SỐ 1777
DUY MA KINH HUYỀN SỚ
Sa-môn Trí Khải, chùa Tu Thiền, núi Thiên Thai soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 05

 

B. GIẢI TH1ICH TÊN CHUNG:

1. Giải thích chữ kinh.

Nếu căn cứ theo tiếng Phạm, trước lời Phật dạy thông thường có ghi từ Tu-đa-la, hoặc Tu-đơn-la, hoặc Tu-đố-lộ, giống như phương ngôn Sở, Hạ ở cõi này. Tu-đa-la đã là từ nước ngoài, nên xưa nay các Sư giải thích khác nhau, hoặc nói là không nên phiên dịch, hoặc cho là có phiên dịch. Nay giải nghĩa lược nêu lên năm ý:

  1. Không phiên dịch
  2. Có phiên dịch
  3. Dung hòa có phiên và không phiên
  4. Theo các pháp để giải thích
  5. Căn cứ quán tâm.

2. Không nên phiên dịch:

Tiếng Phạm có những từ bao hàm rất nhiều nghĩa, như từ Tu-đala bao hàm năm nghĩa, thì đâu thể dùng chữ kinh để phiên dịch. Nên Pháp sư Khai Thiện nói: “Kinh chẳng phải là từ dịch chánh, nhưng dùng từ kinh để thay thế cho Tu-đa-la, như ở phương này lời dạy của Chu, Khổng gọi là kinh, thì Thánh giáo của Ấn Độ, cõi này cũng nên dùng chữ kinh để thay thế.” Nói Tu-đa-la gồm năm nghĩa là pháp bản, vi phát, dũng tuyền, thằng mặc, kết man (kết vòng hoa).

1. Tu-đa-la có nghĩa là Pháp bản: Bậc Đại Thánh biết tất cả pháp đều chẳng thể thuyết, nhưng dùng bốn Tất-đàn nhân duyên mà có ngôn giáo. Nếu dùng thế giới Tất-đàn thuyết tức là nhất thiết luận bản. Nếu dùng vị nhân và đối trị Tất-đàn để thuyết tức là hạnh bản, nếu dùng Đệ nhất nghĩa Tất-đàn thuyết tức là lý bản, nên Tu-đa-la bao hàm nghĩa Pháp bản.

2. Tu-đa-la hàm nghĩa vi phát: Đấng Pháp vương dùng bốn Tấtđàn để khởi giáo, với ngôn từ kì diệu khéo léo, các pháp từ nhỏ nhiệm đến rõ ràng, không gì chẳng được trình bày. Thế thì văn nghĩa dần dần hiển lộ, khai phát hàng sơ tâm; sơ thiện, trung thiện, và hậu thiện đều tròn đủ. Nên Tu-đa-la hàm nghĩa vi phát.

3. Tu-đa-la hàm nghĩa Dũng tuyền: Ở đây từ thí dụ để giải nghĩa, như dòng suối phun trào, chảy mãi không khô cạn, Đức Phật dùng bốn Tất-đàn thuyết pháp, văn nghĩa không cùng tận, dòng nước pháp chẳng bao giờ dứt, nhuần thấm mầm chồi, ba loại cỏ, hai loại cây sinh ra từ mặt đất đều được tăng trưởng, nên Tu-đa-la hàm nghĩa Dũng tuyền.

4. Tu-đa-la hàm nghĩa Thằng mặc: Cũng dùng dụ để giải thích nghĩa, như pháp tắc thế gian hay khiến người bỏ tà về chánh, Đức Phật dùng bốn Tất-đàn để thuyết pháp, dẹp bỏ ái luận, Kiến luận tà vạy, khai phát chân kiến chánh đạo vô lậu, nên Tu-đa-la hàm nghĩa Thằng mặc (phép tắc).

5. Tu-đa-la hàm nghĩa Kết man (kết vòng hoa): Ở đây cũng dùng dụ để hiển thị ý nghĩa: kết man tức là dùng chỉ xâu giữ các bông hoa, khiến hoa không thể rơi lạc. Đức Đại Giác Thế Tôn dùng bốn Tất-đàn thuyết pháp, trình bày tướng của các pháp, ứng duyên đều không mất sót. Vả lại kết vòng hoa là để trang sức trên đầu, ngôn giáo của Như Lai dùng để trang nghiêm hành giả, tất cả đều kính yêu. Cho nên Tu-đa-la hàm nghĩa kết man.

Ở cõi này không có từ nào bao hàm năm nghĩa trên, nên dùng chữ kinh để thay thế.

Hỏi: Tu-đa-la hàm năm nghĩa, đồng dùng Tất-đàn để giải thích thì năm nghĩa có gì sai biệt?

Đáp: Đại ý của Tất-đàn tuy đồng, nhưng năm nghĩa khác nhau, chưa từng lẫn lộn.

3. Có phiên dịch:

Có Sư cho rằng, khi xưa Phật pháp mới đến xứ này, Phạm Hán chưa thông thạo nên các Sư ở vùng Hà Tây mới nói là không nên phiên dịch, đến nay kinh luận đến đã nhiều, việc phiên dịch Phạm Hán đã thông, nên cần phải phiên từ Tu-đa-la. Nhưng mỗi Sư đều có sự truyền nghe khác nhau, nên nói là có phiên cũng thành nhiều thuyết, nay lược nêu lên năm thuyết có phiên: Một là, có Sư phiên là pháp bản; hai, có Sư phiên là Khế; ba, có Sư phiên là Diên; bốn, có Sư phiên là Thiện ngữ giáo; năm, có Sư phiên là kinh.

  1. Các Sư phiên Tu-đa-la là Pháp bản: Pháp bản có ba là luận bản, hạnh bản và nghĩa bản. Đức Phật dùng bốn Tất-đàn thuyết pháp được ba bản này, như trước đã giải thích.
  2. Các Sư phiên Tu-đa-la là Khế: Khế nghĩa là Khế hội. Đức Thế

Tôn hiểu như pháp tướng, thuyết như pháp tướng. Nếu dùng thế giới Tất-đàn thuyết pháp tức Khế trình, nếu dùng vị nhân và đối trị Tấtđàn để thuyết pháp tức Khế hạnh, nếu dùng Đệ nhất nghĩa Tất-đàn để thuyết pháp tức Khế lý.

1. Các Sư phiên Tu-đa-la là Diên: Ở đây dùng dụ để hiển nghĩa, tức đồng với nghĩa kết man ở trước. Nói Diên tức lấy việc khâu, kết thành làm công năng. Tức dùng Tất-đàn thuyết pháp để thành tựu ba nghĩa của hành nhân ba thừa.

2. Các Sư phiên Tu-đa-la là Thiện ngữ giáo: Bậc Đại thánh Từ bi, tâm thuận lý mà thuyết pháp, nên gọi là Thiện ngữ, lại dùng Tất-đàn ứng duyên giáo hóa chúng sinh, thuận theo tình mà thành tựu việc nhập lý của người tu hành, nên gọi là Thiện ngữ giáo.

3. Các Sư dùng chữ kinh làm chánh phiên: Vì sao? Vì giáo Bậc Thánh tối thượng ở Ấn Độ thuyết thì gọi là Tu-đa-la, còn lời của bậc Thánh cõi này nói gọi là kinh, lấy đây mà so sánh thì nên lấy chữ kinh làm chánh phiên. Nói kinh, nghĩa là xuyên qua, xuyên qua tâm khẩu của bậc Thánh nên gọi là kinh. Tất-đàn lập giáo xuyên qua tâm khẩu của Như Lai nên gọi là kinh. Lại nói: “Thánh trước, Thánh sau, chẳng ai không xuyên qua giáo mà Tất-đàn đã nói để thành chánh đạo. Lại nói: “Kinh tức huấn pháp, huấn thường, pháp tức đáng làm quỹ tắc, thường thì không thể biến cải. Tất-đàn lập giáo, giáo này hay thành tựu ba lợi ích, nhất định đáng làm phép tắc, nên gọi là huấn pháp. Tất-đàn lập giáo, thì tất cả Trời, Ma, Phạm, các Sa-môn, Bà-la-môn cho đến các loại chúng sinh khác không thể biến cải.

Hỏi: Có phiên dịch đã có năm thuyết khác nhau, sao lại so sánh dùng ba nghĩa để giải thích?

Đáp: Thuật kia để hiển đây, nghĩa kia đã giải thích được ý này, thì có lỗi gì?

4. Dung hòa có phiên và không phiên:

Người có phiên hỏi người chủ trương không phiên rằng “Vì sao nói Ấn Độ có từ ngữ hàm nhiều nghĩa mà nước này không có từ hàm nhiều nghĩa; như từ “Kinh” này, Pháp Hoa nói sáu căn thanh tịnh, đâu biết hết lý sáu trần mười pháp giới?

Đáp: Đây là thọ trì Pháp Hoa, sáu ngàn công đức trang nghiêm sáu căn thanh tịnh của hành nhân, hiển pháp dụng tương tự tạng thức, thì sáu trần và tất cả pháp đều là kinh.

Hỏi: Tất cả pháp, đâu có thể nói hễ trình bày lý thì đều nói là kinh?

Đáp: Việc này dễ giải thích, như thế gian hiện thấy chỉ là một điểm màu đen, tạo thành chữ, diễn thuyết tất cả pháp không đâu chẳng khắp, thì hương vị xúc… đâu thể khác được. Nên kinh này nói: “Nếu đối với thức ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì đối với thức ăn cũng bình đẳng. Cho nên có thể dùng một bữa ăn mà ban phát cho tất cả. Kinh Đại Phẩm ghi: “Vì các pháp bình đẳng nên Bát-nhã Ba-la-mật bình đẳng”, lại nói: “Tất cả pháp thú hướng sắc cho đến ý pháp cũng thú hướng, nhưng sắc còn chẳng thật, làm sao lại có thú hướng, hay chẳng thú hướng”, như thế khắp tất cả pháp, so sánh cũng có thể tự biết.

5. Theo các pháp để giải thích. (Bản hán thiếu phần này)

6. Căn cứ theo quán tâm để nói về chữ kinh: gồm bốn ý:

  1. So sánh với nghĩa không phiên dịch, căn cứ theo quán tâm để giải thích kinh.
  2. So sánh với có phiên, căn cứ theo quán tâm để giải thích kinh.
  3. So sánh với việc hòa thông có phiên và không có phiên, căn cứ theo quán tâm để giải thích kinh.
  4. So sánh với nghĩa các pháp, căn cứ theo quán tâm để giải thích kinh.

1) So sánh với không phiên dịch mà căn cứ theo quán tâm để giải thích từ kinh: Đâu chỉ có từ Tu-đa-la không phiên dịch vì hàm năm nghĩa, mà tâm của chúng sinh bao hàm tất cả pháp cũng chẳng thể luận nói được. Vì sao? Vì nếu lìa tất cả tâm số, thì nói cái gì là tâm? Nay nói quán tâm bao hàm năm nghĩa:

2) Một là tâm bao hàm nghĩa pháp bản; kinh Đề Vị ghi: “Tâm là gốc của vạn pháp, là nguồn của chúng linh, ra vào chẳng loạn, đến đi không gián đoạn, thống trị nơi một thân để lập gốc đạo”; trong đó gốc (bản) của ngôn thuyết tức là giáo bản; gốc của vạn hạnh tức là hạnh bản; lập đạo căn tức là lý bản.

3) Quán tâm hàm nghĩa vi phát: Pháp vi tế không pháp nào bằng sát-na, nhân sát-na tương tục mà thành tất cả pháp. Nếu quán tâm này, phát sinh công đức trí tuệ, cũng là từ vi tế đến rõ ràng.

4) Quán tâm hàm nghĩa Dũng tuyền: Nhân quán tâm mà phát sinh công đức trí tuệ, như suối phun trào vô tận. Nên kinh Nhân Vương ghi: “Hay quán nguồn tâm thì được Vô lượng phước báu.”

5) Quán tâm hàm nghĩa kết man: Tâm vương xuyên tất cả pháp tâm số, như chỉ xâu hoa thành vòng, hoa không rơi rớt. Quán tâm xuyên suốt tất cả pháp cũng như thế. Như phát sinh định tuệ thì lại dùng đó trang nghiêm tâm.

6) Quán tâm hàm nghĩa Thằng mặc: Quán tâm cắt đức ái kiến tà vạy, thành tựu tám chánh đạo.

7) So sánh có phiên dịch để nói về quán tâm: Nếu dùng pháp để tâm y cứ thì có thể luận nói, nhưng cần phải đối chiếu với năm nghĩa phiên dịch Tu-đa-la đã nói ở trước.

8) Quán tâm tức Pháp bản: Như kinh Đề Vị giải thích đã dẫn dụng ở trước.

9) Quán tâm tức là Khế: Vì quán tâm hợp với lý nên gọi là Khế.

10) Quán tâm tức là Diên: Quán tâm có thể thành tựu tất cả đạo pháp, như may thành y.

11) Quán tâm tức là Thiện ngữ: Như chữ phương giải thích một nghĩa hoặc hai nghĩa hoặc nhiều nghĩa giải thích. Đó tức là bao hàm nhiều nghĩa. Đến chính như chữ kinh, muốn lập cách giải thích bao hàm năm nghĩa, thì ý đó rõ ràng. Cho nên biết nghĩa không phiên dịch chẳng đúng.

Lại người chủ trương không phiên hỏi người chủ trương có phiên rằng “Nếu nói khi xưa ngôn từ của hai nước chưa thông thạo thì chưa phiên, còn nay thì ngôn ngữ hai nước đã thông, nhất định có phiên, như vậy từ Tu-đa-la chỉ là một từ của Ấn Độ, vì sao nay từ được phiên chẳng đồng, năm từ mỗi mỗi khác nhau, nếu một từ là đúng bốn từ kia là sai, vậy từ nào đúng từ nào sai? Nếu năm từ đều đúng, thì kia chỉ một đây lại có năm, một chẳng thể là năm; năm chẳng thể là một, điều này là trở ngại lớn. Nếu năm từ đều sai, nhất định biết là không thể phiên.

Dẫu có nêu lên cách phiên dịch khác thì đều chẳng dùng. Nay cho rằng nếu chẳng đạt được chánh ý Phật pháp thì có phiên hay không phiên đều thuộc thiên chấp, đạt được ý thì có phiên hay không phiên đều có thể tùy thuận. Vì sao? Nếu biết Tất-đàn khởi giáo là một, có phiên hay không phiên đều đủ ba nghĩa, bao hàm tất cả Phật pháp, thì tranh chấp liền dứt, nghĩa chân chánh viên thông đâu có lỗi gì ở đây? Cho nên kinh ghi: “Y cứ theo ý nghĩa, chẳng nên y cứ vào ngôn từ.” Tuy thế, nay giải thích nên dùng chữ “Kinh” thì cũng không ngăn ngại, lại hai bên có phiên hay không phiên may mắn được thỏa mãn. Vì sao? Vì người chủ trương không phiên cũng dùng chữ kinh làm tiêu đề, người chủ trương có phiên cũng dùng chữ kinh làm tiêu đề mà chẳng dùng các từ ngữ Pháp bản, Khế, Diên, Thiện ngữ giáo đặt ở đầu các ngôn giáo. Nếu dùng chữ kinh, đối hai nhà có phiên hay không phiên đều hợp. Tức dung hòa nghĩa tranh chấp của hai nhà. Như các bản của giải thích Niếtbàn hoặc nói có phiên hay không phiên, giải Bát-nhã hoặc nói có phiên không phiên, nếu giải thích sâu xa ý này thì không trệ ngại.

12) Căn cứ các pháp mà giải thích kinh: Có Sư cho rằng có ba loại kinh là: Thanh kinh, Sắc kinh và Pháp kinh. Thanh kinh: Âm thanh của Đức Đại Giác Thế Tôn có thể trình bày về lý, người nghe âm thanh này mà ngộ được lý, nên âm thanh tức là kinh. Nên Đại Phẩm nói: “Như từ nơi Thiện tri thức mà nghe Bát-nhã.” Sắc kinh “Chữ màu đen là kinh, màu đen là văn tự hay trình bày lý thú, thấy sắc đạt được lý, sắc tức là kinh, nên Đại Phẩm ghi: “Như từ quyển kinh mà nghe Bát-nhã.” Pháp là kinh, pháp là pháp trần, tâm và pháp hợp, trong tâm tư duy tu tập nơi pháp, nhân pháp mà đạt được lý, pháp tức là kinh. Kinh ghi: “Người tu pháp ta chứng đắc mới tự biết tâm không thật, hãy tu hành đâu cần phải hỏi.”

Hỏi: Sáu trần, vì sao chỉ nói ba trần là kinh còn ba trần hương, vị, xúc chẳng phải là kinh?

Đáp: Ở cõi này có ba căn chậm lụt nên không có lý hương, vị, xúc chứng đắc, cho nên ba trần tương ứng không gọi là kinh. Nếu như ở cõi Phật phương khác thì hoặc dùng hương làm Phật sự, hoặc dùng vị làm Phật sự, hoặc dùng xúc làm Phật sự, thì ba trần này đều gọi là kinh, như kinh này nêu ra các Phật sự khác nhau ở các cõi Phật phương khác. Như thế tất cả pháp trình bày lý thì tất cả đều là kinh.

Hỏi: Nếu nói ở cõi này con người có ba căn chậm lụt nên ba trần không được gọi là giáo, vì sao kinh nói giác quán là pháp ngôn ngữ?

Đáp: Quán tâm là giác quán thuận lý, tức Thiện ngữ có thể chuyển phiền não bị quán, nên gọi là giáo. Cho nên kinh này nói: “Trần lao là đệ tử, tùy ý mà sai khiến.” Nói về quán tâm tức là kinh: Do trải qua quán tâm mà thành Thánh, nên kinh Bát Chu ghi: “Chư Phật, đều từ tâm mà được giải thoát, tâm tức vô cấu gọi là thanh tịnh, năm đường trong sạch chẳng thọ sắc trần.” Có người giải thích điều này là “thành đạo lớn.”

13) So sánh với việc dung thông có phiên không phiên mà căn cứ theo quán tâm để giải thích kinh: Khi quán tâm như thế tức biết tâm này chẳng thể đặt tên, chẳng thể không đặt tên, cũng chẳng thể đặt tên, cũng có thể đặt tên, giống như có phiên mà không phiên; nếu có thể thông đạt, không trệ ngại thì khi quán tâm phá tất cả pháp, không còn chấp trước, xa lìa các hý luận, vô ngại tự tại.

14) Căn cứ theo quán tâm, qua các pháp đều là kinh: Tất cả pháp đều từ tâm sinh khởi; nếu tâm là kinh tức các pháp cũng đều là kinh, nên kinh Hoa Nghiêm ghi: “Muốn biết tâm Như Lai, chỉ cần quán tâm chúng sinh, ví như trong một vi trần có ba ngàn Đại thiên thế giới quyển kinh, không ai biết được, có người phá nát vi trần này, tức thấy được ba ngàn thế giới quyển kinh. Nếu phá một niệm tâm vô minh của chúng sinh, thì các kinh mà chư Phật đã nói đều hiện bày.” Nếu hành nhân có thể duy quán tâm tìm đọc Tâm kinh tức thấy Phật tánh, trụ đại Niếtbàn, thông suốt các kinh đốn, tiệm, bí mật, bất định. Vì sao? Vì quán tâm sinh diệt, thấy tất cả Tam Tạng giáo, ngang dọc rõ ràng, quán tâm giả danh thấy tất cả kinh Biệt giáo ngang dọc rõ ràng, quán tâm Trung đạo thấy tất cả Viên giáo ngang dọc rõ ràng. Bốn giáo luận về kinh như trước đã phân biệt. (Một tên khác là bất tư nghị Giải thoát)

2. Giải thích tên kinh: Tức giải thích từ bất khả tư nghị giải thoát”. Đây là y cứ theo pháp để lập danh. Nay lược nêu bảy ý để giải thích:

  1. Giải thích từ “Bất tư nghị giải thoát”
  2. Luận về tướng Bất tư nghị giải thoát.
  3. Giải thích riêng về Bất khả tư nghị giải thoát.
  4. So sánh để giải thích ba pháp.
  5. Căn cứ theo giáo để phân biệt.
  6. Căn cứ quán tâm để nói về Bất tư nghị giải thoát.
  7. Dùng nhân pháp để giải thích kinh.

* Giải thích từ “Bất tư nghị giải thoát”: gồm ba ý:

  1. Nêu các thuyết bất đồng xưa nay.
  2. Bàn về sự giải thích của các nhà
  3. Chính thức nói về sự giải thích của Sư.

1) Nói về các Sư xưa nay giải thích “Bất tư nghị giải thoát” không khác: Có rất nhiều nhà giải thích, nay chỉ lược nêu lên bảy nhà khác nhau:

1/ Ngài La-thập nói “Bất tư nghị giải thoát” là tên của thần thông Tam-muội.

2/ Ngài Đạo Sinh nói “Bất tư nghị giải thoát” là diệu dụng khó lường.

3/ Ngài Tăng Triệu nói “Bất tư nghị giải thoát” là: cảnh giới sâu xa vi diệu khó lường, vượt ngoài cảnh giới Nhị thừa là Bất tư nghị, trần lụy chẳng thể trói buộc là giải thoát.

4/ Các thuyết xưa của các Sư ở quan nội giải thích “Bất tư nghị giải thoát” rằng: địa thứ sáu đoạn kết sử đồng với công đức của A-la-hán, địa thứ bảy dần dần đoạn trừ tập khí, địa thứ tám tập khí đã hết, đạo và quán song tu gọi đó là Bất tư nghị. Chánh tập khí đã tận gọi là giải thoát. Còn các Sư ở phương Nam cận đại giải thích “Bất tư nghị giải thoát” , so sánh với cách giải thích trên tuy có vài điểm khác nhau, nhưng phần lớn thì đồng, nên nay chẳng luận.

5/ Các Sư Địa Luận giải thích giải thoát Bất tư nghị rằng pháp duyên tu của Thông giáo dùng thức trí thứ bảy chiếu soi chân lý Phật tánh, đoạn trừ kiến tư hoặc ở ba cõi và vô minh ngoài ba cõi, phát chân giải thoát, đoạn kết sử, thì thức viên trí thứ bảy lặng trong vượt ngoài trần lụy, đó gọi là giải thoát. Đó là Bất chân tông giải thích giải thoát, chẳng phải là giải thoát Bất tư nghị. Như chân tông thì pháp dùng thức thứ tám chân tu thể hiển bày, lìa hai chướng, dung thông, chẳng được, chẳng lụy gọi đó là Bất tư nghị giải thoát .

6/ Tam tạng Pháp sư Chân Đế giải thích Bất tư nghị giải thoát rằng: giải thoát có hai: Một là, Bất tương ly giải thoát; hai, Tương ly giải thoát. Nếu Bất tương ly giải thoát thì lý vốn có của pháp như như chưa lìa hoặc. Tương ly giải thoát, thì được pháp như như, trí đoạn tâm chướng đã xa lìa các hoặc; tương ly giải thoát này tức là giải thoát Bất tư nghị.

7/ Các Sư Tam Luận nói rằng: Như kia nói trói buộc giải thoát thì trói buộc là tự trói buộc, giải thoát là tự giải thoát, đó là Tự tánh trói buộc giải thoát, chẳng phải là giả trói buộc giải thoát, chẳng phải là trói buộc giải thoát của chẳng trói buộc chẳng giải thoát, đây chẳng phải là Bất tư nghị giải thoát . Nay nói buộc chẳng phải là tự buộc, do nơi thoát mà nói có buộc, thoát chẳng phải là tự thoát, do có buộc mà nói thoát. Do thoát buộc tức là giả buộc, do buộc nói thoát tức là giả thoát, giả buộc thì chẳng phải buộc, giả thoát thì chẳng phải thoát, tức chẳng buộc chẳng thoát, rốt ráo thanh tịnh, mà lại gọi là buộc thoát tức là buộc thoát giả danh Bất tư nghị. Nhưng lời giả danh phương tiện kia chuyển biến nhiều lối, há có thể nói là nhất định ư? Điều này đã lược nêu ở chương đầu.

2) Bàn về sự giải thích của các nhà:

Như ngài La-thập cho Thần thông Tam-muội là Bất tư nghị giải thoát , thì đó chỉ là hành dụng y cứ vào hạnh Thiền định của Thông giáo. Ngài Đạo Sinh cho dụng không lường là Bất tư nghị giải thoát thì đó cũng là Thần dụng không lường của Thông giáo. Ngài Tăng Triệu nói sâu xa vi diệu khó lường vượt ngoài cảnh giới của Nhị thừa, thì đó chỉ là tuệ hạnh của Thông giáo, chứng lý đoạn trừ kết sử, giai vị trên Nhị thừa: Các cựu giải ở quan nội giải thích Bất tư nghị giải thoát là địa thứ tám tập khí đã tận trừ, đạo quán song tu là Bất tư nghị giải thoát, đó cũng chỉ là tuệ hạnh tu hành các hạnh của Thông giáo. Các Sư Địa luận nói pháp chân tu dùng thức thứ tám tu tập hiển thể, đoạn hai chướng để nói về Bất tư nghị giải thoát, đó chính là nghĩa của Biệt giáo. Nếu y cứ theo tướng địa của Địa luận nói về nghĩa, tức là Biệt giáo nói về Bất tư nghị giải thoát, nếu y cứ vào nghĩa của Thật địa, tức là Viên giáo nói về Bất tư nghị giải thoát.

Ý của Tam tạng Chân Đế đồng với ý của Biệt giáo của Địa luận.

Các Sư Tam luận giải thích giải thoát, tuy có dùng lời giả danh hư huyền, nhưng chẳng biết được chỗ quy thú của Tông chỉ. Nếu như từ nơi “Tha” nghiêm xét lạc vào tha tánh thì chưa có thể biết được điều nói trong phẩm quán pháp của Trung luận là ý của Thông giáo, phẩm Bốn đế có ý của Thông, Biệt, Viên giáo, hai phẩm sau có ý của Tam Tạng giáo. Nếu căn cứ theo đây để giải thích nghĩa tức có được bốn nghĩa giải thoát cho bốn giáo. Nhưng ngài Thiên Thân phần nhiều chỉ giải thích Biệt Viên giáo, ngài Long Thọ phần nhiều chỉ nói đến Thông giáo Viên giáo. Giải thích khác nhau về giải thoát của hai nhà, theo nghĩa suy có thể tự biết.

3) Chánh thức luận đến cách giải thích từ Bất tư nghị giải thoát của Sớ chủ: gồm ba ý:

1. Giải thích tổng quát danh Bất tư nghị giải thoát 2. Giải thích riêng danh Bất tư nghị giải thoát 3. Liệu giản (phân biệt).

2. Giải thích tổng quát: Đối với Tư nghị giải thoát mà nói về Bất tư nghị giải thoát, nếu hiểu được lý tư nghị mà lìa duyên phược thì gọi là Tư nghị giải thoát, nếu hiểu được lý Bất tư nghị mà xa lìa được duyên phược (trói buộc), thì gọi là Bất tư nghị giải thoát. Tư nghị giải thoát tức là sự giải thoát xa lìa văn tự, nên Thân tử trả lời Thiên nữ “Ta nghe nói giải thoát không có ngôn thuyết.” Còn như Bất tư nghị giải thoát là sự giải thoát chẳng lìa văn tự, cho nên Thiên nữ đáp: “Không xa lìa văn tự mà nói tướng giải thoát, vì tánh của văn tự là xa lìa, tức là giải thoát.”

3. Giải thích riêng từ Bất tư nghị giải thoát: Tức là giải thoát chẳng lìa văn tự, nên Thiên nữ nói: “Tướng giải thoát chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, vì thế tánh của văn tự là xa lìa, tức giải thoát. Giải thoát tức các pháp “Nay cho rằng chẳng từ tự thoát mà khởi, nên chẳng y cứ vào tự tánh để lập danh; giải thoát chẳng từ tha thoát mà khởi nên chẳng y cứ vào tha tánh đã lập danh, giải thoát chẳng từ tự tha cộng mà khởi, nên chẳng y cứ theo cộng tánh mà lập danh, giải thoát chẳng phải lìa tự tha, không nhân duyên mà khởi, nên chẳng y cứ vào tánh không nhân duyên để lập danh; từ nhân duyên khởi lập tên giải thoát còn chẳng được, hà huống là không có nhân duyên khởi mà lập danh? Giải thoát chẳng phải từ bốn bên mà khởi, nên chẳng nương vào nghĩa bốn tánh mà lập danh giải thoát, như vậy tướng giải thoát chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, tướng của danh tự cũng chẳng ở trong chẳng ở ngoài chẳng ở khoảng giữa, tướng của danh tự vốn xa lìa tức là giải thoát, giải thoát tức các pháp. Cho nên biết phược (trói buộc) cũng như thế. Thế thì danh tự phược thoát chẳng phải phược chẳng phải thoát mà có danh từ phược thoát thì đó là phược thoát Bất tư nghị. Bất tư nghị phược tức Bất tư nghị giải thoát. Cho nên kinh ghi: “Tánh của dâm nộ si tức là giải thoát, trụ nơi giải thoát Bất tư nghị này, thì có thể thị hiện các loại.” Nếu là giải thoát lìa văn tự, tức là đoạn phiền não vào Niết-bàn. Nếu là giải thoát chẳng lìa văn tự, tức chẳng đoạn phiền não mà vào Niết-bàn, gọi đó là giải thoát Bất tư nghị. c) Liệu giản:

Hỏi: Nếu chẳng lìa văn tự mà nói giải thoát , vì sao ngài Tịnh Danh im lặng?

Đáp: Đây là muốn ấn chứng nghĩa Thánh thuyết pháp tức Thánh im lặng của các Bồ-tát.

Hỏi: Thông giáo cũng chẳng nương theo bốn câu lập danh, có được gọi là giải thoát Bất tư nghị chăng?

Đáp: Thông giáo chỉ phá bốn câu của Tạng giáo, chẳng phá bốn câu của Biệt giáo, nên chẳng phải Bất tư nghị. Viên giáo phá bốn câu của Biệt giáo, như trên đã nói chân tu, duyên tu đọa vào tự tha tánh.

Hỏi: Nếu thế kinh này chỉ bác phá ngài Thân tử, thì chẳng phải là giải thoát Bất tư nghị ư?

Đáp: Chẳng phải! Ngài Thân tử dùng hết thần lực mà chẳng thể làm hoa rơi, Thiên nữ trách rằng “Kết sử tập khí chưa trừ thì hoa dính thân.” Đây là phá Biệt hoặc để hiển Bất tư nghị giải thoát, nên chẳng phải là Thông giáo.

Hỏi: Vì sao nói: “Chẳng đoạn phiền não mà vào Niết-bàn mới là giải thoát Bất tư nghị?”

Đáp: Núi Tu-di nhét vào hạt cải, nhỏ chẳng làm chướng ngại lớn, lớn chẳng làm ngại nhỏ, nên gọi là Bất tư nghị. Nay có phiền não, kết hoặc mà chẳng chướng trí tuệ Niết-bàn, trí tuệ Niết-bàn chẳng ngại phiền não kết hoặc, nên gọi là Bất tư nghị. Còn không có kết hoặc mà vào Niết-bàn gọi là Bất tư nghị, thì nay hỏi lại rằng “Không có tướng nhỏ của hạt cải, có tướng lớn của núi Tu-di, cũng được luận là Bất tư nghị ư?

Hỏi: Nếu chẳng đoạn mà vào gọi là Bất tư nghị, vậy Thông giáo cũng nói chẳng đoạn mà vào Niết-bàn, vì sao chẳng phải là Bất tư nghị giải thoát?

Đáp: Thông giáo cho chẳng thấy tướng của hoặc là chẳng đoạn, mà thật đã đoạn, như khi sáng thì không tối, chẳng đồng như việc có tướng nhỏ của hạt cải chẳng ngại tướng lớn của núi Tu-di.

* Luận về tướng Bất tư nghị giải thoát:

Lại y cứ vào Tư nghị giải thoát để biện luận về tướng của Bất tư nghị giải thoát. Nếu là Tư nghị giải thoát, đó là sự giải thoát của hai loại Niết-bàn thân diệt trí đoạn, mà hàng Tam thừa của Tạng giáo và Thông giáo chứng đắc. Nếu là Bất tư nghị giải thoát thì đó là đại Niếtbàn thường tịnh mà chư Phật và các Bồ-tát Biệt giáo Viên giáo chứng đắc. Nay lược nêu bảy ý để phân biệt tướng bất đồng của hai loại giải thoát này:

  1. Theo lý phân biệt.
  2. Theo trí để phân biệt.
  3. Theo đoạn và chẳng đoạn để phân biệt.
  4. Theo giới nội, giới ngoại để phân biệt.
  5. Theo có Thể, không Thể để phân biệt.
  6. Theo có dụng, không dụng để phân biệt.
  7. Theo cộng tư nghị, bất cộng tư nghị để phân biệt.

1. Căn cứ theo lý để phân biệt:

Nếu thấy được lý tư nghị mà giải thoát tức Tư nghị giải thoát, nếu thấy lý bất tư nghị mà được giải thoát là Bất tư nghị giải thoát.

Hỏi: Lý thì không hai, sao lại phân biệt tư nghị và bất tư nghị?

Đáp: Như lý Chân đế là lý tư nghị, lý trung đạo Phật tánh là lý bất tư nghị. Cho nên kinh này nói: “Như bịnh của ta chẳng phải thật chẳng phải giả, bệnh của chúng sinh cũng chẳng phải thật chẳng phải giả.” Cho nên biết lý trung đạo khác với Chân đế, Chân đế là lý tư nghị, chẳng phải là Như Lai tạng; lý Trung đạo gọi là Bất tư nghị, tức Như Lai tạng. Không có chỗ tích tụ mới gọi là Tạng, nên nói là lý Bất tư nghị.

2. Căn cứ theo trí để phân biệt: Nếu giải thoát đạt được từ trí sinh diệt thì gọi là tư nghị giải thoát; nếu sự giải thoát đạt được từ trí vô sinh diệt thì gọi là Bất tư nghị giải thoát.

Hỏi: Làm sao phân biệt trí sinh diệt và trí vô sinh diệt?

Đáp: Chân trí đạt được do quán lý Chân đế, tức là trí sinh diệt, nên kinh này, ngài Tịnh Danh quở trách ngài Ca-chiên-diên rằng “Không nên dùng tâm sinh diệt mà nói thật tướng của các pháp.” Còn chân trí đạt được do thấy được lý Trung đạo, thì gọi là Trí vô sinh diệt. Cho nên kinh Đại Niết-bàn ghi: “Nơi mà chư Phật y cứ, đó là pháp, vì pháp thường nên chư Phật cũng thường”; chư Phật cũng thường tức là Thường trí tịch chiếu vô sinh.

3. Căn cứ vào đoạn và chẳng đoạn để phân biệt:

Nếu đoạn phiền não được giải thoát, tức là giải thoát tư nghị, nên kinh này nói: “Đức Phật thuyết đoạn dâm, nộ, si là giải thoát cho những kẻ tăng thượng mạn nghe”; nếu chẳng đoạn phiền não mà được giải thoát tức là giải thoát Bất tư nghị, nên kinh này nói: “Chẳng đoạn si ái mà khởi minh thoát, dùng tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng chẳng buộc chẳng thoát.”

Hỏi: Chẳng đoạn phiền não kết nghiệp, làm sao được giải thoát?

Đáp: Ví như người chưa được thần thông bị nhốt nơi lao ngục thì cần phải khoét vách đào tường mới có thể ra được, nếu là người đã được thần thông mà bị nhốt nơi lao ngục, tuy chẳng cần khoét vách đào tường, mà vẫn ra vào không ngăn ngại.

Hỏi: Nếu chẳng đoạn phiền não, được giải thoát gọi là giải thoát Bất tư nghị, thì Bồ-tát Biệt giáo đoạn phiền não được giải thoát, lại bị xem là giải thoát tư nghị ư?

Đáp: Đây là giáo đạo, chẳng phải là chứng đạo. Nếu Bồ-tát Biệt giáo chứng đắc giải thoát Bất tư nghị thì cũng chẳng đoạn.

4. Căn cứ theo giới nội giới ngoại để phân biệt: Nếu là giải thoát tư nghị thì chỉ thoát khỏi sự trói buộc của giới nội, còn giải thoát Bất tư nghị thì thoát cả các hoặc trói buộc của giới nội và giới ngoại.

Hỏi: Thế nào gọi là thoát khỏi sự trói buộc của giới nội, chẳng thoát khỏi sự trói buộc của giới ngoại?

Đáp: Kinh này nói: “Pháp gọi là vô nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến nhiễm Niết-bàn thì chẳng phải là cầu pháp.” Kinh Pháp Hoa ghi: “Chỉ lìa hư vọng mà gọi là giải thoát, kì thật chưa đạt được Nhất thiết giải thoát”, “chỉ lìa hư vọng” tức chỉ lìa kiến tư hoặc thuộc phần đoạn sinh tử của giới nội; kỳ thật chưa đạt Nhất thiết giải thoát, tức là các hoặc kiến, tư, vô minh thuộc biến dịch sinh tử của giới ngoại. Nghĩa này cũng như phần phân biệt về Biệt giáo ở trước.

5. Căn cứ theo có thể, không thể để phân biệt:

Nếu là giải thoát tư nghị thì có thể của sắc tâm, nếu là giải thoát

Bất tư nghị thì không thể của sắc tâm. Hỏi: Vì sao giải thoát tư nghị không có sắc tâm, còn Bất tư nghị thì có sắc tâm?

Đáp: Là giải thoát tư nghị thì diệt sắc mà chấp giữ không; vậy hữu dư giải thoát thì nhân của sắc tâm diệt; vô dư giải thoát thì quả của sắc tâm diệt, nay đã y cứ không sắc, không tâm để nói về giải thoát, cho nên không có thể. Như thế Bất tư nghị giải thoát thì quán sắc tâm tức sắc tâm pháp tánh, sắc tâm pháp tánh không do nhân sinh nên không có quả diệt. Thấy sắc tâm chẳng sinh chẳng diệt mà được giải thoát nên có thể diệu, sắc diệu, tâm chân thiện. Kinh Niết-bàn ghi: “Giải thoát có hai loại là sắc và phi sắc. Phi sắc tức là Thanh văn, Duyên giác, sắc tức là giải thoát mà chư Phật Như Lai chứng đắc.” Lại ghi: “Diệu sắc lặng trong thường an trụ, chẳng bị sinh, lão, bệnh, tử biến đổi.” Lại ghi: “Sắc tức giải thoát Niết-bàn, thọ, tưởng, hành, thức là giải thoát Niết-bàn”, đây là kinh Nhân Vương nói về pháp tánh sắc, thọ, tưởng, hành, thức là giải thoát. Nếu không có sắc thì như người chết, đâu thể luận là giải thoát.

6. Căn cứ theo có dụng và không có dụng để phân biệt. Nếu là Tư nghị giải thoát thì không có đại dụng vô cùng, nếu là Bất tư nghị giải thoát thì có đại dụng vô cùng.

Hỏi: Vì sao như thế?

Đáp: Nếu là Hữu dư giải thoát tư nghị thì chứng chân, nhập định Diệt thọ tưởng, tựa như chấp trong thân chứng tưởng thọ diệt của pháp Niết-bàn, giống như người chết, không có khả năng hoạt dụng. Nếu là vào vô dư giải thoát, thân diệt trí đoạn thì giống như hư không, không còn tạo tác gì; nếu hai thân là Sinh thân và pháp thân trụ nơi Bất tư nghị giải thoát, thì có thể thị hiện các thân hình, như phẩm Bất tư nghị kinh này nói. Cho nên ngài Tịnh Danh quở trách ngài Thân Tử rằng “Chẳng khởi diệt định mà hiện các oai nghi là yên tọa.”

7. Căn cứ theo Cộng và Bất cộng bất tư nghị mà phân biệt hai tướng giải thoát: Nếu là Cộng Bất tư nghị là Tư nghị giải thoát, nếu là Bất cộng Bất tư nghị là Bất tư nghị giải thoát.

Hỏi: Thế nào là Cộng bất tư nghị?

Đáp: Có các Sư cho rằng: địa thứ tám và đạo và quán song tu, hàng Nhị thừa và các Bồ-tát ở các địa dưới chẳng thể suy lường được cảnh giới ấy, nên gọi là Bất tư nghị. Vì sao? Nếu các Địa dưới chẳng thể suy lường được cảnh giới của địa thứ tám, thì địa thứ tám chẳng thể suy lường được địa thứ chín; vậy địa thứ tám thành ra Tư nghị, địa thứ chín là Bất tư nghị. Như thế cho đến địa thứ mười chẳng thể suy lường được Phật địa thì Phật địa là Bất tư nghị, địa thứ mười là tư nghị Phật địa hay tư duy Phật địa lại thành tư nghị. Nếu vậy, thì thế nào là Bất tư nghị giải thoát đây? Lại như kinh nói: “Đức Phật nhập Tam-muội, ngài Thân Tử chẳng thể biết được, ngài Thân Tử nhập Tam-muội thì ngài Mục Liên chẳng thể biết, ngài Mục Liên nhập định thì các La-hán khác chẳng thể biết, các La-hán nhập định thì hàng Hữu học chẳng thể biết, hàng Hữu học nhập định thì hàng Tứ thiện căn chẳng biết, hàng Tứ thiện căn nhập định thì tất cả ngoại đạo chẳng biết cho đến các pháp thuật huyễn hóa của ngoại đạo thì người thế gian đều chẳng thể biết. Như thế đều gọi là Bất tư nghị. “Nếu luận về tư nghị thì đến Phật cũng còn là tư nghị, nếu nói bất tư nghị thì cho đến như ong vàng làm mật, nhền nhện giăng tơ đều bất tư nghị”, đó là cộng Bất tư nghị, đều là sự giải thoát có tâm số pháp, cũng đều là tư nghị giải thoát, thế thì có thể dùng nghĩa này để so sánh với tướng Bất tư nghị giải thoát ư?

Hỏi: Nếu vậy, thế nào là Bất tư nghị giải thoát?

Đáp: Pháp tánh Bất tư nghị giống như hư không, không nghĩ không suy, lặng lẽ thường trụ, vào tất cả pháp thì đều thông đạt, hiển hiện. Đó là Bất cộng Bất tư nghị, chẳng chung với các phàm phu và hàng Tam thừa của Thông giáo và Tạng giáo. Nên kinh Niết-bàn ghi: “Lắng trong, thanh tịnh tức chân giải thoát.” Kinh Pháp Hoa ghi: “Pháp này chẳng thể dùng suy nghĩ phân biệt để hiểu.” Kinh Ban Châu Tam-muội ghi: “Có tâm chẳng biết tâm, tâm chẳng thấy tâm, tâm khởi tưởng tức là si, không khởi tưởng tức Niết-bàn.” Luận Đại Trí Độ ghi: “Nếu khởi ý tưởng phân biệt tức là lưới ma, chẳng động chẳng phân biệt tức là pháp ấn.” Kinh này ghi: “Nếu phân biệt Phật pháp thì gọi là chẳng như pháp.” Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Rốt ráo lìa hư vọng, không nhiễm như hư không.” Cho nên biết, tất cả suy lường, phân biệt nhớ nghĩ rốt ráo chẳng khởi, gọi là Bất tư nghị. Nên kinh Niết-bàn ghi: “Đợi khi nước lắng trong thì hạt châu tự hiện” tức lý Phật tánh Bất tư nghị hiển lộ, lý Phật tánh Bất tư nghị hiển lộ tức là giải thoát Bất tư nghị.

Hỏi: Cộng Bất tư nghị, tức là Địa dưới tư duy chẳng thể biết các Địa trên, thì Địa trên gọi là Bất tư nghị, còn Địa trên tư duy biết Địa dưới, thì Địa dưới có gọi là Tư nghị chăng?

Đáp: Tuy Địa dưới tư duy chẳng biết Địa trên, Địa trên tư duy biết được Địa dưới, nhưng đều là tư lương tri chứ chẳng phải bất tư lương tri, nên thuộc về Tư nghị.

Nay Bất cộng bất tư nghị thì Địa dưới chẳng thể dùng tư duy để suy biết Địa trên, Địa trên cũng không thể dùng tư duy để suy biết Địa dưới. Địa dưới dùng chẳng tư duy để suy biết Địa trên mà chẳng thể biết được Địa trên, trí chẳng tư duy của các Địa trên tự tại biết được Địa dưới. Địa dưới chẳng tư duy nên còn chẳng thể biết được trí tư nghị của Địa trên, huống gì trí Bất tư nghị năng trí, trí chẳng tư duy của Địa trên tự tại biết được trí Bất tư nghị của Địa dưới, hà huống gì trí tư nghị? Cho nên biết Địa trên, Địa dưới tuy có biết và chẳng biết nhưng đều là Bất tư nghị.

Hỏi: Chẳng tư duy làm sao biết có phân biệt?

Đáp: Tịch chiếu của bốn mươi hai địa tuy đồng, nhưng sự tận trừ các phẩm vô minh lại khác nhau; cho nên Địa dưới chưa tận trừ một phẩm vô minh thì chưa thể biết được Địa trên, Địa trên tận trừ được một phẩm vô minh thì biết được Địa dưới; từ Nhị thừa cho đến phàm phu đều có lý Bất tư nghị này, nhưng bị hoặc chướng suy nghĩ phân biệt che lấp; vì chưa phá được ý tưởng phân biệt vô minh, nên chẳng thể chẳng tư duy mà biết. Chư Phật Bồ-tát đã phá dẹp ý tưởng phân biệt vô minh, nên chẳng tư duy mà biết. Ví như mặt trăng mới mọc, chẳng tự suy nghĩ là ta chiếu thế giới và chúng sinh, mà chúng sinh và thế giới tự nhiên có ánh sáng, cho đến khi mặt trăng ngày rằm tròn sáng, cũng chẳng nghĩ rằng ta chiếu soi mà vạn vật kia vẫn được sáng. Viên giáo luận về Phật, Bồ-tát cũng như thế, há đồng với ánh sáng đom đóm ư?

Hỏi: Nếu cho Phật tánh Bất tư nghị hiển hiện lắng trong, không tư duy, không nghĩ nhớ là Bất cộng Bất tư nghị, thì có khác gì với các Sư Địa luận nói rằng thức thứ tám lặng trong, chân tu hiển thể?

Đáp: Các Sư Địa luận nói rằng thức thứ sáu là phân biệt thức, thức thứ bảy là trí chướng ba lãng thức, thức thứ tám là chân thường thức. Tri thức là duyên tu, nếu thức thứ tám hiển thì thức thứ bảy diệt, vậy thức thứ tám là Chân tu, tự tại dung thông thường tịch, nhưng luận Nhiếp Đại thừa ghi: “Thức thứ bảy là tâm chấp kiến, thức thứ tám là thức vô ký vô diệt”, há được nói là Chân tu ư? Và lại nay nói thức thứ sáu là Bất tư nghị giải thoát, thì há có thể nói thức thứ sáu, thức thứ bảy diệt rồi hiển thức thứ tám Chân tu là Bất tư nghị giải thoát được ư? Vì sao? Kinh Ương Quật ghi: “Nhãn căn của kia so với Như Lai vẫn thường đầy đủ, không tăng giảm, thấy trong suốt rõ ràng, cho đến ý căn cũng như thế.” Kinh Pháp Hoa nói sáu căn do cha mẹ sinh ra thường tịnh, tự lặng trong chiếu soi mười phương cõi nước, thì há có việc thức thứ sáu diệt rồi mới có duyên tu Chân tu ư? Cho nên kinh ghi: “Chư Phật biết tất cả chúng sinh rốt ráo tịch diệt tức là đại Niết-bàn, chẳng cần phải diệt nữa.” Tất cả chúng sinh chẳng cần diệt nữa tức là thức thứ sáu chẳng thể diệt. Kinh này ghi: “Giải thoát tức các pháp”, vậy đâu chẳng phải là các pháp sáu thức, mười tám giới? Thế thì đâu thể chỉ y cứ theo thức thứ tám để nói về Bất tư nghị giải thoát? Vả lại nếu luận về bốn bất khả thuyết, thì không chỉ thức thứ tám bất sinh bất khả thuyết mà thức thứ bảy bất sinh sinh bất khả thuyết và thức thứ sáu sinh bất sinh sinh sinh cũng bất khả thuyết. Nếu như luận về nghĩa vì có nhân duyên nên cũng có thể thuyết, thì bốn Tất-đàn có nhân duyên nên cũng có thể thuyết. Nhưng Nam Đạo, Bắc Đạo lại thiên chấp Chân tu duyên tu khác nhau, thì đâu chẳng rơi vào Kiến chấp tự tha ư? Nếu biết Như Lai thường chẳng thuyết pháp, thì đâu có Chân tu, duyên tu thành Phật để nói mà khởi tranh luận? Nhưng các kinh luận có lời này là chỉ vì bậc Thánh ứng cơ mà thuyết, chứ đâu có việc pháp thân Đại sĩ chẳng dùng bốn Tất-đàn ứng duyên tiếp độ chúng sinh, ngài Long Thọ và ngài Thiên Thân mỗi mỗi đều có thuyết khác? Tất cả đều do những người hoằng pháp đời sau đánh mất bản ý, chấp văn tự thiên lệch mà thôi! Nếu đạt được ý này, thì chẳng cần phải hỏi: “là có gì khác với các Sư địa luận?”

Hỏi: Nếu cho tâm dứt bặt suy lường là Bất cộng Bất tư nghị, thì như ý căn thanh tịnh trong kinh Pháp Hoa đâu được nói là: “Tư duy vô lượng nghĩa, thuyết pháp cũng vô lượng”, trước sau chẳng lầm lẫn, vì thọ trì kinh Pháp Hoa?

Đáp: Nếu Bất tư nghị giải thoát lìa tư nghị thì rốt cuộc chẳng phải là Bất tư nghị, như vào vô dư Niết-bàn không có tư duy, tức chẳng lìa Bất tư nghị mà có Bất tư nghị. Cho nên kinh này nói: “Phân biệt rõ ràng tướng các pháp, mà chẳng xao động Đệ nhất nghĩa”, vì được tự tại đối với các pháp, cho nên con đảnh lễ đấng Pháp vương này.” Tự tại đối với các pháp tức là đối với pháp phân biệt tư nghị của thức thứ sáu được tự tại, gọi đó là Bất tư nghị giải thoát.

* Giải thích về nghĩa Bất tư nghị giải thoát:

Trên đã luận tổng quát về tướng Bất tư nghị giải thoát, nhưng nghĩa tổng quát quá bao hàm, ý thú thật khó biết, nên đến đây lại luận đến ba loại giải thoát, tức giải thích tướng riêng. Căn cứ theo đó có thể phân làm hai ý:

  1. Lược phân biệt tướng của ba loại giải thoát.
  2. Căn cứ mười hai nhân duyên để phân biệt ba loại tư nghị, bất tư nghị giải thoát.

1) Phân biệt tướng của ba loại giải thoát: Ba giải thoát là:

  1. Chân tánh giải thoát
  2. Thật tuệ giải thoát
  3. Phương tiện giải thoát.
  4. Chân tánh giải thoát:

Kinh này nói rằng: “Tánh của dâm, nộ, si tức giải thoát”, nay nói tánh của dâm, nộ, si tức là tự tánh thanh tịnh tâm không bị phiền não nhiễm ô nói trong kinh Thắng Man, nếu phiền não chẳng thể nhiễm ô, thì sinh tử chẳng thể trói buộc. Tánh tự chẳng bị phiền lụy nên gọi là giải thoát. Nên kinh này ghi: “Như Ưu-ba-ly! Khi tâm tướng được giải thoát, có bị cấu nhiễm chăng? Tâm tướng của chúng sinh không cấu nhiễm cũng như thế”, đó gọi là Chân tánh giải thoát Bất tư nghị.

1/ Thật tuệ giải thoát: Kinh này nói rằng “Có phương tiện tuệ giải”, tức là Thật tuệ giải thoát. Vì sao? Vì kinh Thắng Man nói tự tánh thanh tịnh tâm chẳng bị phiền não làm nhiễm ô, chẳng nhiễm mà nhiễm, khó có thể thông đạt. Vì còn nhiễm nên có ngũ trụ phiền não, bị hai loại sinh tử của giới nội và giới ngoại trói buộc. Nếu hay dùng phương tiện khéo léo thật tuệ, chẳng đoạn si ái mà khởi minh thoát, minh và vô minh bình đẳng, chẳng buộc chẳng thoát, thì đó là Thật tuệ giải thoát Bất tư nghị.

2/ Phương tiện giải thoát: Kinh này nói: “Có tuệ phương tiện thì giải thoát”, tức nói phương tiện giải thoát. Nếu dùng Thật tuệ phân biệt thì thực hành phi đạo mà thông đạt Phật đạo, trụ nơi giải thoát Bất tư nghị, biến hiện các hình tướng, có đại dụng vô cùng, chúng sinh chẳng thể suy lường được, tùy thuận lợi ích hữu tình mà chẳng nhiễm trần lụy. Tự mình đã chẳng bị trói buộc, lại hay mở trói cho người, nên gọi là phương tiện giải thoát Bất tư nghị.

2) Căn cứ theo mười hai nhân duyên để phân biệt sự khác nhau của ba loại tư nghị, bất tư nghị giải thoát: Tức là căn tứ theo ba đạo của mười hai nhân duyên để phân biệt: Một là ba chi của quá khứ và hiện tại là phiền não đạo; hai, hai chi của quá khứ và hiện tại là nghiệp đạo; ba, bảy chi của hiện tại và vị lai là Khổ đạo. Nay căn cứ vào ba đạo của mười hai nhân duyên để luận về ba giải thoát và phân biệt tư nghị, Bất tư nghị khác nhau. Như Thông giáo tuy có nói Khổ đạo tức Chân tánh, nhưng lại thuộc về lý thiên chân pháp tánh, thuyết phiền não tức không, không chẳng phải là thật tuệ. Tuy nói nghiệp đạo tức không, nhưng “Không” chẳng phải là phương tiện, nên chẳng phải ba loại giải thoát Bất tư nghị. Như Biệt giáo nói Khổ đạo chẳng tức Chân tánh đại Niếtbàn, nhưng có lý Chân tánh Niết-bàn. Nếu Khổ đạo sinh tử diệt thì mới hiển Chân tánh, được thường trụ Niết-bàn; nói đạo phiền não chẳng tức thật tuệ, đoạn tận phiền não thì thật tuệ mới viên mãn, nói nghiệp đạo chẳng tức phương tiện, đoạn nghiệp thì mới phát khởi phương tiện độ sinh. Thế thì ba đạo của mười hai nhân duyên diệt, mới được ba loại giải thoát. Tuy luận đến ba loại giải thoát chân thường, nhưng còn có tướng tư nghị. Như Viên giáo nói Khổ đạo tức Chân tánh giải thoát Bất tư nghị, nên kinh ghi: “Tất cả chúng sinh tức đại Niết-bàn, chẳng cần phải diệt nữa”; nói phiền não tức thật tuệ giải thoát, thì như chẳng vào biển lớn thì chẳng lấy được bảo châu vô giá, cũng như thế, chẳng vào biển lớn phiền não thì chẳng được hạt châu Nhất thiết trí tâm, nói nghiệp đạo tức phương tiện giải thoát, nên kinh này nói: “Dùng tướng ngũ nghịch mà được giải thoát, cũng chẳng buộc chẳng thoát”, hay khởi nghiệp tự tại, thị hiện vào khắp các cõi, không duyên, không niệm, mà lại có ba nghiệp ở mười pháp giới lợi ích chúng sinh, thì cũng như nam châm hút sắt”, cho nên kinh này lại nói: “Thực hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo”, phi đạo tức ba đạo của mười hai nhân duyên; thông đạt Phật đạo tức ba loại giải thoát Bất tư nghị. Ba loại phi đạo chẳng ngại ba loại Phật đạo giải thoát, ba loại Phật đạo giải thoát chẳng ngại ba phi đạo của mười hai nhân duyên, như núi Tu-di nhét vào hạt cải không ngăn ngại nhau, đó là ba tướng Bất tư nghị giải thoát, ba tướng giải thoát này chẳng dọc chẳng ngang, như chữ nhất thế gian, gọi đó là Bí mật tạng, cũng gọi là Bất tư nghị đại giải thoát.

*. So sánh giải thích ba pháp:

Ba giải thoát này là tên khác của các loại ba pháp môn trong Phật pháp. Ba pháp môn có rất nhiều loại, nay lược giải thích mười loại ba pháp: Ba đạo, ba thức, ba loại Phật tánh, ba loại Bát-nhã, ba loại Bồ-đề, ba loại Đại thừa, ba loại pháp thân, ba loại Niết-bàn, nhất thể Tam bảo, ba đức Niết-bàn.

1) So sánh giải thích ba đạo: Đây tức là ba đạo của mười hai nhân duyên. Chân tánh giải thoát tức khổ đạo, thật tuệ giải thoát tức phiền não đạo, phương tiện giải thoát tức là nghiệp đạo.

1/ Chân tánh giải thoát tức khổ đạo: Bồ-tát Văn-thù nói về Như Lai chủng rằng: “Thân là hạt giống, sáu nhập là hạt giống”, đó là hạt giống chánh nhân, hạt giống tức là Tánh, Tánh tức là chân tánh giải thoát.

2/ Thật tuệ giải thoát tức phiền não đạo: Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: “Tham dục là hạt giống, sân si là hạt giống”, đó là hạt giống liễu nhân. Kinh này nói rằng: “Nếu biết tánh của vô minh tức là minh”, minh tức thật tuệ giải thoát.

3/ Phương tiện giải thoát tức nghiệp đạo: Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: “Mười bất thiện đạo là hạt giống”, đây là hạt giống duyên nhân, là hạt giống của phương tiện giải thoát, hạt giống tức là tánh, nên kinh Niếtbàn ghi: “Mười hai nhân duyên gọi là Phật tánh”, tức là ba đạo của mười hai nhân duyên, ba đạo tức ba loại Phật tánh.

2. So sánh giải thích ba thức:

  1. Ba-đà-na thức tức thức thứ sáu.
  2. A-đà-na thức tức thức thứ bảy.
  3. A-lê-da thức tức thức thứ tám.

Chân tánh giải thoát tức là thức A-lê-da, thật tuệ giải thoát tức thức thứ bảy, phương tiện giải thoát tức thức thứ sáu.

Hỏi: Luận Nhiếp Đại thừa nói thức A-lê-da là vô ký, căn bản của sinh tử, nào có quan hệ gì đến chân tánh giải thoát?

Đáp: Nếu thế, há các Sư Địa luận y cứ kinh Lăng-già lại quá trái nghịch nhau sao? Nay nghiên cứu chỗ chấp của hai nhà thì biết đều có chỗ được mất. Nếu nói thức A-lê-da chẳng phải là bản tánh thanh tịnh, vì sao luận Nhiếp Đại thừa lại nói: “Như đại địa tức gồm vàng và đất, thức A-lê-da cũng như thế, nếu nhiễm thì đồng với đất thanh tịnh đồng với vàng.” Cho nên biết nghĩa này gồm thông cả hai bên, sao hai nhà lại thiên chấp. Nay, nói thức A-lê-da tức Chân tánh giải thoát như vàng, thì sinh tử căn bản như đất.

Hỏi: Các Sư Nhiếp Đại thừa nói thức thứ bảy là tâm chấp kiến, vì sao lại nói là Thật tuệ giải thoát?

Đáp: Chuyển mê thành ngộ, nếu lìa mê chấp, thì từ nơi đâu để ngộ được thật tuệ? Cho nên biết thức thứ bảy chẳng mê chẳng ngộ mà được nói là mê ngộ. Vì ngộ nên gọi là Thật tuệ giải thoát.

Hỏi: Thức thứ sáu là ý tưởng điên đảo phân biệt, cần phải đoạn trừ, vì sao gọi là phương tiện giải thoát?

Đáp: Thức thứ sáu chẳng thiện chẳng ác mà hay tùy duyên khởi thiện ác. Nếu Bồ-tát biết được thức thứ sáu chẳng thiện chẳng ác mà khởi thiện ác, đồng sự để giáo hóa chúng sinh, tùy thuận hòa cùng trần tục thì đó là phương tiện giải thoát.

3. So sánh giải thích ba loại Phật tánh: Một là chánh nhân Phật tánh; hai, liễu nhân Phật tánh; ba, duyên nhân Phật tánh. Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Nói Phật tánh, tức cũng là một cũng chẳng phải một, chẳng phải một chẳng phải chẳng phải một.” Là một tức chánh nhân là chân chánh giải thoát, chẳng phải một tức duyên nhân Phật tánh, là phương tiện giải thoát, chẳng phải một chẳng phải chẳng phải một là liễu nhân Phật tánh, là Thật tuệ giải thoát.

4. So sánh giải thích với ba loại Bát-nhã: là Thật tướng Bát-nhã, quán chiếu Bát-nhã và phương tiện Bát-nhã. Chân tánh giải thoát tức Thật tướng, Bát-nhã, Thật tuệ giải thoát tức quán chiếu Bát-nhã, phương tiện giải thoát tức phương tiện Bát-nhã. Theo nghĩa mà suy có thể tự biết.

5. So sánh giải thích với ba loại Bồ-đề: Một là Thật tướng Bồ-đề, kinh nói: “Phật biết tất cả chúng sinh tức là tướng Bồ-đề”; hai, Thật trí Bồ-đề; ba là phương tiện Bồ-đề. Chân tánh giải thoát tức Thật tướng Bồ-đề, thật tuệ giải thoát tức thật trí Bồ-đề, phương tiện giải thoát tức phương tiện Bồ-đề. Theo nghĩa mà suy có thể tự biết.

6. So sánh phân biệt giải thích ba loại Đại thừa là Tánh thừa, Đắc thừa, và Tùy thừa.

Tánh thừa: như kinh Niết-bàn ghi: “Tất cả chúng sinh tức Đại thừa.”

Đắc thừa: tức trí tuệ hay đạt được lý chuyên chở nên gọi là Đắc thừa.

Tùy thừa: Tức Đại phương tiện tùy thuận nơi trí tuệ.

Chân tánh giải thoát tức Tánh thừa, thật tuệ giải thoát tức Đắc thừa, phương tiện giải thoát tức Tùy thừa.

7. So sánh giải thích ba loại pháp thân là Pháp thân Phật, Báo thân Phật và Ứng thân Phật. Chân tánh giải thoát tức pháp thân, là tánh tịnh pháp thân Tỳ-lô-giá-na Phật, thật tuệ giải thoát tức báo thân, là Tịnh mãn pháp thân Lô-xá-na Phật, phương tiện giải thoát tức ứng thân, là ứng hóa pháp thân Thích-ca Mâu-ni Phật. Theo ý nghĩa suy tìm có thể tự biết.

8. So sánh giải thích ba loại Niết-bàn là Tánh tịnh Niết-bàn, Viên tịnh Niết-bàn và phương tiện tịnh Niết-bàn. Danh từ Viên tịnh chưa thấy ghi trong văn kinh. Có Sư Địa luận cho rằng “Phương tiện tịnh Niếtbàn phát xuất kinh văn, theo nghĩa mà lập ứng hóa Niết-bàn, tất cả ba loại Niết-bàn. Như theo nghĩa là đúng hay lấy Viên tịnh là đúng. Nếu lấy phương tiện thì phương tiện tịnh là đúng. Nay nói Chân tánh giải thoát tức tánh tịnh Niết-bàn, Thật tuệ giải thoát tức Viên tịnh Niết-bàn, phương tiện giải thoát tức phương tiện tịnh Niết-bàn.

Hỏi: Đã dùng ba loại giải thoát so sánh giải thích ba loại Bát-nhã, vì sao lại còn dùng ba giải thoát so sánh giải thích ba loại Niết-bàn? Bát-nhã là tên của nhân, Niết-bàn là từ gọi quả. Thế thì phạm lỗi nhân quả lẫn lộn ư?

Đáp: Những kinh luận nói về nghĩa riêng biệt, có lúc lập nghĩa này, còn các Giáo viên thông liễu nghĩa như Bát-nhã Niết-bàn đều nói chung nhân quả, nên luận Trí Độ ghi: “Nếu như pháp mà quán Phật, Bát-nhã và Niết-bàn, thì cả ba chỉ là một tướng, không sai biệt.” Vả lại ba đức Niết-bàn chẳng dọc chẳng ngang, thì đâu được cho rằng Bát-nhã không thể đến quả ư?

9. So sánh giải thích Nhất thể Tam bảo: Chân tánh giải thoát tức pháp bảo, Thật tuệ giải thoát tức Phật bảo. Kinh Niết-bàn ghi: “Nơi mà chư Phật y cứ, đó là pháp, vì pháp thường nên chư Phật cũng thường.” Phương tiện giải thoát tức Tăng bảo. Trong thân thì hòa bên ngoài thì đồng, hòa hợp với mười pháp giới và tất cả chúng sinh, lại làm cho tất cả vào được biển đại hòa hợp; đầy đủ ba hòa hợp này, nên gọi là chân tăng.

10. So sánh giải thích ba đức Niết-bàn là pháp thân, Bát-nhã và giải thoát. Chân tánh giải thoát tức pháp thân, thật tuệ giải thoát tức ma-ha Bát-nhã, phương tiện giải thoát tức giải thoát. Kinh Niết-bàn ghi: “Chư Phật Bồ-tát tùy thuận nơi chúng sinh được điều phục mà gọi là giải thoát.” Nếu đoạn phiền não lìa sinh tử gọi là giải thoát thì đâu khác gì Nhị thừa, nay nói giải thoát của Đại thừa, là sinh vào năm đường, thị hiện các thân hình, tự mình đã không bị trói buộc mà còn cởi trói buộc cho người. Ba đức này chẳng dọc chẳng ngang, như ba con mắt trên mặt của trời Ma-hê-thủ-la, đó gọi là Bí mật tạng thành đại Niết-bàn. Ba loại giải thoát, ba đạo, ba thức, ba Phật tánh, ba Bát-nhã, ba Bồ-đề, ba Đại thừa, ba thân Phật, ba Niết-bàn, ba bảo cũng như thế, đều chẳng ngang chẳng dọc như chữ nhất thế gian, gọi đó là Bí mật tạng, là Đại giải thoát, tức là Bách cú giải thoát đại Niết-bàn, cũng tức là Nhất thiết giải thoát nói trong kinh Pháp Hoa.

* Căn cứ theo giáo để phân biệt Tư nghị và Bất tư nghị:

Hỏi: Giai vị của Tam Tạng giáo có được Bất tư nghị chăng?

Đáp: Giáo, chứng của Tam thừa thuộc Tam Tạng giáo đều không phải là Bất tư nghị.

Hỏi: Giai vị của Thông giáo có Bất tư nghị chăng?

Đáp: Nếu nói về nhân thông quả thông thì giáo chứng của Tam thừa Thông giáo đều chẳng phải là Bất tư nghị. Nếu dùng Biệt tiếp Thông thì giáo là tư nghị, chứng là Bất tư nghị; nếu dùng Viên tiếp Thông thì giáo và chứng đều Bất tư nghị.

Hỏi: Vị của Biệt giáo có Bất tư nghị chăng?

Đáp: Giáo của Biệt giáo là tư nghị, chứng của Biệt giáo vừa Tư nghị và Bất tư nghị. Chân chứng ba mươi tâm là tư nghị, tựa chứng là tương tự Bất tư nghị, từ các Địa trở lên, chứng đạo thì đều là Bất tư nghị. Nếu dùng Viên tiếp Thông thì giáo chứng đều Bất tư nghị.

Hỏi: Căn cơ Biệt giáo, nếu thọ học giáo tư nghị, thì đâu thể chứng lý Bất tư nghị?

Đáp: Như chuyết độ trong Tam Tạng giáo, nói thấy có đắc đạo phát chân trí ngộ Đệ nhất nghĩa đế, tức Đệ nhất nghĩa đế của Thông giáo.

Hỏi: Viên giáo nói về vị có được Bất tư nghị chăng?

Đáp : Giáo, chứng các Viên giáo đều Bất tư nghị. Vì sao? Vì Tuđa-la viên mãn nói về lý bất tư nghị, tức bất tư nghị. Người chưa thọ giáo tu tập là lý tức bất tư nghị, vừa nghe Viên giáo Bất tư nghị liền tín sâu thọ nhận là danh tự tức bất tư nghị. Tùy hỷ tu ngũ phẩm đệ tử là quán hành tức bất tư nghị, được sáu căn thanh tịnh là tương tự tức bất tư nghị vào sơ trụ phát chân, cho đến Đẳng giác là phần chứng chân thật tức bất tư nghị giải thoát. Diệu giác cực địa là Cứu cánh tức bất tư nghị giải thoát. Như kinh Pháp Hoa nói về khai quyền hiển thật, thì giáo chứng của ba giáo trước đều là Bất tư nghị.

* Căn cứ vào quán tâm để nói về Bất tư nghị giải thoát:

Nếu biết tánh của dâm, nộ, si là giải thoát, tức khéo dùng quán tâm, chẳng đoạn chẳng tùy, quán tâm rốt ráo được thanh tịnh, đó là nghĩa Bất tư nghị giải thoát. Cho nên kinh ghi: “Cần sự giải thoát của chư Phật, nên tìm cầu nơi tâm hành của chúng sinh”, nếu cầu như thế tức có khí phần của ba loại giải thoát. Giống như tất cả ba pháp đều nơi một niệm quán tâm.

* Hợp nhân pháp để giải thích kinh:

Người (nhân) là Tỳ-ma-la-cật tức ba nghĩa Tịnh Vô cấu xưng đã nói ở trước; pháp tức ba pháp chân tánh, thật tuệ và phương tiện. Nếu người lìa pháp thì chẳng phải là người hay hoằng pháp nếu pháp lìa người thì chẳng phải là pháp được hoằng truyền. Nay người pháp thành tựu cho nhau, người là người hoằng pháp, pháp là pháp được hoằng. Căn cứ theo người để nói về tịnh tức là chân tánh; căn cứ theo người để nói về Vô cấu tức là nghĩa thật tuệ không hoặc nhiễm; căn cứ theo người để nói về Xưng tức phương tiện hợp căn duyên. Nếu nhân và pháp hợp tức trụ nơi Bất tư nghị giải thoát, thị hiện các thân hình, hay giúp Phật hoằng dương ba pháp giải thoát, trong đó phương tiện giải thoát giáo hóa phàm phu, thật tuệ giải thoát giáo hóa chiết phục Thanh văn, chân tánh giải thoát chê trách Bồ-tát. Một phẩm Vấn Tật trong trượng thất nói về cõi Phật đều không là hiển quả Bất tư nghị giải thoát, hiện nơi bệnh quyền giả, gá bệnh hưng khởi giáo. Vì hàng Bồ-tát sinh thật bệnh mà lập ba quán khéo phá ba căn bệnh thật. Phẩm Bất tư nghị giải thoát lặp lại quả, các phẩm quán chúng sinh, Phật đạo, nhập Bất nhị pháp môn, Hương tích, đều xác nhận lại về nhân của ba quán; luận quả thuyết nhân, nhân quả tuy khác, nhưng đều nói về giáo Bất tư nghị giải thoát. Thời gian giáo hóa đã xong, nên dùng bàn tay đưa đại chúng trở về trụ xứ của Phật, biểu thị những chúng sinh được giáo hóa đã đoạn trừ duyên phược, sẽ sinh Tịnh Độ, thành tựu hạnh thanh tịnh cõi Phật. Lại còn muốn làm lợi ích chúng sinh đời vị lai, nên khuyên bảo cúng dường pháp này, và phó chúc lưu thông. Tất cả đều xiển dương Đạo lớn ba giải thoát Bất tư nghị.

Pages: 1 2 3 4 5 6