DUY MA KINH NGHĨA KÝ

Sa-môn Tuệ Viễn soạn.

PHẨM CHÚC LỤY

Trên là nói về khuyên học lưu thông, từ đây trở xuống là phó chúc lưu thông. Lụy tức đảm lụy (gánh vác), pháp là gánh nặng của người truyền, cho nên gọi là đảm lụy; dùng việc này phó chúc cho người truyền bá lưu thông, nên gọi là Chúc Lụy. Căn cứ vào nghĩa này mà đặt tên phẩm là Chúc Lụy. Cũng có thể nói Lụy tức là trọng lụy (chí thiết), Đức Như Lai ân cần chí thiết phó chúc, nên gọi là Chúc lụy, theo đây mà đặt tên phẩm, nên gọi là phẩm Chúc Lụy. Phẩm này gồm hai phần:

  1. Như Lai phó chúc khiến người truyền bá lưu thông.
  2. Từ câu “Đức Phật thuyết…” trở xuống, là nói điều được thuyết đúng pháp hợp cơ, đại chúng đồng vui vẻ.

Trong đoạn đầu, về người được phó chúc có hai, người truyền có bốn.

– Hai người được phó chúc:

  1. Bồ-tát Di-lặc.
  2. Ngài A-nan.

Ngài Di-lặc sẽ thành Phật ở cõi này, mà thành tựu chúng sinh, nên cần phải phó chúc cho, để dùng thần lực tuyên dương giáo pháp. Ngài A-nan là người truyền pháp tạng, nên cần phải phó chúc cho, để khiến ngài kết tập truyền bá lưu thông. Người truyền có bốn là:

  1. Bồ-tát Di-lặc phụng mệnh lưu thông.
  2. Các Bồ-tát khác tự nguyện lưu thông.
  3. Tứ Thiên vương tự nguyện lưu thông.
  4. Tỳ-kheo A-nan nghe lời dạy mà lưu thông.

– Trong đoạn thứ nhất lại có ba phần:

  1. Đức Phật phó cho ngài Di-lặc.
  2. Ngài Di-lặc nghe phó chúc phụng mệnh xiển dương.
  3. Như Lai thuật và tán thán.

Trong phần Đức Phật phó chúc, đầu tiên Như Lai dùng pháp chánh thức phó chúc cho Di-lặc, từ câu “Nên biết! Bồ-tát…” trở xuống là nói về được mất để dặn bảo ngài Di-lặc hãy chỉ dạy điều xa lìa. Trong đoạn Như Lai dùng pháp chánh thức phó chúc, văn lại gồm ba:

1. Nêu pháp để phó chúc, tức câu “Ta nay phó chúc pháp Bồ-đề đã tích chứa từ vô lượng kiếp đến nay cho ông”. Kinh này nói về chân đức Bồ-đề, căn cứ theo sở thuyết để gọi kinh ấy, cho nên gọi là “A-nậu Bồ-đề được tích chứa”. Vì thế văn trên ghi: “Kinh này nói rộng về A-nậu Bồ-đề của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai”; cũng gọi là nhân Phật. Từ nghĩa thù thắng mà nói. Lại cũng có thể cho rằng kinh này hay sinh ra Bồ-đề. Bồ-đề từ kinh này sinh, căn cứ theo sở sinh mà gọi tên kinh, nên gọi là “A-nậu Bồ-đề được tích chứa”, vì thế văn trên nói: “Pháp Phật Bồ-đề đều từ đây sinh”, là nhân sinh Phật, đó là từ nghĩa thù thắng mà luận.

2. Văn kinh ghi “những kinh như thế, sau khi Phật diệt độ”, tức là khuyên truyền bá lưu thông ở vị lai. Nói “các kinh như thế” là nêu lên kinh đã được phó chúc ở trên. Nói “sau khi Phật diệt độ, vào thời mạt pháp” là nói thời gian kinh lưu bố. Vì thời mạt thế rất khó lưu thông, cho nên cần phải khuyên. Nói “các ông phải dùng thần lực lưu bố”, tức chánh thức khuyên truyền bá. Nói “nơi cõi Diêm-phù-đề” tức là nêu nơi cần lưu thông. Vì hành pháp của chúng sinh ở cõi Diêm-phù rất tiện lợi, cho nên được đề cập đến. “Chớ để cho đoạn tuyệt”, là mãi mãi lưu thông sau khi Phật diệt độ.

3. Từ câu “Sở dĩ” (vì sao) trở xuống là giải thích lý do. Trong đó đầu tiên là hỏi, tức là nói vì sao Ta lại khuyên ông truyền bá lưu thông; sau đây là giải thích. Đầu tiên nói về sự tổn hại của việc không lưu truyền, tức là câu: “Vào thời vị lai sẽ có những thiện nam, thiện nữ, Trời, Thần, Rồng… phát tâm Bồ-đề, thích pháp Đại thừa, nếu chẳng nghe được các kinh như thế thì mất lợi ích lớn”, đây là nêu điều tổn hại. Sau đây là nói về lợi ích của việc lưu truyền, tức câu “những hạng này nếu nghe được kinh ấy, ắt sẽ sinh tâm tin thích…” là nói về lợi ích. “Những hạng này” là lặp lại những hạng chúng sinh phát tâm ở vị lai đã nêu ở trên. “Nghe được các kinh này, ắt đều tin thích phát tâm hy hữu, sẽ đảnh lễ tin nhận” là lợi ích tự độ. Nhớ nghĩ đến sự hy hữu của kinh gọi là tâm hy hữu; “tùy sự lợi ích của chúng sinh mà diễn nói các pháp” là lợi ích hóa tha.

Trên là nói Như Lai dùng pháp chánh thức phó chúc, sau đây là nói về được mất để bảo ngài Di-lặc nên chỉ dạy pháp xa lìa. Trong đó gồm ba đôi:

  1. Căn cứ theo lý, giáo để luận về được mất, nhập lý là được.
  2. Chỉ căn cứ theo giáo để nói về mất.
  3. Chỉ căn cứ theo lý để nói về mất.

Trong đó gồm hai phần: Đầu tiên là nêu số lượng, kế đến là nêu hai tên. Trước hỏi, sau luận biện:

  1. Thích những câu văn bóng bẩy trau chuốt, tức chấp trước vào giáo thì mất.
  2. Chẳng sợ nghĩa sâu xa, hiểu được lý như thật, tức hiểu lý thì được.

Sau đây là luận về tướng. “Nếu thích những câu văn bóng bẩy trau chuốc là hàng tân học” là nêu hạng căn cơ kém để hiển căn cơ tối thắng. “Nếu nơi đó mà không sinh nhiễm trước…” là nêu điều thù thắng để hiển nghĩa được.

Đôi thứ hai, “lại có hai pháp”, là nêu số lượng; “mà Bồ-tát mới học không thể quyết định được pháp sâu xa”, là nêu tổng quát về nghĩa mất; từ câu “Hai pháp là gì?” trở xuống là nói riêng. Gồm hai phần là trước hỏi và sau luận biện. Đầu tiên nói: “Nghe kinh điển sâu xa thì sợ sệt nghi ngờ…”, tức đối với pháp mà khởi lỗi lầm; câu “nếu có người hộ trì, giải nói kinh sâu xa này thì không chịu gần gũi…” là đối với người mà khởi lỗi lầm. Từ câu “nếu có hai pháp này” trở xuống là nêu chung để hiển điều mất. Nói “có hai pháp này” là nêu chung, “nên biết đó là hạng tân học” là nói kém chẳng phải là hơn, “là tự làm thương tổn” nghĩa là có tội; tức phỉ báng pháp, khinh chê người thì sẽ đọa vào ngục A-tỳ, nên gọi là thương tổn. “Chẳng thể điều phục tâm nơi pháp sâu xa”, là nói không có pháp thiện.

Đôi thứ ba, đầu tiên ghi: “Lại có hai”, là nêu số lượng, nói “Dù có tin pháp sâu xa…” nêu tổng quát về lỗi; “Tuy tin pháp sâu xa nhưng vẫn còn tự tổn hại” là nói có tội, tức nói được gồm với mất, vì thế nói là Tuy (cho dù), “mà chẳng thể được Vô sinh pháp nhẫn” là nói không có điều thiện. Từ câu “Hai pháp là gì?” trở xuống là phân biệt; trước hỏi sau luận biện. Đầu tiên ghi: “Khinh người mới học, mà không chịu dạy bảo”, tức đối với người mà sinh khởi lỗi lầm, trái với lợi tha. “Tuy liễu pháp sâu xa mà lại chấp tướng phân biệt” là đối với lý khởi lỗi lầm, trái với tự lợi. Câu “Đó là hai pháp” là kết luận.

Trên là phần thứ nhất, Như Lai phó chúc, từ đây trở xuống là phần thứ hai nói về ngài Di-lặc truyền bá lưu thông, trong đó gồm hai đoạn:

1. Đối với những lỗi mà trước đó Như Lai đã chỉ bảo, tâm sinh kinh sợ, than là việc chưa từng có, tự nguyện xa lìa. Ngài Di-lặc vốn đã xa lìa từ lâu, nay nói lời này là để khiến cho mọi người đồng xả bỏ.

2. Từ câu “Phụng trì…” trở xuống là đối với pháp phó chúc mà Phật đã nói ở trước thì tự nguyện hoằng truyền.

Đoạn thứ nhất, đối với việc Phật phó chúc Bồ-đề đã được tích tập từ vô lượng kiếp, thì tự thệ nguyện phụng trì. Từ câu “Nếu vị lai…” trở xuống là đối với việc sau khi Phật diệt độ nên dùng thần lực lưu thông nói ở trước, mà hiển rõ việc chính mình truyền bá lưu thông. Trong đó gồm ba câu:

  1. Nói về những nam nữ ở vị lai cầu Bồ-đề, thì sẽ làm cho họ được kinh này.
  2. Ban cho họ sức nhớ nghĩ, khiến họ có thể thọ trì và diễn nói cho người khác nghe.
  3. Nói về việc ở vị lai nếu có người thọ trì và diễn nói cho người khác nghe, thì đó là do thần lực của con.

Do trước kia Đức Phật khuyên nên dùng thần lực để lưu bố kinh này cùng khắp; tức ở đời vị lai nếu có người thọ học kinh này đều là do sức của mình kiến lập.

Thứ ba, Như Lai thuật và tán thán. Nói “Hay thay!” là lời tán thán. “Như lời ông vừa nói, Phật sẽ giúp thêm niềm vui của ông” là hứa khả. Trên là nói ngài Di-lặc truyền bá ở cõi này, từ đây xuống là nói những Bồ-tát khác lưu thông ở các cõi kia. Nói “Bây giờ, tất cả” là nêu người lưu thông. “Chấp tay bạch…” là lời hứa nhận lưu thông. “Sau khi Như Lai diệt độ” là nêu thời gian lưu thông. “Các cõi nước ở mười phương” là nơi lưu thông. “Diễn nói cùng khắp” là việc lưu thông. “Diễn nói rộng khắp pháp A-nậu Bồ-đề”, tức nói về việc lưu truyền pháp chứng ngộ, để khiến người tu học. “Lại sẽ dẫn dắt các người thuyết pháp được kinh này” là truyền giáo pháp, khiến người giáo hóa kẻ khác.

Thứ ba, Tứ Thiên vương hộ vệ lưu thông, nói về việc có kinh này, có người đọc tụng giải nói, thì vì để được nghe pháp, nên đến nơi ấy để bảo vệ, trong vòng một trăm do-tuần đều được an ổn.

Thứ tư, nói về ngài A-nan lưu thông gồm ba câu:

  1. Như Lai khuyên bảo nên lưu thông.
  2. A-nan vâng lời dạy, để hiển rõ việc mình đã thọ trì, đồng thời hỏi về tên kinh. Kinh này, nghĩa rất nhiều, nên phải y cứ vào nghĩa nào để đặt tên kinh?
  3. Như Lai thuyết: “kinh này tên là Duy-ma-cật Sở Thuyết”, tức y cứ theo người để đặt tên.

Kinh này gồm ba hội: Hội thứ nhất Đức Phật thuyết, hội thứ hai ông Duy-ma thuyết, hội thứ ba thì Đức Phật và ông Duy-ma đồng thuyết, nay căn cứ theo nghĩa mà ông Duy-ma nói để đặt tên, nên gọi là Duy-ma-cật Bất Tư Nghị Giải Thoát, vì nhờ vào tên để hiển nghĩa. “Cũng có tên là Bất Tư Giải Thoát Pháp Môn” là căn cứ theo pháp để đặt tên, như trên đã giải thích, “Ông nên thọ trì như thế”, tức theo tên mà khuyên thọ trì.

Trên là phần lớn thứ nhất nói về phó chúc lưu thông, sau đây là phần thứ hai nói về pháp mà Phật nói đúng pháp hợp cơ nên đại chúng đồng hoan hỷ. Vì từ đầu đến cuối nên gọi là Phật thuyết xong.