SỐ 1777
DUY MA KINH HUYỀN SỚ
Sa-môn Trí Khải, chùa Tu Thiền, núi Thiên Thai soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN 04

 

Căn cứ theo Viên giáo nói về vị để giải thích nghĩa Tịnh Vô cấu xưng: Giáo này nói về lý nhân duyên tức Nhất thật đế, Bất tư nghị giải thoát, hư không Phật tánh, Đại Bát Niết-bàn chư Phật pháp giới. Bồ-tát lãnh thọ giáo pháp này, thì lý tuy chẳng sâu chẳng cạn, mà chứng đắc giai vị chẳng phải không có sâu cạn. Nay nói về việc nhập đạo của giáo này cũng gồm bốn môn nhưng các kinh Đại thừa phần nhiều dùng môn chẳng không chẳng có. Đến như kinh này, các vị Bồ-tát mỗi mỗi nói pháp môn bất nhị, nhìn chung tuy đồng nhưng xét kỹ, chẳng phải không có bốn môn khác nhau, mà phần nhiều lại dùng môn chẳng không chẳng có mà vào giải thoát bất tư nghị. Nghĩa này về sau sẽ rõ biết. Căn cứ theo đây, lược nêu ba ý: Một là phân biệt hai giáo Biệt Viên nói về vị khác nhau; hai, chính thức nói về giáo này luận giai vị; ba, căn cứ theo giai vị Viên giáo để giải thích nghĩa Tịnh Vô cấu xưng.

– Một, Phân biệt hai giáo nói về giai vị khác nhau: Viên giáo đã nói lý Viên đốn, nay lược nói về tám nghĩa của Viên, khác với tám nghĩa của Biệt, như trước đã nói. Nay chỉ căn cứ theo việc đoạn vô minh mà phán định giai vị cao thấp khác nhau. Như Biệt giáo nói ba mươi tâm đoạn kết hoặc ba cõi, tức đã chế phục vô minh của ngoài ba cõi, đến tâm sau cùng của Hồi hướng vị tức phát chân trí, thấy được lý Phật tánh Trung đạo, đoạn một phẩm vô minh gọi là vào Sơ địa, cho đến đoạn mười phẩm vô minh gọi là Thập địa, tâm sau cùng của vị Đẳng giác mới đoạn hoàn toàn vô minh vào Diệu giác vị, vắng lặng vượt ngoài trần lụy, như trước đã nói. Còn như Viên giáo giải thích, thì từ giả danh phát tâm đầu tiên tức đã được nhất tâm ba quán, tu tâm tùy hỷ, bước vào giai vị Thập tín đoạn dứt hoặc trong ba cõi, tức chế phục vô minh ngoài ba cõi. Đến Sơ tâm của Thập trụ lại phát sinh trí tuệ viên chân, đoạn phẩm vô minh đầu tiên, từ đây đến hết bốn mươi hai tâm đều đoạn vô minh, đến tâm sau cùng của Đẳng giác mới hết, đến Diệu giác cực địa thì rỗng lặng, vượt ngoài trần lụy, gọi đó là Bồ-đề rốt ráo, đại Niết-bàn vô lượng. Thế thì phán định giai vị cao thấp khác nhau, cho nên có việc giải thích về vị bất đồng của hai giáo Biệt Viên.

– Hai, nói về giai vị của Viên giáo: Cũng gồm có bảy bậc năm mươi hai giai vị bất đồng, đó là: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập Hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác; nhưng sự giải thích thì khác nhau. Có Sư cho rằng Viên giáo là Đốn ngộ, đã ngộ tức là Phật, không có phân biệt giai vị khác nhau, nói giai vị Thập địa là nói cho hàng độn căn. Như kinh Tư Ích nói: “Tu học như thế, chẳng từ một địa đến một địa”; lại có Sư cho rằng Viên giáo là giáo Đốn ngộ, tâm đầu tiên vừa ngộ tức đạt đến cứu cánh viên mãn, mà nói có bốn mươi hai vị, chỉ là vì phương tiện giáo mà lập tên có sâu cạn. Nên kinh Lăng-già nói: “Sơ địa tức Nhị địa, Nhị địa tức Tam địa; chân như vắng lặng nào có vị thứ?” Có Sư lại cho rằng Viên giáo đốn ngộ đến Thập trụ tức Thập địa, mà nay nói có Thập hạnh, Thập Hồi hướng, Thập địa đó là trùng thuyết, ý cho rằng các cách giải thích trên đều là thiên chấp. Nhưng pháp giới bình đẳng, còn chẳng luận là ngộ hay chẳng ngộ, thì có gì là sâu hay cạn? Chẳng ngộ mà luận ngộ tức chẳng cạn chẳng sâu mà luận có cạn sâu. Nay các kinh luận Đại thừa nói về lý rốt ráo không đâu bằng các kinh Hoa Nghiêm, Đại Tập, Đại Phẩm, Pháp Hoa, Niết-bàn, các kinh này nói về pháp giới bình đẳng, không có nói năng nhưng nếu hành đến chung cuộc giai vị Bồ-tát thì tự sáng tỏ. Vì thế nay lại căn cứ theo bảy vị để nói về giai vị Bồ-tát Viên giáo.

Thập tín, nếu là hàng đốn ngộ lợi căn có gốc thiện sâu dày, thì vừa nghe nói tất cả chúng sinh tức đại Niết-bàn chẳng cần phải Niếtbàn nữa, tất cả chúng sinh đều là tướng Bồ-đề, thì liền phát đại Từ đại Bi duyên với Bốn đế vô tác, khởi bốn thệ nguyện rộng lớn, đó gọi là phát tâm Bồ-đề của Viên giáo. Tín tâm tức là tin tất cả chúng sinh đều là chân tánh giải thoát, đầy đủ nhất thể Tam bảo, nhất tâm ba quán. Khi quán lý Nhị đế, Tam đế thì thông đạt vô ngại, thành tựu tâm tùy hỷ, nhân của ngũ phẩm đệ tử vị, nếu được Tam-muội và Đà-la-ni thì sáu căn thanh tịnh, liền vào giai vị Thập tín. Nếu thành tựu Thập tín tức thấy lý chân đế, đoạn trừ kiến tư hoặc của ba cõi, cũng thấy được lý tục đế, phân biệt được pháp mười pháp giới, tâm không lầm lẫn, phát sinh hiểu biết tương tự Trung đạo, chế phục vô minh ngoài ba cõi. Cho nên kinh Nhân Vương ghi: “Bồ-tát thập thiện phát đại tâm, vĩnh viễn lìa biển Khổ ba cõi.” Kinh Pháp Hoa nói về ý căn thanh tịnh rằng “Tuy chưa được trí tuệ vô lậu của Bồ-tát, mà ý căn đã thanh tịnh như thế.”

Thập trụ gồm hai ý: Lược giải thích Sơ phát tâm trụ, so sánh để giải thích chín trụ. Một, giải thích giai vị Sơ phát tâm trụ: Phát tâm trụ, vì phát ba tâm, nên gọi là phát tâm, ba đức Niết-bàn gọi là trụ. Thế nào là phát ba tâm? Đó là phát duyên nhân thiện tâm, phát liễu nhân tuệ tâm và phát chánh nhân lý tâm. Phát thiện tâm duyên nhân: tất cả chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay, những thiện căn có được như cúi đầu, chắp tay, phút chốc rải hoa, phát tâm Bồ-đề, từ bi thệ nguyện, bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định; trí tuệ đồng thời khai phát, trong một tâm đầy đủ vạn hạnh Ba-la-mật. Phát tuệ tâm liễu nhân: Chúng sinh từ vô lượng kiếp đến nay, nghe các kinh điển Đại thừa, cho dù chỉ một câu, liền tin nhận, đọc tụng, giải nói, biên chép, quán xét tu tập, những trí tuệ có được, nhất thời khai phát, thành tựu chân vô lậu, phát lý tâm chánh nhân: : tất cả chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay, chân tâm Phật tánh hằng bị vô minh che lấp, nhưng nhờ hai nhân là duyên và liễu phá trừ vô minh tối tâm, mà được hoát nhiên hiển lộ. Ba tâm này khai phát nên gọi là phát tâm. Trụ tức là trụ nơi ba đức Niết-bàn: Pháp thân, Bát-nhã, giải thoát. Ba đức này chẳng dọc chẳng ngang, như chữ y thế gian, gọi đó là Bí mật tạng. Phát tâm chân thật là pháp thân, phát tâm liễu nhân là Bát-nhã, phát tâm duyên nhân tức giải thoát. Nếu phát ba tâm này đồng như chữ nhất thế gian thì hành nhân giả danh chẳng trụ nơi pháp mà trụ nơi ba tâm này, tức trụ nơi tạng Bí mật, ba đức Niết-bàn, cho nên gọi là Sơ phát tâm trụ. Nếu trụ nơi ba đức tức là trụ nơi giải thoát Bất tư nghị, trụ nơi Đại thừa, tức chẳng trụ pháp mà trụ nơi Bát-nhã, trụ nơi Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội tu trì nơi tâm giống như hư không, tức trụ nơi pháp tánh, tức trụ nơi thật tướng, tức trụ Như như, tức trụ nơi Như Lai tạng, tức trụ Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế, tức trụ nơi pháp giới, tức trụ nơi Tất cánh không, trụ nơi đại Từ đại Bi, mười Lực, bốn Vô úy, mười tám pháp Bất cộng, tức nơi bốn Vô ngại trí, Thần thông, bốn Nhiếp, các Ba-la-mật, tức cả Tam-muội Đà-la-ni môn. Tóm lại tức trụ nơi hai thân chân ứng và tất cả Phật pháp. Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói: “Khi Sơ phát tâm, liền thành chánh giác liễu đạt tánh chân thật của tất cả pháp, đối với pháp đã được nghe thì chẳng từ người khác mà ngộ. Đó là Bồ-tát thành tựu mười loại trí lực, rốt ráo lìa vọng, không nhiễm ô, như hư không, duyên pháp thân thanh tịnh, lắng trong, ứng khắp tất cả, nên biết đó tức là phát chân vô lậu đoạn phẩm vô minh đầu tiên. Đó tức là điều mà kinh này nói vào pháp môn bất nhị, được Vô sinh nhẫn.

So sánh giải thích chín trụ kia, như Sơ trụ này được ba quán hiện tiền, vô công dụng tâm mà niệm niệm đều đoạn vô lượng, phẩm vô minh trong pháp giới, chẳng thể tính kể được, nhưng tổng quát phần lớn có thể lược nêu ra mười phẩm trí đoạn, tức là mười trụ. Nên kinh Nhân Vương ghi: “Nhập lý Bát-nhã gọi là Trụ”, tức mười phen tiến phát chân minh vô lậu, đồng nhập lý Phật tánh trung đạo Đệ nhất nghĩa đế. Vì chẳng trụ pháp từ cạn đến sâu mà trụ nơi lý Tam đức Niết-bàn của Phật, tức mười phẩm trí tuệ trụ nơi tất cả Phật pháp. Vì thế gọi đó là mười trụ.

Thập hạnh, tức nơi chân tâm của thập trụ này, một tâm đầy đủ tất cả hạnh, niệm niệm tự nhiên tăng tiến nhập vào biển Pháp giới bình đẳng, phát mười phẩm Vô minh, chứng mười phẩm trí đoạn, tất cả các hạnh, các Ba-la-mật tự nhiên tăng trưởng, xuất sinh công đức tự hành hóa tha, bình đẳng với hư không pháp giới, nên gọi là mười hạnh.

Thập Hồi hướng, nhất tâm chân thật sáng tỏ, niệm niệm khai phát hạnh giải, tâm tâm vắng lặng, tư nhiên xoay trở về nhập vào biển Bình đẳng pháp giới Tát-bà-nhã, lại tiến đến phá mười phẩm vô minh, chứng mười phẩm trí đoạn, nên gọi là Thập Hồi hướng.

Thập địa, vô lậu chân thật sáng tỏ, nhập vào vô công dụng đạo, giống như đất hay sinh ra tất cả Phật pháp, gánh vác tất cả chúng sinh trong pháp giới, đồng nhập vào cõi Phật ba đời, rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không. Lại tiến đến phá mười phẩm vô minh chứng mười phẩm trí đoạn, căn cứ vào đó để nói về Thập địa.

Đẳng giác địa, đoạn tận cùng nguồn vô minh mà nhập vào trùng huyền môn, trí biên tế đã mãn, rốt ráo thanh tịnh, đến đỉnh núi Trung đạo, xa lìa cha mẹ vô minh, đây còn là Kim cang hậu tâm vô ngại, gọi là có Sở đoạn, là Hữu thượng sĩ.

Diệu giác địa, tức Phật trí vô thượng rốt ráo giải thoát, cho nên nói là Vô sở đoạn, là Vô thượng sĩ. Đây là cứu cánh hậu tâm, đạt được ba đức đại Niết-bàn chẳng dọc chẳng ngang. đại Niết-bàn gọi là pháp giới của chư Phật, dọc thì sâu ngang thì rộng, hay dùng hai mươi lăm Tam-muội giáo hóa khắp chúng sinh, ẩn hiện mười phen, lợi ích hữu tình rộng lớn và cùng tận. Ví như cây lớn rễ sâu, thì cành lá tốt tươi trải rộng, nếu trí tuệ thật tướng đạt cùng nguồn tận tánh, thì công năng giáo hóa đầy khắp pháp giới, đại dụng vô cùng rốt ráo viên mãn. Cho nên luận Đại Trí ghi: “Đường lớn Trí Độ, Phật từ đó mà đến; biển sâu Trí độ, Phật thấu suốt tận cùng.” Kinh Đại Phẩm ghi: “Vượt qua chữ “Trà” thì không còn Tự môn để có thể nói”. Kinh Niết-bàn ghi: “Bất sinh bất sinh bất khả thuyết.” Nếu luận như thế mà nói về giai vị thì từ ba mươi tâm cho đến các địa đều là các giai vị chân như tịch diệt, bình đẳng pháp giới bất khả tư nghị không có thứ vị.

Hỏi: Giai vị Viên giáo này xuất xứ từ kinh nào?

Đáp: Kinh Đại Niết-bàn nói về Nguyệt Ái Tam-muội rằng “Từ ngày mồng một đến ngày mười lăm, ánh sáng trăng dần dần sáng tỏ, từ ngày mười sáu đến ngày ba mươi, ánh sáng trăng dần dần mờ tối”, ánh trăng dần dần sáng tỏ dụ cho ánh sáng Ma-ha Bát-nhã của mười lăm trí đức; ánh trăng dần dần mờ tối dụ cho sự giải thoát không còn phiền lụy của mười lăm đoạn đức giảm tận. Mười lăm loại trí, đoạn tức gồm ba mươi tâm là ba trí đoạn, mười Địa gọi là mười trí đoạn, Đẳng giác là một trí đoạn và Diệu giác là một trí đoạn. Cho nên lấy mặt trăng từ ngày mồng một đến ngày mười lăm làm dụ. Thể của mặt trăng dụ cho pháp thân, pháp thân chỉ là một, ánh sáng dần sáng dụ cho trí đức Bát-nhã chẳng sinh mà sinh; ánh sáng dần mờ tối dụ cho Đoạn đức giải thoát chẳng giảm mà giảm. Cho nên kinh Niết-bàn nói đầu tiên đặt các người con nơi tạng bí mật ba đức Niết-bàn sau đó ta cũng nên ở nơi tạng bí mật này mà Bát-niết-bàn: Niết-bàn cuối cùng rốt ráo này gọi là Bất sinh bất sinh, là Bát-nhã rốt ráo chẳng sinh chẳng diệt, không còn hoặc nào để đoạn trừ. Lại kinh Pháp Hoa nói về khai, thị, ngộ, nhập Đại sư Nam Nhạc giải thích rằng đó là bốn mươi tâm của Viên giáo.” Kinh Bát-nhã nói bốn mươi hai tự môn, tự môn A ở đầu tiên cũng gồm đủ bốn mươi hai tự môn, tự môn Trà ở sau cùng cũng gom nhiếp bốn mươi hai tự môn. Đại sư Nam Nhạc giải thích đó là tên khác của bốn mươi hai địa của Viên giáo. Kinh Nhân Vương nói với Tam hiền, mười Thánh hành nhẫn, chỉ có Phật mới đạt đến tận nguồn, tức là nói về tướng của giai vị Viên thông. Kinh Anh Lạc nói: “Bồ-tát Tam hiền tự nhiên lưu nhập vào biển Tát-bà-nhã”, tức là nghĩa này. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Từ Sơ địa đã đầy đủ công đức của tất cả các địa”, luận Đại Trí Độ ghi: “Bồ-tát từ Sơ phát tâm quán Niết-bàn mà tu đạo cho đến tọa Đạo tràng.” Các kinh luận nói như thế há chẳng đủ ư? Dẫn chứng và giải thích đầy đủ ở Đại bản của Tứ giáo.

– Ba, căn cứ vào giai vị của Viên giáo để giải thích nghĩa Tịnh Vô cấu xưng: Đại sĩ Duy-ma là bậc Pháp thân Bổ xứ tức là trụ nơi giai vị Đẳng giác Kim cang Tâm vô cấu, trí tuệ sắp viên mãn như trăng đêm mười bốn, vô minh sắp diệt như trăng trong đêm hai mươi chín. Cho nên luận Trí Độ ghi: “Ngài Văn-thù, Phổ Hiền cũng có mười lực, bốn vô úy, nhưng nhu trăng đêm mười bốn”; vì lý pháp tánh hiển lộ nên gọi là Tịnh, hoặc cấu vô minh đã tận trừ nên gọi là Vô cấu, trí tuệ Đẳng giác xứng hợp với lý, tròn sáng xứng cơ mà chiếu soi, nên gọi là Tịnh Vô cấu xưng. Thế thì giai vị gần với Diệu giác. Như luận về Viên ứng thì cho đến hiện thân mười pháp giới, tám tướng thành đạo ở cõi Phật khắp mười phương, vì ở cõi này cần được thấy hình Bổ xứ, nên làm vị Bồ-tát Bổ xứ ở cõi Phật Vô Động mà đến, đến cõi nhẫn quở trách Bồ-tát, tất cả đều nói là chẳng kham nhận đến thăm bệnh đó chính là dùng Viên để phá Thiên. Lại bàn về vào pháp môn bất nhị mà chỉ mình cư sĩ lại im lặng, đó là biểu thị pháp môn nội chứng của Viên giáo chẳng thể diễn nói chỉ bày.

Căn cứ theo thí dụ năm vị để hiển thị giai vị của bốn giáo: Kinh Niết-bàn nói thí dụ về năm vị khác nhau, để thành bốn giáo luận vị khác nhau. Kinh nói: “Phàm phu như sữa, Tu-đà-hoàn như lạc, Tư-đàhàm như sinh tô, A-na-hàm như thục tô, A-la-hán Bích-chi-Phật như đề hồ”, thí dụ này nói về ý e rằng hiển thị giáo Tam tạng nói về vị. Kinh lại nói: “Phàm phu như sữa, Thanh văn như lạc, Bích-chi-Phật như sinh tô, Bồ-tát như Thục tô, Phật như đề hồ”, thí dụ này về ý nghĩa e rằng hiển thị Thông giáo nói về vị. Kinh lại nói: “Phàm phu như máu sữa lẫn lộn; A-la-hán như sữa tốt, Bích-chi-Phật như lạc, Bồ-tát như sinh thục tô, Phật như đề hồ”, ý của dụ này e rằng hiển thị Biệt giáo nói về vị. Kinh lại nói: “Trên núi tuyết có một loại cỏ tên là Nhẫn nhục, bò ăn vào, liền được vị Đề hồ”, cỏ Nhẫn nhục là dụ cho tám Thánh đạo, sữa dụ mười hai thể loại kinh, tùy theo người tu tám Thánh đạo mà được thấy Phật tánh, trụ đại Niết-bàn. Dụ này nói rằng Bồ-tát Viên giáo từ Sơ phát tâm đã khai mở Tri kiến Phật, trụ nơi đại Niết-bàn. Kinh Đại Niết-bàn lập bốn dụ này để dụ cho bốn giáo nói về vị, nghĩa ý thật rõ ràng. Nếu chẳng tin bốn giáo nói về vị khác nhau, thì làm sao có thể giải thích bốn dụ về năm vị này? Nay dùng bốn giáo nói về vị ở trên mà hợp thành bốn dụ này, nhìn chung thì tựa như rõ ràng trước mắt, nhưng chỉ vì ý Thánh ẩn kín khó biết, thì đâu được sinh định chấp? Vả lại kinh Niết-bàn ghi: “Thí như có người hòa độc vào sữa, cho đến đề hồ cũng có thể giết người”, thí dụ này có hai dụng, nếu căn cứ theo sáu vị giải thích nghĩa của kinh giáo, thì nơi nơi đều thấy Phật tánh, vào Niết-bàn, đây là giáo môn bất định, sẽ giải thích ở sau; nếu y cứ theo vị nói về nghĩa sát nhân thì năm vị của bốn giáo có căn duyên bất định, tùy căn cơ Đại thừa mà phát khởi, đều lấy sự diệt độ của Như Lai mà diệt độ, cho nên đồng với nghĩa sát nhân.

– Luận về quyền thật: gồm ba ý:

  1. Lược nói về quyền thật
  2. So sánh vị
  3. Hưng phế.

Một, lược nói về quyền thật: Quyền tức là tạm sử dụng, thật là vĩnh viễn lập ra. Phương tiện Ba-la-mật là tùy thuận hữu tình, có lợi ích gần nên gọi là quyền, Trí ba-la-mật thì hợp với lý rốt ráo nên gọi là Thật. Thế thì ba giáo tạm thời ứng thuận chúng sinh nên gọi là Quyền; Viên giáo rốt ráo lợi ích chúng sinh nên gọi là thật. Phân biệt Quyền thật gồm có bốn nghĩa: Một là tất cả chẳng thật chẳng quyền; hai, tất cả đều là quyền; ba, tất cả đều là thật; bốn, tất cả đều có quyền có thật.

Tất cả chẳng có quyền chẳng có thật: Nếu luận về bốn bất khả thuyết không thể thuyết thì không có bốn giáo để có thể phân biệt. Như không có ba giáo tức không có quyền, không có Viên giáo tức không có thật. Thế thì tất cả Phật pháp đều chẳng có quyền chẳng có thật.

Tất cả đều là quyền: Như luận bốn bất khả thuyết vì có nhân duyên mà được thuyết, thì bốn giáo đều là phương tiện quyền xảo dùng để giáo hóa chúng sinh, nên Đức Phật nói: “Khi ta ngồi nơi đạo tràng, thật chẳng được một pháp, chỉ như nắm tay không dối gạt trẻ thơ, để độ tất cả.”

Tất cả đều thật: Không thuyết mà thuyết, thì thuyết ắt là lợi ích ứng cơ duyên, nhưng nghĩa thú đều thật, vì thế bốn giáo đều gọi là thật. Luận Trí Độ ghi: “Có thế giới, đối trị, vị nhân cho nên Thật, có Đệ nhất nghĩa cho nên thật”, đây là nói nghĩa thật chẳng hư đối.

Tất cả có thật có quyền: Luận cùng tột thì Phật pháp chẳng quyền chẳng thật mà hay quyền hay thật, bốn bất khả thuyết thì không có quyền thật để có thể phân, cho nên chẳng quyền chẳng thật, chẳng thuyết mà thuyết thì ba giáo tức là quyền, Viên giáo tức thật, nhưng một nhà nói về quyền thật, gồm có ba nghĩa: Hóa tha quyền thật, Tự hành hóa tha quyền thật, và tự hành quyền thật. Nếu là hóa tha quyền thật thì ba giáo trước không chỉ là quyền, mà trong quyền này mỗi mỗi cùng nói đến quyền thật. Nếu nói tự hành hóa tha quyền thật thì ba giáo trước đều là quyền, pháp mà Viên giáo nói đều là thật. Nếu luận về tự hành quyền thật, tức căn cứ theo Viên giáo mà luận, trong đó chiếu trung đạo là thật, gồm chiếu Nhị đế là quyền.

So sánh vị: gồm ba ý: Một là căn cứ theo giai vị Tam Tạng giáo mà so sánh với ba giáo sau; hai, căn cứ theo giai vị Thông giáo so sánh với hai giáo sau; ba, căn cứ theo giai vị của Biệt giáo so sánh với Viên giáo.

Căn cứ theo vị của tam tạng so sánh với ba giáo sau: gồm ba: Một là căn cứ vào giai vị của Tạng giáo (Tam Tạng giáo) so sánh với Thông giáo; hai, căn cứ theo giai vị của Tạng giáo so sánh với Biệt giáo; ba, căn cứ theo giai vị của Tạng giáo so sánh với Viên giáo. Căn cứ theo giai vị của Tạng giáo so sánh với Thông giáo: Nếu luận về Thanh văn Duyên giác và Thông giáo nói về Nhị thừa thì không khác nhau. Nhưng căn cứ theo Đại thừa nói về giai vị, thì có sự khác biệt rất lớn. Vì sao? Vì Tam Tạng giáo cho rằng trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu hành cho đến Bổ xứ tức là vị Tịnh vô cấu, chỉ đồng với nhu thuận nhẫn, Tánh địa nhẫn, pháp trung nhẫn của Thông giáo; nếu là giai vị Phật của Tam tạng thì chỉ đồng với Phật địa của Thông giáo. Vì đồng nhau về chánh sử đã tận. Luận thêm về giai vị Phật của Tam Tạng giáo thuộc về Tích pháp trí là chuyết độ, còn giai vị Phật của Thông giáo thuộc về Thể pháp trí là Xảo độ. Như luận Trí độ ghi: “A-la-hán địa, trong pháp Thanh văn gọi đó là Phật, đều chứng đắc hai loại Niết-bàn”. Nay cho rằng đoạn trừ hết chánh sử là đồng với Dĩ biện địa. Nếu căn cứ theo nghĩa Nhị đế đã lìa, tập khí đã tận thì La-hán há lại đồng với Phật được ư?

Dùng giai vị của Tam Tạng giáo để so sánh với giai vị của Biệt giáo: Tam Tạng giáo nói giai vị Nhất sinh bổ xứ Tịnh vô cấu nếu so sánh với Biệt giáo thì chỉ đồng với nguyện tâm giai vị thứ mười của Thiết luân Thập tín, còn Phật địa chỉ đồng với Sơ địa của Biệt giáo, đây là ý chánh, nếu luận thêm thì so sánh với Thông giáo có thể tự biết.

Căn cứ theo vị của Tạng giáo để so sánh với giai vị của Viên giáo: Giai vị Bổ xứ Tịnh Vô cấu xưng của Tam Tạng giáo chỉ đồng với phẩm thứ năm trong năm phẩm Đệ Tử vi của Viên giáo, còn Phật địa thì đồng với Sơ phát tâm trụ trong Thập trụ, nghĩa chánh thì như thế, nếu phụ luận thêm thì lại có hơn kém. Như giai vị Phật của Tam Tạng giáo thì chánh sử đã đoạn trừ, đây là điểm đồng nhau, nhưng chẳng nói thấy Phật tánh đoạn vô minh, đó là điểm kém sút. Như kinh Hoa Nghiêm tán thán Bồ-tát Sơ phát tâm trụ rằng “Vừa phát tâm đã vượt hơn Mâu-ni.”

Dùng giai vị Thông giáo để so sánh với giai vị của hai giáo sau: gồm hai: Một là so sánh với Biệt giáo; hai, so sánh với Viên giáo. Một, so sánh với giai vị Biệt giáo: Thông giáo nói giai vị Bổ xứ Tịnh vô cấu, nếu so sánh thì chỉ đồng với Thập hạnh của Biệt giáo, còn quả Phật của Thông giáo chỉ đồng với sơ Hoan hỷ địa trong Thập địa, nghĩa chánh thì như thế, nếu luận thêm thì có chỗ kém, tức không nói đến trí tương tựa trung đạo chế phục vô minh. Hai, theo giai vị của Thông giáo để so sánh với Viên giáo: Giai vị Bổ xứ Tịnh vô cấu mà Thông giáo nói, chỉ đồng với nguyện tâm thứ mười trong giai vị Thiết luân Thập tín, còn Phật quả chỉ đồng với Sơ phát tâm trụ. Đó là so sánh tổng quát, nếu chánh thức luận hơn kém thì Sơ phát tâm trụ tức mới phát tâm đã hiển thị pháp thân trung đạo đoạn một phẩm vô minh, đó là hơn.

Dùng giai vị Biệt giáo so sánh với Viên giáo: giai vị Pháp thân Pháp vân Nhất sinh bổ xứ Tịnh Vô cấu xưng mà Biệt giáo nói Đảnh trụ thứ mười trong thập trụ của Viên giáo, còn Phật địa đoạn mười một phẩm vô minh chỉ đồng với Sơ Hoan hỷ hạnh trong Thập hạnh của Viên giáo. Nếu căn cứ theo kinh Nhân Vương chia mười địa thành ba mươi sinh thì vị Vô cấu đồng với giai vị pháp giới Vô lượng hồi hướng, còn Phật địa thì đồng với sơ Hoan hỷ địa. Thế thì Nhất sinh bổ xứ của Biệt giáo như so sánh với giai vị của Viên giáo nếu y theo nghĩa giải thích trước thì còn ba mươi mốt phẩm vô minh, nếu y theo kinh Nhân Vương dẫn chứng sau thì còn mười một phẩm vô minh. Thế thì pháp thân Bổ xứ của Biệt Viên tuy là chung nhưng căn cứ theo vị thì nghĩa Vô cấu xưng lại khác nhau xa, như thế há có thể gom làm một để giải thích danh từ Duy-ma-cật được ư?

Hỏi: Xét chỗ chí đạo chỉ là một, nhưng so sánh về Phật quả, Bổ xứ mà ba giáo phương tiện trước đã nói, thì cách biệt nhau rất xa, ý này thật khó hiểu?

Đáp: Dùng hai nghĩa để giải thích: Một là có giáo có người; hai, có giáo không người. Nếu là ba giáo phương tiện nói trong nhân thọ nhận giáo pháp, tức đồng thời có giáo có người; như Phật quả, Bổ xứ và các Bồ-tát giai vị cao hay thuyết ba giáo, thì đây là có giáo không người. Vì sao? Vì người thọ nhận ba giáo, nhân giáo mà mỗi mỗi đều đạt được lợi ích, nên có giáo có người. Bậc giáo chủ năng thuyết, thị hiện làm Phật của ba giáo, các Bồ-tát thì khiến chúng sinh thích quả mà tu nhân, nhân hạnh đã thành tựu thì không còn Hóa chủ, như thế duyên cảm thì ứng, duyên hết thì dừng, như nắm tay không dối gạt trẻ thơ, dẫn về đến nhà, mới nói trong tay chẳng có vật gì. Hóa chủ của ba giáo cũng như thế. Nếu là có giáo có người của Viên giáo thì trong nhân thọ nhận giáo pháp cho đến Pháp vân đều có giáo có người, đoạn bốn mươi mốt phẩm vô minh, được pháp thân Bổ xứ, đó là thật chẳng phải hư đốn. Pháp thân Diệu giác thuyết mà không thuyết, tức là có giáo có người trên quả. Có giáo không người gọi là quyền, có giáo có người gọi là thật.

Hỏi: Thế thì bốn giáo nói về quả có thể phân quyền thật được. Nhưng nhân địa của bốn giáo đều có giáo có người, đâu được phân quyền thật?

Đáp: Nay nói người của ba giáo là người quyền, người thọ nhận Viên giáo thì người và giáo đều thật, nên bốn giáo nói về nhân phầnquyền thật.

Hỏi: Nhân của ba giáo đã lập người quyền, quả của ba giáo, vì sao chẳng được nói là người quyền?

Đáp: Người tu hành của ba giáo có thể thành người tu Viên giáo, không có việc Phật của ba giáo tu nhân mà làm Phật của Viên giáo, nên chẳng thể so sánh được.

Ba, nói về hưng phế: gồm hai ý: Một là quyền giáo có hưng có phế; hai, Thật giáo có hưng mà không có phế.

Nói về quyền giáo có hưng có phế: gồm ba ý: Một là Tam Tạng giáo, khi cơ duyên khởi thì hưng, khi cơ duyên hết thì phế: Cơ nghĩa là khai phát, tức duyên đời trước có một ít ưa thích có thể khởi, ít thiện có thể sinh, một ít ác có thể trừ, kiến giải thiện chân có thể khai phát, nên cần dùng bốn Tất-đàn. Trong kinh Thanh Văn-thuyết giáo bốn đế nhân duyên sinh diệt, mười hai nhân duyên, sáu độ, mở đạo ba thừa, người nghe thì hợp cơ, phát khởi tâm ưa muốn mà sinh thiện diệt ác. Nếu là Nhị thừa thì phát chân vô lậu, chứng Niết-bàn hữu dư, nếu là Bồ-tát thì dùng sáu độ điều phục tâm, được phục nhẫn, nhu thuận nhẫn. Cho nên kinh Pháp Hoa ghi: “Hàng trí nhỏ thích pháp nhỏ, chẳng tự tin mình làm Phật, cho nên dùng phương tiện, phân biệt nói các quả vị, là vì hạng cơ duyên này”. Tuy không có các nghĩa Tam tạng chế phục kết sử, đạt vị Bồ-tát Bổ xứ Tịnh Vô cấu xưng, đoạn ba mươi bốn tâm đạt Phật quả, trụ hữu dư Niết-bàn, nhưng vì muốn dùng bốn Tất-đàn để phát khởi giáo này, nên thị hiện hình tướng âm thanh của giáo này để ứng cơ độ sinh. Nên kinh Pháp Hoa nói: “Trưởng giả cỡi bỏ anh lạc, đắp y thô xấu, may vật đựng phân, dánh vẻ sợ sệt nói với các người giúp việc rằng …” Đó là nghĩa hưng khởi Tam Tạng giáo. Phế tức sự ham muốn ít đã hết, thiện nhỏ đã thành, việc ác đã trừ, chân kiến giải đã phát, thế thì bốn duyên đã dứt, thì giáo Tam tạng được thuyết và người thuyết đều phế bỏ. Hai, nói về Thông giáo hưng phế: Hưng thì cơ hưng khởi, phế thì cơ phế bỏ; cơ hưng thì giáo hưng, giáo hưng tức sự ưa thích vô sinh Bốn đế phát khởi, pháp thiện thể giả vào không đã sinh, kiến tư mê lý đã đoạn, Kiến giải tức chân đã phát, nên cần phải dùng bốn Tất-đàn để thuyết Bốn đế vô sinh, hàng ba thừa của Thông giáo nghe được thì tâm ưa thích khởi, sinh thiện đoạn ác, ba thừa đồng phát tuệ Vô lậu tức Chân Đệ nhất nghĩa, Nhị thừa nghe được thì trụ nơi Niết-bàn hữu dư, Bồ-tát nghe được thì chẳng trệ nơi không, phát tâm Từ bi vào giả để độ sinh, thệ nguyện cầu Phật quả; vì ứng hợp với cơ duyên này; tuy không có Thông giáo đoạn hoặc trừ tập khí, đạt giai vị Bồ-tát Bổ xứ thượng địa,

Tịnh Vô cấu xưng, một niệm tương ưng đoạn tập khí đạt Phật quả trụ ở hữu dư Niết-bàn, nhưng vì khởi giáo để ứng hợp với căn duyên ba thừa này mà thị hiện hình mạo và âm thanh của giáo này, dùng bốn Tất-đàn ứng ba duyên tiếp vật, nên gọi là hưng. Phế, tức bốn cơ đã hết, duyên đã lìa thì phế bỏ, Thông giáo được thuyết và người thuyết đều phế. Thứ ba, Biệt giáo hưng phế: Hưng thì cơ hưng giáo hưng, tâm ưa thích vô lượng Bốn đế vừa khởi thiện căn từ không vào giả, phát sinh vô lượng hằng sa phiền não, kiến, tư biệt hoặc đoạn trừ, chân kiến giải Trung đạo Đệ nhất nghĩa để khai phát. Nên dùng bốn Tất-đàn thuyết Bốn đế vô lượng, ứng với Bồ-tát Biệt giáo. Người nghe, tâm ưa thích khởi, pháp thiện ngoài ba cõi sinh, pháp ác ngoài ba cõi được đoạn trừ, hiển phát trung đạo tương tự vô lậu và chân vô lậu, cầu Phật quả, đại Niết-bàn thường trụ; vì ứng phó cơ duyên này, tuy không có Biệt giáo đoạn mười phẩm vô minh, đạt giai vị Bồ-tát pháp thân Bổ xứ, đoạn mười một phẩm vô minh đạt Phật quả rốt ráo, nhưng thị hiện thân hình và âm thanh của giáo này, dùng bốn Tất-đàn tùy thuận cơ duyên chúng sinh thuyết Tứ thánh đế vô lượng, nên gọi là Biệt giáo hưng khởi. Phế tức bốn cơ đã dứt, duyên đã lìa thì phế bỏ, Biệt giáo được nói và Bồ-tát Bổ xứ thượng địa, Phật quả thuyết Biệt giáo đều phế bỏ.

Nói về Thật giáo có hưng mà không có phế: Tức nói Viên giáo có hưng mà không có phế. Như các kinh Hoa Nghiêm, Phương đẳng, Pháp Hoa, Niết-bàn nói Viên giáo ứng phó cơ duyên Viên đốn, khiến cho ưa thích sinh thiện đoạn ác, thấy Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế. Thế thì từ Sơ phát tâm đến Vô cấu địa, thường ứng bốn căn duyên thuyết giáo này đến Đẳng giác Phật, nên gọi là hưng. Vì thế ba mươi hai vị Bồ-tát và ngài Văn-thù-sư-lợi đều nói vào pháp môn Bất nhị, tức là ý nghĩa hưng giáo này. Nếu lên Diệu giác thì không thấy mà tự ngộ, không có pháp để ưa thích, không có thiện để sinh, không có ác để đoạn, không có lý sâu xa để thấu đạt, tướng ngôn từ vắng lặng, vốn tự chẳng có hưng khởi, nên chẳng phế bỏ. Không phế cũng được luận là phế, là vì cơ duyên bốn Tất-đàn đã hết thì giáo cũng tận, nên gọi là phế. Kinh Đại phẩm nói: “Vượt qua chữ Trà, thì không còn văn tự để thuyết.” Kinh Niết-bàn ghi: “Bất sinh, bất sinh bất khả thuyết”; cho nên Tịnh Danh im lặng không nói, chẳng dùng lời mà nói lý không lời, ngài Văn-thù tán thán sự biểu hiện bặt lời. Thế thì nơi nhân thì có người có giáo, đến quả thì phế giáo giữ người, ba đức Niết-bàn lắng trong, thanh tịnh, há đồng với Bồ-tát Bổ xứ, Phật quả Bồ-đề có giáo không người của ba giáo trước ư? Giáo đã phế thì người cũng tùy theo đó mà phế, ý nghĩa về quyền thật hiển rõ tại nơi đây.

* Căn cứ theo quán tâm để nói về bốn giáo: Thứ ba quán khởi bốn giáo như đã giải thích ở trước, nay chỉ luận nơi tâm hành mà biết tất cả các giáo môn đều từ quán hạnh của Sơ tâm mà khởi, bốn giáo đã gom nhiếp tất cả các kinh luận. Nếu một niệm quán tâm rõ ràng, hay phân biệt được. Một niệm tâm do vô minh nhân duyên sinh ra đầy đủ bốn pháp, thì đại ý của tất cả kinh giáo đều căn cứ theo quán tâm mà thông đạt. Y theo đây có thể phân làm bốn ý:

1. Căn cứ theo quán tâm để nói về tướng của Tam Tạng giáo.

2. Căn cứ theo quán tâm để nói về tướng của Thông giáo.

3. Căn cứ theo quán tâm để nói về tướng của Biệt giáo.

4. Căn cứ theo quán tâm để nói về tướng của Viên giáo.

a) Căn cứ theo quán tâm để nói về tướng của Tam Tạng giáo: Tức là quán một niệm tâm do nhân duyên sinh ra là sinh diệt mà phân tích giả để vào không, căn cứ theo quán môn này mà phát khởi Tam Tạng giáo. Nếu quán Bốn đế sinh diệt mà vào đạo tức là tạng Tu-đa-la, cho nên Tăng nhất A-hàm ghi: “Đức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: Tất cả pháp chỉ là một pháp, thế nào là một pháp? Tâm là một pháp, lìa tâm thì không có tất cả pháp.” Luận Trí Độ ghi: “Từ kinh Sơ Chuyển Pháp Luân đến Đại Niết-bàn là kết tập tạng Tu-đa-la”, đây là căn cứ theo tâm sinh diệt để nói về bốn Thánh đế, đó là nghĩa của pháp quy, pháp bản. Quán tâm phát xuất tất cả tạng Tỳ-ni, khi Đức Phật chế giới, ngài hỏi các Tỳ-kheo rằng: “Tâm ông thế nào để tạo tác? Nếu có tâm tạo tác tức là phạm giới, vì có phạm nên có giữ, nếu không tâm mà tạo tác tức không là phạm, nghĩa phạm chẳng thành, nên chẳng nói đến giữ gìn.” Cho nên tâm nặng thì phát giới, không tâm thì không phát giới. Nói từ tâm lưu xuất A-tỳ-đàm tạng, bốn quyển lược thuyết gọi là Tỳ-đàm tâm, Đạt-ma-ba-la thì xử trung mà thuyết nên gọi là Tạp tâm, như thế đều căn cứ theo tâm mà luận về Tỳ-đàm. Vô tỷ pháp, tức phân biệt tâm và tâm sở pháp, tất cả pháp chẳng thể so sánh tỷ dụ.

b) Căn cứ theo quán tâm để nói về Thông giáo: Quán tâm nhân duyên sinh ra tất cả pháp, tâm không thì tất cả pháp không, đó là Thể giả mà vào không, tất cả những hành vị, nhân quả mà Thông giáo nói đều từ đây sinh khởi.

c) Căn cứ theo quán tâm để nói về Biệt giáo: Quán tâm nhân duyên sinh tức giả danh đầy đủ hằng sa công Đức Phật pháp, y cứ vào thức A-lê-da vô minh mà phân biệt vô lượng Thánh đế. Tất cả hành vị, nhân quả mà Biệt giáo đã nói đều phát khởi từ đây.

d) Căn cứ theo quán tâm để nói về Viên giáo: Quán tâm nhân duyên sinh đầy đủ tất cả lý pháp Thập pháp giới, Trung đạo Nhị đế bất tư nghị chẳng dọc, chẳng ngang không tích tụ. Tất cả pháp hành vị, nhân quả mà Viên giáo đã nói đều phát khởi từ nơi đây, như hạt châu trên đảnh của luân vương.

Thế thì bốn giáo đều từ một niệm tâm vô minh sinh khởi. Trên đến đây đã vài lần dẫn chứng nghĩa “Đập nát vi trần xuất hiện tam thiên đại thiên thế giới quyển kinh”, ý ở tại nơi đây.

* Dùng bốn giáo để giải thích kinh luận: Đức Phật dùng bốn giáo để thành lập tất cả các kinh đốn tiệm, vậy các luận dùng để giải thích kinh há lại vượt qua bốn giáo ư? Gồm hai ý là đối với kinh và đối với luận.

Đối với kinh: Như kinh Hoa Nghiêm chỉ dùng hai giáo để thành lập, là Biệt giáo và Viên giáo. Vì sao? Về Biệt giáo thì các Bồ-tát nói trải qua nhiều kiếp tu hành bốn mươi hai tâm, đoạn trừ kết sử, tất cả hành vị đều sai biệt. Còn Viên giáo thì nói trong một tâm đầy đủ tất cả hạnh, từ Sơ địa đã đầy đủ công đức của các Địa. Kế đến nói Tiệm giáo: Đầu tiên kinh Thanh văn chỉ nói giáo Tam tạng; còn Đại thừa Phương đẳng và kinh này thì nói đủ bốn giáo; Ma-ha Bát-nhã nói ba giáo trừ Tam Tạng giáo, kinh Pháp Hoa nói khai quyền hiển thật, bỏ phương tiện chỉ nói một Viên giáo. Kinh Niết-bàn nói đủ bốn giáo, thành lập nghĩa năm vị.

Hỏi: Đại thừa Phương đẳng cũng đầy đủ bốn giáo vì sao chẳng thành lập nghĩa năm vị?

Đáp: Vì chẳng nói Thanh văn làm Phật nên nghĩa năm vị chẳng thành, chỉ căn cứ theo bất định mà luận bốn giáo. Vậy tất cả những kinh giáo mà Đức Thích-ca xuất thế tuyên thuyết không ra ngoài bốn giáo này, bốn giáo thâu nhiếp hết thảy các kinh.

Đối với luận: luận có hai loại: Một là, luận giải thích chung các kinh; hai, luận giải thích riêng kinh. Nói về luận giải thích chung các kinh: gồm hai ý: Một là, giải thích chung kinh Tiểu thừa; hai, giải thích chung kinh Đại thừa. Một, giải thích chung kinh Tiểu thừa: như các luận Tỳ-đàm, Thành Thật, Côn Lặc… đều là các bộ luận giải thích chung các kinh Tiểu thừa. Nên luận Thành Thật ghi: “Ta hôm nay chủ yếu là muốn luận về thật nghĩa trong Tam tạng.” Hai, nói về luận giải thích chung các kinh Đại thừa như các bộ luận Địa Trì, Nhiếp Đại thừa, Duy Thức, Trung Luận, Thập Nhị Môn… đều là các bộ luận giải thích chung về bốn giáo Thông, Biệt, Viên, và Tạng mà các kinh Đại thừa đã nói.

Luận giải thích riêng các bộ kinh: gồm hai ý: Một là giải thích riêng kinh Tiểu thừa; hai, giải thích riêng kinh Đại thừa. Một, giải thích riêng kinh Tiểu thừa: Như luận Câu-xá giải thích riêng về Tu-đa-la; luận Minh Liễu giải thích riêng về Tỳ-ni; luận Tỳ-bà-sa, các A-tỳ-đàm Tâm giải thích về việc Phật tại thế thuyết Tỳ-đàm. Hai, giải thích riêng kinh Đại thừa: như luận Thập địa giải thích riêng về hai giáo Biệt Viên trong kinh Hoa Nghiêm, luận Đại Trí Độ giải thích ba giáo Thông Biệt Viên trong kinh Ma-ha Bát-nhã. Lẽ ra cũng có các bộ luận giải thích riêng kinh Đại Tập Phương đẳng và kinh Duy ma, nhưng chưa đến được cõi này; luận Kim Cang Bát-nhã giải thích riêng kinh Kim Cang Bátnhã, luận Pháp Hoa giải thích riêng về một Viên giáo trong kinh Pháp Hoa, luận Niết-bàn giải thích riêng về bốn giáo năm vị trong kinh Niếtbàn, tính kể ở đây chẳng thể hết. Các luận giải thích kinh như thế, tức giải thích rõ ràng các kinh nói về quán tâm. Thế thì chuyên tu quán tâm sẽ thông suốt được các kinh luận. Nếu kinh luận chẳng từ tâm lưu xuất thì người tu quán hạnh đã chẳng nghe chẳng đọc, thế thì nội tâm làm sao thông đạt? Nói: “phàm có ngôn thuyết thì tương ưng với kinh luận” ý tại nơi đây.

* Dùng bốn giáo để giải thích văn kinh này: gồm ba ý: Một là, giải thích bốn phẩm nói bên ngoài trượng thất; hai, giải thích sáu phẩm nói bên trong trượng thất; ba, giải thích bốn phẩm nói khi ra khỏi trượng thất.

Giải thích bốn phẩm nói bên ngoài trượng thất: Tứ giáo nói về nhân quả chẳng đồng, nên Đức Thích-ca hiện cõi Phật có khác, cũng như chỗ thấy của ngài Thân tử và Phạm vương Loa Kế chẳng đồng. Chư Thiên đồng có một loại bát báu đựng cơm, nhưng tùy quả báo mà màu cơm có khác. Chính vì người thọ nhận bốn giáo khác nhau, nên thấy cõi Phật có khác.

Giải thích phẩm Phương tiện chính là dùng Tam tạng và Thông giáo. Vì sao? Vì nói về nhân duyên sinh diệt vô thường, tích pháp nhập không, lại nói về ý như mộng như huyễn, Thể giả nhập không. Thế thì trong nhân dùng chuyết độ và xảo độ để phá tâm ái kiến trong ba cõi, khuyên tu pháp thân của hai giáo.

Phẩm Đệ tử thì dùng Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo để quở trách mười Đại đệ tử và năm trăm La-hán. Dùng Thông giáo để quở trách: như quở trách Ca-chiên-diên thuyết năm nghĩa chuyết độ của Tam Tạng giáo, dùng Biệt giáo để quở trách, như quở trách Phú-lâu-na đặt thức ăn dở vào bát báu, dùng Viên giáo để quở trách, như quở trách Thân tử và Thiện Cát rằng: “Chẳng khởi diệt định mà hiện oai nghi, chẳng đoạn si ái mà khởi minh thoát”, “Cũng chẳng trói buộc, chẳng giải thoát”, đều là dùng ý của Viên giáo để quở trách. Bốn giáo giải thích phẩm Bồ-tát, chính là dùng Viên giáo để quở trách bốn vị Đại Bồtát, dùng ba giáo là Tạng, Thông, Biệt để tự hành và hóa tha hạn hẹp trái với đạo viên đốn Bất tư nghị.

Dùng bốn giáo để giải thích kinh văn của sáu phẩm nói trong thất: Đại sĩ không có bệnh ba giáo mà dùng phương tiện hiện đồng ba bệnh. Căn cứ vào đây để luận về phẩm Vấn tật. Phẩm Bất tư nghị chính là nói về việc trụ nơi quả Viên giáo bất tư nghị mà thị hiện bốn giáo. Phẩm quán chúng sinh là luận từ giả vào không, bất khả đắc không của hai giáo Thông và Viên bất tư nghị. Phẩm Phật đạo luận về từ không vào giả tức hành Phi đạo tức thông đạt Phật đạo của hai giáo Biệt, Viên bất tư nghị. Phẩm Bất Nhị Pháp Môn, là nói về chánh quán trung đạo vào pháp môn bất nhị của Viên giáo bất tư nghị. Phẩm Hương Tích là nói về song chiếu Nhị đế, pháp giới viên dung mà Viên giáo bất tư nghị đã nói.

Dùng bốn giáo để giải thích bốn phẩm nói khi rời khỏi thất: phẩm Bồ-tát Hạnh khiến các Bồ-tát nên thực hành cả bốn giáo, dùng bốn giáo hóa độ chúng sinh. Bốn giáo giải thích phẩm Thấy Phật A súc: Nếu nương vào bốn giáo tu hành, phát tâm Bồ-đề mới được sinh vào cõi Phật A-súc; cũng nhân nơi nghĩa này, nếu hành hạnh Phật quốc của Đức Vô Lượng Như Lai, thì khi thành Phật thế có cõi Phật giống như cõi Diệu hỷ. Bốn giáo giải thích phẩm Pháp Cúng Dường và phẩm Chúc Lụy: Phó chúc cho Thiên đế và ngài Di-lặc lưu truyền kinh này sau khi Như Lai diệt độ, tức dùng bốn giáo làm lợi ích cho các đệ tử đời sau, khiến cho chẳng đoạn tuyệt.

4. LUẬN VỀ BẢN TÍCH :

Đã dùng bốn giáo phân biệt nghĩa Tịnh Vô cấu xưng, nghĩa tuy chẳng đồng, mà chánh thức là dùng Viên giáo để giải thích. Phàm bậc Thánh ứng hóa, chẳng phải không có bản tích khác nhau, hoặc hiện pháp thân Kim túc, hoặc hiện hình Bổ xứ, kinh nói rằng tùy duyên mà hiện, cao thấp khó lường. Vì thế nay cần luận đến bản tích. Nói về nghĩa này, trước lược nêu bảy lớp:

  1. Giải thích danh.
  2. Nói về bản tích.
  3. Luận về cao thấp của bản tích.
  4. Căn cứ vào giáo để phân biệt bản tích.
  5. Chánh thức nói về bản tích của ngài Duy-ma.
  6. Căn cứ quán tâm để phân biệt bản tích.
  7. Dùng bản tích giải thích văn kinh này.

1) Giải thích danh từ Bản và Tích:

Nếu nói chung thì từ bản tích có khắp ở bốn giáo, nhưng nay chánh là luận bản tích Bất tư nghị, là căn cứ theo Viên giáo mà luận. Nói bản tích, bản tức là lý sở y, tích là sự năng y, sự lý hợp chung nên gọi là bản tích. Ví như người nương vào trụ xứ thì có tung tích đến đi, vậy trụ xứ là sở y, người có dấu tích qua lại là năng y. Do nơi trụ xứ mà có tung tích, tìm tung tích thì biết trụ xứ. Nay trụ xứ dụ cho lý bản sở y, người nương vào đó có dấu tích qua lại dụ cho sự tích năng y. Thế thì do lý bản sở y mà có sự tích năng y; tìm sự tích năng y thì được lý bản sở y. bản tích tuy khác nhưng Bất tư nghị chỉ là một.

2) Nói về nghĩa bản tích Bất tư nghị: gồm năm ý:

1. Căn cứ lý sự để nói về bản tích.

2. Căn cứ theo lý giáo để nói về bản tích.

3. Căn cứ lý hạnh để nói về bản tích.

4. Căn cứ thể dụng để nói về bản tích.

5. Căn cứ quyền thật để nói về bản tích.

– Căn cứ lý sự để nói về bản tích: Kinh này nói rằng “Từ gốc vô trụ lập tất cả pháp” nay nói lý sự Bất tư nghị là bản tích, lý tức lý chân đế bất tư nghị, là Bản; sự tức sự tục đế bất tư nghị là Tích. Do nơi lý bản chân đế bất tư nghị, nên có sự tích tục đế bất tư nghị. Tìm nơi sự tục đế bất tư nghị mà được lý bản chân đế bất tư nghị. Thế thì bản tích tuy khác mà bất tư nghị chỉ là một.

– Căn cứ lý giáo để nói về bản tích: Kinh này nói rằng “Ba lần chuyển Pháp luân nơi đại thiên, luận ấy xưa nay thường thanh tịnh”. Nay nói lý bản Bất tư nghị, tức gọi chung lý sự Nhị đế Bất tư nghị là lý, lý tức bản; giáo tích Bất tư nghị, tức giáo tích Nhị đế năng thuyên bất tư nghị được bậc Đại thánh dùng tám âm diễn bày. Lý Nhị đế Bất tư nghị sở thuyên là lý bản, giáo năng thuyên là sự tích. Thế thì do lý bản nên có giáo tích, tìm giáo tích thì được lý bản. bản tích tuy khác mà Bất tư nghị chỉ là một.

– Căn cứ lý hạnh để nói về bản tích: Như kinh Pháp Hoa ghi: “Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng, Phật tử hành đạo rồi, vị lai sẽ làm Phật”; nay nói về lý bản Bất tư nghị tức là lý giáo. Nên kinh này nói: “Không lìa văn tự mà nói tướng giải thoát, vì tánh của văn tự tức giải thoát.” Bất tư nghị hạnh tích tức sự tích của quán hạnh Bất tư nghị. Do lý bản của lý giáo bất tư nghị mà đuợc tu sự tích quán hạnh Bất tư nghị, tu sự tích quán hạnh Bất tư nghị mà khế hợp với lý bản Bất tư nghị. Cho nên bản tích tuy khác mà Bất tư nghị chỉ là một.

– Căn cứ thể dụng để nói về bản tích: Pháp thân là Thể, Ứng thân là Dụng, cho nên kinh Kim Quang Minh nói: “Chân pháp thân của Phật như hư không, nhưng vì ứng theo chúng sinh mà hiện hình, giống như bóng trăng dưới nước. Chính là từ bản thể mặt trăng thật nơi hư không mà có ảnh dụng tất cả bóng trăng dưới nước. Nay nói lý hạnh hợp làm lý bản pháp thân Bất tư nghị, do pháp thân này mà hiện Tích dụng Bất tư nghị, do nơi dụng Ứng hóa này mà hiển được pháp thân. Ngài Tăng Triệu nói: “Không có Bản thì chẳng biết lấy gì để thùy tích, không có tích thì chẳng biết lấy gì để hiện bản, bản tích tuy khác mà Bất tư nghị chỉ là một”, tức là nghĩa này.

– Căn cứ theo quyền thật để nói về bản tích: Thật thì đồng giai vị, chứng đắc hai thân Chân ứng, quyền thì quyền hóa phương tiện, hiện hai thân chân,ửng, hoặc như có cao thấp thì đó là sự, tùy thuận chúng sinh nên gọi là sự tích. Nên kinh này ghi: “Tuy lại thị hiện thành đạo chuyển pháp luân nhưng chẳng xả bỏ hạnh Bồ-tát.” Nay nói nếu chẳng do vị bất tư nghị chứng hai thân chân ứng thì bản lý thật đâu có thể thị hiện hai tích chân ứng cao thấp? Nếu chẳng thị hiện sự tích chân ứng thì đâu thể khiến chúng sinh đồng như ta nhập vào vị, chứng đắc hai thân chân ứng. Thế thì bản tích tuy khác mà bất tư nghị chỉ là một.

3) Luận về cao thấp của bản tích: Nay chính là căn cứ theo Viên giáo để luận. Nếu dùng lý sự để nói về bản tích tức là lý tức; nếu căn cứ lý giáo để nói về bản tích tức là Danh tự tức; nếu căn cứ lý hạnh để nói về bản tích tức là quán hạnh tức, Tương tự tức; nay lại căn cứ thể dụng, quyền thật để nói về bản tích, nên có bốn câu để phân biệt, đó là: Một là, bản tích đều thấp; hai, bản thấp tích cao; ba, bản cao tích thấp; bốn, bản tích đều cao. Nay nói bốn nghĩa này lại có bốn loại: Một là, về Thập tín, chẳng được dùng bốn câu này để nói về cao thấp; hai, về Thập trụ thì sơ phát tâm trụ có đủ hai câu; ba, từ trụ địa thứ hai cho đến vị bốn mươi mốt là Đẳng giác địa đều có đủ bốn câu; bốn, Diệu giác địa chỉ dùng hai câu phân biệt.

Nói về Thập tín chẳng dùng bốn câu: Vì Thập tín chỉ mới được tương tự giải, chưa phát chân vô lậu, hiển bày hai thân chân ứng, nên chẳng được dùng bốn câu để phán định cao thấp.

Sơ tâm của sơ phát tâm trụ của Thập trụ chỉ được dùng hai câu

phân biệt: Sơ trụ chỉ có hai câu là bản tích đều thấp, Bản thấp tích cao. Vì sao? Vì Sơ trụ là vị đầu tiên được hai thân Chân ứng, vì Bản pháp thân, trước đó chưa có pháp thân thấp, cho nên vị bằng nhau mà không được nói pháp thân có cao. Như mặt trăng ngày mồng một của mười lăm ngày trăng, trước đó chưa có mặt trăng nào để nói là hơn, cũng như vị Khổ nhẫn chân khai phát trong pháp Thanh văn, trước đó không có pháp chân nào hơn. Tích thấp, hiện tích ở chín cõi lại hiện ứng sở Sơ trụ, vì tích mới được nên thấp nhất, trước đó không có Ưng nào là cao. Nói Bản thấp tích cao, hay tích hiện hình tượng và âm thanh ở cõi cao, mà chẳng được nói bản cao tích thấp là vì trước đó không có bản nào cao cũng không được nói bản tích đều cao là vì trước đó không có chân ứng nào cao hơn.

Từ Trị địa trụ đến Đẳng giác gồm bốn mươi mốt giai vị đều được dùng bốn câu phân biệt: Theo nghĩa mà suy có thể tự biết.

Cửu địa Diệu giác chỉ dùng hai câu phân biệt: Một là, bản tích đều cao, tức chân ứng cùng tột, không gì cho hơn được nữa; hai, bản cao tích thấp, bản cao tức chân thân cùng tột tối thượng, không gì cao hơn; Tích thấp tức ứng hình tượng đồng với bốn mươi mốt địa dưới, lại cũng thị hiện thân hình và âm thanh đồng với chín cõi, nhưng chẳng được nói Bản thấp tích cao, vì đó là bản pháp thân Diệu giác, lại không có pháp thấp Thắng địa gọi là thấp hơn, cũng không thể nói bản tích đều thấp là vì, không có hai thân chân ứng của Địa trên là cao hơn. Giống như ánh trăng rằm thật tròn đầy trong sáng, quá ngày này thì không có ánh trăng nào hơn.

Hỏi: Nếu thứ bậc bản tích của bốn mươi hai vị như thế, vì sao được gọi là “Bất tư nghị là một”?

Đáp: Vì đều là hai thân chân ứng Bất tư nghị chẳng chân chẳng ứng, là thứ bậc Bất tư nghị chẳng phải thứ bậc.

4) Căn cứ theo giáo để phân biệt bản tích: gồm bốn ý: Một là căn cứ Viên giáo để phân biệt bản tích; hai, căn cứ Biệt giáo để phân biệt bản tích; ba, căn cứ Thông giáo để phân biệt bản tích; bốn, căn cứ Tạng giáo để phân biệt bản tích.

1. Căn cứ Viên giáo để phân biệt bản tích: Như phần giải thích danh, luận năm nghĩa của bản tích và luận bốn câu phân biệt cao thấp đã nói ở trước.

2. Căn cứ Biệt giáo: cũng được dùng bốn loại bản tích; so sánh với Viên giáo cũng có thể biết, nhưng không được dùng hoàn toàn như thế, vì ba mươi tâm trước mười địa chưa được pháp thân nên không có bản tích. Chỉ từ Sơ địa dùng hai câu luận bản tích so sánh với Sơ trụ của Viên giáo đã nói ở trước có thể tự biết. Từ địa thứ hai đến Đẳng giác đều dùng đủ bốn câu để phân biệt, dùng nghĩa mà suy cũng có thể biết. Cực địa Diệu giác cũng chỉ dùng hai câu, so sánh với Diệu giác của Viên giáo để biết. Đó đều là có giáo có người, đều là quyền tích của Viên giáo.

3. Căn cứ Thông giáo luận bản tích: Thông giáo có bốn loại bản tích, nhưng chẳng luận đến Trung đạo Phật tánh, hai thân chân ứng, thì đâu có bản tích để có thể phân biệt, chỉ lại căn cứ theo nghĩa Thông giáo để giải thích. Thấy thiên chân, đầy đủ năm phần pháp thân là Bản, thần thông biến hóa là Tích. Nếu vào vô dư Niết-bàn thân trí đều diệt thì tích và bản đều không có. Các Bồ-tát từ địa thứ bảy trở xuống của Thông giáo đều thuộc phương tiện đạo, địa thứ tám trở lên Đạo quán đều tu, thì đâu chẳng biết lý Phật tánh Trung đạo, nhưng vì y cứ theo sự giới hạn của giáo môn, nên không nói đến Chân ứng. Ở đây e rằng phần nhiều thuộc về có giáo không người, đều là quyền tích của Viên giáo. Nếu dùng Biệt tiếp Thông để nói về Phật tánh, thường trụ Niết-bàn thì bốn câu bản tích của hai thân chân ứng có thể so sánh với sự phân biệt giải thích ở trước để biết.

4. Căn cứ Tam Tạng giáo để luận bản tích: Ở đây cũng dùng bốn loại bản tích, nhưng theo ý cũng không được nói đến bản tích của Chân và Ứng. Giống như người sinh tử, khi đến quả địa tâm thứ ba mươi bốn, đoạn kết sử được thành Phật cũng dùng năm phần pháp thân làm Bản, thần thông biến hóa làm tích. Nếu nhập vô dư Niết-bàn, thì bản tích đều diệt. Nay lại y cứ theo nhân của giáo Tam tạng mà nói về bản tích, như ba a-tăng-kỳ kiếp thuần thục chế phục các hoặc trụ ở giai vị Noãn, Đảnh, Nhẫn, lấy đó làm Bản, được thần thông biến hóa làm lợi ích sáu đường như trời người… là tích, các giai vị dưới thì đâu có việc này. Cũng e rằng có giáo không người thì đều là quyền tích của Viên giáo.

Hỏi: Tất cả Thánh phàm đều được nói về bản tích chăng?

Đáp: Nghĩa của bản tích chính là phải căn cứ theo Chân ứng, các giáo khác đã chẳng nói đến việc phá vô minh, còn không có nghĩa này, hà huống gì là phàm phu? Nhưng luận chung thì ba mươi tâm của Biệt giáo và Bồ-tát Thông giáo đã được nói đến bản tích, thì Nhị thừa cũng được nói đến bản tích; Bồ-tát Tạng giáo chỉ mới chế phục mà chưa đoạn hoặc còn được luận đến bản tích. Vì thế trên từ pháp Khổ nhẫn Thế đệ nhất trở xuống, dưới từ A-tỳ trở lên, hai cõi trên dưới chỉ được dùng hai câu bản tích, thiếu hai câu, trong đó nêu bốn câu luận về bản tích, theo nghĩa mà suy có thể biết được.

5) Chánh thức luận về bản tích của ngài Tịnh Danh: Xưa nói bản là Kim Túc Như Lai, Tích là làm Bồ-tát Bổ xứ của Phật Vô Động trụ ở cõi Diệu hỷ. Hoặc cho rằng Bản là địa thứ tám, Tích là hiện làm Trưởng giả sống ở Tỳ-da. Nếu chấp ý này mà nhất định phán lập bản tích thì Kim Túc là Phật ở giai vị nào? Bổ xứ ở cõi Diệu hỷ là giai vị nào? Nếu Bổ xứ thật là Kim Túc Diệu giác thì Tích là Bổ xứ ở cõi Diệu hỷ. Đây là bản cao tích thấp. Nếu bản là Kim Túc của Sơ trụ hiện làm Bổ xứ Thập địa, thì đây là bản thấp tích cao. Nếu là pháp thân Kim Túc vị Diệu giác lại ứng làm Kim Túc Diệu giác, thì đó là bản tích đều cao. Nếu là Kim Túc của Sơ trụ, ứng hiện làm Bổ xứ của Tam Tạng giáo, thì đó là bản tích đều thấp. Vậy đâu có thể nhất định phán giai vị là hơn hay kém, cao hay thấp được? Bậc Đại thánh ứng hóa thật vô cùng, thì phàm phu đâu thể dò được mà định là sâu hay cạn? Phàm phu còn chẳng tự biết hạnh nghiệp quả báo của mình, huống gì biết được bản tích? Cũng như không có mắt mà chỉ cho mặt trăng rồi định là vuông tròn. Nay chỉ cần phải tin bản tích tuy khác, mà Bất tư nghị chỉ là một. Nhưng Bồ-tát Văn-thù là vị thị giả hầu bên trái Đức Thích-ca, có hành vị cao nhất ở cõi này, mà còn suy công đức để tán thán, thì về giáo tích ắt chẳng nên luận ở địa thứ tám.

6) Căn cứ theo quán tâm để luận về bản tích: Như người học Trung đạo viên quán, quán nguồn tâm, khi Đạo và quán đã thuần thục thì trong Tích cũng hiện mà không chướng ngại, đạt được viên thuyết, viên hạnh, sự lý tương ưng. Đó là bản tích đều cao. Nếu trong tâm học Viên giáo mà thị hiện thiên tà thì đó là Bản cao tích thấp; nếu trong tâm thật chẳng học Viên quán mà lại hiện tướng Vô ngại, thì đó là Bản thấp tích cao. Nếu bản tâm chỉ du nhập không mà tích hiện tướng phá giả, thì đó là bản tích đều thấp. Tức là dùng nghĩa này và căn cứ vào Phật pháp, học vấn, tọa thiền, tâm hành cao thấp của hàng giả, tự hành hóa tha, được mất v.v… mà lập bốn câu phân biệt: Một là, bản tích đều cao là người thật tu; hai, Bản cao tích thấp là người mật tu; ba, Bản thấp tích cao là người cống cao, trừ những người vì Phật pháp làm lợi ích chúng sinh; bốn, bản tích đều thấp cũng là người thật tu.

7) Giải thích kinh: bản tích của ngài Tịnh danh đã Bất tư nghị, nên có thể dùng lời của Viên trí để phá đạo thiên không, dùng biện tài vô phương để khuất phục tâm hạn lượng, đó đều là hiển thị Sự bản tích. Nay nói về việc dùng bản tích để giải thích kinh này, thì gồm ba ý: Một là giải thích việc ở bên ngoài thất; hai, giải thích việc bên trong thất; ba, giải thích việc rời khỏi thất.

1. Giải thích việc bên ngoài thất: Bên ngoài thất hiện thân Trưởng giả, nhờ vào bốn giáo để hiển thị bản tích, hoặc dùng bản tích của Tạng, Thông để nhập không mà khai hóa các vị vua và Trưởng giả; hoặc dùng bản tích của Thông, Biệt, Viên để bẻ gãy luận nghị của mười đệ tử lớn và năm trăm La-hán; hoặc chỉ dùng Viên giáo để hiển bản mà quở trách các Bồ-tát thọ học ba giáo kia.

2. Giải thích việc bên trong trượng thất: Trong trượng thất cư sĩ dựa vào bệnh để phát khởi giáo, thị hiện bệnh hạnh đồng như bệnh thật của tất cả chúng sinh. Bệnh của chúng sinh tuy có rất nhiều loại, nhưng ý chánh không ra ngoài bốn loại. Nay dùng bốn loại Tích bệnh hạnh đồng với bốn loại bệnh thật, tức hiện tích của bệnh hạnh là phẩm Vấn Tật; năm phẩm kế sau đều từ phẩm này khai triển ra. Nếu hiểu được phẩm Vấn Tật thì năm phẩm sau đều có thể tự hiểu.

3. Giải thích việc rời khỏi trượng thất: Dùng bàn tay đưa đại chúng đến Am-la là thị hiện tướng lành bệnh, vì nhân bốn loại bệnh của chúng sinh đã diệt, nên căn bệnh quyền tích của ngài Tịnh danh cũng lành. Thế thì kinh này từ đầu đến cuối đều dùng nghĩa bản tích để giải thích, huyền nghĩa và ý văn, có thể tự thấy được.

8) Giải thích về giáo được thuyết:

Ngài Tịnh Danh là người thuyết, pháp giải thoát chẳng thể nghĩ bàn là giáo được thuyết, nên nói là sở thuyết. Có người nói ngài Tịnh Danh thuyết pháp của Phật mà chẳng phải thuyết pháp của mình, nếu thuyết pháp của mình thì đối kháng đạo pháp với Phật. Nay giải thích rằng, ngài Tịnh Danh chỉ thuyết về pháp tánh tịnh, vô cấu tịnh và phương tiện tịnh mà tự thân đã chứng đắc. Pháp này tuy chẳng thể thuyết, nhưng đã dùng bốn Tất-đàn ứng duyên mà thuyết; Đức Phật đối với pháp chẳng thể nêu bày cũng dùng bốn Tất-đàn ứng duyên mà thuyết pháp ba tịnh này, ngài Tịnh Danh tùy thuận theo Phật chuyển pháp luân cùng nói pháp ba tịnh này. Ngài Tịnh Danh thuyết pháp ba tịnh tức là thuyết pháp ba tịnh của Phật. Cho nên kinh này nói: “Quán thật tướng của thân, quán Phật cũng như thế.” Lại ngài Tịnh Danh thuyết pháp của mình, chẳng phải chỉ thuyết pháp của Phật, mà còn thuyết các pháp của tất cả chúng sinh. Nên văn sau ghi: “Chúng sinh, Hiền thánh, Di-lặc, tất cả pháp chỉ là một như, không có hai như.” Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Tâm Phật, chúng sinh không sai biệt.” Nay chỉ thuyết pháp của ngài Tịnh Danh, ví như năm trăm Tỳ-kheo mỗi mỗi đều thuyết nhân của thân, như thiện tài vào pháp giới gặp Thiện tri thức, mỗi mỗi đều nói pháp môn chẳng đắc một mình, trong kinh Hoa Nghiêm ngài Tịnh Danh nói pháp môn của mình tức là thuyết pháp của Phật, tức thuyết pháp của chúng sinh.

Hỏi: Ngài Tịnh Danh thuyết pháp của mình, sao được gọi là kinh?

Đáp: Như luận Đại Trí ghi: “Như Đệ tử Phật, Hóa nhân, chư Thiên, Tiên nhân thuyết pháp mà được Phật ấn chứng, đều được gọi là kinh. Kinh này Đức Phật khai thị cho bản tích, luận về nhân quả cõi Phật, bảo các đệ tử thuật lại những lời quở trách của Đại sĩ khi xưa, Phật im lặng ấn khả. Vả lại vào trượng thất luận đạo, bàn tay đưa đại chúng trở về Am-la, đều được Phật ấn chứng cho nên được gọi là kinh.

Pages: 1 2 3 4 5 6