LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 19: UẨN

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Có năm thứ uẩn, đó là: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

1. Thế nào là sắc uẩn?

Đáp: Nghĩa là có các thứ sắc, tất cả đều là bốn thứ đại và tất cả do bốn đại tạo nên, đó là sắc uẩn.

2. Thế nào là thọ uẩn?

Đáp: Nghĩa là các thọ cùng thọ, tính chất của thọ (cảm xúc), thọ thâu nhiếp, đó là thọ uẩn.

Lại có hai thứ thọ, gọi là thọ uẩn, nghĩa là thân thọ (thọ của thân) và tâm thọ (thọ của tâm).

Thế nào là thân thọ? Nghĩa là năm thức của thân tương ưng các với thọ… cho đến các thọ thâu nhiếp, đó gọi là thân thọ.

Thế nào là tâm thọ? Nghĩa là ý thức tương ưng với các thọ… cho đến thọ thâu nhiếp hết, đó gọi là tâm thọ (Thọ của tâm).

Lại có hai thứ thọ, gọi là thọ uẩn, là sự thọ nhận thú vị thích thú và thọ nhận không thú vị thích thú.

Thế nào là thọ có thú vị thích thú? Nghĩa là hữu lậu tác ý tương ưng với các thọ… cho đến những gì thọ thâu nhiếp, đó gọi là thọ có thích thú.

Thế nào là thọ không thú vị thích thú? Nghĩa là vô lậu tác ý tương ưng với các thọ… cho đến những gì thọ thâu nhiếp, đó gọi là thọ không thích thú.

Có thuyết lại nói: Cõi Dục tác ý tương ưng với thọ thì gọi là thọ có thú vị thích thú. Còn cõi Sắc và cõi Vô sắc tác ý tương ưng với thọ thì gọi là thọ không có thú vị thích thú.

Nay nghĩa trong này là nói hữu lậu tác ý tương ưng với thọ thì gọi là thọ có thú vị thích thú. Còn vô lậu tác ý tương ưng với thọ thì gọi là thọ không có thú vị thích thú.

Cũng như nói về thọ có thú vị, thọ không thú vị, thì các thứ rơi vào thọ, không rơi vào thọ, thọ nương vào đam mê, thọ nương vào xuất ly, thọ thuận kết, thọ không thuận kết, thọ thuận chấp lấy, thọ không thuận chấp lấy, thọ thuận theo bị ràng buộc, thọ không thuận bị ràng buộc, thọ của thế gian, thọ xuất thế gian… cũng như thế.

Lại có ba thứ thọ gọi là thọ uẩn, tức là thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ.

Thế nào là thọ vui? Là gặp việc thuận vui khiến thân và tâm đều vui, thọ nhận như nhau mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ vui. Lại khi tu các loại sơ – đệ nhị – đệ tam tĩnh lự, thì sẽ có được niềm hoan lạc khiến tâm vui, thọ nhận như nhau mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ vui.

Thế nào là thọ khổ? Là gặp các việc thuận khổ khiến thân và tâm đều khổ, có thọ không như nhau mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ khổ.

Thế nào là thọ không khổ không vui? Tức là gặp các việc thuận theo không khổ không vui nên khiến thân và tâm đều buông xả, có thọ không như nhau, cũng không phải không như nhau mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ không khổ không vui. Vả lại lúc tu chưa đạt đến định, trong pháp vắng lặng của thiền thứ tư và định vô sắc, thuận theo không khổ không vui mà tiếp xúc sanh tâm buông xả chẳng bình đẳng – chẳng không bình đẳng thọ nhận, thuộc về thọ nhận, đây gọi là thọ không khổ không vui.

Lại có bốn thứ thọ gọi là thọ uẩn. Tức là thọ cõi Dục, thọ cõi Sắc, thọ cõi Vô sắc và thọ không ràng buộc.

Thế nào là thọ cõi Dục? Là cõi Dục tác ý tương ưng với các thọ…, cho đến cái gì mà thọ nhận giữ lấy. Đó là thọ cõi Dục.

Thế nào là thọ cõi Sắc? Là cõi Sắc tác ý tương ưng với các thọ… cho đến cái gì mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ cõi Sắc.

Thế nào là thọ cõi Vô sắc? Là cõi Vô sắc tác ý tương ưng với các thọ…, cho đến cái gì mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ cõi Vô sắc.

Thế nào là thọ không bị ràng buộc? Nghĩa là vô lậu tác ý tương ưng với các thọ…, cho đến cái gì mà thọ nhận giữ lấy, đó là thọ không bị ràng buộc.

Lại có năm thứ thọ gọi là thọ uẩn. Tức là thọ vui, thọ khổ, thọ mừng, thọ lo và thọ buông xả, đó là năm thọ. Rộng nói như các thứ căn (căn phẩm)

Lại có sáu thứ thọ gọi là thọ uẩn. Là mắt tiếp xúc sinh ra các thọ, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc cũng sinh ra các thọ.

Thế nào là mắt tiếp xúc sinh ra các thọ? Nghĩa là mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba thứ hòa hợp lại sinh ra sự tiếp xúc. Do xúc làm duyên nên sinh ra thọ. Trong này mắt là chính, sắc là đối tượng, còn sự tiếp xúc của mắt là nhân. Do mắt tiếp xúc mà khởi lên tất cả, đó là chủng loại nhãn xúc, là cái sinh ra nhãn xúc. Với nhãn xúc (sự tiếp xúc của mắt) mà sinh ra tác ý tương ưng với nhãn thức, phân biệt nhận thức các sắc mà có các thọ…, cho đến những gì mà thọ giữ lấy, đó gọi là mắt tiếp xúc sinh ra các thọ.

Như vậy các thứ tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc cũng sinh ra các thọ, rộng nói cũng như thế, đó gọi là thọ uẩn.

Cũng như nói về thọ uẩn, thì tưởng uẩn và thức uẩn, các việc rộng nói cũng như thế.

3. Thế nào là hành uẩn? Hành uẩn có hai thứ: – Là hành uẩn tâm tương ưng.

– Là hành uẩn tâm không tương ưng.

Thế nào là tâm tương ưng với hành uẩn? Nghĩa là tư duy tiếp xúc với tác ý, rộng nói cho đến có các trí kiến hiện quan sát các pháp. Lại có các chủng loại pháp khác cùng với tâm tương ưng nhau, đó gọi là hành uẩn tâm tương ưng.

Thế nào là tâm không tương ưng hành uẩn? Nghĩa là đã chứng được định vô tưởng…, rộng nói cho đến văn thân. Lại có các chủng loại pháp khác không tương ưng với tâm, đó gọi là tâm không tương ưng hành uẩn. Như thế cả tâm tương ưng hành uẩn và tâm không tương ưng hành uẩn gọi chung là hành uẩn.