Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

KHUYẾN DỤ SÁCH TẤN ĐỆ TAM THẬP TAM

Phẩm này nói ra những điều tệ ác của cõi Sa Bà để chúng sinh biết mà nhàm lìa.

KINH VĂN:

“Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ, ư thử kịch ác cực khổ chi trung, cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế, tôn ti, bần phú, thiếu trưởng, nam nữ, lũy niệm tích lự, vị tâm tẩu sử, vô điền ưu điền, vô trạch ưu trạch, quyến thuộc tài vật, hữu vô đồng ưu. Hữu nhất thiếu nhất, tư dục tề đẳng. Thích tiểu cụ hữu, hựu ưu phi thường, thủy hỏa đạo tặc, oán gia trái chủ, phần phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt. Tâm xan ý cố, vô năng túng xả. Mạng chung khí quyên, mạc thùy tùy giả, bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoan.”

VIỆT DỊCH

“Người đời tranh nhau những chuyện không cần gấp, trong chỗ khổ sở, ác độc cùng cực, nhọc thân làm lụng để tự cung cấp. Sang hèn, nghèo giàu, già trẻ, nam nữ, lo lắng chất chồng, bị tâm sai khiến. Không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà, quyến thuộc, tài vật, có không đều lo. Có rồi còn thiếu, muốn cho bằng người, có được chút ít, lại lo vô thường, nước, lửa, trộm cướp, oán gia trái chủ, đốt, trôi, cướp, đoạt, tiêu tan mòn diệt. Tâm keo ý chắc, chẳng thể buông bỏ. Mạng chung dứt hơi, ai mang theo được? Giàu nghèo như nhau, lo khổ muôn mối.”

GIẢNG:

Thế nhân cộng tranh bất cấp chi vụ(Người đời tranh nhau những chuyện không cần thiết). Chuyện không cần thiết đó là gì? – Là danh văn lợi dưỡng – Vậy cái gì là quan trọng? – Việc lớn sinh tử là quan trọng! Người giác ngộ họ đặt hết tâm sức vào vấn đề này, họ không cần danh văn lợi dưỡng, nhất định họ sẽ làm được: “Đối với người không tranh, đối với thế gian không cầu”.

Hãy xem! Đức Thích Ca Mâu Ni Phật lúc còn tại thế, ngài là vương tử, đối với cuộc sống vinh hoa phú quý trong chốn cung đình ngài đều vứt bỏ, sống cuộc đời khổ hạnh tăng đi hành khất, ngày ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây. – Vì sao vậy? – Vì an lạc tự tại! Không có ưu tư tranh giành trăn trở, không có phiền não v.v… Đây là việc người thế gian không hiểu được và cũng không làm được! Người thế gian không nghĩ đến “vô thường tấn tốc, sinh tử đại sự”, họ chỉ biết tham danh đạt lợi, cái này là sai lầm! Nên suốt đời họ “ưu khổ vạn đoan” không có ngày ra khỏi!

Sách Hội Sớ nói: “Phàm vật thì có gốc, có ngọn, việc thì có chậm, có gấp. Chỉ nên chọn một đại sự làm nhiệm vụ cấp bách trước tiên. Ví như người đi vào trong thành lớn, trước phải tìm chỗ ở yên, sau mới bắt tay  làm việc. Đến khi chiều về, có chỗ nghỉ đêm. ‘Trước phải tìm chỗ ở yên’ chính là tu Tịnh Độ; ‘Đến khi chiều về’ chính là lúc lâm chung; ‘có chỗ nghỉ đêm’ là sinh trong hoa sen, không lạc vào đường ác. Thế mà người đời cứ lơ là đối với việc gấp như lửa cháy, hối hả lo việc không cần thiết, khi mạng chung, dẫu hối ích chi?”

Hòa thượng Tịnh Không giải thích như sau: “Vật có gốc, có ngọn; việc có chậm, có gấp”, đây đều là chỗ mà cổ nhân thường nói; nhất định phải nhận thức được đâu là gốc, đâu là ngọn. Việc sinh tử vốn là gốc; thế gian danh lợi là ngọn. Việc lớn sinh tử chúng ta cần phải giải quyết gấp; danh văn lợi dưỡng là chuyện nhỏ! Giải quyết xong “sinh tử đại sự”, danh văn lợi dưỡng tự nhiên không cầu cũng đến. – Đến rồi thì sao? – Thì tâm địa vẫn như như, sạch sẽ, không bị chút ảnh hưởng nào, đây là tự tại. Có cũng tốt! Không có cũng tốt!

Tất cả đều tốt!

Ví như có người ở vùng quê lên thành phố làm việc, nhất định phải sắp xếp nơi cư ngụ trước. Vì sao vậy? – Làm xong mọi việc, đến tối trở về có chỗ nghỉ ngơi. Chứng tỏ nơi cư trú, ăn ở là việc quan trọng nhất. Tu Tịnh Độ cũng như vậy, phải chuẩn bị sẵn tư lương, để khi thọ mạng đến có sẵn nơi chốn đi về: Sinh vào trong liên hoa, không đọa vào ác thú.

Hội Sớ dùng thí dụ này rất hay!

– Việc gì là đại sự?

– Tu Tịnh Độ là đại sự thứ nhất!

– Vì sao vậy?

– Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng khó, muốn đạt đến thành tựu cũng không phải dễ, duy nhất chỉ có pháp môn Tịnh Độ là quá dễ dàng, ai ai cũng có thể tu được.

“Ư thử kịch ác cực khổ chi trung” (Trong chỗ khổ sở, ác độc cùng cực): Chữ “kịch” (劇 jù) là kịch liệt, hết mức; “kịch ác” là đại ác.

Phẩm ba mươi lăm “Trược thế ác khổ” có câu: “Duy thử ngũ ác thế gian, tối vi cực khổ” (Chỉ có năm điều ác của thế gian này là đau khổ cùng cực nhất). Lại nói: “Như thị ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, thí như đại hỏa, phần thiêu nhân thân” (Năm điều ác, năm sự đau đớn, năm sự đốt cháy như thế ví như lửa lớn thiêu đốt thân người). Ác là nhân, khổ là quả. Sát, đạo, dâm, vọng, tửu là tội ác lớn nhất. Hễ tạo ác ắt phải chịu quả ác; quả ác đó gọi là “ngũ thống, ngũ thiêu”, như lửa đốt thân nên bảo là “cực khổ” (khổ sở cùng cực).

Sách Hội Sớ còn nói: “Đời người như nắng hè chói chang, giống như lửa tụ (đống lửa) nên bảo là “kịch ác cực khổ”: Theo Hòa thượng Tịnh Không: Câu nói này là của Đức Phật Thích Ca từng nói. Thời đó, không có triệu chứng này. Ngày nay, khí hậu trên trái đất trở nên nóng lạnh bất thường. Có rất nhiều nơi nhiệt độ vượt quá bốn mươi độ: Vùng lạnh thì người bị chết lạnh; vùng nóng thì người bị chết nóng. Quả thật là bất thường!

– Còn thường là gì?

– Là “ngũ thường”: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Chúng ta không được làm trái với năm điều này. Nếu trái thì thân thể sẽ không được bình thường, địa cầu cũng không được bình thường. Nhất định phải tìm lại năm chữ này, đây là tánh đức.

“Cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” (Nhọc thân làm lụng để tự cung cấp).

Sách Hội Sớ giảng như sau: “Doanh” (營 yíng) là kinh doanh, lo toan; cố gắng chuyên tâm làm việc gọi là “vụ” (務 wù),

(phục vụ). “Dĩ thị cần lao kỳ thân, cố vân cần thân” (Chăm chỉ, vất vả làm việc gọi là cần thân) (勤 身 qín  shēn). “Cấp” (給 jí) là khiến cho đồ vật được đầy đủ, dư dả là ‘cấp’. ‘Cấp’ còn có nghĩa là cung cấp. “Tế” (濟 jì) là vượt qua”. Do đó, câu “cần thân doanh vụ, dĩ tự cấp tế” có nghĩa là nhọc nhằn, vất vả cái thân, lo toan làm lụng để mình được đầy đủ, no ấm. Đây quả thật là vấn đề rất nghiêm trọng!Tất cả chỉ nghĩ đến cung cấp cho chính mình!

Theo Hòa thượng Tịnh Không: Người xưa có câu “một nhà no ấm, ngàn nhà oán”. Bạn giàu có một mình, xung quanh đều là người nghèo khó, họ sẽ gây phiền phức cho bạn! Hậu quả này sẽ không thể tưởng tượng nổi. Vì vậy, người thông minh thật sự, bản thân họ có phước báo đều san sẻ bớt cho người xung quanh để họ cùng hưởng.

Hiện nay, lòng tham con người quả thật là không đáy, chẳng có điểm dừng! Nên họ vĩnh viễn là âu lo, khổ não;  không biết tri túc nên không có an lạc, thường vui!

Tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không), sau khi học Phật, chỉ cần có áo quần đủ để mặc ấm, có thể ăn no, có được căn phòng nhỏ để nghỉ ngơi là đủ. Tiền cúng dường nhiều thì cho người khác. Tôi học Tổ Ấn Quang suốt đời chỉ in kinh, giúp đỡ người khác chính là lưu thông Pháp bảo.

Ba việc tốt mà tôi có thể làm là in kinh ấn tống, phóng sinh và bố thí thuốc men. Tôi luôn quyên góp tiền cho bệnh viện để làm viện phí cho bệnh nhân nghèo khi khám bệnh không tiền mua thuốc. Suốt sáu mươi năm qua chưa hề dứt quảng.

Bây giờ, tôi ở Úc, mỗi năm hai bệnh viện, tôi bố thí hai trăm bốn chục ngàn Úc kim, mỗi tháng hai mươi ngàn. Nhờ vậy mà cả đời tôi không có đau ốm. Vì sao vậy? – Vì viện phí tôi đã bố thí hết rồi! Tôi không hề mua bảo hiểm, cũng không hề giữ lại viện phí. – Giữ lại viện phí là gì? – Là chắc chắn mình sẽ đổ bệnh nên mới  dự bị! Tôi thì không hề lo việc này. Tiền đau ốm của tôi đều bố thí hết, vì tôi không thích bệnh! Phải hiểu rõ đạo lý này.

Về giáo dục, có thể nói tôi đã chu cấp rất nhiều học bổng, giúp đỡ cho một số bạn trẻ, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, đã đậu đại học nhưng không thể đi học. Sinh hoạt phí bốn năm đại học cho họ tôi đều cung ứng.

Lúc trước, khi tôi còn ở Úc, đã tặng học bổng cho sáu trường Đại học ở Indonesia, mỗi trường là một trăm ngàn Úc kim cho mỗi năm, để chăm lo cho hơn bảy trăm sinh viên của mỗi trường, vẫn là rất rẻ. Nếu ở Úc, với số tiền sáu trăm ngàn đô, tôi chỉ có thể chăm sóc được sáu mươi em. Ở Indonesia, mỗi trường cần tôi chu cấp là trên bảy trăm em; sáu trường đại học như vậy tổng cộng trên bốn ngàn em được tôi cấp học bổng.

Về phần ấn tống kinh sách, trước đây đã nói qua, cũng chi phí rất nhiều, bởi đây là đại tông, chủ yếu là bắt đầu từ đây.

Tiền đến rất nhiều, cũng phải để tiền đi nhiều. Bản thân tôi hầu như không có chỗ dùng tiền. Những thứ tôi ăn, mặc đều từ các đồng tu tặng cho tôi. Tặng quá nhiều, tặng không dứt, đều chia cho mọi người. Tôi đã thực hiện được những việc này trong suốt sáu mươi năm, có thể làm gương cho các bạn. Nhìn thấy tôi và những thành quả đã đạt được, các bạn sẽ có niềm tin.

Thật sự, nếu tôi không tiêu tiền vào những công việc trên để xây chùa thì không biết đã xây được bao nhiêu rồi, không thua gì pháp sư Tinh Vân (Pháp sư Tinh Vân đã xây hai, ba trăm ngôi chùa trên toàn thế giới). Bởi tôi cảm thấy nếu làm như vậy là đem tiền chôn xuống đất, nó không có tác dụng!

Tôi cũng không có Đại hùng bảo điện. Đại hùng bảo điện đối với tôi không cần phải xa hoa tráng lệ, tốn kém thật nhiều tiền, thật quá ư oan uổng! Nên nhớ: “Có tiền là phước báo, dùng tiền là trí tuệ”, không có trí tuệ, tiền sẽ tiêu hết, đó không phải là việc tốt!

Trong Kinh Dịch, Hệ Từ Đại Truyện, do Khổng Tử viết: “Nhà nào làm việc thiện sẽ vui vẻ hạnh phúc; nhà nào làm việc bất thiện sẽ gặp tai ương”. Sao không tích thiện? Sao không tích đức? Cá nhân như thế, gia đình cũng như thế, đất nước cũng như vậy. Một quốc gia muốn giàu mạnh, nhất định phải tích đức, hành thiện.

Nhìn lại lịch sử Trung Quốc vào thời thịnh thế, các vua thời đó họ biết bố thí, không dùng vũ lực để xâm lược. Những quốc gia nhỏ xung quanh đến tiến cống, chính là dâng lễ vật lên Hoàng Đế. Hoàng Đế sẽ tặng lại gấp mấy lần. Đây là phong thái của nước lớn đối với chư hầu. Cho nên, các nước nhỏ  đều quy phục, làm chư hầu cho họ mà không cần dùng chiến tranh. Lãnh thổ họ ngày càng mở rộng bằng đạo đức, bằng cho đi, bằng chăm sóc v.v. không phải bằng vũ lực.

Có thể nói, con người hiện nay là ngu si, bởi họ chưa từng học! Thật sự, nếu được học, hiểu rõ rồi họ sẽ không còn có những tham muốn, ích kỷ cá nhân, mà  tâm họ sẽ mở rộng, bao dung, muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh. Càng giúp, bất kể là giúp trí tuệ, tiền tài hay đức hạnh sẽ càng có hiệu quả. Bố thí càng nhiều thì sẽ được nhiều. Được nhiều lại càng phải bố thí, chớ nên để tiền một chỗ,để yên như vậy sẽ trở thành nước tù, nước đọng, vậy là sai rồi! Phải nhanh chóng phân phát nó, gọi là tán tài, nơi nào cần sự giúp đỡ sẽ phân phát đến cho họ. Được vậy, cuộc sống của ta sẽ rất tự tại,  hạnh phúc và rất mỹ mãn.

Tôn ti, bần phú, thiếu trưởng, nam nữ(Sang hèn, nghèo giàu, trẻ già, nam nữ) chỉ tất cả thành phần trong xã hội: Người có địa vị cao quý là Tôn, địa vị thấp là Ty, lắm của là Phú, ít của là Bần, nhỏ tuổi là Thiếu, lớn tuổi là Trưởng. Trai trai, gái gái bao hạng sai khác đều ôm lòng ngu si, tham dục, lao tâm khổ tứ, lo nghĩ chất chồng, bôn ba, nhọc nhằn chẳng lúc nào yên. Bởi thế, Phật mới bảo: “lũy niệm tích lự, vi tâm tẩu sử” (Lo toan chồng chất, bị tâm sai khiến).

Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Lo mãi chuyện đã qua, lo hoài chuyện chưa tới, nên bảo là ‘lũy niệm tích lự’. Thường bị dục tâm lôi kéo khiến chộn rộn, bôn ba nên bảo là ‘vi tâm tẩu sử’ (bị tâm sai khiến)”. Ý Ngài nói: Nghĩ nhớ chuyện quá khứ là “lũy niệm”, lo lắng cho tương lai là “tích lự”. Tâm niệm ấy chẳng lúc nào an, hễ tâm mong cầu thì thân cũng nhọc theo. Nói cách khác, thân tâm họ đã trở thành nô lệ cho dục vọng của chính họ!

Ngài Gia Tường dùng câu “tâm chất chứa tài sản chẳng buông bỏ” để giảng câu “lũy niệm tích lự”; dùng câu “siêng cầu chẳng ngơi” để giảng câu “vi tâm tẩu sử”. Ý Ngài nói: Những điều canh cánh trong tâm chỉ toàn là tài vật, cho nên “lũy niệm tích lự”.

Lăm lăm mong cho có nên thân tâm chẳng an, đấy gọi là “vi tâm tẩu sử” (bị tâm sai khiến).

Ngài Cảnh Hưng lại giảng: “Vi tâm tẩu sử là như con nai khát nước chạy đuổi theo dương diệm (bóng nắng gợn), kẻ mắt kéo màng thấy hoa đóm lăng xăng trên hư không, đều do cái tâm thấm đẫm nước ái, chẳng rõ hoa đóm là bệnh nên cứ đuổi quàng theo”. Đây là cách nói ẩn dụ: Bóng nắng gợn (dương diệm) chính là huyễn ảnh xuất hiện trong sa mạc, nhìn xa tưởng chừng như là chỗ có nước, khiến những con nai, con ngựa đang khát, lầm tưởng đó là chỗ có nước bèn ráo riết chạy đến, nhưng chỉ phí công! Lại như người mắc bệnh kéo màng, ngỡ trên hư không có hoa đóm bèn đưa tay nắm bắt, chẳng biết đó là huyễn tướng do mắt bệnh mà thấy có hoa đóm. Tất cả đều do “vi tâm tẩu sử” mà ra.

Cả một đoạn dài, từ câu “vô điền ưu điền” (không ruộng lo ruộng) đến câu “ưu khổ vạn đoan” (ưu khổ muôn mối), đều giảng rõ ý “lũy niệm tích lự”.

“Quyến thuộc, tài vật”: Chữ “quyến thuộc” là chỉ cho người trong nhà, thân thuộc, tôi tớ v.v…, chữ “tài vật” là chỉ cho gia tài, sản nghiệp, các vật dụng để sinh sống. Những thứ trên đều khiến ta phải lo lắng: Chưa có thì muốn sao cho có; có rồi lại sợ mất, gọi là tính toán thiệt hơn. Bể tham muốn khó lấp bằng! Có hay không có thảy đều lo nghĩ, nên nói “Hữu vô đồng ưu”. Vì vậy, cuộc sống thật khổ.

Ông Lý Gia Thành là người giàu nhất Hồng Kông, ông nhỏ hơn tôi (Hòa thượng Tịnh Không) hai tuổi. Nhưng, xem ra ông già hơn tôi rất nhiều. Vì sao? Vì ông có âu lo, tôi thì hoàn toàn chẳng có. Tiền tài của ông là do trong số mệnh có. Năm ba mươi tuổi ông đến Hồng Kông làm ăn. Ông có người bạn thân tên là Trần Lang (ông này đã mất mấy năm nay) là người bói toán, xem phong thủy rất giỏi. Lúc đó, Trần Lang hỏi ông: Sau nầy, có bao nhiêu tài sản mới hài lòng ông?  Lý Gia Thành bảo: – Tôi có được ba ngàn vạn thì tôi vừa lòng. Ông Trần bảo với ông: – Tiền tài trong mệnh của ông không phải bình thường, tràn cả ra ngoài, không chỉ vậy, tương lai ông sẽ giàu nhất Hồng Kông. Vì vậy, Lý Gia Thành rất tin lời ông, xem ông như người cố vấn, bất cứ chuyện lớn, nhỏ gì đều đến thỉnh giáo với ông.

Số mệnh ông có tiền, nên làm bất cứ kinh doanh nào cũng đều thành công. Vì vậy, con người trước tiên phải tin vào vận mệnh mới có thể sống vui vẻ, hạnh phúc. Nếu đấu với vận mệnh là sẽ thảm hại! Không ai có thể đấu lại vận mệnh. Nếu muốn cải tạo vận mệnh phải vâng theo lời Phật dạy, đồng thời cũng nên xem Liễu Phàm Tứ Huấn thì bạn sẽ hiểu qua vấn đề.

Hữu nhất thiếu nhất, tư dục tề đẳng(có rồi còn thiếu, muốn cho bằng người): Cái này cũng rất khổ! Ví như bản thân có được mười vạn đồng, thấy người khác có đến hai mươi vạn, liền nghĩ cách sao cho bằng người. Nếu muốn mà không được thì sinh tâm phiền muộn! Muốn mà đạt được cũng không hết suy nghĩ! Đấy là tâm tham không có cảnh dừng nên âu lo chất chồng không bao giờ dứt!

“Thích tiểu cụ hữu, hựu ưu phi thường” (Vừa được chút ít, lại lo vô thường): Chữ “phi thường” là chỉ cho những tai họa bất thường như: Thủy hỏa đạo tặc, oán gia trái chủ, phần phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt”. “Thủy, hỏa” là thủy tai, hỏa tai; “đạo tặc” là cướp đoạt, trộm cắp, “oán gia” là những kẻ kết oán với ta; “trái chủ” là những người ta thiếu nợ chưa trả.

Tất cả những sự việc trên đều có thể gây ra những tai họa khôn lường như lửa có thể thiêu đốt, nước có thể nhận chìm, kẻ cướp có thể cướp đoạt, kẻ trộm cắp có thể cuỗm mất, oán gia có thể báo cừu, chủ nợ có thể  xiết nợ. Thậm chí trong khoảnh khắc chẳng còn một thứ gì, của cải ngày trước đột nhiên không còn nữa, nên bảo là “phần phiêu kiếp đoạt, tiêu tán ma diệt” (đốt, trôi, cướp đoạt, tiêu tan, mòn diệt). Sách Hội Sớ nói: “Phần” (棼 fén) là thiêu đốt, là những nạn như chiến tranh tàn phá, hỏa tai bất ngờ… ‘Phiêu’ (彯 piāo) là cuốn trôi như các nạn nước lũ, sóng gió… ‘kiếp đoạt’ (刧 奪 jié duó) là nạn đạo tặc. Bị oan gia làm cho tiêu tan, bị chủ nợ làm cho mòn diệt”.

“Tâm xan ý cố” (Tâm keo ý chắc), ý nói người đời tâm keo kiệt đến mức ngoan cố. Tài vật có mất đi thì trong tâm càng thêm căm hận, ưu phiền lo nghĩ, không lúc nào thảnh thơi, nên nói “vô năng túng xả” (chẳng thể buông bỏ).

Bốn câu từ “mạng chung khí quyên” (mạng chung dứt hơi) trở đi phiếm chỉ người đời, lúc lâm chung, tất cả tài vật, quyến thuộc yêu dấu thảy đều phải xả ly, một mình đến đi không ai bầu bạn. Người thương yêu nhất có thể chết theo nhưng chẳng thể đi cùng!

Nghiệp nhân bất đồng, quả báo sai khác, nơi đến chẳng ai giống ai, nên nói là “mạc thùy tùy giả” (không có ai theo).

Nên nhớ: “mạng chung” là thân mạng chung chớ linh tánh không có mạng chung. Linh tánh bất sinh bất diệt. Linh hồn có chuyển biến nên gọi là biến dị sinh tử. Thân thể gọi là phần đoạn sinh tử. Không có thân thể này, linh tánh gọi là biến dị sinh tử. – Biến dị là gì? – Nó không ngừng đi lên, hoặc là đọa lạc đi xuống, đều đang biến dị. Mỗi người đều có nghiệp báo riêng, vì thế đến, đi đều một mình. Chỉ có cách niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ là nơi đi có thể giống nhau, vĩnh viễn ở cùng nhau.

Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện có dạy: “Thị nhân lâm mạng chung thời, tối hậu sát-na, nhất thiết chư căn tất giai tán hoại, nhất thiết thân thuộc tất giai xả ly, nhất thiết oai thế tất giai thoái thất, phụ tướng, đại thần, cung thành, nội ngoại, tượng mã, xa thặng, trân bảo phục tạng, như thị nhất thiết vô phục tương tùy” (Người ấy lúc lâm chung, trong sát-na cuối cùng, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả thân thuộc đều phải xả ly, tất cả oai thế thảy đều tan mất. Phụ tướng đại thần, cung thành trong ngoài, voi, ngựa, xe cộ, kho tàng của báu, tất cả những thứ đó đều không theo mình). Đoạn kinh nầy có cùng ý nghĩa với đoạn kinh trên.

Tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) xuất thân từ gia đình bần hàn. Sau khi lớn lên học Phật, biết những vật chất ấy đều không cần thiết, là gánh nặng khiến tâm bất an. Vì thế, những năm gần đây, các học trò tặng tôi đồ mỹ nghệ bằng ngọc, trân châu, tôi đều biếu tặng cho người khác. Vì sao vậy? – Vì không có chỗ cất, cũng không có chỗ treo lên những tác phẩm nghệ thuật nầy, nên tôi không muốn giữ. Thứ tôi dùng đều là đồ phục chế, đồ thật tôi nhất quyết không cần. Sau nầy, nếu có ai tặng cho tôi, nên nhớ tặng đồ phục chế, không đáng tiền. Như vậy, không cần phải lo lắng, có mất cũng không lo.

Trong Phật môn thường nói “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (mọi thứ không mang được, chỉ có nghiệp theo mình). “Bần phú đồng nhiên”: Bất luận giàu nghèo, không ai mà chẳng như vậy, ưu khổ ngập đầy, nên kinh nói “ưu khổ vạn đoan”.

KINH VĂN:

“Thế gian nhân dân, phụ tử, huynh đệ, phu phụ, thân thuộc, đương tương kính ái, vô tương tăng tật. Hữu vô tương thông, vô đắc tham tích. Ngôn sắc thường hòa, mạc tương vi lệ. Hoặc thời tâm tránh, hữu sở khuể nộ. Hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán. Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại. Tuy bất lâm thời, ưng cấp tưởng phá”.

VIỆT DỊCH:

Thế gian nhân dân, cha con, anh em, chồng vợ, thân thuộc, hãy nên kính yêu nhau, chớ nên ganh ghét. Kẻ có chia cho người không, chớ nên tham tiếc. Lời nói, sắc mặt thường hòa nhã, chớ chống trái nhau. Hoặc có khi tranh chấp, liền có nóng giận, đến đời sau sẽ thành đại oán. Chuyện báo oán trong thế gian sẽ thành hoạn hại. Tuy chưa xảy đến, hãy gấp có ý niệm ngăn trừ.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên khuyên dạy người đời đối với thân thuộc phải nên hòa kính; nếu không hòa kính sẽ trở thành oán thù.

Đương tương kính ái, vô tương tăng tật” (Nên kính yêu nhau, chớ nên ganh ghét). Chữ “kính ái”( 敬愛 jìng ài) là cung kính và từ ái; chữ “tăng tật” (憎 嫉 zēng jí) là ghét bỏ, ganh tị.

“Hữu vô tương thông”: Chữ “tương thông” (相通 xiàng tōng) là ý nói chia sẻ tài vật, đem thứ mình có để giúp cho người không có.

“Vô đắc tham tích” là không nên tham tiếc.

“Ngôn sắc thường hòa, mạc tương vi lệ(Lời lẽ, sắc mặt luôn hòa nhã, chẳng chống trái nhau): Chữ “ngôn sắc” (言色 yán sè) là ngôn ngữ và sắc mặt. Chữ “vi” (違 wéi) là trái nghịch, chữ “lệ” (戾 lì) là ngang ngược, kình chống.

Sách Hội Sớ nói: “Giọng vui vẻ, không nóng giận, lời lẽ không chống trái, gay gắt, luôn ôn hòa, khiêm cung. Sắc mặt không cau có thì gọi là thường hòa”. Như vậy, “ngôn sắc thường hòa” cũng đồng nghĩa với “hòa nhan ái ngữ” trước đây.

“Hoặc thời tâm tranh, hữu sở khuể nộ” (Hoặc có khi tranh chấp, liền có nóng giận): Chữ “tranh” (諍 zhèng) có nghĩa là tranh chấp.

Sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa giảng: “tranh” “kiện tụng”.

Sách Hội Sớ bảo: “Thói đời lúc bình thường vốn không phẫn hận, chợt gặp cảnh trái nghịch, bất bình thình lình tranh chấp nhau nên bảo là ‘hoặc thời’ (hoặc có lúc); ý nói phiền não, thói quen xấu ai ai cũng có. Lúc bình thường nó ẩn bên trong. Đến khi gặp chuyện xúc động, nó bèn khởi dậy, chính bản thân họ cũng không thể kềm chế, đưa đến phẫn nộ, tranh chấp. Một khi tâm sân nổi lên thì tạo thành mối hận.

“Hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán” (Đến đời sau sẽ chuyển thành đại oán): Oan oan tương báo sẽ không bao giờ dứt. Kẻ oán ghét thường chạm mặt nhau, sát hại lẫn nhau, càng lúc càng kinh khiếp, nên nói “chí thành đại oán”, như vua Lưu Ly vì muốn báo thù (đây là oán thù đời trước) mà giết cả dòng họ Thích.

“Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại(Chuyện báo oán trong thế gian sẽ thành họa hại). Đã tạo nghiệp nhân, ắt kết thành quả.

“Tuy bất lâm thời, ưng cấp tưởng phá” (Tuy chưa xảy đến, hãy gấp có ý niệm ngăn trừ). Chữ “tưởng phá” là phải nhìn thấu. Có nhìn thấu mới buông bỏ ý niệm báo thù. Cổ nhân thường dạy: “oan gia nên giải không nên kết”. Không nên gây oán với người khác. Phải nhẫn, phải nhường, phải khiêm tốn, cung kính tất cả mọi người, sẽ hóa giải được mọi thứ. Đây là người có trí tuệ.

KINH VĂN:

“Nhân tại ái dục chi trung, độc sinh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả. Thiện ác biến hóa, truy trục sở sinh, đạo lộ bất đồng, hội kiến vô kỳ. Hà bất ư cường kiện thời, nỗ lực tu thiện, dục hà đãi hồ?”

VIỆT DỊCH:

Trong ái dục, con người sống chết, đến đi một mình, khổ vui tự chịu, không ai thế cho. Thiện, ác biến hóa, theo đó mà thọ sinh không đồng, gặp nhau không có hạn kỳ. Sao lúc cường tráng chẳng nỗ lực tu thiện, còn muốn đến khi nào?

GIẢNG:

Đoạn kinh văn nầy, đức Phật khuyên người đời bỏ ác tu thiện.

“Nhân tại ái dục chi trung, độc sinh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả: Con người do chìm đắm trong ái dục mà phải chịu chết đây sinh kia, lưu chuyển vô cùng. Lúc sinh cũng chỉ mình sinh, lúc chết cũng chỉ mình chết, cho dù quyến thuộc đông nhiều cũng không ai theo. Chữ “ái dục” chính là tình ái và tham dục; ái dục chính là cội gốc của sinh tử. Có câu: “Ái chẳng nặng chẳng sinh Sa Bà”. “Khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả”, ý nói quả vui hay khổ đều do chính mình tự tạo, cũng chính mình thọ lãnh, không ai có thể thay thế được. Ngài Cảnh Hưng nói: “Tự đương tức tự mình nhận lấy”.

“Thiện ác biến hóa”, ngài Cảnh Hưng giảng như sau: “Thiện biến hóa chính là quả báo trong đường thiện. Ác biến hóa chính là quả báo trong đường ác”.

Sách Hội Sớ nói: “Đời này tuy là thiện quả, nhưng tạo nghiệp nhân ác sẽ chiêu cảm, biến thành tai ương. Đời này tuy là ác quả, nhưng hành thiện thì đời sau sẽ hưởng phước báo. Thiên biến vạn hóa chẳng thể nói trọn”.

Ngài Gia Tường giảng: “Nhân ác chịu khổ, nhân thiện hưởng vui. Quả báo nhanh chóng”.

“Truy trục sở sinh”: Chữ “trục” (逐 zhú) là đuổi theo. “Truy trục sở sinh” nghĩa là sinh về đâu, quả báo cũng đuổi theo ngay đó, chẳng tách rời. Tùy nghiệp nhân mà cảm nhận quả báo thiện hay ác. “Nghiệp” có hai loại: Dẫn nghiệp và mãn nghiệp. “Dẫn nghiệp” là nghiệp dẫn ta đến đầu thai ở đường nào. “Mãn nghiệp” là lục độ vạn hạnh do chúng ta tu tập trong kiếp nầy.

“Đạo lộ bất đồng, hội kiến vô kỳ”: Gia Tường Sớ giảng như sau: “Làm thiện thì quả báo chốn thiên đường chờ sẵn. Làm ác thì núi đao rừng kiếm đón chờ”. Nhân quả mỗi người một khác, nên cõi sinh về cũng khác nhau. Cho nên, lúc lâm chung chia tay là trọn thành vĩnh biệt. Một phen chịu quả báo trong tam đồ là cả trăm ngàn kiếp trôi lăn trong sáu nẽo, biết ngày nào gặp lại! Dẫu có gặp lại, cũng chẳng hề nhận biết nỗi nhau, nên nói: “Hội kiến vô kỳ” (không kỳ hạn gặp lại nhau).

Do vậy, mà đức Thế Tôn xót thương, cảnh tỉnh người đời: “Hà bất ư cường kiện thời nỗ lực tu thiện, dục hà đãi hồ?” (Sao lúc còn mạnh khoẻ, cường tráng chẳng nỗ lực tu thiện, còn đợi đến khi nào?!) Người già thể xác suy yếu, khó bề siêng tu, như kinh Niết Bàn bảo: “Này Ca Diếp! Thí như cam giá, ký bị áp dĩ, tể vô phục vị. Tráng niên thịnh sắc, diệc phục như thị. Ký bị lão áp, vô tam chủng vị: Nhất, xuất gia vị. Nhị, đọc tụng vị. Tam, tọa thiền vị” (Này Ca Diếp! Ví như cây mía, bị ép thành nước, bã mía chẳng còn vị. Tuổi trẻ khoẻ mạnh cũng giống như thế. Khi bị tuổi già ép thì chẳng còn ba thứ vị: Một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị tọa thiền).

– “Bị áp dĩ” nghĩa là gì?

– Ý nói: Con người khi già thì năng lực không còn nữa, giống như cây mía, mật bị ép hết không còn gì nữa, chỉ còn xác mía. “Tráng niên thịnh sắc, diệc phục như thị” (Tuổi trẻ khoẻ mạnh cũng lại như vậy). Điều này nhất định phải cảnh giác!

“Ký bị lão áp, vô tam chủng vị”: Người già rồi thì mất cả ba vị: Một là xuất gia vị; hai là đọc tụng vị, ba là tọa thiền vị. Cả ba vị này gọi chung là “Pháp vị”. Pháp vị không còn nữa! Ba loại vị này cũng chính là Giới, Định, Tuệ: Xuất gia là Trì giới, đọc tụng là Trí tuệ, tọa thiền là Thiền định.

Cho nên, tuổi già chỉ có cách là niệm Phật cầu sinh Cực Lạc là thích hợp nhất.

KINH VĂN:

“Thế nhân thiện ác tự bất năng kiến, cát hung họa phước, cạnh các tác chi. Thân ngu thần ám, chuyển thọ dư giáo, điên đảo tương tục. Vô thường căn bản, mông minh để đột, bất tín kinh pháp, tâm vô viễn lự, các dục khoái ý, mê ư sân khuể, tham ư tài sắc, chung bất hưu chỉ, ai tai khả thương! Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã. Tử sinh chi thú, thiện ác chi đạo, đô bất chi tín, vị vô hữu thị. Cánh tương chiêm thị, thả tự kiến chi. Hoặc phụ khốc tử, hoặc tử khốc phụ, huynh đệ phu phụ, cánh tương khốc khấp.” VIỆT DỊCH:

Người đời không thể biện biệt được thiện ác, cát, hung, họa, phước, tranh nhau mà làm. Thần trí ngu muội tin theo các giáo điều khác, điên đảo tiếp nối. [Do] căn bản vô thường [nên] mù mịt, tối tăm, chẳng tin kinh pháp, chẳng biết lo xa, chỉ muốn khoái ý, say mê nóng giận, tham đắm tài sắc, trọn không ngừng nghỉ. Thật đáng thương thay! Người đời trước không thiện, không biết đạo đức, không ai chỉ bảo đâu có lạ gì! Nẻo sinh tử, đường thiện ác đều không tin tưởng, cho là không có! Hãy quan sát và tự xem đi: Nào cha khóc con, hoặc con khóc cha; anh, em, chồng, vợ khóc thương lẫn nhau.

GIẢNG:

Toàn phẩm này chỉ rõ chúng sinh trong uế độ Sa Bà ba độc lừng lẫy, tạo ác đáng buồn! Đoạn đầu nói về tham độc “bần phú đồng nhiên, ưu khổ vạn đoan” (giàu nghèo đều vậy, lo khổ muôn mối). Đoạn kế nói về sân độc “chí thành đại oán” (kết thành đại oán). Đoạn nầy giảng về si độc. Cái họa si độc này làm tổn thương tuệ mạng con người nên nói: “Thế nhân thiện ác tự bất năng kiến”. Ý nói: Người đời ngu si, chẳng thể biện biệt thế nào là thiện, ác, cứ theo ý thích của mình tha hồ làm quấy, miễn sao khoái ý, chẳng cần nghĩ đến nhân quả, hậu hoạn về sau, vì thế “Cát hung họa phước, cạnh các tác chi” (Cát, hung, họa, phước tranh nhau mà làm).

Chúng ta xem truyền thông đưa tin, họ nói trên toàn thế giới có ít nhất hai ngàn quả bom nguyên tử, bom hạt nhân chuẩn bị phóng, có thể phóng trong vòng ba phút. Thử nghĩ: Một quả bom hạt nhân có thể phá hủy cả một thành phố, giết chết cả triệu người. Thiên tai, nhân họa này đáng sợ biết bao! Đúng là “Tiểu tam tai” như Phật đã nói trong Kinh.

Tiểu tam tai: Thứ nhất là chiến tranh, thời gian là bảy ngày bảy đêm. Kế đến là dịch bệnh kéo dài bảy tháng bảy ngày. Tiếp theo là nạn đói kéo dài bảy năm bảy tháng. Ba mươi năm trước, tôi cùng pháp sư Đạo An đến thăm Nhật Bản, thăm Hiroshima và Nagasaki. Lúc đó, vào khoảng năm thứ tám, cây cỏ nơi đây mới bắt đầu mọc (đúng là sau bảy năm bảy tháng). Xem xong, tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) bỗng nhiên trực nhận: “Tiểu tam tai” mà Phật nói trong kinh quả đúng là “chiến tranh hạt nhân”.

– Dịch bệnh là gì?

– Là bị nhiễm phóng xạ hạt nhân! Nghe nói, lúc đó người bị chết cháy hơn tám mươi ngàn người, ngay cả đầu xương sọ cũng không tìm thấy, đều biến thành tro. Số ít người còn sống sót đến nay đều trở thành ngớ ngẩn. Thật là tội nghiệp! Ba ngàn năm trước Phật đã nhìn thấy hiện tượng này.

– Loại người nào dám làm việc này?

– Người ngu si mới dám làm! Tội ác này thật không gì sánh bằng! Tương lai họ nhất định vào A Tỳ Địa ngục, vĩnh viễn không có ngày ra!

Ngài Gia Tường bảo: “Người đời cho rằng lúc chết, vì cúng tế mà sát sinh là hung, những dịp như cưới gả v.v…là cát. Đối với hai việc này, người ta đua nhau mà làm”. Đây là sai lầm của thế gian! Thử nghĩ: Việc sát sinh để cúng tế trong việc ma chay, với sát sinh để làm thức ăn thết đãi thân thuộc, bè bạn…trong ngày cưới gả cũng đều là “hung” cả, đều tạo ác nghiệp không khác!

“Thân ngu thần ám” (Thân trí ngu muội). Ngài Gia Tường giảng như sau: “Do thân tạo ác nên bảo là thân ngu, tâm chẳng tin nên bảo là thần ám”. Ngài Tịnh Ảnh lại giảng: “Thân ngu, thần ám là tâm ý ngu muội chẳng nhận ra chuyện thiện ác sinh tử”. Như vậy, ngu muội, tối tăm chính là si độc.

Do tâm ngu muội chẳng thể nhận ra được chánh tín nhân quả, chẳng thể tiếp thu kinh pháp, vào trong chánh đạo. Ngược lại, còn dễ tin theo tà thuyết ngoại đạo, nên nói: Chuyển thọ dư giáo, điên đảo tương tục” (Tin theo giáo điều khác, điên đảo tiếp nối). Cái thấy biết điên đảo này liên tục mãi không dứt là nguồn gốc của “si nghiệp”, là nguyên nhân của kiếp sinh tử vô thường, nên gọi là “vô thường căn bản”. Điều này nói lên tính nghiêm trọng của “si nghiệp” vượt hẳn cả “tham” và sân”. Do si mê mới có tham, giận.

“Mông minh để đột” (Mù tịt, tối tăm): Chữ “mông” (蒙 méng) là mông muội, tối tăm. Có câu “mông giả hữu nhãn cầu nhi bất năng kiến” (dẫu có tròng mắt mà chẳng thấy gì cả).

Ngài Cảnh Hưng bảo: “Mù mịt lại càng thêm mù mịt. Mù mịt là vì bị che lấp nên chẳng sáng suốt. Tối tăm là do ám muội chẳng hiểu biết”. Chữ “Để” (抵 dǐ) là xông vào, như con thú dùng sừng húc các vật, chữ “đột” (突 tū ) là đột ngột, cũng có nghĩa là xung đột.

Ngài Nghĩa Tịch giảng câu “mông minh để đột” như sau: “ý nói không hiểu biết gì, cứ đụng việc là làm càn như đứa trẻ đi đêm, như chó dại chạy quàng, không điều gì không làm”. Ý nói người không có trí tuệ, không có tri thức, chính là người vô tri.

Tâm vô viễn lự, các dục khoái ý(Tâm không lo xa, chỉ cốt khoái ý). Chữ “khoái ý” ở đây là tạo “sát, đạo, dâm, vọng”, họ cho đó là niềm vui. Việc này chúng ta thấy có rất nhiều trong xã hội ngày nay. Sách Hội Sớ bảo: “Không quan tâm đến đời sau, chỉ cầu cái vui hiện tại nên bảo là ‘các dục khoái ý”.  “Mê ư sân khuể, tham ư tài sắc, chung bất hưu chỉ”. Ý nói: Say mê giận dữ, tham tài hiếu sắc chẳng lúc nào ngơi nên Phật mới nói: “Ai tai khả thương” (Thật đáng thương thay!).

– Vì sao nói họ không lo xa?

– Vì họ không nghĩ đến tương lai!

– Vì sao không nghĩ đến tương lai?

– Vì họ không tin nhân quả, không tin có luân hồi, lục đạo. Đó là ngu si!

– Lúc nào mới tin?

– Sau khi chết sẽ tin ngay!

– Vì sao vậy?

– Vì quả báo hiện tiền!

“Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức” (Người đời trước không thiện, không biết đạo đức). Ý nói: Đời cha ông ngu muội.

Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Trọn chẳng làm thiện là vô hạnh. ‘Bất thức đạo đức’ là chẳng hiểu biết”. Theo chú giải của cụ Hoàng: Đã không hiểu biết lại còn vô hạnh thì thật là ngu si cùng cực. Đời này tiếp nối đời kia, những lời cha mẹ dạy con đều là tà thuyết, chẳng bàn đến quả báo thiện ác, nên kinh bảo: “Vô hữu ngữ giả” (không ai chỉ bảo). Cha ông si độn, ngoan cố thì con cháu vô tri cũng là  chuyện tất nhiên, nên nói: “Thù vô quái dã” (đâu có gì lạ).

“Tử sinh chi thú, thiện ác chi đạo” (Nẻo sinh tử, đường thiện ác) đây là nói đến nhân quả báo ứng. Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: “Chẳng thể tự thấy nẻo sinh tử là chẳng biết quả. Chẳng thể tự thấy đường thiện ác là chẳng hiểu nhân. Tự tâm chẳng biết cả nhân lẫn quả, lại không ai chỉ bảo nên trọn chẳng hiểu biết”. Vì thế mới “đô bất chi tín, vị vô hữu thị” (đều không tin tưởng, cho là không có).

“Cánh tương chiêm thị, thả tự kiến chi” (Hãy quan sát và tự xem đi): Nào cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em, chồng vợ khóc thương lẫn nhau, không ai tránh khỏi nên nói: “Hoặc phụ khốc tử, hoặc tử khốc phụ, huynh đệ phu phụ, cánh tương khốc khấp”.

KINH VĂN:

“Nhất tử nhất sinh, điệt tương cố luyến, ưu ái kết phược, vô hữu giải thời, tư tưởng ân hảo, bất ly tình dục, bất năng thâm tư thục kế, chuyên tinh hành đạo. Niên thọ toàn tận, vô khả nại hà.” VIỆT DỊCH:

Một chết, một sống, liên tục lưu luyến, buồn thương trói buộc, không sao tháo nổi. Nghĩ tưởng ân ái, chẳng lìa tình dục, chẳng thể suy sâu, nghĩ chín, chuyên ròng hành đạo. Tuổi già mạng hết, biết làm sao đây?!

GIẢNG:

“Nhất tử nhất sinh, điệt tương cố luyến” (Một chết, một sống, liên tục lưu luyến). Ý nói: Người đời ngu si, tham ái, chẳng biết muôn sự trong đời đều như huyễn mộng, như hoa đóm giữa hư không, lầm tưởng là thật, nào hay vô thường nhanh chóng, chẳng thể giữ mãi. Lúc sống càng yêu thương, lúc chết càng bội phần đau xót!

“Ưu ái kết phược, vô hữu giải thời” (Buồn thương trói buộc, không sao tháo nổi): Ý nói, những ân ái ngày xưa nay thành sầu khổ.

Buồn thương trói buộc, không sao tháo nổi! Sự trói buộc nầy chính là phiền não.

Sách Đại Thừa Nghĩa Chương nói: “Phiền não trói buộc hành nhân nên gọi là “Kết”. Lại có thể buộc tâm nên cũng gọi là “Kết”, vì nó kết tập tất cả sinh tử”. Cái “buộc tâm” nầy là mê tình khó giải nhất, đó chính là ân ái tình chấp. Đây không phải là việc tốt, mà là gốc của luân hồi! Các nhà thơ văn thế gian, tình chấp của họ rất nặng, lại viết ra những tác phẩm văn học đó, chẳng khác nào đem tình chấp của bản thân, lôi kéo khơi dậy tình chấp của người khác! Việc làm nầy họ phải chịu trách nhiệm quả báo!

“Tư tưởng ân hảo, bất ly tình dục, bất năng thâm tư thục kế, chuyên tinh hành đạo”. Xét tận cội nguồn “dục là cội khổ”, “thuần tình ắt đọa”. Nếu đối với những sự việc này chẳng “thâm tư thục kế” (suy sâu nghĩ chín) để nhất tâm tu đạo hòng cầu giải thoát, thì nháy mắt vô thường chợt đến, “niên thọ toàn tận” (tuổi già mạng hết) có hối cũng không kịp! “Vô khả nại hà?!” (Biết làm sao đây?!). Cho nên, người thật sự tu hành, muốn giải thoát, muốn thành Phật, thành Tổ, họ không nghĩ về quá khứ, không nghĩ đến tương lai, mà chỉ nắm bắt hiện tại với một câu A Di Đà Phật, niệm đến cùng. Người này nhất định sẽ vãng sinh.

KINH VĂN:

“Hoặc đạo giả chúng, ngộ đạo giả thiểu, các hoài sát độc, ác khí minh minh, vi vọng hưng sự, vi nghịch thiên địa, tứ ý tội cực, đốn đoạt kỳ thọ,  hạ nhập ác đạo, vô hữu xuất kỳ.” VIỆT DỊCH:

Kẻ mê hoặc thì nhiều, người giác ngộ thì ít, ai nấy ôm lòng sát hại, độc ác, ác khí mịt mù, làm chuyện sái quấy, trái nghịch trời đất, mặc tình phóng túng, tạo tội cùng cực, tuổi thọ chợt  mất, đọa vào ác đạo, chẳng có ngày ra.

GIẢNG:

Đoạn kinh trên giảng về cái họa do từ si mê mà khởi lên sân hận.

Trong ba ác nghiệp, sân nghiệp là nhân của địa ngục. Có câu: “một niệm sân tâm khởi, lửa thiêu rừng công đức”. Một niệm tâm sân, tất cả Định- Tuệ đều không còn nữa! Vì thế, công đức khó tu mà cũng rất khó giữ.

“Hoặc đạo giả chúng, ngộ đạo giả thiểu”: Ở đời, người giác ngộ ít, người mê hoặc thì nhiều. Do tâm mê hoặc điên đảo, họ rất dễ dàng tổn hại mạng người khác, hoặc tổn hại đến sinh vật, thực vật, cũng bao gồm cả tổn hại sông núi, đất đai. Trong đất đai có rất nhiều khoáng vật, kim loại, ngân loại v.v… Muốn lấy những thứ này, họ phải đào sâu xuống đất mới phát hiện được. Đây là phá hoại môi trường sinh thái của đất đai. Cho nên, ác khí hưng thạnh, từ tối vào tối, gọi là các hoài sát độc ác khí minh minh” (Ôm lòng sát hại, độc ác, ác khí mịt mù). Chữ “minh minh”( 冥冥míng míng) có nghĩa là tối tăm, vô tri. Khởi tâm động niệm của họ đều là tổn người lợi mình.

Cũng theo Hòa thượng Tịnh Không: Nhân khẩu trên địa cầu này đang bùng phát, nhưng tài nguyên thì rất có hạn, vậy phải làm sao?  Họ nghĩ cách phải vi vọng hưng sự” (làm chuyện sai quấy), phải giết người để cướp đoạt tài nguyên! Thật là đáng sợ! Đây là ý tưởng ngu si, sai lầm, độc ác! Hiện nay, chiến tranh hạt nhân, vũ khí hóa học đều là tuyệt diệt nhân loại. Vì thế, vi nghịch thiên địa” (trái nghịch trời đất).

Ngài Gia Tường bảo: “Trên chẳng thuận lòng trời, dưới nghịch ý Diêm La Vương”. “Lòng trời” là yêu người, yêu mọi loài.

“Nghịch ý Diêm La Vương” là như thế nào? Diêm La vương có muốn trừng phạt tội nhân chăng?

– Không có! Diêm vương chưa từng tạo ra dụng cụ tra khảo. Thật tình mà nói: Diêm vương không có phán người phải chịu hình phạt.

– Vậy thì địa ngục có hay chăng? – Có!

– Vì sao họ đến đó chịu tội?

– Do tâm hành bất thiện của họ mà nghiệp lực chiêu cảm, tự nhiên biến hiện ra. Tự làm tự chịu. Không do ai sai khiến cả.

“Tứ ý tội cực” là mặc tình gây tội ác. Chữ “tứ ý” (恣意 zì yì) là buông thả, mặc tình phóng túng. Tội ác dẫy đầy nên bảo là “tội cực” (tội cùng cực). Do bị tội nghiệp lôi kéo nên chẳng đợi đến khi tuổi thọ hết đã phải mất mạng! Đây gọi là “đốn đoạt kỳ thọ”. Chữ “đốn” (頓 dùn) là bỗng chốc, ngay lập tức; chữ “đoạt” (奪duó) là cưỡng lấy, làm cho mất hẳn đi, nên “đốn đoạt kỳ thọ” là tuổi thọ đột ngột liền mất đi.

“Hạ nhập ác đạo” là đọa vào ba đường ác. Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Do si nên khởi sân, tàn hại lẫn nhau, ai nấy ôm lòng giết chóc, ác khí mù mịt, làm các điều quấy”. Ngài lại bảo: “Kẻ tạo tội ác do sức túc nghiệp sẽ tự nhiên chiêu cảm ác duyên phi pháp, thuận theo (những ác duyên ấy) mặc sức tạo tội. Cho đến khi tội tới mức cùng cực sẽ đọa vào ác đạo, chịu khổ vô cực”.

Ý nói: Người đời do ngu si nên sinh tâm sân hận mà giết chóc, tàn hại lẫn nhau. Ngày nay, chúng ta gọi là đấu tranh. Đấu tranh phát triển là chiến tranh. Ai cũng mang tâm giết hại, không ai nhường ai. Kẻ tạo tội như thế do nghiệp lực tội ác của đời trước nên dễ dàng chiêu cảm ác duyên. Những tập khí ác trong quá khứ, cộng thêm ý niệm tham, sân, si hiện tại đang làm chủ, họ sẽ tha hồ làm ác. Đến khi tội ác ngập đầu, quả báo ắt sẽ hiện tiền, nên đột nhiên chết mất, đọa vào tam ác đạo, chịu lấy quả báo, khổ đến cùng cực, chẳng có ngày ra, nên nói là  “vô hữu xuất kỳ”.

KINH VĂN:

“Nhược tào đương thục tư kế, viễn ly chúng ác, trạch kỳ thiện giả, cần nhi hành chi. Ái dục vinh hoa, bất khả thường bảo, giai đương biệt ly, vô khả lạc giả. Đương cần tinh tấn, sinh An Lạc quốc. Trí tuệ minh đạt, công đức thù thắng. Vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã.” VIỆT DỊCH:

Các ngươi hãy nên suy nghĩ chín chắn, xa lìa các ác, chọn lựa điều thiện để siêng năng thực hành. Ái dục, vinh hoa chẳng thể giữ mãi, đều sẽ biệt ly, nào có vui gì! Phải nên siêng năng tinh tấn cầu sinh về cõi An Lạc. Trí tuệ sáng suốt, công đức thù thắng. Ðừng chạy theo tâm tham dục mà khiếm khuyết kinh giới, tụt hậu sau người khác.

GIẢNG:

Đoạn cuối này,  Phật khuyên đại chúng nên dứt ác tu thiện cầu sinh Cực Lạc, nên nói:  “Nhược tào đương thục tư kế” (Các  ông nên suy sâu nghĩ chín).

“Ái dục vinh hoa, bất khả thường bảo, giai đương biệt ly, vô khả lạc giả”. Bốn câu nầy phải suy nghĩ nhiều: “Ái dục vinh hoa” là thứ con người thích, ngày ngày họ truy cầu, ngày ngày họ hưởng thụ. Phải hiểu những thứ nầy không thể giữ được, là thọ dụng vô cùng ngắn ngủi, đâu có vui gì!

Sách Hội Sớ giảng: “Vinh hoa chẳng thể giữ, tích tụ sẽ ly tán. Ái dục chẳng thường còn, thịnh rồi ắt có suy. Điên đảo vui sai lầm, vì vậy không thể vui”. Cho dù biết như vậy, họ cũng không buông bỏ! Được một ngày hưởng thụ, phải hưởng thụ cho hết,  ngày mai có ra sao cũng mặc kệ! Cho nên, bảo họ buông bỏ việc nầy thật là vô cùng khó!

Bành Tế Thanh nói: “Tất cả thế nhân lấy dục làm vui” (dục nầy là tài, sắc, danh, thực, thùy- là năm dục), chẳng biết đó là khổ. Người trí quán thấy chỉ khổ không vui. Vì sao vậy? – Cho có là vui, không có là khổ, nào hay “có” chính là nhân của “không”. Xem ‘được’ là vui, coi ‘mất’ là khổ, nào hay ‘được’ chính là nhân của ‘mất’. Lấy ‘tụ’ là vui, ‘tán’ tức là khổ, nào hay ‘tụ’ là nhân của ‘tán’. Lấy ‘sinh’ là vui, coi ‘diệt’ là khổ, nào hay ‘sinh’ là nhân của ‘diệt’. Ý nói: Những điều chúng sinh tưởng là vui, thật ra chính là cái nhân tạo khổ. Từ cái nhân tạo khổ ắt sẽ sinh ra quả khổ, nên bảo là: “vô khả lạc giả” (có đáng gì vui!)

“Đương cần tinh tấn, sinh An Lạc quốc”: 

Tiếp đó, Phật khuyên nên tinh tấn cầu sinh Cực Lạc. Được sinh về cõi ấy thì ai nấy đều được “trí tuệ minh đạt, công đức thù thắng”. Chữ “minh” (明 míng) là hiểu rành rẽ, chữ “đạt” (達 dá) là thông đạt.

Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Trí tuệ minh đạt là đạt được trí tuệ thù thắng. Công đức thù thắng là được phước thù thắng”. Trí và phước đều thù thắng nên Phật khuyên người đời nên siêng năng cầu vãng sinh.

“Vật đắc tùy tâm sở dục, khuy phụ kinh giới, tại nhân hậu dã”: Ý nói đừng tùy thuận theo dục vọng trong tâm mà sơ suất kinh giới.

– Thế nào là sơ suất kinh giới?

– Cũng học, cũng nghe nhưng không nghiêm túc làm theo!

– Vì sao nghe, học rồi mà làm không được?

– Vì không có năng lực hàng phục tập khí phiền não!

– Tập khí phiền não là gì?

-Là tham, sân, si, mạn, nghi, oán, hận, não, nộ, phiền họ chưa khống chế được! Thánh giáo tuy tốt, nhưng lợi ích của thánh giáo họ không tiếp thu được, nên tuy học Phật, vẫn bị “tại nhân hậu dã”  (tụt hậu sau người khác), không theo kịp người.

– Người khác là ai?

Là người niệm Phật vãng sinh Cực Lạc! “Khuy phụ kinh giới”: Chữ “khuy” (虧 kuī) là kém, khuyết; chữ “phụ” (負fù) là thiếu; chữ “kinh” (經 jīng) là kinh giáo, chữ “giới” (戒 jiè) là giới hạnh. Ở đây, Phật đặc biệt khuyên chúng ta nên trì giới, bởi “giới” là nền tảng của muôn hạnh, là căn bản của Vô Thượng Bồ Đề. Vãng sinh Tây Phương Cực Lạc là cầu Vô Thượng Bồ Đề.

“Vật đắc tùy tâm” (Đừng chạy theo tâm). Chữ “tâm” ở đây là vọng tâm.

Kinh Niết Bàn dạy: “Thường vi tâm sư, bất vị sư tâm” (Thường làm thầy của tâm, chớ để tâm làm thầy): Ý nói, nếu để vọng tâm làm chủ sai khiến thì hành nhân mắc sai lầm lớn! Vì sao vậy? – Vì vọng tâm là cội gốc của sinh tử. Tuân theo vọng tâm nào khác chi nhận giặc làm con; lấy cát mà muốn nấu thành cơm trọn chẳng thể được!

Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng dạy: “Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín!” (Cẩn thận chớ tin tâm ngươi, tâm ngươi không thể tin!) cũng đồng nghĩa với câu trên.