LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 13: VÔ SẮC

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Có bốn cõi Vô sắc, bốn loại ấy là:

1. Như có vị Bí-sô vượt ra ngoài các sắc tưởng, diệt hết các đối tưởng, không còn tư duy suy nghĩ đến các thứ tướng mà nhập vào chỗ không bến bờ (không vô biên) và trụ đầy đủ vào Không vô biên xứ, đó là thứ nhất.

2. Như có vị Bí-sô vượt ra ngoài tất cả cõi không vô biên mà nhập vào thức vô biên và trụ đầy đủ vào Thức vô biên xứ, đó là thứ hai.

3. Như có vị Bí-sô vượt ra ngoài tất cả cõi thức vô biên mà nhập vào vô sở hữu và trụ đầy đủ vào Vô sở hữu xứ, đó là thứ ba.

4. Như có vị Bí-sô vượt ra ngoài tất cả cõi vô sở hữu mà nhập vào chỗ trụ đầy đủ của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là thứ tư.

Vượt ra ngoài các sắc tưởng.

Thế nào là sắc tưởng? Nghĩa là nhãn thức đi đôi với các tưởng, đều tưởng đến các việc ở trước mắt, hiểu rõ và chấp lấy các hình tướng -các sắc đã tưởng và sẽ tưởng…, gọi chung là sắc tưởng. Có tác dụng nên nói cùng năm thức tương ưng với các tưởng đều tưởng…, cho đến đã tưởng và sẽ tưởng…, thì gọi chung là sắc tưởng. Nay nghĩa trong này chỉ nói nhãn thức tương ưng với các tưởng, cho đến đã tưởng và sẽ tưởng, gọi chung là sắc tưởng.

Với các tưởng như thế, ngay lúc đó đều vượt và siêu vượt lên tất cả, nên gọi là vượt ra ngoài các sắc tưởng, diệt tưởng hữu đối.

Có đối tưởng là sao? Nghĩa là tai v.v… cả bốn thức sau cùng tương ưng với các tưởng đều tưởng, cho đến đã tưởng và sẽ tưởng thì gọi chung là đối tưởng. Nay nghĩa trong này thì tai v.v… cả bốn thức sau, cùng tương ưng với các tưởng đều tưởng, cho đến đã tưởng và sẽ tưởng, thì gọi chung là có đối tưởng. Có đối tưởng như thế, mà ngay lúc đó đã đoạn dứt và biết khắp, xa lìa đến xa lìa cùng cực, điều phục đến điều phục cùng cực, trừ diệt hết, biến mất tiêu, không còn suy nghĩ đến các thứ tưởng, nên gọi là diệt hết các đối tưởng.

Thế nào là các thứ tưởng? Nghĩa là có sự che trùm và ràng buộc. Tức là có các tưởng nhiễm ô về sắc – thanh – hương – vị – xúc, là hết thảy tưởng bất thiện, là hết thảy tưởng không đúng lý gây ra tưởng, đó là hết thảy tưởng làm chướng ngại cho định…, gọi chung là các thứ tưởng.

Tưởng ấy khi nó không còn phát khởi lên nữa, không còn nghĩ nhớ, không còn suy nghĩ, không còn đã suy nghĩ hay sẽ suy nghĩ gì cả…, nên gọi là không còn suy nghĩ đến các thứ tưởng; nhập vào không vô biên, trụ đầy đủ vào Không vô biên xứ.

Thế nào là gia hạnh của định Không vô biên xứ, phải tu gia hạnh nào để nhập được định Không vô biên xứ?

Nghĩa là đối với định này, thì người mới tu nghiệp, trước hết cần phải suy tư tĩnh lự thứ tư là chướng khổ thô thiển, sau đó mới suy tư Không vô biên xứ là sự xa lìa tịnh diệu (yên tịnh tuyệt diệu). Ngay bấy giờ, nếu tâm người ấy còn bị tán loạn, bay nhảy khắp các cảnh, không thể chuyên chú vào một cảnh, không thể giữ niệm khiến nó trụ vào một duyên để tu tập định Không vô biên xứ. Ở mức này thì chưa thể gọi là gia hạnh của Không vô biên xứ, cũng chưa thể gọi là đã nhập được định Không vô biên xứ. Còn như trong lúc đó, người này biết kìm giữ tâm mình khiến nó không tán loạn bay nhảy khắp các cảnh, mà lại luôn chuyên chú vào một cảnh, trụ niệm vào một duyên để luôn luôn tư duy tu tập hướng vào định Không vô biên xứ. Với suy nghĩ tư duy như thế mà phát sinh sự siêng năng chuyên cần, xu thế rất mạnh mẽ, hăng hái tột độ khó ngăn cản, lòng luôn cố gắng mãi không ngừng. Bấy giờ mới gọi đó là gia hạnh của định Không vô biên xứ, cũng gọi là đã được nhập vào định Không vô biên xứ.

Với đường lối cách thức đó, người ấy đã tu tập lại càng tu tập nhiều hơn lên, liền khiến cho các tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ, cứ một mực giữ mãi như thế một cách chuyên nhất không lui sụt. Đến đây mới gọi là đã nhập vào định Không vô biên xứ.

Lại trong định này có các thứ tâm – ý – thức thì gọi là tâm có định Không vô biên xứ. Các suy nghĩ đều nghĩ, cho đến tạo ra ý nghiệp của tâm, thì gọi là ý nghiệp có định Không vô biên xứ. Các tâm đã thắng giải, hiểu biết rõ ràng, đã và sẽ hiểu biết rõ ràng mãi, thì cũng gọi là thắng giải có định Không vô biên xứ.

Lại trong định này thì hoặc thọ hoặc tưởng cho đến hoặc tuệ v.v…, thì gọi là các pháp có định Không vô biên xứ. Các pháp như thế cũng gọi là định Không vô biên xứ.

Vượt tất cả Không vô biên xứ. Nghĩa là lúc đó, người này đối với tưởng Không vô biên xứ đều siêu việt tất cả, cho nên gọi là vượt lên (siêu việt) tất cả các thứ Không vô biên xứ.

Nhập vào thức vô biên, trụ đầy đủ vào Thức vô biên xứ.

Thế nào là gia hạnh của định Thức vô biên xứ, phải tu gia hạnh nào để nhập được định Thức vô biên xứ? Nghĩa là ở định này thì người mới tu nghiệp, trước hết cần phải suy tư về Không vô biên xứ, coi là chướng khổ thô thiển. Kế đến thì suy tư về Thức vô biên xứ coi là sự xa lìa tịnh diệu, các phần khác cũng rông nói như Không vô biên xứ.

Vượt tất cả Thức vô biên xứ. Nghĩa là bấy giờ người ấy đối với các tưởng của Thức vô biên xứ mà siêu việt và siêu việt tất cả, cho nên gọi là vượt tất cả Thức vô biên xứ.

Nhập vào vô sở hữu và trụ đầy đủ vào Vô sở hữu xứ.

Thế nào là gia hạnh của định Vô sở hữu xứ, phải tu gia hạnh nào mới nhập được định Vô sở hữu xứ?

Nghĩa là đối với định này, người mới vào tu, thì trước hết phải suy tư về Thức vô biên xứ là chướng khổ thô thiển, kế đó phải suy tư về Vô sở hữu xứ là sự xa lìa tịnh diệu. Các phần khác thì cũng rộng nói như Không vô biên xứ vậy.

Vượt tất cả Vô sở hữu xứ. Nghĩa là bấy giờ người đó đối với các tưởng của Vô sở hữu xứ mà (vượt lên) vượt lên tất cả, cho nên gọi là vượt lên tất cả Vô sở hữu xứ.

Nhập vào và trụ đầy đủ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Thế nào là gia hạnh của định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, phải tu gia hạnh nào để nhập được định Phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Nghĩa là đối với định này, người mới tu nghiệp thì trước hết cần phải suy tư về Vô sở hữu xứ là sự chướng khổ thô thiển, kế đó mới tư duy về Phi tưởng phi phi tưởng xứ là sự xa lìa tịnh diệu. Các phần khác thì cũng rộng nói như Không vô biên xứ.