Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

THỌ KÝ BỒ ĐỀ ĐỆ TỨ THẬP TỨ

Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú, trưởng lão Từ Châu, pháp sư thuộc chùa Tịnh Liên ở Bắc Kinh đã cho rằng: Nội dung của phẩm này là “pháp sư bất thoái, được thọ ký để khuyến tín”. Ý nói: Người có thể diễn thuyết bản kinh này, tín hạnh bất thoái thì liền được thọ ký; Phật dùng điều này để phổ khuyến các pháp sư và đại chúng. Theo cụ Hoàng:

Lời phán định của lão pháp sư rất khế hợp với ý chỉ của kinh. Trong phẩm này, trước hết nói rõ lợi ích của việc thuyết pháp; tiếp đó nói thoái chuyển là vì không nghe pháp. Lại khuyên vì người khác mà diễn thuyết. Cuối cùng là thọ ký Bồ Ðề.

KINH VĂN:

Nhược ư lai thế, nãi chí chánh pháp diệt thời, đương hữu chúng sinh, thực chư thiện bổn, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật. Do bỉ Như Lai gia oai lực cố, năng đắc như thị quảng đại pháp môn, nhiếp thủ thọ trì, đương hoạch quảng đại Nhất Thiết Trí trí. Ư bỉ pháp trung, quảng đại thắng giải, hoạch đại hoan hỉ, quảng vị tha thuyết, thường nhạo tu hành. Chư thiện nam tử, cập thiện nữ nhân, năng ư thị pháp, nhược dĩ cầu, hiện cầu, đương cầu giả, giai hoạch thiện lợi. Nhữ đẳng ưng đương an trụ vô nghi, chủng chư thiện bổn, ưng thường tu tập, sử vô nghi trệ, bất nhập nhất thiết chủng loại trân bảo thành tựu lao ngục.

VIỆT DỊCH:

Nếu trong đời tương lai cho đến lúc chánh pháp diệt, mà có chúng sinh trồng các thiện căn, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Do nhờ oai lực các đức Như Lai ấy gia hộ, mới được pháp môn quảng đại như vậy, nhiếp thủ, thọ trì, sẽ đạt quảng đại Nhất Thiết Trí Trí. Ở trong pháp ấy mà hiểu rõ cặn kẽ, sẽ được đại hoan hỉ, rộng vì người khác nói, thường thích tu hành. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân, đối với pháp nầy, nếu đã cầu, đang cầu, sẽ cầu đều được lợi ích. Các ông nên an trụ vào vô nghi, trồng các thiện căn, nên thường tu tập, khiến không nghi ngờ, không vào hết thảy các thứ lao ngục bằng trân bảo.

GIẢNG:

“Nhược ư lai thế, nãi chí chánh pháp diệt thời” (Nếu trong đời tương lai cho đến lúc chánh pháp diệt). Suốt một đời giáo hóa của đức Phật trải qua ba thời kỳ: Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp.

Trong Pháp Hoa Nghĩa Sớ, quyển năm, ngài Gia Tường viết: “Phật tuy đã nhập diệt, nhưng pháp nghi chưa biến đổi thì gọi là thời Chánh Pháp. Phật nhập diệt đã lâu, đạo hóa ngày càng sai lầm thì gọi là thời Tượng Pháp. Lại dần dần chuyển thành không quan trọng thì gọi là thời Mạt Pháp”. Cho nên, Chánh Pháp mới chứng đắc, Tượng pháp là tương tợ (hơi giống), Mạt Pháp là suy vi.

Quyển ba bản sớ giải kinh Nhân Vương Hộ Quốc của ngài Thanh Long có câu: “Có Giáo, có Hành, có người chứng quả thì gọi là Chánh Pháp. Có Giáo, có Hành, không người chứng quả thì gọi là Tượng Pháp. Chỉ có Giáo, không Hành, không người chứng thì gọi là Mạt Pháp”.

Hơn nữa, theo Hòa thượng Tịnh Không, nếu giảng kinh dạy học đều không có, thì sau thời kỳ Mạt Pháp sẽ là Diệt Pháp; Pháp không còn nữa, điều nầy thật đáng sợ! Ngay thời điểm nầy, chúng ta tận mắt nhìn thấy: Không những Phật pháp sắp diệt, mà giáo chủ Đào Nhiên ở Vatican cũng nói với tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không), người tín ngưỡng tôn giáo mỗi năm một ít. Ông nói: Nếu tình trạng nầy kéo dài, khoảng hai, ba mươi năm sau sẽ không còn người tín ngưỡng tôn giáo!

Lúc đó, tôi đề xuất: Phải trở về với giáo dục, phải đem  Diệt Pháp trở về Mạt Pháp, tức là nâng cao một bậc: “Có dạy giáo pháp”. Tuy không người thực hành, không người chứng quả, vẫn tốt hơn là hoàn toàn không dạy. Sau đó, dần dần sẽ nâng đến Tượng Pháp; còn Chánh Pháp, chúng ta chưa thể làm được ngay lúc này. Đây là việc của đời sau, ít nhất cũng phải trên năm đời mới có thể khôi phục được. Ngày nay quan trọng nhất là thắp lửa tương truyền, không được để tắt. Nếu có được một, hai người làm được cũng là rất quý. Như vậy, Phật pháp sẽ không đến nỗi bị đoạn tận.

Nên nhớ, không phải chỉ giảng suông, mà còn phải thực hành cho mọi người thấy thì mới có hiệu quả. Muốn Phật pháp hưng khởi, tuyệt đối không thể nhanh được, vì nguyên khí của xã hội ngày nay đã tổn thương quá nhiều, như người mắc bệnh nặng không thể lập tức bình phục, mà phải cần thời gian để điều dưỡng.

Thời gian kéo dài của các thời Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp, các kinh cũng nói sai khác. Ða số các vị cổ đức chấp nhận thuyết: Chánh Pháp là năm trăm năm, Tượng Pháp là một ngàn năm, Mạt Pháp là một vạn năm (thuyết Mạt Pháp lâu đến một vạn năm là trong kinh Ðại Bi nói). Như vậy, ta có thể ước chừng Phật pháp còn tồn tại khoảng chín ngàn năm nữa. Cũng có thuyết nói Chánh Pháp của Phật là một ngàn năm.

– Chánh pháp một ngàn năm sao lại biến thành năm trăm năm?

– Lý do là trong Tăng đoàn có nữ chúng xuất gia thì Chánh Pháp phải bị mất đi một nửa, chỉ còn năm trăm năm!

Do vậy mà xưa kia, lúc đầu Phật không chấp nhận cho phụ nữ xuất gia là vậy. Đây là xuất phát từ tâm từ bi của Phật, đồng thời cũng ghi nhận bản chất yếu đuối của phụ nữ, chớ Phật không có thành kiến hay cố ý giảm suy giá trị của họ. Điều nầy phải hiểu.

Bà Ma Ha Ba-Xà Ba-Đề tức là Đại Ái Đạo (Rất yêu đạo) dì ruột của Phật đã ba lần đến thỉnh cầu Phật cho phép mình được từ bỏ nếp sống vương giả để khép mình trong phạm hạnh của người xuất gia không nhà cửa. Nhưng, Phật đã từ chối! Sau cùng, với ý chí quyết tâm, bà tự mình xuống tóc, đắp y vàng cùng với một số đông mệnh phụ phu nhân trong dòng họ Thích, chân đất đi bộ từ Kapilavatthu đến Vesali, nơi đức Thế Tôn đang ngự, cách khoảng hai trăm cây số. Đi bộ như thế đến nỗi đôi chân sưng vù, thân thể lấm lem. Đến tịnh thất của Phật, bà chỉ dám đứng ngoài cổng mà khóc!

Thấy vậy, ngài A Nan ra ngoài, đến hỏi han tự sự. Với tấm lòng bi mẫn, ngài A Nan quyết vào thưa với Phật, cầu xin Phật cho phép Bà Dì và các phụ nữ tháp tùng được xuất gia. Hai lần vào thưa, Phật vẫn không chấp nhận! Đến lần thứ ba, Phật đưa ra tám Giới Chánh bảo: Nếu bà Đại Ái Nhạo đồng ý thì mới được xuất gia, và bà đã hoan hỉ chấp nhận hứa sẽ tôn trọng tám Giới Chánh nầy.

Khi Phật chấp thuận cho phái nữ xuất gia, Ngài đã biết trước hậu quả và lưu ý: Nếu nữ giới được xuất gia thì giáo pháp của Như Lai chỉ tồn tại có phân nửa thời gian!

Chữ “chánh pháp diệt thời” (lúc chánh pháp diệt) chỉ chung hai thời Tượng Pháp và Mạt Pháp. Hiện tại là thời Mạt Pháp, chúng sinh trong lúc này thiện căn kém xa thời trước, nhưng cũng có kẻ trong kiếp quá khứ đã tu nhiều công đức,  từng cúng Phật, niệm Phật nên bảo là “thực chư thiện bổn, dĩ tằng cúng dường vô lượng chư Phật” (trồng các thiện căn, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật). Chữ “cúng Phật” ở đây phải hiểu là “y giáo tu hành cúng dường”, ngoài ra Phật không cần gì cả.

Theo Hòa thượng Tịnh Không, thật sự mà nói; Phật pháp không phải là định pháp mà nó rất sống động: Trong Chánh Pháp có Tượng Pháp, có Mạt Pháp; trong Tượng Pháp có Chánh Pháp, có Mạt Pháp; trong Mạt Pháp cũng có Chánh Pháp và Tượng Pháp. Nếu hiểu được cách nói của Nhân Vương Kinh Sớ sẽ hiểu được thế nào là Chánh Pháp. Chúng ta ngày nay có dạy, có hành, có người được vãng sinh thì đấy là thời Chánh Pháp. Cần phải hiểu được đạo lý nầy.

Theo Di Ðà Yếu Giải, từ bậc Ðẳng Giác trở xuống đều gọi là “chúng sinh”. Ý nghĩa “chúng sinh” ở đây vô cùng rộng. Các chúng sinh đó, trên thì đến bậc Ðẳng Giác Bồ tát, dưới đến phàm phu trong sáu đường; do quá khứ đã từng cúng dường nhiều đức Phật, niệm Phật, tu thiện nên “do bỉ Như Lai gia oai lực cố, năng đắc như thị quảng đại pháp môn” (nhờ oai lực các đức Như Lai ấy gia hộ mới được pháp môn rộng lớn như vậy). Vì thế  gặp được pháp môn này phải nên sinh tâm hoan hỉ, chớ nên xem nhẹ, phải nên chăm chỉ “nhiếp thủ, thọ trì” mới “đương hoạch quảng đại Nhất Thiết Trí Trí” (sẽ đạt được Nhất Thiết Trí Trí rộng lớn). “Nhất Thiết Trí Trí” chính là “Nhất Thiết Chủng Trí”. “Quảng đại” là Như Lai quả địa, là trí tuệ trong tự tánh hiển lộ ra.

Chữ “Nhiếp thủ” là như Vãng Sinh Luận bảo: Tất cả công đức trang nghiêm thành tựu của y báo, chánh báo cõi Cực Lạc “nói tóm lại là thuộc vào trong một pháp cú; một pháp cú tức là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú chính là chân thật trí tuệ vô vi pháp thân”. Sách Di Ðà Yếu Giải cũng nói: “Toàn thể của mỗi sự trang nghiêm đều có lý tánh”.

Theo chú giải của cụ Hoàng: Nếu có thể liễu đạt (thấu suốt, thông đạt) tất cả sự trang nghiêm thành tựu của cõi Cực Lạc đều thuộc trong một pháp cú thì từ Sự đạt Lý, ngay nơi Sự chính là Chân, tin chắc vạn đức trang nghiêm, nhập thẳng vào một câu danh hiệu. Tịnh niệm tiếp nối, đó chính là “nhiếp thủ”; chính là một câu danh hiệu. Câu nầy tiếp nối câu kia, không xen lẫn bất cứ ý niệm nào, đó gọi là “tịnh niệm”. Danh hiệu Phật A Di Ðà chính là chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân; Pháp Thân công đức chẳng thể nghĩ bàn, nên danh hiệu công đức cũng chẳng thể nghĩ bàn.

Trong chữ “thọ trì”: Chữ “thọ” là tin nhận, phụng hành đúng theo lời dạy. Tông chỉ của kinh này là “phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Tông” chính là con đường tu hành trọng yếu. Y theo kinh Vô Lượng Thọ mà tu, đó là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất mới gọi là “thọ”. Chữ “Trì” là chấp trì danh hiệu và trì tụng kinh này.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thập Ðịa Bồ Tát chẳng rời niệm Phật”. Một câu Phật hiệu nầy chỉ có Phật với Phật mới thấu hiểu tột cùng, cũng chính là nói công đức lợi ích của câu Phật hiệu chỉ có Phật mới biết, Đẳng Giác Bồ tát cũng chưa hiểu được. Vì thế bậc Ðẳng Giác Bồ tát cũng không rời niệm Phật; bọn phàm phu chúng ta chỉ nên chất phác mà niệm.

Sách Yếu Giải viết: “Do trì danh nên phước đức, thiện căn đồng như Phật”. Lời nhận định này của đại sư Linh Phong đã chỉ thẳng vào ngay tâm tủy lời dạy của mười phương Như Lai; quả thật phải nên đến tột cùng đời vị lai đảnh lễ, cung kính lời dạy này. Lúc niệm Phật chính là lúc thiện căn và phước đức được bằng với Phật, nên “đương hoạch quảng đại Nhất Thiết Trí Trí” (sẽ được Nhất Thiết Trí Trí rộng lớn). Bọn phàm phu đầy dẫy phiền não như chúng ta cũng không ngoại lệ!

“Nhất Thiết Trí Trí” là tên gọi khác của Phật trí. Riêng về Nhất Thiết Trí” có lúc chỉ Phật trí như phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa có chép: “Vị Phật Nhất Thiết Trí, đương phát đại tinh tấn” (vì Nhất Thiết Trí của Phật nên phát đại tinh tấn). Trong Trí Ðộ Luận nói: “Vì thế, Như Lai gọi là Nhất Thiết Trí”; nhưng có lúc “Nhất Thiết Trí” lại chỉ trí của Thanh Văn, Duyên Giác như Trí Ðộ Luận chép: “Trong phẩm cuối, đức Phật nói Nhất Thiết Trí là nói đến trí của Thanh Văn, Bích Chi Phật”.

Cho nên, để phân biệt rõ ràng giữa “Nhất Thiết Trí” là trí của Nhị Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) với trí của Phật, nên gọi Phật trí là “Nhất Thiết Trí Trí”

Ðại Nhật Kinh Sớ, quyển một viết: “Tiếng Phạn ‘Tát Bà Nhược Na” là ‘Nhất Thiết Trí’. Nay nói ‘Nhất Thiết Trí Trí’ là nói đến trí bậc nhất trong các trí”. Chỗ nầy, Hòa thượng Tịnh Không nêu thêm giải thích:

Có một số kinh gọi là “Tát Bà Nhược Hải”, chữ “Hải” nầy là ví dụ cho sự rộng lớn, không biên tế. Chữ “Nhược Na” là âm đuôi của tiếng Phạn. Nếu “Tát Bà Nhược”“Nhất Thiết Trí” thì “Tát Bà Nhược Hải”“Nhất Thiết Trí Hải” là trí tuệ của Phật, hoàn toàn tương đồng với “Nhất Thiết Trí Trí” “Nhất Thiết Chủng Trí”.

“Lại nói trí ấy lấy Bồ Ðề tâm làm nhân, đại bi làm gốc, phương tiện làm cứu cánh. ‘Bồ Ðề tâm làm nhân’ là hành giả như thật mà biết tự tâm. ‘Ðại bi làm gốc là hành giả phát bi nguyện, dẹp khổ, ban vui cho chúng sinh. ‘Phương tiện làm cứu cánh’ (mục đích tối hậu) là quả của Nhất Thiết Trí Trí, tức là lấy hạnh lợi tha để đặt tên vậy”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu “Bồ Đề tâm làm nhân, hành giả như thật mà biết tự tâm” như sau: Câu “như thật mà biết tự tâm” có nghĩa là tự thân thấy được, thật sự nghe được, tiếp xúc được tự tâm, đó chính là “như thật liễu tri”. Tâm nầy là tâm gì? – Là “Nhất Thiết Trí Trí”, là lương tâm, là bản thiện; trong Phật pháp gọi là Bồ Đề tâm, có liên quan đến Thập Thiện nghiệp đạo. Thân, khẩu, ý khởi tác dụng nhất định là kết nối với Thập Thiện, không có Thập Ác, đó là Bồ Đề tâm hiện tiền. “Phương tiện làm cứu cánh là quả của Nhất Thiết Trí Trí”: Chữ “phương tiện” ở đây có nghĩa là phương pháp thích hợp nhất, thỏa đáng nhất và rất sinh động, không cứng nhắc: Tùy người, tùy việc, tùy lúc, tùy nơi…không giống nhau. Cho nên “Phương tiện làm cứu cánh là quả của Nhất Thiết Trí Trí”.

Kinh Nhân Vương cũng dạy: “Tự tánh thanh tịnh, danh Bổn Giác tánh, tức thị chư Phật Nhất Thiết Trí Trí” (Tự tánh thanh tịnh gọi là Bổn Giác Tánh, tức là Nhất Thiết Trí Trí của chư Phật). Điều nầy nói rõ “Nhất Thiết Trí Trí” là từ tâm thanh tịnh sinh ra.

“Ư bỉ pháp trung, quảng đại thắng giải, hoạch đại hoan hỉ, quảng vị tha thuyết, thường nhạo tu hành(Ở trong pháp ấy mà hiểu biết cặn kẽ, sẽ được đại hoan hỉ, rộng vì người khác mà nói, thường thích tu hành) – Đoạn này trích yếu từ bản Ðường dịch, ý nói: Nếu ai có thể đối với diệu pháp Tịnh tông, mà hiểu biết minh bạch, rõ ràng ắt sẽ hoan hỉ tin nhận, thường vui tu tập; lại đem pháp này khuyên bảo người khác.

“Quảng vị tha thuyết” (Rộng vì người khác nói). Phần dưới cũng nói “Vị tha diễn thuyết” (Vì người khác diễn nói) và cuối phẩm này cũng có câu “chuyên tâm tín thọ, trì tụng thuyết hành” (chuyên tâm tin nhận, trì tụng, thuyết, hành). Những câu như vậy đều là lời phổ khuyến nên diễn nói, hoằng dương kinh này và pháp môn Tịnh Ðộ.

Trong phẩm nầy, đức Phật cũng không ngừng khuyên chúng sinh nên diễn thuyết kinh này để lưu thông khắp. Như trong phẩm thứ hai mươi chín “Nguyện Lực Hoằng Thâm” có nói: “Chuyển tương giáo thọ, chuyển tương độ thoát. Như thị triển chuyển, bất khả phục kế” (Lần lượt dạy nhau, lần lượt độ thoát, xoay vần như thế không thể kể xiết). Ý nói: Học rồi phải thực hành, hoan hỉ truyền trao cho người khác giáo lý và phương pháp tu tập, cùng nhập biển nguyện Nhất Thừa của Phật A Di Ðà thì mới là chánh hạnh biết ân và báo ân. Diệu pháp có được lưu truyền mới phù hợp với bổn nguyện chư Phật. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp Sư có chép:

 “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với kinh Pháp Hoa, dẫu chỉ một câu thọ trì, đọc tụng, giải thuyết,biên chép, cúng dường các loại kinh quyển… Người ấy, trong tất cả thế gian phải nên chiêm ngưỡng, kính phụng; nên dùng cách cúng dường Như Lai mà cúng dường người ấy . Nên biết người ấy là đại Bồ Tát thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

Kinh còn dạy: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, sau khi ta diệt độ có thể vì một người nói kinh Pháp Hoa, dẫu chỉ một câu, nên biết người ấy là sứ giả của Như Lai, được Như Lai sai làm việc của Như Lai; huống hồ [là người có thể] ở trong đại chúng rộng vì người khác mà nói”.

Lại viết: “Nên biết, sau khi Như Lai diệt độ, ai có thể biên chép, đọc tụng, cúng dường, vì người khác giảng nói thì Như Lai liền lấy y trùm cho. Lại được chư Phật hiện tại trong các phương khác hộ niệm cho. Người ấy có đại tín lực, có chí nguyện lực, và các thiện căn lực. Nên biết người ấy cùng ở chung với Như Lai, được Như Lai dùng tay xoa đầu”. Đây quả thật là vi diệu, phước đức lớn đến dường nào!

Những đoạn kinh trên cho thấy: Diễn nói kinh Pháp Hoa là công đức vô lượng. Nhưng kinh Vô Lượng Thọ này lại chính là “bí tủy của kinh Pháp Hoa” như sách Di Ðà Yếu Giải bảo:

“Tương lai khi kinh pháp diệt tận, chỉ riêng lưu lại kinh này tồn tại trong đời một trăm năm để rộng độ hàm thức. Thuốc A Già Ðà trị chung muôn bệnh, dứt tuyệt đối đãi một cách viên dung không thể nghĩ bàn. Áo tạng Hoa Nghiêm, bí tủy Pháp Hoa, tâm yếu của tất cả chư Phật, kim chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều không ngoài kinh này”.

Do vậy, diễn thuyết kinh này công đức vô tận, ắt cũng được chư Phật hộ niệm.

“Thường nhạo tu hành” (Thường thích tu hành), ý nói: Người thuyết pháp, miệng và tâm phải tương ứng như một, phải ngôn hành nhất trí. Nếu tự thân không tu tập, làm sao có thể khuyên được người khác tu tập?!

Kế đến, là phổ khuyên “đoạn nghi sinh tín”. Muốn thuyết pháp lợi người, trước hết tự mình phải đoạn sạch mối nghi. Nhờ vậy, mới “giai hoạch thiện lợi” (đều được nhiều lợi ích). Chữ “thiện lợi” nầy là lợi ích chân thật có thể vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Cho nên, phải “an trụ vô nghi, ưng thường tu tập, sử vô nghi trệ” (an trụ không nghi, nên thường tu tập, khiến không nghi ngờ, ngưng trệ). Ý nói: Phải thật thà niệm Phật, chớ sinh nghi hoặc. Phải “phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, vì đấy là cội rễ của các điều thiện. Phải nên vâng giữ, an trụ trong pháp như thế. Nếu nghi căn chưa đoạn, sẽ trở thành tội căn. Muốn đoạn nghi căn, phải biết phương tiện. Nghi hoặc chưa đoạn là do tuệ tâm chưa sáng. Tuệ tâm chưa sáng chỉ vì chướng sâu,  tam cấu (tham, sân, si) mà ra.

Theo An Lạc Tập, Niệm Phật tam-muội trừ được tất cả tội chướng tham, sân, si trong quá khứ, hiện tại và vị lai.

– Chúng ta có tin chăng?

– Cần phải tin!

– Vì sao niệm Phật đã nhiều năm vẫn không trừ được, mà hình như mỗi năm còn tăng trưởng?!

– Vì chúng ta chỉ niệm Phật mà không có tam-muội! Ở đây nói “niệm Phật tam-muội” chớ không phải niệm Phật suông! Lại nói:

“Cấu (phiền não) hết thì trí tuệ lập tức sinh khởi”, tức là “đoạn nghi sinh tín”. Có “đoạn nghi sinh tín”, thật thà niệm Phật, mới có thể nắm chắc vãng sinh,  sẽ không đọa vào cảnh giới của: Chư thiên, Nhị Thừa, Giải Mạn Quốc, Biên Địa nghi thành. “Biên Địa nghi thành” cũng không tệ, xem như đã đến gần thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng phải mất thêm một ít thời gian. Nước Giải Mạn thì không được! Khi hưởng hết phước vẫn bị đọa lạc.

“Bất nhập nhất thiết chủng loại trân bảo thành tựu lao ngục” (Không vào tất cả các loại trân bảo thành tựu lao ngục). “Lao ngục” ở đây là ví dụ. – Lao ngục là gì? – Là chư thiên hưởng phước cõi trời, hưởng hết rồi sẽ bị đọa lạc! Nhị Thừa không thể kiến tánh! Nước Giải Mạn có thoái chuyển! Tất cả đều ví như lao ngục trân bảo. Nói cách khác “Trân bảo” ví như niềm vui sướng trong cảnh giới đó, “lao ngục” ví như chưa đạt đến cứu cánh giải thoát rốt ráo nên không được tự tại.

Sách An Lạc Tập còn nói: “Xưng danh cũng vậy, chỉ cần chuyên chí liên tục chẳng đoạn thì quyết định sinh về trước Phật”. Chữ “chuyên chí” ở đây là trong tâm thật sự có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra không có gì cả, đây mới gọi là “chuyên chí”. “Chuyên chí liên tục chẳng đoạn” ý nói niệm niệm đều là Phật A Di Đà; bất luận là có niệm hay không niệm, trong tâm nhất định có Phật. Ý niệm không khởi thì thôi, nhưng khi khởi niệm chính là Phật A Di Đà, như vậy mới gọi là trong tâm có Phật. Nếu khởi ý niệm không phải là Phật A Di Đà, đó là trong tâm không có Phật. Nếu khởi tâm động niệm đều là Phật A Di Đà thì dù không niệm Phật cũng được vãng sinh. Vì sao vậy? – Vì tâm họ là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà là tâm họ. Đây thật sự là có công phu, thật sự là tương tục không gián đoạn, làm sao không vãng sinh.

Lại nói: “Nay khuyên những kẻ học Phật đời sau nếu muốn lãnh hội Nhị Ðế, chỉ cần biết: ‘Niệm niệm bất khả đắc’ chính là Trí Tuệ Môn và ‘hệ niệm liên tục chẳng đoạn’ chính là Công Ðức Môn. Vì thế kinh dạy: ‘Bồ Tát Ma Ha Tát hằng dĩ công đức trí tuệ dĩ tu kỳ tâm’ (Bồ Tát Ma Ha Tát luôn dùng công đức trí tuệ để tu tâm mình). Nếu người mới học chưa thể phá nổi tướng, cứ nương theo tướng mà chuyên chí thì không ai chẳng được vãng sinh, còn nghi ngờ gì”.  Câu “Nếu muốn lãnh hội Nhị Ðế, chỉ cần biết: ‘Niệm niệm bất khả đắc’ chính là Trí Tuệ Môn”, được Hòa thượng Tịnh Không giải thích như sau: “Nhị Đế” là Chân Đế và Tục Đế. Chân Đế tương ưng với tánh đức; Tục Đế trái với tánh đức. Người giác ngộ thấy được Chân Đế; người mê thấy là Tục Đế. Chân Đế là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật; Tục Đế là luân hồi lục đạo. Câu “Niệm niệm bất khả đắc” là gì? – Bồ tát Di Lặc nói: Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức, một trăm ngàn niệm; niệm niệm đều “bất khả đắc”. Ý này nói lên “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Không những pháp thế gian như vậy mà pháp xuất thế gian cũng là như vậy. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngoài cõi Thường Tịch Quang ra, ba cõi kia đều là “niệm niệm bất khả đắc”.

– Vì sao cõi Thường Tịch Quang ngoại lệ?

– Cõi Thường Tịch Quang không có “Niệm”, nên Thường Tịch Quang là chân thật, vĩnh hằng, bất biến. Điều nầy chúng ta phải biết.

Cái “niệm” nầy quá vi tế, chỉ Bồ tát Bát Địa trở lên mới phát hiện được ý niệm này. Chúng ta khởi tâm động niệm đó là ý niệm thô không phải vi tế. Nếu thật sự không còn khởi tâm động niệm thì thế giới nầy sẽ vi diệu, trở thành như Huyền Giác Thiền sư nói: “Giác hậu không không vô đại thiên”, thế giới không còn nữa liền đi vào Thường Tịch Quang. Cho nên, “ chỉ cần biết “niệm niệm bất khả đắc, chính là Trí Tuệ Môn”, trong Phật pháp gọi là Trí Tuệ chân thật. “Hệ niệm liên tục chẳng đoạn’ chính là Công Ðức Môn”: Công đức và phước đức khác nhau ở chỗ nầy. Niệm Phật tương tục không gián đoạn là công đức. – “Công đức Môn” là gì? – Là nhất niệm! Chỉ có nhất niệm nầy, không thể có ý niệm thứ hai. Có ý niệm thứ hai là có xen tạp niệm, công đức sẽ tiêu hết, chỉ còn là phước đức. Nói cách khác, niệm Phật không xen tạp vọng niệm là công đức; nếu xen lẫn vọng niệm đó chỉ là phước đức. Cả hai đều có lợi ích: Công đức giúp ta vãng sinh thế giới Cực Lạc; phước đức giúp ta đạt được phước báo trời, người.

“Kinh dạy: ‘Bồ Tát Ma Ha Tát hằng dĩ công đức trí tuệ dĩ tu kỳ tâm’ (Bồ Tát Ma Ha Tát luôn dùng công đức trí tuệ để tu tâm mình). Nếu người mới học chưa thể phá tướng, cứ nương theo tướng mà chuyên chí thì không ai chẳng được vãng sinh, còn ngờ vực gì”.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: “Lời dạy trên đây của đại sư Ðạo Xước quá hay, đã xé toang bí tạng của chư Phật, phơi bày trực tiếp tâm tủy của Tịnh tông: Chỉ cần tin nhận, phụng hành, nương theo tướng mà chuyên chí, chắc thật, ròng rặt mà niệm thì dẫu chưa ly tướng vẫn quyết định sinh về Tịnh Ðộ. Nương theo tướng để chuyên chí là điều phàm phu có thể làm được, còn ly tướng là cảnh giới của Bồ Tát. Kinh Kim Cang dạy: “Ly nhất thiết tướng, tức danh chư

Phật” (Lìa tất cả tướng thì gọi là chư Phật). Ðấy chẳng phải là điều mà tâm sinh diệt của phàm phu có thể lãnh hội nổi. Diệu pháp Tịnh tông thật là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện”.

KINH VĂN:

A Dật Đa! Như thị đẳng loại đại oai đức giả, năng sinh Phật pháp quảng đại dị môn. Do ư thử pháp bất thính văn cố, hữu nhất ức Bồ Tát, thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nhược hữu chúng sinh, ư thử kinh điển, thư tả, cúng dường, thọ trì, độc tụng, ư tu du khoảnh vị tha diễn thuyết, khuyến linh thính văn, bất sinh ưu não, nãi chí trú dạ tư duy bỉ sát, cập Phật công đức, ư vô thượng đạo, chung bất thoái chuyển. 

VIỆT DỊCH:

Này A Dật Ða! Các bậc đại oai đức như thế có thể sinh vào các pháp môn quảng đại khác trong Phật pháp. Do không được nghe pháp này nên có một ức Bồ Tát thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nếu có chúng sinh đối với kinh này, biên chép, cúng dường, thọ trì, đọc tụng, trong khoảnh khắc vì người khác diễn nói, khuyên họ lắng nghe, không sinh ưu não, cho đến ngày đêm tư duy cõi ấy và công đức của Phật, đối với vô thượng đạo, trọn chẳng thoái chuyển. 

GIẢNG:

Phần trên, Thế Tôn lại nêu lên trường hợp các bậc đại oai đức Bồ Tát vì không được nghe pháp nầy mà bị thoái chuyển Bồ Ðề, nhằm chỉ rõ tầm quan trọng của việc phải lưu truyền kinh này.

“Như thị đẳng loại đại oai đức giả, năng sinh Phật pháp quảng đại dị môn” (Các bậc đại oai đức như thế có thể sinh vào các pháp môn quảng đại khác trong Phật pháp). Chữ “dị môn” (pháp môn khác) là đối với chữ “thử pháp” (pháp này) ở câu sau mà nói. “Thử pháp” chính là pháp môn Tịnh Ðộ. “Dị môn” là tất cả các pháp môn, ngoại trừ pháp môn Tịnh Ðộ. Kinh dạy: “Niết Bàn vô nhị lộ, phương tiện hữu đa môn” (Niết Bàn không hai nẻo, phương tiện có nhiều cửa).

Các Bồ Tát ấy “do ư thử pháp, bất thính văn cố” (do không được nghe pháp này). Ý nói tuy ở trong Phật pháp, ngoài Tịnh Tông ra còn có thể khai hiển các pháp môn phương tiện khác, nhưng vì chưa được nghe pháp này nên “hữu nhất ức Bồ Tát thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (có một ức Bồ Tát thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). – Họ thoái chuyển về đâu? – Thoái về Thanh Văn, Duyên Giác, thoái đến quyền giáo Bồ tát. Nếu gặp được pháp môn Tịnh Độ, họ chắc chắn sẽ vãng sinh là Thượng Phẩm Thượng Sinh. Vì sao vậy? – Vì họ đã có nền tảng tu tập rất vững chắc, họ không phải là phàm phu. Cho nên, Thanh Văn Tiểu thừa từ Tu Đà Hoàn đến A La Hán, bao gồm cả Bích Chi Phật nếu gặp và tu tập pháp môn nầy họ sẽ vãng sinh về cõi Phương Tiện Hữu Dư. Bồ tát gặp pháp môn này sẽ sinh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm của đức Phật A Di Đà. Nhưng, rất tiếc ở đây, những Bồ tát nầy không gặp được, nên họ thoái chuyển A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Vì sao vậy? – Vì niệm Phật tam-muội chính là vua của các tam-muội. Nếu chẳng được nghe biết, chẳng tu tập thì khó lòng tự giác rốt ráo!

Được tam-muội nhỏ cũng có thể vãng sinh. – Tam-muội nhỏ là gì? – Là công phu thành khối! Nghĩa là trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra, tất cả đều buông xuống hết. Công phu này phàm phu chúng ta có thể làm được.

Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật thích ứng khắp cả ba căn, là con đường tắt nhất trong các đường tắt. Nếu chẳng nghe biết pháp này thì khó bề phổ độ hữu tình mau thoát sinh tử, hầu viên mãn hạnh lợi tha. Tự thân họ phải dò dẫm trên con đường hiểm trở, khó khăn còn dẫn dắt chúng sinh sa vào con đường hầm bẫy, chẳng khế hợp phương tiện của đức Như Lai nên khó nhập được Nhất Thừa nguyện hải. (Pháp phương tiện nầy chính là pháp môn Tịnh Độ, là phương pháp niệm Phật). Vì thế mới có một ức Bồ Tát (một ức nầy không phải là định số mà chỉ là biểu số để biểu trưng cho rất nhiều Bồ tát) do chẳng được nghe pháp này nên bị thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Ðề! Cho thấy, pháp môn Tịnh Độ vô cùng quan trọng và rất khó được.

Cuối cùng, Ðức Thế Tôn vì muốn tất cả phàm thánh đều được nghe kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác nầy, nên khuyên mọi người phải nên “ư thử kinh điển, thư tả, cúng dường, thọ trì, độc tụng, ư tu du khoảnh vị tha diễn thuyết, khuyến linh thính văn, bất sinh ưu não” ( đối với kinh này, biên chép, cúng dường, thọ trì, đọc tụng, trong khoảnh khắc vì người khác diễn nói, khuyên họ lắng nghe, không sinh ưu não). Siêng năng biên chép, (ngày nay là ấn tống kinh sách, đây là pháp cúng dường), đọc tụng, tin nhận, phụng hành, lại còn phải lưu truyền nữa. Tuy chỉ trong khoảnh khắc “vị tha diễn thuyết” (vì người diễn nói), khuyên người nên nghe kinh này khiến họ “bất sinh ưu não” (không sinh ưu não).

“Nãi chí trú dạ tư duy bỉ sát cập Phật công đức”: Thuyết pháp như thế  cho đến chí tâm tinh tấn, ngày đêm tư duy cõi ấy và công đức của Phật. Người như thế  “ư vô thượng đạo, chung bất thoái chuyển” (đối với vô thượng đạo, trọn không thoái chuyển).

KINH VĂN:

Bỉ nhân lâm chung, giả sử tam thiên đại thiên thế giới mãn trung đại hỏa, diệc năng siêu quá, sinh bỉ quốc độ. Thị nhân dĩ tằng trị quá khứ Phật, thọ Bồ Đề ký, nhất thiết Như Lai đồng sở xưng tán. Thị cố ưng đương chuyên tâm tín thọ, trì tụng, thuyết hành.

VIỆT DỊCH:

Khi người ấy lâm chung, giả sử tam thiên đại thiên thế giới đầy cả biển lửa, cũng có thể vượt qua sinh về cõi kia. Người ấy đã từng gặp các đức Phật quá khứ, được thọ ký Bồ Ðề, được tất cả Như Lai khen ngợi. Vì thế, phải nên chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu tập.

GIẢNG:

“Bỉ nhân lâm chung” (khi người ấy lâm chung): Chữ “bỉ nhân” là người vì người khác diễn thuyết kinh nầy.

Câu “tam thiên đại thiên thế giới mãn trung đại hỏa” (tam thiên đại thiên thế giới đầy cả biển lửa) chỉ Kiếp Hỏa (hỏa tai trong thời Hoại Kiếp). Sau Thành Kiếp là Trụ Kiếp, sau Trụ Kiếp là Hoại Kiếp. Cuối Hoại Kiếp có tam tai Phong Tai, Hỏa Tai, Thủy Tai.

Hỏa Tai còn gọi là Kiếp Hỏa, phần trước chúng ta đã học qua: Hỏa tai có thể thiêu rụi đến trời Sơ Thiền; Thủy tai có thể ngập đến trời Nhị Thiền; Phong tai có thể thổi tan trời Tam Thiền. Đây là thiên tai giữa vũ trụ, không phải chỉ xảy ra trên một địa cầu mà cả một Thái Dương, thậm chí còn lớn hơn hệ Thái Dương.

Kinh Nhân Vương nói: “Kiếp hỏa đỗng nhiên, đại thiên câu hoại” (Kiếp hỏa đốt cháy tan hoang, cõi đại thiên đều tan hoại): Đây là đại tinh hệ, đại thiên thế giới, ít nhất là toàn bộ hệ Ngân hà có sự cố vô cùng nghiêm trọng nầy.

Luận Câu Xá cũng nói: “Gió thổi ngọn lửa đốt đến thiên cung, cho đến Phạm cung (cung điện của trời Phạm Thiên) không còn lưu lại thứ gì”. Đây chính là nói Đại hỏa đốt đến Sơ Thiền thiên (tức là Đại Phạm thiên).

Ở đây, Phật huyền ký người ấy vào lúc lâm chung, cho dù cả tam thiên đại thiên thế giới có bị Kiếp Hỏa nung đốt, nhưng người ấy vẫn vượt qua được để vãng sinh về cõi Cực Lạc, nên nói: “Diệc năng siêu quá, sinh bỉ quốc độ” . Do sức công đức trì tụng, giảng nói kinh nầy và sức oai thần của mười phương Như Lai gia trì mà được an ổn, tự tại, thong dong vãng sinh, như trong phẩm Phổ Hiền

Hạnh Nguyện có nói: “Duy thử nguyện vương, bất tương xả ly. Ư nhất thiết thời, dẫn đạo kỳ tiền. Nhất sát-na trung, tức đắc vãng sinh Cực Lạc thế giới” (Chỉ có mỗi nguyện vương nầy, không hề lìa bỏ. Trong tất cả thời, dẫn đường đằng trước, trong khoảng sát-na, liền được vãng sinh thế giới Cực Lạc).

Phật lại bảo: “Thị nhân dĩ tằng trị quá khứ Phật, thọ Bồ Đề ký” (Người ấy đã từng gặp gỡ các đức Phật quá khứ, được thọ ký Bồ Ðề). Nay Phật cũng ấn chứng cho họ đều sẽ thành Phật, được “nhất thiết Như Lai đồng sở xưng tán” (tất cả Như Lai cùng khen ngợi). Việc nầy chứng minh thiện căn của họ rất sâu dày nên đời nầy mới gặp được Phật pháp, gặp pháp môn Tịnh Độ, gặp được bộ kinh nầy, tuyệt đối không phải là việc ngẫu nhiên.

Cuối cùng, Phật khuyên khắp đại chúng nên “chuyên tâm tín thọ, trì tụng, thuyết hành” (chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói, tu tập).

Sách Tiên Chú viết: “Chuyên tâm là tâm chuyên nhất, không xen tạp các niệm khác”. “Trì tụng” là thọ trì, đọc tụng. “Thuyết hành” là đúng như kinh mà thuyết, tuân theo đúng lời dạy mà thực hành.