LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 16: TẠP SỰ

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ-đa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Các thầy nếu có thể đoạn dứt một pháp nào, thì Ta bảo đảm chắc chắn nhất đinh rằng các thầy sẽ được pháp Bất hoàn. Nghĩa là nếu như tham mà đã được trừ sạch rồi, thì Ta có thể bảo đảm nhất định rằng người đó sẽ không trở lại nữa (bất hoàn).

Cũng như thế, các thứ sân, giận, si mê, giận hờn, che giấu, buồn rầu, ganh tỵ, keo kiệt, dối trá, nịnh nọt, không biết xấu hổ với người (tàm), không tự thẹn với mình (quý), mạn, quá mạn, mạn quá mạn, tăng thượng mạn, ty mạn, tà mạn, kiêu mạn, phóng dật, kiêu ngạo, giận tức, làm cao, dối, quỷ quyệt, giả trá, hiện tướng gây cảm kích, chỉ vì lợi, mong cầu lợi, ham muốn xấu (ác dục), dục to (nhiều dục), ca tụng dục (hiến dục), không biết tri túc (hỷ túc), không cung kính, nói lời dữ, thích bạn dữ xấu, không nhẫn nhịn, đam mê, khắp đam mê, nhiễm, tham, phi pháp…, tham trước, tham dữ, tham hữu, thân kiến, có kiến chấp, không kiến chấp, tham dục, giận dữ, hôn trầm, mê ngủ, trạo cử, ăn năn, nghi ngờ, rối rắm không vui, lười biếng, ăn không có điều độ, tâm tánh mê muội, mờ mịt, thấp kém, không tác ý các thứ tưởng, nặng nề, hung hăng, ham ăn uống, tính chất chẳng hòa hợp dịu dàng, tánh không điều hòa nhu nhuyến, không thuận hợp với đồng loại, có tầm về dục, tầm về giận, tầm về hại, tầm về thân thuộc hàng xóm, tầm về đất nước, tầm về chẳng chết, các tầm về: lăng nhục, miệt thị, khinh khi người khác, nhờ cậy bà con, sầu than buồn khổ lo sầu, quấy nhiễu gây đau khổ. Đối với một pháp trong số đó mà đoạn dứt hẳn thì Ta bảo đảm người ấy nhất đinh sẽ không còn trở lại nữa. Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tóm tắt các nghĩa vừa nói, liền đọc tụng:

Tham cột chặt hữu tình,
Luôn qua lại đường dữ,
Người trí đoạn dứt hết,
Không trở lại cõi này.

Còn các thứ sân và si…, như thế cho đến ưu não (lo sầu khổ não) thì mỗi thứ đều có bài tụng giống như bài tụng về tham ở trên, nên biết thế.

Thế nào là tham? Nghĩa là đối với các cảnh dục, các thứ tham đều tham, cầm nắm, chứa cất, giữ gìn, chấp chặt, mến yêu, ưa thích, mê mẩn, đam mê ham muốn, khắp nơi đều đam mê ham muốn, mong cầu, trói buộc trong lòng, say mê, chiêu tập các khổ của chủng loại tham, thứ sinh ra tham…, gọi chung là tham.

Thế nào là sân giận? Nghĩa là đối với các loài hữu tình luôn muốn làm tổn hại, trong lòng chứa chất sự tàn độc, muốn gây khổ đau buồn rầu cho mọi người. Đang, đã và sẽ mãi mãi giận dữ. Thích gây tai họa tột độ, lòng luôn giận hờn. Đối với các loài hữu tình luôn gây chuyện ngược ngạo để gây các tội ác tai họa. Đã, đang và sẽ gây tội ác tai họa mãi mãi…, gọi chung là sân giận.

Thế nào là si mê? Là ở phía trước không biết, phía sau cũng không biết, cả trước lẫn sau đều không biết; trong – ngoài và cả trong ngoài đều không biết, không biết nghiệp, không biết dị thục, không biết nghiệp của dị thục, không biết nghiệp làm thiện, nghiệp làm dữ, nghiệp làm thiện và dữ cũng không biết. Đối với nhân cũng không biết, không biết các pháp do nhân sinh ra, không biết nhân sinh ra pháp, không biết Phật – Pháp và Tăng, không biết khổ – tập – diệt – đạo, không biết pháp thiện hay bất thiện, có tội hay không tội, nên tu hay không nên tu, pháp thấp kém hay thắng diệu, pháp trắng hay đen, không biết cả pháp có đối nghịch, pháp nào là duyên sinh; đối với sáu xúc xứ như thật cũng không biết. Không thấy, không biết như thế, không tu phép hiện quán, luôn tối mù ngu si, không sáng suốt, mịt mờ, cặn đục ngăn che pháp sinh mù, pháp sinh không có mắt, pháp sinh không có trí, pháp sinh tuệ kém, ngăn ngại các phẩm chất tốt lành, khiến không chứng Niết-bàn, có lậu vô minh, bộc lưu vô minh, ách nặng vô minh, gốc rễ độc vô minh lá độc- hoa độc vô minh thân-cành-quả độc vô minh si mê đều si mê và rất si mê, bướng đều bướng và rất bướng, chủng loại si, thứ sinh ra si mê, gọi chung là si.

Thế nào là giận (phẫn)? Giận có hai loại:

  1. Là thuộc về yêu thương mà giận.
  2. Là thuộc về không yêu thương mà giận.

Thế nào là thuộc về yêu thương mà giận? Nghĩa là như có người đối với cha mẹ – anh em – chị em – vợ con trai gái và bà con, bạn bè thân thích… sinh lòng giận hờn nói rằng: Vì sao không cho ta vật đó mà đưa cho ta thứ này? Tại sao không để ta làm việc đó mà bảo ta làm việc này? Do đó mà sinh ra các thứ giận hờn, đều giận, giận khắp, giận cùng cực, đã – đang và sẽ giận mãi. Nóng rực và rất nóng rực, khói lửa và rất khói lửa, lóe sáng và rất sáng lóe, hung ác thô bạo, tâm luôn nổi giận, lộ vẻ hung tợn, lời nói thô bạo. Đó là chuyện yêu thích mà giận.

Thế nào là thuộc về không yêu thương mà giận? Nghĩa là như có một người nghĩ: Nay người ấy đối với ta muốn làm việc vô nghĩa, không lợi ích, không an lạc, không thấm nhuần, không an ổn, mà người ấy đã- đang và sẽ làm nhiều điều vô nghĩa đối với ta. Trong khi có nhiều người đối với ta muốn làm nhiều điều vô nghĩa… cho đến không an ổn. Nhưng đối với người ấy thì họ lại làm các việc có nghĩa, có lợi ích, an lạc, thấm nhuần và an ổn, mà lại đối với người ấy đã – đang và sẽ làm các điều có nghĩa cho đến sự an ổn, nhưng đối với ta thì họ lại làm các điều vô nghĩa… cho đến việc không an ổn. Do đó mà phát sinh các sự giận dữ, đều giận dữ cho đến hung tợn, nói lời thô bạo. Đó gọi là thuộc về không yêu thương mà giận. Thuộc về yêu thương hay không yêu thương, gọi chung là giận.

Thế nào là hận? Là có một người nghĩ: Người ấy đã làm các việc vô nghĩa đối với ta…, rộng nói như trước, thì ta cũng phải làm như vậy đối với họ. Giận này từ sân sinh ra, thường ôm lòng giận dữ, kết thành các hận thu, khắp nơi cùng cực, tạo ra các nghiệp khó tránh, bị các nghiệp trói buộc chằng chịt, khởi tạo ra các nghiệp rất kiên cố, gây tạo các sự oán hờn thù hận, tính chất của lòng oán hận…, gọi chung là hận.

Thế nào là che giấu? (Phú) Là như có một người phá giới, phá phạm các điều thấy biết, phá cuộc sống trong sạch, vi phạm các quy định, không giữ trọn vẹn rốt ráo các giới cấm, không giữ được trong sạch thanh tịnh, không thể vẹn toàn. Người này đã tự biết mình phạm pháp đã lâu và tự nghĩ: Nếu ta thú nhận trước kẻ khác, trình bày các điều phạm pháp làm bậy, tất sẽ bị chế giễu, tất sẽ bị châm chọc nhờm tởm, hoặc bị chê bai làm nhục và kể tội, kết tội… rồi không còn được ai tôn kính quý mến cúng dường nữa…, ta thà chịu đọa vào ba đường dữ chứ không thể khai bày các tội phạm của ta được. Vì sợ bêu riếu chê xấu, lại sợ mất sự cung kính cúng dường, nên người này che giấu đều che giấu, che giấu khắp, đều giấu giếm, giấu giếm khắp, giữ gìn giấu kín mọi sai phạm của mình. Đã- đang và sẽ che giấu mãi mãi…, gọi chung là phú.

Thế nào là não? Nghĩa là có một người ở trong hàng Tăng chúng, nhân việc đúng pháp và không đúng pháp mà sinh tranh cãi nhau. Các vị Bí-sô vì muốn có sự hòa thuận yên ổn nên ra sức can ngăn khuyên bảo. Nhưng người này ngoan cố không nghe. Đây là loại bản chất chẳng chịu nghe lời khuyên can, chẳng nghe lời răn dạy, tánh quá cố chấp, tánh giữ chặt ý mình, tánh khuynh tả, đi ngược lại, tánh không hữu khuynh, không theo lẽ thường, tánh khó khuyên từ bỏ, tánh ứng đối vụng về, tánh bướng bỉnh của loài sư tử, tánh của loài sâu độc, tánh hung bạo dữ dằn…, gọi chung là não.

Thế nào là ganh tị? Nghĩa là có một người thấy người khác được cung kính cúng dường tôn trọng, khen ngợi quý mến, đủ cả năm trần đáng ưa thích, y phục, ăn uống, ngọa cụ thuốc trị bệnh và các vật dụng khác đều đủ. Người này nghĩ: Ông ấy đã được cung kính cúng dường… đủ mọi việc, còn ta thì chẳng có. Do đó mà sinh ra lo sầu, rất lo sầu, khổ quá khổ, quá ganh tị…, gọi chung là ganh tị.

Thế nào là keo kiệt về tiền của? Nghĩa là đối với năm trần đáng ưa thích, y phục, ăn uống, ngọa cụ thuốc men và các vật dụng khác thì ngăn trở cấm đoán không cho người khác có được, được dùng. Còn bao nhiêu những vật đáng ưa như tiền bạc của mình đang có, thì không ban tặng bố thí cho ai cả, không khắp thí, không tùy theo khắp thí, không buông xả, khắp buông xả, không tùy khắp buông xả, có tính chất của lòng luôn luyến tiếc. Đó là keo kiệt tiền của.

Thế nào là keo kiệt về pháp? Nghĩa là khi có các pháp như Tố-đátlãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma, hoặc có các vị Thân giáo sư, Quỹ phạm sư (thầy giới luật) đến dạy dỗ truyền giáo, khuyên dạy, chỉ bày các giáo lý bí yếu…, thì ngăn cản cấm đoán không cho người khác được nghe học tu hành. Còn nếu mình có được các pháp như trên thì cũng không rao truyền dạy bảo cho ai, không cho, không cho khắp, không tùy cho khắp, không buông xả, không buông xả khắp, không tùy khắp buông xả, có tính chất của lòng luôn luyến tiếc. Do đó gọi là keo kiệt về pháp. Đây là keo kiệt về tiền của và giáo pháp, gọi chung là keo kiệt.

Thế nào là dối lừa? Nghĩa là giả đấu, tráo thăng, sửa cân, bớt thước, nói lời quỷ quyệt dối trá, bày trò phỉnh gạt dối lừa dụ dỗ…, khiến người khác tin là thật là đúng. Các trò lừa dối khắp, dối lừa một cách cùng cực…, gọi chung là lừa dối.

Thế nào là dua nịnh? Nghĩa là tâm có tánh giấu giếm, quanh co, tráo trở, tâm trầm trệ (sâu hiểm), tâm không rõ ràng, tâm không ngay thẳng, tâm không chịu đựng, gọi chung là dua nịnh.

Thế nào là không xấu hổ (tủi)? Nghĩa là không biết hổ thẹn, không bị hổ thẹn, không thẹn riêng, không mắc cỡ, không mắc cỡ riêng, không quý kính, tánh không kính trọng ai, không tự tại, tánh không tự tại. Đối với mọi thứ đều tự tại không hề sợ sệt sửa đổi làm theo, gọi chung là không thẹn.

Thế nào là không tự thẹn? Nghĩa là không tự xấu hổ với chính mình, không bị và không có điều tự thẹn, không tự thẹn riêng, không mắc cỡ, không mắc cỡ riêng. Đối với các tội lỗi không hề lo lắng sợ sệt, không thấy sự đáng sợ sệt, gọi chung là tự thẹn.

Thế nào là mạn? Nghĩa là thấp kém mà cho rằng mình hơn, hoặc đối người cao thì bảo mình ngang hàng. Do đó mà khởi lên lòng kiêu mạn. Đã – đang và sẽ kiêu mạn mãi, tâm luôn ỷ thế cậy mình, tâm luôn tự ngoan cố bảo thủ mình, gọi chung là mạn.

Thế nào là quá mạn? Nghĩa là mình bằng người khác thì bảo là mình hơn, hoặc đối với kẻ hơn mình thì bảo là mình ngang họ. Do đó mà khởi sự kiêu căng khinh lờn mọi người…, cho đến luôn tự ngoan cố bảo thủ, gọi chung là quá mạn.

Thế nào là mạn quá mạn? Nghĩa là đối với kẻ hơn mình thì bảo

rằng mình hơn họ. Do đó mà khởi lên kiêu mạn…, cho đến tự ngoan cố bảo thủ mình, gọi chung là mạn quá mạn.

Thế nào là ngã mạn? Nghĩa là đối với năm uẩn mà theo đó nhìn thấy có ngã và ngã sở (có ta và những cái thuộc ta). Do đó mà khởi lên lòng kiêu mạn…, cho đến tự ngoan cố bảo thủ mình, gọi chung là ngã mạn.

Thế nào là tăng thượng mạn? Nghĩa là chưa được thì bảo là được,chưa nhận được thì bảo là đã nhận được, chưa tiếp xúc đụng tới thì bảo là đã tiếp xúc đụng tới, chưa chứng thì bảo là đã chứng. Do đó mà khởi lên kiêu mạn…, cho đến tự ngoan cố bảo thủ mình, gọi chung là tăng thượng mạn.

Thế nào là ty mạn? Nghĩa là đối với kẻ hơn nhiều thì tự thấy mình quá thiếu kém. Do đó mà khởi lên lòng kiêu mạn…, cho đến lòng luôn tự ngoan cố bảo thủ mình, gọi chung là ty mạn.

Thế nào là tà mạn? Nghĩa là mình không có phước đức mà bảo là có phước đức. Do đó mà khởi lên sự khinh khi kiêu mạn…, cho đến lòng ngoan cố tự bảo thủ mình, gọi chung là tà mạn.

Thế nào là kiêu mạn? Nghĩa là có một người suy nghĩ: Dòng dõi của ta từ gia tộc, sức khỏe, sắc đẹp, sự nghiệp nghề nghiệp khéo léo, hoặc có tiền bạc, quả vị, hay giới định tuệ v.v…, mỗi thứ đều tuyệt vời tốt lành tột bậc. Do đó mà khởi lên kiêu ngạo, say mê càng say mê, mê mẩn càng mê mẩn, lòng luôn hống hách, tâm tự buông lung luôn tự bảo thủ mình sinh khởi đủ mọi thứ, kiêu kỳ cao ngạo, tự tôn hách dịch, tính chất của lòng tự cao khinh người, gọi chung là kiêu mạn.

Thế nào là phóng dật? Nghĩa là đối với các cách đoạn trừ pháp bất thiện và chứa nhóm các pháp thiện… thì không chịu tu tập rèn luyện, không luôn thực hành thực nghiệm, buông bỏ không tu tập các gia hạnh…, gọi chung là phóng dật.

Thế nào là kiêu ngạo? Nghĩa là có một người, kẻ đáng cúng dường thì chẳng cúng dường, đáng cung kính mà không cung kính, đáng tôn trọng mà không tôn trọng, đáng khen ngợi mà không khen ngợi, đáng thăm hỏi mà không thăm hỏi, đáng lễ bái mà không lễ bái, đáng đón tiếp mà không đón tiếp, đáng mời ngồi nhường đường mà không mời ngồi, nhường đường… Do đó mà thân phát sinh không chịu nhún nhường khuất phục, không đều nhún nhường khuất phục, không rất nhún nhường khuất phục. Thân xấc xược ngạo nghễ, gọi chung là kiêu ngạo.

Thế nào là nổi giận? (Phấn phát) Nghĩa là tính chất của thân bị giam cầm hãm hại, tâm bị giam nhốt hãm hại, tính chất của thân và tâm nổi giận bừng bừng, đã – đang và sẽ nổi giận bừng bừng uất ức, gọi chung là phấn phát, bừng bừng uất tức.

Thế nào là hư giả lừa dối? Nghĩa là có người quá tham lam vì muốn được cúng dường, vì các thứ đồ dùng, vì muốn được cung kính, được ngợi khen nên nhổ bỏ râu tóc, nằm trần truồng trên tro than, bước đi từng bước gầm đầu ngó xuống, hoặc hét to tiếng làm oai trình diễn tài nghệ của mình, hoặc làm các việc khổ hạnh v.v…, đều gọi chung là hư giả lừa dối.

Thế nào là lừa dối quỷ quyệt? Nghĩa là có người quá tham lam vì muốn được cúng dường tôn trọng v.v… như trước đã nói bèn đến nhà người khác mà bảo rằng: Ông nay là người rõ có phước được các bậc Hiền Thánh đến nhà, là các vị đọc tụng thọ trì biết bao kinh điển pháp luật, khéo léo giảng nói pháp bí yếu truyền ký, (truyền giao) pháp diệu nhân, đã từng sáng tác các bộ luận, hạng người chỉ thích ở chốn A-nhãluyện, chỉ mặc có ba y, thích đi lễ khắp nơi, ưa mặc áo phấn tảo xấu xí, thích tu hạnh khất thực, ngày chỉ ăn một lần, ăn chỉ một bát, ngồi ăn một mình, hạng thích ở bên gốc cây hoặc ở đất trống, hay trên các gò mả. Thích ngồi mãi chẳng nằm hoặc tùy nơi mà ngồi tạm. Đã được quán bất tịnh, được pháp quán hơi thở, đã chứng được bốn tĩnh lự, đã được bốn pháp vô lượng, bốn pháp vô sắc, đã chứng được bốn Thánh quả, đã được sáu thông tuệ, đã chứng được tám giải thoát… Chỉ có các bậc Hiền Thánh đó mới đến nhà của ông và đáng được ông cúng dường cung kính tôn trọng tán dương khen ngợi. Họ là chỗ nương dựa của ông, nhưng đức hạnh của tôi đây so với hạng người đó không hề thua kém chút nào. Nay tôi đến nhà ông chắc chắn chẳng mong được giống như họ, ông hãy nên cúng dường tôn trọng… Đó gọi là ngụy trá (quỷ quyệt dối lừa).

Lại còn có kẻ lừa dối nữa, là cũng vì được cúng dường tôn trọng v.v… như trước nói, liền đến nhà người khác mà bảo: Ông nên nghĩ tôi đáng bậc cha mẹ của ông, còn tôi thì xem ông không khác gì con trai con gái thân thiết của tôi. Vậy từ nay trở đi ta nên kết làm thân quyến ruột thịt, vui buồn vinh nhục đều cùng có nhau. Trước khi hiện đến cõi thế gian này, ai cũng trôi nổi nhưng tôi là Sa-môn thích tử. Từ nay trở đi đều nên xưng tụng coi tôi như là bậc Sa-môn của gia đình ông. Tất cả mọi thứ tôi cần như các vật dụng hàng ngày trong đời sống, y phục thuốc men v.v…, ông đều nên cúng dường đầy đủ. Nếu ông không làm được, tất nhiên tôi đành cáo biệt để đến nhà vị thí chủ kính tín khác, chẳng lẽ ông không thấy nhục sao?… Các việc làm như thế đều không thật, chỉ là phương cách đặt điều nói ra như thế, gọi chung là lừa dối.

Thế nào là hiện tướng (làm ra vẻ)? Nghĩa là có vẻ quá tham lam vì muốn được tôn trọng cúng dường như đã nói…, nên đến nhà người khác mà nói: Này ông bà hiền sĩ, tất cả y này, bát này, các ngọa cụ nằm ngồi đây, các quần áo đẹp đẽ này mà tôi có được thì thật là cần thiết lắm, các vị nên luôn luôn ủng hộ giúp đỡ, đây là phước đức của quý vị. Nếu quý hiền sĩ bỏ mặc thì còn biết ai sẽ ra tay ban ơn giúp đỡ cho đây? Do cách làm này mà nhận được nhiều lợi nhuận, nên gọi là hiện tướng (làm ra vẻ).

Thế nào gọi là nói kích thích tha thiết? Nghĩa là có kẻ lắm tham lam cũng vì muốn được cúng dường quý trọng như trên v.v…, nên đến nhà người khác nói lời như vậy: Cha mẹ của các người có đầy đủ tịnh tín, giới hạnh đa văn, xả và tuệ, nhờ nghiệp thiện đó mà các vị ấy đã được sinh lên cõi trời và được giải thoát. Nhưng nay nếu các người không còn giữ tịnh tín giới hạnh đa văn – tuệ và xả…, đã không làm các nghiệp thiện, sau này đến lúc lâm chung sẽ bị đọa vào các đường dữ, chừng ấy biết làm sao đây? Cứ như thế mà than vãn khen chê chỉ cốt cầu lợi, nên gọi chung là kích ma.

Thế nào là dùng lợi cầu lợi? Nghĩa là có một người trước đây từ nhà một người khác mà xin được y bát, cùng với người này coi thân như một phần sinh mạng của chính mình. Người này lại mang y bát đến nhà một người khác mà trình bày rằng: Ở nhà ông bà ấy đã cho tôi vật này. Chính ông bà thí chủ này đã bao lâu nay luôn luôn cung cấp cho tôi y bát và mọi thứ vật dụng v.v…, vậy nay ông bà cũng nên như ông bà thí chủ kia mà làm nơi nương dựa cho tôi. Đây là dựa vào phương tiện trước mà nhận được lợi sau. Như thế gọi chung là dùng lợi mà cầu lợi.

Thế nào là ác dục (ham muốn xấu)? Nghĩa là có một người thật tình không hề đọc tụng thọ trì kinh luật hay các pháp đối trị…, rộng nói cho đến thật sự chẳng chứng được tám giải thoát, nhưng lại muốn người khác tưởng mình là thật có đọc tụng thọ trì kinh luật và các pháp đối trị…, nhân đó sẽ được cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi mà làm chỗ nương cậy. Lại tự mình thật sự không có các pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và sự xuất ly, nhưng lại vì người khác mà tuyên nói chỉ bày chứng tỏ rằng mình đã được chứng. Các loại như thế thì gọi chung là ác dục.

Thế nào gọi là ham muốn to (đại dục)? Nghĩa là có người quá tham lam, vì muốn có được của cải tiền bạc rộng lớn…, nên khởi lên lòng ham muốn đã và sẽ ham muốn mãi. Gọi chung là ham muốn to.

Thế nào là làm sáng tỏ dục? Nghĩa là có một người thật tình có đọc tụng thọ trì kinh luật và pháp đối trị… Rộng nói cho đến được niệm trì tức (giữ hơi thở) và được các quả Dự lưu và Nhất lai. Nhưng chỉ vì không có tiếng tăm, mọi người không biết đến, nên có ý muốn người khác biết được mình có đức này, nhân đó sẽ có được các sự cúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi mà có chỗ cậy nhờ… Và người này chính mình có các pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và lìa bỏ, nên vì người khác tuyên nói chỉ bày rõ ràng mình đã được chứng, các loại như thế gọi là hiển dục (trình bày ý muốn).

Thế nào gọi là không hỷ túc? (không vui biết đủ) Nghĩa là có một người đối với các sắc – thanh – hương – vị – xúc và những thứ vật dụng khác mà mình đã có được, chẳng sinh lòng biết hỷ túc, biết vừa đủ. Cứ mãi ham muốn mong cầu có được nhiều nữa, nên gọi chung là không biết hỷ túc.

Thế nào gọi là chẳng cung kính? Nghĩa là có một người, như có vị thân giáo sư hay cùng loại thân giáo sư, vị quỹ phạm sư hay cùng một loại quỹ phạm và một loại người khác đáng tôn quý tin tưởng đến làm bè bạn đúng pháp mà bảo người ấy rằng: Kể từ nay trở đi, anh đừng nên có thói xấu thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp, chớ nên làm việc không nên làm, đừng gần gũi giao du với bạn bè xấu, chớ có tạo nghiệp đọa vào ba đường dữ. Họ khuyên răn dạy bảo như thế đúng pháp hợp thời. Đối với việc tu tập đạo pháp tùy thuận dùi mài, thêm lớn vẻ trang nghiêm, luôn an ủi khuyến dụ, giúp đỡ tư lương tài vật. Nhưng người này lại không vui mừng mến thích. Đối với lời thầy nói, thì luôn trái nghịch làm ngược lại, không hề nghe theo lẽ phải, lại chê bai bài bác chẳng chịu sửa chữa trừ bỏ. Các việc như thế gọi là không cung kính.

Thế nào là nói lời hung dữ? Nghĩa là có một người, như có vị thân giáo sư hay cùng loại như thế, hoặc quỹ phạm sư (thầy giới luật) hoặc cùng loại như thế, hay là có một hạng người đáng tôn trọng đến làm bè bạn và dùng pháp nói: Từ nay trở đi, anh đừng nên có thói xấu thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp, chớ làm những chuyện không nên làm, chớ giao du gần gũi bạn xấu, chớ tạo các nghiệp ác mà phải đọa vào ba đường dữ. Cứ như thế đúng pháp hợp thời mà khuyên răn dạy bảo. Đối với việc tu tập đạo pháp tùy thuận dùi mài, thêm lớn vẻ trang nghiêm, luôn an ủi khuyến dụ, giúp đỡ tư lương tài vật. Nhưng người ấy không vui mừng ưa thích. Đối với lời dạy bảo của bậc thầy thì luôn trái lời làm ngược lại, không hề nghe theo lẽ phải, còn chê bai bài bác chẳng chịu sửa chữa lầm lỗi. Trái lại dùng lời mắng chửi các vị đáng bậc thầy đó.

Các việc như thế gọi là nói lời hung ác.

Thế nào là thích bạn dữ? Nghĩa là có một người ưa thích gần gũi đám bạn xấu, dữ. Nói là bạn xấu, nghĩa là các đám người mổ giết dê gà heo bắn chim bắt cá, săn thú trộm cướp, cầm đầu bọn dữ, làm nem chả, làm cai ngục giữ tù, nấu thịt chó, và đặt bẫy giăng lưới… Đó gọi là bạn xấu dữ. Lại có một loại người phá hủy giới cấm (thi la), quen thói làm ác. Trong lòng ôm chứa mọi điều hư xấu, tệ hại, bên ngoài hiện vẻ kiên trinh, trong trắng. Loài sên dơ bẩn tiếng kêu the thé, làm hạnh trâu chó. Thật chẳng phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, thật không phải phạm hạnh mà tự bảo là phạm hạnh…, thì cũng gọi là bạn xấu. Các loại bạn xấu như thế, thường gần gũi phục dịch, phụng thờ tùy thuận mến thương ưa thích, nên gọi là ưa thích bạn xấu, bạn dữ.

Thế nào là không chịu nổi? Nghĩa là có một loại người không thể chịu đựng được các thứ đụng chạm tiếp xúc với lạnh nóng, đói khát, gió mưa, rắn rít, ruồi muỗi…, và bao nhiêu khổ sở khác. Lại có một loại người đối với sự hung dữ bạo ác của người khác mà gây ra cho thân mình cái tâm tàn bạo hung ác dữ dằn có thể giết chết, hoặc gây bao khổ sở đớn đau, hoặc lời nói thô tục dữ dằn…, thì không thể chịu đựng nổi. Như vậy các việc vừa nói ở đây và ở trước, gọi chung là không thể chịu đựng được (không thể chịu nổi).

Thế nào là đam mê ham thích khắp nơi ham thích? Tức là bậc dưới của sự ràng buộc do tham-sân-si thì gọi là ham mê, còn ở bậc trung của sự ràng buộc do tham-sân-si thì gọi là khắp nơi đam mê ham thích. Lại có chỗ nói ở bậc trung của sự ràng buộc do tham-sân-si thì gọi là ham mê, còn ở bậc cao của sự ràng buộc do tham-sân-si thì gọi là khắp nơi đam mê ham thích.

Thế nào là tham nhiễm? Nghĩa là đối với các dục, các thứ tham lam đều tham…, cho đến chủng loại của tham, thứ sinh ra tham…, gọi chung là tham nhiễm.

Thế nào là tham phi pháp? Nghĩa là đối với mẹ, vợ, hầu thiếp, chị em gái và các bà con phụ nữ khác…, thì khởi lên các tham nhiễm ham thích tất cả, bám lấy giấu cất giữ gìn, đắm mê, yêu thương v.v…, thì gọi chung là tham phi pháp (trái pháp).

Thế nào là say mê tham? Nghĩa là đối với của cải tiền bạc và các thứ thuộc về mình thì đều ham thích tất cả, luôn muốn bám lấy nhóm chứa, cất giấu, giữ gìn, ham thích, đắm mê, giữ chặt… thì gọi là tham ác. Lại còn tham ác là có thói quen hoặc mưu toan đối với mạng sống của loài khác, người khác mà ham thích các thứ da, sừng v.v…, hoặc ăn thịt, uống máu…, cả hai thứ vừa nói đều gọi là tham ác (tham dữ).

Thế nào là thân kiến? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn này mà khởi lên cái tưởng về ta và những cái thuộc về ta (ngã, ngã sở). Do đây mà sinh ra cái thứ ham thích mê đắm quý chuộng cái thân, nên gọi là thân kiến (thấy có thân).

Thế nào là có chấp? Nghĩa là đối với ngã và cõi thế gian này mà khởi sinh cái tưởng cho là nó còn mãi. Do đây mà sinh ra nhìn thấy ham thích mê đắm quý chuộng. Đó gọi là có kiến (chấp).

Thế nào là không có chấp? Nghĩa là đối với ngã và cõi thế gian này, sinh khởi ý tưởng rằng nó không còn hoài. Do đây mà sinh ra nhìn thấy chịu đựng ham thích, nên gọi là chấp không có.

Thế nào là tham dục? Nghĩa là đối với các cảnh dục khởi sinh lòng ham thích mừng vui, cầu mong đến tới, có được…, thì gọi là tham dục. Có chỗ nói là: Đối với các cảnh dục thì có các điều tham cả…, cho đến các loại tham, thứ sinh ra tham…, gọi chung là tham dục.

Thế nào là sân giận? Nghĩa là đối với các loài hữu tình luôn muốn gây tổn hại đau khổ. Trong lòng luôn chứa sự tàn độc dữ dằn…, cho đến hiện tại đang gây ra tai họa, gọi chung là giận hờn.

Thế nào là hôn trầm? Nghĩa là tính chất nặng nề của thân, của tâm…, cho đến mịt mờ rối rắm, mê muội…, gọi chung là hôn trầm.

Thế nào là mê ngủ? Nghĩa là ngủ mê không hề đảm trách coi sóc công việc, tính chất của tâm luôn mê mờ sơ suất, nên gọi là mê ngủ.

Thế nào là trạo cử (khuấy động)? Nghĩa là tâm không vắng lặng yên tĩnh, luôn khuấy động và đều khuấy động tất cả, tính chất của tâm khuấy động, gọi chung là trạo cử (luôn khuấy động).

Thế nào là ăn năn? Tức là tâm biến dời căm tức bực dọc, tâm hối tiếc việc làm ác của mình, tính chất của ăn năn, gọi chung là ăn năn.

Thế nào là nghi ngờ? Nghĩa là tâm ngờ vực đối với Phật Pháp Tăng và khổ – tập – diệt – đạo, lừng chừng đôi ngã, lưỡng lự…, cho đến chẳng dứt khoát một lối, nên gọi chung là ngờ vực (nghi ngờ).

Thế nào là rối rắm mê muội? Nghĩa là tính chất nặng nề của thân và tâm, tính chất của thân và tâm không đảm trách công việc được, tính chất rối rắm mê muội của thân và tâm. Đã- đang và sẽ mê muội rối rắm mãi, nên gọi chung là rối rắm mê muội.

Thế nào là không vui? Nghĩa là như có một người được các vị thân giáo sư tốt hoặc cùng loại, các thầy quỹ phạm tốt hoặc cùng loại, hoặc một vị khác giống như thế đáng quý trọng, đáng tin cậy đến làm bạn rồi khuyên bảo truyền dạy nhắc nhở việc giữ niệm tư duy…, cho đến phòng xá ngọa cụ. Nhưng tâm người này không vui mừng mến mộ yêu thích mà lại buồn bã lo lắng thảm thiết…, gọi chung là không vui.

Thế nào là nằm dài ra ngáy ợ ngáp? Nghĩa là hạ thấp mình xuống, tức là nằm dài ra tay chân duỗi ra…, thì gọi là nằm dài ra, môi há hốc mà ngủ ngáy ợ ngáp.

Thế nào là ăn uống không điều độ? Nghĩa là không ăn uống hoặc ăn uống quá sức, quá độ lượng, hoặc ăn uống tạp nhạp ai mà sinh ra khó chịu, gọi chung là ăn uống không điều độ.

Thế nào là tâm có tính chất mê mờ yếu kém? Tức là tâm mê mờ tăm tối yếu kém, co quắp teo tóp lại, gọi chung là tâm mê mờ yếu kém.

Thế nào là các thứ tưởng? Nghĩa là có sự che lấp buộc trói, có các thứ nhiễm ô tội lỗi và các thứ nhiễm ô về sắc – thanh – hương – vị – xúc, các tưởng bất thiện, các tưởng phi lý, các tưởng làm chướng ngại định…, gọi chung là các thứ tưởng.

Thế nào là không tác ý? Nghĩa là đối với pháp thiện tạo nên do sự xuất gia và xa lìa thì không hề phát sinh, không nhớ nghĩ, không suy tư mãi mãi, tâm không hề tỉnh giác, gọi chung là không tác ý.

Thế nào là thô trọng? Nghĩa là tính chất nặng nề của thân và tâm, tính chất của thân và tâm không đảm trách được công việc, tính chất cang cường cứng đầu của thân và tâm, tính chất của thân và tâm không điều hòa, không dịu dàng hiền lành…, gọi chung là thô trọng.

Thế nào là xúc phạm thô tháo? Lại có một loại người khi trao thức ăn cho người thì ai xin chín cho sống, ai xin sống cho chín, xin to cho nhỏ, xin bé cho to, cho không bình đẳng, không đúng pháp, đối với việc đáng biết thì không biết, với người đáng cho thì không cho. Bất cứ việc gì luôn làm trái ngược lời nói, nên gọi là xúc phạm đường đột.

Còn có một loại người khi các thân giáo sư hay người cùng loại, có quỹ phạm sư hay người cùng loại, có một hạng người nào đó đáng tôn trọng tin tưởng đến cùng làm bạn và bảo rằng: Này thầy ơi, đối với sự việc và các nghiệp đó thì nên làm như thế này, thế này theo các thứ lớp của nó…. Người ấy tự nghĩ: Việc gì nghiệp nào mà khiến ta phải làm theo thứ tự như thế? Rồi trong đó luôn làm nghịch lại lời nói. Đó gọi là xúc phạm đường đột.

Lại có một loại người hoặc tự mình đến xin tạ lỗi, hoặc người khác dạy nên tạ lỗi, hoặc tự mình có việc thưa mời hay người khác bảo nên thưa mời, thì các việc đó thường làm trái ngược lời nói. Đó gọi là xúc phạm đường đột. Như thế, nếu có khi phải cắt sửa quần áo hay gầy dựng sự nghiệp…, thì cũng luôn làm trái ngược lời nói… Gọi chung là xúc phạm đường đột.

Thế nào là gọi là kẻ ham ăn? Nghĩa là có một loại người khi phân chia tiền của (tài lợi) thì bỏ một lấy một, tánh tham không nhất định. Đó gọi là xan. Trước và sau buổi ăn thường đến chỗ ăn uống để tìm ăn những thứ họ thích, ngon dở không nhất định, nên gọi là xan. Phần này và phần trước đã nói, gọi chung là xan xan (ham ăn).

Thế nào là tánh không hòa nhã mềm dịu? Nghĩa là tâm cứng cổi, ương ngạnh, ngang bướng, tâm không sáng sạch, tâm không thấm nhuần linh hoạt, tâm không nhu nhuyến dịu dàng, tâm không chịu đựng được (kham nhậm), gọi chung là tánh không hòa nhã mềm dịu.

Thế nào là tánh không điều nhu? Nghĩa là thân cang cường cứng cổi, thân ương ngạnh, ngang bướng, thân không sáng sạch, thân không tươi nhuận linh hoạt, thân không mềm mỏng, thân không chịu làm việc gọi chung là tánh không điều nhu.

Thế nào là không thuận hợp với đồng loại? Nghĩa là có một loại người đối với thân giáo sư hay người cùng loại, vị quỹ phạm sư hay người cùng loại hoặc có người đáng quý trọng tin tưởng đến làm bạn, thì người này không chịu tùy thuận. Đó gọi là không thuận hợp với đồng loại.

Thế nào là dục tầm? Nghĩa là tham dục tương ưng với các tầm cầu của tâm, tầm cầu khắp nơi tầm cầu gần, tâm rõ ràng, rất rõ ràng, hiện tiền rõ ràng suy tìm xét đoán, suy nghĩ phân biệt…, gọi chung là dục tầm.

Thế nào là nhuế tầm? Nghĩa là giận hờn tương ưng với các tầm cầu của tâm, khắp nơi tầm cầu…, cho đến suy nghĩ phân biệt, gọi chung là nhuế tầm.

Thế nào là hại tầm? Nghĩa là hại tương ưng với các tầm cầu của tâm, khắp nơi tầm cầu…, cho đến suy nghĩ phân biệt, gọi chung là hại tầm.

Thế nào là kết thân lý tầm? Nghĩa đối với xóm làng thân thiết, muốn khiến cho an vui, được gặp bạn tốt không có não hại khổ sở buồn rầu, thành tựu được tất cả pháp không gây não hại, sầu khổ cho ai. Vua quan đều thương mến quý trọng, người cả nước đều tôn kính mến mộ, lúa đậu ngô khoai trúng mùa, mưa gió đúng lúc. Do các duyên đó mà khởi tâm tầm cầu, tầm cầu khắp nơi cho đến suy nghĩ phân biệt, gọi chung là thân lý tầm.

Thế nào là quốc độ tầm (Đất nước – Tổ quốc)? Nghĩa là đối với mọi người trong đất nước thân yêu, muốn cho họ đều được an vui…, rộng nói cho đến mưa gió thuận hòa. Do các duyên này mà khởi tâm tầm cầu…, cho đến suy nghĩ phân biệt, gọi chung là quốc độ tầm.

Thế nào là không chết tầm? Nghĩa là có một loại người nghĩ: Đối với giáo pháp của Phật nói về các thứ thiền định cao quý, ta chưa hề tu tập. Vậy trước hết ta nên đọc tụng thọ trì các kinh điển giới luật, pháp đối trị, rồi vì tất cả loài hữu tình mà tuyên nói pháp yếu, các câu chuyện (truyện ký), sáng tác các bài luận thuyết, chú thích giải nghĩa các kinh (sớ). Thường ở chốn A-luyện-nhã, chỉ đắp ba y… Rộng nói tùy có chỗ mà ngồi. Làm các việc đó xong rồi, sau đó mới tu tập thiền định.

Lại có một loại người suy nghĩ: Đối với giáo pháp Đức Phật nói về các thứ thiền định cao quý ta chưa hề tu tập. Vậy trước hết ta cần nên đi thăm viếng núi sông đất nước, vườn tược rừng rậm, ao chum, núi cao, hang động, gò nổng đồi nương trống trải…, lễ bái khắp hết thảy, dạo thăm các chốn tòng lâm chùa chiền… Đợi xong các việc đó rồi, thì mới tu tập thiền định.

Lại có một số người suy nghĩ: Đối với giáo pháp của Phật nói về các thứ thiền định cao quý ta chưa hề tu tập. Vậy hãy đợi qua bảy năm, sáu năm, năm, bốn, ba, hai, một năm hoặc bảy tháng cho đến một tháng, hoặc qua bảy ngày cho đến một ngày, hoặc qua ngày này, qua đêm kia, qua thời giờ đã…, rồi sau đó sẽ tu tập thiền định. Người suy nghĩ như thế đâu biết rằng các sự nguy hiểm và vô thường đang chực chờ bên mạng sống của mình, nên khởi tâm tầm cầu, khắp nơi tầm cầu, cho đến duy tư phân biệt, gọi chung là bất tử tầm.

Thế nào là tầm miệt thị khi dễ người? Nghĩa là có một loại người suy nghĩ: Dòng dõi của ta, kể về gia tộc, sắc đẹp, sức khoẻ, nghề nghiệp đều khéo léo tinh xảo, gia sản sự nghiệp hoặc tiền của địa vị và giới định tuệ v.v…, tùy theo mỗi thứ thảy đều hơn hẳn mọi người… so với chốn khác, cậy vào các sự việc đó mà sinh lòng khinh miệt coi rẻ tất cả. Do đó mà khởi tâm tầm cầu, khắp tnơi tầm cầu, cho đến suy nghĩ phân biệt, gọi chung là tầm khinh dễ người.

Thế nào là tầm nhờ cậy dòng họ? Nghĩa là có một loại người đối với nhiều người không phải bà con nhưng cậy nhờ làm bà con thân thuộc, nên muốn cho tất cả đều được an vui, kết giao làm bạn bè tốt không có não hại. Cũng thành tựu tất cả các pháp không có não hại sầu lo. Được vua quan thương mến quý trọng, được người khắp nước ái mộ kính yêu. Lúa thóc đều trúng mùa, mưa hòa gió thuận. Do duyên này mà khởi tâm tầm cầu, khắp nơi tầm cầu…, cho đến suy tư phân biệt. Gọi chung là tầm nhờ cậy dòng họ.

Thế nào là sầu buồn? Nghĩa là có một loại người nhân việc cha mẹ, anh em, chị em, thầy tổ, bạn bè… chẳng may qua đời, hoặc bà con xa lìa mất cả, hoặc tiền của địa vị tất cả đều bị tiêu tán, khiến cho người này trong lòng hết sức bực bội dữ dằn cay đắng khó chịu muốn chết đi được. Trong lúc đó tâm người này rất nóng nảy khó chịu, bên trong nóng, khắp nơi nóng nảy bứt rứt…, liền sinh ra sầu buồn. Đã và sẽ buồn mãi, như tim bị trúng tên độc sầu buồn. Gọi chung là sầu buồn.

Thế nào là than thở? Nghĩa là có một loại người bởi vì cha mẹ, anh em, chị em, thầy tổ, bè bạn… chẳng may qua đời…, khiến cho họ đến nổi khó chịu muốn chết đi được. Bây giờ người ấy lòng nóng bứt rứt…, cho đến như tim bị trúng tên độc sầu buồn. Do duyên cớ đó mà cất lời đớn đau than thở: Cha ta mẹ ta… Rộng nói cho đến tất cả tiền tài địa vị của ta vì sao chỉ trong một sớm mà bỗng đến nỗi này chăng? Trong các lời than thương oán trách đó cùng mọi thứ ngữ nghiệp (nghiệp vì lời nói), thì gọi chung là than thở.

Thế nào là khổ? Nghĩa là các cảm xúc (thọ) năm thức tương ưng với chuyện bất bình, gọi chung là khổ.

Thế nào là lo? Nghĩa là các cảm xúc (thọ) của ý thức khi tương ưng với chuyện bất bình, gọi chung là lo.

Thế nào là rối rắm buồn rầu? Nghĩa là lòng luôn rối rắm buồn rầu. Đã và sẽ rối rắm buồn rầu mãi. Tính chất của buồn rầu rối rắm. Chủng loại của rối rắm buồn rầu, gọi chung là buồn rầu rối rắm.

Từ tham-sân-si… cho đến rối rắm buồn rầu (nhiễu não), đều gọi là tạp sự. Đối với những tạp sự này, nếu ai cố công đoạn dứt một thứ thì nhất định sẽ có thể không trở lại cõi thế gian này nữa. Vì khi đoạn một thứ, thì các thứ khác sẽ theo đó mà dứt. Cho nên Phật bảo đảm người đó nhất định sẽ đạt được việc không còn trở lại nữa.