LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 17: CĂN

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Khi đó, có một vị Phạm chí là Sinh Văn đến chỗ Phật chấp tay cung kính bạch Phật: Con có đôi điều muốn hỏi Ngài Gotama cao quý, xin Ngài cho phép.

Đức Thế Tôn bảo vị Phạm chí: Thầy cứ tự do hỏi, tôi sẽ giải đáp đầy đủ.

Vị Phạm chí hỏi: Căn có bao nhiêu thứ?

Đức Thế Tôn bảo: Căn có hai mươi hai thứ:

  1. Nhãn căn.
  2. Nhĩ căn.
  3. Tỷ căn.
  4. Thiệt căn.
  5. Thân căn.
  6. Ý căn.
  7. Nữ căn.
  8. Nam căn.
  9. Mạng căn.
  10. Lạc căn.
  11. Khổ căn.
  12. Hỷ căn.
  13. Ưu căn.
  14. Xả căn.
  15. Tín căn.
  16. Tinh tấn căn.
  17. Niệm căn.
  18. Định căn.
  19. Tuệ căn.
  20. Vị tri đương tri căn.
  21. Dĩ tri căn.
  22. Cụ tri căn.

Hai mươi hai loại căn này bao gồm tất cả các căn khác. Bấy giờ, Phạm chí nghe Đức Phật đã nói đầy đủ nên rất đổi vui mừng, cung kính chào Đức Phật và ra về.

1. Thế nào là Nhãn căn?

Đáp: Là mắt đối với Sắc đã-đang và sẽ thấy sắc với đồng phần của nó, đó là nhãn căn.

Lại nhãn là cái chính phát sinh nhãn thức, đối với sắc nó đã- đang- sẽ nhận rõ và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là nhãn căn. Lại mắt đối với sắc đã – đang – sẽ bị trở ngại và đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là nhãn căn. Lại mắt đã – đang – sẽ biến đổi đối với sắc và đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là nhãn căn. Hết thảy mắt là quá khứ hiện tại vị lai là vậy, gọi là nhãn căn, cũng gọi là những gì đã hiễu đã biết, đã thông suốt, đã biết khắp, đã đoạn, đã hiểu, đã thấy, đã được, đã tỉnh biết, đã hiện rõ và cùng hiện rõ, đã hiểu biết và cùng hiểu biết, đã quán và cùng quán, đã suy xét, đã quyết định lựa chọn, đã tiếp xúc cùng tiếp xúc, đã chứng cùng chứng. Việc này là sao? Là sắc tạo ra do bốn đại hoặc địa ngục hoặc bàng sinh, hoặc cõi quỷ, trời người, trung hữu ma tu tập tạo nên. Hết thảy tên gọi, khác lời thêm lời, tướng cùng với tướng, đặt ra nói năng, gọi là mắt, là lĩnh vực của mắt, là giới hạn của mắt, gọi là nhãn căn, là thấy, là con đường, là dẫn đường, là trắng, là tịnh, là kho tàng, là cửa, là ruộng, là sự, là sông, là ao biển, là nhọt, là cửa nhọt, là bờ bến này. Nhãn căn là vậy, là lĩnh vực thâu nhiếp bên trong.

2. Thế nào là Nhĩ căn?

Đáp: Là tai đối với Thanh đã – đang – sẽ nghe tiếng, đối với đối tượng của nó, đó gọi là nhĩ căn.

Lại tai là chỗ phát sinh nhĩ thức, nó đã- đang – sẽ nhận rõ tiếng và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là nhĩ căn. Lại tai đã- đang- sẽ bị trở ngại đối với tiếng và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là nhĩ căn. Lại tai đã- đang-sẽ biến đổi đối với tiếng và đối tượng của nó, đó gọi là nhĩ căn. Như vậy hết thảy các tai vốn có trong quá khứ hiện tại vị lai, gọi là nhĩ căn cũng gọi là những gì đã biết… cho đến những gì đã chứng. Việc này là sao? Là tịnh sắc tạo ra do bốn đại, hoặc địa ngục, cho đến tu tạo nên, hết thảy tên gọi, khác lời thêm lời, tưởng cùng với tưởng, đặt ra nói năng, đó gọi là tai, là lĩnh vực của tai, gọi là nhĩ căn (căn của tai), gọi là nghe, gọi là con đường cho đến gọi là bờ bến này. Như vậy, nhĩ căn là lĩnh vực thâu nhiếp bên trong.

3. Thế nào là Tỷ căn?

Đáp: Là mũi đối với Hương đã- đang – sẽ ngửi mùi và đối với đối tượng của nó cũng vậy, gọi là tỷ căn.

Lại tỷ căn là chỗ chính phát ra tỷ thức, nó đã – đang – sẽ nhận rõ mùi và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là tỷ căn. Lại mũi đã- đang – sẽ bị trở ngại đối với mùi và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là tỷ căn. Lại mũi đã – đang – sẽ biến đổi đối với mùi và đối tượng của nó, đó gọi là tỷ căn. Như vậy hết thảy mũi trong quá khứ hiện tại vị lai đều gọi là tỷ căn, cũng gọi là những gì đã biết cho đến những gì đã chứng. Việc này ra sao? Là tịnh sắc tạo ra do bốn đại, hoặc địa ngục, cho đến hoặc trung hữu, không phải là tu tạo nên. Hết thảy tên gọi, khác lời thêm tiếng, tưởng cùng với tưởng, đặt ra nói năng đều gọi là mũi, là lĩnh vực của mũi, là giới hạn của mũi, là tỷ căn, là ngửi, là con đường, cho đến gọi là bờ bến này. Như vậy, tỷ căn là lĩnh vực thâu nhiếp bên trong.

4. Thế nào là Thiệt căn?

Đáp: Là lưỡi đối với Vị đã – đang – sẽ nếm vị và đối với đối tượng của nó cũng vậy, gọi là thiệt căn.

Lại lưỡi là chỗ chính phát sinh thiệt thức. Nó đã- đang – sẽ nhận rõ mùi vị và đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là thiệt căn. Lại lưỡi đã- đang – sẽ bị trở ngại đối với vị và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là thiệt căn. Lại lưỡi đã- đang – sẽ biến đổi đối với vị và đối tượng của nó, cũng vậy đó gọi là thiệt căn. Như vậy hết thảy lưỡi trong quá khứ hiện tại vị lai, đều gọi là thiệt căn, cũng gọi là những gì đã biết cho đến những gì đã chứng. Việc này ra sao? Là tịnh sắc tạo ra do bốn đại, hoặc địa ngục, cho đến trung hữu chứ không phải là tu mà nên, hết thảy tên gọi, khác lời thêm tiếng, tưởng cùng với tưởng, đặt ra nói năng, đều gọi là lưỡi, là lĩnh vực của lưỡi là giới hạn của lưỡi, là thiệt căn, là nếm vị, là con đường, cho đến gọi là bờ bến này. Như vậy, thiệt căn là lĩnh vực thâu nhiếp bên trong.

5. Thế nào là Thân căn?

Đáp: Là thân đối với Xúc đã-đang-sẽ xúc chạm đối với cảm giác và đối với đối tượng của nó, đó gọi là thân căn. Lại thân là chỗ chính phát sinh thân thức, nó đã-đang-sẽ nhận rõ tiếp xúc và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là thân căn. Lại thân đã-đang-sẽ bị trở ngại đối với tiếp xúc và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là thân căn. Lại thân đã-đang-sẽ biến đổi đối với tiếp xúc và đối với đối tượng của nócũng vậy, đó gọi là thân căn. Như vậy, hết thảy thân trong quá khứ hiện tại vị lai, đều gọi là thân căn, cũng gọi là những gì đã biết cho đến những gì đã chứng. Việc này ra sao? Là tịnh sắc tạo ra do bốn đại, hoặc địa ngục cho đến trung hữu, không phải là tu mà nên, hết thảy tên gọi, khác lời thêm tiếng, tưởng cùng với tưởng, đặt ra nói năng, đều gọi là thân, là lĩnh vực của thân, là giới hạn của thân, là thân căn, là cảm giác, là con đường, cho đến gọi là bờ bến này. Như vậy, thân căn là lĩnh vực thâu nhiếp bên trong.

6. Thế nào là Nữ căn?

Đáp: Là nữ – nữ thể – nữ tánh, là thế mạnh của nữ, tác dụng của nữ. Việc này ra sao? Là phần dưới rún, vùng trên đầu gối, hết thảy phần thịt của thân, gân mạch máu chảy tụ hội về đây. Nếu ở chỗ này, giao hội với nam căn thì phát sinh cảm giác thích thú như nhau, đó gọi là nữ căn.

7. Thế nào là Nam căn?

Đáp: Là nam-nam thể- nam tánh, là thế mạnh của nam, tác dụng của nam. Việc này ra sao? Là hết thảy phần thịt của thân từ dưới rún, vùng trên bắp đùi, gân mạch máu chảy tụ hội về đây. Nếu ở chỗ này, giao hội với nữ căn thì phát sinh cảm giác thích thú như nhau, đó gọi là nam căn.

8. Thế nào là Mạng căn?

Đáp: Là trong mọi hữu tình, với mọi sự tụ họp của nó không biến -không đổi – không hư – không mất, không tới không lui mà có đời sống, có tồn tại, sống được che chở, tùy lúc che chở, biến đổi, tùy lúc biến đổi, đó là mạng sống, là đời sống, là mạng căn.

9. Thế nào là Ý căn?

Đáp: Là ý đối với Pháp đã-đang-sẽ biết về pháp, đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là ý căn. Lại ý là chỗ chính phát sinh ý thức, nó đã-đang-sẽ nhận biết pháp và đối tượng của nó cũng vậy. Đó gọi là ý căn. Lại ý căn đã-đang-sẽ bị trở ngại đối với pháp và đối với đối tượng của nó cũng vậy, đó gọi là ý căn. Lại ý đã-đang-sẽ biến đổi đối với pháp và đối tượng của nó, cũng vậy đó gọi là ý căn. Như vậy, hết thảy ý trong quá khứ – hiện tại – vị lai, đều gọi là ý căn cũng gọi đó là sự hiểu biết… cho đến là chứng tất cả. Việc này ra sao? Nghĩa là các tâm – ý – thức, hoặc là địa ngục… cho đến trung hữu, hoặc do tu tập mà thành, hết thảy tên gọi, khác tiếng thêm lời, các tưởng cùng tưởng, đặt ra nói năng, gọi là ý, là lĩnh vực của ý, là giới hạn của ý, là ý căn. Gọi là sự hiểu biết, là con đường…, cho đến gọi là bờ bến này. Ý căn như thế là lĩnh vực thâu nhiếp bên trong.

10. Thế nào là Lạc căn?

Đáp: Nghĩa là gặp các việc thuận lòng vui vẻ, khiến cho thân vui, tâm vui với cảm xúc (thọ) như nhau mà nhận giữ lấy, đó gọi là lạc căn. Lại còn khi tu đệ tam tĩnh lự thì có được hoan lạc khiến tâm vui với cảm xúc (thọ) như nhau mà nhận giữ lấy, đó gọi là lạc căn.

11. Thế nào gọi là Khổ căn?

Đáp: Nghĩa là gặp các việc thuận theo khổ khiến cho thân đau khổ, với cảm xúc không bình thường mà nhận giữ lấy, đó gọi là khổ căn.

12. Thế nào là Hỷ căn?

Đáp: Nghĩa là gặp các việc thuận với vui khiến cho tâm vui, với cảm xúc như nhau mà nhận giữ lấy, gọi là hỷ căn. Lại còn khi tu tĩnh lự thứ nhất-thứ nhì thì có niềm vui khiến tâm vui mừng với xúc cảm như nhau mà nhận giữ lấy, đó gọi là hỷ căn.

13. Thế nào gọi là Ưu căn?

Đáp: Nghĩa là gặp các việc thuận theo lo lắng khiến cho tâm lo sầu với cảm xúc không bình thường mà nhận giữ lấy, đó gọi là ưu căn.

14. Thế nào là Xả căn?

Đáp: Nghĩa là gặp các việc thuận với buông xả khiến cho thân và tâm đều buông xả, có cảm xúc không như nhau cũng không phải không như nhau mà nhận giữ lấy, đó là xả căn. Lại còn khi tu chưa đến được định hoặc ở khoảng giữa của đệ tứ tĩnh lự và định vô sắc thì có được sự không khổ không vui, khiến tâm buông xả, với cảm xúc (thọ) không như nhau cũng không phải không như nhau, mà nhận giữ lấy, đó gọi là xả căn.

15. Thế nào gọi là Tín căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện tạo nên do xuất gia và xa lìa, mà khởi lên các sự tin tưởng, tính chất của niềm tin, tính chất tin tưởng hiện tiền, tùy thuận chấp nhận ái mộ, tính chất của ái mộ, lòng luôn lắng đọng trong sạch yên tịnh, đó gọi là tín căn. Lại còn tín có học và tín vô học và tất cả các thứ tín phi học phi vô học, đều gọi là tín căn.

16. Thế nào gọi là Tinh tấn căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và xa lìa mà khởi lên các sự siêng năng chuyên cần, thấy rất mạnh mẽ, hăng hái tột độ khó ngăn cản được, lòng luôn cố gắng mãi không ngừng, đó gọi là tinh tấn căn. Lại còn có học tinh tấn và vô học tinh tấn, cùng tất cả các thứ tinh tấn phi học phi vô học, đều gọi là tinh tấn căn

17. Thế nào gọi là Niệm căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và xa lìa, mà khởi lên các niệm tùy niệm, chuyên niệm, nghĩ nhớ (ghi nhớ) mãi không quên mất, không thiếu sót, không mất pháp tánh, tâm luôn sáng suốt ghi nhớ lâu dài, đó gọi là niệm căn. Lại có niệm học và niệm vô học cùng tất cả các thứ niệm phi học phi vô học, đều gọi là niệm căn.

18. Thế nào gọi là Định căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện tạo nên do xuất gia và xa lìa, mà khởi lên các tâm đều trụ, trụ gần, an trụ, không phân tán, không loạn động, nhiếp giữ, luôn giữ gìn tất cả, tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh, đó gọi là định căn. Lại có định học và định vô học cùng tất cả các thứ định phi học phi vô học, đều gọi là định căn.

19. Thế nào gọi là Tuệ căn?

Đáp: Nghĩa là nương vào pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và xa lìa, mà khởi lên các cách tuyển chọn đối với các pháp, tuyển chọn kỹ lưỡng cùng cực và rất cùng cực, hiểu rõ, đều hiểu rõ tất cả, hiểu rõ gần, thấu suốt tất cả, xét đoán thông minh, tuệ hành sáng suốt, Tỳ-bát-xána, đó gọi là tuệ căn. Lại còn tuệ học và tuệ vô học cùng tất cả các thứ tuệ phi học phi vô học, đều gọi là tuệ căn.

20. Thế nào là Vị tri đương tri căn?

Đáp: Nghĩa là người nào đã nhập vào hàng chánh tánh ly sinh thì sẽ phát sinh tuệ có học và tuệ căn, cùng các hạnh tùy tín, tùy pháp. Đối với bốn Thánh đế chưa hiện quán, thì nên hiện quán, do đó các căn sẽ chuyển đổi. Đó gọi là căn chưa biết thì nên biết.

21. Thế nào là Dĩ tri căn?

Đáp: Nghĩa là người đã thấy đế phát sinh tuệ có học và tuệ căn cùng đến thắng giải (tin hiểu tốt nhất), có sự thấy biết và thân chứng. Đối với bốn Thánh đế đã hiện quán, mà đã hiện quán tức là đã đoạn trừ các phiền não, cho nên các căn chuyển đổi. Đó gọi là căn đã biết.

22. Thế nào là Cụ tri căn?

Đáp: Nghĩa là bậc A-la-hán đã có tuệ vô học và tuệ căn, cùng tuệ giải thoát, đều giải thoát. Đối với bốn Thánh đế đã hiện quán, mà hiện quán tức là đã được hiện pháp lạc trụ (trụ vào pháp vui hiện đời), nên các căn chuyển đổi. Đó gọi là (căn biết đủ) cụ tri căn.