TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 11

Hỏi: Căn cơ được độ thoát nhiều vô lượng cho nên giáo pháp để hóa độ phải vô biên, lập ra năm hạnh1 môn mở rộng đường cho kẻ hiền ngu, giăng lưới tám giáo2 để bắt cá nhân thiên, vì sao nhờ tâm bày tỏ tông mà có thể trị tất cả ?

Đáp: Phương tiện có nhiều môn thì giăng lưới tám giáo làm gì ? Trở về nguồn thể tính không hai là tông nhất tâm cao tột, thế nên dùng hạnh bệnh để cho Thanh văn nghỉ nơi hóa thành; dùng hạnh trẻ con để dụ phàm phu ở thiên giới. Kiêm đãn đối đới3, rũ lòng vì căn cơ sai khác mà khai thị ngộ nhập, chỉ chứng đạo nhất thừa, giống như nghìn phương thuốc cùng trị một bệnh, muôn nghĩa đều hiển bày nhất tâm khiến cho không chấp lấy kiến giải, chạy theo văn tự, đánh mất vị chân pháp, chỉ mong sao hành giả dốc lòng tham cứu chân lý được nguồn chính giác. Như Pháp Hoa Huyền Nghĩa ghi: “Nhất tâm ngũ hạnh chính là tam đế tam-muội, Thánh hạnh tức là chân đế tam-muội; phạm hạnh, anh nhi hạnh, bệnh hạnh tức là tục đế tam-muội; thiên hạnh tức là trung đạo vương tam-muội. Lại viên tam tam-muội phá hết hai mươi lăm hữu, “tức không” nên phá hai mươi lăm nghiệp ác kiến tư hoặc, “tức giá” nên phá hai mươi lăm vô tri, “tức trung” nên phá hai mươi lăm vô minh. Tức một mà ba, tức ba mà một, một không tất cả không, một giả tất cả giả, một trung tất cả trung, nên gọi là Như Lai hạnh”.

Lại, nhà Như Lai thầm xông ướp pháp giới, căn lực từ thiện chẳng động chân tế. Có hòa quang đồng trần thì với hạnh bệnh từ bi ứng hiện các loại thân như câm như điếc nói các thứ pháp như cuồng như si. Có căn cơ sinh thiện thì với hạnh trẻ con từ bi ứng hiện tiếng khóc oa oa trâu gỗ, lá dương. Có căn cơ nhập không quán thì bằng Thánh hạnh từ bi ứng hiện như xách thùng phân với trạng thái kinh sợ. Có căn cơ nhập giả quán thì với phạm hạnh từ bi ứng hiện thấy giường sư tử ngồi, ghế đỡ chân các thương nhân mua bán khắp nước, lợi tức xuất nhập chỗ nào cũng có. Có căn cơ nhập trung quán thì với thiên hạnh từ bi ứng hiện như con ngựa giỏi thấy bóng roi liền chạy trên đường lớn không chút khó khăn. Cho nên không trước không sau không đồng không khác, nói pháp vô phân biệt. Các pháp từ xưa nay tướng thường tự tịch diệt, thích ứng mọi căn cơ như cây đàn a-tu-la. Dẫn tuần tự vào viên, như trước đã nói; dẫn ngay vào viên, như nay đã nói.

Nhập viên đồng chứng lại không sai khác là hiển bày môn biệt viên sơ nhập, căn lực từ thiện khiến cho kẻ tiệm hoặc đốn thấy như thế. Nói pháp môn nhất tâm này thông suốt ngang dọc, nhiếp hết Hằng sa nghĩa nên gọi là tổng trì. Có thể làm chủ của muôn pháp nên gọi là vô thượng. Nếu chỉ luận về sự hạnh thì mất bản tông Phật. Như Kim Quang Minh Kinh Sớ ghi: “Như Vương tử nuôi cọp, Thi-tỳ dạy chim câu đều xả bỏ di thể cha mẹ, không xả bỏ thân mình. Thân mình là thật tướng pháp tính”. Thích Luận nói: “Trì giới là da, thiền định là máu, trí tuệ là xương, thiện tâm vi diệu là tủy”. Vì người nói giới có thể ngăn tội tu phước vô tướng tối thượng chẳng trì chẳng phạm thi ba-la-mật là bố thí da của mình. Nói các loại thiền định, thần thông biến hóa không khởi diệt tận định, hiện các oai nghi đây là bố thí máu của mình. Nói pháp đều đến chỗ nhất thiết trí đây là bố thí xương của mình. Dạy pháp nhẫn nhục là bố thí thịt của mình. Nói pháp tướng sâu xa, hạnh xứ chư Phật bất nhất bất nhị, đường ngôn ngữ bặt, chỗ tâm hành dứt, trung đạo vi diệu là bố thí tủy của mình. Đem những thứ này làm no đủ các chúng sinh đói khát, huống là những thức ăn khác. Thức ăn khác là giới định huệ chân đế xem như da máu xương tủy của nhân, thiên, nhị thừa.

Kinh Pháp Hoa nói: “Trong pháp sâu xa khác chỉ dạy cho người lợi lạc”, chính là nghĩa này. Thế nên người có thể nói pháp môn này là thấu rõ Phật chân tâm là bố thí tủy của mình. Lại tông nhất tâm này, nếu toàn là giản môn thì tâm chẳng phải tất cả thần tính độc lập; nếu toàn là thâu môn thì tất cả tức tâm, diệu thể khắp cả; nếu chẳng phải thâu, chẳng phải giản thì chiếu soi ngăn che đều mất, cảnh trí đều không, danh nghĩa cũng dứt. Có thể gọi là diệu thuật khó lường điểm ngói thành vàng; thần thông vô tác khuấy nước sông thành tô lạc. Chuyển biến tự tại ẩn hiển tùy thời, hoặc co hoặc duỗi, hay đồng hay biệt, thật là phương thuốc thần diệu thì bệnh gì không hết; là pháp môn khéo độ thì căn cơ nào không hợp! Tẩy trừ nhơ uế của tâm, nhổ sạch cội rễ nghi ngờ, mỗi lời đều khế hợp bản tâm, mỗi mỗi đều bao gồm chân tính, pháp pháp là câu kim cương, trần trần là môn bí mật.

Kinh Nhập Pháp Giới Thể Tính ghi: “Văn-thù nói: Tính của các pháp bất hoại cho nên gọi là câu kim cương”.

Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Đối với Phật và pháp
Tâm biết rõ bình đẳng
Hai niệm không hiện tiền
Giẫm lên chỗ khó nghĩ

Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã nói: “Tất cả cảnh giới đối với đại Bồ-tát không có một pháp chẳng thông đạt, tu hành trí ba-la-mật như thế, nhị thừa ngoại đạo không thể lấn áp. Dùng trí quán sát từ lúc mới phát tâm đến nhập niết-bàn đều biết rõ ràng. Có thể nhờ một pháp mà biết tất cả cảnh giới, tất cả cảnh giới tức là một pháp. Vì sao ? Vì như như nhất. Chẳng thấy mình hay tu và pháp được tu, không hai không khác tự tính xa lìa, đây gọi là đại Bồ-tát thực hành bát-nhã ba-la-mật, thông đạt trí bát-nhã ba-la-mật”.

Kinh Tư Ích ghi: “Võng Minh bảo Phạm Thiên: Năm trăm tì-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, ông nên tìm cách dẫn dắt họ vào pháp môn này khiến họ sinh tín giải, lìa các tà kiến. Phạm Thiên nói: Thiện nam, dù đưa họ vượt qua Hằng hà sa kiếp cũng không thể ra khỏi pháp môn này. Ví như kẻ ngu si sợ hãi hư không, bỏ hư không mà chạy đến chỗ nào cũng chẳng lìa hư không. Các tỳ-kheo này cũng như thế, tuy đi rất xa mà chẳng ra ngoài tướng không, không ra ngoài tướng vô tướng, không ra ngoài tướng vô tác. Lại như người tìm kiếm hư không, chạy khắp đông tây nói tôi muốn được hư không. Người ấy chỉ nói tâm hư không mà không được hư không, đi trong hư không mà chẳng thấy hư không. Các tì-kheo này cũng vậy, muốn cầu niết-bàn, đi trong niết-bàn mà không được niết-bàn. Tại sao ? Niết-bàn chỉ có tên như hư không, chỉ có tên mà không thể nắm bắt được. Cho nên biết tất cả chúng sinh không có lòng tin, cho đến ngoại đạo tà kiến sinh lòng chán ghét xa lìa, tự vọng cầu cứu cánh nhưng chưa từng ra khỏi địa vị nhất tâm”. Thế nên kinh Mật Nghiêm có kệ:

Như cơm một hạt chín
Các hạt khác cũng thế
Các pháp cũng như vậy
Biết một liền biết cả
Ví như người khuấy lạc
Thưởng thức bằng ngón tay
Tính các pháp như thế
Lấy một để quán sát.

Kinh Lăng Già có kệ:

Như hình tượng trong gương
Tuy thấy mà không có
Ở trong gương vọng tưởng
Người ngu thấy có hai.

Kinh Pháp Tập ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát Hải Huệ bạch Phật: Thế Tôn, Bồ-tát muốn được thấy niết-bàn nên quán tâm tịch diệt hư vọng phân biệt, đến chỗ như thế sẽ được niết-bàn, đây là pháp tập diệu thắng”.

Kinh Đại thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Quán Tâm nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: Thế Tôn, như đức Phật dạy Diệu Đức cùng năm trăm vị trưởng giả: Ta vì các ngươi diễn bày pháp môn tâm địa vi diệu. Nay con vì họ mà hỏi Như Lai thế nào là tâm, thế nào là địa ? Cho đến Bạc-già-phạm nói với mẹ chư Phật, đại thánh Vô cấu, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: Này đại thiện nam, pháp này gọi là pháp môn tâm địa bí mật tối thắng của mười phương Như Lai. Pháp này gọi là pháp môn đốn ngộ mà tất cả phàm phu vào đất Như Lai. Pháp này gọi là con đường chính chân thật mà tất cả Bồ-tát đi đến bồ-đề. Pháp này gọi là cung điện báu vi diệu mà ba đời chư Phật tự thụ pháp lạc. Pháp này gọi là kho báu vô tận làm lợi ích tất cả hữu tình. Pháp này hay dẫn chư Bồ-tát đến chỗ trí tự tại cứu cánh. Pháp này hay đưa đến cội bồ-đề, thân sau Bồ-tát làm đạo sư chân thật. Pháp này hay rưới của cải như châu báu ma-ni làm mãn nguyện chúng sinh. Pháp này hay sinh cội nguồn công đức của mười phương chư Phật ba đời. Pháp này hay tiêu trừ các nghiệp quả xấu ác của tất cả chúng sinh. Pháp này hay ấn chứng điều nguyện cầu của tất cả chúng sinh. Pháp này hay lặng dừng sóng cả trong biển khổ của hết thảy chúng sinh. Pháp này hay độ những hiểm nạn sinh tử của tất cả chúng sinh. Pháp này hay cứu chúng sinh khổ não khi bị tai nạn bất ngờ. Pháp này hay làm khô cạn biển già bệnh chết của tất cả chúng sinh. Pháp này khéo sinh ra nhân duyên chủng tử chư Phật. Pháp này hay làm ngọn đuốc đại trí cho đêm dài sinh tử. Pháp này hay làm mũ và áo giáp chiến đấu bốn thứ ma.

Pháp này chính là cờ lệnh chiến thắng của đoàn quân dũng mãnh. Pháp này chính là pháp luân vô thượng của tất cả chư Phật. Pháp này chính là pháp tràng tối thắng. Pháp này chính là đánh trống đại pháp. Pháp này chính là thổi loa đại pháp. Pháp này chính là đại sư tử vương. Pháp này chính là đại sư tử hống. Pháp này như Quốc Đại thánh vương khéo được chính pháp, nếu thuận theo sự giáo hóa của vua thì được an lạc lớn, nếu nghịch lại thì sẽ bị mất mạng. Này thiện nam! Trong tam giới lấy tâm làm chủ. Nếu hay quán tâm thì rốt ráo giải thoát, còn không quán tâm thì mãi mãi trầm luân. Tâm chúng sinh giống như đất đai, ngũ cốc hoa quả từ đất sinh ra, tâm pháp cũng thế sinh ra mọi thứ thế pháp, xuất thế pháp, thiện pháp, ác pháp, ngũ thú, hữu học, vô học, Độc giác Bồ-tát cho đến Như Lai. Vì nhân duyên ấy tam giới chỉ là tâm, tâm gọi là địa.

Tất cả phàm phu gần gũi bạn tốt, nghe pháp tâm địa, quán sát đúng như lý, tu hành theo lời dạy, tự lợi lợi tha, ca ngợi an ủi, những người như thế hay đoạn trừ hai chướng, chóng viên mãn các hạnh, mau được Vô thượng chính đẳng chính giác.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: Thế Tôn như lời Phật dạy, chỉ lấy tâm pháp làm chủ ba cõi. Tâm pháp vốn không nhiễm trần uế, tại sao tâm pháp lại nhiễm tham sân si ? Trong ba đời cái gì là tâm ? Tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại không trụ; trong các pháp tính bất khả đắc, ngoài các pháp tướng bất khả đắc, ở giữa các pháp cũng bất khả đắc. Tâm pháp xưa nay không có hình tướng, tâm pháp xưa nay không có trụ xứ. Tất cả Như Lai còn không thấy tâm, huống là những kẻ khác. Tất cả pháp sinh khởi từ vọng tưởng do nhân duyên. Hôm nay Thế Tôn vì đại chúng nói tam giới duy tâm, cúi mong Như Lai xót thương giải nói đúng như thật. Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sự-1ợi: Đúng thế, thiện nam! Như lời ông hỏi, pháp tâm và tâm sở bản tính không tịch. Ta nói nhiều thí dụ để làm rõ ý nghĩa của nó. Này thiện nam, tâm như huyễn pháp, do biến kế sinh ra các thứ tâm tưởng, vì thọ khổ lạc; tâm như dòng nước luôn sinh diệt, vì trước sau không tạm dừng; tâm như luồng gió mạnh vì trong một sát-na quét khắp mọi chỗ; tâm như ánh đèn, vì do hòa họp mà sinh ra; tâm như tia chớp vì trong khoảnh khắc không tồn tại lâu; tâm như hư không, vì bị khách trần phiền não che chướng; tâm như khỉ vượn, vì chạy nhảy lăng xăng trên cây ngũ dục; tâm như họa sĩ, vì hay vẽ các cảnh sắc thế gian; tâm như kẻ nô bộc, vì bị phiền não sai sử; tâm như kẻ độc hành, vì không người thứ hai; tâm như quốc vương vì toàn quyền sắp đặt mọi việc. Lại nữa thiện nam, pháp tâm và tâm sở không trong, không ngoài, cũng không ở giữa. Ở trong các pháp cầu tìm không thể được, khứ lai hiện tại cũng không thể được, vượt lên ba đời, chẳng phải có, chẳng phải không. Tâm bị nhiễm trước từ vọng duyên hiện, mà duyên thì không có tự tính, tâm tính vốn không. Như vậy tính không không sinh không diệt, không đến không đi, chẳng đồng chẳng khác, chẳng đoạn chẳng thường, vốn không có chỗ sinh cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng phải xa lìa chẳng phải chẳng xa lìa. Như thế tâm này không khác vô vi, thể của vô vi không khác tâm này. Thể của tâm pháp vốn không thể nói, phi tâm pháp cũng không thể nói. Vì sao ? Nếu vô vi là tâm thì gọi là đoạn kiến, nếu lìa tâm pháp thì gọi là thường kiến. Lìa hẳn hai tướng, chẳng chấp trước hai bên, nếu tỏ ngộ điều này gọi là thấy chân đế, người tỏ ngộ chân đế gọi là bậc Thánh hiền. Tất cả Thánh hiền tính vốn không tịch. Trong pháp vô vi, giới không có trì phạm, cũng không có nhỏ lớn, không có tâm vương cùng tâm sở, không khổ không vui. Như thế pháp giới tự tính không nhơ uế, không có tướng thượng trung hạ sai biệt. Vì sao ? Vì pháp vô vi tính bình đẳng như các dòng chảy về biển cả cùng một vị không có tướng sai khác. Tính vô cấu này là vô đẳng đẳng, xa lìa ngã và ngã sở. Tính vô cấu này chẳng thật chẳng hư. Tính vô cấu này là đệ nhất nghĩa, không có tướng tận diệt, thể vốn bất sinh. Tính vô cấu này thường trụ bất biến, là niết-bàn tối thắng thường lạc ngã tịnh. Tính vô cấu này xa lìa tất cả thể bình đẳng không sai khác. Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn cầu Vô thượng chính đẳng chính giác cần phải nhất tâm tu tập pháp quán tâm địa như thế”. Trong Luận Đại Trí Độ, hỏi: “Bát-nhã ba-la-mật là đạo thứ nhất của Bồ-tát. Nhất tướng được gọi là vô tướng. Vì sao nói được các thứ đạo ? Đáp: Đạo này đều vào trong nhất đạo, nghĩa là đối với thật tướng các pháp, mới học thì có nhiều thứ sai biệt, về sau đồng nhất không có sai biệt, ví như lúc kiếp tận thiêu đốt, tất cả mọi thứ đều thành hư không, cho nên biết bỏ qua cách tu này thì mất đi chỗ tiến bộ, lìa phương tiện này thì không mong gì thành Phật. Nhẫn đến từ lúc bắt đầu đắc đạo đến niết-bàn, trong đó năng hóa sở hóa, thầy trò trước sau đồng thời tùy cơ ứng hóa đều không rời tự tâm”.

Như Thiên Thai giáo nói: “Tâm vương là Như Lai, tâm số là đệ tử”. Nhưng từng sát-na nối nhau, ngày đêm chúng sinh thường sinh ra vô lượng trăm nghìn chúng sinh. Tâm vương tà thì tất cả pháp tà, tâm vương chính thì tất cả pháp chính. Ngày nay người học đạo tu hành phải khéo biết rõ ý nghĩa này. Nếu tu trí tuệ chỉ nên nội khởi huệ số tư duy phân biệt; nhân đây phát nửa phần trí tuệ tự lợi lợi tha tức là giống như Xá-lợi-phất trang nghiêm song thụ. Như vậy mỗi mỗi căn cứ tâm số tạo thành thì hạnh nguyện của mười vị đại đệ tử đều do tâm. Nếu hay quán sát kỹ tâm tính tức là thấy Phật tính trụ đại niết-bàn, tức đồng Như Lai đầy đủ trang nghiêm sa-la song thụ. Nếu quán hạnh tâm sáng thì thấy tâm vương, tức là pháp vương; tâm số tức là ý nghĩa đại đệ tử trang nghiêm song thụ giống như mắt thấy.

Hỏi: Tông Thiên Thai dạy quán tâm lời lẻ bí hiểm, chỉ sơ sài làm sao thấu đáo được ?

Đáp: Hoàn Nguyên Tập ghi: “Kinh Pháp Hoa nói: Thụ trì kinh gì ? Ca ngợi Phật đạo nào ? Hoa Nghiêm nói: sắc kinh luận, thọ tưởng hành thức kinh luận. Nếu theo ý mình cùng có thể nói rằng nhãn kinh luận, nhĩ tỷ thiệt thân ý tham sân si kinh luận. Tại sao như thế ? Kinh nói biết nhãn vô sinh không có tự tính, nói không tịch diệt không có gì cả, sáu căn đồng với kinh này. Kinh chỉ là pháp. Biết pháp nhãn không tức là nhãn kinh luận. Pháp nhĩ không tức là nhĩ kinh luận. Các giới khác cũng như vậy. Đạo lý ắt cần soi xét thật sự, không thể nói suông đây là tự lừa dối. Đi đứng nằm ngồi, thọ trì ấm, giới nhập là thực hành kinh gì ? Trên sắc phát ra trí tuệ tức là thực hành sắc kinh; cho đến tùy theo nhất thiết xứ, nếu tỏ ngộ tức là thụ trì nhất thiết xứ kinh. Thừa này từ trong tam giới xuất hiện, đến trụ trong nhất thiết trí, vì nó bất động, chính là ý nghĩa này vậy. Nếu tin chắc nghĩ sâu thì kinh Như Pháp Trụ ghi: Như pháp trụ cũng như sáu căn kia pháp tính không mà giả nói rằng trụ. Ca ngợi Phật đạo nào ? Kinh Anh Lạc nói: Thật trí tính là pháp thân. Nếu thấy thật tính tức là ca ngợi pháp thân Phật. Nghe nói thân có thật tính, tức ở nơi ấm, giới, nhập được không tam-muội, lục độ, thất giác chi, tam hiền, thập địa, diệu giác v.v… để báo đáp công đức trên, tức là ca ngợi báo thân Phật. Được các pháp trước kia ứng với thân chúng sinh tức là ca ngợi ứng thân Phật. Đây là trong thân mình, một niệm thấy ba vị Phật, chúng sinh chẳng quán sát nên tuy thân cận mà chẳng thấy. Kinh Đại Tập nói: Xuất mà không xuất gọi là Phật xuất, thiền mà không thiền gọi là chính thiền, thoát mà không thoát gọi là chính thoát. Kinh Ma Nghịch ghi: Ma cầu xin ngài Văn-thù cởi bỏ sự trói buộc. Văn-thù nói: Không ai trói buộc ông, ông tự tưởng mình bị tói buộc! Ma liền nói: Tôi mãi mãi không được giải thoát.

Kinh nói: Vốn tự không trói buộc thì nhờ ai cởi mở. Giả sử pháp giới có sự trói buộc ta liền cởi mở, cái chân thật không sinh không diệt này phải tìm trong tâm hành, đối với người vô trí chớ nói kinh này, sợ họ sinh tà kiến như thuốc trở lại thành bệnh.

Tri ly gọi là pháp, giác pháp gọi là Phật. Tri ly là xa lìa sắc tính, xa lìa thọ tưởng hành thức, từ một pháp tính không mà tạm nói Tam bảo”.

Hòa thượng Hoàng Bá nói: “Nếu ông nghĩ đến một pháp thì ấn đã thành hình”. Ấn nơi hữu thì những hiện tượng của tứ sinh xuất hiện, ấn nơi không thì những hiện tượng của không giới vô tưởng xuất hiện. Nay chỉ quyết định không ấn mọi vật thì ấn này cùng với hư không, chẳng đồng chẳng khác. Hư không chẳng phải không, bản ấn chẳng phải có, thấy chư Phật trong mười phương thế giới xuất thế như ánh điện, xem mọi loài xuẩn động như tiếng vang. Nghìn kinh muôn luận chỉ nói đến nhất tâm của ông; tất cả pháp bất sinh bất diệt tức là quả đại niết-bàn. Cho nên nói quả mãn bồ-đề viên, hoa khai thế giới thành, thế nên biết quả bồ-đề viên mãn kết từ hoa tâm, còn thế giới duyên khởi bắt đầu từ sóng thức.

Xưa kia có hai vị pháp sư Nguyên Hiểu4 và Nghĩa Tương ở Đông quốc (Cao Ly), cả hai cùng đến Trung quốc vào đời Đường tầm sư học đạo. Đêm tối gặp chỗ hoang vắng phải ngủ tạm nơi gò mả, pháp sư Nguyên Hiểu do khát nên nghĩ đến nước uống tức thì bên cạnh ông xuất hiện một dòng nước trong, ông liền vốc uống cảm thấy rất ngon thơm. Đến sáng hôm sau mới biết nước đó là chất dịch của tử thi. Lúc ấy ông cảm thấy buồn nôn ói ra hết, bỗng nhiên đại ngộ, bèn nói: Tôi nghe Phật dạy tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, cho nên biết đẹp xấu ngon dở tại ta, thật sự chẳng phải là nước uống! Ông liền trở về quê cũ truyền bá Chính pháp. Cho nên biết không có một người nào chưa tỏ ngộ mà liền dứt bỏ cái tâm đi đó đi đây, vác hòm mang túi đi khắp các nơi để học hỏi tam thừa, cho dù tầm thầy, hỏi bạn, tham học thiền gia khắp nơi cũng vô ích. Nếu muốn dứt học ngưng thần, rốt cuộc cần phải trở về Tông Cảnh; Như kinh Đại Niết-bàn nói: “Phật dạy làm thế nào Bồ-tát tin theo nhất thật, Bồ-tát biết rõ tất cả chúng sinh đều quy về nhất đạo? Nhất đạo nghĩa là đại thừa”. Giải thích: Đại tức là tâm tính chung sinh bao trùm khắp cả, rất nhỏ dù một hạt bụi cũng không thể vào, rất lớn không một pháp nào mà chẳng chứa. Thừa là nghĩa chuyên chở, có thể đưa người đến biển nhất thiết trí. Biết rằng biển này xa mà của báu tâm tính thường hiện thì ngọc bích nước Triện chẳng còn quí giá, hạt châu nước Tùy chưa trân quí bằng. Thiện Hữu uổng công trôi nổi nơi biển cả mênh mông, Biện Hòa dối truyền nơi núi non hiểm trở. Nếu vào Tông Cảnh, không khởi vọng tưởng trong khoảng sát-na, của báu kia tự hiện, cần gì đi tham cứu cả pháp giới, dạo khắp tùng lâm. Lúc tỏ ngộ rồi biết rõ chẳng phải do người khác mà được. Như Hàn Sơn có bài thơ:

Ngày xưa từng vào trong biển cả
Khẩn cầu tìm kiếm châu ma-ni
Tìm kho thâm mật tận Long cung
Cửa vàng bẻ khóa quỉ thần buồn
Long vương gìn giữ rất yên tâm
Kiếm báu rợn người đừng tìm nữa
Thương khách thui thủi trở về nhà
Minh châu vốn ở tại tâm ta.

Hòa thượng Đỗ Thuận có kệ:

Du tử uổng bôn ba
Lên núi lễ gò đất
Đó chỉ là Văn-thù
Chỗ nào tìm Di-đà?

Lộng Châu Ngâm của hòa thượng Thạch Cũng5 nói:

Châu như ý, đại viên cảnh
Cũng có kẻ gọi là tính
Phân thân trăm ức hạt châu phân
Vô thỉ vốn sạch như nay sạch
Chân châu nhật dụng chính là Phật
Nhọc nhằn tìm kiếm để làm chi!
Ẩn hiển ngày nay không hai tướng
Hạt châu trước mắt có biết chăng?

Hỏi: Tất cả muôn pháp đều duy thức tính, tại sao có hư có thật, lập sắc lập không, hai đế chân tục, tính tướng đều thông ?

Đáp: Bóng của vạn vật hiện bày đều là bản tông của duy tâm, dấu của sai biệt phân chia đều là diệu tính của duy thức. Tính của duy thức đại khái có hai thứ: Một là hư vọng tức là biến kế sở chấp tính, hai là chân thật tức là viên thành thật tính. Duy thức tính trước khiển trừ sự thanh tịnh, duy thức tính sau chứng đắc sự thanh tịnh. Lại có hai thứ: Một là thế tục tức là y tha khởi tính, hai là thắng nghĩa tức là viên thành thật tính. Cái trước dứt mất thanh tịnh, cái sau được thanh tịnh. Lại tướng tức là y tha khởi bao gồm môn hữu vi, tính tức là viên thành thật thông suốt đạo vô lậu. Lại sắc là tướng của y tha khởi, không là tính của viên thành thật.

Những thứ hư thật, tính tướng; chân tục, có không trên đây nếu truy tận cội nguồn đều là duy thức tính. Từ Ân (Huyền Trang) nói: “Thức tính, thức tướng đều chẳng lìa tâm; tâm sở, tâm vương lấy thức làm chủ”. Quay về tâm mất tướng nói chung là duy thức, chỉ là ngăn cảnh có. Chấp có thì mất cái chân thật, vì thức giản dị tâm rỗng không. Chấp không thì trái với sự thật. Thế nên tâm Phật như biển không dòng sông nào không chảy vào tâm Phật như gương không ảnh tượng nào không hiện, tâm Phật như hạt châu không báu vật nào không có, tâm Phật như đất đai không hạt giống nào mà không sinh trưởng. Vạn tượng hiện nơi pháp thân, các nghĩa sinh tử bát-nhã thì một lời, một chữ, một niệm, một trần đều vào pháp môn bất nhị, đều trụ chỗ giải thoát bất tư nghì. Như kinh Kim Cương Tam-muội nói: “Nếu ở trong biển cả thì bao gồm các dòng sông, ở nơi một vị thì nhiếp tất cả vị”. Kinh Vô Hành có kệ:

Giác chẳng phải là giác
Phật chẳng phải là Phật
Nếu biết là một tướng
Là đạo sư thế gian.

Cho nên biết rằng nếu có thể thấu rõ tông vô tướng này thì xứng đáng làm thầy, làm khuôn mẫu cho mọi người, cứu độ quần mê, không nghỉ ngơi nơi hóa thành mà đi thẳng đến bảo sở. Thế nên kinh nói: Thường ưa quán tịch diệt, một tướng không có hai, tâm này không thêm bớt, hiện vô lượng thần lực.

Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Xuất Hiện nói: “Này Phật tử, ví như có một quyển kinh lớn bằng tam thiên đại thiên thế giới, trong đó ghi chép tất cả sự việc trong tam thiên đại thiên thế giới, đem quyển kinh này đặt trong một hạt bụi nhỏ. Khi ấy, có người trí tuệ sáng suốt, đầy đủ thiên nhãn thanh tịnh thấy quyển kinh này ở trong hạt bụi, đối với chúng sinh không đem lại lợi ích gì nên nghĩ: “Ta phải dùng sức tinh tấn đập vỡ hạt bụi kia, lấy quyển kinh này ra ngoài để làm lợi ích cho chúng sinh”. Nghĩ xong người ấy liền dùng phương tiện đập vỡ hạt bụi lấy quyển kinh ra đem lợi ích cho khắp chúng sinh. Đối với một hạt bụi, tất cả hạt bụi cũng nên biết như thế. Này Phật tử, trí tuệ Như Lai cũng như thế, vô lượng vô ngại hay lợi ích tất cả chúng sinh, đầy đủ trong thân chúng sinh, chỉ vì phàm phu vọng tưởng chấp trước, không hay không biết nên không được lợi ích. Bấy giờ, với trí nhãn thanh tịnh không chướng ngại, Như Lai nhìn khắp tất cả chúng sinh trong pháp giới mà nói: Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sinh tại sao có đủ trí tuệ Như Lai mà do ngu si mê muội chẳng hay chẳng biết, ta phải dạy họ nhờ Thánh đạo nên họ xa lìa vọng tưởng chấp trước, tự nơi thân họ thấy được trí tuệ rộng lớn của Như Lai cùng với Phật không khác. Ta dạy chúng sinh ấy tu tập Thánh đạo khiến lìa vọng tưởng, chứng được trí tuệ Như Lai, đem lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh”.

Giải thích: Kinh quyển lớn như đại thiên tức là trí tuệ Như Lai. Ở trong một hạt bụi nhỏ tức là ở trong tâm một chúng sinh. Tất cả hạt bụi đều như thế, tức là tất cả pháp giới chúng sinh đều có Phật trí, vì tình trần tự cách ngăn không thể chiếu soi, luống chôn vùi kho báu, uổng che lấp linh đài, như hạt châu bị lún trên trán, như kẻ say không biết báu vật trong áo, nếu không chỉ ra thì làm sao biết được. Do đó Tiên đức nói: Đập vỡ hạt bụi lấy quyển kinh ra tức là biết Hằng sa Phật pháp ở trong một tâm. Thế nên biết nước chưa vào biển thì không mặn, củi chưa vào lửa thì chẳng cháy, cảnh chưa về tâm thì không đồng. Chỉ có lấy Tông Cảnh thu vạn pháp đều đồng nhất chiếu soi, thị phi đều dứt, nghịch thuận cùng về, không một tâm nào chẳng phải Phật tâm, không một việc nào chẳng phải Phật sự, chưa thấy trong khoảng sát-na nào chẳng phải là lúc Như Lai được bồ-đề, không có hạt cải nào chẳng phải là chỗ bỏ thân mạng của Bồ-tát. Vì vậy Tiên đức nói: Tâm chẳng phải ngoài cảnh nên vô đắc, cảnh chẳng phải ngoài tâm nên vô tướng. Tức tâm là cảnh nên rất sâu, tức cảnh là tâm nên khó vào. Như Triệu pháp sư nói: “Tức sự không có gì chẳng khác, tức không không có gì chẳng đồng. Bậc cao tột cũng như hạng thấp hèn đều do nhất quán mà được bình dẳng”. Thiên Thai giáo nói: “Như đất đai không sai khác cỏ cây bao nhiêu. Lại căn cứ tâm luận pháp, căn cứ pháp luận tâm tâm có các số, pháp không có các số, tâm không lìa pháp, pháp không lìa tâm, không số mà số, số mà không số”. Do đó luận Khới Tín nói: “Lại nữa chân như y theo phân biệt nói năng có hai nghĩa. Thế nào là hai ? Một là như thật không, vì hay rốt ráo hiển thật. Hai là như thật bất không, vì có tự thể đầy đủ công đức tính vô lậu”.

Nói không là vì từ xưa đến nay chẳng tương ưng với các nhiễm pháp. Nghĩa là lìa tất cả tướng sai biệt, vì không có tâm niệm hư vọng. Phải biết tự tính chân như chẳng phải hữu tướng chẳng phải vô tướng, chẳng phải phi hữu tướng, chẳng phải phi vô tướng, chẳng phải hai tướng hữu vô, chẳng phải nhất tướng chẳng phải dị tướng, chẳng phải phi nhất tướng, chẳng phải phi dị tướng, chẳng phải hai tướng nhất dị. Tóm lại, tất cả chúng sinh vì có vọng tâm niệm niệm phân biệt đều không tương ưng nên nói là không. Nếu lìa vọng tâm thật sự không thể không.

Nói bất không, vì hiển bày pháp thể rỗng không, không có hư vọng, tức là chân tâm thường hằng bất biến, pháp thanh tịnh đầy đủ thì gọi là bất không. Cũng không có tướng để nắm lấy, vì là cảnh giới ly niệm chỉ có thể chứng mới tương ưng.

Chân như, theo xưa giải thích, trừ vọng gọi là chân, hiển bày chân lý gọi là như. Hòa thượng Trừng Quán bác bỏ nghĩa này, cho rằng không pháp nào chẳng phải chân, thì làm gì có vọng để trừ ? Cho nên chân chẳng phải chân; không pháp nào chẳng như thì làm gì xứng lý để hiển cho nên như chẳng phải như. Đây là không trừ không lập, là chân như không phải an lập. Sự giải thích này rất hay. Cho nên Tín Tâm Minh nói:

Bởi do lấy bỏ, cho nên chẳng như.
Lập tức là lấy, trừ tức là bỏ.

Nay không trừ không lập, đạo tự mình thể hội, há có chân vọng xứng tình sao ? Như bài tựa của Bách Luận nói: “Thản nhiên không y cứ mà sự không mất lẽ chân thật, thâm trầm không nương gá mà lý tự thể hội”. Con đường trở về nguồn bắt đầu từ đây vậy. Có thể nói vô tâm hợp đạo, lý sự đều thông. Lại tự tướng chân như chỉ có cảnh giới ly niệm mới không thể lấy hữu vô mà suy tư, cho nên nói rằng chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải phi hữu tướng, chẳng phải phi vô tướng, chẳng phải hai tướng hữu vô. Bất cứ cái gì có hai thì được gọi là câu. Có tức là không thì không ở ngoài có, không hay cùng đi với có. Không tức là có thì không ở ngoài không, có hay cùng đi với không. Cũng có cũng không trái nhau không lập.

Nói chẳng theo cùng chẳng lập, nếu quyết định có hữu vô để ngăn cái vô hữu theo cùng và chẳng theo cùng. Nay hữu tức là vô làm gì có phi vô; nay vô tức là hữu làm gì có phi hữu, cho nên cả hai cái phi cũng vắng lặng. Thế nên biết rằng lời nói bặt tứ cú thì vô cú cũng mất. Rõ biết vô cú này thì ý niệm về chân cũng mất luôn.

Hỏi: Nhất tâm bình đẳng chân lý không còn thiên viên, vì sao trong giáo lý lại nói các pháp sai khác ?

Đáp: Tùy theo tình cảnh mà nói có sai khác, tuy khác mà đồng; đối với kiến chấp mà nói có giống nhau, tuy giống mà khác. Đem đồng phá dị, lấy dị phá đồng, tuy đồng tuy dị, phi dị phi đồng, như nói chiếc mâu cái thuẩn, cũng như cưỡi ngựa giặc đuổi giặc, dùng âm thinh để dừng âm thinh. Do đó nói: Sáng bốn chiều ba, làm cho các loài khỉ vui mừng. Rửa thuốc đắng bôi lên đầu vú để nuôi dưỡng trẻ con cho đúng lúc, đều là thuận theo cơ nghi khéo dùng phương tiện. Như Trang Tử nói : “Lao nhọc thần minh là nhất, nhưng không biết chỗ đồng của nó”. Thế nào là sáng ba ? Thư Công có bài phú:

Sáng ba chiều bốn,
Bọn khỉ phiền giận;
Lại nói sáng bốn chiều ba
Khỉ ta vui mừng.

Chú thích: Chỉ có bốn với ba mà loài khỉ vọng sinh mừng giận, phi với thị mà thế nhân tranh nhau, khởi yêu ghét, Thánh nhân lại dùng thị phi để dứt thị phi của thế nhân. Thư Công lại đem bốn ba để trừ ba bốn của bọn khỉ. Người nào đạt đến nhất thì đâu bị nhất làm lao nhọc thần minh ở trong ấy! Kinh Đại Niết-bàn nói: “Ví như người đàn bà sinh con, đứa con bị bệnh, người mẹ buồn rầu chạy tìm thầy thuốc. Thầy thuốc đến cho thuốc rồi dặn: Đứa bé uống thuốc xong chớ cho bú ngay, chờ cho thuốc tiêu hóa rồi mới cho bú. Khi ấy người mẹ lấy chất đắng bôi lên đầu vú, nói với đứa con: Vú mẹ bôi chất đắng con không thể bú. Đứa bé rất đói muốn bú sữa mẹ, nhưng nghe nói đắng nên không dám. Khi thuốc tiêu rồi, người mẹ lấy nước rửa đầu vú kêu con lại cho bú. Đứa con tuy rất đói muốn bú sữa nhưng vì trước kia nghe mẹ nói có đắng nên không dám lại gần. Người mẹ lại bảo con: Vì con đã uống thuốc tiêu hóa rồi nên mẹ đi rửa sạch đầu vú, hãy lại bú đi không còn đắng nữa đâu. Đứa con nghe rồi từ từ bú trở lại”. Kinh hợp với ý ví dụ. Vô ngã dụ cho bôi chất đắng, Như Lai tạng dụ cho gọi đứa con đến bú. Hoặc lúc nói ngã, hoặc lúc nói vô ngã đều là thích hợp căn cơ như bôi rửa chất đắng. Như Nghĩa Hải nói: “Nghĩa là sự tướng của trần là khác, duy thể của nó không khác, chỉ do pháp thể không sai khác thì nghĩa sai khác mới thành, vì chẳng mất thể. Chỉ do sự tướng sai biệt thì nghĩa chẳng sai khác mới thành, vì chẳng hoại duyên mới nói lý”. Cho nên kinh nói: “Lạ thay Thế Tôn! Ở trong pháp không sai khác mà hay nói các pháp sai khác, như vạn vật tuy sai khác mà không thể tự sai khác; hư vọng tuy đồng mà không thể tự đồng, vì không có thể; pháp pháp thường sinh vì không có dụng. Trần trần luôn vắng lặng nhưng do thế gian phân biệt, chúng sinh vọng tình, ở trong pháp bình đẳng vọng sinh sai biệt, đối với chỗ không có hai tướng mà gượng lập đủ thứ như họa sĩ miêu tả tướng trạng cao thấp, hoặc như thợ kim hoàn khắc giũa đồ vật lớn nhỏ. Vạn pháp thể thường rỗng không, chỉ do tự tâm biến hiện”.

Luận Đại Trang Nghiêm có kệ:

Ví như người họa sĩ
Trên vách vẽ núi sông
Như vậy uổng phân biệt
Nơi không, thấy năng sở.

Nghĩa là như người họa sĩ khéo tay có thể vẽ lên vách tường cảnh núi sông, thật tướng không có cao thấp mà thấy có cao thấp. Phân biệt không chân thật cũng như thế, ở nơi pháp giới bình đẳng không có hai tướng mà thường thấy có hai tướng năng sở, cho nên chẳng nên sợ hãi. Tại sao không nên kinh sợ ? Vì tự tâm biến hóa, như vẽ núi sông là do tự tay vẽ.