Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

VĂN KINH HOẠCH ÍCH ĐỆ TỨ THẬP BÁT

Phẩm này nói rõ người nghe kinh được lợi ích khó thể nghĩ bàn. Bất luận nghe được toàn kinh hay chỉ nghe được một phẩm, thậm chí chỉ nghe có một hai câu, lợi ích đều không thể nghĩ bàn. Dù có tâm nghe hay vô tâm nghe; nghe hiểu hay nghe không hiểu, vẫn đều được lợi ích.

Sách Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận của cư sĩ Bành Tế Thanh viết: “Do nghe kinh mà được lợi ích chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đều do sức bổn nguyện của Phật Vô Lượng Thọ, cũng do oai thần của đức Bổn Sư gia bị. Hễ có chúng sinh nào nghe được kinh này cũng sẽ  được lợi ích như thế”. 

KINH VĂN:

Nhĩ thời Thế Tôn thuyết thử kinh pháp, thiên nhân thế gian hữu vạn nhị thiên na-do-tha ức chúng sinh, viễn ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Nhị thập ức chúng sinh đắc A Na Hàm quả, lục thiên bát bách tỳ-kheo, chư lậu dĩ tận, tâm đắc giải thoát.

VIỆT DỊCH:

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kinh pháp này, (trong) trời, người thế gian có một vạn hai ngàn na-do-tha ức chúng sinh xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh; hai mươi ức chúng sinh đắc quả A Na Hàm, sáu ngàn tám trăm tỳ-kheo, các lậu đã tận, tâm được giải thoát.

GIẢNG:

Câu “viễn ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh”. Chữ “trần cấu” chỉ chung cho các phiền não.

Kinh Duy Ma nói: “Viễn trần ly cấu, đắc pháp nhãn tịnh” đồng nghĩa với câu kinh trên đây.

Theo bản sớ giải kinh Duy Ma của ngài Gia Tường thì “pháp nhãn tịnh” được hiểu như sau: “Nói về pháp nhãn tịnh là nói về Pháp Nhãn của Tiểu Thừa lẫn Pháp Nhãn của Ðại Thừa. Pháp Nhãn của Tiểu Thừa chính là Sơ Quả, thấy được pháp Tứ Ðế nên gọi là Pháp Nhãn. Pháp Nhãn của Ðại Thừa là bậc Sơ Ðịa chứng đắc pháp Vô Sinh chân thật nên gọi là Pháp Nhãn”.

Pháp “Tứ Đế” còn gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, Tứ Chân Đế. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý mầu nhiệm mà bậc Thanh Văn trong nhà Phật chứng được. Lần đầu chuyển pháp luân trong vườn Lộc Uyển, ở thành Ba-la-nại, Đức Phật đã giảng bốn chân lý này để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Pháp “Tứ Đế” gồm có: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.

1. Khổ Đế: là thống não bức bách do vô thường nên gọi là “Khổ”, như ba khổ (khổ khổ, hoại khổ và hành khổ), tám khổ (sinh, già, bệnh, chết, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh). Đấy là quả báo sinh tử trong ba cõi: Dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Những quả báo này chỉ là khổ đau, không có yên vui thật sự. Cái lý này có tính cách quyết định và chân thực nên gọi là Khổ Đế.

Đại Trí Độ Luận nói: “Thân có ba khổ là: Lão, Bệnh,Tử; tâm có ba khổ là tham, sân, si; ba loại hậu thế khổ là Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh”. Nói tóm lại: Ba khổ, tám khổ đều là thọ báo hoạn lụy trong tam giới.

Đức Phật thuyết pháp thường nói “Quả” trước rồi mới nói đến “Nhân”. “Quả” thì chúng ta thấy rất rõ ràng. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: Nước biển dâng cao, lũ lụt lan tràn đều có liên quan đến tâm tham. Sân nhuế là: Hỏa hoạn, núi lửa phun trào, nhiệt độ địa cầu tăng cao. Ngu si là gió bão. Ngạo mạn là động đất. Hoài nghi là đại địa lỏng lẻo, núi lở đất sụp v.v… Đây quả thật là Khổ Đế của thế gian.

2.- Tập Đế: “Tập” là chiêu tập. “Tập đế” là chiêu tập các nghiệp của thiện ác và phiền não tham, sân v.v..,đây gọi là “Tập”. Nói cách khác, “Tập đế” cũng là “nhân của sự mê muội”, là nhân quả của thế gian.

3.- Diệt Đế: “Diệt” là tịch diệt, là Niết Bàn, là diệt tạo tác, diệt mê hoặc (tham, sân, si, mạn, nghi), diệt hoặc nghiệp, rời nổi đau khổ trong sinh tử, thoát ly luân hồi lục đạo, thoát ly mười pháp giới. Khi kiết nghiệp đã hết thì không còn sinh tử, hoạn lụy nên gọi là “Diệt”.

Về mặt “Quả” chúng ta không thể “Diệt” mà phải hạ thủ từ “Nhân”, không tạo nhân ác sẽ không chịu quả ác v.v… Nên nhớ: “Diệt” là Niết Bàn, là chứng được khi còn sống, không phải đợi đến khi chết mới nhập Niết Bàn, vậy là sai lầm! Chữ “Diệt” ở đây là diệt tập khí phiền não. Tất cả nghiệp nhân, quả báo đều không còn, gọi là

“Diệt”. Nếu chết là Niết Bàn, như vậy đâu cần phải tu! Điều này nói không thông. Niết Bàn cũng gọi là Viên Tịch; “Viên” là viên mãn, công đức viên mãn. “Tịch” là thanh tịnh, tịch diệt, cũng tức là nói họ đã buông bỏ tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tuyệt đối không nên ngộ nhận, cho rằng người xuất gia khi chết đều gọi là “Viên Tịch”, đều gọi là “Niết Bàn”, đây quả thật là hoàn toàn hiểu sai ý Phật!

4.- Đạo Đế: “Đạo” có nghĩa là năng thông (thông đạt không có chướng ngại). “Đạo” là phương pháp, là con đường. Dùng phương pháp, con đường này có thể thông đến Niết Bàn, chúng ta gọi đó là con đường thành Phật, đây là của Tiểu thừa tu.

Theo Hòa thượng Tịnh Không, ngày nay chúng ta tu cao hơn, đơn giản hơn họ. Chúng ta tu là một đại đạo đặc biệt, nhanh chóng thành Phật: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà”. Đây là con đường lớn cứu cánh viên mãn trong các con đường, điều này không thể không biết.

Khổ Đế Tập Đế là nhân quả thế gian; Diệt Đế Đạo Đế là nhân quả của xuất thế gian. Ngày nay, chúng ta gặp được “Quả” là vô cùng may mắn, “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được), chúng ta phải nhất định trân quý, nỗ lực  tinh tấn tu học, hi vọng vãng sinh Cực Lạc ngay trong đời nầy, thân cận Phật A Di Đà sẽ chứng được thành tựu viên mãn.

Chữ “pháp nhãn” (法 眼 fă yăn) trong kinh Vô Lượng Thọ này chỉ cho pháp nhãn tịnh của Tiểu Thừa, như ngài Cảnh Hưng bảo: “Pháp nhãn tịnh chính là Dự Lưu quả (tức Sơ Quả)”.

Tịnh Ảnh Sớ cũng viết: “Thấy được bốn Chân Đế thì gọi là tịnh pháp nhãn”. 

A Na Hàm là quả vị thứ ba trong Tứ Quả của Tiểu Thừa.

“Chư lậu dĩ tận, tâm đắc giải thoát” (các lậu đã tận, tâm được giải thoát) là như kinh Duy Ma nói: “Bát thiên tỳ-kheo bất thọ chư pháp, lậu tận ý giải” (Tám ngàn tỳ-kheo không thọ các pháp, lậu tận ý giải).

Ngài Tăng Triệu giảng: “Lậu Tận là cả chín mươi tám kiết lậu đều đã hết sạch, tâm ý giải thoát, thành A La Hán”. Cho thấy trong kinh nói đến pháp nhãn tịnh và các Lậu đã tận đều chỉ Thanh Văn Thừa.

Bên dưới nêu ra vấn đáp, nếu có ai hỏi: “Nghe kinh điển Ðại Thừa vô thượng  này sao lại được lợi ích nơi pháp Tiểu Thừa”? Tịnh Ảnh Sớ đáp: “Chúng sinh (căn tánh) Tiểu thừa nghe nói Sa Bà uế ác đáng chán, thâm tâm viễn ly, nên đắc quả Tiểu Thừa”. Cho thấy: Tiểu Thừa vì tâm lượng nhỏ, biết được tình huống ba khổ, tám khổ trong lục đạo, họ không muốn ở trong này chịu khổ, tiếp tục trôi lăn trong luân hồi nữa, đến được Tứ Thánh pháp giới là họ mãn nguyện rồi.

Ngài Cảnh Hưng cũng nói: “Chúng sinh do nghe nói cõi này uế ác đáng chán nên đắc quả Thanh Văn”.

KINH VĂN:

Tứ thập ức Bồ Tát, ư vô thượng Bồ Đề trụ bất thoái chuyển, dĩ hoằng thệ công đức nhi tự trang nghiêm. Nhị thập ngũ ức chúng sinh, đắc Bất Thoái Nhẫn. Tứ vạn ức na-do-tha bách thiên chúng sinh, ư vô thượng Bồ Đề vị tằng phát ý, kim thỉ sơ phát, chủng chư thiện căn, nguyện sinh Cực Lạc, kiến A Di Đà Phật, giai đương vãng sinh bỉ Như Lai độ, các ư dị phương thứ đệ thành Phật, đồng danh Diệu Âm Như Lai.

VIỆT DỊCH:

Bốn mươi ức Bồ Tát trụ không thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Ðề, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm. Hai mươi lăm ức chúng sinh đắc Bất Thoái Nhẫn. Bốn vạn ức na-do-tha trăm ngàn chúng sinh chưa từng phát ý vô thượng Bồ Ðề, nay mới bắt đầu phát tâm, trồng các căn lành, nguyện sinh Cực Lạc thấy Phật A Di Ðà, đều sẽ vãng sinh trong cõi đức Phật ấy, đều sẽ ở các phương khác lần lượt thành Phật, cùng hiệu là Diệu Âm Như Lai.

GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên nói đến những chúng sinh căn tánh Ðại Thừa nghe pháp được lợi ích.

“Bất thoái chuyển”  có nghĩa là siêng năng tu tập, công đức, thiện căn ngày càng tăng tiến, không bị lui sụt, biến đổi. Tiếng Phạn “Bất Thoái Chuyển” là A-bệ-bạt-trí (Avaivartika).  Trong đoạn kinh này trước nói “trụ bất thoái chuyển”; sau ghi “đắc bất thoái nhẫn”. Hai câu này đều trích từ bản Ðường dịch; bản Ngụy dịch chỉ ghi là “đắc bất thoái chuyển”.

Ngài Tịnh Ảnh giảng: “Chúng sinh (căn tánh) Ðại Thừa nghe oai đức Phật A Di Ðà rộng độ, bèn kiên tâm cầu nguyện, nên được bất thoái chuyển. Nghe kinh này được nhiều lợi ích nên thề muốn cứu độ, gọi là thệ tự trang nghiêm”. Ý nói: Nghe danh hiệu Phật A Di Đà, bèn chí nguyện kiên quyết mong cầu vãng sinh nên được “bất thoái chuyển”. Lại còn muốn phát tâm cứu độ cho người khác nên gọi là “dĩ hoằng thệ công đức nhi tự trang nghiêm” (dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm).

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Tuy chữ “trụ bất thoái” trong bản Ðường dịch hàm chứa ý nghĩa khá sâu, nhưng sơ bộ chúng ta có thể hiểu câu ấy theo cách của ngài Tịnh Ảnh vừa giảng.

“Ðắc bất thoái nhẫn”: Theo Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển chín, chữ “nhẫn” (忍 rěn) có nghĩa là “tuệ tâm an trụ nơi pháp thì gọi là Nhẫn”; quyển mười một lại ghi: “An trụ trong Thật Tướng của pháp là Nhẫn”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích như sau: Kinh Lăng Nghiêm nói “Đương xứ xuất sinh, tùy xứ diệt tận”, đây là Thật Tướng. Nếu có thể an trụ nơi Thật Tướng, như vậy là bất động, nghĩa là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây gọi là “Nhẫn”, là định trụ. Chẳng hạn như “vô sinh pháp nhẫn”, tất cả pháp vốn không có sinh, vốn không có diệt, bởi tốc độ của nó quá nhanh, sinh diệt hình như đồng thời.

Trước đây, chúng ta đã từng học qua: Bồ tát Di Lặc trả lời đức Thế Tôn (trong Pháp Uyển Châu Lâm quyển tám) rằng trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức, một trăm ngàn niệm vi tế. Ba mươi hai ức nhân với mười vạn là ba trăm hai mươi triệu niệm trong một khảy móng tay, làm sao có thể nắm bắt được! Cho nên, thật sự là có sinh diệt, nhưng chúng ta không thể nắm bắt được sinh diệt đó. Niệm này tiếp nối niệm kia; niệm trước diệt, niệm sau liền sinh; chỉ có Bồ tát Bát Địa trở lên mới thấy rõ được việc này!

Theo Trí Ðộ Luận, “Vô Sinh Pháp Nhẫn” là không động tâm, an trụ vào lý pháp Vô Sinh. Cho thấy Nhẫn chính là an nhẫn, nghĩa là quyết định nơi lý, không thay đổi tâm niệm.

Chuẩn theo đó, “bất thoái nhẫn” chính là an trụ của bất thoái mà ý niệm không thay đổi tức là niệm niệm đều không thoái chuyển nên tương đương với Niệm bất thoái trong ba thứ Bất Thoái.

Ba loại Bất Thoái đó là:

1- Vị Bất Thoái: Địa vị không bị lui sụt, đây là chỉ cho quả vị Tu Đà Hoàn.

2- Hạnh Bất Thoái là không hề thoái thất hạnh pháp đã tu. Đây là chỉ cho Bồ tát không hề thoái chuyển đến Tiểu thừa.

3- Niệm Bất Thoái là địa vị rất cao, không hề thoái chuyển chánh niệm. Chữ “Niệm” ở đây, theo Hòa thượng Tịnh Không là “nhất niệm vi tế” mà Bồ tát Di Lặc nói. “Niệm niệm bất thoái” là chỉ cho Pháp Thân Bồ tát, trong thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.

Sách Quán Kinh Diệu Tông Sao của Đại sư Trí Giả viết: “Nếu phá được Kiến Hoặc và Tư Hoặc thì gọi là Vị Bất Thoái, vĩnh viễn siêu thoát khỏi cái giả hữu của phàm phu. Ðoạn trừ được Trần Sa Hoặc thì gọi là Hạnh Bất Thoái, vĩnh viễn chẳng đánh mất Bồ Tát hạnh. Phá được Vô Minh Hoặc gọi là Niệm Bất Thoái, chẳng đánh mất chánh niệm Trung Ðạo”.

Câu ““Nếu phá được Kiến Hoặc và Tư Hoặc thì gọi là Vị Bất Thoái”. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Trên thực tế, phá được Kiến Hoặc là Bất Thoái Chuyển, phá được Kiến Tư là A-la-hán.

“Kim thỉ sơ phát” (Nay mới bắt đầu phát tâm) là mới phát Bồ Ðề tâm. Quá khứ chưa từng phát tâm, Bồ tát nay nghe kinh nầy liền phát tâm Bồ Đề. Hai điều: “phát tâm”“tất cánh tâm” (chứng quả Bồ Ðề) không sai biệt. Nhưng trong hai tâm trên, “phát tâm” là khó.

Những Bồ Tát đã phát đại tâm như thế, lại làm các điều thiện (“các điều thiện” ở đây là “nhất tâm chuyên niệm Phật A Di Đà”, vì niệm Phật A Di Đà là thiện trong các điều thiện, không có gì thiện hơn) nguyện sinh Cực Lạc, đều được vãng sinh, gặp Phật; lại sẽ ở trong các phương khác, trước sau thành Phật, đồng một danh hiệu là Diệu Âm Như Lai.

Có lần tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) ở Mỹ đọc kinh này, đọc đến đây, cùng lúc đó có hơn một trăm người đến xin quy y, không kịp đặt pháp danh. Tôi liền nghĩ ngay đến kinh nầy, thôi thì dùng cùng một tên, pháp danh Diệu Âm, sau này thành Phật sẽ đều là Diệu Âm Như Lai. Pháp danh Diệu Âm là từ đây mà có. Tên này không phải tôi đặt, mà đức Thế Tôn đặt cho chúng ta.

KINH VĂN:

Phục hữu thập phương Phật sát, nhược hiện tại sinh, cập vị lai sinh, kiến A Di Đà Phật giả, các hữu bát vạn câu-chi na-dotha nhân, đắc thọ ký Pháp Nhẫn, thành vô thượng Bồ Đề. Bỉ chư hữu tình, giai thị A Di Đà Phật túc nguyện nhân duyên, câu đắc vãng sinh Cực Lạc thế giới.

VIỆT DỊCH:

Lại trong mười phương cõi Phật, có tám vạn câu-chi nado-tha người hoặc đang vãng sinh, hoặc sẽ vãng sinh, gặp A Di Ðà Phật được thọ ký Pháp Nhẫn, thành vô thượng Bồ Ðề. Các hữu tình ấy đều có nhân duyên túc nguyện với A Di Ðà Phật, đều được vãng sinh về Cực Lạc thế giới.

GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên nói rõ chúng sinh đủ duyên trong mười phương đều được thọ ký. Chữ “thọ ký” có nghĩa là Phật đối trước chúng sinh tiên đoán tương lai họ sẽ thành Phật thì gọi là “thọ ký”.   Có bốn loại thọ ký:

1. Thọ ký cho người chưa phát tâm Bồ Ðề: Câu này không dễ hiểu! Hình như không có chú giải. Theo Hòa thượng Tịnh Không: Đây là đức Thế Tôn thọ ký cho tất cả chúng sinh. Như trong kinh Đại thừa, đức Phật thường nói: “Tất cả chúng sinh vốn là Phật”, đó chẳng phải là Phật thọ ký hay sao? Cổ nhân thường nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” (tánh người vốn thiện). Chữ “thiện” ở đây không phải là thiện của thiện ác mà đồng nghĩa với “vốn là Phật” như Phật đã dạy, người xưa gọi là Thánh, Hiền nhân.

2. Thọ ký cho người đã phát tâm Bồ Ðề.

3. Âm thầm Thọ ký : Người khác nghe, biết đương sự được thọ ký, nhưng chính bản thân người ấy lại không hay biết.

4. Hiện tiền thọ ký.

Trong bốn loại thọ ký trên, bất luận ta thuộc loại nào cũng đều được thọ ký.

“Đắc thọ ký Pháp Nhẫn thành vô thượng Bồ Đề” (được thọ ký Pháp Nhẫn thành vô thượng Bồ Đề ). Chữ “Pháp Nhẫn” chính là ba thứ Nhẫn đã nói trong nguyện thứ bốn mươi tám của Phật A Di Ðà (bản Ngụy dịch ghi là “đệ nhất, đệ nhị, đệ tam Pháp Nhẫn”) mà cũng là Âm Hưởng Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn Vô Sinh Pháp Nhẫn. Do có những người được Phật thọ ký, chứng nhập Vô Sinh, thành Vô Thượng Chánh Giác như vậy, nên kinh nói: “Ðắc thọ ký Pháp Nhẫn, thành vô thượng Bồ Ðề”.

Câu “Bỉ chư hữu tình, giai thị A Di Đà Phật túc nguyện nhân duyên” (các hữu tình ấy đều có nhân duyên túc nguyện với A Di Ðà Phật) được bản Ðường dịch ghi như sau: “Bát vạn ức na-dotha chúng sinh đắc thọ ký Pháp Nhẫn, thành vô thượng Bồ Đề. Bỉ Vô Lượng Thọ Phật tích hành Bồ Tát đạo thời, thành thục hữu tình, tất giai đương sinh Cực Lạc thế giới” (Tám vạn ức na-do-tha chúng sinh được thọ ký Pháp Nhẫn, thành vô thượng Bồ Ðề. Họ đều là hữu tình xưa kia đã được Vô Lượng Thọ Phật thành tựu khi Ngài còn đang tu đạo Bồ Tát, thảy đều sẽ sinh về thế giới Cực Lạc).

Ý nói: Tất cả pháp từ nhân duyên sinh. Những chúng sinh ấy trong đời quá khứ từng được gặp Phật A Di Ðà khi Ngài còn ở nhân địa. Nhờ nghe giáo huấn của Ngài nên thiện căn thuần thục, đấy chính là thiện duyên vô thượng thù thắng. Do được nhân duyên thọ giáo trong các đời trước, từng “từ văn khởi tư, từ tư sinh nguyện” (từng nghe pháp tư duy, từ tư duy mà phát nguyện) nên chánh tư duy, chánh nguyện ấy in sâu vào tám thức trong tâm điền chắc chắn không tiêu. Ðấy chính là thiện nhân vô thượng thù thắng. Thiện nhân này mỗi người chúng ta đều có. Nay Phật Di Ðà công viên giác mãn thành

Cứu Cánh Giác. Do nhân duyên thuần thục đầy đủ, nên họ được oai lực của Phật nhiếp thọ, “câu đắc vãng sinh Cực Lạc thế giới” (đều được vãng sinh về  thế giới Cực Lạc).

Cho thấy, Bồ Tát, Thanh Văn, trời, người trong cõi Cực Lạc đều nhiều đến vô lượng.  Rõ ràng lúc còn tu nhân, Phật A Di Ðà đã trong vô lượng kiếp ở trong biển sinh tử giáo hóa, nhiếp thọ lục đạo chúng sinh số đến vô lượng.

Ngày nay, chúng ta nghe được, tin được diệu pháp này, ắt hẳn trong bao kiếp xưa, Phật A Di Ðà đã từng theo chúng ta vào tận Nê Lê (địa ngục), ở trong nhà lửa không ngừng nhiếp thọ, dạy dỗ, khuyên lơn tha thiết chúng ta, không nề hà phải cùng với chúng ta luân chuyển trong sáu nẻo, chỉ mong chúng ta hồi tâm quy về nhất niệm. “Nhất niệm” là vô niệm, là tự tánh, cũng tức là thành Phật. Ân đức của đức Phật A Di Đà, của Phật Thích Ca thật vô lượng, vô biên, vô cùng tận. Phật vì chúng ta vun bồi thiện căn; nay may mắn thay, thiện căn ấy đã nảy nở, tăng trưởng. Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải kinh đến đây, ông nói: “Tôi không cầm được nước mắt!”. Rõ ràng chính ông đã thật sự xúc động, thật sự biết ân Phật và muốn báo ân. KINH VĂN:

 Nhĩ thời tam thiên đại thiên thế giới lục chủng chấn động, tịnh hiện chủng chủng hi hữu thần biến, phóng đại quang minh, phổ chiếu thập phương. Phục hữu chư thiên, ư hư không trung, tác diệu âm nhạc, xuất tùy hỉ thanh, nãi chí Sắc giới chư thiên, tất giai đắc văn, thán vị tằng hữu. Vô lượng diệu hoa phân phân nhi giáng. Tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ Tát, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn, thiên long bát bộ, nhất thiết đại chúng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành.

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.

VIỆT DỊCH:

Lúc bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách hiện ra các thứ thần biến hi hữu, phóng đại quang minh, chiếu khắp mười phương. Lại có chư thiên ở giữa hư không tấu âm nhạc vi diệu, vang ra tiếng tùy hỉ, đến tận chư thiên Sắc giới đều được nghe tiếng, khen là chưa từng có. Vô lượng diệu hoa tung tăng rưới xuống. Tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ Tát và các Bồ Tát, Thanh Văn, thiên long bát bộ, tất cả đại chúng nghe lời Phật dạy đều rất vui mừng, tin nhận, phụng hành. 

Phật thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác kinh chung GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên tường thuật pháp hội viên mãn, gồm đủ những đoạn tướng kỳ diệu biến hiện được ghi trong Tự Phần, Chánh Tông Phần và Lưu Thông Phần, thể hiện sâu xa kinh Vô Lượng Thọ này: Sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đều vạn đức viên mãn.

Trong phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi của Tự Phần, đức Thế Tôn oai quang rạng rỡ như khối vàng nung, phóng đại quang minh biến hiện ra trăm ngàn thứ. Quang nhan Phật vòi vọi, cõi báu trang nghiêm, xưa nay chưa từng thấy. Những đoan tướng ấy thật quá kỳ diệu, chẳng thể nghĩ bàn.

Trong phần Chánh Tông, phẩm Lễ Phật Hiện Quang ghi nhận đại chúng thấy Phật A Di Ðà dung nhan quảng đại, sắc tướng đoan nghiêm như núi vàng ròng nhô cao khỏi mặt biển. Lại nghe mười phương Như Lai ca tụng, ngợi khen công đức của Phật A Di Ðà. Từ bàn tay Phật A Di Ðà tỏa ra vô lượng hào quang chiếu khắp cõi nước chư Phật. Các đoan tướng như thế cũng thật không thể nghĩ bàn.

Cuối cùng, trong phần Lưu Thông, đại địa chấn động sáu cách, hiện ra các thứ thần biến hi hữu, quang minh chiếu khắp, thiên nhạc trỗi vang âm điệu vi diệu hòa nhã, hoa trời rải khắp v.v…Các biến hiện ấy cũng vô cùng tốt lành kỳ diệu.

Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết: “Trong Tự Phần có quang minh, dung nhan của Phật hiện đoan tướng kỳ diệu. Ở đây cũng hiện đoan tướng ấy, nên biết ý Phật muốn thể hiện sự trân trọng vậy”.

Gia Tường Sớ bảo việc hiện đoan tướng trong phần Lưu Thông “thể hiện cảm điềm lành để chứng thực lợi ích”.

Ngài Tịnh Ảnh cũng bảo: “Như Lai giáo hóa chúng sinh chu biến pháp giới. Vì để tăng thêm phần thành kính của tất cả chúng sinh, nên dùng thần lực động địa (chấn động cõi đất) phóng quang, trỗi nhạc, mưa hoa”.

Theo Hòa thượng Tịnh Không, cả ba phần: Tự Phần, Chánh Tông Phần và Lưu Thông Phần đều hiện đoan tướng kỳ đặc, chứng tỏ pháp môn nầy kỳ đặc, đại kinh hi hữu thù thắng. Trì danh niệm Phật công đức thật không thể nghĩ bàn.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ, những đoan tướng ấy đều nhằm để “chứng tín” (tức là chứng minh để chúng sinh tin), khuyên chúng sinh nên phát tín tâm chân thật đối với pháp khó tin được dạy trong kinh này.

Câu “Tôn giả A Nan, Di Lặc Bồ Tát, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn, thiên long bát bộ, nhất thiết đại chúng, văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành” được Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: “Ý nói đến lợi ích rộng lớn, giáo pháp phù hợp khắp mọi căn cơ, đại chúng đều vui mừng”.

Vô Lượng Thọ Kinh Sao giảng “hoan hỉ” là: “Ngài Pháp Vị nói: ‘Theo Già Da Sơn Ðảnh Luận’, hoan hỉ có ba nghĩa: Một là người nói thanh tịnh vì được tự tại đối với các pháp; hai là pháp được giảng thanh tịnh vì Thể của pháp là như thật, thanh tịnh; ba là nương theo pháp đã nói sẽ đắc quả thanh tịnh vì chứng được cảnh giới thanh tịnh mầu nhiệm vậy’. Ở đây, đại chúng được nghe Di Ðà bổn nguyện, đội ân đấng Thích Tôn (tức đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật) nên tự được lợi ích lớn lao, không ai mà chẳng hoan hỉ”.  Ý nói:

1.- Người nói kinh là đức Bổn Sư của chúng ta, ngài nói: “Ta là Pháp vương, tự tại nơi pháp”. Ðấy là “người nói thanh tịnh”. 

2.- Các công đức đã nói ấy chỉ là một thanh tịnh cú “chân thật trí tuệ vô vi pháp thân”. Đấy là “pháp được giảng thanh tịnh”.

3.- “Ðắc quả thanh tịnh” là như Linh Phong đại sư nói: “Nhất nhất trang nghiêm, toàn thể lý tánh” (Toàn thể của mỗi thứ trang nghiêm đều là lý tánh). Y giáo tu trì vượt ngang tam giới, tiến lên Bất Thoái Chuyển, viên mãn vãng sinh, trọn vào bốn cõi Tịnh Ðộ, cứu cánh thành Phật, là được quả cứu cánh thanh tịnh.

Đầy đủ cả ba thứ thanh tịnh trên, người nghe được lợi ích vô thượng, đều được  đại hoan hỉ, tin ưa thọ trì nên bảo là “tín thọ, phụng hành” (tin nhận, phụng hành).

Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận của cư sĩ Bành Tế Thanh nhận định như sau:

“Kinh này đầy đủ toàn thân của Phật Vô Lượng Thọ, mà cũng đầy đủ toàn thân của tất cả chư Phật. Tín nhập kinh này, chính là đầy đủ tất cả Phật trí, nên bảo: ‘Nghe được kinh này thì đối với vô thượng đạo, vĩnh viễn không thoái chuyển’. Ðến khi kinh đạo diệt hết, do Phật từ gia bị nên kinh này được riêng lưu lại, khác lạ hơn các kinh khác, kính xin hậu hiền đều cùng tin nhận”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu “Kinh này đầy đủ toàn thân của Phật Vô Lượng Thọ, mà cũng đầy đủ toàn thân của tất cả chư Phật” như sau: Quan điểm này quả thật là quá tuyệt vời! Nói lên Phật pháp cứu cánh viên mãn đều bao hàm trong kinh nầy. Lời này có thể tin. Vì sao vậy? Vì các đại đức thời Tùy, Đường đã chứng minh, chúng ta xem bài tựa của cư sĩ Mai Quang Hy sẽ biết, quả thật không thể nghĩ bàn!

“Tín nhập kinh này, chính là đầy đủ tất cả Phật trí”, tất cả trí tuệ viên mãn của Phật đều ở trong bộ kinh nầy.

Tập chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ là hội tập tám mươi ba loại kinh luận, đó là tri kiến Phật, và một trăm mười loại chú sớ của các tổ sư đại đức. Do vậy, kinh này là hội tập; Chú Sớ cũng là hội tập, đúng là hi hữu khó gặp.

Lần đầu ở Mỹ, Hòa thượng Tịnh Không đã đem chú giải nầy in ấn ra mười ngàn quyển để lưu thông. Bấy giờ, bộ kinh nầy ấn tống số lượng bao nhiêu, không cách nào tính được, vì quá nhiều; ấn tống khắp nơi trong lẫn ngoài nước với số lượng lớn.

Tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) nghĩ: Nếu không giảng tường tận bộ kinh nầy một lần thì không ai chú ý đến, chỉ sợ quá nhiều trích dẫn mọi người không chịu xem!

Hôm nay, ngày 18-9, tôi đã giảng xong kinh Vô Lượng Thọ, gồm sáu trăm tập, tức là một ngàn hai trăm tiếng đồng hồ. Đem công đức giảng kinh này hồi hướng tất cả quân dân tử nạn ngày 18-9, tôi dùng ý nghĩa này. Ngày mai, chúng ta tiếp tục giảng lại từ đầu kinh Vô Lượng Thọ.

Tôi và Hoàng Niệm Tổ gặp nhau khi tuổi đã cao. Lúc đó, trong nước chỉ mỗi mình ông giảng kinh Vô Lượng Thọ; ngoài nước chỉ có mình tôi giảng kinh nầy. Bởi thế, chúng tôi gặp nhau quả thật là vô cùng hoan hỉ.

Tôi muốn báo ân tri ngộ này bằng cách có thể làm được chút công việc, cũng tận một phần sức lực làm người dẫn đầu giảng tường tận bộ chú giải Kinh Vô Lượng Thọ này để  tri ân công đức của ông, đồng thời cũng tri ân bản hội tập của cụ Hạ Liên Cư, đã gia trì tất cả chúng sinh thời Mạt pháp.

Tôi biết, bất luận dù tu học pháp môn nào, chỉ cần “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” là có thể thành tựu. Sợ nhất là học lung tung, học đủ thứ, học quá nhiều, như vậy tinh thần và thời gian đều bị phân tán hết, rất khó thành tựu!

Bây giờ, bắt đầu từ năm ngoái, tôi quyết định chỉ giảng bộ kinh Vô Lượng Thọ nầy, những năm còn lại có thể sống được bao nhiêu thì giảng bấy nhiêu bộ, chia sẻ tâm đắc với mọi người, biểu diễn “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Kinh nầy giảng đã viên mãn, cám ơn mọi người.

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh
Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giải Diễn Nghĩa Chung