đại thừa tức chân tánh giải thoát; chân tánh giải thoát chẳng có tám ma, chẳng có tám ma tức chân tánh giải thoát; chân tánh giải thoát tức chỉ một đường thanh tịnh, một đường thanh tịnh tức chân tánh giải thoát, chân tánh giải thoát tức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh tức chân tánh giải thoát Bất tư nghị, chân tánh giải thoát Bất tư nghị tức là thể chánh của kinh này. Như thế, chân tánh há lại đồng với thiên chân được sao?

2) Nên biết thể của kinh: Nếu học kinh mà không biết yếu chỉ thì cũng giống như Điều-đạt, tuy có đọc sáu vạn pháp tạng, cũng không tránh khỏi hiện đời rơi vào địa ngục lớn. Còn như Bàn-đặc chỉ tụng một câu kệ mà thành A-la-hán: Như Luận Đại Trí Độ nói kinh Thanh văn có ba pháp ấn là vô thường, vô ngã, tịch tĩnh Niết-bàn. Kinh Tiểu thừa có ấn này tức là kinh liễu nghĩa của Tiểu thừa. Người tu hành tu học giáo này có thể đắc đạo. Nếu không có ba pháp ấn là kinh chẳng liễu nghĩa, người nghe vị tất ra khỏi sinh tử. Còn tất cả kinh Đại thừa chỉ có một pháp ấn đó là Thật tướng ấn. Nếu kinh Đại thừa có Thật tướng ấn tức là kinh Đại thừa liễu nghĩa, người nghe sẽ đạt được đạo Bồ-tát, nếu không có Thật tướng ấn tức chẳng phải kinh liễu nghĩa, người nghe sẽ rơi vào nhị biên, không đạt được vô sinh nhẫn. Vả lại nếu không có Thật tướng ấn, cho dù nói đủ các hạnh nguyện, cũng thuộc ma thuyết. Vì sao? Vì ma vương cũng có thể nói các hạnh nguyện, nhưng chẳng thể nói thật tướng các pháp. Cho nên luận Đại Trí Độ ghi: “Ngoài thật tướng các pháp ra, còn tất cả đều là việc ma”, thật tướng các pháp tức là tên khác của chân tánh giải thoát.

Hỏi: Vì sao kinh Thanh văn lại dùng ba pháp ấn, kinh Ma-ha-diễn dùng một Thật tướng ấn?

Đáp: Hàng Thanh văn căn tánh chậm lụt, tâm chấp trước sâu nặng, cần phải nói ba pháp ấn để họ nhàm chán sinh tử khổ mà ưa thích Niết-bàn an lạc. Hàng Bồ-tát đại Bi, căn tánh lanh lợi, dễ ngộ sinh tử tức Niết-bàn, lại chẳng bỏ sinh tử, chẳng chứng Niết-bàn, mà vào pháo môn bất nhị, nên Phật chỉ nói Thật tướng ấn của các pháp.

Hỏi: Nếu nói nước không có hai vua, kinh Đại thừa chỉ dùng một

pháp thể, còn kinh Thanh Văn lấy ba làm thể, há chẳng có lỗi ba chủ ư?

Đáp: Như vua giỏi chẳng cần phụ tướng, vua kém thì cần phải có phụ tướng để giúp cùng nhau trị nước, nơi kinh Thanh văn, lý pháp tướng rất yếu, nên cần phải có ba ấn để trị, phá ái thì quán vô thường, phá kiến thì quán vô ngã, nếu vào vị khổ nhẫn, chân thật sáng tỏ, thì đều được tịch diệt.

2. PHÂN BIỆT NGỤY ĐỂ HIỂN CHÂN:

Gồm ba ý: Một là, chánh thức phân biệt ngụy hiển chân; hai, căn cứ vào cộng và bất cộng giáo để phân biệt đồng dị; ba, căn cứ theo Đế để nói về lấy bỏ.

Một, chánh thức phân biệt ngụy hiển chân: Thật lý sâu xa vi diệu, khó có thể phân biệt chân ngụy, nhưng giáo hạnh mà phàm phu tu tập, mỗi mỗi chẳng thể không đạt chân thật. Cho nên những người tu học phải tự dùng trí lực của mình dể nghiệm xét chân ngụy. Theo đó mà phân làm hai ý để giải thích: Một là phân biệt chẳng phải thật tướng; hai, chánh thức hiển thật tướng.

a) Phân biệt chẳng phải thật tướng: gồm ba ý: Một là, điều mà sách thế tục nói chẳng phải là thật tướng; hai, điều mà kinh sách ngoại đạo nói chẳng phải là thật tướng; ba, pháp mà kinh giáo Thanh văn nói chẳng phải là thật tướng.

Điều mà kinh sách thế gian nói chẳng phải là thật tướng. Những điều mà kinh sách thế gian nói chỉ là các phép tắc trị nước an dân, thưởng thiện phạt ác, tức là đạo nhân, nghĩa, lễ, trí, thành tín, hiếu kính, dưỡng sinh dưỡng tánh mà thôi, thuộc về Ái luận, cho đến các bộ Thiện luận của Thích Đề-hoàn Nhân, Xuất dục luận của Phạm Thiên vương, Thần tiên luận của Tiên ngũ thông, đều là hý luận về Ái. Hý luận phá hoại tuệ nhãn khiến chẳng thấy được chân thật, nên đều chẳng phải là thật tướng.

Pháp mà các kinh sách của ngoại đạo nói chẳng phải là thật tướng: Ngoại đạo phần nhiều khởi thân Kiến, biên Kiến và tà Kiến, hoặc chấp thần và thế gian là thường là sự thật còn tất cả là vọng ngữ, hoặc chấp Thần và thế gian chẳng thường chẳng vô thường là sự thật, còn tất cả đều là vọng ngữ, như thế rơi vào mười bốn nạn, sinh sáu mươi hai kiến. Tuy mỗi mỗi đều cho là thật nhưng chẳng phải là thật tướng, vì mỗi mỗi đều nhân Kiến chấp, khởi phiền não, tạo tác các hành nghiệp lưu chuyển nơi sinh tử. Vì thế các ngôn giáo của họ đều thuộc kiến hý luận.

Hý luận phá tuệ nhãn, làm cho chẳng thấy được chân thật, nên chẳng phải là thật tướng các pháp.

Pháp mà kinh giáo Thanh văn nói chẳng phải là thật tướng: Kinh Thanh văn phần nhiều nói về vô thường, vô ngã, phá hoại các pháp, nói Niết-bàn diệt khổ. Hơn nữa hàng Thanh văn chán sợ sinh tử mà quán vô thường, đoạn kết sử, ngay nơi thân này muốn vào Niết-bàn, không cầu thật tướng các pháp, cho nên chẳng nói đến thật tướng.

b) Hiển thị tướng chân thật. Những pháp mà giáo Ma-ha-diễn nói là vì hàng Bồ-tát lợi căn mà thuyết như pháp tướng, phần nhiều hiển thị Đệ nhất nghĩa Tất-đàn. Bồ-tát đại bi, vì chúng sinh mà cầu đạo vô thượng, quán sâu xa các pháp chẳng tính kiếp số dài lâu, chẳng rơi vào nhị biên, nhất tâm hằng vắng lặng, như nước lắng trong, hạt châu tự hiện, đạt được thật tướng các pháp, nên pháp Ma-ha-diễn nói có chân thật tướng của các pháp, chân thật tướng các pháp tức chân tánh giải thoát Bất tư nghị đó là thể của kinh này.

Hai, Căn cứ vào cộng giáo, bất cộng giáo để phân biệt đồng dị: gồm hai ý: Một là, căn cứ cộng Nhị thừa thuyết Bát-nhã để nói về pháp tánh thật tướng có đồng có dị; hai, căn cứ bất cộng Nhị thừa thuyết Bátnhã để nói pháp tánh thật tướng chỉ khác mà chẳng đồng.

a) Căn cứ cộng Bát-nhã để nói pháp tánh thật tướng là thể của kinh Đại thừa có đồng có dị: gồm ba ý: Một là, căn cứ Thông giáo; hai, căn cứ Biệt giáo; ba, căn cứ Viên giáo.

Căn cứ Thông giáo để nói về đồng dị: Nói đồng tức đồng vào pháp tánh thiên chân; nói dị tức là tuy ba thừa đồng vào pháp tánh mà lại có sâu cạn khác nhau tức chỉ đoạn chánh sử hay dứt trừ hết các hoặc và tập khí, như đã phân biệt nơi phần Thông giáo ở trước. Hàng Thanh văn vào cạn chỉ đoạn chánh sử, hàng Duyên giác vào hơi sâu, dần đoạn trừ tập khí. Bồ-tát đạt đến cùng nguồn pháp tánh, tập khí trừ sạch. Ví như ba con thú qua sông, dòng sông chỉ là một chân của mỗi loại thỏ ngựa voi có dài ngắn khác nhau, nên lội nước lại có sâu cạn sai biệt. Dòng sông là một mà sâu cạn có khác.

Căn cứ vào cộng thuyết Bát-nhã Biệt giáo nói về không, chẳng không mà luận về pháp tánh có đồng dị: Kinh Niết-bàn ghi: “Đệ nhất nghĩa không gọi là trí tuệ”, Trí tức thấy không và chẳng không, Thanh văn và Bích-chi-Phật chỉ thấy không mà chẳng thấy chẳng không. Thanh văn Bồ-tát đồng thấy không, thì đồng một tên lý pháp tánh, nhưng Bồtát lại thấy chẳng không, chẳng không tức là tánh của trí tuệ, gọi đó là thấy Phật tánh, nên có khác (dị). Ví như ba thú qua sông, hai con thỏ và ngựa lội trên mặt nước mà qua chỉ biết được nước mềm, còn như voi vừa bơi trên nước vừa đạp đến đáy, bơi trên nước thì biết nước mềm, đạp tận đáy, chạm đất thì biết chẳng mềm.

Hỏi: Chẳng không là đương có, nên gọi là thấy chẳng không, hay là không có không mà nói là thấy chẳng không?

Đáp: Gồm hai ý: Một là, có nên nói chẳng không, tức có tánh trí tuệ nên chẳng phải không; hai, không nên nói chẳng không, tức lý chân đế pháp tánh là không, không này rốt ráo bất khả đắc, cho nên nói chẳng không. Nói chẳng không, tức chẳng phải không của lý chân đế pháp tánh, nên luận Đại Trí ghi: “Không có hai loại là Đản không và Bất khả đắc không”, hàng Thanh văn chỉ đạt được Đản không, trí tuệ như ánh sáng đom đóm, Bồ-tát thì đạt được Đản không và Bất khả đắc không, trí tuệ như mặt trời. Hàng Nhị thừa đồng được Đản không nên nói là đồng, chỉ có Bồ-tát được bất khả đắc không nên nói là Dị. Ví như đào đất, qua lớp đất đến lớp bùn, hết lớp bùn đến nước.

Căn cứ theo cộng thuyết Bát-nhã, nói về pháp tánh thật tướng, bất tư nghị có đồng dị: Hàng Thanh văn vào pháp tánh chỉ thấy pháp tánh như hư không, không có một vật, Bồ-tát và chư Phật vào pháp tánh thật tướng cũng thấy pháp tánh như hư không, nhưng ở nơi pháp tánh như hư không ấy, mà khai mở tri kiến Phật, chiếu soi đầy đủ tất cả pháp nơi pháp giới, vì đồng vào pháp tánh như hư không, không vật, nên gọi là đồng, riêng Bồ-tát và chư Phật hay ở nơi pháp tánh như hư không mà chiếu soi khắp pháp giới, đó là pháp tánh Bất tư nghị nên gọi là Dị. Cho nên ngài Thân tử lãnh hội được mà than rằng: “Đồng ở trong một pháp mà chẳng đạt được việc này,than ôi!Thật đáng tự trách! Làm sao mà tự khi mình đến thế!” Vậy lược nói Cộng Bát-nhã cũng thuyết chung cho hàng Nhị thừa, mà lợi độn của các căn cơ thượng, trung, hạ khác nhau. Cho nên cùng trong một pháp tánh mà Thông, Biệt, Viên lại khác nhau. Ví như trong đá có chất vàng, có người đập đá lấy được vàng mà chẳng thể tạo các vật trang sức như vàng, xuyến, trâm, thoa… lại có người được vàng, thì tạo ra các món trang sức như trên, nhưng chẳng thể luyện vàng thành Đan, uống vào sẽ thành Tiên được ngũ thông vô ngại. Vàng chỉ là một, mà người được vàng có ba loại khác nhau.

b) Căn cứ Bất cộng thuyết Bát-nhã, nói pháp tánh thật tướng là thể của kinh Đại thừa chỉ hoàn toàn khác (Dị). Tức là hàng Nhị thừa thấy thiên chân nên chẳng được nói là Đồng, gồm hai ý là căn cứ theo Biệt giáo và căn cứ theo Viên giáo.

Căn cứ theo Bất cộng Bát-nhã Biệt giáo để nói về pháp tánh pháp tướng: Đoạn trừ hai chướng, xa lìa hai bên sinh tử, Niết-bàn, dùng riêng lý bất không, lý Như Lai tạng tự tánh thanh tịnh tâm làm pháp tánh thật tướng. Thế thì hàng Thanh văn ở trong hội như điếc như câm. Ví như lọc quặng được vàng ròng khác với pha lê, vàng ròng bền chắc chẳng thể phá hoại, tùy ý mà tạo thành các vật, pha lê dễ vỡ, chẳng thể chế tạo thành các vật dụng.

Căn cứ Bất cộng Bát-nhã Viên giáo để nói pháp tánh pháp tướng là thể kinh Đại thừa: Tất cả các pháp đều là Như Lai tạng Phật tánh Niết-bàn, thế thì Nhị thừa tại hội tòa như câm như điếc, ví như hạt châu như ý chẳng phải là hạt châu pha lê, thì đâu có thể nói là đồng.

Ba, căn cứ theo Đế để phân biệt: Tức nói về lý pháp tánh thật tướng chẳng ra ngoài Đế, cho nên căn cứ vào Đế để phân biệt. Nhưng Đế có ba loại là Tam đế, Nhị đế và Nhất đế.

a) Căn cứ Tam đế để phân biệt pháp tánh thật tướng là thể của

kinh này: gồm hai ý là lược nêu ba đế và nói về lấy bỏ.

– Lược nói về ba đế: Ba đế là Tục đế, Chân đế và Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế. Nghĩa của Tam đế như trong phần nói về bốn giáo đã phân biệt.

– Nói về lấy bỏ: Tục đế chỉ là lý mà hàng phàm phu nhận biết, nên chẳng phải là thể của kinh; Chân đế là lý mà hàng Nhị thừa thấy được nên cũng chẳng phải là thể của kinh. Trung đạo Đệ nhất nghĩa tức pháp tánh thật tướng, là thể chánh của kinh này.

b) Căn cứ Nhị đế để phân biệt pháp tánh thật tướng là thể của kinh này: gồm hai ý: Một, lược nói tướng của Nhị đế; hai, nói về lấy bỏ.

Nói về tướng của hai đế: Hai đế có hai loại là hai đế lý ngoại và hai đế lý nội. Hai đế lý ngoại là hai đế chẳng y cứ vào Phật tánh để luận, tức còn ở ngoài cửa, tá túc nơi thảo am, nay nói hai đế ngoài lý lại có ba loại là Tùy tình, tình trí và Tùy trí. Hai đế tùy Tình, như các luận Sư soạn nghĩa hai đế, xưa nay có mười nhà nói về nghĩa hai đế khác nhau, vả lại xét trong kinh luận, thì nói tướng hai đế cũng khác nhau. Nhưng hai đế đã có lý chắc thật, thì đâu thể nói có các thuyết khác nhau? Nếu một nhà đúng thì các nhà khác đều sai, vậy thuyết nào được định là đúng. Nay nêu ba loại hai đế để giải thích chung về hai đế mà các nhà đã nói. Nếu có văn dẫn chứng đều có thể dùng các thuyết khác nhau của kinh luận, mà không ngăn ngại. Cho nên nói: “Chư Phật thường nương vào Nhị đế để thuyết pháp”. Nhưng lý hai đế chẳng được khác nhau, mà các Sư và các kinh luận giải thích khác nhau, đó là hai đế Tùy tình. Tức là tùy căn cứ hữu tình mà bốn Tất-đàn thế giới, vị nhân, đối trị, Đệ nhất nghĩa đã biện luận. Chúng sinh có căn tánh khác nhau thì hai đế mà Phật đã nói đâu chỉ giới hạn khác nhau ở mười nhà, mà phải có vô lượng khác nhau. Cho nên kinh Niết-bàn ghi: “Phân biệt hai đế có vô lượng tướng.” Đối với kinh ấy Ta chẳng thuyết như thế sao? Mà các Sư đời sau mỗi mỗi lại lập một loại Nhị đế mà chẳng chấp nhận các thuyết của các Sư khác, thế chẳng phải là sai trái lắm ư?

Hai đế này tùy tình trí: Như trên đã nói có các loại hai đế, tùy thuận cách hữu tình dùng Thế giới, vị nhân, và đối trị nghe thuyết mà chưa ngộ, thì đều bị trói buộc nơi Thế đế; nếu các Nhị đế khác được nói cho người hướng vào đạo, vừa nghe liền ngộ, phát chân tuệ nhãn, thấy Đệ nhất nghĩa, tức là chân đế tùy trí. Thế thì tình và trí luận chung, có hai đế khác nhau. Cho nên kinh Niết-bàn nói: “Như Sở kiến của tâm người thế gian là Thế đế, Sơ kiến của tâm hàng xuất thế gọi là Đệ nhất nghĩa đế.”

Hai đế tùy trí: Tức lý Nhị đế mà pháp nhân tuệ nhãn của hàng Thánh nhân Nhị thừa phát chân vô lậu thấy được; nếu vì hàng phàm phu mà thuyết, thì cũng như chỉ màu trắng cho người mù. Cho nên kinh Diệu Thắng Định ghi: “Ngài Văn-thù và Đức Thích-ca khi còn ở nơi nhân địa đã tranh cải nhau về nghĩa Nhị đế, nên đọa vào ba đường ác, khi nghe Đức Phật Ca-diếp nói Nhị đế liền hiển hai đế Tùy trí, không dùng tình thức mà cầu”, nếu theo tình mà cầu tìm tranh chấp thì đồng với Thíchca, Văn-thù nơi nhân địa phạm lỗi chấp hai đế tùy tình.

Hỏi: Hai đế được định là lý hay định là giáo?

Đáp: Có Sư cho rằng đều là lý, có Sư cho rằng đều là giáo; có Sư cho rằng Tục đế là giáo, Chân đế là lý, nên kinh ghi: “Đều dùng danh tự Thế đế nên nói chẳng phải Đệ nhất nghĩa đế. Nay xét nghĩa của ba Sư này thì đều có chỗ đúng và sai. Theo bốn câu phân biệt, nếu y cứ hai đế tùy tình thì hai đế đều là giáo, vậy hai đế đâu có thể thuyết được, cho nên có các loại hai đế. Các Sư và trong kinh đều nói khác nhau. Nếu căn cứ theo hai đế tùy tình trí thì Tục đế là giáo, chân đế là lý, Tục đế có thể thuyết, chân đế chẳng thể thuyết. Nếu y cứ theo hai đế Tùy trí thì hai đế đều là lý, hai đế chẳng thể thuyết; thế thì pháp mà Đức Ca-diếp Như Lai chứng đắc còn chẳng phải là pháp mà Văn-thù, Thích-ca nơi nhân địa biết được, hà huống gì phàm phu đời sau có thể biết được ư? Nay lược nêu ba loại hai đế này, tuy lời chẳng nhiều mà ý không đâu chẳng bao quát. Những bậc nghĩa học và tu thiền trong Phật pháp, nếu chẳng tin điều này thì tâm nghi và sự tranh luận đâu thể dứt?

Hai đế lý nội: Tức hai đế được y cứ vào Trung đạo Phật tánh để thuyết minh. Gồm ba loại: Một là Trung đạo hợp với Chân đế nói về hai đế; hai, Chân đế hợp với Tục đế nói về hai đế; ba, Hai đế Bất tư nghị. Ba loại hai đế này, mỗi mỗi cũng có đủ ba loại là Tùy tình, Tình trí, và Tùy trí. Một, hai đế do Trung đạo Phật tánh và Chân hợp thuyết minh: giống như hai đế của Thông giáo, không chỉ chung cho Nhị thừa mà còn chung cho Biệt và Viên. Nói Trung đạo hợp chân là Đệ nhất nghĩa đế, như kinh Niết-bàn ghi: “Nói Phật tánh tức Đệ nhất nghĩa không, Đệ nhất nghĩa không, gọi là trí tuệ; trí tức thấy được không và chẳng không, chẳng không tức là Trung đạo; không tức là chân đế”. Cho nên biết Trung đạo Phật tánh hợp với Chân đế là Đệ nhất nghĩa đế. Cũng có ba loại Nhị đế, so sánh với đoạn trước có thể tự biết. Hai, Hai đế do Chân đế hợp với Tục đế để thuyết minh: Nếu chỉ lấy Trung đạo làm Chân đế để nói về Chân đế này tức là hai đế của Biệt giáo. Nay nói Chân đế hợp Tục đế là Thế đế. Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Ta và Di-lặc đều nói về Tục đế mà năm trăm Thanh văn đều cho là nói Đệ nhất nghĩa đế”, đây là Nhị đế của Biệt giáo. Cũng có ba loại đế, so sánh với trước có thể biết. Ba, hai đế Bất tư nghị lý nội: trước đã nói hai loại đế của lý nội, chẳng hai mà hai là hai đế của Viên giáo Bất tư nghị, cũng có ba loại hai đế, so sánh với trước có thể biết.

Nói về lấy bỏ: Hai đế lý ngoại thì không chỉ Thế đế chẳng phải là Thể của kinh này, mà Chân đế cũng chẳng phải. Hai đế lý nội, thì ba loại Thế đế chẳng phải Thể của kinh này, còn ba loại Chân đế tức là pháp tánh thật tướng, là Thể của kinh này.

Hỏi: Chỉ nên lấy một Chân đế Bất tư nghị của Viên giáo làm Thể, đâu được lấy Chân đế lý nội của Biệt, Thông làm Thể?

Đáp: Nếu là chánh trực xả phương tiện của Pháp Hoa thì chỉ dùng một Chân đế của Viên giáo làm Thể, còn kinh này gồm hai loại phương tiện Biệt Thông, nêu ba loại Chân đế lý nội được dùng làm Thể của kinh này, nhưng có chánh và phụ, trong đó Chân đế Bất tư nghị là chánh.

c) Căn cứ theo Nhất thật đế để nói về Thể của kinh này. Nghĩa của Nhất thật đế như trước đã nói, nhưng Nhất thật đế là lý thật tướng của chân tánh giải thoát Bất tư nghị, là Thể của kinh này. Như phần dẫn kinh Niết-bàn giải thích ở lớp thứ nhất.

3. NÓI VỀ BỐN MÔN NHẬP THỂ:

Xét về Thể của chân tánh giải thoát thì thật là sâu xa vi diệu, tất cả thế gian chẳng thể khế hợp. Nhưng vì bậc Đại thánh thấu suốt được cửa thông lý, nên ở nơi lý không lời mà ứng duyên lập giáo, lấy giáo làm cửa (môn). Vì thế chúng sinh vâng thọ giáo này nhờ nơi môn mà Khế hội với lý. Cho nên kinh Pháp Hoa ghi: “Dùng giáo môn của Phật để ra khỏi ba cõi”, lại nói: “Môn trí tuệ kia, khó hiểu khó vào”. Kinh này nói các Bồ-tát, mỗi mỗi đều nói vào pháp môn Bất nhị, tức là ý này. Nay lược nêu ba ý để giải thích:

  1. Lược nói về tướng của bốn môn
  2. Chánh thức nói về bốn môn nhập thể3. Nói về bốn Tất-đàn khởi giáo bốn môn.

1) Luận về tướng của bốn môn: Môn nghĩa là “dẫn thông”. Pháp bốn câu chánh mà Phật giáo trình bày hay dẫn thông hành nhân đến Thể của chân tánh giải thoát, nên gọi là môn. Nếu ngoại đạo dùng tà nhân duyên, không nhân duyên mà nói bốn câu, do bốn câu này mà mỗi mỗi thấy lý của bốn loại tà pháp này, rồi sinh mười bốn mạn, sáu mươi hai kiến, khởi các kết nghiệp trần luân nơi sinh tử, thì đó là bốn môn tà đạo, nay chẳng luận đến. Còn như bốn môn của Phật pháp tức là pháp bốn câu chánh nhân duyên, hay dẫn thông hành giả đồng vào Đệ nhất nghĩa Niết-bàn. Cho nên luận Đại Trí Độ ghi: “Bốn môn vào nơi mát mẻ.” Lại “Bát-nhã thí như lửa cháy lớn, bốn phía chẳng thể chấp thủ.” Lại nói: “Bát-nhã Ba-la-mật có bốn tướng, tức nghĩa bốn môn.” Tìm xét Phật pháp đã có bốn giáo khác nhau, nay y cứ theo giáo để luận về môn, mỗi mỗi cũng có bốn ý: Một là bốn môn của Tam tạng; hai, bốn môn của Thông giáo; ba, bốn môn của Biệt giáo; bốn, bốn môn của Viên giáo.

1. Bốn môn của Tam Tạng giáo: Đó là hữu môn, không môn, hữu không môn và phi hữu phi không môn. Nói về hữu môn: Tức là hữu của chánh nhân duyên sinh diệt. Nếu thọ học giáo này, có thể phá trừ mười sáu tri kiến, thấy tất cả các pháp hữu vi ấm giới nhập đều vô thường, Khổ, không, vô ngã, đạt được Thế Đệ nhất pháp, phát chân vô lậu. Nhân hữu thấy chân hữu tức là môn Đệ nhất nghĩa đế. Cho nên kinh Đại tập nói: “Lý rất sâu xa, chẳng thể nói, Đệ nhất thật nghĩa không có âm Thanh văn tự, Tỳ-kheo trần như đạt được tri kiến chân thật nơi các pháp”, đó chính là nghĩa mà luận A-tỳ-đàm đã nói. Luận về không môn: Tức là Tam Tạng giáo nói nghĩa phân tích pháp chánh nhân duyên thật giả để nhập không. Người tu tập giáo này phá được các hoặc thật giả, thấy thật giả không, phát chân vô lậu. Nhân nơi không mà thấy chân không, tức là Đệ nhất nghĩa môn. Cho nên tu Bồ-đề ở nơi thạch thất quán sinh diệt vô thường mà nhập không, nhân nơi không mà đắc đạo, gọi là thấy pháp thân Phật, ngờ rằng đây là nghĩa của luận Thành Thật. Luận về hữu không môn: Tức là nghĩa hữu không của nhân duyên sinh diệt mà Tam Tạng giáo đã nói. Người tu học giáo này phá trừ các hoặc thiên chấp có không, thấy được nhân duyên hữu không, phát chân vô lậu. Nhân nơi hữu không mà thấy được chân hữu không, tức Đệ nhất nghĩa môn. Đây là nhân nhập đạo của ngài Ca-chiên-diên, nên tạo luận Côn-lặc trình bày môn này. Nói về phi hữu phi không: Tức là lý chánh nhân duyên sinh diệt phi hữu phi không mà Tam Tạng giáo đã nói. Người tu học giáo này sẽ phá được tà chấp hai bên có không, thấy nhân duyên chẳng có chẳng không, phát chân vô lậu. Nhân nơi phi hữu phi vô mà thấy được chân phi hữu phi vô, tức Đệ nhất nghĩa môn. Ác khẩu Xa-mặc nhân đây mà nhập đạo, ở đây chưa thấy luận ghi chép. Có người cho rằng A-tỳ-đàm của Độc tử bộ trình bày ý này. Luận kia nói rằng ngã ở nơi bất khả thuyết Tạng thứ năm, ngã chẳng thuộc ba đời, tức pháp phi hữu phi vô, tức phi không. Nghĩa này chưa thể sử dụng được.

2. Bốn môn của Thông giáo: Như Luận Đại Trí Độ nói bốn môn là: Tất cả thật, tất cả chẳng thật, tất cả cũng thật cũng chẳng thật, tất cả chẳng thật chẳng phải chẳng thật. Đức Phật đối với bốn câu này đã nói rộng về Đệ nhất nghĩa Tất-đàn. Trung luận nói bốn câu này đều là nói Thật tướng các pháp, tức bốn câu Thể giả nhập không của pháp chánh nhân duyên như mộng, huyễn, tiếng vang, như hóa, bóng trăng trong nước, ảnh trong gương mà Thông giáo đã nói. Nếu hàng Tam thừa tu tập giáo pháp này, tùy theo căn duyên khác nhau, mỗi mỗi đối với một câu mà vào Đệ nhất nghĩa. Nên bốn câu đều gọi là môn. Nghĩa này cũng như Thanh Mục chú giải rằng “Thật tướng các pháp có ba loại, cho nên biết bốn môn này tức là bốn môn và ba thừa đồng vào để thấy Đệ nhất nghĩa đế.

3. Nói về bốn môn của Biệt giáo: Nếu dùng Trung luận… mà luận về bốn môn, tức là bốn môn của Biệt giáo, dùng luận Đại Trí Độ luận bốn câu cũng được. Nghĩa bốn môn của Biệt giáo xuất phát từ kinh Đại Niết-bàn, nhưng phần nhiều nói rải rác. Như thí dụ nhờ sữa để nói bốn câu là bốn môn của Biệt giáo. Nếu nói Phật tánh như trong sữa có chất lạc, trong đá có chất vàng hạt châu trên trán lực sĩ, thì đó là Hữu môn. Nếu nói trong đá không có vàng, trong sữa không có chất lạc, Phật tánh chúng sinh, giống như hư không; Đại Niết-bàn không, thành Ca-tỳ-la không, tức là nói về không môn, kinh Niết-bàn ghi: “Phật tánh cũng có cũng không, vì sao nói là có? Tất cả chúng sinh đều có, vì sao nói là không?” Vì từ phương tiện khéo léo mà được thấy. Ví như trong sữa cũng có chất lạc, cũng không có chất lạc tức là môn cũng có cũng không. Như nói Phật tánh tức là Trung đạo, thì bách phi đều đoạn trừ. Cho nên kinh lập dụ rằng trong sữa không có chất lạc, không phải không có chất lạc, đó là môn chẳng có chẳng không. Hàng Bồ-tát Biệt giáo riêng tu bốn môn này thì thấy được Phật tánh, trụ đại Niết-bàn. Cho nên lập thuyết về bốn câu này tức là bốn môn của Biệt giáo. Nay chỉ căn cứ theo văn trong kinh Niết-bàn để phân biệt tướng của bốn môn Biệt giáo. Nhưng kinh văn này hoặc có thể cho rằng nói về bốn môn của Viên giáo, đến phần nói về bốn môn của Viên giáo ở sau sẽ phân biệt đồng dị.

Hỏi: Nếu là bốn môn của Biệt giáo, vì sao các kinh Ma-ha-diễn được nói từ trước không có nói đến môn của Biệt giáo?

Đáp: Kinh Đại Niết-bàn là bộ kinh giải thích những kinh giáo nói từ trước, những kinh giáo này đâu không có bốn môn của Biệt giáo, nhưng nêu đủ văn kinh thì quá dài dòng.

4. Nói về bốn môn của Viên giáo: Bốn môn này nói về nhập Phật tánh Đệ nhất nghĩa so với bốn môn của Biệt giáo vào Đệ nhất nghĩa đế, thấy Phật tánh được Niết-bàn thường trụ thì đại khái danh nghĩa đều đồng, nhưng xét kỹ và ý thú thì có khác.

Hỏi: Vì sao biết là khác?

Đáp: Phân biệt khác nhau có rất nhiều thuyết, nay chỉ căn cứ theo bảy nghĩa của Viên giáo mà phân biệt, tức biết được bốn môn của Biệt giáo khác với bốn môn của Viên giáo. Bảy nghĩa là một, nếu nói tất cả pháp tức chân tánh thật tướng, Phật tánh Niết-bàn, chẳng cần phải diệt nữa để nói về bốn môn thì đó là bốn môn của Viên giáo; hai, nếu nói Sơ tâm tức khai mở Phật tri kiến, chiếu tròn khắp để luận bốn môn, thì đó là bốn môn của Viên giáo; ba, nếu nói về Bất tư nghị chẳng đoạn phiền não mà vào Niết-bàn để luận bốn môn, đó là bốn môn của Viên giáo; bốn, nếu nói về viên hạnh mà luận bốn môn, là bốn môn của Viên giáo; năm, nếu nói về viên vị mà luận bốn môn, là bốn môn của Viên giáo; sáu, nếu nói về Thể viên mà luận bốn môn, là bốn môn của Viên giáo; bảy, nếu nói về viên dụng mà luận bốn môn, là bốn môn của Viên giáo.

2) Chánh thức nói về bốn môn nhập thể: Như bốn môn của ngoại đạo thì tâm hành ngoài lý, các điên đảo tưởng tương ưng với điên đảo tướng, không thể vào Thể của chân tánh. Vì sao? Theo môn khác nên thấy lý cũng khác, vì thế mỗi mỗi đều cho rằng được một đạo cứu cánh mà phát khởi tranh luận. Nay nói bốn môn của Phật đều được vào một Thể, chỉ có hai loại khác nhau: Một là hai loại bốn môn của Tam Tạng giáo và Thông giáo đồng vào lý thiên chân; hai, hai loại bốn môn của Biệt và Viên đồng vào lý Viên chân.

1. Bốn môn của Tạng giáo và Thông giáo đồng với lý thiên chân: Mỗi loại đều nhân nơi bốn môn mà đồng thấy Đệ nhất nghĩa, được hai loại Niết-bàn, đó là điểm đồng nhau. Lý tuy là một mà môn khác nhau, tức đã có hai độ chuyết và xảo khác nhau, nên lại có sự sai biệt về năng thông của hai loại bốn môn; vì chân lý không hai; cho nên Sở thông đến Thể chỉ là một. Ví như thành của các Châu mở bốn cửa, mà chỉ một sứ quân, người từ bốn cửa mà vào, thì cửa (môn) tuy khác mà chỉ thấy một sứ quân. Vậy bốn môn của Tam tạng như từ bốn cửa thành phụ của châu mà vào, bốn môn của Thông giáo như từ bốn cửa thành chánh mà vào. Chánh, phụ (thiên) để vào tuy khác mà thấy Thiên chân Đệ nhất nghĩa đế, chứng đắc hai loại Niết-bàn chỉ là một.

2. Bốn môn của Biệt giáo và Viên giáo nhập vào Thể của thật tướng chân tánh: Mỗi loại đều nhân nơi bốn môn mà vào, đều thấy thật tướng Phật tánh, được Niết-bàn thường trụ chỉ là một. Lý tuy đồng mà môn có khác, tức giáo môn đã có phân biệt Thiên Viên khác nhau, nên có sự khác nhau về năng thông của hai loại bốn môn, nhưng chân lý Phật tánh bất nhị, nên Sở thông đến Thể chân tánh chỉ là một. Ví như kinh thành có bốn cửa, cửa tuy khác, mà Thiên tử được thấy chỉ là một. Bốn môn của Biệt giáo như từ bốn cửa phụ của kinh thành mà vào, bốn môn của Viên giáo như từ bốn cửa chánh mà vào. Chánh phụ để vào tuy khác nhau mà Thể thật tướng chân tánh giải thoát chứng đắc chỉ là một.

3) Dùng bốn Tất-đàn khởi giáo bốn môn: Như bốn môn của ngoại đạo đều chẳng thấy căn duyên, chấp thủ tâm tướng mà lập định thuyết, như các thầy thuốc xưa thường dùng thuốc sửa để trị tất cả các bệnh, chẳng y cứ theo bốn Tất-đàn mà lập ra bốn môn. Nay bốn môn của Phật giáo đều nhân nơi bốn Tất-đàn mà lập: Một là Tất-đàn khởi bốn môn của Tạng giáo; hai, Tất-đàn khởi bốn môn của Thông giáo; ba, Tất-đàn khởi bốn môn của Biệt giáo; bốn, Tất-đàn khởi bốn môn của Viên giáo.

– Tất-đàn khởi bốn môn của Tạng giáo:Tức sinh sinh bất khả thuyết có bốn Tất-đàn nhân duyên có thể thuyết.

Dùng bốn Tất-đàn khởi Hữu môn: Nếu tâm chúng sinh thích pháp Hữu, tức dùng thế giới Tất-đàn thuyết Hữu môn của Tỳ-đàm, nếu cầu nghe sinh thiện tức dùng các các vị nhân Tất-đàn để thuyết Hữu môn; nếu chấp không nhân duyên, tà nhân duyên hoặc chấp không thủ trước mà khởi các kết nghiệp thì dùng Đối trị Tất-đàn để thuyết Hữu môn; nếu vừa nghe liền ngộ Đệ nhất nghĩa, thì dùng Đệ nhất nghĩa Tất-đàn mà thuyết Hữu môn. Như năm người là Câu-lân… nghe thuyết bốn đế, tức thấy được Đệ nhất nghĩa đế, chứng quả Tu-đà-hoàn. Nếu chẳng dùng bốn Tất-đàn nhân duyên mà thuyết, tức thuyết pháp mà không hợp căn cơ, là chúng sinh oán, cùng với Thiên ma, ngoại đạo chung tay làm người trần lao. Kinh Niết-bàn ghi: “Thuyết pháp, tức là cảnh giới của chư Phật, chẳng phải là cảnh giới mà hàng Thanh văn, Duyên giác biết được.”

Dùng bốn Tất-đàn khởi không môn: So sánh với Hữu môn ở trên, thì nghĩa Tất-đàn khởi không môn sẽ hiển bày. Nhưng các Sư Thành thật luận nói: “Hữu môn của Tỳ-đàm chỉ dùng để điều tâm, chẳng thể đạt đến đắc đạo. Còn Thành thật nói Thấy không mới là đắc đạo”; Các luận Sư phái Số luận nói: “Ta dùng nghĩa của Tiểu thừa nói thấy Hữu mà đắc đạo, ông dùng nghĩa của Đại thừa, nên nói thấy không mà đắc đạo.” Nay cho rằng cả hai đều chẳng phải là ý của Tam Tạng giáo. Kinh Đại Tập ghi: “Người chấp Thường kiến nói dị niệm đoạn, kẻ chấp đoạn kiến nói nhất niệm đoạn, hai kiến tuy khác mà đắc đạo chỉ là một.” Luận Đại Trí Độ ghi: “Trong kinh Thanh Văn, nơi nơi đều nói về nghĩa pháp không” thì đâu được nói theo nghĩa của Đại thừa là Thấy không mà đắc đạo. Nay y cứ theo bốn Tất-đàn để lập các nghĩa thành và hoại. Bốn nghĩa của số luận là thành, thì bốn nghĩa của thành thật luận là hoại. Bốn nghĩa của thành luận là thành, thì bốn nghĩa của số luận là hoại, thành hoại đối kháng. Thế nào gọi là Thành luận là thành, Số luận là hoại? Nếu giải thích theo hai độ xảo và chuyết của Tạng giáo thì nghĩa không môn của Thành luận là thành, nghĩa Hữu môn của Số luận là hoại.

Dùng bốn Tất-đàn khởi môn Hữu vô: So sánh với ý dùng bốn Tấtđàn khởi Hữu môn ở trên, thì hiểu được môn Hữu không. Cho nên được luận Côn lặc giải thích.

– Dùng bốn Tất-đàn khởi môn phi hữu phi không: có thể so sánh với ý dùng bốn Tất-đàn khởi Hữu môn ở trên mà biết.

Dùng bốn Tất-đàn khởi bốn môn của Thông giáo, khởi bốn môn của Biệt giáo, khởi bốn môn của Viên giáo đều có thể so sánh với Tam Tạng giáo để biết được. Tất cả được giải thích đầy đủ ở đại bản của Tứ giáo.

4. MỘT PHÁP MÀ TÊN KHÁC :

Trong các kinh nói nhiều tên khác nhau hoặc là nói chân tánh thật tướng, hoặc nói nhất thật đế, hoặc nói tự tánh thanh tịnh tâm, hoặc nói Như Lai tạng hoặc nói Như như, hoặc nói Thật tế, hoặc nói Thật tướng, Bát-nhã, hoặc nói Nhất thừa, hoặc nói Thủ-lăng-nghiêm, hoặc nói pháp tánh, hoặc nói pháp thân, hoặc nói Trung đạo, hoặc nói Tất cánh không, hoặc nói chánh nhân Phật tánh tánh tịnh Niết-bàn. Các tên như thế đều là tên khác của Thật tướng. Cho nên luận Trí Độ ghi: “Bát-nhã chỉ là một pháp mà Đức Phật nói rất nhiều tên, vì các loại chúng sinh mà lập tên khác nhau này.”

Kinh Đại Niết-bàn nói: “Như Thiên đế thích có một ngàn tên gọi, giải thoát cũng như thế, có rất nhiều tên gọi”. Lại nói: “Phật tánh có năm tên gọi, đều là vì ứng cơ lợi vật mà lập.” Nhưng pháp thể chỉ là một, chưa từng có khác. Như Đế thích có một ngàn tên gọi, tên gọi tuy khác nhưng rốt cuộc chỉ là gọi Thiên chủ, thì đâu thể vì nghe các tên gọi khác mà nói chẳng phải là lý thật tướng ư? Như người cúng dường cho Đế Thích mà hủy phạm Kiều-thi-ca, cúng dường Kiều-thi-ca mà hủy phạm Đế Thích, cúng dường như thế chưa hẳn là được phước, người hoằng pháp thời mạt pháp cũng như thế, hoặc giả tin A-lê-da tự tánh thanh tịnh tâm mà hủy bỏ Tất cánh không, hoặc nói Tất cánh không chẳng có A-lê-da thức tự tánh thanh tịnh tâm; hoặc nói Bát-nhã luận thật tướng, Pháp Hoa luận nhất thừa đều chẳng phải là Phật tánh, cầu phước như thế, bằng như chuốc họa? Nếu biết tên gọi là khác mà thể là một thì tùy hỷ theo, khéo thông khắp pháp giới, đâu có gì mà phải tranh luận?

5. THỂ CỦA CÁC KINH :

Các kinh Ma-ha-diễn đều dùng thật tướng chân tánh giải thoát Bất tư nghị làm thể.

Hỏi: Các kinh, hoặc có kinh không nói đến danh từ thật tướng chân tánh, thì đâu được dùng đó làm Thể của các kinh?

Đáp: Như trước đã luận, một pháp mà nhiều tên gọi, có kinh tuy chẳng nói đến danh từ thật tướng, nhưng có nói đến Trung đạo, pháp giới, Như Lai tạng, chánh nhân Phật tánh, Niết-bàn bản hữu, tất cả đều là tên khác của thật tướng nên lấy đó làm Thể của các kinh.

6. CĂN CỨ THEO QUÁN TÂM:

Như hành nhân Tiểu thừa trì giới, tu thiền phát khởi tất cả pháp môn như Thắng giải, Bội xả… nếu không được các ấn vô thường, vô ngã, tịch tĩnh ấn nhập vào pháp quán này, thì đều thành tà đảo, không thể ngộ được lý, thành tựu vô lậu. Pháp quán của Đại thừa cũng như thế, nếu không được ấn pháp tánh thật tướng ấn chứng, thì phần nhiều thành ma nghiệp, rơi vào nhị biên, đâu thể vào pháp môn bất nhị, trụ nơi giải thoát Bất tư nghị.

Hỏi: Hàng phàm phu Sơ tâm đâu thể nói là Tức tu?

Đáp: Ví như người chuyên ý bắn cung đến đích, đến khi buông dây cung thì tên đã phóng ra xa hằng trượng, từ lúc phát tên đến tên bay xa, đâu thể tác ý nhắm đích được nữa. Tâm học chánh quán cũng như thế.

7. GIẢI THÍCH VĂN KINH NÀY:

Kinh này, mỗi một phẩm đều có nói đến các tên khác nhau của Chân tánh giải thoát, đối với người đạo cơ đã thuần thục thì khi nghe sẽ đắc đạo.

Đoạn 3:

Đoạn lớn thứ ba nói về nghĩa lấy nhân quả cõi Phật làm Tông; Tông tức là giềng mối của một giáo, như nơi có vua ắt có Đại thần cùng giúp đỡ cai trị. Kinh đã lập Thể, ắt cần phải nói đến Tông, để thành tựu giáo. Nay nói nghĩa này lược nêu năm lớp:

  1. Phân biệt Tông và Thể khác nhau.
  2. Dùng nhân quả để luận về Tông.
  3. Luận về nhân quả để thành nghĩa Phật quốc.
  4. Căn cứ quán tâm.
  5. Giải thích văn kinh này.

1. Phân biệt Tông và Thể khác nhau: gồm hai ý: Một là hạch xét Tông thể chẳng khác; hai, chánh thức luận về Tông Thể khác nhau.

a) Hạch xét về việc cho Tông thể chẳng khác:

Có Sư cho rằng kinh này lấy quyền thật làm Tông, Tông tức là Thể. Nay hỏi nếu Tông Thể là một, Thể là chủ của kinh này, thế thì kinh này chỉ có pháp “nhị” mà không có lý “bất nhị”, vậy không có chư pháp thật tướng ấn, nếu không có chư pháp thật tướng ấn thì giáo không có chủ, vì sao các kinh lại nói kinh này là vua của các kinh? Hơn nữa, nếu lấy hai pháp quyền thật làm Thể, thì phải lấy hai pháp làm ấn, việc này cũng như trước đã giải thích. Ví như trong một nước chỉ có một vua, chẳng nên lập hai chủ, nếu một kinh giáo mà có hai thể như một nước có hai vua.

b) Nói về Tông khác thể:

Xét trong kinh luận không có văn phân biệt Tông và Thể, mà việc này xuất phát từ tánh của các Pháp sư hoằng pháp, chỉ vì các vị này lập nghĩa, dùng phương tiện khéo léo muốn khai phát kinh giáo, khiến cho người học thấy được ý nghĩa, nên như thế. Chân tánh chẳng nhân chẳng quả là Thể, nhân quả là Tông, y cứ theo nhân quả để hiển thị chẳng nhân chẳng quả. Nếu nêu nhân thì gồm thâu vạn hạnh, nêu quả thì gom nhiếp vạn đức. Cho nên lấy nhân quả làm Tông, như thế cứ nâng mép thì mắc lưới động. Hơn nữa vua là chủ chỉ có một, còn Thần là bầy tôi có hai, hai thần cùng phụ tá một vua để cai trị thiên hạ. Nay chẳng nhân chẳng quả là một, nhân quả thì nhiều, hiển thành một giáo mà lợi ích cần phải có duyên, nên phân Tông thể khác biệt, mà lấy nhân quả cõi Phật làm Tông.

2) Chánh thức nói về nhân quả để luận về Tông của kinh này: lấy nhân quả cõi Phật làm Tông, nên nay dùng từ Phật quốc làm tên, gồm hai ý: Một là nói nhân quả là Tông; hai, liệu giản.

a) Nhân quả là Tông: Lấy chẳng nhân chẳng quả làm thể chung củc các kinh, nên nhân quả cũng là Tông, chung của các kinh. Tông thì chẳng định, hoặc chỉ lấy nhân làm Tông, hoặc chỉ lấy quả làm Tông, hoặc cả nhân quả làm Tông. Như kinh Niết-bàn nói quả Niết-bàn thường trụ có bốn đức, lại trong Văn kinh cũng chẳng phải không nói đến nhân quả là năm hạnh mười công đức, trong đó quả là chánh, nhân là phụ, mà lấy quả làm Tông. Như kinh Đại Phẩm nói về nhân Bát-nhã Trí chiếu, nhưng trong văn cũng chẳng phải không nói đến quả Chủng trí Niết-bàn, nhưng nhân là chánh quả là phụ và lấy nhân làm Tông. Như kinh Pháp Hoa nói về nhân quả Nhất thừa, mượn Liên Hoa (hoa sen) làm tên, thế thì kinh ấy lấy nhân quả làm Tông.

Kinh này lấy người và pháp làm tên, người hay thực hành pháp, tức là hành nhân ở nhân địa; pháp tên là Bất tư nghị giải thoát, giải thoát là quả đoạn đức. Nhìn về quả mà tu nhân cho nên lấy nhân quả Phật quốc làm Tông.

b) Liệu giản:

Hỏi: Nếu nói chẳng nhân chẳng quả mà là nhân là quả, thì nay như kinh Niết-bàn vì sao chỉ nói quả mà không nói nhân. Kinh Đại Phẩm chỉ nói nhân mà không nói quả, còn kinh này đã lấy danh từ giải thoát, vì sao chỉ nói quả.

Đáp: Nếu luận chung thì chẳng có nghĩa này, nhưng nghĩa thì có

chánh và phụ. Kinh Đại Niết-bàn thì quả chánh nhân phụ; kinh Đại Phẩm thì nhân chánh quả phụ, nay kinh này đồng nêu nhân quả Phật quốc, cho nên lấy nhân quả Phật quốc làm Tông, vì sao? Như Trưởng giả khi hiến lọng báu bạch rằng: “Nguyện được nghe cõi Phật thanh tịnh”, tức là hỏi về quả, “nguyện xin Đức Thế Tôn chỉ dạy về hạnh tịnh độ của các Bồ-tát”, là hỏi về nhân. Đức Phật đáp rằng: “Trực tâm là tịnh độ của Bồ-tát”, là đáp về nhân; “những chúng sinh xiểm khúc sinh sang nước ấy”, là đáp về quả. Luận về Tông thì đầu tiên lập hai câu hỏi về nhân quả; đáp cũng đáp đủ về nhân quả. Hơn nữa, ngài Tịnh Danh phụ giúp Đức Phật hoằng truyền giáo nhân quả, trong đó, khi ở bên ngoài trượng thất thì khuyên vua và trưởng giả nên nhàm chán thân này, tức là hoằng nhân, bảo nên ưa thích pháp thân, là hoằng quả, cho đến quở trách các đệ tử và Bồ-tát, nơi nơi đều có văn nói về nhân quả. Như bên trong trượng thất nói mười phương cõi Phật đều không, tức là nói về quả; nói các Bồ-tát có bệnh nên dùng ba quán để điều phục tâm tức là nói về nhân. Phẩm Bất tư nghị là quả, phẩm quán chúng sinh, phẩm Phật đạo, phẩm Bất Nhị Pháp Môn, phẩm Hương tích là nhân. Đến khi ra khỏi trượng thất thì dùng bàn tay đưa đại chúng đến vườn Am la, tức là biểu thị ý nghĩa hồi nhân hướng quả. Đức Như Lai thuật lại để thành tựu cho Tông, đều luận đủ về hạnh Bồ-tát đó là thuật về nhân; nói các cõi Phật lấy âm thanh làm Phật sự, lấy sự tịch diệt làm Phật sự… là thuật về quả. Như thế nghiệm biết một giáo này trước sau đều nói về nhân quả để thành tựu nghĩa Phật quốc. Cho nên đều được dùng làm Tông.

3) Chính thức nói về nhân quả thành nghĩa Phật quốc: gồm ba ý:

  1. Lược nói về tướng nhân quả
  2. Phân biệt chung riêng
  3. Chính thức nói về thành tựu cõi Phật.

1- Lược nói về tướng nhân quả: Nhân là pháp tu hành, hành vốn y cứ nơi lý, thế thì lý tức chẳng nhân chẳng quả, hành thức nhân quả. Nếu lìa chẳng nhân chẳng quả mà luận về nhân quả thì đó là tà nhân quả; nay căn cứ theo lý này mà luận về nhân quả thì đó là chánh nhân quả. Kinh nói rằng “Khi ẩn thì gọi là Như Lai tạng, khi hiện gọi là pháp thân.” Bồ-tát tu hành hiển bày lý ẩn tàng này, nhưng công dụng chưa viên mãn cho nên gọi là nhân, nếy lý ẩn tạng này đã hiển bày tròn đủ đạt đến rốt ráo giải thoát, thì đó tức là quả. Cho nên kinh Đại Niết-bàn ghi: “là nhân chẳng phải quả như Phật tánh; là quả chẳng phải nhân như đại Niết-bàn, chẳng phải nhân chẳng phải quả gọi là Phật tánh, chẳng phải nhân chẳng phải quả gọi là đại Niết-bàn.” 2) Phân biệt chung riêng: gồm hai ý:

  1. Phân biệt riêng về nhân quả Bất tư nghị.
  2. Phân biệt chung về nhân quả.

2- Phân biệt riêng:

Hỏi: Cả hai đều nói chẳng phải nhân chẳng phải quả, vì sao Phật tánh chỉ nói nhân mà chẳng nói quả, Niết-bàn chỉ là quả chẳng phải là nhân?

Đáp: Đây là nói về nghĩa riêng của Biệt giáo mà phân biệt nhân quả, còn theo nghĩa chung của Viên giáo thì đều được. Nói Phật tánh là quả, như kinh Đại Niết-bàn nói: “Phật tánh tức Phật, tất cả chúng sinh là Phật chưa thành, vì sao nói chúng sinh mà có Phật tánh.” Nói Niếtbàn là nhân, như kinh nói: “Đại bát Niết-bàn vốn tự có chẳng phải đến nay mới có.” Lại nói: “Phật tánh cũng là nhân, cũng là nhân nhân, cũng là quả cũng là quả quả, như hai nhân duyên, vô minh duyên hành, hành duyên thức cũng là nhân, cũng là nhân nhân, cũng là quả cũng là quả quả.” Như Sơ trụ so với nhị trụ thì Sơ trụ là nhân; nếu so với tam trụ thì sơ trụ là nhân nhân, Tam trụ so với nhị trụ thì Tam trụ là quả, so với Sơ trụ là quả quả, cho đến Kim Cang đối với Niết-bàn là nhân nhân, đại Niết-bàn đối với Kim Cang là quả quả. Thế thì Vô thượng Bồ-đề chỉ là nhân, vô thượng Niết-bàn chỉ là quả. Cho nên nay nói nhân quả giải thoát Bất tư nghị cũng như thế.

3- Phân biệt chung:

Nhân quả thế gian tức là pháp Khổ tập, nhân quả xuất thế là đạo diệt. Tất cả nhân quả không ra ngoài bốn đế, nhưng Đại Tiểu thừa giải thích ý nghĩa có khác nhau, cho nên có hai loại bốn đế riêng biệt. Tiểu thừa nói bốn Thánh đế Hữu tác. Đại thừa nói bốn Thánh đế vô tác, trong đó lại lập thêm hai loại bốn đế nữa là thánh đế vô sinh và bốn đế vô lượng, tất cả đều nói về nghĩa nhân quả, đều xuất xứ từ kinh Niếtbàn có giải thích đầy đủ với Pháp Hoa Sớ.

4- Nói về nhân quả thành nghĩa cõi Phật là Tông của kinh này: căn cứ vào bốn loại nhân quả này để nói về nhân quả cõi Phật mà luận về Tông này. Nếu là Hữu tác tập và vô sinh tập gom tập thiện ác, năm trược nặng nhẹ, căn cứ theo các căn lợi độn mà đồng cảm quả báo thác sinh vào cõi tịnh uế phàm thánh đồng cư, thì đó là Khổ đế. Nếu là hai loại diệt đạo sinh diệt và vô sinh đồng cảm thác sinh vào phương tiện Hữu dư độ, thì đó là Khổ đế của cõi kia. Đạo và diệt này tức là từ Khổ tập vô tác và Đạo diệt vô lượng vô tác mà phân thành, tức được sinh vào cõi tịnh Thật báo vô ngại.

Nếu trí vô tác viên mãn thì tập vô tác dứt, vậy trí báo vô sinh thầm hợp với nguồn tâm. Kinh này nói rằng “Tâm tịnh tức cõi Phật tịnh.” Kinh Nhân Vương nói: “Chỉ có Phật mới cư ở Tịnh độ.” Cho nên biết nhân quả của bốn loại bốn đế tức là Chánh báo, vì có Chánh báo cho nên nói cõi nước y báo.

Hỏi: Vô tác tập và vô sinh tập đều có tịnh và bất tịnh, còn vô lượng và vô tác thì sao?

Đáp: Nhân quả của vô lượng vô tác cũng có tịnh và bất tịnh, hàng Tam thừa đồng đoạn tận hai phược là tử và quả đều thọ thân pháp tánh, sinh vào cõi Biến dịch. Hàng Nhị thừa của Tam Tạng giáo và Bồ-tát của Thông Biệt Viên giáo năm hạng Thánh này về công đức có hơn kém lợi độn bất đồng, nên cũng cần phải luận theo chiều ngang về sự sai biệt tịnh uế. Nếu nơi nước Liên Hoa của Biệt giáo, hàng Bồ-tát không phải là người sinh tử thì cõi nước ấy cũng có được. Nếu luận theo chiều dọc về tịnh bất tịnh, thì các Bồ-tát ở các Địa chưa đạt đến tận cùng nguồn của tánh tịnh nên còn có phần hoặc, vì thế Tâm hiền, Thập Thánh còn trụ nơi quả báo, chỉ có Phật mới cư ở Tịnh độ. Cho nên biết lời nói nhân quả chung từ phàm đến Thánh, không phải là ý chánh. Nhưng nói nhân quả cõi Phật là Tông của kinh này, thì vào văn kinh sẽ lược giải thích.

1. Căn cứ theo quán tâm: Văn kinh ghi: “Tùy tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”, quán tâm tánh tịnh giống như hư không tức là cảnh tánh tịnh, cảnh tức cõi nước. Quán trí giác ngộ tâm này gọi là Phật. Mới quán gọi là nhân, quán thành là quả. Nếu luận theo Tự độ, tức là tâm vương vô nhiễm, nếu luận theo Hóa tha thì tâm số giải thoát, vì trí tuệ số là Đại thần bài trừ các hoặc của các Tâm số để trở về nguồn tâm, cõi tịnh, cho nên nói: “Tâm tịnh tức cõi Phật tịnh.”

2. Giải thích Văn kinh: Như Đức Phật nói cho Bảo tích nghe về nhân quả cõi Phật, tức là Tông của kinh này, văn sau tuy không tự nói ra, nhưng ngài Tịnh Danh đã là Viên đại tướng của đấng Pháp vương hỗ trợ Phật xiển dương chánh giáo nhân quả, giúp đỡ Phật nói nhân quả cõi Phật, đoạn trừ duyên phược của chúng sinh, khiến sinh vào cõi Phật, thành tựu hạnh thanh tịnh cõi Phật của Bồ-tát. Cho nên các phẩm nói bên ngoài thất, đều có nói về nhân quả, các phẩm nói bên trong thất cũng nói về nhân quả, các phẩm ra khỏi thất cũng nói đến nhân quả, tất cả đều trợ giúp để thành tựu giáo cõi Phật, chép tại kinh này.

Đoạn 4:

Nói về quyền thật thiện xảo làm Dụng; Thể Tông Bất tư nghị đã thành lập, thì giáo này ắt là có công năng. Công năng tức quyền thật có công năng làm lợi ích. Cũng gồm năm ý:

  1. Phân biệt Dụng của quyền và thật.
  2. Nói về quyền thật của các giáo khác nhau.
  3. Giải thích nghĩa quyền thật.
  4. Chiết phục và nhiếp thọ.
  5. Căn cứ quán tâm.

1- Phân biệt dụng quyền thật: Có người chỉ lấy quyền xảo khó lường làm dụng, Dụng này chỉ thuộc về thiên. Nay nói quyền thật đều được gọi là dụng, vì sao? Nếu nói về đạo Vô ngôn, thì quyền thật đều chẳng thể nói, nhưng vì có nhân duyên nên đều có thể thuyết. Nếu thuyết quyền có ích lợi thì quyền là Dụng, nếu thuyết thật mà làm cho chúng sinh được ngộ, thì thật tức là Dụng, cho nên đều được gọi là Dụng của kinh này.

Hỏi: Nếu đã là Thể, thì từ Thể khởi Dụng, chỉ được nói quyền là dụng, đâu được nói Thật cũng là Dụng? Nếu nói Thật là Dụng thì sẽ không có sự sai biệt, Thể dụng cũng không có sự sai biệt Tông và Thể?

Đáp: Quyền thật có nhiều loại, nếu y cứ theo Tự hành và hóa tha để nói về quyền thật, thì quyền thật nói từ trước đến đây đều là Dụng, chẳng phải là Thể. Nay kinh này, ý chánh là căn cứ vào hóa tha để nói quyền thật, nên quyền đều thật là Dụng.

2. Quyền thật của các giáo khác nhau:

Kinh Hoa Nghiêm có hai giáo: Một là Biệt giáo là quyền; hai, Viên giáo là Thật; Tam Tạng giáo chỉ một bề nói về quyền là hóa thành để dẫn tiếp. Kinh Phương đẳng đầy đủ bốn giáo, trong đó có ba quyền một thật. Bát-nhã phế Tạng giáo, chỉ có ba giáo, là hai quyền và một thật. Kinh Pháp Hoa dẹp bỏ hết giáo phương tiện, chỉ có một thật. Kinh Niết-bàn đầy đủ bốn giáo, trong đó tại nhân thì nói ba quyền một thật, nói quả thì chỉ nói một thật.

Hỏi: Niết-bàn có gì khác với Phương đẳng?

Đáp: Kinh Phương đẳng thì hai giáo vào thật, hai giáo không vào được thật, còn kinh Niết-bàn thì bốn giáo đều vào Thật, đã phân biệt đủ tại bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Đó là điểm khác biệt lớn. Nay kinh này thuộc về giáo Phương đẳng, nên về nhân thì có ba quyền, về quả thì chỉ một thật; hai giáo vào thật, hai giáo chẳng vào thật, đã phân biệt giải thích đủ nơi Pháp Hoa Huyền Nghĩa.

3. Giải thích nghĩa quyền thật: gồm ba ý: Một là Hóa tha quyền thật; hai, Tự hành hóa tha quyền thật; ba, Tự hành quyền thật.

1. Hóa tha quyền thật: Lý Tam đế mà chư Phật và Bồ-tát chứng đắc chẳng thể chỉ bày, diễn nói cho phàm phu; những lời nói tùy thuận ý người khác đều là quyền, nay căn cứ theo quyền mà nói về thật, thì có ngàn vạn loại hai trí và bốn Tất-đàn ứng duyên khác nhau; các nhà chẳng biết rõ được ý của hai trí này cho nên theo chấp thủ hai trí mà kinh luận đã nói, để khởi tranh chấp.

2. Tự hành hóa tha quyền thật: Như chư Phật Bồ-tát tùy thuận ý người thuyết là quyền trí, tùy ý mình mà luận là Thật trí.

3. Tự hành quyền thật: Dùng lý Tam đế Nhị đế mà chư Phật Bồ-tát tự tu chứng đắc để luận về quyền thật, lại dùng ba loại Nhị đế mà một nhà đã nói để đối chiếu rõ ràng, theo nghĩa mà suy có thể hiểu. Nay kinh này luận đủ ba loại hai trí, tức vì các quốc vương, Trưởng giả, các Thanh văn mà dùng hai trí hóa tha; vì Bồ-tát mà dùng hai trí tự hành và hóa tha, im lặng không nói là hai trí tự hành.

4. Chiết phục và nhiếp thọ, gồm hai ý:

1. Lược nói về chiết phục nhiếp thọ.

2. Chánh thức đối kinh này để giải thích.

3. Lược nói: Như kinh Thắng Man ghi: “Người đáng dùng chiết phục, thì chiết phục, người đáng được nhiếp thọ thì nhiếp thọ, vì có chiết phục và nhiếp thọ, nên chánh pháp tồn tại lâu dài.” Nay ngài Tịnh Danh muốn cho giáo pháp Bất tư nghì được trụ lâu, nên dùng phương tiện chiết phục, dùng thật trí để nhiếp thọ. Như giới tự ghi: “Lão, tử đến gần, Phật pháp sắp diệt”; Phật pháp trạm nhiên đâu từng có diệt, nếu ma đốt cháy các kinh luận, thì vẫn còn hai mươi ức Bồ-tát thọ trì, nên biết chẳng diệt, nay nói diệt là căn cứ theo thọ mạng của con người tận, mà nói diệt, như phàm phu chưa được tuệ mạng vô lậu, chưa kiên trì cấm giới, đến lúc thân gặp vô thường, thì giới cũng hết, nên nói Phật pháp muốn diệt. Năm phần pháp thân là giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến đều nương vào sắc thân mà sinh khởi, sắc thân đã chết thì năm phần thân cũng diệt, tức Phật pháp nơi thân diệt. Nếu siêng năng tu tập, phát chân vô lậu đạt được đạo cộng giới, một khi đã thọ thì được bất thoái thường hằng vắng lặng, tức đầy đủ năm phần pháp thân. Giả sử như có bảy lần lên xuống trời người, sinh vào cõi nước tạp ác, nhưng không chỉ không mất quả Tu-đà-hoàn, mà người này còn đắc quả A-la-hán. Thế thì thân năm ấm tuy diệt mà Phật pháp chẳng diệt, năm phần pháp thân không bị hoại diệt, tức Phật pháp tồn tại lâu dài. Nếu theo nghĩa của Đại thừa, tuy đã chứng A-la-hán, được tận vô sinh trí, cho đến Bích-chi-Phật dùng mười loại quán mà quán mười hai nhân duyên để dứt trừ tập khí, cũng trở về thân diệt trí đoạn, giống như một trăm hai mươi người không kham lãnh sự phó chúc, đánh mất vật báu. Như có thể khai tri kiến Phật, đạt được hai mươi lăm Tam-muội có Đại dụng vô cùng, trụ trì nơi Phật pháp, bảo vệ vật báu, vật báu tức là của báu chân thật trăm cân vàng, một trăm câu giải thoát, như người tráng niên ở tuổi hai mươi lăm, lãnh nhận sự phó chúc, người này có thể vừa chiết phục vừa nhiếp thọ để khiến Phật pháp trụ lâu dài.

4. Đối kinh này để giải thích:

Nay ngài Tịnh Danh muốn làm cho chánh pháp của Đức Thích-ca trụ lâu dài, nên khi ở bên ngoài trượng thất thì quở trách, bên trong trượng thất thì nhiếp thọ. Nói chung thì nơi nơi đều có thể quở trách hay nhiếp thọ. Như người bị quở trách thì tạm thời trưởng dưỡng được bản tâm, hoặc có lúc dùng quyền trí để quở trách, dùng thật trí để nhiếp thọ. Như quở trách quốc vương, trưởng giả tức là dùng quyền quở trách, nói nên thích thân Phật là dùng thật nhiếp thọ. Như quở trách ngài Tu Bồđề “Nếu đối với thức ăn bình đẳng thì đối với các pháp cũng bình đẳng, vào tám tà mà được tám chánh”, đó là dùng thật trí quở trách dùng quyền trí nhiếp thọ. Còn như Đức Phật nói về người huyễn, lấy việc này để quở trách rằng “có sợ chăng?”, đây là dùng quyền để nhiếp thọ. Việc quở trách A-nan cũng thế. Còn như quở trách ngài Di-lặc… đều là dùng thật trí để quở trách, dùng thật trí để nhiếp thọ. Như quở trách ngài Ca-chiên-diên thì đều dùng quyền để quở trách và nhiếp thọ. Các nghĩa khác nói ở bên trong trượng thất cũng như thế, cho nên biết, ngài Tịnh Danh dùng chiết phục và nhiếp thọ để thành lập giáo này.

5. Căn cứ theo quán tâm để nói về quyền thật: Khi quán Trung đạo, thì dùng hai quán làm phương tiện để vào Trung đạo, tức dùng quyền chiết phục và dùng thật trí nhiếp thọ. Nếu quán Trung đạo mà khởi quán của Nhị thừa, tức dùng thật trí chiết phục, quyền trí nhiếp thọ. Nếu quán Nhị đế lại phát khởi nhị quán, tức dùng quyền chiết phục và nhiếp thọ. Nếu quán Trung đạo lại phát Trung đạo, thì dùng thật trí chiết phục và nhiếp thọ. Lại nếu theo bốn tùy mà dụng tâm, thì như ba mươi sáu chuyển trong Đại chỉ quán đã giải thích, tức quán tâm mà chiết phục và nhiếp thọ để chánh pháp được trụ lâu.

Đoạn 5: PHÁN GIÁO TƯỚNG .

Bốn đoạn lớn ở trước đã giải thích bốn lớp, thì ý của kinh này đã hiển rõ, nhưng kinh này và các kinh khác có những điểm đồng dị, nên cần phải phân biệt. Từ trước nói về bốn giáo, nơi nơi đều có phân Biệt giáo tướng mà luận về điểm đồng dị với các kinh khác, đại ý cũng đã tạm hiển bày, nhưng e rằng về giáo tướng rải rác khắp trong văn, người học hoặc có thể chưa nắm bắt được, nên bây giờ cần phải giải thích về tướng đồng dị của kinh này. Căn cứ vào đó thể quán thành bốn ý:

  1. Đại ý của giáo tướng
  2. Lược nêu các thuyết phán giáo khác nhau của các Sư.
  3. Xét kỹ về lấy và bỏ
  4. Chánh thức phán định giáo tướng của kinh.

1. Nói về Đại ý của giáo tướng:

Các kinh đồng nói Thể, Tông, Dụng, nhưng vì ứng duyên làm lợi ích chúng sinh mà có khác nhau, là do những chúng sinh lãnh thọ giáo pháp có căn duyên bất đồng thời gian, nơi chốn cũng khác. Vì thế bậc Đại thánh lập giáo có danh tự bất đồng, ngôn ngữ cũng khác, cho nên có đốn tiệm ứng cơ. Đến như giáo Hoa Nghiêm nói về hành vị của Bồtát, giáo Tam tạng chỉ nói về Tiểu thừa, Phương đẳng thì phá Tiểu hiển Đại, Bát-nhã thì trừ sạch tình chấp Đại, Tiểu mà dung thông, Pháp Hoa thì gồm thân trước sau, khai quyền hiển thật, Niết-bàn thì giải thích các kinh đồng trở về nghĩa Phật tánh thường trụ. Nay kinh này thì dùng bác phá xiển dương, khen ngợi chê bai, ứng cơ thuyết giải thoát Bất tư nghị, tức thuộc về giáo Phương đẳng.

2. Lược nêu các thuyết phán giáo khác nhau:

Như theo nghĩa ba thời phán giáo của Pháp sư Ngập là Hữu tướng pháp luân, vô tướng pháp luân và thường trụ pháp luân, kinh này thuộc về thời thứ hai là vô tướng đắc đạo, chưa nói về Phật tánh và thường trụ Niết-bàn. Như theo phán giáo của Khai Thiên Quang Trạch là Đốn, Tiệm và Thiên phương Bất định, trong đó Tiệm giáo được phân thành năm thời, kinh này thuộc về thời thứ ba, là giáo chiết phục Thanh văn, khen ngợi Bồ-tát, chưa nói Hội tam quy nhất, Phật tánh, thường trụ Niết-bàn. Nếu theo phán giáo bốn thời của Trang Nghiêm, thì kinh này còn thuộc về thời Bát-nhã, vô tướng đắc đạo, cũng chưa nói Hội tam quy nhất, Phật tánh, thường trụ. Nếu theo phán giáo bốn Tông của Địa luận thì kinh này thuộc về giáo Duyên khởi phản xuất của Đại thừa chân tông, nếu theo Bán mãn của lưu chi thì kinh này thuộc giáo chữ mãn, chẳng khác Hoa Nghiêm và Niết-bàn. Xưa nay có nhiều thuyết nói về danh nghĩa và phán giáo khác nhau, như trong pháp Hoa Huyền Nghĩa đã nêu riêng, đầy đủ.

3. Xét kỹ về lấy bỏ: Nếu nói kinh này thuộc về thời thứ hai, hoặc thời thứ ba, chưa nói đến Phật tánh thường trụ, thì kinh này nói về chân tánh Bất tư nghị, chân tánh há chẳng phải là Phật tánh sao? Nếu nói chẳng luận đến thường trụ thì kinh này nói: “Thân Như Lai tức là Thể Kim cang, các ác vĩnh viễn diệt, các thiện đều tụ hội, thì có bệnh gì?”, đó chẳng phải là thường trụ ư? Nếu nói kinh này thuộc về giáo Chân tông, vượt trên Pháp Hoa, vậy vì sao các Thanh văn trong kinh này chẳng thấy được Phật tánh đồng Pháp Hoa, Niết-bàn? Nếu cho kinh này thuộc giáo chữ Mãn nói về Phật tánh thường trụ, vì sao Niết-bàn phán định là sinh tô, sinh tô tức chẳng phải là Đề hồ. Vậy kinh này đâu được đồng chữ Mãn như Niết-bàn? Dẫn dụng các kinh luận để xét rõ về các thuyết, đã nêu đầy đủ trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa này.

4. Chánh thức phán giáo tướng của kinh này:

Kinh giáo của Như Lai đầy khắp cả Tam thiên, nhưng ý chánh không ra ngoài bốn loại là: Đốn, Tiệm, Bất định và Bí mật.

1. Đốn giáo: Tức kinh Hoa Nghiêm. Ví như mặt trời mới mọc, đầu tiên chiếu trên núi cao, như kinh Niết-bàn ghi: “Trên Tuyết Sơn có một loại cỏ tên là Nhẫn nhục, bò ăn vào sẽ được vị đề hồ”, tức là nghĩa này. Tuy có nói Đốn giáo, nhưng vì giáo hóa Bồ-tát, cho nên chẳng phải không gồm mở Biệt giáo phương tiện, nên kinh Vô lượng nghĩa ghi: “Ma-ha Bát-nhã, Hoa Nghiêm Hải Không, nói về Bồ-tát tu hành trải qua nhiều kiếp, mà chưa nói đến kinh Vô lượng Nghĩa sâu xa này”, chẳng đồng như Pháp Hoa nói ba thừa đồng được khai tri kiến Phật, phát bản hiển tích, thành đạo đến nay đã từ rất lâu xa. Như thế thì chẳng đồng với thuyết của các Sư.

2. Tiệm giáo: Tức năm vị nương nhau mà sinh. Môn Tam tạng đầu tiên nói về tu tập giới định dụ như sữa có từ bò, giáo Tam tạng nói về vô sinh diệt Bốn đế dụ như từ sữa sinh ra lạc. Đại thừa Phương đẳng, đầu tiên nói về sinh Bốn đế, dùng vô lượng và vô tác Bốn đế để phá bác Tiểu thừa, quở trách Thanh văn thích pháp nhỏ, dụ như từ lạc cho ra sinh tô. Ma-ha Bát-nhã cũng nói Vô sinh Bốn đế nhưng lại nói rõ về vô lượng Bốn đế, tuyên thuyết Bồ-tát trải qua nhiều kiếp tu hành, cũng gồm nói cả vô tác Bốn đế, dung hội Tiểu thừa đều là Ma-ha-diễn, khiến hàng Thanh văn chuyển giáo, dụ như từ sinh tô cho ra thục tô. Thời Pháp Hoa thuyết nhất thật vô tác Bốn đế, khai mở tri kiến Phật cho hàng Thanh văn, thọ ký được thành đạo lớn, giống như mùa thu thì thâu hoạch, sang đông thì cất giữ, không còn việc gì phải làm nữa, dụ như từ thục tô mà được đề hồ. Hơn nữa kinh Niết-bàn lại vì hàng Tỳ-kheo mà nói ba loại Phật tánh, nhất thật vô tác Bốn đế, vì hàng Thanh văn khai mở tuệ nhãn, thấy Phật tánh, an trí các con nơi tạng bí mật, cũng là từ thục tô sinh đề hồ.

Kinh Vô Lượng Nghĩa nói rõ là Đại phẩm trước thời Pháp Hoa. Luận Đại Trí Độ ghi: “Ma-ha Bát-nhã là sau thời Pháp Hoa.” Như thế nói về nghĩa của năm vị, nói chung thì tựa như đồng với nghĩa thường thấy, nhưng nếu so sánh kỷ, đồng thời luận theo thứ tự để giải thích nghĩa thì chẳng liên quan.

1. Bất định giáo: Chẳng giống như thuyết Bất định Thiên Phương của các thuyết xưa. Nay chỉ đối với hàng lợi căn bất đồng trong năm vị giáo để dẫn dắt, chỉ dạy đồng thấy Phật tánh, nên có nghĩa chữ Mãn. Kinh Niết-bàn ghi: “Như có người hòa thuốc độc vào sữa cho đến đề hồ cũng có thể giết chết người.” Vì thế ba nhà là Lương Võ Đế, Lưu-chi và Nhiếp Sơn cho kinh này và Đại phẩm thuộc về giáo chữ Mãn, trình bày Phật tánh, luận thường trụ, ý tại nơi đây.

2. Bí mật giáo: Luận Đại Trí Độ ghi: “Khi Phật mới thành đạo, ngài chuyển pháp luân bốn đế tại vườn Nai”, trong giáo hiển lộ thì nói năm vị Tỳ-kheo thấy đế lý được quả Tu-đà-hoàn, tám vạn người được pháp nhãn tịnh. Trong giáo Bí mật thì nói có vô lượng Bồ-tát nghe thuyết Đại thừa được Vô sinh nhẫn. Hơn nữa từ lúc mới thành đạo đến đêm vào Niết-bàn, Đức Phật thường nói Bát-nhã, hoặc có thể cho là nghĩa này. Kinh này nói: “Phật dùng một âm diễn nói pháp, chúng sinh tùy loại đều hiểu được”, đó cũng là tướng của giáo bí mật, vì chúng đương thời chẳng thấy nghe tức thuộc giáo bí mật.

Hỏi: Nếu thế thì không có Biến phương Bất định thuyết ư?

Đáp: Thứ tự năm vị còn được nói là Bất định, thì Biến phương dẫu cho có dị thuyết đi nữa, thì đó đâu cần phải luận. Bà-la-môn đem kệ đến đây để nêu ra bốn loại luận là Ngưu vương luận, Hà mô đào luận, Sư tử luận và Điểu nhãn luận. Nay mượn bốn loại luận này để phối hợp bốn giáo trên, trong đó ngưu vương luận hợp với Đốn giáo, Hà mô đào luận hợp với Tiệm giáo, Sư tử luận hợp với bất định giáo, Điểu nhãn luận hợp với bí mật giáo. Nay phán định kinh này chẳng phải là đốn giáo cho đến chẳng thuộc vị sinh tô trong năm vị giáo của Tiệm giáo. Nếu y cứ theo Bất định giáo tức là hòa độc vào sinh tô mà sát nhân, hàng Bồ-tát lợi căn tu tập giáo này được vào pháp môn bất nhị, thấy Phật tánh, trụ nơi bất tư nghị giải thoát Niết-bàn, đó là giáo chữ Mãn. Còn nói theo bí mật giáo thì chẳng thể biết được. Chủ ý của kinh này chẳng nói về giáo tướng, vì thế chẳng cần phải luận dài dòng tỉ mỉ, vả lại nghĩa giáo tướng liên quan đến rất nhiều ý khác, rất khó giải thích trình bày rõ, chỉ ở bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa luận về bốn giáo mới được đầy đủ, mà tạm hiển bày được đại ý.

Phật pháp chẳng nghĩ bàn
Giáo tướng thật khó biết
Nhị thừa và Bồ-tát
Còn chẳng thể lường được
Hà huống là phàm phu
Mà muốn định việc này
Như người mù bẩm sinh
Phân biệt hình mặt trời
Muốn xét cõi hư không
Tất cả các sắc pháp
Mà nói đã liễu đạt
Thật chẳng có việc này
Vì thế người thuyết pháp
Nên sinh tâm hổ thẹn
Tự trách mình tối tăm
Xa lìa các hý luận
Và tranh cạnh hơn thua./.

Pages: 1 2 3 4 5 6