LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 20: NHIỀU CẢNH GIỚI

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, thầy A-nan-đà ngồi riêng một mình trong tịnh thất suy nghĩ: Những kẻ gây ra các việc sợ hãi và các tai họa, các việc rối rắm, khuấy động lo sầu…, đều là đám phàm phu chứ không phải là bậc trí. Nghĩ thế rồi đến khoảng xế chiều, từ tịnh thất thầy ra đến chỗ Phật, lạy dưới chân Phật xong ngồi sang một bên, rồi đem các điều suy nghĩ ra trình bày đầy đủ với Phật. Nghe xong Phật liền xác nhận đúng như vậy: Những kẻ gây ra các sự sợ hãi và các tai họa, các sự rối rắm lo sầu…, đều là những đám phàm phu, không phải là các bậc trí. Giống như đặt lửa trong nhà cỏ khô thì lầu đài đình quán cũng bị cháy lây. Kẻ ngu cũng vậy, vì không có trí nên gây ra bao sự sợ hãi, tai họa và các việc rối rắm lo sầu. Nầy thầy Khánh Hỷ nên biết! Từ quá khứ, hiện tại hay vị lai thì các sự sợ hãi, các tai họa, các rối rắm lo sầu…, đều do kẻ phàm phu gây tạo chớ không phải là các bậc trí, các bậc trí không bao giờ làm các việc đó. Thầy Khánh hỷ nên biết! Kẻ phàm phu thì có sợ hãi, bậc trí không có sợ hãi, kẻ phàm phu có tai họa, bậc trí không có tai họa, kẻ phàm phu có các việc rối rắm lo sầu, bậc trí không có rối rắm lo sầu. Vì thế thầy Khánh Hỷ nên biết! Kẻ phàm phu và bậc trí, phải biết xa lánh các pháp của kẻ phàm phu mà tuân hành các pháp của bậc trí.

Thầy A-nan-đà thưa: Như thế nào thì nói là hạng phàm ngu?

Đức Phật nói: Nếu đối với các thứ giới – xứ – uẩn, các thứ duyên khởi và các pháp xứ phi xứ mà không khéo léo hiểu biết, thì đó là phàm phu.

Thầy A-nan-đà thưa: Ngang mức nào thì nói đó là bậc trí?

Đức phật dạy: Nếu như có người nào đối với giới – xứ – uẩn và đối với duyên khởi, xứ phi xứ pháp, có thể khéo léo nhận thức, thì đó là người trí. A nan đà thưa: Sao nói là người trí đối với giới khéo léo nhận thức được? Đức Phật dạy: Người trí đối với 18 giới, thấy biết đúng như thật, là khéo léo nhận thức về giới. Nghĩa là thấy biết đúng như thật các thứ lĩnh vực thuộc về mắt – sắc – nhãn – thức – tai tiếng – nhĩ thức- mũi – hương – tỷ thức – lưỡi vị thiệt thức – thân xúc – thân thức, ý – pháp và ý thức.

Lại đối với sáu lĩnh vực mà thấy biết đúng như thật, thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, nghĩa là thấy biết đúng như thật các lĩnh vực đất, nước, lửa, gió, không và thức.

Lại đối với sáu lĩnh vực mà thấy biết đúng như thật, thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, nghĩa là thấy biết đúng như thật các lĩnh vực tham dục, giận hờn, hại và không dục, không giận và không hại.

Lại thấy biết đúng như thật về sáu lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là thấy biết đúng như thật về lĩnh vực: vui, khổ, mừng, lo, xả, vô minh.

Lại thấy biết đúng như thật về bốn lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là: thọ, tưởng, hành, thức.

Lại thấy biết đúng như thật về ba lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là: cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.

Lại thấy biết đúng như thật về lĩnh vực ba sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về, đó là lĩnh vực: quá khứ, vị lai, hiện tại.

Lại thấy biết đúng như thật về ba lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là: thấp kém, trung bình và tuyệt diệu.

Lại thấy biết đúng như thật về ba lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là: thiện, bất thiện, vô ký.

Lại thấy biết đúng như thật về ba lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là: học, vô học, phi học phi vô học.

Lại thấy biết đúng như thật về hai lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là hữu lậu, vô lậu.

Lại thấy biết đúng như thật về hai lĩnh vực sau đây thì gọi là khéo léo nhận thức về lĩnh vực, đó là hữu vi, vô vi.

Đó gọi là bậc trí khéo léo nhận thức về các lĩnh vực.

Thầy A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí khéo léo nhận thức về các phạm vi?

Đức Phật dạy: Người trí thấy biết đúng như thật mười hai phạm vi, thì gọi là khéo léo nhận thức về các phạm vi, nghĩa là thấy biết đúng như thật về phạm vi của mắt – sắc – tai – tiếng – mũi – hương – lưỡi – vị- thân – xúc – ý – thức, thì gọi đó là người trí khéo léo nhận thức về các phạm vi (xứ).

Thầy A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí khéo léo nhận thức về các uẩn?

Đức Phật dạy: Người trí thấy biết đúng như thật về năm uẩn, thì gọi là khéo léo nhận thức về uẩn nghĩa là thấy biết đúng như thật về sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, thì gọi đó là người trí khéo léo nhận thức về các uẩn.

Thầy A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí khéo léo nhận thức về các duyên khởi?

Đức Phật dạy: Người trí thấy biết đúng như thật về mười hai chi duyên khởi thuận và nghịch, thì gọi là khéo léo nhận thức về duyên khởi, là thấy biết đúng như thật dựa vào cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ (nhập), lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, rồi phát sinh sầu than lo khổ rồi biết khổ não. Như vậy ở đây toàn là chiêu tập gây nên các uẩn khổ to lớn. Và cũng thấy biết đúng như thật về rằng nếu dựa vào cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt nghĩa là Vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục xứ diệt, lục xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên già chết sầu than lo khổ rồi buồn khổ não cũng diệt. Như thế là diệt hết tất cả các thứ khổ to lớn, nên gọi là bậc trí khéo léo nhận thức về pháp duyên sinh.

Thầy A-nan-đà thưa: Thế nào là bậc trí khéo léo nhận thức về pháp xứ phi xứ?

Đức Phật dạy: Người trí thấy biết đúng như thật về pháp xứ phi xứ, thì gọi là khéo léo nhận thức về pháp có lý và không có lý, là biết đúng như thật:

Không có lý và không chấp nhận các hành nghiệp dữ về thân ngữ ý mà chiêu cảm được quả dị thục rất đáng mến yêu, ưa thích, mừng vui, vừa ý.

Có lý phải chấp nhận là hành nghiệp dữ của thân ngữ ý sẽ bị quả dị thục không mến yêu, ưa thích, mừng vui, vừa ý.

Không có lý và không chấp nhận được là các hạnh tốt lành tuyệt diệu về thân ngữ ý mà phải bị quả dị thục không mến yêu, ưa thích, mừng vui, vừa ý.

Phải lý và chấp nhận được là các hạnh tốt lành tuyệt diệu về thân ngữ ý sẽ chiêu cảm được quả dị thục rất đáng mến yêu, ưa thích, mừng vui, vừa ý.

Đã không có lý và không chấp nhận được là các hạnh xấu dữ của thân ngữ ý, do nhân duyên đó, nên khi chết rồi sẽ được sinh lên các cõi thiện, nhưng có lý và chấp nhận được là các hạnh xấu dữ của thân ngữ ý, do nhân duyên đó, sau khi chết bị đọa vào các đường dữ.

Đã không có lý và không chấp nhận được là các hạnh tốt lành của thân ngữ ý do nhân duyên đó, nên khi chết rồi sẽ phải đọa vào các đường dữ, nhưng có lý và chấp nhận được là các hạnh tốt lành của thân ngữ ý khi lâm chung sẽ được sinh vào các cõi thiện. Đó là khéo léo nhận thức về có lý và không có lý.

Lại còn thấy biết đúng như thật về là không có lý, không chấp nhận không có trước sau, có hai vị Chuyển luân Thánh vương sống trong một thế giới, và biết đúng như thật về nhưng có lý và chấp nhận được là không có trước sau, chỉ có một vị Chuyển luân Thánh vương sống trong một thế giới.

Lại thấy biết đúng như thật không có lý và không chấp nhận không có trước sau, có hai Đức Như Lai sống trong một thế giới, nhưng có lý và chấp nhận được là không có trước sau, chỉ có một Đức Như Lai sống trong một thế giới. Đó là khéo léo nhận thức về có lý và không có lý.

Lại thấy biết đúng như thật về là không có lý và không chấp nhận được rằng có người nữ làm Chuyển luân Thánh vương, Đế thích, Ma vương, Phạm vương và chứng Độc giác Bồ-đề hoặc chứng Bồ-đề vô thượng chánh đẳng, nhưng có lý và chấp nhận rằng có người nam làm Chuyển luân Thánh vương, Đế thích, Ma vương, Phạm vương và chứng được Độc giác Bồ-đề hoặc chứng Bồ-đề vô thượng chánh đẳng. Đó là khéo léo nhận thức về có lý và không có lý.

Lại thấy biết đúng như thật về rằng không có lý và không chấp nhận bậc đầy đủ Thánh kiến mà nghĩ đến chuyện giết cha hại mẹ, hại A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, khởi tâm dữ làm Phật chảy máu, nhưng có lý và chấp nhận rằng chính các kẻ dị sinh phàm ngu mới gây năm tội đọa vào ngục vô gián (ngũ nghịch tội) mà thôi.

Thấy biết đúng như thật về rằng không có lý và không chấp nhận được là bậc có đủ Thánh kiến mà nghĩ đến việc giết hại mạng sống chúng sinh, nhưng có lý và chấp nhận được rằng chỉ có bọn dị sinh phàm ngu mới nghĩ đến việc giết hại chúng sinh; không có lývà không chấp nhận được rằng các bậc có đủ Thánh kiến lại nghĩ đến việc vượt bỏ chỗ học (giáo pháp), nhưng có lý và chấp nhận được rằng chỉ có bọn dị sinh phàm ngu thì mới nghĩ đến việc vượt bỏ các môn học. Không có lý, không chấp nhận rằng là bậc có đủ thánh kiến mà lại bỏ chỗ học, môn học cao quý để tìm học chỗ thấp kém, hoặc tìm ngoại đạo tôn làm thầy, hoặc cầu ngoại đạo làm ruộng phước, hoặc chiêm ngưỡng tôn kính nhìn ngắm mặt mày dung nhan bọn Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo, hoặc coi các thứ bói toán, đoán điềm tốt lành cho là thanh tịnh, hoặc nhận lấy cái có (hữu) thứ tám…, nhưng có lý và chấp nhận được rằng các loại dị sinh phàm phu thì làm các việc như thế. Đó gọi là khéo léo nhận thức về có lý và không có lý.

Lại thấy biết đúng như thật về là không có lý và không chấp nhận được rằng: Chưa đoạn dứt năm màn che, vì nó khiến tâm ô nhiễm, khiến tuệ lực suy kém làm chướng ngại đạo phẩm, trái với Niết-bàn, mà bảy tâm có thể an trụ vào tứ niệm xứ trụ; nhưng lại có lý và chấp nhận được rằng ai đã đoạn dứt năm màn che thì tâm khéo an trụ vào tứ niệm trụ. Không có lý và không chấp được là ai chưa đoạn dứt năm màn che kín… Rộng nói cho đến trái với Niết-bàn, tâm chưa khéo an trụ vào tứ niệm mà lại giỏi tu tập bảy giác chi. Nhưng có lý và chấp nhận được là ai đã đoạn dứt năm màn che kín, tâm đã khéo trụ vào tứ niệm trụ thì liền giỏi tu tập bảy giác chi. Không có lý và không chấp nhận được là ai chưa đoạn dứt năm màn che kín… Rộng nói cho đến trái với Niết-bàn, tâm chưa khéo an trụ vào tứ niệm trụ và chưa tu tập bảy giác chi, nhưng lại chứng được Thanh văn, Độc giác, Bồ-đề vô thượng. Nhưng lại có lý và chấp nhận được rằng ai đã đoạn dứt năm màn che…, tâm đã khéo trụ vào tứ niệm tru, lại giỏi tu tập bảy giác chi thì chứng được Thanh văn, Độc giác, Bồ-đề vô thượng. Đó là người trí nhận thức khéo léo về có lý và không có lý.

Thầy A-nan-đà thưa: Vậy nay nên gọi tên pháp môn này là gì, phụng trì như thế nào?

Đức Phật bảo: Này thầy Khánh Hỷ, pháp môn này tên là Tứ chuyển, cũng gọi là Đại pháp cảnh (gương pháp to lớn), cũng gọi là Cam lồ cổ (trống cam lồ), cũng gọi là nhiều lĩnh vực. Hãy nên như thế mà tuân hành phụng trì.

Khi đó thầy A-nan-đà hết sức vui mừng kính cẩn tin nhận.

Thế nào là Nhãn giới? Nghĩa là như Nhãn căn.

Thế nào là Sắc giới? Tức là như Sắc xứ.

Thế nào là Nhãn thức giới? Là mắt và sắc làm duyên mà sinh ra nhãn thức. Ở đây mắt là vai trò chính, sắc là đối tượng. Mắt hiểu biết về sắc, là các thứ hiểu rõ, hiểu rõ khác biệt, hiểu riêng từng thứ, hiểu rõ các sắc. Đó gọi là phạm vi hoạt động của nhãn thức. Còn năm mươi ba giới khác, tùy theo sự cần thiết của nó, rộng nói cũng như thế.

Thế nào là lĩnh vực của đất? Lĩnh vực của đất có hai thứ là trong và ngoài.

Thế nào là lĩnh vực đất bên trong? Là trong thân này có các thứ có tính chất cứng rắn khác nhau, các loại cứng rắn có thể bám lấy, có thọ nhận. Vậy là thế nào? Đó là các thứ tóc, lông, răng móng… cho đến phân dơ nhớp. Lại có những thứ có tính chất cứng rắn khác ở trong thân, các loại cứng rắn có thể bám lấy, có thọ nhận. Đó là lĩnh vực đất bên trong.

Thế nào là lĩnh vực đất bên ngoài? Nghĩa là ở bên ngoài thân này có những thứ gồm có tính chất và chủng loại cứng rắn không bám lấy, không có thọ nhận. Vậy là thế nào? Nghĩa là như các thứ đất bằng, núi non, đá, đá vụn, ngói, trai, hầu, ốc sên, đồng, sắt, thiếc, chì, mạt ni, trân châu, lưu ly, sò, ốc, san hô, ngọc bích, vàng bạc, kho đá, kho chày đá, pha chỉ ca, châu đỏ, đá thạch tuyền, đất cát, cỏ cây, nhánh là, hoa quả. Hoặc các thứ đất do xoáy nước tụ lại. Lại ở bên ngoài thân này có các chủng loại có tính chất cứng rắn không bám lấy, không thọ nhận. Đó là lĩnh vực đất bên ngoài. Cả trong lẫn ngoài đều gọi chung là lĩnh vực của đất.

Thế nào là lĩnh vực nước? Lĩnh vực của nước có hai thứ là trong và ngoài.

Thế nào là lĩnh vực nước bên trong? Nghĩa là ở trong thân này có các thứ khác nhau, có tánh ẩm ướt, chủng loại ẩm ướt có thể bám lấy, có thọ nhận. Đó là những gì? Nghĩa là có các thứ như nước mắt mồ hôi… cho đến lúc tiểu. Lại có các thứ khác ở bên trong có riêng tính chất chủng loại về ẩm ướt có thể bám lấy, có thọ nhận. Đó gọi là lĩnh vực nước bên trong.

Thế nào là lĩnh vực nước bên ngoài? Nghĩa là ở ngoài thân này có các chất bên ngoài có tính chất chủng loại ẩm ướt, không thể bám lấy và có thọ nhận. Đó là những gì? Nghĩa là rễ, thân, nhánh, lá, hoa quảv.v…, các thứ nước, nhựa cây, sương, rượu, sữa, váng cao sữa, dầu, mật, đường, ao, đầm, vũng, hồ, sông, sông Khắc già, sông Lam-mẫuna, sông Tát-lạt-du, sông Át-thị-la-phiệt-đế, sông Mạc-tứ, biển Đông, biển Tây, biển Nam, biển Bắc, nước trong bốn biển lớn. Lại có nước nương vào vầng gió mà tụ. Lại có các thứ khác ở bên ngoài thân có tính chất chủng loại ẩm ướt không thể bám lấy, không thọ nhận. Đó gọi là lĩnh vực nước bên ngoài. Cả hai thứ trong và ngoài đều gọi chung là lĩnh vực nước.

Thế nào là lĩnh vực lửa? Lĩnh vực của lửa cũng có trong và ngoài.

Thế nào là lĩnh vực lửa bên trong? Nghĩa là ở trong thân này có các thứ có tính chất ấm, chủng loại ấm, có thể bám lấy, có thọ nhận. Đó là những gì? Nghĩa là trong thân này có các thứ nóng đều nóng, nóng khắp. Do hơi ấm này mà các việc ăn uống dễ dàng tiêu hóa. Nếu hơi nóng này thêm nhiều thì khiến cho thân nóng bức như bị đốt cháy. Lại có những thứ khác ở trong thân có riêng tính chất và chủng loại ấm nóng có bám lấy và có thọ nhận. Đó gọi là lĩnh vực lửa bên trong.

Thế nào là lĩnh vực lửa bên ngoài? Nghĩa là ở ngoài thân này có các thứ ở ngoài gồm có tính chất chủng loại ấm, nóng không thể bám lấy, không thọ nhận. Đó là những gì? Nghĩa là đất ấm, lửa mặt trời, thuốc mạt-ni, cung điện, các vì sao sáng. Ánh sáng của đống lửa to, của đèn, của các đám cháy làng, cháy thành, cháy sông, cháy các đồng cỏ…, với sức cháy hừng hực tỏa sáng của củi khô được tính bằng: mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm, một ngàn hay vô lượng gánh củi. Hoặc sức ấm áp tại những nơi như núi, đầm, sông, ao, hang động, phòng nhà, cung điện, lâu đài hoặc sức ấm nóng của cỏ cây, rễ, thân, nhánh, lá, hoa, quả v.v… Và lại có các loại khác có tánh nóng mà không bám lấy, không thọ nhận. Đó gọi là lĩnh vực lửa ở bên ngoài, đều gọi chung là lĩnh vực lửa.

Thế nào là lĩnh vực gió? Lĩnh vực của gió cũng có hai loại trong và ngoài.

Thế nào là lĩnh vực gió bên trong? Nghĩa là ở trong thân này, hết thảy chủng loại có tính chất chuyển động nhúc nhích, cựa quậy có bám lấy có thọ nhận được. Đây là thế nào? Nghĩa là ở trong thân này có hơi gió đi lên, hơi gió đi lên (sự chuyển động đi xuống), hoặc đi ngang sang hai bên, các sự chuyển động ở hông, ngực, lưng, bụng, tim, rún. Các gió Ốt-bát-la (hơi Ốt-bát-la), tất bát la, hơi đao kiếm kim đâm (sự đau nhức), hơi gió kết chặt, ràng buộc, kéo trì xuống, gắng lên, mạnh mẽ, hoặc tùy theo từng chi tiết bộ phận và hơi thở ra vào. Lại còn có các thứ khác ở trong thân mà có tính chất, chủng loại về chuyển động, cựa quậy, nhúc nhích…, bám lấy có thọ nhận. Đó gọi là lĩnh vực gió bên trong.

Thế nào là lĩnh vực gió bên ngoài? Nghĩa là ở ngoài thân này có những thứ bên ngoài gồm có tính chất chủng loại về chuyển động, động đậy, không cầm giữ được. Đó là những gì? Ấy là có gió Đông, Tây, Nam, Bắc, gió có bụi và không có bụi bặm, gió xoáy, gió dữ (cuồng phong bão táp), gió hú Phệ-lam-bà, gió hiu hiu, gió to, gió vô lượng, gió xoáy từng luồng (luân), gió thổi giữa hư không… Lại có những thứ khác có tính chất chủng loại về chuyển động nhúc nhích, không bám lấy, không thọ nhận được. Đó gọi là lĩnh vực gió bên ngoài… Cả trong và ngoài đều gọi là lĩnh vực gió.

Thế nào là lĩnh vực hư không? Lĩnh vực của hư khhông cũng có hai thứ trong và ngoài.

Thế nào là lĩnh vực hư không bên trong? Nghĩa là trong thân này có những thứ (cái) mang tính chất chủng loại trống không, bám lấy và có thọ nhận được. Đó là những cái gì? Nghĩa là trong thân thể này có những khoảng trống tùy chỗ trong da thịt, máu huyết, xương tủy… hoặc hố mắt, lỗ tai, khe mũi, lỗ mũi, cửa miệng, họng, yết hầu, trong tim (tâm nhĩ thất), các khoảng trống trong ruột, trong bụng v.v…, do đó mà tích trữ được thức ăn đồ uống và thải ra ngoài. Lại có những thứ khác trong thân có tính chất, chủng loại và khoảng trống…, thì gọi là lĩnh vực hư không bên trong.

Thế nào là lĩnh vực hư không bên ngoài? Nghĩa là ngoài thân này có các thứ có tính chất chủng loại về khoảng trống, không bám lấy, không thọ nhận. Đó là những cái gì? Nghĩa là khoảng trống không ở ngoài, tuyệt xa, gần với ha già sắc. Đó là lĩnh vực hư không bên ngoài. Cả hai thứ trong và ngoài gọi chung là lĩnh vực hư không.

Thế nào là lĩnh vực thức? Nghĩa là năm thức của thân và các ý thức hữu lậu. Đó gọi là lĩnh vực của thức.

******

1. Thế nào là lĩnh vực tham dục?

Đáp: Nghĩa là đối với cảnh dục có các tham đều tham…, cho đến các chủng loại của tham và thứ sinh ra tham. Gọi chung là lĩnh vực tham dục.

Lại còn tham dục cùng tham dục tương ưng với thọ-tưởng-hànhthức mà cùng khởi lên các nghiệp về miệng và thân, dù không tương ưng với hành mà cũng gọi chung là lĩnh vực tham dục.

2. Thế nào là lĩnh vực giận dữ?

Đáp: Nghĩa là đối với các loại hữu tình luôn muốn gây tổn hại, cho đến gây tai họa trong hiện tại. Gọi chung là lĩnh vực giận dữ.

Lại còn giận dữ cùng giận dữ tương ưng với thọ-tưởng-hành-thức mà cùng khởi lên các nghiệp về miệng và thân, dù không tương ưng với hành mà cũng gọi chung là lĩnh vực giận dữ.

3. Thế nào là lĩnh vực giết hại?

Đáp: Nghĩa là dùng tay, hòn ném, dao gậy v.v…, mà đi theo đồ vật đó để đánh đập, ném chặt loài hữu tình. Có các thứ tổn hại đều làm tất cả, rồi thêm giận dữ khởi lên gây tạo bao nhiêu khổ não. Gọi chung là lĩnh vực giết hại.

Lại còn các thứ hại cùng hại tương ưng với thọ-tưởng-hành-thức mà cùng khởi lên các nghiệp về miệng và thân, dù không đi đôi mà cũng gọi chung là lĩnh vực giết hại.

4. Thế nào là lĩnh vực không tham dục?

Đáp: Nghĩa là đối với cảnh dục thì luôn suy nghĩ về các tai hại của nó. Sự tham dục như thế là pháp bất thiện, chỉ có kẻ thấp hèn mới tin tưởng làm theo, còn Phật và hàng đệ tử, các bậc thiện sĩ hiền quý đều chán ngán chê trách, vì nó làm hại mình, hại người khác, hại cả mình và người khác. Nó tiêu diệt trí tuệ hoặc ngăn ngại loại đó (loại thuộc về trí tuệ), nó làm chướng ngại Niết-bàn. Ai làm theo nó (tham dục) thì không phát sinh trí tuệ sáng suốt, không tiến đến Bồ-đề, không chứng được Niết-bàn. Suy nghĩ như thế liền phát sinh ân cần siêng năng mạnh mẽ…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không tham dục.

Lại còn để đoạn dứt các tham dục này nên đối với sự không tham dục, luôn suy nghĩ đến các công đức. Sự tham dục như thế là pháp thiện chỉ có các bậc đáng tôn quý nhất mới tin hiểu làm theo. Phật và các đệ tử, những bậc thiện sĩ hiền quý đều vui mừng khen ngợi, vì nó không làm hại mình và người hoặc cả mình và người. Nó làm thêm lớn trí tuệ và không ngăn trở các loại trí tuệ, không chướng ngại Niết-bàn. Ai thọ trì thực hành pháp này thì có khả năng sinh ra trí tuệ sáng suốt giỏi tiến đến Bồ-đề và chứng quả Niết-bàn. Suy nghĩ như thế liền phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng cố gắng mãi không ngừng. Đó là lĩnh vực (giới) không tham dục.

Lại còn suy nghĩ sự tham dục như các thứ bệnh ung nhọt ghẻ lở, như sự khổ hại của tên độc. Nó là vô thường-khổ-khhông-vô ngã, luôn thay đổi chuyển động, mệt mỏi, rã rời, yếu kém. Nó là pháp mất mát hư nát, nhanh chóng không ngừng, luôn suy kém mục nát không thường còn, không thể bảo đảm, không thể tin cậy. Nó là pháp dời đổi hư nát. Suy nghĩ như thế rồi liền phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng. Đó là lĩnh vực không tham dục.

Lại còn, vì muốn đoạn dứt lĩnh vực tham dục nên suy nghĩ để dập tắt tham dục thì chính là diệt, là lìa và suy nghĩ về đạo ấy, là đạo lý là xuất ly. Suy nghĩ như thế rồi liền phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng cố gắng mãi không ngừng. Đó là lĩnh vực không tham dục. Lại còn nếu suy nghĩ về cái định tâm xả và đạo; thì tâm xả cùng tương ưng với định vô tưởng, định diệt tận và trạch diệt. Suy nghĩ như thế rồi liền phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không tham dục.

Lại còn, không tham dục và không tham dục tương ưng với thọtưởng-hành-thức mà cùng khởi lên các nghiệp về miệng và thân, dù không đi đôi mà cũng gọi chung là lĩnh vực không tham dục.

5. Thế nào là lĩnh vực không giận dữ?

Đáp: Nghĩa là đối với lĩnh vực giận dữ mà suy nghĩ về các tai hại của nó, sự giận dữ như thế là pháp bất thiện…, cho đến không chứng được Niết-bàn. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không giận dữ.

Lại còn vì muốn đoạn dứt lĩnh vực giận dữ nên đối với lĩnh vực không giận dữ mà luôn suy nghĩ về các công đức, sự không giận dữ như thế chính là pháp thiện…, cho đến có khả năng chứng được Niết-bàn. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không giận dữ.

Lại nữa, suy nghĩ về lĩnh vực giận dữ thì thấy nó như các thứ ung nhọt ghẻ lở…, cho đến nó là pháp biến dời hư nát. Suy nghĩ rồi liền phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không giận dữ.

Lại thêm, vì muốn đoạn dứt lĩnh vực giận dữ này mà suy nghĩ về sự dập tắt, đó chính là diệt, là lìa bỏ. Suy nghĩ đạo ấy là đạo xuất ly. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không giận dữ.

Vả lại, nếu suy nghĩ về định tâm từ và đạo cùng định tâm từ tương ưng. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng… cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không giận dữ.

Lại còn, lĩnh vực không giận dữ và không giận dữ tương ưng với thọ-tưởng-hành-thức mà cùng khởi lên các nghiệp về miệng và thân, dù không đi đôi mà cũng gọi chung là lĩnh vực không giận dữ.

6. Thế nào là lĩnh vực không hại?

Đáp: Nghĩa là đối với lĩnh vực hại mà suy nghĩ về các tai hại của nó, lĩnh vực hại như thế là pháp bất thiện…, cho đến không chứng được Niết-bàn. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không hại.

Lại còn, vì muốn đoạn dứt lĩnh vực hại, nên đối với lĩnh vực không hại mà suy nghĩ về các công đức; (giới) lĩnh vực không hại như thế chính là pháp thiện…, cho đến chứng được Niết-bàn. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không hại.

Lại còn suy nghĩ về lĩnh vực hại thì thấy nó như các thứ bệnh, các thứ ung nhọt ghẻ lở…, cho đến chính là pháp biến dời hư nát. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng. Đó gọi là lĩnh vực không hại.

Lại nữa, vì muốn đoạn dứt lĩnh vực hại này, nên suy nghĩ về sự dập tắt ấy là diệt, là lìa bỏ, và suy nghĩ đạo ấy là đạo xuất ly. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không hại.

Lại thêm, nếu suy nghĩ về định tâm bi và đạo cùng định tâm bi tương ưng nhau. Suy nghĩ như thế rồi phát sinh mạnh mẽ sự ân cần siêng năng…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Đó gọi là lĩnh vực không hại.

Lại còn không hại và không hại tương ưng với thọ-tưởng-hànhthức mà cùng khởi lên các nghiệp về miệng và thân, dù không đi đôi mà cũng gọi chung là lĩnh vực không hại.

7. Thế nào là lĩnh vực vui?

Đáp: Nghĩa là gặp việc thuận vui, nên khiến thân vui tâm vui, có thọ nhận như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực vui.

Lại còn khi tu đệ tam tĩnh lự thì gặp niềm hoan lạc khiến tâm vui và thọ nhận như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực vui.

8. Thế nào là lĩnh vực khổ?

Đáp: Nghĩa là gặp việc thuận khổ, nên khiến thân khổ, có thọ không như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực khổ.

9. Thế nào là lĩnh vực mừng (hỷ)?

Đáp: Nghĩa là gặp việc thuận mừng, khiến tâm mừng, có thọ nhận như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực mừng.

Thế nào là lĩnh vực lo?

Đáp: Nghĩa là khi gặp thuận lo, nên khiến tâm lo sầu, có thọ nhận không như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực lo.

Thế nào là lĩnh vực xả (buông xả)?

Đáp: Nghĩa là khi gặp thuận buông xả, thì khiến thân và tâm buông xả, có thọ nhận không phải như nhau, cũng không phải không như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực xả.

Lại còn, khi tu chưa đạt đến định, ở khoảng giữa của đệ tứ tĩnh lự và định vô sắc, gặp thuận không khổ không vui, khiến tâm buông xả, có thọ không phải như nhau cũng không phải không như nhau, thọ nhận thâu nhiếp tất cả. Đó gọi là lĩnh vực xả.

Thế nào là lĩnh vực vô minh?

Đáp: Nghĩa là ba cõi đều ngu si không hiểu biết. Đó gọi là lĩnh vực vô minh.

Thế nào là lĩnh vực thọ?

Đáp: Nghĩa là sáu thọ (cảm xúc) của thân. Tức là khi mắt tiếp xúc (với sắc) sinh ra thọ…, cho đến khi ý tiếp xúc (với pháp) thì sinh ra thọ.

Đó gọi là lĩnh vực thọ nhận.

Thế nào là lĩnh vực tưởng?

Đáp: Nghĩa là sáu tưởng của thân. Tức là khi mắt tiếp xúc thì sinh ra tưởng, cho đến khi ý tiếp xúc thì sinh ra tưởng. Đó gọi là lĩnh vực cảm tưởng.

Thế nào là lĩnh vực hành?

Đáp: Nghĩa là sáu tư của thân. Tức là khi mắt tiếp xúc thì sinh ra tư, cho đến khi ý tiếp xúc thì sinh ra tư. Đó gọi là lĩnh vực hành.

Thế nào là lĩnh vực thức?

Đáp: Nghĩa là sáu thức của thân. Tức là nhãn thức… cho đến ý thức, thì gọi là lĩnh vực thức.

Thế nào là cõi Dục?

Đáp: Nghĩa là có các pháp rồi tham dục theo đó mà tăng lên. Đó gọi là cõi Dục. Lại còn sự ràng buộc của cõi Dục, có mười tám giới, mười hai xứ và năm uẩn. Đó gọi là cõi Dục. Lại nữa, dưới từ địa ngục, trên đến cõi trời Tha-hóa-tự-tại, trong các cõi đó đều có sắc thọ-tưởnghành-thức. Đó gọi là cõi Dục.

Thế nào là cõi Sắc?

Đáp: Nghĩa là có các pháp rồi theo đó mà tham sắc tăng lên. Đó gọi là cõi Sắc. Lại còn sự ràng buộc của cõi Sắc, có mười bốn giới, mười hai xứ và năm uẩn. Đó là cõi Sắc. Lại nữa, dưới từ cõi trời Phạm chúng, trên đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong các cõi đó đều có sắc thọ-tưởnghành-thức. Đó là cõi Sắc.

Thế nào là cõi Vô sắc?

Đáp: Nghĩa là có các pháp, rồi tham vô sắc tùy theo đó mà tăng lên. Đó gọi là cõi Vô sắc. Lại còn sự ràng buộc ở cõi Vô sắc, có ba giới (cõi), hai xứ và bốn uẩn. Đó là cõi Vô sắc.

Lại còn như ở cõi Dục và cõi Sắc, khi các định được thành lập thì không loạn động lẫn lộn nhau, còn ở cõi Vô sắc thì không có việc như thế. Song phải nương vào định mà sinh, vì hơn kém khác nhau nên lập ra có trên dưới. Dưới từ Không vô biên xứ, trên lên tới Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong các cõi đó đều có thọ-tưởng-hành-thức, nên gọi là cõi Vô sắc.

Thế nào là cõi Sắc?

Đáp: Nghĩa là cõi Dục và cõi Sắc, gọi chung là cõi Sắc.

Thế nào là cõi Vô sắc?

Đáp: Nghĩa là bốn cõi Vô sắc. Đó gọi là cõi Vô sắc.

Thế nào là diệt giới?

Đáp: Nghĩa là trạch diệt, phi trạch diệt, thì gọi là diệt giới. Lại còn các pháp có sắc, gọi chung là Sắc giới.

Trừ trạch diệt và phi trạch diệt ra, còn lại các pháp vô sắc thì gọi là Vô sắc giới.

Trạch diệt và phi trạch diệt thì gọi là diệt giới.

Thế nào là lĩnh vực quá khứ?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn ở thời quá khứ, gọi là lĩnh vực quá khứ.

Thế nào là lĩnh vực vị lai?

Đáp: Là thời vị lai của thân năm uẩn, thì gọi là lĩnh vực vị lai.

Thế nào là lĩnh vực hiện tại?

Đáp: Nghĩa là thời hiện tại của thân năm uẩn, thì gọi là lĩnh vực hiện tại.

Thế nào là lĩnh vực thua kém?

Đáp: Nghĩa là pháp bất thiện có che lấp và vô ký.

Thế nào là lĩnh vực trung bình?

Đáp: Nghĩa là pháp thiện hữu lậu, và không bị che lấp vô ký.

Thế nào là lĩnh vực tuyệt diệu?

Đáp: Nghĩa là pháp thiện vô lậu, đó gọi là lĩnh vực tuyệt diệu.

Thế nào là lĩnh vực thiện?

Đáp: Nghĩa là nghiệp thiện của thân và ngữ, pháp của tâm và tâm sở không đi đôi (bất tương ưng hành) và được trạch diệt, nên gọi là lĩnh vực thiện.

Thế nào là lĩnh vực bất thiện?

Đáp: Nghĩa là nghiệp bất thiện thân và ngữ, pháp của tâm và tâm sở, không tương ưng hành, thì gọi là lĩnh vực bất thiện.

Thế nào là lĩnh vực vô ký?

Đáp: Nghĩa là sắc vô ký – pháp của tâm và tâm sở, không tương ưng với hành và hư không chẳng phải trạch diệt. Đó gọi là lĩnh vực vô ký

Thế nào là lĩnh vực học?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn có học, gọi là lĩnh vực học.

Thế nào là lĩnh vực vô học?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn không học, thì gọi là lĩnh vực vô học.

Thế nào là lĩnh vực phi học phi vô học?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn hữu lậu và hư không, trạch diệt và phi trạch diệt. Đó gọi là lĩnh vực phi học phi vô học.

Thế nào là lĩnh vực hữu lậu?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn hữu lậu, thì gọi là lĩnh vực hữu lậu.

Thế nào là lĩnh vực vô lậu?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn vô lậu và hư không, trạch diệt, phi trạch diệt, thì gọi lĩnh vực vô lậu.

Thế nào là lĩnh vực hữu vi?

Đáp: Nghĩa là năm uẩn, thì gọi là lĩnh vực hữu vi.

Thế nào là lĩnh vực vô vi?

Đáp: Nghĩa là hư không và hai thứ diệt (trạch diệt, phi trạch diệt), thì gọi là lĩnh vực vô vi.

Có bài tụng (Ốt-đà-nam):

Cõi có sáu mươi hai,
Mười tám cõi là trước,
Ba, sáu, mười bốn thứ,
Sáu, ba hai cái sau.