TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 91

Hỏi: Đạo của phàm Thánh đồng một pháp thân, kia đây đều dứt vật ngã cùng bặt thì trong tâm không được, ngoài thân chẳng dư làm sao khởi thân ứng hóa nhiếp các cơ nghi ?

Đáp: Chỉ vì chúng sinh chẳng rõ tự tha duy tâm sinh ra kia đây. Nếu tự đạt chân không thì chư Phật chẳng xuất thế, Bồ-tát cũng không công phu.

Cổ đức hỏi: Nếu nói tự tha đều do tâm hiện, lìa tâm không thật có ngã nhân, chư Phật cũng thấy có chúng sinh vậy thì chư Phật chưa hết vọng tâm sao ?

Đáp: Chư Phật thấy có chúng sinh đều là duyên sinh huyễn có, chẳng biết cho là thật có ngã, do đó tạo nghiệp thọ báo uổng bị luân hồi. Đây do không có thật ngã mà cảm được lòng từ bi của chư Phật. Nếu thật có ngã chẳng phải là vọng có, tại sao chư Phật vọng cứu chúng sinh, vì ngã thật có chẳng thể cứu. Hiện tại vì cứu nên quyết định biết không có ngã, vọng chấp có. Cho nên biết chúng sinh chẳng lìa Phật quả, vì mê nên chẳng biết. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Phật thân chẳng phải hóa
Cũng chẳng phải phi hóa
Ở trong pháp vô hóa
Thị hiện hình biến hóa.

Người xưa giải thích: Đây là y chân khởi hóa. Chân hóa đều có hai nghĩa: Trong chân có hai: 1- Nghĩa bất biến, tuy hóa mà thường lặng lẽ thì Phật thân chẳng phải là hóa; 2- Nghĩa tùy duyên, chẳng giữ tự tính, không gì chẳng hiện thì cũng chẳng phải phi hóa. Trong hóa có hai: 1- Nghĩa vô thể tức không, nghĩa là tùy duyên vô tính nên không có pháp biến hóa; 2- Nghĩa theo duyên huyễn có nghĩa là thị hiện có hình biến hóa.

Vì tùy duyên huyễn có chẳng khác bất biến thể không cho nên hiện hóa rõ ràng chưa từng chẳng tịch, chân tính lặng lẽ chưa từng chẳng hóa. Nếu chẳng đạt lý này tự mình còn chưa độ làm sao có thể độ người. Lại dùng vô duyên từ như đá nam châm hút sắt làm sao phân biệt năng hóa sở hóa; dùng đồng thể đại bi như hư không làm sao thấy được thân tự tha. Vì thế Tiên đức nói: “Tận nguồn thì không hai, chấp dấu thì nhiều thứ”, nghĩa là nếu y cứ vào gốc để tìm nguồn thì nghìn con đường không khác dấu vết, như Tam Giang mênh mông bắt nguồn từ Mân Sơn, là tận cùng nguồn thì không hai. Nếu chấp dấu thì nhiều thứ, nghĩa là y cứ ngọn để đi đến gốc, chẳng biết nhiều thứ là ứng tích. Cho nên phẩm Quang Minh Giác có bài tụng:

Một thân là vô lượng
Vô lượng là một thân
Biết rõ các thế gian
Hiện hình khắp tất cả
Thân này chẳng từ đâu
Cũng không cho tụ họp
Vì chúng sinh phân biệt
Nên thấy các thân Phật.

Chỉ là một pháp thân, nghĩa phân hai ba bốn năm cho đến mười thân. Như nói về năm thân, Duy-ma Sớ Thích của ngài Duệ Công nói: “Đó là pháp tính sinh thân, cũng gọi là công đức pháp thân, biến hóa pháp thân, thật tướng pháp thân, hư không pháp thân. Nói tường tận chỉ là một pháp thân. Vì sao ? Nói về sự sinh của nó đó là pháp tính căn bản nên gọi là pháp tính sinh thân, nói về nguyên nhân của nó, thì là công đức làm thành nên gọi là công đức pháp thân; nói về sự ứng hóa của nó thì không cảm nào chẳng hiện hình nên gọi là biến hóa pháp thân; nói về sự to lớn thì đầy khắp hư không nên gọi là hư không pháp thân; nói về sự kỳ diệu thì vô tướng vô vi nên gọi là thật tướng pháp thân. Cho nên biết một thể chẳng động nhưng tên gọi theo duyên khác biệt, nên nói rằng cùng lúc khác nơi quyết định là nhiều thân, nhưng một thân này hoàn toàn hiện nên chẳng phải nhiều, như một mặt trăng trong khoảng sát-na đều hiện trên trăm dòng sông đây là tức nhất tức đa. Vì hiện khắp nên chẳng phải một, vì một mặt trăng nên chẳng phải nhiều. Như Bồ-tát Trí Tràng có bài kệ:

Như vầng trăng tròn sáng
Hiện khắp các dòng sông
Ánh trăng tuy vô lượng
Trăng ấy chưa từng hai.

Lại kinh có bài tụng:

Pháp thân tịnh diệu của Như Lai
Tất cả tam giới chẳng ai bằng
Vượt ngoài ngôn ngữ của thế gian
Tính nó phi hữu và phi vô
Tuy không nơi chốn mà luôn đến
Tuy luôn luôn đến mà chẳng đi
Như vẽ cảnh mộng trong hư không
Phải nơi Phật thể quán như thế.

Do chẳng phải chân, chẳng phải ứng, chẳng phải nhất, chẳng phải đa, nên chẳng thể có suy nghĩ về chân ứng nhất đa. Vì thế phẩm Quang Minh Giác có bài tụng:

Thân Phật vô sinh siêu hý luận
Chẳng phải pháp uẩn xứ sai biệt.

Cho nên khó tư duy lại nói: “Thân Phật đều là thân tự tha tương tác, là năng hóa sở hóa cộng thành”. Tự tha tương tác nghĩa là như kinh Hoa Nghiêm ghi: “Bồ-tát tùy theo tâm ưa thích của chúng sinh có thể dùng tự thân tạo ra thân quốc độ, thân chúng sinh, thân nghiệp báo, thân Thanh văn, thân Duyên giác, thân Bồ-tát, thân Như Lai, pháp thân, trí thân, hư không thân, đây là tự tác tha. Lại tùy theo tâm ưa thích của chúng sinh mà có thể lấy thân chúng sinh làm tự thân, đây là tha tác tự. Năng sở cộng thành nghĩa là nếu không có căn cơ được giáo hóa thì không có giáo tích năng hóa; nếu không có thân sở ứng thì không có việc năng cảm, tự tha năng sở chẳng phải một chẳng phải khác, duyên khởi tương do làm thành mật chỉ này. Nhưng duyên khởi tương do đều lấy tự tâm làm duyên, hoàn toàn không có pháp ngoài tâm có thể cùng tâm làm duyên. Do đó cổ đức nói: Chư Phật mười phương đều là bổn sư của ta thì hãi ấn liền hiển hiện. Pháp Hoa phân thân có nhiều tịnh độ Như Lai sao không chỉ cho tịnh độ của mình mà dạy đến cõi Di-đà, Diệu Hỷ, cho nên biết Hiền Thủ, Di-đà đều là bổn sư. Sao lạ thế ? Trong phẩm Thọ Lượng, trải qua trăm vạn a-tăng-kỳ cõi nước, ngài Hiền Thủ là đức Như Lai cuối cùng của thế giới Thắng Liên Hoa. Trong kinh có bài kệ:

Hoặc thấy cõi Liên Hoa thắng diệu
Hiền Thủ Như Lai ở trong ấy.

Như ở đây đã là khen ngợi bổn sư lại còn nói đến Như Lai ở cõi nước kia để làm gì ? Lại nữa trong giáo tổng trì cũng nói ba mươi bảy tôn đều do một Phật Giá-na hiển hiện nghĩa là Tỳ-lô-giá-na Như Lai nội tâm chứng tự thọ dụng thành tựu năm trí. Từ bốn trí lưu xuất bốn đức Như Lai, đó là đại viên cảnh trí lưu xuất A-xúc Như Lai ở phương đông, bình đẳng tính trí lưu xuất Bảo Sinh Như Lai ở phương nam, diệu quan sát trí lưu xuất Vô Lượng Thọ Như Lai ở phương tây, thành sở tác trí lưu xuất Bất Không Thành Tựu Như Lai ở phương bắc, pháp giới thanh tịnh trí sẽ thành Tỳ-lô-giá-na Như Lai.

Lại hỏi: Nếu y theo nghĩa này đâu chẳng trái với ý thú bình đẳng. Nếu nói là ngã thì y theo ý thú bình đẳng mà nói chẳng phải ngã thân, tại sao đều nói là bổn sư ?

Đáp: Nói bình đẳng là một nghĩa. Duy thức còn nói hữu tình trong tất cả chúng sinh thuộc về nhiều Phật, nhiều Phật cùng hóa độ cho là một Phật. Nếu thuộc về một Phật, Phật có thể thị hiện làm nhiều thân, mười phương Như Lai đều như thế. Hiện tại một Phật có thể biến ra nhiều thân, y theo đây mà khen ngợi bổn sư, như phẩm Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới trong kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Trí Phật thông đạt tịnh vô ngại
Sát-na rõ khắp pháp ba đời
Đều từ tâm thức nhân duyên hiện
Sinh diệt vô thường vô tự tướng
Trong một cõi nước thành chính giác
Tất cả cõi nước cũng như thế
Tất cả nhập mỗi mỗi cũng thế
Tùy tâm chúng sinh mà thị hiện.

Kinh Đại Thừa Thiên Bát Đại Giáo Vương ghi: “Pháp trí phương tiện giáo hóa của tất cả chư Phật đều tập hợp trong nhất tâm, vì đồng với kim cang bồ-đề Thánh tính tam-ma-địa”. Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương ghi: “Ví như mặt trời mặt trăng không có phân biệt, cũng như nước và gương không có phân biệt, ánh sáng cũng không có phân biệt. Ba thứ hòa hợp mới có ảnh tượng sinh ra. Như vậy pháp như như, trí như như cũng không phân biệt. Vì nguyện tự tại nên chúng sinh có cảm Phật hiện thân ứng hóa, như bóng của mặt trời mặt trăng hòa hợp xuất hiện”.

Như Lai nghĩa là không đến không đi cho nên nói đến ứng với các căn cơ mà chẳng đi, luôn luôn trở về tịch diệt mà chẳng đến. Vì sao ? Vì y thể khởi dụng nên là đi, vì là dụng của thể nên chẳng đi, ứng cơ hiện tiền gọi là đến, vì ứng chẳng lìa thể như bóng của mặt trăng nên chẳng đến. Lại vì đến ứng hợp nên gọi là đi, vì ứng không có tướng ứng nên gọi là chẳng đi; luôn luôn trở về tịch diệt gọi là đến, diệt bất khả đắc nên gọi là chẳng đến; cho đến tất cả pháp đều không đến đi. Như kinh có bài kệ:

Tất cả pháp không đến
Thế nên không có sinh
Ở trong pháp vô sinh
Thị hiện khởi bi hóa.

Do đó luận Đại Trượng Phu nói: “Bồ-tát tư duy tất cả chúng sinh hay vì ta tạo nghiệp chân chính, chẳng khiến một chúng sinh có ý nghĩ chẳng chân chính”. Nói lợi tha là tìm cái tướng của người khác chẳng thể được, vì đều như chính mình. Lại nói: “Bồ-tát tư duy khiến lòng từ bi của mình cũng như hư không, tất cả núi sông rừng rậm chim bay thú chạy đều nương hư không mà an trụ, tất cả chúng sinh luôn luôn đều nằm trong lòng từ bi của ta, đây gọi là với đại bi đồng thể thì chúng sinh nào mà chẳng độ, khởi đại tuệ bình đẳng thì đạo nào mà chẳng thành ? Như luận Hoa Nghiêm nói: “Vô tận công đức tạng hồi hướng, ngôi vị này nói thiền và trí hợp nhau trí và bi hòa hội, lấy hư không vô tận làm đạo tràng, lấy hành tướng vô minh của vô tận chúng sinh làm Phật sự, thân luôn phụng sự vô tận chư Phật mà đầy khắp pháp giới, giáo hóa vô tận chúng sinh đều thành Phật thân, trong ngoài cùng bặt, trước sau đều dứt, biết khắp các pháp chẳng hoại vô tâm”. Phẩm Vô Tận Công Đức Tạng nói: “Trong một lỗ lông thấy a-tăng-kỳ chư Phật xuất thế được pháp vô tận tạng, rõ tâm tính vốn không, lớn nhỏ đều hết, thân là bóng của trí cõi nước cũng thế. Bóng của trí thanh tịnh biết rõ lớn nhỏ tương nhập, dụ như cảnh giới nhân-đà-la võng”.

Kinh nói: “Dùng trí lực của Phật quán tất cả pháp thảy đều vào một pháp là nói muôn cảnh tuy nhiều nhưng đều do nhất tâm khởi, tâm mất cảnh diệt muôn cảnh đều hư, như các bóng ảnh trong nước sạch, nước hết ảnh mất, đây là nói theo phá hữu thành vô. Lại vì cảnh do trí sinh, trí hư cảnh huyễn, nhiều tướng tương nhập chẳng lìa một hư, huyễn chẳng khác hư, hư chẳng khác huyễn, hư huyễn không hai, nhất dị đều hư, đó là y cứ vào trí huyễn hư tự tại vô ngại môn mà nói. Đây đều là mượn pháp để nói, nếu như thật biết chỉ cần dứt suy nghĩ là trí hội, trí hội mới có thể dụng mà thường chân chẳng mê tâm cảnh. Dùng đại nguyện lực tùy trí huyễn sinh các thân chúng sinh, như ứng nhiếp hóa nên gọi là vô tận công đức tạng.

Lại nói: “Bồ-tát Pháp Vân Địa tùy theo tâm niệm lực quảng đại vi tế tự tha tương nhập nhất đa đại tiểu đan xen nhau, thần thông đức dụng tự tại đều tùy theo tâm niệm mình tạo thành. Như cảnh giới tác dụng của tất cả chúng sinh đều là tự tâm chấp nghiệp làm thành, quả báo thiện ác trời, người, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, v.v… đều do nhất tâm tạo ra. Như Bồ-tát Thập địa dùng năng lực đại trí của pháp thân vô tác tùy theo tâm niệm thảy đều thấy biết đồng thời tự tại khắp mười phương, với phổ quang minh trí là thể, trí thể vô y xứng tính trùm khắp pháp giới đồng lượng với hư không đây khắp mười phương thế giới. Dùng vô tính trí đại dụng tùy niệm, dùng bất vong thất trí tùy niệm đều thành, dùng cụ tổng biệt trí tạo ra tổng biệt đồng dị thành hoại, dùng quãng hiệp đại tiểu tự tại trí hóa thông vô ngại, dùng dữ nhất thiết chúng sinh đồng thể trí có thể biến cảnh giới tất cả chúng sinh thuần là cõi tịnh độ, dùng tự tha vô nhị trí một thân làm nhiều thân, nhiều thân làm một thân, dùng pháp thân vô đại tiểu lượng trí có thể nơi lỗ lông chứa tất cả cõi Phật, dùng đẳng hư không vô biên vô phương trí trong một niệm hiện sinh khắp mười phương mà không đến đi, dùng như hưởng trí có thể hưởng ứng, đối hiện chúng sinh ứng hình, dùng cụ túc viên mãn phúc đức trí mà thường ở nơi cõi nước vi diệu, cùng ở chung với tất cả chúng sinh. Nếu chẳng nhờ sức gia trì của Phật thì chúng sinh chẳng thấy”.

Hỏi: Làm thế nào thấy Phật xuất thế ?

Đáp: Phải thấy tự thân không thân không tâm, không ra không vào, không trong không ngoài, không động không tịch, không nghĩ không cầu, thế gian là xuất thế gian đều không có trụ xứ, không tâm sở pháp, không tâm tâm pháp. Tâm pháp không chỗ nương tựa, tính không có trước sau, dùng vô y trụ trí nói pháp như thế giáo hóa chúng sinh đều khiến cho ngộ nhập đây gọi là thấy Phật xuất thế.

Phẩm Quang Minh Giác, ngài Văn-thù-sư-lợi có bài tụng:

Thế và xuất thế thấy
Tất cả đều siêu việt
Mà hay khéo biết pháp
Sẽ thành ánh sáng lớn
Ở nơi nhất thiết trí
Pháp sinh tâm hồi hướng
Thấy tâm không chỗ sinh
Sẽ được danh xưng lớn
Chúng sinh không có sinh
Cũng lại không có hoại
Nếu biết được như thế
Sẽ thành Vô thượng đạo.

Kinh Đại Tập ghi: “Phật bảo Hiền Hộ: Như lửa chưa sinh, khi ấy có người nói hôm nay ta phải dập tắt lửa này. Hiền Hộ, ý ông thế nào ? Lời nói của người này thành thật chăng ? Hiền Hộ đáp: Dạ không, bạch Thế Tôn! Phật bảo Hiền Hộ: Như vậy các pháp từ xưa đến nay rốt cuộc chẳng thật có, tại sao lại nói ta có thể chứng biết tất cả các pháp, ta có thể liễu đạt tất cả các pháp, ta có thể giác ngộ tất cả các pháp, ta có thể độ thoát tất cả chúng sinh đang ở trong sinh tử  ?”. Đây chẳng phải lời nói chân chính. Vì sao ? Trong pháp giới vốn không có các pháp, cũng không có chúng sinh làm sao nói độ ? Chỉ do nhân duyên độ thoát trong thế đế. Cho nên biết ngoài tâm không có pháp làm gì có sở đắc. Phật thân vô vi chỉ tùy duyên hiện.

Triệu luận nói: “Kinh Phóng Quang nói: Phật như hư không không đến không đi, ứng duyên mà hiện không có phương sở, vậy thì Thánh nhân ở trong thiên hạ lặng lẽ hư vô không chấp không tranh, dẫn dắt mà chẳng đi trước, cảm rồi sau mới ứng, ví như tiếng vang trong hang vắng, ảnh tượng trong gương sáng; đối diện nó mà chẳng biết từ đâu đến, theo nó mà chẳng biết đi về đâu, chợt có chợt không, động mà càng tịch, ẩn mà càng rõ, xuất u nhập minh biến hóa vô thường là tên gọi của nó. Nhân ứng mà làm, bày dấu là sinh, bặt dấu là diệt, sinh gọi là hữu dư, diệt gọi là vô dư. Vậy tên gọi hữu vô vốn vô danh, đạo vô danh nơi nào chẳng có tên gọi. Thế nên Thánh nhân ở nơi vuông thì vuông, ở nơi tròn thì tròn, ở nơi trời thì trời, ở nơi người thì người. Phàm có thể làm trời có thể làm người thì đâu thể trời người làm được. Vì chẳng phải trời chẳng phải người nên có thể làm trời có thể làm người. Cho nên gương sáng không hình mà có thể hiện muôn hình, Thánh nhân vô tâm mà có thể ứng muôn tâm; ẩn chẳng mất ánh sáng, hiển chẳng bày dấu vết. Cho nên luận nói: “Thánh nhân điểm tĩnh lặng lẽ không có điềm tốt xấu, ẩn hiển đồng nguồn; tồn tại chẳng phải là có, mất đi chẳng phải là không. Vì sao ? Phật nói: Ta vô sinh chẳng sinh, tuy sinh mà chẳng sinh; vô hình chẳng hình, tuy hình mà chẳng hình”.

Hỏi: Pháp thân Như Lai là tâm tính chân thật, báo thân Như Lai y chân mà khởi, hóa thân Như Lai có tâm chăng ?

Đáp: Nếu y cứ vào thể thì cùng chẳng lìa, nếu y cứ vào sự thì phân chia. Như kinh Thâm Mật nói: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, hóa thân Như Lai nên nói là có tâm hay là không tâm ? Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: Này thiện nam, chẳng phải có tâm, cũng chẳng phải không tâm. Vì sao ? Vì không nương nơi tự tâm, có nương nơi tha tâm”.

Hỏi: Kinh nói: “Bồ-tát đóng chặt tất cả các cõi ác”. Tất cả chúng sinh tùy theo nghiệp của tự tâm đều chịu quả báo khổ. Do đó kinh có bài kệ:

Giả sử trăm nghìn kiếp
Nghiệp đã tạo chẳng mất
Lúc nhân duyên hội ngộ
Quả báo lại tự thọ.

Tại sao Bồ-tát có thể đóng tất cả cõi ác ?

Đáp: Chỉ y cứ tự tâm thường mở cửa sáu thức, đâu từng tạm đóng. Ngày đêm suy lường nghĩ nhớ tất cả việc bất thiện khắp các cảnh giới, niệm niệm luôn tạo địa ngục sinh tử. Kinh nói: “Tâm tưởng tập khởi gọi là địa ngục”. Nếu có thể quán thức tính của tự tâm không thật có tức là mở cửa nẻo thiện; nếu chẳng khởi tâm tưởng tức là đóng cửa đường ác. Nếu được trí tự tại hiện tiền tức là hiện thân sinh năm đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh v.v… để cứu khổ chúng sinh. Cho nên trong thiền môn lập môn vô niệm làm tâm, cho là môn học thiết yếu. Vì thế kinh có bài kệ:

Động niệm nơi vô niệm
Phật pháp chẳng khó được.

Vì sao nói chẳng khó được ? Vì vô niệm nên muôn pháp chẳng sinh ngay đó giải thoát. Nếu có niệm khởi chẳng những mở cửa các đường ác mà hai mươi lăm cõi nhất thời hiển hiện, cho nên biết muôn pháp đều từ niệm sai khác, mười hai loài ngang dọc thiên sai đều theo tưởng sinh, tám vạn môn tranh khởi. Như Tín Tâm Minh nói: “Mắt nếu chẳng ngủ, chiêm bao tự trừ, tâm nếu chẳng khác, muôn pháp nhất như”. Vì các pháp vô thể từ tự tâm sinh, nếu tâm chẳng sinh ngoại cảnh thường tịch, nên nói vạn pháp vốn nhàn mà người tự náo. Do đó Triệu luận nói: “Thế nên Thánh nhân nương chân tâm, theo thuận thì không trệ ngại nào chẳng thông; xét nhất khí để quán sát hóa độ nên gặp gì cũng thuận hợp. Không trệ ngại nào chẳng thông nên có thể hỗn tạp mà thuần nhất; gặp gì cũng thuận hợp nên chạm vật đều nhất như. Đây là vạn tượng tuy khác mà chẳng thể tự khác; chẳng thể tự khác nên biết tượng chẳng phải chân tượng. Tượng chẳng phải chân tượng thì tuy tượng mà chẳng phải tượng, vậy thì vật ngã đồng căn, thị phi nhất khí, tiềm vi u uẩn hầu như chẳng phải chỗ tận cùng của hữu tình. Cho nên biết nương nhất tâm mà dấn bước thì nơi nào chẳng phải chân như, có nhất khí mà hóa hành thì vật nào chẳng thuận. Trang Tử nói: “Trời đất nhất khí mà có thể vạn hóa”. Lão Tử nói: “Trời được nhất để trong, đất được nhất để yên, thần được nhất để linh, vạn vật được nhất để sinh”. Cho nên Thánh nhân dùng một chân tâm để quán muôn cảnh thì gặp gì cũng thuận thích, chạm vật mà hợp nhất. Đây là biết các pháp vô thể duyên giả nương nhau dường như có sai biệt chẳng có thể tự khác. Vì sao ? Dài không tướng dài nên tự chẳng nói ta dài, ngắn không tướng ngắn cũng tự chẳng nói mình ngắn, đều là theo niệm so lường phân biệt, sinh tình chấp biến kế nên biết vạn vật vốn hư, tức tượng mà vô tượng.

Hỏi: Như trên đã nói chúng sinh tự tâm tạo nghiệp tự chịu báo khổ, tại sao nói thay thế nỗi khổ của tất cả chúng sinh ?

Đáp: Theo cổ đức giải thích sự thay thế nỗi khổ có bảy ý:

1- Khởi lòng từ bi ý ưa thích nhưng chưa hẳn thực hiện được.

2- Tu các khổ hạnh có thể cùng với muôn vật làm tăng thượng duyên đây gọi là thay thế nỗi khổ.

3- Lưu hoặc nhuận sinh chịu thân khổ, vì người thuyết pháp khiến họ chẳng tạo ác, nhân quả tiêu mất gọi là thay thế nỗi khổ.

4- Nếu thấy chúng sinh tạo nghiệp vô gián phải chịu khổ lớn, dùng phương tiện vô úy nên phải đoạn mạng tự đọa địa ngục khiến họ thoát khổ.

5- Do mới phát tâm thường ở ác đạo cho đến gặp lúc đói khát thân làm cá to gọi là thay thế nỗi khổ.

6- Đại nguyện cùng với nỗi khổ đều đồng một chân tính, nay lấy đại nguyện tức chân thầm đến nỗi khổ tức chân.

7- Pháp giới là thân, tự tha không khác, chúng sinh thọ khổ chính là Bồ-tát.

Ý ban đầu chỉ là ý ưa thích; hai ý tiếp theo là duyên; hai ý nữa là thật thay thế; hai lý sau cùng là lý quán. Nhưng y cứ vào hữu duyên mới có thể thay thế. Hoàn Nguyên Quán nói: “Đức hạnh thay thế chúng sinh chịu khổ, nghĩa là Bồ-tát tu các hạnh pháp chẳng vì chính mình, mà chỉ muốn lợi ích quần sinh, oán thân bình đẳng khiến họ dứt ác, tu lập vạn hạnh mau chứng bồ-đề. Lúc Bồ-tát thực hành đạo Bồ-tát, đại bi đại nguyện lấy thân làm chất liệu, ở nơi ba đường ác cứu chuộc tất cả chúng sinh thọ khổ khiến họ được vui, tận thuở vị lai tâm không thoái chuyển không có một chút tâm mong muốn chúng sinh báo ân”. Kinh có bài tụng:

Mây bi rộng lớn trùm tất cả
Xả thân vô lượng khắp sát trần
Do xưa nhiều kiếp tu các hạnh
Khiến thế giới này không uế nhơ.

Nghĩa là chúng sinh vọng chấp niệm niệm thay đổi đây gọi là khổ, Bồ-tát dạy họ biết rõ các uẩn không tịch tự tính vốn không nên nói là lìa khổ.

Hỏi: Chúng sinh vô biên, nghiệp khổ cũng vô biên làm thế nào Bồ-tát có thể thay thế được ?

Đáp: Bồ-tát thay thế chịu khổ cho chúng sinh là do sức phương tiện đại bi. Chỉ vì chúng sinh chấp chẳng rõ nghiệp thể, từ vọng mà sinh không do đâu mà có khổ. Bồ-tát dạy họ tu hành hai môn chỉ quán, tâm không tạm thay thế. Nhân quả diệt mất khổ không do đâu sinh chỉ khiến họ chẳng vào ba dường ác đây gọi là thay thế chúng sinh thọ khổ. Thế nên nỗi khổ sinh tử trong tam giới đều là chúng sinh thọ nhận hư vọng vì chẳng rõ căn trần vô tính, gốc ngọn thường không. Trong cứu cánh không chấp thành cứu cánh có, do đây tham thủ kết nghiệp thọ sinh, nơi vô lượng kiếp thọ khổ luân hồi; bị vô minh trói buộc chẳng tỉnh chẳng hay; Bồ-tát rũ lòng đại bi thương xót sự điên đảo ấy mà nói thuốc pháp tính không phá trừ gốc bệnh của hữu tình liền thấu suốt khổ vô sinh chẳng tạo ác nghiệp, biết các thọ cùng khởi, có thể phá nguyên nhân của phiền não. Cái khổ nhận lãnh hư vọng đã không thì cái vui đối trị tự dứt. Do đó Tiên đức nói: Khổ là vui, vui là khổ, chỉ cần tu hành đóng hết cửa nẻo thì cũng không khổ cũng không vui, tự tính xưa nay không trói buộc, do đây diệu ngộ vào môn nhất tế bèn được nhân pháp đều không, chẳng bị tâm cảnh trói buộc ngay đó giải thoát vĩnh viễn ra khỏi nguồn khổ, đâu chẳng phải thay thế nỗi khổ ư  ? Lại kinh nói: “Thuyết pháp là đại thần biến có thể khiến phàm thành Thánh, biến tai họa thành điềm lành; ở trong địa ngục hỏa luân vọt lên đài sen cõi tịnh nào chẳng phải thần biến sao ?”.

Hỏi: Tất cả cảnh giới do tâm phân biệt, nếu có phân biệt liền thuộc vô minh, cho nên nói không tâm phân biệt thì tất cả pháp chính, có tâm phân biệt thì tất cả pháp tà. Chư Phật Như Lai đã dứt vô minh không còn tâm tướng làm sao có thể biết cảnh chân tục sai biệt gọi là nhất thiết chủng trí ?

Đáp: Vì pháp không có tự thẻ nên phân biệt tức vô phân biệt; vì thể chẳng ngại duyên nên vô phân biệt tức phân biệt. Như luận Khởi Tín nói: “Vì tự thể hiển chiếu nên gọi là giác ngộ”. Nghĩa là người gạn hỏi nếu không có tự thể làm sao có thể hiện khắp tâm hành chúng sinh ? Đáp: Tự thể hiển hiện như hạt châu có ánh sáng tự chiếu lại hạt châu. Thể của hạt châu dụ cho tâm, ánh sáng dụ cho trí. Thể tính của tâm tức là pháp tính, lúc soi chiếu các pháp là tự soi chiếu. Văn luận rất rõ ràng, nhưng trong luận lại hỏi: Hư không vô biên nên thế giới vô biên, thế giới vô biên nên chúng sinh vô biên, chúng sinh vô biên nên tâm hành sai biệt cũng lại vô biên. Cảnh giới như thế chẳng thể phân biệt khó biết khó hiểu. Nếu vô minh dứt không có tâm tưởng làm sao có thể biết rõ gọi là nhất thiết chủng trí ?

Đáp: Tất cả cảnh giới xưa nay nhất tâm, xa lìa tưởng niệm. Vì chúng sinh vọng thấy cảnh giới nên tâm có phân biệt; bởi vọng khởi tưởng niệm chẳng xứng pháp tính nên chẳng thể quyết liễu. Chư Phật Như Lai xa lìa kiến tưởng, vì không nơi nào chẳng có tâm chân thật chính là tính của các pháp. Tự thể hiển chiếu tất cả vọng pháp, có đại trí dụng, vô lượng phương tiện, tùy theo chỗ hiểu của chúng sinh mà có thể khai thị các thứ pháp nghĩa, cho nên được gọi là nhất thiết chủng trí.

Giải thích: Tâm chân thật là tính của các pháp, tâm Phật lìa vọng tưởng, thể hội cội nguồn nhất tâm. Lìa vọng tưởng nên gọi là tâm chân thật; thể hội nhất tâm nên gọi là tính của các pháp. Như thế tâm Phật là thể của các pháp hư vọng, tất cả vọng pháp đều là tướng của nhất tâm Phật. Tướng hiện nơi tự thể, tự thể chiếu soi tướng, liễu tri như thế có gì là khó, cho nên tự thể hiển chiếu tất cả vọng pháp. Đây là lý do vì không chỗ thấy nên không nơi nào chẳng thấy. Sớ Sao nói: “Bởi bên trong mê chân lý nên ngoài thức thấy trần, nơi cảnh như lượng chẳng thể tùy thuận các thứ biết. Như người động con mắt trời đất lắt lư, cho nên không thể biết đúng như thật. Đây là biết biển tâm sóng lặng vạn tượng cùng soi, đầm trong sóng dậy cảnh vật chập chờn.