LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 14: TU ĐỊNH

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú nơi vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệđa, thuộc thành Thất-la-phiệt. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Có bốn cách tu định. Những gì là bốn cách? Ấy là:

1. Như có cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để có thể chứng được sự an trụ trong pháp vui hiện đời (hiện pháp lạc trụ).

2. Như có cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để chứng được Trí kiến thù thắng.

3. Như có cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để chứng được tuệ phân biệt tốt nhất.

4. Như có cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để chứng được sự diệt hết các lậu.

1. Thế nào là cách tu định: Hoặc tu tập, hoặc làm đủ mọi cách để chứng được Hiện pháp lạc trụ?

Đáp: Nghĩa là có vị Bí-sô ly sinh hỷ lạc đối với thân mình. Nó thấm nhuần khắp nơi đều thấm nhuần, đầy đủ khắp nơi đầy đủ, vui thích khắp nơi đều vui thích. Do đạt được ly sinh hỷ lạc thì ngay trong thân người ấy, không một phần nhỏ nào mà không đầy đủ vẹn toàn, đó gọi là tu định.

2. Thế nào là cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để chứng được Trí kiến thù thắng?

Đáp: Nghĩa là có vị Bí-sô đối với tưởng quang minh mà khéo léo giữ gìn, suy tư, tu tập, thấu suốt; không hề có chút khác biệt nào, trong suốt ngày đêm, dù trước hay sau, dù trên hay dưới, luôn tìm cách khai mở tâm trí, lìa xa các màn che trùm; luôn tu tâm chiếu sáng mọi nơi, diệt trừ tâm mê tối và tu vô lượng pháp định. Đó gọi là tu định.

2. Thế nào là cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để chứng được cái tuệ phân biệt tốt nhất?

Đáp: Nghĩa là có vị Bí-sô khéo biết các thọ về sinh, các thọ về trụ và các thọ về sự diệt mất. Đối với các trụ niệm này không chỗ nào, khi nào là không trụ niệm, và khéo léo biết rõ các tướng, các tầm…, đối với sự khéo biết thì luôn luôn trụ niệm. Đó gọi là tu định.

3. Thế nào là cách tu định: Hoặc tu tập hoặc làm đủ mọi cách để chứng được sự diệt hết các lậu?

Đáp: Nghĩa là có vị Bí-sô đối với năm uẩn, luôn luôn theo dõi quan sát, thấy chúng luôn ở trong sinh diệt. Nghĩa là đây là sắc, đây là sự tập hợp của sắc, đây là sắc bị tiêu diệt; đây là thọ – tưởng – hành – thức, đây là sự tập hợp của thọ – tưởng – hành – thức, đây là sự diệt mất của thọ – tưởng – hành – thức. Đó gọi là tu định, tu tập thế nào và làm mọi cách để chứng thực diệt hết các lậu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tóm tắt các nghĩa đã nói trên nên đọc bài tụng:

Đoạn dục tưởng lo sầu,
Lìa hôn trầm ăn năn,
Được niệm xả thanh tịnh,
Pháp tầm tứ trước mặt.
Hiện pháp lạc là đầu,
Kế và thắng tri kiến, tuệ,
Phá các lậu vô minh,
Sau chứng quả giải thoát.

Tức là đối với thân mình thì thân cũng gọi là danh thân, căn cũng gọi là danh thân, nơi tụ họp tạo nên của bốn đại cũng gọi là danh thân. Nay nghĩa trong này là nói về danh thân do bốn đại tụ tập tạo ra.

Ly sinh hỷ lạc là ở bậc sơ Tĩnh lự thì có được các cảm xúc (thọ) vui vẻ. Cái cảm xúc đó (thọ đó) nó gồm cả thân khinh an thoải mái và tâm nhẹ nhàng khoan khoái thì gọi là vui mừng, vui tươi. Do lìa bỏ các dục và các điều dữ bất thiện mà khởi lên và sinh ra tất cả rồi tụ họp lại mà xuất hiện ra. Cho nên gọi là ly sinh hỷ lạc. Nó thấm nhuần khắp nơi đều thấm nhuần là một nghĩa, đầy đủ khắp nơi đều đầy đủ là một nghĩa, vui thích khắp nơi đều vui thích là một nghĩa. Do bậc thấp, bậc trung, bậc cao mà cách nuôi lớn có sai khác, giống như một người nông dân, lúc đầu dùng ít nước tưới lên các ruộng trên gò, khi các ruộng lúa trên gò được thấm đầy nước rồi, kế đó mới dùng nước hơn khá mà tưới, đến khi các ruộng gò đầy đủ nước thì sau đó dùng nhiều nước mà tưới. Bấy giờ các ruộng gò đều vui thích khắp nơi đều vui thích. Các thầy Bí-sô cũng thế, đầu tiên thì dùng phần ly sinh hỷ lạc thấp nhất để nuôi lớn cái thân do các đại tụ họp tạo nên, bấy giờ thân mình được thấm nhuần khắp nơi đều thấm nhuần, kế đến mới dùng pháp ly sinh hỷ lạc bậc trung mà nuôi dưỡng thân do các đại tụ họp tạo nên, khi đó thì thân mình đã khá đầy đủ khắp nơi đều đầy đủ. Về sau mới dùng pháp ở bậc cao mà nuôi lớn cái thân do các đại tụ họp tạo nên. Bấy giờ thân mình được vui thích khắp nơi đều vui thích với ly sinh hỷ lạc, trong thân mình không có một phần nhỏ nào mà không được đầy đủ, nghĩa là từ đầu đến chân với ly sinh hỷ lạc làm việc nuôi dưỡng không chỗ nào không đầy đủ cả. Đó gọi là tu định.

Thế nào là định? Nghĩa là đối với thân mình đã có ly sinh hỷ lạc thấm nhuần khắp nơi đều thấm nhuần, đầy đủ khắp nơi đều đầy đủ, vui thích khắp nơi đều vui thích. Cho nên tâm trụ đều trụ… trụ gần, an trụ, không hề tán loạn, luôn nhiếp giữ ngăn ngừa, có tính chất của tâm luôn chuyên chú vào một cảnh, gọi chung là định.

Thế nào là tu? Nghĩa là đối với định này hoặc tu tập, luôn luôn làm việc, không hề buông bỏ các gia hạnh, gọi chung là tu.

Hoặc tu tập, hoặc làm đủ mọi cách, tức là làm sáng tỏ định này có thể làm cho được tự tại và có thể khiến chứng được hiện pháp lạc trú, nghĩa là đối với định này nếu tu tập, hoặc làm đủ mọi cách, ở trong hiện pháp mà chứng được lạc trụ, rất đáng mến ưa thích thú, vừa ý vui lòng, mà không hề trông mong, không suy nghĩ mến mộ, luôn vắng lặng an ổn cho nên gọi là lạc trụ. Đối với các lạc trụ này mà có được thành tựu, luôn gần gũi tiếp xúc với quả chứng, cho nên gọi là chứng đắc.

Lại nữa, sơ tĩnh lự thâu nhiếp cả ly sinh hỷ lạc cùng đi chung với nhau, có tính chất của tâm chuyên chú vào một cảnh, nên gọi là định, tức là đối với định này, mà tu tập làm mọi cách và luôn làm việc, không buông bỏ các gia hạnh, gọi là tu.

Hoặc tu tập, hoặc làm đủ mọi cách, tức là làm sáng tỏ sự tự tại đó hay khiến cho chứng được hiện pháp lạc trú. Nghĩa như trước đã nói.

Đối với tưởng quang minh mà khéo léo thâu giữ

Thế nào là gia hạnh của định quang minh, phải tu gia hạnh nào để nhập được định quang minh?

Nghĩa là đối với định này, người mới tu nghiệp, trước hết nên khéo léo theo dõi nhìn mãi hình ảnh vầng trăng sáng sạch hay vầng mặt trời sáng chói, hoặc chất thuốc Mạt ni, hoặc hình ảnh sáng rực của Thiên cung, hay các ngôi sao rực sáng, hay ánh sáng đèn đuốc, hoặc theo dõi ánh sáng của thành ấp và sông núi bị thiêu cháy, hoặc ánh sáng cháy của mười gánh củi, hoặc hai mươi gánh, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, một trăm, một ngàn, một trăm ngàn hoặc vô lượng trăm gánh, vô lượng ngàn, vô lượng trăm ngàn gánh. Ánh lửa sáng phát cháy rừng rực của củi này, càng rực sáng trong suốt sáng lòa… Ta chọn lấy một tướng sáng đó rồi luôn theo dõi lắng lòng suy xét hiểu rõ, quan sát thấu suốt và bền bỉ mà phân biệt tìm hiểu. Nhưng trong khi đó nếu người ấy tâm còn bị tán loạn, bay nhảy dong ruổi theo các cảnh khác, không thể chuyên chú vào một cảnh, không thể giữ niệm khiến nó trụ vào một duyên… mà tư duy đến các tướng sáng đã chọn. Đến đây thì chưa thể gọi là gia hạnh của định quang minh được, cũng chưa thể nói là đã nhập định quang minh. Còn như trong lúc đó mà người này lại kìm giữ được tâm mình, khiến cho tâm không tán loạn bay nhảy khắp mọi nơi, mà có thể chuyên chú vào một cảnh, trụ niệm vào một duyên. Khi tư duy các hình tướng ánh sáng như thế mà phát sinh mạnh mẽ sự siêng năng chuyên cần…, cho đến lòng luôn cố gắng mãi không ngừng, thì đó mới gọi là gia hạnh của định quang minh, cũng gọi là đã nhập được định quang minh.

Với đường lối cách thức này, người đó đã tu tập, lại càng tu tập nhiều hơn mãi, liền khiến cho các tâm trụ đều trụ, trụ gần, an trụ, và cứ một mực giữ mãi như thế một cách chuyên nhất không lui sụt…, mà suy nghĩ về các hình tướng ánh sáng như thế. Đến đây thì mới gọi là nhập vào định quang minh, nhưng vẫn chưa thể gọi là tưởng của định quang minh.

Thế nào là tưởng của định quang minh? Nghĩa là phải nương theo các định quang minh trước đây mà suy nghĩ về các hình tướng của ánh sáng như trước, các tưởng đều tưởng, hiểu rõ và giữ lấy các hình tướng về ánh sáng đó, đã và sẽ nghĩ tưởng mãi như thế, thì gọi là tưởng của định quang minh.

Cái tưởng về định quang minh này, sở dĩ gọi là tưởng quang minh, là vì đối với tưởng quang minh mà khéo léo thâu giữ, nghĩa là đối với các tưởng này mà thâu giữ tuân hành một cách cung kính, ân cần, tôn trọng, suy tư tìm xét kỹ lưỡng về những cái nhân, pháp môn, nghĩa lý và phương tiện hành tướng của nó…, cho nên gọi là khéo léo thâu giữ.

Khéo léo suy tư, nghĩa là đã luôn luôn khởi lên tưởng về quang minh rồi thì luôn luôn suy tư nghĩ tưởng về tướng của quang minh, của hình tướng các thứ ánh sáng đã chọn đó.

Khéo tu tập, nghĩa là đối với các tưởng đó mà luôn luôn tu tập, rèn luyện làm đủ mọi cách, nên gọi là khéo tu tập.

Khéo thấu suốt, nghĩa là đều xét thấy hiểu rõ tưởng đó luôn quan sát tìm hiểu tinh tường, nên gọi là khéo thấu suốt.

Hoặc ngày hay đêm đều không sai khác, nghĩa là như đối với lúc ban ngày đã tìm xét kỹ lưỡng, tư duy, quan sát thấu hiểu rõ ràng, luôn phân biệt tìm hiểu một cách bền bỉ kiên trì về các hình tướng của ánh sáng như trước đã nói… như thế nào, thì đến phần đêm cũng quan sát tìm hiểu các tướng đúng y như thế.

Hoặc trước hay sau không hề sai khác, là đối với trước mặt hay sau lưng, đối với thời gian trước hay sau khi quan sát, tìm xét hiểu rõ các hình tướng ánh sáng ấy thế nào, thì trước mặt sau lưng hay lúc trước lúc sau đều y như thế cả.

Hoặc dưới hay trên không hề có sự sai biệt, nghĩa là như ở phương dưới tìm hiểu tư duy quán sát rõ ràng và luôn phân biệt tường tận, như những tướng ánh sáng trước đây, đối với phương trên cũng như vậy; như đối với phương trên thế nào thì đối với phương dưới cũng như thế. Vì vậy nói là hoặc dưới hay trên không hề có sự sai biệt.

Kể cả phương tiện quan sát tìm hiểu đối với phương trên thế nào thì đối với phương dưới cũng y như thế không hề sai khác.

Khai mở tâm trí là phát khởi ra ánh sáng, chiếu sáng rực rỡ, tươi mát sạch sẽ… có tâm cùng thực hành.

Lìa bỏ màn che là xa lìa các thứ hôn trầm mê ngủ ràng rịt che lấp cái tâm.

Dùng ánh sáng mà tu tập chiếu sáng cái tâm, nghĩa là luôn tu tập rèn luyện ánh sáng rực rỡ và tươi mát sạch sẽ khiến tâm có ảnh hưởng lớn.

Từ bỏ cái tâm mờ tối, nghĩa là trong tâm này không khởi lên các tướng tối tăm mờ mịt, mà chỉ khởi lên các tướng sáng suốt, như ánh sáng của đèn đuốc xua tan bóng tối.

Tu vô lượng định, là tu vô lượng định có tướng quang minh sáng suốt. Đó gọi là tu định.

Định là sao? Nghĩa là đối với sự sáng suốt (ánh sáng) mà xét tìm tư duy quan sát tìm hiểu và hiểu biết rõ ràng, luôn bền bỉ phân biệt tìm hiểu mà khởi lên các tâm trụ đều trụ…, cho đến có tính chất của tâm luôn chuyên chú vào một cảnh, thì gọi chung là định.

Tu là sao? Nghĩa là đối với định này nếu luôn tu tập, luôn thực hành, không buông bỏ các gia hạnh…, thì gọi chung là tu.

Hoặc tu tập làm đủ mọi cách, tức là chỉ rõ ràng có thể giúp ta được tự tại và có thể khiến ta chứng được tri kiến thù thắng tuyệt vời.

Thế nào là tri kiến thù thắng vi diệu? Nghĩa là đối với định này mà luôn tu tập rèn luyện, làm đủ mọi cách, luôn thực hành thì sẽ đạt đến ngôi vị toàn vẹn viên mãn nhất. Và từ ánh mắt cũ sẽ phát sinh thiên nhãn thanh tịnh do các đại ở cõi Sắc tạo nên. Rồi nương vào thiên nhãn này mà sinh ra nhãn thức thanh tịnh, lại y vào nhãn thức thanh tịnh này mà quán xét được tất cả các sắc trên dưới trước sau, trái phải…, đúng như các sắc tạo nên do các đại của cõi Sắc. Cũng nhờ thiên nhãn bên cạnh ánh mắt cũ như thế v.v… mà sinh ra nhãn thức thanh tịnh, rồi y vào nhãn thức này mà lãnh thọ (nhìn thấy) và quan sát các thức ấy. Đó gọi là tri kiến thù thắng tuyệt diệu. Cũng có người nói ấy là do ý thức thanh tịnh nên nhìn thấy hiểu biết thấu suốt. Tức là do ánh mắt thịt này biến thành thiên nhãn là mắt thần, nên gọi là thắng tri kiến (cái thấy biết tuyệt diệu). Nay nghĩa trong này như trước đã nói, là nhãn thức tương ưng với thắng tuệ (trí tuệ tuyệt diệu) nên gọi là trí, cũng gọi là kiến, nghĩa là thức của thiên nhãn tương ưng với thắng tuệ mà lãnh thọ, nhìn thấy và quan sát mọi thứ sắc ấy. Tri kiến thù thắng tuyệt diệu ở đây, là người ấy đối với định này nếu luôn tu tập rèn luyện, làm đủ mọi cách thì có thể chứng được tri kiến thù thắng, được thành tựu gần gũi tiếp xúc với sự chứng được tri kiến thù thắng. Cho nên gọi là chứng đắc.

Lại còn tâm cùng đi với tưởng quang minh mà chuyên chú vào một cảnh thì gọi là định. Tức là đối với định này mà luôn tu tập rèn luyện, làm nhiều cá và luôn thực hành, không hề buông bỏ các gia hạnh thì gọi là tu. Nếu luôn tu tập rèn luyện, làm đủ mọi cách, là làm sáng tỏ sự tự tại của định ấy, thì có thể khiến chứng được tri kiến thù thắng, nghĩa như trước đã nói.

Khéo biết rõ thọ sinh, thọ trụ, thọ diệt, biến mất cả, là quan sát tìm xét hiểu biết về các thọ sinh (các thọ về sinh), thọ trụ, và thọ diệt mà trừ hết các thứ đó.

Luôn trụ niệm, không chỗ nào không trụ niệm, là khi quan sát tìm thấy thọ sinh, thì đầy đủ chánh niệm chánh tri. Quan sát tìm các thọ trụ, thọ diệt cũng đầy đủ chánh niệm chánh tri.

Khéo tưởng, khéo biết về tầm, tức là xét biết quan sát về các tưởng tầm sinh là sao, tưởng tầm trụ là sao và tưởng tầm diệt là thế nào mà diệt trừ chúng cho hết.

Các trụ niệm đều trụ niệm, là khi quan sát tìm các tầm của tưởng về sinh thì đầy đủ chánh niệm chánh tri và khi tìm hiểu quán xét các tầm của tưởng về trụ về diệt mất thì cũng đầy đủ chánh niệm chánh tri như thế, đó gọi là tu định.

Thế nào là định? Là bấy giờ người ấy nghĩ: Nay ta nên đối với các pháp cần phải chánh tư duy, không khởi lên các pháp chẳng thiện, mà khởi lên các pháp thiện, không khởi lên các pháp vô ký, mà khởi lên các pháp hữu ký (cần ghi nhớ), khiến cho các pháp bất thiện chẳng dừng lâu, mà các pháp thiện thì còn mãi, khiến cho các pháp vô ký chớ dừng lâu, mà các pháp hữu ký thì còn mãi.

Ngay khi đó, người ấy cũng quan sát tâm, cũng quan sát các pháp tâm sở. Khi quan sát các pháp tâm và tâm sở thì khởi lên các tâm trụ đều trụ, cho đến tâm chuyên chú vào một cảnh…, thì gọi chung là định.

Thế nào là tu? Nghĩa là đối với định này, mà luôn tu tập rèn luyện, luôn thực hành, không buông bỏ các gia hạnh…, gọi chung là tu.

Nếu thường tu tập làm đủ mọi cách, tức là chỉ rõ định này hay đạt được tự tại.

Có thể khiến cho chứng được tuệ phân biệt tốt nhất, là luôn tu tập rèn luyện định này và làm đủ mọi cách thì có thể khiến cho tất cả các tuệ bất thiện, các tuệ không đúng lý và có bao nhiêu thứ tuệ làm chướng ngại cho định…, đều bị phá sạch, buông xả không khởi lên các tuệ trái nhau…, rồi cứ thế mà thêm lớn và bền bỉ giữ mãi, trụ mãi như thế. Do đây mà nói luôn khiến cho chứng được tuệ phân biệt tốt nhất. Tức là đối với tuệ này mà được thành tựu tiếp cận với quả chứng, nên gọi là chứng được.

Lại còn, khi quan sát xét tìm các tầm của thọ tưởng thì đều có tâm chuyên chú vào một cảnh, nên gọi là định. Tức là luôn tu tập rèn luyện định này, thực hành không buông bỏ các gia hạnh, nên nói là tu, và luôn tu tập rèn luyện mọi cách để làm sáng tỏ sự tự tại của nó, khiến cho chứng được tuệ phân biệt tốt nhất, nghĩa như trước đã nói.

Đối với năm uẩn luôn quan sát thấy nó luôn trụ trong sinh diệt v.v…, nghĩa là biết đúng như thật các thứ sắc sinh ra và biến đổi tiêu diệt, cũng biết đúng như thật các thọ- tưởng- hành- thức sinh ra, và biến đổi tiêu mất. Đó gọi là tu định.

Định là sao? Là luôn luôn theo dõi quan sát sự sinh diệt của năm uẩn này, rồi khởi lên các tâm trụ đều trụ cho đến tâm luôn chuyên chú vào một cảnh gọi chung là định.

Thế nào là tu? Là luôn tu hành rèn luyện định này, luôn thực hành, không buông bỏ các gia hạnh…, thì gọi chung là tu.

Nếu mãi tu tập rèn luyện đủ mọi cách, là làm sáng tỏ rằng định này giữ được tự tại, khiến cho chứng được sự dứt sạch các lậu.

Lậu tức là ba thứ lậu: Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Người ấy luôn tu tập rèn luyện định này, là làm đủ mọi cách có thể khiến cho ba lậu đều dứt sạch, khắp nơi đều dứt sạch, dứt sạch rốt ráo, nên gọi là dứt sạch các lậu. Do sự dứt sạch này mà có được thành tựu, tiếp cận với quả chứng, cho nên gọi là chứng đắc.

Lại còn, ở bậc tĩnh lự thứ tư, (đệ tứ thiền) thâu nhiếp xả niệm thanh tịnh cùng có mặt, để tiến đến quả A-la-hán là đạo vô gián, thâu nhiếp tâm vào một cảnh, gọi là định. Tức là đối với định này, mà luôn rèn luyện tu tập, luôn thực hành, không buông bỏ các gia hạnh, thì gọi chung là tu. Còn nếu luôn tu tập rèn luyện làm đủ mọi cách, là chỉ rõ nó luôn tự tại, khiến cho chứng được sự dứt hết các lậu. Các nghĩa đều như trước đã nói.