NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI

Hòa Thượng Thích Đỗng Minh

 

NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI THẬP THIỆN

Người muốn cầu thọ Thập Thiện, trước phải đến lễ cầu Thầy, Thầy bằng lòng cho rồi, đến ngày, trước giờ truyền giới Thầy Dẫn thỉnh (Điển lễ) cho tất cả Giới tử vào Trượng đường, đến lễ cầu Tăng truyền giới. Giới tử tác bạch như vầy:

I. LỜI TÁC BẠCH

(Hoặc Dẫn thỉnh thay bạch)

Một vị đứng giữa bạch:

– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Bạch trên Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng,

Chúng con có duyên sự, đầu thành đảnh lễ xin tác bạch:

(Lạy 1 lạy, quỳ bạch)

– Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Bạch trên Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng,

Chúng con tên là…., bấy lâu có lòng khát ngưỡng Thập thiện, nay đủ duyên lành, cần cầu trên Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng thùy từ lân mẫn truyền trao Thập Thiện cho chúng con được ân triêm công đức.

Quỳ đợi Hòa thượng, Thượng tọa bảo:

– Quý hóa! Quý vị bấy lâu có lòng khát ngưỡng Thập thiện, nay đủ duyên lành cần cầu trên Đại đức Tăng truyền trao Thập Thiện. Đại đức Tăng rất hoan hỷ hứa khả. Vậy quý vị như pháp kính lễ chư Hiền Thánh Tăng chứng minh cho.

Hòa thượng, Thượng tọa bảo xong, Giới tử tiếp bạch:  

– Bạch trên Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng đã từ bi hứa khả cho rồi, chúng con xin đầu thành đảnh lễ cúng dường.

Dẫn thỉnh xướng:

– Giới tử khởi thân đảnh lễ Giới sư tam bái.

(Văn trên đây viết ra để cho Giới tử tự bạch)

Dẫn thỉnh xướng:

– Cung thỉnh chư Tôn tề nghệ Tổ đường.

 Cung thỉnh chư Tôn thứ đệ lập ban.

– Nhất tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại chư vị Tổ sư tam bái.

 Cung thỉnh chư Tôn phân lập lưỡng ban…

– Chư Giới tử tựu ban…

– Chư Giới tử thứ đệ tấn ban…

– Nhất tâm đảnh lễ Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại chư vị Tổ sư tam bái.

– Chư Giới tử thoái ban.

– Cung thỉnh Giới sư tề nghệ Phật tiền.

– Cung thỉnh chư Tôn thứ đệ tấn ban.

– Cung thỉnh Giới sư niêm hương…

– Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật-đà-da. 

– Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Đạt-ma-da. 

– Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Tăng-già-da.

Dẫn thỉnh:

– Cung thỉnh Giới sư phân ban an tọa.

– Chư Giới tử tựu ban…

– Chư Giới tử thứ đệ tấn ban.

– Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam bảo.

– Nhất tâm đảnh lễ, Nam mô Ta-bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, Long Hoa Giáo chủ Di-lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Kỳ viên Hội thượng Phật Bồ-tát.

– Nhất tâm đảnh lễ Nam mô Lạc bang Giáo chủ Tiếp dẫn Đạo sư A-di-dà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại lực Đại Thế Chí Bồ-tát, Liên Trì Hải Hội Phật Bồ-tát.

(Giới tử ngồi yên xếp bằng, chắp tay)

Tán Lư hương: (Giới sư đồng tán)

                       Lư hương sạ nhiệt

                       Pháp giới mông huân

                       Chư Phật hải hội tất diêu văn

                       Tùy xứ kiết tường vân

                       Thành ý phương ân

                       Chư Phật hiện toàn thân.

     Nam mô Hương vân cái Bồ-tát ma-ha-tát. (3 lần)

          Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần)

Khai Luật kệ:

Vô thượng thậm thâm Tỳ-ni pháp

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ

                   Ngã kim kiến văn đắc thọ trì

                   Nguyện giải Như Lai Tỳ-ni nghĩa.

Nam mô Khai bảo tạng Bồ-tát ma-ha-tát. (3 lần)

II. GIÁO THỌ KHAI ĐẠO

– Các Phật tử!

Các vị đã vâng lãnh ba pháp qui y, đã thọ trì năm giới cấm, tức là đã thành tựu phần thứ nhất của ba tụ tịnh giới. Trong giây lát nữa đây, Đại tăng trao truyền cho các vị mười pháp thiện nghiệp đạo, là phần thứ hai của ba tụ tịnh giới. Giờ đây, các vị hãy chuyên tâm nhất ý lắng nghe tôi nói về giới tánh của mười pháp thiện nghiệp đạo:

Mười thiện nghiệp đạo là mười hành vi thiện của thân, miệng và ý, là con đường mà mười hành vi thiện đi qua để đưa đến phước lạc nhân thiên, đưa đến đạo quả Niết-bàn.

Các vị từ vô thỉ đến nay đã trải qua vô số kiếp trôi lăn trong bùn lầy sinh tử, do những ác nghiệp lôi kéo mà đã từng nhận lãnh bao thống khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngày nay may mắn được sanh làm thân người, được nghe Phật pháp, ấy là do thiện căn được trồng từ trước. Vậy các vị hãy nỗ lực tinh tấn tu tập cho thiện căn ấy ngày càng lớn mạnh thêm lên, bởi vì một phen mất thân người thì muôn kiếp khó gặp lại.

Đức Phật ra đời vì thương chúng sanh do vô minh mà tạo nên các ác nghiệp, rồi do ác nghiệp mà lãnh thọ khổ quả, cho nên Ngài phương tiện, tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ của nhiều loại chúng sanh mà thiết lập nhiều thứ bậc giới pháp.

Chúng sanh có vô lượng vô biên phiền não ác nghiệp thì Phật pháp cũng có vô lượng vô biên giới pháp để phòng hộ và đối trị. Như chiến sĩ ra trận có áo giáp hộ thân kiên cố mới có thể chiến thắng địch, cũng vậy, người học Phật phải có giới pháp kiên cố phòng hộ để có thể chiến thắng ma quân.

Giới pháp của Phật tuy nhiều vô lượng vô biên như vậy, nhưng tựu trung được bao gồm lại trong ba tụ chính yếu, gọi là ba tụ tịnh giới:

– Tụ thứ nhất là: Nhiếp luật nghi giới. Người học Phật phải tu tập để tránh xa mọi hành vi bất thiện.

– Tụ thứ hai là: Nhiếp thiện pháp giới. Người học Phật phải thực hiện hết thảy mọi điều lành vì phước lạc cho mình và cho mọi người, trong đời này và đời sau.

– Tụ thứ ba là: Nhiêu ích hữu tình giới. Người học Phật phải phát tâm quảng đại, phụng sự hết thảy chúng sanh, đem lại phướùc lạc cho hết thảy mọi loài.

Nay các vị sau một thời gian dài đã thọ trì năm giới cấm, là những học xứ thuộc về Nhiếp luật nghi giới, tự mình xét thấy đã thanh tịnh, tự mình xét thấy đã có khả năng tránh xa những ác nghiệp của thân và miệng, vì chúng mà gây tổn hại cho mình, cho người khác. Nay các vị lại muốn tiến thêm bước nữa trên con đường học Phật, gieo trồng thêm gốc rễ thiện nghiệp, dẫn đến phước lạc nhơn thiên và đạo quả Niết-bàn để làm lợi ích cho mình và cho hết thảy chúng sanh, cho nên các vị phát nguyện thọ trì và tu hành mười thiện nghiệp đạo.

Mười thiện nghiệp đạo này là căn bản của Bồ-đề tâm giới, là bước đầu đi lên Bồ-tát đạo. Các vị phải cẩn trọng hành trì, không nên xem thường.

Bây giờ các vị hãy nhất tâm thanh tịnh, nhớ lại hết thảy những việc đã làm từ trước đến nay, suy xét kỹ càng, xem trong 5 điều cấm giới mà quý vị đã phát tâm thọ trì, có được thanh tịnh không?! Có sai phạm điều gì không?! Nếu có sai phạm thì hãy phát lồ sám hối, không được che giấu, sau khi sám hối sẽ được an lạc.

Các vị hãy nghe tôi hỏi, thành khẩn mà trả lời. Nếu được thanh tịnh thì đáp là thanh tịnh. Nếu chưa thanh tịnh thì đáp là chưa thanh tịnh.

Các Phật tử!

Trong đây, các vị đối với ba pháp qui y và năm điều cấm giới đã được thanh tịnh chưa?

Tôi hỏi tiếp lần thứ hai:

– Trong đây, các vị đối với ba pháp qui y và năm điều cấm giới đã được thanh tịnh chưa?

Tôi hỏi tiếp lần thứ ba:

– Trong đây, các vị đối với ba pháp qui y và năm điều cấm giới đã được thanh tịnh chưa?

Lành thay! Trong đây các vị đối với ba pháp qui y và năm điều giới cấm đã được thọ trì hoàn toàn thanh tịnh. Nay tôi sẽ hướng dẫn các vị sám hối những tội lỗi từ vô thỉ đến nay, do tham sân si mà tạo ra mười bất thiện nghiệp, khiến cho nhiều đời phải đọa lạc vào những nơi thống khổ. Vậy nên các vị hãy chí thành sám hối ba bất thiện nghiệp thuộc về thân, bốn bất thiện nghiệp thuộc về miệng và ba bất thiện nghiệp thuộc về ý. Đây gọi là mười bất thiện nghiệp đạo, là con đường đưa đến các cõi khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

III. YẾT-MA HƯỚNG DẪN GIỚI TỬ SÁM HỐI

– Bây giờ, các vị hãy chí thành cung kính hướng về mười phương Tam bảo mà sám hối những tội lỗi thuộc về mười bất thiện nghiệp đạo ấy. Các vị hãy nhất tâm nói theo tôi:

Đệ tử từ vô thỉ đến nay, do ngu si vô trí mà gây ra ba ác nghiệp thuộc về thân: một là sát sanh, hai là trộm cướp, ba là tà dâm. Nay chí thành cầu xin sám hối để cho thân nghiệp được thanh tịnh.

Đệ tử từ vô thỉ đến nay, do ngu si vô trí mà gây ra bốn ác nghiệp thuộc về miệng: một là nói dối, hai là nói hai lưỡi, ba là nói thêu dệt, bốn là nói lời thô lỗ. Nay chí thành cầu xin sám hối để khẩu nghiệp được thanh tịnh.

Đệ tử từ vô thỉ đến nay, do ngu si vô trí mà gây ra ba ác nghiệp thuộc về ý: một là tham lam bỏn sẻn, hai là sân hận thù oán, ba là tà kiến cố chấp. Nay chí thành cầu xin sám hối cho ý nghiệp được thanh tịnh.

                     Xưa con đã tạo các ác nghiệp

Đều do vô thỉ tham, sân, si

                     Từ thân, miệng, ý phát sanh ra

                     Tất cả con đều xin sám hối.

           Nam mô Cầu sám hối Bồ-tát ma-ha-tát. (3 lần)

IV. HÒA THƯỢNG TRUYỀN GIỚI

– Các Phật tử!

Các vị đã chí thành sám hối những tội lỗi từ vô thỉ đến nay, thuộc về mười bất thiện nghiệp đạo. Như thế, thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp đã thanh tịnh. Vậy nay tôi có thể truyền trao cho các vị mười pháp thiện nghiệp đạo.

Các Phật tử!

Các vị nên biết rằng, trong giờ phút này đang có vô số thiên long, bát bộ, hộ pháp, thiện thần… hiện diện đầy khắp trong hư không, đang rải đủ các thứ hoa trời, hoan hỷ tán thán rằng: “Kể từ giờ phút này, một số chúng sanh đang tránh xa mười bất thiện nghiệp đạo để bước lên mười thiện nghiệp đạo, đang vượt qua những ác thú để tiến về các cảnh giới phước lạc của thiên, nhân”.

Các vị nên biết rằng: trong giờ phút này, hết thảy chư Phật và chư Đại Bồ-tát trong mười phương vô tận thế giới đang tập hội và đang phóng ra vô lượng ánh sáng của đại trí, đại bi, đại nguyện, của vô lượng Ba-la-mật hoan hỷ gia hộ và tán thán rằng: “Hiện tại, trong cõi Diêm-phù-đề (ở nước Việt Nam, tại….) có những Phật tử vừa gieo trồng gốc rễ của Bồ-đề tâm giới, đang bước đầu phát nguyện tu học các hạnh Ba-la-mật của Bồ-tát để được sanh vào chủng tộc của Như Lai”.

Vậy các vị hãy trân trọng! Hãy trân trọng!

Các Phật tử!

Các vị hãy nhất tâm thanh tịnh, hướng đến chư Phật, chư Đại Bồ-tát trong mười phương vô tận thế giới, chí thành khẩn nguyện, đọc theo tôi để thọ trì mười thiện nghiệp đạo:

1. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không giết hại sự sống, mà còn đem sự sống đến cho mọi loài, con pháp danh là…., nguyện từ nay cho đến trọn đời không giết hại sự sống, mà còn đem sự sống đến cho mọi loài.

2. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không lấy của không cho, mà còn đem của mình bố thí cho kẻ khác, con pháp danh là…. , nguyện từ nay đến trọn đời không lấy của không cho, mà còn đem của mình bố thí cho kẻ khác.

3. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không tà dâm, mà còn đem tịnh hạnh đến cho kẻ khác, con pháp danh là…., nguyện từ nay cho đến trọn đời không tà dâm, mà còn đem tịnh hạnh đến cho kẻ khác.

4. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không nói dối, mà còn luôn luôn nói lên sự thật, con pháp danh là…., nguyện từ nay đến trọn đời không nói dối, mà còn luôn luôn nói lên sự thật.

5. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không nói hai lưỡi mà còn nói những lời đưa đến sự hòa hợp, đoàn kết, con pháp danh là…., nguyện từ nay đến trọn đời không nói hai lưỡi, mà còn luôn luôn nói những lời đưa đến sự hòa hợp, đoàn kết.

6. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không nói lời thêu dệt mà còn luôn luôn nói những lời đưa đến sự hữu ích, con pháp danh…., nguyện từ nay đến trọn đời không nói lời thêu dệt mà còn luôn luôn nói những lời đưa đến sự hữu ích.

7. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không nói lời thô lỗ, mà luôn luôn nói những lời dịu dàng, từ ái, con pháp danh là…., nguyện từ nay đến trọn đời không nói lời thô lỗ, mà còn luôn luôn nói những lời dịu dàng, từ ái.

8. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không tham lam bỏn sẻn mà luôn luôn hướng tâm đến sự thí xả, con pháp danh là…., nguyện từ nay đến trọn đời không tham lam bỏn sẻn, mà còn luôn luôn hướng tâm đến sự thí xả.

9. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không sân hận, thù oán, mà luôn luôn hướng tâm đến từ bi, con pháp danh là…., nguyện từ nay đến trọn đời không sân hận, thù oán mà còn luôn luôn hướng tâm đến từ bi.

10. Như chư Phật, Bồ-tát vĩnh viễn không tà kiến, cố chấp, mà còn luôn luôn hướng tâm đến chánh kiến và trí tuệ, con pháp danh là…., nguyện từ nay đến trọn đời không tà kiến cố chấp, mà còn luôn luôn hướng tâm đến chánh kiến và trí tuệ.

Các Phật tử! Nay các vị đã phát nguyện thọ trì và tu hành theo mười pháp thiện nghiệp đạo, không chỉ xa lánh 3 bất thiện nghiệp thuộc về thân mà còn tu tập phát triển 3 thiện nghiệp thuộc về thân; không chỉ tránh xa 4 bất thiện nghiệp thuộc về miệng, mà còn tu tập phát triển 4 thiện nghiệp thuộc về miệng; không chỉ tránh xa 3 bất thiện nghiệp thuộc về ý, mà còn tu tập phát triển 3 thiện nghiệp thuộc về ý. Vậy từ nay về sau, các người hãy nỗ lực tinh tấn tu hành. Cẩn thận, chớ buông lung!

Giới tử đồng thanh đáp:

– Y giáo phụng hành.

Hồi hướng theo thường lệ.