LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 18: XỨ

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, có vị Phạm chí tên là Sinh Văn đến chỗ Phật chấp tay cung kính, dùng lời dịu dàng thăm hỏi Đức Thế Tôn. Phật cũng dịu dàng lịch sự thăm hỏi lại vị ấy. Sau khi thăm hỏi xong, vị Phạm chí ngồi sang một bên chấp tay cung kính bạch Phật: Con có đôi điều muốn hỏi Ngài Gotama cao quý, xin Ngài chỉ dạy tóm tắt.

Liền đó, Đức Thế Tôn bảo vị Phạm chí ấy: Thầy cứ mặc tình mà hỏi, tôi sẽ giải đáp đầy đủ.

Vị Phạm chí hỏi: Tất cả pháp, tại sao gọi là tất cả pháp?

Đức Thế Tôn bảo: Tất cả pháp tức là mười hai xứ. Ấy là:

  1. Nhãn xứ.
  2. Sắc xứ.3. Nhĩ xứ.
  3. Thanh xứ.
  4. Tỷ xứ.
  5. Hương xứ.
  6. Thiệt xứ.
  7. Vị xứ.
  8. Thân xứ.
  9. Xúc xứ.
  10. Ý xứ.
  11. Pháp xứ.

Đó là mười hai xứ. Lại có chỗ nói, các thứ này không phải là tất cả. Nói tất cả thì lại có pháp riêng biệt. Cái đó chỉ là nói chứ không phải là sự thật (cái có thật). Nếu có hỏi lại thì cũng chẳng hiểu biết gì cả. Và nếu sau này cứ mãi suy tư tìm xét thì chính mình lại càng mê muội mịt mờ. Vì tất cả pháp không phải là tình cảnh đó. Bấy giờ vị Phạm chí nghe lời Phật nói, hết sức vui mừng liền cung kính chào từ biệt ra về.

1. Thế nào là nhãn xứ (lĩnh vực của mắt)?

Đáp: Nghĩa là như nhãn căn (đã nói ở trước), nên phải nói rõ cái tướng của nó.

2. Thế nào là sắc xứ?

Đáp: Nghĩa là sắc được mắt đã – đang – sẽ thấy cùng đối tượng của nó, đó là sắc, lĩnh vực của sắc. Lại từ sắc là chỗ chính phát sinh ra nhãn thức, nó đã – đang – sẽ nhận rõ cùng đối tượng của nó, đó là sắc xứ. Lại đối với mắt thì sắc đã – đang – sẽ biến đổi cùng đối tượng của nó, đó là sắc xứ. Như thế hết thảy sắc quá khứ – hiện tại – vị lai thì đều gọi là sắc xứ, cũng gọi nó là sự hiểu biết… cho đến gọi là chứng tất cả. Vậy là thế nào? Nghĩa là bốn đại tạo ra các thứ màu xanh- vàng- đỏ- trắng – mây – khói – bụi – sương – dài – ngắn – vuông – tròn – cao – thấp, bóng thẳng hay xiên, ánh sáng hay bóng tối, một khi bày rõ các sắc tướng thì gồm có sắc màu trộn lẫn nhau như đỏ tía, xanh ngọc bích, xanh lục, màu đen mốc màu cháo lòng và hết thảy thứ khác mà mắt thấy được, nhãn thức hiểu biết được và có được tên gọi, khác lời thêm tiếng, các tưởng đều tưởng, đặt ra nói năng, gọi là sắc, là giới hạn của sắc, là lĩnh vực của sắc, là bờ bên kia… Như vậy lĩnh vực của sắc là sự thâu nhiếp bên ngoài.

3. Thế nào là nhĩ xứ?

Đáp: Nghĩa là như nhĩ căn, nên phải nói rõ cái tướng của nó.

4. Thế nào là thanh xứ?

Đáp: Nghĩa là tiếng đã- đang được tai nghe thấy và có cùng đối tượng của nó, đó là lĩnh vực của tiếng. Lại từ tiếng mà tai chính là nơi phát sinh nhĩ thức, nó đã-đang- sẽ nhận rõ cùng đối tượng của nó, đó gọi là lĩnh vực của tiếng.

Lại đối với tai, tiếng đã-đang-sẽ gây trở ngại cùng đối tượng của nó, đó là lĩnh vực của tiếng. Lại đối với tai, tiếng đã-đang-sẽ biến đổi cùng đối tượng của nó, đó gọi là lĩnh vực của tiếng. Như thế qua ba thời quá khứ-hiện tại-vị lai, hết thảy tiếng có được đều gọi là thanh xứ, cũng gọi nó là sự hiểu biết… cho đến gọi là chứng tất cả. Vậy là thế nào? Nghĩa là bốn đại tạo ra các thứ tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng bước chân, tiếng thổi ốc, tiếng chuông rung, tiếng trống lớn bé, tiếng ca ngâm tiếng vịnh tán. Và bốn đại còn giúp đỡ cho sự va chạm, tiếp xúc tạo thành các tiếng nói năng trong suốt ngày đêm. Và hết thảy thứ tiếng mà tai nghe được, nhĩ thức nhận thức hiểu biết được, đã có tên gọi, khác tiếng thêm lời, các tưởng đều tưởng, đặt ra nói năng, gọi là tiếng, là giới hạn của tiếng, là lĩnh vực của tiếng, là bờ bên kia. Như vậy lĩnh vực của thanh là sự thâu nhiếp bên ngoài.

5. Thế nào là tỷ xứ?

Đáp: Nghĩa là như tỷ căn, nên phải nói rõ về tướng của nó.

6. Thế nào là hương xứ?

Đáp: Nghĩa là hương đã, đang sẽ được mũi ngửi thấy với đối tượng đó. Đó chính là hương xứ. Lại từ hương, mũi chính là chỗ chính phát sinh ra tỷ thức. Nó đã, đang sẽ nhận rõ nhận biết các mùi hương và đối tượng của nó. Đó là hương xứ. Lại đối với mũi, hương đã-đang-sẽ gây trở ngại cùng đối tượng của nó, đó gọi là hương xứ. Lại đối với mũi, hương đã-đang-sẽ biến đổi cùng đối tượng của nó, đó là hương xứ. Như thế các thứ hương có được qua ba thời quá khứ-hiện tại-vị lai, đều gọi là hương xứ, cũng gọi nó là sự hiểu biết… cho đến gọi là chứng tất cả. Vậy là thế nào? Nghĩa là bốn đại tạo ra các thứ mùi hương của rễ, của thân cây, cành cây, lá hoa quả… hay mùi thơm, mùi thối, mùi bình thường và hết thảy mùi hương khác do mũi ngửi được, tỷ thức nhận thức hiểu biết được, đã có tên gọi, khác tiếng thêm lời, các tưởng đều tưởng, đặt ra nói năng, gọi là hương, là giới hạn của hương, là lĩnh vực của hương, là bờ bên kia… Như vậy lĩnh vực của hương là sự thâu nhiếp bên ngoài.

7. Thế nào là thiệt xứ?

Đáp: Nghĩa là cũng như thiệt căn, cần phải nói rõ cái tướng của nó.

8. Thế nào là vị xứ?

Đáp: Nghĩa là vị được lưỡi đã – đang – sẽ nếm biết cùng đối tượng của nó, đó là vị xứ. Lại từ vị mà lưỡi là chỗ chính phát sinh ra thiệt thức, nó đã- đang – sẽ nhận rõ cùng đối tượng của nó, đó là vị xứ. Lại đối với lưỡi, vị đã-đang-sẽ gây trở ngại cùng đối tượng của nó, đó là vị xứ. Lại đối với lưỡi, vị đã-đang-sẽ biến đổi cùng đối tượng của nó, đó gọi là vị xứ. Như thế các vị đã có trong ba thời quá khứ-hiện tại-vị lai, đều gọi là vị xứ, cũng gọi nó là sự hiểu biết… cho đến gọi là chứng tất cả. Vậy là thế nào? Nghĩa là bốn đại tạo ra các thứ vị của rễ cây, thân cây, nhánh cây, lá- hoa – quả, vị của thức ăn, thức uống và các thứ rượu, vị đắng, vị chát- ngọt- cay- mặn- lạt, vị thích ý, vị trái ý, vị không ghét không ưa (vị bình thường). Và các thứ vị khác mà lưỡi đã nếm, thiệt thức đã nhận thức hiểu biết, nên có tên gọi, khác tiếng thêm lời, các tưởng đều tưởng, đặt ra nói năng gọi là vị, là vị giới, là vị xứ, là bờ bên kia. Như vậy lĩnh vực của vị là sự thâu nhiếp bên ngoài.

9. Thế nào là thân xứ?

Đáp: Nghĩa là như thân căn, nên phải nói rõ về tướng của nó.

10. Thế nào là xúc xứ?

Đáp: Nghĩa là thân đã – đang – sẽ chạm xúc cùng đối tượng của nó, đó là xúc xứ. Lại từ xúc là nơi chính phát sinh ra thân thức, nó đã- đang – sẽ nhận rõ cùng đối tượng của nó, đó là xúc xứ. Lại đối với thân, xúc đã-đang-sẽ gây trở ngại cùng đối tượng của nó, đó là xúc xứ. Lại xúc đã- đang – sẽ gây biến đổi cho thân cùng đối tượng của nó, đó là xúc xứ. Như thế các xúc có được từ ba thời quá khứ-hiện tại-vị lai, đều gọi là xúc xứ, cũng gọi nó là sự hiểu biết… cho đến gọi là chứng tất cả.

Vậy là thế nào? Nghĩa là bốn đại và bốn đại tạo ra các tính chất trơn- rít – nhẹ – nặng – lạnh – ấm, đói khát và hết thảy các thứ khác mà thân căn cảm giác được và thân thức hiểu biết được, nên có tên gọi, khác tiếng thêm lời, các tưởng đều tưởng, đặt ra nói năng, gọi là xúc, là giới của xúc, là xứ của xúc, là bờ bên kia. Như vậy lĩnh vực của xúc là sự thâu nhiếp bên ngoài.

11. Thế nào là ý xứ?

Đáp: Là như ý căn, cần phải nói rõ về tướng của nó.

12. Thế nào là pháp xứ?

Đáp: Nghĩa là pháp được ý đã – đang – sẽ nhận biết cùng đối tượng của nó, đó là pháp xứ. Lại từ pháp mà ý chính là chỗ sinh ra ý thức, nó đã- đang- sẽ nhận rõ, đó là pháp xứ. Lại đối với ý mà pháp đã-đang-sẽ gây trở ngại, đó là pháp xứ. Lại pháp đã – đang – sẽ biến đổi đối với ý, đó gọi là lĩnh vực của pháp. Như thế các pháp có cả ba thời quá khứhiện tại-vị lai, đều gọi là pháp xứ, cũng gọi nó là sự hiểu biết… cho đến gọi là chứng tất cả. Vậy là thế nào? Nghĩa là các thứ thọ – tưởng – tư, xúc – tác ý – dục – thắng giải – tín – tinh tấn – niệm – định- tuệ – tầm tứ – phóng dật (buông lung), không buông lung, căn thiện – căn bất thiện – căn vô ký, tất cả các sự trói buộc của tùy miên, của tùy phiền não…, và các thứ có được mà trí hiện đang quan sát đạt được định vô tưởng, được định diệt tận, sự vô tưởng và mạng căn, trụ vào chúng đồng phần, có được sự, được xứ, được sinh – già – trụ – vô thường – danh thân – cú thân – văn thân – hư không – trạch diệt – không phải trạch diệt, và các thứ khác mà ý căn đã biết và ý thức đã hiểu ro, tên gọi, khác tiếng thêm lời, các tưởng đều tưởng, đặt ra nói năng, gọi là pháp, là xứ của pháp, là bờ bên kia. Như vậy lĩnh vực của pháp là sự thâu nhiếp bên ngoài.